Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 14 tháng 10, 2014

Tin HongKong: ÔNG JIMMY LAI VÀ TỜ BÁO APPLE DAILY BỊ SÁCH NHIỄU



Jimmy Lai và nhân viên Apple Daily của ông bị sách nhiễu 

Mạnh Kim/FB Manh Kim
Epoch Times cho biết, từ chiều tối 11-10, hàng trăm người mang khẩu trang bắt đầu vây kín tòa soạn Next Media, chặn bít các lối vào và cản trở phát hành tờ Apple Daily (Bình Quả nhật báo), khiến Apple Daily phải dùng cần cẩu “bốc” báo lên xe tải. 

Sáng hôm nay 14-10, một quan tòa Hong Kong lên tiếng: tự do báo chí là quan trọng, đồng thời ra lệnh cấm lực lượng “dân chủ Hoa lục” ngưng cản trở các con đường dẫn vào Next Media, nơi sở hữu Apple Daily. 

 
Kể từ khi Chiếm lĩnh Trung hoàn nổ ra, nhiều nhân viên Apple Daily đã bị khủng bố tinh thần bằng các cuộc gọi nặc danh. Vài người nhận đến 200 cuộc mỗi ngày. Phóng viên Apple Daily cũng bị đánh khi đang phỏng vấn. Hôm qua 13-10, 5 hiệp hội đã ra tuyên bố chung, lên án tình trạng tấn công truyền thông (gồm Hiệp hội ký giả Hong Kong, Hiệp hội phóng viên ảnh Hong Kong, Hiệp hội ban thời sự Minh Báo…).  

Next Media là kẻ thù của Trung Cộng. Apple Daily đã nhiều lần chọc bút vào mắt Bắc Kinh. Nói đến Next Media không thể không nhắc ông Lê Trí Anh (Lai Chee-Ying, tức Jimmy Lai). Sinh năm 1948 tại Quảng Đông, năm 12 tuổi, Lê Trí Anh vượt biên sang Hong Kong bằng thuyền. Thoạt đầu kiếm sống trong một xưởng may với lương 8 USD/tháng, Lê Trí Anh dần được thăng chức lên quản lý. Đến năm 1975, Lê Trí Anh đã có thể thành lập chuỗi cửa hàng quần áo (mang tên Giordano; đến nay có hơn 1.700 cửa hàng khắp thế giới). Năm 1989, khi dán mắt vào truyền hình CNN theo dõi sự kiện Thiên An Môn, Lê Trí Anh bắt đầu nghĩ đến việc thành lập tờ báo theo khuynh hướng dân chủ. Ấn bản Next Magazine đầu tiên ra đời vào tháng 3-1991. Nó lập tức thu hút nhờ các phóng sự về hội Tam Hoàng, các vụ điều tra tham nhũng, các sự kiện chính trị Hoa lục mà báo chí Hoa lục không được phép mở miệng… Lê Trí Anh tỏ ra khinh bỉ giới lãnh đạo Trung Cộng. Ông từng gọi Thủ tướng Lý Bằng là “đứa con sinh ra từ trứng rùa” (BusinessWeek 27-7-2003). 

Trang nhất tờ Apple Daily ngày 13-10 cho thấy những kẻ quấy rối ngăn chặn việc phát hành vào tối ngày 12.
Năm 1995, khi Hong Kong sắp được chuyển giao, Lê Trí Anh tung ra Apple Daily. Hai năm sau, lượng phát hành Apple Daily vọt lên 400.000 bản. Năm 2006, hai tờ Sudden Weekly và Next Magazine của tập đoàn Next Media được xếp nhất và nhì thị trường tạp chí Hong Kong; trong khi Apple Daily nằm hạng nhì thị trường nhật báo. Next Media tất nhiên bị cấm tại Hoa lục. Không công ty nhà nước nào của Hoa lục được phép quảng cáo trên các tờ báo Next Media. Thậm chí nhiều tập đoàn lớn của Hong Kong, do quan hệ làm ăn với Hoa lục, cũng né quảng cáo trên Next Media. Trụ sở Next Media nhiều lần bị đập phá. Nhà riêng Lê Trí Anh bị cài thuốc nổ. Và các cửa hàng Giordano tại Hoa lục bị đóng cửa… 

Như L. Gordon Crovitz viết trên Wall Street Journal (5-10-2014), tự do thông tin đã tồn tại suốt lịch sử phát triển Hong Kong kể từ thời thực dân. Một thành phố toàn cầu như Hong Kong chẳng khác gì “cánh cửa của thế giới”, mà việc cố đóng lại nó, sẽ chỉ làm “lộ ra chân tướng thật sự của giới lãnh đạo Trung Quốc”. Hong Kong đúng là một trong những nơi mà tự do báo chí phát triển nhất châu Á. Các phóng viên phương Tây bị cấm cửa tại Hoa lục đều có thể sang Hong Kong làm việc. Điều đó cho thấy, việc phá rối hệ thống tự do ngôn luận Hong Kong chỉ là hành động của những kẻ bế tắc và lúng túng, khi cố lội ngược, để cản dòng chảy bằng việc xây bức tường, bằng bùn. Bùn nhơ. 

 

Phần nhận xét hiển thị trên trang

CÙNG ĐÔNG HÀ ĐI NGƯỢC ĐÁM ĐÔNG


Thi sĩ Đông Hà        

CÙNG ĐÔNG HÀ ĐI NGƯỢC ĐÁM ĐÔNG
        Ngô Minh
  Nhà thơ Đông Hà vừa tặng tôi tập thơ mới của chị có cái tên là lạ “Đi ngược đám đông “. Sao không đi cùng mà lại đi ngược đám đông ? Đi ngược đám đông nghĩa là đi một mình, ngồi một mình, một mình lặng lẽ tâm thức ?. Trong đề từ đầu sách, nhà thơ viết :”Mượn tinh thần chữ của Trịnh Công Sơn trong Phúc âm buồn tôi viết đi ngược đám đông.”. Phúc âm buồn của Trịnh là một bài hát về phận người cô độc và bất lực, yêu thương và đau khổ :
Còn bao lâu cho thân thôi lưu đày chốn đây
Còn bao lâu cho thiên thu xuống trên thân này
Còn bao lâu cho mây đen tan trên hồn người
Còn bao lâu tôi xa em xa anh xa tôi

