Như mềnh đã thông báo từ bài trước, lần này tiếp đăng truyện thứ ba. Để các bạn thấy trình của của các pác nhờ văn lớn "hàng đầu" thẩm văn thế nào. Có thật họ "vô tư, trong sáng và làm việc hết sức khoa học" hay không? Hay còn mấy thứ ngoằn ngèo, ngoắt ngéo, quanh co khác? Trách gì các "nhà máy văn" mỗi ngày sản phẩm mỗi kém.
Chúng ta là con người, không phải trâu bò, không có bộ phận nhai lại trong bộ tiêu hóa và càng không dễ nghe những lời bịa tạc, sáo rỗng.. không còn muốn nghe. Nếu mình sai mời bạn góp ý cho mình nha!
NGÔI NHÀ KHÔNG
GẮN MÁY LẠNH
Truyện
ngắn của Hồng Giang
Nhà chúng tôi
không có máy lạnh. Không phải vì giá điện hiện nay thường xuyên quá đắt, hao
phí đường dây quá cao, do nhà tôi ở cuối nguồn. Cũng không phải “công tơ” thuộc
loại rởm, luôn nghiêng phần lợi về phía các công ty điện, thiệt phía khách hàng.
Không phải máy lạnh giá đắt hay vì khó mua.. Những thứ đó thời bây giờ còn dễ
kiếm hơn chiếc “quạt “tai voi” của thế kỷ trước. Chỉ cần hó hé vài tiếng trên
điện thoại là có người mang nó đến tận nhà. Xã hội tiêu dùng ngày nay, ba cái
thứ đó chỉ là “thò tay túi áo”, muốn lúc
nào có ngay lúc đấy!
Ngôi nhà của
chúng tôi, nếu chỉ nhìn bề ngoài, ai cũng thấy nhất thiết là bên trong đã gắn
máy lạnh, hoặc “phải” có máy lạnh rồi. Nếu điều đó chưa xảy ra thật vô lý và
buồn cười vì ngôi nhà khá trang trang, theo mốt thời hiện đại, lại cất ngay sát
bên đường, đẹp mắt và lại cao tầng nữa!
Nó không có vì
những lý do khác, nói ra thì thật buồn. Phải đắn đo rất lâu, tôi mới viết câu
chuyện này. Viết để “thanh thải” chính mình, chứ không phải “giải tỏa” tâm
trạng như người ta thường vẫn hay nói.
Bởi vì, xét cho
cùng, nào có ai bao vây, phong tỏa chúng tôi đâu? Có chăng là chúng tôi tự
phong tỏa chính mình vì những lý do hết sức vớ vẩn. Kiểu như “Người ta sinh ra
để làm khổ lẫn nhau”.
Dù điều đó thật
chẳng cần thiết và chẳng có lợi ích gì! Hoặc vì những lý do từ quá khứ, nguồn
cơn của nó chẳng mấy rõ ràng, có khi lại hết sức vớ vẩn, không đâu vào đâu!
Mẹ tôi luôn
vắng nhà. Bà đã về hưu mấy năm nay nhưng vẫn như còn những lý do của thời trước,
khi còn đứng lớp, thường xuyên vắng mặt ở nhà..
Bà có về cũng
rất ít khi cười nói, dù không có việc gì phải lo, phải buồn. Mẹ tôi không hiểu
sao thường ít nói. Nhất là với bố tôi, khi hai người gần nhau cũng ít khi
chuyện trò. Có chăng chỉ đôi ba câu gượng gạo. Xong. Rồi lại đi.
Bà mắc bệnh
viêm xoang mũi. Một thứ bệnh dị ứng cao với các thiết bị điều hòa. Bà bảo “mùi
nó khai, chịu một tý là váng vất, xây xẩm mặt mày, rất khó chịu. Nếu bố con ông thích máy lạnh, cứ lắp. Nhưng
nhớ để riêng cho tôi một phòng, để ngày nào tôi có nhà, tôi ở”.
Một nhà mà có
hai mức hưởng thụ khác nhau là việc chẳng nên làm. Đó là một trong những lý do
khiến nhà chúng tôi cho đến tận bây giờ vẫn không gắn máy lạnh, thi đua với một
số nhà có gắn máy lạnh xung quanh.
Tuy đã có một
phòng dành riêng, mẹ tôi vẫn không hay ở nhà. Lúc bà đi thăm con gái mãi trên
vùng cao, nơi có hồ thủy điện mới xây được vài năm nay. Bà bảo “Thương con gái
vất vả một mình nuôi con nhỏ. Thằng chồng nó có một “tý chức” bắt đầu học đòi
bồ bịch, “mốt” thời thượng theo người ta” bây giờ.
