Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 1 tháng 12, 2015

NHẬT TUẤN ĐÃ VỀ QUÊ MẸ


Vũ Từ Trang
















Cuối cùng, nhà văn Nhật Tuấn cũng đã trở về đất mẹ. Anh mất ngày 6-10-2015, tức 24 tháng tám âm lịch, tại Sài Gòn. Cháu Bùi Nhật Tấn, con trai trưởng của nhà văn, sau lo chu đáo tang lễ và cúng bốn chín ngày cho người cha, theo nguyện vọng của cả gia đình, sáng sớm nay, cháu Tấn mang lọ tro hài cốt nhà văn bay ra Bắc. Cùng những người ruột thịt nhà văn Nhật Tuấn, tờ mờ sáng, mấy anh em chúng tôi ra đón nhà văn tại sân bay Nội Bài, rồi đưa nhà văn Nhật Tuấn về nơi an nghỉ cuối cùng là nghĩa trang Yên Kỳ, Bất Bạt, Hà Nội. Sinh trưởng tại Hà Nội, khi chết, nhà văn lại được trở về Hà Nội. Nhìn người bạn từng sống và làm việc tung hoành, hết mình, mà nay lặng lẽ một bình tro, làm tôi và mọi người không khỏi ứa nước mắt. Thôi thì kiếp người sinh tử, vốn lẽ thường tình, mà sao buồn quá chừng.





































ảnh 1: Người thân bên phần mộ chờ phút hạ tro cốt nhà văn
ảnh 2: Tấm bia mộ chí có ghi "Tác phẩm để đời của Ông: Đi về nơi hoang dã". Thế là mọi người, chí ít là những người trong gia đình và bạn bè đánh giá và ghi nhận đúng về nhà văn Nhật Tuấn. Dòng chữ hưởng dương, nhẽ ra phải ghi hưởng thọ, 77 tuổi. Như muốn nói sự sống nhà văn còn mãi, ít ra là trăm tuổi, nên 77 tuổi vẫn là trẻ.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Ở Việt nam đang cần người như này:


“Nữ hoàng” ngành xử lý rác thải của Úc gốc Việt

"Nữ hoàng" ngành xử lý rác thải của Úc gốc Việt
Nữ doanh nhân Lê Hồ đã vực dậy một công ty bên bờ vực phá sản trở thành một cái tên dẫn đầu thị trường với doanh thu 10 triệu đôla Úc.
Nhiều người đã từng nghĩ công ty xử lý rác thải Capital City Waste Services của Lê Hồ sớm muộn sẽ phá sản, sau khi cô tiếp quản công ty cách đây vài năm. Nhưng trải qua quá trình kinh doanh, cô đã chứng minh cho mọi người thấy rằng những nghi ngại trên là không có căn cứ, khi cô xây dựng Capital City thành một công ty có doanh thu lên tới 10 triệu đô la Úc.
Với thành tích đó, Lê Hồ đã trở thành một trong 29 nữ doanh nhân thành đạt của nước Úc được vinh danh bởi cuốn sách #IfSheCanICan. Tờ báo hàng đầu nước Úc là Sydney Morning Herald cũng đặt cho cô biệt hiệu "Nữ hoàng rác thải".
Được biết, niềm yêu thích kinh doanh của Lê Hồ được hình thành ngay từ khi cô còn rất trẻ. Khi ở độ tuổi 20, cô đã khởi nghiệp lần đầu tiên với một cửa hàng áo cưới. 6 năm sau đó, cô đã có trong tay 6 cửa hàng. Tuy nhiên, sau đó khi thị trường thương mại điện tử bùng nổ một cách nhanh chóng, hoạt động kinh doanh của Lê Hồ gặp không ít khó khăn từ các đối thủ cạnh tranh đó. Vì thế cô đã rẽ sang một hướng kinh doanh hoàn toàn mới.
"Tôi muốn tìm một mô hình kinh doanh mà bất kể lúc nào mọi người cũng luôn luôn có nhu cầu", Hồ chia sẻ. Và đấy là lý do đã đưa Lê Hồ đến với ngành xử lý chất thải. Lê Hồ đã tiếp quản công ty Capital City từ tay một người bạn của cô, vốn là giám đốc cũ của công ty.
Theo chia sẻ của Hồ, tại thời điểm đó Capital City hiện đang thua lỗ tới 20.000 đô la Úc mỗi tháng và tệ hơn là đang đứng trên bờ vực phá sản. Mặc dù vậy, cô vẫn đồng ý mua lại công ty này với giá 50.000 đô la úc.
"Tôi quyết định thực hiện một bước đi khá là liều lĩnh để mua lại công ty, dựa trên niềm tin của tôi vào triển vọng mà nó có thể mang lại. Tôi phải chấp nhận những rủi ro thường trực về việc tiếp tục thua lỗ nếu những chiến lược của tôi không hoạt động hiệu quả. Tôi đã mua toàn bộ số cổ phiếu của công ty, và chỉ sau tháng đầu tiên thì tôi đã đưa được tình hình hoạt động công ty trở về điểm hòa vốn", đấy là những lời chia sẻ của Lê Hồ về bước khởi đầu của mình.
Để ngay lập tức giảm thiểu chi phí của công ty, cô đảm nhiệm hầu hết các khâu trong hoạt động kinh doanh của công ty, từ kế toán cho đến bán hàng và thậm chí là kiêm luôn cả việc lái xe tải.
Kể từ đó một ngày mới đối với cô luôn là một chuỗi dài những công việc. Từ sáng sớm, cô phải lái xe tải từ công ty đến những địa điểm thu gom rác thải, rồi sau đó nhanh chóng thay đồ áo để tiếp tục đến tham dự các buổi hội họp cũng như tìm kiếm các khách hàng mới. Vào buổi tối, cô sẽ dành phần lớn thời gian để đọc sách và phản hồi email công việc.
"Trong 12 tháng đầu tiên, mỗi ngày tôi phải làm việc tới tận 18 tiếng", cô chia sẻ. Đây là điều không hề dễ dàng gì khi lúc đó con trai của cô còn chưa đầy năm.
Tuy khó khăn là vậy nhưng xem ra Lê Hồ đã chọn đúng lĩnh vực kinh doanh sinh lời. Theo đánh giá của IBISWorld thì tổng giá trị của ngành thu gom rác thải rắn tại Úc năm 2015-2016 đạt 6,2 tỷ đô la Úc, với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm ước đạt 3,8% trong tương lai.
Để có được thành công như ngày hôm nay không phải là một điều dễ dàng đối với Lê Hồ, nhất là trong một ngành mà nam giới đang thống trị.
"Là một người trẻ tuổi bước chân vào ngành quản lý chất thải, tôi luôn phải đối đầu với những vị giám đốc khác với độ tuổi 50-60 và có thâm niên 30-40 năm làm việc trong ngành", cô nói.
Do đó, nhiều người đã đánh cược rằng không sớm thì muộn Capital City sẽ phá sản khi cạnh tranh với những công ty này. Tuy nhiên với Lê Hồ, những điều này không làm cô nản lòng mà chỉ càng tiếp thêm nhiều cảm hứng.
"Đó là động lực để tôi có thể thức dậy và lái xe tải lúc 6 giờ sáng", cô nói. "Tôi chắc chắn sẽ chứng minh cho mọi người thấy rằng tôi là ai và tôi có thể làm được những gì".
Lê Hồ dành một lời khuyên tới những nhà doanh nhân, nhất là những doanh nhân trẻ tuổi rằng khi muốn bắt tay vào kinh doanh một điều gì đó, vốn là niềm đam mê của bạn thì hãy theo đuổi đến cùng: "Hãy giữ vững ý chí của bạn vì đôi khi sẽ có đến 9 trên 10 người nghĩ rằng bạn đang bị điên".
Cô nhấn mạnh "Tôi vẫn luôn kiên trì thực hiện những điều mà tôi theo đuổi và kết quả đã chứng minh một sự thực rằng, nếu bạn đi theo tiếng gọi của trái tim và theo đuổi niềm đam mê của bạn thì bạn sẽ không bao giờ phải lãng phí một ngày nào trong cuộc đời".
@doanhnhanSG