Còn Phúc âm buồn của Đông Hà là những ngày yêu lặng lẽ : Hề chi hề chi / chỉ cần tích tắc / cũng thành trăm năm /chỉ cần nước mắt /cũng thành phúc âm…Cái đồng hồ chạy nhanh chạy chậm, chạy vòng quanh,,,không cần, chỉ cần  tích tắc thôi cũng đủ , chỉ cần chạy sao cho đúng / giờ anh gặp T ( Giờ của trăm năm). T ở đây người đọc có thể hiểu là một người tên T hoặc là Hồ Thị Tâm ( tên thật của nhà thơ Đông Hà) .Bài thơ Giờ của trăm năm có cái tứ lạ, một cách bày tỏ tình yêu chưa ai nghĩ tới.
Thơ Đông Hà đa phần là thơ tình, từ tập thơ đầu tay Thơ đá ( 1999), đếnMưa kim cương (2006), rồi  Người đàn bà che mặt ( 2010), đều là thơ tình lứa đôi : Tình yêu mua buổi chợ chiều /Đêm về đã úa như liều tấm thân ( Dã quỳ), hay : Đêm qua em ước điều chi / mà mắt môi bập bùng muốn cháy /mà vòng tay rơi ngoài im lặng /mà ngàn lời đứng gió im cây ( Không còn bếp lửa nào tàn )… Đó là những thổn thức run rẩy dịu dàng của một người tình đang  nuốt  nỗi niềm nhớ nhung, đau khổ vào lòng. Ấy là tuổi trẻ, tuổi  yêu. Đến tập hơ Đi ngược đám đông thơ Đông Hà  vẫn là thơ tình, vẫn là những cung bậc hơn giận , mong chờ ấy, nhưng cách nói đã mới hơn, đằm hơn, đặc biệt là chủ động hơn ( hay người lớn hơn ?) . Bài thơ Bình tĩnh một mình là một ví dụ. Giờ T đã biết làm người bình tĩnh…Bình tĩnh T thành con cá lội /Quẫy riêng thứ tiếng của hai mình…Những tứ thơ mới mẻ chắt từ tâm thức ra ấy đã đạt đến độ thật của cảm xúc.  Hay :
                     anh đau một chuyến nghi ngờ
                     T về hái thuốc ngồi chờ kiếp sau
                                                       ( Hái thuốc cho mình)
Thật hơn và tin cậy hơn nữa là khi tác giả xưng T với người tình. Có tới hai phần ba bài thơ trong tập thơ 54 bài, nhà thơ xưng T với “đối tác tình”: Nửa chiều bên này tầm tả mưa rơi / anh đi bên kia sao sợ lòng T ướt…( Ngó cái lưng chừng) ; hay Gọi gì cũng không lời động vọng / T treo thương nhớ dưới hiên nhà…( Không lời động vọng) ; hay :
                    Vô lý quá
                    ngày nào T cũng ra nơi đó
                    có bến có sông mây trắng ngàn dâu
                    ai chịu nổi những gì là kỷ niệm
                    có sếu bạc đầu cũng gây nhớ gây đau ( Vô lý)
Đông Hà không chỉ xưng hô tên T trong các bài thơ, mà tên T xuất hiện ở rất nhiều  đầu đề bài thơ , như : … Bản tin thời tiết dành cho T, Không có bờ nào cho T; Long T mất rồi ; T vừa đi ngang qua đó…Lối xưng tên trong từng bài thơ như thế rất lâu nay ít thấy các nhà thơ dùng . Âu đó cũng  là cách làm mới thơ. Làm cho ý thơ, tình thơ  gần gụi hơn , nữ tính hơn.
          Thơ Đông Hà ở tập Đi ngược đám đông nhiều bài không bắt  vần như các tập trước, Thậm chí,  lần đầu tiên trong thơ Đông Hà tôi thấy rất nhiều bài thơ kiểu thơ văn xuôi, như : Bông hoa khô dại , Trận trận thất lạc, Khóc chữ, Cố quận, Mùa hè chiếu thẳng đứng…  Đây cũng là cái mới trong tập Đi ngược đám đông. Có những câu thơ văn xuôi rất xao động : Cảm giác đọc chữ một mình rất thích. Ấy là lúc vừa nhìn từng mặt chữ vừa tưởng tượng mặt người. Có những chữ mình chép tay bằng mực tím cách đây một đỗi xa xưa. Giờ thi thoảng lúc nào muốn trở về, lại giở ra từng trang nhẩn nha từng câu chữ. Vẫn cứ mang mang hoài cái cảm giác khi khi yêu người ta trở nên ích kỷ , dù đã dặn lòng đó chỉ là Huế xưa áo trắng xưa…/ / Nhưng đêm thì ám vào giấc ngủ . Mình hôn những con chữ  mà khóc ròng… ( Khóc chữ) ; hay : Thì nhớ lần xưa. Đi lần ra phía đồng quê. Nghe mùi rơm rạ thương ôi mùi rơm rạ. Thèm xắn quần lội xuống. Sục đôi bàn tay vào đất bùn nghe mùi ngai ngái  ngập tràn thương yêu. Rồi đêm về xoa chân thả tay nằm ngủ thật thanh tân. ( Trận trận thất lạc).
       Thơ văn xuôi là loại thơ mang mang cảm xúc, ý thơ gọi nhau như những đội quân chữ dàn trận mai phục người đọc. Sau những mạch câu dài ngắn lê thê, người đọc bị chinh phục bởi cái kết đột ngột hay sự  nén lặng của câu chữ. Thơ văn xuôi Đông Hà là loại thơ như vậy.
       Có điều thích thú tôi muốn nói là : Lần theo ngày tháng ghi dưới các bài thơ trong Đi ngược đám đông, tôi thấy nhà thơ viết liên tục. Ngày 28.8.2010- thơ ; 2.9.2010- thơ; 04.9.2010- thơ ; 7.9.2010- thơv.v..Nghĩa là thơ đến hàng ngày. Có hai điều để lý giải việc thơ đến liên tục như thế này . Đó là sức sáng tạo của tác giả. Hai là tình yêu đang bỏng cháy, thúc dục. Là người làm thơ, tôi biết trong trường tình yêu, con tim luôn réo gọi thơ.
        Trong tập thơ Đi ngược đám đông , Đông Hà vẫn có  nhiều câu thơ hay có thể đứng một mình . Có thể dẫn ra hàng chục câu thơ như thế,  như : Chỉ cần tích tắc / cũng thành trăm năm ; rồi ngoan như giấc mơ ; trời mưa giúp T ngồi thật sâu trong ký ức ;  con trăng gửi lại hôm rằm / nụ hôn như thể ai nằm lại đây; giang hồ ra một trận cười / dấu răng một vết để người ngồi đau v.v..
         Đông Hà là một  trong số ít nhà thơ nữ hàng đầu của Huế. Thơ chị sâu và buồn. Cái buồn của một tâm hồn đa  mang đa cảm. Tập thơ thứ tư Đi ngược đám đông đánh dấu  một chặng mới trên bước đường thơ nhọc nhằn của chị. Xin chúc mừng Đông Hà Hồ Thị Tâm.

                                                           Huế, 11 tháng 7 năm 2014
                                                                                   

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Có bị phản động không đấy pác Sinh, mà viết bài nầy:

Vỡ Nợ ... chuông sắp gióng, giờ sắp điểm!
Chả cần phải là nhà kinh bang tế thế gì thì ai cũng thấy, tiền xuất khẩu không thể bằng chi ra để nhập khẩu. "Tổng số dư ngoại tệ do xuất cảng của VN không đủ để nhập ...thuốc tây". Lời của nhà lãnh đạo ngoại thương đấy. Đã có hàng trăm thứ thuế phí bổ đầu người dân, mà đi học vẫn phải mua chữ, đi viện vẫn mua chỗ nằm, cơm thuốc. Mà lại mua đắt nữa chứ. Có "thiên đường" nào táng tận thế này trên cõi người không ?

Thế thì in tiền ra trên cơ sở gì ? Sản xuất, dịch vụ và khai thác tài nguyên. Sản xuất nông nghiệp nhé, có hơn tiền nhập thuốc sâu phân bón nhưng không bù được cho mất mát tài nguyên và tác hại môi trường, kể cả con người.

Sản xuất lâm sản toàn nhập gỗ về, kể cả nhập theo kiểu "nhập nhằng" bên Lào, bên Kam. Rừng đâu nữa ? Đất rừng giờ trồng keo bán dăm gỗ giấy, chẳng khác gì trồng mì trên đất nông nghiệp, chẳng bù cho đất sẽ kiệt.

Công nghiệp và tiểu thủ công chết dở. Bốn năm mươi năm nay chỉ ăn vay chứ có sáng tạo được gì. Nếu có cũng mướn pa-tăng của người ta, nhờ nhượng quyền của người ngoài. Hầu hết chỉ gia công, bán sức lao động không chuyên giá rẻ.

Dich vụ thì thôi nhé, như ngành du lịch thì khách du chỉ một đi không trở lại, vì có gì cải tiến mới lạ đâu, ngoài bán cái cảnh quan, không khí. Chuyện dịch vụ này nhiều nổi. Không có sex thì không có tourism. Luật lệ lôi thôi, thì chết. Ngành nào cũng chết vì hành lang pháp lý dở hơi, chỉ vòi bên nguyên moi bên bị.

Chỉ cái luật vận chuyển hàng hóa đường thư, đường bay, đường biển đến giờ chưa ổn. Xảy ra việc thì cứ tham khảo thông lệ quốc tế, luật quốc tế, ta thì không, chết chưa. Nhỡ bị thiệt hại hãng vận chuyển chỉ đền cho có lệ.

Khai thác tài nguyên thì bán rẻ bèo. Cụ thể tỉnh X cấp hơn 200 giấy phép khai thác, thuế thu được mỗi năm 4 tỉ (chắc hơn nhiều nhưng vào túi riêng). Không đủ tiền sửa đường, mà làm đường thì xin trên bộ.

Ta chỉ xuất thô, không chế biến gì thêm vì chế biến kiểu gì, bán cho ai cũng phải mua công nghệ của họ. Phức tạp. (Quan trên ngu lâu, khó thuyết phục). Bán thô thì trên dưới nghe dễ thủng, OK ngay. Duy chỉ có xuất phụ nữ đi "lấy chồng", xuất ô-sin, xuất cơ bắp,... là lãi trọn.

May mà nhờ người vượt biên, người lập nghiệp xa xứ, kể cả ô-sin, gái đĩ gửi kiều hối cho nhà, không thì chết tươi ngay.

Bao lâu nay làm đường sá, xây cầu cảng, mở rộng đô thị,...bằng tiền vay. Vay bao nhiêu, nợ công đến đâu thì chính phủ ngậm hột thị, dấu như mèo dấu cứt. Sao khó minh bạch thế ? Đơn giản thôi vì vay chủ yếu từ bên Tàu, thế chấp bằng non nước. Nói ra sợ dân tình nổi loạn, chửi cho là cõng rắn..., là rước voi..., là mãi quốc cầu vinh thân phì gia,...

