Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 7 tháng 7, 2015

Ba mươi năm qua Trung Quốc đã gặp may, giờ lại không biết giữ, đáng bồn thay!

Mưu đồ độc bá Trung Quốc sắp thành “Dã tràng xe cát Biển Đông“


Thiên Hà (theo The Age) 
MTG - Trung Quốc (TQ) gần đây bất chấp dư luận thế giới, thực hiện mưu đồ "độc bá" trên Biển Đông khi ngang ngược xây dựng trái phép hàng loạt đảo nhân tạo trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nhưng hành động này sẽ thành "Dã tràng xe cát Biển Đông".

Người Việt Nam ai cũng biết câu chuyện cổ tích về con dã tràng, với kết cuộc là câu "Dã tràng xe cát Biển Đông" ... "Nhọc nhằn mà chẳng nên công cán gì" để ám chỉ những hành động dù cố gắn đến mấy cũng vô ích.

Hành động xây dựng trái phép của TQ trên Biển Đông gần đây cũng sẽ giống như con dã tràng kia vì tất cả đều vô ích, họ sẽ không thể nào độc bá Biển Đông như ý muốn của mình.

Chẳng những "vô ích", hành động của TQ còn làm hại đến chính nước này, khi mà TQ sẽ phải bị các nước hàng xóm xung quanh dè chừng, quốc tế lên án và hàng loạt những nguy cơ khác trong tương lai.

Tốn rất nhiều tiền nhưng chỉ 30 phút là mất hết

Đó chính là viễn cảnh xảy ra với việc TQ xây dựng trái phép các hòn đảo nhân tạo trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà nước này hiện đang chiếm đóng trái phép, Bắc Kinh đã bỏ ra một số tiền cực kỳ khổng lồ để thực hiện công việc xây dựng trái phép của mình, dù không có con số thống kê chính xác nhưng với diện tích cũng như mức độ xây dựng của họ trên Biển Đông con số phải lên tới hàng tỉ USD.

Mặc dù tốn kém là vậy, nhưng theo công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển năm 1982, những hòn đảo nhân tạo của TQ không có giá trị gì trong việc tuyên bố lãnh thổ cũng như không có bất cứ giá trị pháp lý khi tính lãnh hải.

Đã vậy, theo các chuyên gia quân sự Mỹ, nếu căng thẳng trên Biển Đông gia tăng đến mức xung đột quân sự nổ ra, thì chỉ trong vòng 30 phút quân đội Mỹ sẽ hoàn toàn xóa sổ những hòn đảo nhân tạo mà bắc Kinh đã tốn hàng "núi tiền" để xây dựng trên.

Mất hết "hàng xóm"

Người Việt có câu "Bán anh em xa, mua láng giềng gần" để ám chỉ việc quan hệ hàng xóm tốt đẹp sẽ giúp đỡ cho cuộc sống của mình như thế nào, nhưng thay vì "mua láng giềng gần" TQ gần đây đã liên tục thực hiện các hành động khiến gần như tất cả các nước "hàng xóm" của nước này nghi ngại, thậm chí xa lánh.

Từ Việt Nam, Philippines cho đến Nhật Bản, TQ đã khiến các nước trong khu vực lo lắng trước những yêu sách lãnh thổ phi lý và hàng loạt hành động bất chấp công pháp quốc tế của mình. TQ "ăn ở" không tốt đến mức mà Triều Tiên vốn là nước phụ thuộc rất nhiều vào họ vì bị quốc tế cấm vận nhưng gần đây đã thực hiện quan hệ lạnh nhạt với TQ cũng như tìm kiếm tới Nga như là một đối trọng trong tương lai.

Quốc tế đoàn kết đề phòng

Không chỉ "mất láng giềng", TQ còn phải đối mặt với một tình thế khác là các nước trên thế giới lên án và nhiều nước đoàn kết để đề phòng TQ gây hấn thêm nữa tại Biển Đông vốn là tuyến đường biển hàng hải quan trọng của thế giới.

Từ Hội nghị Đối thoại Sangri-La tại Singapore cho đến mới đây là hội nghị G7 tại Đức, các nguyên thủ cũng như lãnh đạo hàng đầu của thế giới đều lên án việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo trái phép tại Biển Đông và yêu cầu nước này dừng ngay việc làm phi pháp của mình lại.

