Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 22 tháng 6, 2015

TP HUẾ - DẤU VẾT CỦA CỤ HUỲNH THÚC KHÁNG Ở HUẾ?



Lời dẫn của Đào Tiến Thi: 

Tờ báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng chẳng lẽ không phải là tờ báo cách mạng?

Hôm nay kỷ niệm 90 năm ngày báo chí cách mạng VN. Tức là người ta lấy ngày ra đời báoThanh niên, cơ quan ngôn luận của Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, do cụ Hồ Chí Minh sáng lập ngày 21/6/1925 tại Quảng Châu (TQ).

Cùng thời gian này, báo Tiếng dân của Huỳnh Thúc Kháng hoạt động rất mạnh tại Trung Kỳ.

Cụ Huỳnh Thúc Kháng tham gia hoạt động cách mạng cùng cụ Phan Bội Châu. Sau phong trào Dân biến Trung Kỳ (1908), cụ bị thực dân Pháp bắt, đày đi Côn Lôn 13 năm. Năm 1925, cụ ra tranh cử và trúng ghế nghị viên của Nghị viện Trung kỳ. Những năm 1926 - 1927, cụ làm Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ, đấu tranh nghị trường rất quyết liệt, nhưng sau 2 năm cụ từ chức. Tháng 10-1927, cụ mở báo Tiếng dân. Tờ Tiếng dân đúng như tên gọi của nó, là tiếng nói của nhân dân, nó đã từng gây sóng gió cho chính quyền thực dân ở Trung Kỳ, đến nỗi đến 4-1943, thực dân Pháp bắt đóng cửa.

Hiện nay trụ sở báo vẫn còn mà đang bị thành phế tích vì không ai quan tâm.

Chắc vì người ta nghĩ báo Tiếng dân không phải là báo cách mạng, cụ Huỳnh Thúc Kháng không phải là nhà cách mạng. Người ta cho rằng chỉ có báo của Đảng mới là báo cách mạng. Nếu vậy, ngày 21.6 phải gọi là ngày báo chí cách mạng cộng sản, để phân biệt với các báo cách mạng khác.
Huế: Hoang tàn ngôi nhà từng là trụ sở tờ báo quốc ngữ đầu tiên ở Trung Kỳ

Báo Dân trí
Thứ Bẩy, 20/06/2015 - 14:38

Giữa những ngôi nhà đẹp và sang trọng ở phường Phú Hòa (TP Huế) có một căn nhà đang xuống cấp nghiêm trọng, từng là trụ sở của tờ báo Tiếng Dân.

Căn nhà nằm ở số 193 đường Huỳnh Thúc Kháng (phường Phú Hòa, TP Huế), vốn được cụ Huỳnh Thúc Kháng (quê ở Quảng Nam) chọn làm tòa soạn của tờ báo Tiếng Dân, do cụ làm chủ bút. Tờ báo Tiếng Dân là tờ báo quốc ngữ đầu tiên ở Trung Kỳ, hoạt động từ năm 1927 - 1943.

Đây cũng từng là trụ sở Hội đồng châu Quảng Nam, được cụ Kháng làm ký túc xá cho những sinh viên Quảng Nam ra Huế học. Sau khi giải phóng, sinh viên chuyển về ký túc xá được xây ở các trường, căn nhà được Nhà nước thu hồi, chuyển thành nơi ở cho một số cán bộ trường Đại học Y Dược Huế.

Hiện tại, căn nhà đã xuống cấp khá trầm trọng, bên trong hoang sơ đến tiêu điều. Ngôi nhà có hai tầng, ngoài những căn phòng tồi tàn và cũ kĩ được các hộ dân sửa lại làm nơi sinh sống tạm bợ; những bức tường hoen ố, những căn phòng còn lại đóng cửa, xen lẫn bụi bặm, rác thải và cả nhiều đất đá... hoang tàn.

Bà Mai Thị Hanh Liên, ngoài 70 tuổi - một trong những người dân sống lâu nhất ở đây - cho biết: “Trước kia bà lấy mặt tiền của căn nhà 193 Huỳnh Thúc Kháng cho người ta thuê để buôn bán, bây giờ là nơi con gái bà bán nước mía”.
Mặt phía trước của căn nhà từng là trụ sở báo Tiếng Dân nhìn cũ kỹ, 
rêu bám và cả cây cỏ mọc lên

Mặt sau căn nhà là số 228 đường Phan Đăng Lưu, chỉ là một cái cổng nhỏ để ra vào trông rất hoang tàn và cũ kĩ. Ở giữa ngôi nhà có một lối thông hình mái vòm đầy bụi bặm, rác thải...

“Lúc tôi về có 6 hộ dân ở, nhưng bây giờ chỉ còn 2 vì những hộ còn lại đã chuyển đi nơi khác sinh sống chứ ở đây quá nguy hiểm, vì nhà đã quá xuống cấp. Giờ sống tạm bợ được ngày nào hay ngày đó” - bà Liên nói thêm.


Đi vào phía trong lối thông đầy bụi bặm, rác thải ….

Được biết, vào cuối năm 2012, tỉnh Quảng Nam có chỉ đạo Sở VH-TT&DL của tỉnh này làm việc với tỉnh Thừa Thiên - Huế để bàn về việc lập hồ sơ công nhận di tích lịch sử cấp Quốc gia cho căn nhà này. Nhưng đến nay đã gần 3 năm vẫn chưa được triển khai; trong khi căn nhà lại ngày càng xuống cấp trầm trọng.

Các hộ dân cũng cho biết thêm, mỗi khi đươc phường gọi đi họp thì họ đi; nhưng vấn đề căn nhà không biết đến khi nào mới được giải quyết. 

Theo nhà nghiên cứu Lưu Anh Rô ở bài viết “Cụ Huỳnh và Báo Tiếng Dân qua báo cáo mật thám Pháp” thì Báo Tiếng Dân được phép xuất bản theo nghị định ký ngày 12/2/1927 của Toàn quyền Đông Dương Pasquiet. Tờ báo có khổ 58 x 42cm, phát hành mỗi tuần 2 kỳ. Trong thời kỳ vận động dân chủ 1936 - 1939, báo ra 3 kỳ một tuần. Mặc dù chỉ có 4 trang nhưng do khổ báo lớn nên dung lượng bài vở khá phong phú. Đây là tờ báo đầu tiên ở miền Trung và là tờ nhật báo duy nhất xuất hiện trước năm 1930. 

Tuy ra đời có trễ hơn nếu so với báo chí ở hai miền Nam, Bắc nhưng báo Tiếng Dân đã đóng một vai trò chính trị quan trọng trong đời sống của nhân dân Trung kỳ. Cụ Huỳnh Thúc Kháng đã giải thích từ “Tiếng Dân” trên tờ La Tribune Indochinoise số ra ngày 24/12/1926 như sau: “Đó là sự vui mừng, sự buồn tủi và sự chờ đợi ấp ủ trong lòng hàng triệu đồng bào. Dân là đầu mối của nước. Tiếng Dân đi sát với những vấn đề trong nước. Nếu chánh phủ biết rõ những nguyện vọng sâu xa của dân thì cần gì đối xử bất công với Tiếng Dân như đã từng đối xử với vài tờ báo đã ra mắt gần đây và đã bị đóng cửa. Tờ báo này thật xứng đáng để mang tên là Tiếng Dân, vì trong thực tế, phải nhờ đến báo chí thì tiếng dân mới bộc lộ ra được”. 

