Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 17 tháng 4, 2015

Người Ai Cập không xây dựng Kim tự tháp!


ЕГИПТЯНЕ ПИРАМИД НЕ СТРОИЛИ!

ЕГИПТЯНЕ ПИРАМИД НЕ СТРОИЛИ! Kichbu theo kolevm38.blog.bg


Ngay lập tức cần  phải nói trướccác nhà khoa học  bằng mọi cách giấu giếm thông tin này, bởi vì nó hoàn toàn không phù hợp trong những nguyên tắc của thế giới, mà cácsách giáo khoa lịch sử đã mô tả cho chúng ta từ thời thơ ấu. Đã từ lâu trên hành tinh này tìm thấy những nơi chôn cấtvà thường là hài cốt của người khổng lồ. Chúng đượcđào  xới trên khắp thế giới, cả trên cạn và cũng như dưới biển và đại dươngMột minh chứng tiếp theo cho điều này - vật tìm được ở Yakutia.

Một nhóm các nhà khoa học độc lập nghiên cứ vấn đề này đã nhiều năm và đã dựng lên mộtbức tranh chân thực về những gì thực tế tồn tại trên hành tinh này 12-20 000 năm trước đây.Và với thời gian như vậy không phải là quá lâuChiều cao của những người khổng lồ khi còn sống là từ 4 đến 12 mét, ngoài sức mạnh thể chất họ sở hữu khả năng tinh thần phi thường.Phải chăng đó là nền văn minh bí ẩn của Atlanteansmà một số xem là thần thoạitrong khinhững người khác cho rằng nó đã từng thực sự tồn tại  đã biến mất.

 

Vì vậy, các nhà nghiên cứu cho rằng nền văn minh này của những người khổng lồ đã xây dựng những kim tự tháp không chỉ ở Ai Cập,  còn trên toàn hành tinh, tổng số các kim tự tháp được họ xây dựng là hơn 600Đồng thời việc xây dựng được tiến hành trong một hình học quy định nghiêm ngặt. Các kim tự tháp được dựng lên mà không cần sử dụng bất kỳ lực lượng nô lệ nào với công nghệ đơn giản được sử dụng ngày hôm nay, đó là tấm ván cophathông thườngtức là những khối lớn không dịch chuyển trên những khoảng cách xa,  đã được lấp đầy với kết cấu bê tông vững chắc trong khuôn gỗ!
Còn tiênn định của chúng là năng lượng và liên quan đến năng lượng vũ trụvà việc sử dụngnăng lượng này chúng ta vẫn còn chưa biếtĐiều này  sau đó nền văn minh khác của con người, đặc biệt những người Ai Cập bắt đầu bắt đầu thờ các vị thần tối cao, những người đã xây dựng các kim tự tháp và biến chúng thành những lăng mộ cho các faraong, những đó làtôn giáo và là một vấn đề riêng biệt. Như Quý vị biết, người Ai Cập không xây dựng các kim tự tháp!

 
Vấn đề thú vị nhất, đó là tại sao những người khổng lồ như vậy đã có thể tồn tại và tại sao bị mất?

 

Vấn đề là ở chỗ các nhà khoa học đưa ra giả thiết tồn tại bốn mặt trăngvà lực hấp dẫn trên hành tinh này  hoàn toàn khác và áp suất khí quyển cũng kháctrong những điều kiện vật lý như vậy, người khổng lồ về thể chất có thể cảm thấy tuyệt vời  sống lâu dàiCòn tiêu vong gây nên bởi thảm họa, ba mặt trăng rơi xuống bề mặt của Trái Đất.
 



Nhưng các nhà nghiên cứu bác bỏ lý thuyết này, vì cứ thử tưởng tượng điều  sẽ xảy ra nếungay cả bây giờ mặt trăng của chúng ta xích lại gần với hành tinh của chúng ta, thì đó nếu không phải là tận số của thế giới, thì cũng là sự tiêu vong của nóVì vậy, có ý kiến rằng trên thực tế lực hấp dẫn trên hành tinh này  khác xung quanh trái đất là một vành đai tiểu hành tinh băng như các vành đai xung quanh sao Thổ.

 



Vì vậy, hành tinh này rất giàu oxynó mang lại một động lực mạnh cho sự phát triển khôngchỉ của người khổng lồ, mà còn cả thế  giới động vậtNhưng do sự thay đổi của các cực vànhững biến đổi vũ trụ khác, vành đai băng đã đổ nước xuống trái đất dữ dội dẫn đến sự tiêu vong, dẫn đến sự tiêu vong của nền văn minh này, tương ứng đã xảy ra cả biến đổi khí hậuvề vật lý gần với những biến đổi hiện nay của chúng ta.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

KHÚC CA BI THIẾT CỦA MỘT KẺ CÔ ĐỘC


(Trường ca)
 
 

 
                             hồn phách ta vẫn mở toang ra đất trời bốn phía
                                     minh triết cuộn giữa phù du…


 

I


có phải là khải thị của đêm
ta đọc thấy trong sự chần chừ của ánh mặt trời
buổi sớm mai đến muộn
rừng cây như không còn muốn nghe tiếng hát gượng gạo của chim
lũ chúng cũng mới trở về từ cuộc hành trình gian truân
ngang qua vùng cấm bay trên mặt đất và trên biển
những sắc lệnh ngu xuẩn của con người
khiến lũ chim vô cùng mệt mỏi
hỡi những vị thần cai quản đất đai
người yếm thế
hay người bất lực trước sự thô bạo của con người
ta kẻ cô độc bước trên bờ sử lịch
thấy lũ chim buồn
không thể không nói



II


lũ sâu bọ cựa mình trong chiếc áo màu máu
lập tức cuộc diễn tập về cách làm ngưng trệ cuộc tiến hóa diễn ra khắp nơi
có phải là khải thị của đêm
những kẻ ca ngợi lũ sâu bọ đã tụ tập thành bè nhóm
để làm ra những cuốn sách báng bổ vẻ đẹp của sự thật báng bổ
những cuộc trò chuyện của những kẻ vốn kết giao với những ngọn gió
thổi về tự buổi hoang sơ
đổ xuống những chiều cô tịch
cứ rộ lên tiếng gà gáy đêm
những người đi tìm lương thảo cho ánh mặt trời
đã rời khỏi cuộc hành trình
ta kẻ cô độc bước trên bờ  sử lịch
thấy con rắn buổi hồng hoang có mặt trong những cuộc diễn tập
được phát động bởi lũ sâu bọ
những người đi tìm lương thảo cho ánh mặt trời
đang chờ nhau dưới đám mây mùa đông



III


những mảnh hồn cổ xưa lại hiện về trong trằn trọc nhận thức, ta chạy hụt hơi qua những tháng năm cũ để tìm chút an ủi trong những lời được viết ra trên mảnh đất nung, chữ viết hình nêm vàng ố cảm xúc, thời gian nén lại thành những hình hài, có thể là ký thác cái chết cao cả, người anh hùng chết cho tổ quốc lâm nguy, có thể là lời tiên tri về sự đảo lộn của thế giới, ai đó đứng nơi công trình cự thạch bên biển cả nhìn thấy số phận con người, có thể là cơn thịnh nộ của vị thần sinh nở khi nhìn thấy con người đã gạt bỏ niềm xúc động thiêng liêng ra khỏi cuộc giao phối của mình, có thể là tường trình vẻ tráng lệ của những  cảm thức biến ngợp về buổi ban đầu  kỳ diệu của tạo tác, sự bắt đầu cho sự bắt đầu thi ca, ta chạy hụt hơi qua những tháng năm tiền sử bới tìm trong đất những trường đoạn buồn vui của kiếp con người, những dấu vết cuộc tồn sinh bao giờ cũng làm ta bớt cô độc.


