Tập tiểu luận Về trí thức Nga ( La Thành và Phạm Nguyên Trường dịch, nxb Tri thức H. 2009) gồm có nhiều bài viết xuất sắc
+ Chân lý của triết học và sự thật của người trí thức
+ Khủng hoảng trí tuệ và sứ mệnh của tầng lớp trí thức cả hai cùng của tác giả N.A. Berdaev
+ Tầng lớp kỹ giả -- Alekssandr Solzhenítsyn
+ Phẩm tính trí thức -- Dmitri Likhachev
Riêng bài Bàn về số phận của tầng lớp có học ở Nga của Sergey Kirilov thì bàn sâu vào lớp trí thức Nga sau 1917. Tầng lớp này đã được quan niệm như thế nào, nhà nước xô viết đã hình thành họ theo những cách thức ra sao, tại sao giới trí thức Nga lại có bộ mặt như chúng ta đang thấy, tại sao trong thời đại mới, đa số những người này dừng lại ở cái trình độ thảm hại và kèm theo những suy đồi về đạo đức quá rõ so với trí thức Nga trước Cách mạng.
Chúng tôi lược thuật bài này, cốt để các bạn xa gần qua đó, từ trí thức Nga sau 1917, có thể hiểu thêm về lớp trí thức được đào tạo ở Hà Nội sau 1954.
Trong cơn thức tỉnh sau chiến tranh, nay là lúc xã hội thường hay chê trách lớp trí thức này về mọi mặt. Nhưng nếu hiểu được người trí thức ở ta là thế và được nhào nặn như thế, chúng ta sẽ độ lượng với họ hơn với nghĩa… bớt hy vọng ở họ hơn.
Cũng như ở các nền văn hóa khác, nền văn hóa Nga trước 1917 mang tính thượng lưu. Lí do, chỉ có một số người có thể làm được việc mà đa số không thể làm nổi. Trí thức nói chung chỉ chiếm tối đa 10%, còn thấp nhất là 2 - 3%. Ở các cộng đồng khác đã vậy, ở Nga trước 1917 cũng vậy.
Đến thời Xô Viết, có một xu thế chỉ đạo việc đào tạo, đó là tạo nên giới tri thức không có sự tách biệt với dân chúng như thời Nga hoàng. Để làm được việc đó, người ta xóa bỏ những chuẩn mực cần thiết, tạo ra một lớp trí thức yếu ớt phàm tục, không có khả năng độc lập mà phụ thuộc nhà nước, do đó sống chết cũng phải trung thành với nhà nước. Tầng lớp trí thức này luôn luôn được bổ sung bởi các bộ phận ít học là quần chúng công nông, cho nên nó chỉ có trình độ rất thấp và một cấu trúc dễ bị phá vỡ.
Từ căm ghét đến tiêu diệt trí thức cũ và thay thế bằng trí thức mới
Chính quyền Xô Viết có một niềm căm ghét đặc biệt đối với nền văn hóa trước cách mạng, tồn tại trong lòng nó một giai tầng có học mang tính hiện đại. Do yêu cầu xây dựng chủ nghĩa xã hội, những năm đầu, họ phải sử dụng tạm thời lớp trí thức đó, nhưng nhanh chóng tìm cách dần dần thủ tiêu những người này -- cả với nghĩa đen lẫn nghĩa bóng là làm biến chất họ --, thay vào đó là những người của mình.
Cách mạng đặt ra mục đích tiêu diệt trí thức đồng thời tiêu diệt văn hóa cũ.
Mặc dù số trí thức tham gia nội chiến không nhiều, nhưng đại diện của tầng lớp trí thức vẫn chiếm từ 80 – 90% những người chống đối việc thiết lập chế độ Bolsevik. Lúc ấy một phần lớn trí thức Nga là người trong quân đội.
Vào năm 1917, tất cả những người có học, trong độ tuổi nghĩa vụ, đều là sĩ quan.
Những người Bolsevik nhận thức rõ kẻ thù thật sự của họ trong cuộc nội chiến không phải là bọn tư sản và địa chủ, mà chính là tầng lớp trí thức có quân hàm hoặc không đeo quân hàm.
Cuộc khủng bố đỏ được tiến hành nhằm vào tầng lớp trí thức ấy.
Các lãnh tụ Bolsevik coi việc giai cấp vô sản đã bẻ gãy được ý chí của tầng lớp trí thức là sự bảo vệ tốt nhất cho thắng lợi của cách mạng trong tương lai. Và cái mục đich cao cả ấy được dùng để biện hộ cho những hành động phản tiến hóa của họ.
