Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 7 tháng 4, 2015

Cụ "con dê" cựu TBT Lê Duẩn nói gì?:

Giáo sư Hồ Ngọc Đại: "Việt Nam tụt hậu 1-2 thế kỷ"


(GDVN) - Trong thế kỷ 21 này, ngành nào cũng có biến đổi và biến đổi nhanh chóng, nhưng có một ngành mãi vẫn lạc hậu và không thay đổi gì hết, đó là sư phạm.

GS.TSKH Hồ Ngọc Đại - người đã từng từ chối làm Thứ trưởng để dạy tiểu học đã bình luận như vậy khi nói về vai trò của người thầy - yếu tố thiên cốt tạo nên sức sống của nền giáo dục.
"Ai cũng dạy được, thất cơ lỡ vận có chữ là dạy được"
GS Hồ Ngọc Đại nhận định: "Ngay từ những năm 60 của thế kỷ trước, khi chúng ta bắt đầu chuẩn bị cuộc cải cách giáo dục với nhiều ảo tưởng, Thủ tướng Phạm Văn Đồng hỏi về tôi cuộc cải cách giáo dục như thế nào? Tôi trả lời ngay: "Sẽ thất bại, vì chiến lược về nền giáo dục hiện đại dông dài, ly kỳ, khó hiểu. Cho đến bây giờ, Việt Nam chúng ta nếu nhìn về mặt triết học thì ngang bằng lịch sử, nhưng thực chất là đang tụt lùi 1-2 thế kỷ”.
GS.TSKH Hồ Ngọc Đại: Trong thế kỷ 21 ngành nào cũng có biến đổi và biến đổi nhanh chóng, nhưng có một ngành mãi vẫn lạc hậu và không thay đổi gì hết (kể cả nguyên tắc lý thuyết) đó là sư phạm. Ảnh: Ngọc Quang.
Nếu đặt ra câu hỏi: Trước quá nhiều chuyện xấu xí của nền giáo dục, chúng ta phải chọn vấn đề gì cần phải làm trước để mở đường cho một cuộc cải cách? Hẳn bất cứ ai có hiểu biết về giáo dục đề sẽ trả lời: Cái lõi của sự đổi mới, không gì hơn được, đó chính là người thầy. Nếu người thầy năng lực không tốt, không mẫn cán mà nói vui là không chịu được áp lực "lái tàu cao tốc" thì hệ lụy là sẽ làm hỏng nhiều thế hệ học sinh. Nhưng dường như ngành giáo dục chưa có một kế hoạch đủ mạnh để thay đổi vai trò của người thầy. Do đó, GS Hồ Ngọc Đại đánh giá rằng, trong thế kỷ 21 này, ngành nào cũng có biến đổi và biến đổi nhanh chóng, nhưng có một ngành mãi vẫn lạc hậu và không thay đổi gì hết (kể cả nguyên tắc lý thuyết) đó là sư phạm.
“Đi đến đâu tôi cũng kể lại câu chuyện ông bố Kennedy mở lớp dạy cho trẻ con và nói rằng, dòng họ Kennedy sẽ làm tổng thống nước Mỹ. Nếu không làm Tổng thống nước Mỹ mà làm bất cứ nghề gì, kể cả đó là nghề móc cống thì cũng là người móc cống giỏi nhất nước Mỹ. Điều đó có nghĩa là xã hội đòi hỏi sự chuyên nghiệp hóa, nhưng chúng ta hiện nay không có tính chuyên nghiệp gì cả.
Khi nghiên cứu về tâm lý học, tôi thấy rất tự ái về nghề, vì rằng ai cũng làm giáo viên được cả, kể cả thất cơ lỡ vận có chữ là dạy được. Do đó, tôi muốn biến cái nghiệp vụ sư phạm thành công việc chỉ có thầy giáo mới làm được, ngoài ra không ai làm được”, GS Đại chia sẻ.
Đào tạo giáo viên dư thừa quá lớn
Song song với yêu cầu nâng cao chất lượng đời sống cho người thầy thì công tác tuyển sinh ngành sư phạm cũng phải siết thật chặt, không nên để điểm đầu vào quá thấp như mấy năm qua. Nói cách khác, những ai không xứng đáng thì cũng đừng đứng vào hàng ngũ người thầy.
PGS.TS Nguyễn Thám – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Huế cho hay: “Tôi thống kê hiện nay có 43 trường sư phạm, hoặc các trường không sư phạm nhưng lại có khoa sư phạm đào tạo giáo viên, thậm chí có những trường không có khoa sư phạm cũng đào tạo giáo viên. Năm trước, chỉ tiêu đào tạo giáo viên của Bộ Giáo dục là 16 nghìn có ngân sách nhưng các trường ở địa phương thì tăng lên 25.500 chỉ tiêu. Dù chủ trương của Bộ Giáo dục là giảm chỉ tiêu đào tạo giáo viên, nhưng năm nay vẫn có tới 25.250 chỉ tiêu đào tạo ở tất cả các trường trên cả nước. Như vậy là quá dư thừa".
PGS.TS Nguyễn Thám - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Huế đề nghị ngăn chặn sự phát triển ồ ạt đào tạo giáo viên. Ảnh: Ngọc Quang.
Trước thực trạng trên, PGS Nguyễn Thám đề nghị Chính phủ và Bộ Giáo dục cần phải ngăn chặn được sự phát triển ồ ạt vượt quá hệ thống các trường đào tạo giáo viên.
"Nếu không kiên quyết điều chỉnh lại hệ thống các trường đào tạo giáo viên, không kiên quyết giảm chỉ tiêu của các trường đào tạo giáo viên thì đừng nói đến chuyện. Tôi biết rằng chuyện này khó, nhưng phải kiên quyết làm cho được, đây là câu chuyện mang tầm quốc gia và nếu chỉ có riêng Bộ Giáo dục thì không thể làm được", PGS Thám nói.
Chia sẻ về những lo lắng này với PV Báo Giáo dục Việt Nam, GS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng nhận định rằng "đào tạo vẫn rất nhiều và tuyển dễ dãi dẫn tới vàng thau lẫn lộn".
GS Thuyết đánh giá, chương trình - SGK hay trang thiết bị dạy học rất quan trọng, nhưng vai trò của nhà giáo luôn luôn là số một. Chính vì vậy, trong lần đổi mới này, chúng ta cần đổi mới công tác đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, nếu không đổi mới được trước thì ít nhất cũng phải song song với đổi mới chương trình - SGK.
"Trước hết, cần đổi mới ở khâu tuyển sinh. Lâu nay, biện pháp miễn học phí cho sinh viên, học viên sư phạm đã tỏ ra hết hiệu lực, không hấp dẫn được học sinh giỏi như trước nữa; bởi vì được miễn vài triệu đồng học phí, lúc ra trường phải chạy hàng trăm triệu đồng mới có một chỗ dạy học thì thầy cô lương ba cọc ba đồng lấy tiền đâu để bù vào khoản “tiêu cực phí” ấy? Chi bằng họ chọn nghề khác, tuy lúc ra trường vẫn phải “chạy việc” nhưng khả năng kiếm thêm, bù lại vẫn nhiều hơn. Để hấp dẫn người giỏi vào ngành sư phạm, theo tôi, Nhà nước cần xác định được tương đối chính xác nhu cầu giáo viên để không đào tạo tràn lan và đảm bảo công ăn việc làm cho giáo sinh lúc ra trường. Xác định điều này hoàn toàn không khó khi đã có số liệu về trường, lớp, môn học, số trẻ sinh ra mỗi năm…
Sau khâu tuyển sinh là phương thức đào tạo. Công tác đào tạo ở các trường sư phạm phải gắn với đơn vị sử dụng lao động. Giáo sinh chỉ nên dành tối đa 60% thời gian học ở trường sư phạm, còn 40% thời gian học ở trường phổ thông. Có như vậy thì đào tạo mới gắn liền với thực tế, giáo viên mới giỏi được", GS Thuyết chia sẻ.
















































































































































































































































Phần nhận xét hiển thị trên trang

Lẳng lặng mà nghe!

