Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 9 tháng 8, 2015

Cơ ngơi bề thế “đáng nghi” của “quan tỉnh nghèo” Hà Giang

Theo Kinh Tế Nông Thôn -

Hà Giang lâu nay luôn được coi là một tỉnh nghèo vùng phên dậu của Tổ quốc. Bằng sự quan tâm của Chính phủ, Bộ ban ngành nhưng sau rất nhiều năm phấn đấu, tỷ lệ hộ nghèo ở đây vẫn còn trên 50%.


Dân nghèo, nhà dột, nhà tạm bấy lâu nay vốn là thực trạng của Hà Giang. Nhà nước cũng đã phải có nhiều chính sách về hỗ trợ xóa nhà tranh tre, nứa, lá cho người dân. Nhưng đối nghịch lại tình cảnh này lại là sự hiện hữu của những ngôi nhà sàn “khủng”, phần lớn làm bằng gỗ “tứ thiết” của các lãnh đạo tỉnh.

Chúng tôi xin “điểm mặt” một số ngôi nhà “bề thế” này:


Ngôi nhà “khủng” bắt mắt và có tiếng nhất hiện nay ở Hà Giang, đầu tiên phải nhắc đến nhà của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Đàm Văn Bông. Hiện ngôi nhà sàn này đang “nằm” tại thôn Cao Bành, xã Phương Thiện (TP. Hà Giang). Đây là nơi ông Bông vẫn thường xuyên đi về trong ngày. Vật liệu làm ngôi nhà này chủ yếu là gỗ trai, gỗ nghiến, một trong những gỗ nằm trong nhóm 2B nghiêm cấm khai thác, vận chuyển và được bảo tồn nghiêm ngặt theo quy định của Chính phủ.
 Nhà của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Đàm Văn Bông

“Ngang ngửa” với nhà Chủ tịch UBND tỉnh Đàm Văn Bông là ngôi nhà của Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Vương Mí Vàng. Nằm trên đường đi 4 huyện nghèo, thuộc diện 30a là Đồng Văn, Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc, ngôi nhà “tọa” tại địa bàn Tổ 8, phường Quang Trung, Thành phố Hà Giang. Theo người dân, muốn có ngôi nhà này phải có tiền tỷ, chưa kể các trang thiết bị đi cùng. Ngôi nhà này độc đắc bởi nó chỉ làm bằng… một loại gỗ: Gỗ nghiến!
 Ngôi nhà của Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND tỉnh Vương Mí Vàng.

Ngoài 2 ngôi nhà sàn nổi tiếng của 2 quan chức này, ngôi nhà sàn của ông Giám đốc Sở Nội vụ Hà Giang Hoàng Đức Tiến tại xã Vĩnh Phúc (Bắc Quang) cũng nổi danh và được nhiều người biết đến. Ngôi nhà này “độc” vì nó được làm hoàn toàn bằng gỗ trai. Một thứ gỗ hiện nay đang cạn kiệt ở tỉnh Hà Giang, nó chỉ còn ở khu vực xã Đức Xuân, huyện Bắc Quang. Theo cánh thợ, để có ngôi nhà như thế này ước chừng cũng phải “vứt xuống” vài tỷ đồng.
 Nhà sàn của ông Giám đốc Sở Nội vụ Hà Giang Hoàng Đức Tiến

Nằm tại khu “đất vàng” thuộc tổ 18, phường Minh Khai (TP. Hà Giang), ông Lưu Đình Phát, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng vợ là bà Chúng Thị Chiên, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cũng “nổi danh” với ngôi nhà sàn bề thế.

Theo người dân trên miền quê “đá nhiều hơn đất” này thì: Nếu không phải “các bác ấy”, dẫu có là đại gia, doanh nghiệp đang làm ăn phát đạt thì cũng khó mua, vận chuyển an toàn các loại gỗ thuộc nhóm”tứ thiết” này để về làm nhà chứ chưa nói gì đến dân thường.
Nhà ông Lưu Đình Phát, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng vợ là
bà Chúng Thị Chiên, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh

Ngôi nhà của nguyên Hạt phó Hạt Kiểm lâm Vị Xuyên Nguyễn Thanh Tứ cũng đẹp và đắt không kém “các bác” trên tỉnh. Ngôi nhà này đang khiến người dân địa phương và khách thập phương khi qua thôn Minh Tiến, xã Quang Minh (Bắc Quang) phải ngỡ ngàng.
 Nhà của nguyên Hạt phó Hạt Kiểm lâm Vị Xuyên Nguyễn Thanh Tứ

Tuy nhiên, ngay tại xã Phương Thiện, nơi xuất thân của Chủ tịch UBND tỉnh Đàm Văn Bông còn rất nhiều ngôi nhà sàn dột nát, cần sửa chữa của dân...
 

Đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc thanh, kiểm tra làm rõ những phản ánh trên. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về những ngôi nhà sàn “khủng” này.
Rừng đặc dụng Phong Quang, huyện Vị Xuyên tỉnh Hà Giang với nhiều tập đoàn cây gỗ quý như nghiến, trai và nhiều loại gỗ quý thuộc nhóm 2A có tuổi đời từ 100 năm đến 1.000 năm tuổi, cần được bảo vệ để duy trì nguồn gien quý và hệ sinh thái. Thế nhưng, những cây gỗ nghiến hàng trăm, hàng nghìn tuổi trong vùng lõi của rừng đặc dụng đang bị những nhóm lâm tặc xẻ thịt.
Kiến thức Oline
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Đặc điểm của những nền giáo dục tiên tiến nhất thế giới


Giao-duc-tre-em-o-My-va-Nhat-Ban

Giáo dục Việt Nam có những bước tiến rõ rệt dạo gần đây với một loạt các quyết định thay đổi.
Một trong số đó là giảm bớt các kỳ thi ở bậc tiểu học, các bài kiểm tra định kỳ chỉ dùng để kiểm chứng học sinh, không được dùng để so sánh thành tích rằng học sinh này giỏi hơn học sinh khác, không cho điểm học sinh mà chỉ ghi lời nhận xét. Việc thay đổi này đã làm giảm áp lực học hành lên học sinh rất nhiều.
Một thay đổi gần đây nhất là việc bỏ kỳ thi đại học đầy áp lực, thay vào đó là xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT. Việc làm này được sự đồng tình ủng hộ của nhiều thành phần xã hội.
Tuy đã có những thay đổi tích cực, nhưng giáo dục Việt Nam vẫn cần phải học hỏi những nước có nền giáo dục tiên tiến nhiều hơn nữa. Chúng ta cùng điểm qua đặc điểm của một số nền giáo dục phát triển trên thế giới:
1. Giáo dục ở Phần Lan
Công bằng và miễn phí
Giáo dục Phần Lan xem công bằng là một trong những điều quan trọng nhất. Ông Olli Luukkainen, chủ tịch hội đồng giáo viên Phần Lan chia sẻ “Tất cả trẻ em ở Phần Lan dù thành thị hay nông thôn đều được hưởng một nền giáo dục như nhau.”
Thực hiện tiêu chí công bằng này, giáo dục Phần Lan không phân biệt giàu hay nghèo, thành thị hay nông thôn, tất cả đều được hưởng một nền giáo dục như nhau.
hoc_sinh_phan_lan_c4bde_SQJS
Không áp lực thi cử
Giáo dục ở Phần Lan cũng không có các cuộc thi sát hạch nhằm phân loại học sinh, giáo dục hướng đến các học sinh yếu kém, giúp nhà trường trở thành môi trường thân thiện.
“Chúng tôi không tin vào thi cử, không tin rằng có một kỳ thi thống nhất là việc tốt. 12 năm học đầu tiên trong đời học sinh chỉ có một kỳ thi duy nhất vào lúc các em đã ở độ tuổi 18-19, đó là kỳ thi trước khi vào đại học. Nhờ thế thầy và trò có nhiều thời gian để dạy và học những gì họ ưa thích. Các thầy cô của chúng tôi tuyệt đối không giảng dạy vì thi cử, học sinh cũng tuyệt đối không học vì thi cử. Trường học của chúng tôi là nơi học tập vui thích 100%. Ưu điểm của chế độ học tập ở Phần Lan là ươm trồng tinh thần hợp tác chứ không phải là tinh thần cạnh tranh. Chúng tôi không lo học sinh sau này sẽ cảm thấy sợ hãi khi bước vào xã hội ”
2. Giáo dục ở Nhật Bản
Đạo đức là cốt lõi
Nhật Bản trở thành một nước có nền giáo dục tiên tiến là nhờ thực hiện tiêu chí “con người = đạo đức”, đề cao tính tự lập và tinh thần kỷ luật.
japan-schoolTư tưởng của người Nhật vẫn còn mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống của dân tộc mình, đạo đức là cốt lõi là điều mà một học sinh phải biết đến đầu tiên.
Sau trận động đất khủng khiếp năm 2011, trong các cuộc cứu trợ, người Nhật không chen lấn nhốn nháo, không tranh giành khẩu phần. Trái lại, họ còn nhường nhịn lẫn nhau và kiên nhẫn xếp hàng chờ đợi dù biết rằng, có thể tới lượt của mình thì chẳng còn lại gì.
