Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 15 tháng 4, 2015

Nói hộ nước mềnh!

Báo chí thế giới đồng loạt lên án hành động của Trung Quốc ở Biển Đông

Dân trí 15/4/2015: Trong những ngày qua, báo chí Mỹ và châu Âu đã đồng loạt có nhiều bài viết mổ xẻ các hành động gia tăng căng thẳng của Trung Quốc ở Biển Đông, đặc biệt là việc nước này đẩy mạnh cải tạo, mở rộng đảo.

 >> Trung Quốc ráo riết xây dựng trái phép ở Hoàng Sa
 >> Trung Quốc đưa tàu khảo cổ trái phép tới Hoàng Sa 
 >> Câu hỏi sau những dự án khổng lồ của Trung Quốc

Báo chí thế giới đồng loạt lên án hành động của Trung Quốc ở Biển Đông
Các hoạt động của Trung Quốc nhằm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông đang khiến cộng đồng quốc tế quan ngại (Ảnh: DailyMail)
Trong số ra ngày hôm qua 14/4, nhật báo Wall Street Journal của Mỹ cho biết Trung Quốc đang tiếp tục cải tạo và mở rộng 2 hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa, đồng thời cho xây mới 7 đảo nhỏ khác.
Hai hòn đảo được Wall Street Journal nhắc đến đảo Phú Lâm và Quang Hòa. Theo các hình ảnh do công ty ảnh vệ tinh DigitalGlobe công bố, hai hòn đảo này đã được mở rộng đáng kể sau những hoạt động bồi đắp, cải tạo gần đây của Trung Quốc.
Cũng theo Wall Street Journal, Việt Nam và Phillippines nhiều khả năng sẽ đưa vấn đề cải tạo đảo của Trung Quốc ra Hội nghị cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ diễn ra tại Malaysia vào cuối tháng 4 này, với hy vọng tập trung được sự ủng hộ của khu vực đối với việc phản đối các tuyên bố chủ quyền chiếm gần trọn Biển Đông của Trung Quốc.
Trước đó, các tờ báo điện tử lớn nhất của Đức như FAZ (Toàn cảnh Frankfurt), Deutsche Welle (Sóng Đức) và Die Welt (Sóng Đức) cũng đồng loạt có các bài viết lên án Trung Quốc phá vỡ nguyên trạng các đảo trên Biển Đông.
Trong bài viết mang tựa đề "Những hòn đảo của quyền lực" số ra ngày 10/4, tờ FAZ chỉ trích Trung Quốc muốn tạo “sự đã rồi” trên Biển Đông, đồng thời dẫn lời Tổng thống Mỹ Barack Obama cảnh báo Trung Quốc không nên có các "hành động hiếu chiến" ở vùng biển này.
Tờ báo nhấn mạnh trong quá trình xử lý tranh chấp lãnh thổ, Trung Quốc đã không tuân thủ các tiêu chuẩn và quy định của luật pháp quốc tế.
Bài viết cũng tập trung phản ánh tốc độ Trung Quốc cải tạo bãi đá Vành Khăn khi các hình ảnh vệ tinh cho thấy, chỉ trong 3 tháng đầu năm nay, (từ tháng 1/2015 đến ngày 16/3/2015), Trung Quốc đã mở rộng đáng kể quy mô đảo Vành Khăn với diện tích được xây mới lên tới 1,5 km2. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng đang tiến hành xây dựng các công trình khác trên hòn đảo này như đập và đê chắn sóng. Hiện tại, công việc cải tạo vẫn đang được tiếp tục đẩy mạnh.
Bài viết nhận định Trung Quốc sẽ sử dụng bãi đá Vành Khăn làm căn cứ để mở rộng các hoạt động tuần tiễu, cũng như phục vụ các yêu sách chủ quyền và các mục đích quân sự khác.
Tác giả bài viết cũng dẫn đánh giá của tổ chức Jane's Defense cho rằng Trung Quốc nhiều khả năng sẽ xây dựng thêm một đường băng ở bãi đá Vành Khăn. Theo tác giả, mặc dù Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 đã quy định "vùng đặc quyền kinh tế giới hạn trong 200 hải lý của mỗi quốc gia tính từ thềm lục địa", nhưng Trung Quốc rõ ràng đang đi ngược lại công ước này với cái gọi là "đường 9 đoạn" phi lý, đòi hỏi yêu sách chủ quyền với những khu vực cách thềm lục địa Trung Quốc tới trên 1.000 km.
Bài viết cũng đánh giá cao nỗ lực của các nước trong khu vực trong việc kiểm soát bất đồng trên biển với Trung Quốc.
