Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 14 tháng 7, 2015

“Trung Quốc có thể kéo cả thế giới rơi vào suy thoái”

Nếu tình trạng suy giảm kinh tế của Trung Quốc tiếp diễn trong những năm tới sẽ kéo tốc độ phát triển kinh tế toàn cầu xuống dưới 2% - ngưỡng tương đương với suy thoái.
  • “Trung Quốc có thể kéo cả thế giới rơi vào suy thoái”

Quên đi tất cả các loại giày dép, đồ chơi và nhiều mặt hàng xuất khẩu khác. Trung Quốc sẽ sớm mang đến “một sản vật” mới cho thế giới đó là SUY THOÁI.
Đây là dự đoán của Ruchir Sharma – chủ tịch khối thị trường mới nổi tại công ty quản lý đầu tư Morgan Stanley – người cho rằng nếu tình trạng suy giảm của Trung Quốc tiếp diễn trong những năm tới sẽ kéo tốc độ phát triển kinh tế toàn cầu xuống dưới 2% - ngưỡng tương đương với suy thoái. Có lẽ đây sẽ là tình trạng sụt giảm toàn cầu đầu tiên trong 50 năm qua mà không có “đóng góp” của Mỹ.
Thảm họa suy thoái toàn cầu tiếp theo sẽ được tạo ra do Trung Quốc”, Sharma – người đang quản lý hơn 25 tỷ USD nói trong một bài phỏng vấn với tờ Bloomberg tại New York. “Khoảng 2 năm tới đây, Trung Quốc có thể là nguồn cơn gây tổn thương lớn nhất cho kinh tế toàn cầu”.
Trong khi tốc độ phát triển của Trung Quốc chậm lại, sự ảnh hưởng của quốc gia này ngày một tăng lên khi họ trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Trung Quốc chiếm 38% tốc độ phát triển toàn cầu vào năm ngoái, tăng 23% so với năm 2010 theo đánh giá của Morgan Stanley. Họ là nhà nhập khẩu lớn nhất thế giới về đồng, nhôm, cotton và là đối tác thương mại lớn nhất của các quốc gia như Brazil và Nam Phi.
Quỹ tiền tệ quốc tế IMF vào tuần trước đã cắt giảm dự báo tốc độ phát triển toàn cầu trong năm nay xuống còn 3,3%, giảm so với dự đoán 3,5% vào tháng 4. Trong khi đó, dự đoán của IMF với Trung Quốc vẫn ở mức 6,8%, mức thấp nhất kể từ năm 1990 và tuyên bố quốc gia này đang gặp nhiều khó khăn trong việc tìm ra một mô hình phát triển mới và vì vậy gây rủi ro cho đà hồi phục toàn cầu.
Mặt khác, kinh tế Trung Quốc cũng tiếp tục bị chậm lại khi đất nước này khó khăn trong việc giảm nợ. Chính vì vậy, việc giảm thêm 2% là đủ khiến thế giới rơi vào suy thoái. Điều đáng nói là, hầu hết những cuộc suy thoái trước đó của thế giới đều xảy ra cùng lúc với sự giảm sút của nền kinh tế Mỹ.
Danh muc thị trường mới nổi giao dịch tại Mỹ trị giá 1 tỷ USD của Sharma đã mang về 2,71% mỗi năm trong 5 năm qua. Sharma nói rằng ông tránh xa chứng khoán Trung Quốcvà những quốc gia phụ thuộc vào tốc độ phát triển của nước này bao gồm cả Brazil, Nga và Hàn Quốc. Ông thích những công ty tại châu Âu và những quốc gia nhỏ ở châu Á như Philippines, Việt Nam và Pakistan.
Thị trường chứng khoán 6,8 nghìn tỷ USD của Trung Quốc đã khiến các nhà đầu tư toàn cầu đau đầu trong suốt những tuần qua sau khi tuột dốc không phanh.
Chỉ số Shanghai Composite đã giảm hơn 30% trong 4 tuần tính đến 8/6, thổi bay toàn bộ 4 nghìn tỷ USD giá trị thị trường. Sự can thiệp chưa từng xảy ra trước đó của chính phủ đã không thể lấy lại niềm tin của các nhà đầu tư cho đến tuần trước khi các nhà chức trách cấm các đổ đông lớn bán ra trong 6 tháng và cho phép hơn 1 nửa công ty niêm yết tạm ngừng giao dịch.
Thị trường sụp đổ là một thử thách lớn với sự tin tưởng trong dài hạn của một vài nhà đầu tư về khả năng chống đỡ nền kinh tế cũng như thị trường của các nhà chức trách Trung Quốc. “Lần đầu tiên, những gì xảy ra tại Trung Quốc tuần trước đã làm dấy lên mối lo ngại về vấn đề này, đã có một vài dấu hiệu cho thấy sự mất kiểm soát. Tình trạng đổ vỡ niềm tin sẽ còn kéo dài trong một khoảng thời gian nữa”, Sharma nói.
Phương Linh
Theo Trí Thức Trẻ/Bloomberg

