Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 10 tháng 9, 2014

Về Triển lãm CCRĐ đang diễn ra ở Hà Nội .


Calathau : Ở xa, đọc báo thấy đưa tin HN vừa tổ chức Triển lãm về Cải cách ruộng đất. Mình băn khoăn suốt đêm không ngủ, nghĩ, sao mấy cha tuyên giáo kém cỏi đến vậy ! Tự nhiên khơi lại "Nhát dao CCRĐ chém vào cơ thể nhân dân chưa kịp lành da non" đã bị người ta khơi ra . Không phải để băng bó lại, mà khoáy thêm vào nỗi đau của hàng triệu con người... Tôi giật mình nhớ mới tháng trước bạn Ngô Hoàng Hà, trước khi sang Úc với con cháu đã kể lại ông nội , rồi cả cha mẹ bạn ( cụ Ngô Đức Mậu) đã bị "ĐỘI" đưa ra đấu tố như thế nào, suýt nhận án tử hình như thế nào, nếu như lệnh của TW từ Việt Bắc chỉ vào chậm đúng 01 ngày ! Trong chúng ta- Những đứa trẻ được coi là "hạt giống đỏ của CM" đã có bao gia đình là đối tượng của CCRĐ ? Tôi dám chắc Ngô Hoàng Hà và các bạn ấy sẽ rùng mình ớn lạnh khi bước chân vào cái phòng triển lãm " quái đản " này ! Nghĩ miên man, bất chợt thấy trên mạng ý kiến của nhà văn Nguyễn Quang Vinh ( Trưởng thôn Khoai Lang), sao mà hợp với suy nghĩ của mình thế, vội tải lên đây để các cụ cùng chia sẻ. Không biết tôi có đánh giá quá thấp về trí tuệ của các vị lãnh đạo Bạn Tuyên giáo TW , Bộ 4 T ...không ?
Nguyễn Quang Vinh viết :
Tôi không mấy tin tưởng về hiệu quả của cuộc triển lãm cải cách ruộng đất đang diễn ra ở Hà Nội vì mục đích của nó, rằng, để cho người dân biết được cuộc sống thay đổi phơi phới trước và sau CCRĐ a? Rằng, để người dân thấy chênh lệch cuộc sống giữa địa chủ và nông dân a? Rằng, đó là cuộc cách mạng a?
Với Cải cách ruộng đất, muốn triển lãm, vấn đề số 1 và cần nhất là thân phận những con người, thân phận thực sự, đau đớn thực sự, oan khuất thực sự, né đi chuyện này thì triển lãm chả để làm gì.

Hiện nay, vẫn còn bao nhiêu gia đình giữ mãi sợi dây treo cổ cha mình, ông mình vì quy sai, oan trái, đắng cay....đã nói phải nói ra hết....Nếu ngại thì tiếp tục giấu nhẹm nó đi, đừng ương ương dở dở....

Thân phận đó chí ít cũng đã hiện hữu một phần trong tiểu thuyết BA NGƯỜI KHÁC của Tô Hoài, trong BẾN KHÔNG CHỒNG của Dương Hướng...Thời này rồi vẫn còn tuyên truyền một bề thế này hỏi sao người ta tin?
Đã không nói tới thì thôi,đã nói phải nói cho hết, đó là một giai đoạn cay đắng nhất, khốn nạn nhất, bẩn thỉu nhất, lú lẫn nhất mà lịch sử của dân tộc không bao giờ quên, không bao giờ quên hình ảnh nhà tư sản Nguyễn Thị Năm cống hiến vô cùng lớn tiền vàng cho cách mạng để rồi lại quy sai, lại bắn chết, để 34 năm sau mới chịu sửa sai, trả lại thành phần. Và đây nữa, Theo sách Lịch sử kinh tế Việt Nam 1945-2000 tập 2, viết về giai đoạn 1955-1975, xuất bản tại Hà Nội năm 2004, cho biết cuộc CCRĐ đợt 5 (1955-1956) được thực hiện ở 3,563 xã, có khoảng 10 triệu dân, và tổng số người bị sát hại trong CCRĐ đợt nầy lên đến 172,008 người, trong đó có 123, 266 người (71,66%) sau nầy được xác nhận đã bị giết oan.
TỔNG SỐ NHỮNG NGƯỜI BỊ CHÔN SỐNG HOẶC BỊ ĐẬP ĐẦU, NÉM ĐÁ CHO ĐẾN CHẾT:
-Địa chủ cường hào: 26,453 người
-Địa chủ thường: 82,777
-Địa chủ có tham gia Việt Minh kháng chiến: 586
-Phú nông 62,192
TỔNG CỘNG SỐ NGƯỜI CHẾT LÀ 172,008

Xem báo Thanh Niên tại đây

Phần nhận xét hiển thị trên trang

TRIỀU TIÊN VỚI CHIẾN DỊCH " PHI TRUNG QUỐC HÓA "

