Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 9 tháng 6, 2014

Tiếng nói của người yêu nước mình:


HIỂM HỌA VẪN TREO LƠ LỬNG
Cuộc chiến chung quanh giàn khoan HD 981 đã trải qua 38 ngày đêm vẫn rất căng thẳng. Tàu TQ tỏ ra hung hăng hơn khi đối đầu với tàu CSB, tàu Kiểm ngư và tàu cá Việt Nam. Chúng ngang nhiên đâm tàu trực diện vào tàu của chúng ta và la lối ta gây sự, đâm húc tàu chúng 1.410 lần. Thật là nực cười.
Trong khi cả thế giới lên án Trung Quốc gây hấn qua vụ giàn khoan 981 thì TQ âm thầm mở rộng đảo Gạc Ma mà TQ chiếm của ta năm 1988. Nơi đây, 64 sĩ quan và binh sỹ hải quân của chúng ta đã hy sinh dưới làn đạn súng máy của TQ mà không được phép bắn trả một phát đạn nào. Một nỗi ô nhục không thể nào quên trong tâm trí người lính hải quân và nhân dân cả nước. Hôm nay, đảo Gạc Ma đang hình thành một căn cứ lớn gồm có cả sân bay, cảng dân sự, cảng quân sự, khu hành chính, khu du lịch...Chỉ một thời gian nữa, khi Gạc Ma hoàn thành việc xây dựng, Gạc Ma sẽ cùng với Phú Lâm (đảo Hoàng Sa) và cảng Vũng Áng (Hà Tĩnh) thành tam giác chiến lược. Máy bay TQ sẽ tiếp cận Biển Đông gần hơn, thuận lợi hơn. Việt Nam bị bao vậy chặt từ phía biển. Thật vô cùng nguy hiểm.
Ba mươi tám ngày qua, nhân dân cả nước phấn khởi trước phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trả lời báo chí nước ngoài của Thượng tướng, thứ trưởng Bộ quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh và gần đây là phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về chủ quyền quốc gia và an ninh lãnh thổ. Chưa biết thực lòng các vị thế nào nhưng phát biểu kiên quyết như vậy, nhân dân cũng hởi lòng, hởi dạ. Nhân dân buồn lòng về bài phát biểu của Phùng đại tướng trong Hội nghị “Đối thoại về an ninh châu Á”.
Các nhà trí thức, học giả, chuyên gia kinh tế, chính trị đang bàn về cách thoát Trung tốt nhất. Thế giới ngày nay, các nước phụ thuộc vào nhau, gắn kết với nhau. Chúng ta thoát Trung cũng phải khôn khéo. Không phụ thuộc toàn bộ về kinh tế nhưng cũng không tẩy chay quan hệ kinh tế với TQ. Ta phải khắc phục tình trạng xuất khẩu thô sang TQ, nhập khẩu thượng vàng, hạ cám từ TQ. Phải tìm thị trường mới cho nông, hải, sản Việt Nam. Ta phải giành lấy những dự án kinh tế hạ tầng trọng điểm, đầu tư tiên tiến. Đừng quá lệ thuộc vào công nghệ lạc hậu của TQ như ngành điện lực. Một vài năm sau ta sẽ tự lực được. Còn nguyên vật liệu phục vụ ngành da giày, dệt may...nếu hàng rẻ hơn sản xuất trong nước, dại gì ta không nhập khẩu.
Nhân dân cũng mong tiếng nói kiên quyết của ba vị trong tứ trụ triều đình. Rất muốn các vị tỏ rõ thái độ trước sự lộng hành của TQ. Ba vị vẫn chưa có những phát biểu gì để động viên sỹ khí toàn dân. Ông Tổng bí thư còn lo chỉ đạo bỏ phiếu tín nhiệm. Ông nói: “Bỏ phiếu tín nhiệm khối anh sợ”.
Nhân dân cần tuyên bố về chủ quyền chứ chẳng quan tâm về bỏ phiếu tín nhiệm nữa. Cái quan trọng nhất là mối hiểm họa mất nước đang hiển hiện ngay trước mắt mà thế giới đã phải lên tiếng. Sự kiên nhẫn của nhân dân cũng có hạn.
Lợi ích của dân tộc là trên hết! Chủ quyền quốc gia là trên hết! Hãy đồng hành cùng nhân dân bảo vệ vững chắc một nước Việt Nam giàu mạnh và văn minh.
Bốn ngàn năm lịch sử đang nhìn vào chúng ta !
-----

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không tẩy não trạng, dân ta sẽ còn muôn đời khổ

