Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 3 tháng 2, 2016

Cây nêu cạn Pháp lực, quỷ dữ đã trở lại, điều gì đã xảy ra cho cây nêu ngày Tết?

Truyện cổ, thần Phật, tết nguyên đán, Sự tích, quỷ dữ,

Chúng ta đều đã nghe qua câu chuyện Sự tích cây nêu ngày Tết kể rằng Bụt đã dạy con người trồng cây nêu để xua đuổi ma quỷ. Nhưng thật tai họa lắm thay, pháp lực của cây nêu đã cạn, quỷ dữ đã trở lại, vậy rốt cuộc điều gì đã xảy ra?

Sự tích cây nêu mà chúng ta đã biết

Ngày xửa ngày xưa, lúc con người vừa mới thoát thai khỏi cuộc sống nguyên thủy, đang bắt đầu mày mò học cách khai khẩn đất đai để làm nông nghiệp, cũng chưa hề biết đến tín ngưỡng Thần linh. Quỷ đã tiếp cận và dụ dỗ rằng chúng sẽ dạy Người cách trồng lúa, bù lại Người phải giao nộp một phần thành phẩm cho chúng. Tuy nhiên về bản chất thì Người phải ăn nhờ ở đậu và làm công bộc trên ruộng đất của Quỷ. Quỷ quen thói ở không mà lại ăn nhiều, lòng tham vô độ, mỗi năm đều tăng số lượng cống phẩm phải nộp lên gấp đôi. Người nào không phục tùng sẽ bị chúng dùng vũ lực bắt phải theo. Vì thế, hằng năm sau vụ gặt, Người chỉ còn trơ những rạ là rạ. Cảnh tượng người chết đói da bọc xương thê thảm diễn ra khắp mọi nơi, trong khi bọn Quỷ bụng to trán hói reo cười đắc ý.
Thần linh thương xót cho cuộc sống của con người dưới sự bóc lột tàn nhẫn của Quỷ, nên đã cho một vị Bụt hạ thế, chỉ dạy Người trồng trọt nhiều loại cây trồng, rau củ… không còn phải phụ thuộc vào Quỷ nữa. Đồng thời Bụt cũng dạy Người cách tu dưỡng đạo đức, tín ngưỡng Thần linh để nhận được sự bảo hộ của thiên thượng. Bụt dạy Người trồng một cây tre có mắc một chiếc áo cà sa trên ngọn, bóng cà sa che bao nhiêu diện tích ở mặt đất thì là đất của Người sở hữu ở đó. Khi Người trồng xong cây tre, Bụt hoá phép làm cho cây tre cao vút đến tận trời, bóng của áo cà sa dần dần che kín khắp cả mặt đất.
Cuối cùng Quỷ không còn nơi dung thân nữa, buộc phải chạy ra biển. Quỷ vô cùng căm hận, nhưng không cách nào xâm phạm vào được vùng đất đã được Thần bảo hộ. Chúng quỳ gối dập đầu van xin Bụt từ bi cho phép chúng một năm được hai ba ngày vào đất liền thăm phần mộ của tổ tiên cha ông, nên Bụt đã đồng ý. Vì thế, hàng năm cứ đến ngày tết Nguyên Ðán là ngày Quỷ vào thăm đất liền, thì người ta theo tục trồng cây nêu để cho Quỷ không dám bén mảng vào chỗ người đang ở.
Truyện cổ, thần Phật, tết nguyên đán, Sự tích, quỷ dữ,

Hiệp ước với Quỷ

Một thời gian rất lâu sau đó, trải qua nhiều thế hệ, Người đã làm chủ được kỹ thuật nông nghiệp, muốn mở rộng sang đánh bắt hải sản, nhưng khi ấy Quỷ lại đang chiếm cứ vùng biển đông. Không còn cách nào, Người đành phải sai một sứ giả đến hòa giải và lập ra một hiệp ước: Quỷ sẽ cho phép Người được đánh bắt cả trên biển, cam kết không gây bất kỳ tổn hại gì; bù lại, Người phải cống nạp tất cả những nông sản thu hoạch được trên một vùng đất do Quỷ chỉ định, kèm theo một thể lệ “ăn ngọn cho gốc”, nghĩa là sau khi thu hoạch xong, Người phải nộp lại toàn bộ phần ngọn cho quỷ, và được giữ lại phần gốc.
Loài người họp bàn với nhau, ai nấy đều cho rằng thái độ xử sự của Quỷ đã biết điều hơn xưa, chỉ đòi hỏi sản vật trên một vùng đất nhất định, lại còn hứa không làm hại ngư dân đánh cá. Giao kèo nhanh chóng được ký kết xong. Hằng năm Quỷ ở trên biển nhưng vẫn có gạo để ăn, còn Người thì có thể phát triển ngư nghiệp.
Nhiều năm nữa trôi qua, Người càng ngày càng thấy xót số gạo phải cống nạp cho Quỷ, nên bắt đầu bày mưu tính kế. Vụ mùa năm ấy, Người không trồng lúa nữa, mà chuyển sang trồng khoai lang. Đến mùa thu hoạch, Quỷ rất hậm hực nhìn theo từng gánh khoai lang đổ thành từng đống lù lù ở nhà Người, còn nhà mình chỉ toàn dây và lá khoai là những thứ không nhai nổi. Nhưng ngặt nỗi, thể lệ đã quy định, chúng đành cứng họng không bắt bẻ vào đâu được.
Truyện cổ, thần Phật, tết nguyên đán, Sự tích, quỷ dữ,
Sang mùa khác, Quỷ thay thể lệ mới là “Ăn gốc cho ngọn”. Người lại chuyển sang trồng lúa. Kết quả Quỷ lại phải chịu đựng một năm đói kém. Những hạt lúa vàng theo người về nhà, còn rạ phó mặc cho Quỷ. Quỷ tức lộn ruột nên mùa sau chúng tuyên bố “Ăn cả gốc lẫn ngọn”. Lần này Quỷ nghĩ:
- Chấp chúng nó trồng gì đi nữa, đằng nào cũng không lọt khỏi tay chúng tao.
Nhưng Quỷ không ngờ chức vô địch “giảo hoạt” ngày xưa của mình, ngày nay đã bị soán mất. Năm ấy loài Người chuyển sang trồng bắp ngô. Trong nhà Người thóc ăn chưa hết thì từng gánh ngô đã tiến về chứa từng cót đầy ăm ắp. Một lần nữa, Người sung sướng trông thấy “trí khôn” của mình lại qua mặt được Quỷ.
Truyện cổ, thần Phật, tết nguyên đán, Sự tích, quỷ dữ,

