Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 6 tháng 4, 2015

Khoa học viễn tưởng đã tới – có thật không?

Nguyễn Vạn Phú

Thời niên thiếu, tôi từng say đắm truyện khoa học viễn tưởng, từ loại du hành vào các thiên hà xa xôi đến loại đi vào lòng trái đất nóng chảy, huyền bí. Nhưng thích nhất vẫn là loại truyện mà nhân vật chính là các chú rô-bốt nhìn bề ngoài như người thật lại có năng lực siêu nhiên, siêu phàm.

Tôi từng ước mình có một chú rô-bốt luôn ở bên cạnh, khi cần hỏi từ đây lên Mặt Trăng bao xa là chú trả lời ngay. Khi cần bảo chú làm toán giùm, hay học thuộc bài rồi dùng phương tiện “truyền âm nhập mật” để nhắc vào tai tôi mặc dù ở xa vài ba cây số.

Ước mơ lụi tàn dần cho đến một hôm bỗng sực nhớ, tất cả những năng lực siêu nhiên đó hiện đã có mặt quanh ta, chỉ có điều không ở dưới dạng chú rô-bốt giống con người. Chỉ cần chiếc điện thoại di động cỡ trung, bạn cũng đã có thể bật phần mềm hỏi đáp lên, hỏi các câu (bằng tiếng Anh) như từ Trái đất lên Mặt Trời bao nhiêu cây số, tốc độ âm thanh là bao nhiêu, nhiệt độ hiện nay ở Tokyo là mấy độ, tỷ giá đô-la Úc hôm nay bao nhiêu... Máy sẽ trả lời rành rọt còn hơn chú rô-bốt trong trí tưởng tượng ngày xưa của tôi.

Mới hôm kia, báo chí tường thuật một ứng dụng mới, chỉ cần dùng máy chụp ảnh trên điện thoại quét qua bài toán giải phương trình, bấm một cái là có kết quả ngay. Nếu cần máy sẽ cho bạn biết cách giải bài toán từng bước, từng bước để chép nộp cho thầy.

Hầu như nhiều điều mấy chục năm về trước người ta còn đưa vào các truyện khoa học viễn tưởng nay đã thành hiện thực nhưng ít ai để ý. Đã có xe hơi tự lái, tự đỗ khi cần tự chạy từ ngoài sân đỗ vào cửa đón bạn; đã có máy bay không người lái, ở suốt trên trời khi cần người ta bấm nút sai nó xuống ném bom giết người ở tận Trung Đông. Chuyện hai người ở hai đầu Trái Đất nói chuyện mà thấy mặt nhau thì quá thường rồi.

Thế nhưng có những khác biệt giữa chú rô-bốt ngày xưa và máy móc tự động ngày nay. Ngày xưa các chú sống theo ba nguyên tắc mà nhà văn khoa học viễn tưởng Isaac Asimov đặt ra: Rô-bốt không được hại con người; Rô-bốt phải tuân lệnh người trừ phi lệnh đó xung đột với nguyên tắc đầu tiên; Rô-bốt phải tự bảo vệ mình miễn sao không vi phạm nguyên tắc đầu và nguyên tắc thứ nhì.

Ngày nay, máy tính, mạng Internet mạnh hơn, thông minh hơn các chú rô-bốt nhiều. Thế nhưng giả thử có ai dùng Facebook để lừa đảo người khác, mặc dù thuật toán dễ dàng cho Facebook biết ngay họ có ý đồ lừa đảo (dựa vào quá khứ sử dụng của người này) nhưng Facebook vẫn dửng dưng để mặc kẻ xấu dụ dỗ người cả tin. Các máy bay drone không người lái ngoan ngoãn giết người không gớm tay. Máy tính bảng dễ dàng biết người dùng chúi mặt vào màn hình quá lâu, có hại cho sức khỏe nhưng đời nào nó tự tắt, tự phát tín hiệu cảnh báo.

Và những vấn đề đạo lý hiện đang cản trở các chú rô-bốt hoàn thiện hơn nữa: Giả thử xe không có người lái, gây tai nạn thì ai chịu trách nhiệm?

Khoa học viễn tưởng đã đến nhưng từ năng suất cho đến hạnh phúc, nó không làm con người thỏa mãn. Những tưởng với những đột phá trong công nghệ, từ các phần mềm đơn giản như bảng tính Excel đến các cơ sở dữ liệu khổng lồ, con người sẽ làm việc hiệu quả gấp trăm lần ngày xưa. Có ai tưởng nỗi chỉ cần cái laptop là có thể tính toán tiền lương cho cả chục ngàn người. Nhưng không, năng suất lao động của nhân loại không tăng được chút nào cả.