Đảng không thể tồn tại nếu suy đồi về văn hóa

VNN - Nếu để Đảng bị suy đồi về văn hóa thì Đảng sẽ thất bại, có lỗi với nhân dân và lịch sử, đồng thời bản thân Đảng cũng không thể tồn tại.
Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh là nhiệm vụ xuyên suốt quá trình phát triển của đất nước ta. Trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, để xứng đáng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và cả dân tộc, Đảng ta cần không ngừng xây dựng Đảng toàn diện về các mặt chính trị, tổ chức và nhất là về văn hóa.

Tuần Việt Nam xin đăng lại bài viết của TS. Vũ Ngọc Hoàng, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương trên Tạp chí cộng sản.

1- Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ghi nhận vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam. Không riêng gì Việt Nam, bất kỳ đất nước nào muốn phát triển mạnh và bền vững đều cần phải có một bộ tham mưu chân chính có trí tuệ, phẩm chất và năng lực.
Lâu nay, khi nói về xây dựng Đảng, các văn bản, tài liệu, ý kiến thường nhấn mạnh xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Trong thực tế đã có không ít người hiểu sai rằng: Xây dựng Đảng về chính trị tức là Đảng phải nắm giữ cho chắc quyền lực; xây dựng Đảng về tư tưởng tức là mọi đảng viên phải nghĩ, nói, viết theo lãnh đạo bất kể đúng hay sai; xây dựng Đảng về tổ chức tức là mọi đảng viên phải hành động theo lãnh đạo.
Hệ quả của tư duy ấy nếu không được uốn nắn sẽ dẫn đến hiểu sai về bản chất khoa học của Đảng, chăm lo quyền lực và tạo ra một tập thể thụ động, không có sự chủ động của từng người, mất năng lực tư duy độc lập và khả năng tự chủ, sáng tạo, Đảng trở thành xơ cứng, mất sức sống, không thể hoàn thành được sứ mệnh của mình. Chúng ta thường nói, thường viết xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức.
Không thấy nói xây dựng Đảng về văn hóa, phải chăng là không cần? Chắc chắn không phải, chỉ có điều phải hiểu vấn đề văn hóa thông qua chính trị, tư tưởng và tổ chức. Hiểu như thế không sai, vì trong chính trị, tư tưởng, tổ chức đều có văn hóa. Tuy nhiên, một mặt, không được hiểu sai việc xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức như đã nói ở trên, mặt khác, cần phải bổ sung và nhấn mạnh việc xây dựng Đảng về văn hóa mà trước nhất là xây dựng về đạo đức và trí tuệ.
Văn hóa là những giá trị chân, thiện, mỹ do con người sáng tạo, gìn giữ, lưu truyền, bồi đắp, phát huy nhằm hoàn thiện nhân cách. Văn hóa thuộc về con người, của con người, là chất người, tính người. Đảng là của con người, do con người, mà là những con người tiên tiến. Vì vậy, văn hóa và Đảng tất yếu có quan hệ bản chất.
Trước đây, khi chưa giành được chính quyền, Đảng chưa có quyền lực, sự lãnh đạo của Đảng được thực hiện bằng các giá trị văn hóa. Đó là những chủ trương, đường lối, chính sách hợp lòng người, những tấm gương mẫu mực về nhân cách. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định Đảng phải là đạo đức và văn minh. V.I. Lê-nin khẳng định Đảng phải là trí tuệ, danh dự và lương tâm. Đạo đức, văn minh, trí tuệ, danh dự, lương tâm đều là phạm trù của văn hóa. Qua đó, có thể hiểu, chính V.I. Lê-nin và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định bản chất của Đảng trước tiên và quan trọng nhất là văn hóa.
Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, thậm chí không chỉ là nền tảng tinh thần mà còn là nền tảng nói chung của xã hội cho sự tồn vong và phát triển. Đảng là bộ phận tiên tiến của xã hội. Vậy nên, văn hóa phải làm nền tảng cho công việc xã hội nói chung, trong đó có xây dựng Đảng. Đảng càng phải văn minh, nhân văn, càng phải lấy văn hóa làm nền. Tất nhiên, văn hóa rất rộng. Khi ta nói văn hóa làm nền tảng cho công việc xây dựng Đảng tức là chủ yếu nói đến văn hóa trong chính trị, trong nhân cách của cán bộ, đảng viên.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam nhiều lần khẳng định phải xây dựng Đảng trong sạch, sau này có thêm cụm từ vững mạnh. Trong sạch thì mới có thể vững mạnh. Không trong sạch thì chắc chắn không thể vững mạnh. Trong sạch cũng chính là văn hóa. Trong sạch là không có mầm bệnh từ bên trong. Có như thế thì nhân dân mới tin vào sự chân chính. Đảng được nhân dân tin yêu thì mới có nguồn sức mạnh lớn lao cho chiến thắng và thành công. Mất lòng tin là mất tất cả.
2- Để có một Đảng trong sạch, được nhân dân tin yêu thì Đảng phải xác định rõ ràng mục đích phục vụ nhân dân, vì lợi ích chính đáng của nhân dân mà chiến đấu. Đảng ta đã nhiều lần khẳng định điều này. Đảng không có lợi ích riêng, không phải muốn chiếm giữ quyền lực để cai trị nhân dân. Đảng nói điều ấy không phải những lời sáo rỗng, mà xuất phát từ tâm huyết chiến đấu cho đại nghĩa, trong sáng và chân thật, không cần nhiều lời, không cần phải hô to khẩu hiệu, mà chứng minh bằng hành động cụ thể.
Trong thực tế lịch sử, hàng chục vạn đảng viên, cán bộ của Đảng đã hy sinh, vào tù, hiên ngang ra chiến trường và bước lên pháp trường trong sáng vô tư vì nghĩa lớn, được nhân dân cảm phục, tin yêu, trân trọng, được nhân dân tự nguyện đi theo, tự nguyện thừa nhận vai trò lãnh đạo của Đảng. Ngày nay, những đảng viên tốt, chân chính vẫn luôn ý thức rằng, chỉ có hết lòng vì nhân dân, không để chủ nghĩa cá nhân xen vào, không để lợi ích nhóm tiêu cực tha hóa, thì mới được nhân dân tin yêu, mới giữ được lâu dài vai trò lãnh đạo của Đảng. Nếu ngược lại thì vai trò lãnh đạo của Đảng tất yếu sẽ giảm dần, mất dần và cuối cùng không còn nữa.
Tiếp theo mục đích phục vụ nhân dân, giữ vững tính chân chính của Đảng, là việc thường xuyên chăm lo phát triển, làm giàu trí tuệ của Đảng - Bộ Tổng Tham mưu của dân tộc. Thế giới đang phát triển nhanh, mạnh mẽ, đa dạng và phức tạp. Trí tuệ ngày càng có ý nghĩa quyết định đối với lịch sử phát triển của nhân loại. Trí tuệ là sức mạnh lớn nhất mà con người có được để trở thành chúa tể của muôn loài, trở thành chủ nhân của vũ trụ. Trí tuệ ngày càng trở thành “quyền lực” vạn năng.
Bộ tham mưu của một dân tộc nhất định phải có trí tuệ cao, thông minh, sáng tạo, liên tục cập nhật kiến thức của nhân loại và dân tộc, liên tục tư duy, không để nghèo nàn, xơ cứng, tụt hậu về trí tuệ. Khi có một Đảng chân thành, khiêm tốn, giàu năng lực trí tuệ, làm được chức năng khai hóa văn minh cho dân tộc thì nhất định nhân dân sẽ tin yêu và tôn trọng sự lãnh đạo của Đảng.
Nhân cách, đạo đức, trí tuệ, tính tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ lãnh đạo, quản lý các ngành, các cấp, đặc biệt là những người có chức vị cao trong Đảng và trong bộ máy Nhà nước sẽ là những biểu hiện thực tế nhất, sinh động nhất, thuyết phục nhất đối với nhân dân về sự chân chính và năng lực lãnh đạo đất nước, lãnh đạo xã hội của Đảng.
Nếu không giải quyết tốt vấn đề này trong thực tế, nếu cán bộ, đảng viên thoái hóa, lợi ích nhóm hoành hành thì mọi khẩu hiệu đều vô nghĩa, càng hô to sẽ càng phản cảm. Đảng ta lâu nay đã nhiều lần nhấn mạnh điều này. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị, khóa XI, đã khẳng định ý nghĩa hết sức quan trọng của việc xây dựng đạo đức cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, là sự gương mẫu của đội ngũ này. Đó cũng chính là xây dựng Đảng về văn hóa.
Thực hiện tốt việc xây dựng Đảng về văn hóa sẽ bảo đảm cho Đảng thành công trong lãnh đạo phát triển đất nước, đồng thời chắc chắn Đảng sẽ được nhân dân tôn vinh và tự giác thừa nhận sự lãnh đạo lâu dài của Đảng.
Nếu để Đảng bị suy đồi về văn hóa thì Đảng sẽ thất bại, có lỗi với nhân dân và lịch sử, đồng thời bản thân Đảng cũng không thể tồn tại. Mọi đảng viên của Đảng phải thường xuyên chăm lo xây dựng Đảng về văn hóa, đồng thời vận động nhân dân tham gia xây dựng Đảng vì tâm huyết với đất nước, mong muốn cho đất nước có một bộ tham mưu chân chính và trí tuệ./.

