Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 6 tháng 3, 2015

​“Đó là những căn cứ quân sự mang tính chất tấn công”


TT - Việt Nam cần tăng cường đấu tranh trên các mặt trận ngoại giao và pháp lý, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động thực địa để theo dõi thông tin chủ động hơn nữa. 
                        
Hình ảnh chụp từ vệ tinh của Công ty vũ trụ châu Âu Airbus Denfense & Space (trước đây có tên là EADS, đổi tên từ đầu năm 2014) vào các thời điểm khác nhau từ tháng 3-2014 đến tháng 1-2015 trên bãi Ga Ven thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam cho thấy sự lấn chiếm xây đảo nhanh chóng của Trung Quốc
Ðó là nhận định của tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên trưởng Ban Biên giới Chính phủ, với Tuổi Trẻ.
Tuổi Trẻ: Ông James Clapper, giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia Mỹ, vừa tố Trung Quốc có hành động hung hăng trên biển Ðông thông qua việc mở rộng các tiền đồn ở biển Ðông làm sân bay và nơi đồn trú tàu thuyền. Ông có bình luận gì?
- Thông tin, hình ảnh của tình báo Mỹ và quan điểm của Chính phủ Mỹ về các hành động của Trung Quốc ở khu vực quần đảo Trường Sa rõ ràng là những sự thật không thể chối cãi được.
Trung Quốc đã có những hoạt động hết sức mạnh mẽ, khẩn trương và trên một quy mô rất lớn để xây dựng những công trình quân sự như đường băng sân bay, khu hậu cần, các đồn bốt nhằm phục vụ lực lượng quân sự của Trung Quốc.
"Giữ quan hệ hữu nghị, duy trì đàm phán hòa bình, không tạo ra xung đột là điều chúng ta đang phấn đấu, nhưng không có nghĩa chúng ta không thể hiện lập trường pháp lý của mình"
- Tiến sĩ TRẦN CÔNG TRỤC
Mỹ là một trong những nước có lợi ích gián tiếp ở biển Ðông, đặc biệt về lĩnh vực hàng hải, địa chính trị với tư cách là một nước lớn.
Rõ ràng họ có quan tâm đến vấn đề này. Ðây là sự quan tâm rất thiện chí chứ không thể nói họ có ý định nào đó để gây ra những mâu thuẫn. Chúng ta cần phải nghiên cứu sự quan tâm này.
* Ông từng phát biểu việc Trung Quốc xây dựng đảo chìm thành đảo nổi nguy hiểm hơn giàn khoan Hải Dương 981 rất nhiều? Ông có thể giải thích rõ hơn?
- Giàn khoan Hải Dương 981 là hoạt động thăm dò, thử phản ứng và Trung Quốc có thể cắm và rút nó bất cứ lúc nào. Còn các công trình trái phép của Trung Quốc xây dựng ngay trên lãnh thổ của Việt Nam vốn bị Trung Quốc xâm chiếm bằng vũ lực.
Hơn nữa, xét về mặt địa chính trị và chiến lược quân sự, rõ ràng các công trình trái phép này sát bờ biển của Việt Nam, nằm xen kẽ các vùng Việt Nam có đóng quân và trên tuyến đường hàng hải ở phía nam biển Ðông. Do vậy các công trình trái phép này nguy hiểm hơn rất nhiều.
Trung Quốc đang thiết lập các nhịp cầu để làm bàn đạp tấn công. Có thể sẽ có lúc họ dùng vũ lực để đánh chiếm các đảo, quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam như các năm 1956, 1974, 1988 và cũng có thể họ sẽ tiến hành “chiến tranh xâm lược mềm” như triển khai tàu đánh cá, hoạt động dầu khí và hàng không trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Ðây chính là một trong những mũi tiến công hết sức nguy hiểm của Trung Quốc.
* Sau phát biểu của ông Clapper, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi ngang nhiên nói các hoạt động trên các bãi cạn và vùng biển xung quanh ở Trường Sa là “hợp lý, chính đáng và hợp pháp” và thái độ của Bắc Kinh là “kiềm chế và có trách nhiệm”? Nên hiểu như thế nào?
- Ðây rõ ràng là những lời lẽ mang tính chất ngụy biện, che đậy những hành động sai trái và hăm dọa của họ.
