Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 6 tháng 10, 2015

Người mừng, kẻ lo vì TPP


Trung Quốc được cho là thua thiệt hơn cả trước sự thắng lợi của TPP. Nhà Trắng ước tính Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ loại bỏ 18.000 thuế quan đối với hàng hóa nước này trong khi các thành viên khác đều được hưởng lợi, bên cạnh các nhượng bộ, tại các thị trường ở châu Á - Thái Bình Dương.
Một nhà máy lắp ráp ô tô của hãng Toyota (Nhật Bản) ở TP Cambridge, tỉnh Ontario - Canada Ảnh: THE CANADIAN PRESS
Lợi và hại
Đối với Nhật Bản, thắng lợi lớn nhất thuộc về các nhà sản xuất xe hơi và bộ phận ô tô khi con đường tới Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của nền kinh tế số 4 thế giới - bớt tốn kém hơn. Tuy nhiên, Tokyo buộc phải giảm một số bảo hộ đối với nông dân trồng lúa, tạo ra hạn ngạch nhập khẩu phi thuế quan cho 1% tổng tiêu thụ. Người chăn nuôi đất nước mặt trời mọc chịu thiệt thòi nhiều hơn khi thuế thịt bò bị giảm từ mức 38,5% còn 9% trong vòng 16 năm và thịt heo cũng chịu chung số phận giảm thuế.
Tuy nhiên, các chủ trang trại tại Úc lại có thể mỉm cười với sự cắt giảm đó của Nhật. Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull ngày 6-10 nói TPP sẽ trút bớt gánh nặng khoảng 6,4 tỉ USD các loại thuế nhập khẩu cho thương mại xứ sở kangaroo. Canberra còn hưởng lợi từ việc tiếp cận được thị trường đường của Mỹ, trong khi Nhật Bản cũng sẽ giảm thuế đối với sản phẩm này. Hải sản và phần lớn các mặt hàng rau củ chia sẻ niềm vui giảm thuế, trong khi ngũ cốc và gạo hưởng hạn ngạch ưu đãi. Úc và New Zealand đã gây sức ép thành công đối với Mỹ nhằm giảm thời gian các công ty dược phẩm được bảo hộ những loại thuốc công nghệ sinh học mới xuống ít nhất trong vòng 5 năm thay vì 12 năm theo ý của Washington.
Riêng New Zealand, việc loại bỏ thuế quan đối với 93% hoạt động thương mại của nước này với các đối tác TPP sẽ tiết kiệm cho ngân khố 168 triệu USD mỗi năm. Theo Bộ trưởng Thương mại New Zealand Tim Groser, công nghiệp bơ sữa - vốn chiếm 1/4 kim ngạch xuất khẩu nước này - tiết kiệm hơn 66 triệu USD/năm. Tuy nhiên, Wellington vẫn chưa dỡ bỏ được một số hàng rào thuế quan ở những thị trường trọng yếu như Mỹ, Nhật, Canada và Mexico. 
Cái giá Bắc Kinh phải trả
Tại Malaysia, các công ty nhà nước có thể không dễ chịu vì TPP đòi hỏi mọi doanh nghiệp được tiếp cận hoạt động thu mua của chính phủ một cách công bằng. Tuy nhiên, cũng không thể chối cãi những lợi ích mà hiệp định mang lại cho các nhà xuất khẩu sản phẩm hóa học, điện tử, cao su và dầu cọ. Malaysia là nước sản xuất dầu cọ lớn thứ hai thế giới cũng như trong nhóm đứng đầu các nước trồng cao su.
Trong khi đó, Trung Quốc được cho là thua thiệt hơn cả trước sự thắng lợi của TPP. Là nền kinh thế số 2 thế giới, đồng thời giữ vai trò đối tác thương mại lớn nhất của 7/12 thành viên TPP nhưng Trung Quốc lại đứng ngoài hiệp định thương mại lớn nhất thế giới này. Giới chuyên gia cho rằng sự lẻ loi đó là cái giá mà Bắc Kinh phải trả do trì hoãn cải cách trong khi các quốc gia khác viết nên bộ quy tắc mới cho hoạt động thương mại trong 40% nền kinh tế toàn cầu. Các nhà xuất khẩu Trung Quốc có thể phải “nhường sân” một số thị phần tại các nước đang phát triển như Việt Nam cho Mỹ và Nhật Bản, theo nhà kinh tế Fielding Chen của hãng tin Bloomberg. Đáp lại, ông Chen cho rằng Trung Quốc sẽ đẩy mạnh các con đường tơ lụa mới nối châu Á với châu Âu, tăng cường hoạt động của Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) và cố đạt được nhiều thỏa thuận thương mại tự do với các nước khác.
Trong chuỗi phản ứng thận trọng của Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Thương mại nước này nói: “Bắc Kinh hy vọng TPP và các hiệp định thương mại tự do khác có thể thúc đẩy lẫn nhau và góp phần phát triển thương mại, đầu tư và tăng trưởng kinh tế tại châu Á - Thái Bình Dương”. Các nhà quan sát gọi đây là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh không định “sập cửa” với hiệp định được cho là hòn đá tảng trong chiến lược “xoay trục” sang châu Á của Mỹ. 
Chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc Hướng Tùng Tộ nhận định: “Về dài hạn, nếu TPP thu nạp thêm thành viên, đặc biệt là từ châu Âu, thì lợi thế cạnh tranh của Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng lớn hơn nhiều”. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe hôm 6-10 tuyên bố TPP sẽ nâng tầm ý nghĩa chiến lược nếu Trung Quốc tham gia trong tương lai. 
