Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 6 tháng 2, 2016

Tản mạn năm Bính Thân và những người tuổi Thân



Ảnh chụp tại Hà Nội hôm 28 Tết (5/2/2016).

Tết đang về, chỉ vài ngày nữa Dê lui gót nhường đường cho Khỉ tới, ngày đầu của Bính Thân rơi vào 8 tây tháng Hai 2016 Dương Lịch.
Như lệ thường, Thanh Trúc mời quí vị theo dõi tản mạn câu chuyện những người mang tuổi thân, con vật tinh khôn được cho là gần gũi với hình dáng con người nhất.

Bắt chước những cái tốt của người ta để mình tiến thân

Theo ông Nguyễn Cung Thông từ Melbourne, Australia, nhà nghiên cứu về ngôn ngữ học liên quan đến tên gọi 12 con vật thân thiết với nền văn hóa nông nghiệp Việt Nam, Thân được đọc là Shen thế nhưng âm Shen này không dính líu gì đến tiếng Hoa cả:
Nhưng nếu chữ Thân kết hợp với một chữ nữa là chữ Khôn (viết bằng bộ Thổ cùng với chữ Thân) thì âm Khôn khôn này là một trong những âm cổ của chữ Thân. Đối với người Việt chúng ta thì Khôn này lại liên hợp với Khỏn, mà Khỏn chính là con khỉ trong tiếng Việt Mình hồi xưa. Tự điển của cụ Huỳnh Tịnh Của trong Đại Năm Tự Vị năm 1895 có nói Khỏn là con khỉ. Chính sự liên kết này chứng tỏ những âm Thân, Khôn, Khỏn chỉ đích danh con khỉ trong tiếng Việt của mình mà người Trung Quốc không bao giờ mường tượng được.
Có nhiều người nghĩ sinh năm Thân không gặp những điều may mắn vì câu ”Em đây luống những ngâm ngủi tủi thân“ hay “Còn tôi cứ mãi ngậm ngủi tủi thân”. Tôi nghĩ điều này sai lầm vì tui hổ chẳng dính gì đến tuổi tác.
-Nguyễn Cung Thông
Từ góc cạnh tôi nghiên cứu cách tính năm của Á Châu thời xưa thì 12 con Giáp với Thập Nhị Chi với Thập Can ( Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quí và Tí, Sửu, Dần, Mẹo, Thìn, Tỵ Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi) thì nói tóm tắt những năm mình phát âm ra như Mão(Mẹo, Mèo) Sửu( Trưu) Thân (Khôn, Khỏn, Khỉ) Hợi(heo), Ngọ (Ngựa) vân vân... là sự đóng góp của tổ tiên người Việt mình vào trong văn hóa Á Đông mà hồi đó tới giờ, bao nhiêu ngàn năm mình lầm tưởng và ngộ nhận là của người Trung Quốc. Ai cũng nghĩ và ai cũng gọi Chinese Zodiac chứ có ai gọi là Vietnamese Zodiac đâu. Tôi nghĩ tổ tiên cha ông chúng ta xưa kia rất gần gũi với 12 con vật này, phản ánh một nền văn hóa nông nghiệp truyền thống. Đôi điều bày tỏ cùng quí vị.
Nói vể năm Khỉ thì dân gian Việt Nam có câu “Người ta tuổi Ngọ tuổi Mùi, Em đây luống những ngâm ngùi tuổi Thân”
“Tuổi” ở đây là “tủi hổ” chứ không phải tuổi tác, “Thân“ở đây là “thân phận” chứ không phải Thân là năm, thành ra nó đã biến hóa và nó mang một nghĩa khác. Có nhiều người nghĩ sinh năm Thân không gặp những điều may mắn vì câu ”Em đây luống những ngâm ngủi tủi thân“ hay “Còn tôi cứ mãi ngậm ngủi tủi thân” . Tôi nghĩ điều này sai lầm vì tui hổ chẳng dính gì đến tuổi tác.
Chính vì thế, vẫn lời ông Nguyễn Cung Thông, nghĩ về số mạng là phải hướng đến suy nghĩ tích cực nhất:
Vì còn khỉ thích bắt chước lắm thành ra tôi nghĩ năm Thân là cơ hội cho mình phát triển mình bắt chước những cái tốt của người ta để mình tiến thân.
Đối với chiêm tinh gia Phước Lộc, hiện ngụ tại Orange County, California, năm Bính Thân là một năm còn nhiều chộn rộn lắm:
Năm này là Sơn hạ Hỏa, Hỏa sinh nhiều chuyện phiền toái máu lửa từ quốc tế cho tới Việt Nam. Lộn xộn lắm, đấu đá nhau đã làm cho đất nước mình càng ngày càng đi xuống. Còn trên thế giới thi năm Bình Thân này rõ ràng là cái năm bao nhiêu chuyện ghê gớm, bao nhiêu chuyện tang tóc, chưa giải quyết hết được đâu. Năm này tao loạn vô cùng.
Trước viễn ảnh khá là u ám như vậy thì liệu có tia hy vọng nào, ít nhất là cho Việt Nam. Thầy Phước Lộc:
“Cùng tất biến, biến tất thông” ...rồi cũng phải đi đến chỗ “thông” thôi, trên đời này có cái gì vĩnh viễn đâu. Phải nói đất nước mình tới kỳ cực suy, náo loạn, tranh giành quyền lực quá nhiều rồi. Tôi có nói trên đài “Chu Tước Đầu Giang” nghĩa là tất cả những con chim se sẻ đỏ sẽ lao mình xuống sông, giờ thí nó đương đi vào thế lao mình xuống sông đấy. Đất nước Việt Nam của mình có bao giờ chịu khuất phục đâu, cùng tất biến thì tự nhiên là đến một xã hội tốt đẹp hơn. Nhưng mà bây giờ tôi thấy những quẻ độn của tôi còn u ám lắm, con người còn cực khổ vô cùng.