IV


có biết là ta đang cô độc hỡi những kẻ đã nằm xuống mảnh đất sỏi đá, nhau rốn ta cũng chôn ở nơi này, sỏi đá và những con mắt đã cạn nước mắt, ta vẫn thường hay nhìn thấy những nắm xương cũ kỹ ở trong đất vào những lúc nghĩ ngợi về ngôi làng Cù của mình, con đường vào làng ta có lúc được đắp cao lên có lúc bị sụt lở, những ngôi nhà trong làng ta có lúc biến thành nhà tầng nhà gác có lúc cháy rụi vì lửa của trời hay lửa của người, đồng làng ta có lúc ngọn lúa tươi tốt có lúc không người cày, nhưng hết thảy những thứ đó là đều thuộc về mảnh đất sỏi đá, đã mấy trăm năm sỏi đá và những con mắt đã cạn nước mắt, những người làng ta nằm xuống từ ngôi làng đã quá cũ kỹ, nên cũng để lại trong đất những nắm xương cũ kỹ, ta cũng thường hay nhìn thấy những ngọn tre làng phủ xuống trong giấc ngủ, những ngọn tre làng như những con mắt đã cạn nước mắt


V


những giấc mơ chẳng mách bảo  ta điều gì mới mẻ, lúc ngày ta gần như hụt hơi giữa một thế giới đang xoay chuyển đến mức như không còn kịp nhìn, đêm lại nằm mơ thấy mình chạy trối chết giữa cuộc rượt đuổi của bầy thú hoang, ta chạy như không còn kịp sống, thì ra giấc mơ trong đêm chẳng qua là một cách diễn dịch khác của ngày, đêm hôm qua ta nằm mơ thấy chó sủa khắp nơi trên mặt đất, lũ chó lùng sục hết thảy những ngõ ngách của nền văn minh cổ kính, lùng sục hết thảy những ý nghĩ của những kẻ đang dốc hết tâm sức cho một ngày nhìn thấy được thứ vật chất tối bấy nay vẫn phủ lên mặt đất, theo sau lũ chó là những kẻ mặc áo quần đen, đội mũ đen, đi giày đen, tiếp sau đó là những bắt bớ,  bắn giết… sáng ra ta đem kể với người làng Cù ta về giấc mơ trong đêm, nghe xong mọi người đều bảo đấy là thật  chứ chẳng phải mơ.


VI


có phải là khải thị của đêm, ta đọc thấy trong màu ráng chiều niềm nghi hoặc, chẳng phải tài ba như kẻ đo đạc con nước sông Nil cổ kính, nhưng từng là kẻ ruộng, ta cũng biết nhìn màu ráng chiều đoán vận mệnh cây lúa trên đồng làng, buổi chiều hôm nhìn nhữngđám mây màu máu trên đỉnh núi Voi Nằm, ta không thể không cảm thấy nghi hoặc về một cơn mưa trái mùa làm nảy sinh loài sâu bọ, đêm nghe tiếng vạc kêu trên đồng làng, tiếng kêu khắc khoải tựa buổi mới lập đất, và lũ chó nhà ai, như đang chõ mõm về phía bầu trời có tiếng vạc, cùng tru lên những lời lẽ, cũng khắc khoải như tiếng vạc kêu sương, sự cảm nhận đơn giản của kẻ ruộng mách bảo với ta rằng lũ chó nhà ai và lũ vạc kêu sương là đồng đảng, chúng đang hùa nhau để giả nói cho con người biết là chúng đang biết có điều hệ trọng gì đó sắp xảy ra


VII


ta vẫn hít thở dưới bầu trời xưa cũ, trăng sao vẫn là trăng sao thuở trước, nhưng ta đọc thấy sự lơ là trong cách gặm cỏ của lũ bò ở làng Cù ta, nếu không nói là chúng  không còn muốn gặm cỏ, làm như thể chúng sắp tiến hóa lên một loài giống nào đó cao hơn loài bò gặm cỏ không còn phải gặm cỏ, cũng trăng sao thuở trước, nhưng ta đọc thấy sự lơ là trong cách  đến với nhau của con người thời đại, dường không còn  niềm xúc động thiêng của những đêm tiền sử đốt lửa giữa rừng sâu, con người là phải nắm chặt tay nhau cùng cười khóc giữa thế giới đầy bất trắc, làng Cù ta nhỏ như bàn tay, đêm chỉ mỗi tiếng chó sủa trong làng cũng làm ta tỉnh ngủ, đêm ta cứ lơ mơ nghe thấy tiếng kêu cứu vang lên khắp mặt đất, có khi là ta nghe như tiếng tức tưởi không thành lời, hay là sự ngu xuẩn của thời đại đang siết cổ con người, đêm ta cứ nghe lũ chó trong làng hùa nhau sủa, làm như thể chúng biết cách thông báo cho nhau biết đến lúc đó là hết thảy phải cùng sủa lên



VIII


những tháng năm lạc vào kẻ chợ giống như cuộc lênh đênh ngẫu nhĩ  cắt ngang cuộc đời ta
mấy lần ta lạc vào kẻ chợ
ký ức nặng trịch những  đám mây màu tro
những ngõ ngách của cuộc tồn sinh luôn tác động lên nghĩ ngợi của ta
nhưng có một điều chắc chắn
là không gì xóa được thứ âm vang hoang dã trong ký ức ta
tiếng ếch nhái trên đồng làng

                                                         *
phố chợ và biển cả đứng bên nhau
như một sắp đặt cố ý của những nhà thiết kế chương trình xâm chiếm đất đai
những thế kỷ trước
đi đến đó là hết đường đi
chỉ còn ra biển
mấy lần lạc vào  phố biển như nơi quy tụ những nghĩ ngợi của con người
ta cứ căng mắt nhìn vào thứ quá khứ dày đặc sử sự như luôn bị át đi bởi tiếng biển gào

                                                        *
ta nhìn thấy vũ điệu apsara lượn lờ trên những vị quân vương luôn muốn được ngợi ca là kẻ bách chiến bách thắng, tất nhiên là chẳng có vị quân vương nào muốn bị nguyền rủa bởi những linh hồn rã mục trong đất đai thấm máu , đâu còn có kinh thành nào ngả bóng lên biển cả, ta nhìn thấy những cơn ác mộng phủ xuống mảnh đất như bàn tay đơn độc thò ra biển cả, cơn ác mộng của thế kỷ, những đường phố loang lổ thời gian, đào lên và lấp lại, và lại đào lên, bến nước luôn vọng lại tiếng còi tàu ẩm ướt, nỗi sợ hãi choàng lên năm tháng, ác mộng lại chuyển sang đại mộng, người ta lại bắt đầu nói về bầu trời đầy sao, các vị thần trên cao đã xuống đất bước đi cùng con người thời đại, áo gấm đang  bay trong gió, bỗng giữa chừng có kẻ hấp hối vì đánh mất niềm tin, đêm, những cột đèn đường vẫn thao thức
                                                        * 
em đến giữa lúc những kẻ coi ngó phố chợ còn đang ngái ngủ
những tay biện thuyết nghênh ngang đi lại
quảng trường thời đại luôn vang lên những lời hô hét
hết thảy hãy cùng tiến lên
những người đánh cá đêm ngoài khơi phải chờ cho đến lúc tàn cuộc đỏ đen nơi phố chợ
mới dám bủa lưới
thì chẳng phải là đang buổi thanh bình
nhưng bởi vì em mang trong mình những nghĩ ngợi khác với nghĩ ngợi những tay biện thuyết
nên không còn được ăn cơm gạo của phố chợ
đêm
những ngọn đèn đường vẫn thao thức
ta đưa em đến trú ngụ ở vùng núi rừng biên cương của xứ sở
một cuộc tình khởi lên giữa bão tố

                                                          *
có phải là khải thị của đêm
ta đọc thấy trong vẻ hối hả của người khách đi đường trong buổi sớm tinh mơ
ông tìm ai nơi đây
kẻ chợ thấy có kẻ hơi khác thường thì hỏi
người khách đi đường bảo là đang lo lắng không còn đủ thời gian để ra khỏi phố chợ
                                                            
