Tác giả: Lê Hồng Hiệp
Thuyết hòa bình nhờ dân chủ lập luận rằng các quốc gia có hệ thống chính trị dân chủ tự do không bao giờ tiến hành chiến tranh chống lại nhau. Nhà nghiên cứu Jack Levy trong một bài báo đăng trên tạp chí Journal of Interdisciplinary History vào năm 1988 cho rằng đây có lẽ là thực tế trong quan hệ quốc tế có tính chất gần nhất với một quy luật thực nghiệm vốn hiếm hoi trong các ngành khoa học xã hội.
Thuyết hòa bình nhờ dân chủ được cho là bắt nguồn từ bài luận “Nền hòa bình vĩnh cửu” (Perpetual Peace) năm 1795 của Emanuel Kant, trong đó ông cho rằng giữa các quốc gia sẽ có được nền hòa bình nếu như họ theo thể chế cộng hòa tự do. Mặc dù Kant không đề cập đến khía cạnh dân chủ, nhưng thực tế các nền cộng hòa tự do nhìn chung có xu hướng theo đuổi dân chủ. Chính vì vậy có thể nói Kant chính là người khai sinh ra những ý tưởng đầu tiên cho thuyết hòa bình nhờ dân chủ.
Mặc dù vậy, phải gần 200 năm sau bài luận của Kant ra đời thì ý tưởng “hòa bình nhờ dân chủ” mới được củng cố và phát triển thành một tư tưởng có nhiều ảnh hưởng. Trong bài báo “A Force for Peace” đăng trong tạp chí Industrial Research năm 1972, Dean Babst, người đầu tiên thống kê về mối quan hệ giữa dân chủ và hòa bình, đã chỉ ra rằng “Từ năm 1789 đến năm 1914 không có cuộc chiến tranh nào giữa các quốc gia độc lập có chính phủ do dân cử”.
Sau đó, một loạt các nghiên cứu khác của Melvin Small và David Singer (1976), Michael Doyle (1983), Rudolph Rummel (1983), Zeev Maoz và Bruce Russett (1992)… cũng đã góp phần củng cố thuyết “hòa bình nhờ dân chủ”, đặc biệt là qua các dữ liệu thống kê mang tính chất thực nghiệm lịch sử.
Ví dụ, trong nghiên cứu năm 1992 của mình, Maoz và Russett tập trung vào thời kỳ từ 1946 đến 1986, là giai đoạn số lượng các nền dân chủ đã tăng lên đáng kể, đồng thời hai ông cũng giới hạn các mối quan hệ được phân tích trong phạm vi những cặp quốc gia “phù hợp về mặt chính trị”. Theo đó Maoz và Russett chỉ nghiên cứu những cặp quốc gia gần gũi nhau về mặt địa lý và bao gồm ít nhất một cường quốc (Mỹ, Liên Xô, Anh, Pháp, Trung Quốc). Kết quả cho thấy trong số 29.081 cặp quan hệ mà họ phân tích, không có cuộc chiến tranh nào diễn ra giữa các quốc gia dân chủ trong giai đoạn 1946 đến 1986.
Tương tự, nếu một cuộc chiến tranh được định nghĩa là một cuộc xung đột vũ trang khiến ít nhất 1.000 người thiệt mạng thì từ năm 1816 đến năm 1991 có tất cả 353 cặp quốc gia tham gia vào các cuộc chiến tranh như vậy. Tuy nhiên không có cuộc chiến tranh nào diễn ra giữa hai quốc gia dân chủ, trong khi 155 cuộc xảy ra giữa một quốc gia dân chủ và một quốc gia phi dân chủ, và 198 cuộc là giữa hai quốc gia phi dân chủ với nhau.