Ảnh chụp tại Hà Nội hôm 26 Tết (5/2/2016).
 AFP PHOTO.
Về những người tuổi con khỉ bước sang năm Bính Thân, thầy Phước Lộc dẫn giải:
Bây giờ hãy nói từ Bính Thân 61 tuổi, năm nay cả nam và nữ đều vào cung Tuất, có ‘tang môn bạch hổ” và “lưu tang môn bạch hổ”, nhất là lại có “kình dương”và “lưu kình”ở trong cung Ngọ. Người ta bảo “Mã Đầu Đái Kiếm” tuồng như thanh gươm kề cổ con ngựa, thành ra Bính Thân sinh nhiều chuyện buồn phiền lắm. Bính Thân 61 tuổi là vừa đúng một vòng gọi là “ Lục Thập Hoa Gíáp” đúng 61 năm nó quay trở lại cho nên Bính Thân buồn nhiều vui ít.
Giáp Thân 73 tuổi là sao La Hầu và sao Kế Đô. La Hầu xấu cho nam, Kế Đô thì xấu cho nữ. mà thiên la địa võng lưới giang bốn mặt thành cũng gặp khó khăn. Tuy nhiên giờ chót nhờ “kình dương, “lưu kình dương” trong cung Ngọ, là con dao rạch được lưới thì nó cũng đỡ, Giáp Thân cuối cùng cũng có tiền mà không phải căng thẳng như Bính Thân.
Mậu Thân thì cũng gần như Bính Thân, cũng lưới giăng bốn mặt. Canh Thân cũng vậy thôi, cũng gặp “tang hổ” và “lưu tang hổ”.
Người Canh Thân thì có quí nhân giúp đỡ nhưng trước đó cũng phải sầu mình sầu mẩy nhức đầu nhức óc lắm. Tóm lại tuổi Thân dầu gì chăng nữa củng là buồn nhiều mà vui ít.

Có kiêng có lành

Nhân gian thường tin rằng “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành” Thanh Trúc nhờ thầy Phước Lộc chỉ hướng xuất hành ngày mùng Một Tết Bính Thân này để chúng ta cùng đi nhé:
Tốt thì giờ Tí, giờ Sửu là được, là từ 11giờ tới 3 giờ, hướng chánh Đông là hướng Tài Thần, Quí Thần là Tây Nam, Hỉ Thần là Tây Bắc, cửa khai thì ở Đông Bắc. Tùy theo chuyện làm ăn, muốn cái gì thì theo cái hướng đó. Nhưng mà chính Đông là hướng tài lộc có Tài Thần ở đó.
Năm tuổi không nói lên được điều gì hết, vì thế về cá nhân mà nhằm năm tuổi Bính Thân cũng không phải luôn gặp xui, là khẳng định của chiên tinh gia Phạm Đình Mai. Về đất nước là điều ông Phạm Đình Mai muốn chia sẻ hơn hết:
Thí dụ Nhâm Thân 1932 là mệnh Kim, Giáp Thân 1944 mệnh Thủy, Bính Thân 1966 là mệnh Hỏa. Mậu Thân 1968 mệnh Thổ, cho tới 2016 nay là mệnh Hỏa trở lại.
Thì sấm Trạng Trình chỉ tiên đoán đến năm 2016 mà thôi, chỉ nói “ngũ bách niên tiền ngũ bách niên hậu”. Nguyễn Bỉnh Khiêm sinh năm 1491, ngũ bách niên hậu thì 500 năm sau là cho đến 2016 là chám dứt rồi. Nói “Thân Dậu Niên Lai Kiến Thái Bình” mà năm nay Thân trở lại tức là cuối cùng rồi chứ không có Thân nào nữa hết. Thân Dậu này là cuối cùng rồi, nếu có biền đổi gì là biến đổi theo sấm Trạng Trình, cứ chờ đó coi có thấy thái bình hay không là Bính Thân này thôi.
Tốt thì giờ Tí, giờ Sửu là được, là từ 11giờ tới 3 giờ, hướng chánh Đông là hướng Tài Thần, Quí Thần là Tây Nam, Hỉ Thần là Tây Bắc, cửa khai thì ở Đông Bắc.
-Thầy Phước Lộc
Con người biết suy nghĩ, có ý thức đạo đức và tâm linh thì chuyện tin tưởng vào số mệnh và thói quen đi tìm thầy vấn kế đầu năm mới là một truyền thống tốt đẹp. Tiến sĩ Đằng Sơn, tác giả những đầu sách nghiên cứu như Tử Vi Hoàn Toàn Khoa Học I, Tử Vi Hoàn Toàn Khoa Học II, Kinh Dich Hoàn Toàn Khoa Học Tập I, Mệnh Lý Hoàn Toàn Khoa Học, trình bày cùng quí vị:
Tin vào cõi tâm linh, trường hợp này là vấn đề số mạng, tôi thấy rất là bình thường với điều kiện đừng có lậm vào nó để bị sai lầm, đó là những cái cần phải tránh.
Nhìn từ khoa học thì “Bính” chỉ là 1 trong 10 yếu tố gọi là Thiên Can, “Thân” là 1 trong 12 yếu tố người ta gọi là Địa Chi. Trong nghiên cứu của tôi thì một lý thuyết của Á Đông là thuyết Tam Tài thì Thiên như là Trời, Chi như là Đất. Bính là Trời, Thân là Đất, Bính Thân cộng lại là Nhân. Rồi Dần, Thân, Tị, Hợi gọi là Tứ Mã thường có những biến động lớn, người sinh ra trong mấy năm đó thường đời sống không có được bình thường.
Nhưng một khi đã nghiên cứu sâu từ căn bản khoa học, tiến sĩ Đằng Sơn giải thích tiếp, người ta sẽ thấy tất cả vấn đề chỉ còn là sác xuất:
Chẳng hạn tôi không thể nhìn một người Bính Thân để nói rằng đời anh sẽ thế này thế kia, nhưng có vài điều mình có thể khẳng quyết được rằng Bính là Hỏa, Thân là Kim, mà Bính Thân lại là Hỏa nữa và trong đó có yếu tố là Địa tức là Chi bị khắc nhưng nói vậy thì rắc rối quá nhiều. Tức là Bính Thân nằm trong 4 góc Dần Thân Tị Hợi là có nhiều biến động.
Vì vậy Việt Nam mình cha mẹ rất sợ sinh con gái tuổi Thân tuổi Dần. Hai tuổi đó có điểm rất lạ là sao Hồng Loan rơi vào sai chỗ. Nghe chữ Hồng Loan cảm thấy là phái nữ chứ gì nữa, thì sao đó rôi vào sai chỗ trong 2 năm Dần và Thân. Con gái tuổi Dần sắc sảo mà tình duyên lận đận, con gái tuổi Thân thường rất đảm đang mà tình duyên lại xui xẻo. Chỉ phái nữ mới bị như vậy thôi, mà nhớ là tất cả chỉ là sác xuất thôi nhé.
Đặc biệt cho những người tuổi Thân năm nay, từ Bính Thân rồi i Giáp Thân, Canh Thân, Mậu Thân, Nhâm Thân vân vân, tiến sĩ Đằng Sơn cho biết đời sống cả nam lẫn nữ đều có nhiều biến động cả:
Tôi có đặt thành một câu thiệu cho dễ nhớ:
Tứ Mã Cực Đoan
Tứ Mộ Thường Thường
Đào Hoa Duyên Nghiệp
Tứ Mã Cực Đoan là Dần Thân Tị Hợi thì cực đoan. Tứ Mộ Thường Thường tức là Thìn Tuất Sửu Mùi thì nhiều khi có chuyện lớn rồi cũng thành nhỏ. Đào Hoa Duyên Nghiệp, tức là tứ đào hoa Tí Ngọ Mẹo Dậu, thì hay bị lắm duyên lắm nghiệp, tùy hoàn cảnh có khi gọi là trái ngang có khi gọi là thay đổi.
Đó là phần số mạng của những người đặc biệt đó, nhưng dĩ nhiên nhắc lại là chỉ sác xuất thôi.
Khoa tử vi thường căn cứ trên “ Dần Thân Tị Hợi Tứ Hành Xung” hoặc “ Thân Tí Thìn Tam Hạp “ , tiến sĩ Đằng Sơn lý giải:
Lý thuyết đó có phần có lý nhưng sác xuất nhỏ, Thân Tí Thìn gọi là “Tam Hợp”, Dần Thân Tị Hợi gọi là “Xung”, nhưng phải hiểu nó chỉ là một con toán nhỏ trong bài toán rất lớn. Muốn coi chính xác thì phải lấy lá số tử vi năm, tháng, ngày, giờ đàng hoàng.
Nhiều khi nhiều người năm kỵ mà cuối cùng vì giờ, tháng, ngày nó hợp nhau đâm ra cuối cùng còn hợp hơn cả những tuổi khác. Ý tôi muốn nói rằng yếu tố của năm không phải là không quan trọng nhưng nó không quan trọng đến độ như mình tưởng vậy thôi.
Vừa rồi là tản mạn về năm Thân, về những người tuổi Thân, những biến chuyển kỳ diệu của cuộc sống bước vào một năm Bính Thân rất mới đang về gần trước ngõ. Thanh Trúc kính chúc quí vị một năm khang an, thịnh vượng, hạnh phúc.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Lời nhắc nhở cho VN tỉnh táo, khôn khéo


