Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 11 tháng 2, 2015

Cuộc 'cân não' tại hội đàm về Ukraine


Lãnh đạo 4 nước Nga, Ukraine, Pháp và Đức có cuộc họp kéo dài hơn 10 giờ nhằm tìm kiếm hòa bình cho Ukraine, khi giao tranh giữa quân Kiev và ly khai vẫn tiếp diễn.
Từ trái sang, Tổng thống nước chủ nhà Belarus Alexander Lukashenko, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, có mặt tại Minsk, thủ đô Belarus, ngày 11/2 để tham gia cuộc đàm phán nhằm tìm lối thoát cho khủng hoảng Ukraine. Ảnh: Reuters 
 
"Toàn bộ thế giới đang chờ đợi xem liệu tình hình có thay đổi theo hướng xuống thang, rút vũ khí, ngừng bắn hoặc lại trở nên mất kiểm soát", ông Poroshenko nói khi vừa đến Minsk. Ảnh: Reuters
 
Thủ tướng Angela Merkel (giữa) bắt tay Tổng thống Putin trước sự chứng kiến của Tổng thống Pháp Hollande. Bà Merkel nhiều lần cho rằng cơ hội thành công của cuộc đàm phán khá thấp, ngay cả sau khi bà và ông Hollande đã gặp ông Putin tại Moscow và  hội đàm với ông Poroshenko tại Kiev hôm 6/2. Tuy nhiên, bà nói rằng phải tăng cường nỗ lực giải quyết khủng hoảng do giao tranh tại Ukraine ngày càng cướp đi sinh mạng nhiều người. Liên Hiệp Quốc ước tính hơn 5.400 người thiệt mạng trong xung đột kể từ mùa xuân năm ngoái. Ảnh: Reuters
 
Trong cuộc gặp, hai lãnh đạo Nga và Ukraine bắt tay trong giây lát, ông Poroshenko tiến về phía ông Putin mà không cười. Sau khi các lãnh đạo thảo luận riêng trong vài giờ, họ nghỉ ngắn để chụp ảnh trước khi tiếp tục họp bàn cùng các ngoại trưởng. Ảnh: Reuters

 
Cuộc hội đàm kéo dài hơn 10 giờ đồng hồ. Các lãnh đạo vẫn tiếp tục làm việc sau khi dùng bữa tối. Ảnh: Twitter
 
Tổng thống Poroshenko ngáp khi cuộc họp đã kéo dài suốt đêm. Ảnh: Reuters
 
Valeriy Chaly, trợ lý của Tổng thống Ukraine đăng tải trên Facebook rằng đang diễn ra một “trận chiến cân não” tại Minsk. Ảnh: Reuters
 
Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh giao tranh vẫn diễn ra ác liệt ở đông Ukraine, các nước châu Âu lo ngại Mỹ có thể đưa vũ khí sát thương đến Ukraine và nền kinh tế Nga bị suy giảm hơn nữa do các lệnh trừng phạt của phương Tây. Ảnh: Reuters

 
Liên minh châu Âu (EU) mất 20 tỷ EUR do các biện pháp trừng phạt, đại diện thường trực của Nga tại EU, Vladimir Chizhov tuyên bố, trong khi đó Washington trên thực tế lại tăng cường thương mại với Moscow. "Theo một số số liệu, xuất khẩu từ Mỹ sang Nga tăng 20%", Chizhov nói thêm. Ảnh: Kyivpost
 
Các phóng viên chầu chực tại sảnh Cung điện Tự do, chờ đợi tin tức từ cuộc họp. Ảnh: RT
 
Trong khi cuộc đàm phán đang diễn ra, phe ly khai thân Nga tuyên bố quân đội Ukraine tiếp tục nã pháo vào một bệnh viện ở Donetsk, khiến một người thiệt mạng và 7 người bị thương. Trong ảnh là phụ nữ ngồi ở hành lang bệnh viện sau vụ tấn công . Ảnh: Reuters
 
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói với các phóng viên rằng cuộc đàm phán sẽ kéo dài cả đêm. "Ngày mai, không phải hôm nay", ông trả lời cho câu hỏi khi nào các lãnh đạo sẽ công bố kết quả. Ảnh: AFP
 