Dư luận các nước kể cả Trung Quốc cho rằng hai chữ “Trung Quốc” ngày càng mờ nhạt trên cơ quan truyền thông, báo chí cũng như tuyên truyền dư luận ở Triều Tiên. Lãnh đạo Triều Tiên đang cố gắng gạt bỏ hai chữ “Trung Quốc” trong dân chúng cho dù tình hữu nghị hai nước trước đây được coi như “Chiến hữu cùng chiến hào” và “Được xây dựng bằng máu”. 
Số liệu của Trung Quốc cho biết trong cuộc Chiến tranh “Chống Mỹ viện Triều” Thập kỷ 50 (1950 -1953) Thế kỷ 20, Trung Quốc đã đưa chừng 600.000 – 700.000 quân sang giúp Triều Tiên và có trên 180.000 người hy sinh ở Triều Tiên. Sau Chiến tranh kết thúc tới nay, Trung Quốc là nước đỡ đầu với viện trợ lớn nhất về vật chất cho Triều Tiên. Nhưng do lợi ích của mỗi nước khác nhau, Trung Quốc giờ đây không còn ưu ái như trước, thậm chí thời gian qua đã cắt giảm rất lớn viện trợ kinh tế, thậm chí 6 tháng liền không cung cấp xăng dầu cho Triều Tiên. Triều Tiên không vì thế mà cúi đầu, trái lại kiên cường chống lại sức ép về mọi mặt của Trung Quốc.
Kang Sok Ju với chiến dịch phi TQ hóa
Hàng năm vào ngày 27/7, Triều Tiên thường tổ chức long trọng Lễ kỉ niệm kết thúc Chiến tranh qua Hiệp định đình chiến được các bên ký ngày 27/7/1953. Trước đây, theo truyền thống, Bắc Triều Tiên chỉ mời “Đồng minh chiến lược” là Trung Quốc, nhưng năm 2013 đã mời cả hai nước Trung Quốc và Mỹ cùng đại biểu các nước khác, đồng thời không nhắc tới vai trò của Trung Quốc như trước. Trong khi đó phía Trung Quốc khi cử Phó Chủ tịch nước Lý Nguyên Triều sang dự lễ kỉ niệm, cũng gạt bỏ cụm từ “Chống Mỹ viện Triều”.
Năm nay, nhân kỉ niệm 61 năm Hiệp định đình chiến, phía Triều Tiên không mời Trung Quốc và cũng không hề đề cập tới hai chữ “Trung Quốc” trong các Diễn văn cũng như các bài chúc mừng như trước đây. Thâm chí tờ “Rodong Shimbun”- cơ quan phát ngôn của Đảng Lao Động Triều Tiên và Người phát ngôn Ủy ban quốc phòng ngày 26/8/2014 còn có bài bình luận phê phán “Một nước lớn đã không có chính kiến của mình, theo đuôi Mỹ và Hàn Quốc, măc nhiên thừa nhận bạo hành của Mỹ.” Dư luận cho rằng rõ ràng bài này đã phê phán nhằm vào Trung Quốc. Tờ “Nikon Kei zai” của Nhật Bản và Hãng thông tấn Tencente ngày 9/72014 cho rằng quan hệ Trung – Triều hiện nay đang lạnh giá như băng.
Báo chí Triều Tiên ngày 5/9/2014 cho biết ngày 6/9/2014, Phó Thủ tướng Triều Tiên Kang Sok Ju hiện là Trưởng ban đối ngoại của Đảng và Ngoại trưởng Lee Zhu Jong dãn đầu Đoàn đại biểu mở đầu chuyến thăm 4 nước Châu Âu là Đức, Bỉ, Thụy Sĩ, Italia và Mông Cổ để giải thích chính sách đối ngoại của Triều Tiên. Tờ “Kinh tế quốc tế” của Trung Quốc ngày 7/9/2014 cho rằng đây là hoạt động ngoại giao hiếm thấy của Triều Tiên từ trước tới nay, nhất là ông Kang Sok Ju mới lên chức từ tháng 4/2014 và đây là hoạt động ngoại giao đầu tiên của ông.
Tờ “Kinh tế quốc tế” của Trung Quốc còn dẫn nguồn tin nước ngoài cho biết, sau chiến dịch ngoại giao hướng sang Tây Âu, Triều Tiên sẽ cử ông Kang Sok Ju thăm Nhật Bản và Mỹ, nối lại 15 năm gián đoạn quan hệ ngoại giao với Mỹ. Vừa qua, một sự kiện đáng lưu ý là lãnh đạo Triều Tiên chủ động mời và trả lời hãng tin Mỹ CNN, đồng thời thông báo Triều Tiên đã trả tự do cho ba con tin Mỹ và sẽ cử Đoàn thăm Mỹ trong năm nay. Đồng thời, phía  Bắc Triều Tiên đã chủ động tiếp xúc với Hàn Quốc thông qua cử Đoàn đại biểu tham dự Đại hội thể dục thể thao của Hàn Quốc tại In Chon.

Cảnh sát Trung Quốc xây tường rào gần cột mốc bê tông vẽ cờ Trung Quốc và Triều Tiên với dòng chữ “Biên giới Trung Quốc - Triều Tiên”. Ảnh: AP
Mạng tin “Đa chiều” ngày 8/9/2014 cho biết vừa qua, Bắc Triều Tiên đã cử Đại sứ mới là Kim Huyng Jun sang Nga. Trong cuộc gặp gỡ sau Lễ trình quốc thư, phía Nga xác nhận, sẽ cử ông Torshin, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Liên bang Nga sang thăm Bắc Triều Tiên để thảo luận vấn đề hạt nhân bán đảo Triều Tiên với Chủ tịch Hội đồng tối cao Triều Tiên Choe Tae Bok.
“Đàm phán 6 bên” là vấn đề nhạy cảm về phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên do Trung Quốc chủ trì từ năm 2003. Tới năm 2005 Đàm phán này có bước tiến đáng kể như các bên đã ký “Tuyên bố chung ngày  19/9/2005” coi đó là cơ sở cho các cuộc đàm phán iếp theo, nhưng sau đó cuộc Đàm phán 6 bên rơi vào bế tắc. Mỹ và các nước đều cho rằng Trung Quốc có vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy và khởi động lại Đàm phán 6 bên.
Nhưng quan hệ hai nước Triều – Trung xấu đi nghiêm trọng thời gian qua, nên Triều Tiên đã mở “Chiến dịch phi Trung Quốc hóa”. Trong khi phía Bắc Triều Tiên đã chủ động cử Đoàn đại biểu đi thăm và mở quan hệ ngoại giao với 4 bên là “Nga, Nhật, Mỹ, Hàn” nhưng đã phớt lờ Trung Quốc, một bên chủ yếu của “Đàm phán 6 bên”. Chiến dịch phi Trung Quốc này đã làm cho Trung Quốc bẽ mặt. Dư luận các nước cho rằng “Đàm phán 6 bên” thời gian tới sẽ ra sao, liệu có tiếp tục không và nếu có thì vai trò của Trung Quốc sẽ ra sao, bởi lẽ Triều Tiên không còn tin tưởng, thậm chí xa lánh và tẩy chay Trung Quốc.
Thời gian tới, Trung Quốc sẽ áp dụng biện pháp đối phó ra sao đối với “Chiến dịch phi Trung Quốc  hóa” của Triều Tiên. Đó là câu hỏi mà dư luận đang hết sức lưu ý./.
Kiều Tỉnh
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Ba, 9 tháng 9, 2014

Và cuối cùng là tuyệt vọng!