Còn nói về chuyện hạnh phúc, cứ nhìn vào bất kỳ tấm ảnh nào miêu tả con người ngồi cạnh nhau trong tiệm ăn, trong phòng chờ sân bay không nói chuyện với nhau mà mỗi người chúi mũi vào màn hình riêng của mình mới thấy càng ngày cuộc sống ảo càng lấn lướt cuộc sống thật.

Ngày xưa truyện khoa học viễn tưởng khai thác đề tài chiến tranh giữa người máy với con người; nay máy móc đang hủy diệt hay thay đổi tận gốc rễ nhiều ngành nghề mà ít ai để ý như sách báo, in ấn, âm nhạc. Chẳng bao lâu nữa, các ngành dịch vụ như khách sạn, taxi sẽ bị xáo động dữ dội do chi phí sắp xếp để bên cung gặp bên cầu nhờ máy móc mà xuống thấp bằng không  bèn nảy sinh các dịch vụ mới như Uber, như Airbnb... Nói chung nền kinh tế chia sẻ sẽ lên ngôi, nền kinh tế cung ứng truyền thống sẽ mai một.

Có lẽ tất cả những nghịch lý này đang diễn ra và ngày càng mạnh hơn là do ngày xưa mọi truyện khoa học viễn tưởng đều giả định xã hội đồng nhất, ai cũng tiếp cận máy móc như nhau. Còn ngày nay, bên cạnh những người thừa hưởng hay chịu đựng các tiến bộ công nghệ mới nhất vẫn còn một tỷ lệ rất lớn nhân loại đứng ngoài rìa, ngày càng tụt lại đằng sau.

Ở đó, sự mù quáng sẽ thổi bùng xung đột tôn giáo, sắc tộc, tô đậm lòng tham, sự thù hận... những điều mà không máy móc nào giải quyết được. Có lẽ vì thế giấc mơ khoa học viễn tưởng vẫn luôn là giấc mơ nằm ở phía trước, xa thật xa.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Bị cầm tù bởi quá khứ

Photobucket
Do nhu cầu làm báo, mấy chục năm liền trước khi về hưu, tôi thường phải đọc lại báo chí tiền chiến ngày Tết để làm hàng phục vụ người đón xuân thời nay.
Nay đã đến lúc đọc lại chính cái viết về Tết của thời mình – tức là các bài báo tết từ sau 1945 tới nay, nhất là từ sau 1975 --, ấn tượng chính còn lại trong đầu óc tôi là một sự khác biệt:
-- người viết văn viết báo tiền chiến thường đứng trên góc độ của con người hiện đại, trở về với dân tộc hết sức thiết tha, nhưng bao giờ cũng có sự phê phán. Hoặc nếu không thì cũng cảm thấy quá khứ là một cái gì tốt đẹp nhưng đã vĩnh viễn qua rồi không bao giờ còn trở lại nữa, người ngày nay phải sống khác.
Nguyễn Công Hoan, Tú Mỡ .. là những người nói đến cùng cái tầm thường dung tục của cách ăn tết ngày xưa.
Còn Thạch Lam mở ra một cách nhận thức mẫu mực, vừa thấy nét đẹp cổ điển của Tết, vừa khẳng định rằng thời đại của những cái Tết cổ truyền đã qua xã hội đang tìm tới cách đón tết thời cũ chưa từng biết.
-- Trong khi đó, nhiều bài báo Tết thời nay gần nhau ở cái điểm phục cổ: chỉ thuần một giọng ca ngợi những cái Tết xưa, ra cái điều rằng ở đó tất cả là tốt đẹp, chúng ta phải gắng làm theo, không cần cải tiến thay đổi chi hết.
Không những đối với Tết mà với nhiều phong tục tập quán thời xưa, chúng ta cũng có thái độ như vậy.
Lý tưởng hóa quá khứ đang là khuynh hướng bao trùm tâm lý con người, chi phối sự phát triển xã hội.
Đáng lẽ phải thấy quá khứ có nhiều khuôn mặt thì ta lại chỉ cho nó có một khuôn mặt duy nhất. Trong khi giải quyết các vấn đề xã hội ta chỉ nhăm nhăm dựa vào những kinh nghiệm trong quá khứ coi đó là thư thuốc bách bệnh.