Hình ảnh cho thấy một phòng trong cung điện Tự do được chuẩn bị để các lãnh đạo ký kết một tài liệu sau cuộc họp. Ảnh: RT
 
Phương Thảo
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Chiến thuật cầm quyền của Putin

Nguồn: Nina L. Khrushcheva, “Putin Scare Tactics”, Project Syndicate, 

Biên dịch: Lưu Tuấn Anh, Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Bài liên quan: Tại sao người Nga “nghiện” Putin?
“Mỗi  quốc gia đều có một chính phủ mà nó đáng phải nhận”, đó là nhận xét của Joseph de Maistre, phái viên ngoại giao của vương quốc Sardinia tại Đế chế Nga cách đây khoảng 200 năm. Lúc đó ông đang nói về sự thờ ơ chính trị ăn sâu trong người Nga, một đặc điểm vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.

Tất nhiên, Nga không còn là một chế độ quân chủ tuyệt đối như trong thời kì của Maistre. Nó cũng không phải là một chế độ độc tài cộng sản, với những người như Joseph Stalin vốn sử dụng việc đe dọa tống vào trại Gulag (trại cải tạo lao động của Liên Xô – ND) để kìm hãm những phát biểu mang tính chính trị. Tuy nhiên, Tổng thống  Vladimir Putin đã học được rất nhiều từ chiến thuật độc đoán của những người tiền nhiệm của mình, trong khi người dân Nga dường như không học được gì.

Trong một cuộc thăm dò ý kiến vào cuối năm 2014, 68% số người được hỏi cho rằng Putin sẽ là “Người đàn ông của năm”. Việc ông ta chiếm Crimea từ tay Ukraina vào tháng 3, cùng với việc ông từ chối cúi đầu trước các cường quốc phương Tây vốn phản đối hành động của Nga, đã khiến ông trở thành một vị anh hùng trong mắt những người dân Nga bình thường.

Thực tế, những nỗ lực của  Putin để chiếm lại phần lãnh thổ trước đây của Nga đã làm lu mờ việc ông bóp nghẹt các tổ chức phi chính phủ, đàn áp các phương tiện truyền thông độc lập, và bịt mồm bịt miệng phe đối lập. Ngay cả khi nền kinh tế Nga sụp đổ – với việc đồng rúp đã mất hơn một nửa giá trị so với đồng đô la Mỹ kể từ tháng 6, lãi suất tăng đến 17%, và lạm phát ở mức hai con số – thì Putin vẫn giữ được tỷ lệ ủng hộ là 85%.

Người Nga đáng lẽ nên đòi hỏi một giải pháp cho những vấn đề kinh tế của đất nước, chứ không phải ca ngợi vị lãnh đạo đã gây ra những vấn đề đó. Nhưng Putin, vốn là một cựu nhân viên của KGB (Ủy ban An ninh Quốc gia), đã sở hữu sự khôn ngoan của một nhà độc tài. Ông ta biết rằng nhiều thế kỷ với sự kiểm soát chặt chẽ của chính phủ đã làm cho người Nga trở nên nhu nhược. Họ có thể sợ chính phủ; nhưng điều họ thậm chí còn sợ hơn là buộc phải tự lo cho bản thân mình.

Vào trung tuần tháng 12 (2014), Putin đã tổ chức bữa ăn tối hàng năm của mình với các đầu sỏ chính trị – có thể nói là một bữa đại tiệc trong một thời điểm “đen tối”. Bốn mươi nhà lãnh đạo công nghiệp và tài chính (hầu hết trong số họ quản lý các công ty liên kết với Điện Kremlin) đã tham dự sự kiện này để nhận – và đưa ra – sự bảo đảm rằng họ sẽ cùng với Chính phủ vượt qua khủng hoảng.