Câu chuyện đứa trẻ 9 tuổi không biết rõ số phận cha mẹ mình thế nào, trong lúc khốn khó đói và rét run cầm cập đứng xếp hàng chờ khẩu phần ăn thì được một người lớn nhường lại túi lương khô, vì e rằng tới lượt đứa trẻ này thì các khẩu phần ăn hết mất.
Đứa trẻ ôm bao lương khô đi thẳng lên chỗ những người đang phát thực phẩm và để vào thùng thực phẩm rồi lại quay lại xếp hàng. Khi được hỏi đứa trẻ trả lời rằng “Bởi vì còn có nhiều người chắc đói hơn con”.
Câu chuyện này và những câu chuyện cảm động khác đã nhanh chóng được lan truyền ra thế giới bên ngoài nước Nhật. Người dân toàn thế giới rất ngượng mộ và khâm phục dân tộc Nhật Bản. Câu chuyện đứa trẻ nhường lại khẩu phần ăn kể trên được giới truyền thông xem như là “huyền thoại”. Chỉ dân tộc nào xem đạo đức là nền tảng, xem văn hóa cổ truyền là linh hồn của dân tộc mình thì mới có được những kỳ tích như vậy.
Phương châm của người Nhật là “Cần phải nhắm tới thực hiện xã hội ở đó từng công dân có thể mài giũa nhân cách bản thân…”.
Chuyên gia giáo dục Bassey Ubong của Nigeria khi nghiên cứu giáo dục Nhật Bản đã phát biểu rằng “Đạo đức còn có nghĩa là ý thức tuân thủ kỷ luật cao độ được phản ánh thông qua quan niệm xem giáo dục là một con đường dẫn đến cuộc sống tốt đẹp hơn. Từ đó thanh niên tích cực học tập, tuân theo các chuẩn mực về tôn trọng mọi người xung quanh và tham gia đóng góp nhằm giảm thiểu tỉ lệ thất nghiệp, ai nấy đều tốt nghiệp và có việc làm”.
Tư duy ‘tự lập’
Giáo dục Nhật Bạn cũng hướng đến tính tự lập cho học sinh, mỗi học sinh có thể tự chủ trong học tập, không ỷ lại để có thể hòa nhập môi trường hội nhập đầy biến động các giá trị văn hóa và tri thức
Để trang bị tính tự lập cho học sinh, giáo dục Nhật Bản nhấn mạnh ‘học sinh là trung tâm’, giúp học sinh trải nghiệm kiến thức từ thực tế chứ không phải là nhồi nhét kiến thức. Có nhiều loại sách với các chuẩn đầu ra khác nhau để tăng cường khả năng phản biện cho học sinh, kích thích việc tìm tòi, phát huy sức sáng tạo.
Các bài học ở Nhật Bản được các giáo viên ghi trích nguồn ở đâu, rồi khuyến khích học sinh tìm thêm nguồn thông tin mới, cổ vũ học sinh đứng từ các góc độ cách nhìn khác nhau để đánh giá nhận xét vấn đề. Đó là một trong những lý do cốt yếu giúp người Nhật nằm trong tốp đầu các quốc gia có lượng bằng sáng chế cao nhất thế giới với vô số thương hiệu tồn tại xuyên thế kỷ.
Không áp lực thi cử
Giống như Phần Lan, giáo dục ở Nhật Bản không gây áp lực thi cử cho học sinh
Giáo dục Nhật Bản cũng không tổ chức theo kiểu “gom học sinh có điểm số cao lại với nhau”. Nhà trường cũng không chủ trương “khoe” kết quả học tập của các em đến mọi người, vì cho rằng điểm số không phản ánh được khả năng thực sự của trẻ, mọi học sinh đều có cơ hội học tập trong môi trường bình đẳng.
Nhật Bản không có đặt nặng thi cử, kỳ thi chính thức chỉ có thi vào trung học và đại học. Ngoài ra còn có đợt thi lớp 6 và lớp 9 nhưng là để giám sát hiệu quả hệ thống giáo dục, chứ không phải để đánh giá năng lực học sinh.
3. Giáo dục ở Mỹ: Tự do và tôn trọng tự do của người khác
Nền giáo dục Mỹ hướng con người đến tự do, có thể dễ dàng thích nghi với cuộc sống đang biến động hàng ngày, nếu bó buộc học sinh sẽ làm mất tính sáng tạo của trẻ. Các chương trình học tại các trường ở Mỹ rất giàu tính trải nghiệm, kích thích sự phát hiện, khuyến khích trẻ đưa ra tất cả suy nghĩ “xung quanh một câu hỏi”.
Giáo viên thường nhắc nhở học sinh của mình rằng: “Bất kỳ ai trong các em cũng có quyền loại bỏ, thậm chí là tẩy chay một nhãn hiệu mà mình không thấy thích. Nhưng không được quyền ép người khác đứng về phe mình, vì như thế là thiếu tôn trọng quyền của tự do của người khác ”