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Họ bảo đi thì cứ đi - Bao năm cống hiến, sá gì tiền dân!

Về hưu xuất ngoại học kinh nghiệm xây dựng ‘cường quốc vé số’


Việc nhiều lãnh đạo sắp nghỉ hưu có mặt trong danh sách UBND tỉnh Bình Phước cử đi tham quan, học tập kinh nghiệm làm xổ số ở Canada đã gây xôn xao dư luận...


Thấy bạn mình đang hớn hở chờ làm thủ tục xuất ngoại tại sân bay Tân Sơn Nhất, chú Cử “ba dọi” thân mật hỏi vui: “Ái chà chà, bác Cử “thịt băm”, bác định trốn dì hai ở nội quốc để đi thăm dì ba ở ngoại quốc đấy à!”.
Ông Cử “thịt băm” vội nháy mắt, bấm vai bạn, giọng thì thào: “Chú nói khẽ thôi, kẻo ở đây “tai vách mạch rừng”, không có chuyện dì hai, dì ba nào cả. Đây là tôi xuất ngoại đi Canada học các “chiêu trò” kinh doanh vé số chú hiểu chưa?”.
Chú em Cử “ba dọi” cười ngoác miệng: “Thế ra bác là thành viên trong đoàn công tác gồm một số cán bộ sắp về hưu của tỉnh Bình Phước, được tỉnh ưu tiên sắp tới cho sang tận Canada để “tham quan, học tập kinh nghiệm xổ số” với nguồn kinh phí hơn tỉ đồng của Công ty Xổ số kiến thiết Bình Phước, phải không?”.
   Về hưu xuất ngoại học kinh nghiệm xây dựng ‘cường quốc vé số’ - Ảnh 1
Buổi tuyên dương các đại lý, khách hàng của Công ty XSKT tỉnh Bình Phước. Ảnh: Báo Bình Phước.