Tại bữa ăn tối, Putin đã nhắc lại lời hứa của mình về việc bảo vệ tài sản của các đầu sỏ chính trị khỏi lệnh trừng phạt từ Mỹ và châu Âu. Cụ thể, ông cam kết sẽ áp dụng đạo luật gọi là Luật Rotenberg, được đặt theo tên của Arkady Rotenberg, một chuyên gia tài chính đã bị buộc phải nộp 40 triệu đô la tài sản cho Chính phủ Italia vào tháng 9. Điều luật này quy định rằng Kremlin phải đền bù cho các đầu sỏ chính trị bất cứ tài sản nước ngoài nào mà họ bị mất do ảnh hưởng của lệnh trừng phạt của phương Tây.

Những tuyên bố này dựa theo một lời hứa mà Putin đưa ra trong một cuộc phỏng vấn hồi đầu tháng trước. Nếu các doanh nhân Nga đưa các tài khoản nước ngoài của họ trở về Nga, các khuất tất tài chính của họ sẽ được tha thứ và bỏ qua.

Dựa vào những lời hứa như vậy chính là tự sát về mặt tài chính. Mới chỉ vài tháng trước đây, Putin đảm bảo với mọi người rằng nền kinh tế Nga sẽ vượt qua những hành động trừng phạt của Châu Âu và Mỹ một cách dễ dàng.

Tương tự như vậy, trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 1998, các nhà tài phiệt Nga bị mất mát rất lớn – và gần như không bao giờ lấy lại được. Rõ ràng, không thể tin cậy vào Chính phủ Nga để bảo vệ tài sản của bất cứ ai, trừ trường hợp ngoại lệ có thể là các thành viên của chính Chính phủ.

Tuy nhiên, từ chối sự bao bọc của Kremlin cũng gây hại không kém. Rốt cuộc, ở nước Nga của Putin, bất đồng quan điểm chính trị mang lại sự hủy hoại về tài chính. Năm 2003, nhà tài phiệt giàu nhất nước Nga là Mikhail Khodorkovsky – một người ủng hộ dân chủ hóa và là người chỉ trích Putin không mệt mỏi – đã bị bỏ tù khống về các tội gian lận và trốn thuế, và Công ty Dầu Yukos của ông bị đẩy tới chỗ phá sản, tan rã, và bị bán cho tay chân của Kremlin.

Mười năm sau, thông điệp vẫn không thay đổi: Nếu bạn tuân theo chính phủ, những hành động dại dột của bạn sẽ được tha thứ (không có bất cứ việc kinh doanh nào tại Nga mà lại không liên quan đến tiền lại quả và hối lộ). Ngược lại, không tuân thủ sẽ dẫn tới sự sụp đổ của bạn– dù là bạn giàu có hay nổi tiếng đến mức nào chăng nữa.

Tất nhiên, những người gánh chịu hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế sẽ không phải là những ông trùm. Sau tất cả, Putin vẫn cần sự ủng hộ của họ – kể cả ngắn ngủi hay tạm thời – để giữ được quyền lực của ông ta.

Những người Nga bình thường có ít đòn bẩy- và sẽ phải gánh chịu nhiều hơn nhiều. Nhưng có lẽ họ đáng phải gánh chịu những việc đó. Các biện pháp thắt lưng buộc bụng khắc nghiệt – cắt giảm lương hưu, tiền lương, và các dịch vụ xã hội (bao gồm một quyết định gần đây đóng cửa hàng trăm bệnh viện và sa thải hàng ngàn nhân viên y tế) – hầu như không gợi lên bất cứ lời chỉ trích nào.

Vào tháng 12, khoảng vài nghìn người đã tổ chức một cuộc biểu tình ở trung tâm Mát-xcơ-va tại quảng trường Manezh, một phần để ủng hộ cho Alexei Navalny – một luật sư chống tham nhũng, blogger nổi tiếng, và là lãnh đạo của một phong trào đối lập đang suy yếu – và em  trai của ông, Oleg. Anh em nhà Navalny vừa bị kết án 3,5 năm tù vì tội lừa đảo một công ty mỹ phẩm. Alexei, một đối thủ của Putin ngang tầm với Khodorkovsky, nhận án treo; Oleg, một cán bộ quản lý ngành bưu điện vốn không quan tâm tới chính trị, sẽ phải ngồi tù 3,5 năm.