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Hà Nội: Cháy dữ dội tại Đại lộ Thăng Long


Dân trí Những công nhân đang làm cỏ tại dải phân cách trên Đại lộ Thăng Long (Hà Nội) bất ngờ nhìn thấy khói và lửa bốc lên nghi ngút, kèm mùi khó chịu nồng nặc từ một lỗ hổng của đường ống nước thải cắt ngang qua đại lộ. Đám cháy được dập tắt sau 3 tiếng, nhưng rồi khói lại bất ngờ bốc lên nghi ngút...


Theo quan sát của phóng viên Dân trí tại hiện trường, sau một khoảng thời gian đám cháy được dập tắt, đến 19h30 ngọn lửa lại bùng phát trở lại làm khói bốc lên nghi ngút. Đến 20h10, về cơ bản các lực lượng chức năng đã khống chế được đám cháy. 
Tuy nhiên, 2 xe chữa cháy cùng 2 xe bồn vẫn túc trực tại hiện trường trong trạng thái sẵn sàng. 
Hà Nội: Cháy dữ dội tại Đại lộ Thăng Long
Khói bốc lên nghi ngút tại Đại lộ Thăng Long
Vụ cháy trên xảy ra vào khoảng 15h chiều nay (14/7), tại km12 trên Đại lộ Thăng Long, đoạn qua địa bàn huyện Hoài Đức - Hà Nội.
Trao đổi với PV Dân trí ngay tại hiện trường vụ việc, bà Phan Thị Thế (43 tuổi, ở Quốc Oai – Hà Nội) cho biết: “Khoảng 15h chiều nay, chúng tôi đang làm cỏ tại đây thì bất ngờ nhìn thấy khói lửa bốc lên nghi ngút từ miệng cống nước thải ở giữa dải phân cách này. Sau đó, khói lửa tiếp tục bốc lên ở 2 đường thoát của ống nước thải phía 2 bên đường. Mùi khó chịu bốc lên nồng nặc. Một lúc sau thì có xe chữa cháy đến bơm nước để dập lửa, nhưng mãi mới dập được”.
Bà Thế cho biết thêm, ngay từ sáng sớm nay (14/7), nhóm công nhân làm cùng bà tại vị trí nói trên đã ngửi thấy mùi khét, khó thở. Bà Thế phán đoán đám cháy trên là do ai đó đổ hóa chất hoặc dầu thải xuống đường ống, khi gặp nguồn nhiệt nào đó rồi bốc cháy dữ dội.
Theo quan sát của phóng viên, xung quanh vị trí miệng và đường dẫn của ống nước thải ở 2 bên đường cỏ cây đều bị cháy rụi; phía dưới đường ống có rất nhiều chất dạng lỏng nghi là hóa chất hoặc dầu thải. Đến 18h cùng ngày, lực lượng chức năng đã cơ bản dập tắt được ngọn lửa, nhưng khói vẫn bốc lên âm ỉ.
Lửa bất ngờ bốc cháy dữ dội từ vị trí giữa dải phân cách trên Đại lộ Thăng Long
Lửa bất ngờ bốc cháy dữ dội từ vị trí giữa dải phân cách trên Đại lộ Thăng Long
Dùng xe bồn để dập lửa
Dùng xe bồn để dập lửa
Dùng xe bồn để dập lửa

Dùng xe bồn để dập lửa

Dùng xe bồn để dập lửa
Dùng xe bồn để dập lửa
Còn rất nhiêu dung dịch dạng lỏng, nghi là hóa chất hoặc dầu thải
Còn rất nhiêu dung dịch dạng lỏng, nghi là hóa chất hoặc dầu thải
Xung quanh cỏ cây bị cháy rụi

