(
Quan điểm) - Gần tới ngày Khoa học Việt Nam, xảy ra việc Trung Quốc đưa giàn khoan dầu khí vào biển ta, cùng ngẫm lại ngành nghiên cứu biển của nước nhà.
Sợ rằng trong lòng không có tiếng sóng!
Trao đổi với phóng viên báo Đất Việt chiều ngày 5/5/2014, Kỹ sư đóng tàu hơn 70 tuổi, ông Đỗ Thái Bình , Hội Khoa học Kỹ thuật Biển TP HCM, Thành viên Hội Đóng tàu Mỹ (SNAME) đã có những tâm sự đầy tâm huyết về ngành khoa học nghiên cứu biển của Việt Nam.
“Chúng ta là một quốc gia biển, nhưng khả năng hiểu biển, nghiên cứu biển, và làm chủ biển của Việt Nam còn quá thua kém so với nhiều quốc gia trong khu vực, chưa nhắc tới thế giới.” – Ông Đỗ Thái Bình nhận định.
“Tôi lấy một ví dụ, chúng ta vẫn phải nhắc lại những kinh nghiệm, những chiến công từ thời chống Mỹ như việc rà phá thủy lôi… để lấy đó làm động lực, làm tấm gương thành tựu. Cho đến ngày hôm nay, sau bao nhiêu năm, ngành khoa học biển của ta vốn đã có thời kỳ phát triển mạnh, nhưng đến nay đạt được thành tựu gì?” – Kỹ sư Bình đặt ra câu hỏi.
|
Một phòng nghiên cứu ngay dưới đáy biển của quốc gia châu Âu
|
Nhắc lại một vụ việc vừa xảy ra gần đây hôm 9/4/2014, khi một đoàn khoa học đang làm công tác nghiên cứu trên một chiếc tàu cá thuê của ngư dần thì bất ngờ gặp nạn, chuyến công tác phải kết thúc, may không có thiệt hại về người. Ông Bình nhận xét:
“Việc thuê tàu cá của ngư dân để nghiên cứu khoa học, tôi nhận thấy là rất đáng hoan nghênh, tiết kiệm được ngân sách. Thay vì đóng mới một con tàu rồi một năm thậm chí vài năm mới động đến một lần là rất hoan nghênh. Tuy nhiên, bản thân một viện khoa học đi nghiên cứu về biển nhưng không chuẩn bị sẵn tâm lý, ý thức của một người ra biển.
Đi nghiên cứu biển, nhưng không ai hiểu được mình đang sử dụng phương tiện gì, chất lượng của nó ra sao. Khi gặp sự cố phải ứng cứu thế nào. Trên tàu liệu có ai biết kỹ năng thoát hiểm? Đành rằng đi thuê, nhưng ta phải ý thức được biến con tàu cá ấy thành tàu nghiên cứu khoa học bằng chính kiến thức, kinh nghiệm, sự chuẩn bị của mình. Từ một trường hợp nhỏ ấy để thấy rằng, chúng ta còn quá coi thường biển, không hiểu biển và không có tâm huyết với biển.”
“Hoặc như lĩnh vực khảo cổ trên biển, chúng ta đủ sức nghiên cứu, theo đuổi lĩnh vực này trong vùng biển chủ quyền, nhưng vì sao không làm? Bởi các chuyên gia lịch sử, họ không quen ngồi thuyền ngồi tàu, họ không biết thợ lặn của mình lặn được đến độ sâu bao nhiêu. Ở đây tôi muốn nhấn mạnh rằng ta chưa có sự liên kết giữa các ngành một cách đúng mực, bản thân chúng ta không hiểu mình có thể làm được gì thì sao có thể phát huy khả năng?”
|
Giàn khoan HD-981 khổng lồ của Trung Quốc đã vào vùng biển chủ quyền của Việt Nam |
Ông Đỗ Thái Bình nhấn mạnh: “Điều yếu nhất với nền khoa học Việt Nam, đặc biệt là ngành nghiên cứu biển, đó là những người đang làm công tác mà trong lòng không có tiếng sóng. Nó cũng như lửa trong trái tim người lính xẻ dọc Trường Sơn, như gió trong lòng người thủy thủ lái tàu không số. Nếu không có quyết tâm, đam mê, yêu thích, tôi e rằng sẽ khó mang lại thành tựu gì. Càng đầu tư chỉ khiến phí công tốn của. Rừng vàng biển bạc, chúng ta chưa được hưởng lợi gì nhiều nhưng cũng chẳng còn bao nhiêu.”
