Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 1 tháng 7, 2015

Sự im lặng khó hiểu của dư luận?


Biển Đông lại dậy sóng?

Nguyễn Bảo Châu Gửi cho BBC từ Đại học East Anglia, Anh quốc
Giàn khoan 981 đang hoạt động ở Biển Đông
Trong một động thái mới, Trung Quốc vừa đưa giàn khoan 981 trở lại Biển Đông vào ngày 24 tháng 6 năm 2015.
Điều này thể hiện sự không nhất quán giữa luận điệu với thực tiễn chính sách Biển Đông của nước này. Cùng với việc bồi đắp đảo nhân tạo, hành động của Trung Quốc minh họa cho hình thức ngoại giao ép buộc tại Biển Đông. Một lần nữa, tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc được khẳng định tại vùng biển chiến lược này. Tuy nhiên, động thái này khó có thể leo thang thành xung đột khu vực.
Biển Đông lại dậy sóng?
Trung Quốc đã đưa Giàn khoan Hải Dương 981 trở lại Biển Đông, tại vùng biển tranh chấp với Việt Nam. Hành động lần này lặp lại sự kiện cách đây một năm, bên cạnh đó trùng với dịp Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng chuẩn bị có chuyến thăm Mỹ vào tuần tới. Cơ quan chức trách về Hàng hải của Trung Quốc thông báo về việc đặt lại giàn khoan gần với thời điểm Trung Quốc tuyên bố hoàn tất sơ bộ hoạt động cải tạo bổi đắp đảo nhân tạo tại biển Đông. Theo các báo cáo, vị trí hiện tại của giàn khoan là 17°03'75’' vĩ Bắc và 109°59’05’’ kinh Đông.
Tranh chấp tại Biển Đông xoay quanh tranh chấp chủ quyền tại một lọat đảo nhỏ và đá ngầm giữa sáu quốc gia và lãnh thổ: Việt Nam, Trung Quốc, Malaysia, Bruinei, Philippines và Đài Loan. Các hòn đảo tranh chấp tại quần đảo Trường Sa trải dài trên vùng biển có diện tích gần bằng Iraq. Đây cũng là một trong những tuyến đường giao thông biển huyết mạch nhôn nhịp nhất trên thế giới. Ngoài ra, trữ lượng dầu khí tiềm năng và tài nguyên sinh vật biển phong phú đa dạng cũng làm cho tranh chấp này thêm phức tạp.
Trung Quốc muốn khẳng định lại tham vọng trở thành một cường quốc hàng hải toàn cầu, bắt đầu từ việc thực thi chủ quyền và dành thế áp đảo chiến lược tại vùng biển được cho là ‘ao nhà’ của Trung Quốc.
Mặc dù ví trí đặt giàn khoan lần này không gần lãnh thổ Việt Nam như năm ngoái, song mục đích của Trung Quốc khá rõ ràng. Trung Quốc muốn khẳng định lại tham vọng trở thành một cường quốc hàng hải toàn cầu, bắt đầu từ việc thực thi chủ quyền và dành thế áp đảo chiến lược tại vùng biển được cho là ‘ao nhà’ của Trung Quốc. Ngoài ra, việc kiểm soát biển Đông còn hỗ trợ khả năng đáp trả hạt nhân lần hai nếu giả sử có tấn công hạt nhân từ Mỹ. Bởi vì vùng biển này gần với đảo Hải Nam là nơi có các tàu ngầm có trang bị đâu đạn hạt nhân của Trung Quốc (theo ông Howard French, Tờ Chính sách đối ngoại, 05/06/2015).
Tuy nhiên, phía Việt Nam sẽ không có phản ứng thái quá vì họ hiểu đây là hành động khiêu khích và khuyếch trương sức mạnh của Trung Quốc. Việt Nam vẫn tiếp tục theo đuổi phương thức tiếp cận thận trọng giữa việc cân bằng và cam kết với các quốc gia liên quan trong khu vực.
Tiền hậu bất nhất
Shannon Tiezzi của Tờ Nhà Ngoại giao ngày 23/01/15 nhìn nhận động thái rút giàn khoan năm ngoái của Trung Quốc không phải là nhương bộ theo yêu cầu của Việt Nam. Tuy nhiên có thể nhận thấy thay đổi và điều chỉnh trong luận điệu của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Một mặt Trung Quốc vẫn giữ vững lập trường chủ quyền “không thể tranh chấp” tại khu vực đường 9 đoạn (hiện đã được in chính thức trên tất cả hộ chiếu mới cấp của Trung Quốc). Mặt khác, Trung Quốc muốn cải thiện hình ảnh tại khu vực như một cường quốc “có trách nhiệm” đang thực thi viêc “duy trì sự ổn định”. Trung Quốc khẳng định việc bồi đắp đảo là quyền và trách nhiệm, không hề phục vụ mục đích tấn công quân sự. Ngoài ra Trung Quốc nhấn mạnh vào việc cung cấp đền hải đăng, mạng viễn thông không dây, cứu hộ cứu nạn cũng như nghiên cứu khoa học hàng hải.