Thỏa thuận lịch sử
Ngay sau khi 12 nước tham gia TPP đạt thỏa thuận cuối cùng vào cuối ngày 4-10 (giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Barack Obama ca ngợi đây là bước ngoặt thể hiện sự tăng cường các mối quan hệ chiến lược giữa Washington và đối tác cũng như đồng minh tại châu Á - Thái Bình Dương. Ông tuyên bố các nước như Trung Quốc sẽ không được phép “viết luật lệ cho kinh tế toàn cầu”.
Trong khi đó, Thủ tướng Canada Stephen Harper mô tả hiệp định này là một thỏa thuận lịch sử, giúp nông dân Canada đẩy mạnh tiếp cận thị trường Nhật Bản. Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull cũng khẳng định TPP mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp nước này. Tại New Zealand, dù điều khoản xuất khẩu sữa sang các nước khác trong TPP không được như kỳ vọng nhưng Thủ tướng John Key vẫn lạc quan rằng hiệp định sẽ tạo thêm việc làm, tăng thu nhập và mức sống cho người dân.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo ủng hộ TPP sắp tới phải nỗ lực thuyết phục người dân và quốc hội nước mình. Tại Mỹ, Thượng nghị sĩ Orrin Hatch và ứng viên tổng thống Bernie Sanders (Đảng Dân chủ) đòi ông Obama chứng minh thỏa thuận không gây thiệt hại cho các doanh nghiệp và người lao động cũng như đáp ứng tiêu chuẩn của quốc hội.  Đảng Dân chủ mới đối lập ở Canada lo ngại TPP sẽ khiến các trang trại kiểu gia đình lâm vào khó khăn. Còn thủ lĩnh Công đảng New Zealand Annette King chỉ trích hiệp định chỉ mang lại lợi ích vụn vặt cho ngành công nghiệp sữa. Ngay cả Bộ trưởng Thương mại Malaysia Mustapa Mohamed cũng lưu ý TPP không được làm suy yếu chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bản địa cũng như vi phạm hiến pháp.
Phạm Nghĩa
Hàng may mặc Việt Nam có thể hưởng lợi từ tpp.Ảnh: Reuters
Hàng may mặc Việt Nam có thể hưởng lợi từ tpp.Ảnh: Reuters
 Xuất khẩu, sản xuất Việt Nam hưởng lợi
Với việc TPP được ký kết, Việt Nam chính là nước thắng lớn nhất. Theo nhận định của Tập đoàn Tư vấn rủi ro Eurasia Group trên trang Bloomberg ngày 6-10, TPP sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 11% trong lúc kim ngạch xuất khẩu tăng 28% vào năm 2025. Ngoài ra, ngành công nghiệp đánh bắt thủy hải sản được hưởng lợi từ việc loại bỏ thuế suất nhập khẩu đối với tôm, mực và cá ngừ; hiện ở mức bình quân từ 6,4% -7,2%.
Trang barrons.com đánh giá các lĩnh vực sản xuất tại Việt Nam cũng hưởng lợi đáng kể từ TPP. Theo báo cáo của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE), với việc được miễn thuế vào thị trường giày dép và may mặc Mỹ, hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ thuận lợi hơn so với hiện nay, khi mức thuế nằm trong khoảng 17%-32%. Sự vắng mặt của Trung Quốc trong TPP cũng tạo thuận lợi cho các công ty Việt Nam. Công ty Nghiên cứu thị trường Macquarie Research thống kê Trung Quốc hiện chiếm 34% lượng hàng dệt may nhập khẩu vào Mỹ, theo sau là Việt Nam với 11% thị phần. Đối với giày dép, thị phần của doanh nghiệp Trung Quốc và Việt Nam lần lượt là 66% và 11%.
Nói như đài CNN, TPP sẽ trao cho một số nước đang phát triển, chẳng hạn Việt Nam, cơ hội để nắm bắt một số thị trường xuất khẩu của Trung Quốc. Nếu không mặn mà với TPP, ắt hẳn Trung Quốc chỉ là “thứ yếu” trong các ưu đãi thương mại mới. Các công ty, thậm chí cả của Trung Quốc, sẽ phải điều chỉnh chuỗi cung ứng để tận dụng lợi thế ưu đãi trong thị trường các nước TPP và đặc biệt là Mỹ. Họ sẽ đẩy mạnh di dời dây chuyền sản xuất chi phí thấp từ Trung Quốc đến các nước tham gia TPP, như Việt Nam.
Một trong những thách thức mà Việt Nam đối mặt khi tham gia TPP là vấn đề lao động, bao gồm áp dụng các tiêu chuẩn lao động quốc tế. Ông Dane Rowland, Hiệu trưởng Trường Quan hệ quốc tế thuộc Trường ĐH Carleton (Canada), nhận định: “Việt Nam không thể trở thành một quốc gia mẫu mực về quyền lao động theo các tiêu chuẩn tương tự ở Bắc Mỹ trong một sớm một chiều”. Ngoài ra, ngay cả khi thuế nhập khẩu vào Mỹ và Nhật Bản đối với hàng may mặc được cắt giảm thì các nhà sản xuất Việt Nam vẫn có thể gặp khó trước những quy định ngặt nghèo hơn về nguồn gốc nguyên vật liệu. Chưa hết, việc loại bỏ thuế nhập khẩu sản phẩm thuốc, hiện ở mức 2,5%, sẽ thêm mức độ khốc liệt cho sự cạnh tranh giữa nhà sản xuất Việt Nam và nước ngoài. TPP cũng siết chặt việc bảo hộ bằng sáng chế, từ đó hạn chế khả năng sản xuất và tiếp cận những loại thuốc mới của các công ty trong nước.
Huệ Bình