Quan điểm chính yếu của cụ Huỳnh khi làm báo là: “Tôi là nhà cách mạng công khai, tôi đấu tranh cho quyền lợi của dân tộc Việt Nam một cách công khai. Vì đất nước Việt Nam có biên cương và lãnh thổ công khai trên bản đồ thế giới. Cho nên, tôi cũng công khai nói lên tiếng nói của người Việt Nam yêu chuộng hòa bình, độc lập, tự do và tự chủ. Do đó, tôi thách đố mọi trừng phạt và hiểm nguy đến với cá nhân tôi”. 

- Huỳnh Thúc Kháng (1876 - 1947) là nhà chí sĩ, học giả yêu nước. Ông đỗ Tiến sĩ năm 1904, lúc 28 tuổi, nhưng không ra làm quan nhà Nguyễn, mà tham gia hoạt động, lo tìm cách chống Pháp cứu nước. Ông là một trong những nhân vật lãnh đạo phong trào Duy tân, bị giặc Pháp bắt 1908, đày ra Côn Đảo suốt 13 năm, đến 1921 mới được trả tự do. Năm 1926, ông được cử làm Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ. Trong 3 năm làm Viện trưởng, ông thường chỉ trích gay gắt chính sách của chính phủ Pháp thi hành tại Trung Kỳ. Nhân việc va chạm với viên Khâm sứ Jabouille, ông từ chức Viện trưởng. 

Năm 1927, ông đứng ra sáng lập và làm chủ nhiệm kiêm chủ bút tờ báo Tiếng Dân, chủ nhà in Tiếng Dân tại Huế (đường Hàng Bè xưa, từ năm 1995 được Huế đặt tên là đường Huỳnh Thúc Kháng để tưởng nhớ đến cụ Huỳnh). Đến năm 1943 báo Tiếng Dân bị thực dân Pháp ra lệnh đóng cửa. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, ông nhận chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ của Chính phủ Liên hiệp kháng chiến Việt Nam dân chủ cộng hòa. Năm 1946, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua Pháp đàm phán, ông được trao quyền Quyền Chủ tịch Chính phủ. Trong kháng chiến chống Pháp, ông được Chính phủ đặc phái vào Liên khu 5. Ngày 21/04/1947, trên đường công tác, ông lâm bệnh nặng rồi mất, hưởng thọ 71 tuổi – Theo Cổng thông tin UBND TP Huế.
Một số hình ảnh của căn nhà từng là trụ sở báo Tiếng Dân:


Bậc cấp đi lên tầng hai 

Lối thông hình mái vòm để qua nhà phía đường bên kia. 

Từ bậc cấp đi lên, căn phòng được xem là nơi phát hành của tờ báo Tiếng Dân 


Hình ảnh xập xệ của mặt phía sau căn nhà 

Căn nhà từng là trụ sở tờ báo quốc ngữ đầu tiên Trung Kỳ nhìn “biệt lập”, 
hoang tàn so với nhưng ngôi nhà còn lại 

Trụ sở báo Tiếng Dân lúc xưa (ảnh: internet)
 
Cụ Huỳnh Thúc Kháng và báo Tiếng Dân (ảnh: internet)

Văn Dinh- Đại Dương
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Nga hé lộ mẫu tên lửa vác vai "đáng sợ nhất trong lịch sử"


Dân trí Quân đội Nga sắp được nhận các hệ thống tên lửa phòng không vác vai “đáng sợ nhất trong lịch sử” với các tính năng vượt trội hơn hẳn các mẫu vũ khí tương tự của Mỹ và các đồng minh.
 >> Nga “phá trận” phương Tây bằng con bài tên lửa
 >> Nga - NATO "so găng" vũ khí

Hình ảnh của tên lửa vác vai Verba. (Ảnh:
Hình ảnh của tên lửa vác vai Verba. (Ảnh: Sputnik)

TVZvezda ngày 20/6 cho biết hệ thống tên lửa phòng không vác vai (MANPAD) mới được phát triển có tên Verba vừa được giới thiệu ở Triển lãm quân sự 2015 ở ngoại ô Mátxcơva. 

Kênh truyền hình  trên đánh giá Verba là loại tên lửa mạnh mẽ nhất hiện nay với các tính năng ưu việt. Trogn khi báo Business Insider của Mỹ nhận định đây là loại tên lửa vác vai “đáng sợ nhất trong lịch sử”.

Có ngoại hình khá giống với hai loại tên lửa Stinger và Igla mà Mỹ và Nga đang sử dụng, nhưng ngoài những mục tiêu truyền thống như trực thăng và phi cơ, Verba có khả năng tấn công cả tên lửa dẫn đường và máy bay không người lái.

Tên lửa mới của Nga nặng khoảng 1,5 kg, được trang bị đầu đạn quang học tự dẫn đường 3 chùm quang phổ, gồm tia cực tím, tia hồng ngoại gần và tia hồng ngoại trung bình giúp nâng cao khả năng tìm kiếm và độ chính xác. Thiết bị dò tìm của Verba nhạy hơn tên lửa đời trước Igla, vì thế phạm vi hoạt động cũng lớn hơn, giúp phát hiện được cả các mồi nhử và không mắc bẫy.

Một số binh lính Nga từng được dùng thử Verba đã nhận xét tốc độ bắn của hệ thống tên lửa này nhanh gấp 10 lần so với những mẫu MANPAD cũ. Các hệ thống MANPAD trước đây phải mất từ 3 đến 5 phút để dò tìm và bắn hạ mục tiêu. Với Verba, quá trình này chỉ tốn vài giây.

Verba có có thể hạ gục mục tiêu di chuyển với tốc độ 500 m/s, ở khoảng cách 6,5km. Ngoài ra, Verba sở hữu độ cao tấn công dao động từ 10m- 4,5km. Sputnik News nhận định đặc điểm này của Verba ưu việt hơn hệ thống Stinger của Mỹ, vì Stinger không thể tấn công các trực thăng bay ở độ cao dưới 180m.

Một ưu điểm khác là công tác bảo trì đối với tên lửa vác vai Verba cũng tương đối đơn giản. Vũ khí này từng được thử nghiệm trong các điều kiện khắc nghiệt như ở Bắc Cực. 

Sputnik News hôm qua cũng dẫn lời ông Valery Kashin,Tổng giám đốc công ty chế tạo KBM, phát biểu tại Diễn đàn kỹ thuật quân sự quốc tế 2015 cho biết cơ quan ông đã nhận được giấy phép xuất khẩu các hệ thống này. Tuy nhiên, ông Kashin không nêu tên quốc gia sẽ là khách hàng mua các tên lửa Verba mới của Nga.

Thoa Phạm 
Theo SP

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Trung Quốc phải bồi thường ở Biển Đông

Trước ngày đối thoại Mỹ-Trung, Trung Quốc dịu giọng mời hợp tác kinh tế.

