Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 18 tháng 8, 2015

HẬU CHUYỆN KỂ NĂM 2000


(Thời biến đổi gien)
  Kỳ 28
    Bùi Ngọc Tấn
Tất cả chỉ có vậy. Chẳng thấy gì vĩ đại thiêng liêng như người ta vẫn nghĩ, vẫn nói về nhưng ki-lô-mét số không, những địa đầu. Chẳng thấy kết thúc một cái gì và mở ra một cái gì. Chỉ là thanh bình nối tiếp thanh bình, tin cậy nối tiếp tin cậy, một an lạc bao trùm không gian trong suốt của Châu Âu. Kamal nói:
– Đây là xứ Flandre.
Lại một bất ngờ nữa. Nghe Kamal giảng, tôi mới biết Bỉ cũng có xứ Flandre. Xứ Flandre thuộc Pháp và xứ Flandre thuộc Bỉ. Flandre. Địa danh này, những con đường này đã nằm trong một quyển tiểu thuyết đoạt giải Nobel. Claude Simon. Những con đường xứ Flandre. Dương Tường dịch. Giá có Dương Tường ở đây cùng tham gia cuộc du hành…
  Lille là một địa bàn rất tốt để từ đó chúng tôi đi “thám hiểm” Bỉ, Hà Lan. Trong mười ngày ở Lille, tôi đã đi qua những con đường xứ Flandre, những ngọn đồi xứ Flandre nhiều lần. Đó là những nhánh rẽ từ những đại xa lộ vào các ngọn đồi mà nhìn từ xa ta cứ nghĩ là những khu rừng. Chỉ đến khi tới gần mới thấy đó là đường phố, những ngôi nhà, những biệt thự, những quảng trường, những cửa hiệu, những nhà thờ, và khi ô tô lên tới đỉnh dốc, mở cửa bước ra nhìn những phố xuôi dốc đổ xuống ngoại vi, thấy cánh đồng, thấy núi, thấy những đàn bò khoang im lặng gặm cỏ, những lùm cây đổ bóng sẫm đen trên đồng cỏ tưới đẫm nắng vàng. Cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa tôi với xứ Flandre là xứ Flandre thuộc Bỉ. Ngay trong buổi chiều chúng tôi tới Lille và gặp Kamal. Kéo chúng tôi vào một cửa hàng, ngồi uống mỗi người một chai bia Bỉ, Kamal bảo chúng tôi đứng lên ra xe ô tô:
– Gần đây có cửa hàng bán sườn nướng ngon lắm.
Xe lại lăn bánh trên con đường nhựa, xuống một sườn đồi thoai thoải, lượn quanh co trên một cánh đồng nhỏ và lại leo dốc. Một restaurant khác trên đỉnh một ngọn đồi. Khoảng đất rộng phía sau nhà hàng đậu kín ô tô. Chúng tôi xuống xe đi qua một mảnh sân hẹp. Nhà hàng thấp và cũ kỹ. Mái lợp đá đen. Tường để nguyên gạch mộc. Dính vào tường là hai cái vô lăng tầu thuỷ bằng gỗ, một cái to một cái nhỏ, gợi những cuộc viễn du của những mạch lô hoặc dấu vết của những “Viking đầu quấn lá sồi. Những thùng gỗ to xếp cạnh tường, những thùng rượu vang mà bên trong hẳn là rỗng, không có rượu, chỉ để tăng thêm không khí ẩm thực trước khi khách bước vào trong nhà ngồi trước bàn ăn gọi món. Ngay cửa nhà hàng là một chiếc xe bò với những bánh xe bằng gỗ lớn, chiếc xe hẳn chưa một lần lăn bánh đường trường, trong xe chất đầy những khúc gỗ tròn cưa cắt bằng nhau, chờ bổ cho vào lò, nhưng chắc chắn sẽ chẳng bao giờ được nhận một nhát rìu, chúng có mặt chỉ để gợi một không khí cổ xưa.
Trong nhà đã kín thực khách. Toàn người châu Âu. Những trai thanh gái lịch, những ông bà đứng tuổi và có tuổi im lặng ăn, im lặng uống. Lần đầu tiên bước vào một cửa hàng ăn châu Âu, tôi, một kẻ quê mùa từ một đất nước châu Á xa xôi nghèo nàn lạc hậu, không khỏi mất tự tin, nhất là khi mấy người quay ra nhìn chúng tôi bước qua khuôn cửa. Cái mặc cảm về thân phận, về chiều cao đến với tôi trong từng bước đi. Cám ơn Malika. Cô gái tóc vàng đã khoác tay tôi. Như hai bố con lững thững nhàn nhã sau một ngày làm việc mệt nhọc tìm nơi thư giãn. Dương Thụ, Kamal đi sau. Chúng tôi tìm được một bàn còn trống ngay cạnh chiếc lò sưởi bằng gang không biết có từ thế kỷ nào, đã lâu rồi không được dùng đến. Trong khi chờ thức ăn, chúng tôi uống bia và quan sát cửa hàng phía bên trong. Để dễ hiểu, ta gọi nó là một căn nhà cấp 4, có năm gian. Tất cả đều đen, mầu đen của khói bếp, của năm tháng. Những quá giang, những rui mè, những ngói lợp đều đen. Những thanh dầm gỗ, những trụ gỗ dựng dọc tường giữa những hàng gạch xây với những thớ to khô két thành từng rãnh sâu, uốn lượn cong vặn cứng như thép, không phải được cưa cắt mà như được xé đôi ra bằng cánh tay của những người khổng lồ như ta tách đôi một khúc tre. Nó còn nguyên tạo hình khi vẫn là cây là cành, rễ còn bám sâu vào đất, cành lá còn reo vui đón gió. Tường xây gạch mộc. Gạch và những mạch vữa đều một mầu đen. Trên tường, treo rải rác những đôi giầy bằng gỗ sơn trắng, một mầu trắng cũ kỹ, và bên trong những chiếc giầy, những ngọn đèn hình nến yếu ớt toả sáng. Tất cả bàn ăn đều bằng gỗ sồi mà tuổi của nó phải nhiều chục năm có thể hàng trăm năm, cũng một mầu nâu sẫm. Một ngọn nến nhỏ được đưa đến bàn của chúng tôi.
Hãy kín đáo nhìn mọi người ăn. Khi đặt chân tới Châu Âu tôi đã chú ý nhìn những nét mặt người, những dáng người đi. Và bây giờ tôi quan sát những người ngồi ăn. Không một lời nói to. Những tiếng đặt thìa nĩa cũng rất khẽ. Không một tiếng động gì tỏ ra có người đang say, lại càng không có những tiếng hét vang dzô dzô mỗi khi chạm cốc. Không có những khuôn mặt phừng phừng bóng nhẫy vì ăn, vì uống, không có những bộ mặt tự mãn hoặc tự tin quá mức, cũng chẳng một ai quên rằng mình đang ăn uống giữa những người khác cũng đang ăn uống.([1]) Chỉ có những nét mặt vui tươi, những tiếng rì rầm và những nụ cười. Tôi làm một cuộc tường thuật tại chỗ với Dương Thụ:
– Cứ ngồi yên. Đừng quay lại. Cô gái ngồi ở bàn sau lưng Thụ đã ăn hết dẻ sườn lợn nướng thứ ba hay thứ tư gì đó. Một cô gái còn rất trẻ xinh đẹp, tóc vàng nhưng không vàng bằng tóc Malika đâu. Cô ta chăm chú ăn, gặm tỉ mẩn từng chút thịt trên dẻ sườn, đặt dẻ sườn đã hết thịt xuống đĩa. Chưa. Chưa uống rượu. Còn đang mút ngón tay. Mút rất cẩn thận từng ngón tay một. Vẫn chưa uống. Lấy khăn lau những vết đen trên miệng. Bây giờ mới uống. Bia chứ không phải rượu. Và vặn một dẻ sườn nướng nữa rồi.
Tôi cứ thuyết minh như vậy. Malika không hiểu gì, nhưng thấy Kamal cười chị cũng cười. Cô gái tóc vàng nhạt ngồi sau lưng Dương Thụ còn rất trẻ, trẻ đến nỗi tôi tưởng cô đi ăn cùng bố mẹ. Chỉ đến cuối bữa, khi tất cả đứng lên chuẩn bị ra về, tôi mới biết mình nhầm. Toàn những thanh niên nam nữ trạc tuổi cô.
Những ngày ở Lille, nhờ sự quan tâm và lòng tốt tuyệt vời của Kamal, tôi và Dương Thụ đã sống những ngày thật sung sướng, vô tư, cùng nhau khám phá thế giới, trêu chòng nhau khi tắm biển Hà Lan, uống vang trắng dưới gốc một cây saule hay nhâm nhi cốc bia Leffe vàng óng, thứ bia Kamal nói là nồng nàn quá, rồi cùng nhau chụp ảnh trước chiếc cối xay gió trên một ngọn đồi.
Tôi đặc biệt yêu thành phố nhỏ Brugge nước Bỉ. Một thành phố với những con kênh ngang dọc. Móng những ngôi nhà, những dẫy phố, những biệt thự, lâu đài ngâm trong dòng nước, với những mảnh sân nhỏ, những bậc xây xuống bến, những hàng cây soi bóng, những con chim trắng, những con sâm cầm đen thả mình im lặng gà gà ngủ. Brugge mà theo Dương Thụ vừa rời Ý cách đây ít lâu, là một Venise thu nhỏ, êm đềm. Mỗi ngoẹo phố là một bất ngờ dành cho bạn. Giống như đang trên thuyền giữa vịnh Hạ Long. Không thể hình dung được những gì chờ ta mỗi khi rẽ ngoặt. Chính ở Brugge, tới một quảng trường trước cửa nhà thờ, chúng tôi đã gặp một ban nhạc nhẹ đồng quê. Có violon, cello, contrebasse, clarinette, piano, lại cả phong cầm, gợi một không khí rất Trung Âu thế kỷ trước. Ba cô gái trang phục cổ điển áo hoa liền váy, cùng các nhạc công complet cravate, thứ y phục quen thuộc, gần gũi. Không pop, không rok. Những làn điệu dân ca Trung Âu đậm âm hưởng nhạc chiều xê-rê-nat từ ba chất giọng soprano, mezzo, alto cùng với giọng baryton của người kéo phong cầm, khiến tôi tưởng mình đang sống trong một câu chuyện viết về nông thôn Romania nào đó như Những Người Chân Đất, Giếng Nước Cội Dương từng làm chúng tôi một thuở say mê và mãi mãi say mê. Thụ khe khẽ:
– Đúng là Châu Âu cổ xưa. Nhạc trăm năm. Chơi trên đường phố trăm năm, quảng trường trăm năm. Cây trăm năm. Y phục ngày xưa. Váy dài ngày xưa. Sơ mi áo vét ngày xưa. Thỉnh thoảng lại một cỗ xe ngựa ngày xưa đi ngang qua nữa…
Sau khi đặt tiền vào chiếc mũ để ngửa, chúng tôi tiếp tục công cuộc thám hiểm Brugge. Khi vượt qua chiếc cầu uốn cong bắc ngang một con kênh ăm ắp nước lặng tờ giữa những dẫy phố cổ, nhìn trời hoàng hôn thẫm dần, bóng tối đang len vào những cành sồi già trĩu nặng thời gian, trĩu nặng trọng lượng của chính mình ngả trên mặt kênh, Dương Thụ đã khóc. Anh không tin là người ta có thể được sống đẹp như vậy, anh không tin anh và tôi lại có thể có trong đời mình giờ phút đẹp như vậy, được làm người kiểu như vậy. Anh như nói với chính mình:
