Đào Hiếu
Có một dạo lão Đào Hiếu rất buồn. Bạn bè lão người nào cũng làm quan lớn, kẻ thì chủ tịch, người thì giám đốc, tệ lắm cũng được chức trưởng phòng hay trưởng ban gì đó, còn lão thì suốt đời làm nhân viên quèn, nói nôm na là làm lính. Lão nghĩ mình cũng chẳng phải là một thằng cù lần hay thất học vậy mà ông trời không ngó lại.
Ngày nọ như chợt tỉnh cơn mê, lão nhớ câu: “nhân định thắng thiên”, bèn quyết định gom góp tiền bạc rắp tâm mở công ty, tự nghĩ: nếu trời không cho ta làm giám đốc thì ta mở công ty tự xưng làm giám đốc vậy. Bèn đem một gói bạc đến cửa quan xin mở công ty. Quan nói phải có 300 triệu để làm vốn điều lệ. Đào Hiếu đã chuẩn bị sẵn, liền đưa ra. Quan lại hỏi:
-Hiện giờ ngươi đang làm chi?
-Làm nhân viên nhà nước.
-Thế thì không được. Luật pháp cấm nhân viên nhà nước làm kinh doanh.
Đào Hiếu “quê” quá, lủi thủi ra về.
Đó là lần quê thứ nhất.
*
Hai năm sau tới tuổi nghỉ hưu, ý muốn làm giám đốc lại trỗi dậy. Lão lại vác đơn đến cửa quan nhưng lần này quy định về vốn điều lệ đã thay đổi: từ 300 triệu tăng lên 600 triệu. Đào Hiếu lại tiu nghỉu ra về, nghĩ chắc đời mình không có số làm quan.
Ngày nọ lão tức khí muốn “vượt lên số phận” một lần nữa, bèn đem 300 triệu đi mua một chiếc ô tô con. Tuy nó đã qua sử dụng nhưng vẫn còn bóng loáng sang trọng. Lão nghĩ: mình ăn mặc chỉnh tề, lái chiếc xe này ra phố, oai phong có thua gì giám đốc.
Sáng chủ nhật lão diện một bộ cánh thật đẹp: áo bỏ vô thùng, cài măng-sét, thắt cà-vạt, đi giày da. Lão mời thê tử lên xe dạo phố nhưng họ đều bận việc bếp núc. Đào Hiếu bèn rủ cháu nội, năm ấy cô bé đã bảy tuổi. Nó hỏi:
-Đi bằng gì?
-Xe hơi.
-OK.
Cháu nội vui vẻ lên xe, ngồi ngay phía trước, cạnh ông nội.
Đào Hiếu thắt dây an toàn, ngắm mình trong kính chiếu hậu rồi hỏi cháu nội:
-Xe đẹp không?
-Quá đẹp.
-Ông nội đẹp không?
-Quá đẹp.
-Con nhìn kỹ ông nội đi. Thế nào? Ông nội trông có giống giám đốc không?
Cháu nội ngắm nghía một lúc. Rồi nói:
-Không.
-Thế thì giống ai?
-Giống tài xế taxi.
*
Quê quá, lão Đào Hiếu già chẳng thèm ngó ngàng gì tới chiếc xe hơi nữa.
Đầu năm mới có cô em họ đến chúc Tết. Nàng ta còn trẻ, trạc bốn mươi tuổi, có bằng thạc sĩ, nói tiếng Anh như gió. Thấy ông anh mình không được vui, nàng ta nói:
-Đời anh không làm quan lại hay. Ung dung tự tại, chẳng phải luồn cúi ai.
Thấy cô em ăn nói chững chạc lão Đào Hiếu liền nổi hứng xổ bầu tâm sự:
-Tuy anh không làm quan nhưng anh cũng thành công trong sự nghiệp văn chương. Tác phẩm của anh được nhiều người đọc, nhiều cuốn rất nổi tiếng. Thiên hạ khen nức nở. Chẳng lẽ không có giá trị hơn bọn quan lại sao?
Cô em họ cười mĩm:
-Anh lại ảo tưởng nữa rồi. Trong mười người khen, may ra có một người đọc anh. Chín người kia chỉ lướt qua vài trang đầu, vài trang giữa rồi vài trang cuối. Thấy người ta khen cũng hùa theo mà khen. Thực ra họ không đọc đâu.
Đào Hiếu bắt đầu thấy quê. Lão gỡ gạc:
-Nhưng những bài báo của anh, những bài tiểu luận nổi tiếng từng gây tranh cãi dữ dội thì sao?
-Những bài đó thì họ có đọc vì nó ngắn.
-Và họ rất ca ngợi anh. Họ là các “fans” của anh, họ hâm mộ anh vô cùng.
-OK. Nhưng chưa chắc đã vì anh viết hay mà vì anh đã “chửi” thay cho họ. Thế thôi. Nhưng nếu anh bị bắt, bị tù thì họ quay lưng đi ngay.
Câu này thì làm Đào Hiếu quê thật sự. Quê như con dê!
Té ra lão ta chẳng có giá trị gì cả.
*
Lão buồn tình đi tản bộ ngoài bờ sông. Hôm đó là sáng mồng một Tết, nhưng lòng lão nặng trịch một nỗi cô đơn thê thảm. Chợt nhớ tích xưa khi Tần Thủy Hoàng chết, thừa tướng Lý Tư bị bọn hậu duệ của Tần Thủy Hoàng xử trảm. Trước khi chết Lý Tư ngửa mặt lên trời mà than rằng:
-Ta chỉ muốn khi về hưu, chiều chiều dắt con chó vàng đi dạo chơi trên bờ sông. Vậy mà cũng không được rồi!
Đào Hiếu cảm thấy mình còn may mắn hơn Lý Tư, vì không bị chết chém mà lại có nuôi một con chó ở nhà, bèn vội vàng chạy về, đứng trước cổng, huýt sáo gọi chó.
Nó chạy ra cổng, ngoắc đuôi lia lịa, nhảy chồm lên kêu ăng ẳng. Lão mở khóa cổng, những tưởng nó sẽ chồm lên liếm mặt lão, nhưng không, nó vọt ra, biến mất. Lão ngoái nhìn, thấy nó đang cặp kè với một con chó cái. Đôi trai tài gái sắc ấy vừa chạy vừa âu yếm nhau rất mùi mẫn.
Lần này thì lão nhà văn họ Đào quê một cục. Tự thấy mình không bằng một con chó cái.
(Trích “NGƯỜI ĐÀN BÀ TRÊN ĐỒI CỎ”)
Phần nhận xét hiển thị trên trang