Lúc mẹ tôi nói
hội “Cựu giáo chức” của bà có công việc gì đấy. Cần thăm hỏi một người nào đó
có hoàn cảnh khó khăn. Ông A hay bà B.. vừa qua đời, hay có đám cưới xin gì gì
đó.
Cũng có khi, bà
lẳng lặng không nói gì. Sắp xếp đồ đoàn vào cái túi xắc có nhiều pẹc mơ tuya,
khoác lên vai, dắt xe ra đường, mẹ tôi đi.
Những lúc ấy bố
tôi chỉ nhìn theo, không nói không rằng. Ông đứng ngây người rất lâu, vẻ mặt đơ
đẫn. da mặt như dày hơn, như người bị “thũng”.
Cũng chỉ sau
đấy một hai ngày, bố tôi mang xe ra đường. Ông đi gặp đồng đội cũ, “thăm thân”
bên kia quả núi chắn trước mặt ngôi nhà của chúng tôi. Mỗi lần đi năm bảy ngày.
Khi về lại lầm lì, không nói một câu.
Lão Xây lác
cùng thôn bảo bố tôi hâm, dạo này đang học làm thơ, chỉ thích vắng vẻ một mình.
Nhưng tôi biết, chắc là không phải vậy.
Có lẽ bởi vết
thương cũ tái phát. Ông đau nhức trong người vì những mảnh đạn không thể lấy ra
và không muốn ai chứng kiến cảnh đau nhức của mình.
**
Phía bên kia
đường là một dãy dài những ngôi nhà hoang hai ba tầng. Nhà nào cũng gắn máy
lạnh đàng hoàng. Không người ở mà lại không phải nhà vô chủ. Chỉ đơn giản chủ
nhân của nó vắng nhà. Người thì sau hợp đồng xuất khẩu lao động ba năm, lại tìm
cách xuất ngoại một lần nữa. Có người vi phạm hợp đồng không thể tái xuất làm
thuê xứ người, không thể đi đâu thì tìm cách vào Đắc Nông, Đắc Lắc trồng khoai.
Nghe nói bán được cho người Nhật với giá rất cao.Người Nhật đang nhập khẩu và
đầu tư cho giống khoai lang đặc biệt ngon của vùng này. Nhờ thế, trồng khoai
lang tím đang là công việc hái ra tiền. Chẳng biết mai ngày công việc trồng
khoai này kết cục như thế nào? Hay lại như ngàn thứ công việc “Đầu voi đuôi
chuột” ở xứ chúng tôi?
Nhưng trước mắt
nó giải quyết được nạn thất nghiệp mỗi năm thêm trầm trọng, lại nhất thời kiếm
tiền “hơi bị dễ”, nói như kiểu các nhà “khoai lang học” nói với nhau!
Một, hai căn
khác lai lịch không rõ và minh bạch lắm. Một trùm ma túy bị xử chết cách đây
vài năm. Hai căn có chủ bị bệnh “ết” chết gần hết cả nhà. Những người sống sót
không ai biết họ bỏ đi đâu?
Dù có gắn máy
lạnh, tất cả số máy đó từ lâu hoàn toàn không dùng đến điện, dù nguồn điện vẫn
còn, dây dẫn đến tận nơi.
Đêm nào có việc
bần cùng phải đi qua đây, tôi cứ thấy rờn rợn người. Rõ ràng là lúc ấy không có
gió, vẫn nghe thấy lào xào, lao xao ở sau lưng. Tôi không dám ngoái nhìn vào
những cánh cửa đóng im ỉm từ lâu như thế.
Chỉ sợ bước ra
từ những căn nhà đó không phải bóng dáng con người! Mà là thứ gì khác chưa quen
với tâm thế con người!
Chỉ có duy nhất
cuối dãy nhà ấy là có ngôi cấp bốn là của bố tôi là có người ở. Nhà có một gian
gắn điều hòa cỡ nhỏ dùng cá nhân ở phía bên trong cùng. Bên ngoài là một phòng
khách và một gian thờ, trên bàn thờ nhang khói suốt ngày. Bố tôi nhớ ngày giỗ
các đồng đội cũ không thiếu một ai hồi ông ở chiến trường Quảng Đà, trong phiên
đội đặc công đặc biệt.