– Không phải thiên đường mà còn hơn thế. Không phải trên trời. Mà ngay trên mặt đất, ngay trong cuộc sống. Vẫn mơ ước một cuộc sống êm đềm, thanh bình, một quan hệ người với người thật tốt đẹp thì bỗng nhiên có ngay trước mặt mình, chung quanh mình. Mình được nhìn thấy, được sống, được hít thở trong nó. Dù chỉ là khoảnh khắc.
Chiều hôm sau Dương Thụ và tôi được Kamal đưa đi thăm một ngọn đồi xứ Flandre khác. Thị trấn ẩn trong rừng cây. Trên đỉnh đồi, giữa những tán lá là những cửa hàng, những khách sạn, những biệt thự và một nhà thờ nhỏ. Chúng tôi bước vào nhà thờ. Không có ai ngoài một bà già đang lúi húi dọn dẹp dưới tượng Chúa phía trong cùng và rất nhiều ngọn nến nhỏ im lặng cháy trong chiếc khay đặt trên bàn ở một góc khuất ngay cửa ra vào. Bà già bước về phía chúng tôi, nhẹ nhàng không một tiếng động, thì thào:
– Bonjour. Bonjour.— Xin chào. Xin chào.
Chúng tôi cũng thì thào đáp lại. Rồi chúng tôi bước ra, ngồi xuống chiếc ghế dựa bên lề đường. Dưới kia sườn đồi thoai thoải. Đàn bò khoang trắng đen vẫn thấy in hình trên những hộp sữa, gặm cỏ. Rừng đổ bóng thẫm xuống vạt cỏ xanh non. Tiếng nhạc nhà thờ vọng đến. Êm đềm, thanh bình đến thế là cùng. Như một chốn Bồng Lai. Dương Thụ rơm rớm. Anh nói với tôi:
– Em đang được thanh lọc.
Ngồi trên chiếc ghế gỗ sồi đặt ven đường, nghe gió thu Châu Âu chạm vào mái tóc, tôi hiểu được những nét mặt người, những dáng người đi này đã được hình thành như thế nào rồi. Đó là bao nhiêu năm người ta đã sống như chúng tôi mới được sống mấy ngày. Trừ mấy năm đại chiến thứ 2 mà tác dụng càng làm cho con người thêm yêu quý hoà bình. Sang Châu Âu, điều dễ nhận thấy nhất với những du khách như tôi, đập vào mắt ngay tức thì, là những nét mặt người và những dáng người đi.
Sau này về Paris, gặp Vũ Thư Hiên, tôi đã nói với Hiên nhận xét ấy:
– Trông những người bên này đi thích thật. Sải những bước dài, có mục đích, tự tin chứ không phải lang thang nổi trôi vô định. Thoăn thoắt, thoăn thoắt, dáng đi của người làm chủ cuộc đời, làm chủ số phận. Còn nét mặt họ mới tuyệt làm sao! Không một chút lo âu. Ở bên nhà, chúng tao vừa đi vừa nghĩ mưu. Ai cũng vừa đi vừa nghĩ mưu, không trừ một ai, từ tỷ phú cho đến những người khố rách áo ôm, từ ủy viên Bộ Chính Trị cho đến người đạp xích lô.
Hiên rất thích sự so sánh của tôi. Anh kể cho tôi nghe chuyện anh và các em gái anh mới ở Việt Nam sang đi du lịch nước Áo. Tới một quảng trường ở Vienne, thấy người ta cho chim ăn, mấy anh em Hiên cũng lấy bánh bẻ vụn trong lòng bàn tay chìa ra mời chim. Chim đến mổ bánh trong lòng bàn tay tất cả những du khách châu Âu, có một vài con đến mổ bánh trong lòng bàn tay Vũ Thư Hiên, mổ mấy mổ rồi đi. Còn những cô em mới ở Việt Nam sang, không một con chim nào bén mảng.
Chúng tôi kể những chuyện này cho nhau nghe khi anh ghi hình tôi trong buổi đến thăm lâu đài một vị hoàng đế nước Phổ. Tôi muốn lại gần con thiên nga một chút. Nó đã từ hồ nước lên bờ, trắng muốt, kiêu kỳ giương mắt nhìn tôi. Nhưng tôi tiến một bước, nó lại lùi một bước, giữ nguyên khoảng cách an toàn. Hiên bảo:
– Mày gọi nó đi.
– Gọi thế nào?
– Thiên nga ơi. Tiết canh! Tiết canh!
Chúng tôi cười lăn. Cũng phải kể một tối ở Berlin, chúng tôi đi chơi, về nhà Hoà, em gái Hiên, tại một chung cư.
Ngay chân cầu thang, gặp một ông già người Đức, dắt theo một con chó to lớn. Trông thấy chúng tôi, nó sủa, miệng há, răng trắng nhởn, nhả ra từng tiếng sủa và đớp từng miếng không khí. Người Đức tầng trên rất nhanh dắt con chó bước lên. Chúng tôi lên thang.
Cửa buồng Hoà đã mở. Hoà đang ngồi chờ chúng tôi. Hiên hỏi:
– Sao em biết bọn anh về mà mở cửa sẵn?
Hoà vô tư nhất đời:
– Nghe tiếng chó sủa là em biết. Con chó này chỉ sủa người Việt Nam mình thôi. Không sủa người Đức.
Chúng tôi cười và thè lưỡi nhìn nhau.
Chả lẽ lại thế thật ư? Vì sao?
Chỉ đến khi gặp một bạn đọc ở Úc tại Hải Phòng tôi mới đỡ buồn. Có thế chứ. Mà chắc là như thế nếu không thì sầu đời quá. Trong lúc chuyện vui, nghe tôi kể lại câu chuyện khó tin ấy, người bạn đọc Việt kiều Úc reo lên:
– Tôi hiểu rồi. Đến bây giờ tôi mới hiểu. Ở Úc, chúng tôi nuôi một con béc giê, người Việt Nam đến không sao, còn người Úc đến là sủa liền. Nó quen nhìn người mình, không quen nhìn người Úc, giống như con chó ở Đức quen nhìn người Đức, không quen nhìn người Việt.
*
Ở Lille 10 ngày, chia tay Dương Thụ về Paris, bắt đầu hơn một tháng cùng Vũ Thư Hiên lang thang mấy nước Châu Âu. Thật không ngờ hai chúng tôi lại có được những ngày bên nhau trên những ngả đường Châu Âu mà dù có giầu tưởng tượng mấy cũng không dám nghĩ tới. Chúng tôi, những kẻ khao khát tự do không mong ước gì hơn là nhân dân có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, người với người là bạn. Chúng tôi, những người xa lạ với chính trị, cả đời chỉ mong viết được một điều gì đó về nhân dân, về đất nước và cả hai đã bị tống vào tù không xét xử. Chúng tôi, hai thằng bạn lẽ ra đã được tha nhưng cùng vì không nhận tội, cùng nói rằng bắt mình là vi phạm pháp luật nên đã chịu thêm mỗi thằng hai năm tù nữa. Tổng cộng: Tôi 5 năm. Vũ Thư Hiên 9 năm. Hai thằng bạn của một thời mộng mị, hai thằng tù phiêu bạt, hai ông già 70 tuổi, sau khi đã nếm đủ mọi cay đắng đang ngồi bên nhau trên xe ô tô của một người không họ hàng thân thích nhưng biết bao yêu quý xót thương, lang thang trên những nẻo đường đẹp như mơ của một Châu Âu thống nhất, bỗng sống lại thời trai trẻ tưởng đã chết hẳn rồi, cùng cất tiếng hát, những bài hát bật dậy từ đâu đó thẳm sâu ký ức. Chúng tôi những con chim nhốt trong lồng bịt kín, đang tung bay trên bầu trời bao la. Cái ý thức về tự do của chúng tôi càng được nhân lên khi chung quanh chúng tôi là đất nước tự do của những người tự do!
Sang Châu Âu tôi thêm một lần cảm nhận hạnh phúc của một nhà văn. Cái đêm từ biệt Lille, cùng Kamal về Paris để sáng hôm sau gặp Vũ Thư Hiên, tôi chia tay Dương Thụ và Kamal. Chiếc xe đón tôi có cả chị Hồng Ngọc, vợ anh Hoàng Minh Chính, mới từ Ý sang. Chúng tôi đến một ngôi biệt thự ngoại ô. Một bữa tiệc đã được tổ chức với khá đông trí thức Việt kiều đang chờ chúng tôi. Và khi tiệc tùng kết thúc, tôi, Vũ Thư Hiên cùng chị Hồng Ngọc đi thăm Paris. Hiên chụp rất nhiều ảnh chị Hồng Ngọc và tôi. Một bức ảnh chị Hồng Ngọc đứng trên cầu bắc qua sông Seine được Hiên đặt tên là “Nát một đời hoa.” Cười đấy nhưng đúng là nát một đời hoa. Tan nát đời một phụ nữ thủy chung nhan sắc.
Rồi chúng tôi ghé vào một hiệu thuốc nhỏ. Đứng sau quầy hàng là hai thiếu phụ người Việt.
Vừa trông thấy tôi, một người dáng chừng là chủ Pharmacie — và tôi đã không nhầm — kêu lên:
– Anh Bùi Ngọc Tấn!
Rồi chạy ra ôm lấy tôi. Chị đã nhận ra tôi, không cần ai giới thiệu. Đó là Nguyễn Thanh Hằng, một thiếu phụ mảnh mai, xinh đẹp, vợ anh Trần Ngọc Sơn, những người sẽ cho tôi ăn ở tại nhà và làm guide phần lớn thời gian tôi lưu lại Pháp.
Đến đâu tôi cũng được đón tiếp như những người thân, những người ruột thịt. Ông Vũ Quốc Phan đối xử với tôi như một người em, dắt tôi đi ăn cơm Việt, và nói cùng tôi bao nhiêu chuyện về thời thơ ấu, về những ngày ở Nam Định rồi Hải Phòng với Nguyên Hồng, về quãng đời lính thợ của ông. Ông lấy từ trong tủ ra những quyển sách Nguyên Hồng gửi tặng ông. Tôi hiểu mình đang được hưởng một may mắn mà số phận sắp đặt: Gặp một nhân chứng của lịch sử và văn học. Vũ Thư Hiên giúp tôi chụp lại bức ảnh Nguyên Hồng với ông Vũ Quốc Phan khi hoàn thành Bỉ Vỏ và bức ảnh Nguyên Hồng bóc từ thẻ nhà báo tặng ông Phan khi mất chức chủ bút tuần báo Văn, một tờ báo mà báo Nhân Dân nhận xét: Trước chữ Văn ta thấy chữ Nhân ló ra. Cẩn thận hơn, Hiên còn chụp cả dòng chữ viết sau tấm ảnh. Chỉ với hai bức ảnh này, tôi nghĩ mình đã lập công lớn đối với văn học.([2])
Khi chân tôi bị đau vì dãn tĩnh mạch, có tới bốn chị bác sĩ, dược sĩ chăm chú theo dõi với nét mặt đăm chiêu. Các chị muốn tiến hành phẫu thuật cho tôi, nhưng tôi bảo: “Tôi sang đây là để đi chơi chứ không phải để nằm viện.” Chị Nguyễn Thanh Hằng đã đo các chỉ số của bàn chân, bắp chân, ống chân tôi để đặt dệt cho tôi hai đôi bít tất chữa bệnh, giá tới gần một trăm Euro.
Biết tôi đang có mặt ở Nuremberg, nhiều bạn đọc đã vượt ba, bốn trăm ki-lô-mét để đến gặp tôi, mặc dù có người phải vào bệnh viện thay băng, một vết thương ngang ống đồng, khiến tôi lo lắng:
– Nhỡ nhiễm trùng thì làm sao em?
Anh bạn cười xoà:
– Anh yên tâm. Bên này không dễ nhiễm trùng như ở Việt Nam đâu.