Trang web Đại Kỷ Nguyên đưa tin ngày 19-6 (giờ địa phương), Viện Nghiên cứu Hudson của Mỹ đã tổ chức hội thảo về Biển Đông. Ba chuyên gia đầu ngành tham dự hội thảo.
Chuyên gia Paul Giarra, Chủ tịch Công ty Tư vấn Global Strategies & Transformation, nhận định về vấn đề Biển Đông, Trung Quốc không chỉ gây xung đột với các nước trong khu vực mà còn làm đảo lộn trật tự quốc tế trên biển và vi phạm Công ước LHQ về Luật Biển.
Ông đề nghị Mỹ cần hành động để buộc Trung Quốc dừng vi phạm pháp luật và bồi thường hậu quả gây ra ở Biển Đông. Ông cho rằng hành động của Trung Quốc trên Biển Đông đã vượt quá giới hạn cuối cùng, tương đương với hành vi tuyên chiến, vậy nên Mỹ cần áp dụng biện pháp cứng rắn hơn.
Chuyên gia Patrick Cronin, Chủ nhiệm Ban An toàn châu Á thuộc Trung tâm An ninh Mỹ mới, ghi nhận hành động bồi đắp đảo của Trung Quốc tại Biển Đông chính là nguyên nhân gây căng thẳng leo thang.
 Đảo Phú Lâm trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã bị Trung Quốc cưỡng chiếm. (Ảnh:
Đảo Phú Lâm trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã bị Trung Quốc cưỡng chiếm. (Ảnh: THX)
Ông cho rằng các nước trong khu vực cần đối phó bằng nhiều phương án như kiện lên tòa án quốc tế, tập trận chung; Mỹ cần cứng rắn về quân sự và kinh tế để khiến Trung Quốc phải dừng hành vi vi phạm và phải bồi thường.
Chuyên gia Michael Frodl, người sáng lập Công ty Tư vấn C-LEVEL Maritime Risks, phân tích để có thể xây dựng một kết cấu mới một cách lành mạnh và ổn định ở châu Á, nhân tố đạo đức sẽ phát huy tác dụng chính.
Ông đề nghị: “Biển Đông là khu vực cần được bảo vệ trường kỳ, bắt buộc phải xây dựng cơ chế pháp luật kiện toàn, coi trọng phát triển kinh tế, hoàn thiện thể chế chính trị. Khi cần thiết, Mỹ cần áp dụng biện pháp quân sự nhất định”.
Trong khi đó, Tân Hoa xã (Trung Quốc) ngày 21-6 đã đăng bài viết khẳng định trong Đối thoại Chiến lược và kinh tế Mỹ-Trung ở Washington sắp tới, đàm phán về hiệp định đầu tư song phương sẽ giữ vai trò quan trọng trong chương trình nghị sự.
Bài viết cho rằng hai bên có thể tận dụng cơ hội này để ký kết hiệp định trước khi Tổng thống Obama kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 1-2017.
Trong cuộc tiếp xúc trước đó ở Bắc Kinh, hai bên đã trao đổi danh sách xác định các lĩnh vực đóng cửa đối với đầu tư nước ngoài để từ đó hai bên có thể tiếp tục đàm phán.
Sau khi hai bên ký kết, hiệp định đầu tư song phương phải được hai phần ba số nghị sĩ Thượng viện bỏ phiếu tán thành.
Tân Hoa xã dẫn lời ông Adam Posen, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Peterson về kinh tế quốc tế (Mỹ), lạc quan cho rằng Thượng viện Mỹ sẽ thông qua hiệp định đầu tư song phương mặc dù Trung-Mỹ căng thẳng về an ninh mạng và vấn đề Biển Đông.
Ông Yukon Huang thuộc Chương trình châu Á của Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế, nguyên Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Thế giới ở Trung Quốc, nhận định hiệp định này rất quan trọng bởi đây là thỏa thuận duy nhất điều chỉnh các vấn đề kinh tế quốc tế Mỹ-Trung Quốc trong tương lai.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng thông báo Trung Quốc và Mỹ đã nhất trí tổ chức Đối thoại Chiến lược và kinh tế Mỹ-Trung lần thứ bảy tại Washington trong hai ngày 23 và 24-6. Phó Thủ tướng Uông Dương và Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì là các đặc phái viên của Chủ tịch Tập Cận Bình tham gia cuộc đối thoại cùng với Ngoại trưởng John Kerry và Bộ trưởng Tài chính Jacob Lew.
*****
Đừng mong duy trì hòa bình chỉ dựa vào nhân nhượng. Nếu Mỹ vẽ một vạch đỏ và đối phương vượt qua vạch đó mà không có hành động nào, khi đó Mỹ sẽ mất uy tín còn Trung Quốc càng được thể ngang ngược.
Chuyên gia Patrick Cronin (Trung tâm An ninh Mỹ mới)
Theo Bảo Như - Hoàng Duy
Pháp luật TPHCM
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Chủ Nhật, 21 tháng 6, 2015


     
    
 Hồi còn ở Hà Nội, một lần anh bạn thân đưa tôi đi thăm thành Cổ Loa, với tinh thần tưởng nhớ đến bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước. Cổ Loa có nhiều cái để thu hút người ta, đó là một tòa thành của nghệ thuật quân sự, và sau cùng là truyền thuyết “Mỵ Châu – Trọng Thủy” bất hủ. Thành Cổ Loa nằm ở vị trí bây giờ thuộc xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Hơn 2300 năm trước, đây vốn là kinh đô sầm uất của người Âu Lạc, là một thành trì có lối kiến trúc độc đáo và vững chãi.

     Sau khi triều đại của 18 đời vua Hùng kết thúc, Thục Phán An Dương Vương lên ngôi và dời đô từ Phong Châu về Cổ Loa. Tại đây ông cho xây dựng thành Cổ Loa, mà về sau rất nổi tiếng.

     Vào thời Âu Lạc, Cổ Loa là nơi giao lưu quan trọng của đường thủy và đường bộ. Từ đây có thể kiểm soát cả một vùng đồng bằng rộng lớn. Có thể nói, nơi đây có vị trí chiến lược hơn bất cứ nơi nào khác tại đồng bằng Bắc Bộ lúc đó. Thuyền bè qua lại khắp nơi, nếu xuôi theo sông Hồng thì có thể ra đến biển cả. Không chỉ lợi thế về phòng thủ chống ngoại xâm, Cổ Loa còn thuận lợi trong việc phát triển kinh tế nông nghiệp và giao thương. Vì vậy mà nơi đây đã phát triển thành một đô thị phồn thịnh, dân cư đông đúc.

     Như vậy, công lao Thục Phán An Dương Vương có ý nghĩa như việc đức vua Lý Công Uẩn khi dời đô về Thăng Long sau này ( năm 1010), nhưng ở đây là sớm hơn rất nhiều.

