Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 13 tháng 7, 2015

Trước năm 1990, nhiều năm liền đã gọi như vậy. Chỉ gần đây mới gọi chệch đi, không phải bây giờ là lần đầu gọi như vậy đâu nhà báo ợ!..

LẦN ĐẦU BÁO CHÍ VN GỌI ĐÍCH DANH KẺ THÙ TRUNG QUỐC XÂM LƯỢC

Tưởng niệm các liệt sĩ Vị Xuyên

Báo Tuổi trẻ
12/07/2015 09:03 GMT+7

TT - Sáng 11-7, hàng trăm cựu chiến binh thuộc sư đoàn 356 từng chiến đấu tại chiến trường Vị Xuyên đã tổ chức lễ thắp hương tưởng niệm, cầu siêu cho vong linh những liệt sĩ đã hi sinh trong chiến tranh biên giới phía Bắc.

 
Các cựu binh sư đoàn 356 tưởng niệm đồng đội trên điểm cao 468, nơi diễn ra trận đánh 
ác liệt ngày 12-7-1984 - Ảnh: Hà Hương

Ngày 12-7 hằng năm được sư đoàn 356 coi là ngày giỗ trận của sư đoàn, ngày cách đây 31 năm (12-7-1984), hơn 600 cán bộ chiến sĩ sư đoàn đã ngã xuống để giành lại các cao điểm 772, 685... trước quân xâm lược Trung Quốc.


Trên đài hương tưởng niệm đồng đội tại cao điểm 468, cựu binh Đỗ Quang Huy, thay mặt các đồng đội còn sống, chia sẻ: “Giờ đây, những đồng đội đã hi sinh trên các điểm cao, sườn đồi, hốc đá mà chưa tìm được để đưa về nghĩa trang Vị Xuyên. Chúng tôi là những người may mắn sống sót trong cuộc chiến bảo vệ biên cương Tổ quốc sẽ luôn làm tất cả những gì có thể để linh hồn đồng đội được yên nghỉ”.

Đại tá Nguyễn Đức Cam (nguyên sư đoàn phó, tham mưu trưởng sư đoàn 356) chia sẻ: “Mỗi năm trở lại Vị Xuyên, chúng tôi vui niềm vui của ngày gặp mặt, anh em vẫn còn khỏe mạnh để hội ngộ với nhau. Nhưng chẳng biết bao giờ có thể quy tập được đầy đủ hài cốt anh em về”.

Cuối tháng 4-1984, Trung Quốc dùng sức mạnh quân sự đánh vào biên giới tỉnh Hà Tuyên (tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang bây giờ) kéo dài hơn 100km, từ huyện Vị Xuyên, Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc mà huyện Vị Xuyên là chiến trường khốc liệt nhất.

Ngày 12-7-1984, ta mở chiến dịch trên toàn mặt trận nhằm lấy lại các cao điểm mà Trung Quốc xâm chiếm. Tham gia trận đánh có các sư đoàn 313, 314, 316, 356... Riêng sư đoàn 356 được chọn làm đơn vị chủ công đánh các điểm cao 1100, 772 685, 233, đồi cô X, 1509, 1030, 1250.

Ta đã lấy lại được những điểm then chốt nhưng trong chiến dịch này, khoảng 600 cán bộ chiến sĩ sư đoàn 356 hi sinh, 400 cán bộ chiến sĩ sư đoàn 316 và 312 cũng ngã xuống. Phần lớn hài cốt các liệt sĩ hi sinh trong trận đánh này đến nay vẫn chưa được tìm thấy và quy tập về nghĩa trang liệt sĩ.

Tối 11-7, tại nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên (Hà Giang), UBND huyện Vị Xuyên cùng lực lượng thanh niên tình nguyện, các cựu binh sư đoàn 356 đã thắp nến tri ân các liệt sĩ hi sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc.

Hà Hương

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Phiên tòa bí mật và bản án tù chung thân

Chu Vĩnh Khang thời còn oanh liệt
(Trong ảnh: 
Chu đang nói chuyện với Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo)

