Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 4 tháng 7, 2015

mặc mẹ cái mình vẽ ra nó mang cái ý nghĩa gì..

Hà Nội chán ngắt.

Tiêu Phong

     Có những lúc, tôi thấy Hà Nội thật chán ngắt.

    Ông nghệ sỹ già vẫn thỉnh thoảng vác violin ra Bờ Hồ dạo nhạc miễn phí. Ông chơi cho cái thú già của tuổi xập xệ cuối đời, cho ai thích thì cứ đứng mà nghe. Người ta gọi ông là Nghệ sỹ đường phố.

    Còn tôi thì quên tên ông.

    Đôi lúc cỡ quãng vài năm trước, trong những cuộc xuống đường bức xúc để bày tỏ thái độ của việc xâm lấn biển đảo, tôi ngồi cafe quan sát và có thấy ông trong những cuộc đó, với cái mũ trứ danh quen thuộc, chòm râu Quan Vũ, vừa đi trong đoàn người vừa dạo violin, như thể cuộc tuần hành vì hòa bình này là một cuộc biểu diễn nghệ thuật Carnival vậy.

    Tôi uống cafe, ngắm ông, ngắm họ với vô vàn những câu hỏi trong đầu. Ai trong số họ là quần chúng yêu nước vô tư? Ai là zich của cơ quan an ninh? Ai là kẻ sẽ khích động giật dây? Ai là kẻ cơ hội khoác cái áo đấu tranh dân chủ? Thậm chí, ai là những kẻ mù quáng?

    Soi chiếu bản thân với ly cafe, tôi tự dưng thấy chán ngấy.

-------------------------------

    Cơn bão đời quét qua đời tôi, đánh dấu chấm cuối cùng vào tháng 6/2012. Khi tôi ngồi và nhìn ngắm người ta mang đồ đạc văn phòng của tôi đi với một vẻ bàng quan và thờ ơ. Những vật dụng đồ đạc mà chính tay tôi vẽ, đặt đóng và gắn bó với tôi từ tháng 6/2007. Tủ hồ sơ, tài liệu. Tủ để bản vẽ lưu. Các bàn làm việc... Tất thảy. Thậm chí đến cả nồi niêu xoong chảo, dụng cụ bếp. 

    Căn nhà kho tôi thuê và biến nó thành văn phòng làm việc theo phong cách thô ráp gạch trần xen khung kính, xây thêm một tầng. Tôi ngồi trên yên một chiếc xe máy của ai đó, chân nọ vắt lên chân kia, ngắm nhìn sự nhộn nhịp ra vào của khung cảnh thanh lý, như thể một chủ thầu đang ngồi trông thợ, như một kẻ bàng quan thời cuộc. Trống rỗng hoàn toàn.

    Tôi hứa tôi sẽ trả tiền nhà còn thiếu sáu tháng cho ông bà chủ nhà khi tôi thanh lý đồ đạc. Tôi tính tôi chỉ bán năm cái điều hòa, bộ bàn ghế và tủ tài liệu phòng tôi cũng đủ trả cho họ. Nhưng họ không nghe. Tôi biết họ muốn ép tôi. Tôi chỉ nói, nếu ông bà không nghe phương án đó, tôi vẫn sẽ trả đầy đủ. Và sáng đó tôi đến văn phòng, một cảnh tượng khủng khiếp xảy ra.

    Dọc cầu thang, tất cả giấy tờ của tôi, từ các giấy tờ hợp đồng đã làm hay dang dở, những chứng từ kế toán, sách vở chuyên ngành, văn bản pháp lý, ghi chú sổ sách đến các loại bản vẽ lưu, tất tần tật nằm tung tóe từ cầu thang xuống khắp nền nhà tầng một. Tôi tưởng lại bị đột nhập văn phòng một lần nữa, bởi tháng trước đó, tôi đã bị đập cửa cắt khóa. Nhưng không phải. Nhân viên tôi bảo ông bà chủ nhà gọi đồng nát vào thu dọn giấy tờ của tôi. Khi nó đến đã thấy lanh tanh bành ra cả như thế và nó bắt dừng lại.

    Tôi đã hét lên, đã gào lên như một con thú dữ. Sự cuồng nộ của tôi làm hai bà đồng nát chạy như ma đuổi. Tôi chỉ thiếu nước là bóp chết lão già chồng bà chủ nhà, khi tay tôi đã tóm lấy cái cổ họng lão khi lão nói với tôi với cái giọng đầy mùi hồng xiêm vào 8h sáng. Tôi không thể nhớ lão nói gì, nhưng tôi biết lão nói đại ý lão làm thế vì sợ tôi không trả tiền. Tôi gầm gừ những tiếng man rợ trong cổ họng với nỗ lực kìm giữ không bóp nát cái cổ họng lão, trong sự tiết chế không chửi bậy theo phản xạ bản năng...

    Chỉ biết, những ai đó đã lôi tôi ra, đuổi vợ chồng lão tạm lánh đi chỗ khác.

    Tôi đã hẹn người đến kiểm kê đồ để thanh lý. Tôi đã mua sẵn các bao tải để đựng giấy tờ, phân loại sẵn sàng, chỉ chờ đóng gói. Bởi giấy tờ rất quan trọng. Nếu tiền là máu của doanh nghiệp, thì giấy tờ là xương sống. Vậy mà chỉ vì sợ tôi không trả tiền, lão già đã uống mấy chén rượu để lấy can đảm mà gọi đồng nát để quẳng giấy tờ của tôi thành đống lộn xộn, bán giấy vụn.

    Tôi chỉ nhớ, lúc tôi đã bình tĩnh hơn, lão có đến gần tôi nói cái gì đó, tôi đã đáp lại: Nếu ông còn quanh quẩn bên tôi, tôi thề là mặt ông sẽ như cái cửa kia đấy. Tôi chỉ cái cửa kính mà tôi đã đấm vỡ trong cơn uất hận.

    Khi đó, tôi ngồi trên yên cái xe máy của ai đó, chân nọ vắt lên chân kia. Hoàn toàn trống rỗng. Đến cả cảm giác chán ngắt tôi cũng chẳng thể định nghĩa nổi nó có tồn tại không nữa.

    Tôi tiếc nhất cái ghế tôi ngồi. Nó là món quà của một người bạn. Tôi đành phải bán nó với cái giá không bằng một nửa mua mới. Cho dù trạng thái trống rỗng vây bủa, vẫn sót lại cảm giác xa xót đó.

--------------------------

    Và chín tháng thất nghiệp. Toàn tập. Tôi vẫn hàng ngày ra phố, qua cái garage quen chơi với đội xe cũ. Tháng đầu ở nhà, tôi thấy thanh thản. 

    Tôi biết cái cảm giác đó. 