Có nhiều người Việt Nam khác thường mà Vũ Thư Hiên gọi là Nam Hải dị nhân. Chẳng hạn như anh Kiểm ở Munchen — Munich. Anh bỏ tiền túi inChuyện kể năm 2000 và phát không cho mọi người.
Hôm đến thăm anh Kiểm, sau khi chào chị vợ người Đức của anh, tôi đề nghị anh cho tôi xem “nhà in” của anh. Anh vui vẻ dắt tôi xuống tầng hầm. Mỗi hộ trong chung cư đều được chia một ô nhỏ trong tầng hầm. Đó là một thứ buồng kho. Trong phần hầm rất hẹp ấy, anh Kiểm có đủ máy in, máy đóng sách, máy xén giấy, toàn những máy hiện đại nhỏ xíu. Ở Việt Nam mà chứa những thứ này trong nhà, lĩnh vài cái bọp là cầm chắc. Chính trong tầng hầm này tôi nhớ đến tiếng cười giòn vang của Lê Bầu khi anh kể chuyện người công an hộ tịch đến nhà, nhờ anh cái máy chữ, đánh máy một đơn từ gì đó:
– “Ông ơi! Ông cứ gõ đủ các chữ đi. Tôi biết thừa, ông lấy đặc điểm máy chữ của tôi đúng không nào? Ông cứ nói thẳng ra như thế cho vui!” Tao bảo nó thế mày ạ! Nó không cải chính mà chỉ cười.
Ở Munchen có một Nam Hải dị nhân khác. Đó là Bùi Hồng Mạnh. Anh là kỹ sư hoá, tốt nghiệp ở Cộng Hoà Dân Chủ Đức, đã mấy lần sang Đức và lần này thì trở thành công dân Cộng Hoà Liên Bang Đức. Anh có một việc làm rất thú vị: Phiên dịch cho toà án. Mỗi giờ của anh thu nhập cả trăm Euro. Thế nhưng anh bỏ tất cả công việc, lái xe đưa tôi đi chơi ngang dọc nước Đức. Không chỉ nước Đức, còn sang cả Áo, để tôi được đặt chân tới ngôi nhà của Mozart và chụp ảnh trước tượng nhạc sĩ vĩ đại.
Rồi tôi sang Mỹ theo lời mời của trung tâm William Joiner Center, đại học Massachusett. Đầu năm đi Mỹ, cuối năm đi Nga. Người mời tôi tới Nga là Bùi Lan Hương, một phụ nữ Nga gốc Việt. Là chủ một doanh nghiệp kinh doanh trên địa bàn nhiều nước, Bùi Lan Hương đã ngừng mọi công việc ba tuần lễ, lo mọi kinh phí và thủ tục từ xin visa, lấy vé máy bay và đưa tôi đi thăm nước Nga, một nước Nga đang bước vào rực rỡ thu vàng. Cảm động làm sao khi Hương nói:
– Đọc chú, cháu vừa quý vừa thương chú, thương dân mình. Đọc chú, cháu thấy chú rất yêu nước Nga, yêu văn học Nga. Cháu ao ước được đón chú sang bên này, để chú tận mắt thấy nước Nga, chú cháu mình sẽ cùng đi thăm các bảo tàng, những cung điện, những nhà thờ, những rừng Nga… Cháu cứ nghĩ làm thế nào để mời được chú sang nhỉ? Không có địa chỉ, không biết điện thoại, không biết i-meo, chỉ có mỗi thông tin là chú ở Hải Phòng. Thế rồi mọi sự như trời sắp đặt. Cháu gặp một người quen chú có mọi thông tin về chú…
Thì ra ở đâu cũng có những Nam Hải dị nhân, Nga cũng như Đức, như Pháp, Mỹ và cả Việt Nam, những người yêu công lý, yêu lẽ phải, đau nỗi đau của người khác. Dù khiêm tốn đến đâu tôi cũng phải nói tôi rất tự hào được một bạn đọc quý mến mình đến thế. Lại thêm tự hào khi biết tôi đến Nga, nhiều bạn đọc từ Ba Lan đã làm thủ tục bay sang Nga để gặp tôi nhưng vì không xin được thị thực nhập cảnh nên chỉ một mình Lê Diễn Đức tới được. Anh có ý định mời tôi sang Ba Lan nhưng chân tôi bị đau, đến cửa bảo tàng Hermitaje mà không thể vào bên trong, đành chỉ ngồi ngoài chụp ảnh.
*
….Trong tôi giờ đây ngân nga những tên người tên đất. Tên những người bạn của tôi ở khắp bốn phương. Và tên những con đường, những thành phố, những Paris, Berlin, Thành Đô, Brugge, Amsterdam, Boston, New York, California, Peterburg, Mạc Tư Khoa …, những đất nước tôi đã đặt chân tới, những nơi tôi được bạn đọc đón nhận như những người anh em.
Đôi mắt tôi không còn bó gọn trong cái ô chữ nhật 12 inch của cái ti vi đen trắng, nghe và nhìn một cô ca sĩ hát rồi khi bất chợt thấy cô đi ngang qua, giật mình như thấy một ngôi sao rơi trước mặt.
Tưởng như thế là đã thỏa mãn, là được hưởng sự ưu đãi của số phận, không còn ao ước gì hơn, nhưng vẫn còn một khao khát âm ỉ, dai dẳng, vẫn còn những nơi tôi ước ao được đến. Đúng hơn, được một lần trở lại. Nhất là những đêm của tuổi già trằn trọc, những đêm chờ trời sáng, những đêm làm tổng kết cuộc đời. Một thèm muốn, một khát khao như thèm muốn khát khao được trở lại mảnh sân, góc vườn thời thơ ấu: Ao ước được trở lại những trại giam, những nhà tù tôi đã sống. Ao ước lại một lần bước qua cổng sắt đóng mở nặng nề trại giam Trần Phú, tiếng bản lề rít lên như tiếng cuộc đời bị kẹp nát, được nhìn lại dẫy xà lim biệt giam Trần Phú, nơi tôi nếm những phút giây tù ngục đầu tiên, được nhìn thấy cánh rừng già âm u hăm doạ và những rặng núi đá lởm chởm Hoành Bồ, hay đến với những thung lũng vùng đất đồi trại Vĩnh Quang — những trại 75, trại Q. trại V. trong tiểu thuyết — băm băm xới xới những luống sắn lá héo nẫu mềm rũ như luộc trong nắng hè, thứ nắng hè làm chúng tôi cũng rũ xuống như lá sắn.
Khi viết Chuyện kể năm 2000, tôi khao khát được trở lại đó chỉ với mục đích sống lại cảm xúc, sống lại hồi ức, sống lại chi tiết. Để tất cả ập vào tôi, chàm vào tôi, nhuộm lại tôi, để những gì tôi đã quên, đã “vãi rơi đi” lại trở về với tôi.
Giờ đây không phải thế. Nó như một thứ bản năng. Những nơi ấy là một phần cuộc đời mình, đã góp phần hình thành mình cả về xương thịt lẫn tâm hồn, không thể thiếu, không thể tách rời. Càng về già, càng đến gần cái kết thúc tất yếu càng mong được một lần trở lại. Những nơi đã ninh nhừ quãng thời gian đẹp nhất, sung sức nhất, chín nhất của đời, một quãng thời gian để sống và thời gian để chết của tôi. Không phải quê hương, nhưng là một cõi, cõi mình trải qua một kiếp. Khi ta ở đất chỉ là đất ở. Khi ta đi đất bỗng hoá tâm hồn.([3]) Đất ấy cũng hóa tâm hồn hay sao mà cứ bám theo tôi, gọi tôi, rủ tôi gặp lại? Tâm hồn của những người bạn tù đã sống, đã chết, những Lỷ Xìn Cắm, Phạm Văn Giăng, Đỗ Lương, Hỉn Sán rồi già Hải, già Đô, hai ông già khiến tôi có một nhân vật văn học khó quên… Đất ấy cũng mang tiếng rì rầm của những buổi ngày xưa vọng nói về,([4]) của những năm tháng tra tấn mà mình nguyền rủa và giờ đây mới mong được sống lại làm sao, vì dù thế nào cũng vẫn là tuổi trẻ của mình, đất mình bị đầy đọa, càng bị dày xéo quằn quại dưới gót sắt chuyên chính càng bùng lên khát vọng sống khát vọng tự do, đất luyện ngục định hình con người mình, cuộc đời mình, không chỉ thế, còn định hình cuộc đời vợ con mình nữa. Đất bắt rễ vào cuộc sống, vào thân thể, vào từng tế bào thần kinh từ đời nọ sang đời kia gọi là số phận.
Trong cuộc tìm lại thời gian đã mất của tuổi già, tôi không thể không nhớ đến các nhà tù. Những nơi ấy thường xuyên trở về như một ám ảnh tuyệt vọng: Làm thế nào để gặp lại nó lần nữa? Mỗi lần duyệt lại bản tổng kết cuộc đời, trong số biết bao hình ảnh, kỷ niệm, không bao giờ thiếu vắng những nhà tù như không bao giờ thiếu vắng những ngày thơ ấu. Những ngày thơ ấu không thể gặp lại nữa. Nhưng nhà tù, có thể gặp lại lắm chứ. Nó ở ngay đây thôi. Ngay Hải Phòng thôi. Đi dọc sông Lấp nay là hồ Tam Bạc là thấy . Tường đá cao vút. Dây thép gai chạy điện. Tôi bị nhốt ở một xà lim gần bệnh viện Việt – Tiệp. Bên này đường bên kia đường. Mùi xào nấu bếp bệnh viện không chỉ thơm nhức mũi, nhức dạ dầy mà còn nhức tim nữa. Nó nhắc tôi cuộc sống, gia đình, vợ con bố mẹ. Buổi sáng mở cửa xà lim khu biệt giam 76 đi đổ bô, nhìn những hạt mưa phơi phới rắc bụi trên những tầu lá chuối, những khóm cải cúc ven tường đọng thành những giọt tròn trong suốt lung linh, hiểu rằng xuân vẫn sang, lại sang, đang sang, xuân năm nay tươi và còn tươi mãi mãi mà ta đang chết dần dần.([5]) Buổi gọi đi lấy cung, bước qua đầu hồi khu biệt giam 76, chợt thấy một cây chanh nhỏ trổ những bông hoa xòe cánh trắng, những nụ hoa tím nhỏ, khựng lại như nhận một nhát dao giữa ngực. Đã hơn bốn mươi năm, hôm nay viết lại, nhận thêm nhát dao nữa. Ngày bất chợt gặp cây chanh nở hoa mùa xuân xà lim đầu tiên ấy, bố mẹ còn sống, lụi cụi trong vườn, dưới gốc chanh mong con về. Hôm nay biến mất rồi, mảnh vườn, gốc chanh, bố mẹ…
Khao khát làm sao vào được sân xê-rom, nơi có 5 (?) cánh cửa dẫn tới 5 (?) nhánh xà lim. Nơi vẫn qua mỗi sáng để đi đổ bô và mỗi tháng một lần ra nhận đồ tiếp tế. Mang túi đồ tiếp tế vào xà lim, lần giở gói vừng, gói thuốc lào, gói bích quy, mấy chiếc bánh mì mà nghĩ đến bàn tay vợ đã đặt vào những món quà này, những mối dây buộc này và đây là bao nhiêu dành dụm, bao nhiêu xót thương của bố mẹ, các anh chị, vợ con…
B.N.T.
([1]) Để đạt được những điều tốt đẹp trong ăn uống nơi công cộng này ở nước ta tôi dám chắc phải nhiều thế kỷ nữa.
(2) Xem Nguyên Hồng ở Paris – Viết Về Bè Bạn, Bùi Ngọc Tấn.
(3)Thơ Chế Lan Viên.
(4)Thơ Nguyễn Đình Thi.
(Xem tiếp kỳ sau)
([5])Tùy bút Phạm Văn Hạnh.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