Trong khi đó, báo điện tử Deutsche Welle có bài viết tiêu đề "Mỹ can dự vào tranh chấp Biển Đông", phản ánh về việc Trung Quốc xây dựng trái phép các đảo trên vùng biển này. Bài báo được làm nổi bật với chùm 10 ảnh cập nhật về những hoạt động cải tạo của Trung Quốc, kèm theo các chú thích rõ ràng ở mỗi ảnh.
Mở đầu bài viết, tác giả bài báo khẳng định Trung Quốc đang muốn "tạo sự đã rồi" khi tăng tốc xây dựng, mở rộng các đảo nhân tạo trên Biển Đông, đặc biệt là ở bãi đã Chữ Thập nơi Trung Quốc đang cho cải tạo với quy mô lớn nhất.
Bài viết dẫn nhận định của các chuyên gia Viện nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ (CSIS) và tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) cho rằng việc Trung Quốc xây đường băng dài tới 3 km ở bãi đá Chữ Thập đã cho thấy ý đồ của nước này muốn biến nơi đây thành căn cứ không quân với khả năng hoạt động của máy bay ném bom cỡ lớn H-6.
Tác giả cũng dẫn cảnh báo của Tổng thống Mỹ Obama trước các "hành động hiếu chiến" của Bắc Kinh, cho rằng Trung Quốc đã không tuân thủ đúng luật pháp quốc tế, sử dụng sức mạnh nước lớn để gây sức ép với các nước nhỏ hơn trong khu vực.
Đánh giá về việc cải tạo ở bãi đá Gaven, bài viết dẫn quan điểm của giới luật gia cho rằng nếu dựa theo luật pháp quốc tế, kể cả khi Trung Quốc đã mở rộng ở Gaven một khu vực nhân tạo có diện tích tới 115.000 m2 thì điều này vẫn không có ý nghĩa gì đối với các yêu sách chủ quyền.
Trong bài viết và phóng sự ảnh của mình, tác giả cũng dẫn thêm hình ảnh Trung Quốc xây dựng, cải tạo đảo trái phép ở bãi đá Gạc Ma, Tư Nghĩa và cho rằng việc Bắc Kinh cùng lúc xây nhiều đảo nhân tạo với tốc độ rất nhanh cho thấy nước này đã chuẩn bị từ lâu "một bộ quy chuẩn về việc xây dựng, cải tạo các đảo này".
Tờ Die Welt cũng đăng tải bài viết với nhan đề: "Trung Quốc khó chịu trước sự can dự của Mỹ", kèm loạt ảnh mới nhất do CSIS công bố cho thấy hoạt động cải tạo bãi đá Vành Khăn với tốc độ chóng mặt của Trung Quốc. Tờ báo cho rằng những hành động cải tạo đảo của Trung Quốc đã làm cho Mỹ không thể ngồi yên và buộc phải thể hiện thái độ phản đối rõ ràng đối với Trung Quốc.
Gần như trong cùng thời điểm, nhiều tờ báo Pháp như Le Figaro, mạng tin20minutes.fritele.fr cũng đưa tin về việc Trung Quốc xây dựng "tường thành lớn bằng cát" trên biển Đông.  
Dẫn lời Tổng thống Mỹ Obama tuyên bố tuần trước, tờ Le Figaro, một trong những tờ nhật báo lớn của Pháp, thể hiện quan ngại trước việc Trung Quốc tiến hành xây dựng các công trình lấn biển, đặc biệt là việc xây dựng "tường thành lớn bằng cát" trên biển Đông.
Le Figaro cho rằng Mỹ đang gia tăng sức ép đối với Trung Quốc vì lo ngại Trung Quốc không tuân theo các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế và vấn đề này sẽ khó được giải quyết thông qua các kênh ngoại giao.
Tờ báo nhắc lại việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với 90% Biển Đông, nơi được đánh giá có tiềm năng dầu mỏ rất lớn và có các đường hàng hải quan trọng hàng đầu. Yêu sách này của Trung Quốc đang vấp phải sự phản đối quyết liệt của nhiều nước trong khu vực.
Những bài báo trên đã cho thế giới thấy rõ một thực trạng đáng lo ngại ở Biển Đông nếu như một Bộ quy tắc ứng xử không sớm được xây dựng và đưa vào áp dụng nhằm đặt ra tiêu chuẩn cho mọi hành vi ở vùng biển này. Nhưng đáng tiếc, đến nay Trung Quốc vẫn tiếp tục đẩy mạnh các hành động phi lý của mình và cậy thế nước lớn để áp đặt sự đã rồi cho các nước nhỏ hơn trong khu vực.
Điều này được thể hiện rất rõ trong tuyên bố gần đây ở người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi khi ông này tiếp tục lặp lại quan điểm sai trái khẳng định Hoàng Sa là một phần cố hữu của Trung Quốc khi được hỏi về các dự án cải tạo đảo tại đây.
Đức Vũ

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Rồi cũng xuôi hết mờ!