Giao-duc-tre-em-o-My-va-Nhat-BanỞ Mỹ giáo viên cho điểm và nhận xét học sinh, và học sinh được nhận xét và đánh giá chất lượng giáo viên.
4. Giáo dục ở Đức
Bình đẳng
Một trong những đặc tính của giáo dục Đức đó là tính bình đẳng giữa các học sinh, trong lớp học không có lớp trưởng, lớp phó hay tổ trưởng, tổ phó, mà chỉ có “phát ngôn viên” để chuyển thông điệp của thầy cô đến học sinh và ngược lại.
“Phát ngôn viên” còn đưa ra các giải pháp, phong trào nhằm cải thiện tình hình học tập, giúp các bạn học lực yếu, phát huy các tài năng văn nghệ, thể thao trong lớp…
Chú trọng trải nghiệm thực tế
Người Đức cho rằng trói buộc những đứa trẻ trong lớp học mà thiếu tính trải nghiệm thực tế sẽ dẫn đến những sản phẩm bị lỗi thời về mặt nội dung. Thầy cô đứng lớp còn quan niệm phải mất cả năm trời, thậm chí là vài năm người ta mới có thể xuất bản một quyển sách hạn hữu trong khi thế giới to lớn, vĩ đại đang vận động hàng giây. Thế nên kiến thức sách vở, phần lớn đã lỗi thời trước khi được trưng bày trên kệ sách.
Người Đức quan niệm học tập để có một công việc phù hợp, thế nên trong khi một số nước như Việt Nam xem những học sinh không vào được đại học sẽ không có cơ hội phát triển, thì ở Đức người ta lại kỳ vọng rằng bộ phận học sinh này sẽ tỏa sáng khi được ghép với một công việc phù hợp.
v1a
Đức đã xây dựng một chương trình giáo dục và đào tạo nghề nghiệp toàn quốc, được quản lý bởi Viện Giáo dục và Đào tạo nghề nghiệp liên bang. Đây là một chương trình phối hợp giữa chính phủ và giới doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề để đào tạo nguồn lực cần thiết cho xã hội.
Chương trình giáo dục kép này truyền đạt kiến thức cả trên lớp học lẫn thông qua thực hành. Một cách cụ thể, người học sẽ đến các trường dạy nghề từ hai đến ba ngày một tuần. Ở đó, các lý thuyết và thực tiễn về ngành nghề sẽ được truyền dạy. Ngoài ra, các trường cũng buộc phải dạy các môn về kinh tế và xã hội, đào tạo ngoại ngữ và các kiến thức cơ bản khác.
5. Giáo dục ở Pháp: Mỗi học viên ứng với một vị trí trong xã hội
Trong khi nhiều nước khác xem giáo dục phổ thông là căn bản, còn cụ thể làm gì phải sau đại học, cao đẳng hay các trường nghề. Nhưng ở Pháp khi học phổ thông các học sinh đã biết mình sẽ làm gì sau khi tốt nghiệp.
Cho nên ở Pháp từ cấp 1 của chương trình phổ thông đã dạy rất bao quát. Pháp có đến ba loại bằng tốt nghiệp phổ thông khác nhau với những ứng dụng khác nhau. Đầu tiên là BAC General, Hệ này dành cho những học sinh có học lực khá giỏi hoặc những em thực sự muốn theo đuổi chương trình đại học hay cao học trong tương lai. Theo đó, các em có thể chọn học khối ngành tự nhiên (BAC Science), khối ngành kinh tế xã hội (BAC Economie Social), hoặc khối ngành văn học (BAC Littérature).
College Students in Computer Lab --- Image by © James Lauritz/CorbisCollege Students in Computer Lab — Image by © James Lauritz/Corbis
Các em học lực yếu hơn nhưng vẫn mong muốn theo đuổi việc học thì có thể chọn hệ BAC Tech. Chương trình đào tạo hệ này tạo điều kiện cho học sinh tiếp tục theo học các trường cao đẳng, trở thành những kỹ thuật viên, chuyên viên cao cấp.
Cuối cùng, những học sinh không hứng thú với chữ nghĩa hay có nguyện vọng muốn vừa tốt nghiệp phổ thông là có thể đi làm những công việc chân tay, làm thợ chứ chưa phải làm thầy thì theo đuổi hệ BAC Pro. Hệ này cung cấp các nghề cụ thể và các em học sinh được định hướng, chọn lựa và trong suốt hai năm cuối phổ thông có thể rèn luyện để đi làm ngay khi vừa ra trường với tay nghề vững.
Ngọn Hải Đăng /