HẬU CHUYỆN KỂ NĂM 2000 (Thời biến đổi gien)

 


  Kỳ 27
  Bùi Ngọc Tấn
 Vẫn không dứt ám ảnh về những gì người ta đang giăng bẫy, tôi lên Hà Nội từ ngày mồng 9 để gặp gỡ các bạn, trao đổi bàn bạc. Tôi đưa cho Lê Bầu bản sao bức thư viết tay gửi Hữu Thỉnh, bản nháp bức thư sau khi đi Trung Quốc về tôi sẽ gửi Nguyễn Khoa Điềm hay Nông Đức Mạnh. Rồi tôi gọi điện cho Trần Thị Trường, người bạn mới quen nhưng đã hoàn toàn tin tưởng và quý mến.
Buổi tối, Trường đến nhà Dương Tường, gặp tôi ở đó. Chỉ có hai chúng tôi ngồi dưới phòng tranh của Mai Gallery và cũng là phòng khách. Vừa bắt đầu câu chuyện, từ phía sân ngoài cửa sổ đã có tiếng người:
– Anh Tấn mới lên đấy à.
Tôi nhìn ra. Trung Sơn, một chuyên viên điện ảnh, người tôi quen từ ngày làm báo Tiền Phong. Và một giọng nói khác:
– May quá. Gặp tác giả Chuyện Kể Năm 2000 ở đây. Tôi lại đang cầm tập sách của anh. Xin anh một chữ ký làm kỷ niệm.
Tôi phải bước ra cửa sổ nhận bộ sách từ tay người bạn đọc qua song sắt và ký tặng. Khi chỉ còn hai chúng tôi, Trường bảo:
– Người ta nói với anh nhưng cứ nhìn vào em. Sao lại lạ thế nhỉ. Chắc chắn người ta biết anh đang ở nhà anh Tường. Nhưng sao em vừa đến người ta đã biết.
Trường cho tôi một cây ba số “Của người ta cho em đấy. Anh mang đi hút, bên ấy thuốc này đắt lắm.” Trường ngồi với tôi tới khuya. Anh ở vào thế không đi không được. Chắc chắn sẽ có rất nhiều tin được tung ra để bôi nhọ anh. Và Trường kể, chính V.D.T., vụ trưởng thuộc ban Tư Tưởng Văn Hoá Trung Ương Đảng nói với Trường ở trại sáng tác Tam Đảo rằng Bùi Ngọc Tấn làm đơn lên Ban Tư tưởng Văn Hoá tự nguyện không nhận giải và xin được đi Trung Quốc. Kỳ này bọn anh cho đi. Tiền tiêu thoải mái. Đúng như tôi đã dự đoán và mặc dù đã lường trước tất cả nhưng tôi vẫn phải cố lắm mới giữ được bình tĩnh. Chẳng biết họ sẽ còn giở những trò gì để bôi nhọ tôi. Tôi hỏi Trường rằng trong trường hợp cần thiết, Trường có chứng cho tôi việc ngài vụ trưởng V.D.T. đã vu cáo tôi không. “Tất nhiên là trong văn bản, anh không nói rõ tên ông ta.” Trường thản nhiên:
– Lúc ông V.D.T. nói có cả em và một người nữa. Nhưng khi cần chứng thực, em nghĩ cái người kia có thể sẽ sợ quá mà nói rằng lúc ấy tôi ngủ nên không biết. Còn em, em sẵn sàng chứng thực điều ông ta nói. Chính tai em nghe mà.
Có cần phải nhắc lại một lần nữa Trần Thị Trường thật tuyệt vời không? Tôi xin một mở ngoặc để nói thêm về ông V.D.T. này. Trong đại hội nhà văn năm 2005 — 4 năm sau khi tôi đi Trung Quốc — có một người mấy lần kéo tôi đi chụp ảnh với ông ta. Tôi hỏi Bầu ai đấy. Bầu cười: Ông V.D.T. đấy!
Nhiều người nói với Trường cũng như nói với Bầu rằng trong một cuộc họp của Ban Tư Tưởng Văn Hoá với các tổng biên tập các báo, người ta phổ biến rằng tôi đã chính thức không nhận giải Nhân Quyền, không nhận một cách tế nhị là tạm hoãn việc nhận tiền! Chắc chắn sẽ có nhiều diễn biến khó lường, nhưng tôi không sợ. Đối phó với tất cả các thủ đoạn ấy là sự trung thực của mình, trung thực khi mình đối diện với chính mình. Hãy cứ đi đã. Rồi khi về sẽ ra một cái tuyên bố, hay thư ngỏ.
Trường dặn: Anh đi một bước, nó theo dõi một bước đấy. Sang Trung Quốc phải hết sức cẩn thận. Thằng con trai em là luật sư. Nó bảo: Bác Tấn đi với Hữu Thỉnh thì được. Đi với người khác còn phải xem đã. Đi với Hữu Thỉnh là ngang giá. Đi được. Anh nhớ mang theo đủ thuốc. Đừng bao giờ uống thuốc của bất kỳ ai. Nước uống cũng vậy. Trường dặn dò tôi, lo lắng cho tôi như một người em gái. Có thể những gì chúng tôi lo là thừa. Nhưng điều đáng nói không phải là sự quá lo xa của chúng tôi. Điều đáng nói ở đây là Nhà Nước này đã làm gì để người dân suy nghĩ như vậy, lo xa như vậy? Cũng như chuyện vợ chồng Lưu Quang Vũ chết, có thể thuần tuý là một tai nạn giao thông, nhưng vì sao người ta cứ nghĩ rằng đây là một vụ giết người?
Ngày mùng 10 tháng 9, một fan của tôi làm ở ngành dầu khí, anh Nguyễn Đức Thành cho ô tô và cả lái xe riêng của anh đưa vợ tôi từ Hải Phòng lên Hà Nội. Chúng tôi gặp nhau ở nhà Dương Tường. Chiều 10, Minh, tên người lái xe, đưa tôi đến Hội Nhà Văn để nghe phổ biến kế hoạch đi, rồi từ đấy tới dự tiệc do đại sứ Tề Kiến Quốc chiêu đãi. Trước khi Minh quay xe, tôi dặn anh: Mai chú bay đi Trung Quốc, nhưng cho đến bây giờ chú vẫn chưa biết có được đi không, đến bây giờ chú vẫn chưa có hộ chiếu. Khoảng 9 giờ sáng mai, cháu lại nhà chú Tường đón cô, đưa cô về Hải Phòng, nếu chú không đi thì cho chú về luôn thể.
Đúng là việc đi Trung Quốc của tôi vẫn chưa có gì chắc chắn. Cho đến lúc ấy tôi mới chỉ có trong tay giấy mời dự tiệc của đại sứ Trung Quốc. Còn hộ chiếu ai cũng đã có — người ta có từ đời nảo đời nào rồi — cũng như đã được cấp thị thực nhập cảnh. Trừ một mình tôi. Tại Hội Nhà Văn, chị Hoa, một người thuộc ban đối ngoại của Hội, phụ trách việc này nói với tôi:
– Hộ chiếu của anh lẽ ra có từ sáng, nhưng hôm nay Lý Bằng đến thăm đại sứ quán Trung Quốc, nên chưa làm thị thực nhập cảnh được. Tối nay khi chúng ta đến dự tiệc, sứ quán sẽ đưa.
Tôi sẽ không kể bữa tiệc chiêu đãi ở khách sạn Daiwoo mà người ta khám xét chúng tôi khi vào khách sạn như khám xét hành khách lên máy bay vậy(<!--[if !supportFootnotes]-->[1]<!--[endif]-->). Tôi sẽ không kể cảm giác của tôi khi tới sân bay Bạch Vân, Quảng Châu, cũng như các sân bay khác ở Trung Quốc lúc nào cũng đông như nhà ga Hàng Cỏ những ngày giáp Tết. Tôi cũng không ghi lại đây cảnh đẹp khi cùng đoàn rong ruổi trên đất Thục, khi thăm khu lăng mộ bạo chúa Tần Thuỷ Hoàng. Hay khi xe chạy qua cầu bắc ngang sông Dịch Thuỷ không thể không nhớ đến Kinh Kha và ngân nga trong đầu thơ Vũ Hoàng Chương: Kinh Kha vinh cho ngươi hề ba nghìn tân khách tiễn ngươi đi / Tiếng trúc nhịp lời ca / Biên thuỳ trống giục / Nẻo Tần sương sa / Gió thê lương quằn quại khói chiêu hà / Buồn xưa giờ chưa tan / Phong tiêu tiêu hề Dịch Thủy hàn…
Tôi chỉ muốn nói đến mấy bức chân dung trong bảo tàng nhà văn Trung Quốc tại Bắc Kinh: Lỗ Tấn, Quách Mạt Nhược, Ba Kim, Tào Ngu... Tôi rưng rưng trước bức ảnh Đinh Linh và Lão Xá. Bức ảnh Đinh Linh chụp khi đã về già, tàn tạ, nhầu nát vì tuổi tác, vì bị đầy đoạ và đau khổ. Còn Lão Xá, bố Thư Ất giám đốc bảo tàng, đang dạy học ở Mỹ được Chu Ân Lai phái Tào Ngu sang đón về nước Trung Hoa giải phóng xây dựng nền văn hoá Trung Quốc mới, đã đâm đầu xuống hồ chết trong cách mạng văn hoá. Vâng, ông Lão Xá chết trong ao hồ chứ không phải trên sông trên biển. Mà nào có yên đâu. Lũ trẻ con từng lấy móc sắt quất vào mặt ông / Giờ lôi xác ông lên phơi nắng. (<!--[if !supportFootnotes]-->[2]<!--[endif]-->)
*
Tôi cố gắng để giữ được cái văn hoá ứng xử của mình. Một thái độ giao tiếp bình thường đơn giản nhưng đòi hỏi mình luôn phải dè chừng cái phản xạ bản năng: Sự sợ hãi. Nhất là khi nói chuyện điện thoại với các bạn đọc ở nước ngoài, những nhà văn nhà thơ chống Cộng, những người đã sống trong lao tù Cộng Sản hàng chục năm, những người chắc chắn nằm trong sổ đen của nhà nước. Tất nhiên người đối thoại với tôi chỉ nói về tập sách, không bao giờ đẩy tôi vào tình thế khó khăn để tôi có thể bị phiền hà sau câu chuyện.
Nhưng cũng có những cuộc nói chuyện xa hàng vạn ki lô mét vượt ra khỏi phạm trù “bạn đọc.” Một buổi tối, chuông điện thoại đổ, tôi nhấc máy. Đầu dây là một giọng khàn khàn, trầm đục gần như tiếng gió. Sau khi biết người nói chuyện là tôi, tiếng nói bên kia vẫn yếu ớt như vậy, khiến tôi phải áp chặt ống nghe vào tai:
– Chào anh Bùi Ngọc Tấn. Tôi là Đặng Văn Long ở Paris. Tôi có đọc anh.
Ông Long hỏi thăm sức khoẻ từng người một trong gia đình tôi, tất nhiên ông hỏi qua tên những nhân vật trong tiểu thuyết. Ông nói đọc tôi vừa thương vừa nhớ nước mình quá. Nhưng chẳng làm sao về được.
– Tôi quý nhất Tấn là tập sách của Tấn in ở trong nước. Tấn không in ở nước ngoài. Quý lắm Tấn ơi.
Người bạn đọc Paris xin phép mỗi tháng được gọi điện cho tôi một lần. Lời xin rụt rè, thật cảm động, xót thương. Tôi đồng ý ngay, không đắn đo suy nghĩ, hơn thế còn tự hào coi đó là biểu hiện, là bằng chứng chất lượng lao động nghệ thuật của mình
– Tôi sang Pháp lâu quá rồi. Hơn sáu mươi năm rồi.
Tôi giật mình:
– Thế là bác hơn tám mươi tuổi rồi cơ ạ?
Người bạn đọc tha hương giẫy nẩy:
– Đừng. Đừng gọi tôi là bác, Tấn ơi. Cứ gọi là anh thôi Tấn ơi. Năm nay tôi tám mươi hai rồi. Nhưng cứ gọi là anh thôi Tấn ơi.
Trong câu chuyện, bác Đặng Văn Long luôn nói “Tấn ơi” ở cuối câu. Tôi không diễn đạt được bằng ngôn từ hai tiếng “Tấn ơi” ông nói. Nó phều phào như níu kéo cuộc sống đang lìa bỏ mình, đùng đục, thoảng như tiếng gió, như một sự van nài, một lời thở than tâm sự, một tiếng gọi vọng về cố quốc. Nghe mà nao lòng.
Và từ bấy, mỗi tháng ông gọi cho tôi một lần. Cũng chỉ những chuyện đã nói trong lần gặp trước. Tôi vất vả lắm Tấn ơi. Thời trẻ lao vào tranh đấu. Bị nhà nước Pháp bắt đi tù. Tù ba tháng rưỡi. Tôi lấy vợ đầm. Người Việt mình lúc bấy giờ ở chỗ tôi ít lắm anh ơi. Phụ nữ lại càng ít. Phải lấy người Pháp. Mà lấy vợ lúc bấy giờ cũng phải bí mật. Anh em người ta phê bình. Tranh đấu mà lấy vợ thì khó tranh đấu. Người tranh đấu không lấy vợ. Khi phong trào xuống vì bị Tây đàn áp, tôi mới lấy vợ. Người Việt mình ít. Chỉ có năm sáu trăm người. Phụ nữ càng ít. Với lại các chị ấy không thích lấy chúng tôi là người lao động. Chúng tôi cũng không thích lấy trí thức. Chỉ lấy lao động thôi. Thế là lấy đầm. Tôi lấy hai vợ cơ đấy Tấn ơi. Cũng là đầm cả. Lấy bà thứ nhất bà ấy chết thì lại lấy bà thứ hai. Sau Điện Biên Phủ, cái đợt Tây lùa mười bẩy nghìn người từ Đông Dương về có nhiều phụ nữ Việt Nam lắm. Vợ của lính. Lính lại bỏ các chị này. Anh Ma Rốc bỏ vợ Việt Nam về Ma Rốc lấy vợ Ma Rốc. Nhiều bà Việt Nam bơ vơ. Thế là nhiều người lại bỏ vợ đầm lấy vợ Việt Nam. Nhưng tôi không thế. Tình nghĩa vợ chồng, mình không làm thế đâu Tấn ơi.