Thông tin trái ngược, rất đáng ngờ về cái chết anh Phan Đức Đạt

Chiều ngày 12/4, các giám thị của trại giam đã báo thông tin này cho người thân của anh Đạt. Theo lời anh Hùng kể lại, các giám thị trại giam báo về cho gia đình, anh Đạt tử vong do bị sốc thuốc, chơi heroin quá liều.
Ngay sau khi thông tin này được đưa ra, thi thể của anh Đạt đã được đưa tới bệnh viện cấp cứu Trưng Vương lưu giữ. Kết quả giám định pháp y sau đó được đưa ra thì lại hoàn toàn không phát hiện thấy có heroin trong người anh Đạt, mà lại bị phát hiện gãy xương sườn, dập phổi, hộc máu…
Nguyên nhân vì sao anh Phan Đức Đạt bị như vậy thì hiện các cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục làm rõ, nên chưa có trả lời cho người thân anh Đạt.
(Giaoduc)

Ngày 15/4/2105, Công an TP HCM đã thông tin về cái chết của bị can Phan Đức Đạt (SN 1983, ngụ tỉnh Lâm Đồng) đang bị tạm giam tại trại tạm giam Chí Hòa là do bệnh lý. 
Qua công tác theo dõi, Đạt có biểu hiện của bệnh hen suyễn trong quá trình bị tạm giam. Những ngày qua, thời tiết thay đổi đột ngột nên có nhiều khả năng, bị can Đạt lại phát bệnh và dẫn đến tử vong. Công an TP HCM xác định, trong quá trình tạm giam, Đạt không bị quản giáo, điều tra viên hay can phạm ở chung buồng đánh.
Khám nghiệm tử thi ban đầu, trên người bị can tử vong không có dấu vết bất thường, không bị tác động của ngoại lực. Đạt bị bắt do liên quan đến vụ án chống người thi hành công vụ xảy ra tại phường Bình Chiểu (quận Thủ Đức, TP HCM).
(Petrotimes)

Như Pháp luật TPHCM đã thông tin, 13 giờ ngày 12-4, anh Đạt được Trại tạm giam Chí Hòa đưa đến bệnh viện Trưng Vương và tử vong. Giấy báo tử do Phó giám đốc bệnh viện Trưng Vương - bác sĩ Cao Tấn Phước xác nhận anh Đạt tử vong vào 13 giờ 28 phút (ngày 12-4) tại Khoa Cấp Cứu. Theo đó, anh Đạt được xác định là ngưng tim, ngưng thở trước khi nhập viện.
(Doisongphapluat)

Một chi tiết khá lạ còn lưu ở Baomoi
ông Quang nói: “Bước đầu lực lượng pháp y đánh giá có thể trong quá trình hô hấp nhân tạo, cấp cứu bị can, việc hô hấp quá mạnh dẫn tới gãy xương chứ không có tác động ngoại lực nào khác trước đó.
báo Tuổi trẻ đã sửa, rút khỏi bản tin.

Thợ Cạo đoán rằng có thể bị phía bệnh viện Trưng Vương phản ứng vì nói như vậy khác nào đổ vấy trách nhiệm cho bệnh viện, bệnh viện, bệnh viện sẽ mất uy tin của mình trong kỷ thuật cấp cứu, nên báo đã sửa bài.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tình văn, nghiệp báo nước Việt!

Tạ Duy Anh
Nhà văn Tạ Duy Anh
NQL: Chuyện thật đắng cay. Ôi cái tình của những người làm báo! 

Năm 1987 bố tôi tự đẩy mình vào vòng lao lý bằng một lá đơn kêu oan thống thiết và bị khép tội vu khống, lợi dụng dân chủ bôi nhọ cán bộ địa phương. Một cô phóng viên báo Hà Sơn Bình vội vàng dựa vào bản kết luận của đoàn kiểm tra tỉnh để viết một bài báo. Đó là bài báo bịa tạc 100 % nhưng lại khiến gia đình tôi khốn đốn.
 Bố tôi bị khởi tố, bị điều tra. Khi tôi- nhờ đọc báo Nhân Dân mà biết sự việc- từ Lao Cai tức tốc trở về thì công an huyện Chương Mỹ đã hoàn tất điều tra, tống đạt sang toà án và thời hạn mở phiên toà lưu động xét xử bố tôi chỉ còn khoảng 10 ngày.
 
 Biết rõ những chuyện oan ức tày trời của bố mà để bố phải vào tù vì sự mù quáng của những tên quan mạt hạng, là điều kể cả phải chết tôi cũng không chấp nhận. Vì thế tôi bắt đầu chiến đấu chống lại. Người dân của huyện Chương Mỹ, đặc biệt là người dân quê tôi bảo tôi “một mình chống lại mafia” là hoàn toàn có cơ sở. Trong cuộc chiến đấu vô vọng ấy, tôi nghĩ đến mọi vũ khí, tìm đến mọi sự nhờ cậy, trong đó có báo Tiền Phong.
 