Xung quanh cỏ cây bị cháy rụi
Xung quanh cỏ cây bị cháy rụi
Công nhân phải tránh xa khu vực cháy vì mùi khó thở bốc lên nồng nặc
Công nhân phải tránh xa khu vực cháy vì mùi khó thở bốc lên nồng nặc
Hiện đơn vị liên quan đang điều tra, làm rõ vụ việc.
Nguyễn Dương
(nguyenduong@dantri.com.vn)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

NÓNG RUỘT


Biển Đông im ắng quá
Phùng đại tướng vẫn chưa về
hai thanh niên có nguy cơ chết trẻ
mặc cho dư luận ầm ào thêm chứng cứ ngoài kia!
Trăng hạ tuần như rỉ máu
đường chân trời nứt toác đen ngòm
mặt trời kia như kẻ không hồn
cứ phả xuống thế gian hoài u ám!
Ta rỗi nhàn mà lận đận
với bao ý nghĩ không đầu...
Bao đêm rồi giấc ngủ chạy đi đâu
Những cái máy cạp xúc đất vẫn há miệng chờ cưỡng chế
Những công trình hàng nghìn tỉ
vẫn bỏ hoang cho cỏ dại cho cỏ dại mọc đầy
Và hình ảnh con đường hóa ruộng đồng cứ phảng phất đâu đây...!
Ai có thuốc an thần cho xin tí
may ra hết lú chuyện bao đồng..
Ta muốn hái một mùa vàng thơm thảo 
 Mà nghe chừng.. 
mùa không 
vẫn không?


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Nước ta thật lắm người tài! và không ít nhân tai!


Bùi An

TNO - Tôi có thể tự tin khẳng định với các bạn rằng, ‘nước ta thật lắm người tài’. Bạn đừng ngạc nhiên khi ở đất nước này ‘ra ngõ là gặp anh hùng’. Và ngay cả tôi, nói một cách khiêm tốn, tôi cũng là một người tài.
Cách đây hơn trăm năm, từ sau những cuộc cách mạng công nghiệp làm thay đổi thế giới, nhân loại biết đến “chuyên môn hóa sản xuất”, tức là người nào làm việc đó, hãy làm giỏi việc của mình, vặn ốc thì hãy vặn ốc cho giỏi và làm tốt hơn những người không biết vặn ốc. Nhưng đôi khi người vặn ốc không chỉ thích nói chuyện vặn ốc.

Những người tài “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, giữa thấu nhân tâm” luôn luôn xuất hiện đúng lúc và kịp thời để bàn luận về những chuyện họ rành và cảm thấy rành. Tôi luôn ngưỡng mộ giáo sư dạy sử bàn về đường sắt trên cao, hay là đạo diễn phim nói về phong thủy của con tàu. Tôi chuyển từ ngạc nhiên sang khâm phục khi giáo sư dạy toán nói về môi trường và cây xanh trong đôi thị.
Ở những nước phát triển, có những chuyên gia mà để xin ý kiến của họ, phải tốn tiền và tiền tính theo giờ hoặc nội dung của vấn đề cần xin ý kiến. Nhưng ở nước ta, do có quá nhiều người tài nên chỉ cần có một sự việc xảy ra, một vấn đề nóng hổi là ùn ùn lên báo phát biểu. Đừng ngạc nhiên khi bạn nhìn thấy một luật sư chuyên về hôn nhân gia đình đăng đàn phát biểu về án cướp của giết người. Không phải họ muốn mọi người nhớ tên đâu mà là do họ giỏi cả những chuyện không phải chuyên môn nên muốn giúp đỡ thôi. Những người tài ở Việt Nam không chỉ can đảm mà còn hào phóng.
“Ăn khoai lang nói chuyện thế giới”, ngồi uống cafe mà ta hoảng sợ trước những “chuyên gia” bình luận chính trị xã hội. Lên facebook, thấy choáng ngợp trước những cuộc tranh cãi nảy lửa của rất nhiều “chuyên gia” mà chuyện gì cũng biết, cái gì cũng giỏi. Thật vui mừng khi nước ta có nhiều người tài đến vậy. Tất cả những người tài đều đang vận dụng uyển chuyển lời dặn của người xưa, “biết thì thưa thốt”, biết thì phải nói, không nói làm sao ai biết là mình biết.
Những người tài có khi nào “lỡ miệng” không? Có chứ, giáo sư dạy sử khi nói về đường sắt trên cao mà không Goolge thì cũng chẳng khác nào “trai thẳng” nói về suy nghĩ của “trai cong”, thẳng chỗ nào, cong chỗ nào người ngoài há có thể nhìn mà hiểu được. Nhưng không sao, đã là người tài thì ta cứ phát biểu, sợ gì.
Lắm lúc thiên hạ bật cười với các người tài vì “bút sa gà chết” và “sai một ly đi một dặm” và ít khi ta thấy họ đính chính hay sửa lỗi. Câu châm ngôn “im lặng là vàng” luôn được áp dụng triệt để, nói đúng thì quá tốt, lỡ nói sai thì thôi “khó quá bỏ qua”, đợi lần sau phát biểu chuyện khác, hy vọng sẽ đúng hơn lần trước.
Còn các bạn thì sao? Các bạn có phải người tài không, nếu là người tài (hoặc tự nghĩ vậy) thì hãy nhanh chóng lên tiếng đi, hãy cầm mic, gõ bàn phím, cầm chuột, cầm mọi thứ lên và “xông pha trận mạc” trên khắp chốn, ở mọi lĩnh vực, hãy “chiến đấu” cuồng nhiệt và hăng say. Càng có nhiều người tài xuất hiện thì nước ta sẽ nhanh chóng hóa rồng, sánh vai với các cường quốc năm châu, hãy tin tưởng nhiệt thành vào điều đó!