Hành động của họ là sai nhưng họ tố cáo lại để giành thế chủ động. Họ nói họ chấp hành và có trách nhiệm trong việc bảo vệ hòa bình. Nếu chúng ta không tiếp tục làm rõ thì bạn bè và dư luận sẽ không hiểu vấn đề.
Ngoài ý nghĩa về mặt quân sự, Trung Quốc còn muốn biến những công trình này trở thành các căn cứ hậu cần để phục vụ các hoạt động sắp tới như cắm giàn khoan khai thác dầu, để không cần phải kéo hàng trăm tàu bảo vệ như vụ giàn khoan Hải Dương 981 năm ngoái.
Có thể nói đây là những công trình quân sự mang tính chất tấn công và hoàn toàn phù hợp với chiến lược của Trung Quốc trong việc từng bước đặt các nhịp cầu để có thể vươn ra khống chế và độc chiếm biển Ðông theo yêu sách lưỡi bò của mình.
Bài học Hoàng Sa bị mất vẫn còn đó. Họ từng bước chiếm Hoàng Sa vào năm 1956 và 1974. Ðây là mũi tấn công hết sức nguy hiểm mà chúng ta không thể không cảnh giác.
* Báo chí Trung Quốc cho rằng từ các căn cứ quân sự ở Trường Sa, Trung Quốc có thể tấn công vào Việt Nam trong vòng 24 giờ?
- Dù đây không phải là thông tin chính thức từ các cơ quan quân sự hay ngoại giao của Trung Quốc nhưng hoàn toàn là một suy luận logic. Thông tin này đến từ phía dư luận và các trang mạng từ Trung Quốc.
Thật ra, điều này nằm trong sự bài binh bố trận của Trung Quốc nhằm mang tính răn đe. Cho nên Việt Nam phải cảnh giác.
Một lần nữa tôi muốn nhắc lại đây là những căn cứ quân sự mang tính chất tấn công chứ không phải phòng thủ.
* Phía Việt Nam và những nước có quyền lợi và chủ quyền ở biển Ðông cần phải làm gì, thưa ông?
- Như chúng ta đã biết, Việt Nam là nước có lãnh thổ bị Trung Quốc xâm chiếm bằng vũ lực quân sự. Sau đó, Trung Quốc biến các đảo chìm thành đảo nổi, trở thành căn cứ hùng hậu và kiên cố ở khu vực.
Chúng ta phải đấu tranh mạnh mẽ, chí ít là ở mặt trận thông tin truyền thông cùng với việc tăng cường đấu tranh trên mặt trận pháp lý và ngoại giao.
Về mặt pháp lý, chúng ta phải thể hiện ý chí không bao giờ chấp nhận hành động sai trái của Trung Quốc.
Chúng ta cần phải phản đối mạnh mẽ hơn và có lập trường rõ ràng hơn. Ðồng thời kêu gọi sự ủng hộ quốc tế bằng cách phân tích cho bạn bè quốc tế hiểu rõ chủ quyền của chúng ta và việc Trung Quốc xâm chiếm bằng vũ lực là sai như thế nào.
Ngoài ra, chúng ta cũng phải đẩy mạnh các hoạt động thực địa, theo dõi và nắm thông tin tường tận. Nếu Việt Nam nắm rõ thông tin thì phải công bố những thông tin chủ động hơn nữa để người dân có thể hiểu rõ vấn đề. Rõ ràng giá trị của thông tin sẽ mạnh mẽ hơn nhiều.
* Việt Nam có nên áp dụng các biện pháp đấu tranh như vụ giàn khoan Hải Dương 981?
- Theo tôi thì phải nâng đấu tranh ở mức cao hơn nữa, chẳng hạn như tăng cường phản đối lên các tổ chức Liên Hiệp Quốc. Làm rõ các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế và Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển của Trung Quốc.
Rõ ràng tất cả biện pháp đấu tranh của chúng ta trong sự kiện giàn khoan có tác động rất lớn và Trung Quốc buộc phải thay đổi chiến thuật của mình.
Ðây là bài học nhãn tiền chúng ta cần phải rút ra. Chúng ta phải phát huy tất cả biện pháp đấu tranh có thể để giúp các bên cùng nhau giải quyết tranh chấp một cách hòa bình và có hiệu quả nhất.































































































































