   Tôi không còn đến văn phòng với cảm giác trĩu nặng nữa. Tôi không còn nhìn thấy những nhân viên mà tôi nợ lương. Tôi cũng chẳng còn phải đối phó với những khách hàng mà với việc kinh doanh, họ buộc phải coi lợi nhuận là trên hết để mà không cần nghĩ đến chữ tình. Tôi cũng chẳng còn phải nghĩ đến những áp lực phải giải quyết. Tôi rong chơi mặc dù không còn một xu trong túi. Các bạn rủ đi Hà Giang, tôi đi mà không phải đóng góp gì cả.

    Ai lại bắt một thằng vừa phá sản đóng góp bao giờ.

    Rồi sáng đưa con đi học, trưa đón con về. Chiều đưa con đi học, tan tầm lại đón con về. Sự tiếp diễn tuần tự trong cảm nhận biết thân phận của kẻ thất bại. Tôi chả đòi hỏi gì. Thuộc lịch học của con như cháo. Chả ai hỏi tiền tôi. Chả ai bắt tôi đóng góp cái gì cả. Trớ trêu với một kẻ thất nghiệp, không làm ra tiền nhưng vẫn giữ lại được cái ô tô, dùng làm phương tiện đưa đón con hay người nhà những lúc mưa hay trời quá nắng.

    Tôi đổ xăng bằng tiền người nhà. Và tôi thấy chán ngắt.

    Và tôi bắt đầu vùng vẫy, bắt đầu cựa quậy để cố nhoi thoát ra sự chán ngắt đấy. Tôi mong ngóng những giờ bọn học trò đến tập để tôi được hoạt động, để có cảm giác hoạt động và đầu óc khỏi bị ù lỳ. Tôi trôi qua những buổi tối sau khi tập với những chén rượu mà chúng nó mua, và để hôm sau, lại triền miên trong chán ngắt.

------------------------

    Cho đến bây giờ, khi ngồi tại một quán cafe và gõ những dòng chán ngắt này trong một cảm nhận cũng chán ngắt về sự đời, về nhân tình thế thái, tôi cũng đang thấy chán ngắt.

    Tôi vẫn có một chút công việc để làm, với một sự luẩn quẩn là, làm việc để làm gì nhỉ? Nhưng không làm việc thì biết làm gì? Làm việc để kiếm sống nên phải làm việc, và vì thế, người ta phải làm việc. Chỉ là thế thôi. Có lẽ, một trăm người, một ngàn người, một triệu người, mười triệu người hay cả tỷ người, đều phải thế. Đều phải làm việc vì kiếm sống và không làm việc thì chả biết làm gì. Nhưng vế một, làm việc để kiếm sống là bắt buộc, thì vế hai, làm việc vì không làm việc thì chả biết làm gì, vế này có vẻ bớt cần lao hơn, nhưng cả hai vế, vẫn đều là chán ngắt.

    Với tôi thì cả hai. Bởi vì, tôi đã phải buộc mình quên đi sự yêu thích công việc. Tôi buộc tôi phải bỏ đi cái niềm kiêu hãnh công việc để suy nghĩ về việc kiếm sống. Tôi thấy mừng và thật sự ghen tỵ với những bạn mà việc kiếm sống có niềm vui song cùng là niềm yêu thích công việc đó. 

    Cái tôi nghề nghiệp rất cần thiết cho lĩnh vực sáng tác. Âm nhạc, văn học, hội họa, thơ ca, kiến trúc, nghiên cứu khoa học, đều cần một cái tôi rất lớn và sự cô đơn cũng rất lớn. Nhưng lúc này, tôi tránh nghĩ đến và sử dụng từ sáng tác. Nó là thứ xa xỉ rồi. Tôi ép tôi nghĩ rằng, những cái tôi làm, tôi vẽ chỉ là kiếm tiền, là mưu sinh, đơn thuần là thế. Người ta thuê mình vẽ, thì mình cố làm sao vẽ cho người ta ưng để người ta trả tiền mình, thế thôi.

    Thế là, tôi sẽ chỉ cố để hiểu người ta muốn cái gì thì vẽ cái đó. Vẽ, chứ không sáng tác. Thợ vẽ.

    Và bây giờ, các thợ vẽ đang cạnh tranh với nhau trong cái ao tù của khát khao no đủ, trong cái sung sướng có tiền để mua xe, trong mặc mẹ cái mình vẽ ra nó mang cái ý nghĩa gì, trong cái kệ cha bộ mặt đô thị, trong cái bon chen kiếm việc, xuống nước với chủ đầu tư, mặc cả tỷ lệ fit back và mặc cả với các nhân công khoán việc. Chạy đuổi với thời gian.

    Mà quả là nhiều lúc, tôi cũng đéo hiểu được các chủ đầu tư. Họ cần nhanh để làm gì khi mà chính họ cũng có tiền để xây đéo đâu? Họ cần nhanh để làm gì khi mà những người có thể có tiền mua dự án của họ còn nâng lên đặt xuống bcm? Họ cần nhanh để làm gì vì qua lâu cmnr cái thời người dân ngây thơ mua nhà trên giấy. Bây giờ đến xây chềnh ềnh ra cũng còn cứ ngắm chán. Nhưng cứ thích nhanh. Cái gì cũng nhanh, thẩm duyệt lại càng phải nhanh. Cứ như một cuộc chạy đua nước rút, nháo nhào và quang quác điện thoại vào tai nhau bất kể giờ giấc.

     Rồi thì, cũng vẫn như một ngày chán ngắt như ngày hôm nay, ngồi gặm nhấm những suy nghĩ nham nhở của một cuộc nhân tình thế thái mà ở chỗ nào cũng chỉ thấy muốn nhảy vào miệng nhau, cũng chỉ thấy muốn lợi dụng nhau, chiếm đoạt thời gian của nhau, lại gõ ra những thứ chán ngắt trong một niềm chán ngắt là chấp nhận khía cạnh cuộc sống như một thuộc tính bao năm vẫn vậy. Một hằng số không đổi trong tham số cuộc đời.

    Lại nghĩ đến những điều to tát của chính trị. Với chính trị, lợi ích quốc gia dân tộc bao giờ cũng đặt lên trên, bạn bè láng giềng hay hữu hảo hữu nghị chỉ có tính tương đối nhất thời. Ấy là người ta nói thế, mình biết đéo đâu mà tham gia. Nhưng lại ngẫm cái điều đó trong xã hội, trong cư xử ''bạn bè '' với nhau, thì lại cảm thán mà phải chấp nhận rằng, với con người, lợi ích cá nhân cũng phần nhiều là người ta phải bảo vệ. Ai chả vị kỷ và nên tha thứ cho những vị kỷ như vậy, bởi nếu không, sớm dám sẽ trở thành thằng bất đắc chí.