                                                         *

kẻ chợ
nơi nuôi dưỡng những giấc mơ về một quần thể loài người huy hoàng khoáng đạt
có vẻ như là yếu tố làm nên những cuộc văn minh trong quá khứ
làm sao không nói đến cách tụ tập thành những quần cư có thành lũy bốn bên như là chỗ bắt đầu cho những khái niệm về chốn đô hội tráng lệ về sau
mọc lên cùng những lâu đài phố chợ là những lâu đài tư duy về cách tiếp cận thế giới tự nhiên
tự thế kỷ này sang thế kỷ khác những chân lý của tự nhiên được tư duy con người lần lượt xác lập
kẻ chợ
chỗ bắt đầu cho những bắt đầu của sự sáng giá
nhưng lại là chốn trú ẩn của những tội lỗi
kẻ chợ vốn là kinh đô của những cuộc trác táng  quy mô của loài người kinh đô của những cuộc thương hồ sóng gió với muôn vạn hình thù sáng nghĩ bởi những bộ óc đầy vẻ bí ẩn của con người và là kinh đô của những triều đại hình thành giữa cuộc phong ba trần thế lịch sử là màu sắc của các triều đại phong kín giữa những thành quách kiên cố là những mưu toan nhằm  làm cho con người phải luôn tuân phục những sức mạnh luôn được gọi bằng những tên gọi đẹp đẽ thiêng liêng một cách cố ý thứ sức mạnh có vẻ vô hình nhưng thực ra là những quyền lực tệ hại của con người muốn đem đặt lên đầu con người
kẻ chợ
nơi bắt đầu cho những niềm thao thức

                                                           *
và em
đã trở thành người con gái của dáng vẻ vô biên



IX


và đây là cuộc đuổi bắt ngoạn mục của thế kỷ
cuộc đuổi bắt các thứ mục đích
đuổi bắt các thứ ý đồ
đuổi bắt các thứ trạng thái ý thức (tỉnh táo có cuồng loạn có)
khói bụi tỏa kín bầu trời thế kỷ
ta hụt hơi và vô cùng cô độc trong việc trốn chạy khỏi các cuộc rao giảng về cách thế tồn tại của những tay biện thuyết tầm cỡ của thời đại
trốn chạy khỏi các cuộc tuyên truyền về một trật tự mới của mặt đất và bầu trời của những nhà mộ quân quyết đoán
trốn chạy khỏi những cuộc trưng bày về các học thuyết về  cái chết của những vị triết gia ăn vận hoàn toàn theo kiểu đương đại
là bọn họ đến từ các thế lực
đến từ các phe nhóm từ các trường phái các xu hướng…
đang có mặt khắp nơi trên mặt đất như sự  đột phá của thời đại
cái thời đại lắm việc lắm lời lắm cảnh ngộ ly kỳ
có vẻ như là thời cô đặc sầm uất nhất trong lịch sử con người

                                                           *
ta cố chạy thật xa quảng trường thời đại nhưng vẫn còn nghe thấy giọng nói như ngọn dáo dính máu chọc vào thịt da ta, giọng nói của thằng cha phù thủy, ta gọi tay biện thuyết mặc áo da đi giày da đang thuyết giảng về ý nghĩa những cuộc xâm lấn đất đai của cha ông hắn là thằng cha phù thủy
cúi rạp dưới chân cha ông kẻ này là những vị vua chúa trên các miền đất trải dài từ phương bắc lạnh lẽo đến phương nam gió ấm, những biên cương đất đai của đám tiểu quốc dưới nắng mặt trời này chẳng là cái quái gì đối với cha ông kẻ này, nhưng chỉ vì là lòng nhân, lòng nhân của một đại cường quốc muốn đem ánh sáng của một nền văn minh sáng giá ban phát cho lũ chúng, do vậy mới có việc thu hết thảy về một mối
ta gọi tay biện thuyết mặc áo da đi giày da ở quảng trường thời đại là thằng cha phù thủy , bởi giọng điệu của hắn là rặt với cách nói năng ma quỷ của một lão phù thủy lão luyện trong những cách thức lừa bịp kẻ khác
                                                          *
ta cố chạy thật xa quảng trường thời đại nhưng vẫn còn nghe thấy tiếng hát véo von của đám vũ nữ đến từ những sa mạc phương nam trong bầu đoàn đi rao giảng về sự bất tử, ở quảng trường thời đại, sau mỗi bài thuyết giảng của kẻ nhân danh sứ giả của hư vô, đám vũ nữ lại khởi lên những vũ khúc mô tả cái thế giới lung linh kỳ dị chỉ chứa đựng sự bất tử qua  xiêm y tơi tả như những chiếc lá trước gió cùng với giọng hát tựa khúc hồn phiêu dạt, sự bất tử ở đây là đồng nghĩa với hư vô
em chờ anh từ thế kỷ này sang thế kỷ khác, chờ anh qua những mùa gió lạnh thấu xương và thứ nắng cháy thịt da, nhưng chẳng hề chi, đâu có nghĩa gì nhan sắc tàn phai, chỉ cần được nhìn thấy anh, hết thảy sẽ hồi sinh, gió sẽ ngừng thổi, nắng sẽ tan, niềm hạnh phúc vĩnh cửu nơi thế giới này chỉ có thể có được từ cái chết của anh
ta chạy, và cảm thấy vô cùng sợ hãi thứ giọng hát quyến rũ sự tiêu vong,
quyến rũ cái chết, ta chưa bao giờ nghe thấy thứ giọng hát đầy ma lực lầm than như thế, hát để kêu gọi sự phủ nhận sự sống nơi mặt đất

                                                          *
ta cố chạy cho thật xa nhưng vẫn còn nghe thấy tiếng trống chiêng, cuộc mộ quân kỳ dị nhất trong lịch sử  của loài người đang diễn ra ở quảng trường thời đại, ngay từ phút đầu nhìn thấy người  chỉ huy cuộc mộ quân bước lên bục diễn thuyết tuyên bố rằng trật tự thế giới phải được thay đổi, ta đã linh cảm về một đại nạn của thế kỷ
con người vẫn đang ngập ngụa trong những thứ kỷ cương cũ nát, những thiên niên kỷ buồn tẻ vẫn cứ trôi đi, con người chỉ làm mỗi việc thêm vào hay bớt đi những thứ có sẵn, những thứ đã được tạo ra tự những nghìn triệu năm trước, những nguyên tắc ẩm mốc vẫn đang ngự trị trên đầu nhân loại, quyền lực vẫn được mua bằng sự dối trá và công lý  phải luôn trả giá bằng máu, đã đến lúc phải được dọn dẹp sửa sang lại hết thảy
vào lúc người chỉ huy cuộc mộ quân đọc xong cương lĩnh và nổi trống chiêng  thì ta rời khỏi quảng trường thời đại, chính là ánh mắt như ngọn lửa tam muội đốt cháy cả thế gian của ông làm ta sợ hãi hơn là sợ hãi cái cương lĩnh đầy máu me của ông, ta phải chạy cho thật xa , vì không thể để cho ông ta bắt ta cùng ông ta đi tấn công chân lý của lịch sử
                                                         *
ta vẫn cố chạy thật xa  để không còn nghe thấy nhìn thấy những rắc rối phức tạp của thời đại
nhưng khi ngoảnh lại nhìn
ta biết là vẫn chưa ra khỏi  làng Cù thân yêu của ta
lũ chim cu vẫn đang gù tình nơi bờ tre đầu làng



X


có phải là khải thị của đêm
ta đọc thấy sự mệt mỏi trong ngọn gió buổi sớm mai thổi qua ngôi làng thân yêu của mình

ai bảo ta mệt mỏi
có những lúc thấy cô độc thì có
ta vẫn thổi qua những núi non và biển cả
vào những lúc cảm thấy cô độc
ta cứ gào lên
rừng cây trên núi cũng gào lên
nước ở biển cả cũng gào lên
làm như thể chúng muốn chia sẻ niềm cô độc của ta
nhưng chúng càng gào to ta càng thấy cô độc
bởi núi biển và ta là những vật thể vô cùngkhác

gió nói
ta nói
giữa giấc miên trường của tồn tại
bỗng một ngọn gió nổi lên
làm thay đổi những khái niệm

