Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 8 tháng 10, 2015

Thì cứ đi hết đi!

LẠI THÊM CUỘC RA ĐI
Sáng sớm, nhà văn Huy Thắng điện thoại báo tin nhà văn Nhật Tuấn ra đi tối qua sau cơn nhồi máu cơ tim, làm tôi buồn sững lại. Thế là cuộc hẹn hò vào thăm nhau ở trang trại Tân Uyên, Bình Dương của ba chúng tôi lỡ dở.
Ở xa nhau, tôi vẫn theo dõi anh qua fb. Hơn chục ngày qua, thấy anh vắng bóng trên fb, mới hay, anh bị đau đột ngột phải bỏ trang trại về Sài Gòn chữa bệnh, nào đâu ngờ anh ra đi nhanh thế. Nhà văn Nhật Tuấn nghiện fb, có ngày lên fb mấy bận, như thể lấy thế giới ảo lấp đi sự trống trải , cô đơn đời sống thực của mình. Cái trang trại một thời đầy bóng cây bàng, giàn hoa giấy chi chít và ngập tràn hoa cỏ dại, là nơi cư trú trái tim không bình yên và đầy mẫn cảm của một cây bút tài hoa. Tôi biết, có khi hàng chục ngày đóng kín cổng, tách rời thế giới ban ngoài, để anh cắm mặt vào trang viết. Nhà văn Nhật Tuấn là người viết trên máy tính rất sớm. Mấy cỗ máy tính trong phòng, như luôn hầm hập hơi thở làm việc của anh. Anh viết văn như người thổ mộc, hùng hục và ào ạt. Tiểu thuyết, truyện ngắn, tản văn, chân dung văn học… tác phẩm này nối tiếp tác phẩm kia. Anh công bố trên trang mạng của anh. Thi thoảng, công bố trên báo. Gần bốn chục năm về trước, khi in “Trang 17”, “Con chim biết chọn hạt”, anh trở thành một hiện tượng và xứng đáng là nhà văn tài hoa, xếp hạng. Tiểu thuyết “Đi về nơi hoang dã” khi ra đời, tạo thành cuộc tranh cãi sôi động trong giới cầm bút. Sau một thời gian đánh giá chuẩn mực, sách được in đi in lại nhiều lần trong nước và nước ngoài. Nhắc đến nhà văn Nhật Tuấn, là phải nhắc tới cuốn tiểu thuyết này.
Đời tư của mỗi nhà văn, ai cũng lắm vui buồn. Với Nhật Tuấn, như nhiều hơn. Sao số phận các nhà văn nhà thơ mà tôi quen biết, bỏ Hà Nội vào Sài Gòn sinh sống, như Hoài Anh, Nguyễn Lâm (Lâm râu), Trần Hoài Dương và Nhật Tuấn, khi ra đi cùng trong cảnh ngộ cô đơn và đường đột. Vâng, cô đơn là thuộc tính của sáng tạo. Nhưng sống được trong cô đơn, vượt trên cô đơn để làm việc, để viết lên những trang sách để đời, đó là đánh cược cả cuộc đời mình vào trang viết, làm tôi trận trọng và cảm kích biết sao!
7-10-2015
VŨ TỪ TRANG

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Beo viết cho Nhật Tuấn:

NHẬT TUẤN


@
Nhật Tuấn sinh năm 1939, tuổi Kỉ Mão.
Nếu dừng lại ở thị Beo, thì Nhật Tuấn có 5 đời vợ. 3 có hôn thú 2 không, xen kẽ nhau. Cơ số này sau ngày cưới rất lâu, thị Beo cũng mới biết do chị ruột Nhật Tuấn kể cho nghe.
Thị Beo  có mối quan hệ rất tốt với các vợ và cả với kha khá bồ bịch của Nhật Tuấn. Thậm chí 4 người trong số họ  còn đánh bạn với Thị Beo tới tận giờ luôn.
Nhật Tuấn chưa bao giờ học  về cầu đường như một vài báo trước đây viết. Hết lớp 10 một thời gian dài sau, ông đi làm công nhân, ngày ấy gọi là phụ động, cho một nhóm khảo sát thiết kế đường lên mạn Tây và Đông Bắc. 6 năm lăn lộn ở đây đã được tưởng thưởng một cách xứng đáng cho số phận  một nhà văn sau này, tác phẩm Đi về nơi hoang dã .
Sau đó ông về làm tại bộ Giao thông, trải qua nhiều công việc như giữ thư viện, nhân viên trực tổng đài điện thoại. Cái tổng đài ngày xưa to bằng nửa căn nhà với rất nhiều ổ-phích, nhân viên phải rút ra cắm vào liên tục ấy là nền để hư cấu nên truyện ngắn Con chim biết chọn hạt. Đây cũng là thời gian Nhật Tuấn viết những truyện ngắn hay nhất của mình Trang 17, Con tàu trắng đi trong khói nắng,…
Thấy ông có năng khiếu văn chương, cơ quan cho đi học tại chức khoa Ngữ văn, Đại học tổng hợp. Tốt nghiệp, ông được nhà văn Hoàng Lại Giang giúp chuyển về NXB Văn học. Hoàng lại Giang còn là người ơn rất nhiều việc lớn sau này của Nhật Tuấn.
@
Nhật Tuấn có  thói quen viết gần xong mới đặt tựa sách. Đặt tựa trước, ông sẽ khởi động chương đầu cực kì khó khăn. Đi về nơi hoang dã là trường hợp gần như xuất thần đặc biệt.
Người có công đặt tựa và gợi ý Nhật Tuấn viết cuốn này là nhà văn đã quá cố Lê Quốc Minh, trong một bữa nhậu có sự tham  gia của  nhà văn đã quá cố Trần Hoài Dương, nhà thơ Trần Mạnh Hảo, vợ chồng nhà thơ Hoàng Hưng. Trong lúc bàn chuyện thế sự và ôn cố tri tân chuyện Tây Bắc, trong ngôi nhà vườn rất đẹp ở Gò Vấp, Lê Quốc Minh đã bật ra cái tựa trên.
Ngay hôm sau, Nhật Tuấn bắt tay vào viết và viết rất nhanh.
Trong  thời gian chung sống, tất cả sách của Nhật Tuấn do thị Beo biên tập, sửa bon morat. Thêm bớt cắt gọt gì hầu như ông không quan tâm sau khi đã đặt dấu chấm hết, mà cứ thế đưa thẳng sang nhà xuất bản. Thường thì  sửa rất nhiều. Ví như Lửa lạnh, sửa bê bết  đến mức Nhật Tuấn càu nhàu, Cậu làm như đồng tác giả.
Riêng Đi về nơi hoang dã,  không sửa  gì kể cả thì là mà và. Tất cả các chi tiết trong sách, buồn đốt rừng ngắm chơi, ông  cán bộ ăn  vụng bánh, móc  thịt chôn đã mấy ngày lên ăn… đều có thật, không có bất cứ tình tiết hư cấu nào.
Tiểu thuyết viết theo kết cấu cổ điển. Câu chuyện bóc dần những bản năng âm u, sư tha hóa của con người trên hành trình, càng đi càng dấn sâu vào nơi vô định hoang dã. Vế sau của lời nhận xét này chính là “độ lớn”, là tầng ngữ nghĩa thứ hai của tác phẩm. Đi về nơi hoang dã là gạch nối- kết thúc “trường phái” sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa  được tụng ca trước đó, đồng thời nó  là cuốn thành công nhất trong nhóm những tác phẩm được mệnh danh văn học phản kháng (Ly thân, Thiên đường mù…), tồn tại gần chục năm sau thì tự hết.
@
Đi về nơi hoang dã chưa bao giờ bị cấm đoán. Lần xuất bản đầu in 10 ngàn cuốn, một con số thông dụng cho hầu hết các tác giả có tiếng thời điểm ấy. (Những tác giả bán chạy nhất như Nguyễn Mạnh Tuấn thường phát hành 30 đến 50 ngàn bản cho lần in đầu).
Việc nó không được bàn luận nhiều trên báo chí, lỗi tại…nhà báo. Riêng báo nhà thị Beo, dứt khoát không có chuyện được nhắc đến hay nhờ ai nhắc đến bất cứ cuốn nào, ko riêng Đi về nơi hoang dã. Chồng hát vợ khen hay là thiếu tự trọng. Giờ nghĩ lại, thấy quan niệm kẻ sĩ Bắc Hà này quê mùa cũ kĩ và phi thị trường.
@
Non nửa ngày vật vã trên xe vì điện thoại hết pin. Tới khách sạn còn giành nhau ổ cắm chán chê mới vào mạng. Có lẽ thị Beo là người biết tin Nhật Tuấn mất cuối cùng, trong số những người cần biết.
Sinh thời, Nhật Tuấn là người lạc quan và cực kì ghét những lời sến sẩm. Nhật Tuấn và Beo xưng hô nhau Cậu- Tớ. Gây lộn thì Ông- Tôi. Mấy năm sống chung, hợp khẩu nên cũng hiếm khi  to tiếng với nhau.
76 năm  có mặt trên cõi đời, Cậu đã góp phần cùng thị Beo tạo ra hai sinh vật đẹp đẽ, ngoan ngoãn và thành đạt. Để lại một cuốn sách mà sau đây, không một cuốn  văn sử nào được phép quên.
Không phải ai cũng làm được những điều to tát thế, Nhật Tuấn ạ.
R.I.P Cậu.
Cứ thô ráp và hoang dại như vẫn, nơi cõi ấy nha!

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Tư, 7 tháng 10, 2015

“Từ cửa sổ nhỏ mọi người có thể nhìn ra thế giới”


 (LĐCT) - Số 40 NHẬT LỆ THỰC HIỆN



Không phải ngẫu nhiên mà "Giải thưởng Phan Châu Trinh" 2012 và giải "Sách hay" 2015 trao cho dịch giả Phạm Nguyên Trường. Những đóng góp của ông cho việc phổ biến kho tư tưởng thời đại là không hề nhỏ. Người ta còn nhìn thấy sự đóng góp của ông qua blog - “Một cửa sổ nhìn ra thế giới”. Ở đó, ông thu thập nhiều bài viết hay, đa dạng, có thể giúp người đọc “nhìn thế giới trong lòng bàn tay”.


Ông từng nhận định, cuốn “Chủ nghĩa tự do truyền thống” là một trong những tác phẩm hay nhất mà ông từng được đọc trong suốt cuộc đời đọc sách của mình” và “tất cả những người muốn thảo luận những vấn đề mà xã hội của chúng ta đang phải đối mặt hiện nay đều nên đọc cuốn sách này”. Vậy mà tính từ khi cuốn sách được xuất bản lần đầu bằng tiếng Anh - năm 1962 - đến nay, đã 53 năm, phải chăng, sự tiếp cận ở Việt Nam là quá chậm trễ?

- Đã có một thời chúng ta quan niệm cuộc đời chỉ có hai màu đen và trắng, còn chân lý thì chỉ có một, chỉ có một hệ tư tưởng đúng và vì vậy mà luận cứ bảo vệ cho hệ tư tưởng này, dù có đúng, cũng trở nên sáo mòn, thiếu sức sống. Nhưng khi mở cửa ra với thế giới thì mới thấy rằng, cuộc đời là muôn hình muôn vẻ, rất nhiều màu sắc, rất nhiều hệ tư tưởng và đấy là lý do đưa đến việc dịch tác phẩm này ra tiếng Việt.