     Chúng tôi vào bên trong thành và quan sát, những gì còn lại giờ đây chỉ là vài đoạn tường thành bằng đất, hoặc ụ nổi để làm tháp canh, không còn hình dung rõ nữa. Những dòng mương nhỏ là dấu tích của sông ngòi và hệ thống thủy trận trước kia, những hàng cây xanh đung đưa trong gió, soi bóng xuống mặt nước. Gần đó là thôn xóm của người dân. Anh bạn chở tôi một vòng bằng xe máy vào trong khu dân cư, hệ thống đường trong thôn cấu trúc xoáy trôn ốc thực sự, có cảm giác như lạc vào ma trận mà không tìm thấy lối ra.

     Theo giới khảo cổ, thành Cổ Loa được xây bằng đất, đá và gốm. Thành có 3 vòng:

     Thành nội: Hình chữ nhật, cao 5 mét, mặt thành rộng từ 6 mét – 12 mét, chu vi là 1.650 mét.

     Thành trung: Có chiều dài 6500 mét, có năm cửa ở các hướng đông, nam, bắc, tây bắc và tây nam.

     Thành ngoại: Chiều dài hơn 8000 mét, cao trung bình 3 – 4 mét.

     Mỗi vòng thành đều có hào nước rộng 10 – 30 mét bao quanh. Các hào này đều thông với nhau và sông Hoàng. Hệ thống tường thành và hào nước như một mê cung, rất thuận tiện cho việc tấn công lẫn phòng thủ khi có địch.

     Cổ Loa được coi là tòa thành cổ nhất, quy mô lớn và kiến trúc độc đáo nhất trong lịch sử xây dựng thành lũy của người Việt cổ. Khi xây thành, người ta đã khéo léo lợi dụng tối đa địa hình tự nhiên. Họ tận dụng chiều cao của các gò, đồi, cũng như bên cạnh sông nước để làm hệ thống giao thông hào đường thủy. Thuyền bè có thể đi lại dễ dàng trong các hào, và sau đó thông ra sông để tỏa đi khắp nơi. Thủy binh và bộ binh kết hợp dễ dàng trong khi tác chiến. Người ta cho rằng, sở dĩ An Dương Vương xây được thành Cổ Loa là nhờ có thần Kim Quy giúp đỡ. Thành được thiết kế theo hình xoáy trôn ốc, vì thế mà dân gian còn gọi là Thành Ốc.

     Cổ Loa không chỉ được người ta biết đến với tòa thành Ốc, mà còn có câu chuyện tình Mỵ Châu, Trọng Thủy nổi tiếng.

     Truyền thuyết kể rằng:

     “Sau khi giúp An Dương Vương xây thành, thần Kim Quy trao cho ông một cái móng của mình để làm lẫy nỏ mà giữ thành. An Dương Vương liền sai tướng quân Cao Lỗ chế tạo một chiếc nỏ, lẫy nỏ được làm từ móng của thần Kim Quy. Chiếc nỏ này có thể bắn một phát hàng trăm mũi tên, khiến cho kẻ địch vô cùng khiếp sợ. Người ta gọi đó là nỏ thần. Nỏ rất lớn và cứng, phải là tay lực sĩ mới có thể giương nổi.

     Lúc bấy giờ Triệu Đà làm chúa đất Nam Hải, đã nhiều lần đem quân xâm chiếm Âu Lạc. Nhưng vì An Dương Vương có nỏ thần, quân Nam Hải bị giết hại rất nhiều. Thấy dùng binh không lợi, Triệu Đà bèn xin giảng hòa với An Dương Vương, rồi lại sai con trai là Trọng Thủy sang cầu thân, nhưng mục đích là để tìm hiểu bí mật về nỏ thần.

     Trọng Thủy sang đến Âu Lạc, gặp con gái xinh đẹp của An Dương Vương là Mỵ Châu, chàng bèn đem lòng yêu. Thấy đôi trai gái yêu nhau, vua liền gả Mỵ Châu cho Trọng Thủy mà không chút nghi ngờ.

     Sau khi tìm hiểu được bí quyết của nỏ thần, Trọng Thủy liền tháo móng rùa thần Kim Quy dấu đi, rồi làm một cái lẫy giả để thế vào.

     Ít lâu sau, Trọng Thủy xin phép An Dương Vương trở về nước. Trước khi chia tay, chàng nói với Mỵ Châu:

     - Bây giờ đôi ta sắp xa nhau, không biết đến khi nào gặp lại. Nếu chẳng may xảy ra binh đao, ta biết nàng ở đâu mà tìm?

     Mỵ Châu đáp:

     - Thiếp có cái áo lông ngỗng, hễ cứ chạy đến đâu thì thiếp sẽ rắc lông ngỗng dọc đường. Chàng cứ theo dấu lông ngỗng thì sẽ tìm thấy thiếp!

     Rồi đôi trai gái bịn rịn chia tay trong nước mắt.

     
Thành Cổ Loa
Về đến đất Nam Hải, Trọng Thủy đưa cái móng rùa thần cho cha. Mừng rỡ, Triệu Đà liền ra lệnh cất quân đánh Âu Lạc. An Dương Vương vẫn cậy có nỏ thần nên không phòng bị gì cả. Đến khi quân giặc đã đến sát chân thành, ông mới sai đem nỏ thần ra bắn thì thấy không còn linh nghiệm nữa. Quân Triệu Đà phá cửa thành, rồi kéo ùa vào. An Dương Vương vội lên ngựa, đặt Mỵ Châu sau lưng rồi thoát ra cửa sau. Ngồi sau lưng cha, Mỵ Châu bứt lông ngỗng mà rãi khắp đường đi, những mong Trọng Thủy có thể tìm thấy mình.

     Hai cha con nhà vua chạy suốt mấy ngày đêm thì đến ngọn núi Mộ Dạ gần bờ biển. Đang định xuống ngựa nghỉ ngơi thì quân giặc đã hò reo đuổi đến gần. Thấy đường núi quanh co, không còn lối nào chạy, nhà vua liền hướng ngựa ra phía biển, vừa chạy vừa khấn thần Kim Quy phù hộ. Khấn xong thì cũng vừa đến lúc ra đến bờ biển, lúc này chợt nước bắn lên mù mịt, thần Kim Quy hiện lên nói rằng:

     - Giặc ở sau lưng nhà vua đấy!

     An Dương Vương tỉnh ngộ, liền rút gươm chém Mỵ Châu, rồi nhảy xuống biển tự vẫn”.

     Nơi An Dương Vương tuẫn tiết sau đó được nhân dân lập đền thờ, gọi là Đền Cuông, ngày nay thuộc huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Đền tọa lạc trên núi Mộ Dạ, hướng ra phía quốc lộ 1, rất tiện cho du khách qua lại thăm viếng, lại quay lưng ra biển, vì vậy mà có thể coi đây là một thắng cảnh của xứ Nghệ. Người ta cho rằng, núi Mộ Dạ gọi là “Đan phượng hàm thư”, có nghĩa là chim Phượng ngậm thư. Đầu con Phượng chính là Đền Cuông bây giờ.

