Mario Vargas Llosa (1936~), Nobel Văn Chương năm 2010, là một nhà tiểu thuyết lớn, nhưng ngoài truyện, ông còn viết kịch, kịch bản phim, báo, phê bình và tiểu luận văn học. Các bài tiểu luận văn học của ông là kết tinh của một tri thức uyên bác và một sự nhạy cảm phi thường của một nhà văn bậc thầy. Xin giới thiệu phần đầu bài tiểu luận “Tại sao văn chương?” của ông.
–
Tại các hội chợ sách hay các thư quán, tôi vẫn thường gặp cảnh một người đàn ông lịch sự đến và xin tôi chữ ký. “Để cho vợ tôi, con gái tôi, hay mẹ tôi”, ông ấy giải thích. “Cô/bà ấy là một người say mê đọc sách và yêu thích văn chương”. Tôi hỏi ngay: “Còn ông thì sao? Ông không thích đọc à?” Câu trả lời hầu như lúc nào cũng giống nhau: “Dĩ nhiên là tôi thích đọc, nhưng tôi bận bịu lắm.” Tôi đã nghe những lời giải thích như vậy cả hàng chục lần: người đàn ông ấy, cũng như hàng ngàn người đàn ông khác giống ông ta, có quá nhiều chuyện quan trọng để làm, có quá nhiều nghĩa vụ, có quá nhiều trách nhiệm trong đời sống, đến nỗi họ không có thể phí thời giờ quý báu của họ để vùi mình vào một cuốn tiểu thuyết, một tập thơ, hay một bài tiểu luận văn học từ giờ này qua giờ khác. Theo quan niệm phổ biến này, văn chương là một hoạt động có thể miễn trừ; hiển nhiên nó rất cao quý và hữu ích cho việc rèn luyện mỹ cảm và phong thái lịch lãm, nhưng chủ yếu nó chỉ là trò tiêu khiển, một thứ trang sức mà chỉ có những người có nhiều thời gian giải trí mới đáp ứng được. Nó là cái gì có thể lấp vào khoảng trống giữa các trận thể thao, các cuốn phim, một ván bài hay một ván cờ; và nó có thể bị hy sinh không chút đắn đo khi người ta dành “ưu tiên” cho những công việc và những bổn phận không thể buông bỏ trong cuộc đấu tranh sinh tồn.
Dường như rõ ràng là văn chương càng ngày càng trở thành một hoạt động của nữ giới. Trong các tiệm sách, các cuộc hội nghị hay các buổi đọc sách công cộng của các nhà văn, thậm chí, ngay trong các khoa nhân văn ở đại học, đàn bà rõ ràng là nhiều hơn đàn ông. Trước nay người ta vẫn thường giải thích là các phụ nữ thuộc tầng lớp trung lưu đọc nhiều vì họ làm việc ít giờ hơn nam giới, và quá nhiều phụ nữ cảm thấy họ có những lý do thích đáng hơn đàn ông để biện minh cho thời gian mà họ dành cho những chuyện huyễn tưởng và ảo tưởng. Tôi có phần dị ứng với lối giải thích căn cứ vào việc phân chia nam và nữ thành hai phạm trù đông cứng và gán cho mỗi phái tính những ưu và khuyết điểm đặc thù của nó; nhưng không nghi ngờ gì nữa là càng ngày số lượng độc giả văn chương càng ít, và trong số ít ỏi còn lại ấy, phụ nữ chiếm đa số.
Hiện tượng này hầu như diễn ra khắp nơi. Tại Tây-ban-nha, chẳng hạn, một cuộc thăm dò mới đây do Tổng Hội Nhà Văn Tây-ban-nha thực hiện cho thấy có một nửa dân số trong cả nước chưa bao giờ đọc một cuốn sách nào cả. Cuộc thăm dò cũng cho thấy, trong cái thiểu số người đọc sách, số phụ nữ thừa nhận có đọc sách cao hơn số nam giới khoảng 6.2 phần trăm, một sự chênh lệch có vẻ như đang lớn dần. Tôi vui cho những phụ nữ này, nhưng tôi cảm thấy buồn cho nam giới, và cho cả hàng triệu người có khả năng đọc nhưng lại không chịu đọc.