Tôi nghĩ, chẳng bao giờ và chẳng có cái gì là quá muộn. Đôi tình nhân, yêu nhau từ cái nhìn đầu tiên và sau đó không thể xa nhau, gặp nhau năm 17 - 18 tuổi không phải là quá sớm, mà 70 tuổi rồi mới gặp nhau cũng chưa phải là quá muộn. Gặp gỡ một tư tưởng lớn cũng như vậy. Vấn đề là, đấy có phải là chân lý phổ quát như bạn nói hay không và xã hội đối xử với nó như thế nào. Trân trọng hay hững hờ, quảng bá nó hay tìm cách ngăn chặn nó. Tôi nghĩ thái độ của ta đối với nó quan trọng hơn là thời điểm gặp gỡ.

Cơ duyên và vì sao ông chọn dịch cuốn sách này?

- Ludwig von Mises (1881 - 1973) là nhà tư tưởng lớn của thế kỷ XX, trụ cột của trường phái kinh tế học Áo, một chiến sĩ đấu tranh không mệt mỏi cho tự do, ông có rất nhiều học trò nổi tiếng và có ảnh hưởng trên trường quốc tế, trong đó nổi bật nhất có lẽ là Friedrich von Hayek (1899 - 1992), và ông cũng viết rất nhiều sách. Cuốn “Chủ nghĩa tự do truyền thống” nằm trong số những tác phẩm dành cho đại chúng, tương đối dễ đọc đối với các độc giả không phải là các nhà kinh tế học chuyên nghiệp, nhưng chứa đựng hầu như toàn bộ tư tưởng của ông về tự do và những chính sách kinh tế của trường phái Áo. Tôi đã chọn dịch tác phẩm này là vì thế.

Khi nhận giải “Sách hay” 2015 với lời nhận xét trân trọng từ phía BTC, ông có cảm nhận ra sao về sự đón nhận của độc giả trí thức Việt Nam cũng như tầm tác động đến tư tưởng người đọc của cuốn sách?

- BTC giải "Sách hay" năm nay đã có những lời lẽ rất trân trọng khi vinh danh tác phẩm này, một số độc giả khi giao lưu với tôi cũng tỏ ra quan tâm và thích thú, nhưng, Giáo sư Chu Hảo, Giám đốc NXB Tri Thức, đã nhiều lần nói rằng, NXB bao giờ cũng in đúng theo số lượng đã đăng ký, nếu như thế thì cuốn sách này chỉ in có 2.000 bản. Thế mà đã 2 năm nay vẫn chưa bán hết. Từ đó, có thể nói rằng, tầng lớp trí thức tinh hoa của chúng ta còn quá mỏng, chưa tương xứng với số dân, với số lượng các nhà văn, nhà báo, nhà giáo… mà chúng ta đang có.

Tiêu chí để chọn sách dịch, đặc biệt là sách kinh tế, của ông là gì? Vì sao ông chọn dịch “ca khó” kinh tế pha triết học, luân lý học như “Khảo lược Adam Smith”, “Các mô hình quản lý nhà nước hiện đại”, “ Thị trường và đạo đức”, bên cạnh “Ảnh hưởng của sức mạnh trên biển đối với lịch sử 1660 - 1783”?

- Tôi dịch những tác phẩm này là vì nước ta đang mở cửa để bước vào nền kinh tế thị trường thực sự, nền kinh tế đó đòi hỏi phải có cơ sở như thế nào, thái độ của con người đối với nó và đối với nhau ra sao, cơ cấu nhà nước như thế nào… Theo tôi, những tác phẩm này chứa đựng những tư tưởng mà giới tinh hoa trí thức, tinh hoa chính trị của chúng ta phải suy nghĩ một cách thấu đáo.

Còn cuốn “Ảnh hưởng của sức mạnh trên biển đối với lịch sử 1660 - 1783” tôi dịch là do nhận thức rằng, chúng ta có hơn 3.000km bờ biển, nhưng người Việt Nam dường như lại quay lưng với biển. Biết bao nhiêu nguồn lực của biển cả đã không được sử dụng, bị lãng phí trong một thời gian quá dài. Hiện nay, dân số nước ta đã quá đông, rừng đã bị khai thác cạn kiệt. Tôi coi tác phẩm này như một hồi chuông báo thức và một lời động viên để những người lãnh đạo cũng như nhân dân chú ý tới những nguồn lợi và thách thức của biển cả đối với nước ta.

Phải chăng ông đang đi tìm những câu hỏi lớn của thời đại, và những cuốn sách đó đáp ứng sự truy cầu đó?

- Nước ta đang có sự chuyển mình, phải nói là vô cùng lớn, chẳng khác gì giai đoạn những năm đầu thế kỷ XX. Theo tôi, hiện nay tất cả những người có lòng với đất nước, với nhân dân, đều trăn trở trước những câu hỏi như: Tại sao nền văn hóa của chúng ta lại xuống cấp đến như thế? Tại sao trong xã hội lại có nhiều bạo lực đến như vậy? Cơ chế xã hội nào sẽ đem lại tự do, ấm no và hạnh phúc cho người dân? Là người dịch sách, tức là người mong muốn đóng góp phần nhỏ bé để mở một cửa sổ nhỏ để mọi người có thể nhìn ra thế giới, tôi dịch những tác phẩm đó, trước hết là để tìm câu trả lời cho chính mình, rồi sau đó là để chia sẻ với độc giả.

Các tác phẩm dịch của ông đều chứa đựng tư tưởng lớn, chân lý “không độc quyền” của riêng ai. Tuy nhiên, giá trị lớn nhất, ông chạm đến bản chất của chủ nghĩa tư bản, với mỗi bản dịch là một bức chân dung vẽ nên “cái gì thúc đẩy xã hội tiến tới thịnh vượng cũng như nguyên nhân làm cho xã hội không thể tiến bộ được”, như Gavin Kennedy đã viết. Ông nghĩ gì về điều này?