     Người bán hàng trước cổng Đền Cuông đang lúi húi cột lại tấm bạt che nắng buổi sáng, bắt đầu một ngày phục vụ khách tham quan. Đã mấy năm rồi, ngày nào ông cũng bán hàng ở đây. Quán bày bán đồ tế lễ, ngoài ra còn có bánh kẹo và nước nôi cho du khách. Khi có ai hỏi thăm, ông cũng nhiệt tình kể cho họ nghe, tựa như là một hướng dẫn viên du lịch thực thụ vậy. Ông am hiểu rành rẽ sự tích Đền Cuông, về Thục Phán An Dương Vương, cũng như câu chuyện tình đẫm nước mắt của công chúa Mỵ Châu.

     Với một vẻ thành kính miên man, ông bắt đầu kể:

     - Vào đúng ngày diễn ra lễ hội năm 1995, một con Hạc lớn màu trắng bổng từ đâu xuất hiện, bay lượn một vòng quanh núi Mộ Dạ, rồi đậu trên Đền Cuông. Lạ lùng ở chỗ, con chim Hạc không biết sợ người, cứ đứng như trời trồng giữa những tiếng hò hét của đám đông hiếu kỳ.

     Rồi ông cho rằng, đó là con hạc thần do công chúa Mỵ Châu hóa thân. Bây giờ người ta đã ướp xác con Hạc đó, đặt trong tủ kính để thờ trong chính điện.

     - Còn nữa – ông kể tiếp -  vào dịp lễ năm 1996, xác một con cá voi lại trôi dạt vào cửa biển ngay phía sau lưng đền. Ai cũng cho đó chính là hiện thân của vua An Dương Vương. Đền linh thiêng lắm! Vì thế mà những ngày rằm hoặc mùng một người ta đều đến thắp hương khấn vái, kể cả ngày thường cũng vậy.

    
Đền Cuông (Hình: Minh Văn)
     Lễ hội Đền Cuông diễn ra vào dịp tháng 2 âm lịch hàng năm. Đầu tiên là lễ “khai quang”, tổ chức vào ngày 12 tháng 2 âm lịch, mục đích là xin phép thần linh cho nhân dân dọn dẹp đền để chuẩn bị lễ hội. Sau đó là lễ “cáo trung thiên”, tổ chức vào sáng ngày 14 tháng 2 âm lịch để báo cáo với thần linh công việc dọn dẹp đã hoàn thành. Chiều tối ngày 14 tháng 2 sẽ diễn ra “lễ yết”. Cũng tối hôm đó, “lễ rước vua và công chúa” được tiến hành. Đến sáng ngày 15 tháng 2 là “đại tế”, và cuối cùng là “lễ tạ” vào sáng ngày 16 tháng 2 để tạ ơn các vị thần đã về dự lễ.

    Ngay cạnh Đền Cuông, một bãi đất trống vuông vức được người ta xây tường bao quanh để tổ chức lễ hội. Ở đây diễn ra nhiều trò chơi truyền thống như đánh đu, chọi gà, cờ người, biểu diễn võ cổ truyền. Ban đêm thì có hát ca trù, tuồng, chèo và đốt lửa trại cho du khách.

     Leo hết khoảng hơn hai mươi bậc đá xanh nhẵn, chúng ta sẽ lên đến chính điện Đền Cuông. Trên đó là một quần thể di tích, có cả giếng ngọc Mỵ Châu, nơi tượng trưng cho tấm lòng trong sạch của nàng. Trên đỉnh núi Mộ Dạ, người ta lập một am thờ công chúa Mỵ Châu, từ đây có thể nhìn thấy biển phía xa xa, phong cảnh vô cùng lãng mạn và tráng lệ. Cho thấy người dân ở đây có một cái nhìn đầy cảm thông với mối tình si mê, mới dành cho nàng một địa thế tương xứng với truyền thuyết tình yêu bất hủ này.

     Từ trên núi Mộ Dạ, tôi đưa mắt nhìn quanh, cố lấy hết trí tưởng tượng để mà hình dung ra cảnh vật thủa xưa. Lúc An Dương Vương tới đây, hẳn ông đã vượt qua muôn vàn gian nan và hiểm nguy lắm vậy. Khi mà giang sơn đã rơi vào tay giặc, sau lưng là tiếng ngựa hí quân reo. Xứ Nghệ thủa xưa là nơi biên địa xa xôi, non cao biển rộng, sông Lam thì đầy rẫy những thú dữ, thuồng luồng. Cho nên cảnh tượng lúc đó hẳn là bi tráng lắm.

     Từ thành Cổ Loa tới Đền Cuông, đó là hành trình cuối cùng của Thục Phán An Dương Vương. Câu chuyện để lại bài học sâu sắc cho hậu thế về kinh nghiệm dựng nước và giữ nước, cũng như để tri ân vị vua tài ba lỗi lạc, người đã có công xây dựng thành Cổ Loa hùng vĩ, một công trình đặc sắc về nghệ thuật quân sự của người Việt xưa.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Cả hư vô cũng vô nghĩa

Đọc thơ Paul Celan


Có khi đọc một ít bài thơ như giải toán. Đó là trường hợp đọc những bài thơ của nhà thơ Paul Celan, người Romania gốc Do thái . Lý do: Trong những bài đó ý nghĩa/ngữ cảnh ( context) sử dụng trong/cho  ý thơ, nội dung đã được Paul Celan thanh lọc và trùm lên những ý nghĩa mới cho một số con chữ. Vì vậy, bước vào “thế giới” thơ Paul Celan, như đi vào một  khu rừng  lạ lẫm, kín bưng, chúng ta cũng cần một số dụng cụ, như dao, rìu, búa để “giải tỏa” nhiều  cây chắn, bóng lá quá rườm rà che khuất ánh sáng. Và cũng như giải toán , ta cần hiểu một số khái niệm căn bản, biết dùng một số công thức, lần mò ra được các gút thắt, mở trong các giai đoạn chứng minh.  Bài thơ “Corona “ này là một trong số những bài thơ, không phải hũ nút, mà  “đóng nút” như thế. Sometimes, it is almost impossible to penetrate, unless you read and read more on P. Celan.

Chữ  trong bài “Corona”( Vòng Hỏa Nhật Thực) thì dễ. Nhưng để hiểu Celan muốn nói gì thì thật khó khăn—nếu không đọc nhiều về thơ nói chung, về thơ P. Celan và ông nói riêng.




Bản tiếng Đức

Corona

Aus der Hand frißt der Herbstmir sein Blatt: wir sind Freunde.
Wir schälen die Zeit aus den Nüssen und lehren sie gehn:
die Zeit kehrt zurück in die Schale.

Im Spiegel ist Sonntag,
im Traum wird geschlafen,
der Mund redet wahr.

Mein Aug steigt hinab zum Geschlecht der Geliebten:
wir sehen uns an,
wir sagen uns Dunkles,
wir lieben einander wie Mohn und Gedächtnis,
wir schlafen wie Wein in den Muscheln,
wie das Meer im Blutstrahl des Mondes.

Wir stehen umschlungen im Fenster, sie sehen uns zu von der Straße:
es ist Zeit, daß man weiß!
Es ist Zeit, daß der Steinsich zu blühen bequemt,
daß der Unrast ein Herzschlägt.
Es ist Zeit, daß es Zeit wird.