Ngoài việc lên án, các nước còn tiến hành hàng loạt hành động để khẳng định sự nghiêm túc đề phòng trước mưu đồ của Trung Quốc, Nhật Bản quyết định tăng cường hợp tác với Philippines và đóng mới tàu tuần tra cho nước này, Mỹ cũng cam kết giúp Việt Nam cũng như chi 18 triệu USD để tặng Việt Nam tàu tuần tra cao tốc mới.

Không chỉ hành động thắt chặt quan hệ ngoại giao với nhau, Mỹ, Úc, Nhật Bản còn tuyên bố sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động tuần tra trong khu vực để khẳng định sự có mặt của mình tại Biển Đông cũng như cảnh báo với TQ rằng thế giới không ai công nhận yêu sách lãnh thổ phi lý của nước này.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Trông người mà ngẫm đến ta - Qua cơn khủng hoảng mới là người ngoan!

‘Bi kịch’ Hy Lạp ảnh hưởng đến VN ra sao?


CHÂN LUẬN thực hiện
(PL)- Rất cần học hỏi nghiêm túc từ “bài học” khủng hoảng kinh tế ở Hy Lạp.

Hy Lạp đã trở thành quốc gia công nghiệp phát triển đầu tiên rơi vào tình trạng chậm trả nợ cho Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Ngày 30-6 vừa qua, Hy Lạp tuyên bố không thể trả khoản nợ đáo hạn trị giá 1,5 tỉ euro (1,7 tỉ USD) cho IMF.

Kinh tế Hy Lạp đang đứng trước những thách thức quá lớn khi mọi nguồn lực tài chính đã cạn kiệt, trong khi không thể tiếp cận thêm nguồn vốn của IMF cũng như gói cứu trợ quốc tế của các chủ nợ.

Vậy Việt Nam chịu tác động thế nào từ cuộc khủng hoảng Hy Lạp trong trường hợp Hy Lạp vỡ nợ? Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (Trường ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội), nhận định:

Cuộc khủng hoảng ở Hy Lạp hiện nay đã và đang góp phần làm nền kinh tế EU suy yếu và đồng euro mất giá. Bản thân Ngân hàng Trung ương châu Âu phải giảm lãi suất trên toàn châu Âu để kích thích kinh tế, cũng khiến giá trị đồng tiền này giảm so với các đồng tiền khác, cụ thể là USD.

Nhiều lĩnh vực có thể bị ảnh hưởng

. Phóng viên: Thưa ông, vậy điều này ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam ra sao?

+ TS Nguyễn Đức Thành: Ảnh hưởng của tình trạng này đến Việt Nam có thể ở hai mức độ.

Thứ nhất, sức mua của nền kinh tế châu Âu giảm do suy giảm kinh tế thực sự, dẫn đến giảm nhu cầu về hàng xuất khẩu của Việt Nam. Châu Âu vốn là một thị trường xuất khẩu lớn thứ hai, chỉ sau Mỹ, của Việt Nam và chúng ta có thặng dư thương mại lớn với hai nền kinh tế này.

Do đó, việc sức mua châu Âu giảm, phần nào ảnh hưởng đến các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu của chúng ta. Đầu tư vào Việt Nam từ EU cũng sẽ giảm khi sức khỏe của nền kinh tế này suy yếu.

Thứ hai, giá trị đồng euro giảm mạnh sẽ khiến giá hàng hóa Việt Nam đắt lên tương đối, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam vào EU. Một mặt hàng “xuất khẩu” quan trọng chính là du lịch của châu Âu vào Việt Nam, khách du lịch châu Âu sẽ thấy chi phí du lịch nước ngoài, trong đó có chúng ta, tăng lên tương ứng với sự mất giá đồng euro. Như thế, họ sẽ giảm đi du lịch. Và nguồn khách du lịch vào Việt Nam sẽ giảm. Thực tế chúng ta đã chứng kiến điều này trong hơn một năm qua.

Còn về lĩnh vực tài chính, ngân hàng, nợ công… khủng hoảng Hy Lạp liệu có ảnh hưởng tới Việt Nam trong bối cảnh chúng ta đã hội nhập khá sâu vào nền kinh tế thế giới?

+ Các DN hoặc ngân hàng Việt Nam nắm giữ nhiều đồng euro hoặc gửi tiền tại các ngân hàng ở châu Âu có thể sẽ bị thiệt hại nặng nề vì sự giảm giá của đồng euro.