Bác Cử “thịt băm” xua tay: “Không phải, không phải, tôi đã về hưu cả chục năm rồi, mấy năm gần đây phải ra đường bán vé số dạo, làm gì có cơ hội may mắn như mấy ông đó.
Nghe thông tin tỉnh Bình Phước sắp tới cử cả đoàn công tác sắp về hưu sang Canada học cách làm ăn lớn với các “chiêu trò” độc nhất vô nhị trong nghề vé số, nên tôi phải tự bỏ tiền túi, bay sang trước để thăm dò xem sao.
Bởi tôi nghĩ rằng, mấy ông sắp về hưu còn định chịu khó xuất ngoại học hỏi cách làm giầu bằng vé số để đưa nước ta thành “cường quốc vé số” như vậy, hà cớ gì một người đã về hưu như mình, cứ quanh năm cặm cụi với nghề bán vé số dạo được mấy đồng con thì bao giờ mới ngẩng mặt được với thiên hạ, chú hiểu chưa?”.
Chú Cử “ba dọi” khoát tay: “Bác ơi, muốn học nghề đại gia vé số thì phải đi tận Mỹ mới đúng “phỏm” bác nhé! Báo chí đưa tin, năm ngoái, một sếp ở tỉnh Tiền Giang cũng đã ký quyết định cử 2 đoàn đi công tác ở Mỹ để học tập kinh nghiệm về nghề xổ số.
Vậy muốn học hành đến nơi đến chốn thi bác phải xuất ngoại sang Mỹ cơ, chứ còn sang Canada, bác chỉ đi thăm hú hý với các dì ba thì được, chứ muốn học các ngón nghề cờ bạc, vé số thì cứ phải dứt khoát là sang Mỹ, nhé bác!”.
Bác Cử “thịt băm” gãi đầu: “Năm nay làm gì có chuyện đi Mỹ học nghề vé số hả chú! Tôi chỉ thấy báo chí đưa tin tỉnh Bình Phước sắp cho đoàn công tác sang Canada học về... vé số.
Còn tỉnh Tiền Giang, cách đây gần một tháng chỉ có vụ việc tỉnh cử đoàn cán bộ sắp nghỉ hưu (không liên quan đến chuyên môn) đi Hà Lan và Nga học kinh nghiệm về xây dựng các công trình chống nước biển dâng, chống ngập khiến dư luận bức xúc.
Vậy phải chăng tỉnh Tiền Giang đã chán việc cử người đi học nghề vé số của Mỹ rồi mới chuyển sang cử người đi học cách xây đập chống nước biển dâng ngập ở 2 nước Hà Lan và Nga.
Vậy chú thử tư vấn cho tôi nên đi học nghề vé số hay nghề xây đập?”.
Chú Cử “ba dọi” cười tóe loe: “Bác ngây thơ quá thôi, đi học kiểu ấy tốn kém lắm đấy. Bác có bán tất cả nhà cửa, tài sản của bác cũng không đủ tiền để xuất ngoại học mấy nghề đó đâu nha!
Theo báo chí phản ánh, các tỉnh ấy cho mấy đoàn công tác gồm các cán bộ sắp về hưu được xuất ngoại sang mấy nước đó trên danh nghĩa là đi học nghề vé số, nghề xây đập là họ dùng... kinh phí từ ngân sách để chi trả cho các chuyến du dương xuất ngoại, bác hiểu không?
Tiền mồ hôi, nước mắt của dân cả đấy! Đi học hay nhân danh chuyện nọ, chuyện kia để đi chơi, đi du lịch? Việc ấy đang làm dư luận bức xúc đề nghị các cấp ngành phải làm rõ.
Vậy bác cứ bình tâm ở nhà, với kinh nghiệm mấy năm bán vé số dạo trên mọi nẻo đường, bác cứ tay gậy, tay bị khắp nơi tung hoành là được đấy.
Bác không nên xuất ngoại làm gì cho tốn tiền, bởi nếu có phải học hỏi kinh nghiệm bán vé số thì bọn nước ngoài phải đến đây học hỏi kinh nghiệm thực tế lăn lộn của bác đấy, chứ không phải là Canada và Mỹ đâu, bác nhé! ”.
Bác Cử “thịt băm” thắc mắc: “Tôi vừa nghe báo chí thông tin về vụ việc này. Theo đó, lãnh đạo Tỉnh ủy và UBND tỉnh Bình Phước vừa yêu cầu Công ty xổ số Bình Phước kiểm tra, rà soát, nếu thấy cần thiết thì tham mưu để UBND tỉnh điều chỉnh danh sách, kế hoạch đoàn đi Canada “học về xổ số”.
Trong danh sách 31 người được cử đi Canada chỉ có 16 đại lý, 3 cán bộ của công ty xổ số. Còn lại 12 người là lãnh đạo sắp nghỉ hưu hoặc thành viên hội đồng giám sát xổ số tỉnh. Được biết, công ty này sẽ làm tờ trình đề nghị đưa ra khỏi danh sách đi Canada những cán bộ lãnh đạo sắp về hưu.
Và thực tế, nhiều lãnh đạo sắp nghỉ hưu có trong danh sách được cử đi Canada “học về xổ số” cũng đã quyết định không tham gia chuyến đi này và từ chối nộphồ sơ để làm thủ tục xin visa. Chú rõ không?”.
Chú Cử “ba dọi” xoa tay, cười tươi:
“Về hưu, xuất ngoại làm gì
Ta học… xổ số, ta đi hàng đầu
Cường quốc vé số ở đâu
Ở tận Bắc Mỹ, ta nào có hay
Về già đi học mới hay
Học xong, ta về hưu ngay tức thì
Họ bảo đi thì cứ đi
Bao năm cống hiến, sá gì tiền dân
Biến đổi khí hậu rầm rầm
Dăm năm nữa, nước biển dâng ngập giời
Nên ta phải đi học thôi
Học cách xây đập tuyệt vời nước Nga
Hà Lan cũng chẳng bao xa
Học hai nước ấy là ta đủ nghề
Tuổi cao ta vẫn đam mê
Học xong ta quyết không về hưu đâu
Học thêm xổ số thuộc lầu
Về hưu ta quyết đứng đầu nước ta
Cường quốc vé số đây à
Học ai, ta học chính ta, đủ rồi”
Lý Vui Vẻ (ghi)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

ĐỖ TRỌNG KHƠI gửi Thư Ngỏ cho một ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn VN