Tác giả: Tô Văn Trường

KDTs Tô Văn Trường vừa có bài viết dài gửi mình. Một bài viết chứa chất những day dứt, trăn trở của một nhà khoa học – nhà báo công dân trước nội tình đất nước quá nhiều gian khó, trong bối cảnh tư duy và cả lối sống, hành xử của người Việt từ quan chức đến thường dân còn có nhiều điều đáng nghĩ, thậm chí hổ thẹn.
Liệu chúng ta có thể vượt lên chính mình, vì vận mệnh của đất nước rất cần sự “trưởng thành” trong tư duy, trong phẩm cách hành xử- vì lợi ích chung không?
Cảm ơn Ts Tô Văn Trường.
—————-
Não trạng của không ít những người có trách nhiệm quản lý điều hành đất nước còn tin vào tình hữu nghị viển vông “4 tốt và 16 chữ vàng”, luẩn quẩn trong tư duy tiểu nông lạc hậu “nuôi con gì, trồng cây gì”, rồi hô hào học tập theo tấm gương của Bác Hồ vĩ đại, nhưng thực tế việc làm chẳng giống Người vv…Dân tộc ta như con gái xinh đẹp, quyến rũ sao lại lấy nhiều ông chồng như bông hoa lài …Tội nghiệp thật!
Theo tác giả Awake Phamtt cho biết nhận xét của người Nhật về người Việt mình : “Người Việt các anh sẽ muôn đời khổ. Đấy là vì các anh chỉ biết nghĩ đến những cái lợi lộc nhỏ của cá nhân mà không biết nghĩ đến cái lợi lớn của chung” vv…
Nhận xét này rất sòng phẳng, và rất đau.
Giáo sư Hoàng Tụy thẳng thắn thừa nhận ý kiến nói trên làm chúng ta quá buồn, nhưng quá đúng. Mà cái não trạng ấy từ trên xuống dưới, từ kẻ ít học đến những trí thức bằng cấp đầy mình, từ anh cán bộ xã đến các ông lãnh đạo cao. Thế đấy. Chừng nào chúng ta còn chưa tẩy được cái não trạng đó thì đất nước cứ còn lạc hậu nghèo nàn. Người Việt dũng cảm khi chống ngoại xâm nhưng trong thế giới này thiếu dũng cảm khi xây dựng hòa bình thì cũng mãi mãi lệ thuộc kẻ khác.
Không có gì đau đớn hơn là sống trong một quốc gia mà người với người nghi ngờ nhau, dân không tin Nhà nước và ngược lại. Chúng ta sẵn sàng hợp tác với các nước, trong đó có cả Mỹ , Nhật và Trung Quốc trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi. Vấn đề là Việt Nam phải có tiềm lực thì mới có thể thực hiện được điều đó. Vẫn còn là một nền kinh tế phụ thuộc vào nước ngoài và về mặt tư tưởng thì không thấy mặt trái của Trung Quốc , cứ coi đó là một nước XHCN chân chính, cùng chung hệ tư tưởng với VN, …. thì làm gì mà có thể hợp tác trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi.
Về phía Nhà nước
Nước nào cũng có Nomenklatura cả, nhưng sự khác biệt cơ bản là ý thức và khả năng của Nomenklatura đó có phục vụ cho đất nước không? Các chính trị gia của Mỹ, Pháp, Anh vv…là những người biết nói năng lưu loát, biết thuyết phục, biết đấu tranh có tình có lý, và có một cơ chế đồng thuận từ lâu, họ không thể phá bỏ, nên quan hệ giữa họ với dân trong một chừng mực nào đó, có tương tác. Cơ chế là điều không thể thiếu. Cơ chế là bộ khung cho mỗi Nhà nước tồn tại và phát triển, thước đo để đánh giá cơ chế là các chỉ số khách quan về mọi mặt hoạt động trong xã hội, không có thống kê khách quan thì miễn nói tới cơ chế. Nếu có ai làm tốt thì chỉ là hiện tượng ngẫu nhiên, và cái tốt đó chỉ như lóe sáng trong đêm đen mà thôi.
Người yêu nước trước hết phải là người nói thật. Người lãnh đạo bây giờ nhân dân cần lựa chọn đấy là yêu nước và nói thật, thực hiện bằng được công khai minh bạch và để cho dân nói.
Vấn đề nhân sự rất quan trọng, quyết định đến sự thành bại của đổi mới, quyết định tương lai của dân tộc . Nguyên tắc ” Tập trung trước dân chủ sau” sẽ cản trở lựa chọn người có đủ Tài và Đức. Lúc sinh thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người đã đề nghị áp dụng nguyên tắc “Dân chủ trước, Tập trung sau” trong tuyển chọn nhân sự.
Muốn có được nhân sự tốt , đáp ứng được yêu cầu của đất nước, cách làm tốt nhất là công khai, minh bạch trong đời sống chính trị, công khai các ý kiến chỉ đạo, trách nhiệm của từng thành viên Bộ Chính Trị và Ban bí thư. Công khai, minh bạch trong chỉ đạo của lãnh đạo cấp cao, từ đó lịch sử ghi nhận rõ những đóng góp của các vị lãnh đạo với đất nước .
Về kinh tế , Nhà nước cần tạo ra môi trường minh bạch, lành mạnh, đầu tư vào những ngành sáng tạo ra những giá trị mới, phát huy nhân lực trẻ, năng động, cập nhật công nghệ mới nhanh tạo cơ hội cho những người có khả năng kinh doanh, có ý tưởng kinh doanh phát huy cao nhất khả năng của mình. Công khai, minh bạch để loại những nhà lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước không xứng đáng, có cơ hội cho bất kỳ người nào có đủ năng lực đảm đương các vị trí lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước. Đồng thời, nhanh chóng công khai, minh bạch cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước.
