Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 5 tháng 7, 2015

Ông Trọng sẽ thảo luận gì với ông Obama?


Luật sư Vũ Đức Khanh
 Gửi cho BBC từ Ottawa, Canada
 
Đây là chuyến thăm đầu tiên của một lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam tới Hoa Kỳ
Tòa Bạch Ốc hôm 3/7 vừa ra thông cáo cho biết Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ tiếp Tổng bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng tại Phủ Tổng thống vào ngày 7/7 sắp tới.
Đây sẽ là một cuộc gặp lịch sử, sau 20 năm ngày hai quốc gia cựu thù bình thường hóa bang giao, sau 40 năm kết thúc chiến tranh Việt Nam, và là lần đầu tiên một Tổng bí thư ĐCSVN đến Hoa Kỳ.
Thông cáo trên cho biết Tổng thống Obama trông đợi thảo luận với nhà lãnh đạo ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng về các phương cách củng cố thêm Quan hệ Đối tác Toàn diện Mỹ-Việt cùng các vấn đề khác như Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), hợp tác quốc phòng song phương, và nhân quyền Việt Nam.
Trong khi đó truyền thông quốc tế tại Hà Nội cũng cho biết ông Trọng mong muốn trong chuyến công du này sẽ có “thảo luận cởi mở và thẳng thắn với phía Hoa Kỳ để giúp hiểu biết lẫn nhau, xây dựng sự tin cậy giữa hai nước, cũng như để thảo luận về những phương cách thắt chặt quan hệ song phương”.
Đã 20 năm có quan hệ song phương ở cấp Đại sứ, với biết bao nhiêu cuộc thăm viếng của bao thế hệ lãnh đạo các cấp của hai chính quyền mà vẫn chưa hiểu biết lẫn nhau, chưa thu hẹp được khoảng cách khác biệt, chưa xây dựng được niềm tin giữa hai quốc gia, đó chẳng phải là một thất bại sao? Chẳng nhẽ từ trước giờ hai bên chưa bao giờ nói chuyện “thẳng thắn” với nhau sao?
Điều gì đã cản trở quan hệ Việt-Mỹ? Hoa Kỳ thực sự muốn gì ở Việt Nam? Và, Việt Nam cần gì ở Hoa Kỳ? Đâu là những vấn đề song phương còn tồn đọng chưa giải quyết được?
Nhân quyền, cái gai trong quan hệ Mỹ – Việt
Đương kim Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius từng khẳng định rằng, “Mục tiêu của Hoa Kỳ rất rõ ràng: Chúng tôi muốn Việt Nam trở thành một quốc gia vững mạnh, thịnh vượng, độc lập, tôn trọng pháp luật và nhân quyền”.
Ông cũng chia sẻ rằng “Hoa Kỳ sẵn sàng chấp cánh cho Việt Nam bay cao và xa” hơn nữa nhưng bay cao và xa tới đâu thì tùy thuộc vào Việt Nam và theo ông nhận định thì nhân quyền là chủ đề mà ông gọi là “hóc búa nhất”, là rào cản trở chính trong quan hệ Mỹ-Việt hiện nay.
Nhân dân Việt Nam hơn bất cứ người dân nào khác trong khu vực hiểu rõ sự hưng vong của Việt Nam cũng như hòa bình, an ninh, thịnh vượng của khu vực Á Châu - Thái Bình Dương sẽ tùy thuộc rất nhiều vào sự ổn định, hòa bình và thịnh vượng chung của toàn khu vực, trong đó vai trò đặc biệt của Hoa Kỳ như là một tác nhân chính sẽ là một trong các yếu tố quyết định.
Với bề dày quan hệ với một nước láng giềng như Trung Quốc, người dân Việt Nam chắc chắn sẽ hoan nghênh sự hiện diện tích cực của Hoa Kỳ trong khu vực như một đối tác quan trọng có trách nhiệm.
Họ thừa biết rằng liên minh với Hoa Kỳ sẽ giúp Việt Nam giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, đồng thời giúp phát triển kinh tế Việt Nam thịnh vượng, kiến tạo đời sống sung túc, ấm no, hạnh phúc cho người dân Việt Nam.
Nhưng vấn đề ở đây không phải là người dân Việt Nam mà là lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam. Chính họ đang là rào cản cho tiến trình “liên minh” đó. Họ thà chấp nhận mất nước hơn là mất Đảng chỉ vì họ sợ rằng một liên minh với Hoa Kỳ tự do, dân chủ, tôn trọng nhân quyền sẽ khai tử chế độ cộng sản của họ.
Đó cũng chính là lý do mà Tổng thống Obama quyết định lịch sử mời ông Trọng đến Tòa Bạch Ốc để cam kết rằng “một Việt Nam tôn trọng nhân quyền” sẽ là một quốc gia độc lập, tự do, dân chủ, vững mạnh và thịnh vượng; sẽ là một đồng minh đáng tin cậy của Hoa Kỳ, một đối tác khả tín của cộng đồng quốc tế và khu vực.
Hợp tác kinh tế, an ninh và quốc phòng
null

Như thông cáo của Tòa Bạch Ốc có đề cập, trọng tâm thảo luận giữa ông Obama và ông Trọng ngày 7/7 sắp tới sẽ là: (1) Tăng cường hợp tác kinh tế sâu rộng, đặc biệt với việc sớm kết thúc đàm phán TPP; (2) mở rộng khuôn khổ sự tiếp cận cảng Cam Ranh của Hải quân Mỹ; và (3) năng cấp hợp tác quốc phòng thông qua việc tiến tới hủy bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam.
Cả ba chủ đề trên, ông Trọng chắc chắn sẽ có cơ hội “thảo luận cởi mở và thẳng thắn” với ông chủ Tòa Bạch Ốc nhưng ông Trọng cũng cần hiểu rằng người Mỹ rất quý trọng thời gian và họ sẽ không đủ kiên nhẫn để chỉ nói mà không có hành động thực tiễn đi kèm mặc dù họ sẵn sàng chấp nhận cho Việt Nam hưởng một số quy chế đặc biệt để có thể theo kịp 11 quốc gia còn lại trong khối TPP.
Với đạo luật “Quyền đàm phán nhanh” (TPA), Tổng thống Obama sẽ cam kết để Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhưng ông Trọng cũng cần phải cam kết tuân thủ triệt để các điều khoản của TPP, đặc biệt về sự cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân cũng như các điều khoản về quyền lập hội, tự do tổ chức nghiệp đoàn độc lập, quyền đàm phán chung của người lao động, những quy định như cấm sử dụng mọi hình thức lao động cưỡng bức, cấm khai thác lao động trẻ em, cấm không phân biệt đối xử trong lực lượng lao động.
Tham gia TPP, Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều kinh tế nhưng Việt Nam phải chấp nhận hy sinh «đổi mới chính trị».
Về vấn đề quân cảng Cam Ranh, phía Mỹ từng khẳng định rằng họ không có nhu cầu xây dựng căn cứ quân sự ở đây. Cái mà Hoa Kỳ mong muốn hợp tác với Việt Nam là quyền tiếp cận bến cảng này.
Việt Nam có quyền tự do giao lưu với tất cả các nước và cho phép các quốc gia có nhu cầu sử dụng quân cảng Cam Ranh được quyền tiếp cận. Tuy nhiên, điều Hoa Kỳ quan ngại là sự tiếp cận của bên thứ ba có thể làm tổn hại đến quyền lợi của Hoa Kỳ, thí dụ như trường hợp gần đây, Hoa Kỳ đã chính thức gửi công điện tới chính phủ Việt Nam phản đối việc Nga đã dùng quyền tiếp cận căn cứ Cam Ranh để thực hiện các hoạt động quân sự có thể làm tăng căng thẳng trong khu vực.
Chắc chắn, Tổng thống Obama sẽ nhân cơ hội này làm ông Trọng hiểu rõ rằng «Việt Nam không thể kết bạn với những kẻ thù của Hoa Kỳ».
Về vấn đề hiện đại hóa quốc phòng Việt Nam, Hoa Kỳ sẽ tái cam kết sớm xem xét việc bãi bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam. Tuy nhiên, Hoa Kỳ lưu ý Việt Nam cần nghiêm túc hơn nữa về tình trạng nhân quyền. Mọi tiến bộ về nhân quyền sẽ là tiến bộ tỷ lệ thuận với việc hủy bỏ lệnh cấm vận này. Đó là điều mà ông Obama sẽ không ngần ngại tái khẳng định với ông Trọng.
Tự do hàng hải, hàng không và an ninh Biển Đông
Một vấn đề khác quan trọng cũng nằm trong chương trình nghị sự của hai ông Obama và Nguyễn Phú Trọng hôm 7/7 là Biển Đông.
Bảo vệ tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông không chỉ có tầm quan trọng đối với hòa bình, an ninh và thịnh vượng trong khu vực mà còn vì lợi ích của toàn thế giới, nơi mà hàng năm có trên 40% tổng lưu lượng hàng hóa trên thế giới được di chuyển qua khu vực này. Đây cũng là nơi điểm xuất phát của hai nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba trên thế giới (Trung Quốc và Nhật Bản).
Hoa Kỳ luôn khẳng định có quyền lợi quốc gia trong việc bảo vệ an ninh, hoà bình và sự tự do hàng hải và hàng không trong khu vực Biển Đông.
Tuy không đứng về phía nào trong các tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông nhưng vì quyền lợi quốc gia, Hoa Kỳ sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam tìm kiếm giải pháp hòa bình, thông qua đàm phán ngoại giao, phù hợp với các thông lệ và chuẩn mực luật pháp quốc tế.
Tổng thống Barack Obama hồi đầu tháng 6 vừa qua cũng đã lên tiếng kêu gọi các bên trong khu vực tôn trọng luật pháp và ngừng những hành động gây hấn như cải tạo đất trên Biển Đông, đồng thời tuyên bố sẽ tiếp tục điều máy bay và tàu quân sự đến khu vực căng thẳng để bảo vệ quyền tự do hàng hải và hàng không.
Chắc hẳn chúng ta sẽ không lấy làm ngạc nhiên khi đọc một đoạn văn tương tự như trên trong Tuyên bố chung Mỹ – Việt sau buổi hội đàm Obama – Nguyễn Phú Trọng (nếu có).
Tương lai Việt Nam
null