Phần nhận xét hiển thị trên trang

TPP còn là một bảo đảm an ninh cho Việt Nam


Nhân chuyến thăm Hoa Kỳ bắt đầu từ ngày mai 06/07/2015 của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Hiệp định tự do thương mại Đối tác Xuyên Thái Bình Dương đang trong tiến trình đúc kết là một chủ đề thảo luận quan trọng. Chính ông Nguyễn Phú Trọng đã xác nhận với giới báo chí rằng hiệp định gọi tắt là TPP này là một trong những điểm ưu tiên trong chương trình nghị sự của ông tại Mỹ.
Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp cựu Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton trước khi lên đường công du Hoa Kỳ. Ngày 03/07/2015. REUTERS/Tri Dung/VNA ATTENTION EDITORS

Phải nói là quan hệ thương mại Việt Mỹ là một yếu tố rất quan trọng trong quan hệ song phương, với trị giá trao đổi từ vỏn vẹn 500 triệu đô la năm 1995, tăng vọt lên thành 35 tỉ đô la vào năm ngoái. Việt Nam đã vượt qua Malaysia và Thái Lan trong danh sách các nước xuất khẩu hàng đầu ở khu vực Đông Nam Á qua Hoa Kỳ. Trả lời hãng tin Mỹ Bloomberg, ông Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh đến sự kiện Việt Nam đang rất nỗ lực để đúc kết vòng đàm phán TPP trong thời hạn sớm nhất.

Theo giáo sư Ngô Vĩnh Long, trường Đại học Maine, Hoa Kỳ, ưu tiên mà ông Nguyễn Phú Trọng dành cho TPP trong chuyến công du lần này là một điều rất tích cực, vì ngoài ý nghĩa kinh tế, hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương còn là một bảo đảm an ninh cho Việt Nam. Trả lời Ban Việt ngữ RFI, giáo sư Long giải thích :

« Ông Nguyễn Phú Trọng đặc biệt thúc đẩy Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương. Đây mới chính là vấn đề quan trọng. Bởi vì nếu hiệp định này được thông qua, mà Mỹ là nước quan trọng nhất và mạnh nhất trong 12 quốc gia tham gia, thì Việt Nam sẽ được lợi rất nhiều. Các nước khác cũng sẽ cùng với Mỹ ủng hộ Việt Nam.

Hiệp định này không chỉ bao hàm vấn đề đối tác kinh tế, mà gần như là toàn diện, bởi vì vấn đề bảo vệ an ninh chung cho toàn khu vực và cho 12 nước thành viên an ninh trong hiệp định rất quan trọng. Ngoài vấn đề an ninh, (còn có) các vấn đề khác như bảo vệ quyền con người, bảo vệ công nhân….

Do đó, nếu hiệp định này được thông qua, nó sẽ giúp thúc đẩy quan hệ Mỹ - Việt, cũng như quan hệ của Việt Nam với các nước khác. Tôi nghĩ tuyên bố của ông Trọng với báo chí (về TPP) trước khi ông đi là rất đúng hướng ».