Sự trở lại của Quỷ dữ

Tuy nhiên sau ba vố lừa “hattrick” như thế, phản ứng của Quỷ lại hoàn toàn khác xưa. Chúng không tức tối, gào thét, lồng lộn… mà chỉ kéo nhau dàng thành hàng, đứng lặng thinh trên bãi biển, sát biên giới giữa lãnh thổ của Người và Quỷ.
Quỷ Vương bước ra khỏi đám đông, cất giọng rền vang nói hướng vào đất liền:
- Các ngươi quá thiển cận chỉ biết toan tính gần mà không biết suy nghĩ xa, chỉ biết mưu lợi riêng mà mặc kệ cho người khác chịu thiệt thòi. Làm ăn với nhau mới được vài ba lần đã bắt đầu giở trò mánh mung. Các ngươi không nghĩ rằng từ nay về sau bọn ta sẽ hủy giao kèo, không cho phép các ngươi đánh cá nữa hay sao?
Thủ lĩnh của loài người đứng trong đất liền, bắt loa nói vọng ra biển:
- Chúng tôi đã thực hiện theo đúng giao kèo, về nguyên tắc là không sai điểm nào hết. Yêu cầu phía Quỷ các ngươi phải hết sức bình tĩnh và tránh những hành động thù địch, làm ảnh hưởng đến quan hệ hữu nghị, hòa bình, bình đẳng song phương của chúng ta.
- Nếu các ngươi đã trả lời chất vấn một cách vòng vo và phủ nhận trách nhiệm như thế, thì bọn ta tuyên bố hủy bỏ giao kèo. Loài người không được phép đánh cá trên vùng biển của chúng ta nữa. – Quỷ Vương hét lớn.
- Chúng tôi không cần sự cho phép của loài Quỷ các ngươi. Chúng tôi sẽ đem cây nêu Thần thánh ra trồng trên bờ biển để bóng áo cà sa phủ trùm lên mặt biển, khiến nó trở thành lãnh thổ của chúng tôi.
Quỷ Vương cười lớn. Cả bộ tộc Quỷ cùng cất tiếng cười vang dội cả góc trời.
Rồi đàn Quỷ bắt đầu tiến bước vào đất liền. Quỷ đi đến đâu, bóng áo cà sa thủ nhỏ đến đó, lãnh thổ của Người càng bị thu hẹp lại.
Bộ lạc Người kinh hồn bật vía, bỏ chạy tán loạn. Quỷ chưa vào đến làng, mà khung cảnh ở đó đã lộn xộn chưa từng thấy. Mạnh ai nấy lo tìm đường tháo chạy, người già chậm chạp thì bị giẫm đạp, hàng quán thì bị hôi của. Quân đoàn Quỷ đang đi từ xa mà đã nghe thấy tiếng la khóc vang trời.
Thủ lĩnh Người là một già làng tuổi cao sức yếu, không chen lấn nổi trong dòng người hoảng loạn, chỉ biết ngồi ôm gốc cây nêu than khóc:
- Hu hu! Ông bà tổ tiên ôi, các vị đã nói cây nêu Thần này sẽ bảo hộ chúng con cơ mà, tại sao lại để Quỷ dữ tràn vào đất liền như thế. Hu hu! Hay đây chỉ là một thứ tín ngưỡng mê tín do các vị tưởng tượng ra?
Nghe tiếng bước chân mạnh mẽ lạnh lùng dừng lại bên cạnh, già làng ngước nhìn lên, thấy Quỷ Vương với vóc dáng cao lớn, lực lưỡng, trên đầu có cặp sừng nhọn hoắc và cong vút hướng ra sau, hơi thở ra lửa, đang đứng liếc nhìn xuống. Quỷ Vương vung bàn tay cứng như thép nguội chặt gãy cây nêu. Cây nêu ngã xuống đâm thủng nóc một căn nhà, bật tung bếp lò bên trong, lửa nhanh chóng bùng lên nuổi chửng căn nhà và chẳng mấy chốc đã lan ra cả làng.
Nhe hàm răng nanh lởm chởm cười nhạo già làng, Quỷ Vương nói:
- Sự thần thánh của cây nêu là có thật, đã từng có thật. Lúc bấy giờ lãnh thổ của Người được bao phủ bởi Pháp lực của Thần, vốn chỉ dành cho những người đạo đức cao thượng, trên tín ngưỡng Thần linh, dưới lấy đức trị dân. Môi trường ấy không phù hợp với bọn ta, cho nên bọn ta buộc phải lùi bước. Nhưng hôm nay thì…chà chà… bọn ta vô cùng thoải mái với bầu không khí do những suy nghĩ ranh mãnh và chiêu thuật bẩn thỉu của các ngươi. Tương đương với việc Người đã tôn Quỷ Vương làm vua, từ giờ trở đi các ngươi sẽ là nô lệ của ta.
Đám cháy trong làng đã tắt. Trong đám tro tàn, một chiếc áo cà sa xám xịt, sờn rách, cháy xém, không gió mà bay, bay về nơi chân trời.
Châu Xuân
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Bhutan – đất nước duy nhất không thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc


Bhutan giống như một bông hoa cô đơn và đầy bí ẩn nằm trên dãy núi Himalaya. Nếu như nói, thế gian này còn có một “thiên đường giữa nhân gian” thực sự hay một nơi lánh xa mọi ham muốn vật chất, thì đó chính là nói đến Bhutan.
(Ảnh: Internet)
Đến Bhutan, bạn sẽ không thể không bị vẻ đẹp của nơi đây thu hút. Trời xanh sâu thẳm, mây trắng lẵng lẽ trôi, cây cối xanh tươi rậm rạp đến khó tin! Người dân nở nụ cười với đôi má lúm đồng tiền đón chào. Quả thực, Bhutan phảng phất giống như “thế giới thần tiên” vậy! Trên đỉnh núi là những lá cờ phướn và âm thanh cầu nguyện vang vọng. Trong rừng cây là những dòng suối âm thầm miệt mài chảy…


Những bức tượng Phật oai vệ nhìn ra thung lũng, thung lũng vang vọng truyền thuyết của các vị thần linh, tất cả mọi thứ đều rất thiêng liêng.



Mỗi thành phố ở Bhutan đều là một tòa thành có kiến trúc như lâu đài có những tác dụng cơ bản là giống nhau. Một nửa làm văn phòng chính phủ, nửa con lại là nơi tu hành của những người đứng đầu tôn giáo địa phương. Cũng chính là nơi chính phủ và tôn giáo tập trung làm một.



Lâu đài Tashi Chho Dzong là một công trình hình tứ giác được xây dựng bằng đá có quy mô to lớn đồ sộ, nguy nga tráng lệ và là trung tâm chính phủ của thủ đô Thimphu. Nó là văn phòng của Quốc vương và nội chính, bộ tài chính và cũng là nơi của những nhà lãnh đạo tôn giáo trung ương.

Wangchuck V là quốc vương của Bhutan. Ông được xưng là một trong những quốc vương trẻ tuổi và anh tú nhất thế giới. Khi bạn bước vào Bhutan, cho dù ở trong các sân bay, khách sạn hoặc trung tâm mua sắm, khu dân cư… ở khắp mọi nơi bạn đều có thể nhìn thấy khuôn mặt của vua Jigme Singye Wangchuck.



Vào năm quốc vương Jigme Singye Wangchuck 17 tuổi, ông đã bất ngờ gặp “cô bé lọ lem” 7 tuổi Pema. Ngay lúc đó, Jigme Singye Wangchuck đã hứa khi trưởng thành nhất định sẽ cưới “cô bé lọ lem” này. Năm vua Wangchuck 31 tuổi đã cưới Pema làm hoàng hậu.



Mặc dù vương thất Bhutan cho phép chế độ đa thê nhưng quốc vương Wangchuck sớm đã quyết định chỉ lấy một vợ. Hiện tại, quốc vương Wangchuck và vương phi Pema đều nhận được sự kính trọng và yêu mến của người dân.


Tu viện Paro Taktsang là một tòa kiến trúc nổi tiếng thế giới được xây dựng trên vách đá cheo leo ở độ cao 900m so với thung lũng.


Để đến được tu viện này, từ thung lũng Paro, du khách phải mất khoảng 20 phút lái xe để đến được chân núi tu viện. Sau đó đi bộ khoảng 2 tiếng để đến được chốn linh thiêng này.



Có người nói: “Nụ cười của Bhutan” là tình yêu nhân loại”! Đi bộ ở Bhutan, ấn tượng sâu sắc để lại trong lòng du khách chính là nụ cười nở trên môi của những người Bhutan từ trẻ đến lớn, cả nam và nữ. Ngày nay, nụ cười của người Bhutan đã trở thành một nét riêng, một dấu hiệu của quốc gia hạnh phúc.



Cho dù là các em học sinh, những người nông dân hay những nam thanh nữ tú dạo bước trên đường, trên khuôn mặt họ luôn rạng rỡ nụ cười khiến du khách ấm lòng.