    Chú em hỏi tôi: Anh nghĩ gì về chuyện hàng rào phân cách sống của mấy đứa sinh viên tình nguyện giữa cái nắng 40 độ và mặt đường lên đến gần 60 độ? Tôi bảo: Anh biết đéo gì mà nói? Vì khi anh bằng tuổi chúng nó, điều anh quan tâm là hôm nay anh đi xứ, anh vợt được mối hàng có lãi hay không, có thằng nào dở trò mua tranh bán cướp với anh hay không, và ở cửa hàng, bọn nó có bán hộ anh được cái máy nào không? Đến việc học anh còn xếp sau, còn chưa ý thức rõ nó là tương lai của mình, nghĩ gì đến xã hội và trách nhiệm. Thế nên anh không phán xét!

    Nó hỏi tiếp, thế con anh như thế, anh có cho chúng nó làm những việc đấy không? Tôi chán ngắt với những kiểu trách nhiệm xã hội như thế. Nhưng vẫn ôn tồn để trả lời: Nó có cướp nhà băng, hay ám sát lãnh tụ, hay tham gia IS, cũng là việc của nó. Nó tự thấy đúng thì làm. Cái xã hội này và cả các cha các mẹ cũng đã vào hùa để ăn cắp đi cái tuổi thơ của chúng nó, thì cũng đừng có lên mặt chỉ vì tao đẻ mày ra thì mày phải nghe tao!

    Trong một ngày chán ngắt, những câu hỏi cũng làm cái ý định lên Tạm Thương uống rượu cho đỡ buồn cũng nguội như nước đá. Cái nóng sục sôi ngoài kia không giảm, trái ngược với cái chán ngắt lạnh lẽo trong lòng.
Nguồn: 

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Gì nữa đây?


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Có những 'giá trị Người' đã rời bỏ thế gian

Họ- từ nhà ngoại giao giỏi giang, đến vị GS âm nhạc uyên bác và các nhạc sĩ tài năng, vẫn sống trong tâm khảm người đời, kể cả khi họ đã như chiếc lá xa cành. Những con người như họ, tự nhiên nhi nhiên, đã tạo nên những "giá trị Người" tử tế giữa nhân gian


Nếu như chính trị nói chung (ngoại giao nói riêng), và văn hóa, là hai mặt cốt yếu làm nên sức mạnh, sức sống một dân tộc, thì trong tuần này, có 04 con người, với tài năng, nhân cách của mình, tạo nên những “giá trị Người” riêng biệt, góp phần làm đẹp thêm sức sống và bản sắc văn hóa dân tộc, đã lần lượt theo nhau về gặp tiên tổ, để lại trong lòng XH những xót đau, thương tiếc.
Đó là ông Trần Quang Cơ, cựu Thứ trưởng Ngoại giao. Còn lại ba người kia là nhà nghiên cứu âm nhạc, nhạc sĩ nổi tiếng: GS nghiên cứu âm nhạc dân tộc Trần Văn Khê, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu và nhạc sĩ Phan Nhân.
Tất cả họ đều đã ở tuổi  trời cho “xưa nay hiếm” nhưng trí tuệ và tâm hồn họ thật trẻ trung, với đất nước, giống nòi.
“Biết người là trí, biết mình là sáng”
Xin được mượn câu của Lão Tử để nói về ông, cố Thứ trưởng Ngoại giao Trần Quang Cơ.
Ông là người Nam Định. Đất Nam Định vốn là đất học, có nhiều người thông minh học rộng, tài cao. Nếu như định mệnh đã đặt vào ông số phận của một người làm chính trị, với nghề ngoại giao suốt một đời (44 năm công tác- từ 1954 đến 1997), vừa khắc nghiệt, vừa đầy thử thách đòi hỏi sự sáng suốt, tỉnh táo, bản lĩnh biết tiến biết lui, thì ông quả đã làm giỏi định phận ấy.
Nước Việt với vị trí địa- chính trị đặc biệt, từ lịch sử quá khứ cho đến thời hiện tại, gần như chưa bao giờ được bình yên trước tham vọng và lợi ích ích kỷ của không ít nước lớn láng giềng. Ngoại giao vì thế mang chức phận nặng nề, như giải một bài toán hiểm hóc. Nước Việt sẽ phải đi thế nào đây trên hành trình với nhân loại, xen lẫn bạn và thù, văn minh và dã tâm, để bảo vệ chủ quyền, độc lập tự do, bảo vệ lợi ích dân tộc trên hết?

Như một công chức- quan chức mẫn cán, cuộc đời ông có rất nhiều rẽ ngoặt, nhưng đều không xa rời nhiệm vụ ngoại giao. Tất cả những cung bậc đó tạo nên ở ông phẩm chất một nhà ngoại giao có hạng- hiểu biết sâu sắc, có tầm nghĩ chiến lược và lịch lãm.



Thứ trưởng Trần Quang Cơ đón chuyên gia Liên Xô tới thăm, làm việc tại Cục Tuyên truyền đặc biệt (tháng 3-1987). Ảnh tư liệu: QĐND/ VOV