Rốt cục thì kẻ từng là “trùm luật pháp” Trung Quốc cũng phải đứng trước vành móng ngựa chịu sự phán xét của những người từng là thuộc hạ của ông ta.
Ngày 11/06/2015, cái loa số 1 của truyền thông quốc doanh Trung Quốc (Tân Hoa Xã) đột nhiên thông báo, Tòa án số 1 thành phố Thiên Tân Trung Quốc đã xét xử bí mật Chu Vĩnh Khang, nguyên ủy viên Thường vụ Bộ chính trị ĐCSTQ, chủ nhiệm Ủy ban Chính trị – Pháp luật của ĐCSTQ từ năm 2007 đến năm 2012, Bộ trưởng Công an… với bản án tù chung thân. Nghe được tin này, nhiều người Trung Quốc cũng như thế giới đều kinh ngạc về phiên tòa xét xử bí mật và bản án tù chung thân đối với kẻ từng bị khỏi tố các tội danh: nhận hối lộ, lợi dụng chức quyền và cố tình tiết lộ bí mật quốc gia.
Hãng thông tấn quốc doanh Tân Hoa Xã loan tin, Chu Vĩnh Khang thừa nhận 3 tội danh gồm hối lộ, lạm dụng quyền lực và tiết lộ bí mật quốc gia. Dư luận cho rằng vụ xét xử một trong những chính trị gia quyền lực nhất của Trung Quốc là dịp hiếm hoi, “trên nữa thế kỷ qua mới có một lần” để ĐCSTQ thể hiện hệ thống pháp luật của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa phát triển như thế nào? Tuy nhiên, Bắc Kinh đã chọn lối đi an toàn bằng một phiên tòa bí mật, thay vì chọn cách nhiều rủi ro tạo cho Chu Vĩnh Khang cơ hội “tung hê” hầu hết bí mật quốc gia.
South China Morning Post (SCMP), tờ báo tiếng Anh phát hành ở Hương Cảng, cũng loan tin, phiên tòa xét xử Chu Vĩnh Khang diễn ra trong ngày 22/05, mãi đến ngày 11/06, sau gần 3 tuần lễ, mới công bố thông tin và kết quả xét xử. Điều này đặt ra nhiều câu hỏi lớn đối với công luận: Liệu còn có bí mật gì phía sau quá trình xét xử này? Còn “thỏa thuận” nào khác trước khi tòa án đưa ra phán quyết cuối cùng?
Kết quả phiên tòa cũng là một bất ngờ lớn. Bản án chung thân dành cho họ Chu được đánh giá “quá nhẹ” so với những gì dư luận dự đoán. Không ít người sử dụng trang mạng xã hội Weibo đã bày tỏ ý kiến của mình đối với phiên tòa xét xử Chu Vĩnh Khang. Họ cho rằng lẽ ra đó là bản án tử hình thay vì tù chung thân.
Đài BBC trích dẫn lời phát biểu của một nhà bình luận ở Hương Cảng cho rằng bản án này khiến cho nhiều người kinh hoàng, bởi vì “nhẹ hơn rất nhiều so với những gì trước đây nhiều người suy nghĩ. Họ mong đợi ông Chu nhận bản án tử hình…”
Từ ngày thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (1949) tới nay, sau vụ án “Tứ nhân bang” (Nhóm Bốn người), gồm Giang Thanh, phu nhân của Mao Trạch Đông, Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên và Vương Hồng Văn, bị buộc tội có âm mưu tước đoạt quyền lãnh đạo đảng và chính quyền, gây ra chết chóc và tuyệt vọng trong suốt thời kỳ Cách mạng Văn hóa kéo dài trên một thập kỷ, đến lượt Chu Vĩnh Khang là người có địa vị cao nhất trong ĐCSTQ phải đứng trước vành móng ngựa. Phiên tòa xét xử “Tứ nhân bang” được phát sóng qua truyền hình với hơn 800 người bàng thính và hơn 300 nhà báo săn tin chụp hình. Trong khi đó phiên tòa xét xử Chu Vĩnh Khang lại không cho người ngoài cuộc biết, gần 3 tuần lễ sau Tân Hoa Xã mới thông báo “chuyện đã rồi”, càng khiến nhiều người kinh ngạc và bàn tán xôn xao.
Hãng tthông tấn Bloomberg nhận định, Trung Quốc tuyên án cựu Bộ trưởng Bộ Công an Chu Vĩnh Khang sau một phiên xét xử bí mật kéo dài một ngày cho thấy những hạn chế trong chiến dịch chống tham nhũng của nước này, cũng như lời hứa của Tập Cận Bình về tăng cường hiệu lực pháp luật của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Bản án có nhiều nghi vấn?
Qua hệ thống truyền thông quốc doanh, dân Trung Quốc được biết, trong bản án xét xử Chu Vĩnh Khang, can phạm chỉ nhận hối lộ từ Tưởng Mẫn Khiết, nguyên Chủ tịch Ủy ban Quản lý và Kiểm tra Tài sản Nhà nước Trung Quốc (The Management Committee and the State Property Inspection China – SASAC), Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (China National Petroleum Corporation – CNPC) hơn 700 ngàn Nhân dân tệ tính ra khoảng 100 ngàn Mỹ kim (phần dưới đều tính theo Nhân dân tệ), thông qua anh chị em ruột chỉ nhận hơn 120 triệu. Nếu so sánh với số tiền những cán bộ cao cấp dưới quyền Chu Vĩnh Khang nhận hối lộ thì ít hơn gấp trăm ngàn lần. So với quyền lực ông ta từng nắm giữ càng không thấm vào đâu. Bởi vậy nhiều người cho rằng bản án nêu ra con số này không khác gì đùa cỡn hay khinh thường trí tuệ của người dân. Cũng có người cho rằng Trung Cộng sợ nêu rõ số tiền Chu Vĩnh Khang nhận hối lộ, dân chúng biết được sẽ quá khiếp sợ và có thể gây ra nhiều rối loạn về mặt chính trị.
Thứ đến, trước đây Chu Vĩnh Khang từng bị khởi tố gây ra tai nạn giao thông giết người vợ đầu tiên là bà Vương Thục Hoa để kết hôn cùng người đẹp Giả Hiểu Diệp, biên tập viên của CCTV, nhỏ hơn ông ta 28 tuổi, nhưng bản án lần này không đả động đến. Quan trọng hơn nữa, trong phiên tòa xét xử ngày 22/05 cũng không hề nhắc đến họ Chu có âm mưu đảo chính, ngăn cản không cho Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường trở thành Chủ tịch ĐCSTQ và Thủ tướng chính phủ. Qua đó có thể thấy, tầng lớp lãnh đạo Trung Cộng không muốn làm to chuyện này để giữ kín những chuyện xấu xa trong nội bộ ĐCSTQ hay trong tầng lớp lãnh đạo đang “ngồi mát ăn bát vàng” ở Trung Nam Hải (nơi ở và làm việc của các lãnh đạo ĐCSTQ). Có thể đó là nguyên nhân khiến Chu Vĩnh Khang được miễn tội chết, phía ông ta thì chấp nhận lời phán quyết một cách vô điều kiện.
Dư luận về vụ án bí mật
Bình luận về kết quả bản án có nhiều nghi vấn và gây nhiều tranh cãi này, nhà sử học kiêm nhà văn, nhà bình luận chính trị Trương Lập Phàm (章立凡 – Zhang Lifan) ở Bắc Kinh cho rằng, nếu Chu Vĩnh Khang bị xét xử công khai, có thể còn gây ra nhiều chuyện khó lường hơn. Có thể Tập Cận Bình không muốn để Chu có cơ hội tiết lộ những bí mật của các quan chức cấp cao khác. Nếu có thêm bí mật bị bộc lộ, hình ảnh ĐCSTQ sẽ xấu đi giữa lúc chiến dịch chống tham nhũng bắt đầu tấn công vào tầng lớp quyền lực cao nhất. Ông nhận định: “Đây là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy chiến dịch “săn hổ lớn” của ông Tập gần tới hồi kết”.
Giáo sư Hoàng Kính (Huang Jing) thuộc Trường Chính sách Công cộng Lý Quang Diệu ở Tân Gia Ba cho rằng, Bắc Kinh không muốn kết án tử hình Chu Vĩnh Khang để ngăn không cho các quan chức tham nhũng và “đối thủ chính trị” can thiệp vào chiến dịch chống tham nhũng sâu rộng của Tập Cận Bình. Giáo sư Hoàng nói:
“Ông Chu là một ‘cuốn bách khoa sống’ về các quan chức hàng đầu khác. Nếu bị tử hình, những gì ông Chu biết sẽ bị đem theo xuống mồ”.
Sống không bằng chết
Tuy Chu Vĩnh Khang không bị kết án tử hình, nhưng suốt đời này e không ra khỏi Tần Thành, một nhà tù “sang trọng”, nơi giam các quan chức cấp cao của ĐCSTQ, được hưởng thụ nhiều quyền lợi hơn tù nhân chính trị khác. Tuy “sung sướng”, nhưng ông sẽ phải nếm đủ mùi vị nhục nhã của kẻ “sống không bằng chết”. Cũng có thể một ngày nào đó Chu chết một cách không minh bạch ở trong nhà tù. Đến thời gian thích hợp, những kẻ trông coi tù sẽ công bố Chu Vĩnh Khang “bị chết bệnh” ở trong nhà tù. Như vậy ông sẽ lìa khỏi trần gian một cách im hơn lặng tiếng, không khác gì Vương Hồng Văn, 1 trong 4 người thuộc “Tứ nhân bang”, từng chết trong nhà tù không một lời than thở. Chu Vĩnh Khang chết im lặng trong nhà tù, chính trường Trung Quốc sẽ yên lặng và không rối loạn bằng xử tử hình ông ta.
Có người nói, tử hình Chu Vĩnh Khang thế nào cũng ảnh hưởng đến “thỏa thuận ngầm” xưa nay vẫn có trong nội bộ ĐCSTQ. Đó là “Lãnh tụ ĐCSTQ phạm tội không bao giờ bị tử hình”. Không những thế, còn thể hiện được tôn nghiêm của câu nói “trước pháp luật mọi người đều bình đẳng”…
Nhiều người còn đặt câu hỏi: Sau khi Chu Vĩnh Khang lãnh bản án tù chung thân, nhà cầm quyền Trung Quốc đối xử với người nhà và thuộc hạ của ông ta như thế nào? Sau khi Chu Vĩnh Khang ngoan ngoãn nhận tội, nhà cầm quyền có buông tha cho những người thân thuộc của ông ta hay không? Sau này còn moi ra những “con cọp” bự như ông ta hay bự hơn không?
Mọi người đều biết, 20 năm qua đường công danh của Chu Vĩnh Khang ngày càng lên cao như diều gặp gió, càng tham ô hủ hóa chức vụ càng lên cao. Căn cứ vào tình hình Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản, một mình Chu Vĩnh Khang không thể làm được điều đó, phía sau ông ta phải có một nhóm người “coi trọng lợi ích cá nhân” ủng hộ. Nói cách khác, Chu Vĩnh Khang không thể dựa vào địa vị cao cả của cá nhân mình để đạt được “quyền lực” và “tiền tài”, phải có một nhóm người đứng sau ủng hộ mới làm nên. Tất nhiên những kẻ đó phải có địa vị cao hơn, Tập Cận Bình không dám đụng tới. Đó cũng là lý do tại sao không xét xử Chu Vĩnh Khang công khai như nhóm “Tứ Nhân Bang” hay gần đây nhất là vụ án Bạc Hy Lai, ký giả ngoại quốc không được phép vào dự phiên tòa, nhưng Tòa án Trung cấp Tế Nam, tỉnh Sơn Đông, đã liên tục cập nhật các diễn biến trong năm ngày xét xử bằng tiếng Trung Hoa trên tài khoản của tòa tại trang blog Weibo. Đó là điều chưa từng xảy ra trong các phiên tòa ở Trung Quốc.
Sau Chu Vĩnh Khang còn trò hề nào nữa không?
Nhiều người nhận xét, vụ án xét xử Chu Vĩnh Khang không khác gì một trò hề. Qua phát sóng của Đài Truyền hình Trung ương (CCTV) người xem có thể nhìn thấy toàn cảnh phiên tòa hoàn toàn “giả dối”: Từ trang trí quang cảnh phiên tòa, quần áo và sự thể hiện của các vị thẩm phán, cảnh sát, những “khán giả” được mời đến dự, chánh án, đặc biệt là bị cáo Chu Vĩnh Khang với mái tóc bạc trắng hoàn toàn khác trước kia… đến những lời đối đáp giữa chánh án, cống tố viên, luật sư và bị cáo không khác gì những lời soạn sẵn cho các vai diễn trong một kịch bản, khiến cho những người tham dự phiên tòa có cảm giác đang ngồi xem một buổi diễn tập trên sân khấu. Điều đó chứng tỏ phiên tòa bí mật với bản án chung thân đã được thỏa thuận trước giữa những người xét xử với bị cáo hay những người liên quan đến vụ án. Bởi vậy nhiều người qua thất vọng đã thốt lên câu hỏi: “Sau Chu Vĩnh Khang còn trò hề nào nữa không?”
Được biết, trong ngày xét xử Chu Vĩnh Khang, trên các trang mạng đều loan tin Bộ Công an Trung Quốc đã ra lệnh hạn chế Lý Tiểu Lâm, con gái của cựu Thủ tướng Lý Bằng, không được phép xuất ngoại một cách tự do. Nhiều người đặt câu hỏi: “Phải chăng con cọp bự khác sắp sa vào “cái lưới” chống tham nhũng?”. Nếu đúng, chắc sẽ còn nhiều trò hề khác cho mọi người thưởng thức và hiểu rõ hơn cái gọi là “luật rừng” của Đảng Cộng sản Trung Quốc!
Lý Anh
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Mặt trời sẽ “đi ngủ” vào năm 2030?