Phần nhận xét hiển thị trên trang

Máy tính cá nhân tương lai: đeo vào mắt?

Lần cuối cùng Microsoft khiến mọi người ấn tượng về sản phẩm công nghệ là khi nào? Đã quá lâu cái tên này bị chìm dưới cái bóng Apple, Samsung, Google hay Facebook... Nhưng mới đây HoloLens của Microsoft làm người ta giật mình về thế hệ tương lai của máy tính cá nhân. 
HoloLens - một dạng kính đeo
Cho đến giờ, các cuộc phiêu lưu của Microsoft vào thế giới phần cứng như với Nokia để phát triển Windows phone, phát triển tablet với Surface (sau khi Apple và các hãng khác kiếm bộn từ máy tính bảng) đều phải ngả mũ trước đối thủ.
Surface Pro 3 được đánh giá khá cao nhưng vì chậm chân, hệ thống sản phẩm hỗ trợ phát triển quá chậm, thị trường đã ổn định và Surface thất bại. Microsoft vẫn không mệt mỏi và mới đây đã khiến dân công nghệ phải nhắc đến khi trình diễn sản phẩm mới có tên HoloLens - một dạng kính đeo công nghệ được giới công nghệ đánh giá có thể là tương lai của máy tính cá nhân.
Khi đeo lên, HoloLens trông rất giống kính trượt tuyết. Người đeo vẫn nhìn thấy khung cảnh xung quanh mình, đồng thời nhìn thấy các nút điều khiển ở dạng ba chiều: nút bấm, các đường kẻ, hình ảnh, cũng như hình ảnh game Minecraft mà Microsoft cho thử nghiệm trên máy. Các thiết bị có thể “xuất hiện” mỗi lần người dùng ra lệnh bằng giọng nói hoặc cử chỉ.
Trong cuộc trình diễn đó, Microsoft cho một số lượng nhỏ phóng viên được thử nghiệm trong khoảng thời gian ngắn. Cuộc trình diễn được kiểm soát rất cẩn trọng. Tất cả thiết bị ghi hình đều bị cấm.
Trong một cảnh của game Minecraft được thử trong phòng khách thật, người của Microsoft nói với phóng viên chọn chiếc búa ảo (trong game) và bắt đầu đập chiếc bàn cà phê trong phòng. Nói cách khác là sử dụng thiết bị digital (số) để tương tác với đồ vật thật.
Phóng viên đã thử và bất ngờ với những gì trước mắt: chiếc bàn cà phê thật vỡ tan ra thành từng mảnh (trên màn ảnh của HoloLens) rồi không còn nữa. HoloLens đã tự động “xóa” chiếc bàn ra khỏi màn hình nhìn của người dùng.
Tương tác “thực” và “ảo”
Trong ví dụ khác, Microsoft cho sử dụng phiên bản game Minecraft, người chơi thấy cả các nhân vật và các vật cản trong game được dựng hết lên trong một khán phòng “thực”. Chỉ bằng vài cử chỉ đơn giản, người chơi có thể tạo vết hổng to trên chiếc bàn trong phòng. Điểm đáng chú ý ở đây chính là khả năng tương tác giữa “thực” và “ảo” của HoloLens.
Giới công nghệ từ lâu đã nói nhiều về công nghệ “thực tại ảo” nhưng ứng dụng của công nghệ này đến nay vẫn còn vô cùng hạn chế. Microsoft rõ ràng quyết tìm hướng để có thể tương tác với hologram (công nghệ tạo hình ảnh 3D).