Ở một chừng mực nào đó, cuộc viếng thăm Tòa Bạch Ốc của TBT Nguyễn Phú Trọng sẽ được ghi nhận như một sự kiện lịch sử vì đây là lần đầu tiên một lãnh đạo CSVN, một thể chế thù nghịch với Mỹ bước vào Tòa Bạch Ốc, cơ quan quyền lực bậc nhất của Hoa Kỳ và thế giới.
Tuy nhiên, nếu dừng tại đây thì nó chỉ có giá trị mang tính biểu tượng và sẽ chóng bị lãng quên. Nhưng nó sẽ có giá trị nhiều hơn nếu như chuyến công du này thực sự mang lại một luồng sinh khí mới cho Việt Nam thông qua những cam kết cụ thể của hai nhà lãnh đạo của hai quốc gia.
Hoa Kỳ với cam kết giúp đỡ “Việt Nam trở thành một quốc gia vững mạnh, thịnh vượng, độc lập, tôn trọng pháp luật và nhân quyền”. Và TBT Nguyễn Phú Trọng sẽ nhân danh ĐCSVN cam kết “đổi mới chính trị, tôn trọng nhân quyền” để có thể sát cánh cùng Hoa Kỳ trong công cuộc kiến tạo hòa bình, an ninh và thịnh vượng cho khu vực Á Châu – Thái Bình Dương.
Từ khi Thủ tướng Phan Văn Khải lần đầu tiên bước vào Tòa Bạch Ốc năm 2005 cho đến nay, hễ mỗi lần có một lãnh đạo cấp cao CSVN đến thăm nơi này thì truyền thông độc quyền nhà nước Việt Nam thường có những bài viết hoài niệm về một nỗi niềm nuối tiếc nào đó cho những cơ hội vàng đã bỏ lỡ trong quan hệ của hai nước kể từ năm 1945.
ĐCSVN có thể quy đổ trách nhiệm đó cho người Mỹ và cho rằng Hoa Kỳ không hiểu người CSVN nhưng lần này thì người CSVN không thể trách là người Mỹ không hiểu họ.
Với tất cả những gì người Mỹ đã làm từ 20 năm qua và đặc biệt trong chuyến bay đưa ông Trọng từ Hà Nội đến Washington để vào Tòa Bạch Ốc, có một cựu Tổng thống Mỹ, Bill Clinton, người của 20 năm trước đã can đảm mở đường bang giao với Hà Nội giữa muôn vàn khó khăn, đi tháp tùng. Đó không thể là một thông điệp không rõ ràng hơn được về sự quan tâm trân trọng của chính phủ Hoa Kỳ đối với Việt Nam.
Liệu ông Trọng sẽ mang thông điệp gì đến Washington và quan trọng nhất vẫn là sau khi rời Tòa Bạch Ốc, ông Trọng và những người đồng chí của ông sẽ làm gì để “Việt Nam trở thành một quốc gia vững mạnh, thịnh vượng, độc lập, tôn trọng pháp luật và nhân quyền”?
@bbc
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lên đường thăm chính thức Hoa Kỳ


Tong bi thu Nguyen Phu Trong len duong tham chinh thuc Hoa Ky
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (Ảnh: TTXVN)
Nhận lời mời của Chính phủ Hoa Kỳ, tối 5.7, Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã rời Hà Nội đi thăm chính thức Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ.
Tham gia đoàn có các vị: Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Quốc hội; Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh; Trần Quốc Vượng, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh văn phòng Trung ương; Phạm Bình Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Hoàng Bình Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương; Bùi Quang Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Vũ Huy Hoàng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương; Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Hồ Mẫu Ngoạt, Ủy viên Trung ương Đảng, Trợ lý Tổng bí thư, Phụ trách Văn phòng Tổng bí thư; Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Tô Lâm, Ủy viên Trung ương Đảng, Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an; Phạm Quang Vinh, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ; Nguyễn Phương Nga, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc.
Tháp tùng Tổng Bí thư có một số đại diện cựu chiến binh, chức sắc tôn giáo, nhân sĩ, trí thức, kiều bào và doanh nghiệp...
Theo TTXVN

Phần nhận xét hiển thị trên trang

CHUYỆN MỘT NGƯỜI ĐIÊN Ở BẾN TRAM

Kết quả hình ảnh cho Hình ảnh cô gái điên?

Truyện ngắn HG

Đây là chỗ con Da đá suýt nữa làm tôi ngã lăn xuống vực. Hôm ấy trời mưa, trơn đến nỗi ngựa cũng có thể ngã, không đi được. Đường qua đèo vẫn là đường đất, chưa như bây giờ, tráng nhựa có tên là đường quốc lộ, có số có má hẳn hoi. Nó mới chỉ là đường lâm nghiệp, xe “Bò ma” cày nát từng quãng dài. Trên lưng chừng đèo có chỗ bùn thụt sâu tới gối. Sơ sểnh cả người lẫn ngựa vút một cái mất tăm. Có thế giới bên kia hay không thì không ai dám chắc, nhưng méo mó biến dạng thân xác dưới đáy vực không cần hình dung, cũng thấy rợn người.
Ngựa lại là con bất kham, mệnh thủy khắc kị với mình. Tôi biết mà vẫn mua. Không phải vì ham rẻ, mà vì nể cụ Khuyên, người mới mất cách đây đúng một trăm ngày. Nhà làm lễ cúng bái linh đình nhờ con cái khá cả. Lão Chu trưởng nam của cụ tha thiết mời, tôi không thể không đi. Lượt buổi sáng trời chưa đến nỗi nóng như bây giờ. Rượu chưa uống, đầu óc còn tỉnh táo. Nắng le lói phía bên kia đèo. Người vắng gần như không gặp ai. Xe vượt qua đèo, gió thổi, mây bay..
Nói chung là không có gì đáng nói.
Nhưng lượt về, như thể ma làm, tôi bị lạc mấy bận. Cái giống rượu vào hay nghĩ linh tinh, thích chỗ này chỗ khác mà lúc tỉnh táo chả bao giờ làm như vậy. Cũng chả nhớ hết mình đi tới những đâu.
Hình như có vào chỗ mụ Dương lùn, thằng Mai ếch và một vài chỗ nữa. Ào ào chuyện, chả nhớ là những chuyện gì.
Mãi xâm xẩm tối mới sực nhớ ra là cần về nhà thì gặp ngay một chuyện. Một chuyện chả ra làm sao. Tỉnh lại ngày hôm sau xấu hổ thêm mấy ngày.Gọi điện đi mấy chỗ ấy xem có sơ xuất, có điều gì không phải?
Các nơi bảo rằng không, chả có gì. Nhưng có khi chỉ một mình mình biết. Đánh dấu vôi vào góc tường, thề không bao giờ lặp lại. Rượu là thứ nước lỏng quỷ sứ hay dùng nó để làm hư hỏng con người. Nhất là rượu nhà đám, phải dùng hơi bị nhiều, làm sao mà kén chọn rượu tốt cho kỹ được?
Đường lên đỉnh đèo êm ru, không ổ voi ổ gà. Chả hiểu tại sao mình chạy như theo bản năng chứ không do phản xạ từ quan sát, cứ thấy nó ngờ ngợ như thể chưa qua đây bao giờ? Chợt sát mép vực kè bê tông hiện ra bóng người. Hình như đó là bóng ma chứ không phải người?
 Người, ai lại đứng chênh vênh như thế?
Chỉ cần nửa bước chân là nguy tới tính mạng, đâu phải chuyện chơi? Một cái giật mình do quả rụng hay cành cây khô sự ấy xảy ra không khó. Nhưng đúng là người thật. Ma nếu có vào giờ này hẳn mặc đồ trắng chứ không áo đỏ, quần bò xanh như thế kia. Tóc của ma nữ thường rất dài, buông xòa che mặt chứ không cát tém gọn ghẽ thế kia. Mình đã định không ngó, vụt qua. Chả hiểu thế nào lại dừng lại khi “con ma” đó quay ngoắt lại, giơ tay ngăn xe chạy. Vẫn có thể né tránh để không xảy ra tai nạn, không biết làm sao lại dừng lại. Hình như có điểm tối, khoảng rỗng  trong ý thức con người và mình đã gặp phải điểm ấy vào lúc nhá nhem của một ngày. Thời khắc con người mệt mỏi sau một ngày nóng nực, trí óc không còn được tỉnh thức, bình thường.
*
Người ta thường nhớ rất lâu những điều không may mắn xảy ra trong cuộc đời. Tôi cũng vậy. Mỗi lần qua đây nếu không có việc gì vội, tôi đều dừng lại mươi mười lăm phút. Vừa để nghỉ chân trên đỉnh đèo, hóng gió và cho máy xe nguội trở lại sau cả mấy cây số vượt đèo.