Tôi tự giải thích về tình hình ấy như sau:
Chiến tranh kéo chúng ta lại Sự kiện lớn nhất chi phối đời sống gần ba phần tư thế kỷ nay vẫn là chiến tranh ba mươi năm.
Trước chiến tranh, chúng ta có một xã hội đang hiện đại hóa mà do chỗ nó được tiến hành dưới sự bảo trợ của người Pháp nên chúng ta vẫn không chịu công nhận nó là văn minh tiến bộ, vẫn xem xã hội đó không phải là của mình.
Nếu được gọi sự vật bằng cái tên của nó, phải nói cuộc chiến tranh mà chúng ta tự nguyện tiến hành đã đập vỡ cái xã hội ấy ra. Chỗ này chỗ kia có thể khác, nhưng trên đại cục thì xã hội trước 1945 đã bị giải cấu trúc. Hệ thống quốc gia được tổ chức theo kiểu một đạo quân và hậu phương của đạo quân đó tuy còn gọi là xã hội song chỉ còn là cái vỏ ngoài, ngoài những bộ phận bảo đảm cho hàng ngũ người mặc áo lính chiến đấu, thì mọi thiết chế khác đều đã phá sản.
Cái xã hội đi dần sang hướng hiện đại thời Pháp thuộc bị chúng ta đơn giản hóa và đưa nó về tình trạng tiền hiện đại. Trong bộ phận chủ đạo, bộ phận sau này trở thành bên thắng cuộc, có người hiểu cái giá mình phải trả, nhưng vì nhu cầu trước mắt không thể làm khác. Mọi lý lẽ được huy động để chứng minh việc trước mắt là duy nhất đúng.
Hiểu biết Sau chiến tranh mặc dù tuyên bố là đặt mình vào công cuộc phát triển, nhưng thế nào là phát triển thì chúng ta không biết.
Cái khuôn mẫu mà sau chiến tranh chúng ta muốn xây dựng chỉ là khuôn mẫu mà chúng ta đã phá, thậm chí về nhiều mặt đưa tới tình trạng tiền hiện đại như trên vừa nói. Mọi sự gọi những là hội nhập là ra với thế giới chỉ là trong thế bức bách phải làm. Đội quân cũ được phân công đi làm kinh tế đi làm giáo dục. Mọi khái niệm về văn minh văn hóa chi phối con người sau chiến tranh chỉ là những cái thời tiền chiến ta còn nhớ được, cộng với những cái mới lõm bõm học được từ nước ngoài.
Niềm tin Không chỉ có cách sống mà cả trong tư duy, ở những con người từng hết lòng vì chiến tranh cũng thấy có sự trở lại với những khuôn khổ của cái tư tưởng đã hướng dẫn người ta làm cuộc chiến tranh. Khía cạnh thứ nhất, mà cũng là khía cạnh bao trùm trong suy nghĩ con người lúc này: quá khứ là muôn vàn tốt đẹp.
Chỉ có quá khứ có giá trị.
Tương lai sẽ giống như quá khứ, trên cái mạch của quá khứ.
Lẽ tự nhiên một tâm thế nhất quán là sự sùng bái quá khứ được hình thành. Từng con người tự nguyện sống lại quá khứ, mà cả xã hội cũng không mong mỏi gì khác.
Trong chiến tranh cả xã hội sống bằng một niềm tin trung cổ kiểu như “chân cứng đá mềm” “có công mài săt có ngày nên kim”, “Dù có bao nhiêu gian khổ, chính nghĩa sẽ thắng”.
Khi sự kiên trì giữ vững niềm tin đó được kết thúc bằng một sự kiện mà ta ao ước và gọi chung là chiến thắng thì cũng là lúc tâm trí chúng ta đã đông cứng lại trong một niềm tự tin cao độ, rất gần với sự tự lừa dối.
Ta tin tưởng rằng đã đánh nhau được thì làm gì cũng được. Vốn đã quá mệt mỏi vì chiến tranh chúng ta không muốn tìm tòi gì nhiều. Tương lai tìm trong quá khứ một hình bóng phát triển duy nhất. Mọi cảm tình được dành cho quá khứ, cái quá khứ bị lý tưởng hóa và chỉ có một nghĩa duy nhất. Một cách tự nhiên, những con người hậu chiến thực ra đã trở lại với cái nếp sống trung cổ lúc nào không biết. Mọi phương tiện được huy động để phủ lên sự nhốn nháo bên trong một vẻ ổn định bề ngoài.
Đã từng có những cách nghĩ khác Không chỉ riêng ta, nhiều cộng đồng khác, nhiều dân tộc khác, nhất là những dân tộc từng có một quá khứ anh hùng cũng đang trong một tình trạng dằng xé như vậy. Chẳng hạn như ở nước Nga. Ở bên ấy, cả trong thời xô viết lẫn thời gian sau 1991, sức níu kéo của quá khứ đều khủng khiếp. Để biện hộ cho sự trì trệ trong tư duy, người ta lớn tiếng lên án những kẻ muốn thay đổi, cho đó là sự vong ân bội nghĩa.
Và sự bảo thủ đã được đúc kết thành những câu nói có cánh. Như cái câu mà người ta thường bảo là của Rasul Gamzatov "Nếu bạn bắn vào quá khứ bằng súng lục, thì tương lai sẽ bắn vào bạn bằng đại bác" .
Trong khi đó, trong một bài bình luận chính trị gần đây, bài Những xiềng xích của lịch sử Đông Á (http://nghiencuuquocte.net/2015/01/26/nhung-xieng-xich-lich-su-cua-dong/ ) tôi thấy tác giả Brahma Chellaney dẫn lại một câu ngạn ngữ : “Quên đi quá khứ thì mù một mắt, sống trong quá khứ thì mù cả hai”.
Mà đó lại là một câu ngạn ngữ của chính người Nga.

