Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 2 tháng 6, 2014

10 dự án lớn của nhà thầu Trung Quốc tại Việt Nam và những hậu quả:

  

Đường sắt đô thị Cát Linh- Hà Đông, dự án bị chậm tiến độ 2 năm
Đường sắt đô thị Cát Linh- Hà Đông, dự án bị chậm tiến độ 2 năm
Nhà thầu Trung Quốc đang tham gia nhiều dự án trọng điểm về hạ tầng, năng lượng của Việt Nam, trong đó nhiều trường hợp chậm trễ, đội vốn và gây tranh cãi.
Theo thống kê của Viện Nghiên cứu cơ khí (Bộ Công Thương) được công bố hồi đầu tháng 4/2014, Việt Nam hiện có 20 dự án nhiệt điện thì có 15 công trình được phía Trung Quốc làm tổng thầu. Với xi măng, tuy không nêu cụ thể nhưng đối với các dự án do Trung Quốc làm tổng thầu (trong tổng số 24 dự án), tỷ lệ nội địa hóa cơ bản được xác định là 0%.
Số liệu của Ủy ban Tài chính và Ngân sách Quốc hội công bố trước đây cũng cho thấy, tính đến năm 2010, có đến 90% các dự án tổng thầu EPC (tư vấn, thiết kế - cung cấp thiết bị - xây lắp, vận hành; hay nói cách khác là thực hiện dự án theo phương thức chìa khoá trao tay) của Việt Nam do nhà thầu Trung Quốc đảm nhiệm, trong đó chủ yếu là dầu khí, hóa chất, điện, dệt kim. Trong số này, các doanh nghiệp đến từ bên kia biên giới thực hiện tới 30 dự án trọng điểm quốc gia, trong đó có nhiều dự án “tỷ đô” của ngành điện. Dưới đây là 10 dự án lớn tại Việt Nam, do nhà thầu Trung Quốc đảm nhận vai trò chính hiện nay:
1. Đường sắt đô thị Cát Linh- Hà Đông
Cát Linh - Hà Đông là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên ở Việt Nam với tổng mức đầu tư 552 triệu USD (thời giá năm 2008). Trong đó vốn ODA Trung Quốc 419 triệu USD, vốn tín dụng 169 triệu USD và đối ứng của Việt Nam là 133 triệu USD. Dự án gồm các hạng mục 13 km đường sắt trên cao, 1,7 km ra vào khu depot (sửa chữa), đường sắt đôi, 12 ga trên cao, nhà điều hành 9 tầng trong khu depot rộng 23 ha.
Công trình do Cục đường sắt Việt Nam làm chủ đầu tư. Tổng công ty Tư vấn và Thiết kế giao thông vận tải (TEDI) là tư vấn thiết kế. Gói thầu chính (thiết kế, cung cấp thiết bị, vật tư và xây lắp) do Công ty hữu hạn Tập đoàn cục 6 đường sắt Trung Quốc thực hiện theo hình thức tổng thầu EPC.
Theo báo Tiền Phong, nhà thầu Trung Quốc chuyên về xây lắp và lần đầu tiên làm tổng thầu EPC trên lĩnh vực đường sắt đô thị. Dù đã biết rõ năng lực của nhà thầu, nhưng do những ràng buộc trong hiệp định vay ODA, chủ đầu tư vẫn phải chấp nhận đơn vị này. Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc cũng đang tìm hiểu Dự án đường cao tốc Hạ Long – Móng Cái với tổng mức đầu tư dự kiến lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.
Thời gian triển khai của dự án Cát Linh - Hà Đông được đề ra lúc đầu là từ tháng 8/2008 đến 11/2013. Do chậm tiến độ, công trình giãn đến cuối năm 2015 mới hoàn thiện. Nguyên nhân được đưa ra là gần 2 km đường sắt đi qua các tuyến phố Đê La Thành - Hoàng Cầu - Láng quận Đống Đa vẫn chưa đổ trụ bê tông. Tại khu vực quận Hà Đông, 2 trong số 6 nhà ga chưa giải phóng xong mặt bằng… Việc chậm giải phóng mặt bằng, cùng với nhiều hạng mục thay đổi, biến động về giá nguyên vật liệu… đã khiến tổng mức đầu tư từ 552 triệu USD lên tới 891 triệu USD, tăng 339 triệu USD.
2. Dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng
 
 
Trên công trường cao tốc Hà Nội- Hải Phòng . Ảnh: Vidifi
Dự án đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng có tổng mức đầu tư gần 25.000 tỷ đồng với chiều dài 105,5km từ đường vành đai 3 qua Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng. Đây là con đường cao tốc hiện đại nhất Việt Nam với 6 làn xe lưu thông và 2 làn dừng xe khẩn cấp, vận tốc thiết kế đạt 120 km mỗi giờ.
Chủ đầu tư là Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI). Dự án có 10 gói thầu trong đó Tập đoàn cầu đường tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc đảm nhiệm gói thầu EX 8-9, Liên danh Công ty TNHH Đường cao tốc Trường Đại Quảng Đông và Công ty Hợp tác kỹ thuật và kinh tế quốc tế Quảng Châu (Trung Quốc) phụ trách gói thầu EX-5.
Công trình khởi công năm 2008 và dự kiến thông xe vào tháng 10/2015, nhưng đến nay vẫn vướng mắc ở nhiều vấn đề như giải phóng mặt bằng , thi công và tài chính. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tiến độ khó hoàn thành là thiếu vốn. Tại một cuộc họp với Bộ Giao thông vừa qua, cùng với một số nhà thầu Hàn Quốc, đại diện nhà thầu Sơn Đông, Tổng công ty Cầu đường (Trung Quốc) cam kết sẽ cung cấp đủ tài chính theo tiến độ và đang làm thủtục chuyển tiền nhưng khi được hỏi về mốc thời gian thì đại diện các nhà thầu bỏ ngỏ.
3. Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai
Dự án xây dựng cao tốc Nội Bài - Lào Cai có tổng chiều dài là 245 km đi qua Hà Nội và các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, được chia làm 8 gói thầu xây lắp với tổng mức đầu tư gần 20.000 tỷ đồng. Đây là một trong những tuyến cao tốc lớn nhất hiện nay do Tổng công ty đường cao tốc (VEC) làm chủ đầu tư dự án. Phần lớn tuyến đường do nhà thầu Hàn Quốc thi công (chiếm 6/8 gói thầu). Gói thầu còn lại do Công ty cầu đường Quảng Tây (Trung Quốc) thực hiện.
Dự án khởi công từ tháng 9/2009 và dự kiến thông xe toàn tuyến vào cuối tháng 6/2014, chậm 2 năm so với kế hoạch ban đầu.
Chủ đầu tư lý giải dự án chậm tiến độ do khâu giải phóng mặt bằng ì ạch. Bên cạnh đó, năng lực thi công của các nhà thầu yếu kém, không huy động đủ thiết bị, vật liệu... Còn đại diện cơ quan tư vấn giám sát chỉ ra nguyên nhân dự án trì trệ do nhà thầu chính thuê các nhà thầu phụ yếu kém. Tại dự án cao tốc này, trong khi tập đoàn Doosan thuê 20 nhà thầu phụ thì Công ty cầu đường Quảng Tây chỉ thuê 3 thầu phụ và tự triển khai nhiều hạng mục. Các thầu phụ thường thuê lao động địa phương có tay nghề thấp, thậm chí là nông dân để làm đường.
Tháng 8/2012, dự án lại gây xôn xao về chi phí đền bù giải phóng mặt bằng. Thấy người dân xã kế bên nhận gần 240 triệu đồng một sào ruộng phục vụ cao tốc, còn mình chỉ nhận được hơn 40 triệu đồng, cả trăm người dân thị xã Phúc Yên (Vĩnh Phúc) đã dựng lều bạt ngay trên công trường để phản đối.
Tháng 12/2013, đoạn cao tốc từ huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đến huyện Tam Dương (tỉnh Vĩnh Phúc) dài 26 km đã chính thức hoạt động. Đầu tháng 4, đoạn đường từ điểm giao cắt với quốc lộ 2B sang quốc lộ 2, qua huyện Tam Dương, Lập Thạch, Sông Lô (tỉnh Vĩnh Phúc) và huyện Phù Ninh (tỉnh Phú Thọ) đã thông xe.
4. Bô xít Tây Nguyên
Tổ hợp bô xít Tây Nguyên gồm hai dự án Tân Rai và Nhân Cơ có công suất thiết kế giai đoạn I là 650.000 tấn alumin mỗi năm do Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản VN làm chủ đầu tư. Nhà thầu Chalieco của Trung Quốc là đơn vị tổng thầu thi công. Nhà máy Tân Rai, Nhân Cơ lần lượt được khởi công vào năm 2008-2010 với tổng mức đầu tư lượt lên tới hơn 15.400 tỷ đồng và 16.800 tỷ đồng, tăng 3.800 tỷ đồng và 4.300 tỷ đồng so với dự kiến ban đầu.
Dự án bô xít Tây Nguyên ngay từ khi bắt đầu triển khai đã thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận bởi có nhiều ý kiến trái chiều về hiệu quả kinh tế - xã hội, môi trường và an ninh quốc phòng.
Dự án Tây Nguyên còn gây không ít quan ngại khi xuất hiện nhiều công nhân Trung Quốc tại công trường. Khu vực Lâm Đồng có khoảng 255 công nhân người Trung Quốc và cao điểm có khoảng 500 người sống tại khu nhà dành cho lãnh đạo nhà thầu, và công nhân. Ban quản lý dự án giải thích, sở dĩ dự án có lao động Trung Quốc vì đây là gói thầu EPC. Việc sử dụng, chọn lựa lao động do nhà thầu quyết định. Mặt khác dự án bô xít cũng khó tuyển lao động, do đó, công nhân Trung Quốc làm phù hợp hơn vi có công nghệ của Trung Quốc. Một số ý kiến lo ngại khả năng hình thành làng người Trung Quốc tuy nhiên ban quản lý khẳng định "đây là dự án của Việt Nam, tiền của Việt Nam, người Trung Quốc chỉ làm thuê".
Ngoài ra, nhà máy tại Tân Rai có thể lỗ khoảng 460 tỷ đồng trong 3 năm đầu, trong khi con số ở Nhân Cơ là 3.000 tỷ cho 6 năm nhưng chủ đầu tư vẫn tin có lãi nếu xét cả vòng đời 30 năm. Dự án alumin Tân Rai chính thức vận hành vào cuối tháng 9/2013 sau hơn một năm chạy thử. Theo chủ đầu tư, chất lượng cỡ hạt chưa phù hợp với nhu cầu thế giới và nhà máy đang trong gia đoạn chạy thử chưa ổn định cũng là nguyên nhân khiến lợi nhuận không được như kỳ vọng. Vinacomin cho rằng, khi cỡ hạt alumin được cải thiện, tương đương với cỡ hạt alumin giao dịch trên thị trường thế giới, giá bán sẽ được tăng lên. Do đó, hai dự án bô xít theo kế hoạch sẽ hoàn vốn trong 13 năm.
Vinacomin khẳng định, thị trường tiêu thụ sản phẩm alumin cũng không đáng lo ngại, bởi năm 2014, Vinacomin đã ký hợp đồng nguyên tắc tiêu thụ dài hạn sản phẩm alumin với Công ty Marubeni (Nhật Bản); Công ty Nhôm Vân Nam (Trung Quốc) và tiếp tục bán cho các đối tác khác.
5. Nhà máy gang thép Lào Cai
Dự án Nhà máy gang thép Lào Cai được khởi công vào cuối tháng 4/2008, với công suất một triệu tấn mỗi năm (lớn gấp 4 lần Nhà máy gang thép Thái Nguyên trước khi mở rộng) do Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt – Trung làm chủ đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 340 triệu đôla, trong đó Việt Nam góp 55%. Đơn vị trúng thầu thi công xây dựng là Công ty TNHH khống chế cổ phần gang thép Côn Minh (Trung Quốc).
Dự án được chia thành 3 giai đoạn đầu tư. Giai đoạn 1 (2008 - 2009) xây dựng và vận hành phân xưởng luyện gang với công suất 1 triệu tấn mỗi năm; giai đoạn 2 (năm 2012) xây dựng xưởng luyện thép công suất 500.000 tấn phôi thép mỗi năm; giai đoạn 3 (năm 2015) xây dựng dây chuyền cán thép công suất 500.000 tấn thép một năm. Khi đi vào hoạt động cùng với mỏ Quý Sa, nhà máy sẽ tạo việc làm cho trên 1.200 lao động. Tuy nhiên, sau hơn 4 năm triển khai xây dựng, hiện dự án này đang chậm tiến độ.
Tháng 3/2013, Dự án nhà máy Dự án nhà máy gang thép Lào Cai gây xôn xao dư luận với thông tin nhà thầu Trung Quốc “bùng” tiền. Một nhà thầu phụ Trung Quốc sau khi ký hợp đồng mua vật liệu và thuê nhân công san ủi mặt bằng đã lặng lẽ rời khỏi công trường, để lại khoản nợ các cá nhân, đơn vị Việt Nam gần 5 tỷ đồng. Chủ đầu tư nhận định, lỗi thuộc đơn vị thi công, trong khi đó, phía Côn Minh cho rằng, hoạt động nhà thầu phụ do chủ đầu tư kiểm soát, không phải lỗi tại tổng thẩu.
6. Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải I
 