Trọng Nghĩa

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Châu chấu đá xe


Lê Phan - Đó là câu chuyện đã bắt đầu ở Tòa trọng tài thường trực của Liên Hiệp Quốc ở La Haye hôm Thứ Ba tuần này. Hay ít nhất nó cũng là một câu chuyện như vậy nếu xe chịu ra hầu tòa. Hẳn chúng ta còn không ai quên được câu nói bất hủ hồi năm 2010 của người lúc đó là ngoại trưởng Trung quốc, ông Dương Khiết Trì, khi ông tuyên bố với các nước láng giềng đang lo ngại “Trung Quốc là nước lớn, các quốc gia khác là những nước nhỏ, và đó là một sự kiện hiển nhiên.”
 photo map5pb.jpg
Nhưng khi đi kiện ở tòa án thì nhiều khi châu chấu có thể đá được xe. Năm vị thẩm phán của tòa trọng tài sẽ quyết định về vụ Philippines với Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, theo Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) mà cả hai quốc gia đều đã ký.

Cũng tội nghiệp cho Philippines. Họ là một nước nghèo và kiện ra tòa rẻ hơn là xây dựng quân đội để đối phó, và nó cũng cho họ một sân chơi công bằng hơn cho Philippines nhỏ bé chống lại nước láng giềng khổng lồ lại thích ăn hiếp.

Manila không thể kiện về chủ quyền ở Tòa An Quốc Tế nếu Trung Quốc không đồng ý. Nhưng họ có thể đưa ra để yêu cầu tòa trọng tài cứu xét theo thủ tục áp dụng Luật Biển UNCLOS ngay cả nếu Trung Quốc không chịu tham gia.

Bắc Kinh dĩ nhiên từ chối tham gia, chỉ cho thấy sự hiện diện của họ qua một văn bản phổ biến khơi khơi ở Liên Hiệp Quốc, thách thức thẩm quyền tài phán của tòa. Thực ra điều Bắc Kinh muốn là câu giờ.

Những vụ kiện này thực sự cần rất nhiều thời gian. Vụ kiện này đã được Philippines đưa ra cách đây hai năm rưỡi để khẳng định quyền của họ được khai thác trong khu vực 200 hải lý thuộc vùng đặc quyền kinh tế của họ. Nhưng trong 18 tháng nay, Trung Quốc đã tìm cách tạo một thực tế tại hiện trường, lấp biển để tạo nên khoảng 2,000 mẫu Anh đất đai trên vùng Biển Đông, một hành động đã khiến một vị đô đốc Hoa Kỳ diễn tả là họ đã lập “Một bức Vạn Lý Trường Thành bằng cát.”

Mục đích có vẻ như là để buộc các đối thủ như Philippines phải chấp nhận những điều kiện mới. Nhưng có điều công cuộc xây dựng này không có căn bản pháp lý. Công Ước Luật Biển nói là không thể xây dựng chủ quyền bằng cát hay bằng bất cứ cái gì khác. Bức Vạn Lý Trường Thành bằng cát có lẽ cũng chả ích lợi gì như bức Vạn Lý Trường Thành bằng đất trên bộ.

Phán quyết của tòa án ở La Haye tuy vậy có tính ép buộc về phương diện pháp lý nhưng vì Liên Hiệp Quốc không có một lực lượng cảnh sát nên không có ai áp đặt việc thực thi cả.

Có điều Bắc Kinh thường lớn tiếng tuyên bố mình là một thành viên có trách nhiệm của Liên Hiệp Quốc và tuy họ có thể lớn lối nói là không công nhận thẩm quyền của tòa, nhưng một phán quyết bất thuận lợi cũng là một đòn ngoại giao và chính trị đáng kể. Vả lại nó có thể đưa ra một tiền lệ đáng lo, có thể thúc đẩy những quốc gia khác cũng có tranh chấp lãnh thổ đi theo con đường của Philippines. Việt Nam chẳng hạn có thể bạo dạn hơn chăng?

Thành ra ở La Haye, Trung Cộng đang ở trong thế thủ. Nhưng nói chung, Bắc Kinh đang chơi trò tấn công ở Biển Đông. Nó tuy vậy là một cuộc tấn công theo một nhịp điệu chiến lược tiến rồi lùi và bao trùm là một sự mập mờ chiến thuật.