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Chủ Nhật, 12 tháng 7, 2015

Nguyễn Tuân đọc sách


Một câu hỏi mà tôi rất hay tự đặt ra: nhà văn Việt Nam đọc gì?

Truyền thống của chúng ta, mặc dù có một quá khứ báo chí vô cùng dồi dào, không quy định các nhà văn nói công khai quá nhiều về những gì họ đọc. Ta không thường biết được nhà văn này thì say mê đọc ai, có thể bình luận về một nhà văn nào đó như thế nào, có cách hiểu riêng độc đáo nào không, và việc đọc ấy tác động đến họ ra sao. Tất nhiên, ta biết được Khái Hưng biết rất kỹ văn chương thế giới, từng viết tưởng niệm khi Wells qua đời (bất ngờ đấy - tôi sẽ nói kỹ về trường hợp này), bình luận văn chương Pearl Buck, hoặc Thanh Tâm Tuyền, ít nhất một thời gian, rất mê André Malraux.

Nhưng phần lớn, ta cần suy luận, và chủ yếu, ta cần nhặt nhạnh một cách có ý thức. Không phải vì nhà văn Việt Nam ít bình luận văn chương người khác mà ta có thể kết luận họ ít đọc, vì ở nhiều trường hợp, họ không thấy có trách nhiệm phải nói ra, nhiều người lại không có thói quen ghi chép ý nghĩ của mình, hoặc giả ghi chép của họ đã biến mất. Ví dụ, ở trường hợp Đinh Hùng, mặc dù có dấu vết rõ ràng, nhưng cũng cần nhiều suy luận thì tôi mới có thể khẳng định (gần như chắc chắn) rằng nhà thơ nước ngoài mà Đinh Hùng "học tập" nhiều nhất là Baudelaire (xem thêm ở đây). Mối quan hệ Đinh Hùng-Baudelaire còn cần quay trở lại kỹ hơn ở một điểm then chốt: Đinh Hùng đã hiểu thơ Baudelaire, nhất là Ác hoa, như thế nào? Một đề tài cực kỳ thú vị.

Ta cần nhặt nhạnh: đọc hồi ký của Tô Hoài, ta biết hồi nhỏ Tô Hoài đọc và rất bị Sans famille ám (xem thêm ở đây).

Cũng vẫn liên quan đến Tô Hoài: trong Những gương mặt, Tô Hoài có bài viết về Trần Đăng. Tôi chú ý nhất đến chi tiết này: sau khi Trần Đăng hy sinh, lúc cái ba lô được giao lại, Tô Hoài kiểm kê trong đó, ngoài giấy tờ sổ ghi chép, vật dụng cá nhân, có sách. Thời gian cuối đời, Trần Đăng đọc Malaparte. Một điều bất ngờ quá lớn, tôi đã nói rất nhiều về Curzio Malaparte, nhà văn Ý thật ra gần đây mới thực sự được châu Âu coi trọng, thực sự đánh giá là một nhà văn lớn của Thế chiến thứ hai, thì thời Sài Gòn trước 1975 Thế Uyên cùng nhóm Thái Độ đã dịch, Bửu Ý dịch Mặt trời mù, Nguyễn Quốc Trụ dịch Thượng đế đã chết trong thành phố, và trước hẳn đó, thời kháng chiến chống Pháp, Trần Đăng có sách của Malaparte trong ba lô. Theo một cách thức nào đó, các nhà văn Việt Nam, trong hoàn cảnh chiến tranh giăng giăng không dứt của mình, đã nhìn ra một confrère cùng mối quan tâm, hiểu được tầm vóc của Malaparte, chứ còn rất gần đây mới có một cuốn tiểu sử chu đáo về Malaparte, một cuốn sách rất hay của Serra Maurizio.

Tôi sẽ kể vài điều mà tôi từng bắt gặp, làm tôi kinh ngạc, trong riêng địa hạt Nhà văn Việt Nam đọc gì này.

Tôi từng muốn nhớ ra nhà văn Pháp nào từng phân tích từ "locomotive" (đầu máy xe lửa) rất đặc biệt, để chứng minh ngôn ngữ không hề võ đoán, không phải là phần âm tách biệt hẳn với đối tượng, tức là phản đối lý thuyết ngôn ngữ học của Saussure và phần nào quay trở về với một lý thuyết ngôn ngữ tưởng chừng rất cổ lỗ, nhấn mạnh vào "motivation" của các từ, tức là Cratylism của Platon. Nhớ mãi không ra là ai, cho tới khi đọc Võ Phiến, Võ Phiến cũng đã đọc về điều này, và nói rõ người bình luận "locomotive" là Paul Claudel (xem thêm ở đây).