Vào thời kỳ mở cửa, hầu hết quốc gia đều thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước láng giềng, nhưng Bhutan lại nổi tiếng là một quốc gia hạn chế điều này.

Tôn giáo ở đất nước Bhutan đi sâu vào cuộc sống thường ngày của người dân, thậm chí nó còn nằm trong cả những nhu cầu cơ bản của cuộc sống người dân.

Những người đi tu nhỏ tuổi ở đây cũng giống như học sinh đến trường vậy. Họ ngồi trên mặt đất tụng kinh, đến giờ ra chơi họ cũng nô đùa, vui chơi như những thanh thiếu niên các nơi.



Đây là một điều dung hòa rất tự nhiên. Tôn giáo đối với họ là một phương diện để gửi gắm tinh thần, tín ngưỡng để thành lập hạnh phúc, khiến họ có một tâm thái vui vẻ hạnh phúc.



Bhutan nhấn mạnh vào chỉ tiêu hạnh phúc quốc dân, chú trọng bảo hộ sinh thái và văn hóa. Ngành du lịch chính là một trong những nguồn thu ngoại hối mạnh nhất của Bhutan. Lượng khách du lịch từ 5000 đã tăng đến 100.000 người mỗi năm như hiện nay.

Bhutan không có du lịch tự do, người ngoại quốc muốn nhập cảnh phải nộp phí theo ngày. Bởi vì Bhutan không thiết lập quan hệ với Trung Quốc và Đài Loan nên quốc gia này không có đường bay trực tiếp. Người Trung Quốc muốn đến Bhutan thăm quan phải quá cảnh qua nước thứ ba như Thái Lan, Ấn Độ, Nepal hoặc Singapore.



Đến Bhutan du lịch, du khách cần phải có tương đối nhiều thời gian, chi phí khoảng 200 USD/1 ngày và phải có vốn tiếng anh nhất định.

Đất nước Bhutan cấm hút thuốc, không cầm điện thoại di động dạo chơi, nhiều khu không có mạng internet thậm chí không có cả điện… Nếu như bạn đã chuẩn bị xong rồi hãy bắt đầu hành trình khai mở tâm linh của mình nhé!

Theo NTDTV
Mai Trà biên dịch
(Đại Kỷ Nguyên VN)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Cách chức Tổng giám đốc mua toa xe Trung Quốc đã qua sử dụng



Người lao động
03/02/2016 17:02

(NLĐO)- Ngày 3-2, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng chỉ đạo cách chức Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội vì đã mua toa xe đã qua sử dụng của Trung Quốc. 
Chiều 3-2, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Đinh La Thăng chỉ đạo cách chức 
Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội vì đã mua toa xe qua sử dụng 
của Trung Quốc - Ảnh: Văn Duẩn

Tân Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng ngày 3-2 đã ký Văn bản số 1484/BGTVT-TCCB về kiểm điểm cán bộ thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam trong việc giao cho các đơn vị đường sắt trực tiếp thương thảo, ký hợp đồng và làm thủ tục mua toa xe đã qua sử dụng của Trung Quốc.

Theo đó, Bộ GTVT yêu cầu Hội đồng thành viên (HĐTV) Tổng công tyĐường sắt Việt Nam báo cáo rõ về Công văn số 1442/ĐS-VTĐM ngày 03-6-2015 của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam gửi Cục Đường sắt Côn Minh - Trung Quốc trước ngày 4-2-2016; tổ chức kiểm điểm nghiêm, làm rõ trách nhiệm của HĐTV, Ban Lãnh đạo và các cán bộ liên quan thuộc Tổng công ty trong việc giao cho các đơn vị đường sắt trực tiếp thương thảo, ký hợp đồng và làm thủ tục mua toa xe đã qua sử dụng của Trung Quốc.

Bộ GTVT chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho ông Nguyễn Viết Hiệp thôi làm người đại diện phần vốn nhà nước tại Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội; chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước tại Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cách chức Tổng giám đốc đối với ông Nguyễn Viết Hiệp.

Bộ GTVT cũng yêu cầu HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam xử lý kỷ luật nghiêm những cán bộ có liên quan, do trái thẩm quyền trong việc làm văn bản gửi cơ quan nhà nước; không thực hiện đúng với chủ trương của Đảng, nhà nước và cơ quan có liên quan về việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng.

Bộ GTVT yêu cầu HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam khẩn trương tổ chức thực hiện, báo cáo Bộ trước ngày 12-2 tới.

Công ty CP vận tải đường sắt Hà Nội trước đó có cho biết đã nhận được sự chấp thuận của Công ty mẹ là Tổng công ty Đường sắt Việt Nam về việc mua lại hơn 160 toa xe cũ từ Cục Đường sắt Côn Minh (Trung Quốc). Trong lô hàng này có tới 120 toa được đóng từ hơn 20 năm trước và gần 20 toa mới nhất cũng đã có tuổi đời 12 năm.

Văn Duẩn
____________________
Đường sắt muốn mua tàu "cũ" của Trung Quốc, 
Bộ trưởng Thăng chỉ đạo cách chức TGĐ
Dân trí 
Thứ Tư, 03/02/2016 - 17:18

Công ty TNHH MTV vận tải đường sắt Hà Nội đã hoàn tất việc đàm phán mua hơn 100 toa xe của Trung Quốc đã qua sử dụng 20 năm và được Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam chấp thuận. Tuy nhiên, sau khi xem xét sự việc này, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng lập tức ký văn bản chỉ đạo cách chức Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV vận tải đường sắt Hà Nội.
. 
Chủ trương mua tàu cũ đã qua sử dụng của Trung Quốc là không đúng quy định, 
Bộ trưởng Đinh La Thăng đã có chỉ đạo cấp bách về thay đổi nhân sự (ảnh minh họa)

Từ năm 2015, hơn 160 toa xe cũ đã qua sử dụng trên đường ray khổ 1.000mm của Cục Đường sắt Côn Minh - Trung Quốc được Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam chủ trương mua lại, trong số này có 120 toa đóng từ hơn 20 năm trước, những toa xe mới nhất cũng có tuổi thọ khoảng 12 năm. Đơn vị này cho rằng “lô hàng” trên phù hợp với điều kiện hạ tầng hiện tại của đường sắt trong nước.

Từ tháng 6/2015, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thống nhất về chủ trương đàm phán mua toa xe đã qua sử dụng của Cục đường sắt Côn Minh - Trung quốc theo nhu cầu của Công ty TNHH MTV vận tải đường sắt Hà Nội và Công ty Cổ phần Vận tải và Thương mại đường sắt.

Với tư cách là Công ty mẹ, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giao cho 2 công ty con là Công ty TNHH MTV vận tải đường sắt Hà Nội và Công ty Cổ phần Vận tải và Thương mại đường sắt căn cứ vào kết quả Hội đàm hội nghị liên vận quốc tế đường sắt Việt Trung giữa Tổng công ty đường sắt Việt Nam và Cục đường sắt Côn Minh - Trung quốc đã ký, chủ động đàm phán với phía bạn về giá cả, số lượng, chủng loại toa xe cần mua, triển khai việc lập dự án đầu tư và lập các hồ sơ nhập khẩu máy móc thiết bị đã qua sử dụng gửi các cơ quan chức năng giải quyết theo luật định.