* VŨ KHOAN
Thực trạng thế giới và bản thân nước ta nhắc nhở phải rất tỉnh táo, ra sức củng cố nội lực, chủ động, khôn khéo ứng phó mọi biến động đang và sẽ xảy ra.
Lâu nay, ta thường nhận định “tình hình thế giới diễn biến phức tạp, ẩn chứa nhiều nhân tố khó lường”. Cục diện quốc tế năm qua quả đúng vậy!
Có thực mới vực được đạo! Hãy bàn về tình hình kinh tế trước. Nhìn chung kinh tế thế giới có tăng trưởng nhưng các dự báo liên tục được điều chỉnh theo hướng giảm dần.
Từ Tây Âu tới Nga, Nhật Bản, thậm chí cả một số nền kinh tế mới nổi, trong đó có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc… năm nay cũng không còn sung mãn như trước.
Vậy vì đâu nên nỗi? Nguyên do có nhiều và mỗi nước mỗi cảnh. Cái chung là hệ lụy của cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ bùng phát năm 2008 tiếp tục kéo dài mà cuộc khủng hoảng nợ đẩy Hy Lạp đến bờ phá sản là một biểu hiện. Nhưng đó chỉ là bề nổi. Phải chăng ẩn sau sự uể oải của nền kinh tế toàn cầu là những nhân tố sâu xa, cơ bản hơn cho thấy nó đang trải qua thời kỳ khủng hoảng mang tính cơ cấu?
Cái kiểu vay nợ để phát triển và bảo đảm phúc lợi xã hội có thể đẩy đất nước vào tình trạng phá sản. Cái mô hình chạy theo tốc độ bằng mọi giá có thể hụt hơi và để lại nhiều hệ lụy về tính bền vững. Cái cơ cấu kinh tế dựa quá mức vào các ngành kinh tế ảo hết sức rủi ro. Cái thế mạnh dựa trên khai thác dầu khí cũng dễ hở sườn. Cái chiến lược trông chờ quá mức vào xuất khẩu khá bấp bênh.
Thấm đòn về những bài học trên, xem ra bàn dân thiên hạ đang phải loay hoay điều chỉnh. Quá trình tái cơ cấu rộng lớn như vậy không thể hoàn tất trong một sớm một chiều mà sẽ còn dài dài. Bước vào 5 năm mới, đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc, kinh tế nước ta không thể không tính đến thực trạng này và những bài học của các nước.
Một trong những toa thuốc người ta sử dụng để chữa trị là liên kết kinh tế, đẩy mạnh quá trình tự do hóa thông qua việc hình thành các khu vực thương mại tự do mọc lên như nấm sau mưa. Năm 2015 đánh dấu cuộc chạy đua đàm phán và ký kết hàng loạt thỏa thuận thuộc loại này mà Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là thí dụ điển hình được nói tới nhiều nhất. Liều thuốc ấy đắc dụng tới đâu cần có thời gian để kiểm chứng nhưng không khéo sẽ nảy sinh trạng thái chồng lẫn, ganh đua, rối rắm như món đặc sản Italia “spaghetti”, còn ở ta gọi là “canh hẹ”.
Cục diện chính trị - an ninh  phức tạp trong năm thể hiện qua những sự căng thẳng đối đầu, chạy đua vũ trang, trừng phạt lẫn nhau… làm cho kinh tế đã rối càng rối. Điều đó dễ hiểu thôi vì kinh tế và chính trị luôn gắn quyện với nhau. Nóng nhất theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng là tình hình Trung Đông, Bắc Phi với tâm điểm là Syria. Khu vực này vốn là nơi tích tụ những mâu thuẫn gay gắt về chính trị, kinh tế, xã hội, tôn giáo, chủng tộc và lợi ích chiến lược của các nước lớn. Chiến tranh lạnh kết thúc cũng là lúc mở đầu các cuộc chiến tranh, xung đột nóng kéo dài hàng chục năm nay do mâu thuẫn bên trong nhiều nước và do sự can thiệp từ bên ngoài.
Nét mới của năm 2015 là cuộc chiến chống tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) gia tăng cường độ với sự tham gia của cả Nga. Để hiểu được căn nguyên những mâu thuẫn nội tại, tính toán của các nước lớn, sự ra đời và lớn mạnh khá nhanh của IS cũng như các thế lực khủng bố khác cần tới hàng pho sách. Ngay lúc này đây thế giới đứng trước vô vàn câu hỏi chưa có lời đáp: Tình hình nội bộ Syria sẽ đi về đâu? Vì sao IS phát triển nhanh, ai nuôi dưỡng chúng, ngoài các hoạt động khủng bố như vụ làm nổ máy bay Nga trên bán đảo Sinai và vụ tàn sát dã man ngày 13-11-2015 ở Paris, chúng có thể làm gì nữa ở đâu, lúc nào? Liệu liên minh chống IS có thể tiêu diệt được chúng bằng không kích chăng? Nội bộ liên minh chống IS bền chặt tới đâu, nhất là Mỹ vừa cần sự hợp tác của Nga, vừa tiếp tục gia tăng trừng phạt Nga, và sau vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Nga liệu hai nước còn nhìn mặt nhau? Dòng người tị nạn từ Trung Đông đổ vào Tây Âu bao giờ chấm dứt, hệ lụy chính trị, an ninh, xã hội, kinh tế sẽ thế nào, “bà già châu Âu” sẽ xoay xở ra sao?
