Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 7 tháng 11, 2014

Tin liên quan đến Việt Nam:

Bầu cử mỹ 2014 - chính trị Việt


Đảng Cộng hòa đã kiểm soát cả hai viện Quốc hội Mỹ lần đầu tiên kể từ năm 2007 sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ngày 04/11 (2014), nhưng liệu kết qủa này có ảnh hưởng gì với Việt Nam khi có hai Nghị sỹ Cộng hòa biết qúa nhiều về đảng Cộng sản dự trù sẽ cầm đầu hai Ủy ban đầy quyền lực là Quân viện và Ngọai giao tại Thượng viện, trong khi Chủ tịch Cộng hòa Ed Royce của Ủy ban Ngọai giao Hạ Nghị Viện, vừa tái đắc cử vẻ vang ở quân hạt 39 California lại là người không ngừng chỉ trích Việt Nam tiếp tục vi phạm nhân quyền nên không đáng được hưởng ưu đãi của nước Mỹ ?
Với kết qủa, ít nhất là 52 ghế tại Thượng viện chống 45 nghị sỹ đảng Dân Chủ và 243 ghế chống 176 Hạ nghị sỹ Dân chủ tại Hạ Nghị Viện, đảng Cộng Hòa, sau 2 lần thất bại tranh chức Tổng thống năm 2008 và 2012, chắc chắn sẽ gây rất nhiều khó khăn cho đảng Dân chủ trong 2 năm còn lại của nhiệm kỳ Tổng thống Barrack Obama.
Nhưng giữa Việt Nam và Quốc hội Cộng hòa Mỹ thì tình hình ra sao ?
LỊCH SỬ LẬP LẠI
Trước hết, hãy nói về lý do đảng Dân chủ thất bại trong ngày bầu cử 4/11 (2014). Các chuyên gia về bầu cử của nước Mỹ đã quy kết đó là hậu qủa của sự  suy gỉam uy tín lãnh đạo của Tổng thống Obama. Khi cử tri đi bỏ phiếu thì ông Obama chỉ còn được từ 35 đến 40% dân Mỹ ủng hộ vì họ bất bình trong các lĩnh vực:
-Kinh tế chưa có khả năng phục hồi đến bền vững để đi lên; Đạo Luật sức khỏe (Obama care) không hội dủ các điều kiện giúp đa số người nghèo và giới trung lưu như lời hứa của phe Dân chủ.
-Uy tín nước Mỷ suy gỉam trên trường Quốc tế, sau khi Nga xâm lăng vùng Crimea của Ukraine không bị ngăn chặn mà một số vùng khác ở đông bộ Ukraine nói tiếng Nga lại muốn ly khai để nhập vào nước Nga.
-Cuộc chiến chống quân khủng bố Nhà nước Hồi giáo (Islamic State) do Mỹ lãnh đạo ở Iraq và trong lãnh thổ Syria chưa thành công mà còn đe dọa an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ và các nước Hồi giáo đồng minh khác của Mỹ.
Phe Cộng hòa đã tận dụng những yếu điểm này để tấn công, kể cả việc tố cáo Tổng thống Obama đã không chịu hợp tác để giải quyết những khó khăn về ngân sách và đạo luật di trú liên quan đến người Nam Mỹ nhập cư bất hợp pháp mà ông lại muốn sử dụng quyền Hành pháp để ban hành những quyết định thay luật là việc làm, theo phe Cộng hòa là vi hiến.
Vì vậy đã có một số không nhỏ các ứng cử viên Dân chủ không muốn ông Obama đi vận động giúp họ tranh cử vì sợ  bị “vạ lây”. Trong khi đó thì dư luận người Mỹ, nhất là thành phần cử tri độc lập, trung lưu, thiểu số và phụ nữ từng ủng hộ ông Obama và đảng Dân chủ đã bỏ hàng ngũ hay không đi bầu khiến cho các ứng cử viên Dân chủ thua cuộc.
Tuy nhiên các  số thống kê về lịch sử tranh cử  Quốc hội giữa nhiệm kỳ của Tổng thống cầm quyền ở nhiệm kỳ thứ 2 đã có bằng chứng cho thấy, ngọai trừ hai Tổng thống Ronald Reagan (Cộng hòa, 64%) và Bill Clinton (Dân chủ, 65%), từ thời Tổng thống Cộng hòa George W. Bush (Bush con) đến thời Tổng thống Dân chủ Obama, số người dân không hài lòng với chính sách cai trị của Tổng thống đương quyền bao giờ cũng xuống thấp sau 2 năm cầm quyền của nhiệm kỳ 2.
Tài liệu của viện Gallup Poll cho thấy vào năm 2006 (trước kỳ bầu cửa Tổng thống năm 2008), ông Bush con chỉ còn được 37% dân Mỹ ủng hộ, tụt xuống từ 67% năm 2002 của nhiệm kỳ I.
Hậu qủa là trong kỳ bầu cử Quốc hội năm 2006, đảng Cộng hòa đã kém 30 ghế tại Hạ viện và  6 ghế ở Thượng viện.
Đảng Dân chủ của Ông Obama cũng không khá gì trong cuộc bầu cử Quốc hội năm 2010, sau 2 năm cầm quyền vì tình hình kinh tế vẫn trì trệ và số người thất nghiệp trên 7% khiến Cộng hòa chiếm được 63 ghế Hạ viện và thêm 6 ghế ở Thượng viện, nhưng vẫn thua số ghế của phe đa số Dân chủ (55-45)
Qua cuộc bầu cử Quốc hội năm 2012, đảng Cộng hoà chiếm thêm ghế ở Hạ viện lên tổng số 233 ghế trong khi phe Dân chủ chỉ có 201. Tuy nhiên đảng Dân chủ vẫn duy trì đa số với 55 ghế chống Cộng hòa 45 ghế tại Thượng viện.
Đến cuộc bầu cử ngày 04/11 (2014) thì đảng Cộng hoà chiến thắng kiểm soát cả 2 viện Quốc hội với 7 ghế mới (qúa số cần thiết 1 ghế) ở Thượng viện và  trên 10 ghế thêm cho Hạ viện.