Cũng rất bất ngờ khi tôi biết được rằng trước khi viết Nỗi buồn chiến tranh thì Bảo Ninh đã đọc Vassily Grossman. Xưa nay người ta gắn chặt Bảo Ninh với việc đọc Remarque, nhưng không phải điều ấy là quan trọng nhất: phải Grossman, chứ không phải Remarque, mới có thể là người gợi ý những điều đặc biệt trong cuốn tiểu thuyết ấy.

Trong hồi ký của mình, rất đột nhiên, Nguyễn Khải dành hẳn một chương để bình luận Cung oán. Những bình luận ấy không hề tầm thường.

Nhưng tất lẽ dĩ ngẫu, nhà văn Việt Nam hấp dẫn nhất ở phương diện đọc sách phải là Nguyễn Tuân.

Như rất nhiều trường hợp khác, ngay cả với Nguyễn Tuân, tôi nghĩ là chúng ta còn chưa thể có được một "toàn tập" đúng nghĩa. Mới gần đây tôi đã công bố một truyện ngắn dường như đã hoàn toàn bị lãng quên của Nguyễn Tuân (xem thêm ở đây). Nguyễn Tuân còn nhiều thứ như vậy rải rác trên báo chí nữa.

Và chuyện đọc sách. Ta hãy xem quyển sách in trong thập niên 50 này:

Không chỉ Trần Dần đáng nhớ với cách đọc Dostoievski rất riêng của mình (xem ở đây), mà cả Nguyễn Tuân nữa.

Giới sưu tầm sách chúng tôi lâu lâu lại bắt gặp một quyển sách nào đó, chủ yếu là tiếng Pháp, từng nằm ở nhà Nguyễn Tuân, bằng cách nào đó đã lọt ra ngoài, có chữ ký của Nguyễn Tuân, thậm chí lắm khi còn có những lời ghi chú. Đó là những thú vị nho nhỏ.

Ta sẽ quay trở lại sau với những điều cụ thể mà Nguyễn Tuân từng viết về Dostoievski, giờ chỉ nói thêm một chi tiết: từ quyển sách trong ảnh, tôi đã lần tìm tiếp, vì tôi đặt giả định, Nguyễn Tuân phải viết rất nhiều về những cuốn sách đã đọc (riêng bài Nguyễn Tuân viết về Dostoievski thì sau này đã xuất hiện trở lại, nhiều người đã đọc). Và quả thật, điều đó đúng: Nguyễn Tuân từng có một cuốn sách bị cấm xuất bản, cuốn sách ấy tập hợp các bài đọc sách, và dường như nó mang nhan đề Tôi đọc. Nếu tìm lại được bản thảo, ta sẽ hiểu thêm một phương diện quan trọng của Nguyễn Tuân.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Nhà văn hải ngoại viết về nhau: ( Nguyên văn tít bài của Đỗ Trường: “NGUYỄN VĂN THỌ – NHỊP CẦU CỦA ĐẢNG NƠI XỨ NGƯỜI” )