Những câu hỏi ấy sẽ vắt sang năm 2016 và những năm tiếp theo. Thêm vào đó những phức tạp chung quanh tình hình Ukraine bị các cuộc xung đột khác che khuất một thời vẫn âm ỉ, đôi khi ngọn lửa lại bùng cháy mà biểu hiện là “cuộc chiến khí đốt” giữa nước này với Nga vào những ngày đông giá lạnh.
Một điểm nóng khác từ những năm trước được chuyển tiếp sang năm 2015. Đó là tình hình trên Biển Đông. Cái mới là việc Trung Quốc gia tăng bồi đắp, xây dựng các cơ sở quân - dân sự trên các bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam gây nên lo ngại không chỉ đối với Đông - Nam Á, mà cả toàn cầu vì một trong những con đường hàng hải và hàng không quan trọng hàng đầu thế giới qua đây. Chẳng thế mà ngoài ASEAN, các tổ chức, diễn đàn như Liên hiệp châu Âu (EU), Nhóm bảy nước công nghiệp phát triển (G-7), Hội nghị Cấp cao Đông Á và cả Tổng Thư ký Liên hợp quốc… công khai biểu tỏ thái độ ái ngại.
Đối đầu, căng thẳng chẳng đem lại lợi ích cho ai và năm nay đã hé lộ vài mảng sáng. Quan hệ phương Tây - Nga xem chừng có vài biểu hiện le lói về chiều hướng làm lành trước nguy cơ chung từ khủng bố. Các cặp quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản, Nhật Bản - Hàn Quốc và cục diện tay ba Trung - Nhật - Hàn, thậm chí quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan cũng chứng kiến chuyển động từ rạn nứt sang hàn gắn; ngay hai miền Triều Tiên cũng có vài động thái giảm căng thẳng đan xen tiếng bấc tiếng chì, dọa dẫm lẫn nhau. Vấn đề hạt nhân của Iran được giải tỏa sau nhiều năm bế tắc. Mỹ thực thi chính sách bao vây, cô lập Cuba mấy chục năm nay, cuối cùng cũng phải nối lại quan hệ ngoại giao với “hòn đảo Tự do”.
Vòng về khu vực Đông - Nam Á, không chỉ có sự bất an trên Biển Đông mà chúng ta còn được chứng kiến những điều tốt lành hơn, trong đó có hai sự kiện mang tính cột mốc. Đó là sự ra đời của Cộng đồng ASEAN dựa trên ba trụ cột chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội, tạo điều kiện cho Hiệp hội liên kết chặt chẽ hơn, phát triển mạnh mẽ hơn, uy tín quốc tế được nâng cao hơn. Sự kiện quan trọng thứ hai là kết quả cuộc tổng tuyển cử tự do ởMyanmar mở ra khả năng thực hiện hòa giải dân tộc và phát triển đất nước giàu bản sắc văn hóa và đầy tiềm năng kinh tế này.
Giống như thời tiết nóng nhất từ trước tới nay, thời tiết kinh tế, chính trị quốc tế năm nay nóng nhiều hơn mát. Khí hậu nóng do El Niño gây ra, còn cái nóng về kinh tế - chính trị toàn cầu chủ yếu do con người gây ra. Nhưng con người vốn có đầu óc; hy vọng những cái đầu nóng sẽ hồi tỉnh để cùng chung sức xây đắp một thế giới yên bình, phồn vinh hơn.
Nước ta vẫn được hưởng sự ổn định chính trị - an ninh; sau mấy năm trắc trở, lạm phát đã thấp, kinh tế đã tăng hơn, quan hệ ngoại giao không ngừng được mở rộng, vị thế quốc tế ngày càng được nâng cao… Tiếng vậy cũng chẳng thể gối cao đầu ngủ yên. Kinh tế nước ta vẫn đứng trước nhiều thách thức mà áp lực nợ công gia tăng là một mối lo, sự tụt hậu về trình độ phát triển so nhiều nước ngày một xa, quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng chưa nhích được bao nhiêu, năm 2020 nước ta vẫn chưa thể trở thành nước công nghiệp… Trong khi đó, mối lo bất ổn trên Biển Đông vẫn còn đó; những rắc rối trên thế giới không thể không ảnh hưởng tới ta… Thực trạng thế giới và bản thân nước ta nhắc nhở phải rất tỉnh táo, ra sức củng cố nội lực, chủ động, khôn khéo ứng phó mọi biến động đang và sẽ xảy ra.
V.KtuanVN
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Bao giờ nông dân có mùa Xuân đổi mới?