Vậy sự thay đổi quyền lực  ở Hoa Thịnh Đốn trong 2 năm tới có ảnh hưởng như thế nào đối với tình hình ở Biển Đông  và Việt Nam khi Hoa Kỳ và ViệtNam  kỷ niệm 20 năm bang giao vào năm 2015 ?
CHUYỆN PHẢI ĐẾN
Trước hết  hãy nói về 2 chức Chủ tịch quan trọng hàng đầu tại Thượng viện Mỹ Cộng hòa.
Thượng nghị sỹ John McCain, một cựu chiến binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam dự trù sẽ nắm chức Chủ tịch Ủy ban Quân viện. Ông có quyền kiểm soát ngân sách chi tiêu Quốc phòng, mua bán vũ khí và quyết định về chính sách quân sự của Mỹ ở nước ngòai.
Ông McCain từng là tù nhân 5 năm tại Hỏa Lò (Hà Nội) sau khi máy bay của ông đi oanh tạc Hà Nội bị bắn  rơi năm 1967. Ông là ngưòi rất am tường về đảng Cộng sản Việt Nam, nhưng cũng chính là một trong số cựu chiến binh Mỹ tham chiến ở Việt Nam, trong đó có Ngọai trưởng John Kerry, cổ võ “hãy quên qúa khứ hướng tới tương lai” để thiết lập bang giao giữa Hoa Thịnh Đốn và Hà Nội năm 1995, thời Tổng thống Dân chủ Bill Clinton.
Ông là người không hài lòng về chủ trương giảm binh bị của Mỹ trên Thế giới như Tổng thống Obama đã thi hành. Nghị sỹ McCain từng chỉ trích quyết định rút quân tác chiến của Mỹ qúa mau của Tổng thống Obama  tại chiến trường Iraq, và muốn “quân tác chiến Mỹ” có mặt bên cạnh quân kháng chiến ôn hòa người Syria đang chiến đấu chống chính quyền độc tài Bashar Hafez al-Assad của Syria. Và cũng chính Nghị sỹ John McCain đòi Tổng thống Obama oanh tạc xuống các vị trí quân sự của Tổng thống Assad để mau chóng phế bỏ chính phủ của ông ta, như ông Obama đã làm ở Libya, nhưng bị từ chối.
Tóm lại đối với chính sách Quốc phòng thì ông McCain là một trong số “Diều hâu” hàng đầu tại Quốc hội Mỹ, và tiếng nói của ông có ảnh hưởng sâu rộng cả trong quân đội và chính giới Mỹ.
Đối với Việt Nam, ông đã đi thăm VN nhiều lần, ủng hộ việc Hoa Kỳ bỏ lệnh cấm bán “vũ khí sát thương” cho Việt Nam  nhưng cũng đòi hỏi Việt Nam phải “cải thiện tình hình nhân quyền”.
Chính phủ Mỹ đã làm đúng như thế trong chuyến thăm Hoa Thịnh Đốn đầu tháng 10 (2014) của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngọai giao Phạm Bình Minh.
Nghị sỹ John McCain cũng đã lên tiếng chỉ trích Trung Cộng gây rối an ninh và làm xáo trộn tình hình ở Biển Đông, sau khi Bắc Kinh đem giàn khoang Hải Dương 981 vào tìm kiếm dầu bên trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam từ ngày 2/5 đến 17/7/2014.
Trong lần thăm Việt nam sau cùng của hai thượng nghị sỹ John McCain và Sheldon Whitehouse (Dân chủ), ông McCain  đã thảo luận về tình hình hai nước và tình hình Biển Đông với tất cả những người đứng đầu chính quyền và đảng CSVN như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Chủ tịch Quốc hội Nguyuễn Sinh Hùng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh.
Bản tin của phiá đảng CSVN loan báo trong cuộc gặp hai Nghị sỹ ngày 9/8/2014, ông Trọng khẳng định: “Đảng và Nhà nước Việt Nam coi Hoa Kỳ là một đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam; ủng hộ việc thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ ở các cấp độ và trên các lĩnh vực phù hợp với lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và trên thế giới. 
Tổng Bí thư cũng mong muốn hai bên sẽ có nhiều biện pháp tích cực để triển khai có hiệu quả quan hệ đối tác toàn diện và thiết thực chuẩn bị kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ giữa hai nước trong năm 2015.”
Trong khi đó ông Nguyễn Tấn Dũng đề nghị : “ Hoa Kỳ ủng hộ Việt Nam trong đàm phán Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP), có sự linh hoạt đối với Việt Nam trong đàm phán TPP; cho rằng việc đàm phán thành công và ký kết Hiệp định này sẽ mở ra nhiều cơ hội cho quan hệ hợp tác giữa hai nước.”
Ông Dũng cũng nói : “ Việt Nam cũng mong muốn thúc đẩy hơn nữa hợp tác với Hoa Kỳ trong lĩnh vực quốc phòng-an ninh; đề nghị Hoa Kỳ ủng hộ Việt Nam nâng cao năng lực bảo vệ chủ quyền đất nước; hợp tác, hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh, đặc biệt là khắc phục hậu quả bon mìn, chất độc da cam/dioxin. 
Nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của an ninh mạng, Thủ tướng cho biết Việt Nam sẵn sàng thúc đẩy hợp hợp tác với Hoa Kỳ trong lĩnh vực này.”