Khoa học cần gần với quần chúng
Nói thêm về tiếng sóng lòng hay ngọn lửa nhiệt tình trong tim, ông Đỗ Thái Bình bày tỏ: “Nhìn rộng ra ngành khoa học ứng dụng của chúng ta còn nhiều yếu kém quá. Chúng ta thiên về những nghiên cứu vĩ mô và không thực tế. Để ứng dụng được vào đời sống, kinh tế chẳng có gì đáng kể. Trong khi đó, những người lao động họ đang làm ra nhiều sản phẩm khoa học, sáng chế hơn là các nhà nghiên cứu.”
“Vì sao ông Hòa ở Thái Bình mày mò đóng bằng được chiếc tàu nhỏ có thể lặn nổi, bơi ra bơi vào? Vì sao những người nông dân làm được máy sấy, máy gặt, máy cày, máy tuốt, thuốc sâu, thậm chí là cả máy bay? Trước hết, là họ có đam mê. Đam mê và quyết tâm là những thứ tiên quyết để đạt đến thành công trong bất kỳ lĩnh vực nào.”
|
Càng hiểu về biển càng có thể giữ được biển |
Ông Đỗ Thái Bình chia sẻ thêm: “Vừa rồi tôi có tham gia một chương trình đóng tàu cho ngư dân. Khi nhận được con tàu mẫu, những người quanh năm bám biển nói rằng họ không thích, còn rất nhiều điều bất tiện mà con tàu cho là hiện đại ấy không bằng được con tàu gỗ nhỏ của họ thường đi.
Vì sao lại có chuyện đó? Bởi vì đã có anh kỹ sư nào thiết kế cái tàu chịu bám biển dài ngày với ngư dân? Đã có anh kỹ sư nào chịu ăn sóng nói gió? Đó, chúng ta thiếu ở cái tính thực tế. Nghiên cứu, khoa học, đào tạo nặng về lý thuyết quá, và quá thiếu thực tế.”
“Ý tôi không phải bảo tất cả các kỹ sư thiết kế tàu là phải làm ngư dân, tất cả những người bắt tội phạm phải là tội phạm. Nhưng một trường phải có một khoa tâm lý. Vì sao ngành hàng không có khoa tâm lý bay, tâm lý hàng không, trong khi hàng hải không có? Khoa học vị nhân sinh là vì thế, phải gần dân hơn, hiểu tiếng nói của dân hơn, thì khoa học mới phát triển được!” – Kỹ sư Đỗ Thái Bình bày tỏ.
Những năm cuối đời, hưởng tuổi già, kỹ sư Đỗ Thái Bình đã tự buộc cho mình cái trách nhiệm của người làm công tác nghiên cứu lịch sử khoa học biển, lịch sử đóng tàu Việt Nam và thế giới. Cũng từ đó mà ông thấy rằng, ngành khoa học biển của Việt Nam còn rất nhiều điểm yếu, bất cập. Và càng không hiểu về biển, ta càng khó giữ lấy biển.
____________
VN đang trả giá cho chính sách biển quá yếu kém Thanh Trúc, phóng viên
RFA
Sự kiện giàn khoan HD981 của Trung Quốc, được dự tính từ lâu, nay đã đóng trụ ở Trường Sa từ ngày 2 tháng 5 này, là hệ quả tất yếu của một chính sách biển vừa yếu kém vừa hời hợt.
Ông Đỗ Thái Bình, kỹ sư đóng tàu, thành viên Hội Khoa Học Biển thành phố Hồ Chí Minh, cũng là một trong những người chủ trương Nhịp Cầu Hoàng Sa, có cuộc phỏng vấn với Thanh Trúc. Trước hết ông cho biết:
Trung Quốc trong hàng chục năm qua đã quyết tâm tiến ra biển, trong khi đó thì ở Việt Nam chính sách biển rất hời hợt và không vạch ra được một đường lối. Chiến lược biển vừa qua thực sự đã đổ vỡ. Vinashin, Vinalines, hai quả đấm mạnh để tạo ra cơ sở đóng tàu và lập ra đội tàu thương thuyền, thì hoàn toàn thất bại.