Riêng công khai, minh bạch về tài chính như ở Thái Lan, thấy rõ rất có tác dụng. Ta cũng nên làm như họ công bố tài sản (tài khoản, cổ phiếu, bất động sản, kể cả đồ nữ trang…) của công chức cấp cao kể cả liên quan tới người hôn phối, anh em, con cái. Thỉnh thoảng, công bố số cập nhật để so sánh với con số lúc trước. Việc này được luật hóa, tùy Nhà nước ta có dũng khí mà mang ra thực hiện hay không.
Giới doanh nhân 
Muốn vươn lên cạnh tranh bình đẳng với nền kinh tế của các nước tham gia hội nhập kinh tế quốc tế thì các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau trong nước phải liên kết với nhau để tạo sức mạnh tập thể để cạnh tranh với những đối thủ nước ngoài có tiềm lực mạnh hơn. Không thể chấp nhận quan điểm các doanh nghiệp trong nước cạnh tranh với nhau để doanh nghiệp nước ngoài hưởng thế “tọa sơn quan hổ đấu” và thực hiện chính sách tách bó đũa ra để bẻ dần từng chiếc đũa.
Doanh nhân có trách nhiệm với đất nước, xác định giá trị của doanh nhân là sáng tạo ra những sản phẩm, dịch vụ có khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới. Lấy đó, làm niềm đam mê, khát vọng hướng tới, chứ không phải chỉ tìm cách dựa vào quan hệ, kiếm lợi nhanh trên cơ sở ăn chia lợi ích với quan chức, rồi ăn chơi, tiêu xài xa xỉ.
Người dân
Nhìn ra nước ngoài, người Hàn Quốc yêu nước, tự hào dân tộc, và đã biết thể hiện lòng mình qua những việc cụ thể, hàng hóa tiêu dùng là một thí dụ: Tuyệt đại đa số hàng hóa, vật dụng hàng ngày, xe cộ của họ, đều làm tại Hàn Quốc. Nhưng muốn đạt tới trình độ đó, Hàn Quốc đã phải trải qua nhiều năm tháng rất vất vả nhưng họ đã vượt qua được vì dân trí và cái tâm của họ với đất nước rất đáng nể trọng. 
Người Hàn Quốc đã học được đức tính kiên nhẫn, tỉ mỉ, của người Nhật, kẻ thù truyền kiếp trước đây, họ cũng đã học được của người Mỹ đầu óc thực dụng trong khoa học, đặc biệt là cách tiếp cận với thế giới bên ngoài, nên họ không khép nép, tự ti, vì không biết cần và phải làm những gì ở môi trường không phải của mình, nhưng họ vẫn giữ được bản chất Hàn của họ. Có lẽ vì vậy mà họ không mất gốc, phát triển được mọi mặt trên cơ sở không tự đánh mất mình.
Chúng ta nên dùng hàng Việt Nam ngay từ bây giờ, giảm bớt những gì không thực cần thiết lắm từ nước ngoài về, nhưng rất cần phải biết mình, biết người, để tiến tới thực sự tự lực, tự cường. Những người dân khi mua sắm, tiêu dùng sản phẩm Việt Nam , góp ý , yêu cầu, đòi hỏi để các doanh nghiệp VN xây dựng những sản phẩm có khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Tẩy não trạng
Nhận xét về thói hư, tật xấu của người Việt thì nhiều lắm có người đã viết thành cuốn sách để giáo dục thế hệ trẻ. Một nguyên nhân quan trọng là chúng ta bị ngoại bang đô hộ nhiều năm. Qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đúng là có mang lại độc lập cho dân tộc, nhưng chưa có tự do theo đúng nghĩa của nó, nghĩa là tư duy giải phóng không bị cuốn theo một chiều nhưng dân ta thường xuyên bị áp đặt cách nghĩ phải uốn theo chiều mà người ta đã mò mẫm, định sẵn cho mình mặc dù con đường phát triển không biết kết quả rồi sẽ ra sao? 
Lo nhất là lãnh đạo sợ, thần phục sức mạnh kinh tế và quân sự của Trung Quốc, bị móc “xà mâu” của họ vào “4 tốt và 16 chữ vàng”!. Chúng ta không dại gì mà gây hấn, đối đầu với nước láng giềng khổng lồ ở phương Bắc nhưng chỉ có đấu tranh cho sinh tồn thực sự, chúng ta mới thoát được “tư tưởng nô lệ” và cuộc đấu tranh này phải là lò luyện tư duy, tự chủ, giải phóng lợi ích thiển cận của những nhóm trục lợi. 
Lãnh đạo nếu biết nhìn lại mình (các khiếm khuyết trong quá trình điều hành) biết lắng nghe ý kiến của dân , rèn luyện, nâng cao nhận thức về quản trị, biết vượt lên chính mình, nói tiếng nói của dân tộc trong sự nghiệp xây dựng kinh tế xã hội và bảo vệ độc lập, chủ quyền của đất nước thì nhất định sẽ được nhân dân đồng hành, ủng hộ.
Thay cho lời kết
Nhà báo Kỳ Duyên tự vấn, liệu có thể coi tính cách chỉ biết coi những lợi ích nhỏ của cá nhân là sản phẩm của một môi trường sống và cơ chế quản lý kiểu xin- cho khiến con người ta, trong bất cứ hoàn cảnh nào, ngay lập tức chỉ nghĩ đến cái lợi cỏn con của mình, mà quên mất những điều về lòng tự trọng, lợi ích chung. Sự cào cấu, xâu xé kiểu đó, xét cho cùng, đáng thương.
Và cũng vì thế, mà Việt Nam hướng tới những giá trị phổ quát, văn minh của nhân loại còn quãng cách khá xa … và dân ta sẽ còn muôn đời khổ.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Đối Thoại Quốc phòng: Trung Quốc Lộng Ngôn, nhưng Vụng Tính