TS. Vũ Ngọc Hoàng  - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương
P/sTác giả là cháu ruột của cố Chủ tịch nước Võ Chí Công...

Phần nhận xét hiển thị trên trang

WHAT THE PHƯỢT



By Rosie


Phượt là gì?

Một trong những đặc điểm của ngôn ngữ là tính linh hoạt và chuyển động của nó. Theo thời gian, có nhiều từ ngữ dần mất đi và những từ mới hình thành. Phượt là một từ như thế.

Có khá nhiều cách giải thích khác nhau về nguồn gốc và ý nghĩa của từ này.

Theo một số thành viên của diễn đàn TTVN, từ “phượt” lần đầu tiên được dùng bởi thành viên gạo cội Cao Sơn của diễn đàn này, tên thật là Nguyễn Vũ Anh, một luật sư, một nhà văn (bút danh Doãn Dũng), và là chủ một thương hiệu thời trang ở Hà Nội. Nguyễn Vũ Anh không giải thích ý nghĩa của Phượt, vì theo anh, như thế cũng giống như bắt con gà phải phân tích thành phần cấu tạo của quả trứng nó vừa đẻ.

Lại có ý kiến cho rằng Phượt bắt nguồn từ chữ “lượt phà lượt phượt”. Cách diễn đạt này khá nên thơ: người đi bộ vào lúc trời mưa, đường trơn, khoác áo mưa thùng thình. Khi đi bước ngắn phát ra tiếng sột soạt của áo mưa, nghe cứ như phát ra tiếng kêu lượt phượt, lượt phượt. Một vài lần đi chơi, những lúc như thế người tinh tế sẽ cảm nhận được cái tiếng sột soạt đặc trưng kia, và cảnh người đi bộ qua khúc đường đồi núi với cái phong cảnh mênh mang của đất trời, núi rừng trong cái thời tiết đặc biệt khó quên, nên sau này họ ngẫu hứng dùng tiếng tượng thanh kia để nói về những cuộc đi chơi tung tẩy. Lâu dần, "lượt phượt" được rút gọn thành "phượt", một danh/động từ chỉ sự đi lại, nhưng cũng chỉ thông dụng trong một nhóm nhỏ. Càng ngày nhóm đó càng phát triển và các thành viên cứ dùng cái từ này, vì lạ và độc đáo nên dễ nhớ. 


Một số người khác thì nghĩ rằng phượt là một từ lóng, kết hợp giữa “phịch” (fuck) và “vượt” (đi chơi xa, thoát khỏi tầm kiểm soát của phụ huynh).  Đối với những người này, Phượt đơn giản chỉ là gói đồ vào ba lô, chở “ghệ” trên xe máy tới một nơi nào đó xa xôi, và "phịch".

Nếu quả thật ý nghĩa ban đầu của Phượt là như trường hợp ở trên, thì đây là một trường hợp thú vị của ngôn ngữ, vì từ ý nghĩa tiêu cực, nó đã đi một chặng đường dài và chuyển hóa thành một từ được nhiều người sử dụng mà không có ý nghĩa tiêu cực. Theo định nghĩa của từ điển mở Wikipedia, Phượt là "đi du lịch dã ngoại bằng xe máy và ba lô", đây cũng là cách hiểu được nhiều người chấp nhận. Cách hiểu của mình cũng gần giống với  định nghĩa cả Wiki, phượt đơn giản là "du lịch bụi". Đi du lịch bụi là gì? Tức là đi kiểu tự túc, tự lên kế hoạch, hành trình, không sử dụng dịch vụ theo tour của các công ty du lịch.



Phần nhận xét hiển thị trên trang

CÁI CHẾT CỦA SHERLOCK HOLMES



My Photo


By Rosie0 comments
Một lần mình đọc thấy chú Nguyễn Nhật Ánh kể chuyện ngày xưa chú làm việc với báo Mực Tím, cho ra đời mục Bắt giò truyện ngắn. Mỗi tuần, báo đăng một truyện ngắn do chú viết, trong đó có một chi tiết không hợp lý. Bạn đọc nào phát hiện được chi tiết này và gửi thư đến báo thì sẽ được quà. Chú kể bạn đọc thì thích chuyên mục này lắm, còn chú thì cực kỳ hãi hùng. Vì mỗi tuần bạn đọc chờ nhận quà. Còn chú mỗi tuần lại ngồi khổ sở vắt chân lên trán nghĩ: viết gì bây giờ, viết gì bây giờ.

Mới nghe thằng em kể rằng bộ truyện mình từng say mê hồi bé, Dũng sĩ Hesman, là bộ tranh truyện phóng tác của Việt Nam. Họa sĩ Hùng Lân, người sáng tác đến 159 tập truyện tranh Dũng sĩ Hesman, kể rằng một tuần nhà xuất bản yêu cầu ông vẽ một tập. Mỗi tuần một cuốn truyện tranh 72 trang, họa sĩ Hùng Lân phải một mình tự làm tất cả các khâu từ viết kịch bản, phân cảnh, vẽ khung, vẽ tranh, vẽ bìa, tất cả một mình thực hiện từ A đến Z, miệt mài như thế suốt năm năm. Nghĩ việc ngồi vẽ ròng rã 72 trang truyện tranh mỗi tuần trong vòng mấy năm trời, thật là một việc kinh khủng. Nhưng công sức của chú đã mang lại bao nhiêu niềm vui cho tụi trẻ con thời ấy. Dũng sĩ Hesman là một phần tuổi thơ của mình. Và mình chắc rằng không ít người bạn mình cũng đã từng có một chỗ dành riêng cho Hesman trong kệ sách của họ.

