Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 1 tháng 2, 2015

VÌ SAO NHÀ NƯỚC HỒI GIÁO CHƯA BỊ TIÊU DIỆT?


Vậy là con tin người Nhật thứ hai - ông Kenji Goto - đã bị nhà nước Hồi giáo ISIS chặt đầu đêm qua. Nội các Nhật họp khẩn cấp, khi ISIS tung clip thông báo lên mạng, và cho biết Nhật Bản là nước nằm trong danh sách họ đặt mục tiêu khủng bố. Thế giới tả khuynh luôn ác độc và duy ý chí, iSIS là một trong số nhà nước thần quyền tả khuynh cực đoan. 

Hoa Kỳ tuyên bố sẽ cùng Nhật Bản tiêu diệt các chiến binh Hồi giáo của nhà nước Hồi giáo dựng ra.

Cũng trong hộm qua nhà nước Hồi Giáo ISIS đã công nhận thất thủ tại thành phố Kobani, Syria. Nhưng họ tuyên bố là sẽ tấn công chiếm lại nơi này.

Bản đồ thành phố Kobani nằm ở biên giới Thỗ - Syria.

Như chúng ta biết Kobani là thành phố giáp biên giới với Thỗ Nhĩ Kỳ. Thỗ Nhĩ Kỳ là bạn đồng minh của phương Tây và Hoa Kỳ. Thành phố Kobani quan trọng trong huyết mạch lưu thông, và quan trọng hơn nữa là trữ lượng dầu khí ở đây rất lớn, và là nguồn cung cấp tài chính lớn và chủ yếu cho các chiến binh Hồi Giáo. 

Có nhiều lý do mà cho tới nay, nhà nước Hồi giáo vẫn còn tồn tại, trong khi Hoa Kỳ và các quốc gia tuyên bố sẽ ra tay tiêu diệt.

Lý do đầu tiên là, sự tồn tại của các chiến binh Hồi giáo ở vùng biên giới này cũng là một nguồn thu lợi cho Thỗ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến của ISIS với Syria. Nó vừa làm suy yếu Syria - cái gai trong mắt phương Tây, nhưng là chư hầu của Nga tại Địa Trung Hải. Thỗ Nhĩ Kỳ đang cần vực dậy nền kinh tế yếu kém, cuộc chiến này sẽ giúp Thỗ cũng giống như Thái Lan, Singapore và các quốc gia Đông Nam Á đã giàu lên và phát triển trong những thập niên 1960-1970 nhờ vào Việt Nam có chiến tranh

Lý do quan trọng nhất và thứ hai là, Thỗ Nhĩ Kỳ và các nước phương Tây Mỹ không tiêu diệt các chiến binh Hồi Giáo, và cắt nguồn cung cấp tài chính của họ ra khỏi thành phố này còn là một lý do phức tạp liên quan tới Nga, Ukraina và Syria. Vì ISIS bán dầu thô bằng tiền mặt, với giá rất rẻ, chỉ < $25/thùng! Một thế trận giằng co cũng vì Mỹ và phương Tây muốn giá dầu xuống thấp hơn nữa, và làm suy yếu Nga hơn nữa trong cuộc chiến này trước khi hạ gục Nga.

Chính vì giá dầu từ các chiến binh Hồi Giáo rẻ mạt, nên sự tồn tại của họ tại Kobani là cần thiết trong chiến lược đánh Nga qua giá dầu thấp của Hoa Kỳ và phương Tây. Ngoài ra, nó cũng giúp một phần rất lớn cho cung cấp dầu và khí gas cho phương Tây trong mùa Đông này.

Muốn khuất phục Syria thì không còn cách nào hơn là phải đánh cái đầu con rắn Nga.

Cuộc chiến giữa chính phủ Syria và chiến binh Hồi giáo của nhà nước Hồi giáo ISIS tại thành phố Kobani

Chiến sự với các chiến Binh Hồi Giáo ISIS sẽ kết thúc khi và chỉ khi Nga thúc thủ trước trừng phạt của Phương Tây và Hoa Kỳ. Lúc đó làm thịt Syria là chuyện rất nhỏ. Tôi tiên lượng thời gian phải tính hết năm 2015 và có thể sẽ đến 2016.

Hãy chờ xem.
BS HH.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Lần đầu tiên loại bỏ được virus HIV khỏi tế bào người


Theo Daily Mai, các nhà khoa học Mỹ vừa tuyên bố loại bỏ thành công virút HIV khỏi tế bào con người mà không làm tổn hại các tế bào đó. Đây là lần đầu tiên giới khoa học làm được điều này, mở ra hi vọng về phương pháp mới điều trị bệnh HIV/AIDS
HIV
ảnh minh họa
Một khi đã xâm nhập vào tế bào người, virus HIV sẽ ở đó vĩnh viễn. Nó sẽ lồng gen chết người của mình vào ADN nạn nhân, buộc họ phải điều trị y tế suốt quãng đời còn lại.
Tuy nhiên mới đây, các nhà nghiên cứu thuộc Trường Y, ĐH Temple (Philadelphia, Mỹ) đã tìm ra cách loại bỏ hoàn toàn HIV khỏi tế bào người bằng cách cắt bỏ chúng.
Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã sử dụng phương pháp phối hợp enzyme cắt ADN gọi là “nuclease” cùng axit ribonucleic hướng dẫn (gRNA) để truy tìm và tiêu diệt các DNA nhiễm HIV. Các gARN sẽ dẫn đường vào khu vực kiểm soát gen gọi là các đoạn dài lặp lại (LTR) ở hai đầu của hệ gen HIV. Các nuclease sẽ theo đó tấn công vào các LTR và cắt đi 9.709 nucleotide (thành phần của AND và ARN), bao gồm cả hệ gen HIV. Sau đó, các tế bào có thể tự chữa lành và hàn gắn lại các đầu của hệ gen, kết quả là tạo ra những tế bào khỏe mạnh không nhiễm virus HIV.
Wenhui Hu – phó giáo sư khoa học thần kinh thuộc ĐH Temple và là một tác giả nghiên cứu, cho biết về mặt lý thuyết, kỹ thuật tương tự có thể được dùng để chống lại nhiều loại virus khác nhau. Kamel Khalili. Giáo sư chủ nhiệm Khoa thần kinh tại Đại học Temple nhấn mạnh đây là một phát hiện chấn động và nhóm nghiên cứu đang đi đúng hướng. Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng cho rằng phương pháp mới này cần phải nghiên cứu sâu hơn trước khi áp dụng trên cơ thể con người.
Hiện nay trên thế giới có hơn 33 triệu người nhiễm HIV. Phương pháp điều trị đang được sử dụng chỉ có thể giúp kéo dài thời gian sống của bệnh nhân HIV/AIDS nhưng không thể hoàn toàn loại bỏ virus HIV khỏi cơ thể họ.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Bảy, 31 tháng 1, 2015

Minh triết của Rilke



Bùi Vĩnh Phúc dịch và giới thiệu

Phóng hoạ về Rilke của Leonid Pasternak
(Moscow c. 1900)

Phần Giới Thiệu:
 
Rainer Maria Rilke là một thi sĩ và nhà văn gốc Áo-Hung (12/4/1875–12/29/1926). Ông được đánh giá là một trong những thi sĩ trữ tình nhất của văn chương Đức. Sáng tác của ông để lại bao gồm một tiểu thuyết, nhiều tập thơ, và nhiều tập thư từ qua đó người đọc ấn tượng nhất là về những hình ảnh đầy sức ám gợi, nói lên sự khó khăn trong việc diễn tả của con người về những điều bất-khả-phô-diễn, trong một thời đại mà sự bất tín, cô đơn và dẫy đầy lo âu, xao xuyến vốn là những nét nổi bật.
 