Luận điệu trên là do Trung Quốc đã thấm thía bài học từ Mỹ tại Iraq hay Afghanistan, rằng xung đột vũ trang là một cuộc phiêu lưu đắt đỏ. Mặt khác, Trung Quốc cũng đang đối mặt với hàng loạt các vấn đề trong nước như tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm và thấp nhất trong vòng 20 năm trở lại cũng như hệ lụy của cuộc chiến với tham nhũng.
null
Trung Quốc đang gây lo ngại vì hoạt động bồi đắp nhân tạo trên biển
Mặc dù vậy, luận điệu của Trung Quốc khác hẳn với những gì diễn ra trên thực tế. Ảnh vệ tinh với độ phân giải cao cho thấy tốc độ và cường độ chóng mặt của việc bồi đắp đảo nhân tạo của Trung Quốc. Từ tháng 1 năm 2014 đến tháng 1 năm 2015, Trung Quốc đã bồi đắp thêm 500 hecta đất tại khu vực này. Đến tháng 6 năm 2015, tổng diện tích Trung Quốc bồi đắp là 2000 hecta, nhiều hơn tổng cộng diện tích của tất cả các nước còn lại.
Theo nhà nghiên cứu Carl Thayer trên tờ Nhà Ngoại giao ngày 21/6/2015, hành động của Trung Quốc không thể được gọi là “tự kiềm chế” như tinh thần Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC). Việc bồi đắp đảo có thể là nền tảng cho việc mở rộng hiện đại hóa quân sự sau này. Điều này càng rõ ràng khi Trung Quốc liên tục xua đuổi tàu thuyền của Philipine và chiến hạm của Mỹ cũng như phá huỷ các cọc thép đánh dấu lãnh thổ của Malaysia.
Hành động bồi đắp đảo tại Biển Đông của Trung Quốc thực ra không phải là chưa có tiền lệ. Tuy nhiên, hành động của Trung Quốc có thể sẽ “gậy ông đập lưng ông” vì nó tổn hại đến những mục tiêu chính sách đối ngoại xa hơn, đơn cử như Sáng kiến Một Vành Đai Một Con Đường (OBOR). Đây là dự án lớn tầm quốc gia của Trung Quốc nhằm hợp tác kinh tế và xây dựng cơ sở hạ tầng với các nước Á Âu trong đó các quốc gia ASEAN là đối tác quan trọng. Việc gia tăng cẳng thẳng tại khu vực biển Đông sẽ chỉ khiến khối ASEAN đoàn kết lại với sự đồng thuận tuy còn hạn chế nhưng cũng đủ để gây khó khăn cho Trung Quốc.
Ngoài ra, về mặt địa chính trị, Trung Quốc vẫn đang bị bao quanh bởi một hệ thống các căn cứu quân sự song phương của Mỹ tại Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore và gần nhất là Úc. Khi nhiệm kỳ Tổng Thống Obama sắp hết hạn, có nhiều tín hiệu Mỹ sẽ củng cố chính sách “xoay trục Châu Á” trong đó bao gồm gìn giữ an ninh khu vực và đảm bảo tự do hàng hải.
Lời kết
Như vậy, việc giữ nguyên trạng tại Biển Đông sẽ có lợi cho Trung Quốc hơn là gia tăng căng thẳng. Quan trọng hơn, Trung Quốc chưa đủ tiềm lực cũng như mong muốn thách thức vị trí lãnh đạo của Mỹ trong thế cờ quân sự hàng hải. Ít nhất là thời điểm hiện tại do chi phí cơ hội và rủi ro là quá lớn. Trung Quốc cần hoạch định được chính sách ngoại giao thực tế và nhạy bén hơn nếu muốn trở thành siêu cường toàn cầu mới.
Nói cho cùng, vấn đề tranh chấp ở Biển Đông vẫn dừng lại ở bài toán hóc búa là quốc gia nào sẽ đứng ra gìn giữ trạng thái nguyên trạng. Mọi thương lượng sẽ bế tắc nếu các bên liên quan vẫn giữ lập trường “được ăn cả, ngã về không”. Tất cả sẽ phụ thuộc vào thiện chí của các nước láng giềng tại vùng biển sóng gió này.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