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Bù Khú Tiên Sinh 12 – HÔN LỄ MAN RỢ

Anh chàng Việt kiều Mỹ trở về. Ngọc hỏi:

-Về làm gì?
-Làm đám cưới.
-Bộ ở bên Mỹ không có đàn bà sao?
-Có, nhưng rất hiếm.
-Ở Việt Nam thì đầy dẫy, việc gì phải vô trong xó kẹt này mà tìm vợ?
-Vì anh thích em. Có cá tính mạnh và thông minh.
-Em mà thông minh á? Chẳng phải bị đàn ông nó lừa hoài sao?
-Ai lừa được em?
-Bộ anh quên cái chàng sinh viên tên Toàn sao? Em bỏ tiền ra nuôi anh ta ăn học mấy năm trời. Đến khi tốt nghiệp thì quất ngựa truy phong. Có nhớ không?
-Nhớ. Nhưng liên quan gì tới anh?
-Một người chịu ơn mình, một người mà mình đã cưu mang trong nhiều năm vậy mà khi thành tài họ còn bỏ mình, huống chi anh với em chỉ mới quen biết một thời gian. Sao có thể bền vững được?
-Nhưng anh với em ở cách xa nhau nửa vòng trái đất, và chúng ta đều đã ngoài ba mươi.
-Vậy thì cưới đi, Ngọc vừa nói vừa cười. Ở Việt Nam anh còn một người cha phải không?
-Phải. Nhưng anh rất ghét. Lúc mới ở trên rừng về gặp ngay một cô ca sĩ, ổng trở mặt bỏ vợ con liền. Cho nên anh sẽ không mời ông ta đâu.
-Nhưng hãy cho em một chút thể diện. Thây kệ, cứ mời ổng đi anh à. Đám cưới của em không thể không có ba anh được.
Bảo im lặng. Rồi hỏi:
-Còn phía em thì sao?
-Em có Bù Khú Tiên Sinh.
-Đó là tay nào vậy?
-Một ông già sáu mươi tuổi, rất chịu chơi. Hiện ổng đang nuôi bé Nhung.
-Quan hệ giữa ông ta và em như thế nào?
-Bạn bè. Cả hai người đều là dân homeless. Đã có lúc em muốn lấy ổng.
-Sao không lấy?
-Ổng có tới hai mươi bảy bà vợ. Sao có thể lấy được.
-Tay đó thật đáng ngờ.
-Nhưng trước sau gì anh cũng phải gặp.
*
Ngôi biệt thự cũ được sơn lại màu trắng, trang hoàng đơn giản. Dàn nhạc chỉ có một cây piano và một vĩ cầm. Tiếng nhạc cất lên lúc mười giờ sáng.
Chủ hôn là Giám Đốc Sở và Bù Khú Tiên Sinh, không có phù dâu và phù rể, chỉ có đám con nít gồm hai đứa con của Ngọc, Nhung và bé Đào cùng mấy đứa bạn của chúng nó đi lại tung tăng, đùa giỡn. Nhạc cũng tùy hứng: nhạc Xuân, nhạc  Giáng sinh, Mozart hoặc nhạc Country.
Có vài người khách mời là quan chức trên ủy ban quận, công an, tổ dân phố.
Giám Đốc Sở không muốn giới thiệu mình nhưng nhìn cái cách cung kính của đám hầu cận ai cũng biết ông là người có địa vị cao. Ông ngồi cùng bàn với Bù Khú Tiên Sinh và mấy quan chức trên thành ủy mới đến.
Bỗng nhiên nhạc nổi lên tưng bừng, một điệu rock vui nhộn, hình thành giữa sân một đám nhảy náo nhiệt.
Cô dâu chú rể còn mai phục trong buồng kín để nghe kịch bản và dợt lại vài nghi thức. Ngọc đẹp, Bảo cũng đẹp.
Tối qua Bù Khú dặn Đào:
“Con cũng phải diện thật đẹp. Chú không muốn con thua sút cô dâu.”
“Nhưng để làm gì?”
“Để tặng vẻ đẹp ấy cho bạn trai của con.”
“Con không có bạn trai.”
“Vậy hãy tặng cho con gái của con.”
“Nó mới được bảy tháng tuổi, nó chỉ biết bú mẹ thôi.”
”Vậy hãy tặng nhan sắc ấy cho người con thương yêu.”
“Người đó là chú.”
Hai người lại nằm trên võng. Đó là cõi riêng của họ. Một già một trẻ. Một cõi vô thanh, tĩnh mịch.
“Tại sao con lại yêu một người già như chú?”
“Vậy tại sao chú lại yêu một đứa con nít như con?”.
Vì đó là hạnh phúc. Vì đó là trời và đất, là sự giao phối giữa gió và biển cả, giữa mây và núi.
Lúc ấy điện thoại của Đào reo lên.
“Cho chị nói chuyện với bố.”
“Sao chị không gọi vào máy bố?”
“Vì chị biết bố đang ở bên em.”
Bù Khú tiếp lấy điện thoại.
“Anh nghe”
“Em xin lỗi.”
“Vì sao?”
“Vì em đã hứa sẽ lấy anh.”
“Không sao. Em chưa nghe hết chuyện của hai mươi bảy bà mà.”
“Dạ. Nhưng em biết là anh nói đùa. Anh không còn bà nào nữa đâu. Có nghĩa là em đã nghe hết chuyện các bà vợ của anh rồi nhưng em biết anh rất yêu bé Đào, em không có chỗ để xen vào.”
“Thì sao?”
“Thì chúc anh hạnh phúc.”
“Anh cũng chúc em hạnh phúc.”
Bù Khú đưa điện thoại cho Đào.
“Ngọc chúc chú và con hạnh phúc. Chú cũng chúc Ngọc như thế.”
*
Nhạc dứt. Và đám khiêu vũ cũng dừng lại. Giám Đốc Sở không muốn phát biểu nên nhường cho Bù Khú.
-Thưa bà con hai họ…
Tiên Sinh không quen nói, ấp úng một lúc rồi mới giới thiệu khách mời và tuyên bố hôn lễ bắt đầu. Tiên Sinh và Giám Đốc, hai người đứng hai đầu bàn thờ.
Cô dâu và chú rể từ phía trong bước ra. Cô dâu mặc áo soirée trắng, khép nép nhưng thanh thoát.
Họ là một cặp rất đẹp. Sang trọng, trang nhã và rực rỡ. Họ đứng bên nhau, làm lễ bàn thờ gia tiên rồi quay sang làm lễ thân sinh. Bảo vái Bù Khú, Ngọc vái Giám Đốc. Nhưng khi cô cúi xuống thì cô nhìn thấy hai bàn tay của Giám Đốc đang run rẩy. Ngạc nhiên, Ngọc ngước lên và chạm phải một gương mặt.
Đó là gương mặt của Nghiệp Chướng. Nó không xương xẩu như mặt thần chết, nó không nanh ác như mặt quỷ Sa Tăng, không trắng bệt như Ngạ Quỷ…Nó tái mét, thất thần, hoảng sợ.
Ngọc cũng hoảng sợ. Cô quỵ xuống. Mọi người ai cũng nghĩ rằng cô đang sụp lạy bố chồng nhưng không thấy cô đứng dậy. Cho tới khi Bảo đến đỡ vợ dậy thì cô ngửa mặt lên trời, bật cười.
-Oan nghiệt! Sao không giết tôi đi!
Rồi Ngọc bỏ chạy vào trong. Tất cả im lặng. Không ai biết chuyện gì. Bảo cũng ngơ ngác. Anh chạy theo vợ. Ngọc đang cởi bỏ áo cưới, mặc bộ đồ jeans thường lệ. Cô đang ngồi tại bàn trang điểm. Cô đang tẩy trang. Bình tĩnh, chậm rãi và lì lợm.
-Chuyện gì vậy?
-Không có gì.
-Anh có lỗi gì sao?