đó chỉ là cách nghĩ ngợi về thế giới của con người
tồn tại vốn là những mảnh rời
nghìn lần cô độc
ta đâu thấy có nỗi niềm nào
khi núi lở sông lở

gió nói
nhưng nghe nói tự thuở mờ mịt trăng sao không có đến nửa tiếng cựa mình của đất không có đến nửa tiếng vỗ cánh của con thiêu thân không có đến nửa giọt nước mắt của đá không có đến nửa tiếng lá rụng trên ngàn  không có đến nửa bước chân loài dã thú không có đến nửa vẻ u buồn của cơn mưa mùa đông không có đến nửa cuộc chia ly của chiếc lá mùa thu không có mùa không có ngày đêm không có năm tháng không có gì cả rồi từ cõi trống không vô tích sự bỗng mở ra một thời khắc khác thời khắc của có có đất trời sông núi có ngọn gió sớm mai thổi qua đồng làng có con chim bịp gọi đêm có đám ma quỷ lẫn lộn với đám người chen chúc nhau trong cuộc tồn sinh có người con trai đi tìm người tình ở cuối đất cùng trời tồn tại đã chuyển sang thời khắc đông vui sao lại còn niềm cô độc
ta nói
ta cũng nghe nói khi chuyển từ cõi trống trơn vô định sang thời khắc hiện hữu thì tồn tại muốn giữ nguyên hình hài của buổi ban đầu, thì chẳng phải buổi nguyên sơ vô định là niềm cô độc tuyệt đối hay sao
gió nói


XI


có phải là khải thị của đêm
ta đọc thấy sự chần chừ của những giọt sương trên cỏ
như những giọt nước mắt của đêm không muốn lau khô
này bạn có định đi về phía mặt trời đang lên
ta nghe con đường cỏ còn long lanh những giọt sương hỏi người khách đi đường
dường cả ông khách lẫn con đường đều đang mang trong mình thứ tâm trạng đặc biệt nào đó nếu không nói là hơi bí ẩn
ta thấy ông khách đưa tay che ánh mặt trời nhìn con đường cỏ dưới chân ngẫm nghĩ rồi lặng lẽ đi về phía mặt trời lặn
những giọt sương trên cỏ cũng lặng lẽ tan

                                                       *
có lẽ nào lại là niềm cô độc
ẩn giấu trong các vật thể

                                                       *
có phải là khải thị của đêm
ta nhìn thấy trên bầu trời buổi sớm tinh sương những ngôi sao cứ mở to mắt về phía nhân gian
như thể chúng chẳng muốn để cho đêm qua đi
này các bạn có hiểu thế có nghĩa là thế nào không
ta hỏi thử những người khách đi đường qua đêm ở làng ta đang từ giã mọi người ra đi
bọn họ nói không lẽ niềm cô độc lại ẩn giấu nơi các vì sao



XII


đằng sau vẻ bình tĩnh của thế giới như đang ẩn giấu điều gì nghiêm trọng
chỉ mỗi ánh mắt sợ hãi của ai đó thoáng thấy trong đám khách bộ hành  cũng khiến ta phải nghĩ ngợi
niềm hoài nghi về thế giới thôi thúc ta lao vào cuộc tìm kiếm
dường những bảng chỉ dẫn đường ở nơi đây đã bị ai đó lấy mất trong đêm
ta có hơi phân vân dưới ánh mặt trời buổi sớm mai
có thể ánh mắt em là yếu tố khiến ta có đủ sáng suốt
bấy giờ dưới ánh mặt trời buổi sớm mai
ta cứ thấy em
người con gái của dáng vẻ vô biên đang đứng nhìn ta
này những kẻ ngông cuồng
các người có nhổ hết những bảng chỉ đường trên mặt đất
thì ta cũng biết cách đi tới
ở một bến cảng có rất nhiều người đang chờ đợi
lặng lẽ và căng thẳng
chẳng có con tàu nào cập bến
cũng chẳng có con tàu nào rời bến
chỉ có những kẻ đang chờ đợi
tất cả bọn họ đều nhìn ra biển
lặng lẽ và căng thẳng
ta đi hỏi thử những người nhặt vỏ sò gần đó
tất cả bọn họ đều bảo từng nghe kể những kẻ ấy đã chờ suốt mấy trăm năm qua
chờ những người cha những người chồng và những người con đi tìm sự thật của thế giới trở về
ta buồn bã rời khỏi bến cảng bất hạnh đi về phía thành phố
buổi trưa
không có dấu hiệu nào cho thấy buổi trưa thì bớt người đi lại bớt xe cộ trên đường và bớt đi những tạp âm
ta đứng chờ ở một bến xe buýt
nhưng cũng chẳng biết là sẽ đi đâu
một người mù bước xuống xe có vẻ đang nóng lòng muốn đi đâu đó
ta hỏi thử thì biết
người ấy sẽ ở chơi thành phố này mấy hôm rồi lên đường đi tìm sự thật của thế giới


 
giã,
tháng 12/2014
tháng 1/2015






Phần nhận xét hiển thị trên trang

THỜI NAY AI KHÔNG “TÂM TƯ” ???

Nhà văn quân đội lão thành TCT, vẫn gọi thân mật là anh Tư, trưa nay gọi điện.

- Tuấn ơi, mày còn sống không ?
-  Còn sống nhăn, anh Tư sao ?
- Vẫn thở nhưng “tâm tư” lắm, bạn bè cứ lần lượt ra đi, thằng Văn Linh, thằng Bùi Ngọc Tấn  rồi mới đây con Hồng Duệ…
- Í chết…chị Hồng Duệ mất rồi sao ?
- Mất rồi, tao có danh sách, đứa nào chết tao đánh chữ thập cạnh tên nó…mà mày nhận được phong bì của Hội nhà văn chưa ?
- Gì vậy anh Tư ?
- Cả một chồng mẫu biểu khai báo để nhận giải thưởng Hồ Chí Minh với giải thưởng Nhà nước, nội tiền chụp hình tác phảm cũng mất cha nó cả trăm ngàn…
- Giải thưởng lớn không anh Tư ?
- Giải Hồ Chí Minh 400 triệu, giải Nhà nước 200 triệu …nhưng phải trích lại 20% cho thằng “lợi ích “, thằng nào được thằng nào rớt có danh sách cả rồi…
- Thằng “lợi ích” là thằng nào ?
- Mày hỏi thằng H ấy !
- Ối chết chết…em kính nhi viễn chi…Vậy anh Tư có làm hồ sơ không ?
- Lần này là lần thứ 4 nó bảo tao làm, nhưng tao vứt sọt rác rồi, thằng Hoài Vũ, thằng Thanh Giang cũng thế..
- Hồi này anh Tư có vẻ “tâm tư” tợn ?
- Thời nay ai là không “tâm tư”, thằng Nghị thằng Thảo đốn cây Hànội bị dân nó chửi cho sao không “tâm tư”? Đến hai thằng lái máy bay SU 22 chắc cũng mải “tâm tư” nên mới bay từ Phan Rang ra đến đảo Phủ Quỳ đã đâm mẹ nó vào nhau. Lại còn thằng cơ trưởng với tiếp viên VN Airline nhét cả 6 ký vàng buôn lậu vào trong giày, “tâm tư”  vậy thì còn lái con mẹ gì nữa…
- Em không “tâm tư”..
- Mày rúc xó rừng có cái chó gì mà “tâm tư” à…chắc tâm tư mấy em chân dài !
- Anh Tư còn “tâm tư” cái đó không ?
- Chị Tư mày hàng tuần phải chạy thận, tao còn đầu óc đâu “tâm tư” cái đó…Hôm nào tới tao, chị Tư mày nấu bún bò Huế cho mà ăn hết cả “tâm tư”
_ OK…rảnh em ghé…chào anh Tư

17- 4- 2015

Nhat Tuan
-

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Năm, 16 tháng 4, 2015

Như những lần trước, phản đối như này liệu có ngăn được TQ làm tới không???