Theo các chuyên gia ngoại giao kỳ cựu về lĩnh vực này, thì ông là một trong số rất ít cán bộ ngoại giao đóng vai trò nòng cốt và có mặt trên tuyến đầu của cả ba “trận chiến” quan trọng nhất của ngành những năm 60 – 80 thế kỷ XX.
Đó là việc tham gia vào cuộc đấu trí, đấu lý tại Hội nghị Paris suốt 06 năm trời (1968- 1973), góp phần vào thắng lợi của đoàn VNDCCH, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở VN, buộc Mỹ rút quân về nước.
Đó là cuộc đấu tranh ngoại giao hết sức cam go, phức tạp kéo dài hơn một thập kỷ (12 năm) nhằm đẩy lùi những hành động chống phá và bao vây, cô lập VN trong những năm 80, thông qua các cuộc thương lượng  giải quyết chiến tranh tại Campuchia.
Đó là việc tham gia vào những hoạt động ngoại giao, mở cửa với thế giới bên ngoài, với các nước lớn Trung Quốc- Liên xô- Mỹ, khi đất nước bước vào công cuộc đổi mới, nhất là việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ.
Ngoại giao cũng giống như văn hóa- là mưa dầm thấm lâu, nhưng trong những quan hệ đặc biệt, từng có những tổn thương sâu sắc, thì còn rất cần những bàn tay.. ..khéo vá hơn lành vụng may.
Nếu như năm 2015 này, VN và Mỹ kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ- từ cựu thù thành bè bạn, và chuyến đi thăm nước Mỹ của ông Tổng bí thư Đảng CSVN sắp tới đây vào đúng tháng 07, thì thực ra, sự bình thường hóa đó đã được những bàn tay và trí tuệ khôn khéo của những nhà ngoại giao, những người thợ khéo vá như ông cần mẫn từng đường kim mũi chỉ. Nhưng sự khéo vá ấy cũng còn phụ thuộc vào tầm nhìn chiến lược, vào cơ duyên biết nắm bắt cơ hội của đất nước.
Không phải không có lý khi ông, một chuyên gia cao cấp về Mỹ đã nuối tiếc, rằng những việc cần thiết làm với Mỹ, trên thực tế chúng ta đã “chậm trễ tới cả 10 năm”. Mà theo ông Đinh Hoàng Thắng, nguyên Đại sứ VN tài Hà Lan, thì đó là một cái nhìn rất tỉnh táo.
Bởi theo ông “một nước nhỏ hay trung bình như VN thì càng nhiều bạn càng tốt. Tôi thấy điều có thể làm khác là phải đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế sớm hơn. Trước Đại hội Đổi mới (năm 1986), VN đã quá phụ thuộc vào ý thức hệ mà không đa phương hóa được quan hệ” (Tuần Việt Nam, ngày 01/7).
Còn không phải không có lý khi rất nhiều bè bạn, chiến hữu và cả những  quan chức có trách nhiệm …nuối tiếc ông, khi ông từ chối không nhận chức vụ Bộ trưởng Ngoại giao thay thế vị bộ trưởng trước đó nghỉ hưu “bất thường”, giữa lúc bàn cờ ngoại giao cực kỳ phức tạp. Và rồi tiếp đến cuối năm 1993, ông cũng tự xin rút khỏi cương vị một UVTƯ Đảng.
Biết người là trí, biết mình là sáng. Ông là người rất tự trọng, có liêm sỉ. Lại có đủ trí và có đủ sáng. Để hiểu sâu sắc thời cuộc. Hiểu khi nào mình đến. Và hiểu cả lúc cần đi.
Dù vậy, người viết bài này và số đông người dân yêu mến, kính trọng ông, một quan chức có tâm có tầm, có nhân cách trong sáng, vẫn tin rằng, ngay cả khi đi- trở về đời sống dân thường- và đi- trở về với tiên tổ, ông vẫn dẫu lìa ngó í còn vương tơ lòng với thời cuộc, với đất nước mà ông sinh ra, can trường nhưng còn lắm khổ đau. Điều này càng thấm thía trong tự sự của ông- nỗi đau về “tham ô tặc”, và về vận nước trước dã tâm láng giềng phương Bắc với Biển Đông (Tuần Việt Nam, ngày 02/7)
“Đừng chết trước lúc lìa đời"
Hiệu Minh, cựu chuyên gia của WB đã có một nhận xét chí lý khi cho rằng, nếu Thứ trưởng Trần Quang Cơ là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, thì GS Trần Văn Khê, nhà nghiên cứu văn hóa, âm nhạc cổ truyền nổi tiếng, là một nhà… ngoại giao nhân dân. Cả hai ông, bằng tài năng, trí tuệ của mình đã gắng kết nối VN với thế giới theo những con đường rất riêng.
GS Trần Văn Khê. Ảnh: VietNamNet
Quê tại Tiền Giang, GS Trần Văn Khê là một con người có số phận hiếm có. Sinh trưởng trong một gia đình có 04 đời làm nhạc sĩ, họ hàng, người thân ruột thịt của ông đều là những nghệ nhân âm nhạc cổ truyền nổi tiếng. Tuổi thơ ông sống trong thanh âm của những tiếng tơ đồng, của đàn kìm, đàn cò, đàn tranh.., của những bản nhạc dân tộc cổ truyền mà bất cứ người dân Nam bộ nào cũng rưng rưng khi xênh phách cất nhịp, như Lưu thủy, Kim tiền, Long hổ hội..
Có lẽ sự thành danh của ông được đánh dấu bằng rẽ ngoặt bất ngờ, khi năm 1949, ông du học Pháp. Cho dù trước đó ông học… y khoa, nhưng tiếng gọi của tiếng tơ đồng vẫn mạnh hơn tiếng lanh canh dao kéo. Và cứ thế, con đường nghiên cứu văn hóa, âm nhạc dân tộc ở Kinh đô Ánh sáng, cuối cùng lại là con đường cho ông rộng thênh thang ta bước.
Để từ đây, dần dà, khi đã thành danh, ông nối văn hóa nước Việt của mình với thế giới văn minh, thông qua sự giảng dạy, nghiên cứu âm nhạc ở Pháp, ở hơn 20 đại học các nước, tham gia hàng trăm hội thảo khoa học, diễn thuyết, nói chuyện về âm nhạc, quảng bá, truyền bá âm nhạc, văn hóa VN ở gần 70 nước trên thế giới.
Và bề dày sự nghiệp nghiên cứu văn hóa, âm nhạc dân tộc của ông cũng thật đồ sộ, hiếm có. Nếu biết rằng ông là tiến sĩ ngành âm nhạc học người VN đầu tiên tại Pháp, với luận văn Âm nhạc truyền thống VN, rồi từng là GS tại ĐH Sorbonne của quốc gia này. Ông còn là thành viên danh dự Hội đồng Âm nhạc Quốc tế- UNESCO;  thành viên của Viện Khoa học Pháp, Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm châu Âu về Khoa học, Văn chương và Nghệ thuật; cũng như nhiều hội nghiên cứu âm nhạc quốc tế khác; rồi Chủ tịch Hội đồng Khoa học của Viện quốc tế nghiên cứu âm nhạc bằng phương pháp đối chiếu của Đức  (theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia)