Mặc dù được biết đến như một tác giả chủ yếu của văn chương và văn học Đức, Rilke cũng có hơn 400 bài thơ viết thẳng bằng tiếng Pháp. Đối với độc giả Anh ngữ, những tác phẩm được biết đến nhiều nhất của ông bao gồm tuyển tập thơ Duino Elegies (Duineser Elegien) và Sonnets to Orpheus (Die Sonette an Orpheus), tiểu thuyết mang nửa tính tự truyện The Notebooks of Malte Laurids Brigge (Die Aufzeichnungen des Malte Laurids Brigge), và tuyển tập mười lá thư (xuất bản sau khi ông mất), được đặt tên là Letters to a Young Poet (Briefe an einen jungen Dichter).
 
Phần tuyển dịch sau đây được trích từ tập sách The Poet's Guide to Life / The Wisdom of Rilke do Ulrich Baer biên tập và dịch từ những tập thư từ, tài liệu đã được xuất bản của Rilke. Ông viết rất nhiều thư, có thể nói trên dưới mười ngàn lá, cho đủ loại người, bao gồm các nhà quý tộc và các cô, các bà thợ giặt, các chủ cửa hàng và các nhà chính trị, vợ ông, nhiều nhà bảo trợ khác nhau, các nhà biên tập, bạn bè, người yêu, các nhà thơ thân hữu, các nghệ sĩ, và những người hâm mộ không quen biết. Ông trả lời một cách không phân biệt tất cả những thư từ mà ông nhận được, bất kể vị trí xã hội của người viết thư, nếu ông nhận thấy lá thư ấy “đánh động đến tâm hồn ông”, ngay cho dù đó là thư đến từ những con người mà ông không hề quen biết.
 
Tập sách nổi tiếng Letters to a Young Poet (Thư gửi một Thi Sĩ Trẻ), khá quen biết với độc giả Việt Nam, chỉ là một mảnh nhỏ được rút ra từ những trang thư của Rilke. Khi viết những lá thư này, Rilke vẫn còn là một người đang dò tìm lối, như một nhà thơ, và chỉ mới bắt đầu chớm sống một cuộc đời mà, về sau, sẽ đem lại cho những lá thư của ông sức nặng, sự tinh nhạy và sâu sắc, cũng như đầy chặt sự dồn nén của năng lượng. Trong những lá thư càng về sau này, Rilke cho thấy suy nghĩ của ông về những cuộc cách mạng mang tính chính trị, về vai trò của thần thánh trong cuộc sống con người hiện đại. Ông cũng viết, như trong một trạng thái bùng vỡ, về tình yêu, về cuộc sống, về ốm đau, bệnh tật, về cái chết, về sự mất mát. Ông viết về tuổi thơ, về những khó khăn trong đời, về sự bất hạnh, về những lực cản trong cuộc sống, về những niềm vui, về sự làm việc. Ông cũng viết về niềm tin và nghệ thuật và ngôn ngữ, về tình bạn, về hôn nhân, và giản dị là về sự sống cùng và sống với những người khác. Không có gì lạ khi chữ nghĩa và tư tưởng của Rilke thường được sử dụng trong những dịp họp mặt đầy ý nghĩa, như trong các đám cưới hay lễ ra trường, hoặc chúng được viết trên các vì tường của bệnh viện hay của nhà trẻ.
 
Trong thư từ, thoát khỏi sự ràng buộc cần thiết nhưng cũng phần nào có tính kìm nén của thi ca, ông diễn tả thoải mái và sâu sắc tất cả những xác tín của mình trong đời. Viết như một hơi thở lồng lộng, như máu chạy thiết tha rì rào trong cơ thể. Qua những lá thư, người ta thấy Rilke đã sục sạo, sờ mó tất cả mọi góc cạnh, ngõ ngách của cái đời sống nội tâm phong phú mà từ đó thơ của ông như một ngọn suổi tuôn trào ra. Chữ nghĩa của ông, ở đây, không giống như chữ nghĩa được chuốt lọc cẩn thận, như những viên ngọc trai, của Rilke, của một nghệ sĩ hiện đại đầy ý thức trong sáng tạo thi ca của mình. Chúng không được viết riêng cho những người trí thức, và không có chủ đích để đọc trước công chúng, như trong những buổi đọc thơ của ông. Đây là những con chữ, những suy nghĩ bật ra từ chính cuộc sống Rilke, và cũng là những điều luôn sống động trong những vùng sâu thẳm nhất của tâm hồn ông.
 
Tập The Poet's Guide to Life này, lần đầu tiên được xuất bản bằng tiếng Anh, là một tuyển tập được chọn lựa từ một số thư từ của Rilke. Nó được thực hiện sau khi dịch giả Ulrich Baer đã đọc khoảng bảy ngàn lá thư, cả bằng tiếng Đức và tiếng Pháp, đã từng được xuất bản của nhà thơ. Những đoạn dịch tiếng Việt ở đây được lấy từ phần On Language: That Vast, Humming, and Swinging Syntax (Về Ngôn Ngữ: Cái Ngữ Pháp Bao La, Rì Rầm, và Đong Đưa Ấy).
 
Bùi Vĩnh Phúc
_______

VỀ NGÔN NGỮ

Để là một con người nào đó, như là một nghệ sĩ chẳng hạn, có nghĩa là: có khả năng nói ra chính con người mình. Điều này sẽ chẳng khó khăn mấy nếu ngôn ngữ bắt đầu tự mỗi cá nhân, khởi nguồn trong hắn, và rồi, từ điểm này, dần dần tự đẩy mình, bắt mình đi đến lỗ tai và sự thấu hiểu của người khác. Nhưng thật ra thì không phải như vậy. Hoàn toàn trái ngược lại, ngôn ngữ là cái mà tất cả mọi người đều có chung, nhưng cũng là cái mà không một con người duy nhất nào tạo ra, vì mọi người đều cứ liên tục sản xuất ra nó, cái ngữ pháp bao la, rầm rì, và chơi trò đánh đu ấy mà, với nó, ai cũng cảm thấy có tự do để thêm thắt vào bằng cách nói ra những gì gần gũi nhất với con tim mình. Thế rồi, chuyện xảy ra là có một người nào đó, vốn khác với những người láng giềng của hắn trong tận thâm cung lòng mình, tự làm thất lạc chính mình bằng cách nói ra những điều trong lòng hắn giống như kiểu mưa bay thất lạc ngoài biển cả. Bởi lẽ, bất cứ một điều gì là độc nhất đối với một con người, nếu nó không muốn tiếp tục câm lặng, cần phải có ngôn ngữ riêng của nó... [...]

*

Khi làm thơ, người ta luôn luôn được phù trợ và, thậm chí, được du đẩy bềnh bồng đi xa bởi nhịp điệu của tất cả những gì ở bên ngoài, bởi lẽ tiết nhịp của thơ chính là tiết nhịp của thiên nhiên: của nước, của gió, của đêm. Nhưng để có thể đưa ngôn ngữ vào nhịp điệu, người ta phải tự để cho mình chìm sâu vào chính con người mình và khám phá ra bao nhiêu là nhịp điệu không thể gọi tên của dòng máu chảy trong huyết quản người ta. Ngôn ngữ của thơ phải được xây dựng như một ngôi thánh đường: ở đó con người thật sự không có tên tuổi, không có tham vọng, không có sự trợ giúp nào cả: chót vót trên bộ xà cột dựng xây, trên giàn giáo, nó cô đơn với lương tâm của chính mình.