Họ khiến tôi thấy thương hại cho họ không phải chỉ vì họ không biết đến cái lạc thú mà họ đánh mất, nhưng còn vì tôi tin là một xã hội không có văn chương, hay một xã hội trong đó văn chương bị xua đuổi — như một tật xấu ngấm ngầm — ra ngoài lề đời sống xã hội và cá nhân, và bị biến thành một cái gì giống như một thứ giáo phái tà đạo, thì đó là một xã hội bị mắc đọa trở thành man rợ về phương diện tinh thần, và thậm chí có nguy cơ đánh mất nền tự do của nó. Tôi muốn đưa ra một số lập luận để phản đối cái ý tưởng cho văn chương là chuyện phù phiếm, và để bênh vực cho quan điểm xem nó là một trong những công việc tiên quyết và thiết yếu của trí tuệ, một hoạt động bất khả thay thế trong việc xây dựng công dân trong một xã hội hiện đại và dân chủ, một xã hội của những cá nhân tự do.
Chúng ta sống trong kỷ nguyên chuyên môn hoá kiến thức, nhờ sự phát triển phi thường của khoa học và kỹ thuật và từ việc phân mảnh tất nhiên của kiến thức thành vô số chuyên ngành hẹp khác nhau. Xu hướng văn hoá này, dù gì đi nữa, chắc hẳn sẽ nổi bật lên trong những năm sắp tới. Chắc chắn là việc chuyên môn hoá mang lại nhiều lợi ích. Nó mở ra những khám phá sâu hơn, những thí nghiệm lớn hơn; nó chính là động cơ của sự tiến bộ. Tuy nhiên, nó cũng có những hậu quả tiêu cực, vì nó xoá bỏ những đặc tính trí thức và văn hoá thông thường vốn cho phép nam và nữ cùng tồn tại, giao tiếp và có cảm giác liên đới với nhau. Chuyên môn hoá dẫn đến sự thiếu vắng mối cảm thông xã hội, đến việc phân chia con người vào những khu biệt cư (ghetto) của các kỹ thuật viên và chuyên viên. Sụ chuyên môn hoá kiến thức đòi hỏi những thứ ngôn ngữ chuyên môn hoá và những loại mã tự càng ngày càng có tính chuyên ngành, vì thông tin càng ngày càng trở thành chuyên biệt và khu biệt hoá. Đây là tình trạng đặc dị hoá và phân cách hoá mà một câu cách ngôn ngày xưa đã cảnh báo chúng ta: đừng quá chú mục vào cành hay lá mà quên chúng là bộ phận của cây; hoặc quá chú mục vào cây mà quên chúng là bộ phận của rừng. Ý thức về sự hiện hữu của rừng tạo nên cảm giác về tính khái quát, cảm giác về sự tuỳ thuộc, vốn là điều kiện nối kết xã hội lại với nhau và ngăn ngừa cho nó khỏi bị phân tán thành hằng hà sa số những sự cá biệt mang tính tự kỷ. Tính tự kỷ của quốc gia cũng như của cá nhân tạo nên bệnh hoang tưởng và sự cuồng sảng, bóp méo hiện thực, từ đó làm nảy ra ra sự thù hận, chiến tranh và ngay cả hoạ diệt chủng.