Việt Nam phản đối Trung Quốc xây dựng ở Hoàng Sa, Trường Sa

Việt Nam khẳng định mọi hoạt động của Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa cũng như Trường Sa là hoàn toàn phi pháp và vô giá trị. 
Ông Lê Hải Bình, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam trong một cuộc họp báo. Ảnh: Quý Đoàn.
Ông Lê Hải Bình, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam. Ảnh: Quý Đoàn
Hình ảnh vệ tinh do công ty DigitalGlobe công bố hôm 14/4 cho thấy Trung Quốc đang mở rộng trái phép hai đảo Phú Lâm và Quang Hòa thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà nước này chiếm giữ.
Trả lời trong buổi họp báo thường kỳ hôm nay, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho hay Việt Nam đang xác minh thông tin trên. Tuy nhiên, ông khẳng định Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý cùng bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền tại hai quần đảo Hoàng Sa cũng như Trường Sa.
"Mọi hoạt động xây dựng, mở rộng của nước ngoài trên hai quần đảo này mà không có sự cho phép của Việt Nam là hoàn toàn phi pháp và vô giá trị", ông Bình tuyên bố.
Trung Quốc chiếm giữ các đảo Phú Lâm và Quang Hòa lần lượt vào năm 1956 và 1974. Theo hình ảnh vệ tinh được chụp hôm 17/3, hai đảo này đã được mở rộng đáng kể sau hoạt động cải tạo đất của Trung Quốc gần đây. 
Đường băng cũ trên đảo Phú Lâm đã được thay bằng một đường băng mới dài và hiện đại hơn. Trong khi đó, trên đảo Quang Hòa có một doanh trại quân đội, đê chắn biển và các công trình khác. Trên đảo Duy Mộng, bị Trung Quốc chiếm gần đó, các tòa nhà mới cũng xuất hiện.
Hình ảnh vệ tinh về đảo Phú Lâm. Ảnh: DigitalGlobe.
Hình ảnh vệ tinh về đảo Phú Lâm gần đây. Ảnh: Digital Globe
Tại quần đảo Trường Sa, Bắc Kinh cũng đang đẩy nhanh hoạt động cải tạo đất trên 7 bãi đá. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh hôm 9/4 tuyên bố rằng Bắc Kinh sẽ sử dụng các đảo nhân tạo mà nước này đang xây dựng trái phép trên Biển Đông để "phòng vệ quân sự và cung cấp dịch vụ dân sự có lợi cho các nước xung quanh".
Người phát ngôn Lê Hải Bình cho hay Việt Nam đã nhiều lần đề cập đến vấn đề này với Trung Quốc, kể cả ở cấp cao. 
"Việt Nam kiên quyết phản đối các hành động trên và yêu cầu các bên liên quan nghiêm túc thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và đóng góp thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông", ông nói.
Biển Đông được cho là chứa nguồn khoáng sản dồi dào và là tuyến đường hàng hải quan trọng, vận chuyển lượng hàng hóa trị giá 5.000 tỷ USD mỗi năm.
Anh Ngọc

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Hiệp định 123 Việt-Mỹ hỗ trợ nhu cầu điện của Việt Nam

9190668190_d37bf4008f_c_800

Tác giả: Duong Tran | Biên dịch: Lê Văn Sang
Việt nam có nhu cầu cấp thiết trong việc nâng cao khả năng sản xuất điện nếu muốn duy trì mức độ tăng trưởng như hiện nay. Chính phủ Việt nam đã đặt ra một kế hoạch tham vọng để thỏa mãn nhu cầu điện trong tương lai, nhưng làm sao tận dụng được nhiều nguồn năng lượng vẫn còn là một thách thức. Trong phạm vi vấn đề này, thỏa thuận hợp tác hạt nhân Việt-Mỹ có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình ngành sản xuất điện của đất nước này trong nhiều thập kỷ tới.
Dân số phát triển nhanh chóng và nền kinh tế ngày càng năng động của Việt Nam tạo áp lực đáng kể lên khả năng thỏa mãn nhu cầu điện của Chính phủ. Mức tăng nhu cầu điện hàng năm sẽ đạt tới 15% vào năm 2015 , tuy nhiên nguồn cung điện đang tụt lại phía sau. Ví dụ, khu vực kinh tế trọng điểm ở miền Nam, vốn chiếm hơn 70 phần trăm doanh thu xuất khẩu của đất nước, cùng với các vùng dân cư đông đúc xung quanh, đang chịu cảnh cúp điện thất thường do việc sử dụng của người tiêu dùng tăng cao và thiếu nguồn cung điện từ các nhà máy điện gần đó.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào năm 2011 đã phê chuẩn Kế hoạch Phát triển Năng lượng Quốc gia cho giai đoạn 2011-2020, với tầm nhìn đến năm 2030, qua đó phác thảo ra các chiến lược chính để giúp Chính phủ đạt được các mục tiêu tham vọng về sản xuất điện.
Theo kế hoạch này, năng lực sản xuất điện của Việt Nam sẽ tăng lên 75.000 megawatt vào năm 2020 và gấp đôi số lượng đó vào năm 2030. Mặc dù Việt nam sẽ lệ thuộc nặng nề vào các nguồn điện truyền thống như là thủy điện và nhiệt điện, các loại năng lượng tái tạo và các nhà máy điện hạt nhân dược dự tính sẽ đóng một vai trò lớn hơn trong việc sản xuất điện của đất nước.