- Theo tôi, nền kinh tế thị trường tự do với sự hợp tác và cạnh tranh giữa người với người, nơi mọi người đều tìm cách thu lợi cho mình, chính là bàn tay vô hình thúc đẩy, đưa xã hội đến thịnh vượng và tiến bộ. Nhưng nhiều người thường nhấn mạnh mặt trái của kinh tế thị trường, thí dụ như khai thác cạn kiệt tài nguyên hay ô nhiễm môi trường; theo tôi, đấy không hẳn là mặt trái của thị trường mà là do quyền sở hữu chưa rõ ràng. Thị trường, theo tôi, không phải chỉ là mua bán; đấy chỉ là bề nổi của tảng băng mà thôi. Quan trọng nhất của thị trường là sở hữu, khi sở hữu không rõ ràng thì sẽ sinh ra nhiều chuyện và xã hội không thể phát triển được. Ví dụ như đất nông nghiệp, nếu người dân chỉ được thuê đất rừng 20 năm thì người ta chỉ trồng những loại cây có thu hoạch trong vòng 20 năm, người ta sẽ không trồng những loại gỗ tốt, phải 50 năm hay lâu hơn mới được thu hoạch. Hay một khu mỏ được giao cho xí nghiệp quốc doanh thì ông giám đốc sẽ tìm cách khai thác cạn kiệt ngay trong thời gian mình làm giám đốc…

Những lực lượng muốn độc quyền bao giờ cũng tìm cách chống đối thị trường, bởi vì thị trường là tự do, là thuận mua vừa bán, là trọng dụng nhân tài chứ không phải là con ông cháu cha. Nhưng bản chất của con người là muốn cải thiện điều kiện sống của chính mình, mà muốn thế thì phải có phân công lao động và trao đổi, mà đấy chính là thị trường. Cho nên dù thị trường có bị vùi dập đến mức nào thì nó cũng vẫn tìm cách vươn lên, như cỏ dại, không thể nào khuất phục được. Và những người có hiểu biết phải tìm cách ủng hộ nó, quảng bá nó và phải liên tục chiến đấu với những luận điệu nhằm chống lại thị trường. Không phải chỉ ở những nước đang chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường mới cần làm như thế, ở Mỹ cũng có nhiều lực lượng chống đối thị trường và họ có rất nhiều quỹ ủng hộ thị trường tự do, nhiều giáo sư đại học, nhiều nhà báo thường xuyên viết sách, viết báo, nhằm quảng bá cho thị trường tự do và chế độ dân chủ.

Cái khó nhất khi dịch sách triết, sách kinh tế là gì, theo ông?

- Theo tôi, dịch sách loại nào cũng khó cả, mỗi loại khó theo một cách. Tựu trung lại thì dịch đòi hỏi người ta phải biết bốn thứ: Ngôn ngữ nguồn, ngôn ngữ đích, kiến thức chung và kiến thức chuyên ngành. Về ngôn ngữ nguồn thì phải nắm thật vững ngữ pháp, để không hiểu sai, như người ta thường nói là chữ tác đánh chữ tộ. Có vốn từ vựng phong phú trong ngôn ngữ đích là vô cùng quan trọng, có như thế bản dịch mới hay, mới uyển chuyển. Tôi dịch sách dành cho đại chúng, chứ không phải sách chuyên ngành dành cho các chuyên gia cho nên tôi cho rằng, nền tảng kiến thức chung, tức là kiến thức về mọi thứ trên đời, nếu có thể nói như thế, là điều kiện tiên quyết đối với người dịch sách loại này. Nói riêng về dịch sách kinh tế dùng cho đại chúng như những tác phẩm tôi đã dịch thì một ít kiến thức kinh tế là đủ, bởi vì hiện nay ta có thể tra trên Internet hoặc tham khảo bạn bè. Cuối cùng là phải làm việc liên tục và có lẽ cũng cần một chút năng khiếu.

Vì sao ông quan tâm sâu sắc đến nước Nga, trí thức Nga?

- Tôi quan tâm đến nước Nga và trí thức Nga trước hết là do tôi đã học đại học ở Liên Xô. Liên Xô và nước Nga đã cho tôi kiến thức, tôi không chỉ biết tính cách, tâm hồn của người Nga qua sách vở mà còn cảm nhận được điều đó ngay trên da thịt của mình, tôi luôn nghĩ về nước Nga và người Nga với lòng biết ơn và đồng cảm sâu sắc. Nhưng trong thời gian học ở Liên Xô cũng là lúc tôi bắt đầu có những suy tư về thể chế xã hội chủ nghĩa. Tại sao người Việt Nam ở nước anh em mà đi đâu, thậm chí đi thăm thầy cô giáo, cũng phải đi hai ba người, trong khi những thanh niên nước khác tới Liên Xô hồi đó thì đi lại tự do? Tại sao những nhà bác học lớn khi trốn chạy chủ nghĩa phát xít không tới Liên Xô mà lại tới Mỹ?

Tôi quan tâm tới nước Nga và trí thức Nga còn bởi vì nước ta, có lẽ từ những năm 30 cho đến những năm 80 của thế kỷ trước, đã coi nước Nga là ngọn cờ, ngọn lửa dẫn đường. Số phận của nước Nga và trí thức Nga cũng là tấm gương phản chiếu số phận của nước ta và trí thức nước ta.

Cho dù là một kỹ sư, nhưng những gì ông dịch và tư duy cho thấy ông gần với nhà triết học, nhà… báo hơn.

- Xin bạn chớ quên rằng, tôi là kỹ sư vật lý, tức là tôi học khá nhiều vật lý, mà như bạn biết, vật lý khá gần với triết học, nhiều nhà vật lý học cũng là những nhà triết học.