..cái giá của sự bàng quan của người dân chính là mức độ tham nhũng ở mọi cấp độ

Đằng sau sự ngộ nhận lớn và tai hại về Hy Lạp

Greece_2296452b
Nguồn: John Humphrys, “Let me slay the big fat Greek myth”, Sunday London Times, 28/06/2015.
Biên dịch: Nguyễn Đắc Thành
Với lề thói tiêu pha và mức lương hưu trí điên rồ, người dân Hy Lạp đã tự mang đến cuộc khủng hoảng này, đúng không? Không phải. John Humphrys đưa ra những lập luận khách quan bảo vệ một dân tộc mà ông yêu mến và cho rằng họ đã bị phản bội.
Khi tôi còn là một thanh niên trẻ những năm 1950, mỗi sáng Thứ Hai một kịch bản giống hệt nhau đã diễn ra ở các hộ dân lao động như nhà tôi trên khắp quốc đảo này (nước Anh). Khi cha tôi rời khỏi nhà, mẹ tôi lôi nồi nấu nước từ dưới gầm bồn rửa, đổ đầy nước vào và bắt đầu công việc giặt dũ. Một tiếng sau, quần áo được bỏ ra và rũ hoặc bằng tay hoặc bằng máy quay. Sau đó, nếu thời tiết cho phép, quần áo được phơi ra ngoài trời, hoặc được giăng quanh nhà đợi đến khi trời dừng mưa. Một công việc nhà nặng nhọc mà tất cả các bà mẹ đều phải vật lộn cùng với nhiều việc nội trợ khác.
Bạn có thể hỏi điều này thì liên quan gì đến Hy lạp? Thực ra thì rất nhiều trong bối cảnh Hy Lạp hiện nay.
Cha mẹ tôi và hàng triệu bậc cha mẹ khác đều đã có thể mua một chiếc máy giặt – một trong nhiều đồ gia dụng thay thế sức người đã giải phóng phụ nữ khỏi những công việc nặng nhọc thường làm cho cuộc sống của họ buồn chán, khổ sở.
Họ nghèo, nhưng khi đó dịch vụ thuê mua đã xuất hiện. Máy giặt, máy hút bụi hay tủ lạnh đã có thể là điều không tưởng đối với nhiều hộ gia đình. Thay vào đó những người như cha, mẹ tôi đã đợi cho đến khi họ tiết kiệm đủ tiền. Mặc dù điều này có thể mất nhiều năm.
Không thể tin được? Tất nhiên là ở một chừng mực nào đó. Mẹ tôi là một phụ nữ thông minh nhưng chưa từng đọc một cuốn sách nào đơn giản là vì bà đã quá bận với năm người con và tất cả các công việc nội trợ. Nhưng những năm sau, khi tôi hỏi bà tại sao lại lãng phí quá nhiều cuộc đời mình cho những công việc không cần thiết ấy, bà không một lời phàn nàn.
“Mẹ đã được dạy bảo cần phải làm như vậy” bà nói. “Vay mượn là tội lỗi. Nếu không có tiền thì đừng mua, có thế thôi.” Cho đến khi mất bà vẫn coi thẻ tín dụng là sản phẩm của quỷ Sa-tăng, và không chỉ có mình bà.
Hãy xem Hy Lạp vào những năm chuyển giao thế kỷ. Một đất nước trên nhiều phương diện cũng giống như Anh vào những năm 1950. Mọi thứ đã xuống cấp. Họ không có khái niệm gì về chủ nghĩa tiêu dùng. Nếu bạn muốn lắp một chiếc điện thoại tại nhà bạn sẵn sàng chờ nhiều tháng. Và thẻ tín dụng không hề được nhắc đến. Thế hệ lớn tuổi không có cảnh nợ nần chồng chất.
Tất cả đã thay đổi kể từ nửa đêm 31/12/1998. Đồng Euro ra đời và Hy Lạp sau đó đã trở thành một phần của khu vực đồng tiền chung. Mọi sự xuống cấp đã biến mất. Giống như kéo một chiếc xe cũ nát lên đỉnh đồi cao, lắp vào một động cơ siêu tốc và lướt xuống đồi với tốc độ mà Jeremy Clarkson (đạo diễn Chương trình giải trí nổi tiếng Anh- Top Gear) cũng phải ghen tỵ. Và sau đó đã quá muộn để nhận ra rằng xe mất phanh.
Nước Anh đã phải mất một hoặc hai thế hệ để học hỏi cách sống với thế giới tín dụng mới. Người dân Hy Lạp đã cố gắng thích nghi với nó chỉ qua một đêm và dễ nhận thấy là họ đã thất bại.
Hiệu ứng tức thì và dễ thấy nhất của đồng Euro là giá cả tăng vọt. Tôi đã thường xuyên đến Hy Lạp kể từ khi con đầu của tôi chuyển tới Thủ đô Athens vào năm 1992. Những bữa ăn tối kèm đồ uống của chúng tôi bỗng nhiên đắt lên gấp đôi.
Điều đó có thể dự đoán được, và đó cũng không hẳn là cuộc khủng hoảng sống còn. Ở một tầm mức khác là những gì mà Chính phủ Hy Lạp đã làm. Cả thế giới giờ đã biết Chính phủ Hy Lạp vay mượn và chi tiêu ở một mức không thể hình dung nổi.