 
Dự án Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1 do EVN làm chủ đầu tư. Công trình thuộc Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2006 - 2015 có xét đến năm 2025 đã được Thủ tướng phê duyệt. Tổng vốn đầu tư dự án gần 1,6 tỷ USD, gói thầu EPC trị giá 1,3 tỷ đôla. Trong số vốn trên, dự án sử dụng 85% vốn vay thương mại do Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Trung Quốc tài trợ và 15% vốn đối ứng của EVN.
Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải I nằm trong Trung tâm Điện lực Duyên Hải thuộc tỉnh Trà Vinh gồm hai tổ máy, tổng công suất lắp đặt 1.244 MW. Sản lượng điện sản xuất hàng năm khoảng 7,2 tỷ kWh. Dự án do Nhà thầu Dongfang Electric Corporation Ltd. (DEC) làm tổng thầu EPC, Công ty CP Tư vấn Xây dựng Điện 2 cùng Tư vấn phụ nước ngoài là tư vấn giám sát thi công. Nhà thầu DEC đảm nhận vai trò thiết kế, cung cấp vật tư thiết bị và lắp đặt cho đến khi dự án đi vào hoạt động chính thức.
Dự án được khởi công năm 2010 và dự kiến vận hành tổ máy số I vào tháng 9/2014 và tổ máy số 2 vào tháng 11/2014. EVN cho hay, hiện tiến độ thi công các hạng mục của dự án đang bám sát tiến độ trong hợp đồng EPC, riêng phần lò hơi đang sớm hơn dự án khoảng một tháng.
7. Nhiệt điện Mông Dương 2
Dự án có công suất 1.200 MW gồm hai tổ máy được xây dựng tại tỉnh Quảng Ninh theo hình thức BOT. Thời gian khởi công năm 2011 và hoàn tất vào 2015.
Dự án có tổng mức đầu tư ước tính khoảng 1,95 tỷ USD, tăng 550 triệu đôla so với dự kiến ban đầu. Đây là là dự án BOT nhiệt điện thứ 3 đã thu xếp vốn thành công kể từ năm 2001 (sau 2 dự án BOT Nhiệt điện chạy khí Phú Mỹ 2.2 và Phú Mỹ 3). Hoạt động vận hành thương mại của nhà máy sẽ bắt đầu vào giữa năm 2015 và dự kiến chuyển giao cho Chính phủ Việt Nam sau 25 năm hoạt động.
Dự án do Tập đoàn AES của Mỹ liên doanh với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam hợp tác từ tháng 11/2006. Tuy nhiên, đến tháng 3/2011, Tập đoàn công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đã rút vốn khỏi dự án để đầu tư cho các công trình nhiệt điện trọng điểm khác. Sau khi Vinacomin xin rút khỏi dự án, Tập đoàn AES sẽ bán 49% cổ phần trong dự án Nhà máy điện Mông Dương 2 cho Tập đoàn Posco Power và Tập đoàn Đầu tư Trung Quốc.
Nhà đầu tư hiện tại của dự án là Tập đoàn AES của Mỹ (51%), Tập đoàn Posco Power (30%) và Tập đoàn Đầu tư Trung Quốc CIC (19%). Các hợp đồng thiết kế, mua sắm và xây lắp (EPC) theo kiểu chìa khóa trao tay đã được ký vào tháng 12/2010. Sau khi xây dựng hoàn tất (dự kiến vào tháng 7/2015),  Mông Dương 2 sẽ là dự án nhiệt điện đốt than đầu tiên đồng thời là dự án điện tư nhân lớn nhất của Việt Nam và sẽ đóng góp 7% tổng công suất hệ thống điện cả nước. Mông Dương 2 là một trong số ít các dự án có phía Trung Quốc góp mặt không chịu nhiều tai tiếng.
8. Nhà máy thuỷ điện sông Bung 4
Công trình do Công ty cổ phần Tư vấn Xây dựng điện 1 (thuộc EVN) là nhà thầu tư vấn thiết kế; Sinohydrro Corporation Limitted (Trung Quốc) là nhà thầu thi công công trình chính. Nhà thầu Trung Quốc đóng vai trò cung cấp thiết bị như tu bin máy phát... Khi lắp đặt thiết bị, Sinohydrro Corporation Limitted thường sử dụng nhân công của Trung Quốc.
Nhà máy thủy điện Sông Bung 4  nằm trên sông Bung thuộc huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam, có tổng công suất lắp máy 156MW, tổng mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng, trong đó, huy động từ nguồn vốn vay Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) 196 triệu USD. Dự án thủy điện Sông Bung 4 được xếp vào danh mục công trình trọng điểm Nhà nước là một trong 8 nhà máy thủy điện nằm trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn có quy mô lớn, chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật tốt và được ưu tiên xây dựng sau 2 dự án thủy điện A Vương và Sông Tranh 2.
Công trình khởi công vào tháng 6 năm 2010 và theo kế hoạch, tổ máy số I nhà máy Thủy điện Sông Bung 4 sẽ vận hành vào tháng 10, tổ máy số 2 vận hành vào tháng 11 năm nay. Công trình dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2014 đầu năm 2015. Mỗi năm sẽ cung cấp cho hệ thống điện quốc gia 586,25 triệu kWh và tạo ra doanh thu từ 450-500 tỷ đồng.
Cuối năm 2013, do đưa lao động người Trung Quốc chưa có giấy phép lao động vào làm việc tại công trình xây dựng nhà máy thủy điện Sông Bung 4, nhà thầu Sinohydrro Corporation Limitted đã bị phạt 570 triệu đồng.
9. Golden Westlake
Golden Westlake là khu căn hộ cao cấp với 2 toà tháp 23 tầng, nằm trên khu đất rộng 2 ha, tiếp giáp với đường Thụy Khuê và Hoàng Hoa Thám (Hà Nội).
Dự án dược khởi công vào cuối năm 2005 và hoàn thành vào cuối năm 2007 do Công ty TNHH Hà Việt - Tung Shing làm chủ đầu tư với vốn đầu tư khoảng 50 triệu đôla. Golden Westlake có thiết kế theo kiến trúc đối xứng và nối với nhau bằng hệ thống tầng trệt dành cho thương mại, công cộng như siêu thị mini; phòng tập thể thao với tắm hơi khô, ướt, bể tắm mát xa; nhà trẻ.
Chủ dự án Golden Westlake vừa qua gặp nhiều rắc rối khi xây dựng khu biệt thự liền kề và khu chung cư cao cấp đã gây ảnh hưởng trực tiếp tới hơn 100 hộ gia đình xung quanh, làm các căn nhà này bị sụt, lún, nứt, xô nghiêng... Một số hộ gia đình đã kiện chủ đầu tư với số tiền bồi thường 500 triệu đồng. Chủ dự án này đã gây sốc dư luận bằng việc bán chỗ đỗ xe với giá lên tới gần 1 tỷ đồng một chỗ. Ngay sau đó, dư luận và các hộ dân sinh sống tại đây phản ứng gay gắt buộc chủ đầu tư phải nhượng bộ, hạ mức phí gửi xe ôtô xuống 1 triệu đồng mỗi tháng.
10. Nhà máy dệt may tại khu công nghiệp Lai Vu
Tháng 8/2013, UBND tỉnh Hải Dương cho biết, Tập đoàn Crystal của HongKong (Trung Quốc) sẽ đầu tư khoảng 425 triệu USD vào dự án dệt Pacific Crystal và 120 triệu USD vào dự án may Tinh Lợi mở rộng, sử dụng khoảng hơn 70 hecta đất tại khu công nghiệp Lai Vu.
Theo đó, Dự án dệt Pacific Crystal có tổng vốn đầu tư 425 triệu USD – tương đương khoảng 8.882,5 tỷ đồng, sử dụng 35,1 ha đất và dự kiến thu hút khoảng 6.000 lao động. Dự án may Tinh Lợi mở rộng có vốn đầu tư 120 triệu USD – tương đương khoảng 2.340 tỷ đồng, sử dụng 35 ha đất, dự kiến thu hút khoảng 16.900 lao động, chủ yếu là lao động địa phương.
Hai dự án trên là tổ hợp dệt may lớn nhất Việt Nam và đã được tỉnh Hải Dương cấp giấy chứng nhận đầu tư. Khu công nghiệp Lai Vu được Tổng công ty Công nghiệp Tàu Thủy Việt Nam (nguyên là Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam - Vinashin) xây dựng từ năm 2004. Khi Chính phủ tái cơ cấu Vinashin vào năm 2010, dự án được chuyển giao cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nhưng nhiều hạng mục vẫn còn dang dở, gây khó khăn trong thu hút các dự án đầu tư.
Bên cạnh đó, việc giải phóng mặt bằng gặp vướng mắc do người dân khiếu kiện về quyết định thu hồi đất, mức bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất nông nghiệp, dẫn tới khu công nghiệp còn nhiều diện tích đất bỏ hoang, khai thác kém hiệu quả. Sự tham gia của 2 dự án kỳ vọng sẽ giúp tỉnh Hải Dương khắc phục tình trạng đất bỏ hoang, làm hồi sinh khu công nghiệp Lai Vu.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

"Trung Quốc nhiều lần yêu cầu Việt Nam không được khởi kiện họ"