Trong văn bản gửi Cục Đường sắt Côn Minh, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cũng cho biết, để thuận tiện cho việc sử dụng và khai thác, Tổng Công ty này giao cho giao cho 2 công ty con là Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội và Công ty Cổ phần Vận tải và Thương mại đường sắt trực tiếp thương thảo với Cục Đường sắt Côn Minh, ký hợp đồng và làm các thủ tục cần thiết để mua lại.
Ngày 16/12/2015, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam có văn bản chỉ đạo 2 công ty con về việc mua các toa xe cũ của Trung Quốc, trong đó nhấn mạnh các mặt hàng kể trên không nằm trong danh mục các loại vật tư đã qua sử dụng thuộc diện cấm nhập khẩu của Nghị định 187; Thông tư 20 mà Bộ Khoa học Công nghệ ban hành quy định điều kiện các mặt hàng cũ được nhập khẩu đã được chính cơ quan này hủy bỏ và Thông tư 23 mới thay thế văn bản này phải tới 1/7/2016 mới có hiệu lực. Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam yêu cầu 2 công ty con phối hợp với Cục Đường sắt Côn Minh để hoàn tất hồ sơ, thủ tục theo quy định của pháp luật.

Hiện nay Công ty TNHH MTV vận tải đường sắt Hà Nội đang xin ý kiến của Bộ Khoa học & Công nghệ và Giao thông vận tải để được hướng dẫn về thủ tục. Đáng nói, việc “mua bán” này của Tổng Công ty Đường sắt và các công ty con không được báo cáo lên cơ quan quản lý nhà nước ngành đường sắt nước nhà là Cục Đường sắt Việt Nam.

Bộ trưởng Thăng chỉ đạo cách chức!

Sau khi xem xét văn bản Công ty TNHH MTV vận tải đường sắt Hà Nội gửi về việc mua lại tàu cũ của Trung Quốc, hôm nay (3/2), Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng đã ký văn bản và yêu cầu Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện ngay những công việc liên quan, đặc biệt là về công tác nhân sự.

Văn bản Bộ trưởng Thăng ký nêu rõ, căn cứ Nghị định của Chính phủ về việc quản lý người đại diện phần vốn nhà nước giữ các chức danh quản lý tại doanh nghiệp mà nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam báo cáo rõ về công văn gửi Cục Đường sắt Côn Minh – Trung Quốc trước ngày 4/2.

Bộ trưởng Thăng yêu cầu tổ chức kiểm điểm nghiêm, làm rõ trách nhiệm của Hội đồng thành viên, Ban lãnh đạo Tổng Công ty và các cán bộ liên quan thuộc Tổng Công ty về việc giao cho các đơn vị đường sắt trực tiếp thương thảo, ký hợp đồng và làm thủ tục mua toa xe đã qua sử dụng của Trung Quốc.

Người đứng đầu ngành giao thông vận tải yêu cầu Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho ông Nguyễn Viết Hiệp thôi làm Người đại diện phần vốn nhà nước tại Công ty TNHH MTV vận tải đường sắt Hà Nội, chỉ đạo Người đại diện phần vốn nhà nước tại công ty này đề nghị Hội đồng quản trị cách chức Tổng Giám đốc đối với ông Nguyễn Viết Hiệp và xử lý kỷ luật nghiêm những cán bộ có liên quan.

Lí do cách chức theo chỉ đạo nói trên là vì trái thẩm quyền trong việc làm văn bản gửi cơ quan nhà nước; Không thực hiện đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước và cơ quan có liên quan về việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng.

Văn bản cũng yêu cầu Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam khẩn trương tổ chức thực hiện, báo cáo Bộ Giao thông vận tải trước ngày 12/2.
Châu Như Quỳnh
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tranh cãi quanh đề xuất “Người Việt suy tôn quan hành khiển Việt”



Minh Hà
Lao động

“Hãy trả các quan hành khiển Trung Quốc về Trung Quốc, và suy tôn các vị đế vương Việt Nam làm quan hành khiển trên đất trời Việt Nam, trước là cung kính tổ tiên, sau là phải đạo dân Việt, ba là đúng lẽ đạo Trời” - đề xuất của Giáo sư - võ sư Lương Ngọc Huỳnh về việc thay đổi các quan hành khiển trong các bài văn khấn đã nhận được khá nhiều ý kiến trái chiều - đồng tình có, phản đối cũng có... 


Một ý tưởng, một sự gợi ý...

GS Lương Ngọc Huỳnh đưa đề xuất trên vào đúng Tết ông Công ông Táo 23 tháng chạp: “Kể từ năm 2016 này, tôi kêu gọi nhân dân ta hãy thay toàn bộ tên các vị quan hành khiển hàng năm là các đế vương VN. Chúng ta trả vua TQ về với nước TQ. Họ không được phép và không có quyền hành khiển tại lãnh thổ VN”. Theo GS Lương Ngọc Huỳnh, VN có lịch sử lâu đời, mà không đưa ra được quan hành khiển của VN, sử dụng bài khấn quan hành khiển TQ, thì vô tình thừa nhận văn hóa TQ trị vì nền tảng tâm linh VN. Đó là sự bất công và không thể hiện được giá trị văn hóa VN.


Ông Huỳnh đề xuất thay thế 12 vị quan hành khiển TQ hành khiển theo 12 năm tý, sửu, dần… bằng 12 vị vua VN, “lựa chọn theo 3 tiêu chí: Những vị vua có công xây dựng đất nước, có công đánh giặc ngoại xâm và trị vì đất nước thịnh trị, đưa ra những đường lối mang lợi ích về kinh tế, khoa học, giáo dục... Tôi mạo muội đề xuất 12 vị, gồm vua Hùng Vương, Lý Bí, Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, Lý Công Uẩn, Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Quang Trung... và có ngài không phải vua nhưng được tôn vinh là thánh, như Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn”. Ví dụ Tết Bính thân, bài cúng giao thừa thay vì khấn “xin cung thỉnh tiễn nghinh cựu niên hành khiển và kính rước Tề vương hành khiển, Ngũ miếu hành binh chi thần, Tống tào phán quan…” sẽ thay bằng “xin cung thỉnh tiễn nghinh cựu niên hành khiển và kính rước Hưng đạo Đại vương đương niên hành khiển, Thánh Trần hành binh chi thần, Thánh tào phán quan…”.

Mục đích của việc làm này, theo ông Huỳnh, là để tôn vinh và tưởng nhớ công lao các vị vua VN, giữ gìn nền tảng văn hóa Việt, đề cao lòng tự tôn dân tộc, đồng thời truyền bá văn hóa thờ cúng cho đúng với ý nghĩa của người Việt, thờ các vị vua VN để họ hành khiển trên đất nước mình sẽ mang lại lợi ích về mặt tinh thần, mang lại tự do và hưng vượng cho đất nước.

“Tinh thần quan trọng là “giải Hoa” chứ không “bài Hoa”...”

Sau hơn 1 ngày đăng tải trên trang cá nhân, “lời kêu gọi” của GS Lương Ngọc Huỳnh đã nhận được hàng nghìn lượt like và chia sẻ. Nhiều ý kiến đồng tình với việc thay đổi, nhưng cũng có những ý kiến phản đối, nhất là về việc không nên đưa các vị vua VN xuống làm quan hành khiển.

Giáo sư Trần Lâm Biền - tác giả của nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa dân gian, tín ngưỡng - tôn giáo VN - cho biết: “Các vị quan hành khiển, cũng như các vị thần, Phật được thờ cúng ở VN, đã gắn với những bước đi của lịch sử VN và có những vị đã được Việt hóa. Nếu đặt ra vấn đề chuyển tên thì cũng nên đặt câu hỏi liệu các vị ấy có nhận, có đồng ý với cái tên ấy để họ về chứng giám, thực hiện nghĩa vụ của mình hay không. Người VN khi gọi tên các vị quan, thần, họ nghĩ là thần VN là được. Tên gọi không làm ảnh hưởng đến vai trò, giá trị của các vị ấy và tinh thần yêu nước của người VN, chuyện đổi tên cũng không hẳn là biểu hiện của tinh thần yêu nước tuyệt đối… Hơn nữa, các vị hành khiển là quan, không phải vua hành khiển, vì thế không nên đưa các vị vua nước ta vào vị trí quan hành khiển như vậy”.