Trong thời đại của chúng ta hiện nay, khoa học và kỹ thuật không thể đóng một vai trò nhất quán, chỉ vì sự phong phú vô tận của kiến thức cũng như tốc độ tiến hoá của nó đã dẫn đến sự chuyên môn hoá và những điều khó hiểu của nó. Nhưng văn chương đã, đang và, cho đến chừng nào nó còn tồn tại, sẽ tiếp tục là một trong những mẫu số chung của kinh nghiệm nhân sinh qua đó loài người có thể nhận biết chính họ và có thể tương thoại với nhau, bất kể những khác biệt đến đâu chăng nữa về nghề nghiệp, về những dự định trong đời sống, về trú xứ địa lý và văn hoá, về hoàn cảnh riêng tư của từng người. Nó đã giúp cho các cá nhân, với tất cả những nét cá biệt của cuộc sống của họ, vượt qua lịch sử: với tư cách là độc giả của Cervantes, Shakespeare, Dante và Tolstoy, chúng ta hiểu nhau xuyên qua không gian và thời gian, và chúng ta cảm thấy chính mình là thành viên của cùng một chủng loại, bởi vì, qua những tác phẩm mà các nhà văn này đã sáng tạo, chúng ta học được điều gì chúng ta cùng chia sẻ với nhau như những con người, điều gì vẫn còn là đại đồng giữa tất cả chúng ta bên dưới cơ man những tiểu dị đã phân hoá chúng ta. Không có gì bảo vệ một con người tốt hơn trước sự ngu xuẩn của thành kiến, sự kỳ thị chủng tộc, óc bè phái trong tôn giáo và chính trị, và chủ nghĩa dân tộc độc tôn, cho bằng cái sự thật từng hiển lộ bất biến trong những tác phẩm văn chương lớn: rằng con người, nam cũng như nữ, thuộc mọi quốc gia và xứ sở, đều nhất thiết bình đẳng với nhau, và chỉ có sự bất công mới gieo rắc trong họ mầm mống của óc kỳ thị, nỗi sợ hãi và sự bóc lột.
Không có gì tốt hơn văn chương để dạy cho chúng ta thấy, giữa những sự dị biệt về sắc tộc và văn hoá, sự giàu có của di sản nhân loại, và biết quý trọng những sự dị biệt này như một thực chứng của sự sáng tạo đa diện của nhân loại. Đọc những áng văn chương hay là một kinh nghiệm lạc thú, dĩ nhiên; nhưng đó cũng còn là một kinh nghiệm để tìm hiểu chúng ta là gì và như thế nào, trong sự nguyên vẹn cũng như sự bất toàn của con người, với những hành động, những giấc mơ và những bóng ma của chúng ta, riêng lẻ cũng như trong những mối quan hệ nối liền chúng ta với kẻ khác, trong hình ảnh công cộng cũng như trong những góc khuất bí ẩn của ý thức chúng ta.
Cái tổng thể phức tạp của những sự thật đầy nghịch lý này — theo cách nói của Isaiah Berlin — đã làm nên chính bản chất của điều kiện nhân sinh. Trong thế giới ngày nay, cái kiến thức quán triệt và sinh động này về con người chỉ có thể được tìm thấy trong văn chương. Thậm chí không có bất cứ ngành nhân văn nào khác — kể cả triết học, lịch sử hay các bộ môn nghệ thuật, và chắc chắn không phải các bộ môn khoa học xã hội — có thể có được cái kiến quan nhất quán này, cái diễn ngôn phổ quát này. Ngay cả các ngành nhân văn cũng phải chịu thúc thủ trước sự phân hoá và vi phân hoá hiểm nghèo của kiến thức, tự cô lập trong những nhánh tri thức mang tính kỹ thuật càng ngày càng trở nên manh mún, ở đó, ý tưởng và từ vựng vượt ra ngoài tầm với của con người bình thường.
Một số phê bình gia và lý thuyết gia thậm chí còn muốn biến văn chương thành một khoa học. Nhưng điều đó sẽ không bao giờ xảy ra bởi tác phẩm hư cấu không hiện hữu để chỉ tra vấn một giới vực đơn lẻ của kinh nghiệm. Nó hiện hữu để làm phong phú cái tổng thể của cuộc nhân sinh xuyên qua sự tưởng tượng, một cái tổng thể không thể bị chia cắt, tháo rời, hay giảm thiểu thành một chuỗi những sơ đồ hay công thức mà không bị biến mất. Đó chính là ý nghĩa của cái kiến quan của Proust rằng “cuộc nhân sinh thực sự, mà cuối cùng sẽ được hiển lộ, cuộc nhân sinh duy nhất được sống một cách trọn vẹn, là văn chương.” Nói thế, không phải là ông đang phóng đại và cũng không phải là ông chỉ đang diễn tả tình yêu đối với nghiệp văn của chính mình. Ông đang xiển dương cái dự kiến đặc thù rằng, nhờ văn chương, cuộc nhân sinh sẽ được hiểu rõ hơn và được sống tốt hơn, và rằng để sống cuộc nhân sinh một cách trọn vẹn hơn người ta cần phải sống nó và chia sẻ nó với những kẻ khác.