Hồi đó, khi còn ở biên giới, giữa trào lưu “Những việc cần làm ngay”, báo Tiền Phong nổi đình đám bởi phanh phui vụ án oan khốc xảy ra ở Thanh Hoá. Bạn đọc xa gần đều hân hoan, như chính họ được giải oan. Điều đó càng khích lệ tôi tìm đến với “người anh hùng” dư luận này.
 
Tại thời điểm đó tôi chỉ quen anh Nguyễn Hoàng Sơn. Chúng tôi gặp nhau tại trại sáng tác văn học Hà Sơn Bình năm 1982. Anh Nguyễn Hoàng Sơn từng nổi tiếng với bài thơ gắn với Hoà Bình, nên thấy tôi từ thuỷ điện Sông Đà về thì tỏ ra có thiện cảm từ lần gặp đầu tiên (sau này chúng tôi vẫn thân nhau, anh Sơn còn cổ vũ tôi bằng bài báo: Một bước đến văn đàn). Sau đó tôi không tham gia trại sáng tác lần nào nữa, rồi đi bộ đội nên chúng tôi không liên lạc với nhau. Giờ đây là lúc tôi cần đến sự giúp đỡ của anh Sơn.
 
Tôi đã nói qua với anh hôm gặp nhau thoáng chốc ở Sở văn hoá Hà Sơn Bình và được anh hứa sẽ giúp, hứa một cách đầy khí khái và khí phách, nên sau khi hoàn thành bộ đơn khiếu nại từ chỗ Vũ Hữu Sự về, tôi ra thẳng nhà anh ở phía bên kia cầu Am. Nguyễn Hoàng Sơn đi vắng, chỉ gặp vợ anh, làm nghề dạy học, nét mặt hơi quê mùa nhưng có vẻ phúc hậu. Tôi nói qua câu chuyện rồi gửi tài liệu lại cho anh.
 
 Hôm sau tôi lại gặp anh và anh thông tin cho tôi là đang làm việc với sếp Dương Xuân Nam về vụ của bố tôi. Như tôi đã kể, báo Tiền Phong khi đó đang nổi tiếng bởi loạt bài điều tra phanh phui chuyện 14 đoàn kiểm tra một vụ việc ở Thanh Hoá nhưng vẫn cho kết quả sai. Phải đoàn thứ 15 sự việc oan sai của công dân mới được sáng tỏ. Loạt bài đó ký tên T.H và H.H.T. (Tôi xin viết tắt và sẽ công bố tên thật trong một dịp khác). Tôi thầm ước gia đình tôi cũng được trời phật run rủi cho gặp hai con người vĩ đại và dũng cảm đó. Biết đâu Nguyễn Hoàng Sơn chính là vị bồ tát của gia đình tôi, bởi vì thật ngẫu nhiên, anh cũng công tác ở báo Tiền Phong.
 
Cuối cùng Nguyễn Hoàng Sơn cho tôi một cái hẹn gặp tại toà soạn ở số 15 Hồ Xuân Hương. Cả sáng hôm ấy tôi không làm được việc gì, lòng bồn chồn mong đến giờ hẹn với anh Sơn. (Bạn cứ vào hoàn cảnh của tôi, sẽ thấy tôi nóng ruột như thế nào). Đúng 2 giờ chiều tôi có mặt tại phòng trực của báo Tiền Phong, không sai một phút. Tôi rất mệt mỏi và hoang mang nên mặt mũi hốc hác. Có lẽ vì thế mà chị thường trực hỏi tôi đầy cảnh giác: “Cần gì?”,  tôi bảo với chị là tôi cần gặp Nguyễn Hoàng Sơn. Chị thường trực quay vào một lát rồi ra bảo tôi là Nguyễn Hoàng Sơn đi Nam Định công tác!
 
 Tôi hơi sững người. Sao lại có thể như vậy được, chính anh Sơn hẹn tôi cơ mà! Tôi cố gắng giải thích như vậy, nhưng chỉ được đáp lại: “Thiếu gì việc đột xuất. Chắc là anh Sơn vội nên không kịp báo lại”. Người trả lời tôi nói bằng thứ giọng lạnh nhạt, cố gắng để tôi hiểu là nếu tôi ngồi chờ thì cũng vô ích. Tôi hỏi anh Sơn có nhắn lại gì cho tôi không, thì người tiếp tôi bảo không. Tuy thế tôi vẫn không chịu đứng lên, vì thực ra tôi chưa biết đi đâu.
 