Ở ta cũng có tình trạng tương tự. Chúng ta có một xã hội ta chỉ chấp nhận có một cách nghĩ của đa số, xem đó là cách nghĩ duy nhất, còn mọi ý tưởng xa lạ với cái chính thống đó, nếu không bị phê phán thì cũng bị bỏ qua. Cách làm lịch sử lại cũng theo kiểu đó mà tiến hành. Khi đọc lại sách báo cũ, những người làm sử hiện đại chỉ chọn ra những gì hợp với thời mình, minh họa cho “giai điệu chính” đang được mọi người công nhận. Còn như mọi ý nghĩ ngẫu nhiên bột phát có thể không đúng trong tình hình ấy song lại đúng về sau - thì chẳng ai buồn nhớ.
Với một sự sáng suốt và phục thiện tối thiểu, mọi người chúng ta -- tôi tin là vậy - đều có thể tìm ra trong ký ức của mình những điểm sáng mà lâu nay bị gọi là lạc dòng nên đẩy vào trong quên lãng.
Phần tôi, dưới đây tôi dẫn lại một bài thơ của nhà thơ Xuân Quỳnh làm trong khoảng thời gian tạm gọi là mười năm đen tối 1975-1985.
Vào một dịp khác tôi sẽ đặt bài thơ trong quá trình phát triển của xã hội hậu chiến và sự phát triển tư tưởng của tác giả; ở đây chỉ xin nêu lên một khía cạnh chủ yếu mà nhà thơ -- trong khi bám chắc vào cách dẫn dắt của một bài thơ tình — thật ra đã chạm tới cả một vấn đề lớn làm nên định hướng của xã hội:
-- công nhận là quá khứ tốt đẹp thật nhưng trong đó rất nhiều điều ngây ngô đơn giản và nếu làm lại ta sẽ chẳng làm như thế.
-- dù quá khứ tốt đẹp đến đâu thì nó cũng không phải là cái mẫu chúng ta làm theo. Mỗi thời mỗi khác, chúng ta phải biết tự khác đi trong hoàn cảnh.

CÓ MỘT THỜI NHƯ THẾ
Có một thời vừa mới bước ra
Mùa xuân đã gọi mời trước cửa
Chẳng ngoái lại vết chân trên cỏ
Vườn hoa nào cũng ở phía mình đi.

Đường chẳng xa, núi không mấy cách chia.
Trong đáy mắt trời xanh là vĩnh viễn
Trang nhật ký xé trăm lần lại viết
Tình yêu nào cũng tha thiết như nhau.

Có một thời ngay cả nỗi đau
Cũng mạnh mẽ ồn ào không giấu nổi
Mơ ước viển vông, niềm vui thơ dại
Tuổi xuân mình tưởng mãi vẫn tươi xanh

Và tình yêu không ai khác ngoài anh
Người trai mới vài lần thoáng gặp

Luôn hy vọng để rồi luôn thất vọng
Tôi đã cười đã khóc những không đâu
Một vầng trăng niên thiếu ở trên đầu
Một vạt đất cỏ xanh rờn trước mặt...

Mái tóc xanh bắt đầu pha sợi bạc
Nỗi vui buồn cũng khác những ngày xưa
Chi chút thời gian từng phút từng giờ
Như kẻ khó tính từng hào keo kiệt
Tôi biết chắc mùa xuân rồi cũng hết
Hôm nay non, mai cỏ sẽ già.

Tôi đã đi mấy chặng đường xa
Vượt mấy núi mấy rừng qua mấy biển
Niềm mơ ước gửi vào trang viết
Nỗi đau buồn dồn xuống đáy tâm tư

Em yêu anh hơn cả thời xưa
(Cái thời tưởng chết vì tình ái)
Em chẳng chết vì anh, em chẳng đổi
Em cộng anh vào với cuộc đời em
Em biết quên những chuyện đáng quên
Em biết nhớ những điều em phải nhớ

Hoa cúc tím trong bài hát cũ
Dẫu vẫn là cung bậc của ngày xưa
Quá khứ đáng yêu, quá khứ đáng tôn thờ
Nhưng đâu phải là điều em luyến tiếc.