-Anh không có lỗi gì. Anh và em đều đáng thương như nhau. Anh đã có một người cha khốn nạn. Hắn chính là Sếp Lớn của em khi em còn làm nhân viên mát-xa. Hắn đã cưỡng hiếp em ngay trong phòng của hắn.
Bảo hét lên:
-Im đi!
Tiếng thét làm vỡ tung hôn lễ. Tiếng thét xô dạt mọi người ra khỏi khuôn viên ngôi biệt thự màu trắng. Tiếng thét làm đứt phực bốn sợi dây của chiếc vĩ cầm. Nắp thùng piano đóng sập xuống. Những đứa trẻ ăn mặc như thiên thần oà khóc.
Giám Đốc biến mất như một kẻ trộm. Ông lái xe ra cổng sau, suýt tông vào cánh cửa cổng. Nhưng vừa ra đến đường thì một giọng nói đã vang lên từ sau lưng:
-Tấp vô lề!
Giám Đốc ngoái lại, chạm phải hai ngọn lửa từ tròng mắt của một chàng trai.
-Đừng nóng. Ba sẽ giải thích.
Nhưng cú đấm đã đi trước lời giải thích khiến ông phải thắng gấp. Giám đốc bị bể trán, máu rịn xuống mí mắt.
-Mày muốn gì? Tao sẽ nhốt mày bây giờ.
-Ông dám không? Tại sao ông cưỡng hiếp vợ tôi?
-Lúc đó nó là nhân viên của tao.
-Nhưng ông đã gây ra bao nghiệp chướng. Tại sao ông bỏ mẹ tôi? Ông có biết vì sao mà bé Nhung nghiện ma túy không? Nó là con nghiện trong khi cha nó buôn bán ma túy, cha nó là chủ vũ trường, chủ khách sạn, chủ bia ôm. Ông vừa là cán bộ cao cấp vừa là chủ chứa. Ông dám nhốt tôi không?
Giám Đốc lấy khăn tay thấm máu.
-Ba xin lỗi. Để ba đưa con về.
-Không cần. Tôi gặp ông lần này chỉ để nói: ông vĩnh viễn không bao giờ là cha tôi. Ông là một thằng đê tiện!
*
Trong tiệc cưới chỉ còn lại Bù Khú ngồi tiếp tục uống rượu một mình nơi chiếc bàn lẻ loi.
Đêm đến, chỉ có một ngọn đèn nhỏ dưới bếp, le lói như con đom đóm lạc bầy. Những cái bàn trống, không có thức ăn. Những ngọn nến trên bàn thờ gia tiên đã cháy hết, đã tàn lụi. Rượu trong bình cũng cạn. Nhưng Bù Khú không dậy nổi. Ông gục mặt trên bàn và chìm vào cơn say nặng nề.
Ông không biết ở một góc tối của khu vườn, có một người con gái đang ngồi bất động. Khi sương khuya bắt đầu xuống cô mới đứng dậy, đến bên Bù Khú.
-Chú ơi. Về nhà. Đã khuya lắm rồi.
Bù Khú gượng đứng dậy.
-Đào hả con? Hãy đi tìm Ngọc. Cổ sẽ chết đấy.
Đào hoảng hốt chạy vô buồng trong tìm kiếm nhưng tất cả đều trống trơn, lạnh ngắt. Cô gái chạy ra cổng.
*
Nửa đêm Bù Khú về đến cái am nhỏ của mình và rất ngạc nhiên khi thấy đèn trong nhà vẫn thắp sáng.
Ông xuống xe và nhìn thấy một chiếc ghe nhỏ chở dừa đậu sát mé nước. Trong ghe thắp một ngọn đèn dầu leo lét nhưng không có ai cả.
Bù Khú dựng xe ngoài hiên, đẩy cửa bước vô. Bên trong là một sân khấu bi kịch đợi sẵn. Nhung, bé Tùng và một người đàn bà xa lạ đang bị còng tay ngồi dưới đất. Bốn người đàn ông có vũ trang ngồi rải rác trên những chiếc ghế gỗ. Bù Khú đứng im quan sát sân khấu, chưa kịp mở lời thì chiếc còng số 8 đã khóa chặt hai cổ tay.