Bản tin của Việt Nam cũng cho biết : “ Về vấn đề nhân quyền, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam đang nỗ lực để đảm bảo ngày càng tốt hơn quyền con người vì nhân quyền là mục tiêu và cũng là đòi hỏi chính đáng của người dân Việt Nam. 
Thủ tướng cho biết tình hình nhân quyền ở Việt Nam ngày càng được cải thiện, đồng thời khẳng định Việt Nam luôn sẵn sàng đối thoại thẳng thắn với Hoa Kỳ về vấn đề này.”

Không có lời bình luận nào từ phía hai Nghị sỹ, nhưng sau đó về Hoa Kỳ, ông John McCain đã lập lại quan điểm của ông là Việt Nam phải cải thiện nhân quyền trước khi Hoa Kỳ tháo bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.
Giờ đây lệnh này đã được bãi bỏ nhưng nhà cầm quyền CSVN vẫn tiếp tục đàn áp những người đòi dân chủ, nhân quyền và tự do ngôn luận ở Việt Nam. Có lẽ vì thế mà Bộ Ngọai giao Mỹ đã mau chóng nói rằng việc bán vũ khí sát thương cho Việt Nam phải dựa trên nhu cầu của Việt Nam trong lĩnh vực bảo vệ an tòan trên biển và bảo vệ bờ biển nhưng cũng theo tiến trình từng giai đọan.
Tất nhiên là ông McCain, với tư cách Chủ tịch Ủy ban Quân viện sẽ phải duyệt qua danh sách vũ khí bán cho Việt Nam cho nên tiếng nói của ông sẽ ảnh hưởng đến Bộ Quốc phòng và Tòa Bạch Ốc trong hai năm tới.
NHÂN QUYÊN VÀ NHU CẦU CỦA VIỆT NAM
Theo phía Mỹ, nhu cầu hàng đầu của Việt Nam là loại máy bay trinh sát trên biển như P-3 Orion đã qua sử dụng do hãng Lockheed Martin sản xuất và các tầu tuần duyên, tầu truy kích nhanh cho cảnh sát biển và lực lương biên phòng hàng hải.
Việt Nam cũng cần các loại vũ khí phòng không và màn radar để bảo vệ bờ biền dài trên 3000 cây số.
Việt Nam cũng rất mong được Mỹ “nới lỏng” những ràng buộc để được gia nhập tổ chức Mậu dịch Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Parnership, TPP), nhưng phía Việt Nam, theo các tin ở Hoa Thịnh Đốn vẫn chưa chịu để cho Công nhân được quyền thành lập nghiệp đòan lao động độc lập bên ngòai Tổng liên đòan Lao động của Chính phủ và chưa thật sự có thị trường thương mại tự do để đủ điều kiện được công nhận là  nền “Kinh tế Thị trường”.
Ngòai ra Việt Nam còn phải cải thiện nhân quyền và tôn trọng các quyền tự do lập hội, hội họp và ngôn luận.
Có lẽ vì vậy mà hai Nghị sỹ McCain và Whitehouse đều không nói gì về đề nghị của ông Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Mỹ “linh hoạt đối với Việt Nam trong đàm phán TPP.”
Nghị sỹ thứ hai mà Việt Nam phải đặc biệt quan tâm là ông  Bob Corker của Tiểu bang Tennessee dự kiến trở thành Chủ tịch Ủy ban Ngọai giao của Thượng viện khi phe đa số Cộng hòa nắm quyền tại cả 2 viện Khóa Quốc hội thứ 114 ngày 03/01/2015.
Ủy ban này, dưới thời đảng Dân chủ đa số, kể cả khi Ngọai trưởng John Kerry còn làm chủ tịch không chịu đem Dự luật về nhân quyền Việt Nam của Hạ viện ra thảo luận dù đã được đa số Cộng hòa và một số dân biều Dân chủ  thông qua.
Nhiều Nghị sỹ phê bình Dự luật có nhiều điều khe khắt không phù hợp với đường lối ngọai giao và thương mại của Hoa Kỳ ở Việt Nam.
Tuy nhiên không ai biết lập trường của ông Corker về nhân quyền đối với Việt Nam ra sao vì chưa thấy ông phát biểu công khai lần nào.
Trước bầu cử ngày 4/11 (2014), Ông Corker đã thăm Việt Nam lần đầu tiên và làm việc tại Hà Nội trong hai ngày 4 và 5/8/2014 với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Phó Thủ tướng Bộ trưởng Ngọai giao Phạm Bình Minh.
Tin chính thức của Việt Nam Thông tấn xã viết: “Cho rằng quan hệ song phương được tăng cường sẽ đáp ứng tốt hơn lợi ích của mỗi nước, đóng góp vào hòa bình và ổn định ở khu vực. Trên tinh thần đó, ông Bob Corker bày tỏ ủng hộ việc đẩy nhanh triển khai các nội dung hợp tác trong khuôn khổ Đối tác toàn diện; hiểu những quan tâm và lợi ích của Việt Nam trong quá trình đàm phán TPP, mong muốn Việt Nam và Hoa Kỳ cùng các nước khác sớm hoàn tất đàm phán TPP, xem đây là cơ hội để các nước mở cửa thị trường và đổi mới mô hình phát triển kinh tế.”
Tại buổi họp với ông Trương Tấn Sang, tin của Chính phủ Việt Nam cho biết : “Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định Việt Nam hết sức coi trọng mối quan hệ với Mỹ trên tinh thần đối tác toàn diện đã được ký kết và nhấn mạnh Việt Nam sẽ làm hết sức mình, sẵn sàng trao đổi cả vấn đề còn khác biệt nhằm tạo sự tin cậy giữa hai nước. Ông cũng cam kết Việt Nam sẵn sàng mở rộng hợp tác kinh tế thương mại với Mỹ, đồng thời trao đổi thẳng thắn để tránh những trở ngại trong các rào cản thương mại, nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn kim ngạch thương mại giữa hai nước.”
“Đề cập tới tình hình Biển Đông, Thượng nghị sĩ Bob Corker ủng hộ quan điểm giải quyết mọi tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên tinh thần luật pháp quốc tế và nhấn mạnh sự đoàn kết thống nhất của các nước ASEAN. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cảm ơn Quốc hội Mỹ đã ủng hộ quan điểm của Việt Nam và ASEAN trong vấn đề Biển Đông.
Tin này viết tiếp : “ Là thành viên cao cấp của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, ông Corker cho rằng mặc dù còn có những tồn tại nhất định từ quá khứ, nhưng nhiều lĩnh vực hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ đang triển khai có hiệu quả và đi vào chiều sâu, trong đó có đàm phán về Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đây là cơ hội hợp tác phát triển không chỉ cho mỗi nước mà cả khu vực. Quốc hội Mỹ sẽ sớm tìm kiếm giải pháp nhằm có tiếng nói chung về Hiệp định quan trọng này.”
Đấy là quan điểm của Nghị sỹ Corker đối với Việt Nam khi ông chưa nắm chức Chủ tịch đầy quyền lực tại Ủy ban Ngọai giao vì trách nhiệm chính của ông khi ở vào cương vị Chủ tịch Ủy ban thì ông phải ưu tiên bảo vệ quyền lợi và đường lối ngọai giao của nước Mỹ được cả Quốc hội và Hành pháp của Tổng thống cầm quyền, không phân biệt đảng phái, cùng đồng ý.
Tuy vậy, không ai có thể phủ nhận về trọng lượng lập trường của một Chủ tịch Ủy ban Ngọai giao mỗi khi lên tiếng hay có quyết định về chính sách ngọai giao của nước Mỹ.
Ông Corker là một nhà triệu phú, thành công trong ngành xây dựng và địa ốc. Ông cũng là người ủng hộ nhiều quyết định của phe Cộng hòa cấp tiến và am hiểu tường tận về thuế khoá và thương mại.
Ông cũng là một trong số Thượng nghị sỹ Cộng hòa ôn hòa và có thể dung hòa quan điểm với phe đối lập như ông đã đôi lần ủng hộ quyết định của Tổng thống Dân chủ Barack Obama trong khi các đồng viện Cộng Hoà của ông chống lại.
VIỆT NAM-HẠ VIỆN MỸ
Bên cạnh Nghị sỹ Corker còn có Dân biểu Cộng hòa Ed Royce, Chủ tịch Ủy ban Ngọai giao Hạ viện do Cộng hòa chiếm đa số. Ông Ed Royce là một trong số Dân biều nổi tiếng chống Việt Nam vi phạm nhân quyền, đàn áp những người đấu tranh đòi quyền làm người và các quyền tự do căn bản khác của con người.

Dân biều Ed Royce từng đệ nạp Dự thảo luật nhân quyền H.R. 4254 nhằm chế tài các quan chức và những người dính đến xâm phạm quyền con người ở Việt Nam, nhất là đối với “những nhà bất đồng chính kiến ôn hòa.”
Một trong những biện pháp chế tài là “không được cấp thị thực nhập cảnh vào Hoa Kỳ và không được phép làm ăn với các công ty Mỹ.”
Dự luật cũng kêu gọi Bộ Ngọai giao Mỹ “cần đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo.”
Đồng viện Cộng hòa của Dân biều Royce là ông Christ Smith (tiểu bang New Jersey) cũng thành công trong việc đưa ra biểu quyết tại Hạ viện đa số Cộng hòa ngày 31/7/2013 Dự luật H.R.1897 đòi Chính phủ Mỹ “gắn các điều kiện về nhân quyền và dân chủ với viện trợ phi nhân đạo cho Việt Nam.”
Tuy nhiên những việc làm của hai dân biểu Cộng hòa Ed Royce và Christ Smith không được quan tâm ở Thượng viện thời đảng Dân chủ chiếm đa số.
Vậy liệu tình hình này có thay đổi sau khi đảng Cộng hòa nắm tòan bộ hai viện Quốc hội từ tháng 1/2015 hay không thì tương lai sẽ trả lời. Nhưng có điều khi chạm đến quyền lợi chung của nước Mỹ thì Quốc hội Cộng hòa hay Dân chủ cũng phải  phải dè dặt, họ không bao giờ coi  lợi ích riêng nặng hơn trách nhiệm của một đại biểu của cả nước Mỹ . 
Phạm Trần

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Vì sao VN tránh được bi kịch thánh chiến?

Tâm lý 'vái tứ phương' khiến người Việt bao dung hơn, thân thiện, dễ dàng tiếp nhận sự khác biệt hơn. Các giá trị dung hòa lẫn nhau khiến Việt Nam không xảy ra chiến tranh tôn giáo hay thánh chiến. 