*

Khi người ta làm thơ, viết văn ở tuổi hai mươi mốt, người ta chẳng là gì cả ngoài tiếng gào thét—và có ai nghĩ rằng một tiếng gào cần phải được gào lên một cách khác biệt không? Ngôn ngữ, thật sự, còn quá thanh mảnh, còn quá mỏng đối với chúng ta vào những năm tháng đó, đến nỗi tiếng gào đi qua nó và mang theo với mình chỉ những gì còn dính bám vào nó. Người ta luôn luôn phát triển theo một cách, là cái cách khiến cho ngôn ngữ của người ta được đầy đặn hơn, dày chắc, cứng cáp hơn, có trọng lượng hơn, và dĩ nhiên điều này chỉ có ý nghĩa đối với một người tin chắc rằng tiếng gào thét trong hắn cũng không thể lay chuyển và không ngừng thu tập sức mạnh để, sau này, bị dồn nén bởi vô số những bầu khí quyển, nó xuất hiện đều khắp từ những lỗ chân lông của cái môi trường tưởng chừng như bất khả thâm nhập.

*

Trong một bài thơ được làm một cách thành công, thực tại đầy ắp trong đó nhiều lần hơn so với trong bất cứ một quan hệ cá nhân hoặc trong bất cứ một niềm thương mến nào mà tôi có thể cảm nhận được. Khi tôi sáng tạo, tôi trở nên có thật và tôi muốn tìm kiếm cái sức mạnh để dựa cả cuộc đời tôi trên sự thật đó, trên sự giản dị và niềm vui vô biên mà tôi đôi lúc được trao ban.

*

Đừng nói bất cứ điều gì ngược lại vần điệu! Thật sự, vần điệu chính là một nữ thần đầy sức mạnh, một vị thần của những sự ngẫu nhiên hết sức bí mật và hết sức cổ xưa, và người ta không bao giờ được để cho những ngọn lửa trên bàn thờ của nàng cháy tàn. Vị nữ thần ấy tính khí thật là thất thường: người ta không thể nào đoán biết trước ý nàng, cũng không thể khích động nàng. Nàng đến như thể chính hạnh phúc đến, đôi tay nàng đầy ắp những bông hoa của sự toàn mãn [...] Vần điệu đúng không phải là phương tiện của thơ, nhưng là lời khẳng định tuyệt đối mà các vị thần đóng xuống như một con dấu trên những cảm xúc thơ ngây, trinh bạch nhất của chúng ta.

*

Thật là kinh hoàng khi nghĩ đến chuyện nhiều điều đã được thực hiện và bị mất đi qua những từ ngữ; chúng quá xa rời chúng ta, bị giam hãm trong sự bất xác vĩnh hằng của chúng, vô cảm đối với những nhu cầu khẩn thiết nhất của chúng ta. Chúng thu mình lại khi chúng ta nắm lấy chúng. Chúng có đời sống của chúng và chúng ta có đời sống của chúng ta.

*

Để chân thật với bạn, càng sống lâu, tôi càng cảm thấy khó khăn trong việc tìm kiếm một câu trả lời trực tiếp, có giá trị cho những từ ngữ giống như những chữ, những từ mà bạn đã gửi đến tôi. [...] Bất cứ sự thành công hay một cái nhìn sâu sắc nào mà tôi tình cờ có được trong bài thơ của mình, hay trong một tác phẩm nghệ thuật khác, thì đều không giống như sự làm chủ và sự thành tựu trong cuộc sống hằng ngày—và nếu có việc phải quyết định xem ai trong chúng ta là kẻ kém giá trị hơn, có lẽ phần về phía tôi sẽ nặng hơn phần về phía các bạn. Mặc cho tất cả những khó khăn của hắn, con người sáng tạo và năng sản hẳn nhiên tìm được sự xác tín trong cái sức mạnh lớn lao mà đôi khi hắn thấy được trong mình, và chính cái sức mạnh ấy đã cùng đồng hành với hắn để đạt đến sự thành tựu chung, đến nỗi bất luận hắn có thể cảm nhận là mình bị bao vây, đè nén đến thế nào đi chăng nữa, hắn đều tìm được sự kiên nhẫn để chịu đựng vì nó. Bằng cách nào những người khác, những người đã bị bao vây, dìm ngập trong đau khổ, đặt chân đến được cái vùng đất sâu kín và phong nhiêu để kiên nhẫn chịu đựng: tôi thường tự hỏi về điều đó mà vẫn chưa tìm được một lời giải. Nhưng chúng ta phải công nhận rằng khó có một điều gì đó hiện hữu, bày ra trước mắt chúng ta, trong sự thể hiện muôn hình vạn trạng của nó, từ những thí dụ tầm thường đến những biểu hiện không thể quên được, bằng sự kiện này: cuộc sống đạt được sự thành tựu của nó trong những hoàn cảnh mang tính sỉ nhục, cay cực khốn khổ, và thậm chí nguy hiểm chết người nhất, và rằng con người ta có khả năng yêu thương cuộc sống khi cuộc sống trở nên hoàn toàn khủng khiếp. Và thậm chí có những con người đã chịu đựng lâu dài cái mệnh số rực rỡ của mình một cách thờ ơ, không cảm thấy khoái cảm hay tham gia gắn bó lắm với cái mệnh số ấy, đã thấy niềm vui và sự an toàn mở ra trong trái tim mình khi, bỗng nhiên, hoàn cảnh xô đẩy họ vào sự tuyệt vọng, và họ thấy mình bệnh hoạn, bị xâm hại, lạm dụng, ở nơi tận cùng của những tù ngục bất khả thăm dò; và họ bắt đầu nhận biết và lần đầu tiên có cái quyền được hạnh phúc nếm cảm thật sự những khả năng của con tim mình chỉ khi họ bị đẩy đến tận tình trạng ấy. Tôi đã theo đuổi dấu vết câu chuyện của những cuộc đời như thế trong bất kỳ hoàn cảnh nào tôi có thể, với sự hào hứng tột độ, và cho dù tôi đã không thể phát hiện được một tia nhìn thoáng nào về cái điều bí mật đã làm cho những cuộc sinh tồn kỳ vĩ ấy có thể xảy ra, tôi sống trong niềm xác tín rằng những điều [kỳ diệu] ấy vẫn luôn xảy ra trong đời.


-------------
Trích dịch từ cuốn The Poet's Guide to Life / The Wisdom of Rilke, do Ulrich Baer tuyển dịch (Modern Library Edition: New York, 2005.)
 