Tuy nhiên, tôi cho rằng các DN và tổ chức tài chính thường rất nhạy bén, họ sẽ cố gắng thoái lui khỏi đồng tiền này ngay khi thấy có những tín hiệu không hay. Chỉ trừ những khoản tiền gửi hoặc hợp đồng dài hạn đã ký mà thôi.

Về nợ công, Việt Nam sẽ có lợi đối với các khoản vay bằng euro vì đồng tiền này giảm giá, khiến giá trị khoản nợ tính theo VNĐ hoặc USD giảm xuống. Song tỉ trọng nợ nước ngoài của Việt Nam tính bằng euro không chiếm tỉ trọng lớn.

Tôi cho rằng sự suy giảm kinh tế và giá trị đồng tiền của EU có tác động tới Việt Nam theo hướng tiêu cực. Nhưng không ở mức nghiêm trọng vì chúng ta vẫn lệ thuộc nhiều hơn vào khu vực kinh tế đồng USD và đồng yen.

Hội nhập không tất yếu là bữa tiệc vui

Ông có thể lý giải vì sao Hy Lạp rơi vào “bi kịch” như hiện nay?

+ Chúng ta biết rằng bi kịch kinh tế hiện nay của Hy Lạp bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khá kinh điển. Chẳng hạn, nền kinh tế này thiếu kỷ luật và minh bạch về tài khóa từ trước khi gia nhập khối EU. Họ đã giấu những khoản nợ công khổng lồ để đáp ứng điều kiện về kỷ luật tài khóa khi gia nhập EU.

Sau khi gia nhập EU, Hy Lạp đã không cải thiện được năng suất, để lỡ cơ hội tận dụng lợi thế là thành viên của EU. Trong khi đó, họ đã tăng chi tiêu chính phủ lên rất nhanh với mô hình nhà nước phúc lợi, trong khi nguồn thu không được cải thiện tương ứng. Kết quả là họ tất yếu sa vào nợ nần ngày càng trầm trọng.

Từ những phân tích nguyên nhân bi kịch của Hy Lạp, theo ông, Việt Nam cần rút ra bài học gì?

+ Mổ xẻ nguyên nhân của cuộc khủng hoảng kinh tế Hy Lạp, chúng ta thấy có một số điểm chung so với nền kinh tế Việt Nam .

Việt Nam cũng có một hệ thống tài khóa và nợ công tương đối thiếu kỷ luật và chưa thực sự minh bạch. Nghiêm trọng hơn cả là năng suất của nền kinh tế Việt Nam không được cải thiện đủ nhanh đáp ứng nhu cầu hội nhập và theo kịp các nước trong khu vực.

Lý giải hiện tượng này khá phức tạp nhưng nói chung nó bắt nguồn từ cấu trúc nền kinh tế kém hiệu quả do khu vực DN nhà nước cồng kềnh, lấn át khu vực tư nhân; cấu trúc nền kinh tế còn lạc hậu và môi trường kinh doanh còn chưa thực sự tạo điều kiện tối đa hỗ trợ DN phát triển.

Cuối cùng, một hàm ý lớn ở đây là hội nhập quốc tế không tất yếu là một bữa tiệc vui. Nếu một nước không chuẩn bị sẵn sàng cho quá trình hội nhập quốc tế với một nền tảng tốt, anh hoàn toàn có thể thất bại và phải rút khỏi quá trình đó trong một trạng thái vô cùng thảm hại!

Xin cám ơn ông.
***

TS Nguyễn Đức Thành hiện là viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR); chuyên gia về kinh tế vĩ mô, thành viên Hiệp hội Kinh tế Đông Á (EAEA) và học giả của quỹ Eisenhower Foundation (Mỹ). Ông cũng là tác giả của chuỗi Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam, được xuất bản liên tục kể từ năm 2009 đến nay.
***

Tôi cho rằng Việt Nam rất cần học hỏi và hành động một cách nghiêm túc từ trường hợp “khốn khó” của Hy Lạp hiện nay, nếu không muốn sa vào một bi kịch như vậy. - TS NGUYỄN ĐỨC THÀNH

Phần nhận xét hiển thị trên trang

CÓ NẶNG LỜI QUÁ KHÔNG?