Tâm lý 'vái tứ phương' khiến người Việt bao dung hơn, thân thiện, dễ dàng tiếp nhận sự khác biệt hơn. Các giá trị dung hòa lẫn nhau khiến Việt Nam không xảy ra chiến tranh tôn giáo hay thánh chiến.
LTS: Nhà báo Nguyễn Phương Mai, 37 tuổi, có bằng TS về giao tiếp đa văn hóa (Intercultural Communication) tại ĐH. Utrecht, Hà Lan. Chị là chuyên gia đào tạo về kỹ năng mềm, và giảng dạy môn Đàm phán/ Giao tiếp Đa văn Hóa tại ĐH Khoa học ứng dụng Amsterdam, Hà Lan và là nhà báo tự do. Chị đã đặt chân tới hơn 80 quốc gia khác nhau.
Nguyễn Phương Mai là tác giả cuốn "Tôi là một con lừa" xuất bản năm 2013. Ngày 8-3 sắp tới chị sẽ cho ra mắt cuốn tiếp theo, "Con đường Hồi giáo", sau chuyến đi qua 13 nước Trung Đông thời kỳ hậu Mùa Xuân Ả Rập.
Tuần Việt Nam có cuộc trò chuyện với TS Nguyễn Phương Mai về ảnh hưởng của tôn giáo, tín ngưỡng tới sự phát triển xã hội, và quan điểm tự do của phụ nữ.
tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa, xã hội, Nguyễn Phương Mai
TS Nguyễn Phương Mai. Ảnh: Lê Anh Dũng
'Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài'
Những dịp đầu năm, mùa lễ hội, cũng là dịp để những nhà nghiên cứu, nhà văn hóa.. nhìn nhận vào sự ảnh hưởng và tác động của tôn giáo, tín ngưỡng, thế giới tâm linh vào đời sống con người. Chị có thể chia sẻ những kinh nghiệm của chị. Sự tác động này ở những quốc gia chị từng biết, có khác ở Việt Nam?
Thế giới chia ra ba nhánh tín ngưỡng: 1) đa thần giáo: thờ nhiều thần thánh như thần Mặt Trăng, thần Mặt trời... 2) độc thần giáo: thờ một Thượng Đế toàn năng duy nhất, gồm có đạo Do Thái, Thiên Chúa, đạo Hồi... 3) nhân thánh giáo: thờ người trần như Phật giáo, Khổng giáo, đạo ông bà...
Việt Nam và nhiều quốc gia châu Á có xu hướng nghiêng về nhánh thứ ba: thờ những con người được suy tôn thành thần thánh. Điều đó giải thích việc có đền thờ các danh nhân, anh hùng dân tộc ở Việt Nam.
Suốt mấy ngàn năm dựng nước, người Việt luôn phải chống chọi với đủ các thế lực ngoại xâm khác nhau, là nơi giao hòa của nhiều nhánh cành văn hóa và tôn giáo khác nhau nên tâm thế của họ là "ở bầu thì tròn, ở ống thì dài", luôn có xu hướng biến chuyển để phù hợp. Người Việt du nhập rất nhiều tôn giáo. Trên bàn thờ của người Việt có thể có vừa có chúa Giê-xu, vừa có ảnh tổ tiên ông bà.
Trong miền Nam, người theo tam giáo có thể đến vái đền của đạo Hindu thờ linga, người Chăm Bà ni ngoài thờ Thượng Đế của đạo Hồi còn thờ thần mưa, thần gió. Đạo Cao Đài thuần Việt thờ cả một ông vua bên Thổ Nhĩ Kỳ. Linh vật giáo cũng rất phổ biến ở nước ta với niềm tin vào sự linh thiêng của sông, suối, hòn đá, bụi cây (thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề). Sự biến đổi mình để phù hợp với hoàn cảnh để tồn tại thấm vào và thể hiện ra ngay ở tôn giáo. Chính vì sự hòa trộn tôn giáo này mà chúng ta có tâm lý vái tứ phương,
Từ góc độ tích cực, sự phong phú đó khiến người Việt bao dung hơn, thân thiện, dễ dàng tiếp nhận sự khác biệt hơn. Các giá trị được lặn vào, dung hòa lẫn nhau; không loại trừ và mâu thuẫn. Chính điều đó khiến Việt Nam không xảy ra những cuộc chiến tranh tôn giáo lớn, không xảy ra bi kịch thánh chiến như ở các nước Trung Đông, châu Âu.
tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa, xã hội, Nguyễn Phương Mai
Tâm lý dễ chấp nhận văn hóa, tôn giáo khác khiến ngày lễ Noel cũng thành một ngày vui ở Việt Nam. Ảnh: Lê Anh Dũng
Khi thần thánh 'mua' được, giá trị tâm linh biến đổi
Những sự lộn xộn nơi đền chùa, lễ hội, buôn thần bán thánh... khiến người ta đang đặt những câu hỏi về giá trị của thế giới tâm linh. Điều này nên lý giải thế nào?
Nên bắt đầu từ câu hỏi: Tại sao có tôn giáo và taị sao tôn giáo vẫn còn tồn tại?
Thứ nhất, tôn giáo được hình thành từ khao khát có thể tìm ra câu trả lời cho muôn vàn dấu hỏi: Tại sao chúng ta ở đây? Chúng ta sinh ra từ đâu? Tại sao có sông núi biển trời?..vv. Bằng cách đó, tôn giáo hình thành với tư cách một khoa học.
Thứ hai, tôn giáo tồn tại để thỏa mãn hoài bão về sự bất tử, toàn năng, thống trị vũ trụ của loài người. Khát khao đó được phản chiếu thành hình ảnh thánh thần và Thượng Đế, bất sinh bất diệt, nhìn rõ tứ phương vũ trụ.
Thứ ba, tôn giáo có chức năng duy trì đạo đức xã hội. Niềm tin vào luật nhân quả, vào thiên đường và địa ngục sẽ góp phần vào việc hối thúc con người sống thiện hơn. Khi xã hội ổn định, người dân sống ngay thẳng, thiện tâm, thế giới tâm linh cũng vậy.
tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa, xã hội, Nguyễn Phương Mai
Bìa cuốn sách Con đường Hồi giáo
Nhưng khi niềm tin mất đi, đạo đức khủng hoảng, kinh tế khủng hoảng, người dân sẽ chỉ còn niềm tin và bấu víu vào thế giới tâm linh. Đáng buồn thay, đây không những là sự bấu víu mà còn là sự bóp méo thế giới tâm linh. Những kẻ suy kiệt niềm tin này không những tìm sự chở che ở thế giới thần thánh mà thậm chí còn cho rằng thần thánh có thể đút lót, tham nhũng bằng tiền.
Đó là sự bắt đầu của những hành động báng bổ thần thánh, bởi thần thánh lúc đó đã "mua" được.  Chẳng hạn như những quan tham đi chùa cầu xin thần thánh ban phước cho những phi vụ làm ăn vô đạo.
Khi người ta tin rằng tôn giáo không còn chức năng trấn giữ đạo đức xã hội, thậm chí tôn giáo có thể "phản bội" các giá trị đạo đức, giúp đỡ kẻ ác kẻ tham, thì hẳn nhiên con người trở nên hoang mang, xã hội sẽ bấn loạn. Thần thánh trở thành âm binh, xấu tốt không còn phân biệt. Chung quy gốc rễ của vấn đề là sự khủng hoảng niềm tin.
Điều này có xảy ra ở những quốc gia khác, vùng tôn giáo khác?
Khi niềm tin bị mất đi là khi tôn giáo trở nên đắt hàng nhất. Đó không phải là quy luật nhưng xảy ra khá phổ biến ở một số quốc gia đang phát triển trên thế giới. Khi tôn giáo lên ngôi đó cũng là khi quyền lực lên ngôi. Mà quyền lực thì đương nhiên là có khả năng làm băng hoại con người.
Quyền lực tối thượng sẽ dẫn đến khả năng phá hủy tối đa.
(Còn nữa)
Hoàng Hường(Thực hiện)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Từ anh nhà quê ra người thành phố


Ảnh: Hoàng Hà
Ảnh: Hoàng Hà
Những năm 1980, mình nhớ đọc báo Hà Nội mới, có tay phóng viên viết tường thuật “Đại hội đảng Hà Nội, sang sảng giọng xứ Nghệ” Nghe nói anh ấy bị treo bút khá lâu. Dẫu vậy, nhà báo dự đoán khá chính xác về tương lai của thủ đô ngàn năm văn hiến.