Tác giả bộ truyện tranh One Piece nổi tiếng của Nhật Bản, Oda Eiichiro, cũng có lần chia sẻ về quá trình vẽ truyện tranh của ông. Mỗi tuần một tập, ba ngày để nghĩ ra ý tưởng, ba ngày để vẽ, và một ngày để sửa chữa. Cũng chính vì sự đều đặn kiên trì ấy đã đưa tên tuổi Oda Eiichiro thành một trong những họa sĩ truyện tranh tiêu biểu của Nhật Bản.

Bây giờ mới nói tới chuyện liên quan tới đề bài. Cha đẻ của Sherlock Holmes, Arthur Conan Doyle vốn là một bác sĩ. Phòng mạch của ông rất vắng khách, nên ông bắt đầu viết truyện trong lúc chờ bệnh nhân. Và nhân vật huyền thoại Sherlock Holmes với hơn 60 kỳ án ra đời. Khi Sherlock Holmes đã trở có hàng triệu người hâm mộ, Conan Doyle lại trở nên mệt mỏi. Ông viết thư cho mẹ: "Con nghĩ đến việc giết Holmes, giải quyết hắn ta vĩnh viễn. Hắn làm đầu óc con không thể suy nghĩ được". Bà mẹ trả lời: "You won't! You can't! You mustn't!". Nhưng ông vẫn quyết định để cả Holmes và Moriarty rơi xuống thác nước. Giống như phản ứng của người mẹ, công chúng phản đối dữ dội trước cái chết của Sherlock Holmes. Trước áp lực của người đọc, Conan Doyle phải cứu Holmes trở lại từ thác nước.

Mình tình cờ đọc những câu chuyện vụn vặt lẻ tẻ này trong lúc đang tiến hành một dự án viết lách dài hơi. Áp lực viết cho kịp tiến độ kể cả mười hai giờ đêm hay ba giờ sáng khiến đầu óc mình đôi khi kêu gào phản đối và chỉ muốn lăn ra ăn vạ. Rồi mình đọc thấy những câu chuyện này và thấy mỗi nghệ sĩ ở trên đều phải chịu những áp lực làm việc kinh khủng mỗi tuần. Còn mình, mỗi tuần viết 5000 - 10,000 chữ, cũng không phải là cái gì quá lớn để mà kêu ca.

Rồi mình nhận ra rằng hầu như những người làm được những điều để đời hay vĩ đại trong cuộc sống này đều là những người có khả năng kiên trì hơn  người. Rõ ràng trong lúc làm việc, đều có những lúc họ cảm thấy mệt mỏi. Rõ ràng có những lúc, áp lực thời gian khiến công việc dường như là không thể hoàn thành được. Đến nỗi phải "bức tử" nhân vật của mình. Nhưng họ vẫn không bỏ cuộc. Họ vẫn không dừng lại.

Nếu không có những giờ ngồi kiên trì bền bỉ từ ngày này qua ngày khác trong suốt nhiều năm liền như thế của những con người như thế, chúng ta đã không có Hesman, One Piece, Sherlock Holmes, Tarzan. Chúng ta đã có thể không có đèn điện, định luật bảo toàn năng lượng và nhiều thành tựu khác. Nhân loại nếu không có những giờ kiên tâm hy sinh thầm lặng hay nhẫn nại làm việc của con người, sẽ gánh nặng tổn thất biết bao.

Có một câu nói khuyết danh mà bạn mình gửi cho mình: "Những người đứng đầu trên thế giới đều là những người bình thường với ý chí phi thường". Nên việc ta làm gì không quan trọng. Quan trọng là ta có làm cho đến chừng nào cho ra được kết quả mong muốn hay không. Người ta thường nhấn mạnh tới việc sống phải có ước mơ hoài bão, nhưng theo mình cái khó là kiên trì bền bỉ từng ngày vươn tới nó.

Aim for the moon, dreamers.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

NÚI BỒNG LAI



Truyện ngắn HG.

Tôi không tin ở thế kỷ này, thế kỷ của công nghệ tiến nhanh như vũ bão về mức độ phát triển, lại có một nơi nào đó như thế?
Một nơi cách biệt với xã hội bên ngoài, một “ốc đảo” riêng tư.
Thế giới phẳng ngày nay chẳng thể có nơi nào như thế.
Xu thế hòa nhập, cộng đồng khăng khít, không chừa một ai đó sống cách biệt, khác hẳn mọi người về lối sống, tập quán sinh hoạt. Bởi đó là một thử thách quá lớn đối với thói quen tiện nghi của con người thời buổi này.
Chuyện đó chỉ có trong dĩ vãng xa vời, của những câu chuyện lãng mạn  đường rừng thủa đất rộng, người thưa. Khi trên mảnh đất quê hương tôi, thậm chí có nơi chưa có bước chân người..
Những truyền thuyết không mấy khả tín về những dị nhân ẩn dật. Những số phận người đặc biệt, éo le. Những đạo sĩ luyện đan, người tu hành, hay người muốn xa lánh thế gian, chẳng muốn gặp gỡ hoặc va chạm cùng ai.
Những chuyện phần nhiều do trí tưởng tượng, xuất xứ từ những ẩn ức, khát khao nào đó. Đại loại là những chuyện nói cho vui khi trà dư tửu hậu, hoặc muốn an ủi tâm tư của ai đó lúc phẫn trí, gặp cảnh đời trái ngang, muốn có một cảnh ngộ huyễn hoặc mình để tự an ủi rằng: Dù sao, cuộc sống có thế nào chăng nữa vẫn luôn có lối rẽ ở cuối con đường..
Bởi thế nghe người ta kể, tôi sắp xếp để đến xem thử hư thực ra sao, cũng vì  chút việc của riêng tôi nữa
Và bây giờ tôi kể lại chuyện này, còn bạn tin hay không là chuyện của bạn. Không ai có quyền bắt người ta phải tin những điều không có thực. Việc ấy giả dối đã đành, còn vô nhân tính, “phản động”, đối lập với thế giới văn minh, phản tự nhiên nữa!
**
Thực ra thì tên gọi đúng của dãy núi này là Khau đăm, gọi theo tiếng Thổ trong vùng chứ chả có Bồng Lai, Tiên Cảnh, hay Thiên Đường nào cả. ( Cái tên hay hớm kia là do tôi đặt sau chuyến đi này ). Giữa hai bên vách đá  nhẵn lì như được mài sẵn, tạo thành  một khe sâu dọc theo con suối cạn là đường đi vào một thung lũng nhỏ, nhiều năm hoang sơ, không có người đến đây.
Trước khi xảy ra câu chuyện này lòng khe chằng chịt cây mây, cây móc. Một loài cây thân dẻo, khi khô rất cứng, vươn rất dài, có gai sắc từ gốc lên ngọn. Thứ cây mà ngay từ thời đó người ta đã dùng làm dây cốn bè, hoặc mang về xuôi bán cho người làm ghế bàn các làng có nghề song mây.
Hai trăm năm trước trong thung lũng này có mỏ kim loại quý. Người Pháp đã lên đây mở đường khai thác. Người ta đã đặt đường xe gòng để chở quặng từ thung lũng xuống bờ sông Nho Quế, chở về xuôi.
Một đêm xảy ra trân mưa kỳ quái trút xuống thung lũng. Mùi hăng nồng, tanh lộn mửa khiến mấy trăm con người từ cai lẫn thợ không ai chịu được. Người ta vội vàng thắp đèn đuốc nhưng không sao cháy nổi.
Trong ánh sánh chập choạng lóe lên từ sấm chớp, người ta nhìn thấy cảnh tượng thật hãi hùng. Khắp thung lũng, nước một màu đỏ xậm như màu máu  khô đang cuộn chảy. Không ai bảo ai, mạnh ai nấy chạy. Tiếng la hét vang động một vùng. Những người không chạy kịp chết ngay trong đêm đó. Người nào người nấy  người tím đen như bị sét đánh, chân tay co quắp như thể trước khi chết đã phải chịu đựng đau đớn, quằn quại đến tạn sức và khả năng chịu đựng của con người. Ai còn xót lại sau thiên nạn ấy, tự dưng không còn tiếng nói, không còn cảm xúc . Họ khi khóc khi cười, không ăn không uống vật vã cho đến chết.
Cư dân quanh vùng sợ hãi bỏ hết đi nơi khác. Chủ mỏ không biết chết trong đêm đó hay chạy đi đâu, về sau cũng không ai gặp. Một vùng xôn xao tiếng quạ kêu, chúng bay rợp trời, đậu đen các ngọn cây.
Người ta đồn rằng đám phu trong lúc khai thác đã làm điều gì đó phạm vào lời nguyền của núi.
Người bảo có vỉa quặng rất độc bị chạm phải, khi trời mưa phát tán, bung tràn ra thung lũng.
Người nói thời quân Cờ Đen giấu của, có yểm bùa, phu mỏ vô tình đụng phải.
Những năm dài chiến tranh, người Pháp không  quay trở lại. Người Việt  chưa đủ trình độ và phương tiện khai thác hay vì lý do gì khác, khu mỏ vẫn bỏ hoang cho thú rừng và đủ loại cây dại, có nhiều cây sau này dùng làm thuốc chữa được những căn bệnh hiểm nghèo.
Rất nhiều chuyện thêu dệt xung quanh câu chuyện này. ( Kể cả chuyện Cao Biền thời lâu thật là lâu đến đây yểm bùa, dù không ai biết Cao Biền là tên quái quỷ, mặt ngang mũi dọc như thế nào? ).
Hư hư thực thực, mơ hồ, chả thiếu chuyện gì cho đến tận bây giờ..