Cũng theo giáo sư Trần Lâm Biền: “Trước hết phải công nhận và khen ngợi ông Huỳnh có ý thức và tinh thần yêu nước về văn hóa… Khi đã đặt ra một vấn đề như thế thì các nhà nghiên cứu, nếu được chỉ đạo, sẽ đề cập đến. Tuy nhiên, bởi vì Trung Hoa cùng Ấn Độ là 2 trung tâm văn hóa lớn, lại ở cạnh VN, nên đương nhiên có sự ảnh hưởng đối với văn hóa VN. Tinh thần quan trọng là “giải Hoa” chứ không “bài Hoa”, tránh ảnh hưởng về tư tưởng của văn hóa Trung Hoa, còn về hình thức có lẽ chưa phải lúc để thay đổi...”.

Trước những ý kiến phản biện, ông Lương Ngọc Huỳnh cho hay: “Tôi biết sẽ có phản biện, nhưng phản biện phải có lập luận... Vấn đề này tôi đã gợi ra từ tết năm 2015, trong một bài thơ, tôi cũng đã nói chuyện với nhiều người. Năm nay tôi tiếp tục đưa ra, chỉ với tư cách cá nhân, như một ý tưởng, một sự gợi ý, để mọi người chia sẻ, cùng nhau bàn bạc và hy vọng sẽ được các nhà nghiên cứu, sử học, các nhà sư và có thể là cả cơ quan quản lý văn hóa… vào cuộc, đưa ra các nhận định khách quan, chính xác, biện luận hợp lý, để tôn vinh các vị vua VN và khơi dậy lòng tự tôn dân tộc...”.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Ông Lê Đăng Doanh Cố vấn kinh tế cho Bộ Kế hoạch Đầu tư, giám đốc CIEM Viện Nghiên Cứu Quản lý Kinh tế Trung ương trả lời phỏng vấn RFA:


Kinh tế hậu Nguyễn Tấn Dũng sẽ ra sao?

Mặc Lâm, biên tập viên RFA
000_Hkg10249304-622.jpg
TT Nguyễn Tấn Dũng (đứng) tại Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12 hôm 25/1/2016.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ra đi nhưng nền kinh tế nói theo nhiều chuyên gia là “èo uột” thì vẫn ở lại chờ được người kế vị xử lý. Mặc Lâm phỏng vấn TS Lê Đăng Doanh, Cố vấn kinh tế cho Bộ Kế hoạch Đầu tư, giám đốc CIEM Viện Nghiên Cứu Quản lý Kinh tế Trung ương. Để tìm hiều thêm nhận định của ông về vấn đề này.

Thời điểm quyết định của kinh tế VN

Mặc Lâm: Thưa TS như ông đã biết kết quả của Ban chấp hành Trung ương khóa 12 cũng như Bộ chính trị đã có. Dư luận cho rằng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ra đi để lại một di sản về kinh tế rất èo uột và có thể nói là nguy hiểm. Là một chuyên gia kinh tế ông nhận xét về ý kiến này như thế nào, có trùng hợp với sự lo ngại của giới quan sát hay không thưa TS?
TS Lê Đăng Doanh: Tình hình kinh tế Việt Nam thì năm 2015 có đạt tăng trưởng cao 6, 7 - 6,8% và đấy là tốc độ cao nhất kể từ năm 2009 cho đến nay. Nhưng tốc độ tăng trưởng cao đó chủ yếu dựa vào nhà đầu tư nước ngoài và nền kinh tế Việt Nam đúng là đang có nhiều điều đáng lo ngại. Trước hết là mất cân đối ngân sách rất là nghiêm trọng và chi tiêu thường xuyên của bộ máy quá cồng kềnh, trùng lắp chiếm tới 70% tổng số chi ngân sách và số nợ công tăng lên. Mặc dù Bộ Tài chính liên tục công bố là nợ công vẫn an toàn nhưng nhiều người lấy làm lo ngại là chính phủ vay quá nhiều, vượt số nợ công đã công bố rất nhiều, vì vậy câu hỏi đặt ra là vay nhiều như thế để trả khoản nợ nào và trả như thế nào mà gánh nặng trả nợ ấy ngày càng tăng lên.
Điểm thứ hai nữa là cái thể chế của Việt Nam hiện nay nó đang kìm hãm và kéo năng lực cạnh tranh xuống. Các thể chế bị xếp hạng đặt biệt trong vấn đề tham nhũng, chi tiêu ngoài pháp luật thì được xếp hạn rất kém. Diễn đàn kinh tế thế giới họ đã nâng năng lực cạnh tranh của Việt Nam từ 68 bây giờ lên 56/140 nền kinh tế nhưng mà thể chế của Việt Nam và những khoản chi tiêu ngoài pháp luật thì Việt Nam xếp thứ 115/140 nền kinh tế tức là vào nhóm thấp nhất. Chính sự tham nhũng, chính sự chi tiêu ngoài pháp luật và đòi hỏi doanh nghiệp gây cho doanh nghiệp Việt Nam rất nhiều chi phí tốn kém về thời gian và tiến bạc và đấy là một thách thức rất là to lớn.
Thứ ba nữa là Việt Nam đã hội nhập rất sâu và từ ngày 31 tháng 12 năm 2015 thì cộng đồng kinh tế ASEAN đã hoạt động. Ngày nay người ta thấy hàng hóa của Thái Lan, Malaysia, Indonesia đang tràn ngập thị trường Việt Nam và đang cạnh tranh rất mạnh mẽ với doanh nghiệp Việt Nam. Câu hỏi rất lớn là doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải cạnh tranh như thế nào?
Điểm thứ tư là Ngân hàng Nhà nước thì công bố số nợ xấu đã giảm còn khoảng 3% và đã có cải cách hệ thống ngân hàng nhưng các đánh giá của các tổ chức đánh giá tài chính độc lập trên thế giới như Moody’s như Fitch hay như Standard&Poor thì đều đánh giá số nợ công cao hơn con số mà Ngân hàng Nhà nước công bố nhiều. Thật sự số nợ xấu mà Ngân hàng Nhà nước công bố chưa được giải quyết một cách cơ bản mà người ta nói là NHNN mới khóa cái nợ xấu đó trong kho của công ty VAMC chứ còn công ty đó chưa giải quyết được thật là căn cơ nợ xấu. Vì vậy cho nên ai lên tiếp tục vai trò của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thì cũng phải đối mặt với cái di sản này và hơn thế nữa nông nghiệp cũng đang đối mặt với rất nhiều thách thức và nếu như không giải quyết căn bản những vấn đề về thể chế như sở hữu đất đai và giải quyết vấn đề đền bù đất của người nông dân thì việc mất ổn định người nông dân đang đối mặt với các thách thức, rồi vấn đề biến đổi khí hậu, giá nông sản trên thế giới cũng là những nhân tố rất đáng lo ngại.
Việt Nam đang đứng trước một cơ hội rất lớn về mặt hội nhập nhưng về mặt thách thức thì cũng rất lớn mà nếu không cải cách thể chế thì có thể nói đây là một trong các thời điểm rất quyết định đối với kinh tế Việt Nam.
000_Hkg10250055-400.jpg
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hà Nội hôm 28/1/2016. AFP PHOTO.
Mặc Lâm: Theo như TS vừa giải thích thì nền kinh tế Việt Nam có vẻ đáng lo ngại lắm thế nhưng người sắp thay thế ông Dũng là ông Nguyễn Xuân Phúc thì rất mờ nhạt trong cách xử lý về kinh tế trước đây. Theo TS thì ông Phúc cần một Ban cố vấn như thế nào để có thể vượt qua nền kinh tế đang lúc khó khăn này?
TS Lê Đăng Doanh: Theo tôi hiểu ông Nguyễn Xuân Phúc dự kiến làm Thủ tướng vì ông ấy đã ở cương vị đó trong chính phủ và đã nắm bắt được vấn đề của nền kinh tế. Vấn đề bây giờ là ông Nguyễn Xuân Phúc phải nhìn thẳng vào sự thật và cần có một nhóm cố vấn hiệu lực có những người có đầu óc cải cách và nhóm này giống như Ban nghiên cứu của Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Thủ tướng Phan Văn Khải trước đây. Phải bao gồm những con người không màng đến lợi ích cá nhân, không chùn bước trước những sức ép của các nhóm lợi ích, thẳng thắn đưa ra các vấn đề về lợi ích của dân tộc, lợi ích của đất nước.
Nếu làm được như vậy thì tôi nghĩ ông Nguyễn Xuân Phúc có thể từng bước giải quyết được các thách thức rất lớn của nền kinh tế của chúng ta.