Đây cũng là chỗ gianh giới hai xã, Trung Chính và Vân Sơn của một tỉnh miền Tây, cực bắc.
Thời giao thông chưa phát triển như bây giờ chỗ này heo hút, có nhiều câu chuyện hư hư thực lưu truyền trong dân gian.
Ai qua đây cũng cảm thấy rờn rợn bởi những câu chuyện chả có gì làm bằng chứng cả. Người ta kể rằng thủa xưa thật là xưa ..đã từng có kiệu rước của hai người công chúa, con gái vua Hùng vượt đèo qua lối này. Một trong hai người sơ ý, đánh rơi chiếc trâm cài tóc xuống vực. Từ sau đấy, có một loài hoa rất lạ, trắng bong nhụy lấp lánh ánh vàng  thường nở vào mùa thu giống hình chiếc trâm, hao hao hình bông hoa huệ. Mỗi khi hoa nở, một mùi hương thơm dìu dịu, ngan ngát từ dưới lòng khe bay lên.
Ai may mắn được thưởng thức mùi hương này, phận duyên rất tốt, dễ lấy được vợ, được chồng mà lại toàn người giỏi, người hay. Vợ chồng đã lấy nhau rồi thì ăn đời ở kiếp, sống đến khi đầu bạc răng long, không gì có thể chia lìa.
Người có bệnh hiểm qua đây, chỉ dừng lại nửa ngày dưới gốc sung cổ thụ, hít thở hương hoa, về tự nhiên lành bệnh..
Năm tôi về đây rồi, thỉnh thoảng vẫn được nghe người già bên Trung Chính kể lại như thế. Có nhiều người từ rất xa còn cất công lên tận đây, bất chấp đèo cao suối sâu, núi rừng hiểm trở mong đến được chốn này, cầu duyên may.
Người ta còn nói thêm rằng sau khi vãn cảnh non nước hữu tình, hai nàng công chúa mới xuôi theo dòng sông Gâm để hồi cung.
Đâu đến đoạn phía trên thành phố Tuyên Hàm bây giờ hai người mới hóa. Dấu tích còn ghi trong sử sách. Đền Thượng, đền Hạ hai bờ tả, hữu sông Li Lô bây giờ là bằng chứng còn lưu lại..
Loài hoa ấy mãi sau này khi quân Cờ Đen mở đường lấp khe, đánh nhau với quân Pháp mới không còn.
Người ta bảo năm ấy  xác giặc chất nghẽn đỉnh đèo, máu chảy tràn cả lòng khe, nó làm loài hoa quý tàn lụi dần, rồi mất hẳn đi kể từ đấy.
Cũng có người nói là do mưa lớn, đất đá sạt lở những năm sau này đã vùi lấp mất, hoa lạ mới không còn đến ngày nay.
Ngay cả những vị cao niên kể cũng mỗi người một phách, chả biết đâu mà lần.
Huyền thoại, vốn là chỗ chị em gần với các điển tích, với lịch sử của nhiều vùng. Dân tộc tôi là dân tộc mộc mạc, duy tình rất hay điểm xuyến vào lịch sử của đất nước mình những câu chuyện cảm động lòng người như vậy.
Chuyện hay thì như vậy, chuyện không hay cũng không thiếu.
**
Đối với tôi cô gái đứng trước mặt mình lúc đó không phải “con ma tình yêu”. Có khác giới chăng nữa cũng chỉ là “con ma nữ”, đơn giản thế thôi. Từ lâu cái tình cảm thiêng liêng giữa hai phía người trong tôi vì vài nguyên nhân đã không tồn tại.
Một là đầu óc đang trống rỗng, quay đảo vì thứ rượu rất khả nghi của nhà đám, một do sự mỏi mệt cuối ngày. Ngày mà cái nóng khốc liệt khiến người ta kiệt sức. Thú thực tôi chả có cảm xúc gì khi “ma nữ” chặn xe tôi lại. Tôi hỏi cộc lộc:
- Cô muốn gì ở tôi?
Ánh mắt cô nàng man man, tôi chưa gặp ánh mắt nào như thế, có cảm giác gờn gợn khi cô ta bảo:
- Muốn nhiều thứ lắm, nhưng trước tiên muốn nhờ anh đi một đoạn đường? – Miệng nói tay cô chỉ ngược về phía tôi vừa đi qua.
- Tôi không có điên, đường ấy tôi vừa đi qua, không thể quay lại.
- Nhưng mà em điên, anh có tin không? Cứ chạy cho em đi hết bao nhiêu em sẽ trả, em có tiền mà.. _ Cô rút trong túi ra một nắm tiền, toàn tiền lẻ loại một hai ngàn.
Tôi lắc đầu, không phải chê số tiền xấu của cô. Tôi từ chối vì mình không chạy xe ôm. Bây giờ tôi cần về nhà và không thể chạy ngược phía con đường vừa đi qua.
Bỗng nhiên cô ta ngồi thụp xuống ôm mặt khóc hu hu. Tôi bất ngờ tình huống này. Không lẽ chỉ vì sự từ chối của mình đã làm cô ta đau khổ? Linh tính báo cho tôi có điều gì đó không ổn trong trường hợp này.
Tôi lưỡng lự, định nổ máy xe đi. Tôi nghĩ mình chẳng có trách nhiệm gì trong trường hợp này. Bất chợt cô ta lại đứng vụt dậy. Trong ánh sáng chập choạng của  hoàng hôn một ngày  vừa tắt, ánh mắt của cô gái có đốm lửa rất lạ, man man, bối rối,hoảng sợ khiến tooimaats tự chủ. Cô ta rút sau lưng ra con dao nhọn dắt sau lưng. Tôi nhìn kỹ, sao lại là con dao này? Con dao hồi tôi còn làm dở đội trồng rừng vẫn mang theo để phòng thân hay làm các việc cần đến nó. Con dao sau đấy tôi đã tặng lại cho ông Thiện lùn, một ông làm bưu tá hay đến đưa thư cho đội của tôi. Một người có duyên phận không may, lấy đến ba đời vợ mà không ở được với bà nào, vì không có được đứa con. Sao cô gái này lại có nó? Tôi vội bảo cô đưa tôi con dao, cô dứt khoát không đưa. “Không, nếu anh không giúp một là em sẽ dùng con dao này..Hai là sẽ nhảy xuống vực”; “Nếu ban nãy anh không xuất hiện, chắc em đã bay xuống dưới kia rồi!” Cô chỉ tay xuống vực sâu. Tôi tỉnh hẳn rượu. Là chuyện nghiệm trọng rồi, không phải chuyện vớ vẩn tôi có thể bỏ bỏ qua. Bảo là thương người, lo sợ cho cô ấy hay sợ liên lụy tôi không rõ. Nhưng có lẽ là cả hai. Sáng ngày mai, ngày kia, hay ngày nào đó chắc chắn người ta sẽ tìm thấy xác của cô dưới khe vực kia..Và cũng chắc chắn sự có mặt của tôi ở đây vào lúc này không thể vô can. Bằng cách nào đó với khoa học hình sự thời bây giờ tôi không thể nói là mình không biết. Tôi đã để lại nhiều dấu vết  của tôi ở đây, vào lúc này, không thể từ chối không phải của mình.
Tôi phải chọn cách nào đó trong hoàn cảnh này? Và hơn nữa, cứu một mạng người dù trong trường hợp nào cũng là việc nên làm. “Cứu một mạng người hơn xây mười tòa bảo tháp” Đức Phật chả dạy thế là gì?
Tôi đồng ý với điều kiện cô buông xuống và đưa tôi con dao. Cô gái ngoan ngoãn làm theo. Cô đứng sát lại khiến tôi không chịu được mùi gì đó nồng nặc từ phía người cô. Đàn bà con gái lâu ngày không tắm thì mùi vị thật kinh khủng, tôi đoán như vậy. Quả nhiên không sai..
Cô đã bỏ nhà đi lang thang hàng tháng trời trên đường từ đây về thành phố mặc dù không phải cô là gái bán hoa, hay bán thứ gì đó từ vốn tự có của mình. Chuyện của cô khiến tôi buồn rời rã chân tay khi nghe cô kể sau lúc cô chỉ tôi một lối nhỏ phía cây sung cổ thụ. Cô bảo cần tâm sự với tôi một tí, giọng người Thanh Y nói tiếng Kinh chưa chuẩn. Tôi bảo không cần thiết phải như vậy. Tôi cần xem lại con dao.
Đúng là nó rồi. Con dao của tôi vẫn thường dùng ngày trước để xấn măng ngọt, cắt dây rừng và một số việc chả thể nào nhớ hết được. Trên cái cán làm bằng sừng trâu đen còn khắc tên tôi. Cái tên có lẽ chỉ mình tôi đọc được vì viết bằng tiếng Nga sai văn phạm. Tôi làm như thế để đánh dấu riêng. Không ngờ sau bao nhiêu năm tôi lại dùng đến nó. Ngay tại nơi đỉnh đèo có câu chuyện huyền thoại của các con gái vua Hùng. Giữa lịch sử và hiện tại có thể trong trường hợp này chả có mối liên hệ nào. Cũng có thể là có, biết đâu được? Cả cô và tôi đều là hậu sinh của Đức vua Hùng, điều ấy vừa chính xác vừa mơ hồ, thật không dễ nói nó cụ thể cho được.
Thì ra, chuyện chẳng có gì phức cả. Đơn giản lắm. Cô kể: “ Cũng chính chỗ này ( Cô chọn một nơi thật ý nghĩa để kết liễu đời mình ) cô đã gặp ông Thiện lùn. “ Nếu không gặp ông ấy, chắc em đã về với vua Bàn vương rồi”.  Cô đã sống ở chỗ ông Thiện bến Tram gần một năm nay.
Ngày ngày ông cặm cụi đan các loại lồng gà, dọ tôm mang xuống chợ, hoặc đi bán dong vào các làng. “Ông ấy chiều em lắm, mua cho em chả thiếu thứ gì. Ăn uống không thiếu..Dưng mà có một thứ ông ấy không thể cho em được”, “Từ ngày em bị lừa bán sang Tàu, trốn được về đây rồi, hư nết không sửa được nữa”; “Em thèm đàn ông kinh khủng, không có không chịu được. Có lẽ bên ấy bọn khốn đã cho em ăn phải thứ bả yêu nào đó mới sinh ra khổ thế này.. Thế là em trốn ông ấy, em thỉnh thoảng bỏ nhà đi hoang. Đi chán rồi lại về. Lần cuối cùng ông ấy bảo: Tai tiếng lắm, ở thì ở hẳn, đã đi thì đừng có về..” Em không thể về nếu không có người đi cùng nói giúp cho vài câu.. Em  đã định bay đi luôn lúc ban nãy thì gặp anh..”
Tôi hiểu. Nhưng tôi giúp gì được cô? Mà không giúp thì chuyện gì xảy ra? Cô điên thật hay là điên giả vờ?
Có lẽ là cô điên thật, nhưng không phải là điên bình thường. Điên theo lối vô thức rồ rồ dại dại, gặp gì ăn nấy và không còn suy xét chắc không phải? Đây có lẽ là rồ tình, một căn bệnh tâm, sinh lý không ít người mắc phải?
Tôi biết mình phải làm gì?
Từ đây lên bến Tram cả đi cả về mất hơn một tiếng. Nhà ông Thiện lùn tôi không lạ, tôi đã đến đấy vài lần, không cần phải hỏi thăm. Dẫu trời có tối vẫn có thể đến đó được. xe của tôi đèn rất sáng, không sợ lạc đường.
Trong nhiều cái rắc rối, nên chọn cái ít rắc rối nhất, tôi quyết định như vậy. Tôi kiên nhẫn nghe hết câu chuyện của cô. Một cô gái vốn là người trong vùng, chỉ có điều là tôi chưa gặp bao giờ.  Chuyện nghe dễ mềm lòng, dễ xúc động và tôi cũng không ngoại lệ.
Thì cứ coi như mình đang ở đám ma cụ Khuyên chưa về. Nhanh hay chậm một vài tiếng buổi tối này cũng không sao. Có về cũng lăn ra ngủ chứ làm được gì?
Tôi quay xe. Cô gái điên ngồi phía sau. Cô ôm kiểu gì khiến tôi tưng tức khó thở. Tôi rất lo mình mất làm chủ tay lái và im, không ra lời.
Chúng tôi đã sang hẳn bên này đèo, qua một xóm cư dân đông đúc nhưng chỉ có lèo tèo một hai cái quán.
Cô gái: “Họ, họ, dừng lại”! Tôi điên tiết nghe thấy cô họ mình như họ trâu, lại bảo dừng lại để “đi đái” đúng giữa nơi như thế này. Đèn điện nhà hai bên  đường sáng như ban ngày. Đái với chẳng ỉa thế nào chỗ này kia chứ?
Xe đỗ. Cô gái điên chạy vụt vào một cái quán ngay bên đường.
Đây là một làng xưa heo hút, nhưng bây giờ đường đổ bê tông đến tận các ngõ ngách. Trước cửa có tấm biểm gỗ nhỏ chữ viết nghuệch ngoạc: “ Bán ăn sáng, mì tôm, trứng vịt lôn”. ( Chắc là trứng vịt lộn thiếu, hoặc mất dấu nặng ). Cô gái không vào hàng. Cô theo lối nhỏ bên sừơn nhà người ta, sâu vào mãi bên trong.  Có nhẽ cô ta làm việc ấy của cô thật.
Tôi đứng chờ bên ngoài và thật không may, gặp người quen. Cái thằng bạn lâu không gặp bỗng xuất hiện. Nhà nó ở sát kế bên cái quán này. Nó không ngờ gặp tôi ở chỗ này, hàm răng cải mả của nó thật vô duyên:
- Đi tìm rau sạch hả ông tướng?
- Không. Chỉ tình cờ qua đây. Tao đi đám trăm ngày  cụ Khuyên về..
Nó nhìn tôi nghi hoặc. Tên thằng này là Đô. Ngày còn đi rừng với nhau tôi vẫn gọi nó là Đô tùy, vì hình dáng rất giống phu khênh đòn đám ma của nó. Lưng hơi ngắn, ngực lúc nào cũng ưỡn về phía trước, nhưng nó hơi tự tin vào bản thân, dù chả biết tìn cái gì? Ở đâu?
- Mày biết mày vừa đi với một con rồ không? Tao không tin khi nhìn thấy mày với nó.
- Đừng nói xằng.. tao chỉ là vô tình. Thấy nó sắp nhảy xuống vực ở đèo Mã Quýnh không đành lòng quay đi.
- Tốt thôi, nhưng tao sợ người ta nhìn thấy thì không hay cho mày. Có bị tâm thần không đấy?
- Nửa tỷ người trên trái đất này bị tâm thần chứ đâu riêng ai? Nóng bức, thời cuộc các nơi, tâm thần hay bị điên có gì lạ? Ngay người bình thường cũng có mấy chục phần trăm tâm thần – Tôi bực nói với nó như vậy!
Nó quay đi, còn nói với theo: “ Thì tùy mày. Tao chỉ ngứa mép nói vậy thôi, đừng giận..”. Tôi giận nhau với nó để làm gì? Dù sao nó cũng vì bạn bè mà nói thực lòng, có phải ác ý với mình đâu. Trước lúc đi nó cho là tôi chưa biết, có kể chút lai lịch về cô gái này với giọng điệu vô cảm, vô tâm thực không ngờ.
Nó bảo: “Mày chứ tao thì không rỗi hơi”. Trong con mắt của nó, cô ta là một con quỷ dâm dục, một loại bỏ đi không cần quan tâm. Nó không muốn tôi bị người khác chê cười, nên mới nói thực lòng như vậy.
Mà đúng là tôi vô lý thật. Tự nhiên tự lành rước cái khổ vào người. Cuộc đời có hàng trăm hàng vạn người như thế này, tôi liệu có đủ sức để giúp họ không?
Định quay xe.
Có để cô ở đây có muốn cô cũng không thể bay  theo ý muốn như ban nãy ở lưng chừng đèo được.
Sẽ có người nào đó đi ngang qua, gặp cô ấy thay mình ngăn cản vì không phải là chỗ không người.
Con đèo này sang thế kỷ 21 rồi, đâu còn heo hút?
 Điều lo sợ liên can của tôi vừa rồi sẽ là không cần thiết..
Vừa lúc đó cô từ phía sau quán đi ra. ( Hình như chỗ này đối với cô là chỗ quen thì phải? ). Điềm nhiên cô ngồi vào một chiếc bàn kê độc nhất trong quán:
- Chủ quán đâu? Làm cho hai bát mì trứng tươi, nửa chai rượu rượu chuối?
Chủ quán là một gã có cái mặt rất đặc biệt, khó tả, đôi mắt nhỏ như cười tinh quái:
- Hôm nay có tiền không mà gọi to thế? Quán nhà hết vốn rồi, không bán chịu!
- Ai bảo ông bán chịu, có ông anh tôi kia, tôi không đủ ông ấy khắc trả - Cô ả chỉ vào tôi, khiến tôi điếng người. Tôi không dự tính trước chuyện này. Chả biết trong túi có còn đủ tiền không nữa. Tôi vội lên tiếng:
- Làm cho cô ấy thôi. Tôi vừa đi uống rượu về, không ăn uống nữa!
- Không rượu thì bia, cứ mang ra đây.
Gã chủ quán nìn soi mói. Hình như gã đang nghi hồ chuyện gì. Buộc tôi phải lên tiếng dù rất ghét thanh minh:
- Cô ấy nhờ xe tôi giữa đường. Anh nói để chú em biết là anh không liên quan. Nhưng nếu cô ta đói, anh sẽ trả tiền cho chú em.
Gã cười hì hì rồi đi vào. Một lúc bưng ra một tô mì, ba chai bia. Cô ả không mời, bật ngay chai bia thành thạo, dốc cả chai không cần ly cốc. Uống gần  hết nửa mới hỏi: “Có đá không?”..
Nhìn cô ta ăn ngon ngả như nhịn đói từ kiếp nào mà phát thèm. Món mì này kể cả lúc đói mình cũng chẳng thích. Thứ mì dùng cho người đồng quê, xam xám, vàng nhạt không cần đoán cũng biết chế từ bột sắn khô, thêm gói bột nêm chủ yếu là muối trắng xay nhỏ trộn chút hồ tiêu. Sự cộng hưởng thêm của quả trứng công nghiệp cũng chả mang lại ham muốn nào. Mới biết món ăn ngon hay không còn tùy lúc, tùy người và tùy hoàn cảnh.
Không biết Đô tùy vòng lại lúc nào, đang thì thầm với gã chủ quán còn non tuổi. Thỉnh thoảng hắn lại chỉ chỉ trỏ trỏ vào tôi. Tự nhiên lòng tự ái vớ vẩn của tôi nổi lên:” Đúng là một lũ vô cảm. Cứ cho là tôi đang đi với một con ăn mày, một con điên như thế thì đã sao? Lòng trắc ẩn của các người vất chó gặm rồi hay sao? Không cần biết vì lý do gì mà cô ả ra nông nỗi..”
Một người đã quá khổ, đang mấp mé bờ vực, chả còn tha thiết sống hay chết, tới đâu thì tới, cô ta có lỗi gì?
Như bộ quần áo mặc trên người đã bẩn thỉu, vấy bùn lem luốc, có giữ gìn ý tứ cũng là vô ích và không cần nữa!
Khinh rẻ người nghèo, người đau khổ, tuyệt vọng chả nhẽ là niềm hãnh diên, danh dự của các người chắc?” Ý nghĩ phản kháng ấy khiến tôi bề ngoài tỏ vẻ bất cần. Có lẽ đọc được thái độ ấy của tôi, cả hai quay sang chuyện khác.
Đô tùy còn nói sẽ chờ, mời tôi sang nhà: “Đưa cô ấy đến đây là được rồi..Cô ấy sẽ tự biết đường. Từ đây lên Tram không còn xa. Mấy lị mọi khi có thấy ai đưa đâu?”
Tôi cảm ơn. “Xin lỗi, đã thiếu cái nhìn thiện cảm, đến chơi nhà nhau cũng chẳng ích gì”, tôi không nói nhưng nghĩ như vậy!