Khi tôi đến khung cảnh núi Khâu Đăm không còn như cũ. Con đường vào thung khi xưa đã có bức tường đá xây cao, có một cánh cổng  sắt  có mái ngăn cách với bên ngoài.
Xung quanh thật yên tĩnh, chỉ có tiếng nước chảy róc rách của con suối nhỏ từ trong thung lũng  đổ ra ngoài qua một máng nhỏ có lắp củ điện, đường dây dẫn vào sâu phía bên trong. Lối đó cũng có lớp rào bằng chấn song sắt, chỉ có thú nhỏ mới có thể lọt qua.
Tôi đành dựng xe đứng chờ vì không có lối vào thung lũng.  Đang lưỡng lự có nên đợi thêm một lúc hay quay về thì có người chạy xe máy qua dừng lại. Ông ta nhìn tôi từ đầu đến chân, ánh mắt nghi hoặc làm tôi khó chịu. Tôi quay mặt đi, châm điếu thuốc hút. Cứ ngỡ cử chỉ này sẽ làm cho ông ta tiếp tục chạy xe, kiểu người này có hỏi thăm chưa chắc đã nghe được câu trả lời thành  thực có ích.
Hình như ông ta không chú ý đến cử chỉ thiếu thiện chí này của tôi, hắng giọng:
- Chắc ông muốn tìm ông Tuyền hâm phỏng?
Thấy ông ta chủ động như thế, tôi gật đầu. Có nhẽ nhà ông này cũng là chỗ thân tình, hay ít ra cũng là chỗ quen biết  nhân vật tôi đang đi “tìm” này.
- Ông ấy về Hạc Trì rồi, đến tối may ra mới lên kịp. Nếu ông có việc cần gặp hãy chờ đến lúc đó – Nói xong người này chả để ý đến thái độ của tôi lúc ấy  thế nào nữa, nổ máy xe chạy đi luôn.
Tôi đứng một mình, phân vân.
Mình mất công từ xa đến đây chả lẽ lại quay về ngay.? Công việc thì nhiều, đang mùa bận rộn, mình đi tranh thủ bây giờ về thì đến hôm nào mới lại đi được? Mà giống cây bồ công anh, ngoài chỗ này ra, trong vùng chả đâu có. Bài thuốc của mình lại không thể thiếu nó. Thôi được, đành, chờ thì chờ..
Từ giờ đến chiều còn mấy tiếng đồng hồ mà ở cái xã Na Mèo này mình lại chẳng quen biết ai. Không lẽ ngồi tựa gốc cây ngủ một giấc chờ  từ giờ tới chiều?
Có muốn trò chuyện giết thời giờ, hay một chỗ nghỉ chân trong lúc đợi người cũng khó. Tốt nhất là nên ra chợ, nơi trung tâm xã.
Ở đâu bây giờ cũng vậy, cho dù là nơi heo hút, vùng sâu chốn đồng rừng,  xã nào cũng có một cái chợ con con.
Ở đó có hàng ăn, hàng giải khát.Tuy quy mô không được bề thế, tươm tất như phố thị, hàng hóa không nhiều, chủ yếu hàng nhái, hàng giá rẻ, món ăn sơ sài, dân dã ở chợ cũng có cái lót dạ qua bữa trưa.
Tôi ghé một quán ăn khi ấy chưa đông khách.  Trước cửa quầy treo vài món thịt trâu khô, nửa cái đùi chó, mấy túm hành. Chưa kịp bảo ông chủ quán làm cho mình món gì, thì phía sau có người vỗ vai:
- Lại vẫn nhà bác à. Tưởng bác quay về luôn hóa ra vẫn đợi.. Có việc gì quan trọng hay sao vẫn muốn gặp thằng hâm, sống lập dị chẳng giống ai ấy? Mà trông bác quen quen thì phải? Hình như bác làm ở nhà đài, em nom giống lắm?  Nhà em ngay cạnh bên đây, mời bác sang uống nước, nghỉ chân. Đằng nào bác cũng phải chờ đến chiều mà?
Đúng là buồn ngủ gặp chiếu manh!
 Nhưng nhìn người đàn ông này, có cái gì đấy khiến tôi ngài ngại. Ông ta chính là người lúc tôi gặp khi nãy.
Bề ngoài ông ta không có nét gì đặc biệt, giống hầu hết những đàn ông thường gặp nơi miền sơn cước này, tóc cắt ngắn, mặt  bầu bầu, da mặt dày dầu dãi nương  đồi. Đặc biệt bàn chân to bè, kiểu  bàn chân của người Giao Chỉ, đôi lông mày rậm mọc sát nhau phía trên sống mũi. Chỉ có đôi mắt của ông ta là khang khác, hay bất chợt nhìn ngang.. Một kiểu nhìn giá tôi có muốn bắt chước cũng rất khó.
Mà thôi. “Thiên hạ nhân”, người ta có ai giống ai. Đã mời thì mình cứ đến. Biết đâu lại có thêm câu chuyện kể cho mai này?..

( Còn nữa..)





Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tư duy chiều ngang!




Bài của triết gia vô đối ở An-nam, số 1 châu Á và thứ 3 hoàn cầu Paul Nguyễn Hoàng Đức:)). 

Nhiều người đã bàn về tượng Người Mẹ ở Quảng Nam, chẳng hạn nhà thơ Trần Mạnh Hảo có bàn: tượng giống mẹ Mỹ hơn mẹ Việt.