Tuy nhiên, việc thực hiện các mục tiêu đó sẽ đòi hỏi Chính phủ giải quyết nhiều thách thức. Tới năm 2020, Chính phủ dự tính đưa vào hoạt động 52 nhà máy nhiệt điện chạy bằng than, làm cho nhiệt điện chịu trách nhiệm cho hơn một nửa năng lực sản xuất điện của Việt Nam. Nhưng đất nước này thường xuyên đối diện với sự thiếu hụt than do nhu cầu cao và khai thác mỏ không hiệu quả. Nó sẽ phải nhập một số lượng than đáng kể vào năm 2015 để thỏa mãn nhu cầu của các nhà máy nhiệt điện mới.
Các nhà máy nhiệt điện vận hành bằng khí gas tạo nên một thành phần sản xuất điện quan trọng nữa cho Việt Nam, nhưng việc thu hút đầu tư vào các nhà máy vận hành bằng khí gas gặp khó khăn bất chấp trữ lượng gas đáng kể của Việt Nam do giá điện bán lẻ được trợ cấp và thấp một cách giả tạo. Đó là lý do chính dẫn tới thương lượng thất bại giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Công ty Chevron về việc phát triển các mỏ gas trong năm 2013.
Tương tự, giá thấp mà Tổng Công ty Điện lực Việt Nam chào mua năng lượng gió đã làm cho phần lớn các nhà đầu tư phải suy nghĩ cẩn thận trước khi tham gia vào thị trường năng lượng tái tạo. Giá điện thấp cũng khuyến khích các dự án đầu tư vào các ngành kinh doanh tiêu tốn năng lượng và làm trầm trọng thêm nữa vấn đề thiếu hụt điện. Tuy nhiên, việc tăng giá điện sẽ có thể không được lòng dân và đặt Chính phủ Việt nam dưới áp lực chính trị trong nước đáng kể.
Trong khi thủy điện đóng một vai trò quan trọng trong sản xuất điện của Việt Nam từ đầu những năm 1990, quốc gia này đã đạt tới trần tiềm năng thủy điện. Ngoài ra, những lợi ích kinh tế không chắc chắn và những quan ngại về môi trường đã khiến Chính phủ phải giảm số các dự án thủy điện nhỏ.
Thấy rõ những hạn chế được đặt ra bởi các lựa chọn hiện tại, Việt Nam đã đi đến chỗ xem năng lượng hạt nhân như là một giải pháp dài hạn, bền vững cho nhu cầu điện của mình. Chưa tới 10% năng lực sản xuất điện sẽ đến từ hai nhà máy điện hạt nhân đầu tiên được lên kế hoạch đưa vào vận hành vào giữa những năm 2020.
Sáu nhà máy khác sau đó sẽ giúp gia tăng tổng công suất lên khoảng 30% vào những năm 2040-2050. Trong năm 2011, phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã khẳng định rằng tới năm 2050, sẽ không có bất cứ nguồn năng lượng nào có thể thay thế năng lượng hạt nhân ở Việt Nam.
Hiệp định hợp tác hạt nhân Việt – Mỹ, hay còn gọi là Hiệp định 123, vốn mở đường cho việc Mỹ cấp phép xuất khẩu lò phản ứng hạt nhân cùng thông tin nghiên cứu,vật liệu và thiết bị tới Việt Nam, có thể đóng một vai trò quan trọng trong nhiệm vụ đảm bảo phát triển năng lượng bền vững của Việt Nam.
Mặc dù Việt Nam đã ký các thỏa thuận tương tự với bảy quốc gia khác, bao gồm Nhật Bản, Nga và Hàn Quốc, Mỹ nắm giữ công nghệ gốc cần thiết cho các lò phản ứng hạt nhân được các quốc gia khác xây dựng. Chẳng hạn,nhà máy năng lượng hạt nhân thứ hai ở tỉnh Ninh Thuận được Nhật Bản xây dựng sẽ cần sử dụng lò phản ứng dạng AP 1000, một công nghệ của công ty Westinghouse ở Mỹ.
Nga và Nhật đã cam kết các nguồn lực đáng kể và công nghệ để xây dựng bốn nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Việt Nam. Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam cũng cố tìm kiếm các đối tác xây dựng sáu nhà máy khác để đạt tổng công suất điện hạt nhân là 10.000 megawatt vào năm 2030. Trong khi đó, các công Mỹ như là Westinghouse and GE Hitachi đã kiên trì bày tỏ quan tâm về việc cung cấp cho Việt Nam các hệ thống hạt nhân. Các công ty đa quốc gia của Mỹ này háo hức tham gia vào một thị trường vốn vẫn còn nhiều cơ hội cạnh tranh.
Ngoài ra, Việt Nam đang thiếu nghiêm trọng nhân lực có khả năng làm việc trong lĩnh vực công nghệ hạt nhân. Những khó khăn trong việc huấn luyện nhân viên đã phần nào làm trì hoãn việc xây dựng nhà máy hạt nhân đầu tiên của Việt Nam. Hiệp định 123 sẽ tạo điều kiện cho các công ty Mỹ cam kết giúp Việt Nam phát triển nguồn nhân lực phục vụ hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân trong tương lai.
Nếu Quốc hội không ban hành một nghị quyết chung phản đối, Hiệp định 123 sẽ tự động có hiệu lực trong các tuần lễ sắp tới. Nó sẽ tạo điều kiện rất nhiều cho sự tham gia của các công ty Mỹ vào thị trường năng lượng hạt nhân của Việt Nam và cung cấp sự đảm bảo đúng lúc cho lĩnh vực hạt nhân của quốc gia này trong nhiều thập kỷ tới.
Duong Tran là nghiên cứu viên tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS).
Bản gốc tiếng Anh: CogitAsia
- See more at: http://nghiencuuquocte.net/2014/09/13/hiep-dinh-123-viet-ho-tro-nhu-cau-dien-cua-viet-nam/#sthash.uUYnVT5k.dpuf