Xin hãy nhất trí với nhau ở một điểm. Điều đã xảy ra tại Hy Lạp không phải lỗi của người dân nước này: lỗi chính là của các nhà chính trị. Và lỗi của những kẻ giàu có (oligarchs). Người dân Hy Lạp tin rằng khó có thể tách bạch hai tầng lớp này và họ coi thường hai tầng lớp này như nhau. Không khó để có thể nhận thấy tại sao.
Những kẻ rất giàu đã có thể làm giàu hơn nữa ít nhất vì hai lý do. Thứ nhất, họ trốn thuế và các chính trị gia đã không trừng phạt họ. Thứ hai, rất nhiều tập đoàn kinh doanh đã “hớt váng” lợi nhuận từ những hợp đồng mà các chính trị gia ban phát cho họ, những hợp đồng được phát không khác gì việc người ta phát tờ rơi quảng cáo ở bên ngoài các bến ga tàu điện ngầm. Điểm khác là các chính trị gia trông chờ có lại quả.
Người dân Hy Lạp đều biết có ít nhất một bộ trưởng nội các chính phủ đã mua biệt thự sang trọng chỉ năm phút sau khi nhậm chức. Và dân thường Hy Lạp cũng tận mắt nhìn thấy các du thuyền sang trọng đậu ở các bến cảng và những nhà hàng được xếp hạng sao bởi hãng Michelin mà phải đợi hàng ba tháng mới có thể đặt được bàn.
Thực tế, các quán cà phê bình dân cũng đầy khách. Nhưng nếu bạn chịu khó quan sát kỹ hơn, bạn sẽ thấy rất ít khách hàng dùng bữa ở đó. Thay vào đó, họ ngồi uống cà phê, giúp họ có thể ngồi hàng giờ ở đó. Thỉnh thoảng một cặp vợ chồng cùng uống chung một cốc. Thậm chí những chủ quán cà phê khốn khó này cũng phải giảm giá hơn một nửa.
Điều này có vẻ bất tiện nhưng việc gặp gỡ bạn bè ở quán cà phê là một phần quan trọng trong lối sống truyền thống Hy Lạp vốn đang bị xé vụn ra. Trên tất cả, có hai thứ gắn kết xã hội Hy Lạp trong hàng thế kỷ qua. Hiển nhiên gia đình là yếu tố thứ nhất. Yếu tố thứ hai là tình bằng hữu đi suốt cuộc đời, điều được gọi là “parea” (nhóm bạn thân thiết).
Hầu hết người dân Hy Lạp đều có parea của riêng mình: nhóm nhỏ các bạn hữu, khoảng 12 người hoặc nhiều hơn, mà họ có thể gặp gỡ ở trường phổ thông, đại học hay trong công việc đầu tiên. Họ giao lưu xã hội thành nhóm. Nếu một thanh niên Hy Lạp vào quán bar ở Athens, nhân viên quán rất có thể hỏi họ thuộc đám khách “parea” nào. Và sẽ rất ngạc nhiên nếu họ đi một mình. Nhóm bạn thân thiết rất quan trọng.
Bạn của con trai tôi lại là một ngoại lệ hiếm thấy. Một thanh niên Hy Lạp khá thành đạt rất nỗ lực để giữ được công ăn việc làm. Điều mà anh ta đang mất đi là bạn bè thân thiết (parea). Anh ta là người duy nhất trong nhóm còn có việc làm và do đó, là người duy nhất đủ khả năng trả tiền cho các cuộc chơi tối. Nhưng các bạn của anh ta vì sỹ diện không cho phép anh ta trả tiền. Do đó, anh ta tự nhiên trở nên bị cô lập với bạn bè của mình.
Sao họ lại không gặp gỡ nhau ở nhà của một ai đó? Bởi vì các thanh niên này đều sống cùng với bố mẹ của mình. Cơ hội để cho họ mua một căn hộ khiêm tốn nhất cũng là số không. Và những ai đã từng thuê căn hộ ở cũng không còn đủ khả năng chi trả. Họ cũng không đủ tiền để lập gia đình và ra ở riêng.
Natasha 27 tuổi nói với tôi: “Nếu chúng tôi muốn quan hệ tình cảm, chúng tôi thuê phòng khách sạn một hoặc hai giờ, hoặc là trong xe ô-tô. Một số bạn bè tôi thậm chí không đủ tiền mua bao cao su và các bệnh lây qua đường tình dục đang tăng lên.”
Tôi không cần kiểm tra các con số thống kê để biết điều gì đang xảy ra đối với hôn nhân gia đình. Mười năm trước, Christopher và tôi dựng một căn nhà ở vịnh Peloponnese để hưởng không khí tuyệt vời trừ những tối Thứ Bảy và Chủ Nhật từ tháng Năm đến tháng Mười. Những cặp vợ chồng mới cưới trong quận tổ chức bữa tiệc cưới tối ở đó. Và tiếng đàn Bouzouki vang vọng trên bãi biển. Thật lý tưởng cho tổ chức tiệc nhưng quá ồn cho nghỉ ngơi. Bây giờ cả khu vực lặng im.