Bây giờ về mặt quân sự cũng đã có một số tàu nhưng còn cả một chiến lược biển thí dụ dùng tàu của nước nào, dùng tàu lớn, tàu ngầm Kilo hay tàu nhỏ, tất cả những vấn đề ấy trên tổng thể vẫn thể hiện một điều là Việt Nam hiện nay không có một cái nhìn tổng quát.
Việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào đây là công việc họ đã chuẩn bị từ lâu, họ thông báo hàng mấy năm nay rồi. Giàn này do Mỹ thiết kế sơ bộ và Trung Quốc triển khai thiết kế cụ thể. Hiện nay sau giàn 981 thì họ đang chuẩn bị đóng giàn 982. Như vậy đây là kế hoạch thám hiểm nước sâu của họ đứng về mặt kinh tế. Đồng thời và tất nhiên khi mà giàn khoan đi tới đâu, hay là một tàu biển đi đến đâu, thì đấy là lãnh thổ di động của nước đó trên biển đi tới đó. Việt Nam bỏ lỡ quá nhiều cơ hội mà sự thất bại của Vinalines và Vinashin vừa qua đã làm cho đội tàu của chúng ta vô cùng yếu đuối.
Thanh Trúc: Ý ông muốn nhấn mạnh là từ lâu Việt Nam đã mất cảnh giác trong chính sách biển? KS Đỗ Thái Bình: Tức là toàn bộ cái nhìn về biển một cách tổng quát. Đáng nhẽ cơ hội phát triển đóng tàu, theo qui luật chung của đóng tàu trên toàn thế giới, ngành đóng tàu là một ngành không phải để kinh doanh lấy lời mà thực ra ở tất cả các nước đều như vậy cả, là chỉ để gây sức mạnh của quốc gia biển. Bởi vì đóng tàu đâu có lời, không nước nào đóng tàu có lời, nhưng đóng tàu phải có để xây dựng quân sự, để phục vụ cho sức mạnh của đất nước, để có phương tiện đi lại, để đánh cá vân vân… chứ còn biên độ lãi rất ít.
Thì như vậy chủ trương phát triển Vinashin mà mục đích thì hời hợt, nhìn thấy Hàn Quốc mấy Chaebol(tập đoàn) nó thu lời được thì tưởng sẽ gia công và kiếm lời được như Hàn Quốc rồi vung một số tiền khổng lồ vào đấy, đốt cháy ngân sách. Đáng nhẽ tiền đó để phát triển toàn bộ, phát triển theo chiều sâu, không mở rộng, để xây dựng những nhà máy tiềm năng có thể đóng được các tàu dân sự như hiện Damen đã giúp cho mấy nhà máy trên Sông Cấm thì thời gian qua với số tiền đó ta làm được bao nhiêu việc.
Đồng thời và tất nhiên khi mà giàn khoan đi tới đâu, hay là một tàu biển đi đến đâu, thì đấy là lãnh thổ di động của nước đó trên biển đi tới đó.
- KS Đỗ Thái Bình
Số tiền phung phí cho Vinalines cũng như vậy, để mơ tưởng một đội tàu cảnh tranh với quốc tế, hoàn toàn là một sai lầm rất lớn mà không biết là phải xây dựng một đội tàu vững chắc để phục vụ cho đất nước một cách cụ thể. Chính sách biển, theo lý thuyết Mahan của Mỹ, là một chính sách phát triển đội tàu quân sự mà thực chất là bảo vệ thương mại. bảo vệ thương thuyền.
Thanh Trúc: Như vậy, theo ông, phát triển kinh tế biển phải đi đôi và có liên quan chặt chẽ với vấn đề quốc phòng? KS Đỗ Thái Bình: Việt Nam hô hào nhiều lần về vấn đề phát triển kinh tế kết hợp với quốc phòng nhưng trên thực tế thì hoàn toàn không phải như vậy. Mỗi ông nắm một đầu rồi mỗi ông làm, thành ra là rất phung phí tài nguyên. Cái đó có lẽ là bài học đau đớn nhất. Đứng trước biển thì những người làm chính sách phải thấy đau xót là thời cơ vừa qua khó có thể trở lại được nữa.