Đỗ Trường
Nguyễn Văn Thọ ( bên trái) và Trần Nhật Quang ( bên phải) – Một cặp đôi hoàn hảo.
Có lẽ, không nơi đâu có sự hình thành hai luồng văn học thật rõ ràng như cộng đồng người Việt ở Đức. Sự khác biệt ấy, không chỉ về tư tưởng, mà còn về cả phương thức sáng tác. Hố ngăn đó, bởi nhiều nguyên nhân, nhưng lịch sử là yếu tố chính tạo nên hai dòng chảy này. Nếu những sáng tác của người Việt (thuyền nhân) vùng phía Tây là sự tiếp nối của văn học miền Nam, thì những sáng tác của người Việt ở miền Đông nước Đức là cánh tay nối dài của nền văn học bác Thỉnh (Hữu Thỉnh), bác Thiều (Nguyễn Quang Thiều) dưới sự dẫn dắt, chỉ đường của đồng chí Đinh Thế Huynh.
Trong bối cảnh ấy, từ trong cộng đồng đã xuất hiện một số cây viết mới. Tuy ở vị thế cũng như tư tưởng khác nhau, nhưng nó đã nói lên được nhiều điều về lẽ sống, con người. Và có thể nói, Nguyễn Văn Thọ là một nhà văn điển hình như vậy. Dù sống ở đất nước tư bản đang giãy chết đã khá lâu, nhưng ông là một trong những tác giả sung sức ở miền Đông nước Đức vẫn kiên định rọi soi tính Đảng vào trong những tác phẩm của mình.
*Hành trình đến với Quyên
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ sinh năm 1948 tại Thái Bình, trong một gia đình có cha là nhạc công khá nổi tiếng. Ông có những năm tháng dài trong quân ngũ. Thời gian này, ông cũng tập tành viết lách, nhưng không để lại dấu ấn. Có lẽ do tài năng, hoặc chưa gặp thời, gặp vận chăng? Sau chiến tranh trở về với nghề muối và mộng văn chương dường như đã tắt ngấm trong ông. Trong khung cảnh đói khát, bần cùng tịt lối không riêng Nguyễn Văn Thọ, mà của chung toàn xã hội đương thời. Là một Đảng viên trung thành, cần mẫn, do vậy ông đã được Đảng giải thoát bằng con đường xuất khẩu lao động tại Đông Đức, với tư cách đội trưởng.
Mấy năm sau bức tường Berlin sụp đổ, hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Nga và Đông Âu tan rã, đe dọa nghiêm trọng đến chế độ nơi quê nhà. Những biến động ấy, như những nhát búa gõ vào tâm hồn, làm Nguyễn Văn Thọ bừng tỉnh. Và dường như ông cảm thấy phải có trách nhiệm trước sự tồn vong của chế độ. Vì vậy, Nguyễn Văn Thọ lại tìm đến văn chương, tuyên truyền, gieo niềm tin của Đảng đến đồng bào, không chỉ nơi hải ngoại. Thời kỳ này, ông đã viết khá nhiều truyện ngắn và thơ chủ yếu về dĩ vãng chiến tranh với anh hùng chiến sỹ thi đua, người tốt việc tốt… nhưng vẫn chưa gây được dư luận. Và sau này, nếu không có cặp mắt xanh của Đảng, đưa về với bác Thỉnh, bác Thiều, thì có lẽ, ông vẫn còn lẩn quất đâu đó, chứ không phổng phao, tên tuổi như bây giờ… Qủa thực, văn chương cũng có số phận như con người vậy.
Và từ đây, con đường văn thơ của ông phát tiết, đi đúng đường rày. Tiểu thuyết Quyên là một minh chứng hùng hồn nhất. Sau khi nhận giải thưởng của hội nhà văn, Quyên đã bế thẳng Nguyễn Văn Thọ xông vào lãnh địa điện ảnh, tuyên truyền. Làm ông sướng đến phát khóc.
Vâng! Nhà văn Nguyễn Văn Thọ là người dễ xúc động lắm, khi nghĩ về chiến tranh, nghĩ đến tình thương yêu của Đảng luôn làm ông sụt sùi rơi lệ. Thật chẳng ngoa tẹo nào, có người bảo, cứ đà này, ông sẽ trở thành nhà “khóc học“ chứ chẳng chơi.
Chúng ta hãy đọc lại đoạn trích lời ngợi ca của nhà văn Nguyễn Văn Thọ, nhân lần thứ 80 ngày sinh của Đảng, để thấy rõ tình yêu Đảng trong ông dạt dào biết nhường nào: “…Lịch sử 80 năm Đảng Cộng sản Việt Nam là lịch sử hai lần thiên tài. Một đội quân ban đầu chỉ có gươm, mác, súng kíp và tầm vông, mà hai lần đánh thắng hai đế quốc lớn nhất thế giới: Pháp và Mỹ, hoàn thành sứ mạng, thống nhất giang sơn về một mối. Ở khắp nơi trên thế giới người ta đã biết đến Việt Nam, một dân tộc anh hùng bất khuất và điều ấy một lần mang lại niềm tự hào cho người Việt Nam. Lần thứ hai, khi phe xã hội chủ nghĩa tan rã, nhiều quốc gia tưởng vững mạnh đã sụp đổ, song nước Việt Nam vẫn đứng vững, lại tìm ra giải pháp đổi mới toàn diện để vượt qua những giai đoạn đau khổ nhất sau 4 cuộc chiến tranh, đưa đất nước Việt Nam từ một nước đói nghèo, trở thành một quốc gia có vị thế đáng nể trên thế giới…”
Có nhiều ý kiến và dư luận cho rằng, diễn văn ngợi ca trên của nhà văn Nguyễn Văn Thọ là thẻ thông hành đưa Quyên đến với điện ảnh một cách tưng bừng, rầm rộ, tốn kém như vậy. Tuy nhiên, tôi nghĩ khác, đường đường là một nhà văn, đời nào bác Thọ lại làm một cái công việc hèn mạt, bẩn thỉu ấy. Nhưng hôm rồi, có ông bạn dí màn hình Ifon vào mặt bảo: Ông không nhìn thấy bác Thọ Muối đang nghiêng mình, suýt bật khóc, trịnh trọng cảm ơn ông Trương Xuân Thanh, trưởng lãnh sự quán sứ quán VN tại Franfurt, người đã đưa Quyên đến với điện ảnh sao?
Điều này, làm tôi phân vân tự hỏi, lẽ nào những ý kiến và dư luận trên là sự thật? Bởi đồng chí Trương Xuân Thanh là Đảng, là chính phủ Việt Nam ở Đức.
Nhưng thôi, điều này không còn quan trọng nữa. Bởi hiện tại, dường như nhà văn Nguyễn Văn Thọ đã trở về Việt Nam được gần Đảng, gần các đồng chí và ôm Quyên của mình. Dù ông vẫn hưởng tiền trợ cấp xã hội hay hưu trí (?) của thằng tư bản được cho là kẻ thù của giai cấp (đỏ).
Trước đây, tôi đã đọc một số truyện ngắn của Nguyễn Văn Thọ, quả thực, văn và tư tưởng của ông không phải là thứ tôi thích. Thời gian sau, tôi đọc Quyên, nhưng đành phải dừng lại chương thứ 7 hoặc 8 gì đó. Gần đây, độp một phát, lại thấy rầm rộ werbung quảng cáo Quyên và bác Thọ đã ẵm nhau lên phim. Với những lời lẽ đao to búa lớn này, làm cho tôi giật mình. Có lẽ, trước đây mình đã sai lầm, để lọt Quyên chăng? Tôi lọ mọ tìm Quyên và bác Thọ để đọc. Đọc xong, tôi lại thấy tiếc, bởi, giá như đừng đọc hết cuốn sách, có lẽ sẽ còn tia hy vọng hay một chút gì đó còn đọng lại, nhưng đọc xong, thấy trống rỗng, trôi tuột đâu mất rồi.
Hôm chiếu Quyên tuyên truyền trên Berlin, tôi gọi điện hỏi nhà văn Võ Thị Hảo, có đi xem phim không? Chị bảo, có vé mời, nhưng nhân cách của Nguyễn Văn Thọ không đáng để xem, nên chị không đi. Rồi chị xuống giọng: Đỗ Trường cũng đi xem à! Tôi trả lời, không có thời gian, hơn nữa truyện què cụt, có lẽ, phim còn cơm nguội hơn!
Phải nói, tôi là người chưa bao giờ tham gia hội đoàn hay hội họp, có chăng ngày lễ tết, anh em bạn bè riêng tư gọi đến đàn hát cho vui vậy thôi. Nên tôi không va chạm, ít để ý đến những sinh hoạt cộng đồng. Nhưng không hiểu sao, chẳng riêng gì ở Đức, mà ở Ba Lan hay Tiệp… cũng vậy, trong bữa nhậu, tiệc tùng cứ nhắc đến tên nhà văn Nguyễn Văn Thọ, y rằng nghe được những lời bàn cãi. Hôm 28-6 vừa rồi, sinh nhật ông bạn ở câu lạc bộ 100 Erfurt. Bia, rượu vào, người đã tưng tửng, tôi cầm đàn hát ông ổng… rồi lôi cả mấy bài thơ con cóc của mình ra đọc. Có ông bạn cũng ngân ngất, có vẻ khoái, kéo thốc tôi ra, giới thiệu với một bác già, có lẽ đến bảy bó (70). Ông bác nhìn tôi gằm gằm từ đầu đến chân, cảm giác còn kinh hơn cả gặp an ninh VN, gằn giọng như định tiu nhau:
– Các ông viết gì, làm gì cũng được, đừng như Thọ Muối thì buồn lắm đấy!
*Quyên, một tác phẩm què quặt, nặng tính tuyên truyền.
Một tác phẩm văn học nghệ thuật dù có sử dụng bất cứ hình thức, thể loại, vòng vo trừu tượng, siêu hình hay gì gì…đi chăng nữa, rốt cuộc đối tượng vẫn phải là con người gắn liền với xã hội đương thời. Nếu tác phẩm ấy, không đi đến tận cùng của sự thật một cách trung thực, thì nó chỉ là những trang viết què cụt, bệnh hoạn.
Thật vậy, khi đọc Quyên của Nguyễn Văn Thọ, ta thấy thiếu hẳn bối cảnh xã hội Việt Nam đương thời. Và những lý giải, tại sao rất nhiều thành phần trí thức như Dũng, như Quyên cũng như dòng người Việt phải vượt rừng trốn chạy, một cách rất mơ hồ. Thiết nghĩ, việc lấy 40 năm chiến tranh để che đậy, biện giải cho sự đói nghèo, dẫn đến những cuộc di dân của tác giả là đưa tuyên truyền chính trị một cách gượng gạo vào tiểu thuyết. Vâng! Dù tác giả có cố tình che đậy, thì cho đến hôm nay, tức là sau hai mươi năm, sâu bọ vẫn tiếp tục sinh sôi, nảy nở như chính Chủ Tịch Trương Tân Sang đã nói. Sự thối nát, cũng như hiện tại và tương lai đang đi vào ngõ cụt đó mới chính là nguyên nhân trốn chạy của những Thuyền nhân, Tường nhân, rồi đến Dũng, đến Quyên… là những “Rừng nhân“. Đoạn trích dưới đây, cho ta thấy được sự tuyên truyền nhàm chán ấy: “ Vâng, chúng tôi xin ghi nhận! Xin ông (bà) kiên trì chờ đợi phán xét của Tòa án liên bang. Đó là câu nói cuối cùng, rất lịch sự, tràn trề hy vọng, dành cho mọi đối tượng tới từ một xứ sở gần 40 năm với 4 cuộc chiến đẫm máu, đang chuyển mình sang kinh tế thị trường với cả thành công và thất bại.
Như vậy, sở ngoại kiều, suy cho cùng, người ta đều biết tỏng thực chất xin cư trú của người Việt đều là vấn đề cơm áo gạo tiền, chứ chẳng có nguyên nhân nào khác. Họ cũng biết tỏng, sự mong muốn thoát khỏi cảnh đối nghèo đã đẩy bao người Việt tới đây bằng mọi giá đắt, với nhiều con đường khác nhau “(Quyên-nguồn watt.pad.com)
Sự trốn chạy của hàng triệu người sau 30-4-1975, và mấy chục ngàn người Việt từ Đông Âu, từ Việt Nam vượt tường, vượt rừng thoát sang Tây Âu sau năm1989, sách báo và một số nhà nghiên cứu trong nước gần đây cho rằng, đó là hiện tượng di dân. Một lời lý giải đậm tính ngụy biện, cả vú lấp miệng em, đánh tráo khái niệm một cách trắng trợn. Sự đánh tráo khái niệm này, phải chăng nhằm che đậy, xóa nhòa những sai lầm và tội ác của chế độ đã gây ra với chính những người anh em cùng chung giống nòi?
Đọc Quyên, ta có thể thấy, tuyên truyền không chỉ áp đặt trong tư tưởng, mà còn được cài đặt vào từng câu thoại của nhân vật. Vừa tới Đức, chưa biết tiếng, cũng như chưa chạm đến văn hóa và luật pháp nước sở tại, nhưng tác giả đã ấn vào miệng nhân vật Quyên một câu sặc mùi tuyên truyền giả tạo: “– Anh Kumar này. Anh Phi sẽ sống ra sao? Anh ấy vừa ra tù. Một người vừa ra tù, không họ hàng, không bạn thân, không vợ con. …Ở nước Đức này, người có án thực khó mà có một cơ hội để có công ăn việc làm tử tế. Anh ấy đang cần chúng ta, như ngày nào em cần ai đó giúp đỡ. Ngày mai chúng ta tới thăm Phi, anh ạ.” ( Quyên- chương 10)