Trước nhà có
con suối nhỏ nước chảy quanh năm. Hai bên cây cối xanh um. Bố tôi thuê người
xây chắn hai đầu của khúc suối chảy
quanh nhà, đặt tấm lưới, tạo một khoảng ao tự nhiên có nước chảy ra, chảy vào.
Cá nuôi chỗ này
cực kỳ chóng lớn, mùi cá khi chín rất thơm, không tanh, miếng cá không bở như
nuôi chỗ khác. Gần như chả phải chăm sóc gì nhiều.
Cá nuôi một
năm, có con nặng bảy tám cân và chỉ toàn nuôi chép đỏ.
Nhờ có dòng
nước này, “tiểu khí hậu” cho ngôi nhà của bố tôi mát mẻ quanh năm. Lại thêm mấy
cây sấu, cây trám già che nắng. Kể như không có máy lạnh cũng chẳng sao, vẫn dễ
chịu như thường. Đêm gần về sáng, mùa hè, có hôm ông vẫn phải đắp thêm cái chăn
mỏng.
Bố tôi ở đây
một mình.
Chỉ khi nào mẹ
tôi có mặt ở nhà ông mới lên ngôi nhà không máy lạnh, bề thế của chúng tôi.
Ông nói ông
muốn yên tĩnh, ở chung với chúng tôi ồn ào quá, ảnh hưởng đến vết thương còn
mảnh đạn trong đầu.
Cạnh bờ ao lạ
kiểu ấy có một phiến đá vuông vắn, nhẵn, phẳng xung quanh có khắc những chữ cổ,
cho đến bây giờ vẫn chưa có ai đọc được nó có ý nghĩa gì? Bố tôi mất gần một
tháng trời với nó. Ông dùng chiếc đục cũ, mòn gần hết lưỡi chạm một bàn cờ trên
phiến đá này. Bên cạnh đó ông xây một cây hương nhỏ, đêm nào cũng thắp nhang.
Dưới chân cây hương là bộ quân cờ bằng sừng trâu đủ hai màu đen, trắng tự nhiên
không phải dùng đến sơn hay bất cứ chất nhuộm màu nào. Những quân cờ to gần bằng
miệng chén. Quân, tướng bằng nhau, không phân biệt cấp bậc to nhỏ.
Những đêm không
ngủ được ông thường ra đây, thoát khỏi gian có máy lạnh, ngồi một mình “đánh cờ
với đồng đội” của ông. ( Là ông bảo thế chứ tuyệt nhiên không thấy ai ngoài bố
tôi ngồi mỗi mình).
Ông dùng đèn
pin soi và sắp quân cờ ra hai bên. Thỉnh thoảng lẩm nhẩm như bàn thảo với với
một người nào đó, rồi cầm quân của phía bên kia đi một nước. Lại cầm quân phía bên này đi một
nước. Hôm thì bên này được, hôm kia được và thường là hòa nhau không bên nào
thắng bên nào..
Cho đến lúc gần
sáng, như thể cầm đang tay một người nào đó, ông cười không ra tiếng, nét mặt
tươi, đi về gian phòng có máy lạnh của mình.
Thỉnh thoảng có
đêm không đánh cờ, ông cầm theo cuốn sách. Trong đêm tối, núi rừng chỉ còn
những vệt đen xẫm in lên nền trời mờ mịt, bố tôi bật đèn pin lên, làm thơ!
Xong được tứ thơ nào là ông khập khễnh đi vội
vào nhà, sửa chữa, chép lại như sợ bị vuột mất khổ thơ chợt đến bất ngờ, quý
báu.
Cả ngày hôm
sau, gần như ông cài chặt cửa phòng, không dậy.
Người nhà không
thấy ông sang căn nhà không máy lạnh, tới xem ông thế nào? Nhưng không dám gọi.
Đành để cơm, nước ngoài gian khách cho ông.
Có hôm đến
chiều, thức ăn, đồ uống vẫn còn nguyên..
Lạ một nỗi,
những ngày như thế, bố tôi có vẻ khỏe hơn thường ngày. Ông không hề có vẻ gì
mệt mỏi hay đau nhức.
Tôi thật không
hiểu thơ là cái gì, hay còn cái gì khác ngoài thơ, sao mang đến được cho ông
nhiều sinh lực đến thế? Không ăn uống, thức cả đêm mà lại có vẻ khỏe khoắn hơn
ngày thường?
**
Vùng tôi ở gần
như cách biệt với bên ngoài. Nó là một địa danh ít người qua lại, ít người biết
tới nếu không có đỉnh núi cao nhất tỉnh được đánh số. Núi cũng chỉ có số thôi chứ
chưa có tên trên bản đồ khu vực.