Ngoài Minecraft, tập đoàn này cho người thử sử dụng ba phần mềm khác. Một là gọi điện thoại bằng Skype. Phóng viên sử dụng thiết bị này gọi cho một người thợ điện. Người này chỉ dẫn phóng viên cách lắp một công tắc đèn. Người thợ điện này nhìn thấy được các cảnh trước mắt của người dùng và có thể vẽ các đồ thị để hướng dẫn người dùng.
Trong một thí nghiệm khác mà Microsoft kết hợp với phòng thí nghiệm của NASA, người dùng thấy mình đi vào không gian của sao Hỏa từ hình ảnh được xe tự vận hành chụp hình. Ở đây người dùng thấy màn hình máy tính trong căn phòng ảo với hình ảnh bản đồ của sao Hỏa. Khi người dùng nhấn vào một điểm trên màn hình máy tính, cùng lúc ở không gian ảo hiện ra lá cờ và vị trí vừa được nhấn vào.
Phần mềm thứ ba, Microsoft cho thử HoloStudio, cho phép những người không chuyên thiết kế các đồ vật 3D rồi gửi các thiết kế này tới máy in 3D để in ra.
Cảnh game Minecraft trong khung cảnh một phòng khách thật
Microsoft
Những điểm yếu
HoloLens vẫn có nhiều điểm yếu. Thiết bị này không cho độ phân giải cao và một số phóng viên nói thỉnh thoảng tương tác ở đó hơi “chán”. Nhưng độ nét của thiết bị đủ để tạo ra hình ảnh của “thực tại ảo”.
Microsoft đến giờ vẫn chưa tiết lộ nhiều về khả năng hệ thống của HoloLens sẽ tương tác thế nào trong môi trường thực - cuộc trình diễn của Microsoft được kiểm soát và điều khiển rất chặt. Ngoài ra, có thể thấy phần cứng được tiết lộ cho công chúng mới chỉ là sản phẩm mẫu - có cục pin lớn và một đầu nối máy với một máy tính để tương tác - trong khi sản phẩm thực được hi vọng sẽ chỉ đơn thuần là một chiếc kính đeo.
Theo phóng viên của New York Times, điểm yếu chính của HoloLens là cơ chế sử dụng cử chỉ của thiết bị này.
Ví dụ khi lựa chọn một nút hay đồ vật nào đó, người dùng sẽ nhìn về hướng nhất định rồi bấm tay vào không gian. Nhưng sẽ có một độ trễ từ lúc bấm cho đến khi máy nhận được lệnh này. Đồng thời, vẫn rất khó để chỉ chính xác vào các đồ vật trên màn hình HoloLens.
Thị trường đông đảo
Với HoloLens, Microsoft bước vào lĩnh vực đang ngày càng đông đảo: kết hợp giữa thực và ảo. Microsoft không phải là công ty duy nhất lúc này đang tập trung phát triển thiết bị đeo 3D. Facebook năm ngoái đã mua một trong những nhà phát triển thiết bị đeo “thực tại ảo” nổi tiếng nhất Oculus VR với giá 2 tỉ USD. Samsung và Sony giờ cũng đang phát triển thiết bị đeo của riêng mình.
Tất cả công ty này tuy vậy đều nhấn mạnh vào khía cạnh “ảo” với tầm nhìn của người dùng là trong không gian tưởng tượng 3D, cắt rời hoàn toàn với thực tế bên ngoài.
Giao diện HoloLens khi người dùng đeo kính
Một số ứng dụng của HoloLens có cả yếu tố thực - ảo song song. Thiết bị này cũng hiển thị cái được gọi là “thực tại tăng cường” (AR - augmented reality) khi cho thêm hình ảnh 3D vào thế giới thực xung quanh của người đeo thiết bị. Kính nhìn của HoloLens có chức năng nhìn thấu bình thường để người dùng có thể tiếp tục xem hình ảnh của thế giới xung quanh.
Vào tháng 10-2014, Google đã đầu tư 542 triệu USD vào Công ty Magic Leap để tiếp tục phát triển công nghệ AR của mình.
Hiện tại, ngay lập tức đã có những so sánh giữa HoloLens và Google Glass - sản phẩm giống chiếc “kính đeo máy tính” từng được bán với số lượng nhỏ rồi chính thức chấm dứt từ hôm 15-1 (Google nói để tập trung vào các phiên bản khác). Cả hai đều có những tương đồng: đều cố kết hợp giữa yếu tố ảo và đời sống thực bên ngoài.