Vâng! Câu nói này, chắc chắn phải đảo ngược lại ở nơi lý lịch hóa con người như ở Việt Nam: Ở Việt Nam, người có án khó mà có một cơ hội để có công ăn việc làm tử tế. Có lẽ, ai đã từng sống ở Đức sẽ hiểu rõ, người Đức không lý lịch hóa con người và khái niệm lý lịch rất xa lạ với họ. Hết tù hết tội, hoàn toàn có cơ hội xin việc làm như những người bình thường khác. Tuy nhiên, người mới ra tù sẽ bị tạm cấm, làm chủ các nhà hàng, công ty, nhà máy trong một thời gian ngắn, luật pháp qui định rõ ràng. Sống và làm việc ở Đức đã 30 năm, chỉ một lần duy nhất tôi phải khai lý lịch, khi vào quốc tịch. Thật ra, lý lịch (Lebenlauf) ở Đức cũng chỉ khai sơ sơ vợ con, học vấn, nghề nghiệp. Tuyệt đối, không có mục cha mẹ, anh em họ hàng như ở Việt Nam. Sống và làm việc lâu năm ở Đức như nhà văn Nguyễn Văn Thọ hiển nhiên phải biết rõ điều này.
Có thể nói, khi viết Quyên, nhà văn Nguyễn Văn Thọ thiếu sự trải nghiệm, với sự quan sát hời hợt dẫn đến không có sự đồng nhất (logic), làm cho hình ảnh trở nên giả tạo. Ta có thể thấy nó ngay những dòng đầu cuốn sách, khi miêu tả Quyên bị hãm hiếp. Một người đàn bà 24 tuổi, trải qua nhiều ngày đói khát, rét mướt, vượt biên trốn chạy đến nỗi chiếc quần cũng trở nên cứng queo, thì dứt khoát mặt phải bạc đi, môi miệng thâm lại hôi hám, đùi, da phải tái choắt đi, nhất là trong hoàn cảnh sợ hãi đến tận cùng, khi bị hiếp dâm. Chứ làm sao mà thon thả, mịn màng, mơn mởn nõn nường, như tác giả miêu tả. Hơn nữa, một kẻ sống giữa rừng bẩn thỉu, lại mùa đông giá rét, củi đốt ám khói cả ngày, làm sao mà tóc nàng đổ xòa trên tấm ga trắng muốt, như trong khách sạn sang trọng bốn, năm sao vậy?
Vâng! Dù có tiểu thuyết hóa, thì những tình tiết, tâm lý, hành động cũng phải có tính logic của nó. Ta hãy đọc lại đoạn trích dưới đây để thấy rõ sự phi logic, thiếu trải nghiệm của tác giả:
“ Cô gái vùng vẫy, giằng xé, cắn vào bàn tay thô ráp của gã khi áo ngoài, áo lót lần lượt bị giật tung. Chiếc quần Jeans, sau bao ngày lẩn lút, bươn lội từ Nga, trong rừng thẳm, tuyết dày, đẫm mùi mồ hôi và nước, trở nên cứng queo đến khó cởi vẫn bị lột phắt. Trên nệm, phơi ra cặp đùi trần đang độ thanh xuân, thon thả, mịn màng, mơn mởn nõn nường. Gã đổ người xuống.
Cô gái biết rõ con rắn đã trườn trên da thịt mình, từng centimet. Cô tiếp tục cố oằn lên, nghiêng mình, rãy, chéo đùi. ‘‘Đồ đĩ! Giạng chân ra!” Giọng khàn đanh, lạnh lùng cất lên và tiếp đó, một cái tạt tai giáng sượt phía trái mái tóc. Chiếc cặp nhựa màu nâu văng ra đập vào tường gỗ nghe khô khốc. Mớ tóc cắt ngang lưng, dầy, đen tuyền xõa tung, đổ xòa trên tấm ga trắng muốt. Gã dướn lên, thúc mạnh…” ( Quyên-chương 1, những dòng đầu cuốn sách)
Tôi không rõ, những giải thưởng của Hội nhà văn VN được chia đều cho những vùng miền hay do sự thẩm định yếu kém của hội đồng chấm giải. Hoặc vì những lý do khó nói sau tấm màn nhung, mà những năm gần đây, ta thấy những tác phẩm ẵm giải đều yếu kém về nội dung tư tưởng cũng như nghệ thuật. Tiểu thuyết Quyên của nhà văn Nguyễn Văn Thọ là một trong những số đó.
Qủa thực, Quyên là cuốn tiểu thuyết có giọng văn khá đơn điệu, bởi cả cuốn sách khá dài, nhưng rất ít ngôn ngữ đối thoại ngắn gọn sinh động của nhân vật. Dẫu biết rằng cuốn sách này, được ra đời từ những truyện ngắn trước đó của ông, với những suy tưởng, độc thoại nội tâm, nhưng đưa ghép vào tiểu thuyết vẫn giữ lời kể của tác giả và từ ký ức của nhân vật. Sự rề rà đó làm cho người đọc có cảm giác mệt mỏi. Cũng từ lý do đó, khi đọc Quyên, chúng ta bắt gặp sự trùng lặp trong hành động, suy nghĩ của nhân vật, cũng như câu văn, đoạn văn thừa và tối nghĩa. Đoạn văn thừa câu, tối nghĩa dưới đây, chứng minh điều đó:
“Năm sắp hết. Sát Noel Quyên có tin vui. Cô nhận được giấy định cư chính thức. Tin ấy làm Kumar bất ngờ, tuy rằng trước đó nửa tháng, mẹ của Kumar gọi điện báo tin rằng, bà đã lo xong thủ tục, giấy tờ sang thăm một người họ hàng ở Anh và sẽ từ Anh sang Đức thăm con trai vào tháng sau” ( Quyên -chương 11)
Tôi xin phép nhà văn Nguyễn Văn Thọ thử chữa lại đoạn văn trên. Câu đầu hoàn toàn thừa, có thể loại bỏ, bởi Noel ai cũng biết vào những ngày cuối năm. Từ Sát, ta có thể thay bằng tính từ Gần. Thay từ tuy rằng, bằng từ cùng với, bỏ đi một số từ thừa và đưa sự bất ngờ xuống dưới…Cả đoạn văn độc lập rất tối nghĩa này, có thể rõ ràng, sáng và sạch đẹp hơn chăng?:
“Gần Noel Quyên có tin vui. Cô nhận được giấy cư trú chính thức. Cùng với điện báo từ nửa tháng trước mẹ của Kumar đã lo xong thủ tục, giấy tờ sang thăm họ hàng ở Anh và sang Đức thăm con trai vào cuối tháng, tin này đã làm cho Kumar bất ngờ”.
Và nếu nói, một cuốn sách hay, tự đi bằng hai chân của mình, thì bác Thọ phải cõng Quyên đến thày thuốc Thỉnh, Thiều, để điều trị đôi chân què quặt của nó là vậy.
* Xa lánh cộng đồng, một sự bệnh hoạn trong tâm hồn Quyên
Có thể nói, tình dục đã xuyên suốt tiểu thuyết Quyên. Không biết, là người trải nghiệm hay có trí tưởng tượng một cách tuyệt vời, mà nhà văn Nguyễn Văn Thọ tả những pha tình dục rất thật và trần trụi đến như vậy. Thực ra, nói một cách văn hoa tình dục hay Sex là hương vị của tình yêu, nét đẹp văn hóa. Khi đưa vừa đủ vào tác phẩm văn học, nghệ thuật, nó như một thứ gia vị vậy. Nhưng gần đây, văn học cũng như điện ảnh, một số tác giả đã lạm dụng Sex để câu khách, câu người đọc, làm nó trở nên nhớp nháp, biến dạng.
Viết đến đây, chợt tôi nhớ lại một câu chuyện đã lâu, nhưng nó lại gần với đề tài sex, siếc này: Những hồ, bãi tắm tự nhiên ở Đức, hình như nơi nào cũng dành một khu cho những ai muốn tắm, phơi nắng trần truồng. Ngày mới sang, chúng tôi thấy mới nên khoái, rủ nhau ra hồ(FKK). Đến nơi chẳng thằng nào đủ dũng khí cởi quần áo, trần như nhộng giống những người xung quanh. Mặc nguyên quần áo thấy kỳ, nên chúng tôi giả vờ đến Imbiss mua bia, lai rai. Tắm chán, đói, các cô mười sáu, mười bảy, mảnh mai, thon thả đến các bà sồn sồn, tồng ngồng lên mua đồ ăn. Chà chà… trắng, vàng, hồng, rực cả một góc trời, nhìn như một bầy thiên nga đang hạ thế. Ấy vậy, chỉ một vài lần chúng tôi chán, không còn hứng thú ra bãi tắm nữa. Mùa hè năm 1988 có đoàn công tác của Bộ Nông Nghiệp, do thứ trưởng Nguyễn Thiện Luân và GS-TS Nguyễn Ngọc Kính dẫn đầu sang công tác, công teo gì đó, nhờ chúng tôi đưa đi. Có bác hăng lên, mang theo cả ống nhòm, đứng núp từ bụi cây xa “mục sở thị”. Đúng một lần như vậy, rồi không thấy bác nào nhắc, nhờ đưa đi bãi tắm tiên nữa. Từ đó, tôi rút ra một điều, những cảnh trần trụi, kịch đường tầu như vậy đã làm giảm mất sự tò mò, khám phá lâu dài. Hơn nữa, nó không thích hợp với nếp suy nghĩ, tâm hồn, văn hóa sinh hoạt của người Việt và những nước Á Châu, chịu ảnh hưởng lâu đời của Phật giáo, nho học.
Như vậy có thể thấy, do quá lạm dụng tình dục, nên Quyên luôn luôn được miêu tả trong những hoạt động sinh lý, hoặc nghĩ về tình dục, có rất ít những tình huống văn hóa để nhân vật này biểu lộ Việt tính của mình. Tuy nhiên, hai lần tác giả đưa ra tình huống văn hóa, thì Quyên đã làm người đọc thất vọng. Đó là hành động tụt quần trả ơn Phi bằng tình dục và đặc biệt hơn khi Quyên và Kumar đã thành một gia đình 8 năm. Khi mẹ Kumar từ Anh sang, Kumar đã bàn bạc, đưa Quyên tạm lánh vài ba ngày, để anh thuyết phục mẹ. Nhưng Quyên cương quyết từ chối, bộc lộ tính ích kỷ, nếu không muốn nói là phũ phàng, rồi dẫn con bỏ đi tìm Hùng. Việc để Quyên đột ngột đưa hài cốt Hùng về Việt Nam theo tôi là kiêng cưỡng, dẫn dắt, xử lý rất non tay của tác giả.
Do chưa thực trải nghiệm, nên nhà văn Nguyễn Văn Thọ viết về tị nạn và công việc liên quan đến công tác xã hội chưa được thuyết phục. Có thể nói, tất cả các trại tị nạn trên nước Đức ngoài những nhân viên xã hội, phiên dịch ra còn có khá nhiều các hội đoàn, hoặc cá nhân thiện nguyện giúp đỡ các đồng hương mới đến.
Điều này, tôi là người tị nạn đã trải nghiệm qua thực tế, từ trại Spandau Tây Berlin đến trại Ingelheim những ngày cuối năm 1989. Sau này, qua lại các trại người Việt tị nạn ở Halberstadt và Halle, tôi thấy, chỗ nào người tị nạn cũng nhận được sự giúp đỡ như vậy, bất kể người đó là ai và từ đâu đến.
Ta có thể thấy, người Việt thường tìm về, sống co cụm vào từng khu và tình người cùng hoàn cảnh xa quê hoàn toàn khác, xa lạ với những gì trên trang văn. Dẫu biết rằng, không đem cái thật của ngoài đời soi rọi vào tiểu thuyết. Nhưng bối cảnh hay hành động nhân vật trong tình huống cụ thể dứt khoát phải như thật.
Trong bối cảnh như vậy, nhưng tác giả đã cường điệu hóa, đẩy Quyên vào hoàn cảnh như tuyệt vọng, ngay trước cả những đồng hương của mình và luôn luôn có những suy nghĩ và hành động tách rời, lìa xa họ: “Cô phải đi thôi. Cô không nên nấn ná ở đây. Có thể tới Sở Ngoại kiều, trình bày thật hoàn cảnh của cô, để chuyển trại. Cách xa đây hai ba trăm cây, nghe nói có một trại nữa, heo hút trong một cánh rừng, ít người Việt Nam. Càng ít người Việt càng tốt. Cô nghĩ như thế rồi nhắm mắt đếm. Lát sau Quyên chìm trong giấc ngủ.“ (Quyên-chương 7)
Có thể nói, Nguyễn Văn Thọ đã miêu tả thành công không chỉ một nhân vật Quyên với những hoạt động tình dục và độc thoại nội tâm, dù trong bất kể hoàn cảnh nào. Nhưng ông đã thất bại về xây dựng nhân cách cũng như văn hóa ứng xử của Quyên.
Trên đây là những suy nghĩ chủ quan của cá nhân tôi về văn thơ, cũng như con người nhà văn Nguyễn Văn Thọ. Không biết đúng sai thế nào, nhưng gấp (cuốn) Quyên lại, dường như chỉ còn đọng trong tôi, một nhà Sex học, tình dục học tài ba Nguyễn Văn Thọ.
Leipzig ngày 10-7-2015
Đỗ Trường