Từng nhận “Giải thưởng Phan Chu Trinh” 2012, và bây giờ là “Sách hay” 2015, ông nghĩ gì về việc vinh danh cũng như đưa những tác phẩm bất hủ của thế giới về Việt Nam?

- Tôi xin trả lời câu hỏi này bằng cách trích dẫn M. Keynes (1883 - 1946), một nhà kinh tế học lớn người Anh: “Những tư tưởng của các nhà kinh tế học và triết học trong lĩnh vực chính trị, cả khi họ đúng lẫn khi họ sai, có sức mạnh lớn hơn là người ta thường nghĩ. Thực tế, chính họ là những người cai trị thế giới. Những kẻ điên rồ đang cầm quyền, tức là những kẻ nghe thấy tiếng nói trong không khí, thu lượm những ý nghĩ điên rồ của mình từ tác phẩm của những người cầm bút cẩu thả trong giới hàn lâm cách đó mấy năm. Tôi tin chắc rằng sức mạnh của các nhóm lợi ích đã bị phóng đại rất nhiều, nếu so sánh với sự gia tăng ảnh hưởng một cách từ từ của các ý tưởng. Vâng, nó không diễn ra ngay lập tức, mà phải sau một khoảng thời gian nhất định; vì trong lĩnh vực kinh tế và triết học chính trị không có nhiều người ngoài 25 hay 30 tuổi mà còn bị ảnh hưởng bởi những lý thuyết mới, vì vậy, những tư tưởng mà các công chức và các chính trị gia và thậm chí là những người cổ động áp dụng dường như không phải là những tư tưởng mới nhất. Nhưng, trước sau gì thì tư tưởng chứ không phải là các nhóm lợi ích mới trở thành nguy hiểm đối với cả điều thiện lẫn điều ác” (J. M. Keynes, The General Theory of Employment, Interest, and Money (London, 1936), pp. 383-84).

Xin cảm ơn ông!


Phạm Nguyên Trường tên thật là Phạm Duy Hiển, sinh năm 1951 tại Thái Nguyên. Ông tốt nghiệp ĐH ở Liên Xô vào năm 1975. Từ 1975 đến 1985 ông nhập ngũ. Sau khi giải ngũ, ông sống và làm việc ở Vũng Tàu.


Nguồn: http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/doch-gia-pham-nguyen-truong-tu-cua-so-nho-moi-nguoi-co-the-nhin-ra-the-gioi-383045.bld
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Con đường quanh co dẫn Putin tới Damascus


Andrei Kolesnikov

Phạm Nguyên Trường dịch

Khi tổng thống Nga, Vladimir Putin, phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào ngày 28 tháng 9, ông ta biết rằng lời kêu gọi thành lập mặt trận thống nhất trong cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo sẽ thu hút được sự chú ý của thế giới và làm lu mờ hình ảnh của tổng thống Mỹ, Barack Obama. Nhưng Putin còn nói với người dân Nga nữa,  ông biết rõ rằng cần phải đánh lạc hướng sự chú ý của họ khỏi những khó khăn kinh tế đang ngày càng gia tăng.

Năm ngoái, vụ sáp nhập Crimea đã làm người ta rối trí, sau đó là việc khuyến khích những người ly khai thân Nga ở miền đông Ukraine. Việc đưa máy bay, tên lửa và mấy ngàn quân Nga đến Syria là để thế chỗ cho dự án nước Nga Mới (Novorossiya) bất thành của Putin. Những ngưới phê phán Putin đã đúng khi nhận ra rằng cuộc phiêu lưu ở Syria của ông ta một lần nữa nhắm vào lòng hoài niệm của người Nga về quá khứ của Liên Xô: Liên Xô từng là siêu cường - và Putin tuyên bố rằng nước Nga có thể và đang có sức mạnh tương tự như thế.

Nhưng với mục đích gì? Đi nước cờ trước khi Mỹ và phương Tây kịp ra tay có thể là chiến thuật tốt trong ngắn hạn, nhưng dường như trong dài hạn, người ta chẳng thấy mục đích nào khác hơn là bảo vệ quyền lực của giới cầm quyền ở nước Nga. Kết quả là, chế độ đang bắt chước những hình thức dân chủ, trong khi lại sử dụng bộ máy tuyên truyền nhằm kích động chủ nghĩa dân tộc đầy hung hăng.


Trong những năm đầu thế kỷ, giá dầu cao và tăng trưởng kinh tế làm cho giới lãnh đạo không cần quan tâm tới tư duy chiến lược và cho phép họ lờ đi dự lạc hậu của các ngành y tế, giáo dục, và những cuộc cải cách trong lĩnh vực phúc lợi xã hội. Cả chế độ và công chúng đều coi tình hình hiện nay, tức là “khủng hoảng nhưng không phải là khủng hoảng”, là bình thường. Bởi vì nhận thức tạo ra thực tế, cho nên mọi thứ đều bình thường, không cần phải làm gì hết, và Putin – được cho là đã phục hồi phẩm giá của nước Nga - có thể được hơn 80% người dân ủng hộ.

Đối với Putin, phục hồi phẩm giá của nước Nga cũng chẳng khác gì phục hồi “địa vị siêu cường” của nước này trước khi Liên Xô sụp đổ và “thất bại” nhục nhã trước phương Tây trong Chiến tranh Lạnh. Thể hiện quyền lực ở bên ngoài dường như bù cho sự kiện là nhân phẩm ở trong nước còn lâu mới được khôi phục: hiện nay công dân của nước Nga vẫn là những người bất lực, chẳng được ai bảo vệ khi đứng trước những ông chủ của mình, trước các công ty dịch vụ công cộng, trước các tòa án và cảnh sát - nhưng, dù khó khăn đến mức nào thì người công dân Nga vẫn tự hào về đất nước mình và tự hào về người cai trị họ.