Tín hiệu cho sự chuyển biến?

Mặc Lâm: Chúng tôi cũng nhận thấy là có hai Ủy viên Trung ương bị trượt lần này cả hai đều là giám đốc của hai tập đoàn lớn như Than và Khoáng sản và EVN. Đây có phải là một nỗ lực của Bộ Chính trị muốn loại bỏ dần những thành viên chính phủ tỏ ra không hiệu quả trong quá khứ hay không thưa TS?
TS Lê Đăng Doanh: Tôi không rõ là Trung ương có giới thiệu hai vị này hay không vì tôi không có thông tin nhưng việc hai vị này cũng như một số người khác không được trúng cử thì chứng tỏ rằng Đại hội đã có những nhận xét và đánh giá xuất phát từ thực tế và như ta cũng thấy là khoảng 14 Bộ trưởng thành viên của chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã không được bầu lại vào Ban chấp hành Trung Ương. Đó là tín hiệu đánh dấu cho sự chuyển biến và tôi hy vọng những người vào chức Bộ trưởng mới sẽ nắm bắt ngay các vấn đề và bắt tay ngay vào công việc. Chậm tức là chết bởi vì cộng đồng kinh tế ASEAN đã có hiệu lực rồi, nếu chúng ta không chuẩn bị mạnh mẽ thì sẽ không nắm bắt được cơ hội khi vào TPP cũng như Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu âu.
Mặc Lâm: Thưa TS trong tình trạng ông Nguyễn Phú Trọng vẫn còn ngồi ghế TBT và vẫn thân thiện với Trung Quốc vì quan điểm cùng chung chủ nghĩa Mác Lênin với Trung Quốc chẳng hạn. TS có nghĩ rằng Ban Chấp hành Trung ương mới có thể tránh vết xe cũ, né tránh bớt việc nhập siêu với Trung Quốc để vươn lên ở vị thế mạnh hơn hiện nay hay không?
TS Lê Đăng Doanh: Tôi nghĩ việc Việt Nam cần có quan hệ giữ hòa khí, hòa bình ở khu vực Biển Đông là một trong các yêu cầu chiến lược của Việt Nam, còn Việt Nam phải đối phó với nhập siêu thì đó là một yêu cầu rất cấp bách và tôi nghĩ chính ông Trọng và các thành viên chính phủ đã nhận thức điều đó. Như vậy thì đây là một vấn đề có liên hệ đến lợi ích nhóm. Thí dụ như việc buôn lậu rõ ràng là có sự bảo kê, đã có sự phớt lờ thậm chí có nhóm lợi ích nhập hàng Trung Quốc vào Việt Nam rồi dán mác đây là sản phẩm Việt Nam…việc này làm cho nhập siêu rất lớn. Mặt khác trong số nhập siêu này cũng có vấn đề cấu trúc của nền kinh tế, tức là Việt Nam phải nhập những sản phẩm đầu vào dệt may từ Trung Quốc để gia công chế biến xuất khẩu và các đầu vào điện tử cũng là một trong những đầu mối dẫn đến nhập siêu. Thứ ba nữa Việt Nam nhập khá nhiều trang thiết bị của Trung Quốc và những trang thiết bị này được Trung Quốc đưa vào xây dựng nhà máy điện chẳng hạn thì trang thiết bị quá kém, chất lượng thấp.
Chẳng hạn như phụ tùng ô tô được lắp ráp ở Việt Nam được nhập từ Trung Quốc thì các phụ tùng đó chất lượng rất thấp và người dân Việt Nam hiện nay đang từ chối sử dụng chúng. Cụ thể ô tô nhập từ Ấn Độ hiện nay bán chạy hơn rất nhiều so với ô tô được lắp ráp từ phụ tùng Trung Quốc. Cho nên vấn đề nhập siêu từ Trung Quốc là một vấn đề liên quan đến lợi ích nhóm, liên quan đến tham nhũng và vấn đề đó phải được giải quyết trong thời gian sắp tới. Không nên đánh đồng việc Việt Nam cần giữ mối quan hệ hòa bình để xây dựng đất nước với việc nhập siêu.
Mặc Lâm: TS vừa nhắc tới lợi ích nhóm thì dư luận cho rằng các nhóm lợi ích đa số hình thành từ thời chính phủ của ông Nguyễn Tấn Dũng, như vậy sau khi ông Dũng ra đi liệu có sự thay đổi nào đó đáng kể và có thể thấy được trong vài nhóm lợi ích tại Việt Nam hiện nay?
TS Lê Đăng Doanh: Đấy chắc chắn sẽ là một cuộc đấu tranh rất khó khăn và gian khổ vì các nhóm lợi ích đã liên kết với nhau khá dày đặc và nó có quá nhiều tầng nấc. Thí dụ như ở cấp địa phương thì có những người đứng ra bảo kê taxi lộng hành, rồi vận tải lộng hành, rồi thì karaoke cũng có thể lộng hành và cạnh tranh không bình đẳng. Còn cấp cao hơn thì lại có công trình lớn đã được chỉ định thầu, rồi đường cao tốc Việt Nam thì giá thành quá cao mà chất lượng rất thấp. Tất cả những vấn đề đó cần một nỗ lực công khai minh bạch, phải có trách nhiệm giải trình và phải có sự tham gia giám sát của người dân, của xã hội dân sự. Tôi hy vọng sắp tới đây Việt Nam sẽ thực hiện các cải cách như thế này nếu không thì Việt Nam sẽ trả bằng một giá rất đắt và có thể rất đau đớn.
Mặc Lâm: Xin cám ơn ông.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Ba, 2 tháng 2, 2016

Nơi máu của người lính “không thể nào tan được”!

(Dân trí) - Khi Trung Quốc không ngừng lăm le xâm lấn biển Đông, khi mà mùa xuân sắp gõ cửa mỗi căn nhà thì hiếm có từ nào gần gũi và thiêng liêng như 4 tiếng: Hoàng Sa – Trường Sa! Đó là đường chân trời - Nơi máu của người lính “không thể nào tan được”…


Đường chân trời

Đường chân trời

Tôi nói cùng anh về đường chân trời
không phải giới hạn của mắt nhìn ra biển
không phải nơi xa vời chân đi không thể đến
không phải chốn bồng bềnh, hư ảo chân mây.

Đường chân trời của tôi là Song Tử Tây
chỉ gần ngay bên nhưng Song Tử Đông cách biệt 
là nấm mộ nhỏ nhoi trên Nam Yết
người lính trẻ quên mình cứu xuồng đảo trôi.

Là Cô Lin - Gạc Ma, sừng sững đường chân trời
sáu mươi tư chiến sĩ hải quân hy sinh vì nước 
máu các anh không thể nào tan được
giữa lớp lớp trùng khơi sóng vỗ bời bời.