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Cá mập đã được… minh oan!


1a
Đường cáp quang tại Việt Nam thường bị đứt, và mỗi lần như vậy, cá mập lại bị cho là thủ pha5m. Nhưng mới đây Uỷ ban Bảo vệ cáp quốc tế vừa đưa ra thông điệp rằng cá mập sẽ không còn chịu trách nhiệm cho các vụ đứt cáp biển sau khi một nhóm của tổ chức này tìm ra được giải pháp khắc phục.
“Ủy ban Bảo vệ cáp quốc tế (ICPC) đã xem xét hồ ghi nhận các vụ đứt cáp trên toàn thế giới và sau khi nghiên cứu họ đưa ra kết luận rằng việc cá mập cắn đứt là không chính xác. Về cơ bản, cá mập và các loại cá khác chịu trách nhiệm ít hơn một phần trăm cho tất cả các vụ đứt cáp trên toàn thế giới “, nhóm này cho biết.
Trong một đoạn video thí nghiệm của nhóm chuyên gia này cho thấy, một đoạn cáp đang bị một con cá mập cắn tuy nhiên nó cố cắn chỉ trong vài giây rồi bơi đi. Rõ ràng cọng cáp không bị thiệt hại nào bên ngoài và dường như không có chịu thiệt hại bên trong. Họ tiết lộ mấu chốt nằm ở thành phần cáp và chất lượng vỏ cáp.
Ủy ban Bảo vệ cap quốc tế cho biết rằng việc “thiết kế cáp cải thiện” và các biện pháp khác như chôn cáp là trong số những yếu tố chính làm giảm các trường hợp cáp biển bị cá mập cắn. Theo họ cho biết nguyên nhân chính ở đây là mỏ neo và hoạt động đánh bắt cá của các con tàu, chiếm đến 65-75% nguyên nhân gây đứt cáp.
Những nguyên nhân khác bao gồm “các hiện tượng tự nhiên” như lở đất dưới biển, các dòng hải lưu, và do các sự cố tự phát sinh bởi thành phần cáp.
Vì thế giải pháp mà các chuyên gia đưa ra chính là cải thiện lớp vỏ cáp và thành phần cáp. Đây chính là mấu chốt giúp giảm đáng kể thực trạng đứt cáp hiện nay.
Tuy nhiên tại Việt Nam, cap thường bị đứt trong “thời gian nhạy cảm”, tức là khi có những vụ việc nào đó mà nhà cầm quyền không muốn các mạng xã hội bàn luận, nên từ lâu chuyện “cá mập cắn cap” trở thành một đề tài để giễu cợt!
Dannews Nguồn(Theo arstechnica.com)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