Tôi nấn ná ngồi lại, hy vọng vị cứu khổ cứu nạn sẽ hiện ra. Ngài hiện ra đi, rồi bắt tôi bốc đất ăn tôi cũng sẵn sàng! Vì bố tôi sẽ cắn lưỡi chết nếu bị đẩy ra toà và biết bao giờ tôi mới thoát tội bỏ mặc cho bố chết giữa bầy thú dữ mà không cứu! Cuối cùng tôi đành bảo người trực là tôi có vụ việc oan sai, muốn gặp tác giả của loạt bài về vụ 14 đoàn điều tra ở Thanh Hoá. Chị ta đành lại miễn cưỡng quay vào. Lát sau thì tôi cũng toại nguyện.
 
 Cả anh T.H và chị H.H.T đều xuất hiện. Còn hơn là hai đấng Bồ tát! Người tôi run lên vì xúc động và vì mừng. Tôi vô cùng ngưỡng mộ họ. Tôi sẵn sàng cúi xuống hôn ngón chân họ để bày tỏ điều đó và mong được họ để tâm đến câu chuyện của tôi.
 
Chị H.H.T ngồi nghe tôi kể lại vắn tắt sự việc một lát, trong khi vẫn ăn gì đó trong miệng. Lát sau lấy cớ bận, chị bảo nhường lại việc tiếp tôi cho anh T. H. Tôi tranh thủ từng giây trình bày sự việc với anh T. H, cố gắng để anh bị ấn tượng về điều bất công chúng tôi đang gặp phải, biết đâu máu anh hùng của anh lại nổi lên, như anh đã thể hiện trong vụ Thanh Hoá. Tôi nói lắp bắp,lời nọ chèn lên lời kia vì rất sợ hết thời gian. Anh T.H ngồi nghe không chăm chú lắm nhưng vẫn kiểm soát được nội dung tôi trình bày. Kể xong tôi rất muốn thể hiện bằng lời rằng, chưa bao giờ gia đình tôi cần có một vị cứu tinh như lúc này và cầu xin anh hãy ra tay. Nhưng tôi chỉ nghẹn ngào nói được: “Anh hãy về cứu bố em rồi anh sẽ hiểu chúng em đang cùng đường như thế nào”
 
Anh T. H có vẻ rất cảm thông với tôi nhưng anh nhíu mày bảo:
 
-Việc của cụ thế là lên tới Cung Đình rồi (ý anh muốn nói báo Nhân Dân, Đài tiếng nói Việt Nam, Đài truyền hình Việt Nam đã đều dính vào), khó gỡ lắm. Khó vô cùng luôn. Có thể nói là hết cách.
 
-Nhưng sự thật là chúng em bị oan, chỉ cần anh về là biết rõ ngay.
 
-Không đơn giản thế đâu. Mình hoàn toàn tin cậu, nhưng mình tin thì ăn thua gì.
 
Anh bảo thêm tôi bằng giọng trách móc:
 
-Sao không khoanh nó lại mà để loang ra to thế? Lên tới Cung Đình thì bọn tớ cũng chịu. Bọn tớ chỉ là tép riu thôi.
 
Tôi chỉ còn biết thanh minh là vì khi sự việc xảy ra tôi không có nhà.
 
Nghĩ ngợi giây lát, anh T. H lắc đầu nhìn tôi:
 
-Chắc mình chả giúp gì được đâu. Bố mình cũng không dám viết ngược lại những gì đã in trên báo Nhân Dân. Các ông để nó đến đoạn này thì đành chịu thôi. Vả lại cũng phải chờ anh Nguyễn Hoàng Sơn về đã. Anh Nguyễn Hoàng Sơn đã nhận lời, mình cũng khó mà xen ngang vào. Đó là nguyên tắc làm báo, mong cậu hiểu cho. (Có thể anh T.H và chị H.H.T không bao giờ còn nhớ là họ đã gặp một thằng lính quèn, mặt mũi đen đúa là tôi và nói những điều như vậy, chuyện này thì tôi tin)
 
Nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn
Tôi cứ nấn ná thêm, hy vọng biết đâu anh Nguyễn Hoàng Sơn kịp về. Biết đâu anh T.H đổi ý theo kiểu “giữa đường thấy việc bất bằng…”. Nhưng chiều xuống nhanh. Không gian đỏ như máu. Hy vọng của tôi cũng sập xuống. Tôi đành ra về, lòng nặng như đeo đá.
Cho đến khi vụ việc kết thúc, trong đó công lý hoàn toàn thuộc về chúng tôi, tôi vẫn không gặp được anh Nguyễn Hoàng Sơn và đương nhiên là anh cũng không có ý gặp lại tôi. Mấy năm sau có người bảo tôi rằng, hôm đó anh Nguyễn Hoàng Sơn chẳng đi đâu hết, mà ngồi trên tầng 2 của toàn soạn nhưng tôi không tin. Đến tận giờ này tôi vẫn quyết không tin.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Năm 2015: Việt Nam 'đi ngược' thế giới


