Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 6 tháng 2, 2016

Báo TQ 'tự khen đảo nhân tạo'

Image copyrightReuters
Image captionĐường băng trên bãi đá Chữ Thập chỉ là một trong ba đường băng được Trung Quốc xây dựng trong hơn một năm qua
Trang China Youth Net của Trung Quốc tự khen đảo nhân tạo của họ và mô tả 'nỗ lực kiến tạo đảo phi pháp' của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa bị bão biển phá tan.
Bài đăng hình chụp vệ tinh mà các trang Trung Quốc như Sina, Baidu đăng lại từ nguồn của China Youth Net (cyol.net - bản điện tử của Thanh niên Nhật báo) nói rằng bão Jasmine hồi tháng 12/2015 đã phá hỏng công trình xây 'hai đảo nhân tạo' ở Corwallis South Reef.
Đây là một phần của nhóm đảo Trường Sa mà Việt Nam gọi là Đá Núi Le.
Bài báo, được trang The Diplomat trích đăng lại cũng nhạo báng "công nghệ kém của Việt Nam" trong quá trình xây cất.
Phía Trung Quốc đưa ra nhận định rằng Việt Nam bắt đầu công tác này từ tháng 4/2015.
So sánh với công trình kiến tạo đảo của Trung Quốc "làm rất tốt" thì phía Việt Nam có thực hiện được một ít tại Đá Núi Le nhưng phần bồi đắp đã bị "cuốn trôi" sau cơn bão.
Bản tiếng Trung đăng trên trang Sina mục quân sự cũng nói rằng công tác 'dùng sa thạch kiến tạo đảo nhân tạo' của phía Việt Nam nay 'vô phương tiến triển'.
Image copyrightXINHUA
Image captionHai chuyến bay thử nghiệm của Trung Quốc đáp trên bãi đá Chữ Thập hôm 6/1
Trung Quốc vốn lâu nay nhận chủ quyền tại khu vực Biển Đông mà họ gọi là Nam Hải còn Philippines gọi là Biển Tây Philippines.
Đường băng trên bãi đá Chữ Thập chỉ là một trong ba đường băng được Trung Quốc xây dựng trong hơn một năm qua bằng cách nạo vét hàng triệu tấn cát bồi đắp lên bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa đang có tranh chấp.

'Kế hoạch công phu'

Đầu tháng 1/2016, Tân Hoa Xã cho biết hai chiếc phi cơ của Trung Quốc đã đáp thành công xuống đảo mà tên quốc tế là Fiery Cross Reef thuộc quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc gọi là Nam Sa.
"Các chuyến bay thử thành công chứng minh rằng sân bay có khả năng đảm bảo hoạt động an toàn cho các phi cơ dân sự cỡ lớn," Tân Hoa Xã đưa tin và nói thêm rằng sân bay này sẽ phục vụ cho việc vận chuyển đồ tiếp vận, nhân viên và viện trợ y tế.
Image copyrightXinhua
Image captionTrung Quốc khánh thành hải đăng trên bãi đá Châu Viên
Tuy nhiên họ không đưa thêm chi tiết về loại phi cơ được sử dụng trong chuyến bay thử này.
Hiện chưa thấy báo chí Việt Nam bình luận gì về các tin tức này.
Trang The Diplomat cho hay họ không thể kiểm chứng chuyện "Việt Nam xây đảo nhân tạo" cũng như các hình vệ tinh mà Trung Quốc nói là chụp Đá Núi Le.
Tuy nhiên, hôm 4/2, cũng trang web tiếng Anh này có bài của Koh Swee Lean Collin, một nhà nghiên cứu từ Singapore, mô tả "Việt Nam có kế hoạch công phu" để tăng cường năng lực quân sự tại Biển Đông, từ khả năng trinh sát, theo dõi bằng vệ tinh, drone tới đầu tư vào phi cơ, hỏa tiễn và tàu ngầm nhằm hiện đại hóa hải quân.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Vẫn gọi "Tàu lạ" ư? Lạ nhỉ?

Cú đâm tàn ác của ‘tàu lạ’ đầu năm mới

tau la tong chim tau ca
Tàu cá QNg 98459 TS bị tàu lạ tông chìm trên biển. Lá cờ tổ quốc còn bay phần phật trên sóng dữ- Ảnh cắt từ clip do ngư dân ứng cứu quay lại.

