Và Sự Nhu Nhược Của Hoa Kỳ
* Thằng Hèn đụng thằng Điên - Hý họa của Michael Ramirez, báo IBD *
Đông Á là khu vực mà người Việt chúng ta quan tâm nhất, vì có nước Việt Nam, có Trung Quốc là một mối nguy, và vừa bước qua năm mới lại bị giật mình với việc Bắc Hàn Cộng Sản thử bom lần thứ tư, mà lần này có thể là bom khinh khí. Nhân dịp năm mới, Hồ Sơ Người-Việt sẽ lượng định khu vực này, như một bối cảnh giải thích những gì có thể xảy ra trong năm mới và sau này….
Đông Á Ở Đâu, Là Gì?
Dù khu vực này có chung một tên gọi mang ý nghĩa địa dư, chúng ta vẫn có thể phân biệt bốn vùng địa dư khác nhau.
Thứ nhất là quần đảo Thái Bình Dương, gồm có Nhật Bản, Đài Loan và cả Phi Luật Tân, là các quốc gia hải đảo hay quần đảo. Thứ nhì, đi về hướng Tây thì có Trung Quốc, ít ra là miền Đông của Trung Quốc, từ vùng duyên hải tới các tỉnh miền Tây ở bên trong. Dọc theo bờ biển, vùng đất khoảng gần một ngàn cây số bề ngang là trung tâm của Trung Quốc, gồm có lưu vực hai con sông lớn là Hoàng Hà và Dương Tử. Quanh vùng tạm gọi là “Trung Nguyên”, có các vùng đất khác, được coi là trái độn bảo vệ Trung Nguyên, là đất Tân Cương, Tây Tạng và Nội Mông. Xưa kia thì ta còn có thể kể thêm đất Mãn Châu không thuộc Hán tộc, nay là ba tỉnh Đông Bắc của Trung Quốc. Vùng đất thứ ba chính là Bán đảo Triều Tiên, gồm hai nước Nam-Bắc Hàn và lại kế cận với Nhật Bản. Vùng này có quốc gia tiên tiến nhất, gần ngang Nhật Bản, là Nam Hàn, mà cũng có quốc gia lạc hậu nghèo đói và nguy hiểm nhất là Bắc Hàn Cộng Sản.
Sau cùng, Đông Á còn có vùng bán đảo và hải đảo Đông Nam Á, bao gồm bán đảo Đông Dương xưa kia có tên là Ấn-Hoa, Indochina nằm giữa Ấn Độ và Trung Hoa, thực tế thì bao trùm lên các nước Miến Điện, Thái Lan, Lào, Miên, Việt Nam và bán đảo Mã Lai. Vùng đất thứ tư này được Trung Quốc coi là biên vực ngoại vi của mình và đã từng chi phối trong quá khứ.
Thế kỷ 21 cứ gọi Đông Á là vùng năng động kinh tế và có tiềm năng phát triển cao nhất. Sự thật thì khu vực này là nơi hỗn loạn, bất ổn và bị chiến tranh tàn phá trong đa số thời gian của Thế kỷ 21.
Và khi ấy, người ta còn có thể nhắc tới một quốc gia khác, là Hoa Kỳ. Dù ở tại Tây Bán Cầu, hay Đông Thái Bình Dương, Hoa Kỳ đã liên hệ rất nhiều và rất sâu tới Đông Á, đã tham gia chiến tranh chống Nhật từ năm 1941, bảo vệ Nam Hàn trong Chiến tranh Cao Ly chống Bắc Hàn và Trung Quốc từ 1950 đến 1953, tham gia chiến tranh Việt Nam từ 1965 đến 1975 và ngày nay vẫn có lực lượng Hải quân mạnh nhất trong khu vực.
Đông Á chỉ trở thành khu vực năng động về kinh tế kể từ thập niên 80 của Thế kỷ 20, với Nhật Bản dẫn đầu, rồi tới Nam Hàn, Đài Loan, các nước Đông Nam Á và sau cùng mới là Trung Quốc. Khi Đông Á vươn lên thì khối lượng hàng hóa giao dịch qua Thái Bình Dương đã vượt lượng hàng buôn bán qua Đại Tây Dương. Riêng vói Hoa Kỳ, thì luồng giao dịch mua bán với Á Châu đã lần đầu qua mặt Âu Châu từ năm 1983.