Còn những ai lập gia đình thì lo sợ có con cái. Một người bạn kể với tôi rằng cô gái cô quen vất vả ngược xuôi để có con, cuối cùng, sau khi chữa trị rất tốn kém cũng có mang. Khi bác sỹ thông báo điều đó, cô đề nghị ông nạo thai đi. Ông bác sỹ kinh ngạc nhưng cô và chồng cô vừa mất việc và không đủ tiền nuôi con.
Còn đây là điều mà nhiều người Hy Lạp tôi trò chuyện cùng cảm thấy đau lòng: thông tin rằng chúng ta, những người ở các nước giàu có hơn ở châu Âu, đổ lỗi cho người dân Hy Lạp về những điều đang diễn ra. Chính họ đã mang đến những điều đó? Và họ đáng nhận những điều tồi tệ đó, phải không?
Thực tế là không. Họ không làm và không đáng nhận.
Họ chẳng phải là một lũ lười biếng sao? Làm vài năm, đến 50 tuổi nghỉ hưu với lương hưu khủng và hy vọng rằng chúng ta sẽ thanh toán hóa đơn. Không. Không. Không.
Hãy xem những nam thanh và nữ tú không làm việc. Khoảng 60% người dân Hy Lạp dưới 25 tuổi không có việc làm và không thể kiếm được việc làm. Chính sách khắc khổ áp đặt lên đất nước này đúng lúc họ rời trường phổ thông hay tốt nghiệp đại học hay hết hạn nghĩa vụ quân sự. Như vậy thật khó để hình dung làm sao họ có thể chịu trách nhiệm về sự sụp đổ của nền kinh tế.
Không phải họ, chắc là cha mẹ họ đã gây ra? Đúng là cuộc sống của cha mẹ họ dễ thở hơn và lương hưu thì quá đỗi hào phóng cho những ai đã làm việc trong khu vực công dư thừa biên chế.
Con trai tôi có một cô bạn trạc 30 tuổi khi họ quen biết nhau. Không như các bạn khác ở tuổi đó, cô ta vẫn chưa lập gia đình mặc dù rất muốn. Điều đã cản trở cô ấy là cô sẽ mất phần “lương hưu”, một cách chính xác hơn, phần lương hưu của bố cô. Nếu ông chết, cô sẽ được hưởng lương hưu đó vì là người phụ thuộc chưa có gia đình. Lạ nhưng không phải là hiếm.
Đúng là nhiều người lao động Hy Lạp có thể nhận tiền lương hưu từ 50 tuổi nhưng lương của họ khá khiêm tốn. Và tôi cũng tự hỏi có bao nhiêu người dân Anh có thể từ chối việc lĩnh lương hưu sớm nếu như chính phủ Anh cũng hào phóng mời chào họ.
Sự thực là hai đảng phái chính trị nắm giữ quyền lực, kể từ sự sụp đổ của Chính quyền quân sự năm 1974 cho đến khi cuộc khủng hoảng này nhấn chìm họ, đã mua chuộc dân chúng và ”cố đấm ăn xôi” như những con bạc khát nước. Và đúng là người dân Hy Lạp đã nhận những gì họ được mời chào mà không cần hỏi. Điều này cũng không có gì là lạ trong lịch sử Hy Lạp.
Có thể dễ dàng quên rằng Hy Lạp đã để lại di sản quý báu về dân chủ cho Phương Tây hàng nghìn năm trước nhưng trong lịch sử cận đại người dân Hy Lạp chỉ được hưởng những thành quả của dân chủ trong một thời gian ngắn ngủi.
Đất nước này đã niếm trải đủ loại địa ngục trong ký ức mới đây thôi. Sự thống trị bạo tàn không thể tả xiết của Phát xít. Cuộc nội chiến xé vỡ toang đất nước này. Một chính quyền quân sự độc tài dã man. Có gì là lạ khi mà người dân đã trải qua, hoặc cha mẹ của họ đã chịu những điều tồi tệ nhất, lại vui vẻ chấp nhận những gì Nhà nước chào mời mà không lời thắc mắc.
Nhưng cái giá của sự bàng quan của người dân chính là mức độ tham nhũng ở mọi cấp độ. Khi ở Hy Lạp vài tháng trước, tôi có gặp một cặp vợ chồng dễ mến, Vangelis và Mika Geroyianni, dã từng sở hữu một công ty đại lý ô-tô. Họ thường xuyên được các vị viên chức thuế hỏi thăm, giống như hầu hết các doanh nghiệp tư nhân thành công khác (tất nhiên là trừ các đại gia). Các đại gia này chung chi ở đẳng cấp khác.
Vangelis bảo tôi từ khi nổ ra khủng hoảng tài chính, các viên chức thuế cũng không viếng thăm nữa. Tôi hỏi tại sao lại vậy. Câu trả lời là kinh doanh của anh ta bên bờ vực sụp đổ và không còn kiếm được tiền nữa. Vậy là cán bộ thuế chả có lý do gì để đến. Như lời của anh, “nắm kẻ có tóc, ai nắm kẻ trọc đầu.”
Những ngày xưa “tốt đẹp”, có ba loại cán bộ thuế: cán bộ cứng rắn, cán bộ mền và ông sếp. Chả có gì phải che đậy cả. Nếu đưa đủ, cơ sở của Geroyianni chả phải nghe gì thêm từ sở thuế. Không đưa đủ, họ có thể phải gặp rắc rối nghiêm trọng đối với kỳ kế toán tiếp theo. Rắc rối rất nghiêm trọng. Như kiểu ông sếp nói: quy định về thuế rất là phức tạp và có rất nhiều vùng xám.