Thanh Trúc: Trong khi đó thì Trung Quốc ráo riết thực hiện giấc mộng tiến sâu vào lãnh hải Việt Nam, đặc biệt vùng Trường Sa? KS Đỗ Thái Bình: Vào những năm 80, khi mà đô đốc nổi tiếng của Trung Quốc là ông Lưu Hoa Thanh, đã gạt bỏ toàn bộ những lý thuyết của Mao Trạch Đông và nhảy sang lý thuyết Mahan của Mỹ, quyết tâm đưa hải quân Trung Quốc từ chỗ nước sâu (ground water) sang chỗ nước xanh (blue water). Hiện hải quân Trung Quốc đã quyết tâm tiến ra đại dương. Trong khi đó thì chiến lược biển của Việt Nam đáng tiếc là chúng ra rất chậm chân trước thế giới về các vấn đề biển.
Thanh Trúc: Thưa ông, từ vụ HD 981 và hơn 70 chiếc tàu mà Trung Quốc bố trí quanh giàn khoan đó có phải là một hành động bất ngờ đối với Việt Nam không?KS Đỗ Thái Bình: Giàn 981 đầu tiên sau khi đóng ở Thượng Hải thì họ đưa xuống dưới lô 6-1 phía Đông Nam Hồng Kông 320 kilô mét và họ đã khoan thử ở đấy. Lúc ấy họ đã tuyên bố sẽ tiến xuống phía Nam. Kế hoạch đó thực ra họ công bố từ lâu rồi.
Tàu của họ thì họ bố trí một đội rất nhiều loại, trong đó có các tàu giả danh là tàu cá của nhân dân, tàu kiểm ngư, tàu hải tuần rồi tàu hải cảnh. Chả cần phải nói ta cũng biết đội tàu của nó lớn thế nào rồi.
Từ lâu chúng ta cũng đã biết Hạm Đội Nam Hải, so sánh với tất cả các hạm đội khác của hải quân Trung Quốc, thì Hạm Đội Nam Hải được tăng cường rất ghê. Chỉ huy tư lệnh của hải quân Trung Quốc cũng xuất thân từ Hạm Đội Nam Hải tức hạm đội theo dõi biển Đông có trụ sở tại trạm giang đó, cho nên lực lượng của mình nhỏ là chuyện tất nhiên thôi, mấy cái vừa rồi chỉ lớn nhất vào khoảng 4.000 tấn thôi.
Thanh Trúc: Những tàu Kilo mà Việt Nam mua của Nga có đủ sức chống với tàu Trung Quốc trên biển không? KS Đỗ Thái Bình: Tôi không phải chuyên gia quân sự để bình luận vấn đề này, chiến lược phòng thủ, kịch bản trận đánh ra sao tôi không biết. Tôi chỉ nghĩ Việt Nam là một nước nhỏ, Việt Nam không phải là phát triển hải quân nước xanh để ra đại dương mà để bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và các biển đảo của Việt Nam, thì nước nhỏ với kinh nghiệm chiến tranh vừa qua chủ yếu là lấy yếu đánh mạnh, lấy nhỏ đánh lớn. Như vậy tại sao không dùng các phương tiện nhỏ hơn mà lại dùng các phương tiện cồng kềnh như thế.
Bởi nuôi một phương tiện cồng kềnh đó rất lớn, không phải chỉ sáu con tàu mà còn một lô các hạm đội phục vụ cho sáu con tàu đó. Như vậy tiền nuôi đấy cực kỳ lớn trong khi đó chúng ta có thể dùng các tàu nhỏ hơn, tinh vi hơn, hiện đại hơn, của các nước phương tây. Như vậy vừa rẻ hơn mà vừa hợp lý hơn.
Tôi không phải chuyên gia quân sự nhưng đứng về góc độ của một người đóng tàu, có một số năm làm việc trong ngành đóng tàu, thì chúng tôi cũng rất băn khoăn về vấn đề này.