***
Chúng tôi nhìn ra bờ ngòi, nơi thành cái tên của mảnh đất này . Lặng im khá lâu dưới ánh điện cuối nguồn không sáng rõ. Tuy vậy vẫn nhìn thấy mảnh đất hình cờ đuôi nheo của ông Thiện.
Theo phong thủy hiện đại đó là hình thế không được tốt cho lắm. Phía bên kia đường là ngôi nhà bỏ hoang. Chủ ngôi nhà đó tôi có biết. Một thời xuôi ngược sông Gâm tôi thường hay đi thuyền của vợ chồng anh ta. Đó là chiếc thuyền máy khá đẹp, to vào loại nhất nhì các hạng thuyền máy trong tỉnh hồi bấy giờ.
Một gia đình khấm khá được nhiều người biết đến. Chồng tên là Sứ, vợ tên Giả. Một  cặp vợ chồng hoàn hảo như người ta nói.  Một chuyến chạy hàng mùa lũ thuyền của họ bị lật. bao nhiêu hàng hóa của khách trôi sạch xuống sông. Đau nhất  là có hai người chết, xác không vớt lên được. Sau chuyến ấy người chồng đi tù mấy năm. Vợ ở nhà bán hết tài sản, gom hết vốn liếng bồi thường cho người ta.  Căn nhà xây hai tầng, có giá được bán thanh lý. Chị ta đưa con vào miền nam, không có tin tức.
Người chồng đã về hay chưa, hay về rồi đi tìm vợ không ai biết. Dân làng đã nhiều người quên đã từng có mặt của họ trên mảnh đất này.
Ông Thiện thấy tôi lảng chuyện như vậy, hỏi thẳng vào vấn đề:
- Cậu gặp nhà tôi ở đâu?
- Dạ tôi thấy cô ấy ngồi khóc trên đỉnh đèo. Cô ấy nhờ đưa về đây, sợ ông giận không dám về một mình!
- Hầy dà, vô ích thôi anh giáo ạ! Nhiều lần rồi nó bỏ đi như thế. Lúc đầu tôi giận lắm. Mình thấy nó hoàn cảnh, nó cơ nhỡ, không nơi ăn chốn ở mang về đây. Có phải là muốn lợi dụng nó đâu? Nó tình nguyện làm vợ chứ mình đâu có bắt. Không phải trâu già ham cỏ non đâu vớ! Nhưng đã về đây rồi không chịu ở yên. Cứ vài hôm lại bỏ đi. Lúc đầu mình còn tìm, sau chán, thây kệ. Nó như con bò hoang vô chủ ai rủ đi cũng đi..
Ông ngồi thần người có vẻ nghĩ ngợi. Tôi cũng không gặng hỏi, để tự ông nói ra:
- Nhưng mà kể cũng tội. Số kiếp con người không ai nói trước được cái gì đâu né! Ngày trước vợ chồng nó có quầy hàng to lắm ở thị trấn Sơn Hóa kia đấy, không phải bình thường đâu..
Tôi ngồi nghe câu chuyện của ông mà buồn hết cả chân tay.  Đến như mình đến nước ấy cũng phát điên lên chứ cứ gì cô gái này?
Một người đàn bà nhan sắc có chồng hào hoa. Anh ta hào hoa đến mức có gái theo về tận nhà mà vợ vẫn không ghen. Cô muốn cho cửa nhà yên ấm, bồ bịch có ai kéo dài được lâu đâu mà sợ? Cô nghĩ như vậy.
Cho đến lúc anh ta bắt được mối một công ty bảo hiểm  Ây Ấy gì đó, bị người ta lừa trắng tay. Hai vợ chồng bán nhà vào núi ở. Anh ta bảo chỉ có cách tốt nhất cô theo người ta đi chợ Trung Quốc mới có cơ gỡ lại được, vốn liếng đã có người ta giúp. Cô không nghĩ là có ngày mình bị bán sang làm vợ cho ba cha con một lão già người Tàu. Hai thằng con lộc ngộc như hai thằng hộ pháp và ông bố chết vợ đã lâu sống chung một nhà.
Trần đời cô chưa thấy nơi nào người ta chung vợ như cha con lão. Ba bố con dùng chung vợ như dùng chung con ngựa hay là một cái xe. Có lúc chúng gầm ghè, vác dao vác gậy  để tranh lượt với nhau khiến cô khiếp sợ. Cứ tiếp tục như vậy, chuyện chết người chắc chắn sẽ xảy ra. May là gần đấy có một cô có hoàn cảnh tương tự như thế. Lão chồng bất lực hay đem vợ bán khoán cho bọn đàn ông trong vùng. Cô này lâu nay  đang có ý định trốn về Việt Nam. Bây giờ có bạn như rồng thêm vây và hai người đã trốn thoát sau bao nhiêu vất vưởng cay cực suốt dọc đường. Dù khổ thế, khổ nữa, được gặp lại chồng, gặp lại con thế đã là may mắn,phúc đức lắm rồi..
Hai cô nói với nhau như vậy. Nó vừa là khát vọng, vừa an ủi sau bao dãi dầm, trôi nổi của cuộc trầm luân.
Về được đến nhà, cô choáng váng khi nhà mình đã có người khác ở. Hỏi chồng? Dân làng nói chồng cô đã bán hết tài sản, con gửi cho người khác. Anh ta đã cùng một cô gái trẻ nói vào miền đông nam bộ, trồng khoai.
****