Theo tôi điều này không quan trọng, vì vẻ đẹp của mỹ học hoàn toàn cho phép người ta được cách điệu từ mũi tẹt lên mũi cao cho đẹp, đó là nghệ thuật tự do mà, thậm chí người ta có thể nâng chiều cao cho bức tượng đối với người thấp…

Công bằng mà nói, phần đầu và mặt bức tượng khá đẹp và kiêu hãnh có nét giống tượng nhân sư như ai đó đã phát hiện trước. Nhưng tổng thể chung tượng có phần nền quá xấu – chẳng khác gì đê con trạch đập vào mắt người ta.

Về điêu khắc, chúng ta biết nó căn bản khác hội họa ở không gian Ba chiều. Chẳng hạn ngắm hội họa là bức tranh thì chỉ có chiều dài và chiều rộng, nên người ta chỉ ngắm hai chiều, theo lối mặt dẹt, đẹp phía trước là đẹp tất.

Nhưng điêu khắc được coi là khó hơn nhiều, nó bao gồm thêm cả chiều sâu, tức cả ba hướng nhìn, vì thế một bức tượng đẹp phải đảm bảo nhìn từ bất kể hướng nào cũng đẹp, cả trước lẫn sau, cả phải lẫn trái.

Một bức tượng luôn phải đảm bảo không gian được ngắm của nó. Nó không thể tùy tiện đứng một mình, mà phải được xứng hợp với xung quanh, về thuật ngữ trong nghệ thuật người ta thường dùng từ “ensemble”.

Nghệ thuật luôn phải đảm bảo cho con mắt người ta được thỏa mãn tràn trề như một bữa tiệc mỹ học, nhưng cùng lúc phải giải phóng đôi mắt được tung cánh tự do. Vì vậy bức tượng Người Mẹ quá xấu, vì nó dài như con đê đồ sộ chắn mất tầm mắt của người ta, gây bức bối đến mức như bức tường của nhà giam – nó phải vươn lên cao đề đe dọa những kẻ muốn đào tẩu, giải phóng. Tượng Nhân Sư rất lớn nhưng không chắn tầm nhìn, bởi lẽ hai bên phải trái có không gian cho đôi mắt chạy thoát thả bổng hướng nhìn.

Về nguyên tắc nghệ thuật thị giác không được phép xấu. Bởi vì theo mỹ học Hegel, văn chương là nghệ thuật thời gian, có thể đưa cái xấu ra để rồi cái đẹp sẽ xuất hiện sửa chữa cái xấu. Nhưng nghệ thuật thị giác như hội họa, điêu khắc hay kiến trúc dứt khoát không được trình bày cái xấu dù nhỏ nhất, bởi vì thị giác là rụp một cái đôi mắt đã chụp bắt cái tổng thể.

Bức tượng đài luôn luôn là để kỷ niệm hay ghi dấu một giá trị tinh thần. Tinh thần thì phải bay lên cao. Và chỉ có bay lên cao tinh thần mới vươn đến tự do.

Trong khi tượng Người Mẹ Việt Nam thì sao? Trời ơi mẹ ôm đồm quá, mẹ giang tay che chở cho tất cả, thế có nghĩa là con của mẹ không bao giờ lớn, và mẹ cứ mãi cúi xuống để nuôi nấng con trong bầu sữa giá áo túi cơm. Vậy thì mẹ làm sao cất cánh bay lên cùng thời đại?

Tư duy của người Trung Quốc và Việt Nam là tư duy chiều ngang. Công trình tín ngưỡng đồ sộ của Việt Nam là chùa trăm gian, một công trình mà ông thợ mộc kém nhất có nguyên liệu là làm được, vì ông cứ nối mộng thêm vào từ gian thứ nhất đến gian thứ hai. Trung Quốc với Vạn Lý Trường Thành cũng chỉ là thứ chùa trăm gian không mái cứ chạy dài trên núi, mà chẳng cần tài cán gì mấy anh nông dân đi lính có thể chỉ đạo đắp nối tiếp. Vào thăm các nhà trẻ chúng ta sẽ thấy, con nít xếp hình dài, thì chúng xếp rồng rắn vòng quanh nền nhà. Nhưng nếu chúng xếp cao lên, khéo léo lắm mới xếp được vài khối hình chồng lên nhau. Qua đó chúng ta sẽ thấy cái khác nhau giữa chiều ngang và chiều cao. Người châu Á rất khó tiếp cận với những gì vĩ đại bởi tư duy chiều ngang.

Một xúc vải, nếu mở rộng chiều ngang khổ vải có thể lên đến 2m, rồi 5m là kịch. Nhưng để chạy dài nó có thể chạy vô tận từ bắc chí nam đến vòng quanh trái đất. Người Việt có ngàn vạn người làm thơ, nhưng theo tư duy chiều ngang, nghĩa là một tư duy không cần cấu trúc, mở rộng hết khổ vải thì được dăm câu ba điều, bày đặt học đòi viết trường ca, thì cả ngàn trường ca không có nhân vật, tức là làm lều lá chuối úp đậy thức ăn không cần cột kèo.

Và cái tư duy chiều ngang đó cũng được thể hiện trong bức tượng đài Người Mẹ. Người đàn bà Việt Nam suốt dòng lịch sử khổ lắm vì gánh nặng đòn gánh ngang hai vai, đó cũng là tư duy chiều ngang, giờ đây đàn bà nông thôn còn phóng xe máy vèo vèo đội mũ bảo hiểm trông như phi công tầu vũ trụ, sao không cất đi cho mẹ hai vai chiều ngang. Lẽ ra hai vai mẹ phải hóa đôi cánh để mẹ bay lên trời, để mẹ được nhắm vào bầu trời lồng lộng tự do, để sánh bước cùng năm châu thế giới. ai lại buộc chặt hai tay mẹ vào đất như tầu hỏa Việt Nam như vậy (tầu Việt Nam ôm chặt đất anh hùng), thế thì mẹ còn đi đâu được.

Bức tượng đã giam cầm chính mẹ, con chim bay lên được bầu trời vì trọng lượng nó bé. Con voi làm sao bay được lên bầu trời?! Người mẹ văn minh là người mẹ phải say khát tự do muốn hòa đồng cùng thế giới và vũ trụ, vậy mà mẹ bị gắn chặt vào mặt đất, vào con cái không chịu lớn, học rất nhiều nhưng vẫn chỉ có tư duy chiều ngang, thì mẹ vươn lên, bay lên làm sao được.

Có thể hình như mẹ bảo “ôi dào bàn về mỹ học nhiều làm gì cho khổ, chẳng qua là họ muốn đắp rộng ra để giải ngân nhiều!”


“Vậy tại sao không nối dài phía sau của mẹ, thì có phải vẫn giải ngân được nhiều mà tượng vẫn đẹp không? Như vậy tầm mắt người tham quan không bị chắn”

“Biết rồi, nhưng quĩ đất đằng sau vì quá tế nhị nên không giải phóng được mặt bằng”

“Vậy thì làm cao lên!”

“Làm cao thì phải có trình độ kỹ thuật, vả lại như vậy tốn rất nhiều thép, sẽ bị đội giá thành, không giải ngân được.”

“Thế này thì chịu!”

“Không chịu thì làm sao, cái trình độ của ta mới chỉ ở tư duy chiều ngang, chỉ giỏi khôn vặt và ăn vặt, thì tượng đài dù to mấy cũng chỉ là thứ trẻ con chơi đồ hàng bày la liệt vặt vãnh mà thôi…”

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Dân thường làm gì có quyền mà tham nhũng?