Khác với số phận như cánh chim trời của GS Trần Văn Khê, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, nhạc sĩ Phan Nhân, trước khi trở thành những nhạc sĩ nổi tiếng, để lại cho đời những ca khúc lay động lòng người và sống mãi với thời gian, cả hai đều là những người lính cụ Hồ-  “trai thời loạn”- như biết bao người trẻ tuổi thời đó.
Và có lẽ, chính số phận người lính luôn gắn liền với số phận dân tộc, ở một thời cuộc mà độc lập tự do đất nước phải trả bằng xương máu, đã khiến cho những gieo neo sinh tử họ đã trải qua trở thành vốn sống, thành hồi ức, thành nguồn hứng cảm, để đi tới một con đường duy nhất trong âm nhạc- Tình yêu. Tình yêu con người, tình yêu xứ sở- dư âm của những cung bậc con tim, những tâm hồn nghệ sĩ trong sáng đầy rung cảm.
Nhưng cái riêng nơi tâm hồn họ, cá tính họ lại khiến cho những tác phẩm của họ trở nên có bản sắc, trẻ trung rất khác nhau.
Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu. Ảnh: VietNamNet
Một Phan Huỳnh Điểu được coi là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu nhất của nền âm nhạc đương đại VN với những đóng góp to lớn cho sự phát triển của âm nhạc VN trong thế kỉ XX . Ông được mệnh danh là "Con chim vàng của nền âm nhạc VN". (VOV.VN, ngày 01/7). Mở đầu bằng ca khúc Trầu cau, năm 1940, để rồi suốt cuộc đời sáng tác, con chim vàng ấy đã ... trò chuyện với thời cuộc bằng những ca khúc tình ca đầy trau chuốt, đầy chất trữ tình. Đến nỗi người viết bài này đã từng tự hỏi, vì sao một người nhạc sĩ mái tóc đã phơi sương, mà lại có con tim trẻ trung, thanh xuân đến thế.
Ở đó, đặc sắc nhất trong những tác phẩm hài hòa riêng chung, da diết tình yêu đôi lứa chính, là những ca khúc phổ nhạc từ những bài thơ của nhân gian, của các nhà thơ tên tuổi, thậm chí có cả những nhà thơ chưa kịp thành danh. Một Thuyền và Biển, một Thơ tình cuối mùa thu của nữ sĩ Xuân Quỳnh, một Ở hai đầu nỗi nhớ cuả nhà báo Trần Hòai Thu…, khi đó còn là một chàng trai trẻ, đau nỗi đau chia lìa của tình yêu.
Tất cả những tứ thơ yêu thương, đau khổ, hạnh phúc hay khắc khoải của con người trở nên long lanh, ngọc ngà dưới những nốt nhạc tài hoa nơi ông. Đến nỗi có báo đã gọi ông là nhạc sĩ của tình nhạc- duyên thơ (Người lao động, ngày 30/6)
Nghệ sĩ Ánh Tuyết viếng lễ tang nhạc sĩ Phan Huỳnh Điều, Phan Nhân. Ảnh: Thanh Niên
Ở một cung bậc khác, là một Phan Nhân- khối lượng các tác phẩm sáng tác có thể không dầy dặn bằng Phan Huỳnh Điểu, nhưng  ông vẫn là một trong những cây cổ thụ của nền âm nhạc VN, với vẻ đặc sắc riêng, trẻ trung riêng, hào sảng riêng không trộn lẫn.  Người Hà Nội hẳn chưa bao giờ quên ca khúc “đỉnh cao” trong hàng loạt những tác phẩm như Tình ca đất nước, Cây đàn ghi-ta của Victor Hara, Nhớ về Pắc Bó, Xa Hà Nội… của ông.
Đó là Hà Nội niềm tin và hy vọng- ca khúc được sinh nở vào những năm tháng đất nước nói chung, HN nói riêng đang trong giông bão chiến tranh. Ở chính nơi thử thách khốc liệt nhất giữa cái sống cái chết, mới thấy vẻ đẹp tuyệt vời của một HN trong thử lửa can trường mà vẫn không mất đi sự phong nhã cần có, đã hiện ra như một tượng đài bất tử, qua ca khúc của Phan Nhân.
Những ca khúc đó của họ, của Phan Nhân, Phan Huỳnh Điểu vẫn sống mãi với thời gian. Cho dù âm nhạc của đất nước hôm nay đã mang một diện mạo mới, không biết nên buồn hay vui, khi nó thời thượng hơn, và cũng đậm sắc màu… thị trường hơn.
Dù thế, thì sự ra đi của tất cả họ, những nhạc sĩ tài danh lại kéo lòng người Việt… trở về, cùng hoài niệm về một thời cuộc đất nước đầy ấm lạnh, mưa nắng của lịch sử.
Giống như một Trần Văn Khê, dù có đi tận chân trời góc biển, vẫn lại quay về sau nửa đời lãng đãng xứ người, tiếp tục nghiên cứu và giảng dạy âm nhạc dân tộc trên mảnh đất VN, hiến tặng tới 420 kiện hiện vật quý là những loại nhạc cụ dân tộc và tài liệu âm nhạc cho đương thời và hậu thế.
Người viết bài chợt nhớ tới cố nghệ sĩ chèo Tào Mạt với những tác phẩm chèo nổi tiếng, trong đó Bài ca giữ nước được tôn vinh là “bài ca giữ chèo”. Có cảm giác từng đường gân thớ thịt của người nghệ sĩ độc đáo này được cấu tạo nên bởi những làn điệu chèo Bắc bộ lúng liếng, long lanh. Và nay, với cố GS Trần Văn Khê, có cảm giác từng mạch máu, đường gân thớ thịt của ông cũng được cấu tạo bởi những làn điệu dân ca âm nhạc cổ truyền cả ba miền. Bởi nếu không, làm sao tâm hồn ông đắm đuối đến vậy với những xênh, phách, hồ sê líu hồ líu sê sàng, với hò mái nhì, mái đẩy, vớiquan họ liền chị liền anh, với những tiếng tơ đồng nuột nà ngân nga…
Sinh thời, khi còn sống, nhạc sĩ Phan Nhân từng nhắc đến câu thơ của một nhà thơ Nga mà ông ưa thích “đừng chết trước lúc lìa đời". Để nói về ý nghĩa sâu sắc của đời người.
Nhưng thực ra- họ- từ nhà ngoại giao giỏi giang, đến vị GS âm nhạc uyên bác và các nhạc sĩ tài năng, họ lại vẫn sống trong tâm khảm người đời, kể cả khi đã như chiếc lá xa cành. Những con người như họ, tự nhiên nhi nhiên, đã tạo nên những "giá trị Người" tử tế giữa nhân gian.
Họ rời bỏ thế gian này, giữa muôn vàn xót xa thương tiếc của người ở lại, nhưng thực ra họ đã ra đi một cách rất… hạnh phúc.
Và bài viết này như một nén tâm nhang thành kính thắp cho họ- những con người đã tạo nên “giá trị Người”- dẫu cho họ đã rời bỏ thế gian…
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Sao lại ngược nhau được nhể?