Es ist Zeit.


bản dịch của A.S. Kline

Corona

From my Hand the Autumn eats its Leaf: we are Friends.
We shell Time from Nuts and teach it to walk:
Time returns to the Shell.

In the mirror it’s Sunday,
in Dream there is sleep,
the Mouth speaks true.

My eye bends down to the Sex of my Loved One:
we gaze at each other,
we speak a Darkness between us,
we love each other as Poppy and Memory,
we sleep like Wine in the Mussel,
like the Sea in the Blood-Beam of Moons.

We stand entwined at the Window, they look up at us from the
Street:
it is Time, that they knew!
It is Time, that the Stone condescended to flower,
that Unrest’s Heart beat.
It is Time that it became, Time.

It is Time.


bản dịch của Michael Hamburger

Autumn eats its leaf out of my hand: we are friends.
From the nuts we shell time and we teach it to walk:
then time returns to the shell.


In the mirror it's Sunday,

in dream there is room for sleeping,
our mouths speak the truth.

My eye moves down to the sex of my loved one:
we look at each other,
we exchange dark words,
we love each other like poppy and recollection,
we sleep like wine in the conches,
like the sea in the moon's blood ray.

We stand by the window embracing, and people look up from
the street:
it is time they knew!
It is time the stone made an effort to flower,
time unrest had a beating heart.
It is time it were time.

It is time.



Vòng Hỏa Nhật Thực

Mùa Thu nghiến chiếc Lá nơi bàn tay tôi: chúng tôi là bạn
Từ hột của đất trời
       chúng tôi gỡ
              Thời gian
                ra
                  và chỉ cho nó đi đứng
rồi Thời gian
        trở lại với vỏ

Trong gương, đấy là Chủ nhật
Trong mơ, có chỗ để ngủ
cái miệng nói sự thật


Mắt tôi nhìn xuống hạ bộ của người yêu
chúng tôi nhìn nhau
trao nhau ngôn ngữ bóng tối
chúng tôi yêu nhau như anh túc cam rực
         và bằng hồi tưởng
chúng tôi ngủ như vang trong sò
như biển trong vầng trăng nhuốm máu.

Chúng tôi ôm nhau đứng bên cửa sổ, dưới đường người ta
nhìn lên:
Đấy là Thời gian, họ biết
Đấy là Thời gian, khi đá chịu nở hoa
thời gian khi Chênh chao gõ nhịp tim
Đấy là Thời gian,
            khi nó trở thành
                            Thời gian.

Nó là Thời gian.

Chân Huyền



Notes

1. Để “vào” (tiến nhập) bài thơ này, cần biết một số chi tiết, trong đó, cần thiết, là:
    Celan là 1 nạn nhân của Đức quốc xã, bị bắt tù và lao động khổ sai đập dọn đá ở Rumania. Mẹ Celan cũng bị lao độngkhổ sai, và chết trong trại khổ sai năm 1942 .Trước đó, Celan đãtừng khuyên cha mẹ phải bỏ xứ   trốn lánh đi, nhưng cha mẹ Celan không đi và sau đó, khi ông có việc rời nhà một thời gian ngắn, lúc trở về thì hay tin cha mẹ đã bị tập trung và đày đi lao động khổ sai tại Transnistria, vì là dân gốc Do thái. Tin cho hay bà bị bắn chết, sau khi kiệt sức vì lao động khổ sai. Điều này làm cho ông đau khổ suốt nhiều năm, vì cho rằng vì mình xa cha mẹ khoảng thời gian đó, nên sự tình mới xảy ra như thế. Nhưng chính ông, mấy tháng sau, vào năm 1942, cũng bị bắt đi đầy lao động khổ sai tại một trại khổ  sai khác.

2. Mùa Thu trong bài thơ là ý nói đến mùa Thu tang khốc, bi thương cho dân tộc Do thái bắt đầu từ mùa Thu năm 1941, khi các trại tập trung biến thành mồ chôn tập thể cho biết bao người gốc Do thái khắp nơi. Nếu ai đã từng là tù nhân "cải tạo" ở VN hay là thân nhân của những người tù tập trung (cải tạo), thì đều biết và cảm nhận được ít nhiều, dù có những khác biệt giữa hai trường hợp, những nỗi đau, nỗi “nhục”, nỗi đoạ đày, vừa hình hài thể xác đến tâm hồn, những bi uất, tang thương, cắn xé, dày vò, dấu trong đáy lòng của nhiều tù nhân trong cuộc biển dâu đau buồn tháng Tư 1975, cũng như phần nào niềm thống khổ của Paul Celan-- khi đọc đủ về ông.

3. Thời gian, thời gian. Như Paul Celan muốn nói đến , thì Thời gian “là gì”, có khuôn mặt như thế nào ở đây?

4. “wir sagen uns Dunkles”:  3 cách dịch sang tiếng Anh :

   M. Hamburger: “ We exchange dark words”
   A.S. Kline: “We speak Darkness between us”
   A. Cojocaru:  “ We speak of dark things”

Lý do : vì chữ “Dunkles” trong Đức ngữ khá mơ hồ, hỗn độn, có thể gây lộn xộn ý nghĩa, không để ý kỹ dễ gây nhầm lẫn: vừa có thể là tĩnh từ, vừa có thể danh từ. Trong trường hợp này, theo cú pháp nó được sử dụng như một danh từ. Một khả năng, dù hiếm:  Có thể Hamburger và Cojocaru lại nhìn nó như một tĩnh từ/hình dung từ để bổ nghĩa cho một danh từ đi sau tiềm ẩn , và theo nội dung/ngữ cảnh của câu văn thì là có ‘những” điều đau khổ, xám ngoét, đen tối, chứ không phải chỉ “một”. Nhiều phần chắc hơn là 2 người đã coi nó như một tĩnh từ đã biến loại thành danh từ ( adjectival nouns).  Nhưng cũng có thể cả hai quên (?) rằng “neuter form” của từ Dunkles, không mang giống, và cần dịch là “bóng tối”, tức “darkness” như A.S. Kline đã dịch .

Dịch "chính xác" sang tiếng Việt : Chúng tôi nói với nhau về bóng tối


5. Nhìều nhà văn, thơ, độc giả than phiền “chữ nghĩa” của P.Celan nhiều khi mang tính cách ngôn ngữ của kẻ ẩn sĩ chốn hoang tịch cô liêu (hermitic), hoặc “mệt” hơn nữa, mang tính tự tri, tự giác một mình, viết ra đại đa số người khác sẽ không hiểu, vì cái quá mới lạ của nó mà ý nghĩa chưa được chấp nhận hay phổ cập — neologistic. Cũng phải thôi, và có lẽ để hiểu hơn thì cũng là những kẻ thân cận với nạn nhân những Lò thiêu.


CH


----

https://www.youtube.com/watch?v=RoXbPTmFlt8

Phần nhận xét hiển thị trên trang

"Văn nghệ chào mừng" của ông Tuấn bùn quá đê!