Phần nhận xét hiển thị trên trang

NGỐ 180': Ngày đầu và ngày cuối ở Mộc Châu

NGỐ 180': Ngày đầu và ngày cuối ở Mộc Châu:                                                         Ngã ba Kò Nòi nơi nghỉ chân ít phút                                         ... Phần nhận xét hiển thị trên trang

Mai Sơn - Lửa

Lang thang mãi cuối cùng anh cũng tìm ra một chỗ ăn vừa ý sau những buổi dạy. Chiều hôm đó, ngay lúc cơn mưa đổ ào xuống anh thấy mình vừa chạy lướt qua một quán cơm. Anh dừng lại, nhìn ngó trước sau, quẹo đầu chiếc xe máy, chạy một quãng ngược chiều, rồi rồ ga leo thẳng lên lề đường. Có điều gì đó trong anh, cái cách chạy xe mạnh bạo không thường có, hay khung cảnh xa lạ, khiến anh hồi hộp. Quán có vẻ tạm bợ, là phần nhô ra của một căn nhà u tối, với ba bề quây lại bằng những miếng ván gỗ, mái lợp là những tấm tôn loang lổ những vết sét rỉ.
Đập vào mắt anh đầu tiên khi bước chân vào quán là lửa. Ba cái chảo lửa bập bùng với những ngọn lửa vòng vèo uốn lượn đi lên. Dĩ nhiên quán xá gắn với lửa khói, nhưng lửa khói ở quán này lồ lộ, như muốn bùng lên, táp vào mặt khách.
Anh nhìn kỹ cái vẻ đẹp kỳ quái của nó. Những cái lưỡi lửa màu cam với những viền xanh liếm vòng quanh ba cái chảo, thỉnh thoảng tham lam vục sâu vội vã vào lòng chảo. Có cả thảy ba cái chảo: một để chiên cơm, một để chiên đùi gà, và một cái trống không, lửa liu riu. Lòng chảo nào cũng lênh láng mỡ nước.
Cơn đói đang gào thét trong bụng chợt dịu lại khi anh nhìn thấy ở chỗ ba cái chảo lửa hiện ra một dáng hình dong dỏng ưa nhìn của một người phụ nữ trẻ quay lưng về phía anh, chăm chú vào bếp núc. Cô đang vớt mấy cái đùi gà ra khỏi chảo, ngừng tay khi thấy có khách. Khi quay lại, là một khuôn mặt xinh đẹp, nổi bật lên hai vệt lông mày. Người ta nói phụ nữ vùng này có chân mày đẹp. Mấy ngày nay anh có nhiều dịp xác nhận điều đó. Thậm chí sáng nay anh đã mua năm tấm vé số (thay vì hạn định hai tấm mỗi ngày để phù hợp với túi tiền và lòng lân mẫn vừa phải của mình) từ một cô gái bán vé số ngồi trên xe lăn có cặp chân mày mà anh thoáng nghĩ là đẹp nhất trần gian.
Một tay cô chủ quán (anh đoán vậy) cầm cái muỗng dài, cánh tay kia thỉnh thoảng đưa lên trán như để lau mồ hôi hoặc che mắt trước những đốm nước bỏng tung toé. Sao mà quyến rũ cái động tác nhẹ nhàng đó? Cô quay lại nhẹ gật đầu chào anh. Hình như anh là người khách đầu tiên trong buổi chiều mưa rào này.
Cạnh cô, một người đàn ông đứng trước cái chảo thứ hai để chiên cơm, đảo qua đảo lại đống cơm cao ngất như những đợt sóng trong chảo. Trong một lúc anh không nhớ mình đã mất bao lâu để phát hiện ra anh ta. Vài hôm sau anh mới biết đó là chồng cô khi quan sát cách họ trao đổi những cử chỉ nửa thân mật, nửa lạnh lùng. Cách anh ta cầm cái muỗng dài không thật tự nhiên như ta vẫn thường hình dung, không biết diễn tả thế nào, nhưng dù không tự nhiên động tác vẫn thoăn thoắt và chính xác. Khi anh ta bưng dĩa cơm ra cho anh, anh bất ngờ nhìn thấy một khoảng trống nhỏ: thiếu một ngón trên bàn tay phải. Không có ngón giữa. Như thể anh ta muốn khoe với anh sự thiếu hụt đó vậy. Một thoáng bất ngờ, nhưng rồi anh có cảm giác nhẹ người, khi hiểu ra cái nguyên nhân khiến cánh tay anh ta vận động thiếu tự nhiên khi đảo cơm.
Anh đến quán liên tục vài buổi sau đó thì trở thành khách quen, với hình ảnh một người đàn ông trung niên mặc quần tây áo sơ-mi bỏ trong quần, đúng dáng vẻ một người làm nghề dạy học lâu năm. Anh thường gọi một dĩa cơm chiên nhỏ với một cái đùi gà, một ly trà đá, rồi dù muốn dù không cũng sẽ mua một vài tờ vé số của người bán vé số nào bước vô quán đến mời anh trước, như một thành phần không thể thiếu của bữa ăn. Ăn xong anh đi bộ về khách sạn, một cái khách sạn nhỏ nằm cạnh công viên ít thấy trẻ con chơi đùa. Phòng anh có cửa sổ nhìn xuống công viên nhưng anh luôn kéo màn lại, vì không có cái gì để nhìn ngoài mấy cái xích đu đứng im và một cái cầu tuột vắng bóng người. Vả chăng anh còn bận bịu lo khắc phục cái bóng đèn luôn dở chứng, cái tivi không “phát” được trận đá bóng quốc tế nào và cái vòi tắm hư làm văng tung toé nước nóng lên mình anh.
Ngày đầu đến thị xã này, người bạn lấy xe máy đưa anh đi một vòng. Đường phố nhiều cây xanh, nhiều quán cà-phê. Một thành phố nhỏ vắng lặng, hiền hoà. Anh chợt nhớ một nhà thơ Pháp từng nói về thị trấn của mình: thị trấn gì mà buồn chán, không một quyển sách, không một quán rượu, không có cả một tai nạn. Anh nói với bạn về một nhận xét tương tự: “Tỉnh lỵ này chắc chẳng bao giờ xảy ra một án mạng.” Người bạn đáp: “Cũng có chứ.”

*

Mỗi lần bước vào và lúc đứng dậy đi về anh đều nhận được nụ cười chào của người phụ nữ. Đôi khi, phút cuối trước khi ra về, anh bị cô giữ lại bằng một câu hỏi, một mẩu chuyện. Chẳng hạn:
“Suốt mấy ngày nay em nghe nhiều tiếng súng, tiếng mìn nổ vang cả một góc trời, hình như trong khuôn viên trường của thầy phải không?”
“Đúng đó, cô. Trường tui dạy có cả một cánh rừng bao quanh, nên người ta chọn làm nơi diễn tập chống khủng bố.”
Cô nhướng đôi lông mày lên cao, tỏ vẻ ngạc nhiên.
“Người ta giả định tình huống một nhóm khủng bố bắt cóc một hai em học sinh chạy trốn vào cánh rừng và rồi các lực lượng đặc nhiệm tìm mọi cách vây ráp cánh rừng đó, đấu tranh với nhóm khủng bố...”
“Kỳ vậy anh? Sao lại chọn trường học?”
“Tui cũng không biết. Chắc là để cho học sinh quen với tiếng súng đạn và sự căng thẳng.”
Khu rừng xinh xắn ấy anh đã định sẽ một hôm nào đi dạo một mình vào đêm trăng, nhưng sau sự kiện đó, nó biến khỏi trí nhớ anh hoàn toàn.
Một hôm đang ăn anh chợt nghe tiếng chuông nhà thờ đổ dồn. Và ngay khoảnh khắc đó, anh trông thấy người phụ nữ hơi dừng lại, làm dấu thánh giá. Lát sau, nhân lúc cô đến gần bên, anh hỏi cô:
“Cô theo đạo?”
“Dạ, sao anh biết?” Cô trả lời, cười vẻ ngượng ngùng.
Anh nói anh thấy cô làm dấu thánh giá, rồi liếc nhanh về phía chồng cô để biết chắc anh ta đang bận bịu với chảo lửa. Tự dưng anh muốn có thể kéo dài câu chuyện một chút. Anh hỏi:
“Sao cô lại cười?”
Nụ cười tắt nhanh trên môi cô. Cô khép hờ mắt, vẻ mặt hơi tối lại:
“Vì em không đi nhà thờ từ lâu rồi.”
“Cô bỏ đạo?”
Cô kín đáo quay nhẹ đầu về phía bếp, nói nhỏ nhưng rành rọt:
“Ông xã không cho em đi lễ từ khi em về làm vợ ổng.”
Anh cố nén một tiếng thở mạnh, không cho phép mình bộc lộ xúc động dù biết mình vừa được nghe một tâm sự. Thậm chí anh còn nghe chính anh suy nghĩ: người vùng này rất cởi mở.
“Tôi cũng vậy.” Anh nói khi nhìn về bếp lửa, cảm thấy dường như người đàn ông mới tạm ngừng một nhịp đào bới chảo cơm.
Anh ta hoà vào lửa làm thành một cảnh tượng, một hậu cảnh. Trên cái hậu cảnh bí hiểm và nóng bức đó là cô. Cô như một cái bóng hư ảo, nói:
“Tức là anh cũng có đạo nhưng không đi nhà thờ?”
“Tệ hơn nữa, có thể nói rằng đã rất lâu tôi không được nghe tiếng chuông nhà thờ dóng dả như vầy.”
“Chiều nay anh có định đi nhà thờ không?” Cô hỏi với nụ cười kín đáo.
Anh suýt buột miệng nói đùa: “Có thể, nếu cô đi với tôi!” nhưng anh kịp giữ lại câu nói đó trong đầu. Anh cũng bỏ đi nhà thờ từ lâu, nhưng có ai hỏi anh còn giữ đạo không, thì anh sẽ không ngần ngại gật đầu.