Tất nhiên có một cách giải thích khác về lý do vì sao Putin ngày càng được dân chúng ủng hộ trong khi kinh tế ngày càng tồi tệ thêm: những người không thể tự lo cho mình đương nhiên là sẽ nhờ nhà nước giúp đỡ - và hầu như khó có khả năng là họ sẽ cắn vào những bàn tay đang nuôi mình. Những chính sách mà phương Tây chê trách, ví dụ, vi phạm nhân quyền thì người Nga bình thường dường như lại ca ngợi vì nó giữ cho đất nước không lệ thuộc vào cách làm “xa lạ” và bảo vệ số đông khỏi đám thiểu số “phá hoại”. Thái độ thù địch của chế độ đối với người đồng tính có thể làm phương Tây khó chịu, nhưng lại được đa số người Nga ủng hộ.

Bởi vì cũng chính những người Nga đó coi cuộc chiến ở Ukraine là phòng vệ và chính đáng, ý tưởng chiến tranh được người ta ủng hộ; những trang đen tối của lịch sử được viết lại; và giọng điệu đầy hận thù trở thành bình thường. Cách đây chưa lâu, người dân Nga bình thường từng nói công khai về số người chết và bị thương trong các hoạt động quân sự, hiện nay, sau chỉ thị của tổng thống Putin về “giữ bí mật thương vong”, họ đành ngậm miệng. Mặc dù nghị định này có thể trái với hiến pháp Nga và Luật bí mật quốc gia, danh mục thông tin mật hiện nay có cả tổn thất của quân đội Nga trong các hoạt động trong thời bình.

Hậu quả là đất nước chia thành những người trung thành và những người không trung thành, những người yêu nước và những người không yêu nước - nghĩa là, chia thành những người ủng hộ vô điều kiện đường lối của lãnh đạo và những người không chịu làm như thế. Nếu các cuộc thăm dò dư luận là chính xác thì những người trung thành và dễ bảo chiếm đa số tuyệt đối - ít nhất là cho đến nay. Đấy là lý do vì sao người ta ủng hộ lực lượng ly khai ở Donbas, nằm ở miền đông của Ukraine và sự can thiệp của Putin vào Syria. Nếu Mỹ không thể chấp nhận thì đối với người dân Nga, điều đó chỉ chứng tỏ rằng nước Mỹ vẫn theo đuổi chính sách bá quyền, dù ở châu Âu, thông qua NATO, hay ở Trung Đông thì cũng thế.

Những cố gắng nhằm viết lại lịch sử rất ích kỷ của Putin cũng góp phần củng cố cách tư duy như thế, lịch sử được viết lại biện hộ cho cuộc chiến tranh chống lại Phần Lan vào mùa đông năm 1939, biện hộ cho hiệp ước Molotov-Ribbentrop năm 1939, và biện hộ cho cuộc xâm lăng Afghanistan năm 1979. Văn phòng Tổng chưởng lý thậm chí làm một việc lố bịch là phân tích quyết định chuyển Crimea từ Nga cho Ukraine. Đáng lo là người ta cũng đang làm việc phân tích tương tự như thế về tính hợp pháp của sự độc lập của các quốc gia vùng Baltic sau khi Liên Xô sụp đổ.

Tất cả những chuyện này sẽ dẫn ở đâu? Cũng như trong thời Xô Viết, những kẻ cầm quyền hiện nay coi mình chính là nhà nước. Lúc đó nhà nước bị quy giản thành nhóm người xung quanh người đứng đầu và giới quyền uy trong lĩnh vực tài chính và chính trị, những kẻ cảm thấy quyền lực của mình rất an toàn vì dân chúng đã bị lừa, đã tin một cách mù quáng vào chủ nghĩa dân tộc cực đoan.

Các đối thủ đầy tinh thần chiến đầu của Putin có thể dự đoán sự trì trệ về chính trị, kinh tế và trí tuệ kéo dài - chắc chắn là cho đến cuộc bầu cử quốc hội vào năm tới và cuộc bầu cử tổng thống hai năm sau đó. Và sự trì trệ có thể sẽ kéo dài sang chu kỳ chính trị tiếp theo. Nhưng nó không thể kéo dài mãi: ở một thời điểm nào đó, sự sống còn của chế độ đòi hỏi phải đưa ra cho công chúng một cái gì đó khác, chứ không phải là chủ nghĩa dân tộc và sự hoài niệm. Câu hỏi đặt ra là liệu Putin, hiện đang đưa nước Nga dấn sâu thêm vào một cuộc phiêu lưu quân sự nữa ở nước ngoài, có hiểu được việc này hay không.

Andrei Kolesnikov là cộng tác viên cao cấp và chủ tịch cơ quan nghiên cứu chính sách đối nội của Nga và chương trình nghiên cứu các định chế chính trị của nước Nga tại trung tâm Carnegie ở Moskva.


Đã đăng trên http://www.ijavn.org/2015/10/vntb-con-uong-quanh-co-dan-putin-toi.html
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Cảnh tượng kinh hoàng ở Hà Nội sáng nay


Thành Công - Văn Bình 08/10/2015 09:51- Sáng nay, khu vực ngã tư Nguyễn Trãi, Nguyễn Xiển, đường vành đai 3 (Hà Nội) xảy ra tắc đường kinh hoàng, các phương tiện nối thành hàng dài trên đường, không thể di chuyển. Theo ghi nhận, tại đại lộ Thăng Long (đoạn từ Mễ Trì đến Big C) cũng tắc cứng. Hàng trăm chiếc ô tô nằm im nối dài hàng km. Bạn Nguyễn Tuấn Minh (Hà Nội) chia sẻ: "Sáng nay, mình đã mất 2 giờ để đi qua ngã tư Khuất Duy Tiến".