http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/nguoi-mung-ke-lo-vi-tpp-20151006221923263.htm


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tưởng vậy, không phải vậy!

AI BIẾT CHỈ GIÙM.

Tuần rồi, bạn gái rủ lên rẫy chơi.
Chỉ dòng suối cạn, bạn nói: Cái suối khô nước rồi.

Mình bảo, phải gọi là "con suối".
Đến bên hồ tưới, bạn nói: Con hồ cũng khô nước rồi.

Mình lại bảo, phải gọi là "cái hồ".
Bạn nói: Tiếng Kinh mày rắc rối. Hồ cũng nước, suối cũng nước, sao phải gọi con suối - cái hồ?

Mình bảo, nước suối chảy, gọi là con; nước hồ không chảy, gọi là cái.

Bữa nay bạn gọi điện nói: Tao biết rồi, của tao đứng im gọi là cái, của mày không đứng im, gọi là con.

Mình nghĩ mãi chưa ra bạn định nói gì


https://plus.google.com/u/0/103694995810150086326/posts?cfem=

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Cái bẫy nặng mùi, ông Pu Tin nên cẩn trọng!

Nga đưa tàu chiến thuộc hạm đội Biển Đen tới Syria?

Thứ Ba, 10:24 | 06/10/2015
Thế giới ) - Sau khi không kích lực lượng khủng bộ IS tại Syria, Nga đang tính đến phương án điều tàu chiến thuộc hạm đội biển Đen tới Syria trong chiến dịch tiêu diệt IS.

nga dua tau chien thuoc ham doi bien den toi syria
Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng thuộc Duma Quốc gia, tức Quốc hội Nga, ông Vladimir Komoyedovđược Sputnik dẫn phát biểu cho hay đây là phương án mà Moscow có thể tính đến nhằm mục đích vận chuyển khí tài, kể cả vũ khí hạng nặng phục vụ chiến dịch không kích của Nga nhằm tiêu diệt lực lượng khủng bố của Nhà nước Hồi giáo (IS).
 
Ngoài việc vận chuyển vũ khí, tàu chiến Nga còn làm nhiệm vụ phong tỏa dọc bờ biển Syria. Chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad khẳng định sự hiện diện của Nga ở đất nước này là theo yêu cầu của Syria.
 
“Việc huy động hạm đội Biển Đen với quy mô lớn đến Syria, tôi không nghĩ điều đó sẽ xảy ra, nhưng nếu để thực hiện mục tiêu phong tỏa bờ biển nước này, tôi nghĩ sẽ khả thi. Dù vậy, việc vận chuyển pháo binh không bị loại trừ”, ông Komoyedov được Sputnik trích phát biểu.
 
“Hạm đội tàu chiến đã sẵn sàng cho nhiệm vụ này nhưng chưa có điểm mục tiêu nào cụ thể trong hiện tại. Lực lượng khủng bố ở sâu bên trong đất liền, nơi mà pháo binh khó có thể với đến được”, ông Komoyedov, cựu tư lệnh hạm đội Biển Đen nói tiếp.
Theo ông Komoyedov, việc huy động tàu chiến nếu có sẽ phụ thuộc vào quy mô và mức độ căng thẳng của cuộc không kích mà Moscow đang triển khai ở Syria. Ông thừa nhận đội tàu nhỏ của Nga ở Địa Trung Hải đủ để thực hiện nhiệm vụ này ở vùng biển của Syria nếu Moscow thấy cần thiết huy động để cung cấp vũ khí, thiết bị quân sự cho lực lượng Nga thực hiên chiến dịch xóa sổ IS.
 
Nga bắt đầu chiến dịch không kích IS từ 30.9. Bộ Quốc phòng nước này cho biết qua nhiều ngày tấn công liên tục, máy bay Nga đã đánh trúng và phá hủy tổng hành dinh của IS ở Syria, nhà máy chế tạo chất nổ, trung tâm huấn luyện và nhiều mục tiêu quan trọng khác của IS, theo RT. Moscow cho biết đây là những mục tiêu tấn công dựa trên thông tin tình báo của Nga và Syria.
 