Từ nước xuất khẩu, từ năm 2015 VN phải nhập khẩu than. Thế giới chuyển sang phát triển năng lượng tái tạo, từ bỏ nhiệt điện than, điện nguyên tử, thì VN lại thúc đẩy.
Tuần Việt Nam giới thiệu phần cuối toạ đàm: "Tận thu tài nguyên đất nước" cùng ông Đào Trọng Tứ, GĐ Trung tâm Phát triển bền vững Tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu; bà Ngụy Thị Khanh, GĐTrung tâm Sáng tạo Phát triển xanh Green ID và ông Nguyễn Minh Thuyết, nguyên là ĐBQH khoá XI, XII.
Chi phí thấp nhất chưa chắc tiết kiệm nhất
Hoàng Hường:  Như phần trước chúng ta đang thảo luận, cách khai thác tận thu tài nguyên đã khiến đầu vào của nhiều ngành kinh tế đang bị suy giảm. Tôi được biết, ý tưởng năng lượng bền vững đã được nhiều  nước tiên tiến áp dụng, điều gì đang cản trở chúng ta nhập khẩu những công nghệ tương tự về?  
Bà Ngụy Thị Khanh: Vì còn liên quan nhiều đến chính sách, thể chế và các rào cản kỹ thuật. Ta thiếu quy hoạch năng lượng tổng thể.
Mời độc giả tham gia ý kiến xây dựng Luật Ban hành Văn bản Quy phạm Pháp luậtTẠI ĐÂY
Vừa rồi Chính phủ ra quyết định phải xây dựng quy hoạch năng lượng tổng thể  quốc gia, được kì vọng điều hoà lại việc sử dụng nguồn tài nguyên cho các mục tiêu sản xuất năng lượng. 
Một số tồn tại ở cấp quản lý. Thứ nhất, quy hoạch theo dự báo nhu cầu rất là cao, tăng 8% GDP. Nhưng trên thực tế chỉ được có 5%. Việc đáp ứng nhu cầu của GDP từ 5% đến 8% rất khác nhau, mà quan điểm về việc phải đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng để đạt được GDP cũng lạc hậu. Quan điểm: “tôi sản xuất ra cùng 1 đồng đôla GDP mà tôi tiêu dùng ít năng lượng hơn thì có nghĩa là tôi sẽ có hiệu quả nhiều hơn”, hoặc lý lẽ khác là “để làm ra một đồng GDP thì tôi lại phải tăng nhu cầu sử dụng năng lượng lên”. 
Nhìn ra các nước, những năm 70 Đan Mạch khủng hoảng dầu. Lúc đó họ có một sự đột biến trong chính sách là tập trung đầu tư nghiên cứu và sử dụng biện pháp hiệu quả và tiết kiệm, giám phụ thuộc vào bên ngoài, và họ phát triển điện gió. Từ một nước nhập khẩu và có nguy cơ bị phụ thuộc thì họ trở thành một nước xuất khẩu công nghiệp về năng lượng. 
Ở đây, rào cản về mặt chính sách của ta chưa được gỡ bỏ vì chưa có những đột phá trong việc cách nhìn. Giải pháp hiện nay thì tập trung vào least-cost (chi phí thấp nhất). Thực ra chỉ là chi phí tài chính thấp nhất. Nhưng khi tính toán về mặt chi phí giá thành thì những tổn thất về môi trường, xã hội lại chưa được tính vào giá thành.
tọa đàm, nhiên liệu, kinh tế, nhập khẩu, xuất khẩu, Ngụy Thị Khanh, Đào Trọng Tứ, Nguyễn Minh Thuyết
Bà Ngụy Thị Khanh
Hoàng Hường:  Tôi có một câu chuyện cá nhân. Nhà tôi thì ở gần tòa nhà khu Lotte, Hà Nội. Một hôm tôi có một suy nghĩ nếu thay bằng những tấm kính trên cả tòa nhà Lotte bằng những tấm thu năng lượng mặt trời thì họ vừa tự sản xuất được điện dùng, vừa thân thiện với môi trường. Tôi muốn tham khảo hai chuyên gia, có thể làm được như vậy hay không? 
Bà Ngụy Thị Khanh: Về mặt công nghệ thì ý tưởng của chị Hường sẽ không có vấn đề gì nhưng chi phí của năng lượng mặt trời là mối băn khoăn của các nhà đầu tư. Đầu tư ban đầu sẽ đắt, nhưng về lâu dài sẽ không tốn bằng chi phí nhiên liệu và đất nếu các tấm pin được gắn theo hệ thống ống kính.  
Ngoài chi phí đầu tư hệ thống sẽ phải có chi phí vận hành và nhiên liệu, thì phải tính chi phí cả vòng đời. Cũng như chi phí của nhiệt điện và thuỷ điện có những tác động tới của môi trường - xã hội, tức là tiền chữa bệnh, bảo hiểm sức khoẻ chưa được tính đến. 