 Matthew Robertson, Epoch Times 

shangri-la-dialogue2014-wang-guanzhong
Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) Vương Quán Trung phát biểu tại phiên họp toàn thể lần thứ 4 tại Đối thoại Shangri-La (SLD) do Học viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) tổ chức ở Singapore, ngày 1/6/2014. Các chuyên gia nói, phát biểu của ông Vương là một phần trong chiến lược lớn của Trung Quốc nhằm thiết lập chủ quyền lãnh thổ ở biển Đông với sự trợ giúp của kỹ thuật tâm lý chiến (Ảnh internet)
Vương Quán Trung là “một trong số những nhà chiến lược đấu tranh chính trị tài năng nhất của Quân đội Trung Quốc” – nhà phân tích quân sự Mark Stokes.
Tại buổi kết thúc đối thoại an ninh quốc tế Shangri-La ở Singapore gần đây, một nhân vật tâm lý chiến hàng đầu Trung Quốc có cơ hội trình bày sau cùng, để giáng trả thẳng tay Nhật Bản, và Mỹ, về những phát biểu trước đó của các nước này, mà theo ông ta là “sặc mùi tư tưởng bá chủ”. Trong khi Mỹ cử Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel và một số tướng lĩnh cấp cao, và Nhật Bản cử Thủ tướng Shinzo Abe và bộ trưởng ngoại giao, thì đoàn Trung Quốc không có các quan chức quốc phòng hàng đầu.
Thay vào đó, đoàn Trung Quốc chỉ có các quan chức và học giả nói tiếng Anh, có kinh nghiệm trong tuyên truyền đối ngoại, và dẫn đầu bởi Trung tướng Vương Quán Trung, một nhân vật tuyên truyền quân sự và chiến lược kỳ cựu.
Sự xuất hiện nổi bật của ông Vương, người làm việc lâu năm trong bộ phận tuyên truyền ở Tổng cục Tham mưu và hiện nay là “một trong những nhà chiến lược đấu tranh chính trị tài năng nhất của Quân đội Trung Quốc”, theo nhà phân tích quân sự Trung Quốc Mark Stokes – đã cho thấy Trung Quốc tập trung vào một trong những chiến lược quan trọng nhằm nỗ lực duy trì chủ quyền thực tế trên các vùng biển quanh Trung Quốc, đó là: đấu tranh chính trị.
Vương Quán Trung có những bình luận chống lại cả Mỹ và Nhật Bản trong “những nhận xét không có trong văn bản” (có thể đã soạn sẵn) trong bài phát biểu chính của ông, và cũng trong cuộc phỏng vấn dài với báo chí Trung Quốc sau đó.
Ông Vương nói: “Phát biểu của Bộ trưởng Hagel là bài phát biểu đầy ngôn từ đe nẹt, dọa dẫm”. Chắc chắn đó cũng là “một phát biểu đầy kích động và xúi giục”. Đó cũng là một bài phát biểu đầy “khiêu khích” và “thái độ thiếu hợp tác”
Đề cập đến các quan điểm tương đồng giữa Mỹ và Nhât Bản, ông Vương nói đó dường như họ đã “hát một bản song ca”, và hỏi lại: “Ai mới là người chủ động khơi dậy các sự việc, kích động các tranh chấp, và xúi giục xung đột?”
Ông ta đáp trả mạnh mẽ các phát biểu của ông Abe ngày 30 tháng 5 và ông Hagel ngày 31 tháng 5. Cả hai nước nhắc lại khá thẳng thắn các quan điểm nhất quán của họ về vấn đề lãnh thổ và lãnh hải ở biển Hoa Đông và biển Đông.
Ông Abe không nêu đích danh Trung Quốc, nhưng ông Hagel phát biểu rõ ràng, chỉ rõ ứng xử của Trung Quốc là nguồn cơn chính của căng thẳng, bất ổn và tiềm ẩn xung đột. Điều này không phải là quan điểm mới của Mỹ nhưng cho thấy quan điểm rõ ràng hơn của Mỹ.
Ông Vương không tập trung vào các điểm chi tiết, hoặc bản chất phát biểu của ông Abe và Hagel. Ông ta dường như quan tâm hơn đến việc lớn tiếng bác bỏ và tái tuyên bố sự đúng đắn rõ ràng của quan điểm Trung Quốc.
Richard D.Fisher, một học giả kỳ cựu về các vấn đền quân sự Đông Á tại Trung tâm Nghiên cứu và Đánh giá Quốc tế, nói “Nhiệm vụ của Tướng Vương là hăm dọa Nhật Bản và Mỹ để bảo vệ lợi ích của họ bằng cách dứt khoát phủ nhận Trung Quốc có bất cứ lỗi nào trong các căng thẳng quân sự leo thang ở biển Hoa Đông và biển Đông”
Phản bác mạnh mẽ của ông Vương nhanh chóng được báo chí đưa tin và tạo ra những tranh luận trực tuyến trên khắp thế giới – điều này rất có thể là ý định của Trung Quốc.

Tuyên truyền đóng vai trò chiến lược

Theo một báo cáo của Dự án 2049, một nhóm nghiên cứu an ninh đặt tại Virginia, Ông Vương đã có 6 năm làm việc về chiến lược đấu tranh chính trị ở bộ phận tuyên truyền của Tổng cục Tham mưu Quân đội Trung Quốc, nơi chịu trách nhiệm cho “công việc liên lạc”, cũng được biết tới như “đấu tranh chính trị”.
Báo cáo của Dự án 2049 giải thích, đấu tranh chính trị là một loạt các chiến lược và kỹ thuật nhằm gây ảnh hưởng lên cảm xúc, động cơ và lập luận của các tổ chức nước ngoài.
Những ý tưởng và thực tiễn này được chế độ cộng sản phát triển trong nhiều năm hoạt động ngầm, đấu tranh cách mạng chống lại Quốc dân đảng, trước khi lật đổ Quốc dân đảng và tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 1949.
Báo cáo nói: “Đấu tranh chính trị dùng các kỹ thuật tâm lý chiến như phương tiện dẫn dắt dư luận quốc tế và gây ảnh hưởng lên các chính sách của cả bạn và thù”. Đối với Đảng Cộng sản, “công việc liên lạc là các phương tiện quan trọng để làm suy giảm nhuệ khí kẻ thù và tạo dựng sự ủng hộ quốc tế và trong nước”
“Tuyên truyền, thực hiện trong cả thời bình và thời chiến, để phóng đại hoặc thu nhỏ các hiệu ứng chính trị của biện pháp quân sự và của quyền lực quốc gia”
Trong sự việc này, ông Vương dường như đã áp dụng cách “thuyết phục cưỡng ép để làm suy yếu ý chí chính trị của đối phương và ép buộc một loạt các hành động có lợi cho lợi ích của một bên”, theo như học thuyết đấu tranh chính trị được Dự án 2049 giải thích.
Theo ông Fisher, một nhà nghiên cứu quốc phòng thì mục đích không phải là chiến thắng trong tranh luận hợp pháp. Trung Quốc phản đối quá trình kiện tụng quốc tế của Philippines, cho thấy rõ điều này. Thay vào đó, họ “sử dụng lối lộng ngôn thù địch để hăm dọa Tokyo và Washington”
Ông nói thêm: “Hiệu ứng gây sốc được nhân lên qua Đối thoại Shangri-La, nơi từ xưa được coi là nơi thúc đẩy sự thân thiện và giải pháp hòa bình”. Đối thoại Shangri-La được Học viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế tổ chức hàng năm ở khách sạn Shangri-La ở Singapore, một tổ chức tham mưu an ninh đặt ở London.
Theo ông Fisher, kết quả lý tưởng với Trung Quốc sẽ là các nhà làm chính sách ở châu Á kết luận rằng “Trung Quốc ‘đủ điên để giết người’” và họ lùi bước, cho phép quân đội Trung Quốc coi biển Đông như là cái “hồ”  của họ. Ông Fisher nói, nếu khóa được Nhật Bản và Mỹ ngoài các khu vực nhất định của vùng biển này thì Trung Quốc sẽ có nhiều lợi thế quân sự.
Ông Fisher nói: “Nếu Trung Quốc có thể khiến các nước khác đầu hàng bằng cách đơn giản la hét thì Trung Quốc sẽ làm vậy”
Nhưng liệu đó có là chiến lược thắng lợi không thì vẫn chưa rõ.