Bài thơ làm 11-1984, in lần đầu trong số tết của báo Phụ nữ Việt Nam 1985 và có in lại trong các tuyển tập của tác giả, nhưng thường ít được chú ý. Ngày nay, người ta có xu hướng coi Xuân Quỳnh xa lạ với các vấn đề xã hội và chỉ là nhà thơ của tình yêu.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Nhìn từ xa... Tổ quốc

NGUYỄN DUY


Bác Nguyễn Duy trong cuộc gặp bạn bè, ngày 13.3.2015 tại Sài Gòn (ảnh Nguyễn Thông chụp)

Ðối diện ngọn đèn
trang giấy trắng như xeo bằng ánh sáng

Ðêm bắc bán cầu vần vụ trắng
nơm nớp ai rình sau lưng ta

Nhủ mình bình tâm nhìn về quê nhà
xa vắng
núi và sông
và vết rạn địa tầng

Nhắm mắt lại mà nhìn
thăm thẳm
yêu và đau
quằn quại bi hùng

Dù ở đâu vẫn Tổ quốc trong lòng
cột biên giới đóng từ thương đến nhớ
*
Ngọn đèn sáng trắng nóng mắt quá
ai cứ sau mình lẩn quất như ma

Ai ?
im lặng

Ai ?
cái bóng !

A… xin chào người anh hùng bất lực dài ngoẵng
bóng máu bầm đen sõng soài nền nhà

Thôi thì ta quay lại
chuyện trò cùng cái bóng máu me ta
*
Có một thời ta mê hát đồng ca
chân thành và say đắm
ta là ta mà ta vẫn mê ta [1]
 
Vâng – đã có một thời hùng vĩ lắm
hùng vĩ đau thương hùng vĩ máu xương
mắt người chết trừng trừng không chịu nhắm

Vâng – một thời không thể nào phủ nhận
tất cả trôi xuôi – cấm lội ngược dòng
thần tượng giả xèo xèo phi hành mỡ
ợ lên thum thủm cả tim gan
*
Ta đã xuyên suốt cuộc chiến tranh
nỗi day dứt không nguôi vón sạn gót chân
nhói dài mỗi bước
Thời hậu chiến vẫn ta người trong cuộc
xứ sở phì nhiêu sao thật lắm ăn mày ?
Ai ?
không ai
Vết bầm đen đấm ngực
*
Xứ sở nhân tình
sao thật lắm thương binh đi kiếm ăn đủ kiểu
nạng gỗ khua rỗ mặt đường làng
Mẹ liệt sĩ gọi con đội mồ lên đi kiện
ma cụt đầu phục kích nhà quan
Ai ?
không ai
Vết bầm đen quều quào giơ tay
*
Xứ sở từ bi sao thật lắm thứ ma
ma quái – ma cô – ma tà – ma mãnh…
quỉ nhập tràng xiêu vẹo những hình hài
Ðêm huyền hoặc
dựng tóc gáy thấy lòng toang hoác
mắt ai xanh lè lạnh toát
lửa ma trơi

Ai ?
không ai
Vết bầm đen ngửa mặt lên trời
*
Xứ sở linh thiêng
sao thật lắm đình chùa làm kho hợp tác
đánh quả tù mù trấn lột cả thần linh

Giấy rách mất lề
tượng Phật khóc Ðức Tin lưu lạc
Thiện – Ác nhập nhằng
Công Lý nổi lênh phênh

Ai ?
không ai
Vết bầm đen tọa thiền
*
Xứ sở thông minh
sao thật lắm trẻ con thất học
lắm ngôi trường xơ xác đến tang thương

Tuổi thơ oằn vai mồ hôi nước mắt
tuổi thơ còng lưng xuống chiếc bơm xe đạp
tuổi thơ bay như lá ngã tư đường

Bịt mắt bắt dê đâu cũng đụng thần đồng
mở mắt… bóng nhân tài thất thểu

Ai ?
không ai
Vết bầm đen cúi đầu lặng thinh
*
Xứ sở thật thà
sao thật lắm thứ điếm
điếm biệt thự – điếm chợ – điếm vườn…

Ðiếm cấp thấp bán trôn nuôi miệng
điếm cấp cao bán miệng nuôi trôn
Vật giá tăng
vì hạ giá linh hồn

Ai ?
không ai
Vết bầm đen vò tai
*
Xứ sở cần cù
sao thật lắm Lãn Ông
lắm mẹo lãn công
 
Giả vờ lĩnh lương
giả vờ làm việc
Tội lỗi dửng dưng
lạnh lùng gian ác vặt
Ðạo Chích thành tôn giáo phổ thông
Ào ạt xuống đường các tập đoàn quân buôn
buôn hàng lậu – buôn quan – buôn thánh thần – buôn tuốt…
quyền lực bày ra đấu giá trước công đường

Ai ?
không ai
Vết bầm đen nhún vai
*
Xứ sở bao dung
sao thật lắm thần dân lìa xứ
lắm cuộc chia li toe toét cười

Mặc kệ cỏ hoang cánh đồng gái góa
chen nhau sang nước người làm thuê
Biển Thái Bình bồng bềnh thuyền định mệnh
nhắm mắt đưa chân không hẹn ngày về

Ai ?
không ai
Vết bầm đen rứt tóc
*
Xứ sở kỷ cương
sao thật lắm thứ vua
vua mánh – vua lừa – vua chôm – vua chỉa
vua không ngai – vua choai choai – vua nhỏ…

Lãnh chúa xứ quân san sát vùng cát cứ
lúc nhúc cường hào đầu trâu mặt ngựa
Luật pháp như đùa như có như không có
một người đi chật cả con đường

Ai ?
không ai
Vết bầm đen gập vuông thước thợ
*
?…
?…
?…
*
Ai ?
Ai ?
Ai ?