Tất cả đều Tuyệt Vời và Tuyệt Mật
Alan Phan - trong mấy ngày vừa qua, báo chí có loan tin về một nghị quyết hay quy luật gì đó là các văn kiện, hồ sơ, thảo luận…của Ban Kinh Tế phải đóng dấu “tuyệt mật” “tối mật” (có lẽ gần như các bí mật quốc phòng) (2). Ngoài những thâm cung bí sử và số liệu mù mờ về các công ty đang chào bán trên sàn chứng khoán (nhất là vài DNNN), chánh phủ đang yêu cầu những nhà đầu tư nước ngoài hãy tin tưởng vào những “bí mật kinh tế” mà đất nước này chưa tiện nói ra.
Chúng ta cứ tưởng tượng một du khách đến một thành phố lạ được một cô gái dụ về phòng. “Em sẽ cho anh những giây phút tuyệt vời nhất trong đời, nhưng anh phải để em trói tay chân và bịt mắt anh lại trên giường này”. Tôi tin là một người dù ngu đến đâu cũng lo ôm quần mà chạy.


Về thị trường chứng khoán: Hãy nói cho tôi nghe bí mật của bạn và tôi sẽ chia sẻ lời dối trá của tôi – Tell me your secrets and I’ll tell you my lies – Jeffree Star)


Nhu cầu khách hàng

Trong một nghiên khảo năm 2008, tôi kết toán tất cả 89 yếu tố ảnh hưởng đến quyết định của nhóm quản lý quỹ đầu tư trong việc mua bán chứng khoán trên thị trường Trung Quốc (1). Những yếu tố thông thường gần như ứng dụng cho khắp toàn cầu cũng là những quan tâm chính yếu:

- tính thanh khoản của thị trường

- tầm cỡ của công ty và của quỹ

- mục tiêu chiến lược của quỹ

- chất lượng tăng trưởng vĩ mô và vi mô

- minh bạch và trung thực của quản lý và kế toán công ty

- giá mua vào, thuế và chi phí bảo quản

- thủ tục pháp lý khi exit và vấn đề hoán chuyển tiền tệ

- phân tích kỹ thuật (trending & herding) và nhận định thị trường của chuyên gia

- phân tích căn bản về sản phẩm, công nghệ, tài chánh và SWOT của công ty

Tóm lại, không kể những nhà đầu tư mạo hiểm, nhẩy vào thị trường để lướt sóng, đánh mau rút lẹ; các quỹ đầu tư hay các nhà đầu tư cá nhân lớn và nghiêm túc đều theo đuổi những quy luật thông dụng này khi mua bán chứng khoán.

Những lựa chọn

Trên thế giới có 427 sàn chứng khoán và 630,210 mã cổ phiếu để lựa chọn. Tổng số vốn hóa của tất cả cổ phiếu toàn cầu là 78 ngàn tỷ đô la, chưa tính đến trái phiếu. Vốn hóa của 2 sàn chứng khoán Việt Nam là 52 tỷ đô la tượng trưng cho 0.6% của mọi sân chơi. Với GDP khoảng 160 tỷ đô la (số liệu từ Bộ Tài Chánh, 6/2014), dòng tiền cho chứng khóan Việt Nam vẫn còn nhiều room để tăng trưởng.

Tuy nhiên, câu hỏi cho Việt Nam là chúng ta đáp ứng được bao nhiêu điều kiện trên của những nhà đầu tư có lựa chọn (nhà đầu tư trong nước nhiều khi không được tự do này). Trong nền kinh tế thị trường, khách hàng là Thượng Đế và nguyên lý đầu tiên của chương trình tiếp thị là biết khách hàng muốn gì, cần gì và được thỏa mãn như thế nào. Nhìn lại các đòi hỏi căn bản nêu trên, chúng ta dễ dàng nhận biết những rào cản nào đang ngăn chận dòng tiền đầu tư chứng khoán  vào Việt Nam.

Yếu tố đặc thù của Trung Quốc

Ngoài những đòi hỏi căn bản nêu trên, các quản lý quỹ đầu tư thế giới còn lưu tâm đến 3 yếu tố đặc thù khác liên quan đến chứng khoán Trung Quốc:

1. Quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ:

Quan hệ này không những được cứu xét về mặt tài chánh, chính trị…mà còn về quân sự, xã hội. Khi sự cố Thiên An Môn xẩy ra, phần lớn những nhà đầu tư nước ngoài đã rút tiền khỏi sàn chứng khoán Trung Quốc vì Mỹ gần như đông lạnh mọi hoạt động tương quan với Trung Quốc. Không phải các nhà tư bản Mỹ lo lắng cho nhân quyền của dân Tàu, mà lo biến cố có thể leo thang, quan hệ xấu đi, gây hại cho túi tiền (như đang xẩy ra ở Ukraine). Vì Mỹ là đầu tàu của khối tư bản, quyết định của Mỹ gần như được sự đồng thuận của châu Âu, Nhật, Úc, Hàn Quốc, Singapore…

Mặc cho những ồn ào về siêu cường mới (Trung Quốc) hay cũ (Nga), tư bản đỏ vẫn tùy thuộc rất nhiều vào bọn tư bản giẫy chết của thời chiến tranh lạnh.

2. Định hướng kinh tế và những cải cách:

Nội tình Trung Quốc luôn luôn có tranh chấp như Mỹ luôn có hai đảng tranh dành phần thắng. Đôi khi ngấm ngầm, đôi khi lộ liễu (như trận chiến giữa phe Tập Cận Bình và Giang Trạch Dân hiện nay). Tuy chỉ vì quyền lực, với tài sản theo sau, nhưng phe nào cũng phải “tuyên giáo” chút đỉnh về chủ nghĩa hay chánh sách công (không khác gì Cộng Hòa và Dân Chủ của Mỹ). Khi đã tuyên giáo thì phải có thay đổi về luật lệ, nhân sự…để giữ chút “lời hứa!!”.

Các nhà tư bản phương Tây rất bén nhậy về những định hướng thay đổi này và phải sẵn sàng điều chỉnh trương mục (portfolio) theo tình thế. Với áp lực từ tư bản Âu Mỹ, chính phủ Trung Quốc đã minh bạch hơn với số liệu cũng như vấn nạn của nền kinh tế Trung Quốc, đặc biệt là thị trường tài chánh. Dù chưa đủ tự tin để thả nổi “nhân dân tệ”, Trung Quốc đã tháo mở rất nhiều rào cản và thông tin tài chánh để giữ chân dòng tiền đầu tư của thế giới.