Chiến thuật này- “tha thứ” cho đối thủ trong khi trừng phạt họ thông qua người thân – là một trong những chiến thuật yêu thích của Stalin. “Đối thủ” sẽ nhanh chóng nhận ra “phải trái”, và công chúng, những người không biết tới người bị giam giữ, sẽ sớm mất đi sự quan tâm.

Họ vẫn tiếp tục như thế. Người dân Nga hiện nay vẫn hi vọng rằng Putin, người đã “đánh lén” các đối thủ của mình bằng việc sáp nhập Crimea, có thể sẽ có một chiến lược nào đó để ổn định hóa thị trường tài chính và phục hội giá dầu, thứ mà nền kinh tế Nga đang phụ thuộc vào.

Tất nhiên, người Nga đủ hiểu biết để lo lắng về việc Putin đang cạn ý tưởng. Những sự lo lắng đó không thể so sánh với nỗi sợ của họ về những việc có thể xảy ra nếu họ lật thuyền. Và Putin, về phần mình, cũng thừa hiểu việc này nên ông tra không cần các trại cải tạo Gulag mà chỉ cần sử dụng mánh đe dọa và tha thứ để tiếp tục nắm chặt quyền lực của mình.

Nina L. Khrushcheva là giáo sư giảng dạy Chương trình sau đại học về Quan hệ quốc tế tại New School ở New York, và là một thành viên cấp cao tại Viện Chính sách Thế giới, nơi bà phụ trách Dự án nghiên cứu về Nga. Trước đó, bà đã giảng dạy tại Đại học Columbia, và là tác giả cuốn “Imagining Nabokov: Russia Between Art and Politics and The Lost Khrushchev: A Journey into the Gulag of the Russian Mind ”.

Nguồn: Nghiên cứu Quốc Tế

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Ấn Độ sẽ xây 6 sân bay ở vùng tranh chấp với TQ


Báo Indian Express cho biết, Ấn Độ đang lên kế hoạch xây dựng 6 sân bay mới ở khu vực tranh chấp Arunachal Pradesh giáp TQ.
Arunachal Pradesh là bang chính thức thuộc Ấn Độ ở vùng đông bắc kể từ năm 1987 nhưng TQ cũng tuyên bố chủ quyền. Cho tới nay, bang này không có sân bay hoạt động.
Theo dự kiến, sân bay đầu tiên ở thị trấn Tezu, phía đông Arunachal Pradesh sẽ vận hành năm tới. Một sân bay khác ở Holongi, ngoại ô Itanagar - thủ phủ của bang - cũng được xây dựng khi tranh cãi lâu dài về đền bù được giải quyết.
TQ, Ấn Độ, chủ quyền
Ấn Độ và TQ đã có cuộc chiến tranh chớp nhoáng ở vùng biên giới tranh chấp năm 1962. Ảnh: Getty Images
Ngoài ra, các nghiên cứu khả thi đang được xúc tiến với 4 sân bay ở Tawang, Daparizo, Anini và Koloriang, tất cả đều thuộc các huyện thị nằm gần đường biên giới dài 3.488km giữa Ấn Độ và TQ.
Vads.vn
Xem thêm
Kế hoạch xây dựng các sân bay mới diễn ra sau khi New Delhi (vào tháng 9 năm ngoái) đã quyết định nới lỏng các quy định xây dựng cơ sở hạ tầng ở Đường Kiểm soát thực tế.
"TQ đã cải thiện đường sá và xây dựng hoặc mở rộng các sân bay ở phía của họ thuộc Đường Kiểm soát thực tế”, một quan chức cấp cao Ấn Độ nói. “Trong khi đó, Ấn Độ không có sân bay hoạt động ở Arunachal Pradesh. Cục Hàng không dân sự gần đây đã có cuộc họp với đại diện các bang và quyết định thiết lập 6 sân bay cũng như một số bãi đáp trực thăng ở Arunachal Pradesh”, vị này cho biết.
Quan hệ giữa Bắc Kinh và New Delhi vẫn khá phức tạp. Trong khi TQ tăng cường hiện diện ở khu vực biên giới, thì Ấn Độ lại bị chỉ trích vì chậm trễ thực thi các dự án phát triển ở bang biên giới.
Ấn Độ còn có tranh cãi về các lợi ích kinh tế với TQ như dự án cảng nhiều tỉ đô la tại Bangladesh. Chính phủ mới của Sri Lankan mới đây tuyên bố sẽ xem xét lại toàn bộ dự án liên quan tới các hãng TQ, trong đó có dự án lấn biển ở Colombo có thể giúp Bắc Kinh nắm giữ vị trí chiến lược ngay sát cạnh Ấn Độ.
Tuần trước, báo chí TQ đã nêu quan ngại về chuyến thăm của Tổng thống Mỹ tới Ấn Độ, nói rằng đó là một phần chiến lược “trở lại châu Á” của Washington. Tổng thống Mỹ Obama sau đó đã thể hiện sự ngạc nhiên về phản ứng của TQ về chuyến thăm này. "Tôi thấy ngạc nhiên khi nghe rằng, chính phủ TQ tuyên bố cảm thấy bị đe dọa vì chúng tôi có mối quan hệ tốt với Ấn Độ”, ông nói.
“Tôi tin tưởng rằng vào thời điểm này của lịch sử đang tồn tại cơ hội để tạo ra một môi trường mà các bên đều chiến thắng, trong đó tất cả các quốc gia đang cùng bị ràng buộc với một bộ nguyên tắc và tiêu chuẩn. Chúng tôi tập trung vào việc nâng cao thịnh vượng cho người dân, không bắt người khác phải trả giá mà là cùng nhau phát triển. Đó là những gì diễn ra trong cuộc thảo luận của tôi với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi”, Tổng thống Mỹ nhấn mạnh. “TQ không cần phải cảm thấy bị đe dọa bởi mối quan hệ tốt đẹp Mỹ - Ấn”.
Thái An (theo Wantchinatimes)
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Chuyện hài giảm biên chế