“Thế cô phải đưa nộp phong bì đen với tiền mặt trong đó à?” Tôi hỏi Mika.
“Không”, cô trả lời, “không phải là phong bì… mà là một túi to. Không phải là vài trăm Euro mà vài nghìn.”
Khi tôi kể chuyện này với một bộ trưởng chính phủ về cuộc đối thoại trên, ông bộ trưởng chả buồn phủ nhận điều đó, chỉ lắc đầu buồn bã và nhận xét tham nhũng cũng xa xưa như chính Hy Lạp vậy. Bạn có thể làm gì đây?
Nhà Geroyianni vẫn cố trụ lại kinh doanh. Nhưng họ đã phải bán căn nhà tiện nghi của mình và chuyển tới một căn hộ. Họ sa thải hầu hết các nhân viên và thay vì một đại lý xe ô-tô khả giả trước đây thì giờ họ điều hành một cửa hiệu sửa chữa nhỏ. Nhưng giờ đây có một chính phủ mới và, khi tôi đang viết, không chỉ cơ sở kinh doanh nhỏ bé của họ, mà hàng nghìn hộ kinh doanh giống như thế đang gia nhập danh sách dài phá sản; cả đất nước này cũng phá sản.
Trong những năm tôi theo dõi viết bài về cuộc khủng hoảng này, có một thứ không thay đổi. Một tỷ lệ lớn người dân Hy Lạp quyết tâm ở lại trong khu vực đồng Euro. Quyết tâm đó dựa không chỉ trên nhân tố kinh tế thuần túy. Đó còn là lòng tự hào. Những tờ Euro trong ví của người dân Hy Lạp là minh chứng cho việc Hy Lạp đã để lại quá khứ rắc rối phía sau và cuối cùng đã từ thế giới Thứ Ba lên thế giới Thứ Nhất. Người dân Hy Lạp ở tuyến đầu cùng với các dân tộc châu Âu.
Các thăm dò ý kiến đều chỉ ra người dân Hy Lạp ngày càng quyết tâm giữ đồng Euro. Nhưng tôi nghi ngờ. Mỗi lần quay lại Hy Lạp, tôi lại cảm nhận sự thay đổi tâm trạng, ít nhất là giới trí thức trung lưu. Trước đây họ nói với tôi: “Chúng tôi không có lựa chọn nào nếu muốn phục hồi.” Giờ đây họ lại hỏi tôi: “Làm sao chúng tôi có thể phục hồi được nếu họ cứ bảo chúng tôi phải liên tục cắt ngân sách, liên tục đánh thuế và đánh thuế?”. Và cũng khó để trả lời câu hỏi này.
Điều đó thực sự khó khi mà một trong những điều kiện mà giới chủ nợ Hy Lạp yêu cầu là tăng thuế VAT. Nó sẽ hầu như ngay lập tức làm hạn chế du lịch nước ngoài đến Hy Lạp. Nếu có gì đó có thể cứu rỗi cho nền kinh tế Hy Lạp trong trung hạn, đó phải là du lịch.
Nhưng những khoản cắt giảm phúc lợi mới động chạm và gây bức xúc nhiều nhất, nhất là cắt giảm lương hưu. Những khoản hưu trí này đã từng mang lại một cuộc sống tuổi già khá yên ổn cho những người ông và người cha nay bị cắt giảm tới 40%. Điều đó có thể chịu đựng được. Nhưng giờ đây không chỉ cặp vợ chồng già dựa vào những khoản lương hưu bị cắt giảm đó nữa. Thông thường, cả con cái và cháu chắt của họ cũng dựa vào đó. Làm sao có thể bảo những con người này chấp nhận bị cắt cả những phần thu nhập ít ỏi vốn chẳng đủ để nuôi sống họ và con cháu họ?
Và vâng, người Hy Lạp đang đói. Trước đây, chỉ có những người (nước ngoài) nhập cư trẻ kiếm sống bằng cách nhặc rác trên đường phố ngoài khu căn hộ của con trai tôi. Giờ đây nhiều khả năng là cả những người dân Hy Lạp. Thỉnh thoảng có cả những người già. Có gì đó cay đắng không thể chịu đựng được khi nhìn một người trung niên đi lại khó nhọc trong bộ com-plê đẹp nhất với bộ ria trắng đang bới thùng rác. Hay một quý bà ở góc phố một tay che mặt , còn tay kia đang chìa ra xin ăn.
Làm sao có thể bảo những người như vậy rằng họ phải chịu đựng, hy sinh để trả lại đống nợ chồng chất đã được tạo ra bởi các nhà chính trị khi thực hiện tham vọng của mình hay các ngân hàng đầu tư đã bật đèn xanh cho việc gia nhập đồng Euro khi mà mọi chỉ số kinh tế đều đang báo động đỏ?
Bạn hãy trả lời tôi đi!
- See more at: http://nghiencuuquocte.net/2015/07/01/dang-sau-su-ngo-nhan-lon-va-tai-hai-ve-hy-lap/#sthash.3CXe0baP.6SWdslxC.dpuf