Sự mập mờ đó nhiều khi thực sự là vô cùng đáng sợ. Trước hết, họ chưa bao giờ nói cho rõ thực sự vùng lãnh thổ của họ là ở đâu. Cái đường chín đoạn vốn đang xuất hiện trên các bản đồ của Trung Quốc bao gồm hầu như trọn vẹn Biển Đông không có tọa độ. Thành ra muốn diễn dịch sao cũng được.

Bắc Kinh cũng chưa bao giờ giải thích căn bản pháp lý cho các bản đồ của họ. Họ cũng không giải thích là liệu họ có thấy Biển Đông như là một trong những “quyền lợi cốt lõi” tương đương với Đài Loan hay Tây Tạng, nơi họ không chấp nhận bất cứ một sự chống đối nào hay không.

Mới đây Bắc KInh đã loan báo là họ đã hoàn tất việc lấn biển tạo nên khoảng bảy hòn đảo nhân tạo trong khu vực Quần đảo mà họ gọi là Nam Sa, quốc tế gọi là Spratly, Việt Nam chúng ta gọi là Trường Sa. Đây là một quần đảo mà Việt Nam dành trọn chủ quyền, trong khi Philippines, Malaysia và Brunei đều dành một phần. Đài Loan thì không kể vì Đài Loan đã bị Trung Quốc coi chỉ là một tỉnh phản loạn. Họ bảo nay họ sẽ xây dựng những cơ sở bao gồm cả cho mục đích nhân đạo và môi trường cũng như là quân sự.

Có điều họ quên không nói rõ là trong trường hợp nào các quốc gia khác có thể sử dụng những cơ sở này. Chẳng hạn như, liệu có phải công nhận chủ quyền của Trung Quốc để sử dụng hay không?

Một vị đô đốc Trung Quốc mới đây đã tuyên bố tại một hội nghị an ninh vùng là việc xây dựng trên Quần đảo Trường Sa là “biện minh được, chính đáng và hữu lý.” Nhưng đó là một khẳng định dựng đứng với không có bằng chứng gì để bênh vực cả, và cũng không có một cố gắng gì để trấn an các quốc gia láng giềng chứ đừng nói thế giới, về cách nào mà quyền lợi của chung có thể được bảo đảm bằng cách chấp nhận một trong những hải lộ quan trọng nhất của thế giới, với khoảng 5 ngàn tỷ đô la mậu dịch thông qua hàng năm, nay đã trở thành một cái hồ của Trung Quốc.

Như một nhà quan sát Hoa Kỳ đã ghi nhận, “Chỉ có Trung Quốc mới có thể bao vây được Trung Quốc,” và họ đã thực hiện tốt điều đó, đẩy các quốc gia láng giềng lo sợ đi tìm một sự bảo bọc an toàn hơn từ Hoa Kỳ qua một sự gia tăng các cuộc tập trận và trợ giúp quân sự.

Chính sách Biển Hoa Nam của Trung Quốc hiện nay cũng sẽ không giúp gì cho những dự án đầy tham vọng khác của Bắc Kinh. Dự án “Một vòng đai, một con đường” chẳng hạn, mà qua đó Bắc Kinh muốn gói Đông Nam Á vào vòng tay ôm ấp của Trung Quốc. Bắc Kinh bảo với các quốc gia láng giềng đây là một tương lai chung. Nhưng liệu vấn đề Biển Đông có làm cho các quốc gia láng giềng nghĩ lại hay không? Sự đối xử của Bắc Kinh đối với Philippines nhỏ bé hẳn đã làm nhiều quốc gia nhỏ bé láng giềng trên bộ khác chột dạ. Liệu có thực Trung Quốc muốn chia sẻ vận mạng chung hay chỉ muốn biến tất cả mọi lân bang thành chư hầu trong giấc mơ Đại Hán.

Chủ Tịch Tập Cận Bình, khi nói về hợp tác an ninh Á Châu đã đưa ra bốn nguyên tắc: tôn trọng bình đẳng, hợp tác lưỡng lợi, theo đuổi an ninh chung, và bao gồm. Và Thủ Tướng Lý Khắc Cường mới đây còn nói là Trung Quốc biết họ được hưởng lợi lớn trong trật tự thế giới hiện nay. Vậy tai sao phá hoại nó? Nhưng khi nói đến vùng biển mà họ gọi là Hoa Nam, Trung Quốc có vẻ sẵn sàng bất chấp mọi sự vì một số tảng đá không người.