Mỹ và đồng minh chưa đưa ra bình luận về những mục tiêu mà Moscow nói đã phá hủy này dù trước đó chỉ trích cuộc không kích của Nga chỉ nhắm vào lực lượng nổi dậy chống chính phủ của ông Assad được Nga ủng hộ.
 
Theo Minh Quang(Thanh Niên)
 

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Lời trần tình của một cô gái:



CÓ NÊN GÓP Ý VỀ NHÂN SỰ ĐẠI HÔI ĐẢNG KHÓA XII
Đổi mới toàn diện không có nghĩa là thay đổi toàn diện. Sự bền vững cần phải có kế thừa của cũ và phát huy của mới. Đại hội Đảng khóa tới quan trọng nhất là chọn ra được Người đứng đầu Đảng để người đó chỉ đạo và chọn ra những người đứng đầu đất nước.

Nếu Hiến pháp 2013 không một lần nữa khẳng định vai trò của nhân dân là người làm chủ đất nước, có quyền lãnh đạo cao nhất về mọi mặt, mọi lĩnh vực của đất nước và Đảng  là tổ chức tiên phong của giai cấp công nhân, nông dân và nhân dân Việt Nam thì nhân sự Đại hội Đảng là sự độc lập mà chỉ có những người trong nội bộ tổ chức Đảng mới có quyền quyết định, còn người ở bên ngoài tổ chức không có quyền can thiệp vào. Nhưng ở đây Hiến pháp đã quy định rõ ràng, cho nên trách nhiệm của Đảng là phải công khai những nội dung mà nhân dân quan tâm, còn nhân dân thì có trách nhiệm và quyền hạn tham gia góp ý nếu họ thích và muốn phát huy quyền lãnh đạo, quyền làm chủ đất nước của mình.

Tôi muốn nói như vậy để thấy rằng việc tham gia góp ý về nhân sự Đại hội Đảng là  một việc làm đúng đắn, thể hiện ý thức trách nhiệm cũng như quyền lợi và nghĩa vụ của mọi người, cũng như của cá nhân tôi, kể cả tôi có là một đảng viên, hay một công dân, có là cán bộ công chức, hay công nhân, nông dân, nhân dân lao động. Và rõ ràng nhân dân là một tập thể rộng lớn bao trùm cho nên hình thức đưa ý kiến lên mạng truyền thông, mạng XH là hình thức phù hợp nhất để thể hiện sự công khai minh bạch trước nhân dân.

Khi muốn góp ý về công tác nhân sự cho tổ chức Đảng, tôi không vì sự yêu ghét cá nhân, thành kiến hay thiên vị theo cảm tính vì điều này sẽ làm cho sự lựa chọn không còn khách quan, công bằng và chẳng có giá trị gì để mà Đảng phải tiếp thu . Tôi đặt lợi ích của đất nước, lợi ích chung của toàn dân tộc, lợi ích của nhân dân làm trọng tâm để cân nhắc đưa ra ý kiến của mình.

Tôi cho rằng công tác nhân sự của Đại hội muốn thành công được thì trước hết phải đánh giá được kết quả việc chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành một cách toàn diện trên mọi lĩnh vực quan trọng và cơ bản nhất của đất nước, trong đó phải thấy rõ được thành tựu, ưu thế nhưng phải chỉ rõ được hạn chế, yếu kém. Cần phải xác định được cơ quan, cá nhân nào có vai trò quyết định mang đến các thành tựu, ngược lại thì địa chỉ nào phải chịu trách nhiệm cho những hạn chế, yếu kém đã gây ra những thiệt thòi cho nhân dân, bất ổn cho XH?

May sao sư phân công và nội dung các quy định vận hành của Đảng, của Nhà nước đã chỉ rất rõ vai trò, nhiệm vụ của từng cơ quan đầu não cũng như quy định thẩm quyền rất độc lập về việc chủ động triển khai hoàn thành nhiệm vụ của các cơ quan này. Điều này có giá trị ở chỗ, không tạo thành hiện tượng xấu cho cái gọi là "hòa cả làng". Không bị lẫn lộn, không bị đánh đồng vào làm một.

May sao là sự vận hành, điều hành trong giai đoạn vừa qua lại cho ra một kết quả cực kỳ ưng ý đó là:

Việc gì đi việc nấy. Nơi có thành tựu thì không có hạn chế. Nơi có hạn chế thì không có thành tựu. Chiến công ở một nơi - Yếu kém ở một nẻo. Nhờ thế yên tâm là sẽ tìm ra người nên tiếp tục và người nên rút lui rõ ràng như ánh sáng ban ngày.

P/s: ..... À mà thôi... tôi sẽ chưa viết tiếp để thăm dò và theo dõi xem ý kiến của mọi người xung quanh việc này sẽ như thế nào.... Còn tôi đương nhiên đã có sự lựa chọn rồi, nhưng mà muốn "giữ bí mật" mấy hôm đã nhé!