Ngày đầu năm 2016, một tàu cá ngư dân Quảng Ngãi đã bị đâm chìm. Phẫn nộ hơn, khi ngư dân bị hất văng xuống biển chới với kêu cứu thì chiếc ‘tàu lạ’ quay lại tiếp tục đâm vào tàu…


Dã man
Hành trình thoát chết của tàu cá QNg 98459 TS do thuyền trưởng Huỳnh Thạch (44 tuổi, trú thôn Phần Thất, xã Phổ Quang, Đức Phổ, Quãng Ngãi) lèo lái cùng 9 thuyền viên đã kết thúc khi cập vịnh Mân Quang (Đà Nẵng) vào chiều 2.1.
Một ngày đầu năm mới quá khủng khiếp đối với họ ngay trên biển quê nhà.
Chiếc tàu cá này, xuất bến từ ngày 31.12 của năm cũ, phơi phới tinh thần hướng lên vịnh Bắc Bộ để đánh bắt hải sản ‘mở hàng’ cho năm mới 2016.
Vịnh Mân Quang chiều đông, trời lạnh và tối. Neo bên chiếc sà lan cũ kỹ trước trạn biên phòng, chiếc tàu cá QNg 98459 TS bị tông nát cabin, mạn tàu gãy ngang dọc, áo quần dụng cụ của thuyền viên mất sạch.
Ở trên bờ, những người phụ nữ mới bắt xe từ Đức Phổ, Quảng Ngãi ra ngồi vật vờ trong gió chướng, họ ra với chồng con thoát nạn trở về. Vài chiếc tàu cá bạn Quảng Ngãi ré máy chạy tới thăm nom bạn thuyền.
Trong trạm biên phòng Mân Quang, thuyền trưởng Thạch và các thuyền viên đang khai báo việc bị ‘tàu lạ’ tấn công. Đến 7g tối, việc mới xong.  
Cu tong dau nam moi cua ‘tau la’-hinh-anh-1
 Thuyền trưởng Huỳnh Thạch bần thần trên con tàu bị tông nát khi được kéo về Đà Nẵng- Ảnh: Lê Đình Dũng.
Chân đi cà thọt về lại tàu vì dính vết thương nhẹ sau tai nạn, thuyền trưởng Thạch không còn nhiều sức lực.
Ông kể: tàu chúng tôi đi ngày 31.12.2015, đến trưa ngày 1.1.2016, đang chạy hướng lên vịnh Bắc Bộ để đánh cá. Lúc này anh em ngủ trưa cả, tôi phải cầm lái. Trời động, gió lạnh nên phải đóng hết cửa cabin. Tàu cũng không bật chế độ ghi nhận tàu gần trên hệ thống định vị.
Chúng tôi đang chạy tà tà tầm 5 hải lý/giờ. Bất ngờ một chiếc tàu lao tới đâm sầm vào mạn trái. Cabin vỡ sập khi nó chồm lên. 7 anh em đang ngủ bị hất nhào xuống biển. Tôi và 2 anh em khác bám được nên không rơi.
“Tôi giữ chắc bánh lái và nhìn về phía tàu đâm mình để kêu cứu. Tàu nó màu xanh đậm, cabin mà xám, có chữ tượng hình, dạng giống như tàu làm ghẹ mà ngư dân TQ hay dùng, tàu bọc sắt, dài khoảng 30 m. Chỉ thấy hai thằng ngư dân ở ngoài. Tôi và anh em ở dưới biển kêu nó quay lại cứu. Nó chạy vòng lại và tiếp tục đâm vào trực diện phía mũi tàu”, thuyền trưởng Thạch kể.  
Cu tong dau nam moi cua ‘tau la’-hinh-anh-2
 Có sự dã man nào thế này không?
Ông Thạch, khi đứng gần đồn biên phòng cùng chúng tôi, vẫn chưa hết hoàn hồn. Giọng ông đã khản đặc từ lúc nào, giờ chỉ là thều thào trước gió thổi vào từ cửa biển Đà Nẵng.
Ông nói tiếp: “Vị trí chúng tôi bị tông cách Cồn Cỏ khoảng 60 hải lý, trong khu vực biển Việt Nam. Nó tông ác quá, toàn bộ máy móc, điện thoại rơi hết, đồ đạc, thức ăn mất hết. Tàu thì đang chìm dần, mà anh em thì đang chới với dưới biển động. Lúc đó tôi rất hoảng”.
“La làng mà không được. Nhưng may sao còn sót lại cái bộ đàm nhỏ nên tôi liền gọi mấy tàu bạn anh em mình tới. Gần 1 tiếng đồng hồ mấy đứa mới tới. Lúc đó tàu đã chìm ngập lút rồi, lút hơn 2 phần chiếc. Anh em tới vừa cặp kè vừa vứt hết đồ nặng trong tàu, thay nhau tát nước ra. Có bao nhiêu đá lạnh vứt ra cho tàu nhẹ. Múc nước hết mấy tiếng đồng hồ tàu mới nổi lên”.