Nếu không cải cách được thì nền nông nghiệp VN đứng trước những khó khăn vô cùng to lớn, cũng sẽ không hình dung nổi là sẽ đi đến đâu và nhất là số phận của người nông dân, một bộ phận rất đông đảo trong xã hội VN sẽ đi tới đâu nữa - Bà Phạm Chi Lan.

Nông dân phơi lúa trên một cánh đồng ở huyện Phú Nhuận, tỉnh Tiền Giang, ảnh chụp trước đây. Tại Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 12 vừa qua, Chủ tich Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Quốc Cường nói rằng, người nông dân Việt Nam hy sinh nhiều nhất, đóng góp nhiều nhất, nghèo nhất, được hưởng lợi ít nhất và bức xúc nhiều nhất. Những nông dân “5 nhất” của nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam đang trông đợi một mùa Xuân đổi mới.


Tại sao nông dân làm không đủ ăn?

Nông dân Sáu Học ở đồng bằng sông Cửu Long không nằm trong trường hợp được nhà nước chia ruộng đất sau năm 1975. Ông có 10 công ruộng là thừa hưởng của cha mẹ và tự mình sang nhượng thêm 10 công ruộng khác vị chi là 20 công tầm lớn tương đương 2,5 ha. Ông từng thành công trong trồng lúa và nuôi cá tra, nhưng về lâu về dài ảnh hưởng sản xuất tự phát ồ ạt và thị trường nông sản không bền vững, sổ đỏ của ông nằm ở Ngân hàng với số nợ 500 triệu không trả. Ngoài ra Sáu Học còn cầm cố tất cả ruộng đất của mình cho người khác với số tiền khoảng 300 triệu đồng. Hiện nay ông Sáu Học thuê đất đào ao nuôi cá tra để mưu sinh, con trai ông không còn làm nông mà mở quán bán hàng.

Nói chuyện với chúng tôi Sáu Học cho biết đã hết rồi thuở thanh bình xưa cũ, khi xuân về xóm giềng cùng nhau hạ thịt và chia phần, cùng nhau canh nồi bánh tét. Những ngày xưa đầm ấm như thế có lẽ đã cách nay mười mấy, hai chục năm.

“Tết thì hàng năm ăn nhỏ ăn lớn gì cũng phải ăn, người có tiền ăn theo có tiền, người không có tiền ăn theo không có tiền, nhưng ít gì cũng phải mua vài cặp bông chưng cho có vẻ Tết. Ra chợ mua mớ cam quýt, bánh kẹo về cúng ông bà, khách khứa tới. Người Việt Nam ai cũng vậy thôi, ít gì cũng phải có vài triệu để mà ăn Tết. Hỏi nợ, hỏi nần, hỏi vay gì thì cũng phải kiếm tiền mà ăn Tết… hồi đó trong xóm Tết thì có năm, ba người mần heo mình chia thịt để cúng, Hồi đó Tết cỡ 27-28 là bắt đầu mần heo rồi. Bây giờ người ta không làm vậy nữa mà ra chợ mua.”

Trong nhiều năm qua, nông nghiệp luôn là bệ đỡ cho nền kinh tế. Xuất khẩu gạo luôn ở trong tốp ba hàng đầu thế giới, xuất khẩu cà phê hạng nhất hạng nhì. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2015 đạt hơn 30 tỷ đô la. Thế tại sao nông dân lại rất nghèo, làm không đủ ăn, những trường hợp như Sáu Trọng còn là khá, vì ông từng có hơn 2 ha ruộng, trong khi số đông chỉ có vài công đất. Ngược lại cũng có một thiểu số nông dân giàu có, sắm ô tô để thăm đồng, họ được mô tả là những “cán bộ nông dân” giàu có tích tụ được nhiều đất đai. Nhưng đây chỉ là những chuyện rất hiếm hoi, những câu chuyện thần tiên.

Những năm gần đây, Nông nghiệp Việt Nam bắt đầu xuất hiện những đại công ty có khả năng lớn về tài chính, làm nông nghiệp theo hướng sản xuất tập trung áp dụng khoa học công nghệ hiện đại. Các dự án này bao gồm từ trồng trọt cho tới chăn nuôi, đạt kết quả phấn khởi hạ giá thành sản xuất một cách rất cạnh tranh, sản phẩm đạt chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy vậy những mô hình sản xuất tập trung tiên tiến này vẫn chỉ là đếm trên đầu ngón tay, so với con số hơn chục triệu hộ gia đình nông dân trên cả nước.

Đối với thực trạng sản xuất nông nghiệp, hiếm khi người nông dân được nghe ông Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam nói thật. Trong tư cách Ủy viên Trung ương Đảng khóa 11 vào thời điểm hoàng hôn nhiệm kỳ, ông Nguyễn Quốc Cường mới mạnh dạn gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh, kêu gọi Đảng và Nhà nước xã hội chủ nghĩa không thể bỏ mặc nông dân trong cảnh nghèo khổ triền miên.

Ông Nguyễn Quốc Cường đưa ra những thông tin làm nhiều người giật mình. Đây là những sự thật khó che dấu nhưng chính phủ tránh không đề cập tới. Trong số 5 nguy cơ của nông dân, đáng chú ý và cụ thể nhất là khoảng cách giàu nghèo giữa cư dân nông thôn và thành thị. Trước Đại hội Đảng, hôm 23/1/2016 vừa qua, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Quốc Cường, được xem là giới chức cao cấp đầu tiên của Đảng nói thẳng vào sự thất bại của chế độ kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đối với nông dân. Thành phần này lại chiếm tới 60-65% dân số Việt Nam. Chúng tôi xin trích nguyên văn lời ông Nguyễn Quốc Cường: “Nông dân đang bị phân hóa giàu nghèo và xu thế ngày càng tăng. Trước đổi mới khoảng cách là 3,5 lần; đầu đổi mới 5,6 lần và hiện tại khoảng cách này là 10,2 lần.”

Nông nghiệp đứng trước những khó khăn

Khoảng cách giàu nghèo giữa cư dân nông thôn và thành thị được cảnh báo là còn tăng hơn nữa, trước áp lực hội nhập nhanh và sâu rộng hiện nay như AEC Cộng đồng Kinh tế ASEAN, TPP Hiệp định Đối tác Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU cũng như một loạt các Hiệp định thương mại tự do khác mà Việt Nam đã ký kết.