-  Anh giáo có biết tên cô ấy là gì chưa? Làm sao lại biết là có quan hệ với tôi để đưa về đây? – Ông Thiện lùn đột ngột hỏi, vừng trán của ông nhíu lại thành ba nếp nhăn, khiến tôi có phần lúng túng.
Tôi chợt nhớ ra, liền rút con dao nhọn có chuôi làm bằng sừng trâu đen đưa cho ông. Những nếp nhăn trên trán ông dần dãn ra. Hình như ông đã hiểu đã xảy ra chuyện gì, không cần đến tôi kể lại hành trình của tôi vừa rồi đi cùng cô gái điên, “vợ” ông.
- Cô ấy là Én Thang. Tên cô ấy là Én, chồng cũ của cô tên Thang nên mới có cái tên như vậy. Còn con dao này, chắc anh giáo nhớ. Chính anh tặng tôi đã lâu rồi. Cô ta mang đi, khiến tôi tìm bới lung tung khắp nhà mà không thấy, cứ nghĩ mình bỏ rơi trên rừng.
Tôi nghĩ không cần thiết kể lại câu chuyện vừa rồi của gã chủ quán và tay Đô “tùy”. Những câu chuyện ấy chắc tôi không kể ông cũng đã biết. Có thể còn biết nhiều hơn những chuyện phức tạp, dơ dáy, vớ vẩn hơn thế nữa. Mà nói ra lúc này để làm gì nhỉ? Thời buổi lãng xẹt, nhiều chuyện nhạt thếch, vô vị người ta nói hàng ngày trên đủ loại phương tiện chưa đủ hay sao?
Có thể nói không ngoa trong tất cả chúng ta, không ít thì nhiều đều có tổn thương tình thần trong cuộc sống này. Có ai được tạo ra bằng thép không gỉ, kim cương đâu mà bảo rằng các tác động từ nhiều phía đều vô hiệu? Nhiều người chưa bị điên lên là còn may, bởi những xáo trộn quá sức chịu đựng.
Tôi có người bạn vong niên đang dùng quỹ thời gian còn lại để chữa trị căn bệnh này. Ông có những bài thuốc nam rất hay để chữa những căn bệnh do tổn thương tinh thần mà gây nên. Ngoài ra, ông còn có thuật chữa bệnh bằng bấm huyệt, đã chữa đỡ và khỏi cho nhiều người. Tôi quen ông ấy khi đi tìm thuốc trị mất ngủ của mình, tận mắt thấy  cách thức và toa thuốc chữa các bệnh ấy của ông.
Duy có điều ông sống biệt lập và nếu muốn tìm đến  không dễ dàng đối với người ý thức nhạt và thiếu quyết tâm.
Tôi gợi ý ông Thiện về chuyện này. Ông chỉ cười, không nói gì. Không biết ông nghĩ gì trong đầu, liệu có “Nhạt” không?
Từ lúc tôi đưa về, Én, “cô gái điên” vẫn ngồi thụp giữa bụi chuối không lên nhà.
Trời đã bắt đầu tối, chỉ nhìn thấy cái đầu cô nhô lên nhờ ánh sáng đèn từ trong nhà hắt ra. Có lẽ cứ để cô ở yên như thế để cô bình tâm lại. Nếu như ông Thiện nghe tôi, tìm thầy tìm thuốc chắc chắn một điều bệnh của cô sẽ khỏi. Tôi tin như vậy là bởi cô chưa bị mất trí hoàn toàn, vẫn còn ít nhiều ý thức được.  Còn nhận biết được đôi chút khi ăn, khi nói. Tình trạng của cô gần như người mê sảng, nửa thức tỉnh, nửa miên man. Tôi chào ông Thiện để ra về. Ra đến xe đã thấy cô ấy đứng sẵn ở đấy và lại.. đòi đi.
Lần này thì tôi dứt khoát. Tôi đã chút nữa làm hỏng chuyến đi của mình.  Suýt nữa thì tôi đã gặp “phức tạp” một lần nữa ở chỗ con da đá của tôi ngày nào bên đèo Mã Quýnh. ( Chuyện lặp lại hành trình của thời gian không phải không có thể xảy ra ).

Tôi nghĩ, Én Thang chưa đến độ điên nặng. Có thể chữa được, nếu có người có thiện chí, lo chu đáo việc này.
Ông Thiện chỉ cười không nói. Nhưng có thể ông ấy sẽ lo liệu cho cô. Ông ấy không phải diện hay lau tau nói, hứa bừa để rồi chẳng làm gì.
Người thận trọng hay có cái cười như vậy..