ĐẠI HỘI 9 NHÀ VĂN NGÂM KHÚC (4)

Trương Vĩnh Tuấn


KHÚC THỎA MÃN



Dự thảo báo cáo 5 năm .
Đọc xong lại cứ tưởng nhầm là … thơ .
*

Câu và chữ nhiều mơ ít thực .
Đinh có to gỗ mục rớt liền .
5 năm trục trặc triền miên .
Mà sao báo cáo lại tuyền hồng tươi .
*

Phải mở ngoặc rằng người chèo lái .
5 năm qua đã giỏi lại cừ
Rằng không lử đử ông từ
Bao nhiêu hội thảo thực hư... cõi Thiền
*

Vốn là kẻ ít tài , yêu hội .
Đành đôi dòng thưa gửi thiết tha .
Đàn kêu như gõ thanh la
Chẳng nghe thì vứt xó nhà có sao
*

Này lý tưởng lập trường kiên định .
Này con đường chân chính sáng choang.
Tiền đề khơi dậy mênh mang
Nhà văn ngay ngắn xếp hàng xông lên
*

Tiếp cận rộng - sâu xa biện chứng .
Không để cho thực dụng hoành hành .
Các lĩnh vực nhạy và nhanh
( vỗ tay tán thưởng chấp hành hoan hô )
*

Nhiều tác phẩm trở về lịch sử
Đã khách quan còn có công bằng.
Triết lý sắc, giá trị tăng
Làm giàu truyền thống ngàn năm nước mình.
*

Hiện , siêu thực - tâm linh - minh triết .
Lại đâm đà hơi thở hôm nay
(Chữ như phượng múa rồng bay .
Ngẩn ngơ nỏ biết loay hoay trốn tìm .)
*

Thêm một lớp các nhà văn trẻ .
Sinh khí tăng , thế hệ dâng trào
( 40 tuổi được là bao .
Mà thành một lớp , ôi chao… hơi liều)
*

Mảng phê bình dồi dào khởi sắc .
Vận dụng nước ngoài chọn lọc khéo khôn .
( lần từng trang sách mà xem .
Các nhà lý luận làm nên những gì )
*.

Về thành tựu rất chi là tốt .
Nhưng ý này mới thiệt là hay .
Hội viên tay nắm chặt tay .
Nâng cao nhận thức dựng xây chương trình
*

Ban chấp hành ban hành nghị quyết .
Cho hội viên quán triệt thường xuyên .
( vào hội hai chục năm liền.
Vẫn chưa có được một phiên luận bàn . )
.*

Đã bẻ gãy bọn toan chia rẽ .
Làm đổi màu nghiêng ngả văn chương .
( việc ni không thể xem thường .
Chấp hành phải rõ lập trường thép gang ).
*

Báo Văn Nghệ hiện đang phát triển .
Vẫn xứng tầm đại diện làng văn .
( tự dưng đất sụt dưới chân .
Tự dưng máu chảy rần rần sống lưng )
*.

Về khuyết điểm đôi dòng qua quit .
Sai tày trời thin thít thịt đông
Gọi là hạn chế cho xong
Dầu sao tiếng bạc lời đồng dễ xuôi ..
*

Những vấp váp nhất thời cuộc sống .
Nghĩa văn nhân thận trọng kiên trì .
( hình như đây tiếng thầm thì .
Bảo nhau thì vưỡn phải gì lên gân ).
*

Người tham gia Văn đoàn độc lập .
Đã kiên trì thuyết phục sớm trưa .
( ban chấp hành cũng biết thừa
Ngài phó chủ tịch... muối dưa Văn đoàn ).
*

Liếc qua bản chấp hành kiểm điểm .
Rất hào hùng lấp biển rời non .
Cũng là những ví với von .
Kiên trì – Định hướng – sắt son – anh hùng
*


Chỉ việc này ừ rằng phải nói .
Bởi nếu không rôi lại hoá vàng
Đó là thủ trưởng cơ quan .
Cấp 2 dứt khoát uỷ viên chấp hành .
*

Quyền và lợi quyết giành quyết giữ .
Luật hiện hành vứt bỏ dưới chân .
Này này những cánh tay săn .
Nắn xa rồi lại bóp gần mới xong
*

Văn chưa sắc bởi tài có thế .
Sách chưa hay duyên nợ vẫn còn .
Những dòng báo cáo nỉ non .
Làm sao chẳng biết sẽ còn làm sao
*


Đàn kêu khúc thấp khúc cao
5 năm chẳng lẽ nhì nhào thế a ?
Báo này cáo của hội ta .
Hay là lợi ích vài ba chấp hành .
*

Đàn kêu khi chậm lúc nhanh
Ai về đại hội phóng thanh rộn ràng
Đàn kêu giữa chốn nhân gian
Nghe chăng hay lại gảy đàn… tai trâu …
Đón đọc kì sau

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Trăm năm nữa không còn loài người !!!

Thái Bình
Chủ Nhật,  21/6/2015, 19:00 (GMT+7)
 

 

 

 

Một đôi nam nữ đứng trên đồi nhìn về thành phố Cairo, Ai Cập trong một ngày mà nhiệt độ lên tới 45,5 độ C. Ảnh Reuters