Theo nhiều người dân, ngay từ hơn 6h sáng, tại ngã tư này đã bắt đầu xảy ra tắc nhẹ, mức độ tắc đường ngày một tăng dần. "Mình mất hơn 1 tiếng để di chuyển trên đường Nguyễn Xiển, cố mãi mà vẫn không "bò" tới ngã tư Khuất Duy Tiến được, cuối cùng vẫn phải quay đầu để huỷ công việc", bạn Hạnh Trần buồn bã.

Vào các buổi sáng hàng ngày, ở khung giờ cao điểm, các địa điểm trên vẫn có tắc nhưng ở mức độ nhẹ. Tuy nhiên, sáng nay, việc tắc đường diễn ra bất thường.

Theo tờ Vietnamnet, CSGT Đội 7 đã phải huy động 20 chiến sĩ cùng Công an phường Thanh Xuân Nam, Thanh Xuân Bắc điều tiết giao thông tại ngã tư Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi.

Dưới đây là một số hình ảnh được ghi lại:



Ngã tư Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi sáng 8/10. Ảnh: Cường Celano/Otofun.

Ngã tư Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến. Ảnh: Văn Bình

Ảnh: Văn Bình

Cảnh tượng kinh hoàng. Ảnh: Văn Bình

Ngã Tư Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi. Ảnh: Tuấn Anh/ Otofun

Ảnh: Cao Quang Thắng/Otofun

Ảnh: Vietnamnet

Đường trên cao chiều đi cầu Thanh Trì đang tắc từ Big C đến ngã 4 Khuất Duy Tiến. Ảnh: Dang Tuan Hung/Otofun

Ảnh: Tuấn Thanh Tiêu/ Otofun

Ảnh: Hoàng Anh/Zing

Ảnh: Hoàng Anh/Zing

Ngã tư Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi. Ảnh: Hà Khê

Ảnh: LN

Ảnh: Hieu Duc Le/Otofun

Tại Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội. Ảnh: Nguyen Thanh Huong


Ảnh: Nguyen Thanh Huong
theo Trí Thức Trẻ
http://soha.vn/xa-hoi/canh-tuong-kinh-hoang-o-ha-noi-sang-nay-20151008095219414.htm

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Người dân sẽ không học hỏi được gì khi "Làm giàu không khó". Họ đâu có được cha truyền con nối nghiệp làm quan?

Xứng đáng làm giám đốc sở !
Đau lòng của một thời quan tham !
Trần Đình Triển Nếu nhà đất này thuộc quyền sử dụng và sở hữu của Bảo thì quả thật tuổi trẻ tài cao. Mới đi du học về, tiền ngân sách nhà nước bỏ ra đào tạo. Phấn đấu được đặc cách và đề bạt liên tục. Ngoài việc cống hiến cho Nhà nước, Bảo còn tận dụng thời gian ngoài giờ hành chính để kinh doanh làm giàu cho bản thân mình. Mới 30 tuổi đã có một cỏ ngơi như thế; mong mọi người đừng ganh tỵ, đừng nhỏ nhen hẹp hòi,...Bảo xứng đáng làm giám đốc Sở KH ĐT, với kinh nghiệm của mình, Bảo truyền đạt cho nhân dân Quảng Nam cách làm giàu hợp pháp, chẳng mấy chốc mà dân nơi đây " Mọi nhà đều biệt thự ".
Mọi người cũng đừng suy nghĩ " Cha truyền con nối " , rõ ràng ông Thành đã sinh một người con đi truyền đức tính thông minh , biết làm giàu như ông, có biệt thự khang trang như ông. Con ông còn có biệt tài đi du học đã quá một năm mà nhà nước cho làm lại thủ tục chi tiền học phí từ ngân sách, rõ ràng nhà nước đã nhận thấy Bảo là nhân tài nên quyết đầu tư. Rõ ràng " Hổ phụ sinh hổ tử " đâu có việc vua hay lá đa, lá đình ở đây.

Nếu ông Thứ trưởng Bộ Nội vụ cầm đầu Đoàn kiểm tra, chỉ cần " nhận thấy " một góc nho nhỏ của các căn biệt thự này của cha con nhà Bảo, thì nhắm mắt cũng đủ căn cứ kết luận là lương bổng, công hay chức đề bạt,... đúng ! Rất đúng quy trình , rất đúng pháp luật !

Nếu các khối tài sản đó mà do tham nhũng mà có, thì cần nghiêm trị cha con nhà Bảo, những kẻ nịnh thần nhắm mắt dơ tay cũng vì tư lợi cho bản thân, những kẻ kiểm tra kiểm soát,...giả mù, giả điếc, giả câm mà ký tá, phát ngôn bừa bãi , bao che cho cha con nhà Bảo.

Những kẻ làm giàu kiểu này, vơ vét, cướp bóc, trộm cắp, gặm nhấm,...tài sản của nhà nước và nhân dân với vỏ bọc " Người đầy tớ trung thành của dân " ; miệng thì lúc nào cũng ông ổng là xây dựng CNXH, phấn đấu vì lý tưởng của Đảng, học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh,....mà kỳ thực chúng nhơ bẩn hơn lũ chuột cống.

Đau lòng của một thời quan tham !

https://www.facebook.com/vpluatsuvidan?fref=nf

Đây là tin không được kiểm chứng, nên có thể không đúng, lưu để sau này tham khảo nếu đây là ảnh phản ánh đúng sự thật.