Thực tế đã và đang xảy ra tình trạng nhiều cây bút muốn được trở thành hội viên Hội Nhà văn vì họ coi tấm thẻ hội viên là sự đảm bảo “cao sang” chứ không coi trọng, thậm chí không hiểu biết gì về sứ mệnh “cao quý” của tấm thẻ. Với các tác giả này khi đã đạt mục tiêu là hội viên, rất có thể đấy là giá trị cuối cùng với họ. Quả vậy thì sau tấm thẻ, nếu họ có sáng tác thêm được tác phẩm lẽ thường tác phẩm đó không trở nên độc hại thì cũng chỉ là thứ tầm thường, vô bổ. Với nhà văn coi văn chương như sinh mạng, thì mỗi khi sáng tác với họ là một nghi lễ bày tỏ tình yêu thương, nhằm cưu nâng lấy kiếp phận con người, cho sự cao quý của tồn tại con người. Bởi vậy với nhà văn đó có khi tác phẩm của họ chỉ là những tiếng thở dài, cũng nặng mang bao nỗi niềm nhân thế. Và nhà văn hẳn biết quên, thậm chí trong số họ có người không hề biết đến cảnh sống tiện nghi, những nghi thức sang trọng, song trên chiếc chiếu thiên nhiên hoa cỏ chốn quê mùa, nhà văn vẫn có thể một mình



THƯ NGỎ GỬI MỘT NHÀ VĂN LÀ ỦY VIÊN BAN CHẤP HÀNH

Kính thưa nhà văn!
Mỗi năm cứ vào độ này Hội Nhà văn Việt Nam lại nhộn nhịp người qua kẻ lại chăm lo những việc xét giải thưởng hằng năm, việc xét kết nạp hội viên. Đây quả là hai phần việc quan trọng bậc nhất của công tác hội và vì vậy hai việc này rất được dư luận quan tâm.
Quan niệm về giải thưởng, về danh hiệu nhà văn cũng như mọi quan niệm về các loại giá trị khác, thường gặp những ý kiến khác nhau, khi gần gũi, khi khá cách biệt. Lại thêm gần đây chuyện “đạo thơ” dẫn đến phải “thu hồi giải thưởng” gây một vết thương khá sâu sắc cho văn đàn thì về vấn đề chất lượng giải, tư chất nhà văn trong con mắt xã hội càng cần được đặt ra nghiêm cẩn hơn. Và đây cũng là nội dung chính của lá thư này tôi muốn ngỏ cùng nhà văn.
Thưa nhà văn!
Cách đây chừng một năm, cũng vào cữ cuối thu sang đông này, khi mà văn đàn đang chờ đợi về giải thưởng và việc xét kết nạp hội viên, thì trên trang blog cá nhân của một vị nhà văn - giáo sư khả kính có đăng bài viết Nghề văn không sang trọng, trong đó có đưa ra nhận xét: “Văn chương rất cần sự cao quý nhưng không cần sang trọng”. Vào dịp thu 2015, trong những ngày này nhận thấy nội dung bài viết mà vị giáo sư đặt ra sâu sắc và thiết thực biết bao. Ở phạm vi hẹp, tôi xin có đôi lời bàn thêm về nhận định trên của vị nhà văn - giáo sư.
Theo tôi, nhận định: “Văn chương rất cần sự cao quý nhưng không cần sang trọng” đã nói trúng bản chất của công việc nhà văn. “Cao quý” hay “sang trọng” là hai khái niệm và cũng là thuộc tính của văn hoá. Cao quý nghiêng về biểu đạt nội dung, tinh thần, đạo đức; sang trọng nghiêng về biểu hiện hình thức, vật chất, hàng hoá. Tuy vậy, đúng là khi sử dụng hai khái niệm này trong sinh hoạt đời sống dễ gặp nhầm lẫn, khó cho việc phân định đúng sai.
Tỷ như, bảo nghề văn cao quý, nhưng một tác phẩm cụ thể là bài thơ, truyện ngắn có thể nói là cao quý không? Lại như, nghề thầy thuốc trị bệnh cứu người hiển nhiên là một nghề cao quý, nhưng trong một việc cụ thể, dù nó rất quan trọng, rất có giá trị, như việc tìm ra một loại kháng sinh, một phác đồ điều trị, thì cũng khó gọi tên loại thuốc kháng sinh, tên pháp đồ điều trị đó là cao quý, từ “sang trọng” đương nhiên càng không thể dùng cho trường hợp này. Vậy cho hay, lời nhận định trên của vị nhà văn - giáo sư chỉ trúng về bản chất của công việc nhà văn và nhằm chia tách hai khái niệm “sang trọng”, “cao quý” cho riêng rẽ, độc lập.
 “Sang trọng” là một phẩm chất văn hoá, đẹp và quý giá, cần được đạt tới trong đời sống. Đời sống nhà văn cũng như mọi người, cần được sự sang trọng. Nghĩa là điều kiện sống đầy đủ ở mức cao. Như nhà lầu, các vật dụng tiện nghi hàng hiệu đắt tiền hiện đại… Nhưng hành trạng tinh thần, sản phẩm nghệ thuật thì rất cần được nuôi dưỡng từ trong máu, trong từng mầm hạt hướng tới sự cao quý. Văn là đời, là người. 
Bản chất của sáng tác văn chương nhằm hướng tới cảm xúc đẹp, siêu thoát trong đời sống tâm hồn con người, trên cõi thế gian này, dù người đó (bạn đọc) là ai, họ đang làm nghề gì, đang sống nơi lâu đài hay nơi túp lều… Và, cho dù bản thân tác giả - nhà văn kia là ai, đời sống vất vả đau thương hay quyền cao chức trọng thì điều căn cốt nhất, trong từng con chữ, mỗi hạt tinh thần, tư tưởng của anh ta đang phúng chiếu ra trang giấy, đòi hỏi phải được đảm bảo bởi sự cao quý.
Hiển nhiên ở góc độ đời sống, cao quý gắn với sang trọng như hai mặt của một bàn tay, nhưng dù vậy cao quý vẫn không hề đồng nghĩa, đồng tâm với sang trọng được. Cao quý là hồn cốt, sang trọng là da thịt. Cao quý là sự sống, sang trọng là đời sống. Cao quý là mục đích tối thượng, sang trọng là món hàng khuyến mại ăn theo…
Bởi vậy, trong đời sống xã hội có những kẻ tay vấy đầy máu, lòng đầy tham lam, thù hận nhưng hắn lại có một đời sống cực kỳ xa hoa, sang trọng. Không ai bảo những kẻ này là cao quý. Ngược lại có không ít những con người mà đời sống phải chịu bao thương khó, quần manh áo vá, lang thang vô định nhưng họ là bậc đạo hạnh, sản phẩm tâm hồn của họ trao cho con người lại rất cao quý.
Ví ngay trong nền văn học nước nhà, các tấm gương như chí sỹ mù Nguyễn Đình Chiểu, thi sỹ bị bệnh hủi Hàn Mặc Tử, thi sỹ Bùi Giáng… Thậm chí loài vật, qua việc làm của mình đã đạt tới sự linh thiêng cao quý, khiến con người tôn vinh, thờ phụng như con cá voi với người dân làm nghề đi biển v.v… Rõ ràng nhìn từ góc độ đời sống này, khó có thể xem về mặt hoàn cảnh sống của Nguyễn Đình Chiểu, Hàn Mặc Tử, Bùi Giáng là “sang trọng”.
Để tránh nhầm lẫn, tránh hướng mục tiêu đạt tới của công việc nhà văn, việc chia tách khái niệm cao quý và sang trọng là đúng và cần thiết. Nhất là Hội Nhà văn sắp bước vào “mùa thứ 5”, mùa kết nạp hội viên mới.
Thưa nhà văn!
Thực tế đã và đang xảy ra tình trạng nhiều cây bút muốn được trở thành hội viên Hội Nhà văn vì họ coi tấm thẻ hội viên là sự đảm bảo “cao sang” chứ không coi trọng, thậm chí không hiểu biết gì về sứ mệnh “cao quý” của tấm thẻ. Với các tác giả này khi đã đạt mục tiêu là hội viên, rất có thể đấy là giá trị cuối cùng với họ. Quả vậy thì sau tấm thẻ, nếu họ có sáng tác thêm được tác phẩm lẽ thường tác phẩm đó không trở nên độc hại thì cũng chỉ là thứ tầm thường, vô bổ.
Với nhà văn coi văn chương như sinh mạng, thì mỗi khi sáng tác với họ là một nghi lễ bày tỏ tình yêu thương, nhằm cưu nâng lấy kiếp phận con người, cho sự cao quý của tồn tại con người. Bởi vậy với nhà văn đó có khi tác phẩm của họ chỉ là những tiếng thở dài, cũng nặng mang bao nỗi niềm nhân thế. Và nhà văn hẳn biết quên, thậm chí trong số họ có người không hề biết đến cảnh sống tiện nghi, những nghi thức sang trọng, song trên chiếc chiếu thiên nhiên hoa cỏ chốn quê mùa, nhà văn vẫn có thể một mình đơn độc tạo nên thứ nghi lễ cao quý, sang trọng là sáng tạo, để cống hiến cho đời tác phẩm văn chương hữu ích.
Chân thành cảm ơn nhà văn đã lắng nghe tôi.
Kính thư!
                                   ĐỖ TRỌNG KHƠI