Báo điện tử Một Thế Giới tiếp tục đăng tải cuộc trò chuyện đầy tâm huyết, rất chân thành và thẳng thắn của nhà báo Nguyễn Công Khế về nghề báo, về những “nguy cơ” của đất nước.

Qua những lời vị cựu Tổng Biên Tập này chia sẻ, sau khi không còn giữ chức vụ cao nhất của tờ Thanh Niên, ông vẫn làm việc không ngừng nghỉ, đặc biệt có thu nhập cao từ nghề nuôi yến. Theo nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, ông Khế chính là người đã hướng dẫn cho ông nghề nuôi chim yến, để hàng tháng hiện nay ông có một thu nhập còn cao hơn cả lương hồi còn làm Chủ tịch nước.


Ông có ý kiến như thế nào về “vùng cấm” của báo chí hiện nay?
Như tôi đã nói ở trên, việc không minh bạch thông tin sẽ dẫn đến rất nhiều hệ luỵ không tốt. Tôi muốn nói đến vấn đề gần nhất là vấn đề biển Đông và giàn khoan Hải dương 981 của Trung Quốc vừa qua. Có thể ở bên trong Bộ Chính trị, Ban chấp hành TW đã bàn rất nhiều về việc đối phó với sự xâm phạm vùng biển đặc quyền kinh tế Việt Nam của Trung Quốc. Nhưng bên ngoài những thông tin về lãnh đạo Việt Nam có động thái như thế nào bên trong nội bộ hoàn toàn không được thông tin ra bên ngoài. 
Người ta chưa thấy một phát ngôn nào chính thức về phía lãnh đạo Việt Nam trong thời điểm ban đầu. Mãi cho đến ngày 23.5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mới trả lời báo chí ở Manila. Sau đó vào ngày 20.6, bài phỏng vấn "nặng ký" của chủ tịch nước Trương Tấn Sang mới chính thức được Thông tấn xã Việt Nam phát đi, tỏ rõ lập trường của lãnh đạo cao nhất của đất nước.
Một thời gian dài ở thời điểm đầu, chỉ có thấy phát ngôn viên Bộ Ngoại giao nói một số câu quen thuộc: “Trung Quốc phải rút khỏi vùng biển có chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam…”. Thời gian cấp thiết lúc đầu, không có một tiếng nói chính thức nào của lãnh đạo cấp cao hoặc phát ngôn viên chính thức nào thay mặt lãnh đạo nói để nhân dân hiểu rằng, ban lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước Việt Nam đã họp và có một thái độ rõ rệt trước những hành động xâm lấn của Trung Quốc. 
Sự minh bạch thông tin này khác với những phát ngôn có tính chất đối ngoại và đôi khi còn quan trọng hơn những phát ngôn có tính chất đối ngoại, bởi vì sự minh bạch thông tin trong trường hợp này sẽ cho hơn 3 triệu Đảng viên của Đảng cầm quyền và quan trọng hơn là hơn 80 triệu người dân Việt Nam ở trong và ngoài nước hiểu rõ lập trường thái độ của lãnh đạo Việt Nam, trước tình hình dầu sôi lửa bỏng mà người dân rất trông chờ. 
Trong khi báo chí chính thống của Việt Nam nói thận trọng về những thông tin này, thì những thông tin không phải của Nhà nước và của nước ngoài lại luôn cho rằng Nhà nước Việt Nam không có động thái kịp thời trước sự kiện này. 
Như vậy, nếu chúng ta cứ không minh bạch thông tin như hiện nay thì sẽ dẫn đến những tình hình rất bất lợi, làm cho người dân không có đầy đủ thông tin vào việc bảo vệ chủ quyền đất nước trước hiểm họa ngoại xâm. 
Tôi muốn nhắc lại, Việt Nam phải cần sự minh bạch thông tin trên mọi lĩnh vực mà muốn minh bạch thông tin thì trước hết phải khuyến khích báo chí phát huy dân chủ trên lĩnh vực của mình.

Ngày xưa chúng tôi làm báo giấy, chưa có internet, còn gọi là “báo ngày”. Thời buổi công nghệ thông tin bùng nổ, tin tức được cập nhật từng phút, báo điện tử được gọi là “báo phút”. Chỉ cần một câu nói, 5 phút sau đã tràn ngập tin bài trên mạng lan ra toàn thế giới.

Những Quyết sách lớn của lãnh đạo Nhà nước, Quốc hội, Đảng cầm quyền về kinh tế, chính trị, xã hội đều phải được minh bạch trước đông đảo quần chúng, là điều chỉ có lợi cho đất nước mà trước hết là có lợi cho các nhà hoạch định chính sách.

Nguyên tắc, cái gì anh không nói thì sẽ có người khác nói thay trong thời đại thông tin hiện đại như hiện nay. Tôi thấy chính sách thông tin như hiện nay, ta chỉ từ thua đến thua.

Ông có thể giải thích rõ từ “thua” mà ông vừa nói?
Phải nói ngay, xã hội bây giờ người dân mất lòng tin rất nhiều là do chính sách thông tin. Người ta ít tin vào những gì anh nói chính thức mà người ta đọc và tin những điều, những nguồn thông tin từ bên ngoài. 
Tôi ví dụ, anh Nguyễn Bá Thanh đang chữa bệnh ở Mỹ lại rộ lên tin đồn là anh Nguyễn Bá Thanh đã mất. Trong nước các báo chỉ nói “hé hé”, không rõ ràng, lãnh đạo ta không có ý kiến gì, chỉ có khi một đài nước ngoài dẫn một nguồn tin cũng không chính thức từ một nguồn trong nước, thì lúc đó dư luận mới hết đồn thổi. 
Tại sao nguồn tin đó lại không xuất phát từ một tờ báo chính thức của Việt Nam do Ban Bảo vệ sức khoẻ của Trung Ương công bố chẳng hạn. Điều đó có gì cấm kỵ đâu. Nhiều ý kiến của các nhà trí thức góp ý về chính trị, kinh tế, xã hội và cả an ninh quốc phòng, tôi thấy có nhiều bài rất xây dựng và nhiệt huyết lại không được đăng ở những báo chính thống mà chỉ thấy đăng ở những trang mạng gọi là “lề trái”. Coi chừng, riết rồi người ta thấy những bài hữu ích và những tin tức hữu ích có trên các “lề trái” nhiều hơn. 
Thế thì không thua là cái gì? 
Chống tham nhũng cũng vậy, có những vụ tham nhũng to đùng dân bàn tán suốt năm này qua tháng nọ, nghi vấn người này qua người nọ không được giải đáp chính thức. Thế thì lòng tin của dân với chính sách thông tin như thế, họ biết đặt vào đâu?

Ý ông nói là….

Việc chống tham nhũng, thì nghị quyết của Đảng cộng sản Việt Nam cũng có rồi, nghị quyết của Quốc hội cũng có rồi, các chỉ thị của Chính phủ cũng có rồi, nhưng mà từ nói đến làm là một khoảng cách rất xa. Người chủ trương ra chính sách chống tham nhũng và những người thực hiện chính sách có khi lại chùn tay. Chống tham nhũng là chống ai? Dân thường làm gì có quyền để tham nhũng?

Nước ta hiện nay cái rất dở, đó là người ta hay sợ mất ghế. Một người cán bộ đúng nghĩa, thì phải dũng cảm, phải đi đầu, phải vì đất nước, vì dân tộc… chứ không phải cái gì cũng sợ, cái gì cũng né, giữ cho bằng được cái ghế. Tư tưởng sợ mất ghế đã lan vào giới báo chí.

