Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 17 tháng 6, 2014

Nói và làm thường có những khoảng cách, đó chính là lý do thất bại:

Thường trực đối mặt với ngoại xâm và kinh nghiệm phát triển dân tộc

Ngô Đình Nhu


Văn Việt: Trong tiểu luận về kinh nghiệm đối mặt với ngoại xâm và phát triển dân tộc, nhà nghiên cứu Ngô Đình Nhu khẳng định: “[…] đương nhiên một chính thể chuyên chế và độc tài không làm sao đủ điều kiện để bảo vệ quốc gia chống ngoại xâm được. Bởi vì bản chất của một chính thể chuyên chế và độc tài là tiêu diệt tận gốc rễ tinh thần tự do và độc lập trong tâm não của mọi người, để biến mỗi người thành một động cơ hoàn toàn không có ý chí, dễ điều khiển, dễ đặt để, và dễ sử dụng như một khí cụ.” Vậy mà khi trở thành cố vấn Tổng thống Ngô Đình Diệm, ông lại áp dụng những chính sách “chuyên chế và độc tài”, để dẫn đến hậu quả sụp đổ chế độ Sài Gòn. Tuy nhiên, những suy nghĩ của nhà nghiên cứu Ngô Đình Nhu vẫn đầy tính thời sự. Văn Việt xin giới thiệu với bạn đọc.
Thật ra thì, vì sự minh bạch của vấn đề trình bày, nên, trong các phần trước, có nhiều điều kiện nội bộ đã được đề cập đến. Dưới đây, chúng ta sẽ xem lại toàn thể các điều kiện nội bộ, và nếu cần sẽ nhắc lại các điều kiện đã bàn đến. Ngoài ra, chúng ta cũng sẽ gồm vào phần này những điều kiện phát sinh ra do sự liên lạc của Việt Nam với các phần tử khác trong xã hội Đông Á, và với các quốc gia đang tìm phát triển. Sự liên lạc, với các quốc gia trong xã hội Đông Á, có thể xem là điều kiện nội bộ của chúng ta, bởi vì chúng ta là một phần tử trong xã hội đó. Sự liên lạc, giữa chúng ta và các nước đang tìm phát triển, có thể xem là điều kiện nội bộ, bởi vì trong một thế giới do Tây phương và Nga Sô phân chia ảnh hưởng như ngày nay, chúng ta và các nước đang tìm phát triển, đều ở vào những hoàn cảnh có nhiều điểm tương đồng.

Thật đúng ra thì, trong phần này chúng ta sẽ phân tích tất cả các điều kiện đã, hay có thể, gây cho chúng ta một cái vốn thuận hay một cái vốn nghịch, trong sự thực hiện công cuộc Phát Triển Dân Tộc của chúng ta.

Liên lạc với Trung Hoa.

Từ khi lập quốc, năm 939, đến khi bị sự tấn công của Tây phương và biến thành một thuộc địa của đế quốc Pháp, hai sự kiện hoàn toàn chi phối chín trăm năm lịch sử của Dân Tộc Việt Nam.

Hai sự kiện đó là sự liên lạc với Trung Hoa và công cuộc Nam tiến.

Trong lịch sử bang giao, giữa chúng ta và Trưng Hoa, các biến cố xảy ra đều do hai tâm lý đối chọi nhau. Từ năm 972, sau khi đã nhìn nhận độc lập của Việt Nam rồi, lúc nào Trung Hoa cũng nghĩ rằng đã mất một phần lãnh thổ quốc gia, và lúc nào cũng khai thác mọi cơ hội đưa đến, để thâu gồm phần đất mà Trung Hoa xem như là của họ. Bên kia, Việt Nam lúc nào cũng nỗ lực mang xương máu ra để bảo vệ nền độc lập của mình. Tất cả các sự kiện, xảy ra giữa hai quốc gia, đều do sự khác nhau của hai quan niệm trên.

Ngay năm 981, nghĩa là vừa ba năm sau khi đã nhìn nhận độc lập của Việt Nam, Tống triều thừa lúc nội chính Việt Nam có biến, vì Đinh Tiên Hoàng vừa mất, và sự kế vị không giải quyết được, gởi sang Việt Nam hai đạo quân, do đường thủy và đường bộ, để đặt lại nền thống trị của Trung Hoa.

Quan niệm Trung Quốc.

Ý cố định của Trung Hoa là đặt lại nền thống trị và không lúc nào Trung Hoa thỏa mãn với sự thần phục và triều cống của chúng ta. Ngay những lúc mà quân đội chúng ta hùng cường nhất, và chiến thắng quân đội Trung Hoa, thì các nhà lãnh đạo của Việt Nam cũng khôn ngoan, tìm cách thỏa thuận với Trung Hoa và tự đặt mình vào chế độ thuộc quốc. Nhưng, điều mà Trung Hoa muốn không phải là Việt Nam chỉ thần phục và triều cống. Trung Hoa, suốt gần một ngàn năm lịch sử, lúc nào cũng muốn lấy lại mảnh đất mà Trung Hoa coi như bị tạm mất.

Trong 900 năm, từ năm 939 đến năm 1840, khi Tây phương tấn công vào xã hội Đông Á làm cho những mâu thuẫn, nội bộ của xã hội này, tạm ngưng hoạt động, Trung Hoa đã bảy lần toan chiếm lại nước Việt Nam. Hai lần do nhà Tống chủ trương, ba lần Nhà Nguyên, một lần nhà Minh và một lần Nhà Thanh. Một hành động liên tục như vậy, nhất định có nghĩa là tất cả các triều đại Trung Hoa đều theo đuổi một chính sách, đặt lại nền thống trị trên lãnh thổ Việt Nam. Chính sách này do một điều kiện địa dư và kinh tế ấn định: Lưu vực sông Hồng Hà là đường thoát ra biển thiên nhiên của các Tỉnh Tây Nam của Trung Hoa, và ngược lại cũng là con đường xâm nhập cho các đạo quân chinh phục vào nội địa Trung Hoa. Đã như vậy thì, ngay bây giờ, ý định của Trung Cộng vẫn là muốn thôn tính, nếu không phải hết nước Việt Nam, thì ít ra cũng Bắc phần. Cũng chỉ vì lý do này mà, năm 1883, Lý Hồng Chương, thừa lúc Tự Đức cầu viện để chống Pháp, đã, thay vì gửi quân sang giúp một nước cùng một văn hóa để chống ngoại xâm, và thay vì cứu viện một thuộc quốc mà Trung Hoa đáng lý ra phải có nhiệm vụ bảo vệ, lại thương thuyết một kế hoạch chia đôi Việt Nam với Pháp, Trung Hoa dành cho mình các phần đất gồm các vùng bao bọc lưu vực sông Hồng Hà để lấy đường ra biển. Và ngay chính phủ Tưởng Giới Thạch năm 1945, dành phần giải giới quân đội Nhật Bản từ vĩ tuyến 17 trở lên phía Bắc, cũng vì lý do trên.

Xem thế đủ biết rằng, đối với Dân Tộc chúng ta họa xâm lăng là một mối đe dọa thường xuyên.

Họa xâm lăng của Trung Hoa vừa tạm ngưng, vì sự tấn công của Tây phương, là chúng ta lọt ngay vào sự thống trị của đế quốc Pháp.

Ngày nay, ách thực dân vừa mới cởi được, nhưng cái họa xâm lăng đối với chúng ta không thể vì thế mà thuyên giảm. Bởi vì họa xâm lăng, do vị trí địa dư của chúng ta và tình trạng nội bộ của chúng ta mà ra, và bao giờ hai yếu tố đó chưa thay đổi được thì họa xâm lăng vẫn còn.

Tâm lý thuộc quốc.

Họa xâm lăng đe dọa Dân Tộc chúng ta đến nỗi, trong suốt một ngàn năm lịch sử từ ngày lập quốc, trở thành một ám ảnh cho tất cả các nhà lãnh đạo của chúng ta. Và do đó mà lịch sử ngoại giao của chúng ta lúc nào cũng bị chi phối bởi một tâm lý thuộc quốc.

Hai lần Lý Thường Kiệt và Nguyễn Huệ tìm cách đả phá không khí lệ thuộc đó. Nhưng mặc dầu những chiến công lừng lẫy và tài ngoại giao rất khéo, hai nhà lãnh đạo trứ danh của Dân Tộc vẫn phải khuất phục trước thực tế.

Tâm lý thuộc quốc đè nặng, chẳng những trên sự bang giao, giữa chúng ta và Trung Hoa, lại còn lan tràn sang lĩnh vực bang giao giữa chúng ta và các nước láng giềng. Nếu, đối với Trung Hoa, chúng ta là thuộc quốc, thì đối với các nước chung quanh, chúng ta lại muốn họ là thuộc quốc. Tâm lý đó làm cho sự bang giao, giữa chúng ta và các nước láng giềng, lúc nào cũng gay go. Đã đành rằng công cuộc Nam tiến của chúng ta, là một công trình mà Dân Tộc đã thực hiện được, Nhưng chúng ta còn thiếu tài liệu để cho các sử gia có thể xét đoán xem, nếu chính sách ngoại giao của chúng ta khoáng đạt hơn, tựa trên những nguyên tắc phong phú hơn thì, có lẽ sự bành trướng của chúng ta sẽ không một chiều như vậy. Ví dụ, một câu hỏi mà chúng ta không thể tránh được: Chúng ta là một Dân Tộc ở sát bờ biển, nhưng sao nghệ thuật vượt biển của chúng ta không phát triển? Nếu chính sách ngoại giao của chúng ta phong phú hơn, và không bó hẹp vào một đường lối duy nhất, có lẽ sự bành trướng của Dân Tộc chúng ta, đã sớm phát ra nhiều ngõ, và sinh lực của chúng ta không phải chỉ dồn vào mỗi một công cuộc Nam tiến. Nước chúng ta ở vào giữa hai nền văn minh Trung Hoa và Ấn Độ. Với một chính sách ngoại giao khoáng đạt hơn, sự liên lạc quốc tế của chúng ta có lẽ đã rộng rãi hơn, và do đó, vị trí của chúng ta sẽ, đương nhiên, được củng cố bằng những biện pháp dồi đào và hữu hiệu hơn.

Nhưng thực tế là vậy đó. Họa xâm lăng của Trung Hoa đè nặng vào đời sống của Dân Tộc chúng ta, đến nỗi, tất cả các nhà lãnh đạo của chúng ta đều bị ám ảnh bởi sự đe dọa đó. Và, để đối phó lại, họ chỉ có hai con đường, một là thần phục Trung Hoa, hai là mở rộng bờ cõi về phía Nam.