Không ai !
Không ai !
Không ai !

Tự vấn – mỏi
vết bầm đen còng còng dấu hỏi
*
Thôi thì ta trở về
còn trang giấy trắng tinh chưa băng hoại
còn chút gì le lói ở trong lòng
*
Ðôi khi nổi máu lên đồng
hồn thoát xác
rũ ruột gan ra đếm

Chích một giọt máu thường xét nghiệm
tí trí thức – tí thợ cày – tí điếm
tí con buôn – tí cán bộ – tí thằng hề
phật và ma mỗi thứ tí ti…

Khốn nạn thân nhau
nặng kiếp phân thân mặt nạ

Thì lột mặt đi lần lữa mãi mà chi
dù dối nữa cũng không lừa được nữa
khôn và ngu đều có tính mức độ
*
Bụng dạ cồn cào bất ổn làm sao
miếng quá độ nuốt vội vàng sống sít
mất vệ sinh bội thực tự hào

Sự thật hôn mê – ngộ độc ca ngợi
bệnh và tật bao nhiêu năm ủ lại
biết thế nhưng mà biết làm thế nào

Chả lẽ bây giờ bốc thang chửi bới
thầy chửi bới nhe giàn nanh cơ hội

Chả lẽ bốc thang cỏ khô nhai lại
lạy ông-cơ-chế lạy bà-tư-duy
xin đừng hót những lời chim chóc mãi

Ðừng lớn lối khi dân lành ốm đói
vẫn còng làm cho thẳng lưng ăn
Ðổi mới thật không hay giả vờ đổi mới?
máu nhiễm trùng ta có thể thay chăng?
*
Thật đáng sợ ai không có ai thương
càng đáng sợ ai không còn ai ghét

Ngày càng hiếm hoi câu thơ tuẫn tiết
ta là gì ?
ta cần thiết cho ai ?
*
Có thể ta không tin ai đó
có thể không ai tin ta nữa
dù có sao vẫn tin ở con người

Dù có sao
đừng khoanh tay
khủng khiếp thay ngoảnh mặt bó gối

Cái tốt nhiều hơn sao cái xấu mạnh hơn ?
những người tốt đang cần liên hiệp lại!
*
Dù có sao
vẫn Tổ Quốc trong lòng
mạch tâm linh trong sạch vô ngần
còn thơ còn dân
ta là dân – vậy thì ta tồn tại
*
Giọt từng giọt
nặng nhọc

Nặng nhọc thay

Dù có sao
đừng thở dài
còn da lông mọc còn chồi nảy cây

Nguyễn Duy
1988 
(1) Thơ Chế Lan Viên 

Phần nhận xét hiển thị trên trang
Gieo que tuan moi 6/4 – 12/4 cho 12 con giap-Hinh-14
Tuổi Hợi: Vận thế chung: 4.4 điểm. Sự nghiệp: 4.4 điểm. Tình cảm: 4.5 điểm. Tài vận: 4.3 điểm. Sức khỏe: 4.2 điểm. Sự nghiệp: khởi sắc, công việc thu được nhiều kết quả tốt. Tình cảm: chuyện tình cảm tốt đẹp, suôn sẻ. Tài vận: tình hình tài chính tốt, có thêm khoản thu bên ngoài. Sức khỏe: không nên lao lực quá sức. Quý nhân tuần này: tuổi Dần, tiểu nhân tuần này: tuổi Thân. Lời khuyên: có thể thử đầu tư bằng các khoản tài chính bên ngoài. (Thông tin trong bài chỉ mang tính tham khảo).
Phần nhận xét hiển thị trên trang

6/4

Gieo que tuan moi 6/4 – 12/4 cho 12 con giap-Hinh-9
Tuổi Ngọ: Vận thế chung: 3.8 điểm. Sự nghiệp: 3.9 điểm. Tình cảm: 4.1 điểm. Tài vận: 4.0 điểm. Sức khỏe: 4.3 điểm. Sự nghiệp tuần này gặp nhiều khó khăn, trở ngại, có tiểu nhân hãm hại trong công việc. Tình cảm: cơ bản suôn sẻ. Tài vận: cẩn thận khi bỏ tiền ra mua bán. Sức khỏe: không nên lao lực quá sức. Quý nhân tuần này: tuổi Ngọ, tiểu nhân tuần này: tổi Thân. Lời khuyên: không nên tụ tập nhậu nhẹt.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tuan nay 6/4