Sự đàn áp thô bạo, nạn đói, bệnh dịch – vốn là hậu quả của cách mạng – làm mấy trăm ngàn trí thức thiệt mạng, một số thì lưu vong.
Những người còn sống sót thì bị thù ghét. Họ không có chỗ đứng trong các sơ đồ mác - xit bởi lúc nào cũng làm vướng cẳng các lí thuyết gia mác - xit. Theo quan niệm của những người xây dựng xã hội mới thì trong tương lai tầng lớp này sẽ không còn. Hệ thống giáo dục có mục đích tạo ra “một sự đồng nhất về mặt xã hội” (tương tự như Việt Nam từng có khẩu hiệu Trí thức hóa công nông và công nông hóa trí thức -- VTN)
Đào tạo lớp người thay thế.
Bùng nổ về số lượng đi đôi với sự hạ thấp chất lượng
Tầng lớp trí thức Nga trước cách mạng có số lượng tương đối nhỏ, khoảng từ 2- 3 triệu người tức khoảng 3% dân số.
Ngược lại, dưới chính quyền Xô Viết, sự phát triển trí thức lại có tính cách ồ ạt, nhà nước chủ trương một sự phát triến nhanh chóng và giả tạo số người có học.
Tại sao cần vậy?
Luôn luôn trong giới trí thức cũ, người ta nhận ra những chuyên gia nổi loạn.
Nảy sinh nhu cầu thay thế.
Nhưng cái mà người không thể làm được là chất lượng.
Vậy phải bù vào bằng sự dư thừa số lượng để tạm an lòng.
Hầu như trong tất cả các giai đoạn lịch sử, người ta đều cố gắng thúc đẩy việc đào tạo các chuyên gia và phát triển hệ thống trường học. Mục đích là “biến tất cả mọi người thành trí thức” và không để cho giai tầng này được hưởng đặc quyền đặc lợi nữa. Tốc độ đào tạo kỹ sư và chuyên gia các ngành khác nhau vượt xa nhu cầu của nền kinh tế và được quyết định chủ yếu bởi nhu cầu chính trị và tuyên truyền.
Có thể thấy sự gia tăng đột ngột số lượng người có học diễn ra trong những năm 1930 qua các con số - chỉ trong một chục năm lớp người này đã gia tăng gần 300%, riêng số người có bằng đại học và trung học chuyên nghiệp gia tăng 360%.
Cú bùng nổ thứ hai diễn ra trong những năm 1950 – 1960, lúc đó trong một số ngành tốc độ phát triển lên đến 100% trong có một chục năm.
Nhưng đặc điểm chung của cả hai giai đoạn bùng nổ này là lớp tri thức mới có trình độ thấp hơn rất nhiều so với chuẩn mực trên thế giới.
Những trí thức xa lạ với văn hóa
Cuối những năm 80, cả Liên Xô có 87 triệu chuyên gia, trong đó 16 triệu người tốt nghiệp đại học. Sự phình ra một cách vô giới hạn tầng lớp tri thức dẫn đến hiện tượng giả tạo là mặc dù mức độ phát triển khoa học kĩ thuật và văn hóa xã hội của Liên Xô thấp hơn so với các nước phát triển ở châu Âu, nhưng lại đứng đầu về số lượng bác sĩ kỹ sư cán bộ nghiên cứu khoa học. Không chỉ về số lượng tuyệt đối mà Liên Xô còn đứng đầu tỉ lệ trí thức tính theo đầu người. Đồng thời lớp trí thức này lại được trả lương ở mức thấp nhất. Sự thấp kém nói ở đây không phải về giá trị tuyệt đối mà là thấp hẳn so với mức lương trung bình của cả nước.
Trở lại với sự so sánh trí thức cũ và mới. Nét đặc biệt của người trí thức mới là họ phải phủ nhận bản chất tinh hoa của mình. Kết quả là không có gì chung giữa tầng lớp có học hiện nay với lớp tri thức của nước Nga xưa.
Trong xã hội Xô Viết, một người bình thường (không phải nhân vật mà nhà nước đào tạo) gần với văn hóa truyền thống hơn là người có học kiểu Xô Viết.
Người bình thường ấy còn giữ khái niệm về một nền văn hóa chân chính.