-Chuyện gì đây?
Một người công an mặc sắc phục chỉ những gói giấy đang để trên bàn:
-Đây là số ma túy chúng tôi tìm được trong nhà ông.
-Vô lý. Làm gì trong nhà tôi có ma túy. Hơn nữa các ông không có quyền khám nhà khi tôi vắng mặt.
-Chuyện đó ông sẽ nói ở cơ quan điều tra. Ông có thấy chiếc ghe nhỏ đậu ở bến sông không? Chúng tôi đã theo dõi nó trong nhiều ngày và nó đã đem số ma túy đó đến đây. Những người này quan hệ thế nào với ông?
-Hai cô cậu này là người giúp việc cho tôi còn người đàn bà này là ai tôi không biết.
-Cô Nhung và cậu Tùng ở trong nhà ông đã sáu tháng nay nhưng ông không đăng ký tạm trú. Nhung có tiền án là buôn bán ma túy, vượt ngục về đây. Tùng là thằng nhỏ móc túi, giựt đồ chuyên nghiệp cũng dùng nơi này làm chỗ xuất phát. Ông đã chứa chấp tội phạm trong một thời gian dài và không loại trừ khả năng ông là đồng phạm.
Bù Khú cười lớn:
-Kết luận thật đơn giản! Có lẽ tôi là người có nhiều danh hiệu nhất thế giới: cán bộ kháng chiến, trí thức yêu nước, nhà báo, kẻ sát nhân, kẻ buôn bán ma túy, chứa chấp trộm cướp và gái điếm… vậy rốt cuộc tôi là ai?
*
Trong góc tối của một cuộc vui đã tàn Đào tìm thấy người đàn bà ấy. Cơn điên đã đi qua, bỏ lại những cái xác đẫm men rượu, phiêu hốt trong ảo giác ma túy nằm la liệt trên sàn nhảy. Cuộc thảm sát của tiết tấu, ánh sáng và chất kích thích đã bày biện trên chiến trường của nó những cá thể im lặng, nằm ngồi trong nhiều tư thế. Tất cả đang chìm đắm trong cõi riêng ma quỷ, đồng bóng.
Chỉ có Ngọc là tỉnh táo. Tâm hồn cô cạn khô như đáy một con sông đã bốc hơi trong sa mạc đổ lửa. Và cô ngồi bất động như cây xương rồng tàn héo.
-Em ngồi với chị được không?
-Ngồi đi. Em đến đây làm gì?
-Em đi tìm chị. Mọi người đã bị bắt hết rồi.
-Vậy tìm chị để làm gì?
-Để cứu bố.
-Thế thì ai cứu mình? Có thể cứu được một xã hội quỷ quyệt không? Có thể thoát khỏi quyền lực của bọn Mafia không?
-Vậy phải làm gì?
-Chạy trốn.
-Trốn ở đâu?
Hai người đàn bà trẻ bước ra khỏi vũ trường lúc gần sáng. Đường phố ngái ngủ trong cơn gió bấc nhẹ nhưng cũng đủ rải những lá khô trên cao bay nghiêng nghiêng xuống. Bầu trời xám đục, vương vấn một chút sương mù. Có lẽ họ là những bộ hành đầu tiên của con đường. Họ đi chậm, đi lẩn vào buổi sáng, đi lẩn vào những cơn gió.
Ngọc nói:
-Thôi, chúng ta chia tay. Chị sẽ về quê.
Đào im lặng. Buổi sáng co rúm lại. Buổi sáng làm cho cô gái xanh xao, mong manh.
-Còn em, không biết đi đâu.
ĐÀO HIẾU
(Mời xem kỳ 13: NGƯỜI QUÊN LÝ LỊCH)

Phần nhận xét hiển thị trên trang