Cho vay/ đầu tư được thì cột được: Đầu tư vào Bảo Tàng thì nắm được ngành Văn hóa; đầu tư công nghệ truyền hình thì nắm được bộ Thông tin truyền thông, báo chí; đầu tư vào sách, vào máy tính bảng thì nắm được ngành Giáo dục;... Cho vay làm cao tốc Pháp vân, Lào Kai, Quảng Nam, Dầu Giây,...rồi sẽ Hà đông, Quảng Ninh, Lạng sơn,... đủ cột cả bộ KH&ĐT, bộ GTVT,...

Kế hoạch bao lâu nay của Tàu là dùng tiền và thể chế chính trị để thực hiện 4 thông: Thông đường (đường bay, đường bộ và đường biển), thông hàng (nhập hàng quá cảnh), thông tiền (dùng ND tệ) và thông quân (lực lượng bảo vệ quyền lợi quốc ngoại). Là hết, Việt Nam trở thành phiên thuộc.

Gần đây Quốc Hội lộ tin vay chủ yếu để ăn xài, thực chất là để trả lương cho một bộ máy cồng kềnh kém hiệu quả, lại nhũng lạm khắp nơi. Râm ran chuyện vỡ quỹ Bảo hiểm Xã hội, rồi đáo nợ nọ kia không trả nổi. Thực số mỗi đầu người gánh nợ công khoảng ngàn đô là thấp, nhưng cứ dấu giếm mãi. Bình ruồi bảo chỉ 2-3 trăm, nay thú thực hơn 5 trăm ngàn tỉ nợ xấu.

Đã có hàng trăm thứ thuế phí bổ đầu người dân, mà đi học vẫn phải mua chữ, đi viện vẫn mua chỗ nằm, cơm thuốc. Mà lại mua đắt nữa chứ. Có "thiên đường" nào táng tận thế này trên cõi người không ?

Nào là bẫy thu nhập trung bình, nào là già háp,... đủ mọi lời, mọi cấp, từ giới khoa học trong nước cho đến nhà kinh tế thân hữu cảnh báo, nhưng trển vẫn không nghe ra. Giặc xây sân bay, hải cảng trên đất cướp của nhà minh cũng không dám kêu kiện. Sợ nó đòi nợ thì lộ bem chuyện nhân nhượng từ thời '91.

Nhưng rồi cũng phải nói thật ra, khi dân thôi hợp tác với nhà nước. Kệ họ, chẳng ai quan tâm. Hỏi cả bộ máy công sai này sẽ sống bằng gì, sống ở đâu ? Ai cho vay nữa mà vay. Chỉ ngưng kiều hối 3 tháng là tiêu tán đường.

Vỡ nợ là chuyện chắc chắn, trong tương lai gần. Có dám đứng đầu gió để đưa đất nước qua cơn hay quỵ hẵn thì cũng chính lúc này.

Toàn Đảng, toàn quân và toàn thể dân nước ơi, chuông sắp gióng, giờ sắp điểm.*

*Ý thơ của Appolinaire, Cầu Mirrabeau (...vienne la nuit, sonne l'heur...).

Đoàn Nam Sinh
(FB Nam Sinh Đoàn)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tập Cận Bình, nhân vật số một đang viết lại luật chơi quyền lực của Trung Quốc


Robert Marquand – Trần Ngọc Cư dịch
Kể từ thời Mao Trạch Đông cho đến nay chưa có một cá nhân lãnh đạo nào tại Trung Quốc nổi bật trước công chúng hoặc thâu tóm nhiều quyền lực như Tập Cận Bình. Ông đang thay đổi Trung Quốc bằng cách xóa bỏ “đường lối cai trị bằng sự đồng thuận của tập thể lãnh đạo” và nhắm mũi dùi vào xã hội dân sự.

Bắc Kinh – Với một tốc độ và sự cứng rắn không ai nghĩ đến vào thời điểm trở thành người đứng đầu Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình không những đã củng cố quyền lực của mình mà còn đang chỉ đạo một cuộc thanh trừng rộng lớn khiến một số người thắc mắc liệu ông có thu tóm quá nhiều quyền lực hay không.

Kể từ thời Mao Trạch Đông đến nay chưa có một cá nhân nào tại Trung Quốc trở thành một nhà lãnh đạo xuất hiện thường xuyên trước công chúng hoặc thu tóm nhiều quyền lực đối với một quốc gia đang trỗi dậy với dân số 1,3 tỉ như ông Tập Cận Bình – người có cha là một đồng chí nổi bật của Chủ tịch Mao.

Từ thời Mao đến nay chưa một lãnh đạo Trung Quốc nào đẩy mạnh một chương trình trọn vẹn phục hồi các giá trị cũ và sức mạnh thô bạo của Đảng Cộng sản như Tập Cận Bình đang làm. Từ biến cố Thiên An Môn năm 1989 đến nay chưa một lãnh đạo Trung Quốc nào triệt để chặn đứng thậm chí cả những bước chập chững hướng đến các cởi mở chính trị như Tập Cận Bình đang làm. Dưới bàn tay kìm kẹp của Tập trong những tháng gần đây, thậm chí những những nhà tranh đấu ôn hòa cho một xã hội dân sự cũng bị nghiêm trị khiến phải im tiếng – trong một chiến dịch có vẻ là một chương trình thanh lọc nghiêm khắc áp dụng cho toàn Đảng và toàn xã hội.

Tập đang được gọi bằng mọi thứ tên, từ một “nhà độc tài mới của Đảng” đến một hoàng đế của thời hiện đại. Có người cho rằng ông tự coi mình là một nhân vật do định mệnh lịch sử đặt để đang giám sát sự thức dậy của nước Trung Hoa.

Một cách lặng lẽ, Tập đã xuất hiện trên sân khấu chính trị thế giới như một nhà lãnh đạo có đường lối độc tài không thua gì Vladimir Putin tại Nga. Chắc chắn là, Tập đã đập tan mọi hi vọng về việc khai sinh một xã hội dân sự đa nguyên tại Trung Quốc trong tương lai trước mắt.

Trong 18 tháng qua, Tập đã tóm cổ các đối thủ chính trị của mình trong một chiến dịch chống tham nhũng rộng lớn từ tầng thấp đến tầng cao, lắm lúc nom như một cuộc thanh trừng không đổ máu. Hơn 2000 cán bộ đảng viên các cấp đã bị thay thế. Những cán bộ đảng viên đang vươn lên như Bí thư Thành ủy Quảng Châu Vạn Khánh Lương đã hết sức ngỡ ngàng vì thấy mình mới được tôn vinh hôm trước lại bị rút thẻ Đảng hôm sau.

Các chiến thuật của Tập đã gieo sợ hãi và bất ổn tâm lý trong các cấp đảng viên từ thấp đến cao, theo một số nguồn tin mà chúng tôi có dịp phỏng vấn tại Trung Quốc, tại Châu Á, và tại Mỹ trong tháng Tám và tháng Chín vừa qua về các động thái của Tập Cận Bình.

Người Châu Á có câu “giết gà nhát khỉ” và coi đó là một hình thức cai trị. Nhưng Tập còn thịt luôn cả khỉ. Một tướng có thế lực, Từ Tài Hậu, không bao lâu nữa cũng sẽ bị lôi ra toà án quân sự. Một lãnh đạo Đảng thậm chí có nhiều quyền lực hơn những nhân vật kể trên, đó là Chu Vĩnh Khang – người nắm trong tay một mạng lưới cảnh sát và công an thường hành xử như một chính phủ trong một chính phủ hay như một tập đoàn mafia – cũng bị hạ bệ vào tháng Bảy vừa qua.

“Thông điệp rõ ràng là, ‘Nếu Tập có thể triệt luôn cảChu, thì ai là người mà Tập không thể triệt hạ?” David Kelly thuộc nhóm nghiên cứu Chính sách Trung Quốc tại Bắc Kinh đã nói như vậy.

‘Một quan niệm mới về Trung Quốc’

“Quan niệm mới của Tập Cận Bình về Trung Quốc,” như hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã tường thuật vào tháng Tám, “có ý nghĩa sâu rộng hơn thế giới bên ngoài có thể tưởng tượng.” Tập gọi đó là một “nỗ lực trẻ trung hóa” vĩ đại.

Tập không ngớt lời cổ vũ cho một hình ảnh về cái gọi là một “Giấc mơ Trung Hoa” tràn trề của cải, địa vị quốc tế, và niềm tự hào dân tộc, một hình ảnh làm nức lòng giai cấp trung lưu thành thị, nơi ông được rất nhiều người mến mộ. Nó gảy lên cung đàn dân tộc chủ nghĩa trong một đất nước đã lâu ngày cảm thấy bị thế giới coi thường. Nhưng mặt khác, Tập cũng đang thi hành những điều cấm kỵ nghiêm khắc đưa ra trong Văn kiện 9 tháng Tám 2013 luân lưu trong nội bộ Đảng, còn được gọi là văn kiện “Bảy Không.”