(GDVN) - Phản ứng của chúng tôi phụ thuộc vào các hoạt động và hành vi của Trung Quốc. Nếu họ tiếp tục ép, chúng tôi không có lựa chọn nào khác.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng có cuộc tiếp xúc song phương với Phó Tổng tham mưu trưởng Trung Quốc Vương Quán Trung bên lề Đối thoại Shangri-la.
Bưu điện Hoa Nam ngày 2/6 đưa tin, Trung Quốc đã nhiều lần yêu cầu Việt Nam không đưa tranh chấp lãnh thổ, hàng hải ra tòa án quốc tế. Phát biểu bên lề Đối thoại Shangri-la, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết: "Họ đã nhiều lần yêu cầu chúng tôi không đưa vụ việc ra tòa án quốc tế".
"Phản ứng của chúng tôi phụ thuộc vào các hoạt động và hành vi của Trung Quốc. Nếu họ tiếp tục ép, chúng tôi không có lựa chọn nào khác. Sự lựa chọn này (pháp lý) hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế", tướng Vịnh khẳng định. 
Phát biểu của ông được đưa ra sau khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố, Việt Nam sẽ dùng mọi biện pháp hòa bình để bảo vệ lợi ích chính đáng và hợp pháp của mình, trong đó có biện pháp pháp lý.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã có cuộc tiếp xúc song phương với Phó Tổng tham mưu trưởng Trung Quốc Vương Quán Trung bên lề Đối thoại Shangri-la hôm Thứ Sáu. 
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân nói hai bên đã trao đổi thẳng thắn về quan điểm của mình, nhưng ông Quân không xác nhận liệu khả năng khởi kiện Trung Quốc có được nhắc đến trong cuộc họp hay không.
Tướng Vịnh cho biết, nhận xét của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel tại Đối thoại Shangri-la có giá trị và ý nghĩa lớn buộc Trung Quốc quay trở lại bàn đàm phán. 
Những nhận xét này cũng nhắc nhở ASEAN rằng giàn khoan 981 không phải là vấn đề của riêng Việt Nam mà còn cả các nước khác.
















































































































Phần nhận xét hiển thị trên trang

Lá thư thứ 2 gửi ông Tập Cận Bình và đồng sự

Thứ Sáu, ngày 30 tháng 5 năm 2014

Ngày 30 tháng 05 năm 2014
Gửi ông Tập Cận Bình cùng giới lãnh đạo tối cao của đất nước Trung Hoa!
Chào ông Bình! Để việc trình bày được giản tiện tôi sẽ xem việc viết thư gửi cho ông cùng giới lãnh đạo tối cao của đất nước Trung Hoa như là cuộc đối thoại với riêng ông bởi lẽ cho đến thời điểm hiện tại ông vẫn đang là đại diện hợp pháp của giới lãnh đạo đất nước Trung Hoa.
Thật đáng tiếc cho những việc làm của ông cùng đồng sự đã gây ra trên biển đông. Quả thật là tôi đã có sự thất vọng về ông. Cho đến thời điểm hiện tại tôi thật không biết nên dùng danh xưng gì để gọi ông cho phải lẽ. Nhưng thôi tôi sẽ vẫn gọi ông là ông cho phải lễ với cương vị chủ tịch nước Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Trung Hoa.
Nhìn vào cách hành xử của ông nơi biển đông thì tôi biết lá thư đầu tiên tôi gửi cho ông đã chưa đến được những nơi cần đến. Đáng tiếc thay!
Có một người đã hỏi tôi với đại ý rằng:
- Liệu lá thư tôi viết có đến được tay ông? Liệu có ai dịch lá thư của tôi gửi đến ông không? Thật sự là dụng ý của tôi có phải là gửi những thông điệp tôi viết đến ông hay là gửi đến người khác?
Tôi đã trả lời:
- Câu trả lời cho câu hỏi bạn hỏi tôi vốn đã có trong lòng bạn. Tôi viết để cho người cần đọc, thích đọc tham khảo thế là đủ. Còn việc ông Tập Cận Bình hay người khác mà bạn đề cập đến nếu có cơ may xem qua thì càng tốt. Tôi viết chỉ mong người đọc xem qua rồi nhìn nhận lại mọi việc mà có những thái độ, cách ứng xử, hành động tùy thuận, thích hợp mà thôi.
Thôi hãy bỏ qua cuộc trao đổi của tôi với người bạn mà quay về với chính đề của lá thư thứ 2 tôi viết gửi cho ông.
Ông thấy sao? Ông đã “sa lầy” nơi biển đông, việc tiến thoái đã trở nên lưỡng nan. Thật khó cho ông và đồng sự. Giá như ông được tham khảo qua sách Trung Hoa, còn mãi một tình yêu; Hãy là đường xưa mây trắng bay…; Tùy bút luận xưa nay - Tập 3 hoặc chỉ đơn giản là việc được đọc qua bài viết Thư gửi ông Tập Cận Bình được tôi viết vào ngày 24 tháng 01 năm 2013 thì ông đã không phạm những sai lầm ngớ ngẩn và đáng tiếc.
Ông cùng thành phần lãnh đạo đất nước Trung Hoa đã gây ra tình hình căng thẳng trên biển đông, dấn thân vào việc leo thang xung đột chỉ vì kế sách “Mượn trời qua biển”, kế sách nhằm vào việc thanh trừng các tổ chức, lực lượng đối lập trong nước mà không bị công luận thế giới chỉ trích về việc vi phạm nhân quyền. Ông đã cả nghĩ đấy là một nước cờ lưỡng toàn kỳ mĩ, vừa “đánh sập” những tổ chức đối lập, vừa có thể “lấn lướt” các quốc gia cận kề lãnh hải, lãnh thổ nhưng sự thật là ông đang phạm sai lầm nghiêm trọng. Hình tượng người Trung Hoa khí tiết, trung nghĩa đã bị hủy hoại bởi chính do ông cùng giới lãnh đạo tối cao của đất nước Trung Hoa. Ông đang đánh mất phẩm giá của chính mình, ông bộc lộ cho nhân loại thấy rằng ông là một con người tham lam vô độ, vừa ngang ngược, tráo trở vừa manh động, hiếu chiến,… Đó quả thật không thể là hình ảnh của một vị lãnh tụ ở một đất nước Trung Hoa rộng lớn với nền văn hiến mang tính nhân văn truyền thống lâu đời.
Như tôi đã từng nói cộng đồng quốc tế và các nước trong khu vực biển đông sẽ ngay lập tức chặn đứng tham vọng của ông và cá nhân tôi cũng không cho phép ông cùng giới lãnh đạo Trung Quốc gây ra việc xáo trộn nền hòa bình thế giới.
Giàn khoan HD 981 ông hãy nên mau chóng kéo về và cũng hãy nên trả lại những vùng lãnh thổ, lãnh hải vốn dĩ không thuộc về đất nước Trung Hoa. Đó xem như là một hành động sửa sai cho những việc làm nông nổi, sai quấy vừa qua.
Hoa Kỳ, cộng đồng quốc tế, các nước quanh khu vực biển đông đã lên tiếng thể hiện rõ lập trường. Ông cùng giới lãnh đạo đất nước Trung Quốc rõ thật đang bị dồn vào đường cùng. Hoặc là chấp nhận việc sửa sai, rút giàn khoan HD 981 về nước hoặc là việc “Phóng lao phải theo lao”, tiếp tục manh động, châm ngòi nổ cho một cuộc chiến tranh khu vực dù biết trước kết quả người Trung Quốc sẽ thua. Lịch sử của liên quân 18 nước cùng ngồi mâm chia xẻ cái bánh Trung Hoa sẽ được tái hiện và còn hơn thế nữa.
Ông hãy nên nhớ rằng người dân Trung Hoa sẽ bỏ rơi ông vì chính ông đã hủy hoại hình tượng, khí tiết của dân tộc. Ông đừng cứ mãi ôm mộng tưởng hão huyền họ sẽ “kề vai, sát cánh” cùng ông bởi vì ông là vị lãnh tụ đáng kính của họ. Thật sự là không phải vậy. Ông và họ đang sống cách biệt ở hai tầng trời xa vợi. Ông và giới lãnh đạo Trung Quốc thật sự đã nghĩ nhiều hơn cho chính mình, cho tổ chức đảng của riêng ông. Họ đã thất vọng cách hành xử của ông, điều đó thể hiện rõ qua việc ra đời ngày các nhiều các tổ chức đối lập đưa ra những yêu cầu ly khai, tự trị. Đã có những cuộc đánh bom thể hiện rõ lập trường phản kháng cực đoan, quá khích và nếu ông cứ mãi ôm giữ sự bảo thủ, cục bộ cùng việc thẳng tay đàn áp các tổ chức đối lập ngày một trở nên tinh về chất, nhiều về lượng thì e rằng đất nước Trung Hoa sẽ chìm sâu vào khủng hoảng rạn nứt, “nồi da, xáo thịt”. Thêm vào đó, việc nhùng nhằng nơi biển đông sẽ khiến ông cùng giới lãnh đạo Trung Quốc lâm vào cảnh “Lưỡng đầu thọ địch” hay nói cách khác là “Thù trong, giặc ngoài” thì liệu có lối thoát nào cho ông.
Xuống thang nơi biển đông, một lời xin lỗi gửi đến toàn thể người dân Trung Hoa cùng nhân loại có lẽ là điều ông nên làm lúc này. Và sau đó, ông nên thoái vị để giữ lại chút phẩm giá, danh dự, sự tự tôn nơi chính mình. Đó là điều ông nên làm, ông bạn Tập Cận Bình ạ!
Tôi có thể khiến ông phải rời khỏi vũ đài chính trị ngay cả khi tôi chưa đặt chân đến đất nước Trung Hoa. Ông nghĩ điều này tôi có thể làm được không, thưa ông? Tôi biết rằng tôi đủ khả năng làm điều đó nhưng làm điều đó được gì?
Nếu lá thư này được gửi đến ông thì ông hãy đọc suy tư, nghiền ngẫm và xét xem ông nên làm gì cho hợp với lòng ông. Cũng chỉ có 2 phương án cho ông chọn lựa. Một là xin lỗi cùng thoái vị. Hai là tiến hành một cuộc chiến tranh xâm lược một đất nước kề cận Việt Nam; một đất nước nhỏ bé hơn về diện tích, ít hơn rất nhiều về con người; một đất nước cũng đang tồn tại một sự đoàn kết giữa các thành phần, tầng lớp xã hội rời rã, chán ngán cùng một tinh thần tự hào dân tộc ở đầu môi.
Tuy nhiên, ông hãy tin rằng người Trung Hoa sẽ thất bại nơi một cuộc chiến tranh phi nghĩa bởi lẽ ngay nơi đất nước Việt Nam cũng như ở chính đất nước Trung Hoa luôn có những người sẵn sàng ra sức ngăn chặn tham vọng ngông cuồng, nông nổi của giới lãnh đạo ở mỗi nước, đó là tham vọng chiến tranh, tham vọng phá vỡ nền hòa bình, ổn định nơi nhân loại. Và tôi cũng đã sẵn sàng cho việc chặn đứng tham vọng bá quyền của ông cùng đồng sự. Nhưng tôi sẽ không cầm súng ra chiến trường để bắn giết người Trung Hoa, tôi sẽ không dùng súng để bắn vào đầu đồng loại. Nếu chiến tranh xảy ra thì tôi sẽ ra chiến trường để cho người Trung Hoa mặc tình bắn giết, tôi đến chỉ để xem quân đội Trung Hoa khát máu đến nhường nào. Tháng 6 năm 2013, lẽ ra tôi đã sang Tử Cấm Thành dập tắt tham vọng ngông cuồng của ông trên biển đông. Đáng tiếc rằng tôi và giới lãnh đạo của dân tộc tôi cũng đang sống cách biệt giữa 2 tầng trời. Thế nên, tôi đã lỗi hẹn lời hứa đến Tử Cấm Thành và nếu… Chiến tranh giữa Việt Nam - Trung Quốc xảy ra thì tôi đành phải đến Tử Cấm Thành để kết thúc chiến tranh vì người Trung Hoa, người Việt Nam và vì nhân loại.
Cho dù với ngôn thuyết sắc bén, ngông cuồng không kém ở nơi tôi khiến lòng ông cùng giới lãnh đạo Trung Hoa căm phẫn thì ông cũng rất nên tỉnh táo trong từng hành động của chính mình. Nếu muốn tôi trả giá cho những điều đã viết thì điều đó không quá khó. Tôi đã rất sẵn sàng cho việc kết thúc. Cho dù ngày mai này ông hay một ai đó muốn tôi đến đất nước Trung Hoa “đền” tội thì tôi cũng sẽ đến để nhận lấy “quả” đã tạo. Và hãy xem như là chúng ta không còn ai nợ ai. Nếu bộ sách Sự hiểu biết làm thay đổi nhận thức, giá trị con người ra đời đúng tiến độ thì sẽ chẳng có ai vì một cái chết của tôi mà gây khó cho ông cùng giới lãnh đạo Trung Hoa bởi lẽ đơn giản đó chỉ là chọn lựa của chính tôi
Có lẽ đến lúc đó thì nhân loại sẽ biết tôi đến Trung Hoa không chỉ vì lòng tự tôn, khí tiết người Trung Hoa. Vô Ưu đến vì một điều gì đó lớn lao hơn.
Thôi tôi tạm dừng lá thư ở đây. Thật sự là gần đây tôi không có nhiều thời gian cho mỗi bài viết. Tôi muốn viết nhiều hơn để cùng ông tháo gỡ những khó khăn nội tại nơi đất nước Trung Hoa nhưng thời gian thật sự không thuộc về tôi. Nếu có điều kiện tôi sẽ viết cho ông lá thư thứ 3. Trước hết, ông hãy xem 2 lá thư tôi đã vì ông, vì người Trung Hoa,… mà viết. Hy vọng những lá thư sẽ sớm đến tay ông. Nếu điều đó xảy ra thì biển đông sẽ thôi không dậy sóng cuồng, những việc hành xử sai lầm sẽ mau chóng được sửa sai.
Tạm biệt, ông Bình!
Người viết thư