VN mua súng còn Cuba ‘giã từ vũ khí’

Nguyễn Giang 
Cuba có dân số trẻ trung, giáo dục và y tế đều đạt tiêu chuẩn tốt
Hồi nhỏ ở Hà Nội tôi đến thăm một người bạn và thấy ảnh ông Fidel Castro treo giữa nhà, nơi trang trọng.
Ba của bạn ấy là bác sỹ, từng đi thăm Cuba, được chụp ảnh chung với ông Fidel và đem về nhiều kỷ vật, hình ảnh từ 'quốc gia cộng sản anh em' ở Tây Bán Cầu, theo quan niệm một thời tại Hà Nội.
Gần đây hơn, một lãnh đạo Việt Nam sang thăm Cuba còn nhắc chuyện hai nước 'bên ngủ bên thức' canh giữ hòa bình thế giới.
Nhưng từ một thời gian qua, cả Cuba lẫn Việt Nam đều tấp nập tăng cường quan hệ với chính 'đế quốc Mỹ', kẻ thù ý thức hệ trong nhiều thập niên của Havana và Hà Nội.
Và các hoạt động đó tăng tốc từng ngày, từng giờ.
Tháng Bảy này Hoa Kỳ và Cuba tuyên bố sẽ mở đại sứ quán của cả hai bên.
Cũng trong tháng, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên sẽ vào Tòa Bạch Ốc, điều chưa từng ai nghĩ có thể xảy ra.
Trước hết ta cần làm rõ bối cảnh của quan hệ nồng ấm Cuba với Hoa Kỳ để có thể gợi ra một số ý cho Việt Nam.
'Giã từ vũ khí'
Tiến triển trong quan hệ Cuba và Mỹ đã không thể diễn ra nếu không có những chuyển biến rộng hơn ở khu vực Nam Mỹ từ một thập niên qua.
Như ta biết, vấn đề lớn nhất của giới cầm quyền châu Mỹ La tinh từ ngày độc lập khỏi thực dân Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha luôn là cái bóng quá to của 'ông kẹ Hoa Kỳ'.
Trong suốt thế kỷ 20, châu lục giàu đẹp này bị kẹt giữa hai làn đạn 'thân Mỹ và chống Mỹ'.
Như một anh bạn Colombia ở London nói với tôi, người Nam Mỹ từng "có thể đi từ Mexico City đến Santiago de Chile không cần phiên dịch" nhưng họ "nói cùng ngôn ngữ Tây Ban Nha mà không hề nói chung một thứ tiếng".
Khắp nơi là xung đột, nội chiến lâu dài, gây rỉ máu toàn xã hội, hoặc biến các cộng đồng thành băng đảng ma tuý.
Các vấn đề giai cấp, tôn giáo, sắc tộc (giữa nhóm gốc Âu và gốc bản địa) rất khác nhau về liều lượng ở mỗi nước nhưng chúng đều bị trộn vào chủ đề phe phái, 'chống đế quốc' hay theo Hoa Kỳ để nhận viện trợ.
Các nước Colombia, Argentina, Chilê, Brazil còn chịu ít nhiều ảnh hưởng của phe tả châu Âu (Pháp, Tây Ban Nha, Ý) nhưng Cuba đi theo một hướng khác hẳn, cực đoan hơn là thân Liên Xô.
Khủng hoảng tên lửa Cuba 1962 là bước ngoặt, tạo thêm chia rẽ khu vực.
null
Một thời cách mạng: Fidel Castro bắn súng ở Mexico năm 1956
Phe ủng hộ Fidel Castro cũng có nhưng phe phản đối cho rằng quyết định phiêu lưu của ông ta đã kéo Tây Bán Cầu tới bờ vực hủy diệt.
Hiển nhiên, Hoa Kỳ cũng có đầy trách nhiệm trong công tác hỗ trợ các chính quyền quân phiệt hoặc các nhóm bán vũ trang thiên hữu.
Thái độ bao vây 'tới cùng' của Washington sau cuộc cách mạng 1953 cũng là động lực cho Havana càng kiên trì theo Moscow và để kinh tế hòn đảo này rơi vào tình trạng suy sụt vì mô hình lạc hậu.
Nhưng gần đây, tình hình đã biến chuyển.
Trên 600 triệu người dân ở toàn vùng, sống trong hơn 20 xứ sở nói tiếng Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, tiếng Anh, Pháp nếu tính cả một số đảo quốc nhỏ, dần dần bỏ xa ý thức hệ.
Nội chiến Columbia sau 50 năm nay bắt đầu có cơ hội chấm dứt.
El Salvador, một thời là chiến trường hai phe (1979-1992) nay có nền kinh tế tăng trưởng cao (GDP đạt 30 tỷ USD trên 6 triệu dân), thu nhập bình quân gấp bốn lần Việt Nam, nước mà chiến tranh đã chấm dứt hàng chục năm trước vẫn còn cố thoát nghèo.
Nước lớn nhất vùng, Brazil cũng công nghiệp hoá nhanh chóng và vươn lên vị trí cường quốc khu vực với tiếng tăm lên cao trên thế giới: vào nhóm BRIC, đăng cai World Cup và sắp tới là Olympics.
Argentina, nước đậm chất Âu nhất tại khu vực, thì không chỉ có vị tân Giáo hoàng Francis nổi tiếng bình dân mà còn sản sinh ra nhiều ngôi sao thể thao, bóng đá và tennis.
Tư tưởng và tình cảm
Nhưng quan trọng hơn cả là thay đổi trong tư tưởng.
Oliver Stuenkel, một nhà bình luận ở Sao Paulo, Brazil gần đây có nói trên kênh DW của Đức rằng cả châu lục ngày nay "không còn một nhà chính trị cánh tả nào nghiêm túc tin vào thuyết chống Mỹ".
Thay vào ý thức hệ thiên tả hoặc cộng sản, người ta cần làm ăn, cần đầu tư nước ngoài.
Các phong trào dân quyền và nhân quyền cũng buộc nhiều chính phủ cánh hữu phải cải tổ.
null
Giáo hoàng Francis người Argentina đã tạo động lực mới cho ngoại giao khu vực
Tính thực dụng trong kinh tế, gồm cả nhu cầu thu hút đồng tiền từ Hoa Kỳ, Canada và EU, để cân bằng lại đồng tiền Trung Quốc ngày một mạnh, khiến toàn vùng Nam Mỹ chuyển động.
Trong bối cảnh đó, Cuba vẫn đóng vai trò quan trọng, gần như là 'chìa khóa' mở thêm các cánh cửa tâm lý cho Hoa Kỳ vào Nam Mỹ.
Nói như Jacob Parakilas trên trang Prospect, bình thường hóa với Cuba sẽ giúp Hoa Kỳ thêm uy tín và sức mạnh trong bang giao với các nước châu Mỹ La tinh còn lại, nơi dư âm về cuộc cách mạng Cuba vẫn còn được phái tả và người bình dân ngưỡng mộ.
Nhưng nhà Castro cũng có những nhượng bộ cụ thể.
Ông Fidel Castro đã nghỉ và em ông, Chủ tịch Raul Castro, cũng tuyên bố sẽ về hưu năm 2018, mở đường cho một thế hệ lãnh đạo Cuba mới mẻ.
Như vậy, quả là những nhà lãnh đạo quá tuổi thượng thọ của Cuba đã 'giã từ vũ khí' vì một tương lai cho quốc gia.
Cuba thậm chí có nhiều cơ hội trở thành giàu có và an toàn, thịnh vượng và dân chủ hóa hơn nhanh nhiều so với Việt Nam.
Dân không đông (11 triệu), đa số trẻ và có đông trí thức gốc Âu, học cao, văn hóa gắn chặt với EU, Bắc Mỹ, họ còn có viễn cảnh nhận nhiều đầu tư (riêng bang Texas dự tính sẽ đổ vào Cuba hàng tỷ USD), nên tôi tin Cuba sẽ cất cánh.
Một khi đã bình thường hóa với Hoa Kỳ, Cuba cũng không phải lo về an ninh nữa vì vùng biển Caribean đã và đang không có tranh chấp, căng thẳng gì.
Cuba vừa mời Total của Pháp vào khai thác dầu khí trong vùng biển của mình và được cả thế giới hoan nghênh.
Cùng lúc, tình hình của Việt Nam lại không được như vậy.
Nhìn từ bên trong, Việt Nam chịu sức ép dân số với trình độ tay nghề rất kém, và hệ thống giáo dục, y tế đầy vấn đề.
Bác sỹ Cuba đi sang nhiều nước chữa bệnh còn Việt Nam chưa đủ trình độ tiếng Anh cho y tá, hộ lý giành thị phần dịch vụ bệnh viện ở châu Âu mà Philippines đang chiếm lĩnh.
null
Năm 2016 ông Obama hết nhiệm kỳ nhưng ông Castro cũng hứa sẽ nghỉ vào năm 2018
Đất không rộng nhưng địa hình phức tạp và cơ sở hạ tầng vốn đang được xây dựng ồ ạt lại hay hỏng hóc, đổ vỡ vì thiếu tư duy khoa học và quản lý tệ.
Bộ máy ở Việt Nam quá đông quan, đa số vẫn bám vào tư duy cũ, có thể vì ngoại ngữ còn yếu nên việc hiểu biết quốc tế không thể bằng quan chức Cuba luôn thành thạo hai ngôn ngữ quốc tế là Tây Ban Nha và Anh.
Động lực của cải cách ở̉ Việt Nam đã hết đà, chưa thấy một 'cú hích' mới trong lúc lại phải bỏ hàng tỷ USD ra tăng cường quân bị, mua tàu ngầm, nhập phi cơ, thuyền tuần tra biển vì áp lực an ninh khu vực.
Về môi trường xung quanh, khác với Cuba luôn được cả châu Mỹ La tinh mến mộ, Việt Nam tuy là thành viên của ASEAN nhưng khối này đang chia rẽ và Campuchia, Thái Lan, Myanmar đang ngày một mặn mà với Bắc Kinh chứ không phải với Hà Nội.
Trở lại câu chuyện ban đầu về những người Việt Nam yêu mến Cuba.
Có người từng lo 'Cuba mất chủ nghĩa xã hội' và thế là Việt Nam không còn 'người bạn cùng canh thức'.
@bbc
Đây là một tình cảm đáng quý của một thời, nhưng thực tế những năm tới thì chắc cần có thêm các bạn Cuba lo lắng cho Việt Nam hơn là ta lo cho họ.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Hoàn Cầu thừa nhận TQ không dám "vuốt râu hùm" ở Biển Đông