Bản tuyên ngôn kêu gọi các đảng viên trung kiên phải xoá bỏ tự do phát biểu ý kiến, các ảnh hưởng từ nước ngoài, hay bất cứ một điều gì phảng phất mùi dân chủ, tính minh bạch, hay quan điểm độc lập.

Trong vấn đề chủ quyền Trung Quốc, Tập đã tỏ ra cứng rắn hơn cả những thành phần cứng rắn nhất trong Đảng: Ông thẳng tay đàn áp những người thiểu số Duy Ngô Nhĩ cứng đầu ở miền viễn tây Tỉnh Tân Cương. Thông điệp ông gửi cho Đài Loan về việc thống nhất với Trung Quốc còn cứng rắn hơn nữa. Ông chôn vùi mọi hi vọng của Hồng Kông về các cuộc tuyển cử tự do và công bằng vào năm 2017 – một ý đồ đã quay đầu lại cắn ông ngay trên đường phố của một thuộc địa Anh trước đây và hiện nay là một trung tâm tài chính Châu Á.

Lần đầu tiên, Trung Quốc, dưới triều đại Tập Cận Bình, đang theo đuổi những lập trường hiếu chiến trong các vùng nước Thái Bình Dương, đối đầu với các cường quốc Đông Á như Nhật Bản, Việt Nam, Phi Luật Tân và Mỹ. Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền trên những vùng biển và vùng trời rộng lớn.

Ngay sau khi Tổng thống Obama đến thăm Châu Á vào mùa Xuân năm nay để trấn an những đồng minh đang bị nao núng, Trung Quốc đưa một giàn khoan vào ngay trong vùng nước tranh chấp gần bờ biển ViệtNam. Vào ngày 22 tháng Chín sau khi đi thăm Ấn Độ về, Tập được Tân Hoa Xã trích dẫn là đã chỉ thị các đơn vị Quân Giải phóng Nhân dân phải sẵn sàng ở trong thế chiến đấu nếu muốn thắng “một chiến tranh khu vực.”

“Chúng tôi đã không tiên liệu việc này sẽ xảy ra,” một nhân viên an ninh quốc gia tại Nhà Trắng nói với các nhà báo sau khi Trung Quốc bác bỏ một báo cáo của Lầu Năm Góc về cuộc đối đầu trên không [mid-air encounter] giữa một máy bay phản lực của Quân đội Trung Quốc và một máy bay trinh sát của Hải quân Mỹ gần bờ đảo Hải Nam vào tháng trước.

Orville Schell thuộc Chương trình Mỹ-Trung của Asia Society đưa ra câu hỏi: “Liệu Trung Quốc thực sự có bạn bè nào không?” Các học giả Mỹ cho rằng Tập Cận Bình và Barack Obama sẽ có nhiều đề tài để thảo luận tại Hội nghị APEC vào tháng Mười Một tại Thượng Hải.

Mô hình lãnh đạo tập thể mất hết công dụng

Sở dĩ sự trỗi dậy của Tập Cận Bình được coi là một bước ngoặt vì ông và một nhóm lãnh đạo cao cấp yêu nước trên cơ bản đã xóa bỏ mô hình “lãnh đạo tập thể” vào năm 2012. Qua nhiều thập niên, quyền lực tối hậu tại Trung Quốc được chia sẻ theo đường lối phân tán. Các quyết sách được thông qua do sự đồng thuận của chín ủy viên trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị.

Chính sách chia sẻ quyền lực này được thiết kế bởi Đặng Tiểu Bình, nhà cải cách đã mở cửa Trung Quốc, một phần để tránh giẫm lại “tệ sùng bái cá nhân” theo kiểu Mao – hay một cuộc Cách mạng Văn hóa khác. Do đó, mô hình tập thể đã mang một đặc tính trấn an nội bộ. Sẽ không có một cá nhân lãnh đạo nào trở nên quá mạnh. Vì đã có những cái thắng xe.

Nhưng Tập tỏ ra cứng rắn hơn Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào rất nhiều. Các nhiệm kỳ của hai ông này vẽ ra một nước Trung Hoa “thân thiện” muốn học hỏi từ thế giới bên ngoài và trỗi dậy “một cách hài hòa” tại Châu Á. Nhưng ở Trung Quốc bây giờ, Giang và Hồ chỉ được gọi là những người trông coi lâm thời [caretakers] hay là những nhà quản lý đất nước [stewards]. Điều mà Trung Quốc đang chờ đợi, theo đường lối mới của Đảng, là một thủ lĩnh độc tài như Tập – có thể khống chế các thái ấp đang xung đột nhau [các nhóm lợi ích] và nạn tham nhũng đang đe dọa quyền lãnh đạo của Đảng và tiến bộ kinh tế, hai lợi ích bất khả xâm phạm của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Tập thuộc “Thế hệ hồng thứ hai” của Trung Quốc – con cái của những khai quốc công thần. Cha ông, Tập Trọng Huân [Xi Zhongxun], là một trong “Tám công thần bất tử” đã giúp mở đường cho cuộc cách mạng của Mao. “Những thành viên của thế hệ hồng thứ hai” coi Đảng và quốc gia là một. Họ căm phẫn những thành phần cơ hội chủ nghĩa đã trở nên giàu có và tham ô trên sự hi sinh của cha ông họ. Họ muốn chặn đứng những người sống xa hoa mà không đếm xỉa đến đất nước Trung Hoa. những người “chỉ biết nhận mà không biết cho,” như một học giả Trung Quốc mô tả.

“Ông ấy có một ‘trái tim hồng,’ như chúng tôi thường nói,” Lí Đại Đồng [Li Datong], một cựu tổng biên tập nhật báo có trí thức và tiếng tăm, bình luận như thế. “Thế hệ ông cảm nhận một ý thức trách nhiệm rất sâu sắc. Trước hết, họ cảm thấy rằng, khi đối diện một cuộc khủng hoảng, họ phải làm một cái gì.”

Mặc dù cha của Tập bị Mao cho vào ngục, nhưng người con đang hướng đến Mao để tìm nguồn khích lệ. Trong một tập tiểu luận xuất bản ngày 25 tháng Chín, Tập đòi hỏi các đảng viên không được từ bỏ “tinh thần Mao Trạch Đông” hoặc tư tưởng Mao Trạch Đông về một cuộc cách mạng thường trực. Tập là lãnh đạo đầu tiên của Trung Quốc kể từ thời Mao đã xưng “tôi” trong ngôi thứ nhất, nhà Trung Quốc học [Sinologist] Pháp Francois Godement nhận xét. Tập tin tưởng vào lý thuyết “thủ lĩnh độc tài” về lịch sử, và cũng là nhân vật đầu tiên từ thời Mao đã công khai đăng đàn diễn thuyết về vai trò lãnh đạo. Ông nói rằng “vai trò của Thủ lĩnh số một là then chốt.”

Trung Quốc cần một bàn tay mạnh

Các động lực thúc đẩy Tập trỗi dậy chiếm địa vị số một bắt nguồn từ những năm đầu của thập niên 2000, khi các nhà tư bản Trung Quốc được mời gia nhập Đảng. Lời mời gọi đó ngày nay bị coi là rất phức tạp, phúc họa lẫn lộn. Đấy là một nỗ lực vận dụng tính năng động kinh tế của Trung Quốc vào cơ cấu chính trị của thế kỷ 19 được thai nghén bởi cái đầu của Vladimir Lenin.

Các thái ấp kiểu mới, các đại gia, và nhóm được gọi là thái tử Đảng, gồm con trai cũng như con gái của các gia đình thuộc giới lãnh đạo chóp bu Trung Quốc, tất cả đều tranh nhau các móc nối trong Đảng. Lời mời gọi trở thành trái bom tạo mặt bằng cho các “guanxi” hay quan hệ mà giới tư bản cần đến để tiếp cận các nguồn tiền và tín dụng của nhà nước. Các suối tiền khổng lồ đã ào ạt chảy ra từ các khu vực [do nhà nước quản lý] như viễn thông, khoáng sản, sắt thép, và xây dựng. Khoảng năm 2010 tình trạng bát nháo – những tài khoản ngân hàng ở nước ngoài, những bữa tiệc xúp vi cá mập, việc mua dâm và nhậu nhẹt, những lấn lướt và ám hại lẫn nhau – đã tạo ra nguy cơ làm cho Trung Quốc trở thành “đại loạn,” theo nhận định của một nguồn tin.