Vô Ưu cẩn bút

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Bài nói chuyện của Đô Đốc Bill McRaven: NẾU BẠN MUỐN THAY ĐỔI THẾ GIỚi


Dưới đây là bài nói chuyện của đô đốc Bill McRaven, người đứng đầu lực lượng đặc biệt của Hải quân Hoa Kỳ (Navy SEAL), người trực tiếp chỉ huy biệt đội SEAL Team Six nổi tiếng, người giám sát việc lập kế hoạch và thực hiện cuộc tấn công tiêu diệt Osama bin Laden.
 
Đô Đốc William H. McRaven 
Mỗi năm đến kỳ tốt nghiệp ra trường, các trường trung học và đại học Mỹ có thông lệ mời những vị khách có địa vị, tiếng tăm đến nói chuyện với học sinh, sinh viên. Các vị khách này có thể là 1 chính khách như tổng thống Obama, 1 nghệ sĩ tài tử nổi tiếng, hay những người thành đạt như Bill Gate, Steve Jobs, v.v…Những bài nói chuyện có ý nghĩa thường được các báo in, trích dẫn lại.

Năm nay, có 1 bài diễn văn từ 1 vị khách mời đặc biệt đã được mọi người và giới truyền thông chú ý, được đăng tải trên nhiều tờ báo. Đó là bài nói chuyện của đô đốc Bill McRaven, người đứng đầu lực lượng đặc biệt của Hải quân Hoa Kỳ (Navy SEAL), người trực tiếp chỉ huy biệt đội SEAL Team Six nổi tiếng, người giám sát việc lập kế hoạch và thực hiện cuộc tấn công tiêu diệt Osama bin Laden.

Ông là tướng Hải quân bốn sao bí ẩn nhất và luôn được bảo vệ cẩn mật. Trong khi các Đô đốc như Greenert , Gortney , Locklear thường xuyên xuất hiện trong các phương tiện truyền thông và trước Quốc hội, McRaven thì lại bí mật và tránh né mọi sự chú ý về mình.

Tuần rồi, sinh viên tốt nghiệp tại Đại học Texas ở Austin lại nhận được 1 sự “chiêu đãi” hiếm có, đó là bài nói chuyện đầy ý nghĩa và hóm hỉnh của Đô đốc Bill McRaven.

Dưới đây là bài nói chuyện của ông:

Kính thưa Viện Trưởng Powers, Phó Viện Trưởng Fenves , các vị Trưởng khoa, các vị giáo sư, cùng gia đình và bạn bè, và quan trọng nhất là các tân sinh viên tốt nghiệp niên khoá 2014. Xin chúc mừng thành tích của các bạn.

Đã gần 37 năm từ ngày mà tôi tốt nghiệp UT.

Tôi nhớ rất nhiều điều về ngày hôm đó.

Tôi nhớ tôi đã bị nhức đầu từ một buổi tiệc nhậu (nguyên văn: “party”) đêm trước. Tôi chỉ nhớ là tôi đã có một bạn gái nghiêm túc, người mà tôi kết hôn sau này - đó là chuyện quan trọng cần nhớ - và tôi nhớ rằng tôi đã được nhận vào Hải quân ngày hôm đó.

Nhưng trong tất cả những điều tôi nhớ, thì tôi lại chẳng nhớ những ai là khách mời lên phát biểu trong buổi tối đó và tôi chắc chắn không nhớ bất cứ điều gì họ nói.

Vì vậy, phải thừa nhận 1 thực tế là nếu tôi không có thể làm cho bài phát biểu này đáng nhớ - thì ít nhất tôi sẽ cố gắng để làm cho nó ngăn ngắn.

Khẩu hiệu của Đại học UT là "Những gì bắt đầu ở đây sẽ làm thay đổi thế giới" (nguyên văn: “What starts here changes the world”).

Tôi phải thừa nhận, là tôi rất thích cái khẩu hiệu đó.

Tối nay có gần 8.000 sinh viên tốt nghiệp UT.

Trong 1 bảng phân tích khá chặt chẽ, mẫu mực của website "Ask.Com", họ nói rằng trung bình 1 người Mỹ sẽ giao tiếp với khoảng 10.000 người khác trong suốt cuộc đời của mình.

Đó là con số rất lớn, rất nhiều người.

Nhưng, nếu mỗi người trong các bạn thay đổi cuộc sống của chỉ mười người và mỗi một người này làm thay đổi cuộc sống của mười người khác - vâng, chỉ mười mà thôi - thì sau đó trong năm thế hệ - tức là sau 125 năm - lớp sinh viên tốt nghiệp năm 2014 sẽ làm thay đổi cuộc sống của 800 triệu người.

800 triệu người - các bạn hãy suy nghĩ về con số này đi - nó nhiều hơn gấp đôi so với dân số Hoa Kỳ. Đi tiếp thêm một thế hệ nữa và bạn có thể thay đổi toàn bộ dân số thế giới - 8 tỷ người.

Nếu bạn cho rằng rất khó để thay đổi cuộc sống của mười người - tức là thay đổi cuộc sống của họ mãi mãi - thì bạn đã sai.

Tôi thấy nó xảy ra hàng ngày ở Iraq và Afghanistan.

Một sĩ quan bộ binh trẻ ra quyết định rẽ trái thay vì rẽ phải xuống một con đường ở Baghdad và mười quân nhân trong toán của anh đã được an toàn, tránh khỏi 1 cuộc phục kích.

Tại tỉnh Kandahar, Afghanistan, một nữ hạ sĩ quan cảm nhận điều gì đó khác lạ và đã chỉ đạo trung đội của cô ấy tránh thoát được khối chất nổ 500 cân gài bẫy họ, cứu được cuộc sống của hàng chục chiến sĩ.

Nhưng, không chỉ những người lính được cứu thoát bởi các quyết định từ một người, con cái của họ (chưa ra đời), cũng được cứu. Và con cái của con cái họ cũng được cứu.

Nhiều thế hệ đã được cứu bởi một quyết định từ một người.

Nhưng, thay đổi thế giới có thể xảy ra bất cứ nơi nào và bất cứ ai cũng đều có thể làm được điều đó.

Vì vậy, những gì bắt đầu ở đây đích thực có thể thay đổi thế giới, nhưng câu hỏi là ...lúc đó thế giới sẽ trông giống như thế nào, sau khi bạn thay đổi nó?

Tôi tin tưởng rằng nó sẽ tốt hơn rất nhiều, và nếu các bạn làm cho tên thủy thủ già này vui vẻ trong chốc lát bằng cách giả bộ như đang chăm chú lắng nghe những gì mà tôi sẽ nói, một vài gợi ý có thể giúp các bạn trên con đường đi đến một thế giới tốt hơn.

Và trong khi những bài học này được rút ra trong thời gian tôi phục vụ quân đội, tôi có thể đảm bảo với các bạn rằng nó sẽ hữu ích, cho dù các bạn chưa từng một ngày mặc bộ quân phục.

Điều quan trọng không phải ở giới tính, dân tộc hay tôn giáo, hoặc địa vị xã hội của các bạn.

Cuộc đấu tranh của chúng ta trong thế giới này là tương tự nhau và những bài học để vượt qua những trở ngại để tiến lên - để thay đổi bản thân và thế giới xung quanh chúng ta, đều áp dụng chung được cho tất cả mọi người.

Tôi đã là một thành viên của Navy SEAL trong 36 năm (chú thích: Navy SEAL là lượng lực đặc nhiệm tinh nhuệ của Hải quân Mỹ - SEAL: Sea-Air-Land). Nhưng tất cả chỉ bắt đầu sau khi tôi tốt nghiệp UT để tham gia khoá đào tạo SEAL cơ bản ở Coronado, California.

Khoá đào tạo SEAL cơ bản trong sáu tháng, bao gồm những màn "tra tấn dai dẳng" (nguyên văn: “long torturous”) như chạy trên cát lún, nửa đêm bơi trong nước lạnh ở bờ biển San Diego, những cuộc rèn luyện vượt chướng ngại vật, những buổi tập thể dục thể hình dài vô tận, là những ngày không được ngủ, luôn bị lạnh, bị ướt và khổ sở.

Đó là sáu tháng liên tục bị quấy rối bởi các huấn luyện viên chuyên nghiệp, họ luôn tìm kiếm những điểm khiếm khuyết về tâm lý và thể chất của các học viên để loại bỏ họ ra khỏi Navy SEAL.

Nhưng, khoá huấn luyện cũng nhằm tìm kiếm những học viên có tư chất chỉ huy, có thể dẫn dắt đồng đội trong một môi trường căng thẳng liên tục, hỗn loạn, trong những thời điểm gặp thất bại và khó khăn.
Với tôi khoá đào tạo cơ bản SEAL chính là những thử thách trong cả đời người được nhồi nhét vào trong sáu tháng.

Vì vậy, đây là 10 bài học mà tôi đã học được từ khoá huấn luyện cơ bản SEAL, hy vọng sẽ có giá trị cho các bạn khi dấn bước trên đường đời.