Trước ngày Cộng đồng Kinh tế ASEAN hiệu lực 31/12/2015, TS Lê Đăng Doanh nguyên Viện trưởng Việt Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương từng bày tỏ quan ngại về việc các công ty lớn của nước ngoài đang dần dần chiếm lĩnh hệ thống bán lẻ ở Việt Nam.

“Nếu như siêu thị của họ phục vụ tốt hàng hóa lại bán rẻ có chất lượng tốt thì lúc bấy giờ hàng hóa của Việt Nam sẽ không có đất sống và các doanh nghiệp Việt Nam sẽ không thể tồn tại được. Điều đó sẽ đe dọa với cả nền nông nghiệp Việt Nam, thí dụ trái cây Thái Lan rẻ và ngon, trái mít cũng ngon hơn trái mít của chúng ta, quả nhãn quả xoài cũng ngon hơn. Chưa thuế suất bằng 0 nhưng tôi về đồng bằng Cửu Long đã thấy trái cây Thái Lan khá nhiều, không muồn dùng chữ tràn ngập nhưng đã là khá nhiều rồi… thế thì tôi thấy những điều ấy rất là lo lắng.”

Tại Đại Hội Đảng lần thứ 12 vừa qua, trước khi nói tới nguy cơ thứ 5 là phân hóa giàu nghèo, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Quốc Cường đã chỉ ra 4 nguy cơ khác. Đó là tình trạng giảm nhanh tỷ lệ đầu tư xã hội cho phát triển nông nghiệp nông thôn từ 32,4% những năm 1989-1990 đến mức chỉ còn 6,06% trong những năm 2012-2014. Do vậy thu nhập của nông dân giảm và tạo ra tâm lý nông dân không muốn làm nông nghiệp. Ngoài ra quá trình đô thị hóa, rồi ảnh hưởng chính sách ruộng đất phân tán, phát triển nông nghiệp không thể áp dụng công nghệ hiện đại và hàng loạt bất cập khác tiềm ẩn những nguy cơ bất ổn xã hội nông thôn.

Đề cập tới sức ép cạnh tranh toàn diện trên nhiều sản phẩm nông nghiệp trong giai đoạn Việt Nam hội nhập nhanh với thế giới. Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế ở Hà Nội, kêu gọi nhà nước phải nhanh chóng cải cách.

“Nếu không cải cách được thì nền nông nghiệp Việt Nam đứng trước những khó khăn vô cùng to lớn, cũng sẽ không hình dung nổi là sẽ đi đến đâu và nhất là số phận của người nông dân, một bộ phận rất đông đảo trong xã hội Việt Nam sẽ đi tới đâu nữa. Tôi cho rằng sức ép về nhiều mặt cũng như đòi hỏi cuộc sống người nông dân, nó đòi hỏi Việt Nam thực sự thực hiện cải cách rất mạnh mẽ đối với nông nghiệp như là một cuộc cách mạng xanh mà một số nước đã làm. Ở đây là cả việc tổ chức lại sản xuất, cả việc xem lại chế độ sở hữu đối với đất đai, cũng như là về các khía cạnh kỹ thuật đối với sản xuất nông nghiệp.”

Những người nông dân như ông Sáu Học ở đồng bằng sông Cửu Long đã quen với việc làm nông đầu tắt mặt tối mà chỉ đủ ăn. Họ tỏ ra thờ ơ với việc đổi đời một lần nữa, họ chưa thấy một mùa xuân đổi mới dù Bộ trưởng NN-PTNT Cao Đức Phát được giao trọng trách thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững từ giữa năm 2013. Ba năm vừa qua nông nghiệp nông dân nông thôn chưa thấy tiến bộ. Qua Đại hội 12 ông Cao Đức Phát vẫn được tái cử vào Trung ương Đảng, liệu ông có thể đổi mới được gì cho nông nghiệp nông dân nông thôn, để người nông dân có được một mùa xuân đổi mới thực sự.

N. N

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Sài Gòn có phố lá dong


(TTO) - Như một điểm hẹn những ngày giáp tết ở một con đường, bao nhiêu năm đã trôi qua nhưng vẫn có người theo thói quen lại cuối năm đi về phía chợ Ông Tạ chỉ để mua bó lá dong xanh...

< Con đường lá dong những ngày giáp tết.

Rạng sáng cuối tuần rồi đi ngang chợ Võ Thành Trang (*), P.14, Q.Tân Bình, TP.HCM, chợt thấy những bó lá dong đang dỡ xuống. Bên cạnh là lá chuối và dây lạc.

< Những bó lá dong đang bày bán bên đường.

Mấy ngày sau, đi qua con đường Cách Mạng Tháng 8, đoạn ngang P.7, Q.Tân Bình, lại thấy một màu xanh ngát của lá dong, trắng tinh của dây lạc. Và những khung tre, khung gỗ, khung kim loại của những chiếc khuôn gói bánh chưng tết...

< Lá dong bày trên hè.

Mùa chợ lá dong tết đã về tự lúc nào.

Chợ lá dong Ông Tạ, gọi vậy thôi chứ chỉ kéo dài hơn 500m, nhiều nhất vẫn là ngoài hàng rào Trường THCS bán công Tân Bình. Một cái chợ “vỉa hè” mỗi năm chỉ rộn ràng vào dịp trước tết Nguyên đán, bán chỉ tuyền mặt hàng là lá dong xanh, dây lạc trắng và khuôn gói bánh.
Dulichgo
Theo một số người xưa ngụ tại khu vực ngã ba Ông Tạ (ngã ba đường Phạm Văn Hai - Cách Mạng Tháng 8), chợ lá dong này hình thành từ những di dân phương Bắc, với tinh thần giữ lấy truyền thống văn hóa xưa. 

Bình thường thì khu vực ngã ba này đã có một khu chợ chuyên bán buôn các thương phẩm dành cho người dân gốc Bắc. Rồi khi tết đến xuân về, những người dân đất Bắc lại tụ về đây, nhộn nhịp mua bán lá dong, loại lá dành để gói bánh chưng, món bánh tết truyền thống.

< Một phụ nữ đang lựa khuôn bánh.