Ông Đào Trọng Tứ: Một trong những rào cản chính là tư duy. Chúng ta nói rằng đưa năng lượng gió hay mặt trời vào đầu tư đắt đỏ. Ví dụ đầu tư điện gió đắt gấp 2,5 lần thuỷ điện và 3 - 4 lần nhiệt điện. Liệu ta có chịu nổi không? 
Quay lại câu chuyện Đức tại sao họ phát triển năng lượng bền vững được như thế vì họ có bước ngoặt chính sách. Người ta thay đổi tư duy từ sử dụng các năng lượng hoá thạch truyền thống sang năng lượng tái tạo, năng lượng mới. Tất nhiên trong bước chuyển ấy không phải tất cả mọi thứ đều được suôn sẻ, không phải năng lượng mặt trời cũng được mọi người đồng ý.  
Tuy nhiên, trong một thế giới phát triển thì sự gọi là bền vững trong đầu tư môi trường là rất thật. Tất nhiên, cũng phải nói một rào cản nữa đó là muốn làm anh sẽ động tới rất nhiều bên; nhiều nhóm lợi ích khác nhau. Giống như ở thế kỷ thứ XIX, khi người ta muốn có năng lượng thuỷ điện thay thế năng lượng than đã bị chống đối ngay vì lúc đó những người khai thác than, những cơ sở sản xuất than sẽ bị mất lợi ích.  
Hiện nay có những người nói chuyện với tôi rằng người ta phát hiện ra cách phát điện rất đơn giản, nhưng nếu mà đưa ra là... toi!
tọa đàm, nhiên liệu, kinh tế, nhập khẩu, xuất khẩu, Ngụy Thị Khanh, Đào Trọng Tứ, Nguyễn Minh Thuyết
Ông Đào Trọng Tứ
Hoàng Hường: Khi nói đến các ngành năng lượng đó là cơ chế độc quyền trong khai thác tài nguyên đất nước. Theo các khách mời, chuyện cạn kiệt tài nguyên, dao động nguồn cung về than, về điện… có  liên quan gì đến cơ chế độc quyền lâu nay không?  
Ông Nguyễn Minh Thuyết: Người phương Tây có câu “Mọi con đường đều dẫn tới thành Rome”. Chúng ta bàn đến rất nhiều chuyện. Tất cả các chuyện đều dẫn về cái cơ chế, cơ chế độc quyền trong quyết định, độc quyền trong kinh doanh, thì tôi nghĩ thật sự là làm ăn rất khó. Việc cải thiện thể chế này thì thật sự ra CP và NN nói chung thì nhìn thấy lâu rồi, và cũng đặt ra quyết tâm nhiều lắm rồi. Chỉ có điều là nhận thức ở nước ta nó đi nhanh hơn bước chân của mình. Nhiều khi mình đi chậm cũng không phải sức mình yếu mà vì có nhiều dây cản quá. 
Ông Đào Trọng Tứ: Chuyện chống độc quyền rất dài hơi. Hiện nay đầu tư thuỷ điện không phải chỉ NN, mà rất nhiều DN tư nhân cũng làm thuỷ điện vừa và nhỏ và rất khốn khổ về chuyện “ai mua điện? lúc nào được bán? lúc nào không được bán?” 
Bà Ngụy Thị Khanh: Chúng ta đang đi ngược với thế giới rất nhiều vấn đề. Ví dụ Hà Lan mua đất của nông dân để người ta trả lại cái dòng chảy uốn lượn của con sông, thì bây giờ mình lại đi kè sông, đi bó lại. Thế giới chuyển sang phát triển năng lượng tái tạo, từ bỏ nhiệt điện than, điện nguyên tử, thì bây giờ mình lại đi thúc đẩy các lĩnh vực này. Mà, theo quy hoạch mới là nhiệt điện than sẽ chiếm 50% trong tổng nhu cầu năng lượng của Việt Nam trong vòng 10 năm tới cơ đấy. Như thế là đi ngược. 
tọa đàm, nhiên liệu, kinh tế, nhập khẩu, xuất khẩu, Ngụy Thị Khanh, Đào Trọng Tứ, Nguyễn Minh Thuyết
Ông Nguyễn Minh Thuyết (giữa)
An ninh năng lượng sẽ là câu hỏi khó
Hoàng Hường: Một câu hỏi cuối cùng: từ một đất nước xuất khẩu, sắp tới ta sẽ thành nước nhập khẩu nguyên liệu, cụ thể là than. Trong tầm nhìn ngắn độ khoảng 10, 20 năm sắp tới thì sự thay đổi đó sẽ tác động thế nào đến nền kinh tế nói chung cũng như ngành năng lượng nói riêng? 