Hồ Cẩm Đào tỏ ra bất lực, không kềm hãm nổi cao trào các đảng viên lũ lượt chạy theo tiền tài và danh vọng trước khi nhiệm kỳ của ông chấm dứt vào năm 2012.

Đã có nhiều chẩn đoán khác nhau về cuộc khủng hoảng của Trung Quốc. Một số cho rằng Đảng Cộng sản sắp đi đến chỗ diệt vong. Một số khác cho rằng nền kinh tế hoàn toàn thất bại. Một số bảo rằng cả hai đều gặp bế tắc. Một vài chỉ số cơ bản của nền kinh tế là rất đáng lo ngại: Các chính quyền địa phương đã vay mượn ngoài sức chi trả của mình để xây các chung cư, các nhà chọc trời, các trung tâm mua sắm, và các cầu vượt trên các trục xa lộ.

Vấn đề cốt lõi là làm thế nào để Trung Quốc có thể biến một nền kinh tế dựa vào xuất khẩu thành một nền kinh tế tiên tiến công nghệ cao. Liệu Đảng có khả năng tự cải tạo để chấp nhận một đường lối có nhiều sáng kiến hơn – hay Đảng cần tập trung hoá các quyết sách của mình theo đường lối độc tài?

Khi nỗi lo sợ [sụp đổ] trong Đảng trở nên sâu sắc, các lãnh đạo chóp bu đi tìm sự hỗ trợ của Thế hệ đỏ thứ hai. Và họ đã chọn đường lối cứng rắn, hoàn toàn không còn bàn đến một thái độ cởi mở thông thoáng nào nữa.

Thoạt đầu Tập xuất hiện gần như một người xuề xoà trong quần chúng, ăn bánh bao, ở khách sạn rẻ tiền, và có giọng nói ôn tồn trấn an người khác.

Nhưng khi sáu cơ quan cao nhất trong Bộ Chính trị được tái cơ cấu năm 2012, kể cả an ninh quốc gia, tài chính, quân sự, và cải tổ – Tập cầm đầu cả sáu cơ quan. Nhờ đó, ông nhanh chóng có cơ hội đưa kẻ cựu thù không đội trời chung đang bị thất sủng, là Bạc Hi Lai, ra xét xử trong một vụ án công khai cao độ năm 2013.

Khác với Hồ Cẩm Đào và Giang Trạch Dân, Tập được coi là một người không chỉ nói mà còn hành động nữa. Ông đã quảng diễn Văn kiện số 9 để truy kích cả những nhà cải tổ ôn hòa, đây là điều tương đối mới. Tập đã lo lắng đến mức “ám ảnh” về việc Liên Xô sụp đổ dưới sự lãnh đạo của Mikhail Gorbachev và không muốn chính cái tự do phát biểu có sức xói mòn chế độ hay “glasnost” ấy lật đổ Nhà nước Trung Quốc, học giả thâm niên về Trung Quốc tại Đại học Harvard, ông Roderick MacFarquhar, đã lý luận như thế trong một buổi nói chuyện gần đây về Tập Cận Bình.

Nhắm mũi dùi vào xã hội dân sự

Công an đang gia tăng đàn áp văn nghệ sĩ, các nhà truyền giáo, các luật sư, các blogger, các nhân vật trên diễn đàn xã hội, và các giáo sư tỏ ra chịu ảnh hưởng bởi các tư tưởng xã hội dân sự hoặc bác bỏ quan niệm của Đảng về sự thống nhất Trung Quốc và vai trò tối cao của Đảng.

“Khoảng 300 luật sư nhân quyền đang bị giam giữ, trước đây chưa bao giờ có một con số cao như vậy,” Đằng Bưu [Teng Biao], một luật sư nhân quyền hiện làm nghiên cứu sinh tại Đại học Harvard trong một năm, đã nói như vậy. “Những luật sư này có chủ trương ôn hòa. Họ tránh đả động đến những vấn đề nhạy cảm, hay đứng ra biện hộ cho Lưu Hiểu Ba [người được giải thưởng Nobel Hoà bình đang bị giam giữ], mà chỉ nhúng tay vào các việc như chống phân biệt đối xử và bảo vệ quyền của người tiêu thụ.”

Mục tiêu đánh phá chính của Văn kiện Số 9 là “chủ nghĩa hiến định” [constitutionalism]. Đấy là một nỗ lực thúc đẩy Đảng Cộng sản phải chịu trách nhiệm hơn nữa trước người dân – Đảng phải nằm dưới, chứ không được đứng trên chế độ pháp trị – và phải để cho người dân được tự do bày tỏ hơn nữa. (Hiến chương 08 của Lưu Hiểu Ba, chẳng hạn, kêu gọi việc thử nghiệm các hệ thống quyền lực cạnh tranh nhau và “chấm dứt thủ tục xếp ngôn từ vào tội hình sự.”)

Dưới chế độ Tập Cận Bình, các từ không được ưa chuộng trong từ vựng Leninist – như đối thoại, đàm phán, chia sẻ quyền lực, chế độ pháp trị, NGO [các tổ chức phi chính phủ], nhân quyền, và sự hiểu biết lẫn nhau [mutual understanding] – càng ngày càng bị ngờ vực.

Trong những tháng gần đây, mỗi ngày đều có những tin tức làm cho người dân nghe như đang ở trên con đường trở về ký ức của một nước Trung Hoa Đỏ: Các toán công an và bọn đầu gấu liên tục đóng cửa các thư viện vùng quê chỉ vì một vài cuốn sách trong đó cổ vũ xã hội dân sự và vì các thư viện này cho phép người đọc qui tụ và thảo luận. Các show truyền hình Mỹ không còn được phát sóng. Đảng đã công bố là sẽ cho ra phiên bản thần học Thiên chúa giáo của Đảng. Một đại hội điện ảnh tại Bắc Kinh vốn đã diễn ra trong suốt 10 năm qua không được phép mở ra vào năm thứ 11.

Trong tháng Chín, vào thời điểm có cuộc nổi dậy của người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương, Ilhem Tohti, một học giả Duy Ngô Nhĩ ôn hòa tại Bắc Kinh từng kêu gọi đối thoại và chống cả bạo động lẫn chủ nghĩa li khai, bị kết án tù chung thân.

“Một thư viện ở vùng quê không dính líu đến chính trị,” ông Đằng nói. “Nó hoàn toàn biệt lập. Nhưng Tập Cận Bình đang truy kích xã hội dân sự. Ông đang thực thi Văn kiện 9.”

Putin đến trước, Cận Bình theo sau?

Khác với Mao, người chỉ ra khỏi biên giới Trung Quốc một lần – để viếng thăm Joseph Stalin tại Moskva – Tập được nhìn nhận có một số trải nghiệm quốc tế. Ông đã sống một thời gian ngắn tại Mỹ, từng phục vụ tại tỉnh duyên hải Chiết Giang và tại thành phố Thượng Hải, và từng trông coi việc chuẩn bị Thế vận hội Bắc Kinh 2008. Ông có một người con gái đang học ở Harvard và vợ ông là một ca sĩ nổi tiếng. Nhưng hiển nhiên là, Tập chống lại việc tổ chức chính phủ theo đường lối phương Tây – như ông Putin.

Putin có thể là một mẫu hình lãnh đạo độc tài mới. Ông chiếmCrimea, o bế giới tư bản thân hữu, và bàn chuyện thành lập một liên bang Slavic đặt cơ sở trên điều mà ông gọi là “các giá trị Á Âu.” Tập Cận Bình được coi là đang chia sẻ nhiều quan niệm của Putin, tin rằng Mỹ và Châu Âu là những nền văn minh sa đọa và đang ở trong vòng xoáy đi xuống – và rằng một trục độc tài mới xuyên qua Châu Á là diễn biến tiếp theo.

Nhưng thế giới không coi Tập là một tên bắt nạt theo kiểu Putin. Tập chỉ lấy “một số trang từ cuốn sách của Putin,” ông Kelly của Viện Nghiên cứu Chính sách Trung Quốc phát biểu. “Ngoại trừ một điều là Tập có mọi nguồn lực và khí tài mà Putin chỉ có thể nằm mơ mà thôi.”

Câu hỏi cần được đặt ra là, liệu Tập có tạo nhiều xáo trộn và nhiều kẻ thù đến nỗi phải trở thành một nhà độc tài ngày một nghiêm khắc hơn để duy trì quyền lực hay không. (Giới trí thức Bắc Kinh nghiêm chỉnh tranh luận, không biết Tập là một lãnh đạo độc tài theo đường lối cứng rắn [hardline authoritarian] hay là một loại độc tài toàn trị mới [a new kind of totalitarian], với những hệ lụy thật sự chưa ai biết được.)