Tranh chấp lãnh thổ

Trong vài năm gần đây, và đặc biệt trong 6 tháng qua, Trung Quốc đã tìm cách tuyên bố vùng lãnh hải trên thực tế của họ phần lớn ở biển Đông, đồng thời tuyên bố chủ quyền với các đảo do Nhật Bản quản lý hàng thập kỷ ở biển Hoa Đông.
Các nhà phân tích mô tả chiến thuật của Trung Quốc là “nói không thành có” hay “vừa ăn cắp vừa la làng” (“salami slicing”), đề cập đến cách mà các tàu thuyền Trung Quốc đâm tàu của các nước khác, tịch thu cá, đánh ngư dân và nhìn chung hành động như thể biển Hoa Nam đã thuộc về Trung Quốc.
Theo quan điểm này, các nước khác trong khu vực là những người xâm phạm vùng biển Trung Quốc. Đó chính là cách mà Trung tướng Vương công kích Nhật Bản và Mỹ.
Dù vậy, mặt trái của cách tiếp cận này là các hành động kích động và lộng ngôn có thể “gậy ông đập lưng ông”. Fisher nói: “Trung Quốc cũng đối mặt với rủi ro lớn hơn, khi phóng đại sự thù địch và thiếu lẽ phải, họ sẽ để cho Tokyo và Washington nhanh chóng tập hợp các nước nhỏ hơn để có hành động chung”

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Nhà văn Nguyên Ngọc: “Sợ nhất giàn khoan 981 lẳng lặng rút đi... rồi mọi chuyện chìm"

Kim Sen (thực hiện)

Nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyên Ngọc 
Sức nóng của giàn khoan Hải Dương 981, mà Trung Quốc ngang ngược hạ đặt trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam đã dại dột đánh thức lòng tự tôn dân tộc thiêng liêng bị dồn nén của người Việt, sức mạnh đã từng quét sạch mọi cuộc xâm lăng của đế quốc Trung Hoa trong suốt chiều dài lịch sử... chính là chủ đề Cafe đầu tuần của Kiến Thức vớinhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyên Ngọc.
 
Một cơ hội để không còn phụ thuộc

- Tâm tư của người VN đã ít nhiều xáo trộn kể từ khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của nước ta. Xin ông chia sẻ những tâm tư của mình với tư cách một tri thức, một công dân của VN?
 
Nói rằng tâm tư người Việt “ít nhiều xáo trộn” vì vụ giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc là nói quá nhẹ. Người Việt Nam nói “đất nước” để chỉ cái mà các dân tộc khác gọi là quốc gia. Một tấc đất, một tấc biển bị xâm phạm có thể khiến cả dân tộc này bừng bừng đứng dậy. Trải nghiệm bi tráng hàng nghìn đời cũng đã để lại trong óc và trong máu người Việt ý thức và tình cảm sâu sắc rằng nguy cơ lớn nhất, dai dẳng nhất, thậm chí mãi mãi không bao giờ dứt đối với chủ quyền của đất nước là đến từ phương bắc, từ bành trướng tham lam không đáy và không bao giờ dừng lại của tất cả các triều đại Trung Hoa.
 
Chuyện Trung Quốc có những âm mưu xâm lấn biển đảo nước ta là chuyện không mới, tuy nhiên lần này có hai điểm nổi bật:
 
Một: Trong âm mưu lấn chiếm lâu dài đó, đây là một bước chuyển có tính đột phá: Trung Quốc bộc lộ rõ mà không cần che giấu. Đây là lúc, đúng như thời Trần cách đây tám thế kỷ đối mặt với quân Nguyên từng dày đạp cả nửa thế giới văn minh, khi cần chúng ta sẽ cùng cất lên lời khẩn báo“sơn hà nguy biến!”.
 
Hai: Nguy biến, hầu như bao giờ cũng vậy, như một quy luật kỳ lạ và tuyệt diệu của cuộc sống, lại mở ra thời cơ cho dân tộc Việt Nam. Thoát ra khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc, một nước lớn ở ngay cạnh chúng ta mà lại không hề đàng hoàng luôn luôn muốn nhòm ngó đất đai của chúng ta. Hàng nghìn năm trước cha ông ta đã giữ trọn non sông đất nước bằng tư tưởng và hành động sống kiên định, thông minh và anh hùng ấy.
 
- Hiểm nguy sống còn đồng thời lại là cơ hội lớn từng trằn trọc chờ đợi, ông có thể nói rõ hơn?

Hiểm nguy chết người thì rõ rồi. Còn thời cơ ư?
 
Số phận đã đặt đất nước ta đứng sát cạnh một đế quốc khổng lồ và là một đế quốc cực kỳ tham lam. Suốt lịch sử lâu dài từng là vậy, ngày nay càng là vậy: ráo riết hơn, hung hăng tàn bạo hơn, hấp tấp nôn nóng hơn. Cách đây hơn thế kỷ trên thế giới người ta đã từng nói đến cái gọi là “họa da vàng” (péril jaune). Không phải chuyện phân biệt chủng tộc đâu. “Da vàng” đây cụ thể là đế quốc Trung Hoa. Nhân loại văn minh đã từng lo lắng về hiểm họa ấy. Hãy tưởng tượng đến một ngày cái đế quốc đó - mà là người Việt, dân tộc dày dạn kinh nghiệm nhất với đối tượng quái đản này, chúng ta càng hiểu thấm thía hơn ai hết – đến một ngày cái đế quốc ấy sẽ làm chủ toàn thế giới! Vậy mà đó chính là ý đồ ngày càng không cần quá che giấu nửa của nó và không phải hoàn toàn không là khả năng hiện thực! Còn sống ngày nào, nhất thiết không được quên điều đó, viễn cảnh kinh hoàng đó.
 