Nhưng người bình thường ấy lại không phải là nhân vật chủ đạo của xã hội.
Người có học thời Xô Viết không hiểu gì về người trí thức trước cách mạng, cũng chả hiểu gì về châu Âu và văn hóa cổ điển. Họ bịa đặt ra một số nét đặc thù của văn hóa Nga, mà thực tế chỉ là thứ văn hóa bị hạ thấp và đứng ngoài mọi chuẩn mực.
Hợp thức hóa tình trạng vô học của giới quan chức.
Không chỉ đẩy mạnh đào tạo và tăng nhanh sinh viên, người ta còn đề cử những người không có bằng cấp làm những việc đòi hỏi trí thức, bằng cách đó tạo ra một sự hỗn loạn mà chỉ chủ nghĩa xã hội mới có.
Môt đặc điểm của bộ máy quan chức Xô Viết là sự phình ra vô tội vạ. Số lượng nhân viên nhà nước thời Nga hoàng tính tới 1917 là 576.000, tới 1923 – 1925 con số quan chức đã lên tới 2.230.000.
Vấn đề cắt giảm bộ máy phải nói đến thường xuyên, nhưng sát nhập, giải tán… chỉ là trò đùa. Không thể tưởng tượng nổi chế độ Xô Viết mà không có quá trình quan liêu hóa.
Việc làm giảm trình độ giới trí thức nói chung còn được thúc đẩy bởi việc có một số chuyên gia thực hành chỉ học theo lối hàm thụ cũng được đề bạt đặc cách.
Sinh ra hàng loạt chức vụ đòi hỏi đại học, việc này tạo ra đơn đặt hàng giả tạo với ngành giáo dục.
Người ta đòi hỏi có bằng cấp ngay cả khi đó là nghề lao động bình thường (kiểu đại học phòng cháy chữa cháy của Việt Nam VTN).
Do hệ thống lương bổng quái gỡ, lại sinh ra hiện tượng có những người chỉ làm công việc như công nhân cũng phải xoay sở bằng được lấy bằng đại học, vì chỉ nhờ thế họ mới được tăng lương, -- tuy đó chỉ là đồng lương chết đói ( nhưng lại đã là quá cao so với lao động của họ. VTN)
Sự tầm thường đã đến với lớp người vốn được coi là cao quý
Người ta đã học như thế nào?
Phần lớn giới trí thức Liên Xô được đào tạo rất hời hợt. Nguyên tắc lớn nhất của giáo dục Xô Viết là tầm thường hóa lao động trí óc, tầm thường hóa quá trình đào tạo những kẻ muốn phát triển về mặt trí tuệ.
Trong những năm 1920 – 1930 người ta sử dụng rộng rãi phương pháp “học theo đội”, chỉ cần một sinh viên trả lời đúng là cả nhóm được cho qua kỳ kiểm tra. Các chuyên gia được đào tạo theo kiểu đó vốn có trình độ khá thấp ngay trước khi nhập trường, sẽ không thể nào so sánh được với các trí thức trước cách mạng. Trình độ văn hóa chung, nhất là trình độ các môn khoa học nhân văn do hệ thống nhà trường Liên Xô đào tạo không những đơn sơ cổ lỗ mà còn sai lầm có hại, vì đó không phải là kiến thức văn hóa thực thụ, mà đã bị làm méo bởi các nguyên tắc tư tưởng của đảng. Các môn học nhằm tạo ra cơ sở văn hóa tổng quát được dạy rất ít. Các trường đại học khoa học tự nhiên không có môn này, còn trong các trường khoa học xã hội nhân văn thì sinh viên lại được học một số kiến thức giống như thần học.
Đặc trưng của trí thức Nga là tính chất quý phái, tức là sang trọng vượt lên sự tầm thường, kết quả của sự tu dưỡng nhiều đời, có sự tham gia của kiến thức sách vở.
Tất cả những người có học đều có phẩm chất quý tộc ấy. Có quý tộc một đời lại có quý tộc kế thế, nhiều đời – bộ phận nhiều đời này mới thật là tinh hoa ổn định.
Có chân trong giới thượng lưu, người ta dễ dàng giữ được sự độc lập về tinh thần, dễ tự tin, tin vào giá trị thật của mình, và giữ được tính độc lập trước mọi hệ thống quyền lực. Có điều lạ là cả một giáo sư đại học lẫn ông giáo làng dạy tiểu học, họ đều chia sẻ cảm giác tự hào mà trí thức vốn có. Khi người trí thức không có cảm giác về thân phận cao quý của mình thì họ cho phép mình làm bậy.