Tuy nhiên ý nghĩa của những con số thống kê này là không rõ ràng. Liệu có mối liên hệ nhân quả nào giữa dân chủ với xu hướng tham gia chiến tranh của các quốc gia hay không? Nhiều nhà chỉ trích cho rằng trước tháng 03 năm 1999 khi NATO không kích Nam Tư, một thực tế là không có cuộc chiến tranh nào diễn ra giữa hai quốc gia cùng có các nhà hàng của hãng McDonald’s. Chính vì vậy, một câu hỏi được đặt ra là liệu có phải các quốc gia dân chủ không tiến hành chiến tranh chống lại nhau là bởi chế độ chính trị dân chủ của họ hay không, hay là bởi các yếu tố khác nữa? Ví dụ, một số học giả cho rằng mối quan hệ tương đối hòa bình giữa các quốc gia dân chủ trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh xuất phát từ sự tồn tại mối đe dọa từ Liên Xô, khiến các quốc gia này đoàn kết và hợp tác với nhau hơn để đối phó với mối đe dọa đó.
Tuy nhiên, ngay cả khi lập luận này là thuyết phục thì chúng ta có thể lý giải như thế nào về những thời kỳ khác, khi các quốc gia dân chủ vẫn chung sống hòa bình với nhau khi không có những mối đe dọa chung như vậy?
Các nhà nghiên cứu ủng hộ thuyết hòa bình nhờ dân chủ cho rằng có nhiều yếu tố khác nhau lý giải cho mối quan hệ hòa bình giữa các quốc gia dân chủ. Các yếu tố này bắt nguồn từ chính tính chất nền chính trị nội bộ của các quốc gia dân chủ, cũng như mối quan hệ của họ với nhau.
Một quốc gia dân chủ thường được định nghĩa là một quốc gia mà ở đó có tổ chức các cuộc bầu cử phổ thông nhằm bầu chọn các vị trí chủ chốt trong chính quyền với sự tham gia của các đảng phái chính trị cạnh tranh lẫn nhau. Ngoài ra, chính quyền của các quốc gia này phải tôn trọng các quyền tự do dân sự và chính trị cơ bản của người dân. Các nhà lý thuyết hòa bình nhờ dân chủ cho rằng bản chất dân chủ của các quốc gia này khiến họ trở nên hòa bình hơn trong quan hệ với các quốc gia khác.
Thứ nhất, các xã hội dựa trên các chính sách kinh tế mở như các quốc gia dân chủ thường kiềm chế tham vọng của nhà nước trong việc tiến hành chiến tranh xâm lược bành trướng do chiến tranh được coi là gây thiệt hại hoặc không mang lại lợi ích về mặt kinh tế. Mặt khác, trong các nền dân chủ, người dân có tiếng nói và họ thường gây áp lực lên chính phủ nhằm buộc chính phủ tránh các cuộc chiến tranh hao người tốn của. Ngoài ra, nền văn hóa tự do thường bén rễ sâu trong các nền dân chủ, khiến cho các nền dân chủ này hạn chế xu hướng xâm lược ra bên ngoài, bởi họ cũng muốn tôn trọng các quyền tự do, dân chủ của các dân tộc khác. Điều này khiến cho các nền dân chủ tự do duy trì một mối quan hệ quốc tế hòa bình hơn so với các quốc gia độc tài.
Tuy nhiên các lập luận này đã gặp phải nhiều chỉ trích, bởi lẽ nếu bản chất của các quốc gia dân chủ là hòa bình, thì họ phải duy trì quan hệ hòa bình với các quốc gia dân chủ lẫn phi dân chủ. Trên thực tế, chiến tranh cho dù chống lại một quốc gia dân chủ hay phi dân chủ đều có thể gây hao người tốn của như nhau. Tuy nhiên trên thực tế các quốc gia dân chủ cũng tham gia các cuộc chiến tranh chống lại các quốc gia phi dân chủ nhiều không kém bản thân các cuộc chiến tranh do các quốc gia phi dân chủ gây ra.