– Lần trước Tấn bảo Tấn đau ruột tôi lo cho Tấn quá. Khỏi chưa Tấn ơi?
– Khỏi rồi anh ạ.
– Tôi thì yếu lắm. Đi xe lửa ô tô đến đâu cũng chỉ một phần tư vé thôi. Lại còn được mang theo một người cũng chỉ một phần tư vé. Nhưng cũng ít đi lắm anh ơi.
Giọng ông Long lào phào bên kia đầu dây nói.
– Thế bây giờ anh ở với ai?
– Tôi ở Paris có một mình thôi. Cho mấy sinh viên Việt Nam ở nhờ. Họ giúp tôi mua bán, nấu ăn. Tôi thích văn nghệ lắm anh ơi. Tự học thôi. Viết tiểu thuyết, viết sử. Làm thơ. Vẽ tranh. Tập Người Việt Ơ Nước Ngoài của tôi nhà xuất bản Lao Động ở Hà Nội in đấy. Người ta tưởng tôi xa nhà lâu, quên tiếng Việt. Họ chữa của tôi. Nhưng không phải tôi quên tiếng Việt. Người nhà quê nói thày u chứ. Họ nói mặt giăng mặt giời chứ có nói mặt trăng mặt trời đâu.
Ông Long còn gửi người cầm tay về cho tôi một quyển sách ông biên soạn: Tập Người Việt Ở Pháp 1940–1954 dầy trên 600 trang chữ nhỏ, khổ lớn. Đây là một tập sách với những tư liệu đầy đủ và chính xác về người Việt Nam làm việc, đấu tranh tại Pháp từ năm 1940 đến 1954. Một sức lao động khổng lồ. Xem Người Việt Ở Pháp tôi mới biết những năm đầu kháng chiến, Đảng Cộng Sản Pháp ủng hộ chính phủ De Gaulle tiến hành chiến tranh ở Việt Nam, cũng như tôi mới biết chi tiết cái chết của Tạ Thu Thâu, một cái chết bi thương... Những sự thật chúng tôi không thể nào quan niệm nổi và hiểu rằng mình cũng như cả nước này đã cả tin, đã nhẹ dạ biết bao!
Những buổi nói chuyện kéo dài cả nửa tiếng đồng hồ không biết phải trả bao nhiêu tiền giữa chúng tôi diễn ra đều đặn. Cũng như tôi, hình như ông Long chờ mong ngày đó. Tôi nghe ông mà xót thương. Ngoài tám mươi, xa tổ quốc sáu mươi năm. Đau yếu, bệnh tật, gần đất xa giời, cô đơn, nhớ về tổ quốc một cách tuyệt vọng. Bởi thế nên vọng về giọng khàn khàn đục đục của ông khi nhấc máy điện thoại, bao giờ trong tôi cũng vừa náo nức vừa đằm thắm một niềm vui. Và nghĩ không biết tôi còn được chuyện với ông bao lâu nữa. Nghĩ tới lúc không còn được nghe giọng ông từ nghìn trùng vọng lại mà buồn, mà lo. Nỗi lo của tôi đã biến thành sự thật. Bẵng đi mấy tháng tôi không nhận được điện thoại của ông. Ông làm sao rồi? Bởi nếu còn sống thế nào ông cũng gọi điện cho tôi. Lại càng lo vì trước lúc ông bặt vô âm tín, tôi có nhận được một cú điện thoại cũng từ Paris tới. Một người bạn của ông Đặng Văn Long. Ông Vũ Quốc Phan. Đọc tôi, ông Phan gọi điện cho tôi. Không chỉ đọc Chuyện Kể Năm 2000, ông Phan còn đọc Một Thời Để Mất, tập hồi ký của tôi viết về Nguyên Hồng. Đọc bản phô-tô. Do nhà critique Đặng Tiến cho mượn. Anh có biết anh Đặng Tiến không nhỉ. Đặng Tiến critique ấy mà. Hồng. Mày lên đây. Tôi đọc câu ấy mà còn nhìn thấy cả bố Nguyên Hồng mặt bủng môi thâm ngồi trong màn. Năm 1997 giỗ Nguyên Hồng 80 tuổi anh có lên Yên Thế không? Năm ấy anh cũng lên thì tiếc quá. Vì tôi cũng có ở đấy mà anh em mình không biết nhau. Mấy đứa con Nguyên Hồng, thằng Hồng Hà, thằng Giang, thằng Sơn đón tôi lên Yên Thế. Tôi là anh họ Nguyên Hồng. Bố tôi là anh mẹ Nguyên Hồng. Thuở bé chúng tôi chơi với nhau. Ra cả bãi gì như bãi Bonnal tập. Rồi chụp ảnh. Hai lực sĩ cùng gầy như hai bộ xương. Tôi gửi cho Nguyên Hồng nào là Lênin, Trotski, Người Mẹ..., nhiều sách của Liên Xô về cho tủ sách của Nguyên Hồng. Anh viết đúng là Nguyên Hồng, từ cách ăn mặc, cách nói. Lại nói lắp nữa. Khi Nguyên Hồng còn sống, tôi về nước, nằm với Nguyên Hồng, tôi hỏi Nguyên Hồng:
– Năm 36, 37, 38, 40 thuộc Pháp, cậu còn viết Bỉ Vỏ. Sao bây giờ không viết đi. Nó còn ghê hơn Bỉ Vỏ ấy chứ.
Nguyên Hồng bảo tôi:
– Kệ mẹ chúng nó anh ạ. Đến khi tôi chết người ta sẽ biết tất cả. Bây giờ có rượu anh em mình uống đã.
Thế là Hồng nó chết nhưng cũng ân hận lắm đấy. Như anh viết ấy. Việc định làm chưa làm được. Đọc xong Một Thời Để Mất, tôi đưa anh Long đọc, hỏi làm sao liên lạc được với anh Tấn nhỉ. Anh Long cho tôi số điện thoại của anh đấy chứ. Tội nghiệp. Anh Long yếu lắm. Gọi điện thoại thì bảo hãy chờ. Bác sĩ đang khám bệnh. Có lẽ phải vào nằm nhà thương. À quên. Giáng Hương bao nhiêu tuổi rồi nhỉ. Tôi nói số tuổi của cháu. Ông Phan: Cứ thấy bác Nguyên Hồng là “bố mẹ cháu mời bác uống rượu đấy.”
Tôi nghe tiếng ông Phan cười vui trong máy.
Không chỉ gọi điện thoại, ông Phan còn gửi cho tôi những dòng chữ viết sau một tấm bưu ảnh tỏ ý muốn mời tôi sang Pháp, và cứ để trần như vậy mà gửi, chẳng có phong bì — thật là dễ dàng trong việc kiểm duyệt. Bức thư này tôi đã công bố trong Một Thời Để Mất.
Thế là ở Paris tôi có hai bạn đọc vong niên muốn được gặp và muốn mời tôi sang chơi. Nhưng không biết tôi có cơ may được gặp hai ông không. Nền dân chủ của chúng ta bò quá chậm. Còn thời gian vẫn cứ trôi theo một nhịp. Hai ông có đợi được không. Ông Phan có vẻ còn khoẻ. Ông Long thì tôi sợ ngay cả những cuộc điện thoại cũng sẽ kết thúc bất cứ lúc nào. Những thông tin về ông thật đáng lo ngại. Bác sĩ đang khám bệnh cho ông, có lẽ phải vào nhà thương, đi đâu có tiêu chuẩn mang theo người phục vụ, bệnh tim nặng... Mấy tháng liền không thấy ông Long điện thoại. Hay ông làm sao rồi. Nếu còn sống thế nào ông cũng gọi điện cho tôi. Ông đâu chỉ nói chuyện với tôi. Qua câu chuyện cùng tôi, ông còn vợi tâm sự mình với tuổi trẻ, với cố hương...
Rồi một buổi tối chuông điện thoại lại đổ. Lại một giọng rè, đục, nhẹ và trầm yếu:
– Tôi gặp anh Bùi Ngọc Tấn.
Tôi không nhận ngay ra ông Long, người bạn già hiu hắt Paris mà tôi không biết mặt.
– Vâng. Tôi là Bùi Ngọc Tấn đây.
– Long đây Tấn ơi!
Ông nói như reo dù tiếng reo nhẹ như gió thoảng. Đến lượt tôi hét to trong máy:
– Ơ! Tưởng cụ làm sao rồi. Mừng quá!
– Tôi đi Belgique thăm con gái. Từ nhà thương đi nên chẳng gọi điện cho ai.
– Lâu quá không thấy cụ điện về. Cứ tưởng cụ làm sao.
– Tôi mới về Paris chưa được một tuần. Sang Bỉ hơn tháng tôi hao mất năm ki lô. Từ 37 ki lô xuống còn 32 ki lô. Ở Belgique khó chịu lắm. Nhưng về Paris đỡ rồi. Không khí Paris tốt lắm. Lúc mới về mệt quá không muốn gọi điện cho anh.
– Nhưng sao anh gầy thế?
– Năm ba chín — 1939 —  tôi sang đây nặng 66 ki lô. Bây giờ cứ sút dần. Tôi bị nhiều bệnh lắm. Tim, phổi, gan. Đeo máy trợ tim bẩy tám năm nay rồi. Trước khi đi Belgique, con gái tôi đưa tôi đến nhà thương khám bệnh vì tôi mệt quá, khó chịu quá. Vào nhà thương không gặp anh bác sĩ vẫn chữa cho mình. Anh này mới. Anh này bảo bệnh anh không phải nằm. Chỉ giữ lại một đêm để theo dõi thôi. Chín giờ tối tôi ra khỏi nhà thương. Con gái tôi lái xe đưa tôi về Belgique.
– Anh có mấy người con?
– Tôi có ba đứa. Hai thằng con trai. Một thằng chết năm ngoái. Nó cũng tài tử nửa vời như tôi. Nhưng rượu thuốc lá nhiều quá. Còn con gái út tuần nào cũng lái xe về Paris thăm tôi. Bên này đi lại nhanh lắm anh ơi. Bốn trăm ki lô mét đi ô tô hơn hai tiếng, đi tầu hoả chỉ một giờ hai mươi phút thôi.
Ngừng một lát ông lại hỏi: Thế Tấn khỏi hẳn đau ruột chưa Tấn ơi (<!--[if !supportFootnotes]-->[3]<!--[endif]-->). Tôi muốn Tấn sang bên này chơi với tôi quá. Tôi viết giấy mời Tấn thì được ngay thôi. Nhưng nghĩ đến chuyện Tấn phải đút lót thì chẳng muốn làm nữa.
Câu chuyện lại đi vào chiều hướng hấp dẫn đối với những máy nghe lén. Vẫn hồn nhiên như vậy, ông bảo với tôi là ông rất muốn mời cháu Ly Hoàng Ly sang chơi mấy tháng. Nhân tài mà còn trẻ quý lắm anh ơi. Tôi cũng đã gọi điện cho anh Hoàng Hưng rồi. Nước mình bé quá. Thế giới người ta không chú ý đến. Nếu mình là Trung Quốc hay nước Nga chẳng hạn thì chắc chắn anh sẽ được Nobel. Solzhenitsyn đấy thay...
Tháng 8-2001, tôi nói chuyện với ông Long mà không biết rằng đấy là lần cuối cùng tôi được nghe giọng nói của ông. Tháng 9 tôi đi Trung Quốc. Tháng 10 tôi vào thành phố Hồ Chí Minh thăm vợ chồng Hải Yến và lo việc tái bản Một Thời Để Mất. Dương Tường cũng vào chơi với chúng tôi. Tôi nhờ Dương Tường cầm Một Thời Để Mất mới tái bản ra Hà Nội gửi Đặng Tiến mang sang Pháp tặng ông Phan, ông Long vì Tường bảo Đặng Tiến đang ở Hà Nội, Đặng Tiến critique như ông Phan nói. Nhưng chỉ ông Phan nhận được sách của tôi. Ông Đặng Văn Long thì không. Ông đã mất. Giống Một Thời Để Mất in lần đầu tiên tôi không tặng được Hứa Văn Định. Chỉ chậm mấy tiếng đồng hồ. Và phải xé từng tờ đốt trước mộ Định.
*
Mùa thu năm 2004, tôi đi Pháp theo giấy mời của ông Vũ Quốc Phan. Trước khi sang Pháp, tôi phải nhiều lần làm việc với các cơ quan hữu quan. Những câu hỏi thăm dò, những lời khuyên, kể cả những hăm doạ bóng gió xa xôi. Nhưng sau những lời nói chính thống ấy là buổi chia tay thân mật, là cửa phòng khép lại, bia, bánh kẹo, thuốc lá như một cuộc liên hoan và những lời chia xẻ chân tình bầy tỏ lòng quý mến, kính trọng tôi kể cả lời khuyên làm tôi bất ngờ:
– Anh sang bên ấy, thế nào người ta cũng trao giải thưởng — Nhân Quyền — cho anh. Anh cứ nhận anh ạ.
– Sếp của em rất kính trọng anh. Sếp của em nói với ông Tô Huy Rứa rằng không cấp nhà cho anh là một sai lầm…
Tôi không dám viết tên cơ quan và tên những người ấy ra đây, sợ sẽ đem lại hệ lụy cho họ. Tôi cũng tước bỏ mọi chi tiết bởi “nó sẽ nói.”
Sau con người ký sổ lương kiếm đồng tiền nuôi vợ nuôi con, phải hoàn thành vở diễn, phải làm những điều trái lương tâm, là con người thực, chưa bị làm xấu đi, con người cùng chung một cái nhìn, một tiêu chuẩn giá trị, là người lương thiện với người lương thiện, người tử tế với người tử tế. Các anh đã nói với tôi những lời thành thật nhất. 
Ông Trần Lâm, nguyên thành uỷ viên Hải Phòng, một luật sư, thẩm phán toà án nhân dân tối cao, người đã sống trong địch hậu thời chống Pháp, một người bạn của cả gia đình tôi, nghĩa là của bố tôi, các anh tôi và tôi, ông luật sư chủ trì tang lễ Người Yêu Nước Hoàng Minh Chính, có kể cho tôi nghe một lần ông được công an mời lên làm việc, ông đã hỏi những người công an tiếp ông: “Hôm nay chúng ta làm việc thật hay giả vờ đây?” Và những chủ nhân đã bỏ ông khách ngồi một mình trong phòng, chạy ra ngoài hành lang bưng miệng cười — Lại thêm dẫn chứng sinh động về guồng máy cai trị khiến người ta không thể tốt, và một môi trường nhiều người sắp biến thành kẻ ác như thơ Nguyễn Thành Phong.