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Ba, 30 tháng 6, 2015

Hồ Sơ Mật - Bên trong trí não của Hitler Phần 1/2

Phần nhận xét hiển thị trên trang

27 năm trước, đã xảy ra những việc bắt đầu như thế này. Đây là ý đồ của ai? Chắc mọi người chưa quên và đã rõ!

Hình ảnh xô xát tại biên giới Long An - Svay Rieng

 
Thợ Cạo
Lù móa, chúng ăn rồi kiếm chiện quài dzậy ta. Lão mà làm biên phòng dụ chúng vào sâu lãnh thổ, để mặc trai làng đập cho nằm ngay đơ cán cuốc vài tên, lần sau chúng mới tởn!
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Liệu có tái diễn kịch bản cũ?

Việt Nam yêu cầu Campuchia xử lý thỏa đáng vụ gây rối ở biên giới


Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình, ngày 30/6, khẳng định Việt Nam phê phán mạnh mẽ hành động bạo lực do một số phần tử quá khích người Campuchia gây ra ở khu vực biên giới hai nước hôm 28/6.
Ngày 28/6 vừa qua, một nhóm khoảng 250 người Campuchia với sự tham gia của một số nghị sỹ đảng đối lập Campuchia, CNRP đã tiến sâu vào khu vực mốc 203 do Việt Nam quản lý thuộc địa bàn tỉnh Long An.
Trước hành động sai trái này, lực lượng chức năng Việt Nam và một số người dân địa phương đã ra ngăn chặn, giải thích nhưng bị một số phần tử quá khích người Campuchia tấn công, khiến 7 người Việt Nam bị thương. Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước sự việc này, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình khẳng định: “Chúng tôi phê phán mạnh mẽ hành động bạo lực do một số phần tử quá khích người Campuchia gây ra, vi phạm pháp luật của cả hai nước, các Hiệp ước, Hiệp định và thỏa thuận giữa Việt Nam và Campuchia, ảnh hưởng đến tiến trình phân giới cắm mốc cũng như quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Campuchia.

Việt Nam rất coi trọng quan hệ láng giềng hữu nghị hợp tác toàn diện với Campuchia, mong muốn phát triển đường biên giới Việt Nam-Campuchia hòa bình, hữu nghị."

Ông Lê Hải Bình nhấn mạnh: "Chúng tôi yêu cầu các cơ quan chức năng của Campuchia có biện pháp xử lý thỏa đáng vụ việc, không để những hành động tương tự tái diễn, bảo đảm cho công tác phân giới cắm mốc được tiến hành thuận lợi vì lợi ích chung của nhân dân hai nước”./._____________

Xô xát trên biên giới Việt-Campuchia 
BBC

Dân biểu Real Camerin (ngồi) nói ông bị dân Việt Nam đánh gây thương tích
Gần 20 người bị thương khi một nhóm vận động Campuchia ẩu đả với dân làng người Việt tại khu vực đường biên giữa hai nước.
Các nguồn tin nói vụ xô xát xảy ra hôm Chủ nhật 28/6 tại khu vực đường biên giữa tỉnh Long An của Việt Nam và tỉnh Svay Rieng của Campuchia, làm 10 người Campuchia và 8 người Việt Nam bị thương.

Lúc đó nhóm dân biểu đảng Cứu quốc đối lập của Campuchia đang dẫn đầu một đoàn khoảng 200 nhà hoạt động tới thị sát một con đường mà họ cho là chính quyền tỉnh Long An đã "xây dựng trái phép" trên đất Campuchia.
Chủ tịch đảng Cứu quốc Sam Rainsy nói với các nhà báo hôm thứ Hai 29/6 rằng dân làng Việt Nam đã "dùng gậy đánh đuổi các nhà hoạt động Campuchia".
Trong khi đó, chính quyền tỉnh Svay Rieng thì nói đoàn do đảng đối lập dẫn đầu đã "khuấy động tình hình gây bất ổn".

ĐÁNH BỊ THƯƠNG

Đảng đối lập cáo buộc dân biểu của họ - ông Real Camerin, và một số người khác đã bị đánh gây thương tích và phải đi cấp cứu.
Trong khi đó, chính quyền tỉnh thì nói đoàn này đã tự ý tới khu vực biên giới mà không thông báo cho nhà chức trách.
Chính quyền tỉnh Svay Rieng cũng bác bỏ trách nhiệm trong vụ mà họ nói là "đi ngược lại lập trường của chính phủ Campuchia".
Trong khi đó trợ lý của dân biểu Real Camerin, ông Tep Narin, mô tả khoảng 100 người Việt Nam cầm gậy gộc và có bộ đội đi hộ tống đã tấn công các nhà hoạt động Campuchia,
Đây có lẽ là vụ xô xát lớn nhất xảy ra trong năm nay trên đường biên giữa hai nước.
Campuchia và Việt Nam có 1.270km biên giới chung và bất đồng về đất đai lâu nay đã trở thành tâm điểm căng thẳng giữa hai bên.
Phía Campuchia, đặc biệt là đảng đối lập, thường xuyên cáo buộc Việt Nam "lấn đất".
Mới đây Bộ Ngoại giao Campuchia đã gửi ba công hàm phản đối Việt Nam vi phạm đất đai Campuchia.
Ba công hàm đề ngày 12/6, 14/6 và 17/6 nói về các hoạt động đào đất và làm mương thủy lợi của phía Việt Nam mà phía Campuchia nói là ở trên đất của họ.
Các công hàm này đều đã được gửi tới Đại sứ quán Việt Nam ở Phnom Penh nhưng chưa có phản hồi.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Đề nghị ngừng cho doanh nghiệp Trung Quốc thuê đất rừng


Q.Vinh 

(NLĐO) – Tỉnh Quảng Nam đang xem xét chấm dứt cho doanh nghiệp Trung Quốc thuê đất trồng rừng

Ngày 22-6, tin từ văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết vừa có văn bản báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, cho ý kiến chỉ đạo giải quyết việc cho Công ty TNHH MTV Innovgreen Quảng Nam (doanh nghiệp Trung Quốc) thuê đất thực hiện dự án trồng rừng nguyên liệu.