Báo chí Trung Quốc nói rằng Tập tự coi mình như một con người do định mệnh lịch sử đặt để. Và điều này có thể đúng. Ông đã từng nếm trải cuộc Cách mạng Văn hóa bạo động hướng nội và bây giờ đang chứng kiến Trung Quốc vươn ra thế giới để sánh vai cùng Nhật Bản, Mỹ, và Châu Âu.

Trong khi Trung Quốc còn đang phục hồi từ những đổ vỡ do Mao gây ra, Đặng Tiểu Bình có lời khuyên cho cả nước là Trung Quốc phải “che giấu ánh sáng của mình và đợi thời cơ.” Nhưng có lẽ Tập tin rằng những năm tháng ẩn mình đã qua rồi. Ông còn mười năm tại chức để chứng minh điều đó.

“Tập tin rằng mình có thể là một lãnh tụ vĩ đại, đưa ra một viễn kiến vĩ đại,” một chuyên gia am tường thời sự tại Bắc Kinh và là người có những đường dây quen biết trong Đảng đã nói như thế. “Tập nghĩ rằng nhân dân sẽ là ngọn cỏ và ông sẽ là cơn gió lùa. Tập sẽ thổi và nhân dân sẽ uốn theo chiều gió.”

“Vấn đề là, những phẩm chất cá nhân đã giúp Tập cầm quyền hữu hiệu hiện nay là không phù hợp với một giai đoạn kế tiếp hướng đến một nền kinh tế và một xã hội cởi mở hơn và có nhiều sáng kiến hơn. Biết đến khi nào tiêu chí ấy mới trở thành hiện thực?”

Nguồn: The Christian Science Monitor 8/10/2014

Bản tiếng Việt © 2014 Trần Ngọc Cư & pro&contra

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Trách nhiệm xã hội của những người hiểu biết

NGUYỄN AN DÂN

“Trí thức và vai trò của trí thức” hay “câu chuyện về trí thức” là một đề tài không mới, nhưng chưa bao giờ cũ. Đây cũng là một đề tài rất phức tạp và dễ gây tranh cãi, nhưng là một đề tài đầy ý nghĩa đối với bất cứ xã hội nào, trong bất cứ thời đại nào. Có rất nhiều góc nhìn khác nhau về trí thức, mỗi góc nhìn lại cho ta một cách hiểu về trí thức và vai trò của trí thức. Nếu ta có được nhiều góc nhìn về một vấn đề thì ta sẽ có cơ hội hiểu vấn đề đó một cách đầy đủ và sâu sắc hơn, vì khi đó không chỉ thấy “cây”, mà còn thấy “rừng”.
Trong phạm vi bài viết này, từ một góc nhìn, tôi cho rằng, trí thức là người có trí và luôn dùng cái trí của mình để góp phần thức tỉnh xã hội nhằm hướng mọi người đến cái đúng và cái đẹp.
Nếu ai đó “có trí” (sự hiểu biết) nhưng lại “không thức” (không thức tỉnh xã hội) mà để cho xã hội “ngủ” thì bị gọi là “trí ngủ”, chứ không phải là “trí thức”. Nếu ai đó thích làm cái việc của trí thức là “đánh thức xã hội” nhưng lại “thiểu trí”, “lệch trí” hay “vô trí” thì gọi là “trí dỏm” (cũng có học hàm, học vị nhưng đầu óc lại trống rỗng, hoặc cũng có chút hiểu biết nhưng hiểu biết đó lại thể hiện sự lệch lạc và ẫu trĩ). Và nếu ai đó “có trí”, “có thức”, nhưng “thiếu tâm” (thiếu động cơ trong sáng) thì gọi là “trí gian” (gian manh, xu thời, cơ hội). Cả 2 loại “trí dỏm” và “trí gian” đều là “ngụy trí thức”, còn “trí ngủ” là “trí thức vô trách nhiệm”.
Có thể hình dung ba điều kiện để hình thành một con người “trí thức”, đó là: (1) “sự hiểu biết” (có trí); (2) “thức tỉnh xã hội”; và (3) “vì mục đích cao quý” (hướng xã hội đến cái đúng và cái đẹp, hướng xã hội đến cái chân-thiện-mỹ). Nếu không hội đủ cả 3 điều kiện này (mà chỉ có 1 hay 2 trong 3 điều kiện) thì hoặc là “trí ngủ”, hoặc là “trí dỏm”, hay “trí gian”, chứ không phải là “trí thức”. Hay nói một cách nôm na, trí thức là người “có Trí”, “có Thức” và “có Tâm” (có 3T).
Từ cách hiểu này, chúng ta có thể thấy rằng, bàn về trí thức hay bàn về vai trò của trí thức thực chất cũng chính là bàn về trách nhiệm xã hội của những người hiểu biết.
Tôi rất thích một câu nói của Einstein “Thế giới này là một nơi nguy hiểm, không phải vì những kẻ xấu xa mà vì những người chỉ biết đứng nhìn và không làm gì cả”. Câu nói này nói về trách nhiệm xã hội (trách nhiệm “làm người”) của một người bình thường đối với cái xã hội hay cái cộng đồng mà mình đang sống. Một người bình thường vô cảm thì đáng phê phán, còn một người có hiểu biết sâu sắc và được lắng nghe mà yên lặng thì còn đáng phê phán hơn. Một người bình thường còn có trách nhiệm xã hội như vậy, đối với những người có hiểu biết thì trách nhiệm xã hội này còn lớn hơn.
Nói cách khác, vai trò của những người có hiểu biết là: dùng sự hiểu biết (và cả uy tín) của mình để góp phần giúp cộng đồng phân định rõ hơn sự đúng-sai, phải trái, chân-giả, thiện-ác, hay-dở, tốt-xấu, nên-không nên… trước những vấn đề chung mà xã hội đã, đang và sẽ gặp phải hay trải qua; dùng sự hiểu biết của mình để truyền bá tinh thần, tư tưởng, quan điểm mà mình tin là cần thiết để góp phần thúc đẩy xã hội phát triển theo hướng tiến bộ; dùng sự hiểu biết của mình để góp phần xác lập những chuẩn mực xã hội, những thang giá trị xã hội và đồng thời ra sức bảo vệ những chuẩn mực và giá trị đó; dùng sự hiểu biết của mình để góp phần định hướng, định hình xã hội… Tất nhiên sự phân định, sự truyền bá, sự xác lập hay sự định hướng, định hình này cũng cần phải dựa trên cái nền là những giá trị vượt không gian và vượt thời gian, những giá trị có tính phổ quát của thế giới đương đại hay thế giới tương lai.