Bao nhiêu năm đã trôi qua, lá dong bây giờ có mặt ở khắp nơi trong mọi sạp chợ, nhưng vẫn có những người dân gốc Bắc, theo thói quen lại cuối năm đi về phía chợ Ông Tạ, cũng chỉ để mua bó lá dong, mớ dây lạc về để cả nhà cùng tề tựu gói bánh.

< Thùng nấu bánh chưng.

Còn tại chợ lá dong Ông Tạ này, luôn có những người bán “thâm niên” trên 10 năm, 20, 30 năm... Khách mua cũng có khi là người trẻ, cũng có khi là người già có tính chỉnh chu, phải mua ở chợ này mới hài lòng.

Cũng có nhiều chủ hàng, quanh năm bán buôn thứ khác, nhưng đến mùa giáp tết lại quay về đây buôn bán lá dong. Dù chỉ bán trong vòng mươi ngày, nhưng vẫn bền bỉ theo đuổi, như một “nét quen văn hóa” phải có.

< Cắt cuốn lá dong cho khách mua.

Các chủ hàng cho biết với lá dong phương Nam, người mua kẻ bán thường chuộng lá dong ở vùng Bà Điểm (Hóc Môn) vì lá dẻo, gói bánh không bị nứt. Nhưng nhiều năm gần đây, trong cơn sốt đô thị, lá dong Bà Điểm ngày càng hiếm đi vì diện tích trồng bị thu hẹp.

Hiện tại đang bán là lá dong vùng Gia Kiệm, Phương Lâm, Long Khánh (Đồng Nai) và các vùng xa như Bảo Lộc, Lâm Đồng.

< Tấp nập người mua kẻ bán trên chợ lá dong.

Tại chợ, lá dong thường được phân chia làm ba loại: loại 1 (còn gọi là lá đại), loại 2 (lá nhất) và loại 3 (lá nhỏ). Ngoài khách mua lẻ, còn có rất nhiều bạn hàng “đến hẹn lại lên” là các tiểu thương chợ nhỏ, các lò nấu bánh trong thành phố.
Dulichgo
Cứ như thế, chợ lá rộn ràng, chộn rộn trong chừng hai mươi ngày. Vỉa hè chợ tấp nập người ghé đến, người buộc lá mang đi, người lựa, người mua và bán.

< Khách chọn lựa khuôn bánh.

Như một điểm hẹn mướt xanh màu lá trong những ngày giáp tết ở một con đường, tạo nên một điểm sáng lung linh ấm áp, khiến ai đi qua cũng thấy lòng rạo rực, như đón mùa xuân đang về.

Từ xa lắm, một vài người bạn của tôi lại vừa gọi điện về, hỏi thăm "chợ lá dong Ông Tạ đã đông vui chưa?".

< Chở lá dong đã mua về nhà.

Cũng có những người Việt xa xứ, chân đi khắp Đông Tây Nam Bắc, mùa xuân xứ người lại tâm trạng buồn vui lẫn lộn, lại than là nhớ, nhớ từng cái bánh chưng xanh, từng tép dưa hành...

Rồi lại chuyển sang nổi nhớ những ngày cuối năm âm lịch, đi ngang ngã ba Ông Tạ, thấy bên đường người ta bày bán lá dong xanh...

Theo Trần Duy (Dulich.Tuoitre)
Du lịch, GO!

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Ý nghĩa TPP đối với các cường quốc Mỹ – Trung – Nga