Nhưng trong khi thiết bị của Google gói gọn trên màn hình nhỏ trên kính và không che khuất tầm nhìn của người dùng, HoloLens đưa người dùng vào không gian ảo sâu hơn. Google Glass có tham vọng trở thành vật thay thế cho điện thoại, giúp cung cấp thông tin ngay tức khắc, còn HoloLens dường như có vẻ nhắm tới thay thế máy tính cá nhân nhiều hơn - với một cách dùng hoàn toàn khác.
Matt Rosoff của Business Insider thì nói “là lần thứ hai trong vòng hai tháng qua tôi cảm thấy mình đang nhìn thấy tương lai”. Lần đầu theo ông là bản mới nhất Oculus Rift, thiết bị “thực tại ảo” của Facebook và lần thứ hai là HoloLens của Microsoft.
Dù giống nhau, cả hai có những sự khác biệt. Oculus Rift là “thực tại ảo” hoàn toàn với các hình ảnh ảo kín xung quanh người dùng - không thể thấy thực tại xung quanh. HoloLens là “thực tại tăng cường” (AR) khi hình ảnh “ảo” được tạo thêm và chồng lên các vật dụng thực xung quanh.
Dù vậy, đến giờ HoloLens vẫn chỉ là sản phẩm mẫu và có thể sẽ còn những cải tiến trước khi được công bố chính thức. Những hào hứng của Microsoft cũng vẫn cần sự cẩn trọng. Đến giờ HoloLens mới dừng ở mức là sản phẩm demo. Chưa ai biết thời điểm nào Microsoft có thể tung sản phẩm này ra thị trường.
Khoảng năm 2009-2010, Microsoft từng quảng cáo thiết bị cảm ứng Kinect cho Xbox với ý tưởng cũng đầy hấp dẫn nhưng cho đến giờ, dự án này thành tựu rất hạn chế và hầu như không thể hiện được những gì như video quảng cáo của Microsoft khi đó.
Dù vậy, HoloLens về mặt ý tưởng được cho là bước đột phá mà Microsoft có thể tạo ra khi liên tục lỡ bước trong khoảng 10 năm gần đây: luôn phản ứng chậm trước các xu thế công nghệ mới từ cloud-computer (máy tính đám mây), công nghệ tìm kiếm Internet hay thế giới di động. Microsoft luôn chậm chân trong cuộc đua về phần cứng với Apple, Google hay các tập đoàn công nghệ khác.
Carolina Milanesi, nhà phân tích của Kantar Worldpanel ComTech - một hãng nghiên cứu công nghệ, đánh giá đây là hướng đi nhằm tạo thị trường mới cho Microsoft.
Còn Mark Bolas, giáo sư về nghệ thuật hình ảnh ở ĐH Nam California (USC) và là chuyên gia về AR, ca ngợi hướng đi này của Microsoft. “Câu hỏi hiện nay là khi nào chúng ta có thể kết hợp thế giới thực và thế giới ảo một cách hoàn hảo, và nếu làm được thì chúng ta sẽ làm gì với nó? - ông nêu vấn đề - Đến giờ chưa ai có câu trả lời cả”.
James L. McQuivey, nhà phân tích của Forrester Research, dự đoán công nghệ này sẽ có ảnh hưởng ghê gớm đối với thị trường. “Nếu thành công - ông nói - HoloLens sẽ tạo đột phá về cách tương tác với máy y như cách sử dụng chuột trong những năm 1990 hay ứng dụng màn hình chạm cảm ứng mà iPhone từng tạo ra hồi năm 2007”.            
THANH TUẤN



























































































































































































































Phần nhận xét hiển thị trên trang