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Bực hết cựa mình!

Văn Chương tự sướng

Có lẽ từ vài mô hình hoạt động của những ấn phẩm văn chương thời gian qua khá thuyết phục mà mới đây một tờ báo không chuyên về văn chương cũng mạnh dạn áp dụng cách làm này. Theo đó, nếu tác phẩm được đăng tải không có một dòng nào nói rằng tác giả được nhuận bút mà còn kêu gọi tác giả ủng hộ quý báo đăng ký mua tối thiểu 50 tờ, tương đương với 250 nghìn. Chỉ cần làm phép tính nhanh khi so sánh với các báo chuyên về văn chương thì thấy “chi phí ủng hộ” còn cao hơn cả nhuận bút nếu phải trả. Thế là bỗng dưng văn chương được giao trọng trách vĩ đại khi “cõng” cả các mảng khác để tiêu thụ báo.



VĂN CHƯƠNG TỰ SƯỚNG

HÀ ANH

Không nặng nề đặt ra mục tiêu giá trị nghệ thuật, chỉ cần cái mình viết ra và được xuất hiện trên một vài ấn phẩm rồi đem tặng bạn bè, lại được khen, được khích lệ động viên, không quan tâm đến nhuận bút, không ảnh hưởng lớn đến ai… thế đã là tự thỏa mãn bản thân và thôi thúc tiếp tục cầm bút. Phải chăng đây là một kiểu văn chương tự sướng?