Mỗi buổi sáng trong khoá đào tạo SEAL cơ bản, người huấn luyện viên - vào thời điểm đó tất cả các HLV đều là cựu chiến binh Việt Nam - sẽ đến các doanh trại và điều đầu tiên họ sẽ kiểm tra là giường của học viên.

Nếu học viên làm đúng, các góc giường sẽ vuông cạnh (ý tác giả muốn nói đến tấm drap trải giường), các bao gối được kéo thẳng, phẵng phiu, cái gối đầu phải được đặt ngay dưới trung tâm của 2 thanh đầu giường, và cái mền phụ (chú thích: mỗi học viên được cấp 2 cái mền) gấp gọn gàng dưới chân của rack – rack là từ của Hải quân dùng để chỉ cái giường.

Đó là một nhiệm vụ rất đơn giản, rất trần tục. Thế nhưng mỗi buổi sáng chúng tôi ai nấy cũng phải dọp dẹp giường của mình 1 cách gọn gàng, hoàn hảo. Chuyện này có vẻ hơi ngây ngô vào thời điểm đó, nhất là dưới ánh sáng của 1 thực tế hiển nhiên là các học viên đang ước vọng trở thành những chiến binh SEAL thực sự, được tham dự những trận chiến khó khăn đầy chông gai - nhưng, sự "trí tuệ" (nguyên văn: “wisdom”) của hành động tưởng như đơn giản này đã được minh chứng với tôi nhiều lần.

Nếu bạn dọn dẹp giường của bạn mỗi buổi sáng, tức là bạn đã hoàn thành nhiệm vụ đầu tiên trong ngày. Nó sẽ mang lại cho bạn một niềm tự hào nhỏ, nó sẽ khuyến khích bạn làm tốt nhiệm vụ kế và các nhiệm vụ khác tiếp theo sau.

Đến cuối ngày, từ một nhiệm vụ đầu tiên hoàn thành sẽ biến thành nhiều nhiệm vụ hoàn thành. Hành động dọn dẹp giường của các bạn cũng sẽ làm cũng cố cho 1 thực tế là những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống rất đáng được quan tâm.

Nếu các bạn không thể làm tốt những việc nhỏ nhặt, các bạn sẽ không bao giờ làm tốt được những điều lớn.

Và, nếu như bạn có một ngày không như ý, bạn trở về nhà và thấy một chiếc giường đã gọn gàng, ngăn nắp - do chính tay bạn làm - điều đó sẽ cho bạn niềm động viên là ngày mai sẽ tốt hơn.
Nếu các bạn muốn thay đổi thế giới, hãy bắt đầu bằng cách dọn dẹp ngăn nắp giường của các bạn.

Trong khoá đào tạo SEAL các học viên được chia thành nhiều toán. Mỗi toán gồm bảy học viên - chia ra ba người ngồi mỗi bên của một chiếc xuồng cao su nhỏ, và một người điều khiển hướng đi cho xuồng.

Mỗi ngày các toán mang xuồng ra bãi biển và được hướng dẫn cách vượt qua các con sóng và chèo vài dặm dọc theo bờ biển.

Vào mùa đông, những con sóng ở bờ biển San Diego có thể cao từ 8 đến 10 feet (chú thích: 2,4m - 3 m), cực kỳ khó khăn để lướt qua chúng, trừ khi tất cả mọi người cùng chèo.

Tất cả nhịp chèo phải đồng bộ theo nhịp đếm của người điều khiển. Mọi người phải nổ lực hết sức, bằng không xuồng sẽ bị các làn sóng xô ngược lại và sẽ bị ném thô bạo lên trên bãi biển.

Để làm cho xuồng đến đích, thì tất cả mọi người phải cùng nhau chèo.

Một mình bạn không thể thay đổi thế giới - bạn sẽ phải cần những sự trợ giúp - và thật sự để đi được từ điểm khởi đầu đến đích cần phải có bạn bè, đồng nghiệp, sự nhã ý của những người không quen và một trưởng nhóm có năng lực để hướng dẫn mọi người.
Nếu bạn muốn thay đổi thế giới, hãy tìm thấy một người nào đó để trợ giúp bạn chèo chống.
Sau một vài tuần luyện tập khó khăn, khoá đào tạo SEAL mà tôi tham gia bắt đầu với 150 người đã giảm xuống chỉ còn 35. Bây giờ còn lại sáu 6 toán với 7 người trên mỗi xuồng.

Tôi được xếp chung toán với những học viên cao to, nhưng toán giỏi nhất lại toàn là những học viên nhỏ con - chúng tôi gọi họ là toán Munchkin (chú thích: nhỏ bé, xinh xắn) - không có ai trong toán này cao hơn 5,5 foot (chú thích: 1.67m).

Toán Munchkin gồm có một người Mỹ gốc da đỏ, một người Mỹ gốc châu Phi, một người Mỹ gốc Ba Lan, một người Mỹ gốc Hy Lạp, một người Mỹ gốc Ý, và hai thanh niên trẻ nhưng gan lỳ đến từ miền Trung Tây nước Mỹ.

Họ chèo xuồng, chạy bộ và bơi lội nhanh hơn tất cả các toán khác.

Những học viên cao lớn trong các toán khác thường cười cợt, trêu chọc khi thấy các thành viên của toán Munchkin xỏ những bàn chân nhỏ nhắn của họ vào những đôi chân vịt cũng... nhỏ nhắn trước khi bơi lội.

Nhưng bằng cách nào đó, những học viên nhỏ con này, họ đến từ mọi ngóc ngách của nước Mỹ và thế giới, luôn luôn là những người có tiếng cười sau cùng – (nguyên văn: "had the last laugh" đây là 1 thành ngữ Mỹ, tương tự như 1 thành ngữ VN "Cười người hôm trước, hôm sau người cười") - họ bơi nhanh hơn so với tất cả mọi người và đến bờ trước chúng tôi rất lâu.

Khoá đào tạo SEAL là một sự bình đẵng tuyệt vời. Không có gì có thể giúp bạn đạt được thành công ngoài ý chí của bạn, chứ không phải đó là màu da, chủng tộc, học thức, hay địa vị xã hội của bạn đâu.
Nếu các bạn muốn thay đổi thế giới, hãy đo lường con người bởi kích thước của trái tim của họ, chứ không phải là kích thước cái chân vịt của họ.
Vài lần trong tuần, các giảng viên sẽ cho cả lớp xếp hàng để kiểm tra quân phục. Việc kiểm tra này luôn luôn được tiến hành 1 cách kỹ lưỡng khác thường.

Mũ đội phải được hồ cứng 1 cách hoàn hảo, quân phục phải ủi thẳng nếp, khóa thắt lưng phải sáng bóng và không được có bất kỳ 1 vết tì ố nào.

Nhưng, bất kể bao nhiêu nỗ lực mà bạn đã dùng để hồ cứng chiếc mũ, ủi kỷ càng bộ quân phục, hoặc đánh bóng loáng cái khóa thắt lưng - cũng vẫn chưa đạt.

Các giảng viên sẽ tìm ra "1 sai phạm gì đó" để phạt bạn.

Và vì kiểm tra quân phục không đạt, các học viên phải chạy, với nguyên quần áo, lao vào sóng biển, và sau đó, ướt từ đầu đến chân, lăn trên bãi biển cho đến khi tất cả toàn thân bị bao phủ bởi cát.

Tên gọi của vụ này là "bánh tẩm đường" (nguyên văn: “sugar cookie”). Bạn phải vận bộ quân phục đó cho đến hết ngày - lạnh, ẩm ướt và đầy cát biển.

Có rất nhiều học viên không thể chấp nhận 1 thực tế là tất cả các nỗ lực của họ đều là vô ích. Bất kể là họ đã cố gắng đến cỡ nào - để những bộ quân phục trông chỉnh tề, đúng quân cách - đều bị đánh giá thấp.

Những học viên đó đã không vượt qua nổi khoá huấn luyện.

Những học viên đó không hiểu mục đích của sự huấn luyện. Bạn sẽ không bao giờ thành công. Bạn sẽ không bao giờ có một bộ đồng phục hoàn hảo.

Đôi khi, cho dù bạn đã chuẩn bị hay thực hiện 1 kế hoạch kỹ càng đến mấy đi chăng nữa, thì kết quả vẫn cho ra một cái "bánh tẩm đường".

Đôi khi, cuộc sống là như vậy.
Nếu các bạn muốn thay đổi thế giới, hãy vượt qua thân phận của một cái "bánh tẩm đường" và tiếp tục tiến về phía trước.

Mỗi ngày, trong thời gian đào tạo, bạn phải đương đầu với nhiều thử thách thể chất khác nhau - chạy, bơi, các khóa học vượt chướng ngại vật, thể dục thể hình - Những thứ đó được sắp đặt ra để thử thách dũng khí của bạn.

Mỗi sự kiện có những tiêu chuẩn - thời gian mà bạn phải đáp ứng. Nếu bạn thất bại trong việc đáp ứng những tiêu chuẩn đó, tên của bạn sẽ được đăng trên một danh sách và vào cuối ngày, những người có tên trên danh sách sẽ được mời đến một "rạp xiếc" (nguyên văn: “circus”).

"Rạp xiếc": đó là phải tập thêm hai giờ thể dục - nó làm bạn kiệt sức, phá vỡ tinh thần của bạn để buộc bạn phải bỏ cuộc.

Không ai muốn đến "Rạp xiếc".

Đến "Rạp xiếc" có nghĩa là ngày đó bạn không đạt tiêu chuẩn. Đến "Rạp xiếc" có nghĩa là nhiều mệt mỏi hơn, và mệt mỏi hơn có nghĩa là ngày hôm sau sẽ khó khăn hơn - và có khả năng sẽ phải đến viếng "Rạp xiếc" thường xuyên hơn nữa.

Trong quá trình đào tạo SEAL, tất cả mọi học viên không ai thoát khỏi bảng phong thần này, mọi người đều có tên trong danh sách đến "Rạp xiếc".

Nhưng, một điều thú vị đã xảy ra với những người thường xuyên có tên trong danh sách "Rạp xiếc" - Những người phải chịu thêm hai giờ tập thể dục - đã càng ngày càng cứng cáp, mạnh mẽ hơn.

Nỗi "thống khổ" khi phải đến "Rạp xiếc" đã bồi đắp nên 1 sức mạnh tinh thần - và xây dựng khả năng phục hồi thể chất.

Cuộc sống đầy những "Gánh xiếc".

Các bạn sẽ thất bại. Các bạn có thể sẽ phải chịu thất bại thường xuyên. Thất bại sẽ làm các bạn đau đớn. Thất bại sẽ làm các bạn chán nản, thất vọng. Nhưng thất bại là liều thuốc thử để kiểm tra cốt lõi giá trị của các bạn.
Nếu bạn muốn thay đổi thế giới, đừng sợ "Rạp xiếc".

Ít nhất hai lần mỗi tuần, các học viên phải tham gia chạy vượt qua các chướng ngại vật. Tất cả gồm có 25 chướng ngại vật khác nhau, trong đó có 1 bức tường cao 10 foot, 1 tấm lưới cao 30 foot, và một hang rào dây thép gai dùng cho việc tập luyện bò trườn.
Nhưng chướng ngại vật khó khăn nhất là "cú trượt sinh tồn" (nguyên văn: “the slide for life”). Nó gồm 2 cái tháp, một tháp 3 tầng, cao 30 foot nằm một phía và một cái tháp một tầng nằm ở đầu kia. Hai toà tháp được nối liền bởi một dây thừng dài 200 foot.