Sở dĩ, khi bị Tây phương tấn công, mà các nhà lãnh đạo Triều Nguyễn của chúng ta lúc bấy giờ, không có đủ khả năng quan niệm một cuộc ngoại giao rộng rãi, để khai thác mâu thuẫn giữa các cường quốc Tây phương, là vì các nhà lãnh đạo của chúng ta không lúc nào vùng vẫy, đả phá nổi không khí tâm lý thuộc quốc đã đời đời đè nặng lên lịch sử ngoại giao của chúng ta. Hành động ngoại giao duy nhất lúc bấy giờ là gởi sứ bộ sang cầu cứu với Trung Hoa. Chúng ta đã biết Trung Hoa đã hưởng ứng như thế nào lời kêu gọi của Nhà Nguyễn. Nhưng Trung Hoa cũng đang bị đe dọa như chúng ta, nếu không có lẽ Trung Hoa đã lại thừa cơ hội mà đặt lại nền thống trị ở Việt Nam.

Các Sứ Bộ của chúng ta gởi sang Pháp lại cũng với mục đích điều đình, thần phục với Pháp như chúng ta quen điều đình, thần phục với Trung Hoa, chớ không phải với mục đích đương nhiên phải có của một hành động ngoại giao, là khai thác các mâu thuẫn để mưu lợi cho mình.

Vì thế cho nên, nếu chúng ta có cho rằng, công cuộc Nam tiến thành công là một kết quả của chính sách ngoại giao một chiều như trên đã trình bày, thì cân nhắc kết quả đó với những sự thất bại mà cũng chính sách ngoại giao đó đã mang đến cho chúng ta trong một ngàn năm lịch sử, thì có lẽ những sự thất bại nặng hơn nhiều.

Sự bành trướng của chúng ta đã thâu hẹp lại và chỉ theo có một chiều, bỏ hẳn cửa biển bao la đáng lý ra phải là cái cửa sống cho chúng ta.

Nền ngoại giao của chúng ta ấu trĩ nên, lúc hữu sự, không đủ khả năng để bảo vệ chúng ta. Trong khi đó, đối với một quốc gia nhỏ lúc nào cũng bị họa xâm lăng đe dọa, thì ngoại giao là một trong các lợi khí sắc bén và hữu hiệu để bảo vệ độc lập và lãnh thổ.

Lỗi lầm trước đã như vậy đó.

Trong chín trăm năm, từ ngày lập quốc, chúng ta đã bị ngoại xâm tám lần, bảy lần do Trung Hoa và một lần do Tây phương. Chúng ta đẩy lui được sáu lần, chỉ có lần thứ sáu Nhà Minh đặt lại nền thống trị, trong hai mươi năm, và lần thứ tám đế quốc Pháp xâm chiếm toàn lãnh thổ và thống trị chúng ta trong hơn tám mươi năm.

Chống ngoại xâm.

Vì vậy cho nên, chống ngoại xâm là một yếu tố quan trọng trong chính trị của Việt Nam. Chính trị cổ truyền, của các Triều Đại Việt Nam không được quan niệm rộng rãi nên, nếu có phân nửa kết quả đối với sự xâm lăng của Trung Hoa, thì lại hướng chúng ta vào một chính sách chật hẹp về ngoại giao. Do đó tất cả sinh lực phát triển của Dân Tộc, thay vì mở cho chúng ta được nhiều đường sống, lại được dốc hết vào một cuộc chiến đấu tiêu hao chỉ để tranh giành đất dung thân. Một mặt khác, chính sách ngoại giao chật hẹp đã đưa chúng ta vào một thế cô lập cho nên lúc hữu sự, các nhà lãnh đạo của chúng ta không đương đầu nổi với sóng gió, và lưu lại nhiều hậu quả tai hại cho nhiều thế hệ.

Chính sách chống ngoại xâm.

Cái họa ngoại xâm đối với chúng ta hiển nhiên và liên tục như vậy. Vì sao những biện pháp cổ truyền, của các nhà lãnh đạo của chúng ta trước đây, thành công phân nửa, trong công cuộc chống ngoại xâm Trung Hoa, nhưng thất bại trong công cuộc chống ngoại xâm Tây phương?

Trước hết, các biện pháp cổ truyền đã đặt vấn đề ngoại xâm của Trung Hoa là một vấn đề chỉ liên quan đến hai nước: Trung Hoa và Việt Nam. So sánh hai khối Trung Hoa và Việt Nam, thì như thế là đương phải với mục đích đương nhiên, chúng ta đã thất bại rồi. Những sự thần phục và triều cống chỉ là những biện pháp hoãn binh. Và vấn đề chống ngoại xâm chưa bao giờ được các triều đại Việt Nam đặt thành một chính sách đương nhiên và nguyên tắc, đối với một nước nhỏ, như nước chúng ta. Vì thế cho nên, những biện pháp cần được áp dụng, như biện pháp ngoại giao, đã không hề được sử dụng khi Tây phương xâm chiếm nước ta.

Lý do thứ hai, là công cuộc chống ngoại xâm chỉ được chuẩn bị trên lĩnh vực quân sự. Nhưng, nếu chúng ta không thể phủ nhận tính cách cần thiết và thành quả của các biện pháp quân sự trong các chiến trận chống các triều đại Trung Hoa: Nhà Tống, Nhà Nguyên cũng như Nhà Minh, Nhà Thanh, chúng ta phải nhìn nhận rằng nỗ lực quân sự của chúng ta rất là giới hạn. Và ngày nay, độc lập rồi, thì nỗ lực quân sự của chúng ta chắc chắn cũng rất là giới hạn.

Như vậy, đối với một nước nhỏ, trong một công cuộc chống ngoại xâm, biện pháp quân sự không thể làm sao đủ được. Trên kia, chúng ta có đề cập đến những biện pháp ngoại giao, đặt trên căn bản khai thác mâu thuẫn giữa các cường quốc để bảo vệ độc lập cho chúng ta.

Tuy nhiên biện pháp cần thiết nhất, hữu hiệu nhất và hoàn toàn thuộc chủ động của chúng ta, là nuôi dưỡng tinh thần độc lập và tự do của nhân dân, và phát huy ý thức quốc gia và Dân Tộc. Đồng thời, áp dụng một chính sách cai trị khoáng đạt, mở rộng khuôn khổ lãnh đạo, để cho vấn đề lãnh đạo quốc gia được nhiều người thấu triệt.

Nếu ý thức quốc gia và Dân Tộc được ăn sâu vào tâm não của toàn dân, và độc lập và tự do được mọi người mến chuộng, thì các cường quốc xâm lăng, dầu có đánh tan được tất cả các đạo quân của chúng ta và có thắng chúng ta trong các cuộc ngoại giao đi nữa, cũng không làm sao diệt được ý chí quật cường của cả một Dân Tộc.

Nhưng ý chí quật cường đó đến cao độ, mà không người lãnh đạo thì cũng không làm gì được đối với kẻ xâm lăng.

Vì vậy cho nên, đồng thời với những biện pháp quần chúng nói trên, cần phải áp dụng những biện pháp giáo dục, làm cho mỗi người dân đều quen biết với vấn đề lãnh đạo, và, điều này còn chính yếu hơn nữa, làm cho số người thấu triệt vấn đề lãnh đạo quốc gia càng đông bao nhiêu càng hay bấy nhiêu. Bởi vì, có như thế, những người lãnh đạo mới không bao giờ bị tiêu diệt hết được. Tiêu diệt người lãnh đạo là mục đích đầu tiên và chính yếu của các cường quốc xâm lăng.

Nhân đề cập đến vấn đề chống xâm lăng trên đây, lý luận đã dẫn dắt chúng ta đến một vấn đề vô cùng quan trọng.

Trước tiên chúng ta nhận thức rằng đối với một nước nhỏ như chúng ta, họa xâm lăng là một đe dọa thường xuyên.

Để chống xâm lăng, chúng ta có những biện pháp quân sự và ngoại giao. Nhưng hơn cả các biện pháp quân sự và ngoại giao, về phương diện hữu hiệu và chủ động, là nuôi dưỡng tinh thần độc lập và tự do của nhân dân, phát huy ý thức quốc gia và Dân Tộc, và mở rộng khuôn khổ giới lãnh đạo, để cho vấn đề lãnh đạo quốc gia được nhiều người thấu triệt.

Sự thể đã như vậy, thì đương nhiên một chính thể chuyên chế và độc tài không làm sao đủ điều kiện để bảo vệ quốc gia chống ngoại xâm được. Bởi vì bản chất của một chính thể chuyên chế và độc tài là tiêu diệt tận gốc rễ tinh thần tự do và độc lập trong tâm não của mọi người, để biến mỗi người thành một động cơ hoàn toàn không có ý chí, dễ điều khiển, dễ đặt để, và dễ sử dụng như một khí cụ.

Bản chất của một chính thể chuyên chế và độc tài là giữ độc quyền lãnh đạo quốc gia cho một người hay một số rất ít người, để cho sự thấu triệt các vấn đề căn bản của quốc gia trở thành, trong tay họ, những lợi khí sắc bén, để củng cố địa vị của người cầm quyền.

Hơn nữa, giả sử mà chính thể chuyên chế hay độc tài chưa tiêu diệt được hẳn tinh thần tự do và độc lập trong ý thức của mọi người, thì, tự nó, một chính thể chuyên chế hay độc tài cũng là một lợi khí cho kẻ ngoại xâm. Bởi vì, dưới một chế độ như vậy, nhân dân bị áp bức, sẽ đâm ra oán ghét người lãnh đạo họ và hướng về bất cứ ai đánh đổ người họ oán ghét, như là hướng về một người giải phóng, mặc dầu đó là một kẻ xâm lăng. Lịch sử xưa nay của các quốc gia trên thế giới đều xác nhận điều này: Chỉ có những Dân Tộc sống tự do mới chống được ngoại xâm.

Riêng về Dân Tộc chúng ta, chắc chắn rằng sự kháng cự của chúng ta đối với sự xâm lăng của Tây phương sẽ mãnh liệt hơn bội phần nếu trước đó, Nhà Nguyễn, thay vì lên án tất cả những người bàn về quốc sự, đã nuôi dưỡng được tinh thần tự do và độc lập của mỗi người và phát huy ý thức quốc gia và Dân Tộc trong nhân dân.

Ngược lại, mấy lần Dân Tộc thắng được ngoại xâm, từ Nhà Trần đánh đuổi Mông Cổ, đến Nhà Lê đánh quân Minh và Quang Trung chiến thắng Mãn Thanh, đều nhờ ở chỗ các nhà lãnh đạo đã khêu gợi được ý chí tự do và độc lập của toàn dân.