Có một cơ quan to đùng, gọi là Tổng cục "Nhân thể". Từ khi thành lập đến nay, đơn vị ấy chẳng làm được việc gì ra trò ngoài ăn nhậu, nghỉ ngơi và giải quyết các vụ vui vẻ, nhưng biên chế lại phình to với hàng trăm bộ phận khác nhau, cấu tạo và cơ chế hoạt động rất phức tạp rối rắm. Vì vậy cấp trên yêu cầu giảm biên chế càng nhiều càng tốt, không phải chỉ 10% như chỉ đạo. Vậy là một cuộc họp được tổ chức để bàn và quyết định xem ai đi ai ở.

Vì là đơn vị có chức năng nhiệm vụ phụ trách về thân thể con người nên anh “Vụ trưởng mồm” được phát biều trước:
- Tôi xin ngắn gọn thế này: nếu tôi ra đi, không ăn nữa thì các vị cũng đói luôn!
Đến lượt ông Trưởng Phòng phụ trách tay và chân biện luận:
- Thử hỏi ,đơn vị tôi hàng ngày không chạy đôn chạy đáo để vơ vào thì lấy gì cho các vị đem về nhà?
Bà Cục trưởng mắt cười rất tươi:
- Tôi mà nghỉ việc về hưu sớm thì toàn thể cơ quan đi lạc ngay, chả thấy đường đâu! Suốt ngày chỉ mò mẫm định hướng thôi…
Cuối cùng cô em út trưởng bộ phận "nhạy cảm" liền lên tiếng thỏ thẻ:
- Tuy em cũng ra đời cùng thời với các anh các bác nhưng mãi 16 năm sau em mới chính thức được vào biên chế và làm việc thực sự. Từ đó, cả ngày lẫn đêm, iem đã phục vụ nhiều đối tượng khác nhau một cách rất hăng hái, được các anh các bác từ cấp dưới đến cấp trên khen ngợi rối rít, có khi còn rên ư ử. Vậy theo nguyên tắc ai già hơn phải bị giảm biên chế trước, em còn trẻ hơn các bác, còn hoạt động được rất lâu, có khi ngoài 70 vẫn làm việc tốt, nên không thể về hưu sớm.

Bàn nát nước, chẳng cắt được bộ phận nào, cuối cùng đơn vị đành gửi báo cáo lên trên xin giữ nguyên biên chế như cũ. Vậy là tất cả đều vui vẻ, lại rủ nhau đi lĩnh lương và làm lễ tổng kết rất hoành tráng... 