Bạn phải leo lên tầng ba của tháp và khi lên đến đỉnh tháp, bạn nắm lấy sợi dây thừng, đong đưa bên dưới sợi dây thừng và dùng tay kéo thân hình, di chuyển đến đầu bên kia.

Kỷ lục vượt chướng ngại vật này đã đứng vững trong nhiều năm qua cho đến khoá đào tạo của chúng tôi vào năm 1977.

Kỷ lục này dường như “bất khả chiến bại” (nguyên văn: “unbeatable”), cho đến một ngày, một học viên đã quyết định thử thách chướng ngại vật "Cú trượt sinh tồn" này bằng cách trượt với tư thế cho đầu xuống trước.

Thay vì đong đưa cơ thể của mình dưới sợi dây thừng và nhích cả thân hình xuống, anh nằm lên trên sợi dây và đẩy thân mình về phía trước.

Đó là 1 cách di chuyển nguy hiểm - dường như điên cuồng, và đầy rủi ro. Nếu thất bại có nghĩa là chấn thương và bị loại khỏi khoá huấn luyện.

Không chút do dự - người học viên trượt theo sợi dây thừng xuống - nhanh 1 cách nguy hiểm, và thay vì vài phút, anh ta chỉ mất một nửa thời gian, anh đã phá được kỷ lục.
Nếu các bạn muốn thay đổi thế giới, đôi khi các bạn phải lao xuống để đương đầu với trở ngại.

Đến giai đoạn huấn luyện cách chiến đấu trên bộ, các học viên được máy bay đưa ra đảo San Clemente nằm ngoài khơi của San Diego.

Vùng biển ở San Clemente là một nơi có rất nhiều cá mập trắng lớn. Để được tốt nghiệp khóa huấn luyện SEAL, các học viên phải hoàn thành các loạt các bơi đường trường. Bơi đêm là một trong các loạt bơi đó.

Trước khi xuất phát, các giảng viên thông báo cho học viên với vẻ “hân hoan” (nguyên văn: “joyfully”) về tất cả các loài cá mập sinh sống ở vùng biển ngoài khơi San Clemente.

Tuy nhiên, họ cũng đảm bảo là chưa từng có học viên nào bị cá mập làm thịt cả, ít nhất là trong thời gian gần đây.

Nhưng, các học viên cũng được dạy rằng nếu một con cá mập bắt đầu lượn lờ quanh vị trí của bạn theo vòng tròn – hãy giữ vững vị trí của bạn. Không bơi đi. Không tỏ ra sợ hãi.

Và nếu những con cá mập đang đói, cần một bữa ăn nhẹ nửa đêm (nguyên văn: “a midnight snack”), phóng về phía bạn – thì hãy dồn hết sức mạnh đấm vào mõm cá, tất sẽ làm nó bỏ cuộc.

Có rất nhiều cá mập trên thế giới này. Nếu các bạn hy vọng sẽ hoàn tất 1 cuộc bơi lội, thì các bạn sẽ phải đối phó với chúng.
Vì vậy, nếu các bạn muốn thay đổi thế giới, đừng lùi bước trước những con cá mập.
Một trong những công việc của Navy SEALs là tiến hành các cuộc tấn công dưới nước vào tàu chiến của địch. Chúng tôi thực hành kỹ thuật này 1 cách rất phổ biến trong quá trình huấn luyện cơ bản.

Nhiệm vụ tấn công tàu là nơi mà 2 Navy SEAL sẽ được thả xuống ở ngoài xa một bến cảng của đối phương và sau đó lặn hơn hai dặm (chú thích: hơn 3km) - dưới mặt nước – không sử dụng bất cứ dụng cụ gì, ngoài một cái thước đo độ sâu và một la bàn để định hướng mục tiêu.

Trong toàn bộ quá trình bơi lặn, thậm chí sâu dưới nước nhưng vẫn có một số ánh sáng xuyên qua được. Học viên vẫn còn chút ít cảm giác thoải mái khi biết rằng có 1 mặt nước rộng mở ở trên đầu của họ (nguyên văn: “open water”).

Nhưng khi bạn tiếp cận đến con tàu đang cập cảng, thì ánh sáng bắt đầu mờ dần. Các kết cấu thép của con tàu chận mất ánh trăng – che mất các ánh đèn đường - cùng tất cả ánh sáng xung quanh.

Để thành công trong nhiệm vụ, bạn phải lặn dưới con tàu và tìm ra cho được lườn tàu – tức là đường trung tâm và phần sâu nhất của con tàu.

Đây là mục tiêu của bạn. Nhưng lườn tàu cũng là nơi tăm tối nhất của con tàu, là nơi bạn không thể nhìn thấy bàn tay của mình dù có để nó ngay trước mặt, nơi mà tiếng ồn từ máy móc của con tàu làm chói tai, rất dễ dàng làm cho bạn bị mất phương hướng và bỏ cuộc.

Mỗi thành viên Navy SEAL đều biết rằng dưới lườn tàu, tại thời điểm đen tối nhất của nhiệm vụ - là thời điểm bạn phải bình tĩnh, tập trung - là khi tất cả các kỹ năng chiến thuật, sức mạnh thể chất và tất cả sức mạnh nội tâm của bạn đều phải mang ra hết để chống đỡ.
Nếu các bạn muốn thay đổi thế giới, các bạn phải đem ra những tốt nhất trong con người bạn để đương đầu ở thời điểm đen tối nhất.

Tuần thứ chín của khóa huấn luyện được gọi là "tuần lể địa ngục” (nguyên văn: “Hell Week”). Đó là sáu ngày không ngủ, liên tục bị quấy rối về thể chất và tinh thần và một ngày đặc biệt tại “bãi bồi” (nguyên văn: “mud flats”) – “bãi bồi” là 1 vùng nằm giữa San Diego và Tijuana, nơi nước chảy đi và tạo ra các vũng bùn Tijuana – đó là một khu vực có địa hình đầm lầy, nơi mà bùn sình sẽ nhấn chìm bạn.

Đó là vào ngày thứ tư (Wednesday) của “tuần lể địa ngục”, bạn phải chèo đến “bãi bồi” và trong 15 giờ tiếp theo phải cố gắng để tồn tại dưới lớp bùn lạnh cóng, trong tiếng gió hú và áp lực không ngừng từ các huấn luyện viên luôn thúc giục, kêu gọi các học viên bỏ cuộc.

Thứ tư, khi mặt trời bắt đầu lặn thì lớp của tôi bị cho là đã "vi phạm nghiêm trọng các quy tắc" (nguyên văn:”egregious infraction of the rules”)được lệnh phải dầm mình dưới bùn.

Bùn “nuốt chững” các học viên cho đến khi không có gì có thể nhìn thấy được ngoài những cái đầu của chúng tôi. Các giảng viên nói với chúng tôi là mọi người sẽ được lên bờ nếu có năm người chịu bỏ cuộc - chỉ cần năm người thôi là chúng tôi có thể thoát ra khỏi cái lạnh đầy ức chế này.

Nhìn xung quanh bãi bồi thì rõ ràng là có một số học viên gần như muốn đầu hàng. Vẫn còn hơn tám tiếng đồng hồ nữa cho đến khi mặt trời lên – hơn tám giờ với cái lạnh thấu xương (nguyên văn: “bone chilling cold”).

Tiếng của các hàm răng va vào nhau lập cập và tiếng run rẩy rên rỉ của các học viên lớn đến nỗi rất khó để nghe bất cứ tiếng động nào khác. Nhưng sau đó, có một âm thanh bắt đầu vang vọng trong đêm - một giọng hát được cất lên.

Một giọng hát trật nhịp “khủng khiếp” (nguyên văn: “terribly out of tune”), nhưng được hát với sự nhiệt tình.

Một giọng hát đã trở thành hai và từ hai trở thành ba và không lâu sau đó, tất cả mọi người trong lớp đều hát.

Chúng tôi biết rằng nếu một người có thể vượt lên trên những đau khổ thì những người khác cũng có thể làm được.

Các giảng viên bị đe dọa chúng tôi sẽ phải bị ở lâu hơn trong bùn nếu còn tiếp tục hát, nhưng chúng tôi vẫn cứ hát.

Và không hiểu tại sao – bùn có vẻ như ấm áp hơn một ít, gió như trở nên “thuần tính” (nguyên văn: “a little tamer”), và bình minh thì không còn quá xa.

Nếu như tôi đã học được bất cứ điều gì trong cuộc đời tôi khi bôn ba trên thế giới, thì đó chính là sức mạnh của niềm hy vọng. Sức mạnh của một người - Washington, Lincoln, King, Mandela và thậm chí một cô gái trẻ từ Pakistan - Malala - một người có thể thay đổi thế giới bằng cách trao niềm hy vọng cho mọi người.
Vì vậy, nếu các bạn muốn thay đổi thế giới, hãy bắt đầu cất tiếng hát ngay cả khi các bạn đang bị lún lên đến tận cổ trong bùn lầy.

Cuối cùng, trong khóa huấn luyện SEAL có một cái chuông. Đó là 1 cái chuông đồng được treo ở trung tâm của doanh trại để tất cả các học viên đều nhìn thấy.

Khi bạn muốn bỏ cuộc – Tất cả những gì bạn phải làm là chỉ cần rung chuông. Rung chuông và bạn không còn phải thức dậy lúc 5 giờ sáng. Rung chuông và bạn không còn phải bơi lội trong cái lạnh băng giá.

Rung chuông và bạn không còn phải chạy, phải vượt các chướng ngại vật, tập thể lực (PT) - và bạn không còn phải chịu đựng những cuộc huấn luyện, thử thách cam go.

Chỉ cần rung chuông.
Nếu các bạn muốn thay đổi thế giới, đừng bao giờ rung chuông.

Khóa tốt nghiệp năm 2014, các bạn đang ở những giây phút sau cùng trước lúc nhận bằng tốt nghiệp. Những giây phút ngắn ngủi trước khi các bạn bắt đầu bước vào hành trình cuộc sống. Đây là thời khắc để các bạn bắt đầu thay đổi thế giới theo hướng tốt hơn.

Nó sẽ không dễ dàng đâu.

Nhưng, các bạn là những sinh viên tốt nghiệp niên khóa 2014 – một niên khóa có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của 800 triệu người trong thế kỷ tới.

Hãy bắt đầu mỗi ngày với một nhiệm vụ hoàn thành.

Hãy tìm một người nào đó để giúp bạn trong cuộc đời.

Hãy tôn trọng tất cả mọi người.

Biết rằng cuộc sống là không công bằng và rằng bạn sẽ thường xuyên vấp ngã, nhưng nếu các bạn dám chấp nhận rủi ro, dám tiến lên trong những thời điểm khó khăn nhất, dám đối mặt với những kẻ bắt nạt, nâng đỡ những người bị áp bức và không bao giờ…không bao giờ bỏ cuộc - nếu các bạn làm được những việc này, thế hệ tiếp theo và các thế hệ nối tiếp sẽ sống trong một thế giới tốt hơn nhiều so với thế giới của chúng ta ngày hôm nay, và những gì được bắt đầu ở đây sẽ thực sự thay đổi thế giới theo hướng tốt hơn.

Cám ơn các bạn rất nhiều. Xin chào. Hook 'em horns."