"Bật mí" là sự chọn của tôi rất trùng hợp với "ý trời ". Không phải vì tôi là "người Trời" hay "con của Trời" mà vì tôi luôn lắng nghe tiếng nói của trái tim mình, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của những người dân. Sau đó thì tôi cũng có hỏi Trời, tiếc rằng câu trả lời của Trời lại là một câu hát vọng lại :

Hỏi Trời, Trời chẳng biết
Hỏi Đất, Đất không hay.... :)

....Còn nữa....

AT
HN 6/10/2015

Phần nhận xét hiển thị trên trang

RFI Việt ngữ nói sai rồi.chả có thắng thua gì từ việc này cả. Chỉ có điều VN dễ chịu hơn chút mà thui:

TPP: Việt Nam thắng lớn, Trung Quốc thua đau?

Một xưởng may mặc ở Sài Đông, ngoại ô Hanoi, Việt Nam.REUTERS/Kham/FilesF
Vào ngày 05/10/2015, 12 nước hai bên bờ Thái Bình Dương đã thông qua Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP (Trans-Pacific Partnership), được đánh giá là một thỏa thuận tự do mậu dịch lớn nhất trong lịch sử. Ngay sau khi văn kiện được thông qua, giới quan sát đã thử phân tích xem ai được lợi nhiều nhất, và ai sẽ bị thua thiệt nặng nhất. Một trong những câu trả lời lý thú đã được hãng tin Mỹ Bloomberg đưa ra hôm nay : Được lợi nhiều nhất là Việt Nam, trong khi bị thua thiệt nhiều nhất lại là Trung Quốc, một nước không được mời gia nhập khối TPP.

Tầm vóc của khối tự do mậu dịch xuyên Thái Bình Dương phải nói là rất lớn, tập trung khoảng 40% kinh tế toàn cầu, với tổng mức GDP lên đến gần 30 ngàn tỷ đô la, trải rộng từ Úc, New Zealand, Nhật Bản, qua Brunei, Malaysia, Singapore, Việt Nam, để vươn tới Canada, Mỹ, Mêhicô, Chi Lê, Peru.
Theo tính toán từ phía chính quyền Mỹ, một khi Hiệp định TPP bắt đầu có hiệu lực, hơn 18.000 sắc thuế to nhỏ đánh vào hàng hóa do Mỹ sản xuất sẽ bị loại bỏ, trong lúc mọi người, từ giới nuôi tôm Việt Nam cho đến các nhà chăn nuôi bò sữa New Zealand, tất cả đều có quyền tiếp cận dễ dàng các thị trường trên toàn vùng Thái Bình Dương.
Với TPP Việt Nam có thể tăng được 11% GDP và 28% xuất khẩu
Để đạt được kết quả trên, các nước đã phải đàm phán gay go trong suốt 5 năm, và nói đến đàm phán, tức là nói đến mặc cả với kết quả là có được, có mất. Trích dẫn giới chuyên gia phân tích, hãng Bloomberg đã có một nhận xét rõ ràng : Bên cạnh Nhật Bản, Việt Nam nằm trong danh sách các nước được hưởng lợi nhiều nhất với hiệp định TPP.
Theo nhóm nghiên cứu Eurasia, thỏa thuận TPP có tiềm năng giúp GDP Việt Nam tăng thêm được 11% vào năm 2025, với kim ngạch xuất khẩu trong cùng thời điểm tăng 28% nhờ vào việc các công ty xí nghiệp di dời cơ sở sản xuất của họ từ nước khác vào Việt Nam để tranh thủ mức lương còn thấp tại chỗ.
Một cách cụ thể hơn, hai ngành xuất khẩu chủ đạo của Việt Nam là thủy sản và dệt may sẽ được lợi rõ nét. Việc giảm thuế nhập khẩu ở Mỹ và Nhật Bản sẽ là một hậu thuẫn đáng kể cho ngành dệt may xuất khẩu của Việt Nam, sẽ tranh thủ được lợi thế lương nhân công thấp của mình để giành lấy các thị phần hiện nằm trong tay Trung Quốc…
Bên cạnh đó, ngành xuất khẩu thủy hải sản của Việt Nam chắc chắn sẽ được lợi nhờ việc bãi bỏ thuế nhập khẩu đang đánh vào các sản phẩm như tôm, mực và cá ngừ, hiện đang ở khoảng 6,4% -7,2%.
Toàn cảnh dĩ nhiên không hoàn toàn mầu hồng : Việc Việt Nam phải loại bỏ thuế nhập khẩu (hiện ở khoảng 2,5%) đánh trên dược phẩm, sẽ dẫn tới một tình trạng cạnh tranh gay gắt giữa các công ty Việt Nam và các công ty nước ngoài. Các quy định bảo vệ bằng sáng chế rất chặt chẽ trong TPP cũng sẽ gây khó khăn cho các công ty dược phẩm Việt Nam trong việc tiếp cận với các sản phẩm mới cũng như sản xuất ra các loại thuốc mới.
Trung Quốc vừa mất thị phần, vừa phải ngồi nhìn Mỹ xoay trục
Điểm rất đáng chú ý trong bài phân tích của Bloomberg tuy nhiên lại liên quan đến Trung Quốc, không thuộc TPP, nhưng lại bị cho là sẽ bị thiệt thòi nhất vì phải đứng bên ngoài khối tự do mậu dịch này. Thiệt thòi đầu tiên đối với Trung Quốc là vì đã lỡ tẩy chay TPP, cho nên giờ đây, Bắc Kinh phải lặng yên ngồi nhìn Washington (và Tokyo) thắt chặt quan hệ với khu vực, và thúc đẩy chính sách « xoay trục » của Tổng thống Mỹ Obama mà Trung Quốc ghét cay ghét đắng.
Trung Quốc như đã nhận thức được sai lầm ban đầu đó, vì thế, trong thời gian gần đây, đã bắt đầu đổi giọng, tung tín hiệu cho biết là họ sẵn sàng gia nhập khối TPP trong tương lai.
Trong lãnh vực thuần túy thương mại, ngành xuất khẩu Trung Quốc được cho là sẽ bị mất một số thị phần ở Mỹ và Nhật Bản vào tay các nước Đông Nam Á trong TPP, đặc biệt là Việt Nam.
Trước mắt, theo một chuyên gia kinh tế của hãng Bloomberg, để hạn chế tác hại đến từ TPP, Trung Quốc sẽ thúc đẩy chiến lược «Con đường tơ lụa mới» của họ, phát huy hoạt động của Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á mà họ thành lập, và đàm phán thêm nhiều hiệp định tự do mậu dịch với các nước khác.
Trọng Nghĩa