C òn cô gái, cô phải ở lại, tôi về một mình.
Tôi chưa đến nỗi bị điên, để đưa cô đi theo!


=======================
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Đài Hoa Kỳ nói gì về chuyến thăm Mỹ của TBT Nguyễn Phú Trọng?

Mục đích và hệ quả chuyến đi Mỹ của ông Nguyễn Phú Trọng là gì?

Thiện Ý
H1
Sau nhiều lần đình hoãn, chuyến đi Mỹ của Tổng Bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng được thực hiện trong tuần lễ tiếp ngay sau ngày Quốc khánh Hoa Kỳ 4 Tháng 7.
Câu hỏi được nhiều người quan tâm đặt ra là: Mục đích và hệ quả của chuyến đi này là gì? Câu trả lời chính xác chỉ có thể là những người trong cuộc. Là người ngoại cuộc, chúng tôi cũng thử đưa ra một số nhận định về mục đích và hệ quả của chuyến đi này.
I/- Mục đích chuyến đi Mỹ
Theo chúng tôi, chuyến đi Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có mục đích chủ yếu là đưa mối quan hệ Việt-Mỹ đi vào thực chất, tạo bước ngoặc quan trọng trong quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ với một số hệ quả rõ nét hơn là các chuyến đi trước đây của Thủ tướng Phan Văn Khải, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch Nước Nguyễn Tấn Sang.
Các chuyến đi Hoa Kỳ trước đây của những người đứng đầu bộ máy nhà nước chỉ có ý nghĩa ngoại giao, với mục đích nâng quan hệ Việt- Mỹ lên một bước trong chính sách đi giây giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng của đảng CSVN. Nhưng nay, mặc dầu đảng Cộng Sản Việt Nam đã hết sức nhún nhường, nhượng bộ đủ điều, Trung cộng vẫn lấn lướt, đẩy Hà Nội vào thế phải có sự chọn lựa dứt khoát khi có cơ hội.
Nhưng trước khi có sự chọn lựa dứt khoát, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đi Trung Quốc gặp Chủ tịch Tập Cận Bình 3 tháng trước khi đi Hoa Kỳ và dường như trên đường đến Hoa Kỳ, ông Nguyễn Phú Trọng còn ghé qua Bắc Kinh gặp Tập Cận Bình một lần nữa như để tái khẳng định rằng Hà Nội vẫn trung thành với Bắc Kinh nếu được Trung Quốc đối xử khác hơn trong vấn đề tranh chấp Biển Đông. Sự nhún nhường này được thể hiện trong Thông cáo Chung Việt-Trung sau chuyến đi Bắc Kinh của ông Trọng, theo đó Hà Nội vẫn trước sau như một bày tỏ lòng trung thành với Trung Quốc.
Theo chúng tôi, ai cũng hiểu sự trong chuyến đi này Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ chọn Hoa Kỳ để có đối trọng, không phải để đối đầu với Trung Quốc mà để được sức mạnh của Hoa Kỳ che chở, ngăn chặn, đẩy lùi tham vọng bành trướng, độc chiếm Biển Đông, xâm lăng các nước nhỏ yếu trong vùng của Trung Quốc, trong đó có Việt Nam.
Hành động thực tế thấy được là, Hoa Kỳ đã công khai lên án các hành vi xâm lấn biển đảo mới đây của Trung Quốc, điều động hải lục, không quân về Biển Đông, tăng cường các hoạt động quân sự liên kết với các đồng minh trong vùng, để chứng tỏ quyết tâm của Hoa Kỳ sẵn sàng ngăn chặn tham vọng của Trung Cộng. Đồng thời, nhiều nhân vật cao cấp chính trị, quân sự, ngoại giao của Hoa Kỳ đã liên tục đến Việt Nam trong thời gian gần đây, gần nhất là chuyến đi Việt Nam lần thứ 5 của cựu Tổng thống Bill Clinton vào những ngày đầu tháng 7 này, để sau đó cùng chung chuyến bay với phái đoàn Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng trở về Mỹ. Chuyến đi này của ông Clinton, tuy bề ngoài nói là để tham dự lễ kỷ niệm 20 năm Hoa Kỳ bãi bỏ cấm vận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, song bề trong mang ý nghĩa đặc biệt, có tác dụng thúc đầy Hà Nội theo chiều hướng dứt khoát chọn Hoa Kỳ là đồng minh tốt bụng, xa lánh người “đồng chí” láng giềng Trung Quốc xấu bụng và đầy tham vọng xâm lăng, bá quyền.
Trước những lời nói và các hành động khả tín, có lợi cho Việt Nam của Hoa Kỳ, trong khi Trung Quốc tiếp tục có những hành đồng tiếp tục lấn lướt Việt Nam (tấn công táu đánh cá trong hải phận Việt Nam, kéo giàn khoan HD-981 vào gần sát hải phận Việt Nam…), dường như các nhà lãnh đạo của đảng CSVN đã tỉnh ngộ và có thêm can đảm trong việc dứt khoát chọn lựa trong chính sách đi dây giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã được theo đuổi bao lâu nay. Một số dấu hiệu trong nước trước chuyến đi Hoa kỳ của Tổng Bí thư đảng CSVN chứng tỏ sự giác ngộ theo dự đoán này. Báo chí chính dòng đã công khai gọi Trung Quốc là kẻ xâm lược, tố cáo đích danh tàu Trung Quốc tiếp tục tấn công tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam… mà trước đây chí dám nói là “tầu lạ” và không dám gọi Trung Quốc là xâm lược. Đồng thời có những dấu hiệu không thấy được, như những lời đồn đoán là nội bộ đảng CSVN đang có sự chuyển biến về nhận thức trong giới lãnh đạo có khuynh hướng thân Trung Quốc trước đây, khuynh hướng thân Mỹ đã thắng thế, sẽ hậu thuẫn cho sự chọn lựa một chính sách ngoại giao thực dụng và hữu hiệu hơn. Người ta hy vọng rằng, những điều này sẽ giúp ông Nguyễn Phú Trọng cùng tập đoàn lãnh đạo của Đảng CSVN “phản tỉnh tập thể”.
II/- Hệ quả của chuyến đi Mỹ
Người ta có thể tin rằng hệ quả tổng quát là Hà Nội sẽ chủ động khởi sự một tiến trình dân chủ hóa Việt Nam theo một tiến trình và tốc độ thích hợp. Nghĩa là một sự chuyển đổi hòa bình, ổn định, vừa có lợi cho đất nước, vừa có lợi cho chính đảng CSVN, theo kinh nghiệm chuyển đổi của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu trước đây, và gần nhất là kinh nghiệm chuyển đổi của Miến Điện đã và đang diễn ra đã có hiệu quả thực tiễn.
Hệ quả thực tiễn tại Việt Nam có thể là nội bộ đảng CSVN và chính quyền sẽ có nhiều thay đổi về nhân sự, với những người có khuynh hướng thân Mỹ chia nhau nắm giữ các chức vụ quan trọng trong bộ máy đảng và nhà nước. Đồng thời về chủ trương, chính sách đối nội, đối ngoại cũng thay đổi cho phù hợp với chiều hướng mới.Tất cả những thay đổi nhân sự và chính sách sẽ diễn ra trước, trong và sau Đại hội đảng toàn quốc lần thứ 12 sắp diễn ra vào đầu năm tới 2016 tới đây. Sẽ không có những cuộc thanh trừng khốc liệt theo kiểu Stalin hay Mao Trạch Đông. Một khi phe thân Mỹ thắng thế, do có thêm một số đông những đảng viên hàng đầu của đảng thân Trung Quốc nay “phản tỉnh” và sự hậu thuẫn của số đông đảng viên CS các cấp, thì sự sắp xếp lại nhân sự chỉ cần dùng các biện pháp loại trừ nhẹ nhàng đối với các đảng viên cấp cao thân Bắc Kinh còn “ngoan cố”. Tuy nhiên, vẫn không loại trừ trường hợp phe thân Trung Quốc phản kháng quyết liệt, thì có thể phe thân Mỹ sẽ phải sử dụng các biện pháp loại trừ mạnh bạo, âm thầm và kín đáo, nhưng chắc sẽ không tàn bạo như kiểu thanh trừng của Stalin và Mao.
Tất nhiên, để thực hiện sự thay đổi toàn diện về nhân sự và chính sách cai trị theo chiều hướng trên, nội dung nghị trình và nghị quyết của Đại hội 12 sẽ phải thay đổi theo chiều hướng “chuyển đổi”. Căn cứ trên “Nghị quyết của Đại hội Chuyển đổi” này, Quốc hội và các cơ quan dân cử các cấp đương nhiệm sẽ tu chính Hiến pháp, điều chỉnh luật lệ cho phù hợp… Chính quyền các cấp sẽ làm nhiệm vụ chuyển đổi trên bình diện thực tế theo một tiến trình và tốc độ thích hợp. Theo dự kiến của chúng tôi, tiến trình “chuyển đổi” này có thể diễn ra và hoàn tất trong vòng 5 năm tới (2016- 2020).
III/- Kết luận
Trước hiểm họa xâm lăng trắng trợn lãnh thổ, lãnh hải và các hải đảo của Việt Nam của Trung Quốc, mặc dầu Hà Nội đã hết sức quỵ lụy, nhún nhường, nhân dân Việt Nam trong và ngoài nước trông đợi chuyến đi Hoa Kỳ lần này của người đứng đầu đảng CS cầm quyền sẽ là cơ hội thuận lợi tạo bước ngoặt có tính đột phá trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước, có lợi cho đất nước cũng như cho chính đảng CSVN, vì lợi ích chung cũng như riêng của nhân dân Hoa Kỳ và Việt Nam. Ước mong Tổng Bí thư đảng CSVN đừng đề mất cơ hội thuận lợi trong chuyên đi Hoa Kỳ lần này.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Surkov: Ông trùm tuyên truyền của Điện Kremlin