3. Chỉ số tham nhũng:

Có 2 hệ quả trái ngược nhau từ chỉ số tham nhũng tại Trung Quốc. Sự gia tăng nạn “phong bì” sẽ tạo thêm chi phí sản xuất và tăng giá thành khiến hàng Trung Quốc mất lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên, tăng tham nhũng cũng là tăng lượng tiền đổ vào chứng khoán (hình thức rửa tiền khá thông dụng với quan chức) nên sẽ tăng tính thanh khoản cho thị trường.

Tùy suy nghĩ và ý thích cá nhân, những quỹ đầu tư quốc tế luôn nhậy cảm với vấn đề này.

$$$$$$$

Quay lại Việt Nam, tôi tin rằng thanh khoản trên thị trường chứng khoán sẽ không cải thiện nhiều cho đến khi dòng tiền đầu tư “nghiêm túc” của quốc tế đổ vào Việt Nam. Muốn thực hiện điều này, chúng ta chỉ theo sát nhu cầu và đòi hỏi của khách hàng như tôi đã nêu ra trong các điều kiện căn bản và những lưu tâm đặc thù không khác nhiều với chứng khoán Trung Quốc.

Tuy nhiên, trong mấy ngày vừa qua, báo chí có loan tin về một nghị quyết hay quy luật gì đó là các văn kiện, hồ sơ, thảo luận…của Ban Kinh Tế phải đóng dấu “tuyệt mật” “tối mật” (có lẽ gần như các bí mật quốc phòng) (2). Ngoài những thâm cung bí sử và số liệu mù mờ về các công ty đang chào bán trên sàn chứng khoán (nhất là vài DNNN), chánh phủ đang yêu cầu những nhà đầu tư nước ngoài hãy tin tưởng vào những “bí mật kinh tế” mà đất nước này chưa tiện nói ra.

Chúng ta cứ tưởng tượng một du khách đến một thành phố lạ được một cô gái dụ về phòng. “Em sẽ cho anh những giây phút tuyệt vời nhất trong đời, nhưng anh phải để em trói tay chân và bịt mắt anh lại trên giường này”. Tôi tin là một người dù ngu đến đâu cũng lo ôm quần mà chạy.

Alan Phan

(1)   Hedge Funds & China’s Stock Market
Link:http://www.amazon.com/HEDGE-FUNDS-CHINAS-STOCK-MARKET/dp/3838315340/ref=sr_1_4?s=books&ie=UTF8&qid=1400864319&sr=1-4&keywords=alan+phan
(2)   http://motthegioi.vn/tieu-diem/nhieu-tai-lieu-y-kien-cua-ban-kinh-te-tu-la-tuyet-mat-toi-mat-100813.html

(Blog Alan Phan)


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Khổ thân đất nước tôi!

Việt Nam trong mắt Lý Quang Diệu
Cao Huy Huân - Trong thế kỷ 21, có những điều mà trong thế kỷ trước không ai nghĩ rằng sẽ có nhiều thay đổi đến vậy. Giờ phút này, một công dân trẻ như tôi ngồi đây, viết những dòng chữ này thì đất nước Việt Nam, nơi tôi đang sống, làm tôi thất vọng về trình độ phát triển. Sáng nay tôi được đọc một bản nói rằng năng suất lao động của người Việt chỉ bằng 1/5 của người Malaysia, 2/5 của người Thái Lan và tệ hơn, chỉ bằng 1/15 của người Singapore.
Singapore, một đất nước nhỏ bé về diện tích, đang ám ảnh những công dân Việt Nam ở thế kỷ 21 này. Những khu dân cư, những trung tâm thương mại, những thành phố mới được xây dựng… tất cả đều được “ăn theo” mô hình và kỹ thuật của Singapore. Nhưng tại sao lại là Singapore? Chẳng phải những mô hình, những kỹ thuật đó Singapore cũng đã học tập từ những quốc gia phương Tây tiên tiến hay sao? Tại sao từ một làng chài kém phát triển trên bán đảo Malay, Singapore đã phát triển thành một quốc gia đứng thứ 2 ở châu Á về mức sống? Câu trả lời có thể dẫn đến nhiều nguyên nhân, nhưng căn nguyên nhất vẫn là yếu tố con người.

Lý Quang Diệu, nhân vật đã thay đổi và biến làng chài nhỏ bị dịch bệnh triền miên trở thành đất nước có nền kinh tế phát triển hàng đầu của châu Á. Singapore là nơi mà những kiến trúc hiện đại cùng chung sống với thiên nhiên chan hòa, nơi cả thế giới ngưỡng mộ về chuẩn mực môi trường xanh sạch, nơi có làn sóng di dân ngược từ châu Âu sang châu Á. Nhưng trong những ngày đầu lập nước vào thập niên 60 thế kỉ trước, Lý Quang Diệu, thủ tướng đầu tiên của Singapore, đã từng nói “hy vọng là một lúc nào đó Singapore sẽ phát triển giống như Sài Gòn”. Thật đáng kinh ngạc khi có một thời chính nhà lãnh đạo của Singapore đã mơ tưởng và bị ám ảnh về sự phát triển của Sài Gòn.

Còn bây giờ thì sao? Sau hơn 30 năm, chính người Việt Nam đang thèm thuồng được như Singapore ngày nay. Sau khi Mỹ rút khỏi miền nam Việt Nam, chính Lý Quang Diệu, người từng có tuổi thơ sinh sống tại Biên Hòa, đã nắm ngay lấy cơ hội đó để biến thời cuộc thành lợi ích cho Singapore. Sau năm 1975, tất nhiên Mỹ và phương Tây đóng cửa với Việt Nam, mọi giao thương với châu Á đều dành cho đồng minh của họ. Singapore được Lý Quang Diệu phát triển thành cảng trung chuyển đường biển lớn nhất tại khu vực. Và đúng theo quy luật về thương mại - kinh tế, Singapore được thừa hưởng những đặc quyền của một cảng biển lớn, một cửa ngõ hướng vào Đông Nam Á và cả châu Á.