Nhớ lần đầu ra Hà Nội là do chú Nhuận, lấy bà dì, em mẹ, cho đi Hải Hưng chơi mấy tháng hè hồi học xong lớp 8. Chú bảo, cho thằng cu này đi, biết đâu nên người, vì nó nhanh nhẹn, nhoằng phát đốt xong đống rơm, suýt cháy nhà.
Lóc cóc đi bộ 12 km từ Trường Yên xuống thị xã Ninh Bình, hai chú cháu bị gậy, lên hỏa xa từ ga núi Cánh Diều. Lần đầu được lên toa có ghế gỗ ngồi, cửa sổ mở toang, chạy qua Nam Định, lên Phủ Lý, qua cánh đồng lúa xanh rờn, gió thổi vào mặt mát rợi, lão Cua thấy đời như tiên.
Lúc đi đái trên tầu mới lạ, có cái lỗ thủng ở lavabo, mình cứ thế tương vào, tầu chạy nhanh để lại một vệt dài trên đường ray. Hóa ra người thành phố cũng lạc hậu nhể, nghĩ bụng vậy thôi chứ không dám nói ra.
Tầu vào ga Phú Xuyên, cách Hà Nội khoảng 30km, chú Nhuận thông báo, sắp đến Hàng Cỏ rồi. Thấy bên đường thỉnh thoảng có nhà có bóng đèn điện tròn sáng trưng, đẹp mê ly. Càng đi càng thấy sáng hơn. Tới cổng Bách Khoa thấy cả đèn đường, nhà cao tầng có đèn neon xanh mát mắt, ngắm mãi không chán.
Trên phố nhiều xe đạp, các cô gái phi dê đi õng ẹo, ngoáy mông rất điệu. Rồi tầu điện kính cong. Tầu dừng ở ga Hàng Cỏ, chú Nhuận cho cháu xuống, mua cái bánh rán ăn rất giòn và thơm, mấy cái vẫn thòm thèm. Kẹo gì gói trong giấy hồng hồng, ăn ngọt lừ.
Lần đầu, Hà Nội hiện lên trong mắt anh chàng nhà quê 15 tuổi như một giấc mơ. Nhưng lần ấy, y chỉ đi qua Hà Nội mà không biết phố phường ra sao.
Chả hiểu trời phù hộ thế nào, hai năm sau (1970), anh Cua thi vớ vẩn, chắc do ca ngợi đảng, Bác tuyệt vời, thuộc nhiều thơ Tố Hữu, nên trúng đi nước ngoài.
Ba lô, khăn gói, đi theo ô tô của ty giáo dục đưa tận ra ký túc xá của Đại học Kinh Tài, ngay cạnh đại học Bách Khoa. Dù ban ngày phải học nghị quyết, các chính sách của đảng và nhà nước, suốt cả tháng liền, nhưng buổi tối và chủ Nhật thì đám nhà quê lang thang trên phố.
Bọn này toàn từ Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định… lần đầu mới đến Hà Nội nên thấy cái gì cũng lạ, từ hàng hóa, vải vóc, đến cái cột đèn, hay xích lô ba bánh.
Chuyện đi bộ từ Bách Khoa lên Bờ Hồ là thường. Vé tầu điện có 5 xu, nhưng nhất định cuốc bộ. Dọc theo phố Huế, cứ đi mãi, đi mãi, thế nào cũng thấy cái hồ bẩn bẩn, tháp chùa trông bé tý, thế mà trong tranh, ảnh, họ vẽ đẹp thế.
Hồi đó cánh đi Ba Lan phải đợi chuyến tầu vét cuối cùng, mãi cuối tháng 8 mới đi, cứ nghĩ sẽ phải ở lại trong nước. Nhưng cũng vì thế mà biết nhiều thêm về Hà Nội.
Thời gian sau, lũ nhà quê chúng tôi biết cách đi tầu điện, nhảy tầu, trốn vé. Lên tầu điện chỉ thích ngồi nghe hát xẩm, rao hàng rong. Mấy lão mù dở (đeo kính râm, giả vờ mù), đội mũ lá, khoác cái bị, rao ông ổng “Thuốc hôi nách đây…” “Hắc lào chỗ kín cũng hết, sạch bóng như da tiên nữ”
Ngắm mải mê mấy tay chơi Hà Nội, mặc quần ống côn (bó sát chân và đùi), trễ rốn, phì phèo thuốc lá, miệng ngậm cái vé tầu điện, tay bám vào thành xe,  từ từ thả người xuống đường, trông như xiếc. Bọn trẻ cũng học theo, có đứa không biết chạy theo cho hết gia tốc, bị gãy chân, không đi nước ngoài được.
Anh Lâm (anh trai trưởng nhà này) từ quê ra thăm em Cua, chiêu đãi mệt nghỉ món miến gà. Nước trong veo, mấy lá hành, vài miếng thịt lèo tèo, nhưng với tay nhà quê chết đói, thì cao lương mỹ vị ở khách sạn 5 sao bây giờ không thể ngon bằng. Hai anh em làm chục bát liền mà vẫn chưa no.
Lý toét ra thành phố. Ảnh: minh họa.
Lý toét ra thành phố. Ảnh: minh họa.
Buổi tối bảo vệ không cho người nhà vào khu ký túc xá, hai anh em rủ nhau ra công viên Thống Nhất ngủ trên ghế đá, gió mát rợi, chẳng sợ trộm cắp vì tiền giắt trong quần đùi, giầy dép không có, có mỗi bộ quần áo ôm vào người thì ăn cắp thất nghiệp.
Ra thành phố thời đó rất sợ nhà vệ sinh vì tất cả phải dùng công cộng. Thôi thì nhầy nhụa, giấy má, phân vãi khắp nơi. Vào trong nhà vệ sinh của ĐH BK phải bịt mũi. Giấy thì đốt đen tường. Mình cứ nghĩ, thành phố gì mà bẩn hơn nhà quê.
Thế rồi đám nhà quê ấy đi tây tới 6-7 năm trời. Khi về Hà Nội vẫn còn ga Hàng Cỏ. Đèn đóm nhiều hơn. Xe bình bịch đủ loại, từ Voskhot đến Java, Simson, rồi Honda “nhặt” ở Sài Gòn sau 1975.
Mới ra công tác làm gì có nhà, may có bạn Nguyễn Hoàn Vũ, nhà số 6 Đinh Công Tráng cho ở nhờ. Có tới 3 thằng (Tâm, Liên, Cua) ở đó, thế mà bố bạn Vũ vẫn vui. Chị Hiền, con gái trưởng, nấu cơm cho ăn. Mấy thằng chỉ đóng 3kg tháng, đang tuổi thanh niên, nồi cơm cứ hết bay. Chắc hồi đó chị Hiền cũng vất vả nuôi báo cô lũ ăn hại này thời gạo châu củi quế. Bác trai có bìa C nên thỉnh thoảng có đậu phụ rán, thịt kho, thế là sang lắm rồi.