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Mai Thảo. Mãi mãi. Ký ức.


Tác giả : Du Tử Lê


Lời nói đầu:
 Nhân dịp kỷ niệm 12 năm, ngày mất (10 tháng 1 năm 1998) của nhà văn Mai Thảo, chúng tôi xin được gửi tới quý bạn đọc và thân hữu, hai bài viết về nhà văn này, của chúng tôi.

Bài thứ nhất, chúng tôi viết một ngày sau khi ông mất. Bài thứ hai, chúng tôi viết 30 ngày sau đó, dứơi bút hiệu Lê Hà Nam, cho tạp chí Hợp Lưu, số “Tưởng Mộ Mai Thảo,” tháng 2 và 3 năm 1998.
Dưới đây là bài “Mai Thảo, thế giới đèn mầu, Saigòn, trước 1975” sau khi được hiệu đính.    
                                                                                 Trân trọng,
                                                                                   DTL.   

1. Mai Thảo, thế giới đèn mầu, Saigòn, trước 1975.  
 

Nói tới nhà văn Mai Thảo, trong hơn hai mươi năm qua, ở hải ngoại, người ta chỉ có thể hình dung ông trong cung cách lạnh lùng, lừng khừng của một nhà văn lưu vong. Hoặc người ta nhớ tới ông, trong câu chuyện của một ông già, mỗi buổi sáng thường lững thững trên một đoạn đường Bolsa (khúc nối liền giữa khu chợ 99 và Phước Lộc Thọ.)
Cũng chính ở khúc đường này, nhiều lần, cảnh sát đã chặn ông lại, nhét vào túi ông những tấm giấy phạt vì tội... “vi phạm luật đi...bộ!”
Ông bị phạt nhiều tới độ ông trở thành một nhân vật...nổi tiếng của Hội đồng thành phố Westminster.
Tôi nhớ, năm 1996, một nhóm anh em văn nghệ sĩ đứng ra tổ chức “Đêm Mai Thảo,” tại Hý viện Westminster Auditorium, thuộc thành phố Westminster. Nghị viên Lâm Quang, lúc đó còn là quyền Thị Trưởng Thành Phố Westminster, lên sân khấu trao bảng “Ngợi Ca Thành Tích Văn Học” cho Nhà văn Mai Thảo.
Trong phần phát biểu, Nghị viên Lâm Quang chuyển lời xin lỗi của Hội Đồng Thành Phố và, của Cảnh sát trưởng thành phố này, tới tác giả “Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Đền.” 
Họ Lâm nói, dù biết Mai Thảo là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam Việt Nam, nhưng sự việc ông băng qua đường một cách bừa bãi là một điều nguy hiểm cho sinh mạng của ông trước nhất; kế tới, cản trở lưu thông và, sau chót...“vi phạm luật dành cho người đi bộ!”
“Bởi thế, nếu không phạt ông, thì Cảnh sát Westminster chúng tôi cũng sẽ không thể phạt những người...đi bộ khác,” Ông Lâm Quang nói.
“Và trong “Đêm Mai Thảo” này, chúng tôi xin cầu chúc nhà văn Mai Thảo, tương lai sẽ không còn bị phạt vì tội đi...bộ nữa. Được như vậy, cá nhân chúng tôi cũng bớt phần…áy náy.”
Đêm đó, hội trường rung rinh vì những chuỗi cười ngặt nghẽo, ném lên từ khán giả.
Trên sân khấu, người đàn ông vừa bước vào tuổi 70, cũng bật cười. Nụ cười móm mém. Nụ cười hóm hỉnh. Thân ái. Nhẹ nhàng chấp nhận. 
Trong số 500 khán giả, những người yêu mến Mai Thảo kia, tôi nghĩ, có dễ  ít ai biết, cái ông già hom hem, móm mém đang đứng trước họ đó, hai mươi năm trước, từng là “Ông Hoàng Của Ngàn Lẻ Một Đêm Sài Gòn.”
Tôi nghĩ, trong số 500 khán giả, những người yêu mến Mai Thảo kia, có dễ ít ai biết, cái ông già chỉ còn vài chiếc răng chệu chạo, lung lay, loáng thoáng đâu đó trên gương mặt xanh rớt ấy, hơn hai mươi năm trước, là một tay chơi từng đương đầu với nguyên băng thảo khấu, đàn em của Bảy Viễn: Băng Lai Văn Sang.  Giữa thập 1950, một đêm, băng Lai Văn Sang, xuất quân từ sòng bài Đại Thế Giới ở Chợ lớn, đại náo một vũ trường ở đầu đường Trần Hưng Đạo, trong một cuộc biểu dương quyền lực, để tranh dành một vũ nữ hoa khôi, tên C. thời đó...
Tình địch của băng Lai Văn Sang, ngày ấy, không ai khác hơn: Mai Thảo. 
Tôi nghĩ, trong số 500 khán giả, những người yêu mến Mai Thảo, yêu mến ông già có nụ cười hóm hỉnh, móm mém, chưa từng lập gia đình kia, có dễ ít ai biết,  giữa thập niên 50, từ Saigòn, đã một mình, bay ra cố đô Huế. Ông lừng lững tới tận nhà nữ ca sĩ họ Lục, (sau này trở thành danh ca dưới tên H.Th.) để xin hỏi cưới nàng.Người đàn ông đó, cũng là Mai Thảo.  
Không chỉ đa số khán giả của “Đêm Mai Thảo” kia, không biết mà, ngay song thân của người nữ ca sĩ họ Lục, ngỡ ngàng, kinh ngạc khi nghe Mai Thảo tự giới thiệu… “thân thế” mình:   
“Tôi là Mai Thảo. Từ Saigòn ra. Chúng tôi thực sự muốn lấy L.H. làm vợ. Nếu hai cụ đồng ý thì, tôi hứa, trong vòng một tháng, bố mẹ chúng tôi sẽ bay ra đây, nói tiếp phần còn lại...”
Liền sau đó, ông xin phép song thân họ Lục, để được đưa con gái họ... đi chơi!
Cũng liền sau đó, song thân của người con gái họ Lục, cho hay, sẽ khó khăn cho họ biết là chừng nào, nếu có một chàng rể như... Mai Thảo!
Tôi nghĩ, trong số 500 khán giả, những người yêu mến ông già có nụ cười móm mém, hóm hỉnh kia, có dễ ít người biết, giữa thập niên 1950, khi lớp người miền Bắc di cư vào Nam, còn bị người địa phương ngắm nhìn như những người... ngoại quốc … (Những người không phải là người... “Diệc”... Những người ăn... thịt người, chuyên bắt cóc con nít?!) thì, Mai Thảo đã trở thành người em nhỏ trong tình thương, quý của nữ nghệ sĩ Phùng Há, của lão nghệ sĩ Năm Châu... Mai Thảo cũng trở thành người anh đáng tin cậy của Thành Được, Kim Chung, Bích Hợp, Dũng Thanh Lâm...
Nghệ sĩ lừng danh Thành Được, hiện cư ngụ tại miền bắc Cali, thuở xa xưa, mỗi lần gặp nhà văn Mai Thảo, thường dùng hai chữ “Văn nhân” để tỏ lòng quý, trọng ông.   
Mai Thảo, với những đêm lăn lóc ở Tổ Đình, chờ tan một xuất diễn, đợi hết một buổi tập tuồng, để được theo chân bà chị Phùng Há, ông anh Năm Châu đi vào thế giới Saigòn ban đêm. Thế giới của những nghệ sĩ cải lương, chèo cổ nổi tiếng đương thời.  
Chính Mai Thảo là người đầu tiên, vào từ miền Bắc, mở được cánh cửa tương thông, thân ái giữa những người làm nghệ thuật ở hai đầu “thế giới” lạ lẫm.  Không có ông, tôi nghĩ, khó ai biết được tới lúc nào, cánh cửa tương thông, thân  ái nọ, mới được mở rộng?!)   
Tôi nghĩ, trong số 500 khán giả, những người yêu mến ông già đã tận hiến trọn vẹn cuộc đời của mình cho dòng văn học Việt Nam ở quê hương, cũng như tại quê người, có dễ ít ai biết, hơn 20 năm trước, chính ông già lạnh lùng, lừng khừng, đôi lúc giống như bất thường đó, lại là người phong tặng danh hiệu cho nhiều tiếng hát miền Nam. Những danh hiệu mà, hôm nay, ở hải ngoại, mỗi khi nhắc tới họ, một số người trong chúng ta, chưa quên. Như, Thanh Thúy, “Tiếng hát Liêu Trai.” Thái Thanh, “Tiếng hát vượt thời gian,” Lệ Thu, “Tiếng Hát Mùa Thu Sương Khói”...
Đó là một phần chân dung đời thường của nhà văn Mai Thảo. Người đứng đầu tạp chí Sáng Tạo. Một tạp chí trương cao ngọn cờ cổ súy phong trào “giải phóng” dòng văn học, nghệ thuật miền nam, từ những năm giữa thập niên 1950, khỏi ảnh hưởng của phong trào văn chương tiền chiến.
Đó cũng là một phần nhân-cách-Mai-Thảo. Người đi hết một đời nhà văn của mình mà, không hề lưu lại một dòng, một chữ gây thương tổn bạn văn.
Nhớ lại, biết được như thế, chúng ta sẽ không ngạc nhiên, tại sao đám tang ông, đám tang một nhà văn, (dù là nhà văn hàng đầu,) lại có nhiều, quá nhiều những khuôn mặt, những tên tuổi tiêu biểu cho nửa thế kỷ tân nhạc và, sân khấu Việt Nam, quê người; cũng như giới tay chơi, giang hồ hữu hạng…bên cạnh những khuôn mặt thuộc văn giới. Đủ loại! 
Từ đó, tôi nghĩ, Mai Thảo không chỉ lớn lao trong văn học, mà, ông còn lớn lao trong nhiều lãnh vực khác của đời sống Việt Nam nữa.  
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Châu Thụy, tháng 4, văn chương và, đường bay nghệ thuật, khác,