Muôn hình vạn trạng công bố sách
Trước nay, chúng ta vẫn mặc định một tác phẩm văn chương khi được sử dụng đăng tải trên báo chí là sản phẩm tinh thần, và được trả nhuận bút. Tùy từng thời điểm, tùy từng cơ quan mà số nhuận bút ấy khác nhau, ít nhiều. Thế nhưng, giờ đây, bên cạnh cách thực hiện “truyền thống” còn xuất hiện những cách làm khá lạ, khiến không ít người “rón rén đón nhận”, hoặc “chưa quen”, thậm chí khó chấp nhận.
Có trường hợp bài viết sử dụng đăng tải nhưng tác giả được thỏa thuận trả nhuận bút được quy ra bằng chính ấn phẩm đó. Có thể dao động từ 10, 20, 30 ấn phẩm tùy từng giá trị của bài được quy ra. Tuy nhiên, cách trả này phụ thuộc vào thỏa thuận, nên chỉ một số tác giả đồng ý mới thực hiện. Một số người có óc hài hước cho rằng đây là cách bán ấn phẩm khá khôn ngoan.
Còn có kiểu làm nữa là ấn phẩm này dùng một số bài “đinh” của những người tên tuổi và có trả nhuận bút. Nhưng số bài đinh này chỉ chiếm một phần, khoảng 1/5, còn lại sẽ mở rộng đăng tải cho những tác phẩm tầm tầm, vừa vừa và chính bộ phận này sẽ “cõng” chi phí của ấn phẩm, có khi còn đem lại lợi nhuận cho người tổ chức bài vở. Tất nhiên, tác phẩm của những tác giả “vừa vừa” này điều kiện đầu tiên để không bị loại là không đi ngược đường lối chính sách chủ trương của nhà nước, không vi phạm, ảnh hưởng thuần phong mĩ tục… Sau khi được lựa chọn thì điều kiện gần như là bắt buộc và cuối cùng là phải bỏ tiền túi ra mua tối thiểu một số lượng nhất định ấn phẩm đó, còn tối đa thì không giới hạn. Như thế là người có danh tiếng được đăng vẫn có nhuận bút, còn người ít danh tiếng, hoặc chưa có danh tiếng thì không cần màng đến nhuận bút lại vui vẻ đồng ý vì mình được ngồi cùng chiếu sang, tên tuổi, trích ngang, ảnh chân dung đầy đủ của mình hiện diện cả. Theo một tiết lộ của người từng làm ấn phẩm đang kể trên thì với cách làm này không lỗ, có khi còn lãi!. Bởi vì rất nhiều người yêu văn chương thích, họ không những mua số lượng tối thiểu bắt buộc mà còn mua nhiều hơn để đem tặng bạn bè, người thân.
Có lẽ từ vài mô hình hoạt động của những ấn phẩm văn chương thời gian qua khá thuyết phục mà mới đây một tờ báo không chuyên về văn chương cũng mạnh dạn áp dụng cách làm này. Theo đó, nếu tác phẩm được đăng tải không có một dòng nào nói rằng tác giả được nhuận bút mà còn kêu gọi tác giả ủng hộ quý báo đăng ký mua tối thiểu 50 tờ, tương đương với 250 nghìn. Chỉ cần làm phép tính nhanh khi so sánh với các báo chuyên về văn chương thì thấy “chi phí ủng hộ” còn cao hơn cả nhuận bút nếu phải trả. Thế là bỗng dưng văn chương được giao trọng trách vĩ đại khi “cõng” cả các mảng khác để tiêu thụ báo.
Không ít người từng dở khóc dở cười khi một ngày đẹp trời bỗng dung điện thoại kêu reng reng từ số máy lạ. Từ đầu dây bên kia là giọng nói khá ngọt ngào, trẻ trung và trôi chảy mời gọi mua sách về dòng họ - trùng với họ người được gọi, để thấy được dòng họ của mình có gốc tích và vẻ vang như thế nào, thậm chí có khi còn có tên mình trong đấy. Rồi sau đó là cuộc thương lượng về một khoản tiền không nhỏ được thanh toán. Chỉ đến khi nhận được sách mới thấy chả có gì thiết thực và rất phí tiền. 
Như vậy, cùng với việc dự thi văn chương muốn được giải phải nộp tiền thì giờ đây tác phẩm được đăng tải thì tác giả cũng phải mua sách, báo ủng hộ. Tuy nhiên, cái sự “ngược” này không phải đến bây giờ mới xuất  hiện, không phải chỉ hạn hẹp ở giới cầm bút nghiệp dư mà ở ngay cả với các nhà thơ chuyên nghiệp. Để in một tập thơ, nếu trước đây thì các nhà xuất bản sẽ trả nhuận bút cho tác giả nhưng hiện nay thì việc này rất hiếm, chỉ những tác giả đặc biệt. Còn thì phần lớn tác giả tự bỏ tiền túi ra in, và sau đó mang tặng, số bán được rất ít và không phải ai cũng có khả năng bán.
Cùng với văn học giấy, văn học mạng xuất hiện những năm gần đây cũng đánh dấu một phương thức công bố tác phẩm kiểu mới. Theo đó, tác phẩm được đưa lên mạng, độc giả vào đọc và không phải trả một xu nào.
Thử lý giải cách làm trên