Vì thế, thông
tin hiếm hoi như thú rừng thời bây giờ.
Tôi hầu như chỉ
biết rất ít về thế giới mình đang có mặt. Nhất là cách đây mấy năm, khi chưa mở
con đường ngang qua nhà tôi bây giờ.
Ngay hiểu biết
về cha mẹ mình, tôi cũng rất mù mờ.
Có những câu
chuyện cha mẹ chỉ có thể nói với nhau, không thể nói với con cái! Thậm chí
không thể nói với bất cứ ai khác ngoài bản thân mình, kể cả người má ấp môi
kề..
Kiến thức sống
này quá ít ỏi, khiến tôi rất băn khoăn.
Cha mẹ tôi là
ai? Họ thực sự như thế nào, là điều tôi luôn day dứt trong lòng.
***
Không phải bỗng
dưng mà tôi có ý nghĩ u ám, thắc mắc về cha mẹ mình. Như thế quả là không hiểu
đạo làm người, còn bất hiếu nữa.
Nhưng những gì
tôi thấy, khiến tôi không yên lòng.
Bao nhiêu năm
sống chung một mái nhà, thực tình tôi chẳng mấy hiểu biết về gia đình mình.
Một gia đình
nhìn bề ngoài còn bao người ước muốn mà chưa có được.
Bố mẹ tôi có cả
trai lẫn gái, chẳng “thất mùa” nếp hay tẻ để phải bận tâm sinh con một bề, hay
cô đơn cô quả.
Hai ông bà đều
có lương hưu đủ để sống quãng đời còn lại. Nhà cao cửa rộng, đất đai hàng mẫu
ta, chỉ cây trái trong vườn thôi đủ để nuôi sống cả nhà. Làm ra thêm bao nhiêu
là của để dành..
Tôi và người chị gái đều có công ăn việc làm
nhờ sự ưu đãi là “con thương binh”. Chúng tôi đều có gia thất đàng hoàng.
Vợ tôi là chủ
một tiệm tạp hóa trong vùng, doanh thu khá. Nói chung so với mọi người xung
quanh thua kém chỉ một vài người là cùng.
Thiên hạ có thứ
gì nhà chúng tôi có thứ nấy. Chỉ không gắn máy lạnh như một vài nhà bên cạnh,
mà lý do tôi đã nói ở phần trước rồi. Nếu không vì lý do ấy, vài ba cái máy
điều hòa với gia đình tôi lúc này chỉ là chuyện rất muỗi.
Ai một lần đến
đây, nhìn cơ ngơi của chúng tôi bên ngoài cũng có ý thán phục, thậm chí tỏ ý
thèm thuồng. Thật ít có gia đình nào được “nhiều bề” đến thế!
Vậy sao cha mẹ
tôi lại không như mọi người, thanh thản, sống vui cái “sống đời” cùng thiên hạ?
Tôi lấy làm lạ,
mỗi bận bố tôi kêu khó ở trong người. Mẹ tôi thường điện cho cậu tôi cách cả
chục cây số đến, mặc dù nhà cậu rất neo người, còn khó khăn.Cậu sẽ thay mẹ tôi
chăm sóc ông chứ không phải ai khác.
Cậu tôi ở cho đến
khi bố tôi khỏi hẳn bệnh mới về.
Tất tật mọi
việc từ xoa bóp, giặt giũ, cơm cháo đều do một tay cậu tôi làm. Buổi tối cậu
ngủ lại luôn, chung giường với bố tôi.
Hoàn toàn không
phiền đến bất cứ ai trong nhà.
Mẹ tôi bảo: “
Anh em ông ấy hợp nhau. Có người nói chuyện, bố mày mau khỏi”. Còn nói: “Ông ấy
thích phòng máy lạnh, mẹ chịu không quen”!
Tôi nghĩ không
phải.
“Con chăm ông
bà, hay dù ai chăng nữa cũng không bằng vợ chồng già chăm nhau” là nghĩa đời.
Dù có cực khổ
đến đâu vợ hay chồng cũng đều không nề hà, không đùn đẩy vất vả cho người khác
chăm bạn đời của mình.
Những người,
những việc như thế ở vùng sơn cước quê tôi bao đời nay là lẽ tự nhiên. Bảo mẹ
tôi ngại khó ngại khổ lại càng không ổn, đều trái với tính cách và thói quen
của bà.
Vả lại nếp
sống, cách thể hiện trong gia đình tôi như bây giờ mới có ba năm nay, sau lần
bố tôi đi giám định lại thương tật.