Và vấn đề vô cùng quan trọng mà chúng ta đã nêu ra trên kia là vấn đề chính thể của nước Việt Nam. Vì những lý do trình bày trên đây, chính thể thích nghi cho Dân Tộc chúng ta, không phải định đoạt do một sự lựa chọn căn cứ trên những lý thuyết chính trị, hay là những nguyên nhân triết lý, mà sẽ được qui định một cách rõ rệt bởi hoàn cảnh địa dư và lịch sử của chúng ta, cùng với trình độ phát triển của Dân Tộc.

Nếu bây giờ chúng ta chưa có ý thức rõ rệt chính thể ấy phải như thế nào, thì ngay bây giờ chúng ta có thể quan niệm được rằng chính thể đó không thể là một chính thể chuyên chế hay độc tài được. Đó là một thái độ rất rõ rệt.

Theo Book Hunter Club.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Những cái nhất của Sài Gòn xưa

 
Ngôi trường cổ nhất 
Trường Lê Quý Đôn được xây dựng vào năm 1874, hoàn tất năm 1877 do người Pháp quản lý. Lúc đầu trường có tên Collège Indigène (Trung học bản xứ), rồi đổi thành Collège Chasseluop Laubat. Năm 1954, trường mang tên Jean Jacques Rousseau. Năm 1967, trường được trả cho người Việt quản lý mang tên Trung tâm giáo dục Lê Quý Đôn. Từ năm 1975 đến nay đổi tên là trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn. Hơn một thế kỷ qua trường vẫn giữ được kiến trúc ban đầu. 

Nhà máy điện xưa nhất 
Nhà máy điện Chợ Quán xây dựng năm 1896, máy phát điện chạy bằng hơi nước có 5 lò hơi với 150m2, cung cấp dòng điện 3 pha, công suất chưa tới 120MW. Máy phát điện chính công suất 1000A/h. Hiện nay, nhà máy đã được trang bị hiện đại với 7 máy phát điện, hòa với lưới điện quốc gia cung ứng phần quan trọng cho lưới điện thành phố. Nhà máy toạ lạc tại số 8 Bến Hàm Tử, quận 5. 

Bệnh viện cổ nhất
  
Bệnh viện Chợ Quán xây dựng năm 1826 do một số nhà hảo tâm đóng góp, sau đó hiến cho nhà nước. Năm 1954-1957 giao cho Quân đội gọi là Viện bài lao Ngô Quyền. Năm 1974, đổi thành Trung tâm Y tế Hàn Việt có 522 giường. Tháng 9/1975, mang tên Bệnh viện Chợ Quán. Đến ngày 5/9/1989 chuyển thành Trung tâm Bệnh Nhiệt đới. Hiện nay có 610 Cán bộ-Công nhân viên và 550 giường bệnh. 

Nhà hát cổ nhất 

Nhà hát thành phố do kiến trúc sư người Pháp xây dựng hoàn tất vào ngày 17/1/1900. Các phù điêu bên trong được một họa sĩ tên tuổi ở Pháp vẽ giống như mẫu của các nhà hát ở Pháp cuối thế kỷ XIX. Nhà hát là nơi trình diễn ca nhạc kịch cho Pháp kiều xem. Năm 1956, Nhà hát được dùng làm trụ sở Hạ nghị viện chế độ cũ; tháng 5/1975 trở thành Nhà hát thành phố với 750 chỗ ngồi. Kỷ niệm 300 năm Sài Gòn toàn bộ phần kiến trúc bên ngoài Nhà hát được phục chế lại như nguyên mẫu ban đầu. 

Khách sạn cổ nhất
Khách sạn Continental tọa lạc tại 132-134 Đồng Khởi, xây dựng năm 1880 do Kiến trúc sư người Pháp thiết kế, tên khách sạn có ngay từ những ngày đầu. Sau ngày giải phóng miền Nam đổi thành Hải Âu. Đến năm 1989, khách sạn được nâng cấp, chỉnh trang và lấy lại tên cũ Continental có diện tích 3430m2, cao 3 tầng, nơi đây đã từng đón tiếp các vị tổng thống, thống đốc, nhà văn, người mẫu nổi tiếng. Ngày nay, khách sạn Continental là một trong những khách sạn đạt tiêu chuẩn quốc tế 

Nhà thờ cổ nhất 
Nhà thờ Chợ Quán tọa lạc tại số 20 Trần Bình Trọng, P.2, Q.5 xây dựng từ năm 1674 là nhà thờ cổ nhất tại Sài Gòn và cổ nhất ở miền Nam. Ngôi thánh đường nằm ở vị trí trung tâm, có kiến trúc kiểu phương Tây, lợp ngói đỏ, có thể chứa khoảng 1000 người. Ngoài việc sinh hoạt tôn giáo, Họ đạo Chợ Quán tích cực tham gia công tác xã hội giúp đỡ người nghèo. Trải qua hơn 3 thế kỷ Nhà thờ Chợ Quán đã được trùng tu nhiều lần. Hiện nay, nơi đây có phòng khám và phát thuốc từ thiện dưới quyền quản lý của Hội Chữ thập đỏ Quận 5 

Ngôi đình cổ nhất 
Một trong những ngôi đình cổ nhất của đất Gia Định xưa và xưa nhất Nam Bộ là đình Thông Tây Hội, xây dựng vào khoảng năm 1679, là chứng tích còn nguyên vẹn nhất của thời kỳ dân Ngũ Quảng kéo vào khai khẩn vùng Gò đất có nhiều cây Vắp (từ đó trở thành tên địa phương là Gò Vấp). Đình lúc đầu là của thôn Hạnh Thông–thôn khởi nguyên của Gò Vấp–sau đổi thành Thông Tây Hội (do sự sáp nhập của thôn Hạnh Thông Tây (thôn Mới) và thôn An Hội). 

Đình Thông Tây Hội có vị Thành Hoàng rất độc đáo. Hai vị thần thờ ở đình là hai hoàng tử con vua Lý Thái Tổ, do tranh ngôi với thái tử Vũ Đức nên bị đày đi khai hoang ở vùng cực Nam tổ quốc và trở thành “Thủy tổ khai hoang” trong lịch sử Việt Nam; hai vị thần đó là: Đông Chinh Vương và Dục Thánh Vương. Ngôi đình còn giữ được khá nguyên vẹn về quy mô và kiến trúc, kết cấu, với những chạm khắc đặc trưng Nam bộ. Đình Thông Tây Hội thuộc P.11, Gò Vấp. 

Nhà văn hóa cổ nhất 
Cung Văn hóa Lao Động. Năm 1866, với tên gọi Cèrcle Spertif Saigonnais được xây dựng làm sân thể thao của quan chức người Pháp với những hồ bơi, sân quần vợt, phòng đấu kiếm và phòng nhảy đầm. Thời Mỹ chiếm đóng, sân chơi được mở rộng hơn phục vụ cho cả giới quý tộc. 

Tháng 11/1975, Ủy ban Quân quản Sài Gòn–Gia Định trao toàn bộ cơ ngơi này cho Liên đoàn Lao động Thành phố để cải tạo xây dựng thành nơi tổ chức các hoạt động văn hóa thể thao và vui chơi giải trí cho công nhân lao động, lấy tên là Câu lạc bộ Lao Động, sau đổi thành Nhà văn hóa Lao Động, và rồi là Cung Văn hóa Lao Động. Diện tích 2,8ha, với 132 năm hình thành và phát triển, Cung Văn hóa Lao Động là Nhà văn hóa cổ và lớn nhất của Sài Gòn 

Công viên lâu đời nhất 
Thảo Cầm Viên do người Pháp xây dựng năm 1864, nhà thực vật học nổi tiếng người Pháp Louis Pierre làm giám đốc đầu tiên. Mục đích xây dựng Thảo Cầm Viên để ươm cây giống trồng dọc các đại lộ Sài Gòn, đồng thời là nơi nuôi trồng những động thực vật vùng nhiệt đới mà các Thảo Cầm Viên của Pháp chưa có. Năm 1865, chính phủ Nhật đã hỗ trợ khoảng 900 giống cây quý như: Chizgnamat, Goyamtz, Acamatz, Coramatz, Kayanoki, Kayamaki, Enoki, Maiki, Asoumaro, Sengni, Momi, Cashi, Kiaki, Inoki… 

Động vật của Thảo Cầm Viên khá phong phú như: gà lôi, sếu, cu gáy, hồng hoàng, công, hưu, nai, cọp, khỉ, chồn hương, tắc kè, rùa, cọp xám, đóm đen, gà lôi xanh, chim cú lợn… Đến năm 1989, Thảo Cầm Viên được cải tạo, mở rộng và nhập thêm nhiều giống thú mới, trồng thêm cây quý. Hiện nay, có 600 đầu thú thuộc 120 loài, 1823 cây gỗ thuộc 260 loài và nhiều loại cây kiểng quý trên diện tích 21.352m2. Năm 1990, Thảo Cầm Viên là thành viên chính thức của Hiệp hội các vườn thú Đông Nam Á. Thảo Cầm Viên đã tròn 134 tuổi, số lượng động thực vật ngày càng tăng, nơi đây đã gắn bó với từng bước đi lên của thành phố và là một trong những công viên khoa học lớn nhất Đông Dương. 

Ngôi nhà xưa nhất 
Ngôi nhà có tuổi thọ lâu đời nhất còn hiện diện tại Sài Gòn nằm trong khuôn viên Toà Tổng Giám Mục Sài Gòn -180 Nguyễn Đình Chiểu, P.6, Q.3. Năm 1790, Vua Gia Long cho cất ngôi nhà này ở gần Rạch Thị Nghè làm nơi ở cho Linh Mục Bá Đa Lộc và làm nơi dạy học cho Hoàng tử Cảnh. Ngôi nhà được xây dựng bên bờ sông Thị Nghè trong địa phận Thảo Cầm Viên bây giờ. 

Năm 1799, Bá Đa Lộc chết, ngôi nhà được giao cho linh mục khác. Từ năm 1811 đến năm 1864 ngôi nhà bị đóng cửa vì chính sách cấm đạo của triều đình Huế. Sau khi vua Tự Đức ký hòa ước với Pháp, ngôi nhà được trao lại cho Tòa Giám Mục và được di chuyển về vị trí đường Alexandre de Rhodes hiện nay. Sau đó năm 1900 Tòa Giám Mục được xây cất tại 180 đường Richaud (nay là đường Nguyễn Đình Chiểu) thì ngôi nhà gỗ lại được dời về đây làm nhà thờ của Tòa Giám Mục. Ngôi nhà 3 gian 2 chái, lợp ngói âm dương, sườn, cột bằng gỗ, khung cửa và các khung thờ đều được chạm trỗ công phu hình hoa, lá, chim thú, hoa văn. 