Phần nhận xét hiển thị trên trang

TỄU - BLOG: Tin NÓNG: BLOGGER HỒNG LÊ THỌ VỪA ĐƯỢC TẠI NGOẠI S...

TỄU - BLOG: Tin NÓNG: BLOGGER HỒNG LÊ THỌ VỪA ĐƯỢC TẠI NGOẠI S...: Ông Hồng Lê Thọ vừa được tại ngoại điều tra  vào sáng nay VNTB 11-02-2015   (VNTB) – Theo nguồn tin từ vợ Gs Hồng Lê Thọ (bà Nga) x... Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tập Cận Bình muốn gì trong chuyến thăm Mỹ?


Phương Đăng (Dân Việt) 


Tổng thống Mỹ Obama (phải) đón tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở một khu nghỉ dưỡng Sunnylands tại California năm 2013.
Đầu tiên, chuyến thăm Mỹ của ông Tập đã được xác nhận sẽ diễn ra vào tháng 9. Một câu hỏi đặt ra là vì sao thời điểm này lại được chọn. TheoDiplomat, chuyến thăm Mỹ vào mùa thu của Chủ tịch Trung Quốc, trùng với lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Liên Hợp Quốc, sẽ rất thuận tiện cho ông Tập bay tới New York tham dự sự kiện này sau khi hội đàm với ông Obama tại Washington.
Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Liên Hợp Quốc ở New York cũng là dịp để nhà lãnh đạo Trung Quốc hẹn gặp song phương với các đối tác quan trọng khác, chẳng hạn Tổng thống Nga Putin, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi...
Ngoài ra, chuyến thăm mùa thu cũng cho phép các nhà ngoại giao Trung - Mỹ có đủ thời gian để chuẩn bị các chi tiết của Hiệp định Đầu tư Song phương Trung - Mỹ (BIT). BIT được cho sẽ là vấn đề nghị sự quan trọng trong chuyến thăm Mỹ sắp tới của ông Tập.
Thứ 2, về các chương trình nghị sự giữa hai lãnh đạo Trung- Mỹ, theoDiplomat, ông Tập và ông Obama sẽ tập trung thảo luận các vấn đề liên quan đến lợi ích chung cũng như những tranh chấp giữa 2 nước. Nhìn chung, theo giới quan sát, trong chuyến thăm cấp nhà nước, Mỹ và Trung Quốc sẽ muốn tập trung thảo luận về các vấn đề tích cực, giúp mang lại lợi ích chung cho cả 2 bên hơn.
Trước đó, khi cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào tới thăm Mỹ, chương trình nghị sự chủ yếu giữa hai bên tập trung vào các vấn đề hợp tác kinh tế, xây dựng "lòng tin chiến lược", mở rộng quan hệ quân sự  cũng như bàn về các "thách thức toàn cầu" mà cả hai bên đều quan tâm và có nhiều quan điểm chung.
Cả 2 bên có xu hướng tránh nói về các vấn đề đang tranh cãi gay gắt. Chẳng hạn, tháng trước, khi tới Bắc Kinh, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tập trung vào việc đạt được thỏa thuận với Bắc Kinh về việc nước này phải cắt giảm khí thải nhà kính và tăng sử dụng nhiêu liệu phi hóa thạch, thay vì giải quyết những vấn đề mà 2 nước đang tranh cãi gay gắt, quyết liệt như an ninh mạng.
Thêm một lý do để chương trình nghị sự Trung, Mỹ tháng 9 sẽ tránh thảo luận về những bất đồng, mâu thuẫn là Tổng thống Obama đang ở giai đoạn cuối nhiệm kỳ. Do đó, nhân chuyến thăm của lãnh đạo Trung Quốc, Tổng thống Obama sẽ tập trung vào việc thúc đẩy quan hệ Trung - Mỹ, nhằm tăng thêm di sản ngoại giao trong suốt 8 năm cầm quyền của mình.
Thứ 3, chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Mỹ được cho là có thể sẽ mang tới cái kết đẹp cho Hiệp định Đầu tư Song phương Mỹ-Trung (BIT) mà 2 nước đang nỗ lực xây dựng.
Nhiều người kỳ vọng, tới tháng 9 năm nay sẽ đánh dấu bước đột phá liên quan đến BIT khi Hiệp định này được xem là "quả ngọt hoàn hảo" giúp 2 nhà lãnh đạo "ăn điểm" với công chúng trong nước.
Đặc biệt, nếu BIT được hai bên nhất trí thông qua, Mỹ sẽ hưởng lợi khi có thể đưa ra thông điệp rằng, họ không tìm cách kìm chế Trung Quốc về kinh tế. BIT được cho là sẽ "bệ phóng" cho quan hệ Mỹ - Trung, tránh nguy cơ "Chiến tranh lạnh kinh tế" như một số nhà quan sát quan ngại.
Thứ 4, Chủ tịch Tập Cận Bình có thể thông qua chuyến thăm Mỹ chính thức để gửi gắm thông điệp quan trọng. Chủ tịch Tập, được cho là cũng giống như những người tiền nhiệm, thường có xu hướng đưa ra những câu khẩu hiệu để thể hiện quan điểm, tầm nhìn của mình trước công chúng.
Còn nhớ, Chủ tịch Tập từng đưa ra khái niệm về “quan hệ nước lớn kiểu mới” rất nổi tiếng và có ý nghĩa quan trọng đối với đường lối đối ngoại của Trung Quốc trong chuyến thăm Mỹ năm 2012 khi đang giữ chức Phó Chủ tịch Trung Quốc. 
Tuy nhiên, trong những năm qua, quan hệ Trung - Mỹ gần như vẫn chưa thực sự phát triển theo khái niệm mới trên. Do đó, theo Diplomat, trong chuyến thăm Mỹ vào tháng 9 tới, Chủ tịch Tập sẽ không bỏ qua cơ hội để tái định hình lại quan hệ Trung-Mỹ, theo khái niệm cũ của ông trong năm 2012. Song cũng có thể, ông Tập sẽ đưa ra khẩu hiệu hoàn toàn mới.
Tóm lại, chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc vào tháng 9 được cho là một trong những sự kiện đáng chờ đợi nhất trong năm 2015.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Cụ cho đăng bài như này thì sai và khổ rùi cụ Hoa ợ!