Nhà bạn Vũ có cô Chương rất tốt tính. Cụ hay cho đồ ăn cho bọn trẻ đang tuổi ăn tuổi ngủ, biết bọn này đói vàng mắt, cụ rất thương. Nhưng các cụ chỉ chứa đám nhà quê được 6 tháng. Cuối cùng được cơ quan phân cho cái phòng nhà tranh vách đất trên Đồi Thông, làng Liễu Giai, 4 thằng bốn góc bốn cái giường cá nhân.
Trong nhóm có anh Tam là Phó Tiến sỹ đi Tiệp về. Anh ý cưới chị Xuân ở quê, thỉnh thoảng dùng Babetta đèo vợ lên thành phố. Mang tiếng về Thủ đô nhưng ở trong cái nhà tranh nóng kinh người. Ngủ với vợ chỉ che cái riđô, cựa quậy trên cái giường cá nhân, cọt kẹt. Đến nỗi mà cả bọn phải nhắc “Anh đừng có nhịn thở, chết ngạt phải đi cấp cứu thì khổ”
Từ cái nhà lá ấy, mấy ông nhà quê được phân nửa căn phòng lắp ghép ở Thành Công, diện tích 6,5m2, lấy cái phòng ngoài 13m2 chia đôi bằng cót ép. Bọn độc thân được thế là tốt lắm, có chỗ chui ra chui vào.
Hồi đó vừa đói, vừa nghèo, quần áo đi tây mang về rách hết. Xe đạp xích đứt, lốp thủng, vá chằng vá đụp. Thế nhưng ông nào cũng tìm cách lấy vợ thủ đô để có hộ khẩu cho chắc.
Mình đi tìm hiểu các em ở Hà Nội toàn bị chê, trông anh Cua nhà quê thế không biết. Thì rõ là nhà quê, thành phố với ai. Có thương thì thương. Không thương được, học hành cũng được đấy, nhưng quần rách đũng, xe đạp cà tàng, nhà cửa không có, xin lỗi, nhà này duyệt cả lý lịch bên nhà trai nữa.
Anh Xuân Huy đưa mình đi tán một em, con gái bác cảnh sát hay công an gì to lắm ở Hà Nội. Anh ý bảo, cậu có hộ khẩu rồi, nhưng vợ nhà quê thì không thể có hộ khẩu, nhất định phải cưới vợ Hà Nội. Đừng như tớ bây giờ khốn khổ, vợ Hòa Bình, chồng Hà Nội, mỗi tuần gặp nhau một lần. Cậu tán được cô này, tớ sẽ nhờ lão bố vợ tương lai chạy hộ khẩu cho vợ tớ.
Đại loại dân nhà quê tìm cách ở lại Hà Nội bằng đủ kiểu. Cuối cùng đám bạn tứ xứ cũng có nhà cửa, có khi rất giầu, hơn cả người Hà Nội gốc.
Bây giờ cứ đứng đầu đường chỗ lăng Bác, thử phỏng vấn mà xem, kể cả người trong lăng, cứ 10 người, may ra có 1 người Hà Nội gốc. Nhưng Hà Nội gốc chẳng qua cũng là nhà quê ra tỉnh, ở lâu hơn thành người thủ đô. Giống như đồ cổ, dùng lâu thành quí.
Hà nội bây giờ. Ảnh: Internet
Hà nội bây giờ. Ảnh: Internet
Nghe nói Hà Nội đang kỷ niệm 60 năm giải phóng Thủ đô. Mình cảm thấy phải viết về Hà Nội, vì coi như quê thứ 2 của mình. Nhưng thú thật, hỏi anh Cua gốc gác ở đâu, chắc không có câu trả lời.
Bảo y là người thành phố? Thành phố gì cái ngữ đó, nhà quê một cục, đi đứng lút cút, lao đầu về phía trước, ăn uống nhồm nhoàm, nhai tóp tép, uống nước ừng ực. Thích ngồi cho cả bốn chân lên ghế. Có cái xấu nào của anh nhà quê thì anh Cua mang hết vào người.
Bảo y là nhà quê? Đúng và sai. Đi tìm hiểu các cô Hà Nội, toàn bị các bà mẹ chê “Trông thằng này nhà quê thế mà con cũng đưa về nhà mình”. Nhưng về Ninh Bình các cụ lại nói, nhà quê gì mà toàn quần là áo lượt, đầu chải mướt, thỉnh thoảng đi xe bốn bánh về làng, văng cả tiếng tây. Quê gì loại đó, có mà quê mất gốc.
Sang Mỹ đố ai dám bảo anh ta là Mỹ lai…Việt. Tóc đen, mũi tẹt, đi phố toàn nhìn ngang ngửa xem có đồ hạ giá, không có nhà vệ sinh là tìm cách đái bậy. Tây với chả tầu.
Dưng mà về Việt Nam tự nhận không phải Việt kiều càng sai. Người Việt không ai nói chèn tiếng tây, cảm ơn, xin lỗi rối rít dù chẳng có gì phải cảm ơn. Trông thấy mặt, chẳng hiểu tây hay ta, nhưng trông anh Cua là lạ.
Gần đây, anh Cua lại nhận là người Hà thành hẳn hoi. Gốc Ninh Bình, nhưng ở Hà Nội, lấy vợ Hà Nội, dù thỉnh thoảng nàng “lói ngọng”, đẻ con ở Hà Nội, có nhà Hà Nội, có hộ khẩu Hà Nội, suýt nữa được làm tổ trưởng dân phố ở Phường Trích Sài, không phải người Hà Nôi thì người xứ nào.
Anh Cua là loại tây không ra tây, ta không ra ta, nhà quê không phải, thành phố càng không. Bạn bè toàn là ở trọ, rồi không chịu về quê, tìm cách lê la thành phố.
Người Hà Nội bây giờ có nhiều kiểu như thế, bảo sao thủ đô trông nhếch nhác. Nhà quê mới tặng John McCain cái ảnh ông bị trói ở hồ Trúc Bạch, người thủ đô thanh lịch ai lại làm thế, thủng từ nóc mất rồi. Bạn tự hỏi mình mà xem, ai có lỗi trong chuyện này. Đổ thừa cho anh Nguyễn Thế Thảo hay bác Phạm Quang Nghị là không công bằng.
HM. Kỷ niệm 10-10-2014
PS. Bài viết lúc cho cu Luck đi học bóng đá, chưa biên tập kỹ, mong các cụ thành phố có gốc quê thông cảm.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