Và tất nhiên, để thực hiện trách nhiệm xã hội của mình thì người hiểu biết có thể nói, có thể viết, hay có thể làm gì đó (bởi lẽ không phải tất cả những người hiểu biết đều giỏi nói hay giỏi viết). Vì làm một điều tốt cũng là cách gián tiếp góp phần đấu tranh tiêu diệt cái xấu; làm một điều đúng, cũng là cách gián tiếp góp phần chỉ cho người khác thấy những cái sai…
Thêm nữa, khi nói đến trí thức là nói đến vấn đề “chân lý”. Không ai được phép độc quyền chân lý, nhưng ai cũng được quyền góp phần xác lập chân lý. Giới trí thức thường tự phân biệt giới mình với những giới khác ở chỗ luôn nỗ lực khám phá chân lý, xác lập chân lý và bảo vệ chân lý. Đó cũng là lý do vì sao mà người ta thường nói, chân lý thường không thuộc về số đông hay “kẻ mạnh”, mà thường thuộc về những người có hiểu biết (hay còn gọi là giới trí thức, giới tinh hoa). Nếu chân lý có thuộc về “kẻ mạnh” (nhưng thiếu hiểu biết) thì điều đó chắc chắn cũng chỉ là tạm thời mà thôi.
Khi bàn về trí thức thì người ta thường bàn về vai trò, trách nhiệm, công việc, sứ mệnh, thiên chức của trí thức. Tuy nhiên, cũng cần phải bàn về “điểm mù” của trí thức, dù trí thức có cái trí hơn người. Bởi lẽ, trí thức cũng là con người, mà đã là con người thì cũng sẽ có cái nhầm, có lúc sai mà mình không hề biết; Bởi lẽ, trí thức cho dù có trí thế nào đi nữa thì sự hiểu biết vẫn chỉ là hữu hạn. Điểm mù ở đây được hiểu là “mình không biết cái mà mình không biết” hay “mình cứ tưởng mình hiểu rất rõ một thứ nhưng thực ra mình chẳng hiểu gì cả hay hiểu một cách lệch lạc”. Khi chia sẻ, tranh luận hay góp ý sẽ giúp mỗi người nhìn thấy điểm mù của người và của mình. Khi nhận ra điểm mù của mình cũng là lúc “mình biết rõ cái mà mình không biết”; và khi nhận ra những “cái mà mình không biết” cũng là lúc cảm thấy mình thực sự hiểu biết. Đó cũng là điều kiện để mình có thể hiểu biết thực sự và là cơ hội để đẩy nhận thức và hiểu biết của mình đi xa hơn.
Do vậy, cùng với trách nhiệm “thức tỉnh xã hội” thì trí thức cũng có một trách nhiệm với bản thân là liên tục “phản tỉnh chính mình”, phản tỉnh với những điểm mù (nếu có) của mình. Nếu không liên tục “phản tỉnh chính mình” hay thậm chí là “phản tư chính mình” thì người hiểu biết sẽ dễ trở thành người ít hiểu biết hay người ấu trĩ trong một số vấn đề (kể cả những vấn đề thuộc chuyên môn hay sở trường của mình), và khi đó sẽ không chỉ khó thực hiện được tốt cái vai trò “thức tỉnh xã hội” vốn có của mình, mà còn có thể gây nguy hại cho xã hội.
Ở bất cứ xã hội nào thì sứ mệnh của trí thức vẫn thế. Và đối với những xã hội mà trong đó còn đầy rẫy sự bất thường thì một trong những sứ mệnh lớn nhất của trí thức chắc hẳn là góp phần đưa sự bất thường đó trở về sự bình thường. Nói cách khác, trong những xã hội mà sự bất thường của sự việc, sự vô minh của cái đầu, vô cảm của trái tim đang bao trùm thì trách nhiệm của người trí thức, của những người có hiểu biết còn nặng nề hơn (vì có quá nhiều cái cần phải khai sáng, cần phải thức tỉnh) và nguy hiểm hơn (vì không dễ dàng gì để làm cái chuyện khai sáng hay thức tỉnh trong những xã hội này).
Nhưng, đã là người có hiểu biết thì không thể không làm gì cả, bằng cách này hay cách khác, dù nhỏ bé hay lớn lao, dù ồn ào hay lặng lẽ…
N.A.D
*        *        *
Sau khi GS. Ngô Bảo Châu chia sẻ ý kiến của mình trên Báo Tuổi trẻ  đã có rất nhiều những ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược nhau luận bàn về vấn đề thế nào là “trí thức”. Tạm gác lại những khía cạnh khác, chỉ xét riêng về khía cạnh trao đổi thuật ngữ thì thấy có hai luồng ý kiến: Người thì đồng tình cho rằng trí thức là lao động trí óc, việc đánh giá là dựa trên kết quả, không liên quan gì đến vai trò phản biện xã hội. Người thì phản đối cho rằng trí thức không chỉ là người chú trọng đến chuyên môn hẹp của mình, mà cần phải là một nhà khoa học có lương tri, nhìn thẳng vào thực trạng xã hội, dấn thân vì cộng đồng, phản biện, lên tiếng vì dân chủ, công bằng và tiến bộ xã hội.
Tôi nghĩ mỗi người vốn dĩ không ai giống ai, từng người tùy theo sức lực, khả năng, sự đam mê mà lựa chọn cách thức, con đường đi riêng cho mình. Những trí thức có cách cống hiến bằng chính kết quả lao động hoặc bằng những hành động cụ thể của mình góp ích cho xã hội thì đã là đáng quí.
Những trí thức mà không những giỏi chuyên môn, ngoài ra còn thể hiện sự cảm thông trước nỗi đau của người dân, dám lên tiếng phản biện, dùng trí của mình để dẫn dắt, thức tỉnh xã hội thì lẽ dĩ nhiên sẽ còn đáng quí hơn. Như vậy, có thể thấy về bản chất giữa các khái niệm “trí thức” hay “trí thức của công chúng” theo tôi không hề có sự mâu thuẫn.
Phản biện xã hội thời nào cũng cần, vì đó chính là tác nhân quan trọng thúc đẩy xã hội phát triển. Tuy nhiên khi liên hệ với trường hợp Việt Nam cũng nên đặt ngược lại vấn đề liệu dư luận xã hội, thể chế ở Việt Nam đã đủ rộng lượng, đủ khoan dung, luật pháp Việt nam đã đủ thông thoáng để mở đường cho phản biện và tiếp thu phản biện chưa? Cần phải làm gì để cải thiện tình hình hiện nay và cần bắt đầu từ đâu?