Đường chân trời tôi đi từ những tiếng cười
những ánh mắt của trẻ thơ trên đảo
từ hàng cây bão táp, phong ba chịu nhiều gió bão
vẫn xanh hết màu xanh cho đảo hóa quê nhà.

Tôi vạch đường chân trời qua những giàn DK
người và sóng lắc lư trên biển
những người lính lấy thân mình làm bến
cho neo đậu niềm tin ở giữa đất liền.

Cho yên cả lòng mình nhớ vợ thương con
đường chân trời chạy qua bao số phận
người trên bờ mong trời yên biển lặng
người giữa khơi lo yên ổn ở nhà.

Tôi nói cùng anh từ quần đảo Trường Sa
đường chân trời xa ngoài trùng biển cả
đường chân trời gần trong vùng thương nhớ
suốt đời ta mang nợ những chân trời.
                
                                              Phạm Xuân Nguyên


BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.
Cám ơn các bạn!

Nhà thơ Bùi Hoàng Tám tuyển chọn và giới thiệu.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Lào trong chiến lược ngoại giao của VN và TQ


cq5dam.thumbnail.588.368
Biên dịch: Hoàng Lan
Năm 2015 đánh dấu mốc 40 năm kết thúc cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ hai. 40 năm trước, ba nước Đông Dương không chỉ chấm dứt chiến tranh, mà còn giành được thắng lợi trong cuộc cách mạng giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước: chủ nghĩa Cộng sản ở Campuchia cuối cùng giành được chính quyền, Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện độc lập dân tộc và thống nhất đất nước, Lào đến cuối năm 1975 dưới sự ảnh hưởng của Việt Nam đã chuyển hướng sang chủ nghĩa Cộng sản.
Tuy nhiên, năm 1975 chỉ là sự kết thúc cuộc chiến tranh về ý thức hệ, một bước ngoặt trong lịch sử xung đột khu vực, song một cuộc xung đột khác trong chủ nghĩa cộng sản vẫn tiếp tục tác động sâu sắc đến bán đảo Đông Dương, thậm chí là toàn bộ khu vực Đông Nam Á.
Xung đột Việt Nam-Campuchia đã kết thúc sự thống trị của Đảng Cộng sản Campuchia, khiến Trung Quốc tức giận cho rằng Việt Nam thực hiện ước mơ thành lập Liên bang Đông Dương, vì vậy hai nước Việt-Trung rơi vào trạng thái quan hệ không bình thường kéo dài hơn một thập kỷ. Dưới sự ảnh hưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, quan hệ Lào-Trung cũng giảm dần. Thời gian trôi qua, quan hệ Trung-Lào và Trung-Việt cũng có những bước thay đổi, trong thời gian trước và sau Chiến tranh Lạnh đã khôi phục quan hệ bình thường.
Trong một thời gian dài, dù là quốc gia kém phát triển nằm ở biên giới giữa khu vực và thế giới, song do vị trí chiến lược quan trọng đã khiến Lào trở thành một vùng đệm quan trọng trong chiến lược ngoại giao của các nước láng giềng. Ngày 2/12, dân dịp kỷ niệm 40 năm ngày thành lập nước tại thủ đô Viêng Chăn, Chính phủ Lào đã cho tổ chức một cuộc diễu binh và diễu hành lớn. Trong thời điểm quan trọng này, hai nước cộng sản láng giềng là Trung Quốc và Việt Nam đều cử lãnh đạo cấp cao tham dự lễ kỷ niệm, điều này một lần nữa cho thấy vị trí chiến lược quan trọng của Lào trong chính sách ngoại giao của các nước láng giềng.
Việt Nam và Lào: Mối quan hệ đặc biệt
Theo xác định của các quan chức Việt Nam và Lào, quan hệ hai nước là mối quan hệ đặc biệt “hiếm có trên thế giới”, mối quan hệ đặc biệt Việt-Lào không phải được biểu hiện bằng các khẩu hiệu hời hợt, mà là mối quan hệ có sức ảnh hưởng chính trị mang tính thực chất. Quan hệ đặc biệt Việt-Lào bắt nguồn từ mối quan hệ giữa Việt Minh và Pathet trong cuộc chiến tranh trên bán đảo Đông Dương lần thứ nhất. Trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam, do các vụ ném bom điên cuồng của Mỹ, miền Bắc Việt Nam đã phải mở một đường chi viên cho miền Nam qua lãnh thổ các nước láng giềng, trong đó Lào là điểm khởi đầu của con đường này và giữ vị trí hết sức quan trọng. Miền Bắc Việt Nam đã đặt Lào vào vị trí chiến lược của mình, đồng thời tăng cường ảnh hưởng đối với đảng Cách mạng nhân dân Lào, thậm chí còn giữ vai trò mang tính quyết định đối với thắng lợi của cách mạng Lào.
Sau khi Mỹ rút khỏi khu vực, chủ nghĩa cộng sản ở ba nước trên bán đảo Đông Dương đều giành chiến thắng. Khi cuộc chiến tranh kết thúc không lâu, tức là vào ngày 18/7/1977, đoàn đại biểu cấp cao Đảng Cộng sản Việt Nam đã có chuyến thăm Lào và ký “Hiệp ước hợp tác hữu hảo” có thời hạn 25 năm, về mặt pháp lý chính thức thiết lập quan hệ đặc biệt, từ đó Lào hoàn toàn rơi vào quỹ đạo ảnh hưởng của Việt Nam.
Mối quan hệ đặc biệt Việt-Lào được thể hiện giá trị lớn nhất trong quan hệ với Trung Quốc. Cho đến ngay trước khi quan hệ Việt-Trung xấu đi, Trung Quốc vẫn còn thực hiện viện trợ tái thiết cho Lào. Sau khi xung đột Việt-Trung xảy ra, “hiệp ước hợp tác đặc biệt” đã buộc Lào phải lựa chọn đứng về phía Việt Nam, quan hệ Trung-Lào cũng bắt đầu bị gián đoạn. Đứng trước các vấn đề khó khăn trong nước, vào giữa những năm 1980, hai nước bắt đầu điều chỉnh chính sách đối nội và đối ngoại, trong nước chú trọng phát triển kinh tế, về đối ngoại cố gắng phá vỡ thế bị cô lập, Việt Nam bắt đầu nới lỏng việc kiểm soát đối với Lào, trong khi đó Lào đã phát huy vai trò to lớn trong việc là cầu nối cho quá trình bình thường hóa quan hệ Việt-Trung, cùng với đó quan hệ Trung-Lào cũng dần được bình thường hóa.
Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Việt Nam và Lào lần lượt gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), cố gắng sử dụng diễn đàn khu vực này để tìm kiếm sự tồn tại và đạt được những lợi ích to lớn nhất cho mình. Tuy nhiên, mối quan hệ đặc biệt giữa Việt Nam và Lào vẫn tiếp tục tồn tại, dưới sự dẫn dắt của mối quan hệ đặc biệt về chính trị, chính phủ hai nước càng làm sâu sắc hơn nội hàm quan hệ đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, trong suốt thời gian dài Việt nam luôn là đối tác thương mại quan trọng nhất của Lào. Bước vào thế kỷ 21, hai nước tiếp tục tăng cường quan hệ đặc biệt trên lĩnh vực chính trị, giao lưu giữa chính phủ và nhân dân hai nước cũng diễn ra vô cùng sôi nổi. Năm 2002, chính phủ hai nước đã quyết định kéo dài “Hiệp ước hợp tác hữu hảo”. Năm năm sau đó, để kỷ niệm 30 năm ký hiệp hước hữu hảo, hai nước còn phối hợp viết cuốn sách “Quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào: 1930-2007”, làm toát lên “truyền thống hữu hảo” và “đoàn kết” giữa hai nước.