*

Có một chiều cuối tuần, không dạy học, anh vào quán sớm hơn ngày thường. Anh không thấy chồng cô ta đâu. Chỉ có một mình cô loay hoay bên bếp lửa với hai tay thoăn thoắt. Anh nghe rõ ngực anh đập rộn lên.
“Ông xã đâu để cô bận rộn quá vậy?” Anh hỏi khi đi vào cái bàn quen thuộc, với cái ghế dựa vào vách, thường ngày ngồi đó anh dễ dàng nhìn thấy cô đi lại đồng thời thấy ông chồng luôn tay với mấy cái chảo lửa.
Cô quay mặt vào bên trong nhà, nói “ổng say rồi, đang ngủ như chết kia.”
Một lát sau, cô đến ngồi xuống chiếc ghế trống trước mặt anh, và thỉnh thoảng đứng lên đi về phía bếp hay khi có khách vào quán. Tại sao cô có thể tự nhiên đến ngồi trước mặt anh? Anh rất muốn nhớ lại và diễn tả cái động tác của cô lúc rời bếp lửa đến gần chỗ anh, kéo ghế ngồi xuống.
“Mấy ngày nay hình như thầy muốn hỏi về cái ngón tay bị khuyết của ông xã em phải không?”
Anh gật đầu, nói anh thấy cái khoảng không trên bàn tay anh ấy nó lạ lắm, nhưng thực ra không muốn hỏi thẳng.
“Ảnh lấy dao tự chặt phăng nó đó.”
Anh giật bắn người, kêu trời, mắt nhắm nghiền lại. Một hồi sau anh mới hỏi có phải ảnh làm vậy để trốn lính không.
Cô lắc đầu.
“Không phải. Em có nên nói thêm với thầy nữa không?”
“Tuỳ cô.”
Bữa nay anh mới dám lén quan sát cô mỗi lần cô di chuyển. Cô ăn mặc khác thường hay không anh không dám chắc vì anh không để ý cô ăn mặc kiểu gì mấy ngày vừa rồi. Nhưng đột nhiên anh thấy cái gáy cô, hai cánh tay thon dài, và bộ ngực nhỏ phập phồng dưới lằn vải của cái áo thun màu kem. Khi cô đứng dậy, quay đi, anh thấy ở túi quần tây sau chiếc điện thoại di động lấp ló. Anh kịp thấy một đôi chân thon khoẻ, trên đôi dép mỏng không đẹp, không hoà hợp với y phục. Anh nghĩ, thật lạ, sao cô có thể mang đôi dép xấu xí này, rồi anh tự trả lời có lẽ do cái nền nhà xi-măng không bằng phẳng mà cô lại có cái kiểu đi nhanh của người làm quán xá phục vụ khách. Lúc nói chuyện cô nhìn anh với tia mắt dò xét rất mạnh, và khi ánh dò xét lắng xuống anh có cảm tưởng cô muốn nở nụ cười như thể biết hết và bao dung.
“Thôi, thầy cứ biết vậy thôi.”
Nhưng vài hôm sau, vào một dịp chồng cô đi nhậu chưa về, thì anh biết thêm điều cô thực sự muốn nói, và anh cũng thực sự tò mò.
“Ảnh thương em nhưng em không thương ảnh. Ảnh tán tỉnh em, tự xưng mình là cán bộ. Nhưng mới nghe nói cán bộ là em không muốn nhìn ảnh rồi. Cha mẹ em cũng ác cảm với cán bộ nhà nước, nhất là cha em. Lúc đó nhiều người theo đuổi em, em nói thiệt chứ không phải khoe khoang. Và ảnh bắt đầu sốt ruột, ghen tuông. Những ngày đó em phụ mẹ em may vá thuê, đặt một cái máy may ngoài chợ. Ngày nào ảnh tới rề rà chỗ em làm, là y như rằng ngày đó ế hàng, không biết tại sao. Vậy là mẹ em dọn hàng đi chỗ khác, trốn ảnh. Nhưng ảnh vẫn quyết truy đuổi em.”
Trong giọng kể của cô có gì cay đắng không?
Anh không muốn ăn, còn cô thì không buồn sửa soạn bếp núc. Câu chuyện cuốn họ đi vào một chỗ nào khác, xa khỏi chỗ này. Lúc đó không hiểu từ đâu dẫn tới đoạn anh hỏi cô có mấy con rồi. Cô lắc đầu. Hỏi vì sao, cô bảo bác sĩ khám nói do ông xã em. Hỏi sao cô không thụ tinh qua ống nghiệm; cô trả lời bằng một cái lắc đầu thật dứt khoát.
“Đụ mẹ, khách vô không lo, lo nói chuyện gì vậy?”
Cả anh và cô chủ quán cùng giật bắn, cái mặt bàn nhôm rung lên. Cô đứng lên thật nhanh, giống như một cái cây bị bứng gấp lên khỏi mặt đất. Đó là tiếng la của ông chồng, khi anh ta lao chiếc xe máy chạy thẳng vào quán, mặt mũi đỏ bừng. Không biết anh ta dựng xe ở đâu phía sau lưng, nhưng chỉ trong phút chốc đã thấy anh ta ra đứng giữa quán, tay chống nạnh, cất giọng, cố giữ bình tĩnh vẫn không được vì nghe rõ từng tiếng gằn mạnh:
“Bữa nay thầy không dạy hay sao đến sớm vậy?”
Lòng anh chợt lặng lẽ, lắng xuống bình yên như đã từng như vậy từ nhiều năm qua, và một phần vì chút sợ hãi điều trái khoáy, anh tự chế ngự mình và bình tĩnh trả lời:
“Chiều nay tôi không có lớp. Tôi cũng mới đến đây thôi.”
Anh tưởng mình sẽ còn nghe nhiều câu chửi ác hơn từ miệng người đàn ông chủ quán. Trên bàn của anh không có một dĩa cơm để chứng tỏ anh đến đây dùng bữa. Anh đã cảm thấy thèm cơm, thấy đói bụng một lúc nào đó nhưng rồi nói chuyện với cô một hồi thì hết đói hay sao?