Trong các di vật còn lại của ngôi nhà có một di vật có giá trị lịch sử lớn, đó là đôi liễn gỗ có tám chữ triện khảm xà cừ là tám chữ vua Gia Long ban tặng giám mục Đá Ba Lộc, một bên là “Tứ Kỳ Thịnh Hy”, một bên là “Thần Chi Cách Tư”. 

Ngôi nhà được tu sửa vào năm 1980, cách tu sửa có tính chất vá víu, cốt giữ lại những gì có thể giữ được. Trải qua hai thế kỷ ngôi nhà không giữ được nguyên trạng nhưng đây là một di tích kiến trúc mang dấu ấn lịch sử, tôn giáo và văn hóa nghệ thuật. Đây là một tài sản có giá trị mà các bậc tiền nhân đã để lại cho chúng ta, không chỉ là truyền thống- bản sắc dân tộc mà còn là bộ mặt quá khứ mang tính văn hóa kiến trúc, một khía cạnh văn minh tại một vùng đất mới mọc lên từ đầm lầy, kênh rạch. 

Ngôi chùa cổ nhất 

Ngôi chùa có cảnh trí đẹp nhưng nằm ở địa điểm không tiện đi lại nên được ít người biết đến là chùa Huê Nghiêm, tọa lạc ở 20/8 Đặng Văn Bi, Thủ Đức. Chùa được thành lập năm 1721 do Tổ Thiệt Thùy (Tánh Tường) khai sáng. Tên chùa lấy từ tên bộ kinh Hoa Nghiêm. Đây là chùa cổ xưa nhất trong các chùa ở TP. HCM nên còn gọi là Huê Nghiêm Cổ Tự. 

Những ngày đầu là một ngôi chùa nhỏ được xây cất trên vùng đất thấp cách địa thế chùa hiện nay khoảng 100m. Sau đó, Phật tử Nguyễn Thị Hiên pháp danh Liễu Đạo hiến đất để xây lại ngôi chùa rộng rãi khang trang như hiện nay. Qua nhiều lần trùng tu vào các năm 1960, 1969, 1990 mặt tiền chùa ngày nay mang dáng vẻ kiến trúc của chùa hiện đại nhưng các gian phía trong vẫn giữ nguyên kiến trúc cổ truyền, mái gian mặt tiền được cấu trúc gồm 3 lớp, nhỏ dần về phía trên. 

Các đường gờ mái chạy dài xuống cuối đầu đăng đều trang trí bằng hoa văn hình cánh sen đối xứng, giữa là hình bánh xe luân pháp, đặt trên hoa sen. Mái lợp ngói ống màu đỏ, đường viền mái ngói màu xanh. Vườn chùa có nhiều cây xanh bóng mát, có 9 ngôi tháp cổ với nhiều kiểu dáng khác nhau như những cánh sen vươn lên. Những hàng cột gỗ trong chùa được khắc nổi các câu đối bằng chữ Hán màu đen kết hợp với việc chạm khắc mô típ “long ẩn vân” dùng trang trí. 

Chùa Huê Nghiêm là một di tích Phật giáo quan trọng, là nơi dừng chân, sống đạo và hành đạo của nhiều vị danh tăng uyên thâm Phật pháp, có đạo hạnh và có đạo đức. Chùa cũng là bằng chứng về trình độ kiến trúc và phong tục tập quán của người Việt trên vùng đất mới khai phá, mở ra nền văn minh trên vùng đất hoang sơ. 

Đường sắt đầu tiên ở thành phố 
Tuyến đường sắt đầu tiên ở nước ta là đoạn đừơng sắt Sài Gòn–Mỹ Tho dài 71km, xây dựng năm 1881. Ga chính trước chợ Bến Thành, văn phòng đường sắt là tòa nhà 2 tầng chiếm cả khu đất bao bọc bởi 3 đường Hàm Nghi–Huỳnh Thúc Kháng–Nam Kỳ Khởi Nghĩa, nay là Xí nghiệp Liên hợp đướng sắt khu vực 3. 

Xe lửa chạy bằng máy hơi nước phải dùng than củi đốt nồi súp-de nên xe chạy khá chậm. Vì không cạnh tranh nổi với xe đò trong việc chuyên chở hàng hóa và hành khách, đường xe lửa Sài Gòn–Mỹ Tho ngưng hoạt động từ lâu. Sau năm 1975, Ga xe lửa Sài Gòn được dời về Ga Hoà Hưng. Trên nền Ga Sài Gòn cũ ngày 8/8/1998, khởi công công viên 23/09.

Ngôi nhà nằm ngay giữa ảnh, bây giờ là quán phở 2000

Đứng ở góc chợ BT nhìn sang phía công viên 23/9...ngày xưa là thế này
Dãy nhà bên phải ảnh là nhà Ga xe lửa..đã đóng cửa những năm 80..bây giờ là công viên 23/09.. dãy bên trái là Ks New World.. trứoc đây là ngã 3 - Lê lai và Ng T Nghĩa.. sau này sở GTCC mới thông đừong làm ngã 4 - đó là nguyên nhân công viên 23/9 bị chia đôi bởi con đừong Ng T Nghĩa bây giờ

Người Việt đầu tiên viết sử Việt Nam bằng tiếng Pháp
  
Ông Trương Vĩnh Ký (1837-1898). Năm 1859, Pháo hạm Pháp bắn vào cửa biển Đà Nẵng và thành cũ Gia Định, triều đình nhà Nguyễn bắt buộc chấp nhận mở cửa đất nước cho tư bản thực dân Pháp xâm nhập. Trong giai đoạn lịch sử mới, người Việt Nam từng bước tiếp xúc với ngôn ngữ và văn minh mới. 

Trương Vĩnh Ký là một trong những người sớm tiếp xúc và hấp thụ ngôn ngữ văn hoá phương Tây đã trở thành học giả có nhiều sáng tác nhất bằng cả tiếng Pháp và tiếng Hán–Việt. Ông là người Việt Nam đầu tiên viết sử Việt Nam bằng tiếng Pháp. Cuốn “Giáo trình lịch sử An Nam” đã được xuất bản gồm hai tập dày 462 trang. Đây thực sự là một công trình bác học biên soạn công phu dưới ánh sáng của một phương pháp luận khoa học tiến bộ so với đương thời. 

Tờ báo bằng chữ Quốc Ngữ đầu tiên 
Tờ “Gia Định Báo” là tờ báo chữ Quốc ngữ đầu tiên ở nước ta ra đời tháng 4/1865. Tờ báo đăng những thông tin nghị định của nhà nước và những tin kinh tế xã hội, lời bàn về thời cuộc, luân lý, lịch sử. Báo ra hằng tháng. Sau 4 năm phát hành, chính quyền thuộc địa cho phép báo phát hành hàng tuần bằng quyết định số 51 ngày 18/3/1869. 

Tờ báo đầu tiên của Phụ nữ Việt Nam
  
Ngày 1/2/1918 tờ báo chuyên về Phụ nữ đầu tiên ra đời là tờ “Nữ Giới Chung” nhằm nâng cao trí thức, khuyến khích công nông thương, đề cao người Phụ nữ trong xã hội, chú trọng đến việc dạy đức hạnh, nữ công, phê phán những ràng buộc đối với Phụ nữ, đánh đổ mê tính dị đoan, động viên Phụ nữ quan tâm đến việc “Nữ quyền”. Muốn có vị trí ngang hàng với nam giới ngoài việc tề gia nôi trợ phải am hiểu “tình trong thế ngoài”. 

Chủ bút tờ báo là nữ sĩ Sương Nguyệt Anh, con gái nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, vốn có lòng yêu nước, yêu thương đồng bào như thân phụ nên khi làm báo Bà có ý muốn làm diễn đàn để tỉnh thức lòng yêu nước trong dân chúng. Tuy chỉ tồn tại được hơn 6 tháng nhưng “Nữ Giới Chung” cũng đã gióng lên một hồi chuông nữ quyền còn vang mãi đến ngày nay. 

Cuốn từ điển tiếng Việt đầu tiên 
“Đại Nam Quốc Âm Tự Vị” là cuốn từ điển tiếng Việt quốc ngữ Latinh của Huỳnh Tịnh Của gồm hai tập: Tập I xuất bản năm 1895, tập II xuất bản 1896 tại Sài Gòn. Bộ từ điển chứa nhiều từ ngữ xưa, thành ngữ, tục ngữ, từ ngữ về thảo mộc, cầm thú của Việt Nam và của miền Nam. Bộ từ điển này trở thành Từ điển Bách khoa toàn thư đầu tiên về Nam Bộ. 

Người kiến trúc sư Việt Nam đầu tiên 
Ông Nguyễn Trường Tộ (1828-1871) người làng Bùi Chu, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Gia đình ông theo đạo Thiên Chúa, ông giỏi chữ Nho, thông hiểu Ngũ Kinh Tứ Thư, học chữ Quốc ngữ và chữ Pháp với các giáo sĩ. Ông được giám mục Gauthier đưa sang Paris năm 1858. Ông am hiểu chính trị, kinh tế, quân sự, ngoại giao, pháp luật. Năm 1861 ông trở về nước, tàu ghé Sài Gòn thì nơi đây đã đổi chủ, ông buộc phải làm phiên dịch cho người Pháp. 

Trong lúc ở Sài Gòn, ông đã đứng ra xây cất tu viện dòng thánh Phao lô (số 4 Tôn Đức Thắng). Đây là công trình xây dựng theo kiến trúc Châu Âu do người Việt Nam thực hiện tại Sài Gòn. Công trình được xây dựng từ tháng 9/1862 đến 18/7/1864 hoàn thành gồm nhà nguyện với ngọn tháp nổi bật trên cao xây theo kiểu Gôtic, một tu viện, một nhà nuôi trẻ mồ côi và một tháp chuông. Công trình xây dựng này là kết quả nghiên cứu kiến trúc châu Âu của Nguyễn Trường Tộ khi ông ở Hồng Kông. Qua nhiều lần sửa chữa trùng tu, ngày nay tu viện thánh Phao Lô vẫn giữ được đường nét kiến trúc xưa, chứng tỏ tài năng kiến trúc của Nguyễn Trường Tộ không thua gì các kiến trúc sư người Pháp. 

Người Việt Nam đầu tiên vẽ bản đồ địa lý và 
đồ họa Sài Gòn theo phương pháp phương Tây 
Ông Trần Văn Học, sinh quán ở Bình Dương, giỏi Quốc ngữ, Latinh và tiếng Tây Dương, được giới thiệu làm thông ngôn cho Nguyễn Ánh. Ông phụ trách việc dịch sách kỹ thuật phương Tây, đồng thời kiêm việc chế tạo hỏa xa, địa lôi và các loại binh khí. Năm 1790, Nguyễn Ánh xây thành Bát Quái. Trần Văn Học phụ trách “phác họa đường xá và phân khu phố phường”. Ông rất có tài vẽ địa đồ, họa đồ và kỹ thuật bản đồ như: tỉ lệ, trắc địa, và vẽ gần như chính xác các thành trì và công trình. Ông được coi người đầu tiên vẽ bản đồ Sài Gòn - Gia Định theo phương pháp phương Tây. 