Mối tương giao thân ái mà văn chương thiết lập giữa người và người, thúc đẩy họ đối thoại với nhau và làm cho họ có ý thức về một nguồn gốc chung và một mục tiêu chung, là mối tương giao vượt qua mọi giới hạn mang tính thời gian. Văn chương đưa chúng ta trở lại quá khứ và nối liền chúng ta với những con người của những thời đại đã qua, những con người đã đặt ra những câu chuyện, đã thưởng thức và đã mơ mộng qua những văn bản truyền lại cho chúng ta, những văn bản hôm nay cho phép chúng ta cũng thưởng thức và mơ mộng như thế. Cái cảm nhận mình là thành viên trong kinh nghiệm nhân sinh tập thể vượt qua thời gian và không gian này là thành tựu lớn nhất của văn hoá, và không có gì đóng góp nhiều hơn vào việc phục hồi nó trong từng thế hệ cho bằng văn chương.
Borges luôn luôn cảm thấy bực mình khi bị hỏi: “Văn chương dùng để làm gì?” Dường như ông cảm thấy đó là một câu hỏi ngu xuẩn; với câu hỏi đó, ông chỉ muốn trả lời: “Chẳng có ai lại hỏi tiếng hót của chim hoàng yến hay cảnh hoàng hôn tuyệt đẹp để làm gì.” Nếu những cái đẹp như thế hiện hữu, và nếu, nhờ chúng, cuộc sống bớt xấu và bớt buồn đi, dù chỉ trong một thoáng, thì việc tìm kiếm những lý do thực tế để biện giải cho nó không phải là quá đỗi nhảm nhí sao? Nhưng cái câu hỏi ấy dù sao cũng là một câu hỏi hay. Bởi vì tiểu thuyết và thơ không giống với tiếng chim hót hay cảnh mặt trời lặn xuống chân mây; bởi vì chúng không được tạo ra một cách tình cờ hay tự nhiên. Chúng là những sáng tạo của con người, và bởi vậy, người ta có quyền hỏi tại sao chúng được sáng tạo, chúng được sáng tạo như thế nào, mục đích của chúng là gì và tại sao chúng lại tồn tại lâu đến như vậy.
Các tác phẩm văn chương được sinh ra, như những bóng ma vô hình tướng, trong đáy sâu ý thức của nhà văn, được phóng chiếu vào đó bởi sức mạnh tổng hợp của vô thức, và sự mẫn cảm của nhà văn trước thế giới chung quanh, và những cảm xúc của hắn; và chính từ tất cả những điều này, qua cuộc đấu tranh với chữ nghĩa, nhà thơ hay người kể chuyện dần dần tạo ra hình thức, thể mạo [của tác phẩm], sự chuyển động, tiết tấu, hoà điệu, và cuộc sống. Một cuộc sống hư tạo, dĩ nhiên, một cuộc sống được tưởng tượng ra, một cuộc sống được làm bằng ngôn ngữ — tuy vậy người ta vẫn tìm kiếm cuộc sống hư tạo này, có người thường xuyên tìm kiếm, có người thỉnh thoảng, bởi vì cuộc sống thực thì thiếu thốn đối với họ, và cũng không có khả năng ban phát cho họ những gì họ mong muốn. Văn chương không bắt đầu hiện hữu qua tác phẩm của một cá nhân riêng lẻ. Nó chỉ hiện hữu khi nó được người khác đón nhận và khi nó trở thành một phần của cuộc sống xã hội — khi nó, nhờ việc đọc, trở thành một kinh nghiệm được chia sẻ.