(TBKTSG Online) - Dưới tiêu đề: “Một đứa trẻ sinh ra hôm nay sẽ có thể sống và chứng kiến ngày tàn của nhân loại, trừ phi…”, bài báo đăng trên trang Reuters hôm 18-6 là một lời cảnh báo nghiêm khắc về tương lai u ám nếu như ngay từ hôm nay con người không thay đổi tận gốc cách sống, cách ứng xử với thiên nhiên.
Bài báo dẫn lời nhà vi sinh vật học người Úc Frank Fenner – một trong những nhà lãnh đạo nỗ lực xóa bỏ bệnh đậu mùa trong thập niên 1970 – cho rằng, nhân loại sẽ bị tuyệt diệt trong 100 năm nữa bởi vì hành tinh này sẽ không còn cư trú được. Ông Fenner quy trách nhiệm cho nạn nhân mãn, hủy hoại tài nguyên và biến đổi khí hậu.
Lời tiên đoán của ông Fenner không phải là một điều cả quyết nhưng ông đúng khi cho rằng, việc giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính sẽ không đủ để cứu chúng ta ra khỏi xu hướng tiến dần tới thảm họa. Mà dù sao, cũng chưa có một nỗ lực khẩn trương toàn cầu nào nhằm giảm khí thải. Hôm thứ Hai vừa qua, khi các nhà lãnh đạo nhóm 7 nước công nghiệp phát triển G7 kêu gọi tất cả các quốc gia giảm khí thải carbon xuống mức 0% trong vòng 85 năm nữa, phản ứng của giới khoa học khá đồng nhất: quá muộn rồi!
Và hội nghị Công ước khung của Liên hiệp quốc về Biến đổi khí hậu đang diễn ra ở Bonn, Đức nhằm chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh Liên hiệp quốc về Khí hậu sẽ diễn ra ở Paris, Pháp cuối năm nay cũng không đưa ra được một hiệp ước đầy đủ. Vả lại, giảm mức phát thải chỉ là một nửa câu chuyện, mà là nửa dễ nhất. Nửa khó hơn là phải có một nỗ lực hiệu quả nhằm tìm ra những công nghệ cần thiết để đảo ngược tiến trình “tận thế về khí hậu” đã bắt đầu diễn ra rồi.
Trong nhiều năm nay, chúng ta thường nghe nói rằng, chúng ta đang ở điểm tận cùng. Trong bộ phim tài liệu “Một sự thật khó chịu” (An Inconvenient Truth), ông Al Gore – nguyên phó tổng thống Mỹ - đã cảnh báo rằng nếu chúng ta muốn tránh tình trạng ấm lên toàn cầu thì phải hành động ngay lập tức. Năm 2007, Sir David King – cựu cố vấn chính về khí hậu cho chính phủ Anh – tuyên bố: “Không thể tránh được sự biến đổi khí hậu nguy hiểm – sự biến đổi khí hậu nguy hiểm đã ở đây rồi. Vấn đề là, chúng ta có thể tránh sự biến đổi khí hậu mang tính thảm họa hay không?” Trong những năm tháng từ đó đến nay, sự phát thải đã tăng lên, nhiệt độ trái đất cũng tăng theo. Chỉ có thể rút ra hai kết luận: Hoặc là những lời cảnh báo đó quá thổi phồng, hoặc chúng ta đã lâm vào tình trạng rắc rối hơn là tuyên bố của Liên hiệp quốc. Không may là kết luận thứ hai tỏ ra đúng.
Giảm mức phát thải và chuyển sang sử dụng nguồn năng lượng sạch hơn là bước đi cần thiết để ngăn chặn tình trạng nhiệt độ tăng cao mang tính thảm họa. Mục tiêu chung là giữ cho nhiệt độ trái đất không tăng nhiều hơn 2 độ C. Tăng nhiều hơn mức đó – như mức 5 độ C từ nay đến năm 2100 – có nguy cơ gây lũ lụt tràn lan, nạn đói, hạn hán, nước biển dâng, nhiều loài bị tận diệt và tệ hơn nữa, nếu vượt qua điểm tận cùng (ở mức 6 độ C) thì phần lớn hành tinh sẽ không còn cư trú được nữa, phần lớn các loài động thực vật sẽ bị tuyệt diệt. Ngay cả với mức tăng 2 độ C, thì theo dự báo vào cuối thế kỷ này mực nước biển sẽ tăng cao thêm hơn 1 mét và hàng triệu người phải di tản tới nơi khác.
Và chính ở đây những cuộc thảo luận của Liên hiệp quốc đã tỏ ra bất cập nghiêm trọng. Những mục tiêu được đề nghị bởi Hoa Kỳ (tới năm 2025 giảm từ 26 đến 28% lượng khí thải so với năm 2005), bởi châu Âu (tới năm 2030 giảm 40% lượng khí thải so với năm 1990), bởi Trung Quốc (không đặt ra tỷ lệ cụ thể song cho rằng phát thải sẽ lên đỉnh điểm vào năm 2030) đều còn xa mới đủ để giúp chúng ta đạt được mục tiêu giữ cho nhiệt độ trái đất không tăng quá 2 độ C.
Năm 2012, nhà báo Bill McKibben, trong một bài tường thuật cho tạp chí Rolling Stone, đã giải thích phần lớn bài toán nằm sau lối suy nghĩ hiện thời về tình trạng ấm lên toàn cầu. Ông kết luận rằng, những con số mà Liên hiệp quốc đưa ra chắc chắn vẫn còn quá lạc quan. Đặc biệt, McKibben lưu ý rằng, hiện thời nhiệt độ trái đất đã tăng lên 0,8 độ C, và cho dù chúng ta ngừng toàn bộ các hoạt động phát ra khí thải ngay ngày hôm nay thì nhiệt độ vẫn tăng thêm 0,8 độ C nữa do lượng CO2 đang tồn trữ trong khí quyển gây ra. Như vậy chúng ta chỉ còn “khoảng đệm” 0,4 độ C trước khi chạm ngưỡng 2 độ C. Và cho dù hội nghị thượng đỉnh Paris cuối năm nay thực hiện được tất cả những gì đã hứa thì chúng ta vẫn đang trong xu hướng “tiêu dùng” hết khoảng đệm “ngân sách CO2” còn lại – tức là mức khí thải mà chúng ta có thể phát ra mà không sợ vượt ngưỡng 2 độ C - chỉ trong vòng hai tới ba thập niên, chứ không thể kéo dài tới giữa thế kỷ này.
Hoàn toàn có thể khẳng định rằng, những mục tiêu về cắt giảm khí thải nói trên là không đầy đủ. Bản thân chúng chỉ có thể đưa ra một cơ hội rất nhỏ nhoi cho việc ngăn chặn tình trạng trái đất biến thành một hành tinh không thể cư trú được – hoặc ít ra là không phù hợp với sự sống của loài người – trong một vài thế kỷ tới. Để cho những cuộc thảo luận không trở thành những viên thuốc an thần đơn thuần, chúng cần phải bao quát được những kế hoạch tích cực trong việc làm giảm các vấn đề khí hậu, với giả định rằng những mục tiêu đầy kỳ vọng hiện nay là không thể đạt được.
Bên cạnh việc hợp tác để đối phó với những cuộc khủng hoảng do khí hậu gây ra và tình trạng bất ổn đi liền với chúng, các nhà lãnh đạo cần khuyến khích và tài trợ cho sự phát triển các công nghệ có thể làm đảo ngược những gì chúng ta không có khả năng ngăn chặn đang gây ra cho hành tinh này. Nhiều công nghệ này hiện thuộc về lĩnh vực “cô lập carbon” – tích trữ khí CO2 thay vì phát tán nó. Những chiến lược rủi ro hơn, chẳng hạn như bắn chất sulfat vào khí quyển để phản chiếu sức nóng từ năng lượng mặt trời trở về không gian, và gieo rắc chất sắt vào các đại dương để phát triển các loài tảo có khả năng hấp thụ carbon… tỏ ra có nhiều rủi ro vì có những hậu quả không mong muốn. Hiện vẫn chưa có những giải pháp an toàn hơn và tốt hơn để giảm thiểu sự tập trung khí CO2 trong khí quyển và chúng ta cần khám phá ra các giải pháp đó và vận dụng chúng.
Trong các cách tiếp cận này không có cách nào thay thế được việc cắt giảm khí thải. Xây dựng một xã hội không khí thải là mục tiêu lâu dài và cần thiết, bất chấp những bất cập về công nghệ. Công nghệ có thể giúp chúng ta có thêm thời gian để đi tới mục tiêu đó mà không làm cho trái đất nóng lên thêm. Cuối cùng, chúng ta cần một sự đầu tư lớn như thời Chiến tranh Lạnh vào việc nghiên cứu các công nghệ mới để giảm thiểu những hậu quả đang xảy đến của tình trạng nóng lên toàn cầu. Không có sự đầu tư đó, công việc của Liên hiệp quốc, dù là một cử chỉ đẹp, nhưng chẳng có mấy ý nghĩa.
(theo Reuters)

Phần nhận xét hiển thị trên trang