Thứ hai, các nhà lý thuyết hòa bình nhờ dân chủ cho rằng các thế chế trong lòng các nền dân chủ luôn kiểm soát và cân bằng lẫn nhau, qua đó kiềm chế xu hướng hiếu chiến của chính phủ cầm quyền. Cụ thể, các thể chế dân chủ buộc các nhà lãnh đạo quốc gia phải chịu trách nhiệm giải trình trước người dân về các chính sách của họ và nếu một nhà lãnh đạo dân chủ tiến hành chiến tranh vì các lý do mà người dân cho rằng không đầy đủ, thiếu thuyết phục hoặc gây thiệt hại cho đất nước thì người dân có thể khiến các nhà lãnh đạo đó mất chức trong các kỳ bầu cử hoặc thủ tục luận tội. Chính vì lý do này, các nhà lãnh đạo dân chủ sẽ thận trọng và kiềm chế hơn khi cân nhắc tiến hành các cuộc chiến tranh.
Lập luận này mặc dù là một cơ sở quan trọng cho thuyết hòa bình nhờ dân chủ nhưng cũng có những khuyết điểm. Ví dụ, bản thân chính quyền các quốc gia dân chủ cũng có nhiều cơ quan, tổ chức khác nhau, và trong nhiều trường hợp các cơ quan này có thể vận hành trong bí mật và chỉ báo cáo trực tiếp với các nhà lãnh đạo tối cao mà thôi. Điển hình cho trường hợp này là các cơ quan an ninh, tình báo hay quân đội, ví dụ như Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA). Điều này khiến cho ý nghĩa của sự minh bạch hay cơ chế kiểm soát và cân bằng trong các nền dân chủ bị giảm sút.
Nguyên nhân thứ ba mà các nhà các nhà nghiên cứu đưa ra nhằm ủng hộ cho thuyết hòa bình nhờ dân chủ liên quan đến khía cạnh văn hóa. Trong nền văn hóa dân chủ tự do, các cá nhân và các nhóm thường ưu tiên các biện pháp phi bạo lực trong việc giải quyết tranh chấp và biết cách chấp nhận các quan điểm trái ngược với mình. Hơn nữa, các quốc gia dân chủ chia sẻ các giá trị chung, do đó họ dễ dàng hơn trong việc thương lượng, đàm phán với nhau, và hạn chế các xung đột hay biện pháp cưỡng bức.
Có thể nói mặc dù vẫn còn nhiều tranh cãi xung quanh logic cũng như tính xác thực nhưng thuyết hòa bình nhờ dân chủ đã tạo ra những ảnh hưởng đáng kể đối với giới học giả cũng như các nhà hoạch định chính sách. Một số người lạc quan cho rằng dân chủ sẽ được mở rộng trên toàn cầu và thế giới sẽ trở nên hòa bình hơn. Đây cũng là lập luận được một số chính quyền tiêu biểu là Mỹ dưới thời Tổng thống Bill Clinton và George W. Bush sử dụng để đưa ra chính sách thúc đẩy quá trình dân chủ hóa trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, một thực tế cho thấy, quá trình dân chủ hóa thường đòi hỏi sự đầu tư rất nhiều nguồn lực. Mặt khác, quá trình dân chủ hóa trong nhiều trường hợp lại tạo ra những bất ổn cho chính các quốc gia đó. Một số nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, các quốc gia đang trong quá trình chuyển đổi sang dân chủ cũng có xu hướng gây chiến tranh nhiều hơn so với các quốc gia đã có nền dân chủ lâu đời. Ví dụ, sau sự kiện “Mùa xuân Ảrập” năm 2011 và việc Ai Cập dân chủ hóa sau sự ra đi của Tổng thống Edhud Mubarak, một câu hỏi được đặt ra là liệu khu vực Trung Đông sẽ trở nên hòa bình hơn hay ngược lại, nhất là khi nhiều người cho rằng một nước Ai Cập dân chủ có thể bác bỏ hiệp định hòa bình đã được duy trì với Israel kể từ năm 1979.
Nguồn: Đào Minh Hồng – Lê Hồng Hiệp (chủ biên), Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế, (TPHCM: Khoa QHQT – Đại học KHXH&NV TPHCM, 2013).
Phần nhận xét hiển thị trên trang