Hôm đó bố tôi đi
đến tối, không thấy về nhà..
Mấy mẹ con chúng tôi phải vất vả ngược xuôi
tìm kiếm mãi mới thấy, nói mãi ông mới chịu về. Không nói lý do vì sao. Không
ai hiểu căn cớ gì, bỗng dưng lại thành
ra thế?
Chứ ngày mới
về, bố mẹ tôi đâu có sống với nhau như vậy?
Vợ chồng thương nhau, chăm sóc cho nhau hơn cả
vợ chồng son đang còn trẻ, yêu quý nhau không thể tả hết..như dân làng hồi ấy
kể. Hạnh phúc ít khi thấy ai hơn cha mẹ tôi ở đất này!
Ngôi nhà chúng
tôi ở không có máy lạnh bây giờ chính là kết quả của cuộc sống chung hạnh phúc,
chung sức chung lòng của hai người một thời
gian dài như thế giữa cha mẹ chúng tôi mà có. Tuy kiểu kiến trúc đã cũ, không được
thanh thoát như nhiều nhà thời bây giờ. Hai mươi năm trước nó là ngôi nhà to,
đẹp nhất vùng!
Nhiều người còn
nhớ chuyện bố tôi sau ngày ở chiến trường về, “bắt chước Tô Vũ chăn dê”.
Thời bao cấp,
nhiều người khốn khổ, khó khăn như thế mà ông nuôi được đàn dê mấy trăm con là
hy hữu, duy nhất tỉnh này. Đàn dê ấy là nguồn tài lực duy nhất để có được ngôi
nhà vợ chồng tôi đang ở bây giờ. Khi cả vùng chưa ai có nhà xây, chưa chỗ nào có
điện. Ra thành phố phải qua mười mấy con suối, vượt qua chặng đèo dài, heo hút
và xa..
****
Một chiều phố
núi, tôi đi cầu lông về. Thói quen này tôi mới học được theo lối “thời thượng”
của một tay trưởng cự mới nổi. Y vốn là con bạc phất lên nhờ bịp bợm, đỏ đen ở
vùng này học làm sang. Y mua một miếng đất ngoài trung tâm xã, mở sân đánh cầu
lông. Mục đích thể thao chỉ là hình thức bề ngoài. Cái chính tạo bình phong để
che mắt mọi người, làm những việc chỉ trời biết, đất biết và y biết!.
Buổi chiều nào
ở đây cũng tụ bạ năm ba người, trong đó có tôi. Tôi thì tôi biết học làm sang
là thứ không ra gì và không dễ học. Người ta có thể một đời người đã làm được
giàu. Nhưng để sang trọng, cao quý phải mất ba bốn đời mới nổi.
Vả lại tôi đến
đây không phải vì câu chuyện đó. Sang hay hèn như mẹ tôi nói có phận số cả rồi,
có có muốn cũng chẳng khác được.
Tôi đến đây vì
lẽ khác.
Ở nhà, trong
căn hộ không có máy lạnh, bức bối thời tiết chỉ là chuyện nhỏ. Trai núi, sống
miền rừng, nóng lạnh đâu có cái gì đáng phải quan tâm?
Lý do tôi đến
chỗ như thế này là để quên đi sự áy náy phân vân trong lòng. Không thể làm ngơ
đi được khi cách xử sự của bố tôi mỗi ngày mỗi khang khác.
Mới sáng nay
thôi, vừa xảy ra chuyện, tôi ái ngại vô cùng..
Bố tôi có khách.
Có mấy ông nhà văn nhà báo mãi trên tỉnh đưa hai ông từ Hà Nội
lên. Người ta muốn gặp bố tôi để viết bài “ Hậu Clip Người anh hùng đặc công”
mà bố tôi là một trong số các nhân vật phóng sự truyền hình vừa được giải “Bông
sen bạc”.
Bố tôi có vẻ rất vui. Nom mặt ông rạng rỡ hơn cả ngày thường.
Đứng bên ngôi nhà không gắn máy lạnh bên này nhìn sang phía căn nhà cấp bốn ông
ở rõ mồn một, vì thế đất cao hơn.
Thấy ông đi ra đi vào, cười nói rộn rạo, bốc máy gọi đi chỗ này,
chỗ kia.
Đầu tiên là cậu tôi đến. ( Thường vẫn vậy, cậu là người ông nhớ
đến đầu tiên, bất kể chuyện gì ). Sau đấy là mấy ông bạn đồng ngũ người các xã
lân cận.