“Sao thầy không kêu món ăn?”
Anh tưởng như cái nhìn chằm chằm của người đàn ông chủ quán bò trên mặt anh.
“Tôi thấy bà xã anh chưa chuẩn bị bếp lửa, nên cũng không vội.”
Hình như anh ta ném thẳng cánh vào anh một cái nhìn như búa tạ hoặc như một nhát dao trước khi tiến tới bếp lửa. Chỉ loáng cái lửa bùng lên mạnh mẽ, vừa lúc trời sầm tối lại, thấy đỏ rực một góc rồi loang ra cả nhà. Cái bàn tay thiếu ngón trỏ làm thành một chữ V màu cam thấp thoáng.
Đúng là có một người khách ngồi ở cái bàn gần sát thềm cửa. Một cô bé bán vé số ngồi thu người lại như bị gù lưng, lặng lẽ như bóng ma, thậm chí không cần đánh tiếng về sự có mặt của mình, làm như cô tôn trọng cuộc trò chuyện của anh và cô chủ quán.
Anh muốn bước ra đường, thoát khỏi tình trạng nóng nực khó chịu này. Nhưng anh cũng muốn ngồi đây, để cho cả lòng dạ và thân thể cảm nhận rõ hơn một mùi vị gì đó như là bất công và tù đọng.
Từ nơi bếp lửa, giọng đàn ông cất lên:
“Vậy bây giờ thầy đói chưa? Thầy có ăn gì không? Ở đây chỉ có cơm gà, thầy rành quá rồi.”
Anh tưởng như mình đang bị quát đuổi. Bụng anh quặn lên, và từ cái vùng bản năng đó có tiếng nói dội vang: tôi muốn ăn, tôi muốn ngồi lại đây thêm nữa, dù để không làm gì hết. Vừa lúc đó cái dáng hình dễ thương, và đã trở nên thân thiết an toàn từ bao giờ, uyển chuyển (hay khép nép) đến gần bên anh. Anh có sợ không cái động tác chất chứa bùng nổ này? Cô toát ra mùi gì kỳ lạ, như là mùi lá cây sạch ướt mưa của hàng cây cao trước nhà trộn với hơi nóng hừng hực của lửa. Anh hít đầy lồng ngực mùi hương đó.
“Cô lấy cho tôi như mọi bữa.”
Đây là quán độc vị cơm gà, nhưng anh để ý thấy khách chọn lựa gọi món khá kỹ và hai vợ chồng cô cũng lắng nghe kỹ, cẩn thận hỏi đi hỏi lại: Đùi hay cổ cánh? Đầu? Phao câu? Lòng? Nạc? Cơm trắng hay cơm chiên?
Không hẳn anh muốn nói vậy, không hẳn anh ngụ ý đó, nhưng anh nhanh nhẹn gần như buột miệng thốt ra vì thấy nó quen thuộc, gần gũi, như thể anh quăng nhẹ sợi dây vải mà hai người mỗi người giữ một đầu nhiều ngày qua.
Bữa ăn như mọi bữa là một cái đùi gà gác lên đụn cơm nhỏ, vài miếng dưa leo, vài lát cà chua, mấy trái ớt. Ly trà đá đặt bên cạnh, có thể đổ bất cứ lúc nào trên cái bàn lồi lõm, đặc biệt nếu bây giờ anh ta đột ngột quay lại, đến gần anh, thét lên, tạo ra một dao động lớn trong không khí. Anh thường nhìn ngắm cái bữa ăn nhiều màu sắc hài hoà của mình một lúc, có phần thích thú, trước khi hờ hững hay trong vô thức đưa một muỗng cơm lên miệng. Anh hít sâu lần nữa mùi vị lạ thoang thoảng đâu đó khi thấy cô tới lui qua lại tiếp khách đang bắt đầu đông dần.
Anh nghĩ rồi mọi thứ sẽ qua thôi. Đây chỉ là những khoảnh khắc xao động trước một người đàn bà khả ái. Anh cũng sắp kết thúc khoá dạy ở đây, sẽ trở lại Sài Gòn, và cuộc sống ồn ã vội vàng ở đó sẽ cuốn anh đi, anh sẽ từ từ quên cô ta và những buồn vui bất chợt gần đây. Lập tức một câu hỏi xuất hiện, ngày mai mình có nên đến đây nữa không? Anh chỉ thấy một cảm giác nôn nao thay vì một câu trả lời rõ ràng. Nhưng ngay cả cảm giác này rồi cũng sẽ qua. Bằng sự từng trải anh biết không phải mình đang bình thản mà trong lòng anh một cái gì đó phức tạp đang từ từ đổ trút xuống, hết thứ này đến thứ khác. Nó làm anh ngạt thở.
Một tốp khách bước vào, anh theo thói quen gọi tính tiền, chuẩn bị đi về. Khi cô bước đến tính tiền, cô không nhìn những tờ giấy bạc, mà nhìn anh trìu mến. Anh phải nhắc cô trả lại tiền lẻ cho anh. Chính vì anh mở miệng mà anh nghe giọng mình dịu dàng pha lẫn lo âu khác thường. Khi bước ra khỏi quán, anh cảm nhận cái nhìn của người đàn ông bám trên lưng mình. Lúc này hình dung về nhân dạng anh ta bỗng trở nên sinh động: rất nhiều râu tóc, rất nhiều gân guốc và bắp thịt; rất ít cười, rất ít nói, rất ít di chuyển, thường chỉ xoay trở như một khối sắt thép. Sung mãn như vậy, anh ta không thể là nguyên nhân của sự hiếm muộn như lời cô nói. Anh ta thậm chí có thể tạo ra một ngôi làng la liệt trẻ con.