Tôi nghĩ đã đến lúc cần bình tĩnh và sáng suốt nhìn lại: con đường chúng ta đã bắt buộc  phải chọn trong chiến tranh chống Pháp rồi chống Mỹ, éo le một cách tất yếu, đã khiến ta xao lãng, đến ảo tưởng, về “người hàng xóm hữu nghị” nhưng lại là nguy cơ lâu dài không bao giờ hết đối với tồn vong của dân tộc. Cho đến sự kiện Hoàng Sa năm 1974, chiến tranh biên giới 1979, vụ Trường Sa 1984 và bây giờ là sự kiện giàn khoan Hải Dương  981… đã đủ để đánh thức chúng ta.
 
Giàn khoan của TQ lại đánh thức lòng tự tôn của dân tộc Việt
 
- Nhiều học giả và tri thức trong và ngoài nước thậm chí cho rằng, việc Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép lần này lại mang đến một cơ hội mới cho người Việt. Ông đánh giá ý nghĩa của “sự hỗn xược” đó thế nào, trong bối cảnh nhìn lại lịch sử về lòng tự tôn của người Việt?
 
Theo tôi, chính họ đã “giúp” ta và là một cú giúp rất căn bản. Sự nôn nóng do tham vọng ngông cuồng đã khiến họ đi một nước cờ sai. Với vụ giàn khoan trái phép, nó đã dại dột đánh thức lòng tự tôn dân tộc thiêng liêng bị dồn nén của người Việt, sức mạnh đã từng quét sạch mọi cuộc xâm lăng của đế quốc Trung Hoa trong suốt chiều dài lịch sử. Nó phơi trần mọi sự lừa bịp được công phu bày vẽ lâu nay. Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng lần đầu tiên đã phải nói đến cái thứ “hữu nghị viễn vông” đó.

Tất cả những điều đó, diễn ra từ khi có chuyện giàn khoan, do chuyện giàn khoan, theo tôi là khá ngoạn mục.
 
Tôi nói thời cơ vì rõ ràng con đường đã rộng mở. Vấn đề bây giờ là có đủ can đảm dấn bước lên con đường mới đã mở, thoát ra khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc, tự lập tự cường hay không?
 
Theo NV Nguyên Ngọc, giàn khoan Hải Dương 981 đã dại dột đánh thức lòng tự tôn của người Việt.
 
- Ông có dự kiến cụ thể gì về chuyện giàn khoan sắp tới?
 
 
Nói thì có thể lạ: tôi sợ nhất là nó … lẳng lặng rút đi, và ở ta mọi sự lại rơi trở lại trạng thái cũ. Điều quan trọng nhất lúc này là nhận thức rõ đã diễn ra một bước ngoặt, sự thật đã được bày ra và quyết không quay lại tình trạng bí bức trước nay.
 
- Làm sao để không quay lại?
 
Cho tôi nói điều này: Thủ tướng đã nói một câu rất quan trọng: “Không đánh đổi chủ quyền vì một thứ hữu nghị viển vông và lệ thuộc”. Cho tôi được phép nói thêm: muốn không viển vông và không lệ thuộc nữa (cả hai từ này đều quan trọng) thì theo tôi, Việt Nam và Trung Quốc sống cạnh nhau - tốt nhất vẫn là bạn tốt láng giềng tốt nhưng phải trên cơ sở tôn trọng nhau và như chúng ta thấy rất rõ họ đâu có làm như thế!

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Cloud Atlas - 23 - Cloud Atlas End Title

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Cloud Atlas Extended Trailer #1 (2012) - Tom Hanks, Halle Berry, Wachows...

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Bạn đang làm gì với cuộc đời mình: Sáng tạo hay thụ động?

“Vốn dĩ trên thế giới này làm gì có đường, người ta đi mãi rồi cũng thành đường thôi” – (“Cố hương” – Lỗ Tấn)