( Hồ Đại Đồng fb ): Rất mong là từ nay, chúng ta không còn phải lặng lẽ nuốt nước mắt khóc thầm trước những anh linh chiến sĩ VN hy sinh khi bảo vệ tổ quốc trước quân TQ xâm lược.

Tưởng niệm các liệt sĩ Vị Xuyên

12/07/2015 09:03 GMT+7
T - Sáng 11-7, hàng trăm cựu chiến binh thuộc sư đoàn 356 từng chiến đấu tại chiến trường Vị Xuyên đã tổ chức lễ thắp hương tưởng niệm, cầu siêu cho vong linh những liệt sĩ đã hi sinh trong chiến tranh biên giới phía Bắc. 
Các cựu binh sư đoàn 356 tưởng niệm đồng đội trên điểm cao 468, nơi diễn ra trận đánh ác liệt ngày 12-7-1984 - Ảnh: Hà Hương
Các cựu binh sư đoàn 356 tưởng niệm đồng đội trên điểm cao 468, nơi diễn ra trận đánh ác liệt ngày 12-7-1984 - Ảnh: Hà Hương
Ngày 12-7 hằng năm được sư đoàn 356 coi là ngày giỗ trận của sư đoàn, ngày cách đây 31 năm (12-7-1984), hơn 600 cán bộ chiến sĩ sư đoàn đã ngã xuống để giành lại các cao điểm 772, 685... trước quân xâm lược Trung Quốc.
Trên đài hương tưởng niệm đồng đội tại cao điểm 468, cựu binh Đỗ Quang Huy, thay mặt các đồng đội còn sống, chia sẻ: “Giờ đây, những đồng đội đã hi sinh trên các điểm cao, sườn đồi, hốc đá mà chưa tìm được để đưa về nghĩa trang Vị Xuyên. Chúng tôi là những người may mắn sống sót trong cuộc chiến bảo vệ biên cương Tổ quốc sẽ luôn làm tất cả những gì có thể để linh hồn đồng đội được yên nghỉ”.
Đại tá Nguyễn Đức Cam (nguyên sư đoàn phó, tham mưu trưởng sư đoàn 356) chia sẻ: “Mỗi năm trở lại Vị Xuyên, chúng tôi vui niềm vui của ngày gặp mặt, anh em vẫn còn khỏe mạnh để hội ngộ với nhau. Nhưng chẳng biết bao giờ có thể quy tập được đầy đủ hài cốt anh em về”.
Cuối tháng 4-1984, Trung Quốc dùng sức mạnh quân sự đánh vào biên giới tỉnh Hà Tuyên (tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang bây giờ) kéo dài hơn 100km, từ huyện Vị Xuyên, Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc mà huyện Vị Xuyên là chiến trường khốc liệt nhất.
Ngày 12-7-1984, ta mở chiến dịch trên toàn mặt trận nhằm lấy lại các cao điểm mà Trung Quốc xâm chiếm. Tham gia trận đánh có các sư đoàn 313, 314, 316, 356... Riêng sư đoàn 356 được chọn làm đơn vị chủ công đánh các điểm cao 1100, 772 685, 233, đồi cô X, 1509, 1030, 1250.
Ta đã lấy lại được những điểm then chốt nhưng trong chiến dịch này, khoảng 600 cán bộ chiến sĩ sư đoàn 356 hi sinh, 400 cán bộ chiến sĩ sư đoàn 316 và 312 cũng ngã xuống. Phần lớn hài cốt các liệt sĩ hi sinh trong trận đánh này đến nay vẫn chưa được tìm thấy và quy tập về nghĩa trang liệt sĩ.

Tối 11-7, tại nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên (Hà Giang), UBND huyện Vị Xuyên cùng lực lượng thanh niên tình nguyện, các cựu binh sư đoàn 356 đã thắp nến tri ân các liệt sĩ hi sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc.
Truyền hình Tuổi Trẻ thực hiện
HÀ HƯƠNG

Phần nhận xét hiển thị trên trang