*

Hôm nay anh quyết định phải đến chào tạm biệt cô trước khi về lại Sài Gòn. Ba bốn ngày liền anh không đến quán. Đi ăn ở quán khác, anh không nuốt nổi, chỉ nhấm nháp mấy cọng rau hoặc uống trà đá khan. Anh không chịu nổi cảm giác không thấy mặt cô. Khi anh đi thẳng đến cái bàn quen thuộc của mình trong góc, vừa ngồi xuống, anh thấy trên bàn một mảnh giấy nhỏ – một dãy số, có lẽ là số điện thoại, bên dưới là hàng chữ nắn nót như một chuỗi hạt màu xanh biển: “Chừng nào anh về? Đây là số của em, cô bán quán cơm gà tỉnh lẻ. Anh nhắn tin cho em liền đi, để em có số của anh.”
Anh cẩn thận liếc quanh nhà. Không thấy bóng dáng người đàn ông. Giờ này có lẽ như thường lệ anh ta đang ngủ hoặc đang đi nhậu đâu đó chưa về. Nhưng chiếc xe máy của anh ta đâu rồi. Anh lo âu tự hỏi trong khi bàn tay vẫn lấy điện thoại ra, bấm bấm:
“Số của tôi: 090...”
Anh thấy cô rút ra từ túi quần sau chiếc điện thoại nhỏ. Một lát sau điện thoại trên tay anh rung nhẹ lên, êm đềm như một cái ve vuốt:
“Em cám ơn anh.”
“Ngày mốt tôi về rồi. Không biết khi nào trở lại đây.”
“Thầy không xuống dạy học nữa sao?”
“Cũng tuỳ vui buồn.”
“Anh nhớ nhắn tin hoặc gọi em cho đỡ buồn.”
“Được rồi, rảnh tôi sẽ nhắn tin, nhưng không chắc làm cô đỡ buồn.”
“Anh đã đi nhà thờ ở đây chưa?”
“Chưa cô à. Cô vẫn chưa chỉ cho tôi nhà thờ ở đâu.”
“Em biết là anh chưa đi nhà thờ.”
“Làm sao cô biết được?”
Anh tưởng như đang nghe tiếng cô cười khúc khích. Cô còn loay hoay định nhắn gì đó nữa thì một tốp khách ồn ã bước vào.
“Chờ em chút.”
Cô đặt chiếc điện thoại vào một góc cái tủ kiếng đựng những chồng chén dĩa tô, đồ gia vị, thức ăn. Hôm nay cô mặc chiếc áo sơ-mi dài thùng thình phủ mông màu xanh, có những ô vuông đen; chiếc áo mới toanh như muốn phơi bày một tâm hồn chứ không phải để che đậy. Nếu che đậy thì nó đã lỡ che đậy, làm mờ nhạt bầu ngực nhỏ nhưng tròn đầy của cô vẫn thường khi nổi bật qua những chiếc áo thun.
Nhưng cô không còn nhắn tin được nữa. Cô vội nhét cái điện thoại vài túi quần sau, trong khi anh còn cố gắng nhắn cái tin cô đọng chất chứa với chỉ hai từ: “Ổng về.”
Như từ dưới mồ đội dậy, chồng cô xuất hiện từ ngoài đường ngật ngưỡng ngả nghiêng đi vào. Không có tiếng xe máy báo hiệu. Anh ta liên tục đảo mắt nhìn người đàn ông từng là khách quý và người vợ nơi bếp lửa, vừa lầm bầm chửi thề.
Anh đứng lên và nghĩ trong đầu mình sẽ không bao giờ trở lại đây, gặp lại người đàn bà trẻ kia nữa.

*

Anh có thể gặp lại cô chủ quán. Nhưng cái quán thì tạm thời đóng cửa.
Vài giờ sau khi anh ra về trưa hôm đó, cô đứng bên mấy chảo lửa mà không biết mình làm gì, tâm trí lang thang, để cho lửa bén vào vách gỗ, loang rộng lên thành một đám cháy nhỏ.
Cô kể với anh qua điện thoại mấy ngày sau khi anh đã về lại Sài Gòn.
Quán vốn đang vắng khách, nên khi anh vừa rời đi nó càng trở nên mênh mông trong mắt cô. Cảm thấy lạnh và trống trải tay chân, cô bước đến gần những ngọn lửa bếp. Đứng đó, cô nhắm nghiền mắt một hồi lâu cho đến khi cảm giác toàn thân mình bỏng rát.

Sài Gòn, 25/1/2015

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Quan chức tham nhũng tự sát quá nhiều kinh động Trung Nam Hải


Hồng Thủy
(GDVN) - Sau khi ông Tập Cận Bình "sờ" đến quân đội, số vụ tướng lĩnh Trung Quốc tại ngũ "chết bất thường" gia tăng.

Đa Chiều ngày 29/1 đưa tin, sau khi chiến dịch chống tham nhũng đả hổ đập ruồi do ông Tập Cận Bình phát động đã diễn ra được 2 năm, hiện tượng tham quan tự sát, tướng lĩnh nhảy lầu liên tục xảy ra. Quá nhiều quan chức có dấu hiệu tham nhũng đang hoặc sắp bị điều tra đã "chết bất thường" khiến Trung Nam Hải không thể không chú ý.

Sau Tết Dương lịch, đảng ủy các tỉnh thành trực thuộc trung ương, các bộ ban ngành, các trường đại học, doanh nghiệp nhà nước, đơn vị vũ trang đã nhận được thông báo của Ban Tổ chức trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc yêu cầu các đơn vị này thống kê các trường hợp quan chức "chết bất thường" trong địa bàn, đơn vị mình kể từ sau đại hội 18.

Đối tượng quan chức "chết bất thường" được yêu cầu thống kê theo 6 nhóm, cấp bậc từ trung ương tới địa phương cơ sở, bao trùm toàn bộ hệ thống chính trị Trung Quốc. Giới phân tích cho rằng Bắc Kinh đẩy mạnh chiến dịch chống tham nhũng sau đại hội 18 khiến tỉ lệ quan chức, tướng tá "chết bất thường" tăng mạnh, việc thống kê này sẽ có lợi cho Trung Nam Hải trong điều chỉnh cách làm, cung cấp căn cứ cho cuộc chiến chống tham nhũng.

Công điện của Ban Tổ chức trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc có 2 phần, phần danh sách thống kê quan chức "chết bất thường" và phần chú thích, ghi rõ nội dung mỗi vụ việc. Tỉnh ủy Sơn Tây đã triển khai công văn này xuống các đơn vị, trong đó yêu cầu các địa phương đơn vị trực thuộc báo lên những trường hợp "chết bất thường". Thời hạn các địa phương báo về Ban Tổ chức cán bộ cấp mình là ngày 15/1/2015 để tổng hợp báo cáo.

Đối với các quan chức "chết bất thường" do tự sát cần phải làm rõ địa điểm, phương thức tự sát. Địa điểm tự sát lại được chia nhỏ: Trụ sở cơ quan, nhà riêng, khách sạn nhà nghỉ, văn phòng chỉ đạo chống tham nhũng, đồn cảnh sát, nhảy cầu, công viên, bệnh viện và các nơi khác. Phương thức tự sát của các quan chức cũng phải xác định rõ: Treo cổ, nhảy lầu, nhảy cầu, nhảy sông, cắt mạch máu, uống thuốc ngủ, dùng súng và hình thức khác.

Nguyên nhân tự sát của các quan chức, tướng tá Trung Quốc cần làm rõ vì sao: Vi phạm kỷ luật - pháp luật, trầm cảm hoặc các bệnh tâm thần, áp lực công việc lớn, áp lực cuộc sống quá lớn, mâu thuẫn gia đình, nguyên nhân không rõ. Khi quan chức tự sát, Ủy ban Kiểm tra kỷ luật có điều tra họ hoặc thân nhân, những người liên quan đến họ hay không.

Tờ Minh Báo xuất bản tại Hồng Kông dẫn lời ông Uông Ngọc Khải, một giáo sư của học viện Hành chính quốc gia Trung Quốc cho biết, không ít quan chức không chịu nổi áp lực của cuộc chiến chống tham nhũng nên đã phải tự sát. Việc nắm rõ các sỗ liệu liên quan đến những cái chết bất thường của quan chức Trung Quốc là cần thiết, bởi dư luận xã hội cho rằng tự sát là lựa chọn tốt nhất cho quan chức. Tự tử rồi, họ còn giữ được tài sản do tham nhũng mà có và danh dự.

Tờ Nam Phương cuối tuần thì thống kê, từ cuối tháng 8/2003 đến đầu tháng 4/2014 có 112 quan chức Trung Quốc tự sát, bình quân mỗi năm hơn 10 người, trên địa bàn 26 tỉnh thành, trong đó 70% là quan chức cấp sở trở xuống. 3 năm trở lại đây, 2012 có 12 quan chức tự sát trong đó 4 người liên quan đến tham nhũng. Năm 2013 có 7 quan chức, 2 người do tham nhũng. Riêng năm 2014 con số quan chức tự sát tăng đột biến lên 39 người, trong đó 10 người liên quan đến tham nhũng.