Cơn dại mới bắt đầu


Doduc
Lâu nay tôi hay nghĩ về việc người Trung Quốc cướp Hoàng Sa của ta rồi phá bãi san hô bồi đắp thành các đảo. Rồi tiếp đến là đường chín đoạn cướp 80% biển Đông…Thế giới lên án về sự ngạo ngược, họ cũng không từ. Nhiều kết luận cho rằng rằng mục đích cướp biển đảo của Việt Nam vì kinh tế, chiếm giữ cái giàu có từ lòng biển khơi…..

Những ý kiến đó không sai, nhưng đó chỉ là cái ngọn, cái vỏ ngoài.

Tôi đọc sách Trung Hoa, có truyện Ngu công rời núi. Hai ngọn gọn Thái Hàng và Vương Ốc sừng sững chắn trước nhà vướng tầm nhìn, Ngu công cho đào phá, có người chê ông dở hơi, làm bao giờ xong. Nhưng ông bảo: đời tôi chưa xong thì đời con đời cháu chắt chút chít chiu sẽ nối nhau làm là phải xong. Câu chuyện cho một triết lý rất hay về ý chí kiên định của con người. Rằng núi thì nguyên đấy nhưng con người thì sinh sôi bất diệt sẽ làm được hết mọi việc mong muốn nếu vững lòng chuyển núi.

Những ví dụ về sự kiên trì kiên định trong sách Trung hoa thì nhiều vô kể, rất sâu sắc và có sự nhắc nhở con người rất lớn.

Khác với sự kiên trì, Trung Quốc hôm nay mắc bệnh Ngạo mạn và Ngộ nhận quá nặng. Nếu họ Đặng nhắc đàn em “ém mình chờ thời”, thì cách “ trỗi dậy trong hòa bình” của họ Tập lại như Cao biền dậy non. Khó tránh khỏi sự sụp đổ nay mai. Mà nó tự đổ gập trong lòng nó.

Tôi đoan chắc rằng khi bồi đắp biển ăn cướp, họ Tập muốn nhằm một mục tiêu lớn hơn, ông ta muốn nói với thê giới và nhất là với Mỹ rằng với người Trung quốc không gì là không thể.. Nếu người Trung Quốc muốn, là người Trung quốc sẽ làm được.

Đúng thế thật, phải có khối lượng tiền như núi và công nghệ cao như núi và ý chí thép để bồi đắp xây dựng giữa biển khơi hàng triệu mét vuông đất, làm đường san bay, xây nhà nhiều tầng, không phải ai cũng có tiềm lực và có gan làm nổi. Với người Mĩ cũng là mạo hiểm.

Có nhẽ việc san lấp và bồi đắp biển đảo Hoàng Sa là bữa tiệc tinh thần lớn nhất trên bàn tiệc “giấc mơ Trung hoa” của họ Tập. Họ Tập mưốn qua việc này nói với thế giới rằng : Tôi đáng lãnh đạo thế giới chưa !

Không biết số tiền dành cho việc bồi đắp ngoài biển bao nhiêu, chưa kể tiền bảo trì cho nó hoạt động nữa… Nhưng để móc vào ruột biển hoàn vốn chắc cũng phải vài chục năm, kể cả khi họ Tập mục xương vẫn chưa thể thu xong được.

Cái truyền thống lì lợm cố hữu, cô đơn của người Trung Hoa đã biến họ thành những kẻ hoang tưởng vĩ đại nhất của loài người mà Tập Cận Bình là một đại diện rất quái vật. Kể từ nay đến khi ông ta chết, không biết sẽ còn gây ra thêm bao nhiêu tai ương cho đồng chí của mình và các láng giềng nữa. Nhưng quyết ông ta không thế là một vĩ nhân để thế giới ngưỡng mộ, mà chỉ là quái vật mang hình người, khiến cả thế giới lo ngại và ghê tởm.

Việt Nam có vấn nạn tham những làm mục nát đất nước, rỗng rách ngân khố. Họ Tập dùng máu và mồ hôi người Trung Hoa, trong đó có thế giới tiếp sức bằng nhưng hợp tác kinh tế béo bở vị kỉ, nuôi quái vật họ Tập lớn lên, và chúng phát cuồng với 30 năm tăng trưởng. Nhưng sự sụp đổ thì sẽ bất ngờ và nhanh chóng, làm cho Trung Hoa trở về thời Liệt quốc. Họ sẽ kiếm củi ba năm thiêu một giờ cho mà xem.. Thời ấy chắc chắn sẽ đến vì máu điên trong người Trung Ho rất lớn, đang bùng phát cơn rồ sẽ thiêu đốt họ. Cơn rồ và cơn dại của họ mới chỉ bắt đầu!