 “Nhà văn không thể sống được bằng ngòi bút” (số người sống được bằng ngòi bút thực tế chỉ đếm trên đầu ngón tay) dường như là câu cửa miệng của giới cầm bút để thấy, một là sự sáng tạo có hạn, không phải thứ mì ăn liền, ngày nào, giờ nào cũng viết ra tác phẩm, hai là việc chi trả nhuận bút ở ta còn quá thấp, chưa tương xứng với sự sáng tạo của người cầm bút. Hiện nay có không ít các đơn vị xuất bản rơi vào tình cảnh khó khăn, thậm chí nếu không có sự hỗ trợ thì nguy cơ phá sản rất cao. Vậy thì liệu việc tổ chức bài vở trái ngược với cách làm truyền thống lâu nay có phải là đôi đũa thần để cứu nguy tình trạng khó khăn không?. Ở một khía cạnh nào đó thì đây cũng là một giải pháp có tính khả thi vì đối tượng có nhu cầu đăng tải không màng đến nhuận bút như thế này rất đông đảo.
Kiểu đăng tải như thế này thường các nhà văn, nhà thơ rất dị ứng và không mặn mà. Nếu được lựa chọn đăng làm bài đinh chủ yếu là do mối quan hệ. Còn lại phần lớn là những cây bút nghiệp dư, ít tên tuổi, muốn có chút danh tiếng, ngộ nhận khả năng văn chương của mình hoặc muốn có tí chút văn chương làm sang cho ngành nghề khô khan, không dính dáng đến văn chương. Với những đối tượng như thế này thì nhu cầu được đăng tải, được xuất hiện là có thật. Chính vì vậy sự ảo tưởng, háo danh là khó tránh khỏi. Đứng chung chiếu với người nổi tiếng, xuất hiện một cách quá dễ dàng trên các diễn đàn văn chương càng làm cho sự ảo tưởng, háo danh đó tăng lên.
Bên cạnh nhu cầu mua - bán văn chương thì nhu cầu biếu tặng văn chương cũng rất lớn. Bất cứ một sản phẩm nào không tham gia thị trường, không thực hiện việc mua - bán thì rất khó thúc đẩy sự phát triển của sản phẩm ấy. Tâm lý một độc giả khi bỏ tiền ra mua cũng hoàn toàn khác với tâm lý của độc giả được biếu, tặng ấn phẩm văn chương. Bỏ tiền ra mua thì chắc chắn đến 90% ấn phẩm này sẽ được đọc, còn nếu được biếu tặng thì tùy thuộc vào sở thích, thời  gian và trăm ngàn lý do khác để người ta lơ là, bỏ quên, không muốn đọc… Nhưng cho dù không đọc thì tâm lý biếu tặng lại rất dễ “trông người lại ngẫm đến ta”, chẳng nhẽ họ có tác phẩm được đăng, mang đi tặng người nọ người kia mà mình thì không. Thế là một cuộc chạy đua cứ thế được nhân rộng để chứng tỏ ta cũng chẳng kém ai.
Song song với những dị ứng, không thiết tha mặn mà với kiểu đăng tải tác phẩm như trên thì cũng nên bình tĩnh và sòng phẳng thấy rằng, sự ra đời của “sân chơi” này là tất yếu trong bối cảnh hiện nay. Cái hại lớn nhất của những người cầm bút kể trên là ngộ nhận, háo danh. Nhưng ngộ nhận và háo danh đâu chỉ có diễn ra ở văn chương, ngành nghề nào, lĩnh vực nào cũng có. Hơn nữa thừa nhận hay không, thừa nhận ở mức độ nào là hoàn toàn quyền của độc giả, của thời gian. Việc thỏa mãn cá nhân, đáp ứng được nhu cầu bản thân, không ảnh hưởng lớn đến người k hác âu cũng là một cách… tự sướng diễn ra nhan nhản hàng ngày. Sân chơi” này ai thích thì chơi, không thích thì thôi, đi chỗ khác. Và một  khi đã là nhu cầu có thật và rất lớn thì không sớm hay muộn, cách này hay cách khác kiểu văn chương tự sướng như thế này cũng sẽ xuất hiện. Bởi nó đánh đúng tâm lý của những người cầm bút nghiệp dư, khả năng tài chính lại thừa thãi.
Phải thừa nhận cách làm này của một số tổ chức, cá nhân là nắm bắt khá nhanh nhạy, kịp thời, đáp ứng được nhu cầu của giới cầm bút nghiệp dư. Nếu như tổ chức bài bản, chuyên nghiệp… thì người làm hoàn toàn có khả năng nghĩ đến chuyện lãi, có khi làm giàu bằng văn chương. So sánh thì có vẻ khập khiễng nhưng chính cuộc sống thường ngày của chúng ta đã và đang chứng kiến biết bao cách làm khác với truyền thống mà sau đó kết quả thu về lại cũng vô cùng bất ngờ. Google, facebook… cho chúng ta sử dụng miễn phí hàng ngày và thu về bằng cách khác. Biết đâu đấy, văn chương của những người nghiệp dư, muốn đăng phải mất tiền chính là mảnh đất màu mỡ của lợi nhuận. Văn chương cũng như một mặt hàng cần được quảng cáo. Mà quảng cáo thì cái gì cũng có thể xuất hiện.
Băn khoăn lớn nhất là làm thế nào để những ấn phẩm văn chương, những trang báo dành cho văn chương tạo được thương hiệu tên tuổi mà nhắc đến ai cũng biết, ai cũng coi đó là địa chỉ văn học có thể tin cậy được… còn người viết, khi gửi bài đến thấy tác phẩm được đăng còn vinh dự và cần thiết hơn cả nhuận bút thì liệu có làm được không?
Trong đời sống văn chương hôm nay, có lẽ đã đến lúc chúng ta phải làm quen và chấp nhận cái gọi là kiểu văn chương tự sướng.