Bởi cuộc tranh chấp về Biển Đông là cuộc tranh chấp về lãnh thổ và chủ quyền trên biển cả và trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, vốn đã có nhiều quốc gia khác cũng khẳng định chủ quyền. Cùng với vài hòn đảo thực sự, còn có vài chục những mỏm đá, bãi cạn, và rặng san hô, như là bãi Scarborough.

Trung Quốc đã dành phần lớn lãnh thổ, một khu vực ấn định bởi “đường chín đoạn” vốn trải cả ngàn dặm về phía nam và phía đông của tỉnh cực nam nhất của họ là Hải Nam. Bắc Kinh bảo họ có chủ quyền từ nhiều thế kỷ nay. Việt Nam chúng ta có bằng cớ lịch sử cũng nhiều thế kỷ nay. Những quốc gia dành chủ quyền khác như Philippines chẳng hạn, đưa ra việc gần cận địa lý với quần đảo Trường Sa làm căn bản chính cho khẳng định đó. 

Malaysia và Brunei cũng dành chủ quyền một số lãnh thổ mà họ nói nằm trong khu vực đặc quyền kinh tế của họ, theo định nghĩa của UNCLOS. Brunei không đòi hòn đảo nào, nhưng Malaysia đòi một số hòn đảo nhỏ ở Trường Sa.

Vấn đề đã phức tạp hơn khi Bắc Kinh có vẻ đã còn tìm cách làm hài lòng dân chúng của mình. Mới đây Ngoại trưởng Vương Nghị đã nói là rút lui khỏi những khẳng định chủ quyền ở Biển Đông sẽ “hổ thẹn với thế hệ mai sau.”

Trong khi đó, những cuộc thăm dò dư luận ở Trung Quốc cho thấy dân chúng của họ đang có cảm tưởng là cán cân quân sự đã về tay Trung Quốc. Trong một cuộc thăm dò, gần ba phần tư những người được hỏi cảm thấy là Trung Quốc sẽ chiếm thế thượng phong ở bất cứ một cuộc chiến nào ở Biển Hoa Nam, ngay cả khi Hải quân Hoa Kỳ can thiệp.

Nhưng nếu họ chịu đọc lại lịch sử của chính họ thì trước cuộc Chiến Tranh Trung Nhật, họ cũng cứ tưởng là mình sẽ thắng, để rồi tiêu tan cả lực lượng hải quân trước họng súng của hải quân Nhật Bản. Mà 70 năm sau khi quân đội đế quốc Nhật bị đẩy ra khỏi Biển Đông, nay họ đã trở lại, cung cấp tàu bè cho Philippines và Việt Nam và tập trận với Philippines. Phải chăng hành động hiện nay của Bắc Kinh đang là cú sút vào khung thành của chính mình.

Bắc Kinh đã tuyên bố vụ xử của tòa Trọng tài ở La Haye là “một sự khiêu khích chính trị che dấu bằng luật pháp để tìm cách từ chối chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Hoa Nam.” Ở một khía cạnh nào đó, quả là vậy. Con châu chấu Philippines đang là một trở ngại cho cỗ xe của tham vọng biến Biển Đông thành một cái hồ của Trung Quốc.


http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=210165&zoneid=97#.VaSCmF-qqko

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Hội nhà văn VN đang bị thao túng bởi nhóm lợi ích ?



NHÀ THƠ VIỆT PHƯƠNG: VĂN HỌC VIỆT NAM LẸT ĐẸT NHƯ BÂY GIỜ CŨNG KHÔNG CÓ GÌ LẠ

Là nhà thơ, ông có quan tâm đến Đại hội Hội nhà văn VN vừa diễn ra không?
Việt Phương: Đại hội Hội nhà văn VN nhiệm kỳ này diễn ra trong ba ngày, tôi đến chỉ có hai tiếng rồi về, nhưng cảm nhận của tôi là không vui. Không vui vì nó không mang lại cho tôi niềm tin, ngay cả niềm hy vọng vào tương lai của Hội nhà văn cũng như sự phát triển của văn học, tôi cũng không cảm nhận được. Cái mà tôi cảm thấy, là một tương lai bất định của nền văn học Việt Nam, trong hoàn cảnh cũng không mấy dễ dàng của đất nước.