Anh Nguyễn Hồng Hào (39 tuổi), thuyền viên của tàu cá gặp nạn kể: “Lúc đó chúng tôi đang ngủ, bỗng bị tông sầm một cái, 7 anh em rớt xuống nước hết. Lúc đó không biết gì cả, kêu cứu mà nó không cứu, tàu bị chìm, vội trồi lên, thấy cái gì đó thì quơ đại, rồi anh em xúm vào tàu thay nhau tát nước để cho tàu nổi lên”.
Cu tong dau nam moi cua ‘tau la’-hinh-anh-3
 Anh Hào nói, bị chìm xuống biển, kêu cứu mà nó quay lại tông tiếp...-Ảnh: Lê Đình Dũng.
Còn thuyền viên Trần Tiết (40 tuổi) miêu tả: “Chúng tôi làm biển quen nên biết, cái tàu đó là tàu sắt, mũi dài, nó to như tàu hải quân, nó hay đánh ghẹ. Tàu Việt Nam có xí thôi còn tàu nó rất to. Nó tông cái là tụi tui rơi xuống nước. Chúng tôi cố trồi lên rồi kêu cứu. Nó không cứu mà quay lại tông một cái nữa. Mấy anh em tìm đồ trôi nổi rồi bơi về tàu”.
“Lúc đó biển động, chúng tôi chìm hết rồi, cố vươn lên để mà sống. Tàu lúc đó chìm xuống biển còn khoảng nửa mét, nếu tàu khác mà không đến thì chìm luôn”, ông Tiết nói như khóc.
Nợ nần lại bủa vây
Chẳng ai trong 10 thuyền viên lại nghĩ rằng chuyến ra khơi đầu năm đau đớn và suýt về với biển cả như vậy. Chỉ chậm thêm tí nữa là họ có thể mất mạng, may sao còn có chiếc điện đàm nhỏ gọi cơ quan chức năng. Thuyền trưởng Thạch cho biết. 
Theo ông nhận định, chiếc tàu lạ chạy từ hướng trong bờ ra tông vào mạn trái của tàu mình đang đi lên hướng bắc, nên có thể tàu lạ vào đánh bắt trộm gặp phải cơ quan chức năng của Việt Nam nên chạy ra, tông luôn tàu mình.
Cu tong dau nam moi cua ‘tau la’-hinh-anh-4
 Những gì vớt vát lại được- Ảnh: Lê Đình Dũng.
Anh Huỳnh Bi, em trai anh Thạch, thuyền trưởng tàu cá QNg 94429 TS, tàu đã tiếp cận cứu nạn tàu QNg 98459 TS kể lại: “Lúc đó chúng tôi đang ở cách đó vài lý, bỗng nghe điện đàm của anh Thạch kêu: 94429, cứu tàu 98459! 98459 đang chìm, 94429 cứu gấp. Lập tức tôi cho tàu chạy tới vị trí tàu bị nạn đồng thời báo thêm các tàu bạn khác. Khi chúng tôi đến thấy nhiều mảnh của tàu anh Thạch vỡ tan nổi lềnh bềnh trên biển. Tôi liền kêu anh em cho tàu áp sát từ từ rồi vừa vớt những vật bị trôi, vừa cho anh em qua tát nước trong tàu chìm ra, vất những thứ không cần thiết cho nổi lên. Lúc đã vớt được tàu gặp nạn, biển đang động dữ dội nên anh em phải neo lại chờ biển bớt động rồi mới kéo từ từ về Đà Nẵng”.
Đồn biên phòng Sơn Trà (Bộ chỉ huy BĐBP Đà Nẵng) cho biết, trước mắt lực lượng đang ghi nhận lời khai ban đầu của các ngư dân QNg 98459 TS. Sau đó sẽ tiếp tục các biện pháp nghiệp vụ để xác minh vị trí gặp nạn trên biển, hoạt động của các tàu bè đánh bắt vào thời điểm xảy ra tai nạn để tìm được danh tính tàu tông tàu cá.
Chưa biết cơ quan chức năng có xác minh được tàu lạ tông chìm tàu cá Việt Nam hay không. Nhưng với những thuyền viên tàu QNg 98459 TS, đã bắt đầu đổ nợ ngày đầu năm mới.  
Cu tong dau nam moi cua ‘tau la’-hinh-anh-5
 Những người phụ nữ vật vờ chờ chồng  ở cửa vịnh Đà Nẵng- Ảnh: Lê Đình Dũng.
Thuyền trưởng Thạch cho biết, giá trị con tàu của anh khoảng hơn 1,5 tỉ đồng. Chưa nói phí tổn (mua sắm các vật dụng, dầu nhớt, đá…cho một chuyến ra khơi) lần này khoảng hơn 100 triệu đồng.
Anh Thạch nói, giọng khào khào: “Tui cũng chưa biết thế nào nữa, nhưng anh em bạn thuyền thì mất sạch, tiền bạc, vật dụng, điện thoại”. 
Vợ anh Thạch ngồi bên bờ vịnh, vật vờ cùng mấy chị em vợ bạn thuyền trong đêm tối nhá nhem của vịnh Mân Quang…
Lê Đình Dũng