HOA LẠ

Bổn Nguyễn Đình



Phan ngoài ba mươi tuổi vẫn còn độc thân và sống rày đây mai đó nhưng rất ít khi về quê nhà. Chàng có nhiều tài vặt, có thể làm thơ, viết một vài truyện ngắn gởi đăng báo kiếm chút tiền. Là một người trung thực, trọng chữ tín nhưng chàng cũng rất đa tình. Năm Phan ba mươi tuổi tự dưng suốt từ đầu năm cứ gặp hết chuyện xui này đến chuyện xui khác. Một ngày gần cuối năm, vừa khỏi một cơn bệnh kéo dài chàng bỗng thấy nhớ cha mẹ liền lên đường về thăm nhà ở một vùng trung du nơi cha chàng đến định cư mười năm về trước. Ông tuy đã gần bảy mươi nhưng còn khỏe mạnh và ham thú làm vườn, nên khi về vùng đất mới, khi người còn thưa, đất rộng, ông đã khai phá và sở hữu cả một sườn đồi lớn trồng toàn đào lộn hột – còn gọi là cây điều. Sống lang chạ mãi ở tỉnh thành, Phan bỗng mê mẩn với khung cảnh thiên nhiên thuần khiết ở vùng bán sơn dã và mê nhất là không khí tĩnh lang, thơ mộng của vườn điều nhà mình, nên chàng liền xin phép cha được coi sóc vườn thay ông trong một khoảng thời gian ngắn. Được gia đình đồng ý, Phan thu xếp vào ở hẳn trong rẫy, nơi chỉ cách phố huyện vài cây số đường đồi, với ý nghĩ sẽ ở lại đây cho qua năm “vận hạn” của mình.
Không phải mùa thu hoạch nên nhiệm vụ của Phan chỉ là coi chừng đừng cho bọn trẻ chăn bò đốn cây hoặc đốt lửa làm cháy rẫy. Khoảng thời gian sáng sớm và chiều tối chàng thường đi thăm thú những vùng lân cận. Chàng đã từng theo đường mòn tìm đến một “buôn” của người dân tộc xa hàng mười cây số, từng vào thăm một vài làng nhỏ của công nhân cao su trong những cánh rừng cao su bạt ngàn, nhưng chàng lại thích thú nhất khi một hôm phát hiện ra một cái hồ khá rộng nằm giữa ba quả đồi lớn. Mặt hồ trong veo, đứng trên đỉnh đồi Phan đã cảm thấy hơi nước mát lạnh tỏa ra khắp xung quanh. Giữa hồ là một nhà thủy tạ nhỏ làm khung cảnh càng thêm thơ mộng. Lúc ấy đã chiều nhưng chàng vẫn tuột theo con dốc dẫn xuống bờ hồ. Chàng ngạc nhiên khi thấy không khí vắng vẻ như tờ. Khi theo chiếc cầu ván bắc ra nhà thủy tạ, Phan cho rằng nơi này hẳn đã bị bỏ hoang ít ra cả nửa năm rồi. Cỏ và dây leo các loại mọc đầy trên các kẽ ván. Những chú rắn mối bò sột soạt trong lá khô giương mắt nhìn khách lạ. Quanh nhà thủy tạ, dọc theo lan can treo đầy những chậu lan. Vùng trung du, chiều sập xuống rất nhanh nên Phan vội quay về mà không kịp ngắm những giò lan đang đâm hoa và thoang thoảng hương. Từ nơi đó về đến rẫy của chàng cũng khá xa...
Sáng hôm sau, từ sớm Phan đã quay trở lại cái hồ đẹp ấy. Rừng cao su vào mùa xuân là một trong những cảnh tuyệt vời. Lá rụng dày tạo thành một tấm thảm êm ái dưới chân ta, còn lá mới trên cành thì mơn mởn như thể trời vừa đổ xuống một cơn mưa mỡ.
Nắng lên, Phan cởi quần áo nhảy ùm xuống hồ, vì đã lâu chàng không được bơi lội. Nước hồ lạnh nhưng trong suốt đến tinh khiết. Lòng chàng lại thầm ngạc nhiên tự hỏi, tại sao một cái hồ đẹp như thế này và người ta đã tốn công dựng lên một nhà thủy tạ cũng đẹp không kém rồi lại bỏ hoang? Và đây là một công trình công cộng hay của riêng một cá nhân nào?
Tắm xong, Phan leo lên và bắt đầu đi vòng quanh theo lan can hình lục giác để ngắm những chậu lan vừa trổ hoa. Lan ở đây phần lớn là Ngọc điểm và Thủy tiên, hai giống lan đẹp và mọc nhiều ở rừng miền Đông. Đi gần hết chu vi nhà thủy tạ chợt Phan dừng lại, nhìn như thôi miên vào một cành hoa lạ. Những bông hoa màu tím sậm, gần giống như hoa uất kim hương, nhưng nhỏ hơn, nở từng chùm lộng lẫy. Từ những chùm hoa ấy, một mùi hương ngào ngạt lan tỏa khắp xung quanh. Phan như mê mải bởi vẻ đẹp khó tin của chùm hoa lạ và ngây ngất vì hương thơm quá quyến rũ. “Ôi, ta muốn đem giò hoa này về cùng ta quá! Đây có lẽ là một loại lan cực quý hiếm – chàng nghĩ thầm. Nhưng mà nơi đây thuộc quyền sỡ hữu của ai? Lẽ nào ta lại đi trộm cắp hoa của một người nào đó?”.
Nghĩ thì như vậy, nhưng không dằn lòng được, cuối cùng Phan gỡ cành lan lạ và quá đẹp ấy. Lạ lùng là nó không được trồng trong chậu mà như thể tự mọc lên từ một chiếc cọc gỗ cắm sâu dưới đáy hồ. “Tết này mình sẽ có một giò lan độc nhất vô nhị đây!”. Phan cố tình nghĩ vậy để xua đi cảm giác có lỗi.
Đêm ấy trời hơi lạnh. Còn chưa đầy mười ngày nữa là Tết đến. Phan đốt một đống lửa nhỏ như thường lệ trong bếp và đem treo giò lan ngoài gốc điều trước trại để nó hứng sương. Chàng ngồi mơ màng, cảnh đơn độc làm chàng hồi tưởng lại những người con gái đã qua đời mình, những cuộc tình đến rồi đi, những hẹn thề, những bội bạc... Cơn gió Đông Bắc xào xạc bên ngoài đêm ấy sực nức một mùi hương quyến rũ. Phan leo lên một chiếc vạt tre dùng làm giường, lâng lâng trong hương thơm ấy và chập chờn... Bỗng chàng trông thấy một cô gái đứng kế bên chiếc chõng tre của mình. Phan lồm cồm ngồi bật dậy. Cô gái mặc toàn màu tím, tóc xõa dài, mắt lung liêng ánh lửa.
- Cô là ai? – Phan hỏi - Tại sao cô đến đây được vào lúc này? Cô gái hơi lùi lại như lúng túng. Nét mặt cô ta thật đẹp nhưng u buồn.
- Cô là ai? – Thấy cô gái không trả lời, Phan hỏi gằn.
- Em tên là Lan. Nhà em cũng gần...
- Tại sao cô lại đến đây vào lúc này?
- Tự em không đến đây được. Chính anh đã đem em đến! Giọng nói nàng êm ái như tay ta đang chạm vào một miếng nhung.
Một mùi hương quyến rũ, ngọt ngào từ phía người đẹp sực nức lan ra. Phan như mê mẩn và mất hết cả tự chủ. Chàng sỗ sàng nắm tay cô gái kéo về phía mình. Cô ta yếu ớt chống lại rồi ngã vào lòng Phan, nhưng đưa tay ngăn chàng lại:
- Em sẵn sàng trao thân cho anh, nhưng anh phải hứa một điều.
- Em cứ nói! Anh sẽ làm tất cả cho em. Sẽ không từ nan bất cứ chuyện gì! – Phan hổn hển đáp vội.
- Ngày mai anh phải quay về chợ và phải mang em theo!
- Ngày mai?
- Phải! Ngay ngày mai! Người ta sẽ bắt đầu bán hoa rừng ngoài thị trấn. Anh hãy đưa em đến đó và bán em ngay cho người hỏi mua đầu tiên!