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Bùi Văn Bồng1: Ban Tuyên giáo TW phổ biến tài liệu Hội nghị Thành...

Bùi Văn Bồng1: Ban Tuyên giáo TW phổ biến tài liệu Hội nghị Thành...: Vài tháng trước đây, một bản tin được loan truyền khá rộng rãi ở Việt Nam cho biết Tân Hoa Xã, cơ quan thông tấn chính thức của Trung Q... Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Tư, 8 tháng 10, 2014

“Thành phố bị kết án biến mất”: một thực tại x

Hà Thủy Nguyên

Tôi đọc cuốn tiểu thuyết “Thành phố bị kết án biến mất” của tác giả Trần Trọng Vũ đúng vào một ngày Chủ Nhật, trùng hợp với bối cảnh mà tác giả đã vẽ ra trong cuốn sách của mình. Thật tình cờ, đó cũng là một ngày Chủ Nhật “trời không xanh”. Cuốn tiểu thuyết không gây cho tôi một sự xúc động mãnh liệt nhưng tạo ra một sự ám ảnh về chính thân phận của những con người bị giam lỏng trong cái được gọi là nền văn minh: những ngôi nhà đóng hộp, chương trình truyền hình nhàm chán, những sex toys, và những con người được đánh dấu X.
Thượng Đế sáng tạo ra thế giới trong bảy ngày, trong đó Chủ Nhật là ngày của Chúa. Chúng ta dành ngày Chủ Nhật để thoát khỏi những thứ thường nhật, hướng tới đời sống tinh thần, tới những mối nối kết giữa con người với con người. Nhưng ngày Chủ Nhật trong tiểu thuyết của Trần Trọng Vũ là quãng thời gian của sự trống rỗng. Nhân vật X vốn vô hình trong những ngày thường, và quên rằng mình vô hình, thì giờ đây thấm thía nỗi đau của một kẻ vô hình. Những gì X nhìn thấy chỉ là một màu vàng với hơi nước nhớp nháp phủ lấp ở mọi nơi.
“Đấy là một chương trình dạy thể dục không hạn trên đài phát thanh. Đấy là một nửa chiếc gối vĩnh viễn đẫm hơi nước. Đấy là một nửa còn lại muôn đời bị đè bẹp.
Dưới một cuốn sách bìa đỏ bao giờ cũng dở dang – lúc nào cũng chưa một lần được đọc đến tận cùng trang cuối. Người đàn ông này cũng thức dậy bên cạnh những biến tấu vô hạn của những cái gì giống như xà phòng giặt và nước javel và mứt khoai tây. Khi mà cả ba cùng được chứa trong ba chiếc hộp nhựa không màu. Thế rồi giống như toàn bộ những công dân gương mẫu của thành phố đi làm kể cả ngày chủ nhật – anh dậy tập thể dục theo đài trong một điệp khúc âm thanh không thời hạn. Cho đến lúc toàn bộ hơi thở và tóc và lưng và hai bàn chân anh ướt đẫm để toàn bộ căn phòng cũng ngập đầy hơi nước. Cho đến lúc hơi nước ở đâu ra nhiu quá để anh quyết định buổi sáng chủ nhật hơi nước sẽ phải giống như mọi chủ nhật khi trời không xanh.”
Sự lặp đi lặp lại của chuỗi ngày nhàm chán! Ám ảnh tương phản giữa màu xanh da trời trong vế phủ định và màu vàng úa tàn, cũ nát trong thực tại mà mỗi anh chàng X đều nhìn thấy. Nguyên nhân khiến màu vàng có thể là do hơi nước gây ra, hoặc ngược lại, chính vì màu vàng đang xâm lấn toàn bộ thành phố nên chẳng thể nhìn thấy gì, cảm thấy gì ngoài hơi nước. Không gian trong toàn bộ câu chuyện kín đặc hơi nước: trên đường phố, trên chăn gối, trong từng hơi thở, làm úa tàn những bức tường. Hơn cả thế, hơi nước che mờ những thực tại mà X muốn thấy. Ở trên cao tít, bầu trời vẫn luôn xanh, vẫn có thể có ai đó ngoài kia để kết nối… nhưng không, X không thê nhận thấy chúng. Mọi thứ đều nhạt nhòa trôi qua, chỉ hai sắc màu còn đọng lại trong đầu anh là màu đỏ của cuốn sách luôn dở dang, của máu; và màu hồng rỗng tuếch của cô nàng búp bê tình dục (cũng là màu của cô nàng phát thanh viên trên truyền hình – một con búp bê tình dục biết nói).
Có một điều đặc biệt là đọc cả cuốn sách, tôi không thấy bất cứ dấu phẩy nào. Hoặc có thể tôi đã bỏ sót một vài chỗ có dấu phẩy. Nhưng hiện tượng này trong cuốn sách khiến tôi phải dừng lại và nghĩ về triết lý của dấu phẩy và dấu chấm. Trước đây, người ta viết không có dấu phẩy, dấu chấm, hay không có khoảng cách giữa các từ với nhau. Việc đọc là một điều rất khó khăn, và người viết phải nghĩ cách nào viết ngắn gọn nhất mà nhiều hàm ý nhất. Sự ra đời của dấu phẩy, dấu chấm, dấu cách đã mở ra cách đọc và cách viết khác. Một lối viết của những lập luận, suy lý, cấu trúc chặt chẽ, những câu phức dài lòng thòng dần thay thế cho các suy tưởng hình tượng. Lối viết này vẫn duy trì cho đến nay. Và bây giờ thì văn Trần Trọng Vũ trở nên thiếu vắng dấu phẩy một cách có chủ ý. Thiếu dấu phẩy buộc tác giả phải viết những câu hoặc rất ngắn gọn, hoặc các vế câu móc nối với nhau không cần phải tách bạch rõ nghĩa. Trong cuốn sách có cả hai loại câu này. Chúng tạo ra cảm giác về sự đứt nối của dòng thời gian trong tâm tưởng. Dòng thời gian trong tâm tưởng không được đánh dấu bằng giây, phút, giờ, mà hoặc là trong thoáng chốc, hoặc là mien viễn trong các vòng lặp:
“X vẫn biết hai phần ba bi kịch và hài kịch và bi hài kịch được sinh ra từ sự nhàn rỗi giống như chủ nhật cho nên từ ba năm nay cứ chủ nhật anh lại ra phố. Để thế nào cũng bắt gặp một bi kịch. Một hài kịch. Và cả một bi hài kịch. Và cũng cho nên chủ nhật X không nói nhiu. Bởi vì như thế cũng vừa đủ để giúp anh đi qua một chủ nhật bên trong một dòng người khổng lồ và vô tận của thành phố.”
Nếu thời gian ngày thường đều được lập trình theo trật tự, được phân bố một cách “khoa học” thì ngày Chủ Nhật là ngày chúng ta thoát khỏi cái đồng hồ và để thời gian trôi đi theo cách riêng của tâm trí. Thời gian không phải là một thước đo nữa, mà trở thành một trạng thái tâm lý. Thời gian chỉ ngừng lại trong những cuộc làm tình. Trong khi làm tình, mọi chuyển động của không tời gian đều ngưng lại… kể cả với búp bê tình dục:
“Bên cạnh anh trên cùng một chiếc giường là một người phụ nữ màu hồng lúc nào cũng trần truồng lúc nào cũng tươi cười. Cô nằm ngủ lưng gối lên một cuốn sách bìa đỏ do đó thân thể cô uốn cong một cách thẩm mỹ mà X cho rằng có lẽ quá thẩm mỹ.”
Thời gian ngừng lại vì nụ cười không thay đổi dù bao lâu đi chăng nữa! À không, cũng có thay đổi. Thỉnh thoảng nó bị xẹp xuống, và chỉ cần treo lên, khi hơi nước thấm vào thì nó lại căng mọng như một cô gái sexy hoàn hảo. Có một sự liên quan không thể chối cãi giữa các cô gái dẫn chương trình và búp bê tình dục, dưới con mắt của X. Khi đọc đoạn làm tình với búp bê của X, tôi không khỏi hoang mang, không biết rằng có phải tất cả những người đàn ông đều là X và những người đàn bà đều là con búp bê tình dục hay không! Nếu ai đó bảo vệ cho nữ quyền đọc quyển sách này sẽ tức điên lên vì cách ẩn dụ này của tác giả. Họ sẽ cho rằng Trần Trọng Vũ coi đàn ông là người còn phụ nữ chỉ là một thứ nhào nặn nên từ chất dẻo. Nhưng sống trong sự tuyệt vọng và hư không như X thì cũng có khác gì một con búp bê tình dục đâu. Đừng vội cười, X có thể là tôi, là bạn, là tất cả chúng ta, hoặc là một con búp bê tình dục nào đó khác. Không cần phải suy luận nhiều, tác giả đã để cho X biết về sự tồn tại của một X khác trong căn hộ tầng trên, nhưng hai X này không bao giờ gặp nhau, và không thể biết được đâu là X nguyên bản. X ở mọi nơi, trong mọi không gian, cũng như búp bê tình dục tồn tại bằng mọi chất liệu:
“Anh nhìn thấy màu trắng của thạch cao màu vàng của hơi nước. Anh cũng thấy đám máu đỏ lấp lánh và bồng bnh trong hơi nước trước khi trượt ngã xuống sàn gỗ. X đã vô tình đi vào màu đỏ của máu như đi vào một trong những nguy hiểm hợp lý cài sâu trong nghịch lý. Nhưng rồi vẫn trong cơn xúc động tương tự X tự hỏi tại sao những giọng nói phụ nữ trong vô tuyến truyn hình bao giờ cũng trong như chất dẻo không màu. Có phải vì để phục vụ đám công chúng đàn ông rất yêu thích những phụ nữ bằng chất dẻo lúc nào cũng sẵn lòng dâng hiến lúc nào cũng mở rộng đôi môi trong một hình tròn xao xuyến?”
Hiếm có trong các tác phẩm của Việt Nam một cuốn tiểu thuyết khiến người đọc không thể biết được đâu mới là thực tại mà nhân vật chính đang sống. Người Việt Nam thích bám víu lấy một thực tại duy nhất và gọi đó là hiện thực. Đó là thực tại của ông đưa thư, của cô nàng dẫn chương trình truyền hình, và cả của X, thực tại nhớp nháp, nhòe nhoẹt trong hơi nước. Họ buộc phải tin vào thực tại này và mơ tưởng về bầu trời xanh chỉ để tồn tại. Nhưng con người vốn ở trong rất nhiều các thực tại khác nhau, đan xen, không thể phân tầng. Khi chẳng may bị đối diện với thực tại khác, chúng ta luôn cố bẻ cong nó, sao cho nó trùng khít với thực tại mà chúng ta đang sống. Rồi buồn chán… Rồi cô đơn… Rồi trống rỗng… trong căn hộ cũ nát cùng với búp bê tình dục bị “khô âm đạo” của mình.
Ngày Chủ Nhật là ngày người ta không thể trốn chạy được sự xuất hiện của thực tại khác. Một X khác, trong một căn hộ khác, chẳng qua cũng là một thực tại khác bị nhét vào trong hộp. Càng đi tìm X thì X càng không thể thấy X. Không thể hợp nhất các thực tại, như “một thành phố đang xóa đi một thành phố”. Các thực tại khác luôn tấn công chúng ta. Còn chúng ta chối bỏ chúng, chỉ thừa nhận duy nhất một thực tại, thực tại của X. Không xa lạ đâu, thực tại X đấy chính là thế giới chúng ta đang sống: “Như một giấc mơ nhảy vào hiện thực
ngôn từ không dấu phẩy – để lời nói của X không thể đạt tới sự hoàn hiện mà thế giới không X vẫn khát khao. Ngôn từ không hình ảnh – để X xếp lên trên màu trắng mênh mông của thành phố những chữ cái không màu. Anh xếp lên đấy một chữ X khổng lồ rồi một phố X rồi một ngôi nhà X với một căn hộ X chỉ dành cho một người. Bên trong căn hộ X có cuốn sách X có giường ngủ X có chiếc bàn X có năm chiếc ghế X có buồng tắm X có phòng bếp X. Trong phòng bếp X có đầy đủ ba chiếc hộp nhựa buồn và đầy đủ ba nỗi buồn mà X không thể kể lại được. Và bởi vì không thể kể lại được anh đành xếp một chữ nỗi buồn X làm đại diện. Còn trong nỗi buồn X dĩ nhiên không có hình ảnh. Chỉ có một cửa sổ X và trong cửa sổ X có thêm một cửa sổ không màu anh gọi tên là vô danh bởi vì anh không thể kể lại được.”Bảng chữ cái có 28 chữ cái, nhiều ngôn ngữ khác có đến hơn 200 chữ cái, thế nhưng chúng ta vẫn chọn mình là X.

Phần nhận xét hiển thị trên trang