Trong nhiều thế kỷ, chúng ta được gieo rắc vào đầu ý tưởng rằng chúng ta chỉ là những quân cờ trong bàn tay của định mệnh. Từ “định mệnh” tiếng Anh là “fate”, có gốc từ “fata” – tên gọi ba vị thần nắm giữ sợi chỉ của số mệnh con người trong thần thoại Hy Lạp. Người Trung Quốc thì cho rằng mỗi người đều có “thiên mệnh”, tức là một sự sắp đặt nào đó của ông trời. Người Ai Cập cổ, người Ấn Độ cổ, người Do Thái, Thiên Chúa, Hồi giáo đều lý giải nguồn gốc của con người bắt đầu từ sự sáng tạo của Thượng Đế. Con người từ rất lâu đã quen với ý niệm về quà tặng, về sự may mắn, sự dựa dẫm, sự cứu rỗi, sự trừng phạt.. đều từ người sáng tạo, chỉ có một số rất ít bắt đầu đòi hỏi về quyền tự do ý chí. Những kẻ hiếm hoi và lạc bầy đó là những người đầu tiên lên tiếng đòi hỏi quyền được tạo tác hệ thống, đòi được tự mình điều khiển. Chính họ là những kẻ ăn cắp ngọn lửa thiêng của Olympia (1) , những kẻ dám ăn trái cấm (2) , những kẻ dám giương cung bắn rụng mặt trời (3).
Nhắc lại câu chuyện xa xưa, tôi muốn gợi cho các bạn một ý nghĩ: Không cần biết những truyền thuyết về nguồn gốc loài người là đúng hay sai, nhưng dễ dàng để nhận thấy một điểm chung, chúng ta đã quá quen với việc thụ động và bị điều khiển bởi ai đó hay một quy luật nào đó. Nhiều người sẽ phản ứng khi đọc câu này và nói rằng: “Không! Tôi đang làm chủ cuộc đời tôi! Tội tự kiếm ra tiền! Tôi hoàn thành tốt công việc của tôi! Tôi đấu tranh cho những điều đúng đắn!” Bạn không nhìn thấy những sợi xích, điều đó không có nghĩa là bạn tự do. Đó là nghệ thuật của những người đang kiểm soát hệ thống.
Khi bạn chào đời, bạn phụ thuộc hoàn toàn vào hệ thống, bạn không tự kiếm được thức ăn, bạn không thể tự bảo vệ, bạn không thể tự tạo ra ngôn ngữ. Những lời dạy dỗ của bố mẹ, thày cô giáo bỗng chốc trở thành tiếng gọi bên trong chi phối tâm trí của bạn. Khi lớn lên, bạn quên mất điều đó nhưng chúng vẫn tồn tại và ăn lan trong vô thức. Lớn lên, khi bạn đi học, nhà trường đưa ra cho bạn một loạt quy định và để sinh tồn suốt mười mấy năm học, bạn buộc phải tuân thủ mà không được phép chống đối. Và cứ thế, cứ thế… hết lần này lần khác… bạn cho rằng mọi sự số phận đã sắp đặt cho bạn. Đó là ảo tưởng.
Nhiều người cho rằng ở xã hội hiện đại chúng ta tự do nhiều hơn. Định luật vạn vật hấp dẫn của Newton, thuyết tiến hóa của Darwin …  đã đập tan sự ảnh hưởng thần thánh của Tạo Hóa đối với con người, đã giải phóng con người khỏi niềm tin mù quáng. Xã hội tư bản bắt đầu định hình, cơ sở vật chất phát triển, con người được nhiều quyền lợi mà trước đó không có, nhưng hãy thử nghĩ xem, chúng ta có thật sự được tự do. Thay vì gánh vác định mệnh của mình, chúng ta phải thực hiện cái được gọi là “vai trò xã hội”. Trong thời thần quyền và phong kiến, chúng ta chấp nhận định mệnh của mình bằng việc phục vụ thần thánh, đóng góp cho vua chúa… Trong xã hội đương đại, chúng ta có vẻ như chẳng phải phục vụ ai ngoài bản thân và gia đình.
Bây giờ tôi xin được kể một câu chuyện khác, dường như không ăn nhập gì nhưng lại rất liên quan đến chủ đề chúng ta đang nói. Câu chuyện này có thể là rất quen với các bạn: Một anh chàng sinh viên với hy vọng về sự thành công, để thành công, anh ta buộc phải học thật tốt kiến thức ở trường và ních cho đầy não những gì người ta dậy anh. Rời khỏi trường, anh ta nhận ra rằng mấy thứ vớ vẩn trường dậy chẳng giúp ích gì cho công việc tương lai của anh ta, anh ta phủ nhận chúng hoàn toàn. Anh ta bắt đầu thấy vấn đề dùng trang phục hàng hiệu, mua sắm xe đẹp, xuất hiện trong các nhà hàng sang trọng và ngoan ngoãn hoàn thành mọi yêu cầu của sếp… mới chính là con đường dẫn tới thành công. Anh ta nghĩ rằng anh ta đã làm chủ vận mệnh của mình. Thực ra anh ta đang làm công việc anh ta không thích, mua những đồ không xứng với giá trị thực và tiêu phí thời gian để nuôi sống kẻ khác chứ không phải bản thân mình. Quảng cáo, truyền thông nói rằng khi anh ta sử dụng những đồ xa xỉ ấy, giá trị bản thân anh ta sẽ được nâng cao và anh ta tin là như thế. Trên thực tế, anh ta chỉ là một kẻ tiêu thụ ngu ngốc tin vào lời dụ dỗ đốt tiền vào các mặt hàng để nuôi sống những ông chủ lớn. Hãy thử nhìn sự liên hệ, về bản chất niềm tin giá trị con người được nâng cao bằng đời sống xa xỉ trong xã hội hiện đại chẳng khác nào niềm tin về việc Chúa sẽ cho chúng ta lên Thiên Đàng nếu chúng ta ngoan ngoãn nghe lời.
GqGTu
Nhận việc. Đi làm. Cưới xin. Có con. Hợp thời trang. Hành động bình thường. Đi trên vỉa hè. Xem TV. Tuân thủ luật pháp. Để dành cho lúc về già. Nào, hãy lặp lại lời tôi: Chúng ta tự do.
Tôn giáo, chính phủ, truyền thông, tiền tệ, thương mại dịch vụ, giáo dục… tất cả những thứ đó đều biến bạn trở thành những kẻ thụ động của hệ thống. Trong một hệ thống luôn tồn tại ba dạng người: sáng tạo hệ thống, vận hành hệ thống và người tiêu thụ. Nhìn lại các hệ thống trong lịch sử, ta sẽ thấy rằng chỉ có một vài người sáng tạo hệ thống, rất ít người vận hành hệ thống và số còn lại, số đông là người tiêu thụ. Với mô hình đó, các hệ thống trong cùng một thời đại rất kém phát triển, ít tương tác và nguy cơ xung đột với hệ thống khác luôn là vấn đề hệ trọng? Tại sao lại vậy?