Phan hoàn toàn không hiểu gì về điều kiện mà cô gái tên Lan đưa ra, nhưng bị quyến rũ đến mê muội, lúc ấy chàng sẵn sàng hứa bán cả trái đất nếu người đẹp yêu cầu để sớm được bước vào chốn đào nguyên đầy hương sắc lạ lùng, huyễn hoặc và nồng cháy. Chưa bao giờ Phan cảm thấy say sưa, đắm đuối như vậy. Chưa có cô gái nào từng qua đời chàng lại mềm mại, thơm ngát như cô gái tình cờ lạ lùng trong đêm nay. Phan gần như trút hết sinh lực vào cuộc truy hoan rồi rã rời thiếp đi...
Những tia nắng ban mai chiếu vào mắt làm chàng giật mình tỉnh dậy. Cảm giác đầu tiên là cái đầu nặng nề và đau buốt, nhưng rồi sực nhớ lại chuyện đêm qua, Phan bàng hoàng nhìn quanh. Vắng lặng. Tiếng một con chim sâu lích chích ngoài vườn điều. Đêm qua mình mơ chăng? Không, hương ấy vẫn còn rất nồng trên chiếu. Phan đưa cánh tay lên mũi ngửi. Chàng bần thần nhớ cái cảm giác lúc bàn tay mình chạm vào da thịt mềm mại và nóng bỏng của cô gái tên Lan. Những hình ảnh đêm qua giờ diễn qua ý nghĩ chàng từ đến cuối. Chợt Phan bật dậy bước ra ngoài. Lan? Hay là...? Giò lan lạ hôm qua vẫn còn treo trên cành điều trước trại. Một mùi hương thoảng qua quen thuộc. Phan đứng như chôn chân bên cạnh những chùm hoa. Nàng là ai? Là những bông hoa tím đẹp não nùng này sao? “Em không tự đến đây được...” Lời nói ấy như còn văng vẳng bên tai Phan, rồi nàng còn bắt mình phải hứa bao điều? Phan ôm lấy đầu. Cơn nhức đầu có dịu đi nhưng lòng chàng thì loạn lên vì bao nhiêu thắc mắc lạ lùng. “Người ta sẽ bắt đầu bán hoa rừng ngoài thị trấn. Anh hãy đưa em đến đó và bán...”. Bán? Cho người hỏi mua đầu tiên?
Phan đưa tay sờ vào những cánh hoa. Nó mềm mại và âm ấm, khác hẳn những cánh hoa bình thường. Chàng lặng lẽ thu xếp đồ đạc. Dù gì thì mình cũng đã hứa. Dù chỉ là hứa trong một giấc mơ!?
Càng về gần chợ, những người đi đường càng trầm trồ nhìn giò lan. Ai cũng khen quá đẹp và hỏi Phan đã tìm được ở đâu. Phan chỉ mỉm cười, không đáp. Vừa bước vào khu vực nhóm chợ, chàng kinh ngạc hơn khi thấy đúng là ở góc chợ có một số người tụ tập để bán hoa rừng. Phan đến gần, họ bán phần lớn là mai vàng và các loại lan lấy từ những cánh rừng quanh khu vực. Bỗng chàng chú ý đến một người đàn ông mập mạp đang bước ra từ cửa chiếc xe hơi sang trọng. Ông ta nhìn chàng chăm chăm rồi nhìn cành lan trên tay chàng.
- Anh bán giò lan này bao nhiêu? Ông ta hỏi khi bước lại gần, mắt nhìn xoáy vào những cánh hoa tím như đang run rẩy.
- Tôi... tôi..
- Ồ, giò lan này thật đẹp, mà lạ. Chắc là phải lấy từ một khu rừng nào đó xa xôi. Ông cứ trả cao giá vào! – Anh thanh niên bán mai vàng, mặc đồ công nhân cao su, đứng cạnh Phan bảo.
- Anh bán bao nhiêu cứ nói!
- Tôi không... Phan tính nói “Tôi không bán!”, nhưng nhớ lời dặn dò của cô gái đêm qua chàng trả lời xuôi: “ Tùy ông! - Tôi trả anh năm trăm ngàn. Được chứ? - Được!”
Người đàn ông móc một xấp giấy bạc, đếm sơ rồi nhét vào tay Phan và gần như giằng lấy giò lan, xong bước vội về phía xe hơi của mình. Mùi hương lan ra rồi tan dần theo cơn gió xuân.
Phan bỗng cảm thấy như kiệt sức. Chàng nhét tiền vào túi và cố gắng lắm mới về được đến nhà. Vừa vào đến sân chàng đã quỵ xuống, tai còn nghe tiếng la thất thanh của mẹ!
Tiếng đì đùng làm Phan hồi tỉnh. Chàng nhận biết ngay là tiếng pháo. Mẹ chàng là người đầu tiên thấy Phan mở mắt ra, bà reo lên mừng rỡ: “Phan! Con tỉnh rồi!” Cha chàng và người chị chạy đến đứng quanh giường. Phan cảm thấy không mấy mệt mỏi. Chàng hỏi:
- Con nằm đây được bao lâu rồi?
- Gần tuần lễ rồi! Con như một người ngủ say! Mẹ sợ lắm, nhưng bác sĩ cũng không hiểu là con bị bịnh gì!
Phan cố gắng nhớ lại tất cả. Đúng là tất cả đã xảy ra quá đỗi lạ lùng!
- Ai đốt pháo nhiều quá vậy mẹ?
- Pháo rước ông bà đó! – Cha chàng trả lời – Con cảm thấy ra sao?
- Con khỏe rồi! Cho con xin ly nước!
Mẹ chàng mang đến một ly sữa lớn và Phan uống ngon lành. Giờ thì chàng thấy tỉnh táo thực sự, chỉ có người hơi yếu.
Cha chàng nhìn con trai một lát rồi hỏi:
- Cha thấy con đã tỉnh thật. Giờ cha muốn hỏi con một chuyện!
- Điều gì vậy cha?
- Hôm con về đến nhà thì bị ngất đi, nhưng trong túi lại có một món tiền khá lớn. Con... con đã làm gì để có một số tiền như vậy?
Nghe giọng nghiêm khắc của cha mình, Phan thật cảm động. Ông là một người sống trong sạch và trung thực suốt đời. Chàng trả lời ngay:
- Cha đừng lo. Đó là tiền con bán hoa mà!
Rồi chàng lập tức kể cho cả nhà nghe chuyện về giò lan lạ tình cờ kia. Tất nhiên Phan không kể đến chi tiết chuyện gặp gỡ với cô gái tên Lan đêm nào.
- May cho con tôi! – Bà mẹ thở phào – Cành lan đẹp ấy là hiện thân của một cô gái bất hạnh nhập vào đó để trả thù!
- Mẹ nói gì hả mẹ? – Phan ngơ ngác hỏi.
- Cái ông mua giò lan của em đã chết rồi! – Chị chàng trả lời – Ông ta chết đột ngột trong phòng ngủ của mình cùng với giò lan lạ mới mua. Nhà chức trách bảo rằng các bác sĩ đã cho biết ông ta bị ngộ độc vì hoa Linh Lan! Nhưng cũng có những lời đồn đại khác...
- Em không hiểu gì cả! Chị kể cho em nghe đi!
- Ông ấy là chủ của một công ty lớn. Người ta đồn rằng ông chủ ấy đã giết cô thư ký trẻ đẹp của mình vì cô ta có thai với ông. Giết bằng cách xô xuống cái hồ mà em đã đến tắm và mang giò lan độc ấy về bán. Nơi đó, trước kia là nhà nghỉ của gia đình ấy. Sau cái chết, mà người ta giải thích là chết đuối của cô thư ký kia, không ai còn dám đến nữa vì người ta đồn nơi ấy có ma! Em mới về nên không biết! Mà thôi, em nghỉ đi! Để chị nấu cho em một nồi cháo gà!

Phan nằm im. Nhắm mắt lại. Linh Lan? Phải rồi. Chàng đã từng đọc sách nói về giống hoa cực đẹp mà cũng cực độc này. Nhưng còn cô gái áo tím có đôi mắt u buồn đêm ấy? Rồi hình ảnh nàng bỗng hiện ra. Phan mở bừng mắt. Không! Đó chỉ là ảo ảnh. Hình như trời sắp tối...


Phần nhận xét hiển thị trên trang