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tết đoàn viên đầu tiên của anh em ông Đoàn Văn Vươn

  

Tet doan vien dau tien
Ông Đoàn Văn Vươn chăm sóc đàn vịt biển sắp đến ngày xuất chuồng. Ảnh: Mai Linh

Tết Bính Thân 2016 này là Tết đoàn viên đầu tiên của gia đình ông Đoàn Văn Vươn sau biến cố cưỡng chế đất đai ở khu Cống Rộc, xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, TP.Hải Phòng hồi đầu tháng 1.2012.


Ngày 26 tháng chạp, khu đầm nuôi trồng thủy sản của gia đình ông Vươn chìm trong sương mù, mưa phùn lất phất và gió lạnh buốt rít lên từng hồi. Cống Rộc vẫn vậy, rừng cây ngập mặn lá rụng trơ cành hằn lên bầu trời xám xịt ngày cuối năm. Dường như khu bãi ngoài đê không có vẻ của Tết khi vắng tiếng người. Chúng tôi gặp lại ông Vươn khi ông cùng con trai là Đoàn Xuân Quỳnh (21 tuổi) đang dở tay trộn thức ăn cho đàn vịt biển kêu quàng quạc dưới đầm.
Tết năm nay vui nhất!
Cách đây 4 tháng, Quỳnh trở về nhà sau hơn nửa năm cùng anh em trong làng sang Trung Quốc làm nghề in ấn trên quần áo. Khi ấy, ông Vươn đã ở nhà, tập trung cải tạo lại khu đầm. Hằng ngày cậu cùng bố ở ngoài đầm chăm đàn vịt biển hơn 1.000 con và trông nom đầm nuôi cua, cá chép… “Cháu rất khâm phục bố vì bố mới về được hơn 5 tháng mà đã làm cho khu đầm trù phú trở lại, trước đây xơ xác lắm”, Quỳnh nói.

Tet doan vien dau tienMặc dù Tết đã cận kề, nhưng Quỳnh vẫn cùng bố Vươn cải tạo lại khu đầm bãi để mở mang sản xuất, chăn nuôi. Ảnh: Mai Linh 
Cậu vốn là sinh viên ngành Công nghệ sinh học của Trường đại học Hải Phòng nhưng đã quyết định bỏ học giữa chừng vào đầu năm 2015, hiện đang ôn lại kiến thức để sắp tới thi vào ngành dược. Trong thời gian làm công nhân ở Trung Quốc, Quỳnh góp được 30 triệu đồng, gửi mẹ để làm vốn đi học. Cậu cho biết đã trưởng thành hơn sau gần 4 năm sống xa bố. Trước đây, Quỳnh hay ỷ lại, cãi lời bố mẹ nhưng khi sóng gió ập đến gia đình đã khiến cậu thay đổi, trở nên chăm ngoan vì “là anh cả trong nhà, phải đỡ đần mẹ chăm sóc các em”.
Hơn 4 năm trước, vào dịp cận Tết Nguyên đán Nhâm Thìn, UBND huyện Tiên Lãng đã tiến hành cưỡng chế đất đai tại khu đầm của gia đình ông Vươn. Sau đó, ông Vươn và em trai là Đoàn Văn Quý phải đi cải tạo ở trại giam Hoàng Tiến (thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương). Lúc ấy, Quỳnh đang học lớp 11. Kể lại những chuyến đi thăm nuôi bố và chú ngày cận Tết, Quỳnh cho biết không thể nào quên những khoảng lặng từ khi rời khỏi trại giam ra về cho tới qua 3 ngày Tết. “Tết đến nhưng trong nhà lặng lẽ lắm. Mẹ cháu với thím Hiền (vợ ông Quý – PV) ở ngoài đầm quanh quẩn với vườn chuối, gà vịt. Xem tivi thấy quảng cáo Tết sum họp mà cháu ứa nước mắt vì nhà mình không được sum họp như nhà họ. Nhiều lúc cháu chạy vào bụi chuối ngồi khóc thầm”, Quỳnh giãi bày và nói rằng: “Nhưng đó là câu chuyện đã qua. Tết năm nay vui nhất vì bố và chú Quý đã về”.
Chuyện mới chuyện cũ
Gia đình ông Vươn, ông Quý sống chung một nhà ở trong làng. Tết đang cận kề nhưng gia đình hai ông vẫn tập trung đến những phần việc ngoài đầm đang dang dở. Nhà ông Vươn không gói bánh chưng, trên ban thờ gia tiên đã tươm tất hoa quả, bánh kẹo. Trong suốt hơn 5 tháng qua, có nhiều người đến thăm hỏi ông, trong đó có cả những người dân đang đi khiếu kiện về đất đai. “Tôi rất chia sẻ với mọi người nhưng tôi khuyên không nên làm như tôi hồi đó. Có nhiều con đường để giải quyết”, ông Vươn nói.

Tet doan vien dau tienÔng Vươn miệt mài với công việc chăm sóc đàn vịt biển gần 1.000 con sắp đến ngày xuất chuồng. Ảnh: Mai Linh 
Hiện ông Vươn đang làm nhiều việc để khôi phục lại khu đầm. Vườn chuối đã cỗi nên ông chặt hết, đào đất đắp mở rộng con đường vào khu nhà ở để cho xe ô tô chở thóc, cám, vật liệu xây dựng… Một doanh nghiệp dược phẩm ở tỉnh Hải Dương hỗ trợ gia đình ông làm thí điểm khu chiết xuất tinh dầu xả. “Vùng đất ven biển này rất giàu dinh dưỡng nhưng tỷ lệ mặn vẫn cao nên rất thích hợp trồng các loại cây như chuối tây, riềng, tỏi, sả. Ra Tết, tôi sẽ trồng cây sả vì loại cây này dễ trồng và tận dụng được chỗ đất bé không để cỏ dại mọc. Nếu kế hoạch thành công tôi sẽ biến thành vùng chuyên canh sả, giúp bà con nơi đây thoát nghèo trên đồng ruộng của mình”, ông Vươn cho biết.