Lộ ảnh BIỆT THỰ LÊ PHƯỚC HOÀI BẢO ở Quảng Nam
Toàn cảnh căn biệt thự của Lê Phước Hoài Bảo. Về Quảng Nam hỏi dân nơi đây, ai cũng biết những gì ông Thanh, con rể ông và Bảo đã ‘cống hiến’ cho Quảng Nam. Những người con Quảng Nam xa quê nói gì đi?
Cổng nhà. Nói đúng hơn phải là biệt thự. 
Biệt thự ở ngay mặt tiền, không ai ở đây không biết
Đây là tập hợp hình ảnh của bạn NA-ND gửi cho tôi về một số hình ảnh tại Quảng Nam, tháng 10/2015. Ở Quảng Nam có 2 căn biệt thự lớn thiệt lớn, bự thiệt bự mà ai cũng biết là của ai: Một, ngay cạnh nhà khách Tỉnh ủy là của cựu Bí thư tỉnh Lê Phước Thanh, một còn lại ở Thị trấn Ái Nghĩa của Lê Phước Hoài Bảo – tân Giám đốc Sở KHĐT (Album này còn thiếu nhà của ông Thanh).

Thử hỏi: Với tiền lương công chức của Bảo, làm sao để xây được căn nhà này? Việc kê khai tài sản của quan chức mà đảng cộng sản thực hiện đến đâu rồi? Những hình ảnh này sẽ tác động như thế nào đến những người công chức không có ô dù?

Ai về Quảng Nam cũng đều thấy những cái gọi là ‘ngôi nhà’ của dân thường kèm album này nó đầy rẫy ở Quảng Nam. Điều mà quý vị đã biết từ hàng chục năm nay, Quảng Nam chưa 1 lần không nhận gạo cứu đói!

Tin bên lề: Kể từ khi nhận được hàng ngàn tin nhắn đến hôm nay. Xung quanh khu vực 2 căn biệt thự này luôn có le ve những người mặt mũi hầm hố đi lại để kiểm soát. Cách nhà Bảo chừng vài trăm mét, luôn có 2 trạm gác của CSGT mới mọc lên. Các bạn phóng viên lề đảng lề dân vui lòng thận trọng khi tác nghiệp. 

Đường vào nhà quan Bảo

Một góc nhà của quan Lê Phước Hoài Bảo, nhìn từ bên kia đường. Thị trấn Ái Nghĩa

THEO FB HOANG DUNG
https://www.ttxva.net/lo-anh-biet-thu-le-phuoc-hoai-bao-o-quang-nam/

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Di dời khoảng 1.000 hộ người Việt trên sông Tonle Sap - chiêu đuổi khéo của chính quyền CPC.


Campuchia di dời khoảng 1.000 hộ người Việt trên sông Tonle Sap

2

Chính quyền tỉnh Kompong Chhnang – Campuchia đang tiến hành di dời khoảng 1.000 gia đình người Việt sống trong các làng nổi trên sông Tonle Sap, đoạn gần thủ đô Phnom Penh.
Ông Sun Sovannarith, Phó Tỉnh trưởng tỉnh Kompong Chhnang, cho biết giới chức trách đã thông báo cho những người dân nói trên về việc di dời vào tuần trước.
Theo quan chức này, các hộ dân sẽ được đưa đến khu vực mới cách đó khoảng 3 km và đây là việc làm cần thiết để cải thiện mỹ quan cho tỉnh Kompong Chhnang cũng như thúc đẩy du lịch. Ông Sovannarith tiết lộ họ dự tính xây một công viên dọc bờ sông.

“Chúng tôi có kế hoạch tổng thể 5 năm (2015-2019) để phát triển TP Kompong Chhnang. Tỉnh trưởng đã thông báo cho tổng cộng 1.486 hộ gia đình người Khmer, Chăm và Việt Nam phải di dời từ ngày 15 đến 25-10. Đến nay, khoảng 90% trong số này đã đồng ý” – ông nói.
Theo ông Sovannarith, 1.486 hộ gia đình nói trên có thể ở lại nơi ở mới thêm 2 năm nữa trong khi đợi chính quyền tìm đất cho họ tái định cư lâu dài.
Tuy nhiên, ông Nguyen Yon Mas, đại diện cho khoảng 800-900 người Việt sống ở các làng nổi, cho hay họ đã cư ngụ tại đây từ khi chế độ Khmer Đỏ sụp đổ năm 1979 và không muốn rời đi. Theo ông Mas, chỉ có khoảng 200 gia đình người Việt đã chuyển đến nơi ở mới. Ông Mas cho hay: “Họ buộc chúng tôi rời đi. Điều đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều gia đình nghèo khó”.
Theo ông, nhiều gia đình có đất trên bờ nên có thể lên đó sống nhưng đối với những hộ không có đất, họ lo lắng rằng chính quyền chỉ hứa miệng. Hơn nữa, ông Mas nói nơi ở mới không đảm bảo an ninh và mưu sinh.
Nơi ở cũ an toàn vì có nhiều cây cối bao quanh nhưng nơi ở mới lại trơ trọi. Nếu có bão lớn, chúng tôi sẽ gặp thảm họa. Nơi ở mới cũng không có điện, nước sạch và cách xa chợ nên khó bán cá đánh bắt được” – ông Mas nói.
Ông Toth Kimsroy, điều phối viên của tỉnh Kompong Chhnang thuộc Tổ chức Quyền của người thiểu số, bày tỏ sự ủng hộ đối với quyết định di dời vì việc sinh sống trên sông gây ô nhiễm. Tuy nhiên, ông cho rằng chính quyền cần tích cực tìm đất cho người dân.
Ông Kimsroy ước tính 80% số người dân sống trên các làng nổi ở Kompong Chhnang là người gốc Việt, đến Campuchia trong giai đoạn 1979-1983 và chỉ có một số có quốc tịch Campuchia.
Xuân Mai (Theo Cambodia Daily- Nguồn NLĐ)
Theo: Dannews
Phần nhận xét hiển thị trên trang