Viết vào quốc khánh Mỹ- 4/7/ 2015

Phần nhận xét hiển thị trên trang

NGÀY ĐẦU NON TRẺ:



Trên thì Việt nam dân chủ cộng hòa. Nhưng dưới thì lại Dân chủ cộng hòa Việt nam.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Nợ phải trả ngay đời này


DANH ĐỨC

TT - Hạn chót thứ ba 30-6 đã qua đi mà Hi Lạp không thanh toán được khoản nợ của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), dù chỉ là 1,7 tỉ USD đáo hạn.

Cú “bể nợ” này trùng hợp với việc gói cứu trợ của khối đồng euro dành cho Athens hết hạn.

Có phải một khi Hi Lạp không còn khả năng trả nợ, nhe răng ra “cười trừ” và đe dọa ra khỏi khối đồng euro thì các chủ nợ sẽ để yên? Không bao giờ.

Bằng cớ là trong ngày 30-6, Chính phủ Hi Lạp đã một lần nữa nài van IMF gia hạn. Ngày 1-7, nhật báo Hi Lạp Ekathimerini đưa tin Chính phủ Hi Lạp đã gửi một đề xuất thắt lưng buộc bụng đến các chủ nợ châu Âu, thay thế đề xuất thứ nhì bị bác bỏ hôm thứ hai.

Cũng tờ báo này buồn bã ghi nhận: “Hi Lạp trở thành nền kinh tế tiên tiến đầu tiên không thanh toán được nợ của IMF, gia nhập hàng ngũ lịch sử các nước vỡ nợ”.

Trong danh sách đó có Zimbabwe với đồng nội tệ thảm hại, 35 triệu tỉ đôla Zimbabwe mới tương đương với chỉ 1 USD. Liệu đây có phải là tương lai của đồng drachma của Hi Lạp, một khi rời khỏi khối đồng euro?

Câu hỏi đặt ra trong từng giao dịch với đồng drachma là bản vị của tờ giấy bạc này là gì và rằng Hi Lạp còn bao nhiêu ngoại tệ để bảo chứng cho đồng drachma?...

Cứ thế, đồng drachma sẽ trượt dài nếu như cán cân thương mại của Hi Lạp không thặng dư để thu về ngoại tệ làm chỗ dựa cho đồng nội tệ. Câu trả lời xám xịt khi mà tháng 7 này lẽ ra là tháng cao điểm du lịch, song tình hình rối ren thế này, khách nào dám đến, “con bò sữa” du lịch cũng cạn sữa.

Chuyện Hi Lạp bể nợ là kinh nghiệm xương máu đối với mọi quốc gia, xã hội nào đang thản nhiên vay nợ. Bài học đầu tiên là chớ vung tay quá trán. Tại sao Hi Lạp vay ồ ạt kể từ sau khi gia nhập khối đồng euro?

Đằng sau những vụ vay nợ bất kể ngày mai là nạn tham nhũng và đục khoét. Đó là động cơ kích thích Athens ngày càng vay nợ nhiều hơn. Trên mặt phải của tấm mề đay, các dự án xây dựng này nọ là chính đáng, ví dụ như các công trình phục vụ Thế vận hội Athens 2004. Song mặt trái lại là có xây thì các quan lớn mới có cơ hội tống tiền ngay chính nhà thầu của nước cho vay tiền.

Có thể lấy trường hợp hối lộ để được thắng thầu của Tập đoàn xe lửa quốc gia Đức Deutsche Bahn, trúng thầu tuyến metro từ Athens ra sân bay Venizelos, hoặc Hãng Siemens cung cấp hệ thống theo dõi điện tử và an ninh cho thế vận hội. Đừng trách tại sao Đức nay khắt khe đòi nợ Hi Lạp dữ thế. Đơn giản bởi Đức là chủ nợ lớn nhất của Hi Lạp.

Số nợ ngập đầu 312 tỉ euro của Hi Lạp vẫn còn đó và Athens phải trả ngay đời này chứ không thể đợi đến đời con cháu. Không đơn giản hễ cứ bỏ phiếu “ra khỏi đồng euro” là sẽ có thể xù nợ, hoặc sẽ được một “ông lớn” kinh tế nào khác đùm bọc...