Hoàn Cầu thừa nhận TQ không dám "vuốt râu hùm" ở Biển Đông


Học giả Mỹ cho rằng các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi lấp trái phép ở Biển Đông "không thể vận hành dài hạn trong chiến tranh và không tạo thành nguy cơ đối với Washington".

Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) cho hay, truyền thông Mỹ gần đây cáo buộc hành vi xây đảo nhân tạo phi pháp của Bắc Kinh ở Biển Đông "là mối đe dọa an ninh khu vực".
Thậm chí, Lầu Năm Góc tuyên bố động thái của Trung Quốc đã tạo thành sự uy hiếp đối với hoạt động của Hải quân Mỹ ở khu vực châu Á-Thái BÌnh Dương.
Trang Defense News của Mỹ hôm 28/6 cho hay, trên thực tế nhiều chuyên gia người Mỹ cũng không đồng tình với quan điểm trên.
Các học giả cho rằng Mỹ "quá lo ngại" về mối đe dọa quân sự mà Trung Quốc có thể gây ra ở các đảo đá bị Bắc Kinh chiếm cứ trái phép.
Hoàn Cầu dẫn lời chuyên gia quốc phòng Ian Easton thuộc Sở nghiên cứu Kế hoạch 2049 (Mỹ) cho biết: "Quân đội Trung Quốc xem việc quân sự hóa các trên các đảo đá nhân tạo là hành động xây dựng 'biên giới phòng thủ với bên ngoài'.
"Nếu xảy ra khủng hoảng ở Biển Đông, Washington rất có khả năng bố trí 2 nhóm tàu sân bay tới Philippines với mục đích tăng cường 'thế trận' phòng thủ ở khu vực này.
Kể từ sự kiện 11/9, Mỹ luôn duy trì ít nhất 1 nhóm tàu sân bay tại Vinh Ả Rập hoặc Ấn Độ Dương. Khi châu Á-Thái Bình Dương phát sinh các vấn đề, tàu Mỹ buộc phải đi qua Biển Đông mới tới được vùng xung đột." - Easton nhận xét.
Chuyên gia quốc phòng ĐH Chiến tranh Hải quân Mỹ (U.S. Naval War College)  Andrew Erickson nhận định: "Nhiều khả năng Trung Quốc sẽ lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông.
Động thái này là một phần của chiến lược 'chống xâm nhập-cách ly khu vực' của Bắc Kinh tại vùng biển mà nước này tuyên bố chủ quyền một cách phi pháp."
Theo ông Erickson, Bắc Kinh có thể sẽ nâng độ dài đường băng mà họ xây phi pháp trên Đá Chữ Thập của Việt Nam từ 1300m lên 3110m nhằm phục vụ máy bay chiến đâu J-11.
"Đá Chữ Thập, Đá Xu Bi (thuộc chủ quyền của Việt Nam-PV) trong tương lai đều có thể bị Trung Quốc biến thành căn cứ máy bay.
Với các cơ sở hạ tầng như sân bay, tháp kiểm soát hay radar... Đá Chữ Thập có lẽ sẽ đóng vai trò như 1 trung tâm." - học giả Erickson vạch trần mưu đồ của Trung Quốc.
TRUNG TƯỚNG HẢI QUÂN LỤC CHIẾN MỸ
WALLACE “CHIP” GREGSON
Các cơ sở và thiết bị nói trên, không cần phải nghi ngờ gì, chính là để phục vụ mưu đồ bao phủ radar, tín hiệu tình báo và hàng không ở Biển Đông của Trung Quốc.
"Đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc chẳng uy hiếp gì được Mỹ"
Học giả Easton cũng cho rằng, thông qua các đảo nhân tạo quy mô lớn, Trung Quốc sẽ thiết lập nên mạng lưới tình báo nguy hiểm và đáng lo ngại.
Các cơ sở hạ tầng cũng cho phép máy bay trên tiền đồn trái phép của Trung Quốc tiến hành tấn công, hoặc tiếp tế cho tàu ngầm.
Tuy nhiên, cả Easton và Erickson nhất trí rằng, các đảo nhân tạo trái phép của Bắc Kinh "không thể vận hành dài hạn nếu Trung Quốc xảy ra chiến tranh với Mỹ".
Theo 2 ông, nếu Trung Quốc "dám" có động thái tăng cường quân sự hóa cơ sở hạ tầng trên các đảo nhân tạo, thì các tiền đồn này sẽ ngay lập tức trở thành mục tiêu tấn công của quân đội Mỹ.
"Sự trỗi dậy của Trung Quốc khiến Mỹ lo ngại, song thực chất Bắc Kinh hoàn toàn không đủ khả năng để thay thế Mỹ hoặc 'đuổi' Mỹ ra khỏi châu Á-Thái Bình Dương.
Vì vậy, ý định quân sự hóa các đảo nhân tạo trái phép chỉ là vô nghĩa và chẳng thể thay đổi được cục diện chiến lược là Trung Quốc vẫn bị cộng đồng quốc tế phản đối, cô lập bởi những hành vi ngang ngược, phi pháp của họ."
Chính Thời báo Hoàn Cầu phải thừa nhận, Trung Quốc không cho rằng sức mạnh quân sự của Mỹ đang đi xuống để Bắc Kinh có thể dễ dàng "vuốt râu hùm".