Tet doan vien dau tienCon đường vào khu trang trại trên đầm đã được gia đình anh em ông Vươn - Quý cải tạo lại rộng và chắc chắn hơn trước. Ảnh: Mai Linh 
Dưới đầm, ông thả cá chép, cá mè, hơn 20.000 con cua và nuôi loài vịt biển trên mặt nước từ hồi tháng 11.2015. Đây là ý tưởng của ông từ trước khi xảy ra biến cố, giờ thực hiện tiếp. Ông nói cho chúng tôi cách chăm sóc vịt không dùng thức ăn công nghiệp, cách chế biến cá tươi làm thức ăn cho vịt và cách dùng men vi sinh xử lý nguồn nước, đảm bảo không bị ô nhiễm, dịch bệnh. Thật thú vị nghe về câu chuyện nuôi vịt, trồng sả làm tinh dầu của một nông dân chính hiệu, giàu kinh nghiệm và được đào tạo bài bản ở trường đại học nông nghiệp.
Ông Vươn kể ông đang đầu tư hơn 100 triệu đồng để nuôi vịt biển và đang dần thu hồi vốn khi có nhiều nhà hàng ăn uống ở Hà Nội làm đầu mối tiêu thụ vịt. Ông đang ấp ủ ý tưởng làm vịt sạch để cung cấp ra thị trường. Nhìn đàn vịt phổng phao, ông Vươn cho biết số mệnh gắn bó với mảnh đất nơi cửa biển này xuất phát từ chính những ngày chăn vịt năm nào. “Những ngày thập niên 90 của thế kỷ trước, tôi ra đây chăn vịt thấy sóng biển vỗ ngày đêm vào chân đê, những cánh rừng ngập mặn không có. Mỗi khi có tin bão là dân trong làng phải đi sơ tán, từng mái nhà tranh bị cuốn bay theo gió lớn. Tôi thấy mình cần phải có trách nhiệm để thay đổi sự xâm lấn của biển nên đã tìm hiểu tài liệu của Viện Hải dương học. Tôi thấy rằng nguyên nhân là do dòng hải lưu chảy theo hướng đông-tây, cộng với việc dòng chảy của sông Văn Úc lớn khiến bị xâm thực. Ngày 4.10.1993, tôi đã quyết làm “canh bạc” với trời, đổ đá xuống để thay đổi dòng chảy, làm phù sa bồi lắng và dần trồng 60ha rừng ngập mặn. Từ chỗ biển lấn, tôi đã làm thành lấn biển sau 10 năm đổ bao nhiêu mồ hôi, nước mắt và tiền của. Nhiều người dân đã từng không tin vào sự thành công của tôi lúc ấy mới chịu tin”, ông Vươn kể lại.
Khi đang trò chuyện cùng chúng tôi, ông Vươn có điện thoại công việc, tiếng nhạc bài hát Tình cây và đất vang lên. Ông nói rằng rất thích bài hát này vì thấy được số phận mình trong đồng đất quê hương.
Mai Linh
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Khi vực thẳm đã ở ngay dưới chân nền kinh tế Nga

 

gia dau, dong rup, OPEC, Tong thong Vladimir Putin, kinh te Nga, bo vuc
Kinh tế Nga đang đối mặt với một vực thẳm do tác động từ giá dầu sụt giảm.

Nga đang là nước có đồng nội tệ đứng thứ hai thế giới về tốc độ sụt giá. Không chỉ có đồng rúp mà cả nền kinh tế Nga cũng đang đối mặt với một vực thẳm do tác động từ giá dầu sụt giảm.