Phần nhận xét hiển thị trên trang

Biển Đông trên bàn cờ lớn của Trung Quốc

Tác giả: Đỗ Thanh Hải

Đối với nhiều người, hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông luôn khó hiểu. Quan sát sự khác biệt giữa lời nói và việc làm của Trung Quốc ở Biển Đông, Ryan Santicola kết luận Trung Quốc không có cách tiếp cận nhất quán. Brad Gloasserman cũng thấy khó giải thích lý do Trung Quốc lại chọc giận nhiều nước láng giềng của họ cùng một lúc. Tuy nhiên, xem xét các động thái của Trung Quốc dưới lăng kính văn hóa chiến lược của Trung Quốc có thể cho chúng ta một gợi mở đáng suy ngẫm.

Người Trung Quốc thường nhìn chính trị quốc tế như một ván cờ lớn, trong đó mỗi nước đi là một phần trong chiến lược tổng thể để giành chiến thắng. Có ba điều quan trọng trong bàn cờ đó. Thứ nhất, sự bí mật và mưu kế là tối quan trọng để đánh bại đối một đối thủ mạnh hơn mình. Thứ hai, người Trung Quốc tính toán dài hạn, hướng đến thay đổi tiệm tiến hơn là có tính cách mạng, và tận dụng các cơ hội. Người Trung Quốc không thiếu kiên nhẫn như người Phương Tây. Họ có thể kiên nhẫn đợi chờ thời điểm chín muồi để hành động. Thứ ba, các chiến lược gia Trung Quốc không coi ‘chiến tranh’ là ưu tiên hàng đầu. Như Thomas G. Mahnken đã chỉ ra, người Trung Quốc tin rằng chiến lược chủ yếu nhằm tạo ra “thế” để không chiến mà thắng. Những hiểu biết này giúp phần nào giải mã những việc Trung Quốc đang làm ở Biển Đông.

Chiến lược lớn của Trung Quốc

Là một cường quốc đang trỗi dậy, Trung Quốc cần có các khu vực ảnh hưởng ở xung quanh biên giới (vùng đệm an ninh). Nói cách khác, Trung Quốc cuối cùng sẽ tìm mọi cách để đẩy Mỹ ra khỏi Đông Bắc Á và Đông Nam Á. Do Trung Quốc không đủ khả năng ganh đua với Mỹ về quân sự, chiến lược lớn của Trung Quốc là tránh đối đầu trực diện với Mỹ, sử dụng áp lực để thu phục các nước láng giềng, buộc họ phải tự rời khỏi vòng tay của Mỹ.

Trong chiến lược lớn ấy, Biển Đông là đấu trường chính vì ba lý do. Một là Biển Đông là một vùng biển nửa kín án ngữ nhiều tuyến đường biển chủ chốt đến Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Thứ hai, các quốc gia vừa và nhỏ ở xung quanh Biển Đông có ít khả năng cưỡng lại sức mạnh vượt trội của Trung Quốc. Cuối cùng, sự hiện diện của Mỹ ở Biển Đông yếu hơn nhiều so với ở Biển Hoa Đông. Từ nhãn quan chiến lược của Trung Quốc, Biển Đông là yếu huyệt của toàn bộ hệ thống an ninh của Mỹ ở Châu Á-Thái Bình Dương.

Bằng chứng cho mưu đồ của Trung Quốc ở Biển Đông là yêu sách đường lưỡi bò. Yêu sách này không có cơ sở pháp lý và trái với Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Trung Quốc công khai yêu sách này tháng 5/2009 trong công hàm phản đối Báo cáo chung của Việt Nam và Malaysia nộp lên Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa của Liên Hiệp Quốc. Bất chấp sự chỉ trích và đề nghị giải thích của nhiều nước, Trung Quốc tránh né làm rõ ranh giới và bản chất của yêu sách đó. Sự mập mờ tạo ra mức độ linh hoạt lớn hơn cho Trung Quốc để diễn giải quyền và tài phán của nước này đối với một vùng biển rộng lớn mà Trung Quốc gọi là “vùng nước lịch sử’, chiếm tới 80% Biển Đông.

Trò chơi của Trung Quốc ở Biển Đông

Các sự vụ ở Biển Đông hé lộ một chiến lược tinh tế của Trung Quốc để chèn ép các quốc gia yêu sách khác ở đây. Chiến lược này có 4 thành tố. Thứ nhất, Trung Quốc phát triển một lực lượng hải quân đủ khả năng để ngăn chặn Mỹ ở bên ngoài chuỗi đảo thứ nhất, và cũng đủ sức để đè bẹp hải quân của các quốc gia Đông Nam Á.

Thứ hai, Trung Quốc sử dụng lực lượng tàu bán quân sự và dân sự làm phương tiện để thay đổi nguyên trạng. Đến nay, với các tàu cá và tàu chấp pháp, Trung Quốc đã giành được kiểm soát đối với bãi Trăng Khuyết (Scarborough Shoal) và đang tiến hành bao vây điểm đóng quân của Philippines ở Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal).

Thứ ba, Trung Quốc sử dụng giàn khoan di động khổng lồ để kiểm soát không gian biển. Từ ngày 1/5/2014, TQ đã điều dàn khoan Hải Dương 981 và hơn 100 tàu đủ loại đến vùng nước Việt Nam tuyên bố vùng thềm lục địa hợp pháp của họ. Hải Dương 981 không đơn thuần là một giàn khoan dầu, mà nó còn là một cột mốc chủ quyền.

Sự vụ giàn khoan 981 đáng báo động ở mức độ bạo lực. Các tàu cá và tàu chấp pháp của Trung Quốc, có sự yểm trợ của tàu chiến, không ngần ngại sử dụng cách “đánh nguội”, như đâm húc, sử dụng loa công suất lớn, và bắn vòi rồng, để phá hỏng và đe dọa các tàu đối phương. Máy bay của Trung Quốc bay ở tầm thấp để uy hiếp các thủy thủ Việt Nam. Va chạm và vòi rồng đã làm bị thương nhiều thủy thủ và làm nhiều tàu của Việt Nam hư hỏng.

Để bảo vệ giàn khoan, Trung Quốc đã tùy tiện áp đặt hạn chế đi lại ở quanh khu vực giàn khoan. Lúc đầu, Trung Quốc tuyên bố khu vực cấm tàu bè nước ngoài với bán kính 1 hải lý từ vị trí giàn khoan. Khoảng cách này sau đó được nâng lên thanh 3 hải lý. Trên biển, các tàu Trung Quốc chủ động thiết lập vùng cấm ở phạm vi 20-25 hải lý từ giàn khoan. Một tàu đánh cá của Việt Nam đã bị đâm chìm ở vị trí cách giàn khoan 17 hải lý.

Thứ tư, Trung Quốc sử dụng ngoại giao để đánh lạc hướng dư luận. Lãnh đạo Trung Quốc liên tục hứa hẹn “phát triển hòa bình”. Mặc dù chủ trương theo đuổi việc giải quyết các tranh chấp qua con đường song phương, Trung Quốc từ chối thỏa hiệp về vấn đề chủ quyền. Trung Quốc cũng trì hoãn các nỗ lực hướng đến xây dựng một Bộ Quy tắc Ứng xử, mặc dù đây là một trong các cam kết trong Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông ký năm 2002. Tại các hội nghị quốc tế, các quan chức và học giả Trung Quốc thường né tránh bàn luận chi tiết về cơ sở pháp lý của yêu sách đường lưỡi bò và đổ lỗi cho các bên tranh chấp khác cũng như Mỹ là nguyên nhân buộc họ phải quyết đoán. Phát biểu của Tướnng Wang Guanzhong tại Đối thoại Shangri-La 13 vừa rồi là một ví dụ điển hình.

Trung Quốc đang buộc các đối thủ chơi ván cờ của họ, và ván cờ đó Trung Quốc có lợi thế. Các “va chạm nguội” có thể đủ để bẻ gãy ý chí của đối thủ nhỏ hơn trong khi tránh được sự can thiệp mạnh mẽ từ phía Mỹ.

Phản ứng của các nước trong khu vực

Các quốc gia yêu sách ở Biển Đông có ít “lá bài” để đáp trả Trung Quốc. Pháp lý là lựa chọn tốt cho Philippines, nhưng không phải cho Việt Nam tại thời điểm hiện tại. Kinh tế Việt Nam hiện phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc. Năm 2013, 28.1 % xuất khẩu của Việt Nam, phần lớn là nguyên liệu đầu vào cho sản xuất hàng xuất khẩu, là từ Trung Quốc. Nguy cơ từ các đòn trả đũa kinh tế và triển vọng mịt mờ của các con đường pháp lý làm cho lựa chọn này không hấp dẫn trong ngắn hạn. Trong khi đó, ở Việt Nam, các cuộc biểu tình chống Trung Quốc đã biến thành bạo động gây lo ngại cho giới đầu tư nước ngoài. Chủ nghĩa dân tộc thực sự là một hòn than hồng rất dễ gây bỏng tay.

Cả Hà Nội và Manila đều cố gắng kêu gọi sự hỗ trợ của ASEAN. Nhưng họ đều vấp phải khó khăn trong việc tìm kiếm sự nhất trí trong ASEAN để nêu đích danh và phê phán hành vi của Trung Quốc. Khi Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển của Việt Nam, ngày 10/5/2014, ASEAN ra một tuyên bố riêng rẽ về Biển Đông. Tuy nhiên, tuyên bố này né tránh việc lên án hành vi đơn phương của Trung Quốc.

Lo ngại về khả năng leo thang thành xung đột vũ trang, cả Việt Nam và Philippine đều tránh triển khai tàu chiến đến điểm nóng. Ở sự vụ giàn khoan, dù Việt Nam tuyên bố sẵn sàng sử dụng “mọi biện pháp cần thiết”, các nhà lãnh đạo Hà Nội cũng nói rõ Việt Nam sẽ không nổ súng trước. Rõ ràng, rất khó để biện minh cho việc nổ súng trước trong luật pháp quốc tế. Nếu họ nổ súng, Mỹ cũng không cứu họ. Nếu một cuộc xung đột vũ trang xảy ra, Việt Nam rõ ràng yếu thế trước hỏa lực từ không quân và hải quân của Trung Quốc. Như vậy, do không có bất kỳ sự hỗ trợ chiến lược nào đáng kể, Việt Nam buộc phải chọn giải pháp an toàn. Tại Đối thoại Shrangri-La vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng của Việt Nam đã chọn “tông” phát biểu vừa phải, giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của khủng hoảng giàn khoan trong khi nhấn mạnh mối quan hệ tổng thể tốt đẹp giữa Việt Nam và Trung Quốc để kêu gọi Trung Quốc lùi bước.