Ở trên chúng ta đã xét tới việc học ngày nay. Học như thế thì làm sao giới trí thức mới có được cảm giác quý phái mà trí thức cũ đã có.
Thời Xô Viết, người ta chỉ lo tri thức không quên nguồn gốc công nông của mình. Bộ phận trí thức xuất thân lớp trên bị hạ nhục, bị làm phiền: người ta chỉ muốn họ quên họ từ đâu tới.
Nguyên tắc giai cấp, chiếu cố giai cấp, ưu tiên giai cấp, cho phép tình trạng phi chuẩn mực đối với những con người thuộc giai cấp công nông bộc lộ khá lộ liễu và thô bạo.
Đầu cách mạng, số sinh viên xuất thân từ tầng lớp có học, tức là lớp thượng lưu cũ chiếm 2/3.
Tới 1923, số này chỉ còn lại ½
Tới đầu những nằm 30 thì còn lại 20 – 10%.
Kết quả là ¾ trí thức Xô Viết là hạng F1 mới từ công nông lên. Đó là các trí thức một đời. Người trí thức khộng có khái niệm về sự cao quý của mình, về lòng tự trọng.
Trí thức cấp thấp và quan chức cấp cao. Xu thế bành trướng
Trước 1917, người trí thức giữ chức vụ cao trong bộ máy nhà nước không có bất động sản. Nhưng lương họ cao – cao gấp vài chục lần người lao động chân tay.
Sau cách mạng, thu nhập trí thức chỉ nhỉnh hơn chút ít so với thu nhập công nhân. Nếu thêm việc các quỹ gọi là “phúc lợi xã hội” cũng được tái phân phối theo hướng có lợi cho công nhân thì cho đến năm 1980, mức sống của tầng lớp trí thức chỉ bằng một nửa hoặc 40% mức sống của công nhân.
Ví dụ giáo viên thì lớp giáo viên tiểu học còn đỡ; lớp dạy đại học chỉ được nhận 20% mức lương trước cách mạng. Từ đó nảy sinh trong tầng lớp trí thức xu thế quan liêu hóa vì chỉ trở thành quan chức trong giới của mình thì mới có thể có mức thu nhập cao.
Sự xây dựng tri thức trong xã hội Xô Viết tiến hành theo nguyên tắc phản chọn lọc. Nó tiêu diệt những người ưu tú, lại cất nhắc những kẻ tồi tệ. Quá trình chọn lựa kéo dài hơn một nửa thế kỉ, những kẻ xấu xa nhất được nâng đỡ, việc này đã dẫn đến kết quả là, không những nhóm lãnh đạo chính trị chóp bu, mà cả những nấc thang thấp hơn của kim tự tháp quyền lực, đều nhung nhúc những kẻ không ra gì.
Đấy là lý do vì sao chế độ Xô Viết về nguyên tắc là không thể thay đổi được, dù lãnh đạo cao nhất bị thay đổi.
Nếu tầng lớp tinh hoa trong lĩnh vực quản lí trước cách mạng bao gồm những người được giáo dục và có học vấn tốt nhất trong thời đại của mình, và tầng lớp tinh hoa chính trị trong các nước châu Âu ngày nay cũng bao gồm chủ yếu là những người đã tốt nghiệp các trường đại học uy tín nhất, thì ở Liên Xô, bức tranh hoàn toàn ngược lại.
Tầng lớp lãnh đạo chính trị cao nhất gần như là những người có trình độ học vấn văn hóa kém nhất trong số những người lao động trí óc.
Mặc dù trong thời Xô Viết cũng có một số trường đại học có chất lượng cao nhưng hiếm khi những người tốt nghiệp các trường đại học như thế được gia nhập vào bộ phận tinh hoa trong lĩnh vực quản lí. Tầng lớp quản lí thường chỉ bao gồm những người tốt nghiệp các trường đại học tỉnh lẻ cộng với các trường Đảng cao cấp, nghĩa là những trường đại học có trình độ văn hóa thấp nhất nếu không nói là giả đại học.
Trình độ học vấn kém cỏi của giới quan chức dẫn đến sự đối lập quan chức – trí thức. Bộ máy quản lí thời Khruchev là một ví dụ tiêu biểu của chất lượng giáo dục khi họ tham gia vào việc quản lí.