Một trong những hiệu quả lợi ích đầu tiên của văn chương diễn ra ở cấp độ ngôn ngữ. Một cộng đồng không có một nền văn chương bằng chữ viết thì sẽ tự diễn đạt ít chính xác hơn, ít phong phú về sắc độ tình cảm hơn, và cũng ít minh bạch hơn so với một cộng đồng nơi mà công cụ thông tri chính, tức là chữ viết, đã được trau dồi và được hoàn thiện qua các văn bản văn chương. Một nhân loại không đọc, không được văn chương chạm đến, thì giống như một cộng đồng mù điếc và mắc bệnh vong ngữ, phải chịu đựng những khó khăn to lớn trong việc thông tri do cái ngôn ngữ thô thiển của nó gây ra. Điều này cũng đúng cả với từng cá nhân nữa. Một người không đọc, hoặc đọc ít, hoặc chỉ đọc những thứ rơm rác, là một kẻ thiểu năng: hắn có thể nói rất nhiều nhưng chẳng phát biểu được bao nhiêu, bởi từ vựng của hắn thiếu thốn phương tiện để tự diễn tả.
Đây không chỉ là một sự hạn chế về ngôn ngữ. Nó còn thể hiện một hạn chế trong tri thức và trong sự tưởng tượng. Nó là sự nghèo nàn về tư tưởng, vì lý do đơn giản là những ý tưởng, những khái niệm mà xuyên qua đó chúng ta nắm bắt được những bí ẩn của điều kiện nhân sinh, không thể tồn tại bên ngoài ngôn từ. Chúng ta học cách nói một cách chính xác — và sâu sắc, mạnh mẽ, tinh tế — từ những áng văn chương hay, và chỉ từ những áng văn chương hay mà thôi. Không có bất cứ chuyên ngành hay bộ môn nghệ thuật nào khác có thể thay thế văn chương trong việc thủ tác thứ ngôn ngữ mà con người cần để thông tri. Phát ngôn trôi chảy, sở hữu và tuỳ nghi sử dụng một ngôn ngữ phong phú và sinh động, có khả năng tìm ra lối diễn tả thích nghi cho mọi ý tưởng và mọi cảm xúc mà ta muốn truyền đạt, tức là được chuẩn bị tốt hơn để suy nghĩ, để giảng dạy, để học hỏi, để đàm thoại, và cũng để tự do tưởng tượng, để mơ mộng, để cảm nhận. Một cách kín đáo, chữ nghĩa vọng âm trong mọi hành động của chúng ta, kể cả những hành động ngỡ như không dính líu gì đến ngôn ngữ. Và khi ngôn ngữ phát triển, nhờ văn chương, và đạt đến cao độ của sự tinh xảo và phong cách, nó làm gia tăng khả năng thưởng thức của con người.
Văn chương thậm chí còn ban cho tình yêu, dục vọng và cả hành động tính giao cái phẩm cách của sự sáng tạo nghệ thuật. Không có văn chương, ngôn ngữ nhục cảm sẽ không hiện hữu. Tình yêu và lạc thú sẽ nghèo nàn hơn, chúng sẽ thiếu hẳn sự tao nhã và tinh tế, chúng sẽ không thể đạt tới độ mãnh liệt mà sự phóng tưởng trong văn chương mang lại. Không phải là cường điệu khi nói rằng một cặp tình nhân đã từng đọc Garcilaso, Petrarch, Gongora hay Baudelaire sẽ đánh giá lạc thú và nghiệm sinh lạc thú cao hơn những người mù chữ đã bị những tập phim tình cảm xã hội trên truyền hình biến thành những kẻ ngớ ngẩn. Trong một thế giới mù chữ, tình yêu và dục vọng sẽ không khác gì những thứ làm thoả mãn thú tính, chúng cũng không vượt qua khỏi sự thoả mãn thô lậu của những bản năng sơ khai.
Phần nhận xét hiển thị trên trang