TT - Các nhà lãnh đạo ASEAN cho rằng cần phải bảo đảm giải quyết hòa bình các tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Các nhà lãnh đạo ASEAN tại Malaysia ngày 27-4. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đứng thứ ba từ trái sang. Ảnh: EPA
Hội nghị thượng đỉnh ASEAN kết thúc bằng tuyên bố của chủ tịch hội nghị, nhân danh các nhà lãnh đạo khác, có câu: “Chúng tôi chia sẻ những quan ngại nghiêm trọng được một số lãnh đạo bày tỏ về việc bồi lấp biển đang tiến hành trên biển Đông, làm xói mòn niềm tin, sự tin cậy và có thể hủy hoại hòa bình, an ninh và ổn định”, song không nêu đích danh Trung Quốc, AFP cho biết!
Đúng là ASEAN cũng đã có một tuyên bố tương tự tuyên bố chung của các ngoại trưởng nhóm các cường quốc G-7 như mong mỏi của tổng thống Philippines từng đề cập trước khi gặp nhau.
Tuy nhiên, tuyên bố của chủ tịch hội nghị ASEAN lại có phần nhẹ hơn: trong khi các ngoại trưởng G-7 cùng bày tỏ quan ngại thì ở hội nghị tại Malaysia chỉ là “chia sẻ những quan ngại của một số lãnh đạo đã nêu ra” mà thôi, tức phản ứng không phải là toàn thể! Dẫu sao các lãnh đạo cũng đã cùng nêu ra chung nguy cơ là biển Đông sẽ mất hòa bình, an ninh và ổn định.
Vấn đề là hòa bình, an ninh, ổn định hay chiến tranh, bất an và bất ổn lại tùy thuộc ở ý muốn hay tham vọng của Trung Quốc. Mà Trung Quốc thì không ngớt lấn tới bằng cách này hay cách khác: năm ngoái cắm giàn khoan trong vùng biển của Việt Nam, năm nay lấp biển, mở rộng đảo lập căn cứ quân sự!
Lộ trình lấn áp đó của Trung Quốc chỉ dẫn tới hai chọn lựa: hoặc nhắm mắt cam chịu hoặc xung đột để Trung Quốc “lấy thịt đè người”.
Tính toán dồn ép này rõ như ban ngày, đến nỗi Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 10-4 đã phải lên tiếng cảnh báo rằng điều làm ông quan ngại là việc Trung Quốc đang sử dụng kích thước tuyệt đối và cơ bắp của mình để buộc các nước vào thế lệ thuộc".
Thật ra, biển Đông chỉ là chặng đầu của lộ trình làm chủ Thái Bình Dương để rồi trở thành bá chủ thiên hạ sau khi quật ngã Mỹ bằng một trận Trân Châu cảng mới. Tất nhiên, nhanh hay chậm tùy thuộc vào:
(1) Khả năng làm chủ kỹ thuật sản xuất vũ khí tấn công của Trung Quốc. Như Nhật Bản vào những năm 1930 đã ào ạt sản xuất hết lớp tàu sân bay này đến lớp tàu sân bay khác để từ chỗ chỉ vài chiếc kéo tới “làm cỏ” Thượng Hải vào năm 1932, đến chỗ huy động cả một đoàn tàu sân bay nhấn chìm gần hết hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ ở Trân Châu cảng tháng 12-1941, rồi đánh tiếp trận đôi công bằng tàu sân bay ở Midway năm sau.
(2) Độ thuần thục của những đơn vị tấn công quân sự này. Thực tế cho thấy có lẽ cũng còn lâu Trung Quốc mới có được một hạm đội tàu sân bay thiện chiến để đánh trận sống mái. Thành ra, trong khi chờ đợi, “húc” các nước nhỏ là dễ làm nhất. Ít nhất các lãnh đạo ASEAN đã nhìn thấy nguy cơ “hủy hoại hòa bình, an ninh và ổn định” như nêu trên.
Lịch sử đầy rẫy những bài học tương tự. Năm 1939, khi xe tăng Đức tiến vào Ba Lan, một thượng nghị sĩ Mỹ tuyên bố hùng hồn: “Lạy Chúa, phải chi tôi đã có thể nói chuyện với Hitler! Tất cả chuyện này có thể tránh được". Quả là suy nghĩ ảo tưởng vì không chịu nhìn thấy rằng trước đó phe Trục đã liên tiếp ra tay!
Tháng 3-1936, quân Đức tiến vào vùng Rhineland, dù hòa ước Versailles cuối Thế chiến thứ nhất đã từng cấm quân Đức bước vào. Người Pháp không muốn mạo hiểm chiến tranh nên nín thinh, còn người Anh thì chủ trương nhịn để giữ lấy hòa bình cho bằng được.
Vụ tái chiếm Rhineland này của Đức thúc đẩy Đức chiếm Ba Lan ba năm sau đó, và rồi Thế chiến thứ hai nổ ra ngay trước mũi liên quân Pháp - Anh! Còn ở châu Á - Thái Bình Dương, năm 1931 Nhật tấn công vào Mãn Châu rồi đổi tên thành “Mãn Châu quốc". Mỹ cũng chỉ phản ứng bằng đàm phán để rồi bị đánh úp ở Trân Châu cảng 10 năm sau.
DANH ĐỨC
Phần nhận xét hiển thị trên trang