Lý Quang Diệu cho rằng, cuộc chiến tranh giữa Việt Nam và Mỹ là tiền đề quan trọng cho sự phát triển của những nước phi Cộng sản ở châu Á. Rõ ràng là trước khi tuyên bố như thế, Lý Quang Diệu đã nhanh chóng nắm lấy cái “tiền đề quan trọng” đó để biến Singapore từ một quốc gia non trẻ kém phát triển thành một đất nước giàu có. Lý Quang Diệu nhận định rằng, sau khi Mỹ rút khỏi miền nam Việt Nam, lập tức những đồng minh của Mỹ ở châu Á tranh thủ thời cơ để trở thành 4 con rồng châu Á, và sau này có thêm sự xuất hiện của 4 con hổ Đông Nam Á. Bốn con rồng được nói đến là Singapore, Nam Triều Tiên, Hong Kong và Đài Loan. Bốn con hổ là Malaysia, Thái Lan, Philippines và Indonesia. Vậy Việt Nam đã biến đi đâu trong bản đồ khu vực? Và lý do gì Việt Nam lại tụt hậu một cách nhanh chóng như vậy?

Lý Quang Diệu từng nói rằng lẽ ra vị trí số một ở châu Á phải là của Việt Nam. Theo ông, vị trí địa lý chiến lược, tài nguyên thiên nhiên phong phú là hai yếu tố hàng đầu có thể đưa Việt Nam trở thành người khổng lồ ở châu Á. Ông cho rằng, đất nước Singapore nhỏ bé với diện tích và dân số chỉ xấp xỉ Sài Gòn, hoàn toàn không có tài nguyên thiên nhiên, chỉ có một ít đất để xây dựng và ngay cả nước sinh hoạt cũng phải nhập từ nước bạn Malaysia, nhưng Singapore đã phát triển trở thành đất nước có GDP cao thứ hai ở châu Á chỉ sau Nhật Bản. Lại nói đến Nhật Bản, Lý Quang Diệu cũng chỉ ra những bất lợi của quốc gia này, đó là một quốc gia bại trận sau Chiến tranh thế giới thứ hai, không giàu tài nguyên, quanh năm động đất và sóng thần, nhưng chỉ vài năm sau khi chiến tranh kết thúc, Nhật Bản là người khổng lồ châu Á. Lý Quang Diệu cho rằng, sự thành công của một quốc gia bao gồm ba yếu tố: điều kiện tự nhiên (vị trí chiến lược và tài nguyên thiên nhiên), con người và thời cơ. Trong đó, để có yếu tố thời cơ, thì yếu tố con người phải vững và nhanh nhạy. Lý Quang Diệu đánh giá rất cao điều kiện tự nhiên của Việt Nam, nhưng ông không đánh giá cao yếu tố con người trong sự phát triển chậm chạp này. 

Tôi hay đọc các bài viết trong nước ca ngợi sự thông minh, tính cần cù, chịu khó của người Việt. Xin lỗi, tôi không thấy được sự thông minh và cần cù đó. Xin nhắc lại, năng suất làm việc của người Việt Nam chỉ bằng 1/15 của người Singapore, tức là một người Singapore làm việc bằng 15 người Việt Nam. Dân số Singapore là 5 triệu dân, dân số Việt Nam là hơn 90 triệu dân. Vậy tức là năng suất làm việc của 5 triệu dân Singapore chỉ mới bằng 75 triệu dân Việt Nam, thế nhưng GDP của Singapore là gần 300 tỷ USD, trong khi GDP của Việt Nam là khoảng 170 tỷ USD. Đó chỉ là một so sánh chung chung, chưa tính đến dân số ở độ tuổi lao động của hai quốc gia. Một khi yếu tố con người đã yếu kém như thế thì yếu tố cơ hội cũng sẽ chẳng có nhiều.

Lý Quang Diệu tiếc vì Việt Nam không biết trọng dụng người tài, ông nói rằng người tài ở Việt Nam đã định cư ở nước ngoài hết rồi. Tôi đồng tình với quan điểm này của Lý Quang Diệu. Tôi thường nghe nói về cậu bé thần đồng Đỗ Nhật Nam và cũng thường xem các video thi hùng biện tiếng Anh của em. Báo chí và truyền thông Việt Nam cũng hay đề cập đến em, nhưng tuyệt nhiên không thấy có một động thái nào của chính phủ Việt Nam dành cho Đỗ Nhật Nam. Phải chăng đối với chính phủ Việt Nam, cậu bé ấy không phải là nhân tài cần đầu tư và phát triển? Chưa kể là trong một lần phát biểu về truyện tranh, cậu bé ấy đã bị những người lớn Việt Nam công kích, chỉ vì em không thích đọc truyện tranh mà chỉ thích đọc sách khoa học. Thật trớ trêu. Đỗ Nhật Nam chỉ là một trường hợp thần đồng được báo chí ưu ái, nhưng cũng bị chính phủ thờ ơ. Vậy còn những thần đồng thầm lặng khác ở cái đất nước hơn 90 triệu dân này thì sẽ nhận được hỗ trợ gì từ chính phủ? Trong mọi sự phát triển, yếu tố con người luôn tối quan trọng. Thật đáng tiếc.

Nói thế nào đi chăng nữa, Lý Quang Diệu cũng chỉ là người ngoài, không phải người Việt Nam. Thế nhưng những nhận định khách quan của ông cũng đáng để suy ngẫm về sự phát triển của một quốc gia nhiều thuận lợi như Việt Nam. Tôi thường thấy Việt Nam rất tự hào về lực lượng lao động trẻ với giá nhân công rẻ của minh. Tôi cảm thấy đó là một điều đáng xấu hổ. Giá nhân công rẻ chẳng qua là do trình độ, tay nghề kém nên chẳng thể đòi hòi được trả công cao. Gần đây, quốc gia láng giềng với GDP thấp hơn Việt Nam là Campuchia cũng đã tự chế tạo được xe hơi. Ngược lại, khi hãng điện tử Samsung đưa ra danh sách những mặt hàng có thể đặt gia công với các doanh nghiệp Việt Nam thì mới vỡ lẽ là Việt Nam chưa thể sản xuất nổi cái sạc pin, usb và ngay cả vỏ nhựa cho điện thoại di động. Tất nhiên, Việt Nam đã đánh mất cơ hội gia công cho hãng này. Việt Nam còn sẽ đánh mất nhiều cơ hội như thế cả về quy mô và số lượng nếu cứ tiếp tục tự hào với những cái thuộc về quá khứ và không nhận thức được một cách thấu đáo và nghiêm túc rằng mình đang ở đâu trên bản đồ khu vực và thế giới. Lý Quang Diệu nói phải mất 20 năm nữa Việt Nam mới bằng Malaysia, vậy thì 20 năm nữa Malaysia sẽ phát triển ra sao và mãi mãi người Việt Nam sẽ bị ám ảnh bởi sự thua kém của mình hay sao?