Mỹ cần can dự mạnh mẽ hơn

Washington đã tái khẳng định vai trò lãnh đạo của Mỹ ở Thái Bình Dương qua chính sách “tái quân bình” với một loạt các biện pháp quân sự, kinh tế và ngoại giao. Mỹ cũng là nước lớn tiếng trong việc phê phán các hành động đơn phương của Trung Quốc. Tuy nhiên, Mỹ vẫn chưa có một chiến lược toàn diện và lâu dài để đối phó với Trung Quốc ở Biển Đông. Nếu Mỹ để xu hướng hiện tại tiếp diễn, vị thế của họ ở Biển Đông sẽ bị suy giảm.

Trước nguy cơ thất thế ở một khu vực chiến lược trọng yếu, Mỹ nên thực hiện bốn biện pháp. Một là, Mỹ nên lên án và phản ứng mạnh mẽ trước các mưu đồ nhằm thay đổi nguyên trạng. Hai là, Mỹ nên có biện pháp cụ thể để đảm bảo an toan hàng hải và thúc đẩy việc áp dụng nghiêm túc UNCLOS 1982. Mỹ nên có tuyên bố rõ hơn và mạnh hơn bác bỏ yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc. Ba là, Mỹ nên thúc đẩy các cuộc thảo luận nghiêm túc về một bộ quy tắc ứng xử có ràng buộc và các giải pháp căn bản, lâu dài cho các tranh chấp. Mỹ không nên đơn thương độc mã làm các việc trên, mà nên hợp tác với các chặt chẽ với các quốc gia yêu sách và các quốc gia sử dụng biển để xây dựng một trật tự pháp luật minh bạch và đáng tin cậy ở Biển Đông.

Bóng đang ở phía sân của Mỹ, và Mỹ cần phải một phản ứng quyết liệt hơn./.

Bản dịch từ bài gốc Tiếng Anh: South China Sea in China’s Grand Strategy, CSIS xuất bản tại: http://csis.org/files/publication/Pac1444.pdf- See more at: http://nghiencuuquocte.net/2014/06/17/bien-dong-tren-ban-co-lon-cua-trung-quoc/#sthash.GmCDR9JJ.dpuf


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tốt xấu phải theo đúng quy định của trên!

ĐAU CẢ MIỆNG
Sáng ngồi với cô bạn cà phê thấy khuôn mặt đăm chiêu buồn buồn...Gặng mãi cô ấy mới thủ thỉ nói :
- Cơ quan em vừa nhận công văn " Hạn chế người tốt " mình tròn xoe mắt ngạc nhiên !!!
- Em nói thật hay đùa đấy ?
- Thật 100% anh ạ, số là vừa rồi Sở em có văn bản chỉ đạo chỉ tiêu thi đua khen thưởng cuối năm với mức hạn chế chỉ 70% được lao động giỏi thôi. Đọc cái công văn phân bổ em đau đầu quá!
- Gật ...gật..có vẻ như mình cũng hiểu vụ này và cố lắng nghe cô ấy nói hết.
- Anh ạ vậy là từ tháng 6 này trở đi chúng em phải quyết liệt tìm cách bới móc cho bằng được cái xấu của nhau cho đạt con số 30% ấy. Nếu không thì chết dở.!
Có mất đoàn kết có trở thành cái gì cũng đạt bằng được chứ không lại bị khiển trách. Mấy ngày nay em cũng cố tìm nhưng thấy ai cũng tốt, đi làm dúng giờ và hoàn thành nhiêm vụ, chắc phải họp để bốc thăm làm " người xấu " cho khỏi mất lòng nhau thôi anh ơi!
- Anh nói thật hơi đâu mà em đau đầu, chứ em tưởng mình cơ quan em thế thôi hả... Em có biết nghe em nói mà anh đau cả miệng không vậy ?
Đinh Văn Hồng fb.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Hai, 16 tháng 6, 2014

Trung Quốc có dấu hiệu sử dụng vũ khí

Biển Đông nóng: Trung Quốc có dấu hiệu sử dụng vũ khí! 
Có vẻ như ngoài đó đang nóng lắm rồi, bà con ơi!

"Lực lượng CSB và KN Việt Nam phải cảnh giác và trước tiên phải tính đến phương án bảo vệ mình, đáp trả xứng đáng, quyết không để rơi vào tình thế như năm 1988 ở Trường Sa.

Trang bị vũ khí của tàu Cảnh sát biển là súng 25 ly trở xuống, nhưng Hải cảnh Trung Quốc (CSB) lại trang bị súng 72 ly là bất chấp luật quốc tế. Đối đầu với kẻ bất chấp, độc ác, tàn bạo, dã man như Trung Quốc thì chúng ta không thể chủ quan với tính mạng, tài sản của mình, phải chuẩn bị vũ khí hoặc những thứ tương xứng để đáp trả, thay vì “vận động xua đuổi” chuyển sang “vận động tác chiến” để đưa đối tượng vào trong tầm sử dụng hỏa lực dễ dàng khi chúng nổ súng trước".


(Bình luận quân sự) - Tương tự vụ cướp đảo Gạc Ma, Trung Quốc muốn cướp được biển, đảo mà không có chiến tranh lớn để tránh sa lầy.


26 năm trước, ngày 14/3/1988, trên vùng biển thuộc Quần đảo Trường Sa của chúng ta, Hải quân Trung Quốc đã huy động hàng chục tàu chiến tấn công vào lực lượng Hải quân Việt Nam đang triển khai xây dựng công trình giữ đảo.

Lực lượng của Trung Quốc có 12 tàu chiến gồm: 1 tàu khu trục tên lửa, 7 tàu hộ vệ tên lửa, 2 tàu hộ vệ pháo, 2 tàu đổ bộ, 3 tàu vận tải hỗ trợ LSM, tàu đo đạc, tàu kéo và 1 pông tông lớn.

Hải quân Việt Nam gồm 3 tàu vận tải HQ 604, HQ 605 và HQ 505 trang bị súng 12ly7 cùng 70 chiến sỹ công binh của trung đoàn công binh 83 và 4 tổ chiến đấu gồm 22 người của lữ 146.

Với lực lượng trên, Trung Quốc đã nổ súng, phóng tên lửa vào 3 con tàu này của Việt Nam để cướp đảo.

Khoảng một tháng sau vụ Trung Quốc cướp đảo Gạc Ma, hải quân Việt Nam đưa 35 chiến sĩ công binh và 7 chiến sĩ hải quân cùng vật liệu xây dựng lên đá Len Đao, xây nhà đánh dấu chủ quyền. 

Lặp lại kịch bản Gạc Ma, trong ngày 16/3, Trung Quốc đưa 7 tàu chiến và nhiều xuồng nhỏ bao vây uy hiếp số quân Việt Nam trên đá. Tuy nhiên, lần này Việt Nam cho 7 máy bay chiến đấu từ đất liền bay ra hỗ trợ các chiến sĩ hải quân nên số tàu chiến của Trung Quốc phải bỏ đi, đụng độ không xảy ra, phía Việt Nam giữ được đảo đá và hoàn thành việc xây dựng nhà trên đá.

Vấn đề rút ra ở đây là sự độc ác, tàn bạo, dã man của Trung Quốc là bản chất vốn có của lính Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của nhà cầm quyền Bắc Kinh. Để cướp đất, cướp đảo, cướp biển của người khác thì chúng có thể làm bất cứ điều gì ngoài quy ước, đạo lý. Đừng nghĩ rằng Trung Quốc sẽ không làm gì vì quy ước, ký kết, thỏa thuận, đạo lý…mà Trung Quốc sẽ làm tất cả khi họ có thể. 

CSB và Kiểm ngư Việt Nam cảnh giác cao độ 

Cậy đông, cậy mạnh, “lấy thịt đè người” của Trung Quốc lại một lần nữa được bộc lộ rõ nét trong vụ giàn khoan Hải Dương 981. Đồng bào cả nước đang rất chăm chú theo dõi tình hình trên Biển Đông khi một lực lượng tàu bé nhỏ của CSB, KN Việt Nam phải đối đầu với một lực lượng lớn bao gồm cả tàu chiến của Trung Quốc quanh giàn khoan Hải Dương 981.

Trước việc giàn khoan Hải Dương đã lùi ra xa bờ biển Việt Nam, trước việc Trung Quốc đưa vấn đề giàn khoan ra Liên Hiệp quốc, trước việc Tờ "Thời báo Hoàn Cầu" do Đảng CS Trung Quốc quản lý, ngày 10/6 đăng bài viết nhan đề "Trỗi dậy hòa bình không mâu thuẫn với sử dụng vũ lực, bảo vệ chủ quyền có thể nổ súng" của tác giả Trương Kiến Cương, chủ nhiệm Phòng nghiên cứu chiến lược chính trị biển, Đại học Hải dương Quảng Đông; trước sự việc tình hình Ukraine và Irac căng thẳng, đặc biệt hôm nay đã xuất hiện tàu pháo của Trung Quốc giả dạng tàu Hải cảnh mang số hiệu 13 có trang bị 4 ụ pháo 72 ly áp sát tàu chấp pháp Việt Nam thì khả năng Trung Quốc nổ súng vào tàu CSB hay tàu KN của Việt Nam là rất khó lường.

Tàu chiến trang bị 4 pháo loại 72 ly giả dạng tàu Hải cảnh Trung Quốc đang hung hăng là rất nguy hiểm cho tàu chấp pháp Việt Nam. Hãy cảnh giác để đối phó.
Tàu chiến trang bị 4 pháo loại 72 ly giả dạng tàu Hải cảnh Trung Quốc đang hung hăng là rất nguy hiểm cho tàu chấp pháp Việt Nam. Hãy cảnh giác để đối phó. 

Đây là khả năng dùng “xung đột nhỏ, xung đột hạn chế” để tranh chấp chủ quyền của giới diều hâu Trung Quốc, là một âm mưu cực kỳ nguy hiểm. 

Trung Quốc muốn “dùng xung đột hạn chế” để biến sự đã rồi, đồng thời, đe dọa Việt Nam làm cho Việt Nam sợ mà không dám đánh trả để đòi lại những gì chúng đã cướp vì sẽ gây ra “xung đột lớn”. Như vậy có nghĩa là Trung Quốc muốn cướp được biển, đảo mà không có chiến tranh lớn để tránh sa lầy.