Sau mười ba giờ bay, là người cuối cùng nhận hành lý, tôi một mình kéo chiếc va-li có bánh xe lăn, tìm ra cửa sân bay Charles de Gaulle và thật thú vị làm sao khi thấy không chỉ Đặng Tiến, Nguyễn Ngọc Giao mà cả Dương Thụ nữa đứng đón tôi. Nếu như ở Trung Quốc luôn phải trịnh trọng, luôn nghe những câu như tình hữu nghị do Mao chủ tịch và Hồ chủ tịch dầy công xây đắp, đất này là đất địa linh nhân kiệt…, thì những ngày Châu Âu của tôi là cuộc sống của người đi du lịch, hơn thế cuộc sống giữa những vòng tay bè bạn, những người thân thiết. Dù đã bàn bạc và thống nhất với ông bà Vũ Quốc Phan và Vũ Thư Hiên về chặng đường đầu tiên này, tôi vẫn áy náy vì chưa đến chào ông bà Phan cũng như gặp Hiên ngay được. Hành trình về Orleans đã được hoạch định trước, khi tôi còn ở Việt Nam. Xe chạy với tốc độ 120 ki-lô-mét giờ, tới nhà Đặng Tiến trời còn sáng, thứ ánh sáng của những đêm thu dịu dàng, sáng mãi trong đêm tối không chịu tắt, càng ở lâu càng quyến rũ tôi.
Hai ngày ở Orleans, tôi và Dương Thụ với cái camera đi thám hiểm vùng nông thôn chung quanh, Những chậu hoa bên đường, những khóm hoa trồng hai bên dốc cầu, những lẵng hoa tươi treo hai bên thành cầu đều làm chúng tôi ngạc nhiên. Đúng là “không phải chỉ — sống — bằng bánh mì”(<!--[if !supportFootnotes]-->[4]<!--[endif]-->) như Dudintsev viết. Lại càng lạ mắt trước những cánh đồng táo, những cánh đồng lê, quả căng mọng phơi ra giữa những cành lá xanh tươi một cách rất hớ hênh. Mà đồng ruộng mới vắng vẻ làm sao. Vút lên chung quanh là rừng, là những cây cổ thụ. Như có một sức hút, hai chúng tôi cùng rời đường nhựa đi xuống ruộng, bước giữa những cành lê, cành táo. Thụ lấy máy ghi hình tôi. Tới một bìa rừng, nhìn những quả táo phơn phớt hồng chìa ra, đinh ninh là táo dại, tôi và Thụ thay phiên nhau mỗi người trẩy hai quả cho lên miệng cắn, nhai và ghi hình, người nọ ghi hình người kia đang vít cành, vặt quả, vừa nhai vừa cười nghịch ngợm như những đứa trẻ. Chúng tôi đã trở lại thành trẻ con. Niềm vui con trẻ của hai ông già một trên sáu mươi, một trên bẩy mươi chỉ chấm dứt khi nhìn thấy tấm lưới bằng giây thép bọc ni lông bao cả một vạt rừng, nghĩa là cây táo chúng tôi vừa hái quả không phải là táo dại! Rồi chúng tôi đi lang thang vào những làng lân cận. Vùng nông thôn Orléans đẹp mê hồn. Những biệt thự ẩn hiện trong những tán lá cây cổ thụ mà Dương Thụ cả quyết những đại gia ở Việt Nam cũng không có được.
Những mảnh vườn với những hàng rào ken sít nhau một loại cây lá kim như một bức tường xanh. Và những dải đất. Những dải đất vuông vắn, dài và rộng giữa một bên là đường nhựa, một bên là rừng. Mà sao vắng người qua lại thế. Tôi bảo  Dương Thụ:
– Phải về báo cáo với các “sếp” sang đây mua đất rồi chia lô ngay. Xây nhà. Bán lại. Kéo người sang đây ở. Làm như vậy khoảng mươi năm, bọn Pháp hết đất sống còn chúng ta sẽ xây dựng tại đây chủ nghĩa xã hội!
Cứ nhìn thấy một khoảng đất rộng nào, tôi và Dương Thụ lại kêu lên với nhau:
– Chia lô! Chia lô!
Gây ấn tượng nhất về nông thôn Orleans — cũng như nông thôn Bỉ, nông thôn Đức, nông thôn Hà Lần chúng tôi tới sau này — là các con đường và những cửa sổ. Những cửa sổ mở rộng với những rèm nhiều loại nhiều mầu vắt sang hai bên và những bức tượng nhỏ xinh giữa những cụm hoa. Không cửa sổ nào vắng hoa. Có thể nói mỗi cửa sổ là một tâm hồn rộng mở. Ngay dưới những cửa sổ hiếu khách ấy là những con đường nhựa. Không dài rộng như những con đường Amsterdam, Dresden, hay Paris, các con đường nông thôn Châu Âu cũng sạch sẽ, cũng có những thùng rác có nắp kín, có bánh xe lăn, cũng những dẫy xe hơi nối đuôi nhau đỗ hai bên, cũng đủ các biển báo giao thông, vạch sơn trắng cho người sang đường, đèn xanh đèn đỏ. Và đặc biệt, ở đâu có nhà là có trụ máy nước bằng gang sơn đỏ để bắc vào đấy những chiếc vòi rồng cứu hoả, dù hẻo lánh đến đâu.
Chúng tôi ở Orleans hai ngày, cảm thấy Châu Âu qua bầu khí quyển trong suốt, con sông Loiret nước cạn nhìn rõ đáy, những con thiên nga trắng muốt cổ cong lộng lẫy trên sông quây quần nơi một ông già cùng cháu nhỏ trên bờ giữa đám lau sậy trổ bông phơ phất “rất Sông Lô” như Dương Thụ nhận xét, đang ném bánh mì xuống nước và những đàn vịt xám cần mẫn sục mồi hay vỗ cánh bay là là trên mặt sóng lăn tăn.
Rồi chúng tôi ngược lên Lille, một thành phố phía Bắc nước Pháp. Thụ có người quen ở đó, anh Kamal Nguyễn, một người Pháp gốc Việt lai Ấn.  Xuống một nhà ga, tạt vào nhà vợ chồng Thuận - Vũ ở ngoại ô và lên một nhà ga khác, cho tới lúc đó, tôi mới chỉ biết Paris qua một sân bay, hai nhà ga xe lửa nhưng có hề gì. Lille với chúng tôi cũng đủ lắm rồi. Lille với những ngõ nhỏ lát đá sạch bong dài sâu hun hút đầy vẻ mời chào. Lille với quảng trường Place du Concert, vút tận trời xanh tượng ba cô gái dát vàng trên nóc ngôi nhà toà soạn báo Tiếng Nói Phương Bắc. Lille với tiếng móng ngựa lóc cóc gõ trên đường lát đá chở những tốp khách du lịch đi ngang qua nhà Kamal, tiếng móng ngựa luôn kéo tôi và Dương Thụ bước ra cửa sổ nhìn xuống những con ngựa nâu cao lớn, bờm xén tỉa rủ về một bên, trên những cỗ xe tuyệt đẹp cầm cương thường là một cô gái trẻ, khách du lịch, còn người xà ích ngồi ghế liền bên. Và phía sau xe, những chiếc ô tô nối nhau thành dòng chầm chậm bò theo, không một tiếng còi giục giã.
Tầu hoả cao tốc đưa chúng tôi tới Lille vào lúc 6 giờ chiều. 6 giờ chiều những ngày tháng Tám ở Châu Âu có lẽ là thời gian đẹp nhất cho những cuộc đi. Bởi đang là mùa thu, 9 giờ tối ở đây vẫn nhìn thấy nền trời xanh dìu dịu trên cao. Xa lộ biến thành hai dải mầu: mầu vàng của những đèn pha dòng xe đi ngược lại, mầu đỏ đèn hậu của dòng xe bên phải cùng chiều. Và ít khi người ta ngủ trước 12 giờ đêm. Ra đón chúng tôi ở sân ga Lille không chỉ Kamal mà còn có một thiếu phụ tóc vàng, chị Malika, bạn Kamal. Sau khi dẫn chúng tôi về nhà cất va li, ngay lập tức Kamal lái ô tô đưa chúng tôi ra khỏi Lille. “Có một cửa hàng thịt nướng ngon lắm ở Bỉ. Chúng ta đi chơi và ăn tối ở đấy.” Malika cùng đi với chúng tôi, một Malika cao gần mét tám, mảnh dẻ như một người mẫu, tóc vàng rực mà sau này Kamal cho biết đã phải nhuộm cho sẫm đi chút ít, mái tóc bập bềnh — cái đích tôi luôn dõi theo trong những buổi đi chợ phiên đông đúc để không bị lạc, một Malika ít nói với nét mặt buồn.
Xe đã ra khỏi Lille và nhập vào những con đường Châu Âu. Những con đường Châu Âu! Sẽ suốt đời không quên những con đường ấy. Nhất là sau này cùng với Vũ Thư Hiên trên xe hơi của Bùi Hồng Mạnh, của anh Kiểm, người  đã in Chuyện Kể Năm 2000 phát không, rong ruổi từ Berlin về Dresden, qua Leipzig, tới Nuremberg, về Munich, rồi qua Áo, những con đường cao tốc gần như không một chỗ lồi lõm, những con đường tám làn xe chạy với tốc độ 120 ki-lô-mét/giờ không một tiếng còi, những con đường chồng lên nhau, tầng trên tầng dưới, dâng lên cao, rồi nghiêng nghiêng sà xuống làm thành những đường cong tạo hình tuyệt đẹp, khiến người ngồi trong xe có cảm giác đang bay lượn, những con đường dẫn tới vô tận, những con đường đưa tôi về lại tuổi thơ.             
 Đang mải mê chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những con đường, những cánh đồng châu Âu, chợt Kamal kêu:
– Qua biên giới rồi! Chúng ta đang trên đất Bỉ.
Tôi giật mình:
 – Đâu? Đâu? Biên giới đâu?
Và vội quay đầu lại phía sau. Vẫn chỉ là những con đường những chiếc xe xuôi ngược nối nhau. Như mọi nơi trên con đường này. Đường vẫn vậy. Xe vẫn vậy. Cánh đồng vẫn vậy. Những tòa nhà, những cánh đồng cỏ, những ruộng ngô đang trổ bông vun vút lướt về phía sau vẫn vậy. Chẳng biết đâu là Pháp và đâu là Bỉ. Trong tâm trí tôi, biên giới là một cái gì rất thiêng liêng. Biên giới đồng nghĩa với Tổ Quốc. Biên giới là địa đầu, là xương máu cha ông tiên tổ, là lịch sử, là truyền thống, là cội nguồn, là những cuộc chiến tranh, những âm mưu, những cuộc đột nhập, là người phát ngôn bộ Ngoại Giao tuyên bố, là hôn má bên này bật máu má bên kia(<!--[if !supportFootnotes]-->[5]<!--[endif]-->), là gìn giữ từng mét đất cũng như những cuộc mở mang bờ cõi. Tôi không tin lại có thể vượt biên quá bình thường như chúng tôi vừa làm. Tôi không tin lại có những biên giới chẳng đem lại một chút xúc động cổ điển nào khi vượt qua, cho dù tôi biết Liên Minh Châu Âu đã có đồng tiền chung và tự do đi lại. Chúng ta đã trải qua hai cuộc chiến tranh biên giới đẫm máu với hai nước cộng sản, hai nước cùng hô vang khẩu hiệu của Mác: Vô sản toàn thế giới liên hiệp lại! Báo chí nước ta vừa đưa tin những cuộc chôn đặt cột mốc biên giới có cả sự chứng kiến của hai bên như một thắng lợi, như một mong mỏi rồi đây cuộc sống sẽ được bình yên. Ta mơ trần gian lúc san bằng hết biên thuỳ. Chỉ còn loài người, chỉ còn tình thương trùm lên thế giới(<!--[if !supportFootnotes]-->[6]<!--[endif]-->). Hồi kháng chiến chống Pháp chúng tôi đã hát như vậy. Hát và tin chủ nghĩa cộng sản sẽ làm được như vậy!! Tôi bảo Kamal:
– Lần sau gần tới biên giới, anh báo trước tôi biết và cho xe đi chậm lại Kamal nhé.
Chiều hôm sau chúng tôi lại đi trên con đường ấy. Kamal đã làm theo yêu cầu của tôi. Biên giới Pháp – Bỉ cách Lille khoảng 30 ki-lô-mét. Không ba-ri-e. Không hải quan làm thủ tục. Cột mốc biên giới chỉ nhỏ bằng cột xi măng đánh dấu ki-lô-mét vẫn trồng trên đường 5 nối liền Hải Phòng – Hà Nội nhỏ thấp ở  rìa đường, và cũng được trồng ở rìa đường:
BELGIE
Km 0
B.N.T.
 (1)Bởi vì ở đó đang có hội nghị bộ trưởng tài chính các nước ASEAN.
(2) Thơ Trần Nhuận Minh.
(3) Dạo mới in Chuyện Kể Năm 2000 quá căng thẳng, tôi bị chứng đau quặn thắt ngang bụng.
(4) Tên một quyển tiểu thuyết của Dudintsev — Liên Xô cũ.