Gieo que tuan moi 6/4 – 12/4 cho 12 con giap-Hinh-4
Tuổi Sửu: Vận thế chung: 4.1 điểm. Sự nghiệp: 4.2 điểm. Tình cảm: 4.2 điểm. Tài vận: 4.0 điểm. Sức khỏe:4.3 điểm. Sự nghiệp có tiểu nhân phá rối, công việc gặp nhiều khó khăn. Tình cảm: đề phòng “kẻ thứ ba”. Tài vận: có khoản thu ngoài. Sức khỏe: lưu ý đến ruột, dạ dày. Quý nhân tuần này: tuổi Dậu, tiểu nhân tuần này: tuổi Thân. Lời khuyên: Tránh để bản thân và bạn đời rơi vào trường hợp “tình cũ không rủ cũng đến.”
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Quá nhiều người ăn theo, trục lợi tên tuổi Trịnh Công Sơn


Tiểu Vũ
























MTG - Tác giả phần lời ca khúc "Gió về miền xuôi", nhà thơ, cựu nhà báo Thiên Hà cho rằng; Sau khi Trịnh Công Sơn mất, nhiều ca sĩ, bạn bè thân sơ tìm mọi cách trục lợi dựa trên danh tiếng của nhạc sĩ.

 Báo điện tử Một Thế Giới đã có cuộc tiếp xúc với ông tại nhà riêng (Q.9, TP.HCM) và sau đây là nội dung của cuộc trò chuyện này.

Tại thời điểm này có nhiều hoạt động tưởng nhớ cố Trịnh Công Sơn - Từng kết giao, làm việc với Trịnh Công Sơn, cảm xúc của ông ra sao nhân kỷ niệm 14 năm ngày mất của nhạc sĩ?

- Tôi từng phụ trách trang văn nghệ cho một số tờ báo nên có mối quan hệ rộng với giới văn nghệ sĩ, trong đó có Trịnh Công Sơn. Vào những tối cuối tuần, chúng tôi thường kéo tới phòng trà Anh Vũ ở đường Bùi Viện, lên phòng trà Đức Quỳnh cạnh rạp Văn Hoa đường Cao Thắng, trước ngã ba Trần Quý Cáp (nay là Võ Văn Tần) để nghe Thanh Thúy hát, chủ yếu nghe bài Ướt mi của Sơn. Mỗi năm đến ngày này, tôi hồi tưởng lại rất nhiều kỷ niệm giữa chúng tôi và bè bạn. Trịnh Công Sơn khiến tôi thương và nhớ nhiều những tháng ngày Sài Gòn nắng lửa qua những ca khúc của anh.

Sau khi Trịnh Công Sơn mất, nhiều tư liệu về nhạc sĩ được công bố trên các phương tiện truyền thông. Vì sao ông không làm việc này?

- Tôi không muốn dựa hơi người nổi tiếng để trục lợi. Sau khi anh mất, rất nhiều hoạt động xung quanh anh được tổ chức bát nháo. Bằng hữu xưa thì ít, bè bạn mới sau này thì nhiều, chưa thân cũng không sơ, mạnh ai nấy “ăn theo” bằng nhiều cách. Có một vài ca sĩ chưa từng hát nhạc Trịnh Công Sơn, bỗng nhiên tự xưng nhạc Trịnh thích hợp nhất với giọng ca của mình. Rồi ca sĩ đó đứng ra tổ chức tưởng niệm anh rình rang. Nhiều người chỉ quen biết sơ sơ với Sơn qua vài lần giới thiệu cũng viết hồi ký, thêm mắm dậm muối rồi coi như ta đây là bạn thân, bạn chí cốt, nối khố với anh Trịnh Công Sơn.

Ông căn cứ vào đâu để đánh giá nhiều người "ăn theo" tên tuổi Trịnh Công Sơn?

- Là một người kỹ tính và kín đáo, không mấy khi Sơn phát lộ niềm vui, nỗi buồn riêng tư, nên việc thân hay không thân là điều không ít người ngộ nhận. "Tưởng vậy mà không phải vậy" là câu tôi thường gán cho Sơn. Đối với Sơn, bạn chỉ là đoản kỳ. Hôm qua có bạn kia, hôm nay có bạn này, ngày mai có bạn nọ. Cũng như tùy hoàn cảnh, tùy thời điểm mà nhạc sĩ phân loại, đây là bạn Ướt mi, đây là bạn Tình nhớ, bạn Hạ trắng, bạn Diễm xưa ... Trịnh Công Sơn thường phân loại bạn theo nhóm mến mộ tác phẩm của mình. Không ai có thể được coi là bạn chí cốt của Sơn, kể cả tôi, ngoại trừ vài người bạn được anh coi là "nối khố", "bạn thủa hàn vi" đều đã bỏ Sơn mà đi trước.