Nhân dịp Lào kỷ niệm 40 năm thành lập nước, Việt Nam cũng đặc biệt coi trọng sự kiện này, bốn nhà lãnh đạo cao nhất của Việt Nam đã lần lượt gửi điện chúc mừng, các nhà lãnh đạo cấp cao trong Đảng Cộng sản Việt Nam đã tham dự các hoạt động kỷ niệm ở thủ đô Viêng Chăn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng tham dự sự kiện này, đồng thời tổ chức một loạt hoạt động kỷ niệm tại Thủ đô Hà Nội ca ngợi truyền thống tốt đẹp của quan hệ hai nước.
Từ chiến tranh tới hòa bình, thời gian vẫn tiếp tục thay đổi, song cái không thay đổi là an ninh quốc gia, cái càng không thay đổi là ý nghĩa không gian chiến lược. Trong thời kỳ chiến tranh ở Việt Nam, Lào là tuyến đường giao thông của cuộc cách mạng thống nhất của dân tộc Việt Nam, trong thời đại phát triển hòa bình ngày nay, Lào vẫn còn giữ vị trí an ninh chiến lược vô cùng quan trọng đối với Việt Nam.
Trung Quốc và Lào: Cộng đồng vận mệnh chung
Trong một thời gian khá dài sau năm 1949, chính sách ngoại giao tổng thể của Trung Quốc là ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc của các nước châu Á và châu Phi. Đối với một nước Lào có địa lý giáp ranh, việc viện trợ cho Lào không chỉ thể hiện tinh thần đạo nghĩa mà còn bảo đảm vấn đề an ninh của Trung Quốc. Vì vậy, ngay từ thời kỳ đầu của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Trung Quốc đã có nhiều sự giúp đỡ, sau khi nước Lào được thành lập, Trung Quốc tiếp tục hỗ trợ cho Lào, song không lâu sau đó quan hệ hai nước bị gián đoạn và kéo dài cho đến giữa những năm 1980.
Trong những năm 1980, do những khó khăn trong quan hệ Liên Xô-Việt Nam nên những trợ giúp của Liên Xô dành cho Việt Nam ngày càng giảm, và chính điều này cũng tác động đến sự quan tâm của Việt Nam đối với Lào. Khi đó, Trung Quốc đã có sự điều chỉnh trong chính sách đối nội và đối ngoại, về đối ngoại cố gắng tạo ra môi trường bên ngoài hòa bình, phục vụ cho nhiệm vụ trung tâm phát triển kinh tế trong nước, chính điều này tạo điều kiện cho quan hệ Trung-Lào bình thường hóa vào năm 1989. Sau khi bình thường hóa, quan hệ hai nước Trung-Lào đã được khôi phục hoàn toàn và không ngừng phát triển, hợp tác và giao lưu trong lĩnh vực kinh tế cũng được tăng cường. Ngoại giao láng giềng chiếm vị trí quan trọng hàng đầu trong chiến lược ngoại giao của Trung Quốc. Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Trung Quốc bắt đầu cọi trọng phát triển quan hệ với các nước ASEAN, quan hệ chính trị và kinh tế giữa Trung Quốc và các nước ASEAN bắt đầu nồng ấm và ngày càng mật thiết. Cùng với việc Trung Quốc không ngừng trỗi dậy và những tranh chấp ở Biển Đông trở nên phức tạp, các nước Đông Nam Á ngày càng giữ vai trò quan trọng trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc. Một mặt sự trỗi dậy của Trung Quốc làm gia tăng mối liên hệ về kinh tế của Bắc Kinh với các nước xung quanh, mặt khác tình hình Biển Đông ngày càng căng thẳng trong những năm gần đây cũng khiến các nước trong khu vực lo lắng, đặc biệt là những nước có tranh chấp với Trung Quốc, họ muốn mượn tiếng nói của ASEAN để giải quyết tình hình phức tạp ở Biển Đông.
Năm 2013, Trung Quốc lần đầu tiên đưa ra chiến lược “Một vành đai, một con đường” nhằm mang lại động lực mới đưa quan hệ Trung Quốc-ASEAN phát triển sâu rộng hơn nữa, đưa quan hệ song phương bước sang một trang mới, Trung Quốc cũng tích cực xây dựng cộng đồng vận mệnh chung mang lại lợi ích cho cả Trung Quốc và các nước ASEAN, tích cực tham gia tiến trình phát triển kinh tế xã hội của các nước ASEAN. Trong bối cảnh phát triển quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN, là một thành viên của ASEAN, Lào cảm thấy vui mừng khi chứng kiến sự phát triển nhanh chóng trong quan hệ song phương với Trung Quốc. Theo cách nói của các quan chức, Trung-Lào đang thúc đẩy hơn nữa “quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với sự tin cậy cao độ, tạo ra cộng đồng vận mệnh chung Lào-Trung không thể bị phá vỡ”.
Để đẩy nhanh tốc độ phát triển đất nước, Lào đã đề ra một chiến lược to lớn, cố gắng trở thành “nguồn cung cấp điện của Đông Nam Á” khi có kế hoạch ngăn dòng chảy ở sông Mekong, trong khi đó Trung Quốc cũng tích cực tham gia xây dựng các nhà máy điện ở Lào. Tuy nhiên hành động này bị các nước láng giềng trong đó có Việt Nam kịch liệt phản đối. Cuối tháng 11/2015, Trung Quốc đã giúp Lào phóng vệ tinh đầu tiên, điều này không chỉ giúp Lào nâng cao lòng tự hào dân tộc, mà còn được các phương tiện truyền thông ở Lào ca ngợi là một sự kiện mang tính lịch sử, một món quà lớn cho ngày quốc khánh.
Điểm dừng chân đầu tiên của “Một vành đai, một con đường” chính là các nước Đông Nam Á, trong đó Lào là lựa chọn tốt nhất để “Một vành đai, một con đường” đi vào Đông Nam Á bằng đường bộ. Là một đoạn trong tuyến đường sắt nối liền Trung Quốc với Singapore trong tương lai, tuyến đường sắt Trung-Lào cũng nằm trong mạng lưới đường sắt nối các khu vực trong nước của Trung Quốc với các nước bên ngoài đã chính thức được khởi động nhân dịp quốc khách Lào vừa qua, và được truyền thông ca ngợi rằng nó đã đưa Lào từ một nước bị phong tỏa trở thành quốc gia kết nối của khu vực.
Tuy nhiên, tầm quan trọng chiến lược của Lào không giới hạn trong phạm vi quan hệ song phương. Trong bối cảnh tình hình Biển Đông ngày càng nóng, vai trò quan trọng của Lào sẽ không ngừng được nâng lên. Trung Quốc đang bị động trước việc Philippines kiện nước này ra tòa án quốc tế, và mới đây gặp nhiều sức ép từ các nước lớn và nước có tranh chấp tại hội nghị ở Manila vừa qua, Trung Quốc cần phải có sách lược linh hoạt hơn. Năm tới, Lào sẽ đảm nhận vai trò chủ tịch luân phiên của ASEAN, Trung Quốc có lý do để coi trọng quan hệ “cộng đồng vận mệnh chung cùng có lợi” Trung-Lào. Trong tương lai, Biển Đông sẽ tiếp tục trở thành chủ đề quan trọng trong quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN, Trung Quốc cũng có lý do để tiếp tục phát triển quan hệ “cộng đồng vận mệnh chung bền vững” với Lào.
Theo báo Liên Hợp Buổi sáng (Singapore)
Xem thêm:
- See more at: http://nghiencuuquocte.org/2016/02/03/lao-trong-chien-luoc-ngoai-giao-viet-nam-trung-quoc/#sthash.ncIHwS5S.dpuf

Phần nhận xét hiển thị trên trang