Tác giả : Du Tử Lê

Hơn một năm trước đây, khi viết về Châu Thụy, “cha đẻ” của hệ phái “Bút Họa” đi ra từ “Thư Họa”, tôi đã trộm nghĩ, tôi sẽ không ngạc nhiên, nếu một ngày nào Châu Thụy làm thơ hay viết văn.
Tôi có ý nghĩ này khi nhận ra tính chất sáng tạo mạnh mẽ trong những bức “bút họa” phối hợp được cả hai lãnh vực đường nét và, chữ nghĩa.
Nhưng, khi nhận được bản thảo “Vực Xoáy” của Châu Thụy thì, tôi thực sự ngạc nhiên.
Tôi ngạc nhiên không chỉ vì khả năng kể chuyện của Châu Thụy. Chỉ riêng mặt này thôi, Châu Thụy đã khiến người đọc dễ lầm tưởng như thể bi kịch trong “Vực Xoáy” là một thứ hồi ký của chính tác giả. Khi “Vực Xoáy” được Châu Thụy đẩy tới những đỉnh điểm cao nhất của bi kịch thì, người đọc mẫn cảm, có thể chảy nước mắt.
Nhưng điều mang lại cho tôi sự ngạc nhiên lớn, lại chính là khả năng mô tả của Châu Thụy. Từ tả tình, tả cảnh, tả người, tới những ghi nhận sắc, bén của ông, khi bước vào phạm trù tâm lý người nữ, vốn phức tạp, vi tế…
Độc giả Việt Nam đa số không có thói quen phân biệt giữa một người kể chuyện (Story Teller) - - Là người chỉ chú trọng tới những diễn biến câu truyện mà, không hề bận tâm hay ý niệm gì về lãnh vực mô tả. Trong khi với một nhà văn (Writer) thực sự thì, mô tả cũng là phần rất quan trọng. Nó làm nên khác biệt giữa nhà văn này với nhà văn khác, khi cùng ghi nhận tả một cảnh vật, một hiện tượng…Ở lãnh vực văn chương, tự hồi nào giờ, vẫn hiện diện một bức tường ngăn cách lớn, giữa hai loại nhà văn này.
Với tôi, qua “Vực Xoáy” Châu Thụy thực sự là nhà văn đúng nghĩa, ngay tự những chương sách thứ nhất của ông.
Đây là đoạn nhật ký thứ nhất của Vân (nhân vật nữ, trung tâm của “Vực Xoáy”,) qua khả năng “phân thân” của Châu Thụy:
Ngày Tháng Năm...
Hôm nay là ngày đầu tiên mình gặp anh. Không biết phải bắt đầu viết như thế nào đây? Sao tâm trạng mình rất lạ, cứ bồn chồn, nôn nao vui buồn lẫn lộn.
Khi anh đến, lúc mình đang nấu cơm ở phía sau. Anh đi cùng với ba người đàn ông khác, một người hơi đứng tuổi, còn hai người kia trạc cỡ tuổi anh. Anh cao ốm, trắng trẻo và hơi xanh xao. Sau khi được giới thiệu, mình cúi đầu chào mọi người. Một cái gì đó trìu mến từ trong ánh mắt và cử chỉ của anh. Tự dưng nhìn thấy anh, lòng mình bỗng xao xuyến, ngượng ngùng... thật kỳ lạ.
Anh cao quá, mình cứ sợ anh sẽ va đầu vào khung cửa. Không biết vì lo lắng cho anh hay là vì lần đầu gặp gỡ?
Sao tim mình lại đập dồn dập lạ thường mỗi khi nhìn thấy anh?...”
Và đây, tác giả mô về một trong những bức tranh mà Vũ, nhân vật nam chính trong “Vực Xoáy” nói về những bức tranh được vẽ thời niên thiếu. Không vững tay, nhà văn sẽ khó diễn tả các khía cạnh chấp chới giữa đường nét và, thông điệp mà bức tranh đem lại. Bởi vì tranh là một vật thể chết. Nó không sinh động như cảnh vật, hoặc con người:
Hồ Dzếnh không dùng thủ pháp của cây cọ hay màu sắc lộng lẫy mà vận dụng sức mạnh của ngôn từ, ông phác họa được những đức tính cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Còn riêng tôi, qua nét bút tôi vẽ lên tâm hồn cùng vẻ đẹp của người con gái thể hiện trên khuôn mặt đơn sơ mộc mạc, với những đường nét tinh khiết của nàng.
Trong khung cảnh tĩnh lặng, những bức tranh với nét mực đen trên nền giấy trắng đầy vẻ huyền bí. Và dưới ánh trăng mờ ảo lùa vào từ bên ngoài qua những kẽ hở. Tất cả khởi động thêm nét đẹp lung linh, sinh động và rất quyến rũ. Tôi nhắm mắt lại để những cảm giác dịu dàng không thể diễn tả tiếp tục luân chuyển trong dòng máu. Và hình ảnh cô gái đó đang len lỏi vào tâm trí tôi, và ở lại mãi mãi…”
Tôi cảm thấy bị cuốn hút bởi điều bí ẩn và miên man chìm sâu vào những suy tư đến khó hiểu. Mở lại những tấm hình đã vẽ, tôi không nhớ mình đã lặng ngồi như thế bao lâu, mà chỉ còn thấy ngọn lửa đam mê nghệ thuật đang bùng cháy trong tôi. Những hình ảnh móc nối, liên tục với nhau tạo nên một đoạn phim ngắn. Qua bao thăng trầm đổi thay của một thời thơ ấu không phải chỉ riêng nàng. Trong đó có cả tôi và những tâm hồn thơ ngây bất hạnh đang sống trong một thời điểm bi đát nhất, dứt khoát không có ánh sáng ở cuối một con đường hầm sâu hun hút...!”
Đoạn nhật ký thứ hai trong “Vực Xoáy” của Châu Thụy, với tôi, là một đoạn ghi nhận tâm lý người con gái mới lớn, trước rung động lạ lẫm nơi bậc thềm thứ nhất của một tình yêu mới chớm:
Ngày Tháng Năm...
Đã mấy hôm rồi, sao tâm trạng mình cứ nôn nao lạ thường. Mình nhớ hoài đến ánh mắt của anh. Ánh mắt đó đã cho mình một cảm xúc thật khó diễn tả, bồi hồi, vui buồn xen lẫn... Mỗi khi đi qua chỗ anh đang ở, mình cố gắng để không nhìn về hướng đó, nhưng mình có cảm tưởng hình như có một ai đó đang theo dõi. Vì cũng ở đó, mình đã gặp ánh mắt ấy, ánh mắt với bao nồng nàn, thu hút đã làm mình thật bối rối, thật rung động...
Anh có biết là ánh mắt của anh luôn luôn in đậm trong tâm trí em không? Và khi làm việc ngoài vườn em không còn đủ tập trung, đầu óc suy nghĩ vu vơ đến xao lãng công việc. Để hôm nay, Ba cũng có thể nhìn thấy và ghẹo hỏi: ‘Ai lấy mất hồn con gái của tôi rồi?’ Mắc cỡ quá vì Ba đã nhận ra những thay đổi khác thường của em.
Mình mong chờ tới giờ ăn, để được đưa mâm cơm ra chỗ anh ở, để nghe giọng nói của anh. Giọng người Bắc sinh trưởng trong miền Nam nghe là lạ, nhẹ nhàng nhưng cũng đủ làm cho mình lúng túng. Nếu như anh không kịp đưa tay ra đỡ, chắc mình run rẩy đã làm rớt mâm cơm. Mình cố gắng giữ vẻ tự nhiên.
Xấu xí thế này, ai mà thèm để ý đến. Thật là hư!”
Mô tả một đêm mưa trong “Vực Xoáy”, là một trong những đoạn văn tả cảnh khá đẹp của Châu Thụy:
Ngoài kia, mặt trời đã khuất, nhường lại ánh sáng cho một buổi chiều thu. Gió thổi mạnh từng cơn lành lạnh. Bầu trời bỗng trở nên đen thẫm và mưa bắt đầu như trút nước. Mưa càng lúc càng nặng hạt, tiếng vỗ của giọt nước đổ rào rào trên lá cây. Những tia chớp xé rách bầu trời, mang theo những tiếng sấm ầm vang. Bác Tâm, Vân và tôi chạy nhanh vào trong lều để trốn mưa. Chúng tôi ngồi bên bếp lửa hồng. Trò chuyện trong tiếng nổ tí tách của than củi hòa cùng tiếng nổ của những hạt bắp no tròn, trắng ngà. Như trong chuyện hoang dã, ba mái đầu ngồi chụm bên nhau trong căn lều thô sơ. Nhìn bên ngoài, làn mưa đang chia cách chúng tôi với cuộc sống hiện tại. Mặc cho mưa rơi, cho côn trùng bắt đầu rên rỉ. Riêng chúng tôi vẫn nhận được hơi ấm trong từng cõi lòng và trong từng lời nói của nhau. Thật đơn giản, một khoảnh khắc bình yên và thanh thản lạ lùng. Tiếng mưa vẫn rộn rã, bên làn sương nước dày đặc. Không ai đợi chờ, không ai vướng bận, cũng không ai hối hả hay vội vã, cứ như thể là rất rảnh rỗi. Tất cả đang mờ nhạt dần và tan biến vào hư không, chỉ còn dòn dã tiếng mưa rơi. Dường như thế giới đang tạo dựng một thiên đường riêng cho cả ba tâm hồn.”
Tôi có thể trích dẫn hàng chục đoạn nhật ký của Vân, linh hồn của “Vực Xoáy”; hay những mô tả đầy thi tính về sự vật của Châu Thụy…Nhưng tôi nghĩ, tôi sẽ thật không phải, thật có lỗi…nếu không dành quyền khám phá (quyền tối thượng) của người đọc!?!
Vì thế, tôi xin được ra khỏi bài viết này, với lời cảm ơn Châu Thụy. Cảm ơn “Vực Xoáy” đã cuốn hút tôi xuống tận đáy cùng cảm-thức hạnh phúc và xót xa, hân hoan và thốn đau trong “Vực Xoáy”…
Du Tử Lê.

Phần nhận xét hiển thị trên trang