Vậy ông giải thích thế nào về việc một số ca sĩ tự nhận mình theo đuổi dòng nhạc Trịnh?






























- Những năm cuối thập kỷ 60 đầu 70, chỉ có Khánh Ly là ca sĩ duy nhất theo đuổi nhạc Trịnh. Một số ca sĩ khác như Thanh Thúy, vừa hát nhạc của anh vừa sử dụng bài hát của những nhạc sĩ khác. Ngày đó, Trịnh Công Sơn cùng Khánh Ly thường biểu diễn ở quán Văn. Nói là quán cho oai, thực ra đó là mấy túp lều dựng tạm ở sân sau đại học Văn khoa Sài Gòn. Khi đó, Trịnh Công Sơn tâm sự với tôi: "Tình cờ, tôi gặp cô bé này nhỏ đang hát tại Đà Lạt. Thấy cô ấy có chất giọng phù hợp với dòng nhạc của mình nên tôi mời cô. Từ đó Khánh Ly chỉ hát nhạc tôi mà không hát nhạc ai khác”. Sau này, chính Khánh Ly cũng tâm sự, cô rất mê hát, nếu không, cô không đủ can đảm để đi hát với Trịnh Công Sơn mấy năm ròng không có “đồng xu cắc bạc” nào.

Theo ông, ngoài việc trục lợi, những cá nhân "ăn theo" tên tuổi Trịnh Công Sơn còn nhằm mục đích gì?

- Tôi biết, trước khi Trịnh Công Sơn mất, họ đơn giản chỉ là những người yêu nhạc Trịnh. Họ tìm đến gặp tác giả và xin chữ ký. Được nhạc sĩ tiếp môt vài lần, chưa thân thiện, chi sơ giao nhưng khi Sơn mất, họ có thể vênh váo ta đây là bạn thân, bạn chí cốt chí tình với nhạc sĩ. Lúc ấy, ai có thể chứng minh điều đó, ngoài người đã nằm xuống?

Những cá nhân đó "ăn theo" không chỉ trục lợi mà còn nhằm đánh bóng bản thân họ. Vì họ luôn coi những tên tuổi lớn như Trịnh Công Sơn là một thứ trang sức không mất tiền mua.

Ông có thể kể lại một vài kỷ niệm đáng nhớ của mình với cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn?

Trưa 30-4-197, tôi cùng một số anh em biên tập viên, kỹ thuật viên, xướng ngôn viên đang có mặt tại Đài vô cùng bối rối, không biết phải giữ hệ thống sóng phát thanh kiểu nào để trấn an thính giả, thì Trịnh Công Sơn đưa băng đã thu bài hát Nối vòng tay lớn cho kỹ thuật viên phát sóng. Đồng thời Sơn trực tiếp lên tiếng: “Hôm nay là ngày mơ ước của tất cả chúng ta. Ngày mà chúng ta giải phóng hoàn toàn đất nước… Những điều mơ ước của các bạn bấy lâu nay là độc lập, tự do và thống nhất thì nay chúng ta đã đạt được…”. Đó là thời khắc đáng nhớ nhất mà tôi không bao giờ quên.

Xin cảm ơn ông !.
***

Nhà thơ, nhà báo Thiên Hà tên thật Dương Cao Thâm, sinh ngày 12/8/1941 tại Tân Duyệt, Đầm Dơi, Cà Mau. Làm thơ, viết văn, viết báo. Hội viên Hội Nhà Báo, huy chương Vì sự nghiệp báo chí. Trước 1975, ông làm thơ, viết văn, viết báo. Hòa bình lập lại, Thiên Hà cộng tác với Báo Tuổi Trẻ rồi về làm phóng viên cho báo Công an TP HCM. Ông khi nghỉ hưu năm 2003, hiện tại đang sinh sống tại Q.9.TP.HCM. Nhà thơ Thiên Hà  có nhiều bài thơ được phổ thành ca khúc, tình khúc như Nhớ Nhau Hoài 1966, Gió Về Miền Xuôi 1967, Xa Dấu Ngựa Hồng 1970 (nhạc sĩ Anh Việt Thu); Áo Mới Ngày Xuân 1969, Tận Cùng Nỗi Nhớ 2008 (nhạc sĩ Song Ngọc); Chiều Hồ Lăk 2004, Đêm Lang Biang 2005 (nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên); Bài Ca M’Nông 2005 (nhạc sĩ Phạm Thư Sinh); Chiều Ghềnh Ráng 1999, Sài Gòn Nhớ Hà Nội 2001 (nhạc sĩ Vũ Trung).

Phần nhận xét hiển thị trên trang