Dường như cuộc chiến dai dẳng trên thị trường dầu thế giới trong suốt hơn 1 năm qua cuối cùng cũng đã xuất hiện dấu hiệu sắp chấm dứt, khi một loạt các quốc gia thuộc tổ chức xuất khẩu dầu lửa quốc tế (OPEC) cùng hai nước ngoài OPEC là Nga và Oman đang tỏ ý sẵn sàng tổ chức một cuộc họp để bàn cách vực dậy giá dầu.
Có vẻ như sức chịu đựng của một loạt các nền kinh tế thuộc các quốc gia xuất khẩu dầu lửa đã đến sát mức giới hạn, mà Venezuela và Nga đang là hai trường hợp điển hình. Trong khi Venezuela đang có tỷ lệ lạm phát được dự báo sẽ cao nhất thế giới, lên tới 720%, thì Nga cũng đang là nước có đồng nội tệ đứng thứ hai thế giới về tốc độ sụt giá. Không chỉ có đồng rúp mà cả nền kinh tế Nga cũng đang đối mặt với một vực thẳm do tác động từ giá dầu sụt giảm.
Cuộc họp mà 6 nước OPEC bao gồm Iraq, Iran, Venezuela, Algeria, Nigeria và Ecuador, cùng 2 nước ngoài OPEC là Nga và Oman không phải là một sự kiện ngẫu nhiên. Nó được khơi mào sau lời tuyên bố của các quan chức thuộc tập đoàn Transneft của Nga cách đây hai tuần rằng Nga đang có kế hoạch cắt giảm 6,4% sản lượng tại các mỏ dầu của nước này trong năm 2016. Đây được đánh giá là một động thái đề xuất một sự hợp tác của Nga với các nước OPEC, vốn cũng đang khổ sở về tình trạng giá dầu sụt giảm. Một sự hợp tác về giảm sản lượng giữa Nga và các nước OPEC hoàn toàn có thể khiến giá dầu tăng trở lại, khi mà giá dầu đã tăng vọt lên mức hơn 34 USD/thùng chỉ ngay sau khi có tin Nga có ý định cắt giảm sản lượng trong năm 2016.
Dù quốc gia đứng đầu OPEC là Ả Rập Saudi vẫn chưa hề có động thái nào trước thông tin về cuộc họp trên, nhưng rõ ràng việc lên kế hoạch cho cuộc họp bàn về giá dầu này đang tạo ra một sức ép lớn lên Ả Rập Saudi. Bộ trưởng Dầu mỏ Venezuela, Eulogio Del Pino, cho biết: “Đây không đơn thuần là một cuộc họp thông thường mà là một cuộc họp để các nước tham dự đạt được các thỏa thuận (về sản lượng dầu). Giá dầu đã dưới mức cân bằng và điều này đang khuyến khích những kẻ đầu cơ cũng như gây bất ổn cho thị trường”.
Tuyên bố này của ông Del Pino cũng đồng nghĩa với việc gửi một thông điệp đến Ả Rập Saudi: chúng tôi đã chịu hết nổi rồi. Đúng là nền kinh tế Venezuela đang ở sát bờ vực sụp đổ khi tình trạng thiếu an ninh lương thực đã xuất hiện, còn lạm phát thì được dự báo sẽ lên tới 720%. Nhưng không chỉ có Venezuela đang ở chân tường, mà còn có cả Nga nữa.
Ở thời điểm hiện tại, kinh tế Nga cũng đang đứng trên bờ vực của một cơn suy thoái nặng nề mà không ai có thể dự đoán đâu là điểm kết thúc. Đồng rúp đang là đồng tiền có tốc độ mất giá nhanh thứ hai thế giới, chỉ sau đồng peso của Argentina. Hiện mức lạm phát của Nga đã lên tới gần 13%, tỷ lệ thất nghiệp lên tới 6%, trong khi chỉ số giá tiêu dùng thì đã tăng lên gấp 4 lần so với mức mà ngân hàng trung ương Nga dự kiến là 4%. Việc giá dầu tiếp tục có xu hướng giảm cũng đồng nghĩa với việc lạm phát có thể sẽ còn tăng hơn nữa.
Trong khi đó, Thống đốc Ngân hàng trung ương Nga Elvira Nabiullina thì vừa tuyên bố nước này không có ý định can thiệp vào giá trị đồng rúp. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Nga đang không có ý định ngăn cản đà mất giá đồng nội tệ, hoặc là không đủ sức để làm điều đó, khi mà quỹ dự trữ của Nga cũng đang bị sụt giảm mạnh và buộc chính phủ nước này cắt giảm chi tiêu trong hàng loạt các lĩnh vực.
Hiện tại Nga đang phải đối mặt với nguy cơ một cuộc khủng hoảng kinh tế lần thứ hai kể từ lần đầu tiên trong giai đoạn cuối năm 2014, mà lần này thì Nga lại không có những phương tiện và điều kiện cần thiết để ngăn chặn nó như lần trước. Cách đây một năm, Ngân hàng trung ương Nga đã nâng lãi suất lên mức rất cao, từ 10,5% lên 17%, để chặn đà lạm phát và buộc phải chấp nhận nguy cơ suy giảm tăng trưởng kinh tế. Và thực sự là kinh tế Nga đã suy giảm khoảng 3,8% trong năm 2015. Nhưng lần này thì Nga không thể tăng lãi suất được nữa khi mà sức khỏe của nền kinh tế đang suy yếu và không đủ sức để chịu đựng một cú tăng lãi suất cao như thế. Nếu tăng lãi suất lên cao một lần nữa, thậm chí có thể còn khiến kinh tế Nga đổ vỡ nhanh hơn là tác động từ giá dầu.
Và có vẻ như chính phủ Nga cũng đang bất lực trong việc tìm ra giải pháp tháo gỡ tình hình hiện tại. Hiện Moscow đang phải tính đến phương án sẽ bán bớt cổ phần trong hàng loạt các tập đoàn quốc gia như các tập đoàn năng lượng Rosneft, Bashneft hay tập đoàn khai thác và kinh doanh kim cương Alrosa để tăng nguồn thu, đồng thời giảm chi tiêu trong một loạt các lĩnh vực, kể cả những lĩnh vực chủ chốt như giáo dục và y tế.
Điều này đang gây ra những hệ lụy nghiêm trọng. Tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Vladimir Putin đã giảm xuống chỉ còn 82% từ mức cao nhất trước đó là 89%. Đồng thời, tỷ lệ người dân bi quan về tương lai nền kinh tế và đất nước cũng tăng lên mức 34% so với mức 22% trong tháng 6.2015. Rõ ràng khi kinh tế ngày càng khó khăn, lạm phát cao, đồng nội tệ sụt giá, chi phí y tế và giáo dục bị cắt giảm, thì việc người dân giảm sự ủng hộ với chính phủ Nga là điều dễ hiểu. Đây có thể được xem là một tín hiệu xấu với Tổng thống Putin khi mà chỉ còn khoảng 2 năm nữa là kỳ bầu cử mới sẽ diễn ra.
Có thể những sức ép đó là lý do mà Nga đang lần đầu tiên chủ động xuống nước, đề nghị hợp tác với OPEC để vực dậy giá dầu. Việc giá dầu tăng trở lại ở thời điểm hiện tại có thể sẽ là lối thoát cho kinh tế Nga, dù hậu quả là Nga và cả một số nước OPEC sẽ bị mất thị phần khá nhiều trên thị trường. Nhưng các nước này không còn cách nào khác, khi mà nền kinh tế đã ở sát chân tường. Theo tính toán, nếu một thỏa thuận giảm sản lượng giữa Nga và OPEC được ký kết, thì có thể đưa giá dầu ngay lập tức trở lại trên 60 USD/thùng và có thể sẽ còn tăng cao hơn nữa.
Nhàn Đàm (theo Bloomberg/The Saigon Times, CafeF)
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Hiệp định TPP có hiệu lực từ năm 2018