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thì..Hoan hô các cụ cầm đèn chạy trước ô tô điên:

Ví dụ về một diễn văn đáp từ

White House. Ảnh: HM
White House. Ảnh: HM
HM Blog. Theo gợi ý của bác Thanh Tâm, các còm sỹ thử tưởng tượng muốn nghe TBT Nguyễn Phú Trọng đáp từ TT Barack Obama ra sao. Tôi là người dân bình thường, nếu được nghe đoạn sau cũng vui lắm. Bài viết mang tính gợi mở cho blog, không có ý gì khác.

Thưa ngài TT Barack Obama và phu nhân Michelle Obama
Thưa các quí vị có mặt trong phòng
Xin cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu mà các Ngài đã dành cho tôi và phái đoàn Việt Nam tới thăm Hoa Kỳ.
Cách đây 15 năm trong chuyến thăm Hà Nội, ngài TT Bill Clinton có nói, lịch sử mà hai quốc gia để lại rất đau buồn và nặng nề, chúng ta không được quên, nhưng không được để nó chi phối chúng ta. Tôi rất đồng ý, quá khứ chỉ là cái đến trước tương lai, quá khứ không phải là cái quyết định tương lai, như ngài Clinton đã nhấn mạnh.
Cách đây 7 năm (2008) trong chiến dịch tranh cử TT Hoa Kỳ, chình ngài đã nói “The Change We Need – Chúng ta cần thay đổi” và điều đó đã làm cử tri Hoa Kỳ đưa ngài, một tổng thống da màu vào Nhà Trắng. Điều đó nói lên mọi việc đều có thể nếu chúng ta có quyết tâm thay đổi.
Giữ quá khứ làm bài học, hướng tới tương lai và The Change We Need, bỏ qua sự khác biệt, vì cái chung của hai quốc gia, đã giúp chúng ta gặp mặt hôm nay tại Nhà Trắng này. Xin cảm ơn ngài, các quí vị trong phòng và nhân dân Mỹ vì điều đó.
Lịch sử quan hệ hai nước có từ cách đây 200 năm kể từ khi nhà lập quốc Hoa Kỳ và người khai sinh ra bản Tuyên ngôn Độc lập Mỹ, ngài Thomas Jefferson, đã tìm cách mua giống lúa từ Việt Nam để mang về trang trại của mình ở Charlottesville và sau đó năm 1945, ông Hồ Chí Minh đã trích lời của Jefferson khi khai sinh ra nước VNDCCH vào ngày 2-9-1945 tại quảng trường Ba Đình “Mọi người sinh ra đều bình đẳng. Tạo hoá đã cho chúng ta những quyền chắc chắn không thể xâm phạm được; đó là quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.”
Nhưng hạt lúa giống ấy, kể cả lời của Jefferson và của Hồ Chí Minh chưa đơm hoa kết trái sau hơn 200 năm lịch sử giữa hai quốc gia. TT Bill Clinton, TT George Bush từng thăm Việt Nam và nói về trang sử mới nhưng lịch sử vẫn chưa sang trang như mong ước của cả hai bên dù chúng ta đã cố gắng rất nhiều sau 20 năm quan hệ Việt Mỹ chính thức được nối lại, hàng núi việc đã hoàn thành.
Tôi hy vọng với chuyến thăm này, hạt lúa Việt Nam sẽ nảy mầm xanh tươi, vun xới cho tình bằng hữu giữa hai dân tộc và người dân hai nước được hưởng lợi từ điều đó. TPP, trao đổi thương mại, hợp tác quân sự, an ninh khu vực, tạo thêm công ăn việc làm và nhiều vấn đề khác là những quyền lợi quốc gia của chúng ta.
Tôi không phải là người Việt đầu tiên đặt chân lên đất nước tự do của các ngài và chắc chắn không phải người cuối cùng. Trước tôi đã có những di dân đầu tiên mang họ Nguyễn vào New York trên những chuyến tầu cách đây vài thế kỷ, sau đó lịch sử đau đớn giữa hai quốc gia cũng làm cho hàng triệu người Việt tìm quê hương mới trên nước Mỹ. Và gần đây là hơn 22 ngàn sinh viên Việt Nam đang du học tại Hoa Kỳ.
Mối bang giao tiếp tục tốt đẹp sẽ còn nhiều người Việt tìm đến nước Mỹ và mang những giá trị văn minh về xây dựng đất nước Việt Nam. Và tôi tin, người Mỹ cũng đang làm điều tương tự. Những trao đổi đó giúp hai dân tộc hiểu về nhau hơn là đọc những trang lịch sử đầy máu và nước mắt trong thư viện, hiệu sách hay trên History Channel.
Hiểu nhau hơn sẽ giúp nhau hiệu quả hơn, đó là win win như các vị thường nói về đồng minh hữu hảo, làm sao giữ được truyền thống khi hội nhập, hòa nhập nhưng không hòa tan, mỗi quốc gia đóng góp cho tiến trình toàn cầu hóa nhưng vẫn giữ giá trị riêng của mình.
Nước Mỹ có giá trị Mỹ, nước Việt cũng có giá trị của mình. Sự tôn trọng độc lập của nhau là chìa khóa để tiến tới đồng minh thân cận.
Một quốc gia sinh ra từ nền văn minh lúa nước coi hạt lúa là thiêng liêng, là nguồn sống, là văn hóa của dân tộc. Tôi hy vọng, hạt lúa mà TT Jefferson mang về trang trại trên đồi Montecillo (Charlottesville – Virginia) cách đây 2 thế kỷ sẽ nẩy mầm tốt tươi kể từ ngày hôm nay, đánh dấu sự thay đổi tại Nhà Trắng này.
Cảm ơn các quí vị đã lắng nghe.
Viết đến đây thì tịt, các cụ viết tiếp… Dưng mà đề nghị các cụ hoan hô :)
TBT Cua Times.

Phần nhận xét hiển thị trên trang