Mọi người xuống khúc suối làm ao gần bàn cờ đá của bố tôi bắt cá,
mang nỏ ra bắn gà. Một ông chạy ra chợ mua thêm thức ăn. Hai ông chạy sang nhà
không máy lạnh của chúng tôi hỏi chỗ làm bếp.
Rồi đun. Rồi nấu. Rồi bưng lên..
Đến lúc hoàn thành mâm rượu, tôi và vợ tôi mới được gọi đến ngồi
vào mâm cho đông đủ cả nhà.
Hình như không ai để ý đến chi tiết là lạ này: Chúng tôi như thể
hàng xóm sang chơi chứ không phải con ông vậy?
Nhậu nhẹt chỗ nào chẳng như chỗ nào? Tưng bừng. Bông bốc. Nói cả
những chuyện lúc không nhậu sẽ không nói ra.
Một ông Hà Nội có ý quan tâm hỏi bố tôi về chuyện gia đình. Bố
tôi làm như vẻ không nghe rõ, hay chuyện này không cần thiết, không quan trọng
gì, ông lảng sang chuyện khác:
- Các bạn thông cảm. Chuyện về “lực lượng đặc biệt” của ta thì
nhiều. Kể cả đời chưa hết. Có chuyện sống để dạ, chết mang đi. Có những thứ lá
quanh đây rất nhiều, bôi vào người chó khôn đến mấy cũng không phát hiện ra
được. Những chuyện đấy ngay đến vợ con anh em ruột bây giờ cũng không dám nói.
Chiến tranh kết thúc gần bốn mươi năm rồi, vẫn còn những điều bí mật. Nguyên
tắc quân sự là như thế. Nên các anh có hỏi điều gì đó không thể trình bày, cũng
xin được thông cảm..
Ông Hà Nội kia cứ há hốc, ông đang hỏi về gia cảnh chúng tôi chứ
có tò mò bí mật quân sự gì đâu?
Lúc đó tôi tái mặt, tai như ù đi. Hình như bố tôi cố tình lảng
tránh, không muốn nhắc đến chúng tôi.
Thường nhà ai cũng vậy. Có khách tới nhà, vợ chồng con cái đều
vui vẻ đón tiếp. Sao bố tôi không đả động gì đến vợ con mình?
Mẹ tôi ngồi chơi bên nhà cô giáo năm xưa là học trò của mình chỉ
cách mấy nhà, ông cũng không cho gọi về.
Thế là làm sao? Bố tôi không muốn phiền, hay ông giận điều gì?
Khách về hết. Bố tôi lại sang căn nhà cấp bốn bên kia đường. Tôi
ngồi một mình. Bứt dứt, bức bối, tôi vớ cái vợt và ra đây. Chơi thì chơi chứ
không bụng dạ nào để ý đến xung quanh. Tôi liên tục thua. Cho mãi gần nhá nhem
tối mới quay về.
Chút nữa thì tôi đâm xầm vào một người.. Một người dính líu
nghiêm trọng cuộc đời tôi, cho đến giây phút này, tôi vẫn ngỡ lão là người dưng
nước lã, chả liên quan gì đến mình! Mặc dù đôi lúc có lờ mờ , nghi nghi, nghĩ
có chuyện chi đó..
****
Có một cuộc đấu
cờ bí mật xảy ra đã lâu, mãi đến sau này tôi mới biết. Cuộc đấu giữa bố tôi với
một người đàn ông khác, khi đêm đã khuya lắm rồi.
Đêm đó không
trăng sao. Bố tôi không ngủ, nghĩ mãi chưa trọn vẹn bài thơ về “tình đồng đội”.
Ông lấy cây đèn pin thập thễnh đi ra bờ ao, nơi có bàn cờ bằng đá vừa tạc xong
được mấy ngày.
Bố tôi vừa bày
xong quân của cả hai bên thì phía sau có tiếng động. Theo phản xạ, thói quen
của người lính đặc công, ông quay lại. Bố tôi nhận ra ngay có người đang nấp
sau cây me già cổ thụ, gần sát bờ đường. Ông bấm đèn. Bóng người ấy lò dò hiện ra
trước sự kinh ngạc của bố tôi.
Ông lên tiếng:
- Ra bác Xây,
bác đi đâu vào giờ này?
- Tôi cũng
không ngủ được.Tính ra chơi với chú ván cờ cho chóng hết đêm.
- Nếu vì lý do
ấy, mời bác về nhà ngủ. Không ai chơi cờ với nhau ngoài trời đêm hôm khuya
khoắt thế này.