Theo ông, ngoài tham nhũng, báo chí nên mở rộng ở lĩnh vực nào?
Nền kinh tế Việt Nam hiện nay đình trệ, nợ công, nợ xấu của các ngân hàng, của đất nước đã lên đến mức báo động, hàng trăm tỉ đôla. Tôi chưa có con số tổng kết, nhưng cứ nhìn chung quanh mình thì biết, hễ làm ăn có dính đến bất động sản, dính đến nợ ngân hàng đều rơi vào tình trạng chịu không nổi. Hàng trăm ngàn doanh nghiệp đã đóng cửa trong mấy năm qua. 
Đến tính GDP mà theo như Thủ tướng nói cũng là con số giả thì làm sao chúng ta có thể đứng vững được trong tình hình như thế này. Những vụ thất thoát hàng tỷ đôla của những tập đoàn kinh tế lớn không được đúc kết trách nhiệm thuộc về ai, để công bố cho nhân dân được biết. Đầu tư nước ngoài đa số các doanh nghiệp Trung Quốc thực hiện không đúng chất lượng lại trúng thầu liên tiếp. 
Như vậy buộc chúng ta phải coi lại các chính sách về kinh tế, tài chính, tiền tệ. Những vấn đề nguy cấp này, chúng ta thấy báo chí ít dám đụng tới. Trước hết là do họ “ngại”, họ “sợ” chứ không phải những nhà báo thiếu hiểu biết về những lĩnh vực đó.

Thời làm báo của ông, thông tin đăng tải có khó khăn?

Thế hệ của tôi, anh Lê Văn Nuôi, anh Lê Hoàng, chị Kim Hạnh, anh Võ Như Lanh, chị Thế Thanh, anh Tô Hòa.., khi cho đăng bất cứ một thông tin nhạy cảm, chúng tôi cũng từng có nhiều cân nhắc. Nhưng cuối cùng chúng tôi đã quyết định đăng những thông tin dù có thể bất lợi cho cá nhân Tổng Biên Tập nhưng có lợi cho dân, cho nước. Khi lãnh đạo có hỏi, có chất vấn, thì chúng tôi đều tìm cách trình bày, giải thích vì sao chúng tôi cho đăng những tin bài như vậy.

Nhưng nhiều khi lãnh đạo cũng cần tiếng nói của báo chí. Nếu thường chỉ có “một chiều”, bảo cấp dưới phải làm thế này, thế nọ, thì lãnh đạo sẽ không có những thông tin trung thực để biết những khiếm khuyết của mình cũng như nhưng chính sách do mình đưa ra để mà hoàn thiện, sửa chữa. Đâu phải cứ trái chiều là sai, là làm cho tình hình không ổn định? Đôi khi những tiếng nói trái chiều còn cần hơn cho lãnh đạo là những tiếng nói thuận chiều mà không thật lòng vì sự nghiệp chung.

Lúc nãy, ông có nói đến vấn đề Biển Đông. Thời ông làm báo, vấn đề nhạy cảm này đâu được công khai rộng rãi trên báo chí, phải vậy không, thưa ông?



Lúc đó, xét về mặt đấu tranh ngoại giao, mình có thể thông cảm. Báo chí được nói ở mức độ nào để nhà nước còn có đối sách ngoại giao công khai. Nhưng đến lúc người ta xâm phạm vùng biển đặc quyền kinh tế của chúng ta, xâm lược đất nước mình thì lãnh đạo phải khơi dậy lòng yêu nước, đứng lên cứu nước của người dân. Phải để cho báo chí minh bạch các thông tin thì chúng ta mới hòng đạt được sự đồng thuận và đoàn kết dân tộc.

Trung Quốc đã có những hành xử không tốt với chúng ta từ lâu lắm rồi, trong chiến tranh với người Mỹ đến chiến tranh biên giới Tây Nam đã có. Có lúc họ che giấu dưới mỹ từ này, mỹ từ khác. Nhưng khi họ đã mang quân, mang tàu vào vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, bắt bớ, đập phá tàu của ngư dân ta, thì tại sao chúng ta phải nhẫn nhục? Vai trò của thông tin báo chí những lúc như thế phải là một chiến sĩ ra trận, chứ không thể khác.

Theo ông, thời gian tới Trung Quốc sẽ thế nào với Việt Nam trong tranh chấp Biển Đông?

Suy nghĩ của cá nhân tôi, Trung Quốc không bao giờ thay đổi thái độ với Việt Nam, chỉ có thay đổi về chiến thuật do thái độ của nhân dân Việt Nam và áp lực quốc tế. Việt Nam ở gần một láng giềng lớn như Trung Quốc, là điều không mong muốn. Nhưng một đất nước đâu phải một căn nhà sống gần hàng xóm không tốt, có bất hòa thì mình có thể dời đi nơi khác. Một quốc gia gần một quốc gia luôn gây hấn, sống không tốt, ta không thể dời đất nước đi đâu được. Đành phải sống chung với lũ.

Do vậy, chúng ta phải có một chính sách đối nội, đối ngoại và kể cả một chính sách thông tin thật đúng đắn thì mới mong giữ được căn nhà Tổ quốc được bình yên.



Sau khi không còn giữ chức Tổng Biên Tập báo Thanh Niên, ông làm gì?

Tôi vẫn không ngơi nghỉ. Hiện nay tôi đang là Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn truyền thông Thanh Niên, bao gồm lĩnh vực truyền thông, sự kiện. Tôi vẫn đứng ra tổ chức giải bóng đá U21 báo Thanh Niên, chương trình Duyên dáng Việt Nam, gây quỹ Nhân tài Đất Việt…

Nghe nhiều người nói ông có thu nhập lớn từ nghề nuôi yến?

Thu nhập từ nuôi chim yến, tôi nghĩ đó là lộc trời. Tôi nuôi trên 10 năm nay, thu nhập rất cao cho mỗi tháng cho gia đình. Tôi nghĩ nghề nuôi yến là một nghề nên phát triển ở Việt Nam kết hợp với du lịch. Mỗi ký yến hiện nay vào khoảng 50 triệu đồng, một nghề có thu nhập rất cao. Chất lượng yến của Việt Nam tốt hơn nhiều so với Malaysia, Indonesia và các nước khác. Yến là một sản vật đặc biệt quý hiếm và giúp rất nhiều cho sức khoẻ con người.

Hiện nay, riêng Trung Quốc, một quốc gia có hàng tỷ dân và rất nhiều người dùng yến ở đây. Qua Mỹ tôi cũng thấy nhiều người Mỹ và người dân gốc châu Á dùng yến…Nếu Việt Nam phát triển nghề nuôi yến, ngành du lịch cũng sẽ rất phát triển.

Ông cũng là người hướng dẫn cho nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nuôi chim yến phải không?
Hồi anh Triết xuống thăm tôi, tôi có giới thiệu cho anh xem vườn cam tôi trồng. Anh Triết đùa nói: “Trồng cam thì cũng bình thương rồi, nuôi yến mới là cái tôi thích thú”. Sau đó, tôi có chỉ những người kỹ thuật xuống giúp anh làm nhà yến. Nghe nói mỗi tháng anh thu được 1 ký yến tức là thu nhập được 50 triệu một tháng hơn cả lương anh ấy hồi làm Chủ tịch nước.
Không chỉ anh Nguyễn Minh Triết mà tôi còn giúp và huớng dẫn hàng chục anh em bè bạn xây dựng nhà yến trên khắp cả các vùng ở phía Nam. Nhiều người đã có kết quả và có tổ yến để dùng và để bán có thu nhập cao. 
Xin cám ơn ông!
>> Nhà báo Nguyễn Công Khế: “Tôi đã bị trả giá nhiều lần”

Lê Ngọc Dương Cầm thực hiện
Phần nhận xét hiển thị trên trang