Phần nhận xét hiển thị trên trang

TPP sẽ giúp Việt Nam ‘thoát Trung’?

Mỹ và 11 quốc gia ven Thái Bình Dương khác đã đạt được thoả thuận chung cuộc về một hiệp định thương mại sẽ hạ thấp thuế quan và giảm thiểu những rào cản mậu dịch cho gần phân nửa nền kinh tế thế giới.
Thỏa thuận mậu dịch lớn nhất trong nhiều thập kỷ mà Hà Nội và 11 đối tác mới ký kết mang lại hy vọng về khả năng Việt Nam sẽ thoát khỏi cái bóng của nước láng giềng khổng lồ Trung Quốc.
Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), mới được 12 nước hoàn tất hôm qua, 5/10, sau nhiều năm đàm phán cam go, dự kiến sẽ cắt giảm thuế quan và thiết lập các tiêu chuẩn mậu dịch cho các quốc gia tham gia.
Thời gian qua, Việt Nam là một trong những nước thúc đẩy mạnh mẽ nhất nhằm tiến tới việc chung quyết TPP.
Cựu đại biểu quốc hội Nguyễn Minh Thuyết cho VOA Việt Ngữ biết rằng cũng giống như nhiều người Việt Nam khác, ông “rất vui” về diễn biến này.
Ông cho rằng “đây sẽ là một cơ hội cho Việt Nam mở rộng thị trường buôn bán với một số ưu đãi nhất định cũng như đỡ lệ thuộc hơn vào một số nền kinh tế khác”. Ông Thuyết nói thêm:
“Việt Nam ở cạnh Trung Quốc là nền kinh tế phát triển hơn Việt Nam nhiều. Hiện nay nền kinh tế Việt Nam cũng phải phụ thuộc vào Trung Quốc khá nhiều. Cán cân thương mại hai nước rất là lệch. Thứ hai nữa là, phần lớn các công trình ở Việt Nam, các công trình quan trọng, là do nhà thầu Trung Quốc đảm nhận. Thế thì nếu Việt Nam vào TPP, thì có khả năng là với nhiều đối tác khác, có sự hợp tác chặt chẽ thì sự lệ thuộc này nó sẽ dần dần giảm bớt. Thoát khỏi sự phụ thuộc vào kinh tế trước đi đã còn những việc khác theo tôi cũng phải qua một quá trình với một quyết tâm thì mới có thể đạt được. Có thể nói là hầu hết người Việt Nam mong muốn như vậy.”
Phát biểu sau khi TPP được ký kết, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama nói rằng Washington không thể để Trung Quốc lập ra luật lệ về thương mại toàn cầu.
Người đứng đầu Nhà Trắng nói trong một thông cáo phổ biến hôm 5/10: “Khi hơn 95% khách hàng tiềm năng của chúng ta sống bên ngoài biên giới của chúng ta, chúng ta không thể để các nước như Trung Quốc viết ra luật lệ của nền kinh tế toàn cầu. Chúng ta cần phải viết ra các luật lệ đó, mở ra các thị trường mới cho các sản phẩm của Mỹ trong khi đặt ra các tiêu chuẩn cao nhằm bảo vệ các công nhân và giữ gìn môi trường”.
Trong khi đó, Trung Quốc, quốc gia không nằm trong 12 nước ký vào TPP, đã lên tiếng phản ứng thận trọng về TPP. Bắc Kinh tuyên bố “để ngỏ trước bất kỳ cơ chế nào” tuân thủ các luật lệ của Tổ chức Thương mại Thế giới.
Tân Hoa Xã trích lời thông cáo của Bộ Thương mại Trung Quốc cho rằng TPP là “một trong các thỏa thuận thương mại tự do quan trọng đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương”.