Phần nhận xét hiển thị trên trang
Sáng nay, Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được ký kết tại Auckland (New Zealand), kết thúc quá trình đàm phán kéo dài nhiều năm qua.
Thủ tướng New Zealand - John Key là người mở màn sự kiện này. Ông cho biết TPP "thực sự là một hiệp định lớn" và New Zealand tự hào góp phần đưa hiệp định này tới bàn ký kết hôm nay.
Ông Key cũng nhấn mạnh tất cả quốc gia cần nỗ lực giúp TPP được phê chuẩn trong nước và nó sẽ "chỉ là một tờ giấy" cho đến khi nào có hiệu lực. "Hôm nay là một ngày rất quan trọng với 12 quốc gia tham gia TPP", ông nói.
hiep-dinh-tpp-co-hieu-luc-tu-nam-2018
Đại diện các nước tham gia lễ ký kết TPP hôm nay. Ảnh: USTR
Bộ trưởng Thương mại Australia - Andrew Robb là người đầu tiên đặt bút ký vào hiệp định. Và người cuối cùng hoàn thành công việc này là Bộ trưởng Thương mại New Zealand - Todd McClay. Sau lễ ký kết, các Bộ trưởng đã cùng nhau chụp ảnh, đánh dấu bước tiến mới trong quá trình hiện thực hóa hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới. Tiếp theo, TPP cần được Chính phủ các nước phê chuẩn và dự kiến có hiệu lực trong 2 năm tới.
Toàn văn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP
Ông McClay đã thay mặt 12 quốc gia tuyên bố hoàn tất lễ ký kết TPP và cho biết đây là "một thành tựu mang tính lịch sử". Đại diện Thương mại Mỹ - Mike Froman tự tin rằng TPP sẽ được Quốc hội Mỹ phê chuẩn. Bộ trưởng Công Thương Việt Nam - Vũ Huy Hoàng cũng cho biết TPP là "một thỏa thuận cân bằng" và cảm ơn sự nỗ lực của 11 quốc gia khác khi tham gia đàm phán.
hiep-dinh-tpp-co-hieu-luc-tu-nam-2018-1
TPP gồm các quốc gia New Zealand, Australia, Canada, Mỹ, Mexico, Nhật Bản, Malaysia, Brunei, Việt Nam, Singapore, Peru và Chile. TPP được đàm phán từ tháng 3/2010, gồm 12 quốc gia - Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. Việc đàm phán hoàn tất vào tháng 10 năm ngoái và đến tháng 11, toàn văn hiệp định cũng đã được công bố.
Các vấn đề được nêu ra gồm quyền sở hữu trí tuệ, luật đầu tư nước ngoài, tiêu chuẩn môi trường và lao động, chính sách thu mua, cạnh tranh và công ty quốc doanh, quy trình xử lý tranh chấp. Sau khi hoàn tất, hiệp định sẽ bao phủ 40% kinh tế toàn cầu và bổ sung cho GDP thế giới thêm gần 300 tỷ USD mỗi năm.
Hà Thu / VNExpress