41d461f5cbbd39b9d065

Nguồn: Nina L. Khrushcheva, “The Goebbels of the Kremlin”, Project Syndicate, 22/06/2015.
Biên dịch: Nguyễn Quỳnh Chi | Hiệu đính: Lê Xuân Hùng
Tại nước Nga Xô-viết, mọi người đều biết rằng mình đang bị theo dõi. Bất kỳ sự khác biệt nào so với hành vi được chính quyền cho phép sẽ bị nghi kỵ và rất có thể sẽ phải chịu sự trừng phạt. Liên bang Xô Viết coi mọi thứ  – từ  gián điệp nước ngoài, kẻ thù giai cấp, những người mặc quần jean hoặc chơi nhạc jazz –  đều là kẻ thù của nó. Hệ tư tưởng thống trị của chế độ này không phải là chủ nghĩa Mác-Lênin, mà là sự nghi kỵ và thù oán.
Kể từ những năm đầu của thập niên 1980, trước khi những tia sáng đầu tiên của chính sách công khai hóa (glasnost) xuất hiện tại Nga cho đến nay, chưa khi nào những giai đoạn đen tối như vậy lại cận kề như lúc này. Bảo vệ xã hội khỏi những kẻ thù ở cả trong và ngoài nước lại một lần nữa là vấn đề trọng tâm của chế độ.  Thực tế, đặc tính cảnh giác cố hữu của dân tộc này là yếu tố chính giúp duy trì tỉ lệ ủng hộ cao của quần chúng dành cho Tổng thống Vladimir Putin. Và không ai đóng vai trò quan trọng hơn Vladislav Surkov trong việc tạo ra bầu không khí xã hội cần thiết đó.
Từng một thời là chánh văn phòng Tổng thống của Putin, Surkov tiếp tục giữ chức Phó thủ tướng từ năm 2011 đến 2013. Hiện giờ ông ta trên danh nghĩa là cố vấn về các vấn đề đối ngoại cho Putin, nhưng thực chất chính là trưởng ban tuyên truyền của chế độ này. Ông được biết đến với tư cách là người giới thiệu khái niệm “dân chủ có sự quản lý” (managed democracy) tại Nga, và đóng vai trò hàng đầu trong việc kích động sự ly khai của Abkhazia và Nam Ossetia khỏi Gruzia. Gần đây nhất, ông ta là một trong những người điểu khiển cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine và vụ sát nhập Crimea bằng cách truyền cảm hứng cho những chiến dịch truyền thông cuồng nhiệt, kêu gọi được sự ủng hộ gần như của toàn dân đối với những động thái kể trên.
Surkov là người chịu trách nhiệm chính trong việc nuôi dưỡng tâm lý ủng hộ Putin, điều đang ngày càng giống với tệ sùng bái cá nhân kiểu Stalin. Là một người gốc Chechnya, Surkov thấm nhuần tư tưởng hiếu chiến của vùng Cáp-ca-dơ như Stalin. Dưới sự kiểm soát của Surkov, trọng tâm của chiến lược truyền thông của điện Kremlin là duy trì quan niệm rằng phương Tây muốn phá hủy nước Nga. Vì thế, mâu thuẫn tại Ukraine được tuyên truyền như một cuộc đấu tranh mới với chủ nghĩa phát xít và nhằm bảo vệ bản sắc chân chính và trái ngược phương Tây của nước Nga. Những điều được cho là sự đe dọa đối với nước Nga ngày nay này đã được nhấn mạnh trong dịp kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế Chiến II, với những bảng hiệu mọc lên khắp Moskva để gợi người dân Nga nhớ về những hy sinh cần thiết để có được chiến thắng.
Giống như bộ trưởng tuyên truyền của đảng Quốc xã, Joseph Goebbels, Surkov không quá quan tâm đến thực tế. Cảm xúc là cốt lõi trong thông điệp của điện Kremlin; thực tế, chúng là mối dây ràng buộc Putin với những người dân của ông ta. Đây là lý do tại sao Surkov khắc họa Putin – người mà gần đây vừa ly dị người vợ đã gắn bó 30 năm với ông và nghe đồn là có vài người con riêng với một cựu vận động viên Olympic môn thể dục dụng cụ – như một hiện thân của các giá trị thủ cựu, với Giáo trưởng Giáo hội chính thống luôn sát cánh bên mình. Chiến dịch của điện Kremlin nhằm chống lại quyền của người đồng tính đã nhận được sự ủng hộ của nhà thờ, đồng thời nhắc nhở dân thường nước Nga rằng nhà nước luôn cẩn thận theo dõi đời sống của họ.
Công tác tuyên truyền của nước Nga ngày nay kết hợp cả sự độc đoán đặc thù kiểu Xô-viết và những kỹ thuật tiên tiến nhất. Cho tới nay vẫn chưa có cuộc thanh trừng tập thể nào và rất ít các cuộc tuần hành quy mô lớn. Các giá trị phương Tây có thể bị công kích, nhưng hàng hóa phương Tây thì lại được chào đón. Cảnh tượng thường thấy ở Nga là một chiếc xe hơi bóng loáng sản xuất tại Đức với nhãn dán ở đuôi xe gợi nhớ lại ánh hào quang của Thế Chiến II như “Tiến về Berlin” hay “Cảm ơn ông vì chiến thắng và cám ơn bà vì những viên đạn giết thù!”
Trong suốt hai thập niên qua, người Nga có thể đi lại ở nước ngoài mà không bị hạn chế. Tuy vậy, giờ đây rất nhiều người dường như sẵn sàng từ bỏ quyền lợi này. Tháng trước, điện Kremlin đã cảnh báo công dân nước này rằng Hoa Kỳ đang “săn lùng” người Nga ở nước ngoài. Một vài người Nga trên thực tế đã bị truy nã và dẫn độ về Hoa Kỳ, ví dụ như nhà môi giới vũ khí Viktor Bout, người bị buộc tội trợ cấp cho những kẻ khủng bố, hay hacker Vladimir Drinkman, người bị cáo buộc đánh cắp hàng triệu số thẻ tín dụng. Không có một mối đe dọa khả tín nào đối với dân thường Nga, nhưng chiến dịch của Surkov vẫn đang có một tác động sâu sắc.
Thay vì  liều lĩnh đưa ra những tuyên bố kỳ quặc để bị cười nhạo – điều thường thấy ở những nhà tuyên truyền Xô-viết –  rằng nước Nga một ngày nào đó sẽ vượt qua phương Tây về mặt kinh tế, Surkov đã lợi dụng một cảm xúc sâu sắc và an toàn hơn: nỗi sợ. Cho dù người Nga nghĩ gì về tình trạng bất ổn kinh tế ở nước này – trong bối cảnh GDP kỳ vọng sẽ giảm khoảng 3,8% trong năm nay, đồng thời lạm phát có thể chạm ngưỡng 15% – thì họ vẫn tin rằng họ sẽ còn trở nên khổ sở hơn nếu không có Putin.
Và vậy là người Nga đã quy phục. Một vài năm trước đây, có vẻ như cứ 10 người thì 1 người đeo một dải ruy băng trắng, biểu tượng của sự phản đối Putin. Ngày nay, người ta có ấn tượng rằng cứ 3 người Nga thì lại có 1 người đeo ruy băng của thánh George, một biểu tượng màu đen và da cam thể hiện lòng yêu nước và trung thành với điện Kremlin. Những người không đeo ruy băng có thể sẽ bị hỏi lý do theo một cách không lịch sự lắm.
Đây là một chiến thuật xảo quyệt và có hiệu quả, một chiến thuật gạt ra lề những kẻ chống đối và tạo ra ấn tượng về sự ủng hộ gần như tuyệt đối với chế độ này. Trong chuyến thăm gần đây nhất của tôi tới Moskva, tôi để ý thấy một người bạn, một ca sỹ opera của Nhà hát Lớn (Bolshoi Theater), đã buộc một dải ruy băng thánh George nhỏ vào chiếc xe Mercedes trắng của cô. Mặc dù không phải là người hâm mộ Putin, cô không muốn bị nổi bật một cách không cần thiết.
Chính từ những sự đầu hàng nho nhỏ như của cô mà những kẻ như Surkov cuối cùng cũng chiến thắng. Các công dân giả vờ tỏ ra trung thành đang xây dựng nên một văn hóa tuân thủ. Khi mà bất đồng quan điểm đã bị đàn áp thì việc lòng trung thành của các công dân có phải là thật hay không trở nên vô nghĩa. Trên thực tế, giống như Goebbels, Surkov hiểu rằng khi đời sống cộng đồng và sự thể hiện của mỗi cá nhân có thể bị biến thành một sân khấu, sẽ không còn sự khác biệt nào giữa diễn xuất và hiện thực.
Nina L. Khrushcheva là trưởng khoa thuộc trường Đại học The New School tại New York, và là nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Chính sách thế giới, nơi bà quản lý Dự án nghiên cứu nước Nga (the Russia Project). Trước đây bà từng dạy học tại Trường Chính sách công và Ngoại giao thuộc Đại học Columbia và là tác giả của các cuốn sách “Hình dung Nabokov: Nước Nga giữa Nghệ thuật và Chính trị” (Imagining Nabokov: Russia Between Art and Politics) và cuốn “Người họ Khrushchev chưa được biết đến: Hành trình tới trại Gulag trong Tâm thức Nga” (The Lost Khrushchev: A Journey into the Gulag of the Russian Mind).
- See more at: http://nghiencuuquocte.net/2015/07/06/surkov-ong-trum-tuyen-truyen-kremlin/#sthash.H7eWqjKS.dpuf
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Patti gặp lại anh Văn, năm 1990

 (ảnh tư liệu của Nguyễn Văn Kự)



Patti và Thomas đã đề cập nhiều lần trên blog này, ví dụ ở đây và ở đây. Đó là quan hệ của Việt Minh (nhóm anh Văn và già Thu) với cơ quan tình báo Mĩ (nhóm Patti và Thomas) ở thời điểm trước Cách mạng Tháng Tám.