Cao Huy Huân
(VOA)
http://www.voatiengviet.com/content/vietnam-trong-mat-ly-quang-dieu/2444008.html

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Đang có một triểm lãm rất lạ bà con ui!

MỘT TÝ VIẾT VỀ CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT.

Bài này của đồng chí TA fb. CỰU
Còn nhớ,quãng năm 196x mỗi lần về quê, bố đứng giữa sân khoát tay chỉ:
- Ngày xưa chỗ đất này ( Bao gồm nhà ba ông bác ruột) xây tường hoa bao quanh cả , nhưng khi cải cách ruộng đất họ đập,lấy gạch chia cho những người khác hết.
Lần khác bố kể:
- Năm cải cách ruộng đất bố ở Điện Biên Phủ về đóng quân ở Hà Nội,(trừ bác cả là du kích bị pháp bắn chết năm 1950) bác hai làm thường vụ tỉnh ủy tỉnh Quảng Ninh, còn bác ba làm tỉnh đội tỉnh Hải Dương, đội cải cách triệu cả ba người về nhưng mỗi bác hai về, họ khai trừ đảng, bắt giam, bắt khai đử thứ, ai không khai họ bắt uống nước trong ống bơ ( cho cứt vào đấy khuấy lên).
Lúc ấy, nghe lời kể lại mà mắt tròn mắt dẹt, mặt xanh đít nhái, nghĩ bụng:
- Cộng sản mà cũng gớm như thế cơ á?
Sau này đọc những câu chuyện có viết về cải cách ruộng đất của Ngô Ngọc Bội, Tô Hoài biết là bố còn chưa kể hết, ngày đấy người ta bảo " Nhất Đội nhì Giời" có lần đến nhà một thằng bạn, ngồi đọc nhờ nó một quyển truyện cũ nhàu nát ố vàng, ngồi xem mấy trang biết được đó là câu chuyện của nhà văn Kim Lân viết về Cải cách ruộng đất có tựa đề " Ông lão Hàng Xóm" chuyện một anh bộ đội đi khánh chiến 9 năm về quê bị đội cải cách vu cho là Quốc dân đảng.
Nhà vợ, trước có bác ruột của vợ làm ở tỉnh ủy tình Bình Trị Thiên ( sau tách tỉnh bác ấy về Huế - Bác ấy mất nhiều năm nay rồi.) cách đây mấy chục năm khi vợ chồng bác ấy ra thăm Hà Nội, bà mẹ vợ rỉ tai con rể:
- Ngày cải cách ruộng đất, bác gái ( là con dâu) đứng lên tố bố chồng.
Mấy ngày bác ấy ở chơi, cháu rể biết vợ chồng bác ấy không có con, nghĩ thầm:
- Chắc là quả báo,vì nghe lời đội hỗn láo với gia đình nhà chồng, nên giời phạt không cho bác gái được có con và làm mẹ cũng nên?
Mấy hôm nay, đọc trên báo thấy các dòng tít " Tư liệu quí thời cải cách ruộng đất 1946-1957 " Họ bảo là để giúp công chúng có dịp hiểu rõ hơn về một thời kỳ lịch sử.( Thời kỳ lịch sử này bây giờ đã được ghi rõ trong sách giáo khoa cho học sinh và sinh viên học và dễ dàng tìm hiểu được qua trang http://vi.wikipedia.org) lại đọc ở đâu đó một bài thơ của nhạc sĩ Văn Cao viết năm 1956 mang nhan đề " Đồng chí của tôi" với dòng mở đầu như sau:
" Người ta các đồng chí của tôi
Treo tôi lên một cái cây..."
Rồi tự nhủ với mình:
- Trưng bày thì cứ trưng bày (chứ cái nhà bần cố nông trong ảnh ấy giờ ai lên Bảo Lâm Cao Bằng, sẽ nhận thấy nhiều người Hmong còn ở trong những ngôi nhà chống huyếnh hệt như thế, còn cái hiện vật nhà địa chủ kia giờ mà so với đồ của Ông Truyền TTCP về hưu thì thấm gì?) Giờ trên các mặt báo họ khua chiêng gõ mõ thật ghê là ghê ,mà xem ra ở đó chưa thấy có điều gì mới mẻ (ngoài những điều vẫn nghe vẫn biết từ ngày xưa) cả ? 

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Nghề báo và ước mơ tan vỡ

Phuong Hoa Le - Chẳng mấy bữa nữa là đánh dấu 20 năm bước chân vào làng báo. Nhớ lúc 13 tuổi, cô ra đề văn, sau này em muốn làm gì - đầu tiên định chọn nghề lái xe, nhưng sau thấy có vẻ không ổn lắm vì lúc đó phụ nữ không ai lái xe cả, thế là chọn nghề phóng viên. Tựu trung thì cái nào cũng phục vụ cho mong muốn đi đây đi đó. Mệnh nó thế rồi, tử vi phán Thân cư Thiên Di, chạy đâu cho thoát. Cho tới giờ, trong tim vẫn cứ có máu lang bạt khắp nơi, tháng nào không chạy khỏi Hà Nội vài ngày thì thấy buồn như con nghiện thiếu thuốc.

Hai mươi năm rồi mà vẫn nhớ cái buổi chiều tối rụt rè bước vào căn biệt thự trên phố Hoàng Diệu, bắt đầu “làm nghề” bằng buổi phỏng vấn Giáo sư thiếu tướng Nguyễn Huy Phan, người tiên phong trong lĩnh vực phẫu thuật thẩm mỹ - tạo hình Việt Nam. Rồi đến bài viết điều tra đầu tiên về một thông tư của ngân hàng, viết mười trang dài cả ba ngàn chữ, sếp đọc xong khen hay lắm, em viết lại còn 800 chữ cho anh, he he. Thế là khởi đầu một cuộc chơi dài mang lại cho mình những trải nghiệm tuyệt vời nhất trong cuộc sống, mà tới giờ nếu cho chọn lại, tôi vẫn chọn nghề này. 