Vũ Ngọc Yên
6-1-2016
Nguồn ảnh: internet
Nguồn ảnh: internet
Bộ Trưởng thương mại và kinh tế của 12 nước (Canada, Brunei, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Austrialia, Mỹ, Nhật Bản và Việt Nam) đã chính thức ký Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào ngày 4-2, tại thành phố Auckland, Tân Tây Lan (New Zealand).
TPP là một Hiệp định thương mại tự do (FTA) chủ trương liên kết các nền kinh tế phát triển và đang phát triển thuộc khu vực Châu Á – Thái Bình Dương thành một cộng đồng mậu dịch xóa bỏ các loại thuế quan và rào cản hàng hóa giữa các nước thành viên. Cộng đồng TPP có 800 triệu dân, chiếm 30% kim ngạch thương mại toàn cầu và gần 40% sản lượng kinh tế thế giới. Hiệp định sẽ có hiệu lực thi hành sau khi Quốc hội các nước thành viên phê chuẩn.
Các quốc gia Đông Nam Á một măt chào mừng sự hình thành TPP, nhưng mặt khác tỏ ra lo sợ về chủ trương đối nghịch của các cường quốc Mỹ – Trung – Nga  đối với Hiệp định có thể dẫn đến tranh chấp quân sự tại Thái Bình Dương.
Mỹ chủ động thúc đẩy việc ký kết hai dự án thương mại khu vực to lớn: Hiệp định đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) và Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Trong bối cảnh xoay trục sang Á châu (pivot to Asia), TPP mang nhiều ý nghĩa địa chính trị đối với Mỹ. Chính quyền Mỹ đánh giá Á châu – Thái Bình Dương là trọng tâm kinh tế và chiến lươc thế giới trong thế kỷ 21, nên Mỹ muốn xây dựng mối liên kết sâu rộng với một khu vực đang phát triển, đồng thời tăng cường sự hiện diện tại khu vực thông qua quan hệ thương mại. TPP sẽ là công cụ giúp Mỹ điều chỉnh lại chiến lược kiềm chế sự trỗi dây của Trung Cộng. Mỹ và hầu hết các quốc gia ở Đông Nam Á không muốn nhìn Trung Cộng ngày càng mạnh.
Dan Ikenson, chuyên gia thương mại của Học viện nghiên cứu kinh tế – chính trị CATO (Mỹ) đã có nhân xét trên báo trực tuyến gazeta.ru “Hiện tại TPP là một câu lạc bộ không có cửa cho Nga Sô và Trung Cộng bước vào”.
Nhận thức mục tiêu chiến lược chuyển trục sang Á châu của Mỹ là nhằm cô lập Trung Cộng và biến Hiệp định TPP thành một đối trọng với Trung Cộng, giới lãnh đạo cộng sản Trung quốc đã phản ứng bằng kế hoạch ba điểm của chủ tịch đảng Tập Cận Bình đề ra vào năm 2013:
– Lập căn cứ quân sự trên các đảo ở biển Đông.
– Thành lập Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng Á châu (Asian Infratructure Invesment Bank – AIIB).
– Xây dựng Con đường Tơ lụa mới (New Silkroad: one belt, one road) gồm hai phần: Vành đai (Hành lang) kinh tế trên bộ và Con đường tơ lụa trên biển.
Trong quá trình thực hiện chương trình ba điểm, việc xây dựng các căn cứ quân sự trái phép trên các quần đảo ở Biển Đông không thuộc chủ quyền Trung Cộng đã gây ra phản ứng lo ngại từ nhiều nước trong vùng. Nhưng chủ trương xây dựng Con đường tơ lụa mới và thành lập Ngân hàng AIIB đang được nhiều nước ủng hộ. Đặc biệt sự thành lập AIIB được các nhà phân tích chiến lược đánh giá là một nước cờ Trung cộng đẩy Mỹ ra ngoài cũng như thoát được chủ trương ngăn chặn ảnh hưởng của Trung cộng thông qua Hiệp đinh TPP. Đến nay đã có trên 57 nước tham gia vào AIIB, trong đó  có  Đức, Anh, Pháp, Italia, Canada, Nga, Úc, Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Ả Rập Xê Út, Nam Phi, Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, Áo, Đan Mạch, Phần Lan, Luxembourg, Hà Lan, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Bỉ, Séc, Hungary, Iran, Kuwait, Qatar, Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất UAE. Brunei, Campuchia, Lào, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Về phía Nga Sô, Chủ tịch quốc hội Sergej Naryschkin đã phê bình chủ đích chiến lược  của Mỹ thông qua cácHiệp định thương mại TPP và TIPP là lập ra các liên minh kinh tế khu vực để vô hiệu hóa vai trò của tổ chức thương mại thế giới (WTO). Các Hiệp định này sẽ là mô hình có thể áp dụng cho các thỏa thuận thương mại trong tương lai ở mọi khu vực trên thế giới. Natalia Stapran, Giám đốc trung tâm nghiên cứu các dự án APEC cho rằng, Mỹ lôi kéo các quốc gia Á châu vào TPP và áp đăt những quy định mới trong các lãnh vực thương mại, dịch vụ, đầu tư, tài chính, cạnh tranh, sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn lao động, xã hội, môi trường… hầu dễ dàng nhúng tay vào nội bộ các nước thành viên.
Về mặt kinh tế, thứ trưởng kinh tế Stanislaw Woskresenski cho biết, TPP không ảnh hưởng nhiều đến thương mại nước Nga. Tuy nhiên, Nga nghi ngờ Mỹ sẽ bổ túc TPP thêm những biện pháp quân sự để chống lại ảnh hưởng của Nga và Trung Cộng trong khu vực Thái Bình Dương.
Trong một bài viết trên tuần báo WPK, Chuyên gia kinh tế Alexej Tschitschkin xác tín Mỹ sẽ sử dụng liên minh quân sự ANZUS (Mỹ, Úc, Tân Tây Lan) làm cơ bản cho môt kết hợp mới. Từ 2013 Mỹ đã gia tăng nhiều cuộc tập trận chung và đại diện bộ quốc phòng Anh cũng luôn hiện diện. Tschitschkin nêu ra những chi tiết: Giới truyền thông Mỹ luôn nhắc đên chính sách ngăn chặn Nga sô và Trung cộng. Mỹ quan ngại các hoạt động của Bắc kinh ở Thái Bình Dương là mối đe dọa thật sự cho quyền lợi chiến lược của Mỹ và các đồng minh trong vùng. Ngoài ra Mỹ còn quan tâm đến đảo có tài nguyên dầu khí Trường sa (Spratly) – Biển Đông mà Trung công đã chiếm…
Bên cạnh minh ước ANZUS, Mỹ còn ký các thỏa ước song phương về viện trợ quân sự cũng như hợp tác với Nhật, Nam Hàn, Nam Dương và Phi luật  tân. Trong tương lai, các căn cứ quân sự của Mỹ trong vùng sẽ phục vụ cho TPP. Tschtschkin kết luận bài báo, Mỹ thống trị TPP với chủ trương ngăn chặn ảnh hưởng của Nga và Trung cộng hầu củng cố vị thế chính trị và kinh tế trong vùng. Chương trình kinh tế Marshall đã thi hành tại Âu châu sau Đệ nhị thế chiến, đã mở đường cho sự thành hình Tổ chức quân sự NATO và mô hình này cũng sẽ được áp dụng thông qua TPP. Nga Sô và Trung Cộng có cùng nhận xét: Hiệp định TPP trong tương lai sẽ là một loại Tổ chức quân sự Đông Minh Ước  Đại Tây Dương (Đông NATO) của Mỹ.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

HÀNH TRÌNH..

1. chúng tôi vào đời

2. thấy dao

3. thấy thờ

4. thấy mắt

5. chúng tôi cần chứng nhận sự hiện hữu của mình

6. chúng tôi chờ đợi

7. chúng tôi mệt, thiếp đi chốc lát

8. rồi mơ mộng

9. chúng tôi thấy tương lai

10. có những thứ mát lạnh, và nhiều màu

11. ở một thế giới khác

12. thức giấc, sắp đến cuối đường, chúng tôi lại đi

13. rồi khuất



Phần nhận xét hiển thị trên trang

bài thơ tặng con vượn núi lang thang


những đám mây loét
ngược gió
những ngọn đồi cởi quần áo
những đồng cỏ và các cuộc chiến tranh
 
tôi nấp trong hẻm núi và chờ đợi
thảo nguyên giống cái miệng đói của tấm thảm ngựa vằn
kể lại truyền thuyết loài chim ăn thịt
 
trong đêm ra mắt bóng tối
tôi nếm vị ngọt dải thiên hà
lồng ngực bận rộn các ngôi sao
những con côn trùng lấp lánh
 
nơi sừng quẫy đạp bức bích hoạ trên đá cháy
tiếng gầm dữ dội của loài thú ăn đêm
hay tiếng cười linh cẩu
làm sao vẽ được cái chết tráng lệ từ ngọn lửa
 
tôi trốn trong cái nôi yên tĩnh bên bờ vực
dưới tán lá xanh um những nhà thơ mọc như rừng
mùa xuân ẩn cư quanh lều cây bụi thấp
 
 

Phần nhận xét hiển thị trên trang