Ngày nay, Đông Á có hai nền kinh tế đứng hạng nhì và hạng ba thế giới là Tầu và Nhật. Đông Á cũng có các eo biển tại Đông Nam Á là nơi vận chuyển hàng hóa từ Thái Bình Dương qua Ấn Độ Dương và từ Đông Bắc Á xuống Úc Châu. Ngày nay, Đông Á đang có nền kinh tế bắt đầu sa sút là của Trung Quốc, và nền kinh tế chưa hồi phục là của Nhật Bản. Sau cùng, ngày nay, cái trục chiến lược có thể quyết định về loạn hay trị cho cả Đông Á là quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Trong khi ấy, siêu cường có ảnh hưởng nhất cho an ninh Đông Á là Hoa Kỳ thì lại muốn đứng ngoài vì lập trường bất nhất của Chính quyền Barack Obama!
Lịch Sử Bất An
Truyền thông nông cạn của thế giới thường nói đến sự kiện Đông Á đã có khoảng ba thập niên hòa bình trong giai đoạn vừa qua. Thật ra, đấy là ngoại lệ nếu người ta nhớ đến lịch sử.
Thế kỷ 20 đã mở đầu tại Đông Á với cuộc chiến Nga-Nhật năm 1904! Khi ấy, chiến hạm Nga phải lẩn trốn vào Cam Ranh để thoát chết!
Cũng trong thế kỷ 20, Chiến tranh Hoa-Nhật bùng nổ kể từ khi Nhật Bản đưa quân vào Triều Tiên năm 1910 rồi vào Mãn Châu và chiếm đóng một phần lãnh thổ của Trung Quốc năm 1931.
Lồng trong cuộc chiến Hoa-Nhật là Nội chiến Quốc-Cộng tại Hoa Lục từ năm 1937, là chiến tranh Mỹ-Nhật trên Thái Bình Dương từ 1941 đến 1945. Khi ấy, Trung Quốc là “con bệnh Đông Á” cho tới khi Mao Trạch Đông chiếm được Hoa Lục và mở cuộc tàn sát người dân vì những suy nghĩ và hành động hoang tưởng của ông ta. Trung Cộng, tên gọi chính xác hơn kể từ 1949, chi tỉnh giấc cuồng điên từ năm 1979 với Đặng Tiểu Bình. Nhưng cũng họ Đặng lại mở ra cuộc chiến Hoa-Việt vào đầu năm 1979 rồi còn yểm trợ lực lượng Khờme Đỏ hiếu sát cho tới 1989.
Trong suốt thế kỷ 20, ngoài cuộc chiến Mỹ-Nhật trên Thái Bình Dương, Hoa Kỳ đã hai lần lâm chiến tại Đông Á với hai cuộc chiến Cao Ly và Việt Nam để ngăn đà bành trướng của khối Cộng sản với kết quả một thắng một thua. Thắng là tại bán đảo Triều Tiên và cho Nam Hàn cơ hội phát triển thành quốc gia tiên tiến về cả kinh tế lẫn chính trị. Thua là tại bán đảo Đông Dương, với hậu quả là Việt Nam thống nhất. Hậu quả quốc tế và chiến lược hơn: Trung Quốc đang coi khu vực Đông Á là vùng trái độn quân sự của mình, và đòi uy hiếp toàn cõi Đông Nam Á.
Ngày nay, siêu cường Á Châu đã từng can thiệp vào vùng này là Hoa Kỳ lại là siêu cường bất định với một Chính quyền chỉ muốn cải tạo xã hội bên trong, nên lịch sử bất ổn của Đông Á có thể tái diễn.