Tuy nhiên, bất kỳ “xung đột quân sự hạn chế” hay xung đột quân sự lớn, mở rộng mà Trung Quốc gây ra để xâm lược biển đảo của Việt Nam là do Trung Quốc toan tính, Việt Nam không cần quan tâm. Chỉ cần biết rằng Việt Nam sẽ đánh lại bằng tất cả sức mạnh, ý chí quyết tâm để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng.

Vì vậy, lực lượng CSB và KN Việt Nam phải cảnh giác và trước tiên phải tính đến phương án bảo vệ mình, đáp trả xứng đáng, quyết không để rơi vào tình thế như năm 1988 ở Trường Sa.

Trang bị vũ khí của tàu Cảnh sát biển là súng 25 ly trở xuống, nhưng Hải cảnh Trung Quốc (CSB) lại trang bị súng 72 ly là bất chấp luật quốc tế. Đối đầu với kẻ bất chấp, độc ác, tàn bạo, dã man như Trung Quốc thì chúng ta không thể chủ quan với tính mạng, tài sản của mình, phải chuẩn bị vũ khí hoặc những thứ tương xứng để đáp trả, thay vì “vận động xua đuổi” chuyển sang “vận động tác chiến” để đưa đối tượng vào trong tầm sử dụng hỏa lực dễ dàng khi chúng nổ súng trước.

Khi Trung Quốc rất tàn bạo và độc ác, lại cậy mạnh, nguy hiểm hơn là tự cho rằng mình mạnh thì không có điều gì mà Trung Quốc không làm, không ra tay. Cảnh giác đề phòng và sẵn sàng giáng trả là sự sống còn cho bất cứ lực lượng nào, quốc gia nào quan hệ với Trung Quốc. 

Lê Ngọc Thống

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Hiền tài như sao khuê buổi sớm - Văn bằng như lá rụng mùa thu!

Giáo sư, tiến sĩ giờ này anh ở đâu?
Theo số liệu thống kê mới nhất của Bộ GD-ĐT, tính đến năm 2013 có khoảng 9.000 giáo sư và 24.300 tiến sĩ (chưa nói đến phó giáo sư, phó tiến sĩ, thạc sĩ). Vậ ynhững giáo sư, tiến sĩ ấy họ đang ở đâu và đang làm gì? 
Trong lịch sử phát minh, sáng chế ở Việt Nam từ khi thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (1945) đến nay chắc ai ai cũng biết: về Nông nghiệp có Giáo sư Lương Định Của với phát minh tạo ra nhiều giống cây trồng với năng suất cao, Giáo sư Trần Đại Nghĩa là tên tuổi lớn trong lĩnh vực chế tạo vũ khí của Việt Nam, gắn liền với những sản phẩm nổi tiếng trong lịch sử kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ thường được gọi với cái tên “ông vua” vũ khí Việt Nam, về Y học có Giáo sư Đặng Văn Ngữ với việc sản xuất“nước lọc Penicillin” mà có đến 80% thương binh trở về đơn vị chiến đấu không bị cưa chân tay, Giáo sư Tôn Thất tùng với phương pháp mổ gan khô mang tên ông.

Gần đây nhất là vị giáo sư trẻ tuổi Ngô bảo Châu với công trình chứng minh "Bổ đề cơ bản cho các dạng tự đẳng cấu" do RobertLanglands và Diana Shelstad phỏng đoán.

Theo số liệu thống kê mới nhất của Bộ GD-ĐT, tính đến năm 2013 có khoảng 9.000 giáo sư và 24.300 tiến sĩ (chưa nói đến phó giáo sư, phó tiến sĩ, thạc sĩ). Vậ ynhững giáo sư, tiến sĩ ấy họ đang ở đâu và đang làm gì?

Câu trả lời là: phần lớn họ nằm trong vị trí các quan chức.
Nếu tính từ hàm Thứ trưởng trở lên, số người có trình độ tiến sĩ ở Việt Nam cao gấp 5 lần Nhật Bản. (Đó là tiết lộ của TS Nguyễn Khắc Hùng, nguyên Chuyên viên Đối ngoại, Học viện Hành chính Quốc gia khi nói về sự kiện 8 chủ tịch Tỉnh bị Thủ tướng yêu cầu kiểm điểm do báo cáo sai thiệt hại do thiên tai năm 2012).

Cách đây không lâu, Hà Nội công bố “chiến lược cán bộ công chức” với mục tiêu đến năm 2020 phấn đấu 100% cán bộ khối chính quyền diện Thành ủy quản lý có trình độ tiến sĩ. Theo đó, 100% cán bộ diện UBND TP quản lý có trình độ trên đại học,trong đó một nửa cần đạt trình độ tiến sĩ, 100% cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn có trình độ đại học, trong đó 50% trên đại học.

Lãnh đạo các tổng công ty, tập đoàn, doanh nghiệp… trên danh thiếp hầu hết đều kèm hai chữ TS.

Và tiến sĩ cho dù có đang làm gì đi nữa, thì công tác nghiên cứu khoa học đối với họ chắc chắn không phải là việc trọng yếu. Bởi, hiện nay, Việt Nam được xếp vào nước có nhiều tiến sĩ trong khu vực nhưng nghiên cứu khoa học lại nằm trong nhóm thấp nhất Đông Nam Á. Chúng ta vẫn thiếu các công trình khoa học có tầm cỡ khu vực và ít các sáng chế.

Ta tự hào về chế độ ưu việt xã hội chủ nghĩa (mà hiện nay chỉ có người dân ở một số ít nước được hưởng là: Triều Tiên, Cu ba, Lào và Trung Quốc) mọi người đều bình đẳng. Nhưng thực chất thì người ta đang dựa theo chức quyền để phân chia đẳng cấp, quyền lợi,tất nhiên chức càng cao, bổng lộc càng lớn.

Lúc sống đã vậy, tận tới lúc chết chôn ở đâu cũng có tiêu chuẩn dựa theo chức tước.Vì thế cả xã hội đều trọng chức quyền. Mà muốn có chức quyền thì cần có bằng cấp, cộng thêm danh hiệu Đảng viên, là người ta có thể tiến thân, có thể trở thành lực lượng lãnh đạo với nhiều bổng lộc mà không cần phải có thực lực.

Đó là nguyên nhân sâu xa đã và đang dẫn đến việc nhiều kẻ cơ hội đổ xô đi săn bằng cấp bằng mọi giá. Đua bằng cấp, chức danh chứ không đua tài năng. Bởi đua tài năng, cuộc đua dưới ánh mặt trời, thì khó hơn nhiều, dễ lộ chân tướng và dễ bị thua. Bao nhiêu sức lực, thời gian và tiền bạc đáng ra để tập trung làm chuyên môn, làm nghề thì lại bị phung phí vào các cuộc đua tranh lấy bằng cấp.Nhìn vào con đường để trở thành thạc sỹ, tiến sỹ hiện nay ở nước ta đã bị biến chất. Nhiều người có lòng tự trọng không khỏi ngại ngùng thậm chí xấu hổ và muốn lánh xa.

Nói đến nguyên nhân vì sao như vậy thì rất nhiều, chủ quan có, khách quan có. Nhưng cái nguyên nhân chủ yếu vẫn chính là cái cơ chế “sính” học vị, “nặng” bằng cấp khiến cho cả guồng máy xã hội, nhà nhà, người người mệt mỏi điên cuồng chạy theo cái “danh ảo”… bằng mọi giá, bằng mọi cách có thể. Để rồi từ đó, lại tiếp tục lao vào công cuộc “kiếm quyền, kiếm tiền” mà bỏ quên mất điều cốt lõi cần có của khoa học là niềm đam mê được duy trì liên tục trong công việc tìm tòi nghiên cứu chuyên môn.

Lại nhớ xưa khi mời ai đó lên diễn đàn phát biểu chỉ cần giới thiệu: “Kính mời anh A, chị B lên phát biểu”, thế là xong không màu mè chỉ vỏn vẹn có dăm từ thôi, mà sao thân mật, ấm cúng và hiệu quả biết nhường nào. Nay lại khác, bởi có học hàm học vị thì lời mời lại phải theo công thức sau: Xin kính mời + chức danh + học vị + toàn bộ danh hiệu đã được phong + toàn bộ giải thưởng đã được tặng + toàn bộ chức vụ quản lý, chức vụ Đảng đang có + Ông (Bà) + họ tên đầy đủ + lên phát biểu. Có như thế mới bõ cái công đeo đuổi học hàm, học vị và cái quan trong là giải quyết được khâu oai.

Có một điều không bình thường là với một đội ngũ trên 9.000 giáo sư và phó giáo sư, và hàng trăm ngàn tiến sĩ và thạc sĩ mà không có bằng sáng chế đăng kí. Càng không bình thường khi chúng ta so sánh với Thái Lan(có ít giáo sư và tiến sĩ hơn ta) khi trong cùng thời gian 2000-2007 đã có đến 310 bằng sáng chế. Có thể nói rằng trong các nước Đông Nam Á (ngoại trừ Lào, Campuchia và Miến Điện) Việt Nam có số bằng sáng chế thấp nhất.

Trong khu vực Đông Nam Á, một đất nước nhỏ bé như Singapore với 4.8 triệu dân có 647 bằng sáng chế. Đứng thứ hai là Malaysia với 161 bằng sáng chế, Thái Lan với 68 bằng sáng chế. Trong khi đó, Việt Nam không có bằng sáng chế nào đăng kí ở Mỹ trong năm 2011. (Thống kê trên iternet)

Đất nước ta không thiếu những “hiện tượng” khoa học, không thiếu những con người đam mê sáng chế, đam mê khoa học thật thụ. Báo chí hàng ngày vẫn cần mẫn phát hiện ra những “hạt nhân” đầy khát khao ấy, nào là người sáng chế ra máy tuốt lúa, máy gặt, máy xay xát, máy tách hạt ngô, máy bóc lạc, bóc đỗ, sáng chế ra tàu ngầm, máy bay, ô tô, mô tô… Họ âm thầm hăng say làm điều mình yêu thích, vui buồn cùng với những lần thất bại hay thành công của chính bản thân mình. Trong số họ người có bằng cấp cao nhất là cử nhân, thợ máy, thậm chỉ là những nông dân “hai lúa” mày mò sáng tạo xuất phát từ thực tế lao động.

Nhưng, sự lao động trong sáng đầy ý nghĩa ấy lại gặp những “rào cản” không đáng có từ những người (chắc chắn có học hàm, học vị giáo sư, tiến sĩ), đáng lẽ ra phải khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho những nhà sáng chế ấy. Mới đây, câu chuyện anh thợ máy Nguyễn Văn Thắng, người đang tự nghiên cứu chế tạo máy bay trực thăng, đã có một cuộc làm việc với… công an. Kết quả là anh Thắng phải ký vào một biên bản buộc anh phải dừng toàn bộ việc nghiên cứu, chế tạo máy bay trực thăng. Những cán bộ này còn yêu cầu anh Thắng dỡ bỏ động cơ khỏi máy bay, như vậy, ước mong sản xuất ra trực thăng “made in Việt Nam” của anh Thắng có thể đã tan tành mây khói?