Nguồn: Văn Học Quê Nhà


Phần nhận xét hiển thị trên trang

BIL GATES nói về số phận nông dân trong thảm họa biến đổi khí hậu


Giờ đây, biến đổi khí hậu sẽ khiến tình hình càng thêm nghiêm trọng. Trong vài thập niên nữa, tình trạng trái đất nóng lên sẽ phá hủy nghiêm trọng nền nông nghiệp các nước, đặc biệt là ở vùng nhiệt đới. Cây trồng sẽ không phát triển do mưa quá ít hoặc quá nhiều. Sâu bệnh sẽ càng sinh sôi nảy nở trong điều kiện khí hậu ấm hơn. Nông dân ở các nước giàu cũng sẽ bị ảnh hưởng nhưng họ có công cụ và sự hỗ trợ cần thiết để ứng phó. Trong khi đó, những nông dân nghèo nhất thế giới phải ra đồng mỗi ngày với bàn tay trắng và sẽ là đối tượng tổn thất nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu, mà lại ngay lúc thế giới đang chật vật giải quyết bài toán lương thực cho dân số ngày càng tăng.


NÔNG DÂN TRONG THẢM HỌA BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

BILL GATES

Vài năm trước, Melinda (vợ của Bill Gates - người dịch) và tôi đến thăm một số nông dân ở bang Bihar, vùng rốn lũ của Ấn Độ. Tất cả đều rất nghèo và phụ thuộc vào cây lúa để lo cái ăn cho gia đình. Vào mùa mưa hằng năm, họ đều đối mặt nguy cơ trắng tay vì lũ lụt nhưng vẫn phải cắn răng đánh cược rằng cánh đồng của họ sẽ thoát khỏi cơn cuồng nộ của thiên nhiên. Đó là ván bài mà họ thua nhiều hơn thắng. Nếu vụ mùa bị phá hủy, những người này sẽ rời khỏi quê nhà lên thành phố tìm những công việc tạm bợ để nuôi gia đình. Sang năm, họ lại trở về, thường là càng nghèo hơn lúc ra đi, bước vào một ván bài mới.

Đối với nông dân ở các nước đang phát triển, cuộc sống là một màn đi trên dây mà không hề có lưới an toàn. Họ không tiếp cận được hạt giống tốt và phân bón, hệ thống tưới tiêu lạc hậu và thiếu những công nghệ hữu ích khác cũng như không hề được bảo hiểm mùa màng. Chỉ cần một vài lần năm xui tháng hạn cũng đủ để khiến họ rơi sâu xuống vực thẳm đói nghèo.

Giờ đây, biến đổi khí hậu sẽ khiến tình hình càng thêm nghiêm trọng. Trong vài thập niên nữa, tình trạng trái đất nóng lên sẽ phá hủy nghiêm trọng nền nông nghiệp các nước, đặc biệt là ở vùng nhiệt đới. Cây trồng sẽ không phát triển do mưa quá ít hoặc quá nhiều. Sâu bệnh sẽ càng sinh sôi nảy nở trong điều kiện khí hậu ấm hơn.
Nông dân ở các nước giàu cũng sẽ bị ảnh hưởng nhưng họ có công cụ và sự hỗ trợ cần thiết để ứng phó. Trong khi đó, những nông dân nghèo nhất thế giới phải ra đồng mỗi ngày với bàn tay trắng và sẽ là đối tượng tổn thất nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu, mà lại ngay lúc thế giới đang chật vật giải quyết bài toán lương thực cho dân số ngày càng tăng.

Theo tôi, nếu hành động ngay bây giờ, chúng ta vẫn có thể tránh được những tác động xấu nhất của biến đổi khí hậu và cung cấp đủ lương thực cho thế giới. Chính phủ các nước cần khẩn cấp đầu tư vào năng lượng sạch để giúp giảm đáng kể phát thải khí nhà kính và tạm ngăn nhiệt độ tăng lên. Nhu cầu bức bách không kém là đầu tư vào các nỗ lực giúp đỡ những người nghèo nhất thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đầu tiên là giúp nông dân, đặc biệt ở các nước đang phát triển, tiếp cận những công cụ cơ bản nhất như nguồn vốn, hạt giống, phân bón, huấn luyện kỹ năng tốt hơn cùng thị trường để tiêu thụ sản phẩm. Tiếp theo là những công cụ mới phù hợp với thực trạng mới. Từ lâu, Quỹ Bill & Melinda Gates và các đối tác đã làm việc để phổ biến nhiều loại hạt giống mới có thể trồng khi hạn hán hoặc lũ lụt. Những nông dân mà tôi đã gặp ở Bihar khi xưa giờ đang sử dụng một giống lúa mang tên lúa scuba có thể sống dưới nước trong 2 tuần. Nhiều giống lúa khác đang được phát triển có khả năng chịu đựng hạn hán, hơi nóng, lạnh và đất nhiễm mặn nặng.

Tất cả những nỗ lực này có sức mạnh thay đổi đời sống của hàng chục triệu người. Khi tiếp cận được những công cụ như của các đồng nghiệp tại các nước giàu, nông dân nghèo có thể tăng mùa vụ và thu nhập lên gấp 2 hoặc 3 lần. Họ có thể cải thiện chế độ ăn uống, đầu tư hơn cho mùa màng, đưa con đến trường và giảm thiểu nguy cơ. Như vậy thì dù có gặp phải một vụ mùa thất bát thì họ cũng cảm thấy yên lòng hơn.

Biến đổi khí hậu sẽ mang đến những hậu quả không thể lường trước. Điều chúng ta có thể làm là sẵn sàng cho tình huống xấu nhất. Thế giới phải tăng tốc nghiên cứu về hạt giống và các công nghệ hỗ trợ cho nông dân các nước nghèo và đang phát triển. Cần kíp không kém là phải có những chương trình, tổ chức để giúp nông dân tiếp cận với những công cụ hỗ trợ mới.

Đời sống của nông dân nghèo đang quá bấp bênh và chỉ cần một rủi ro nhỏ là có thể dồn họ vào đường cùng. Tuy nhiên, tôi vẫn tin rằng loài người nói chung và nông dân nói riêng có đủ khả năng để đương đầu với những thách thức sát sườn và cả trong tương lai. Nếu chúng ta hành động ngay bây giờ!


VĂN KHOA chuyển ngữ

Phần nhận xét hiển thị trên trang