Những ảnh dưới đây, là cảnh gặp lại giữa anh Văn và Patti, vào năm 1990, tại Hà Nội.


Tác quyền ảnh thuộc nhiếp ảnh gia Nguyễn Văn Kự.

Nguyên chú của NVKChúng tôi - những người phục vụ Hội thảo luôn được sư quan tâm, động viên của Đại tướng và làm hết sức mình góp phần thành công của Hội thảo

Nguyên chú của NVKA. Patti và Đại tướng Võ Nguyên Giáp





Phần nhận xét hiển thị trên trang

Inrasara: PHÓ CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG THƠ, TÔI ĐÃ LÀM GÌ?

Nhân vụ đồng loạt nhà văn rời khỏi Hội Nhà văn Việt Nam, vài bạn FB và thi hữu nhắn tin cho tôi, thật lòng có, xách mé hay khiêu khích cũng có, rằng Inrasara xiển dương tinh thần hậu hiện đại, sao lại cứ bám vào cái Hội này. Tôi không ngạc nhiên lắm.

5 năm trước, tin “chức” Phó Chủ tịch Hội đồng Thơ Hội Nhà văn Việt Nam vừa bay ra, tôi nhận bao nhiêu là tin nhắn: “Rất hãnh diện, chúc mừng anh!”. “Rất công bằng và xứng đáng”. “Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam còn chưa làm hư nổi Sara, huống hồ…”. “Khổ thế chứ! Xin chia buồn cùng ngài tân phó Chủ tịch”. Vân vân…
Trong số đó, dịch giả, nhà phê bình thời danh ở về phía bất thuận. Tôi tiếp nhận không chút phản ứng, lặng lẽ nhậm “chức”, và… làm việc. Sáng 2-6-2015 trước khi về quê, ghé anh hỏi mượn sách photo, thấy ông anh có vẻ mở lòng, tôi mới ướm hỏi:
– Năm năm nắng nung mảnh đất hạn Phan Rang rồi, sắp hết nhiệm kì ngồi chức Phó chông chênh kia, ông anh thấy Sara có cái gì sai trái, tác hại đến văn học [lớn hơn – nhân dân] Việt Nam không? Chỉ nêu những cái sai, điều dở thôi…
– Chẳng thấy gì lạ cả, chỉ có mỗi chuyện Sara phản ứng hơi quá với cánh NĐB…
– Anh thấy hơi quá ở khoản nào?
– Sara nên hiểu là họ chỉ muốn qua Sara để tấn công Hội Nhà văn thôi…
– Hiểu quá đi chứ, nhưng sao không đốp chát ô Thỉnh, ô Thiều đi, mà lại nhè Sara vừa không ghế vừa phi bổng lộc mà oánh. Xét riêng cái vụ Hội Nhà văn, Sara chỉ hỏi gặng họ: Bạn cho là tôi ở trong Hội Nhà văn ăn tiền nhân dân, tin cho bạn hay rằng, mỗi năm tôi ra Hà Nội xét kết nạp hội viên và xét giải thưởng một lần (3 ngày), bỏ túi đúng 2 triệu. Đó là phía chính thống, nghĩa là tiền thuế nhân dân – không sai. Trong lúc hàng năm tôi tham gia mươi lần chấm giải, thuyết trình ở các tổ chức phi chính thống, phi chính phủ khác, và họ đã trả công cho tôi hơn thế; hỏi tôi ăn tiền của ai đây? Còn ở các cơ quan nước ngoài, tiền bao thư sau buổi thuyết trình của tôi gấp 5-10 lần, chớ người của đất nước kia có ai tố cáo Inrasara ăn tiền nhân dân họ không? Giải thích đơn giản thế, chứ thằng em “phản ứng hơi quá” ở đâu mô…
– [Im lặng].
– Sara có nói mạnh là về vụ NĐB kêu: “chế độ mị dân này mới cho anh mấy giải thưởng chỉ vì cái tên Chăm của Inrasara thôi…”. Khi tôi hỏi: “15 năm nhập cuộc chữ nghĩa, bạn biết tôi đã giật bao nhiêu giải thưởng không?”, ông bảo “có biết đâu” – Đấy không biết mà nói, mới lạ. Này nhé, tôi nói: “20 cái đấy”. Thêm đây: chúng từ 4 nước khác nhau do các loại tổ chức khác nhau (chính thống, phi chính thống, và cả “phản động”) về vài thể loại khác nhau (thơ, nghiên cứu, phê bình, báo chí, nhân vật…). Ông biết mình sai, nhưng không chịu xin lỗi, nên tôi cắt – cắt đầu tiên và duy nhất của tôi. Sắc tộc, giới tính và khuyết tật thân thể là ba khu vực nhân loại văn minh tối kị.
– Người như Sara thì làm đâu mà chẳng được, miễn sao mang lại hiệu quả cho văn học là tốt rồi…
Đối thoại đại khái thế.
Nay xin tin thêm, không chỉ là Phó Chủ tịch Hội đồng Thơ của Hội Nhà văn, mà 2 nhiệm kì trước, tôi còn đóng vai [phi lương bổng] khác ít bị soi hơn: Phó Chủ tịch Hội đồng Văn học Dân tộc (Y Phương là chủ tịch, Dương Thuấn Phó CT thứ hai).
Giữ chức PHÓ kia, tôi làm được gì?
1. Về Cham, đơn cử trường hợp duy nhất: Tagalau. Cầm cái thẻ Hội Nhà văn, tôi mới ra được đặc san này ở đầu thế kỉ XXI. Nhớ, Cham – tôi là hội viên HNVVN duy nhất, và Tagalau là duy nhất trong 54 DTTS. Và nếu không cậy đến “uy” 2 Phó kia (nhập “gia” VN thì tôi phải tùy “tục” mà hành xử), Tagalau đã chết từ sinh nhật thứ 2 rồi! Sau một sự cố, mọi nhà xuất bản quay lưng lại nó. Khi tôi chạy được, 4 kì liên tục sau đó, tên Tagalau phải chịu bị thiến, để đến Tagalau 7, nó mới khai sinh lần hai. Rồi “sự cố” Tagalau 8 còn ghê hơn nữa. Và khi Tagalau được chuyển giao cho thế hệ trẻ, ngay hàng chữ Akhar thrah ở trang bìa Tagalau 16 cũng bị cắt, tôi phải tìm giúp các bạn phục hồi. Có Cham nào hay mấy nỗi đó? Tôi không than thở với bất kì ai, ngay cả vài kẻ thân cận. Không la lối om xòm, càng không chửi bới, bởi tôi biết làm thế không giải quyết được gì cả. Mọi trắc trở, tôi đơn độc chèo chống, trì trì gỡ rối. Để được việc chung.
Nỗi Tagalau có thể làm nên trường thiên tiểu thuyết bi hài, là vậy.
Ngoài Tagalau, còn mênh mông thứ khác nữa, ai có dõi theo bước chân chữ nghĩa của tôi đều biết qua…
2. Về văn học Việt Nam.
Bỏ túi thẻ Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, có ai thấy tôi làm theo chỉ đạo của bất kì ai ở đâu không? Có vị trên nào áp đặt lên tôi ý tưởng nào của họ không? Ngược lại là khác… Tạm kê khai hầu bà con, anh chị em.
Chủ trì Bàn tròn Văn chương là một tổ chức ngoại biên của HNVVN: 8 kì tại TPHCM và các tỉnh phía Nam, 3 kì ở Hà Nội. Tại đó, người tham dự tự do, đề tài tự do, thảo luận tự do – là chuyện chưa nhà văn nào làm trước đó. Mỗi kì, BCH Hội cho BTVC đúng 300.000 đồng tiền trà nước.
Tôi đấu tranh liên tục cho công bằng và công khai về xét kết nạp hội viên, buộc BCH Hội Nhà văn chuyển đổi, dù họ chỉ thay đổi một lần (2013) rồi nghỉ.
Tôi phản đối thành viên Hội đồng dự giải thưởng thường niên, dù đơn độc và không kết quả, nhưng đó là tiếng nói phản biện cần thiết.
Tôi phê phán không khoan nhượng và nhiều lần các cuộc tổ chức rềnh rang nhưng thiếu hiệu quả của HNV: Festival Thơ, hội thảo với hội nghị các loại… là điều hiếm nhà văn của Hội làm.
Phó Chủ tịch Hội đồng Thơ, tôi nhiệt nồng giới thiệu các khuôn mặt thơ văn ngoại biên trên diễn đàn và báo chí chính thống, cả trong tác phẩm lí luận phê bình của tôi. Giới thiệu sòng phẳng, nhiều lần và nhất là, không tránh né. Về Ngựa Trời, Mở Miệng, Nhã Thuyên… tôi đấu tranh bảo vệ công bằng cho mọi trào lưu nghệ thuật, đấu tranh cho quan niệm nghệ thuật phi chính thống có mặt. Vân vân.
Thế thôi, cũng đủ lãng quên đời…
3. Cuối cùng, khi nhận thấy mình không thể làm gì hơn, qua hai phần ba chặng đường (cuối năm 2013), tôi thông báo trước trên website sẽ từ bỏ tất cả: Phó Chủ tịch Hội đồng Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam, Ủy viên BCH Hội Văn học Nghệ thuật các Dân tộc Thiểu số Việt Nam ở đó tôi là Trưởng Ban Lí luận Phê bình.
VÀ TÔI ĐÃ LÀM ĐÚNG NHƯ THẾ. Chứ không như vài bạn văn của tôi “em chả, em chả, kì này em xin rút nhường cho cánh trẻ”, nhưng khi “nhân dân” yêu cầu, đã ở lại – bám ghế.
Phan Rang, 4-6-2015
Phần nhận xét hiển thị trên trang