Bài học thứ nhì là “chớ ham bội chi ngân sách”, đặc biệt đối với những nước đang xem bội chi, thâm thủng ngân sách nhẹ tựa lông hồng. Các nhà kinh tế học chỉ ra rằng Hi Lạp phải gầy dựng một “nền văn hóa ổn định ngân sách” để thoát nợ. Bài học tiếp theo là tăng trưởng dựa trên vay nợ sẽ không thể nào thọ được.

Một nếp “văn hóa ổn định ngân sách” thay cho “văn hóa reo hò” khi phát hành trái phiếu quốc tế thành công là điều cần kíp trước khi quá trễ.
***

Phần nhận xét hiển thị trên trang

KHÔNG AI MONG ĐIỀU NÀY XẢY RA!

Chứng khoán TQ nguy ngập: Thế giới nín thở

V. Minh 

VNN - Thị trường chứng khoán Trung Quốc đang chứng kiến hàng loạt phiên giảm điểm kinh hoàng. Chính sách hỗ trợ và những cam kết của cơ quan quản lý cũng như dự báo tốt đẹp về triển vọng kinh tế của nước này chưa có tác dụng.

Bong bóng xì hơi

Trong phiên giao dịch cuối tuần vừa qua, ngày 3/7, TTCK Trung Quốc tiếp tục gây sốc với chỉ số Shanghai Composite giảm tiếp 5,8% khiến không ít NĐT nghĩ tới một khả năng rất xấu là bong bóng chứng khoán tại quốc gia này đã hiện hình và đang dần tan vỡ.

Kịch bản bong bóng dường như đang diễn ra y như cảnh báo của rất nhiều chuyên gia tài chính hàng đầu thế giới trước đó. Trong tuần qua, chỉ số chứng khoán đáng chú ý nhất trên TTCK Trung Quốc - Shanghai Composite đã giảm hơn 12%, còn tính từ giữa tháng 6/2015 tới nay mất tổng cộng 30%, thổi bay khoảng 2,8 nghìn tỷ USD giá trị cổ phiếu trên TTCK nói chung.

Nhiều dự báo cho thấy, hiện tượng bán tháo có thể còn lan rộng và có thể dẫn tới một cuộc tháo chạy trên quy mô lớn, kết thúc bằng việc quả bong bóng chứng khoán Trung Quốc sẽ xì hơi về đúng với giá trị của nó sau một thời gian tăng nóng.

TTCK giảm điểm khiến tài sản của nhiều tỷ phú Trung Quốc tụt giảm nhanh chóng. Theo thống kê của Bloomberg, chỉ số Shanghai Composite giảm điểm quá mạnh đã khiến hơn 35 tỷ phú Trung Quốc mất trắng hơn 34 tỷ đô la trong tháng 6 đầu năm. Nhiều tỷ phú có tài sản mỗi người bốc hơi cả tỷ USD như Zhou Qunfei, Wang Jing, Lee Shau Kee,...

Cũng như nhiều TTCK nóng bỏng, hơn một năm qua, người dân Trung Quốc điên cuồng lao vào chơi chứng khoán, nhất là khi giá cổ phiếu ở các thị trường này bất ngờ tăng vọt. Gần 100 triệu người dân Trung Quốc đang chơi chứng khoán, từ sinh viên cho tới các cụ già đã nghỉ hưu, các ông chủ doanh nghiệp cũng ồ ạt mang tiền lên các sàn, kể cả phải đi vay. Và tất nhiên, những NĐT cá nhân này thường chịu ảnh hưởng lớn khi TTCK quay đầu giảm điểm.

Theo số liệu của Bloomberg, dòng tiền ồ ạt đổ vào đã khiến TTCK lần đầu tiên vượt qua ngưỡng 10 ngàn tỷ USD vào hồi giữa tháng 6/2015.

Sự tăng trưởng vượt quá sức tưởng tượng của nhiều người khiến hàng loạt các NĐT trên chính TTCK Trung Quốc quan ngại về sức nóng khủng khiếp trên thị trường này và giá cổ phiếu có thể đã bị thổi phồng quá mức. Đây là lý do khiến áp lực chốt lời ngày một tăng mạnh.

Mất kiểm soát?

Hàng loạt biện pháp đã được các nhà quản lý Trung Quốc dồn dập đưa ra để chặn đà giảm giá của chứng khoán.