Đây là giai đoạn mà sự tầm thường hóa giáo dục đại học đạt đến đỉnh điểm. Lạm phát trí thức bùng nổ với nghĩa hàng chục trường đại học không đủ điều kiện đã được thành lập.
Đây cũng chính là giai đoạn hình thành cơ sở cho việc sản xuất thừa các chuyên gia.
Kết quả và quá trình bành trướng số người lao động trí óc đã dẫn đến sự suy giảm nghiêm trọng uy tín của lao động trí óc. Tương lai của khoa học cũng gánh chịu những hậu quả nặng nề. Biên chế của các viện nghiên cứu khoa học tăng theo cấp số nhân.
Kể cả những kẻ tầm thường vốn không thể có hi vọng và bản thân không hề nghĩ việc nghiên cứu khoa học, cũng trở thành các “nhà khoa học”.
Đến những năm 80 họ đã trở thành gánh nặng, khiến cho những dự định cải cách chỉ trở thành ảo tưởng. Hơn thế nữa, lúc đó do quá trình thay đổi thế hệ, lớp trẻ hãnh tiến này đã chiếm giữ hầu hết các vị trí lãnh đạo trong khoa học và thực hiện chính sách tri thức dội từ trên xuống theo đúng bản chất của mình.
Kết cục khó tránh
Chế độ Xô Viết, sau hàng chục năm phấn đấu đã gần đạt được thành công trong việc loại bỏ tầng lớp trí thức như một hiện tượng xã hội đặc thù, như một cơ cấu tương đối hoàn chỉnh; hoàn toàn loại bỏ được đặc trưng mang tính thượng lưu của nó; và xóa bỏ được sự khác biệt về trình độ học vấn và vốn văn hóa giữa nó với đám quần chúng được gọi là nhân dân.
Có những khó khăn nhất định ngăn cản không cho tầng lớp có học hiện nay nhận thức được sự bất toàn về mặt xã hội của mình. Cơ sở tư tưởng của chế độ toàn trị cộng sản là sự sùng bái “con người bình thường”. Sau hàng chục năm bị thôi miên rằng chân tay quan trọng hơn đầu óc và đầu óc là để phục vụ cho chân tay, thì đầu óc – tức là lớp trí thức -- đã quen dần với định đề phản tự nhiên đó. Họ dần đánh mất phần lớn khả năng tư duy của mình và cho đến nay vẫn chưa có đủ dũng khí vươn lên để khẳng định vai trò của mình trong xã hội.
Những thành quả sáng chói của nền khoa học và văn hóa Nga thế kỉ XIX được tạo nên bởi những con người sinh ra trên những nguyên tắc có nguồn gốc từ sự phát triển xã hội ba thế kỉ trước.
Còn việc cố tình hạ thấp vai trò của trí thức và tiêu diệt trên thực tế tầng lớp này sau 1917 lại chỉ bắt nguồn từ sự trì trệ trong vận động lịch sử của những thập kỉ gần đây.
Kết quả là chúng ta có một tầng lớp có học nhưng không có khả năng thực hiện các thiên chức của nó.
Cuối cùng trong xã hội Xô Viết, chỉ có một chút ngoại lệ là các nhà trí thức hàn lâm và các nhà kĩ thuật quân sự, vốn được đào tạo như một khu vực tách rời khỏi xã hội. Sau năm 1991, chính bộ phận này khi ra nước ngoài đã hòa nhập được với giới khoa học của các nước phương Tây.
Muốn thay đổi được thực trạng nói trên thì chính nhà nước phải có một quan niệm khác đi về giới tri thức. Phải công nhận rằng trong xã hội Xô Viết đã hình thành một lớp kỹ giả ngu dốt – vô năng. Đoạn tuyệt với họ rất khó. Người trí thức chân chính sau 1991 vẫn không thể lọt vào cả giới chính trị lẫn giới kinh doanh – môi trường kinh doanh vốn đầy tính chất mafia của Nga.
Tầng lớp tinh hoa trí thức như một giai tầng xã hội chỉ có thể được hình thành nhờ những cố gắng mang tính chủ động của nhà nước. Phải bắt đầu bằng sự phủ nhận rằng chúng ta đã làm sai, đào tạo sai thì sau đó mới có thể bắt tay làm lại mọi việc. Không có sự cố gắng như thế, đất nước trong trường hợp tốt nhất chỉ biến thành người cung cấp chuyên gia cho các nước khác mà thôi.
V.TR.N