Nghề báo cho cô nàng mới 24 – 25 tuổi những cơ hội gặp và ngang nhiên “vặn hỏi” những người quyền lực nhất Việt Nam, ngồi ăn cùng bàn với Tổng bí thư; phỏng vấn Chủ tịch nước; chui cổng sau lẻn qua thư ký, bắt cóc một ngài Bộ trưởng để tán phét về tennis, sau đó moi được danh sách người được giải thưởng cấp nhà nước vừa quyết định lúc chiều … Nghề báo cũng đưa cô nàng tới những xó xỉnh trên đất nước, ngồi ăn mèn mén với người dân tộc trong căn chòi lụp xụp rách nát, nghe mưa rơi ào ạt bên ngoài, những chuyến tàu đêm heo hút, xuống ga Đồng Hới hay Vinh, lóc cóc bắt xe đạp ôm về quán trọ, nửa đêm gái bán hoa gõ cửa đòi vào. 

Nghề báo cho tôi rất sớm hiểu ra rằng, quyền lực và địa vị, của cải không mang lại bình yên, hạnh phúc và niềm vui cho người sở hữu nó, bởi nó quá phù vân. Ngài ủy viên Bộ Chính trị quyền lực nghiêng trời, vậy mà chỉ thoáng chốc đã bị phế truất và mất sạch. Ngài Bí thư tỉnh ủy quyền thế là thế, mà thoáng cái đã thành ông quan hết thời ngồi cạo giấy ở một ban Đảng, chờ ngày về hưu. Chỉ mười năm làm báo đầu tiên tôi đã chứng kiến bao sự thăng trầm quá nhanh chóng của nhiều quan chức, đại gia. Ngắm tấn bi hài kịch của cuộc chiến quyền lực, tiền tài đó mà tôi luyện cho mình sự tự tin không sợ hãi quyền lực, địa vị, không có thói quen luồn cúi.

Nghề báo cho tôi cơ hội gặp và “có quyền” hỏi, trò chuyện, được chia sẻ với biết bao con người ở mọi vị thế xã hội khác nhau, vùng miền khác nhau. Tôi nhận ra một điều là có thể nhà ở, xe cộ, địa vị, của cải … của con người khác nhau rất xa, kẻ ở lầu son người nơi xó chợ, nhưng những cảm xúc nguyên thủy và căn bản nhất của chúng ta không khác nhau. Những nỗi đau mất mát, niềm vui, yêu thương, nỗi buồn, lo lắng, khao khát, ước mơ và hy vọng về một cuộc sống bình yên và hạnh phúc là như nhau ở mỗi con người.

Trước kia, bước vào nghề, tôi ôm ấp ước mơ làm sao có thể góp phần giúp xã hội tốt đẹp hơn, chống lại sự bất công. Nhưng chỉ sau vài năm tôi đã vỡ mộng. Xã hội Việt Nam tha hóa với tốc độ nhanh khủng khiếp. Hai mươi, thậm chí 15 năm trước, các quan chức còn tương đối sạch sẽ, đàng hoàng, có văn hóa, ít tham nhũng hoặc có cũng chừng mực. Con người thành phố có văn hóa. Người nông thôn chất phác, thuần khiết. Giờ đây, nạn tham nhũng tràn ngập khắp nơi, quan làng xã đi xe sang, ở nhà lầu, dân khắp nơi cũng lao vào làm đủ chuyện hợp pháp ít mà phi pháp nhiều để làm giàu. Quan này bị báo chí đánh đổ, quan sau lên dân cũng không sướng gì hơn. 

Nghề báo bây giờ đã khác xưa. Không còn là quyền lực thứ tư nữa, cũng không còn là “chiến binh của sự thật” nữa. Chỉ còn là truyền thông, thông tin, mà cái thông tin đó có đúng hay không thì không còn mấy nhà báo có quyền quyết định nữa. 

Dẫu sao, tôi vẫn yêu nghề, chỉ là thay bằng lang bạt khám phá thế giới của “liên hệ xã hội”, thì giờ dành thời gian ngắm nghía và thưởng thức thiên nhiên, trước khi nó cũng bị tàn phá bởi con người.

https://www.facebook.com/da.lien.545/posts/1525549157674969:0
Phuong Hoa Le

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Hai, 8 tháng 9, 2014

Không có nước Nga, chỉ có người Nga

Vương Trí Dũng


Lời nói và hành động của Putin đã làm cho NATO phải thay đổi. Chẳng thế mà NATO đã phải vội vã nhóm họp để có những biện pháp thích nghi cần thiết. Riêng tổng thống Obama còn phải vội vã bay đến Estonia để trấn an các đồng minh Estonia, Latvia và Lituanie, là các quốc gia thuộc Liên Xô trước đây có nhiều người Nga sinh sống.


Bài học cho Việt Nam

Yêu hay ghét Putin, bênh vực hay phê phán Putin, đó không phải là chủ đề và đó không phải là quan trọng. Điều quan trọng là từ thông điệp và hành động của Putin, nhất thiết phải rút ra những bài học cho Việt Nam. Có thể cô đọng ở mấy điểm chính sau đây.

1. Dân tộc là tối thượng

Putin nói rằng: “Không có nước Nga, chỉ có người Nga”. Còn Obama thì tuyên bố: “ Chúng ta là khác biệt”. Phát biểu của hai người đứng đầu hai cường quốc thế giới đương thời đã nói lên tất cả.
Nhưng Mao Trạch Đông còn vượt xa cả Putin lẫn Obama về dân tộc chủ nghĩa. Từ tháng 10 – 1959 tại hội nghị Quân ủy Trung ương, Mao Trạch Đông đã nói:“Chúng ta phải chinh phục trái đất. Đó là mục tiêu của chúng ta”. Nước Mỹ chỉ mới hơn hai trăm năm. Nước Nga chưa đủ mười thế kỷ. Còn dân tộc chủ nghĩa của đế chế Trung Hoa thì đã tồn tại chí ít cũng hơn bốn ngàn năm.

Không có tình đồng chí đồng giai cấp đồng minh nào bằng tình máu mủ. Tình máu mủ đồng bào là sản phẩm của tạo hóa. Bởi vậy dân tộc là tối thượng.

2. Không để tồn tại các phố xá người Hoa

Nước Nga chỉ có một Crưm, một Donbas. Vì người Nga sống ở Crưm mà Putin đã lấy gọn Crưm về Nga. Vì người Nga sống ở Donbas mà Putin đã tách Donbas thành nước Nga mới. Chúng ta không đề cập đến lý do, không bàn đến đúng sai. Chúng ta chỉ nói đến sự kiện thực tế tồn tại.