(Xem tiếp kỳ sau)


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Hai, 17 tháng 8, 2015

Trùm phátxít Hitler không tự vẫn?

Hình được cho là của Hitler trước khi chết ở Argentina
(Nguồn: cazadebunkers.wordpress.com)
Ngày 16/8, nhiều tờ báo phát hành bằng tiếng Tây Ban Nha ở Nam Mỹ đưa tin trùm phátxít Adolf Hitler và vợ đã không hề tự vẫn vào ngày 30/4/1945 như thông tin đã đưa trước đây mà đã trốn chạy sang Argentina.
Theo tài liệu mật mới được giải mã của FBI, chính phủ Mỹ đã biết rằng nhiều năm sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Hitler và Eva Braun vẫn sinh sống bình thường tại làng La Angostura, thành phố Bariloche, cách thủ đô Buenos Aires hơn 800km về phía Nam, gần biên giới với Chile và nằm ngay dưới chân dãy núi Andes hùng vĩ.
Trước đó, theo quân đội Liên Xô, Hitler và Eva đã tự sát và thi thể của hai người này đã được nhận dạng. Tuy nhiên, tài liệu mật của FBI đã lật ngược tất cả những thông tin trên. Có vẻ như kẻ bị căm thù nhất trong lịch sử nhân loại đã trốn thoát khỏi Đức và sống một cuộc sống thôn quê yên bình tại một trong những làng nhỏ, ở một thung lũng đẹp nhất của vùng Andes.
Theo FBI, chẳng những thông tin về cái chết của Hitler và Eva Braun đã bị dàn dựng mà  ông ta còn được Giám đốc của Cơ quan dịch vụ chiến lược OSS của Mỹ tại Thụy Sĩ, Allen Dulles, giúp trốn thoát.

Tài liệu mật được giải mã của FBI. (Nguồn: cazadebunkers.wordpress.com)
Theo tài liệu giải mật này của FBI, OSS đã bí mật dùng một tàu ngầm đưa một vài sỹ quan cấp cao của Đức Quốc xã tới Argentina. Vào tháng 8/1945, một người bí ẩn đã gửi tới tòa soạn Thời báo Los Angeles thông tin này để xin được tị nạn chính trị. Thời báo Los Angeles đã thông báo vụ việc với FBI.
Nhân vật bí ẩn đã xác nhận thông tin không chỉ Hitler đã bỏ trốn sang Argentina mà người này là một trong bốn người đã đi trên một tàu ngầm và đã chạm trán tên trùm phátxít hơn hai tuần sau khi Berlin thất trận. Có vẻ như hai tàu ngầm đã cùng cập cảng Argentina và Hitler cùng Eva Braun đã đi bằng chiếc tàu thứ hai.
Chính phủ Argentina thời đó không chỉ đón tiếp tên trùm phátxít Đức này mà còn giúp tên này chạy trốn. Nhân vật bí ẩn nói trên không chỉ thông tin về địa chỉ chính xác nơi Hitler ẩn náu mà còn miêu tả rõ từng đặc điểm chi tiết để nhận dạng. Tuy nhiên, trong tài liệu của FBI tên của người này đã không được nêu và lẽ đương nhiên các nhân viên tình báo Mỹ hoàn toàn tin vào lời khai của người này.
FBI đã cố gắng bưng bít thông tin về việc Hitler còn sống cũng như nơi ẩn náu của y. Với địa chỉ cụ thể, thông tin nhận dạng rõ ràng, các nhân viên tình báo Mỹ không cho tiến hành điều tra.
Năm 1945, chính tùy viên quân sự Mỹ tại Buenos Aires cũng thông báo với Washington rằng có rất nhiều khả năng Hitler và Eva Braun đã cập cảng Argentina. Người ta còn điều tra ra chiếc tàu ngầm U-530 của Đức đã xuất hiện tại bờ biển Argentina. Còn có nhiều nhân chứng và bằng chứng nữa củng cố khả năng này.
Báo chí thời đó cũng đưa tin về việc căn biệt thự mang tên Mansión Inalco do kiến trúc sư Alejandro Bustillo xây dựng năm 1943 theo phong cách Phổ, ở làng La Angostura, đã được cơi nới để dành cho những người Đức trốn chạy.

Nhà của Hitler ở La Angostura. (Nguồn: cazadebunkers.wordpress.com)
Theo ông Bustillo, tiền để tu sửa lại căn nhà là do những người Đức nhập cư rất giàu có chi trả. Tuy nhiên thời đó, việc đi tới La Angostura rất xa xôi và khó khăn bởi nó được bao quanh bởi những ngọn núi cao và những cánh rừng bạt ngàn.
Có lẽ bằng chứng thuyết phục nhất về việc Hitler đã sống sót sau khi Berlin thua trận sẽ có ở Nga. Với việc Hồng quân Liên Xô chiếm Berlin, thi thể của Hitler chắc chắn sẽ được đưa ngay về Liên Xô.
Năm 2009, nhà khảo cổ học bang Connecticut, Nicholas Bellatoni, được phép tiến hành xét nghiệm ADN một trong những mẫu xương sọ được cho là của Hitler. Kết quả đã gây kinh ngạc cho giới tình báo và các nhà khoa học.
Mẫu ADN đó không hề khớp với ADN của Hitler cũng như những mẫu ADN được cho là của Eva Braun cũng không khớp với ADN của người thân trong gia đình bà này. Và câu hỏi được đặt ra là: người ta đã tìm thấy gì ở hầm ngầm của Hitler và Hitler thực sự đã ở đâu?
Với tất cả những bằng chứng mới được giải mã, có nhiều khả năng Hitler đã chạy thoát khỏi Đức và không những thế còn được Cộng đồng tình báo quốc tế giúp đỡ để bỏ trốn. Bản thân FBI cũng đã biết về việc này và đã giúp Hitler lẩn trốn mà không bị lộ.
Ngày nay, làng La Angostura vẫn là một làng nhỏ chuyên phục vụ du lịch. Tại đây các ngôi nhà hoàn toàn mang phong cách châu Âu cổ điển và chỉ toàn người giàu có sinh sống.
Họ đều có các cửa hàng kinh doanh nhưng theo hướng dẫn viên du lịch địa phương, các gia đình ở đây chỉ kinh doanh cho vui chứ không phải để làm giàu vì họ có quá nhiều tiền.
(CWC)
Thế đấy kẻ độc tài khát máu nhất của nhân loại ở thế kỷ 20 đã tính xa như thế và nhiều người tham gia tiêu diệt chế độ độc tài lại che chở cho độc tài.Cho nên nhân loại nên nghĩ: Bọn độc tài trong khi đàn áp nhân dân thì tăng cường vơ vét của cải và cho người tìm nơi ẩn nấp khác khi thất thế.Những ai vì miếng cơm manh áo bảo vệ dung dưỡng cho độc tài hãy cố suy nghĩ./.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Trung Quốc chặn ngay trang web của Alphabet – công ty mới sở hữu Google


