Kôjin Karatan
1. Trước khi trả lời cho câu hỏi “vì sao” và “ như thế nào” trước hiện tượng suy giảm và lụi tàn những ảnh hưởng của văn chương đối với xã hội, tôi muốn nhấn mạnh rằng hiện tượng này không chỉ giới hạn ở Nhật Bản. Tôi nhận thấy sự lùi bước của văn chương ở Pháp, ở Mỹ đã xẩy ra sớm hơn rất nhiều.Lý do : Văn hóa đại chúng, tiêu biểu là truyền hình đã phát triển từ rất lâu (những năm 1950 ) ở đó. Chúng ta đều biết rằng ở Mỹ có rất nhiều các sắc tộc thiểu số,văn chương từ khá lâu cũng đã chuyển hóa thành văn chương của các sắc tộc thiểu số ( hiện tượng ngoại biên hóa) .Từ những năm 1970 trên văn đàn đã xuất hiện những cây bút nữ da mầu hay các cây bút di dân châu Á, văn chương của họ đúng là một thứ văn chương sinh động đầy sức sống, nhưng nó lại không thể có tầm vóc bao trùm để ảnh hưởng tới toàn xã hội. Chúng ta cũng đã gặp một tình huống tương tự ở Nhật Bản vào những năm 1980 với các tên tuổi như Kenji Nakagami, Yangji Lee hay YûkoTsushima.
2. Nước Mỹ đã tiến xa hơn Nhật Bản rất nhiều.Việc xuất hiện các khoa “ viết văn “ trong các trường Đại học Nhật xẩy ra sau nước Mỹ vài chục năm. Lúc còn sống Faulkner đã có lần mỉa mai rằng theo ông,cách thức tốt nhất để trở thành một nhà văn là đi làm quản lý một nhà thổ! Nhưng người ta còn đi xa hơn thế nữa, hàng loạt giáo trình đại học dành cho “quy trình” viết văn được tung ra trong thời kỳ đó. Nhưng giờ đây khoa văn học không còn đắt hàng nữa, chúng tồn tại được là nhờ vào việc chuyển hướng sang giảng dậy/nghiên cứu về điện ảnh. Ở Nhật bản cũng vậy , giờ đây các khoa văn học cũng đang trôi về trạng thái hấp hối.
3. Nơi mà tôi cảm nhận rõ rệt nhất về sự cáo chung của văn học là ở Hàn Quốc. Một cú sốc với tôi. Trong thập niên 90 tôi đã có nhiều dịp tham gia vào những cuộc gặp mặt giữa các nhà văn Nhật Bản và Hàn Quốc. Ở những cuộc họp đó, tôi có cảm tưởng rằng những gì xẩy ra với văn học Nhật Bản chưa hề chạm tới Hàn Quốc. Một thời gian sau đó, khoảng năm 2000,trong một cuộc họp báo ở Hàn Quốc, tôi đã tuyên bố rằng văn học đã chết tại Nhật Bản. Đương nhiên nền văn học Nhật Bản vẫn còn tiếp tục tạo ra những sản phẩm ăn khách, có sức lan tỏa và được đón nhận nồng nhiệt trong giới trẻ Hàn Quốc như trường hợp Haruki Murakami, nhưng ở Nhật Bản văn chương đã mất đi vai trò độc tôn, mất đi sức ảnh hưởng trong xã hội. Trong cuộc họp báo đó , tôi cũng bầy tỏ niềm lạc quan tin rằng văn học Hàn Quốc không phải chịu cùng số phận như văn học Nhật Bản.
4. Nhưng rồi sự suy tàn của Văn học ở Hàn Quốc cũng bắt đầu hé lộ vào cuối thập kỷ 90. Jong Chul Kim, một nhà phê bình văn học danh tiếng, đã giã từ lĩnh vực phê bình văn học để sáng lập một phong trào bảo vệ sinh thái, ông xuất bản một tờ báo có tên gọi “ Phê bình xanh”. Mùa thu năm2002 , ông đã ngỏ ý mời tôi sang Hàn Quốc tổ chức một hội thảo vì ông cũng biết rằng tôi đã rời xa lĩnh vực phê bình văn học để lãnh đạo phong trào NAM.Để tránh mọi hiểu nhầm ở đây, tôi muốn nhấn mạnh rằng Jong Chul Kim là người đã thú nhận đọc say mê tới bốn lần cuốn tiểu thuyết Mưa Tuyết ( Bruine de neige ) của Ichiro Tanizaki. Tôi đã hỏỉ lý do vì sao ông rời bỏ văn chương. Câu trả lời của ông là : khởi đầu ông lựa chọn văn chương vì tin rằng văn chương liên quan tới mọi mặt của xã hội, từ cái tôi thầm kín cho đến nền chính trị trên toàn thế giới, sau một thời gian ông nhận ra rằng văn chương giờ đây chỉ quan tâm đến những vấn đề quá ư hạn hẹp và vụn vặt, trong mắt của ông, nó không còn là văn chương nữa, đó là lý do ông đã rời bỏ nó.
5. Một thời gian sau đó , tôi được biết rằng gần như tất cả những nhà phê bình văn học Hàn Quốc mà tôi đã từng có dịp gặp gỡ đều đã rút lui khỏi địa hạt văn chương. Đa phần trong số họ không chỉ làm phê bình văn học, họ còn xuất bản các tạp chí hay điều hành các nhà xuất bản. Những người đó gần như rời bỏ địa hạt văn chương ở cùng một thời điểm. Tôi không nghĩ rằng họ bị tụt hậu , không có khả năng tiếp cận , hiểu thấu những suy tư của giới trẻ. Lý do ở đây hoàn toàn khác, thứ văn chương mà họ đặt niềm tin vào đấy, thứ văn chương gợi hứng khởi cho các động lực của họ giờ đây đã kết thúc. Tôi cũng không dự đoán nổi sự đổi ngôi nhanh chóng đến thế của Văn chương Hàn Quốc. Những suy tư ấy một lần nữa lại thuyết phục tôi về một sự cáo chung của Văn chương.
(Còn tiếp)
—————————————————————————————————
Dương Thắng dịch từ tiếng Pháp. Nguồn: KôjinKaratani, « La fin de la littérature moderne », Fabula-LhT, n° 6,« Tombeaux de la littérature », mai 2009, URL :http://www.fabula.org/lht/6/karatani.html, page consultée le 20 août 2015. Bản đăng trên Phê bình văn học đã được sự đồng ý của dịch giả.
Phần nhận xét hiển thị trên trang