Lão kia cứ nài
nỉ, đòi chơi bằng được, hình như có chuyện gì khác chứ không phải chuyện chơi
hay không chơi một ván cờ. Bố tôi đứng lên, bảo lão đi vào nhà. Lão ngần ngừ
một lúc rồi theo sau.
Bố tôi không
bật điện, chỉ thắp một cây nến đủ để hai người ngồi nói chuyện. ( Đây là cây
nến mua từ lâu phòng khi mất điện. Đường rừng điện mất là chuyện cơm bữa, không
như ở thành phố ).
Cặp mắt bị lác
một bên của lão đảo quanh một lượt. Hai tay lão thu trước vạt áo đại cán bốn
túi, ngận ngự chưa muốn ra lời.
Bố tôi phải
gặng hỏi lão mới nói:
- Quân tử một
lời như dao chém đá! Tôi đã hứa với chú từ đấy đến giờ chưa hề nói với ai vì đã nhận tiền bồi dưỡng của
chú khá hậu hĩnh rồi. Nếu cảnh ngộ tôi không như bây giờ, có lẽ tôi không bao
giờ dám nói lại với chú. Như thế nó muối mặt lắm..
Bố tôi nhìn ông
thợ hoạn phương phi béo tốt ngày nào. Sao bây giờ ông ta nom thảm hại thế kia ?
Chả nhẽ hũ rượu ngâm toàn “pín chó, pín lợn” bây giờ không còn tác dụng nữa
sao?
Không phải đợi
lâu nhà “Pín học” ra lời:
- Cứ tưởng chú mới là người khó khăn về đường
con cái. Cái khổ đó, đến cùng lại là tôi chú ạ. Không nói chú cũng biết tôi
giai gái đủ cả, lại hơn chú một đứa. Có ai ngờ chúng lần lượt bỏ tôi mà đi. Đứa
con gái lũ cuốn mất năm xưa không kể đến. Hai thằng bằng gậy bằng sào giờ cũng
hỏng cả hai..
Lão không kể,
việc trong làng ai cũng biết. Thằng trai lớn nhà lão lái xe năm ngoái đâm đầu
xuống vực. Thằng trai út giờ đang học gì bên Thái Nguyên kia mà?
Trên gò má cao
dưới đôi mắt lác về bên trái của lão lăn ra mấy giọt nước mắt, nước mắt thực sự
chứ không phải của cá sấu, khiến bố tôi mủi lòng. Lão nức nở như trẻ nhỏ:
- Ấy cái thằng
út nhà này giỏi trai, làng này ai cũng khen nó học giỏi, giờ cũng hỏng nốt rồi
chú ạ. Chả biết nó đua đòi chúng bạn thế nào giờ trúng bệnh vô phương cứu chữa!
Chả biết nó bỏ vợ chồng tôi đi ngày nào. Vì thế anh mới phải đánh liều sang đây
xin chú lại cho nó làm “con nuôi” một đứa.. Dẫu gì nó cũng là giọt máu của anh,
chú vẫn còn đứa nữa cơ mà.. Sợ rằng sau già không nơi nương tựa thì nhục lắm
chú ạ!
Bố tôi giận run
lên. Phút chốc ông không kìm chế được mình, túm cổ áo đại cán của lão, gầm khe
khẽ:
- Vậy là ông
nuốt lời? Năm chỉ vàng tiêu hết, giờ đòi lại con? Tôi ..tôi truyền hồn cho ông
biết: Ông muốn gì cũng được, kể cả cái mạng thương tật này của tôi.. Nhưng con
thì không được, không khi nào được, ông nhớ chứ?
Lão lác người
mềm như cái dưa. Lão biết bố tôi bề ngoài nhũn nhặn, ân cần với tất cả mọi
người, lớn cũng như bé, nhưng không phải là người nói chơi! Lão lắp bắp xin
lỗi. Thề sống chết từ nay không dám đụng đến chuyện này nữa!
Bố tôi đẩy lão
ra, ông như người tuyệt vọng, ngồi phịch xuống ghế. Hai người im lặng khá lâu.
Lão lác chào để về, bố tôi gọi lại:
- Ông cứ ngồi
đấy đã! Ông thừa biết sẽ xảy ra chuyện gì nếu điều này tiết lộ ra ngoài. Cả hai
nhà sẽ bị xáo trộn ghê gớm, không biết đâu mà lường! Vả lại cả hai đứa con tôi
giờ đều có vợ có chồng. Vợ chồng chúng nó sẽ ăn ở với nhau ra sao nếu biết
chuyện này?