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Nhật Bản quay lưng, rút đầu tư khỏi Trung Quốc

 

Quan hệ kinh tế Nhật - Trung xấu đi vì tình hình biển đảo
Quan hệ kinh tế Nhật - Trung xấu đi vì tình hình biển đảo
Trong lúc căng thẳng biển Đông leo thang do Trung Quốc đơn phương đặt giàn khoan Hải Dương (Haiyang Shiyou) 981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và đâm chìm thuyền ngư dân Việt Nam, báo chí Trung Quốc vừa phải thừa nhận một đòn đau từ Nhật. Chính tờ Nhân dân nhật báo của Trung Quốc phải lên tiếng thừa nhận: “Đầu tư từ Nhật vào Trung Quốc giảm ồ ạt”.
Dữ liệu từ Bộ Thương mại Trung Quốc cuối tháng 5 cho thấy đầu tư của các công ty Nhật Bản tại Trung Quốc trong quý đầu tiên giảm 46,8% so với cùng kỳ năm trước. Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) thống kê cho thấy, năm ngoái các công ty Nhật Bản đầu tư 9 tỉ USD vào Trung Quốc, giảm 33% so với năm trước nữa.
Ding Yibing, giáo sư trường kinh tế của Đại học Cát Lâm, cho biết đầu tư của Nhật vào Trung Quốc suy giảm là một xu hướng trong suốt 3 năm qua. Li Tie, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại quốc tế của Trung Quốc (ITAC), cho biết đầu tư đi xuống vì quan hệ Trung - Nhật đang xấu đi nghiêm trọng trong thời gian gần đây.
 Chi phí nhân công Trung Quốc ngày càng đắt đỏ
"Nhật Bản chuyển sang hữu khuynh và tranh chấp liên quan đến quần đảo Điếu Ngư (Senkaku) làm cho tình hình tồi tệ hơn, dẫn đến sự mất ổn định trong đầu tư và trao đổi thương mại", ông Li chua chát nói.
Các nhà đầu tư Nhật Bản đã từng bị thu hút bởi quy mô thị trường và tiềm năng tăng trưởng của Trung Quốc. Nhưng một sự thay đổi lớn chuyển hướng xuống Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác đã hình thành, ông Minoru Arahata, Giám đốc chi nhánh Đại Liên của JETRO cho biết.
Số liệu thống kê của tổ chức cho biết, các công ty Nhật Bản đầu tư 22,8 tỉ USD vào Việt Nam và các nước ASEAN khác như Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines trong năm ngoái, cao gần gấp 3 lần với đầu tư vào Trung Quốc dù Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản.
 Nhật hợp tác ngày càng chặt chẽ với ASEAN
Ông Arahata nói với Tân Hoa Xã rằng chi phí đất đai và lao động ngày càng tăng của Trung Quốc đã dẫn đến sự quay lưng của các công ty Nhật Bản. Do đó, dòng đầu tư của Nhật chuyển hướng xuống phía Nam với các nước Đông Nam Á, nơi chi phí lao động tiết kiệm hơn nhiều.
Masahito Tasuda, giám đốc điều hành JETRO, cho biết đầu tư từ các doanh nghiệp Nhật Bản đã thay đổi cấu trúc không chỉ vì chi phí lao động ở Trung Quốc mà còn do những bất đồng giữa 2 nước trong vấn đề biển đảo.
Rõ ràng, người Nhật không thể ưa thái độ hung hăng của Trung Quốc trên biển như hiện giờ. Đầu tư cho Trung Quốc để Trung Quốc mạnh mẽ rồi gây hấn với Nhật không phải là điều người Nhật mong muốn. Thà Nhật đầu tư xuống phía Nam để giúp các đồng minh trong khu vực mạnh mẽ và đảm bảo an ninh trong khu vực còn tốt hơn.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Trung Quốc đề nghị 'hợp tác quân sự", Mỹ cắt ngắn cuộc họp




Báo Washington Post tiết lộ:

Trung Quốc đề nghị 'hợp tác quân sự", Mỹ cắt ngắn cuộc họp
Một quan chức quốc phòng Mỹ tiết lộ với nhật báo Washington Post cho biết, trong cuộc họp kín tại hội nghị Shangri-La, phái đoàn Trung Quốc đã đề nghị Mỹ “hãy cùng hòa giải và cùng hợp tác giữa quân đội các ngài với quân đội TQ”.
Nguồn tin này cho biết, cuộc họp đã kết thúc chỉ sau 20 phút sau khi đoàn TQ do trung tướng Wang Guanzhong – Phó tổng tham mưu trưởng quân đội TQ dẫn đầu, đưa ra lời đề nghị với nhiều ngụ ý.
“Trong khi Wang phải đón nhận những lời chỉ trích kịch liệt thì phía TQ đã dành phần lớn của cuộc gặp để bàn đến việc “hợp tác và hòa giải”, và tập trung vào vấn đề tăng cường hợp tác giữa quân đội Mỹ và quân đội Trung Quốc” – tờ Washington Post viết,  dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ yêu cầu được giấu tên.
Và những vấn đề “đáng quan tâm” do TQ đưa ra này đã nhanh chóng kết thúc cuộc họp, theo Washington Post, lấy lý do "lịch trình bận rộn".
Washington Post cũng cho biết Mỹ đã yêu cầu TQ giải quyết cái mà TQ gọi là “tranh chấp” phải tuân thủ theo luật pháp quốc tế.
“Dù Mỹ đã nhấn mạnh với TQ rằng “Mỹ sẽ không đứng về bên nào” nhưng ông Hagel cũng nhắc cho TQ nhớ rằng Mỹ đã ký hiệp ước phòng thủ với nhiều quốc gia châu Á”. Washington Post viết. Và điều đó sẽ không ngăn cản chính phủ của ông Obama sử dụng sức mạnh quân sự để bảo vệ các đồng minh của mình theo như hiệp ước đã qui định.
Phát biểu với báo giới TQ sau đó, trưởng phái đoàn Wang đã “kết tội” Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã sử dụng ngôn từ “đe dọa” và “ngoài dự đoán” để công kích hành vi khiêu khích của Trung Quốc đối với các nước láng giềng ở Biển Đông.
“Những ngôn từ của Bộ trưởng Hagel ở hội nghị an ninh Châu Á là “nguy hiểm ngoài…. sự tưởng tượng” và “đầy chủ nghĩa bá quyền”,” – Trung tướng Wang Guanzhong nói với báo chí Trung Quốc.
Wang cũng cho rằng những lời chỉ trích của Hagel là “vô căn cứ”.
Về phần mình, các quan chức Bộ quốc phòng Mỹ cho biết ông Hagel đã có mục đích rõ ràng là sử dụng ngôn từ mạnh mẽ trong bài diễn văn để phê phán Trung Quốc gây bất ổn, có những hành động đơn phương trong việc tìm kiếm quyền kiểm soát đường hàng không, đường biển trong khu vực khi liên tục gây hấn với Nhật Bản, Philippines và Việt Nam.
“Chúng tôi không đặt vị trí của mình vào cuộc tranh chấp lãnh thổ này” – Hagel nói. “Nhưng chúng tôi chống đối bất kỳ việc một quốc gia nào đó sử dụng sự đe dọa, sự áp bức hoặc hăm dọa sử dụng vũ lực để khẳng định những yêu sách của mình”.
Lê Huỳnh Lê (theo Washington Post)
Ảnh: Nụ cười giả lả của tướng Wang (phải) trong cuộc họp với đoàn Mỹ tại hội nghị Shangri-La (ảnh AP)





















































