Trước hết, ta thấy rằng vai trò sáng tạo hệ thống thường bắt nguồn từ tôn giáo và triết học. Socrates định hướng các giá trị con người, Arisote đưa ra học thuyết chính trị và mô hình tư duy mẫu mực, Moses sáng lập Do Thái giáo, Christ sáng lập Thiên Chúa giáo, Thích Ca Mâu Ni sáng lập Phật giáo, Khổng Tử sáng lập mô hình nhà nước Nho giáo. Những người sáng tạo hệ thống, họ không bị ràng buộc bởi hệ thống, họ vô chính phủ, vô đạo đức, vô giáo dục, họ hướng tới một lý tưởng cao đẹp, họ là những “siêu cá nhân”. Ở xã hội hiện đại, họ là Monstequieu (4), Voltaire (5) , là những người phát minh ra máy tính, ra Internet, những người có thể giải mã bản đồ gene … Họ giữ vai trò là những kẻ đột biến và lây lan sự đột biến, sau đó hệ thống tự động hình thành.
Sự ra đi của những người sáng tạo hê thống bắt đầu nảy sinh lớp người kiểm soát và điều khiển hệ thống. Mọi lý thuyết của người sáng tạo được  nhắc đi nhắc lại như một sự cài đặt tâm trí với người trong hệ thống. Người trong hệ thống gần như không có quyền lựa chọn hoặc không biết đến quyền lựa chọn. Sự duy trì hệ thống bảo đảm quyền lợi của những người kiểm soát, thế nên không một người kiểm soát nào có nhu cầu phá hủy hệ thống. Và cứ thế, những người thụ động trong hệ thống trở thành công cụ để bảo vệ, thành thịt tươi để nuôi sống hệ thống. Nếu bạn đã đọc sách hoặc xem bộ phim “Cloud Atlas” được sản xuất năm 2012, bạn sẽ thấy hình ảnh của chính chúng ta trong những cô gái nhân bản vô tính. Chúng ta được sinh ra để phục vụ hệ thống, chúng ta làm theo mọi quy định hệ thống đặt ra, khi chúng ta hết giá trị sử dụng, chúng ta bị giết chết và đưa vào nhà máy sản xuất thức ăn để tái chế. Bạn có nhớ điều gì bắt ép các cô gái nhân bản phải tuân phục không? Sự đe dọa của chiếc vòng cổ tử hình và niềm tin được “thăng thiên” mà trên thực tế cả hai đều dẫn đến cái chết. Mọi hệ thống đều luôn kiểm soát bạn bằng hai cách: Đe dọa và tạo niềm tin. Mỗi thời đại khác nhau, mỗi hệ thống khác nhau, chúng lại có những hình thức khác nhau. Những người kiểm soát hệ thống cũ đều mong muốn hệ thống của mình được nhân rộng và sợ hãi khi thấy có hệ thống khác mạnh hơn hặc có khả năng đe dọa đến quyền lợi của mình. Bởi vậy, khi cố định thuộc một hệ thống, con người có xu hướng tẩy chay sự khác biệt bằng cách hủy diệt hoặc coi những gì bên ngoài hệ thống là tội lỗi, xấu xa, một dạng quỷ dữ.
Bạn có bao giờ thử hình dung rằng chính cuộc đời bạn là một hệ thống. Bạn tự sáng tạo ra hệ thống cho riêng bạn, bạn kiểm soát nó và bạn cũng là người trong nó? Điều này đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn việc trở thành một trong ba thành phần của hệ thống. Nhưng thời thế đã thay đổi. Con người giờ đây không bị giới hạn bởi duy nhất một hệ thống, họ có khả năng tham gia nhiều hệ thống một lúc hoặc không tham gia bất cứ hệ thống nào. Tuy nhiên, điều này chưa được biết đến nhiều. Phần lớn chúng ta, dù tìm mọi cách để phủ định, chúng ta vẫn cứ tin rằng chúng ta là những kẻ thụ động trong cuộc sống này, mọi con đường cứ bày ra trước mắt và chúng ta cứ thế mà  nhắm mắt đưa chân. Chúng ta chấp nhận những gì xã hội nhồi nhét vào đầu chúng ta, bằng lòng với loại kiến thức thứ cấp và bị dụ dỗ bằng những con mồi của thành công, của quyền lợi, của danh dự.
Mỗi chúng ta là một phần tử của hệ thống, không chỉ có thế, mỗi chúng ta là một phần tử của vũ trụ trong một tổng thể vững chắc. Khi một phần tử thay đổi, nó sẽ tạo thành phản ứng dây chuyền và tạo ra sự thay đổi toàn hệ thống. Bởi thế, vai trò của những người kiểm soát hệ thống chưa bao giờ là cần thiết cho sự phát triển, ngược lại, sự kiểm soát tạo ra giới hạn, thoái hóa và hủy diệt. Hãy tưởng tượng về những hệ thống chỉ có sự tiếp nối liên tục của chuỗi sáng tạo và biến đổi, sự ổn định được duy trì bằng các nguyên lý. Bạn lúc nào cũng vừa có thể là người sáng tạo, vừa có thể là người tiêu thụ. Chúng ta sẽ tự hình thành hệ thống lớn mà trong đó các hệ thống nhỏ trao đổi với nhau những giá trị mà mình tự tạo ra. Đó là mô hình lý tưởng mà tôi tin rằng bất cứ người sáng tạo nào cũng mơ ước.
Nhưng để tạo dựng điều đó không đơn giản. Nếu bạn có cùng một lý tưởng với chúng tôi, nếu bạn không chấp nhận mình là công cụ, là thịt tươi tái chế nuôi hệ thống, bạn hãy thay đổi. Không cần gì nhiều, bạn chỉ cần đứng lên và vùng lên chạy thật xa, cố gắng bứt khỏi vùng an toàn, bạn sẽ nhận ra rằng những sợi xích nào đang trói chân bạn? Khi nhận ra được sợi xích, bạn có cơ hội để thoát khỏi nó. Không thể thoát khỏi những hệ thống đang ràng buộc bạn, bạn sẽ không thể tạo hệ thống cho riêng mình, và điều đó có nghĩa bạn không có giá trị để trao đổi.
Bạn nói rằng điều tôi nói chỉ là không tưởng, chúng ta làm sao có thể thoát được hệ thống, vì thoát khỏi hệ thống này cũng sẽ chỉ rơi vào hệ thống khác. Có hề gì! Càng thoát được nhiều hệ thống, chúng ta sẽ càng tiến gần đến Sự Thật về con người. Tôi cho rằng, trên đời này, chẳng có hệ thống nào đáng để tuân phục hơn hệ thống vũ trụ. Và nếu có cách nào đó để tôi thoát khỏi hệ thống ấy, tôi cũng sẽ chẳng ngần ngại gì để chủ động vận hành vũ trụ, rồi một ngày nào đó có thể tôi rời bỏ hệ thống vĩ đại đó và khám phá một hệ thống khác bí ẩn hơn. Đó là con người tôi hướng tới, đó là con người tôi sẽ trở thành, đó là lý tưởng mà tôi đeo đuổi: Một con người tự do khám phá không bao giờ ngừng nghỉ.
Hà Thủy Nguyên

(1)   Ám chỉ câu chuyện Prometheue ăn cắp lửa của Olympia cho loài người
(2)   Ám chỉ câu chuyện Adam và Eva trong Sáng Thế ký
(3)   Ám chỉ chuyện Hậu Nghệ bắn rơi 8 mặt trời
(4)   (5) Hai triết gia Khai Sáng của thế kỷ 18


Phần nhận xét hiển thị trên trang