Thanh Trúc: Chính quyền Việt Nam đang điều động ngư dân từng tốp 10 tàu cá ra khơi để khẳng định chủ quyền của mình, có thể coi đó là một chiến thuật nhỏ như ông nói là lấy nhỏ thắng lớn? KS Đỗ Thái Bình: Đấy là chiến lược bất kỳ quốc gia nào cũng có. Con tàu đi tới đâu, đem cớ của đất nước đó tới đâu, giống như một tàu biển đến cảng nào thì quốc gia đó đến cảng đó. Cho nên càng nhiều tàu đi trên biển, sinh hoạt biển có nhôn nhịp hay không thì nước đó mới là nước mạnh.
Việc khuyến khích ngư dân ra khơi nhiều là tốt nhưng vấn đề đặt ra là ai sẽ bảo vệ ngư dân trước sức mạnh của bạo lực Trung Quốc? Đấy là một vấn đề rất lớn.
Thanh Trúc: Xin cảm ơn kỹ sư Đỗ Thái Bình của Hội Khoa Học Biển. ________________
Thử nghiệm tàu ngầm Trường Sa: Đơn giản lắm, đừng phức tạp! (
Quan điểm) - Kỹ sư đóng tàu Đỗ Thái Bình đã có những nhận định về việc cơ quan quản lý Việt Nam đang làm phức tạp hóa vấn đề thử nghiệm của con tàu.
Đơn giản lắm, đừng làm phức tạp!
Ngày 1/4/2014, Phòng Công nghệ, Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Thái Bình có những hướng dẫn về việc đăng kiểm và thử nghiệm tàu ngầm Trường Sa. Theo lãnh đạo Nguyễn Vinh Đạo của phòng Công nghệ, hiện tại chưa có quy định chất lượng nào cho tàu ngầm ở Việt Nam, vì thế công việc kiểm định không biết bắt đầu từ đâu. Và chủ nhân của con tàu cần phải có một đơn đề nghị gửi tới UBND tỉnh Thái Bình để xin thử nghiệm, sau đó UBND chỉ định cơ quan nào thì cơ quan ấy sẽ phụ trách công việc này. Một cơ quan không đủ chức năng thì nhiều cơ quan sẽ phối hợp.
Ông Đạo cho biết thêm, nếu tàu Trường Sa chỉ thử nghiệm tại biển, không kiểm định, đăng kiểm thì chỉ cần sự đồng ý của bộ đội biên phòng là hoàn toàn có thể thử nghiệm dễ dàng.
Xung quanh những thông tin này, kỹ sư đóng tàu Đỗ Thái Bình, Hội Khoa học kỹ thuật Biển TP HCM, Thành viên Hội Đóng tàu Mỹ (SNAME) đã bày tỏ quan điểm của mình:
“Tôi nghe thấy bây giờ các cơ quan quản lý bắt đầu gặp khó khăn, theo tôi thực ra mà nói, đáng lẽ chẳng có gì khó khăn cả. Theo tôi, một cơ quan quản lý là sở khoa học Thái Bình có thể làm được tất cả, bây giờ đẩy lên ủy ban rồi lại đẩy sang bên quân đội làm câu chuyện trở nên to tát quá. Không cần thiết làm phức tạp như vậy.”
Kỹ sư Đỗ Thái Bình, người từng có kinh nghiệm thử nghiệm nhiều tàu nổi bày cách cho chủ nhân của tàu Trường Sa:
“Ông Hòa viết một quy trình thử nghiệm thật tỉ mỉ như tàu sẽ đến địa điểm thử nghiệm thế nào. Ông Hòa phải tự đi đo đạc, trắc nghiệm địa điểm thử nghiệm để kiểm tra được chắc chắn khi tàu lặn xuống không bị dính bùn, cát lún, dính rong rêu dưới đáy hoặc không có bãi đá, vật cản. Trong quy trình nói rõ thử nghiệm những hạng mục gì, thời gian bao lâu, di chuyển từ đâu đến đâu, lặn nổi thế nào… Đó là bước thứ nhất.