- Thì tôi sẽ
nhận con Huyền là con nuôi, con kết nghĩa chẳng hạn.Thiên hạ nhận đầy trường
hợp như thế mà?
Lần đầu trong
đời, bố tôi cười không ra tiếng, có ý mỉa mai:
- Ông thử hình
dung xem, liệu nó có dám nhận làm con kết nghĩa của ông bà không?
Bố tôi không
nói hết, nhưng lão lác biết ông định nói gì?
Một lão làm nghề thiến chó, thiến lợn dong, cứ nhà nào có đàn bà hóa là
lân la gạ gẫm. Có lần dân quân xã bắt dẫn lên ủy ban về tội vồ phụ nữ tắm tiên
ngoài suối. Gia sản chỉ là cái nhà tình nghĩa giúp đỡ người nghèo dân làng xây
cho.. Người như thế liệu cô giáo Huyền em gái tôi có chịu nhận làm bố nuôi hay
bố kết nghĩa không?
-
Tôi
sẽ có cách. Cổ nhân có câu: “Máu chảy đến đâu.. “ mà!
Bố tôi im lặng
hồi lâu không nói gì. Không biết có phải vì tự tin bởi điều kể trên không, hay
muốn tỏ ra là người cao thượng, ( cũng có thể trong lúc bất ngờ, bố tôi cũng bị
nhầm. “Con cái với cha mẹ” là câu chuyện dài, khó nói trước được điều gì. Kể cả
cha mẹ không ra sao, với chúng vẫn luôn là cha mẹ ) lúc sau ông nói:
- Ban nãy bác
bảo sang đây muốn chơi một ván cờ phải không?
- Chú cho anh
xin phép. Là lúc nãy vui miệng nói thế. Bây giờ chú cho anh về, chả còn lòng bọng
nào để cờ với quạt nữa..
- Làm người
không nói thì thôi, nói là phải nhớ, phải giữ lời. Từ ngày có bàn cờ này, trong
làng tôi chưa hề đánh với ai, chỉ đêm vui mới chơi với đồng đội đã khuất. Giờ
tôi sẽ chơi với bác. Nếu bác thắng tôi sẽ nhận lời yêu cầu vừa rồi. Còn thua
đừng có bao giờ nói đi nói lại chuyện này nữa!
Bàn cờ đá lần đầu có hai người ngồi đối diện.
Mỗi người một cây đèn bấm trong tay. Đến tảng sáng cuộc cờ kết thúc trong eo óc
tiếng gà gáy cuối thôn.
Lão thua ba ván
liền!
Không ngờ bố
tôi lại là kỳ thủ cao cơ đến thế.. Hay là còn có thế lực hỗ trợ nào từ các đồng
đội của bố tôi mà tháng nào ông cũng chơi với họ năm, mười đêm?
Tôi đâm vào lão
Lác. Lão ngã bổ chửng ra phía sau, lão lồm cồm bò dậy. Lão không la lối hay
chửi bới câu nào như chuyện thường xảy ra trong trường hợp này. Hình như lão cố
ý đợi tôi ở đây đã lâu và biết người vừa đâm xầm vào mình là ai?
Lại còn hỏi tôi
có làm sao không? Tôi nói tôi không sao, định nhảy lên xe luôn về nhà. Lão chạy
theo níu tôi lại: “ Tôi có chuyện muốn nói với cậu..”. Tôi quay đi: “ Tôi biết
hết cả rồi. Ông không cần nói. Từ giờ đừng tìm tôi nữa”!
Tôi ga hết tốc
lực. Xe như điên chạy trên đường. May mà lúc đó quãng đường này không có người
hay xe cộ chạy qua. Nếu không chưa biết xảy ra chuyện gì.
Đến nhà, tự
nhiên tôi không muốn vào nhà.
Ngôi nhà không
máy lạnh lặng im trong bóng tối, như chưa xảy ra chuyện gì. Bốn bề vẫn im ắng
như không. Chỉ nghe thấy tiếng suối róc rách chảy.Tiếng nước đi thật là êm.
Không chủ ý,
tôi dựng xe đi đến bên bàn cờ bằng đá của bố tôi bên gốc me già.
Ngồi một mình..
Tôi đang đúng hay tôi đang sai? Đúng sai thế nào từ những câu chuyện của thế hệ
sinh thành?
Đêm nay bố tôi
khỏe, không đau nhức như mọi khi. Có lẽ là ông đã ngủ say và không biết vừa xảy
ra chuyện gì!
********
Phần nhận xét hiển thị trên trang