Trung Quốc đã quyết định hoãn các đợt IPO mới trên 28 sàn giao dịch chứng khoán ở Thượng Hải và Thâm Quyến và bàn về việc thiết lập một quỹ bình ổn các thị trường cổ phiếu của nước này. Kết quả, một quỹ trị giá hơn 19 tỷ USD đã được thiết lập để mua các cổ phiếu lớn nhằm giúp ổn định TTCK.

Các CTCK cũng cam kết ngừng bán cổ phiếu họ sở hữu và tiếp tục rót tiền vào thị trường này nếu chỉ số chứng khoán Shanghai Composite vẫn còn nằm dưới ngưỡng 4.500 điểm như hiện nay - hãng tin CNN đưa tin.

Truyền thông Trung Quốc cho biết Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) cũng đang cắt 2/3 số doanh nghiệp mới xin niêm yết trên TTCK nhằm giảm áp lực nguồn cung và tạo động lực cho giá cổ phiếu tăng lại.

Theo tờ WJS, các quan chức cao cấp Hội đồng Nhà nước, Chính phủ, NHTW, cơ quan quản lý TTCK,... đã có cuộc gặp hôm 3/7 để thảo luận về các biện pháp mới để ngăn chặn đà lao dốc của TTCK.

Các nhà quản lý chứng khoán Trung Quốc cũng cắt giảm phí và nới lỏng các quy định cho vay nhằm tạo điều kiện cho giới đầu tư mua cổ phiếu với giá rẻ hơn với mục đích ngăn chặn đà bán tháo cổ phiếu trên thị trường.

Trước đó, hồi cuối tháng 6, Trung Quốc đã bất ngờ hạ lãi suất để củng cố lòng tin của các NĐT.

Thông tin mới nhất, giới chức Trung Quốc cũng đã cam kết giải quyết các mối quan ngại trước một số cáo buộc cho rằng có một thế lực nào đó đang thao túng khiến thị trường giảm mạnh như thời gian vừa qua.

Mặc dù vậy, các chính sách giải cứu dồn dập này dường như chưa có tác dụng. Đợt tụt giảm kéo dài này đang làm gián đoạn kế hoạch sử dụng TTCK làm đòn bẩy thúc đẩy nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới nhưng lại phải chật vật lấy lại tốc độ tăng trưởng cao của giới chức nước này.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Phẹt nổ về câu chuyện Phần Lan:

Cô gái mở đường

Nhân việc bác tôi đi Mẽo, tôi bốt bài về Tàu, thế mới đau hehe. Bài được biên bởi Chung Nguyễn aka Phú lé phố cổ, một con nở đá ống bơ và ất ơ mọi nhẽ. Như thường lệ, tít tôi lại rút trông quần ra, khà khà...

***

Cách đây khoảng nửa năm, khi phong trào chống Tàu đang ở mức đỉnh của hình sin, mình đã vận dụng trí lực của bản thân để cho ra đời một thiên Phú luận mà đến giờ vẫn còn nguyên giá trị thời sự. Nay nhân thời điểm cao trào của một đợt sóng bài Hoa nguy hiểm mới, mình xin mang di cảo lên cho những bạn chưa được thưởng thức có cơ hội suy ngẫm:

"Cần lao các bạn luôn ghét Tàu một cách vô cớ, điều này không hẳn xấu, tuy nhiên để nó chi phối mọi suy nghĩ, hành động là rất nguy hiểm. Quan từ dân mà ra, dân căm thù mù quáng sẽ dẫn đến quan chức cận thị về tầm nhìn chiến lược và lãnh đạo đất nước theo kiểu bần nông. Đáng sợ thay.

Cách đây vài hôm, một tờ báo ế khách với cái tên cực kỳ trí tuệ nhưng trình độ phóng viên hoàn toàn không liên quan đến tên của nó, đã ra một loạt bài phóng sự với mục đích rõ ràng, lộ liễu là đập một cơ sở kinh doanh vịt quay trên đường Trường Chinh. Ngoài việc vin vào một lý do rất mới thách thức mọi chuyên gia về vật lý đó là cơ sở này đã bơm hơi vào vịt để "tăng trọng lượng" thì còn một lý do nữa đó là nhà hàng này đã sử dụng nguyên liệu ướp vàng "có xuất xứ từ Trung Quốc". Chỉ cần mấy chữ "có xuất xứ từ Trung Quốc" thôi là đủ để gây sóng gió. Dân ta là vậy, nhiều người tuyên bố tẩy chay tất cả mọi thứ từ phía bên kia biên giới, nhưng dường như lại chưa từng lật mặt sau chiếc iPhone sành điệu đang dùng xem nó sản xuất ở đâu.