Tiểu sử hai tân bí thư thành ủy Hà Nội và Saigon


Ông Hoàng Trung Hải làm Bí thư Thành ủy Hà Nội
Tân bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải tại lễ trao quyết định. Ảnh: Lê Hiếu
Tiểu sử tân Bí thư Thành ủy Hà Nội
Sinh năm 1959 tại Thái Bình, ông Hoàng Trung Hải có học vị thạc sĩ, cử nhân Đại học Bách khoa Hà Nội.
Trong quá trình công tác, ông Hải nhiều năm gắn bó với ngành điện lực. Khởi nghiệp là một kỹ sư, ông trải qua các vị trí phó quản đốc phân xưởng rồi trưởng phòng kỹ thuật, phó kỹ sư chính vận hành nhà máy nhiệt điện Phả Lại.
Đầu những năm 1990, ông chuyển công tác sang công ty Điện lực I Hà Nội. Ông công tác tại đây 2 năm, làm trưởng phòng Thư ký tổng hợp và sau đó là Trưởng phòng Kinh tế đối ngoại.
Ông chuyển công tác sang Bộ Năng lượng vào cuối năm 1993, làm Phó văn phòng kiêm Trưởng phòng Tổng hợp. Sau đó, ông học thạc sĩ Quản trị kinh doanh tại Đại học Dublin, Cộng hòa Ireland.
Trở về nước, tháng 9/1995, ông được bổ nhiệm làm Ủy viên Hội đồng quản trị kiêm Trưởng ban kiểm soát Tổng công ty Điện lực Việt Nam.
Tháng 7/1997, ông được bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Công nghiệp khi mới 38 tuổi. Hơn nửa năm sau, ông làm Ủy viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực Việt Nam.
Từ tháng 8/2000 đến 7/2002, ông trở lại làm Thứ trưởng Bộ Công nghiệp, rồi Thứ trưởng thường trực Bộ này.
Tháng 8/2002, khi mới 43 tuổi, ông trở thành Bộ trưởng Công nghiệp và là bộ trưởng trẻ nhất trong các thành viên Chính phủ của nhiệm kỳ. Từ tháng 8/2007, ông được bổ nhiệm làm Phó thủ tướng.
Ông là Ủy viên Trung ương Đảng khóa IX, X, XI; đại biểu Quốc hội 3 khóa VIII, XI, XIII.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XII, ông tiếp tục được bầu vào Ban chấp hành Trung ương, sau đó được bầu vào Bộ Chính trị.

----------------

Ông Đinh Thế Huynh - Thường trực Ban bí thư, trao quyết định của Bộ Chính trị phân công ông Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, làm Bí thư Thành ủy TP HCM. Ảnh: Hải An.
Ông Đinh Thế Huynh - Thường trực Ban bí thư, trao quyết định của Bộ Chính trị phân công ông Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, làm Bí thư Thành ủy TP HCM. Ảnh: Hải An.

Tiểu sử ông Đinh La Thăng

Ông Đinh La Thăng, sinh ngày 10/09/1960, quê ở Nam Định, ông có học vị tiến sĩ.
Ông Thăng bắt đầu công tác từ năm 1983 tại Công ty Cung ứng vật tư thuộc Tổng công ty Xây dựng thuỷ điện Sông Đà, là Kế toán viên. Sau đó là phó kế toán trưởng, Kế toán trưởng công ty, Uỷ viên Ban Thường vụ Đảng uỷ, Uỷ viên Ban Thường vụ Công đoàn, Bí thư Đoàn thanh niên Công ty.
Đến năm 1989, ông làm phó kế toán trưởng, Kế toán trưởng, Uỷ viên Ban Thưởng vụ Đảng uỷ, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Đảng uỷ Tổng công ty Xây dựng thuỷ điện Sông Đà, Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bí thư Đoàn Thanh niên Tổng công ty Xây dựng thuỷ điện Sông Đà, Uỷ viên Trung ương Hội Kế toán Việt Nam, Phó chủ tịch Hội Kế toán ngành Xây dựng.
Từ năm 1995, ông Thăng làm Bí thư Đảng uỷ, Phó Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch công đoàn Tổng công ty Sông Đà; Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Giai đoạn 2001 đến 2003, ông làm Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Sông Đà. Đại biểu Quốc hội Khoá XI, Uỷ viên Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội. Uỷ viên Trung ương Hội Kế toán Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Kế toán ngành Xây dựng, Uỷ viên Ban Thường vụ Công đoàn Xây dựng Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Các nhà doanh nghiệp trẻ Việt Nam.
Năm 2003, ông được điều động làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Thừa thiên – Huế. Đại biểu Quốc hội Khoá XI, Uỷ viên Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội.
Giai đoạn 2006-2008, ông Thăng làm Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng; đại biểu Quốc hội Khoá XI, Uỷ viên Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội, Phó Bí thư Đảng uỷ cơ quan Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.
Từ tháng 12/2008, ông Thăng là ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng, Đại biểu Quốc hội Khoá XIII. Tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XIII, được Quốc hội phê chuẩn làm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
Ông Thăng là ủy viên Trung ương Đảng Khoá X, XI, XII, Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII, Đại biểu Quốc hội Khoá XI, XIII.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Năm, 4 tháng 2, 2016

VĂN BỰA TRONG LÒNG DÂN TỘC


Phần nhận xét hiển thị trên trang