Google đã trở thành công ty con của Alphabet ngày 11/8/2015 (Ảnh: Google)
Theo trang tin The Huffington Post, Trung Quốc đã ngay lập tức chặn website abc.xyz, trang chủ của công ty mới thành lập Alphabetmà Google vừa tạo ra, theo báo cáo của tổ chức phi lợi nhuận GreatFire.org thực hiện quan sát các trang web bị kiểm duyệt tại Trung Quốc.
Sáng thứ Ba (11/8) Google đã công bố tái cơ cấu cơ bản, tạo một công ty mẹ có tên Alphabet. Trong vòng ít hơn 24 tiếng, Trung Quốc lập tức chặn trang chủ abc.xyz của Alphabet, hiện người dân Trung Quốc chỉ xem được vỏn vẹn một bức thư của người đồng sáng lập Google là Larry Page và một số đường link tới các trang web liên quan khác.
Điều này cũng không ngạc nhiên cho lắm vì Trung Quốc vốn đã chặn Google từ năm ngoái.
Cỗ máy kiểm duyệt internet của chính phủ Trung Quốc có tên Vạn Lý Hỏa Thành, được biết đến là một nỗ lực hao tiền tốn của nhằm kiểm soát dòng thông tin trực tuyến ra vào đất nước này. Ngoài Alphabet, Google, Trung Quốc còn đẩy lùi Youtube, Facebook ra khỏi biên giới nước này.
Bên cạnh Vạn Lý Hỏa Thành (Great Firewall), Trung quốc còn phát triển một dự án với tên gọi Lá chắn vàng (Golden Shield). Golden Shield ra đời vào năm 1993 và được hoàn thành vào năm 2006. Khác với công việc chính của Great Wall Firewall là chặn truy cập, Golden Shield tập trung vào việc giám sát và kiểm duyệt người dùng. Hệ thống này được vận hành bởi Cục An ninh công cộng (PSB) và lực lượng cảnh sát quốc gia Trung Quốc.
Trong khi các công ty phương Tây như Google và Apple đã cố gắng để gia tăng quan hệ với Trung Quốc, việc kiểm duyệt internet vẫn là một chính sách kiên cố không lay chuyển của nhà cầm quyền Bắc Kinh.
Minh Trí tổng hợp

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Vì sao chúng ta bị đối xử tệ?


Trong một lần cà phê và trò chuyện ở Sài Gòn, nhà thơ Khúc Duy có kể cho tôi nghe một câu chuyện mà anh đọc được: Có một anh chàng vốn rất lương thiện, chỉ biết lo làm ăn và tìm cách hoàn thiện bản thân với cái nhìn cuộc đời rất xanh và lạc quan. Đùng một cái, anh ta bị vu khống, rồi bị ghép án oan, bị kết tội mười năm tù. Anh bắt đầu ngày tháng hoang mang và bi kịch của mình. Anh bắt đầu nguyền rủa cuốc sống trong những ngày ngồi tù.
Và rồi đùng một cái, mới ba năm, anh được thả ra, được minh oan, được đền bù danh dự và thiệt hại với một số tiền tương đối lớn. Anh bắt đầu thực hiện việc trả thù cuộc đời, anh đặt câu hỏi: “Kẻ nào đã đẩy ta vào tù?”. Và anh bỏ suốt quãng đời còn lại, gần bốn mươi năm cùng với số tiền có được nhờ đền bù danh dự để tìm kẻ đã hại anh. Nhưng anh vẫn không tìm ra được kẻ thù.
Đến ngày cuối cùng trong cuộc đời của anh, trên giường bệnh, anh gọi một người hàng xóm thân quen lại để thủ thỉ, anh nói rằng: “Tiếc quá, tôi đặt sai câu hỏi rồi! Giá như lúc đó tôi đặt câu hỏi ‘vì sao tôi được ra tù?’ thì tôi chỉ mất có ba năm trong tù, đằng này tôi đặt câu hỏi ‘vì sao tôi bị vào tù?’ nên suốt cuộc đời còn lại của tôi chưa bao giờ hết ngục tù. Tiếc thật!”.
Câu chuyện ngụ ý rằng cuộc đời này sẽ ra sao và sẽ đi đến đâu là do cách anh đặt câu hỏi về nó, với nó. Nếu anh đặt một câu hỏi thông minh, tử tế thì phần trả lời thông minh, tử tế phía sau sẽ là phần cuộc đời và số phận của anh. Cuộc đời tốt hay xấu tuy thuộc vào cách anh đặt câu hỏi và giải quyết với nó.
Không hiểu vì sao mấy ngày nay, sau khi đọc bản tin về việc cảnh sát Singapore đối xử tệ với những phụ nữ Việt Nam trong vấn đề nhập cảnh vào nước họ, rồi liên tưởng đến những tấm bảng ghi bằng tiếng Việt đại ý người Việt Nam phải ăn hết món mình đã gắp trong tiệc buffet và không được trộm cắp, xả rác bừa bãi… Chung qui là người viết nội dung này không mấy thiện cảm nếu không muốn nói là e dè, tránh trớ người Việt như một thứ dịch hủi nào đó. Phải công tâm để nhìn thẳng vào vấn đề mà nói như vậy!
Tự dưng, tôi lại nhớ đến câu chuyện kể trong một buổi cà phê của nhà thơ Khúc Duy, cách đây chừng 15 năm thì phải! Câu chuyện này mặc dù không liên quan gì mấy đến chuyện người Việt bị đối xử tệ ở nước ngoài nhưng nó khiến tôi phải suy nghĩ rất nhiều về cách đặt câu hỏi về số phận riêng chung cũng như định vị danh phận người Việt chúng ta trước thế giới bao la rộng lớn này. Phải chăng chúng ta đã đặt sai câu hỏi về thế giới và chúng ta đã giải quyết sai câu hỏi về lịch sử cũng như thân phận dân tộc để đi đến cái kết của ngày hôm nay?
Rất có thể điều đó đã xảy ra, chúng ta đã đặt câu hỏi và giải quyết câu hỏi bị sai. Dân tộc chúng ta có bề dày lịch sử chiến tranh cũng giống như nước Nhật, nhưng người Nhật, chính phủ Nhật đã biết đặt câu hỏi về tương lai của họ và biết nhìn nhận sự thất bại, sự nghèo nàn của quốc gia để cho con cháu của họ trả lời câu hỏi này bằng hiện tại quật cường. Và Hàn Quốc, Singapore hay nhiều nước khác cũng vậy, họ biết cách đặt câu hỏi và giải quyết câu hỏi trong tiến trình vận động của thế giới.
Họ không như chúng ta, tự ma mị mình bằng “rừng vàng biển bạc, tài nguyên phong phú”, bằng “người Việt Nam anh hùng, thông minh và giỏi giang” và bằng nhiều mỹ từ khác để nói về người Việt. Kết cục của sự ma mị này chính là chúng ta tự đánh lừa mình, đánh lừa tương lai của cả một dân tộc, quốc gia. Thay vì chúng ta nhìn vào sự lạc hậu của mình, hỏi vì sao chúng ta lạc hậu để mà nỗ lực học hỏi các nước tiến bộ, chúng ta lại xem mình là người thông minh, là “đỉnh cao trí tuệ”. Và kết cục của nó là một thứ đỉnh cao của tội ác và lòng dối trá.
Thay vì chúng ta thấy mình nghèo, được “điểm nhãn” cho cái nghèo hiện hình để mà xua nó bay đi bằng kiếm pháp dân chủ, tiến bộ, chúng ta lại khư khư ôm thứ lý luận mù mờ và tự dối lừa mình để dẫn đến hệ quả là nhiều thế hệ giỏi trộm cắp, toa rập nhưng rất dở làm kinh tế. Bằng chứng của việc này là nếu như không dựa vào thế lực đảng, không tàn phá tài nguyên, môi trường và không tùng xẻo quĩ đất để thổi phòng cái bong bóng bất động sản, liệu Việt Nam có được mấy tay nhà giàu và có được mấy kẻ nổi tiếng giàu có, “đại gia” như hiện tại?
Và tư duy lười biếng, hưởng thụ, trộm cắp, mánh khóe vặt, toa rập, đội trên đạp dưới đã đẩy chúng ta đến chỗ không sản xuất được một con ốc cho nên hình nhưng có những ông chủ có thể chơi ngông bằng cách đổi cả một khoản tiền tương đương với tài sản lớn của một người dân nước giàu có chỉ để đổi một con ốc. Cách chơi ngông này chỉ cho thấy chúng ta đã mất hết khả năng hoạch toán kinh tế và lương tri chúng ta cũng đã bị hỏng đến độ phung phí mồ hôi, xương máu và nỗi khổ của người khác một cách vô tư. Bởi chúng ta chưa bao giờ đủ sâu sắc để nhìn thấy mồ hôi và nước mắt của người khác dính trên đồng tiền mình đang cầm trên tay. Cũng như chúng ta chưa bao giờ đủ tự trọng để nhận ra là sự giàu có của chúng ta có nguồn gốc ăn cắp thiên nhiên, ăn cắp của nhân dân và ăn cắp của tổ tiên.
Chúng ta quen với việc ăn cắp giống như người thiểu số quen với đường rừng và ngư dân quen với tôm cá. Chính vì vậy, chúng ta tự đẩy căn tính dân tộc đến chỗ ăn cắp và lười biếng, cầu toàn và hèn nhát. Bởi khi sự ăn cắp thành bản chất, chúng ta rất dễ dàng ăn cắp bất cứ nơi đâu và ăn cắp bất cứ thứ gì bắt mắt… Cho đến lúc bị bắt, chúng ta vẫn cứ kêu trời vì nghĩ mình oan, mình không biết nên mới ăn cắp! Và sau khi chúng ta bị vạch tội ăn cắp, thay vì ăn năn, hối cãi, phản tỉnh, chúng ta vẫn xem như không có gì xảy ra và tiếp tục đứng lên đảm nhận những công việc mẫu mực, chúng ta tự xem mình là gương mẫu!
Mãi cho đến khi thế giới nhìn chúng ta như một thứ man di mọi rợ. Chúng ta lại trách tại sao thế giới chúng quanh đối đãi tệ với người Việt? Trong khi đó, câu hỏi xác đáng cần đặt ra là: Chúng ta đã sống như thế nào mà thế giới phải e dè, kinh hãi và coi thường chúng ta đến vậy?
Câu chuyện những phụ nữ Việt Nam, những cô gái Việt Nam sang Singapore bị hất hủi, bị đối xử tệ lại khiến chúng ta chỉ biết trách người khác tệ nhưng chúng ta cũng chẳng tỏ ra thương tình hay chia sẻ với các phụ nữ bị xử tệ. Trong khi đó, có bao giờ chúng ta tự hỏi chúng ta đã làm gì, đã mang đến đất nước văn minh này loại gió gì mà chúng ta bị ngăn chặn như một trận gió độc? Và tại sao những phụ nữ Việt Nam lại chọn con đường bán dâm ở nước ngoài mặc dù đây là con đường nguy hiểm và tủi nhục?
Câu hỏi này không chỉ riêng người dân tự hỏi, và người dân cũng không bao giờ tự hỏi và tự trả lời nổi những câu hỏi như thế này. Mà nhà cầm quyền phải có trách nhiệm đặt câu hỏi và trả lời câu hỏi kịp thời trước khi chúng ta bị tuột xuống hố sâu, trước khi các chính khách của nước văn minh phải bụm mũi trước các nguyên thủ..!

Phần nhận xét hiển thị trên trang