Thị trường sao vạch ( Báo NCT )

….(Trích) ”Bây giờ đất nước yên bình mà Phó trưởng Công an huyện cũng hàm Đại tá… Trưởng Công an các phường ở TP lớn hầu hết là Đại tá, có Giám đốc Công an thành phố hàm Trung tướng. Trong một địa bàn thành phố: Có Giám đốc Công an lại có Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC. Tổ chức lực lượng Cảnh sát PCCC thì to ra, sẽ có thêm nhiều tướng, nhiều tá, nhưng hiệu quả nhiều vụ chữa cháy lớn ở các chợ, cây xăng lại bị kêu là: chậm trễ, thiếu nước, kém hiệu quả… Đầu tư cho người lính, lực lượng trực tiếp mới là xây dựng lực lượng hiệu quả. Tổ chức xây dựng lực lượng phù hợp yêu cầu nhiệm vụ là chuyện đương nhiên, nhưng từ các Cục, Vụ mà đẩy lên thành các Tổng Cục hàng loạt, quá nhiều… thực chất là thêm ghế tướng mà thôi.
Thế kỉ XX, đi ra đường hễ gặp các chiến sĩ áo vàng, Cảnh sát Giao thông, điều khiển trật tự rất nhã nhặn, quân hàm đều là hạ sĩ, thượng sĩ. Bây giờ trên mọi chặng đường đều nhìn thấy các trung tá, thượng tá cầm gậy chỉ huy giao thông?
Nhắc lại chuyện bán quân hàm, tôi mạnh dạn nói thật: “Thị trường” này bây giờ khá lộ liễu nếu không nói là nhức nhối. Tất nhiên việc rao giá không bao giờ thành văn mà là thoả thuận ngầm, càng không dễ gì giao dịch thành công vì đối tác phải rất kín để an toàn…”

Phần nhận xét hiển thị trên trang