Trung Cộng Xuống, Rồi Lên, Rồi Đang Xuống
Tại Đông Á, cường quốc kinh tế Trung Cộng mới chỉ có 36 năm tăng trưởng khả quan hơn thời khủng hoảng kinh tế liên tục kéo dài từ 1949 đến 1979. Trong giai đoạn gọi là “khởi phát” này, Trung Cộng đi theo con trường phát triển của Nhật Bản, tìm sức tăng trưởng cao nhờ đầu tư nhiều, xuất cảng mạnh những món hàng chế biến với nhân công rẻ. Nhưng cũng chẳng khác gì Nhật Bản kể từ năm 1991, Trung Cộng muốn cải sửa và chuyển hướng kinh tế và dồn sức vào tiêu thụ nội địa thay vì đầu tư và xuất cảng.
Nhưng thời khởi phát với đà tăng trưởng cao đã chấm dứt và tốc độ gia tăng sản lượng sẽ khó vượt 5%. Lợi thế nhân công rẻ cũng chẳng còn và việc chuyển hướng lại đụng vào quyền lợi của các thành phần đã hưởng lợi trong 36 năm qua nên bị cản trở, chống đối ở bên trong.
Chiến dịch diệt trừ tham nhũng có nhắm vào mục tiêu phá vỡ sự cưỡng chống này, nhưng gây hậu quả bất lường là làm bộ máy hành chánh công quyền bị tệ liệt. Trong xã hội Trung Cộng, tham nhũng là một đặc tính bình thường và liên quan tới mọi đảng viên cán bộ. Vì vậy, chiến dịch diệt trừ tham nhũng lại khiến bộ máy công quyền bị tê liệt. Trong khi ấy, vì nạn Tổng suy trầm từ năm 2008 đến 2009, Bắc Kinh kích thích kinh tế bằng tăng chi và tín dụng nên đã chất lên một núi nợ sẽ đổ.
Cùng nhiều tai họa khác, năm nay, chúng ta sẽ chứng kiến sự sụp đổ tài chánh ấy, mở đầu cho một chu kỳ sa sút kinh tế có thể kéo dài cả chục năm.
Xưa nay, chế độ Bắc Kinh biện minh cho nhu cầu độc đảng là nhờ đảng Cộng sản Trung Hoa đem lại cơm áo cho người dân. Lý do ấy đang phai lạt dần nên lãnh đạo Bắc Kinh phải tìm cách khác. Đó là phát huy tinh thần quốc gia của Hán tộc chống lại các quốc gia khác. Họ thay thế sự phồn vinh không có bằng tự ái dân tộc. Và trở thành hung hăng trên vùng biển Đông hải.
Chi tiết cần nhớ là sự hung hăng đó lại che giấu nỗi lo động loạn: ngân sách cho nhu cầu bảo vệ an ninh trật tự bên trong vẫn cao hơn ngân sách quốc phòng, dành cho quân đội.
Nhưng dù sao, nhìn từ các quốc gia lân bang, nếu Trung Cộng chưa có khả năng đối đầu với Hoa Kỳ thì vẫn thừa sức uy hiếp các nước yếu kém hơn. Vì vậy, họ có hai mối lo trái ngược: 1) Kinh tế Trung Cộng mà sa sút, kinh tế Đông Á sẽ bị ảnh hưởng bất lợi. 2) Trong khi tình hình bên trong càng hỗn loạn thì Bắc Kinh lại càng dễ gây hấn với bên ngoài. Do đó, xung đột quân sự càng dễ xảy ra.
Đâm ra, Đông Á năm 2016 sẽ gặp hai rủi ro: kinh tế suy trầm và an ninh bất ổn.
----
Kết luận ở đây là gì?
Hoa Kỳ triệt để bất nhất và bất lực trong suốt năm tranh cử này.
Trung Cộng càng lúng túng bên trong lại càng gây rủi ro lớn cho bên ngoài.
Nhật Bản sẽ đứng lên nhận lãnh trách nhiệm, về cả kinh tế lẫn an ninh, từ Đông Bắc Á xuống Đông Nam Á.
Rủi ro xung đột Hoa-Nhật sẽ gia tăng từ năm nay.