Bộ này được trích tiếp: “Trung Quốc hy vọng thỏa thuận TPP và các cơ chế mậu dịch tự do khác trong khu vực sẽ hỗ trợ cho nhau và góp phần làm gia tăng thông thương, đầu tư và kinh tế cho khu vực châu Á Thái Bình Dương”.
Còn Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói rằng thỏa thuận sẽ có ý nghĩa mang tính chiến lược hơn nếu Trung Quốc gia nhập TPP trong tương lai.
Cũng giống như cựu đại biểu quốc hội Nguyễn Minh Thuyết, ông Đinh Xuân Thảo – Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội, nói với VOA Việt Ngữ rằng TPP giúp Việt Nam mở rộng thị trường. Ông nói:
“Trong lĩnh vực thương mại của mình với Trung Quốc, thì Trung Quốc chiếm tỷ trọng rất lớn. Mình thấy cần phải đa dạng hóa, đa phương hóa thị trường. Cái này [TPP] sẽ dần dần mở ra quan hệ với nhiều nước, nó sẽ là cái tốt hơn cho mình. Mặt khác, chính việc Việt Nam tham gia vào cái này, nó cũng là một cơ hội tốt cho kể cả phía Trung Quốc trong việc làm ăn thông qua thị trường của Việt Nam. Cho nên là nó cũng mang lại nhiều mặt tích cực”.
Theo dự kiến, thỏa thuận này sẽ phải được quốc hội từng nước thành viên phê chuẩn trước khi có hiệu lực.
Cũng có quan điểm như ông Thảo, cựu đại biểu Nguyễn Minh Thuyết cho biết ông “chưa nhìn thấy vướng mắc gì” tại cơ quan lập pháp ở Việt Nam.
Ông nói:
“Trong quá trình đàm phán, các vị đại biểu quốc hội cũng đã theo dõi và cũng được chính phủ thông tin thường xuyên, nên khi mà trình ra để thông qua quốc hội thì tôi chắc rằng câu chuyện không có gì phức tạp, vả lại, với thể chế của Việt Nam thì việc thông qua quốc hội, nó cũng không phải là khó khăn lắm”.
Ông Thuyết nói thêm rằng, cũng như người dân Việt Nam khác, ông “rất mong muốn chính phủ sẽ phải có một kế hoạch rất là chu đáo để chuẩn bị cho Việt Nam bước vào TPP một cách thật là thuận lợi”.
Trong khi TPP được dự báo sẽ dễ dàng được thông qua tại Quốc hội Việt Nam thì thỏa thuận thương mại tự do này được cho là sẽ tiếp tục vấp phải nhiều trở ngại tại quốc hội Mỹ.
Ứng viên tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ, Thượng nghị sĩ Bernie Sanders tuyên bố ông sẽ “làm tất cả những gì có thể để đánh bại thỏa thuận này” tại cơ quan lập pháp của Hoa Kỳ.
Nhận định trên trang blog cá nhân, tiến sỹ Jonathan London từ Đại học Thành thị ở Hong Kong, viết rằng “TPP sẽ mang lại những cơ hội tốt cho Việt Nam. Nhưng những tác động của TPP tới sự phát triển của Việt Nam sẽ phụ thuộc nhiều vào sự phát triển của các thể chế chính trị, kinh tế ở Việt Nam trong những năm tới. Còn sớm là đúng”.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

TPP liệu có dung nạp Trung Quốc?