Bản thân bằng cấp và chức danh chân chính, lương thiện thì rất có ích cho xã hội. Trước kia, số giáo sư, tiến sĩ ở ta không nhiều, nhưng đó là những tên tuổi như: Đào Duy Anh, Nguyễn Mạnh Tường, và những giáo sư đã nói ở phần đầu bài viết... Còn ngày nay thì đúng là “Ta tự hào đi lên. Ôi Việt Nam” học hàm, học vị nhiều đến mức có thể “ra ngõ gặp giáo sư, tiến sĩ”. Với thực trạng này thì nền khoa học kỹ thuật của nước nhà có nguy cơ trở thành hữu danh, vô thực.

Có ai đó từng nhận định “ở Việt Nam không thể có thiên tài”, hơi cực đoan nhưng không hẳn là không có lý. Hàng năm, sinh viên học sinh Việt Nam mang về không biết bao nhiêu là các loại huy chương quốc tế. Thế nhưng càng lớn thì những “ngôi sao sáng” đó càng “tối” hoặc “tắt hẳn” hoặc “rơi rụng” ở chân trời xa xôi nào đó.

Lịch sử khoa học cho thấy rằng các vĩ nhân, các nhà sáng chế thiên tài chưa hẳn đã phải là giáo sư, tiến sĩ, nhưng 100% những người xuất chúng ấy đều có một niềm đam mê thật thụ và liên tục với lĩnh vực mà họ quan tâm.

Mong rằng câu nói của ai đó: “ở Việt Nam không thể có thiên tài” là hoàn toàn sai lầm.

Lời kết bài viết này tôi xin mượn một câu Kiều của : Giáo sư, Nhà giáo ưu tú, Đông các đại học sĩ, Cần chánh điện học sĩ, Đại thi hào Nguyễn Du, Danh nhân văn hóa thế giới (xin Tố Như tiên sinh bỏ lỗi cho con vì sự xúc phạm này) :

“Mượn màu son phấn đánh lừa con đen”

Chữ “Con đen” ở đây được hiểu là những người dân bình thường như tôi.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Gỉ gì ri, cái gì cũng sợ..mới làm nhà báo được!


NHÀ BÁO SỢ GÌ NHẤT?

Sắp đến Ngày nhà báo VN 21/6, bèn đăng lại bài báo của mình đã đăng trên Tạp chí Nhà báo và Công luận 12 năm trước, vì thấy cũng vẫn ...  "nguyên giá trị thời sự" :D :D :D 

NHÀ BÁO SỢ GÌ NHẤT?
Thanh Hằng

Không ít người "ngoài ngành" cứ tưởng rằng, phàm đã làm nhà báo thì cứ thích gì nói nấy và chả biết sợ là gì.Thế nhưng, kinh nghiệm làm báo 15 năm cho tôi thấy, khó khăn, gian khổ, cánhbáo chí chẳng hề sợ, nhưng có những điều tưởng như đơn giản thì lại là nỗi"e dè" của người làm báo. Một trong những điều đó là việc sợ sếphay...giật mình. Có nhiều chuyện, nhưng xin chỉ kể ra một vài kỷ niệm thời giantôi còn công tác tại một tờ báo mà thôi

Đầu năm ngoái, cô bạn đồng nghiệp trongtoà soạn viết một tiểu phẩm cho chuyên mục "Chuyện cuối tuần" cuảbáo. Nói một cách công bằng thì đó là một bài báo không có gì gây ấn tượng, vìchỉ nói chung chung về một anh cán bộ quản lý thị trường kể cho vợ nghe việcbắt giữ vụ phi phạm lâm luật coi như "xôi hỏng, bỏng không" vì ngaylập tức có một cú phôn của một cán bộ cấp trên can thiệp. Bài báo không hề duydanh định nghĩa và mang tính văn nghệ nhiều. Thế nhưng, chỉ sau khi báo ra vàigiờ, một cú điện thoại nào đó khiến BBT lập tức có một một cuộc họp khẩn, đểrồi tiếp đó là một cuộc họp toàn cơ quan kiểm điểm tác giả bài báo. Cơ quan ngơ ngác nghe kết luận là bài báo có sai sót về chính trị(!?). Không dễ chấp thuậnnhững lý lẽ của BBT đưa ra với ý định sẽ kỷ luật nặng tác giả bài báo, đồngthời ghi lý lịch, nhiều phóng viên có thâm niên đã viện dẫn đủ điều luật nọ,luật kia ra để bảo vệ đồng nghiệp. Song, lệnh "trên" đưa xuống đố aidám trái. Thế là, dù chẳng vi phạm luật báo chí hay bất cứ điều luật nào củanước CHXHCNVN, đồng nghiệp của tôi vẫn phải nhận một mức án kỷ luật (còn nhữngngười ký duyệt đăng bài báo "sai sót về chính trị" thì ...vô can(!?))
Mãi vài ngày sau, qua một nguồn thạo tin,chúng tôi mới biết lý do: Tình cờ, câu chuyện mà cô phóng viên nọ viết lại naná với một câu chuyện thật về vụ vi phạm đã được một vị "sếp" ..."bảo kê". Thế là, "sếp" cho rằng, phóng viên nọ dám"móc máy" sếp. Và đã như thế thì phải xử lý. Một cú điện thoại là mọisự như sắp đặt. Có gì đâu! Lỗi là ở chính phóng viên kia. Ai bảo dám tưởngtượng như thật khiến "sếp" giật mình! Nhưng chúng tôi cũng tiếc mãicho cô bạn: Giá mà sếp cứng bóng vía một tí thì tác giả bài báo đâu đến nỗi!Thế mới biết, ở với cấp trên mà "có tật...giật mình" cũng nguy hiểmcho nhà báo ra phết đấy!
Câu chuyện kia chưa kịp nguôi thì đếnlượt tôi suýt "dính chưởng". Với những tài liệu thu thập được cùngthực tế điêù tra, tôi viết một phóng sự 2 kỳ về việc làm trái nguyên tắc trongmột dự án xây dựng cơ bản trên phạm vi toàn địa bàn mà các đại biểu HĐND đã đưara nhiều lần nhưng chẳng khác gì "ném đá ao bèo". Được Tổng biên tập"bật đèn xanh", tôi hoàn thành bài viết rất nhanh và với những tưliệu đầy đủ đến mức hoàn hảo, tôi yên chí "rung đùi" chờ... bị kiện để"tung chưởng" tiếp. Nhưng chờ mãi, chờ đến 2 tuần vẫn không thấy bàibáo ra, hỏi thì được Tổng biên tập trả lời với một cái chép miệng rất tội:"Thôi, thông cảm cho anh! Không đăng được em ạ!"  Tiếc hùi hụi công sức khó nhọc gần 2 thángtrời về các tận vùng sâu, vùng xa thu thập tư liệu, ghi âm, chụp ảnh, nhất làđã nhận được sự tin tưởng của bà con ở cơ sở vào nhà báo sẽ phanh phui sự gianlận của mấy công ty xây dựng thi công các công trình, tôi lẳng lặng "vượttuyến", gửi bài đến báo khác.
Bài báo ra, chả hiểu cấp trên phôn phiếc những gì mà tôi lại được một "sếp phó" gọi lên giáo huấn:"Làm như thế là không được vì cơ quan phải quản phóng viên. Gửi bài đi đâulà phải xin ý kiến BBT." Tấm gương tày liếp của đồng nghiệp khiến tôi hoảng quá! Phen này, "đứt" đến nơi rồi! Toát mồ hôi hột nhưng tôi cũng phải lấy "lá bùa hộ mệnh" là Luật báo chí ra để khẳng định mình không vi phạm bất cứ điều nào. Ơn trời, mấy năm phụ trách mảng nội chính, lại hay viết các phóng sự điều tra về các vụ việc tiêu cực, nên tôi cũng nghiên cứu và nắm được kha khá luật để tự làm luật sư bảo vệ cho chính mình. Nếu không, chả biết điều gì sẽ đến, cho dù tôi đúng 100%. Tôi quyết định điều tra ngược để tìm nguyên nhân bị nhắc nhở: Thì ra, một thủ trưởng cấp chủ quản của báo tôikhông đồng ý cho đăng, giản đơn chỉ vì bà phụ trách khối có vụ việc "đángtiếc" kia nên không muốn "vạch áo cho người xem lưng" - nhất làkhi cuộc bầu cử mà bà ứng cử lại sắp tới rồi. Một cấp dưới của bà "bậtmí": bà có liên quan đến món "hoa hồng" trong vụ ấy! Còn tôi thìlại biết thêm một bài học nữa về việc sếp "có tật giật mình"!
Một thời gian sau, tôi gấp rút chuẩn bịtư liệu cho một số bài báo về công tác quản lý yếu kém của một đơn vị dẫn đếnvụ tham ô nửa tỷ đồng. Hơn tất cả mọi lần, tôi kỳ công thu thập tư liệu từnhững chi tiết nhỏ nhất để làm tư liệu "chống kiện" vì tôi biết đâylà một vụ liên quan đến nhiều người có "máu mặt". Dĩ nhiên, quá trìnhđiều tra khó thể bí mật được. Và thế là,khi bài báo chuẩn bị lên khuôn, Toà sọan bỗng lại nhận được một công văn"hoả tốc" yêu cầu không được đăng báo một số vấn đề cụ thể, trong đó,nhấn mạnh "không được đăng những vụ việc tiêu cực".Công văn đó lập tức gây sự xôn xao trong anh em phóng viên: Nếu khôngđăng những bài chống tiêu cực thì vai trò đấu tranh của báo chí để đâu? Ai sẽlà người lên tiếng nếu không là báo chí?
Thế nhưng, tranh luận vẫn chỉ là tranhluận, vì người quyết định cuối cùng không phải là chúng tôi. Một chút tiếc chocông lao tâm khổ tứ  vụ việc cũng có, nhưng thẳm sâu hơn là mộtnỗi buồn. 
Nhưng sau, tôi bỗng tìm ra một cách lý giải để giúp mình... bớt buồn:Có gì đâu! Lại sắp đến một kỳ bầu cử nữa mà. Và hẳn là "ai đó" cũngcó tật ... giật mình!

(Nếu có "chạm" đến ai, xin thứ lỗi cho nhà cháu, vì dù sao cũng là chuyện qua rồi :D )
Phần nhận xét hiển thị trên trang