Thứ hai là cần có một tàu hoặc ca nô đi cạnh. Con tàu đi kèm sẽ nhận nhiệm vụ cảnh báo khu vực thử nghiệm cho các tàu thuyền xung quanh. Nếu cần thiết nữa thì quây dây phao xung quanh khu vực thử nghiệm. Nếu tàu lặn và di chuyển trong lòng nước, thì lúc đó hoàn toàn an toàn, bởi theo tôi biết dưới đáy sông đáy biển thì chỉ có mỗi ông Hòa. Còn lúc tàu muốn nổi lên chỉ cần thả một dây phao báo hiệu, tàu cảnh báo sẽ tới đó để cảnh báo tàu thuyền xung quanh.”
Xung quanh vấn đề hệ thống không khí tuần hoàn AIP, ông Bình vẫn nhận định đây là một hệ thống phức tạp và nguy hiểm. Theo ông, cứ thử trong buồng kín cho chắc chắn, còn nếu lặn xuống thử nghiệm AIP mà không lên được, hoặc có vấn đề sự cố gì, thì khi đó ông Hòa phải tự chịu trách nhiệm cho con tàu đó và sinh mạng của ông.
“Đấy là về công đoạn thử nghiệm. Còn để kiểm định con tàu này, công việc của Trường Sa vẫn còn dài, và cần phải có một hội động khoa học chuyên môn. Việc làm phức tạp hóa vấn đề chỉ mang lại những ý kiến xấu trong dư luận về việc các cơ quan quản lý của Việt Nam yếu kém.” – Ông Đỗ Thái Bình nhận định.
Kỹ sư Bình cho rằng: “Đây chỉ là trò chơi thôi, các quốc gia họ coi trọng khoa học, họ nghĩ giải quyết việc này đơn giản lắm, vì sao Việt Nam cứ phải làm phức tạp tình hình như vậy?”
Kỹ sư Đỗ Thái Bình cho biết thêm, riêng việc lặn nổi một cách thăng bằng, nhịp nhàng, di chuyển dễ dàng dưới nước đã là những bước tiến đáng hoan nghênh của ông Nguyễn Quốc Hòa.
Để tôi thử nghiệm với ông Hòa!
Cùng chung quan điểm với kỹ sư Đỗ Thái Bình, tiến sĩ vật lý Nguyễn Văn Khải, người đã từng về tận nơi sản xuất để tham quan chiếc tàu ngầm Trường Sa của ông Nguyễn Quốc Hòa cho biết:
“Để thử nghiệm con tàu này rất đơn giản, hãy để ông Hòa làm những bước tiếp theo. Chúng ta đừng vội quan niệm nó là thứ để mang đi chiến đấu, hoặc bơi ra Hoàng Sa, Trường Sa gì cả, đây mới chỉ là phiên bản đầu tiên, hãy quan niệm nó là một cái tàu biết chìm xuống nước sẽ đơn giản hơn nhiều.”
Tiến sĩ Khải hài hước phân tích: “Nếu tàu nổi thì nó chẳng khác gì cái ghe, cái đò, cái ca-nô. Chúng ta kiểm định được những phương tiện đó, có quy chuẩn chất lượng cho những phương tiện đó thì sao không mang ra mà áp dụng với con tàu này? Còn nếu tàu lặn, ở dưới nước có ai nhỉ? Khi nào sản xuất hàng loạt, người ta đi tàu ngầm của ông Hòa như đi ô tô thì mới cần phải có luật giao thông tàu ngầm chứ.”
Còn nếu như lo sợ cho việc ông Hòa bị ảnh hưởng tới sinh mạng, Tiến sĩ Khải nhận định: “Qua quan sát từng lần thử nghiệm, từ thử AIP trong buồng kín, đến thử trong bể, và ra hồ tập lái… tôi thấy ông Hòa là người cẩn trọng. Ông không đi vội mà từng bước từng bước chắc chắn. Theo tôi không có vấn đề gì với con tàu này. Đặc biệt khi ra biển, càng sâu dưới mặt nước thì tác động của sóng càng nhỏ. Nếu được tôi cũng xin ngồi vào cùng lái với ông Hòa, mang cái mạng tôi ra mà đảm bảo.”