Bà Ngụy Thị Khanh: Thứ nhất, nếu không thay đổi trong quy hoạch điện hiện tại, tức là vẫn tăng tỉ lệ nhập khẩu than để sản xuất điện, thì đó là một rủi ro rất lớn cho môi trường, cho sinh thái, cho con người và cho cả sự phát triển kinh tế xã hội.  
Những tác động của nhiệt điện than thì thế giới đã để lại bài học rồi và Việt Nam chúng ta cũng đang có những trải nghiệm. Những màu đen hoặc là những tỉ lệ của người mắc bệnh ung thư phổi, rồi ung thư  vòm họng… xuất hiện tại những khu vực có nhà máy sản xuất nhiệt điện trong thời gian gần đây cũng là những minh chứng để cho thấy những tác hại.  
Hệ số phát thải theo tính toán của  quy hoạch điện cũ mà hiện nay họ đang điều chỉnh thì chi phí cho phát thải khoảng độ 1 tỉ đô-la. Mà nếu cứ theo quy hoạch này thì gia tăng phát thải từ nhiệt điện than chiếm khoảng 90% trong số mà phát thải CO2 của Việt Nam. Ngược lại với xu thế, với chiến lược tăng trưởng xanh mà quốc gia vừa ban hành và đang lỗ lực để thực hiện ở các cấp. 
Thứ hai, liên quan đến an ninh năng lượng. Một nước phải nhập khẩu nhiên liệu, chúng ta sẽ bị phụ thuộc vào nước ngoài về mặt giá, về thị trường thay đổi. Và theo các chuyên gia của ngành than, nói rằng là “không dễ gì để Việt Nam có thể nhập được lượng than lớn như thế!” Như Nhật Bản hoặc là một số nước muốn nhập khẩu được than thì họ phải đưa tiền để sang mua, khai mỏ để đưa về. Để nhập được than về, đặc biệt là về đồng bằng sông Cửu Long có rất nhiều vấn đề liên quan đến việc vận chuyển như hệ thống cảng biển, kho, bãi. Mà hiện nay tất cả các cơ sở hạ tầng ấy đều chưa có.  
Thứ ba, chúng tôi rất lo lắng bởi vì khi phát triển nhiệt điện than thì sẽ liên quan đến sử dụng tài nguyên nước, và những tác động về tài nguyên nước đối với đồng bằng sông Cửu Long. Hiện các vựa lúa đang phải đổi mặt cới các thách thức từ phát triển thượng nguồn,  tác động của biển. Sắp tới lại sẽ gia tăng thêm áp lực. Rồi những hậu quả về mặt sức khoẻ, những chi trả cho chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của người dân.  
Ông Đào Trọng Tứ: Theo tổng số trước đây chưa có điều chỉnh, đến năm 2020 chúng ta cần 80 triệu tấn than, hiện ta phải nhập khoảng một nửa. Thứ hai đến năm 2030, dự toán là chúng ta cần 150 triệu tấn than để sản xuất điện. Đây là một con số khủng khiếp! 
Lấy đâu ra trong khoảng 50 năm nữa để có thể có được 80 triệu tấn than để sản xuất điện, rất là khó!  
Tôi nghĩ là câu chuyện về năng lượng, hiện nay gọi là chân kiềng: an ninh nước là đầu tiên, an ninh lương thực và an ninh năng lượng là ba chân kiềng cho một phát triển của thế giới bền vững “phải đi với nhau như thế nào?”  là câu hỏi mà những nhà kĩ thuật như tôi nói ra không biết có tạo được niềm tin không, nhưng vẫn cần phải nói. 
Xin cảm ơn ba vị khách mời đưa về những phân tích chuyên môn và về góc độ quản lý NN sâu sắc. Cảm ơn quý vị độc giả của VietNamNet đã theo dõi buổi toạ đàm! 
Tuần Việt Nam
Ảnh: Lê Anh Dũng
Quay phim: Đức Yên, Xuân Quý
Dựng phim: Huy Phúc 
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Bán hàng đa cấp Có hay không hành vi lừa đảo

Phần nhận xét hiển thị trên trang

VTV1 cảnh báo người dân về "Dự án Cuộc Sống hạnh phúc"

Phần nhận xét hiển thị trên trang

BS HỒ HẢI: CHUYỆN ANH CON DÌ

BS HỒ HẢI: CHUYỆN ANH CON DÌ: Bài viết rất thực của thầy giáo Trần Đình Trợ, mà câu chuyện đang diễn ra ở các thôn quê Việt Nam, dân nghèo lam lũ, đang vật lộn với cái ... Phần nhận xét hiển thị trên trang