Sau 2 năm đả hổ đập ruồi, tình trạng "quan tham không thiết sống" bắt đầu diễn biến sang "tướng tham tự sát". Sau khi ông Tập Cận Bình "sờ" đến quân đội, số vụ tướng lĩnh Trung Quốc tại ngũ "chết bất thường" gia tăng, cho đến nay đã có ít nhất 3 viên Trung - Thiếu tướng quân đội Trung Quốc tự sát, 2 người nhảy lầu và 1 người thắt cổ.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Khi 90 triệu người cùng quyết... làm quan!


Trần Văn Tuấn
VNN - Đa số sĩ tử trong các cuộc thi đều mong  mình may mắn thi đậu để được làm Quan chứ không phải vì mục đích cao cả hay quốc gia đại sự.

Học để “cả họ được nhờ”

Nhìn qua các thống kê, có thể thấy tinh  thần hiếu học của dân ta ít nước nào theo kịp. Quả là đáng khâm phục cho một đất nước ngày nào còn khắp nơi “Bình dân học vụ” nhưng chỉ hơn nửa thế kỷ sau đã có tới gần 30 ngàn Tiến Sĩ, khoảng 120 ngàn Thạc Sĩ và mỗi năm ra lò hơn 400 ngàn người tốt nghiệp ĐH-CĐ (năm sau cao hơn năm trước).

Hiếu học là vậy, nhưng có vẻ cái sự học này chưa phát huy hiệu quả. Bằng chứng là tuy người người đi học, nhà nhà đi học sau đại học nhưng  vẫn hiếm thấy bóng dáng các sản phẩm chất lượng cao mang tên “trí tuệ Việt”.

Do đặc thù lịch sử, Việt Nam từng chịu ảnh hưởng rất lớn của Nho vốn có chủ trương tìm về cái cũ, cái ngày xưa tươi đẹp nên không chú trọng hay khuyến khích mọi người nghĩ ra cái mới hay cải cách, đổi mới. Cũng vì vậy nên giáo đồ của họ đa số chỉ quan tâm đến học thuộc lòng, nhớ lấy những gì quan trọng để khi cần thì mang ra đối đáp, thi thố.

Dần dần khái niệm "học để làm người" và tìm ra ý nghĩa cuộc sống đã trở thành xa xỉ. Thay vào đó, đa phần quen học vẹt, học để kiếm cơm (theo cách nói của cụ Phan Khôi), và để thoát nghèo bền vững hay biến một người đang là nông dân trở thành trí thức.

Trong xã hội đó, đa số sĩ tử trong các cuộc thi đều mong  mình may mắn thi đậu để được làm Quan chứ không phải vì mục đích cao cả hay quốc gia đại sự. Do khi làm quan, đôi lúc “cả họ được nhờ” nên phần đông mọi người cố gắng học thuộc lấy một “bồ chữ” để theo đuổi mục đích riêng của mình, làm giàu cho gia đình mình, rạng danh dòng họ mình chứ ít ai quan tâm đến cái chung hay phụng sự đất nước.

Tâm lý đó vẫn còn ảnh hưởng rất lớn đến mục đích học của nhiều người Việt ngày nay. Rất nhiều người coi bằng Tiến Sĩ là cái ngưỡng cao nhất của học tập. Họ sẽ dừng việc học lại một khi có tấm bằng trong tay.

Văn hóa trọng sĩ khiến cho nhiều người coi việc học là đích đến chứ không phải tiến trình. Ở một số nước, người ta coi việc học là mục tiêu suốt đời nên họ cặm cụi học tập và tận tụy nghiên cứu hàng ngày để lần lượt cho ra đời các phát minh, sáng chế làm lợi cho nhân loại.

Nghề đi học

Nước ta cũng có nhiều người đi học suốt đời nhưng phần đa là do học mãi mà chưa lấy được bằng hoặc chưa biết làm gì nên cứ đi học – vì dù sao thì việc học luôn được coi trọng  trong một đất nước “hiếu học” như Việt Nam.

Không thiếu người suốt đời theo đuổi hết khóa này đến khóa khác, bằng này đến bằng khác (do được ưu đãi về học bổng) và tạo nên một hiện tượng “nghề đi học”.  Xét về quyền thì họ không sai, nhưng nếu nhìn rộng ra thì những người làm nghề này tuy có bằng cấp và kiến thức tốt nhưng lại không làm lợi cho xã hội vì họ không làm việc theo đúng nghĩa.

Cũng bởi vì cách tiếp cận trong giáo dục của chúng ta đang có vấn đề, nên hậu quả là “thầy” quá nhiều nhưng không biết hoặc không có cơ hội làm việc theo đúng nghĩa, trong khi đó thợ có tay nghề cao lại thiếu cho dù nhu cầu xã hội rất cao.

Nếu nhìn nhận theo quan điểm quản trị thì để một xã hội vận hành hiệu quả, không cần quá nhiều nhà quản lý (mà chỉ cần tinh nhuệ) hay nhà khoa học (ít nhưng hiệu quả), mà cần nhiều hơn những người thợ có tay nghề cao trong các nhà máy, xí nghiệp.

Cùng với những nông dân cần cù nơi đồng ruộng, họ mới chính là những người trực tiếp làm ra sản phẩm, vật chất cho xã hội, góp phần trực tiếp và có ý nghĩa thực tiễn nhất thúc đẩy sự phát triển kinh tế đất nước. Họ cần mẫn, cặm cụi làm việc mà không hề kêu ca về lương thấp và các chế độ phụ cấp nghèo nàn. Với họ, hạnh phúc  đơn giản là được làm việc, có thu nhập để nuôi sống bản thân, chăm sóc gia đình và trông đợi một tương lai tươi sáng.

Một đất nước muốn phát triển thì cơ cấu ngành nghề cần được điều chỉnh phù hợp để lao động với hàm lượng trí tuệ cao cần chiếm ưu thế, nhưng điều kiện cần và đủ của Việt Nam cho vấn đề này vẫn chưa đến.

Trước mắt, hàng năm chúng ta vẫn phải sống nhờ vào 40 triệu tấn thóc, 6-7 triệu tấn cafe cùng các sản phẩm nông nghiệp khác. Lao động phổ thông vẫn đang là nguồn lực quan trọng để tạo ra hàng hóa xuất khẩu góp phần cân bằng cán cân mậu dịch của đất nước. Và trong số mấy chục nghìn doanh nghiệp nhỏ đa số được sở hữu và quản lý bởi những người chưa bao giờ tốt nghiệp ĐH kia, một lượng lớn lao động đang ngày đêm làm việc để góp phần nuôi sống mấy triệu cử nhân cùng hơn một trăm ngàn thạc sĩ, tiến sĩ trên toàn quốc.

Đến bao giờ sự hiếu học của dân ta mới phát huy được thế mạnh và đóng góp xứng tầm cho phát triển? Có rất nhiều điều cần bàn đến ở đây liên quan đến “Triết lý giáo dục”, “cơ chế sử dụng nhân tài”, cùng các biện pháp đồng bộ trong nghiên cứu và ứng dụng KHKT của nước nhà?

Nhưng, đó cũng là khi mỗi người đi học không chỉ để hành nghề, để làm quan hay để thoát nghèo mà còn để biết cách ngồi lại cùng nhau, biết chia sẻ, cảm thông, tôn trọng sự khác biệt thông qua vận dụng lối tư duy phản biện để cùng nhau làm việc vì mục tiêu chung. 

Phần nhận xét hiển thị trên trang