dieu can phai biet ve TPP
Các thành viên tham gia đàm phán TPP tại buổi họp báo hôm 5.10
Mỹ, Nhật Bản, Việt Nam cùng 9 nước khác, đại diện cho khoảng 40% GDP toàn cầu đã đạt được thỏa thuận ký kết Hiệp định TPP vào ngày 5.10. Vậy những điều cần biết về TPP xung quanh thỏa thuận thương mại lớn nhất trong hai thập niên qua là gì.
TPP là tên viết tắt của Hiệp định thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương. Dưới đây là danh sách 7 điều cần biết về TPP, do tạp chí kinh tế Financial Times đưa ra.
1. TPP chứa nhiều vấn đề địa chính trị
TPP còn được gọi là chính sách "kinh tế xương sống" của Tổng thống Mỹ Barack Obama nhằm xoay "trục" sang châu Á. Mục tiêu của Nhật Bản và Mỹ là tạo ra một vùng kinh tế năng động trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhằm làm đối trọng kinh tế với Trung Quốc.
Đây cũng là bộ quy tắc chung của thế kỷ 21 bao quát mọi khía cạnh kinh tế của các quốc gia thành viên bao gồm cả việc làm thế nào để các tập đoàn nhà nước có thể cạnh tranh sòng phẳng trong môi trường kinh tế tự do.
"Chúng tôi thúc đẩy tăng trưởng thương mại thông qua việc đáp ứng những tiêu chuẩn cao hơn", ông Obama nói trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hồi tuần trước.
2. Để ngỏ khả năng Trung Quốc tham gia
TPP trong quá khứ được xem là một thỏa thuận kinh tế dùng để kiềm chế Trung Quốc, tuy nhiên gần đây Mỹ đã giảm bớt quan điểm này của mình. Trung Quốc cho biết họ đang xem xét TPP một cách thận trọng và mong muốn được tham gia vào công cuộc đàm phán với các đối thủ kinh tế của họ.
Nhiều người trong giới doanh nghiệp Mỹ muốn TPP cần được mở rộng cho nhiều nước tham gia hơn nữa, đặc biệt là nên mở rộng của cho Trung Quốc.
Các thành viên hiện tại của TPP là Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. Nhưng trong tương lai sẽ sớm có sự gia nhập của các nền kinh tế khác trong châu Á và châu Mỹ như Hàn Quốc, Đài Loan, Philippines, Colombia.
3. TPP có thể được coi là thỏa thuận thương mại tự do của hai trong 3 nền kinh tế lớn nhất toàn cầu
Mỹ và Nhật Bản trước đây chưa bao giờ ký kết một thỏa thuận thương mại tự do song phương. Nhưng với việc Nhật Bản tham gia đàm phán TPP, nhiều vấn đề của nước này như ô tô, thịt bò, gạo và thịt lợn đã được đưa ra bàn thảo nghiêm túc.
Kết quả của TPP sẽ là một thỏa thuận kinh tế quan trọng của hai trong 3 nền kinh tế lớn nhất thế giới, giải tỏa những rào cản thương mại đã tồn tại lâu nay giữa Nhật Bản và Mỹ.
Hiệp định TPP sẽ mở rộng sự hợp tác sâu rộng của Nhật Bản và khu vực Bắc Mỹ hơn nữa, đặc biệt là trong ngành chế tạo và sản xuất ô tô. TPP sẽ mở đường cho việc Nhật Bản mở rộng chuỗi sản xuất phụ tùng ở Canada và Mexico thay vì để chuỗi cung ứng vượt ra khỏi lãnh thổ TPP như trước đây sang Thái Lan và Trung Quốc.
4. Thỏa thuận quan trọng của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe
Ông Abe đã bị thách thức mạnh mẽ bởi các đối thủ chính trị vì việc bảo hộ nông nghiệp trong TPP. Tuy nhiên, ông đã lập luận rằng TPP sẽ giúp Nhật Bản thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai và vượt qua suy thoái kinh tế.
Tăng trưởng GDP của Nhật Bản đã bị âm 1,2% vào quý 2 vừa qua và các dữ liệu kinh tế cho thấy quý 3/2015 cũng không tốt hơn, Nhật Bản thực sự đang rơi vào suy thoái kinh tế.
5. Gây tranh cãi ở nhiều quốc gia thành viên
Đã có nhiều tranh cãi trong các quốc gia thành viên TPP xung quanh việc ký kết hiệp định và những nguy cơ có thể có đối với các nền công nghiệp của các quốc gia thành viên. Canada, Mỹ và Australia là 3 nước có sự tranh cãi lớn nhất.
Thậm chí, tại Canada, người vừa đứng đầu đảng Dân chủ là Tom Mulcair thề sẽ phá bỏ TPP nếu đảng của ông chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới.
6. Nguy cơ phá giá
Trong số những vấn đề gây ra tranh cãi nhiều nhất ở Mỹ có nguy cơ phá giá để cạnh tranh.
Đồng yen yếu khiến cho các doanh nghiệp ô tô Nhật Bản như Toyota có thể bán sản phẩm vào Mỹ với giá rẻ hơn, ngành công nghiệp ô tô Mỹ đã tự vệ bằng cách nhờ Quốc hội nước này đưa một lệnh cấm thao túng tiền tệ vào TPP.
Thỏa thuận về việc bán phá giá sẽ không là một phần chính thức trong TPP. Nhưng theo lời các bộ trưởng tham gia đàm phán hiệp định này thì các bên đã cam kết với nhau rằng sẽ không thực hiện các đợt giảm giá mạnh nhằm thúc đẩy xuất khẩu và thao túng thị trường.
7. TPP nâng cao tiêu chuẩn môi trường và lao động
Từ năm 2007, vấn đề môi trường và lao động luôn phải được nhắc đến trong các cuộc đàm phán thương mại của Mỹ. Nhưng với TPP, lần đầu tiên các nước tham gia có thể bị trừng phạt thương mại nếu các tiêu chuẩn đã ký kết không được đáp ứng đầy đủ.
Nhiều nhà hoạt động môi trường còn lo ngại, nhưng Mỹ nhấn mạnh rằng TPP sẽ giúp giảm nạn buôn bán các loài động vật quý hiếm cũng như nạn khai thác tài nguyên quá mức ở các nước tham gia hiệp định. Nếu các nước không tuân thủ, Mỹ tuyên bố sẽ trừng phạt kinh tế chống lại nước đó.
Thiên Hà (theo Finacial Times)
Phần nhận xét hiển thị trên trang