Chúng ta rỉ tai nhau nguy cơ công ty Huawei làm gián điệp ăn cắp thông tin người dùng, nhưng lại sẵn sàng khai sạch từ size quần chíp, tên người yêu cho đến quán ăn quen thuộc cho Facebook.

Chúng ta đổ lỗi mọi bệnh tật và các vấn đề về sức khỏe cho thực phẩm Tàu, nhưng lại lờ đi sự thật rằng Việt Nam là quốc gia tiêu thụ rượu bia, thuốc lá hàng đầu thế giới.

Để triệt để hơn trong việc bài Tàu, tôi gợi ý các bạn về quê gặp ông trưởng họ và hỏi mượn cuốn gia phả, gì chứ đã quét là phải quét cho bằng sạch, có phỏng?

Phần Lan là một quốc gia xinh đẹp và có nền kinh tế phát triển ở trình độ cao, ngoài là quê hương của hãng điện thoại Nokia trứ danh, đất nước này có thể được coi là một bài học mẫu mực trong việc tồn tại bên cạnh một nước lớn.

Với hoàn cảnh không khác nhiều Việt Nam, đều là một nước nhỏ tách ra từ một siêu cường, nhưng thành tựu của Phần Lan sau gần 100 năm tách khỏi Đế Chế Nga, khiến đất nước Việt Nam chúng ta, sau hơn 1000 năm độc lập từ Đế Chế Trung Hoa, phải suy nghĩ.

Họ cũng đã từng giống chúng ta, từng căm thù, từng sống mái với người láng giềng khổng lồ vì những lý do không đáng, nhưng họ hơn chúng ta ở chỗ đã sớm nhận ra điều đó là sai lầm và sửa chữa. Chúng ta thì không.

Trong chiến tranh thế giới thứ hai, Liên Xô đã xâm lược và gây nhiều đau thương cho nhân dân Phần Lan, vì lý do an ninh quốc gia Phần Lan đã trở thành một đồng minh của nước Đức. Nhưng họ chưa từng lấn thêm một tấc lãnh thổ nào của đối thủ mặc dù có cơ hội để làm điều đó, họ chỉ tham chiến để lấy lại vùng đất Karelia bị Liên Xô chiếm trước đó vài năm

Mặc dù sau chiến tranh, Liên Xô đã dễ dàng lấy lại vùng đất này, nhưng người Phần Lan cũng sẵn sàng gác lại tranh chấp để làm ăn với Liên Xô. Điều này đã mang lại lợi thế to lớn cho kinh tế Phần Lan trong suốt Chiến Tranh Lạnh khi giao thương Đông-Tây Châu Âu bị hạn chế. Phần Lan vui vẻ làm ăn với cả hai bên, những khu rừng bạt ngàn, tài nguyên khoáng sản vô tận của nước Nga cùng hàng hóa, trình độ quản lý, khoa học kỹ thuật của phương Tây đã giúp Phần Lan trở thành một quốc gia thịnh vượng mà chẳng phải đối đầu với bất kỳ ai. Có đáng học tập không?

Nhìn những giáo sư, tiến sĩ sử học của chúng ta đang cố gắng chứng minh Lưỡng Quảng, Hải Nam là của Việt Nam và lên gân tinh thần dân tộc như muốn nhắn nhủ con cháu mai sau phải lấy lại cho bằng được, mà thấy lo cho tương lai nước Việt. Một quốc gia nhỏ tỏ ra cực đoan trong đối ngoại với một nước láng giềng khổng lồ thì kết cục sẽ trở thành bãi chiến trường. Ukraine đang là ví dụ sắc nét cho điều đó.

Hãy coi sự trỗi dậy của Trung Quốc là một con sóng. Đừng né nó, càng không nên cố gắng đương đầu chống lại nó, mà hãy tập cách lướt trên nó.

Tin hay không tùy bạn, tương lai của đất nước, dân tộc chúng ta, phụ thuộc vào cách chúng ta "chơi" với Trung Quốc như thế nào.

Và đương nhiên, kẻ bẩn tính, cực đoan, trong bất kỳ cuộc chơi nào, sẽ không bao giờ có quà."

***
Phần nhận xét hiển thị trên trang