Phần nhận xét hiển thị trên trang

Chủ Nhật, 1 tháng 6, 2014

Bóng ma Lục Tứ

Perry Link

Phạm Vũ Lửa Hạ dịch
Nếu hôm qua là một ngày tiêu biểu, khoảng 1.400 trẻ em ở Châu Phi chết vì sốt rét. Căn bệnh này có thể phòng ngừa, có thể chữa trị được, và những nạn nhân trẻ thiệt mạng mà chẳng phải do lỗi của chính mình. Tại sao nhân loại xem một sự thật như vậy chỉ là một sự kiện thường nhật không đáng để ý, trong khi một vụ sát nhân có thể được chạy tít đình đám trên báo chí, là một câu hỏi gây khó xử. Và nó cũng đưa ra những câu hỏi tương tự: Ví dụ, tại sao Rowena He [Hà Tiểu Thanh] và những người được cô phỏng vấn trong cuốn sách mới của cô  “Những người lưu vong Thiên An Môn: Những tiếng nói của cuộc đấu tranh đòi dân chủ ở Trung Quốc” (Tiananmen Exiles: Voices of the Struggle for Democracy in China) nên lo nghĩ quá nhiều về một cuộc thảm sát đã xảy ra ở Bắc Kinh hai mươi lăm năm trước? Không ai biết chính xác bao nhiêu sinh mạng của những người đấu tranh dân chủ bị xe tăng và súng máy dập tắt vào cái đêm ngày 3 rạng ngày 4 tháng 6 năm 1989 định mệnh, nhưng con số gần như chắc chắn thấp hơn nhiều so với số ca chết vì sốt rét của ngày hôm qua.
Binh lính và người biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn, tháng 5/1989 (David Turnley/Corbis)
Binh lính và người biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn, tháng 5/1989 (David Turnley/Corbis)
Bóng ma của “cuộc thảm sát Lục Tứ” (ngày 4 tháng 6) trường tồn đáng nể. Nó không chỉ ám ảnh ký ức của những người chứng kiến các sự kiện đó và ký ức của bạn bè và thân nhân của các nạn nhân, mà còn lưu lại trong tâm trí của những người đã từng, và vẫn còn, đứng về phía nhà nước Trung Quốc. Đặng Tiểu Bình, người đã gật đầu phát lệnh cho cuộc tấn công cuối cùng, đã qua đời, nhưng những người hiện nay ở trong hoặc thông đồng với cái chế độ chính trị chịu trách nhiệm về vụ tàn sát đó vẫn còn nhận thức rõ rệt về điều đó. Họ ít khi diễn đạt cái nhận thức đó bằng ngôn từ; thực ra, chính sách của họ đối với ký ức về thảm sát là trấn áp. Chính những hành động của họ cho thấy ký ức đó vẫn còn hằn sâu trong đầu họ. Họ cử viên chức mặc thường phục theo dõi và kiểm soát những người có lịch sử phát biểu công khai về vụ thảm sát đó. Họ tuyển dụng hàng trăm ngàn công an mạng mà một trong những nhiệm vụ của lực lượng này là xóa bỏ khỏi các trang mạng và email bất cứ điều gì nhắc tới vụ thảm sát này. Mỗi năm, vào “ngày nhạy cảm” 4 tháng 6, họ cử hàng chục công an, mặc sắc phục lẫn thường phục, để canh gác khu vực ngoại vi của Quảng trường Thiên An Môn (địa điểm của những cuộc biểu tình đã châm ngòi cho cuộc thảm sát) để ngăn cản không cho “những kẻ gây rối” tưởng nhớ bất cứ ai. Luận điệu chính thức của là nhân dân Trung Quốc từ lâu đã rút ra được “kết luận lịch sử đúng” của mình về “cuộc bạo động phản cách mạng”. Sự vụng về của giọng điệu như vậy là dấu hiệu cho thấy rõ nó giả tạo đến đâu, nhưng chính những hành động của họ là bằng chứng rõ hơn cho thấy nhà cầm quyền biết lời lẽ của họ rỗng tuếch. Nếu thật sự tin rằng “nhân dân Trung Quốc” ủng hộ các vụ tàn sát đó, họ đã thả cửa Quảng trường Thiên An Môn vào ngày 4 tháng 6 hàng năm và chứng kiến quần chúng kéo đến tràn ngập để lên án bọn phản cách mạng. Đằng này họ làm ngược lại, và đó là bằng chứng hùng hồn về điều họ thật sự biết.
Tóm lại, có một số lý do rất rõ giải thích tại sao một thảm sát cách đây hai mươi năm có ý nghĩa quan trọng, cho dù số người bị giết ít hơn trong những thảm họa khác. Những vụ thảm sát này liên quan tới định mệnh của một quốc gia. Chúng là một bước ngoặt quan trọng cho một xã hội có hơn một tỉ người.
Từ “Hồ sơ Thiên An Môn” (The Tiananmen Papers) – cuốn sách tập hợp các hồ sơ chính phủ về các sự kiện dẫn tới vụ đàn áp Lục Tứ – chúng ta biết rằng vào mùa xuân năm 1989 những người đứng đầu Đảng Cộng sản Trung Quốc cảm thấy rằng họ đang đối mặt với một mối đe dọa sống còn. Những cuộc biểu tình lớn trên đường phố không chỉ ở Bắc Kinh mà còn ở gần như mọi thành phố là thủ phủ của các tỉnh trên khắp Trung Quốc đã khiến Vương Chấn, Lý Bằng, và những nhân vật khác trong giới cầm quyền kết luận rằng sự tồn vong của chế độ đang lâm nguy.
Những người phương Tây biện hộ cho chế độ đó đôi khi dùng các từ “tấn bi kịch” hoặc “sai lầm” khi bàn về vụ thảm sát đó, nhưng các từ đó phản ánh một ngộ nhận. Việc sử dụng vũ lực gây chết người không phải là chuyện tình cờ. Đó là một lựa chọn, kết quả của sự tính toán, và hơn nữa, theo quan điểm của chế độ – hiện nay cũng như lúc đó – là lựa chọn đúng. Lẽ ra chính quyền có thể đã giải tán được đám đông ở Quảng trường Thiên An Môn bằng hơi cay, vòi rồng, hay dùi cui gỗ. (Dùi cui là công cụ được chọn khi Quảng trường này được giải tán cho một cuộc biểu tình lớn khác, khi người dân phản đối chủ nghĩa Mao cực đoan vào ngày 5 tháng 4 năm 1976. Dùi cui có công hiệu trong trường hợp đó, và nếu có thiệt mạng cũng chẳng là bao.)
Lý do chế độ đó đã chọn xe tăng và súng máy vào năm 1989 là việc phô trương vũ lực mang tính uy hiếp có thể bộc lộ sức mạnh vượt ra hẳn thời gian và không gian diễn ra cuộc đàn áp ngay lúc đó. Người biểu tình đòi dân chủ ở ba mươi thành phố tỉnh lỵ trên toàn quốc có thể khiếp sợ mà rút lui. Điều này đã có tác dụng. Người dân Trung Quốc có thể đã được cảnh báo trong nhiều năm về sau là hãy biết co mình trong khuôn phép của chính quyền, bằng không thì liệu hồn! Và điều này cũng có tác dụng. Mục tiêu căn bản là bảo tồn và kéo dài sự cầm quyền. Và mục tiêu này đã đạt được.
Tuy nhiên, thủ đoạn này quả thực đã khiến chế độ tổn thất nặng nề về uy tín với dân chúng. Điểm này cần được minh họa rõ trong bối cảnh cụ thể. Vào đầu thập niên 1950, đại đa số người dân Trung Quốc ủng hộ những lý tưởng mà ngôn ngữ của Đảng Cộng sản đã biến thành các khẩu hiệu như “phục vụ nhân dân”, và các lý tưởng này đã tạo nên “tính chính danh” (xin mượn một chút thuật ngữ chính trị học) cho giới chóp bu cầm quyền. Những thảm họa của chủ nghĩa Mao thời kỳ cuối đã gây tổn hại nặng nề cho tính chính danh đó, nhưng sau khi Mao chết năm 1976, và trong thập niên 1980, nhiều người Trung Quốc vẫn hy vọng rằng Đảng rốt cuộc có thể đưa đất nước hướng tới một tương lai hợp lý hơn. (Khi không có lựa chọn thực sự nào khác, người ta còn biết hy vọng gì khác?) Vào thời điểm năm 1989, tính chính danh của Đảng vẫn còn dựa dẫm khá nhiều vào niềm hy vọng lâu dài này, thế rồi những viên đạn của sự kiện Lục Tứ đã hoàn toàn kết liễu hy vọng đó. Theo lời của Dịch Đan Hiên, một nhà hoạt động sinh viên ở tỉnh Quảng Châu được khắc họa trong sách của Rowena He, “những phát súng đó thực sự đã phơi bày những lời dối trá và lột bỏ những cái lốt mà trước đó chính quyền đã đội.” Giờ đây Dịch Đan Hiên hiểu rằng quyền lực của Đảng luôn luôn là ưu tiên của Đảng.
Do đó, cuộc thảm sát đó đã gây khó xử cho Đặng Tiểu Bình và những nhân vật chóp bu khác. Nếu không còn thể hiện được “tính chính danh” từ những hô hào về các lý tưởng xã hội chủ nghĩa, họ còn biết lấy ở đâu ra? Chỉ mấy tuần sau sau các vụ giết chóc, Đặng tuyên bố điều Trung Quốc cần là “sự giáo dục”. Sinh viên đại học bị buộc phải thực hiện những màn “thú nhận” những tư tưởng sai lầm và lên án những kẻ nổi loạn phản cách mạng ở Thiên An Môn. Đó là những trò giả tạo chẳng có ý nghĩa thực sự gì cả. Nhưng công cuộc dài hạn của Đặng nhằm kích thích tinh thần dân tộc và “giáo dục” cho người dân Trung Quốc thuộc công thức Đảng = đất nước hóa ra lại rất hữu hiệu. Trong sách giáo khoa, viện bảo tàng, và tất cả các phương tiện truyền thông, “Đảng” và “đất nước” hòa quyện thành một, và tinh thần ái quốc nghĩa là “yêu” cái kết quả lai tạp đó. Việc Trung Quốc đăng cai Thế vận hội Mùa hè 2008 là một “thắng lợi vĩ đại của Đảng”. Việc nước ngoài chỉ trích Bắc Kinh không còn là “chống cộng” nữa, mà nay trở thành “chống người Trung Quốc”. Các xung đột với Nhật, Mỹ, và “các phần tử ly khai” ở Đài Loan và Tây Tạng bị phóng đại để chứng tỏ cần có ranh giới rõ ràng phân biệt giữa những thế lực thù địch và Đảng-đất nước yêu dấu. Những ký ức về Cuộc Thảm sát Nam Kinh năm 1937, trong đó hàng ngàn người Trung Quốc bị quân Nhật tàn sát, được khơi dậy (vì những lý do liên quan đến quyền lực chính trị của mình, Mao Trạch Đông đã cấm công khai tưởng nhớ vụ Nam Kinh) nhằm tạo ra nguồn cảm xúc để từ đó tranh thủ sự ủng hộ chế độ khi cần thiết – dù thủ đoạn này phải được điều chỉnh đúng mực, vì cảm xúc quá mãnh liệt có thể dễ thay đổi.
Thành công của những nỗ lực này và các nỗ lực khác cho phép chế độ xác định lại các nền tảng cho tính chính danh của chế độ chính là tinh thần dân tộc và chuyện kiếm tiền. (Ngôn ngữ của lý tưởng chủ nghĩa xã hội vẫn còn, nhưng chỉ là cái vỏ bề ngoài.) Tuy nhiên, cách tự thể hiện mới không thể giúp chế độ tránh được nỗi ám ảnh của vụ thảm sát này. Cứ như có quyền tự quyết, vụ thảm sát này dường như quay lại để đả phá bất cứ những gì chế độ gắng làm. Năm 1989, nó đã bắn phát súng ơn huệ kết liễu những luận điệu cũ về tính chính danh dựa trên nền tảng chủ nghĩa xã hội. Giờ đây, khi tính chính danh dựa vào các luận điệu cho rằng Đảng và nhân dân là một, ký ức về vụ thảm sát đó – khi Đảng nã đạn vào nhân dân – có lẽ là  bằng chứng rõ rệt nhất cho thấy Đảng và nhân dân không phải là một.
Vì vậy chế độ vẫn cần xếp những ký ức này vào những loại suy nghĩ cần được xóa khỏi tâm trí nhân dân. Chế độ dùng cả chiến thuật đẩy lẫn chiến thuật kéo để làm chuyện này. Chiến thuật đẩy gồm khuyến cáo, đe dọa, và – với kẻ ngoan cố – tịch thu máy vi tính và điện thoại di động, cũng như không cấp hộ chiếu, khiến mất việc làm, tịch biên tài khoản ngân hàng, và – với người thực sự cứng đầu cứng cổ – quản thúc tại gia hay bỏ tù. Chiến thuật kéo gồm “mời uống trà” – từ thông dụng trong từ vựng của những người mà công an muốn kiểm soát, và ở những buổi mời uống trà đó ta được cán bộ tươi cười nhắc nhở rằng những ai không nói về các vụ thảm sát nữa sẽ được hưởng cuộc sống tươi đẹp hơn; được khuyên răn là nếu muốn điều chỉnh như vậy về cuộc sống thì cũng chưa quá muộn; được nghe so sánh với những người khác có đời sống vật chất khấm khá hơn chỉ vì đã quyết định như vậy; được ngỏ ý tặng thực phẩm, cho đi lại, tạo công ăn việc làm, và những khoản thù lao khác (sẽ hậu hĩnh hơn nếu ta hợp tác bằng cách trình báo những người khác); và được dặn dò rằng tốt nhất là không tiết lộ với bất cứ ai về nội dung của buổi đàm đạo bên ấm trà thân tình này.
Những chiến thuật kéo đã hết sức hữu hiệu trong bối cảnh ở những thời kỳ gần đây trong toàn xã hội Trung Quốc nhà nhà người người ham kiếm tiền và coi trọng vật chất. Sự giàu có vật chất đã trở thành giá trị chủ đạo của người dân ở đất nước này, và việc mưu cầu và làm ra của cải, và khoe của đã chi phối động cơ của người dân. Đối với nhiều người, mức sống vật chất đã tăng lên đáng kể, và nhiều nhà phân tích phương Tây đã nhận xét đúng là sự gia tăng này đã củng cố tính chính danh của chế độ trong thời kỳ sau năm 1989. Song cũng chính các nhà phân tích này sai lầm khi họ lặp lại luận điệu  đã “đưa hàng trăm triệu người thoát khỏi nghèo đói”. Thực tế kể từ năm 1989 lại gần như ngược lại: chính người dân Trung Quốc làm việc cật lực với đồng lương ít ỏi đã tự nhấc mình ra khỏi hố nghèo đói – hẳn nhiên là mang lại lợi ích cho bản thân nhưng trong quá trình đó họ đã là bệ phóng để tầng lớp thượng lưu càng làm giàu hơn và một số ít trong đó giàu nứt đố đổ vách.
(Còn tiếp)
Nguồn: Perry Link, The Specter of June Fourth, China File, 20/4/2014
Bản tiếng Việt © 2014 Phạm Vũ Lửa Hạ

Phần nhận xét hiển thị trên trang