Điều gì khiến ông bi quan như thế?
Việt Phương: Bi quan vì các thành viên được bầu trong Ban chấp hành Hội nhà văn kỳ này nhiều tuổi quá, và cũng không mới nhiều. Và đó không chỉ là vấn đề của riêng Hội nhà văn mà của cả đất nước này. Chúng ta đang vướng phải câu chuyện 3T: Chữ T đầu tiên là “tâm”, chữ T thứ hai là “tầm”, chữ T thứ ba là “tuổi”.
Trong Ban chấp hành Hội nhà văn khóa trước, người duy nhất dưới 50 tuổi là nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ (sinh năm 1966), người nhiều tuổi nhất là nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Hội nhà văn Vn ( sinh năm 1942). Năm nay nhà thơ Hữu Thỉnh đã 73 tuổi. Với việc trúng cử chức Chủ tịch 4 lần liên tiếp, ông Hữu Thỉnh sẽ làm Chủ tịch Hội nhà văn VN cho đến năm 78 tuổi. Tôi thấy thế là già quá, phần nào hạn chế cho sự phát triển của văn học nước nhà.
Như ông Bí thư Nguyễn Sự của Hội An chưa đến tuổi về hưu và hết lòng được dân xứ Hội yêu thương, kính trọng nhưng đã chủ động viết đơn xin nghỉ hưu sớm. Bởi ông nhận thức được nếu “cây tre già” như ông cứ mãi ngồi đó, thì “măng non” sẽ không bao giờ mọc lên được. Tôi thấy ông ấy nghĩ đúng đấy!
Việc Ban chấp hành Hội nhà văn VN chủ yếu là những người cao tuổi cả, khiến tôi buồn lắm. Nếu lớp già cứ ngồi đó, sẽ hạn chế sự phát triển của lớp trẻ - những người ở độ tuổi 30-45 đang ở độ chin, đang giàu sức sáng tạo, đầy tâm huyết, táo bạo và đầy đổi mới. Bao nhiêu trí thức kỳ cựu trên thế giới từng nói rồi: Thế giới này, thời đại này thuộc về thế hệ ấy. Cả thế giới đã nhận ra điều đó bao năm qua. Ở những quốc gia phát triển nhất, nhiệm kỳ Tổng thống của họ cũng chỉ là hai nhiệm kỳ. Bởi họ hiểu, người làm lãnh đạo hai nhiệm kỳ đã cho hết những cái mà anh ta có thể cho rồi.
Tôi cũng buồn vì một nhẽ, nhìn đâu đó trong cơ cấu tổ chức của Hội nhà văn có biểu hiện của những nhóm lợi ích, mà ở đó, họ nâng nhau lên, cùng nhau chia sẻ lợi ích và quyền lực, chứ không phải hoàn toàn vì sự phát triển chung của văn học.
Nền văn học của chúng ta bây giờ lẽ ra phải là một nền văn học đầy sức trẻ, một nền văn học của ngày mai, một nền văn học hướng tới tương lai, thì giờ đây đang cũ kỹ và nhiễu loạn hơn bao giờ hết, khi phần lớn chỉ quan tâm đến chuyện không đâu vào đâu, hơn là hướng tâm hồn mình vào việc sáng tác thi ca.

Ông hình dung như thế nào, nếu như sau Đại hội Hội nhà văn VN khóa 9, một lớp nhà văn mới, trẻ hơn, giàu sức sáng tạo hơn, hiện đại hơn, trở thành lãnh đạo hội nhà văn?
Việt Phương: Nếu được, chắc chắn là hơn hầu hết những người đang lãnh đạo bây giờ. Họ sẽ thật hơn, thẳng thắn hơn, can đảm hơn với những gì đang diễn ra trong xã hội này. Nhưng nhìn vào kết quả cuộc bỏ phiếu là đã thấy chúng ta vẫn không có nhiều cơ hội cho lớp trẻ. Những người già bây giờ đang “dùng” lớp trẻ, nhưng chưa chịu đào tạo và phát huy khả năng của họ. Vì thế văn học Việt Nam lẹt đẹt và khủng hoảng như giai đoạn hiện nay, thiết nghĩ cũng không có gì là lạ!

Trích bài phỏng vấn của NGUYÊN THẢO – An Ninh Thế Giới Giữa Tháng 7-2015
Phần nhận xét hiển thị trên trang