Trước đó, tháng 7-2008, UBND tỉnh Quảnh Nam đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH Innovgreen (có trụ sở tại Hồng Kông - Trung Quốc) về việc đăng ký thành lập Công ty TNHH MTV Innovgreen Quảng Nam (gọi tắt là Công ty Innovgreen), để thực hiện dự án trồng rừng nguyên liệu tại 9 huyện: Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Quế Sơn, Hiệp Đức, Nam Trà My, Bắc Trà My, Tiên Phước với diện tích đất dự kiến sử dụng 30.000 ha. Trong đó, 20.000 ha thuê đất để công ty tự trồng, 10.000  ha hợp tác với người dân để trồng.

Đáng chú ý, ngoài việc được miễn tiền thuê đất trong vòng 7 năm ở huyện Quế Sơn, doanh nghiệp được miễn tiền thuê đất trong toàn bộ thời gian thực hiện dự án là 50 năm ở 8 huyện còn lại.

Tính đến nay, tỉnh Quảng Nam đã có quyết định cho Công ty Innovgreen thuê tổng cộng 1.002,68 ha. Tổng diện tích được tạm giao để công ty này trồng rừng là 329,05 ha. Tuy nhiên, Công ty Innovgreen chỉ trồng hơn 85 ha tại 2 huyện Nam Trà My và Tây Giang.

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, tại cuộc họp Hội đồng tư vấn giải quyết việc cho thuê đất của Công ty Innovgreen vào ngày 1-6, tất cả các thành viên của Hội đồng tư vấn và 2 đơn vị là Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh đều thống nhất cao đề nghị UBND tỉnh chấm dứt việc cho thuê đất để trồng rừng nguyên liệu của Công ty Innovgreen.

Tỉnh Quảng Nam nhìn nhận việc cho một doanh nghiệp Trung Quốc thuê đất ở khu vực biên giới mang tính nhạy cảm, có khả năng ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Trung Quốc do thám phi pháp Việt Nam trên Biển Đông suốt 6 năm qua


HỒNG THỦY
(GDVN) - Đội Chim ưng biển do Trung Quốc lập ra chủ yếu nhằm do thám, thu thập thông tin về hoạt động của các giàn khoan dầu Việt Nam trên Biển Đông.

South China Morning Post ngày 30/6 đưa tin, hải quân Trung Quốc đã điều máy bay do thám (bất hợp pháp) hoạt động của các giàn khoan, tàu thuyền Việt Nam trên Biển Đông ít nhất 5 đến 6 năm qua. Thông tin này được chính tuần san Liêu Vọng, một phụ bản của Tân Hoa Xã số mới nhất công bố.

Lực lượng do thám thuộc biên chế hạm đội Bắc Hải sử dụng máy bay do thám Y-8 để xâm nhập (bất hợp pháp). Tuy nhiên, các phi công điều khiển Y-8 do thám Biển Đông vốn là phi công lái máy bay chiến đấu và chỉ được huấn luyện từ 3 đến 6 tháng trước khi được tung xuống Biển Đông. Đinh Gia Hòa, một viên Thượng tá, phi công tham gia do thám nói với Liêu Vọng rằng, hoạt động huấn luyện bay quá ngắn do "nhiệm vụ cấp bách".

Liêu Vọng cho biết các phi công tham gia bay do thám Biển Đông đều trải qua 6 tháng thực hiện các nhiệm vụ khác nhau mỗi năm, hoạt động bay do thám kéo dài 7 đến 8 giờ trong mỗi thời điểm. Đội do thám (bất hợp pháp) của Trung Quốc được đặt tên là Chim ưng biển là lực lượng chức năng duy nhất của Bắc Kinh có khả năng hoạt động cảnh báo sớm phòng không, chỉ huy và kiểm soát, truyền dữ liệu chiến thuật và chỉ thị mục tiêu từ xa, Liêu Vọng viết.

Đội Chim ưng biển do Trung Quốc lập ra chủ yếu nhằm do thám, thu thập thông tin về hoạt động của các giàn khoan dầu Việt Nam trên Biển Đông cũng như một số nước có yêu sách khác. Lực lượng do thám này cũng theo dõi hoạt động của tàu chiến nước ngoài trên Biển Đông.

Nhà quan sát quân sự Hồng Kông Leung Kwok-Leung bình luận, đây là lần đầu tiên truyền thông nhà nước Trung Quốc công bố chi tiết về những phát triển và hoạt động gần đây của lực lượng do thám đa năng của họ. Yang Zhiliang, Phó Chính ủy của lực lượng do thám này nói rằng đội Chim ưng biển được thành lập từ cuối những năm 1980, nhưng chỉ mới được phát triển mạnh mẽ sau khi Bắc Kinh đặt ra mục tiêu biến Trung Quốc thành cường quốc biển.

Tuy nhiên một số nhà phân tích quân sự lo ngại tai nạn có thể xảy ra khi lực lượng phi công do thám Trung Quốc được huấn luyện bay quá ít, trong khi hoạt động bay ở Biển Đông rất khó khăn và phức tạp. Mặt khác nguy cơ va chạm, đối đầu với máy bay quân sự các nước khác ở Biển Đông cũng rất cao.

Phần nhận xét hiển thị trên trang