Nhưng China Town thì hằng hà sa số. “Nạn Hoa kiều” đã là một trong những cớ để Đặng Tiểu Bình mang 60 vạn quân tiến đánh Việt Nam ngày 17-2-1979. Điều đáng sợ nhất là chính quyền Việt Nam hiện nay đang tạo nên cơ hội thuận lợi chưa bao giờ có cho sự phát triển các phố xá người Hoa tại Việt Nam. Dân tộc Nga và Ucraina có quan hệ cả ngàn năm chung sống, nhưng ở Ucraina người Nga chỉ sinh sống chủ yếu ở phía Đông Ucraina, còn phía Tây là người Ucraina. Còn ở Việt Nam hiện nay, người Hoa đã có mặt từ Bắc chí Nam, từ Đông sang Tây, khắp cả hang cùng ngõ hẻm.

Một “Nạn Hoa kiều” có thể tạo dựng ra bất cứ lúc nào. Lúc đó không như Crưm, không như Donbas ở Ucraina, khắp mọi nơi trên đất Việt Nam đều là Crưm, đều là Donbas. Cũng không cần đến “Nạn Hoa kiều”, khi Trung Quốc dấy binh thì khắp mọi nơi trên đất Việt Nam đều có nội ứng người Hoa.

Một số người cầm quyền ở trung ương và địa phương ngây thơ tin rằng, khi hết hạn hợp đồng là đưa được lao động Trung Quốc về nước. Họ không biết rằng người Trung Quốc đã kịp lấy vợ khi vừa đặt chân đến đất Việt Nam. Họ cũng không ngờ rằng nhà cầm quyền Trung Quốc bí mật cho tiền những kẻ bất lương tội phạm ra nước ngoài sinh sống, một kiểu lưu đày trá hình trong thời đại tích hợp toàn cầu.

Hãy chặn đứng ngay việc đưa người Hoa sang Việt Nam buôn bán làm việc. Đừng mang họa về cho dân tộc.

3. Các cường quốc sẽ tránh đối đầu

Ngày 29-8-2014 trong cuộc gặp mặt với thanh niên ở hồ Seliger Putin nói: “ Nước Nga sẽ không can dự vào các đụng độ lớn… Và ơn Chúa, chắc cũng không có ai có ý định phát động một cuộc xung đột lớn với Nga. Nga là cường quốc hạt nhân hàng đầu. Đây là sự thật”.

Việc Mỹ và NATO không ủng hộ mạnh Ucraina trong vấn đề Đông Ucraina cũng chính là tránh đối đầu trực diện với Nga. Và có thể nhận thấy ngay rằng NATO sẽ không mặn mà với việc kết nạp Ucraina là thành viên NATO. Nga sẽ làm mọi biện pháp có thể để ngăn chặn điều này. Và như thế sẽ dẫn đến sự đối đầu trực diện giữa Nga và NATO. Kết quả là Ucraina sẽ hoàn toàn bị chia rẽ. NATO chỉ có thể giúp đỡ Ucraina bằng tiền bạc, vũ khí, phương tiện kỹ thuật, và chuyên gia huấn luyện; nhưng sẽ không có quân đội NATO đến Ucraina để tham chiến chống lại Nga. Thảm họa hạt nhân và sức mạnh của vũ khí hủy diệt là lý do căn bản buộc các cường quốc phải né tránh đối đầu. 

Các cường quốc cũng sẽ không vì các quốc gia khác mà đi đến đối đầu. Không chỉ không phát động xung đột, ngay cả khi bị ràng buộc bởi một cam kết liên minh quân sự, các cường quốc cũng phải tìm cách không cho leo thang, giảm dần căng thẳng để thoát ra khỏi hoàn cảnh đụng độ. Khi xẩy ra chiến tranh, các nước nhỏ sẽ phải tự chiến đấu bằng chính con người của nước mình. 

Bởi vậy ngoài liên minh ra, nhất thiết phải xây dựng được một Việt Nam giàu mạnh tự cường.

4. Việt Nam phải đối mặt với đế quốc Đại Hán còn đáng sợ nhiều lần hơn các đế chế khác
Sự phản ứng của nước Nga cũng là điều tự nhiên. NATO đã tiến sát đến sườn nước Nga. Không chỉ thế, phương Tây bắt đầu chọc vào da thịt người Nga khi động đến Ucraina, một trong ba bộ tộc Slavo gần gũi nhất: Nga, Bạch Nga và Ucraina. 

Nước Nga quẫy mạnh vì bị đâm vào sườn. Còn đế chế Đại Hán từ mấy ngàn năm luôn mang gươm đi xâm chiếm nước khác mà không cần bất cứ lý do nào. Số phận đã buộc Việt Nam phải sống cạnh một đế chế ngang ngược đáng sợ nhất trong lịch sự phát triển nhân loại.

5. Hãy hành động cương quyết vì quyền lợi dân tộc

Thống kê xã hội cho thấy Putin đang có uy tín cao trong nhân dân Nga. Tại sao vậy? Đơn giản là Putin đang làm sống lại một đế chế Nga. Điều mà nhiều người Nga rất mong mỏi.

Nhiều người Hoa cũng sẽ rất phấn khích khi lãnh đạo Trung Quốc tiến hành một chính sách bá quyền. Nếu lãnh đạo Trung Quốc làm cho đế chế Đại Hán bành trướng lớn mạnh, thì họ sẽ được nhiều người Hoa ủng hộ, bất chấp các biện pháp mà giới lãnh đạo Trung Quốc tiến hành.

Bởi vậy, bất cứ lúc nào khi liên quan đến dân tộc thì phải suy nghĩ kỹ nhưng lại phải hành động kịp thời và rất cương quyết, không do dự, không nhu nhược, không đớn hèn. Sức mạnh dân tộc sẽ truyền vào người ra quyết định, hợp thành một sức mạnh nối dài vô địch.

Putin thì rất cương quyết rất tiến công. Còn lãnh đạo Việt Nam thì ngược lại. Vai trò lãnh tụ rất quan trọng cho sự phát triển của một quốc gia. Chừng nào Việt Nam chưa có phương thức dân chủ thực sự để chọn ra được những người lãnh đạo xứng đáng thì chừng đó số phận dân tộc còn long đong.

Bài học từ Putin dễ thấy nhưng lại khó học.

V.T.D.

Phần nhận xét hiển thị trên trang