Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 3 tháng 3, 2014

Lại một kiểu sính ngoại:


Phụ nữ Việt thua xa phụ nữ Tây về mọi khoản!


Trần Quang Huy - Theo Tri Thức Trẻ
Trước khi đòi hỏi đàn ông Việt, chê bai đàn ông Việt để chạy theo đàn ông Tây, chị em Việt cũng nên nhìn lại bản thân mình. Thực ra, nồi nào thì úp vung nấy. Cũng chỉ có đàn ông Việt mới chịu được tính khí khó chịu của phụ nữ Việt. Chứ đàn ông Tây mà nhìn thấu bản chất, chắc họ cũng chạy mất dép!


Đàn ông Việt dạo này bị xuống giá quá thể. Cứ lên internet là thấy nhan nhản các chị em kêu lấy chồng Tây sướng, rồi chỉ có chồng Tây mới xứng với phụ nữ Việt. 

Là một người sinh sống ở cả Việt Nam và Mỹ một thời gian dài, tôi cảm thấy hình như các chị em Việt đang quá nâng tầm bản thân thì phải. Các chị em nghĩ chồng Tây dễ lấy thế sao? Thực tế, phụ nữ Việt so với phụ nữ Tây còn thua nhiều điểm lắm.

Thứ nhất, so về ngoại hình. Công bằng mà nói, tôi thấy từ cái dáng đến khuôn mặt đều thua bét. Mắt một mí, mũi tẹt sao so được với mắt to, mũi cao. Người Việt ta phụ nữ có dáng nhỏ thó, ngực nhỏ, nhìn làm sao cuốn hút và hấp dẫn như các phụ nữ Tây nảy nở.

Thứ hai, so về tính cách, tôi càng có thể kể ra cả rổ những thứ chị em ta thua xa chị em Tây.

Phụ nữ Việt vẫn vỗ ngực tự hào là họ đảm đang, hiền dịu, giàu đức hy sinh. Chuyện này chỉ đúng với đời các bà, các mẹ ngày xưa mà thôi. Còn chị em bây giờ vụng về thấy ớn, đã thế còn hay kêu ca, đòi hỏi.

Sang Tây mới biết phụ nữ Tây đảm đang gấp ngàn lần phụ nữ Việt. Người nước ngoài được sống tự lập, cho nên việc nhà họ rất rành, nấu ăn ngon kinh khủng luôn. Mà món ăn Tây lằng nhằng, rắc rối, công phu lắm chứ không đơn giản như đồ ăn Việt, cứ xào, đổ mắm, đổ nước vào là xong. Nhiều cô còn làm bánh mì, bánh ngọt nhoay nhoáy ấy.

Mà phụ nữ Tây không có chuyện vừa làm vừa kêu ca như chị em Việt đâu. Tôi có vài người bạn Việt Nam đã lấy vợ, nghe các cậu ấy than thở về vợ cũng thấy ớn. Lúc nào các cậu đó cũng bị vợ lấy lý do làm việc nhà hầu hạ chồng ra để làm cao, để chất vấn. Phụ nữ Tây không như vậy, họ rất vui vẻ khi nấu nướng cho những người mà mình yêu thương. Đã kêu ca thì họ không làm.

Họ không bao giờ quản chuyện tiền nong của chồng như các chị em Việt hay làm. Chỉ cần góp đủ sinh hoạt phí và lo được cho con cái là ổn. Còn đâu tiền ai nấy giữ, muốn làm gì thì làm. Đâu có khổ sở như đàn ông Việt, tiền mình làm ra mà lại phải giấu giếm như là tiền đi ăn cắp, phải quỹ đen quỹ đỏ khắp mọi nơi.

Riêng về điểm này, tôi thấy phụ nữ Việt rất vô lý. Họ không có sự tôn trọng tối thiểu đối với chồng. Nên nhớ vợ chỉ là người bạn đời chứ không phải là mẹ mà o ép, quản thúc chồng trắng trợn. Có nhiều chị em còn khùng điên tới mức tịch thu hết tiền lương của chồng rồi hàng ngày phát tiền cho chồng như kiểu mẹ phát tiền quà sáng cho con trước khi đi học. Tôi thấy thật dấm dớ hết chỗ nói.

Về đức hy sinh, tôi thấy phụ nữ Tây đầy người hy sinh còn hơn phụ nữ Việt. Bạn bè Tây của tôi có mẹ ở nhà nội trợ rất nhiều, hy sinh toàn bộ sự nghiệp cho chồng con. Mà cái quý là họ không cho đó là hy sinh, họ tự nguyện và coi công việc ở nhà chăm sóc con cái, gia đình là một công việc cao cả.

Các bà mẹ Tây rất giỏi. Một nách 3, 4 con vẫn nuôi con khôn lớn, đẹp đẽ, giỏi giang, không một lời than thở kêu ca như bà mẹ Việt. Chứ như mấy bà mẹ trẻ người Việt á, nuôi con mình mà làm như đang đi trả nợ, kêu than ầm ĩ, rồi gắn cho mình một hình tượng vĩ đại.

Mà tôi ghét nhất cái kiểu phụ nữ Việt cứ lấy cái cớ sinh con vất vả, sinh con đau đớn ra để hành hạ và đòi hỏi đàn ông. Cứ làm như đứa con ấy chỉ là con của bọn đàn ông chứ không phải là con của các chị. Đẻ con ra, được làm mẹ thì phải lấy đó làm điều hạnh phúc thiêng liêng. Cớ sao lại dùng đứa con đứt ruột đẻ ra làm lý do uy hiếp chồng thế?

Phụ nữ Tây cũng đáng yêu hơn phụ nữ Việt. Họ vui vẻ, thân thiện, xởi lởi, cư xử thật lòng. Chứ phụ nữ Việt cáo già lắm. Bên ngoài tươi cười như hoa nhưng bên trong tính toán.

Phụ nữ Việt luôn nghi ngờ, luôn đề phòng tất cả những người xung quanh, đặc biệt đối với chồng và gia đình chồng. Một điểm nữa là phụ nữ Tây không biết nói khích, nói xéo như phụ nữ Việt. Có gì không vừa lòng thì họ bảo thẳng, bàn bạc cách giải quyết sao cho hợp lý, fairplay. Đâu có như các chị em phụ nữ ở đây, nếu không được như ý mình là y như rằng sẽ đá thúng đụng nia, sưng xỉa cả ngày. Nhìn cảnh ấy tôi thấy ớn lắm.

Đi chơi với phụ nữ nước ngoài sướng một cái là họ rất hiểu chuyện. Không hiểu người Việt ta lấy đâu ra quan niệm là đàn ông phải lo kinh tế, đàn ông đi đâu cũng phải trả tiền dù chỉ là bạn bè, đồng nghiệp bình thường. Nếu không trả sẽ bị quy vào dạng ki bo, thậm chí còn bị bảo là đàn bà. 

Vô hình chung, gánh nặng tiền bạc đặt lên vai đàn ông rất nhiều. Nhưng chị em Tây không như vậy. Họ share tiền, bình đẳng. Phụ nữ bên đó không có thói quen đào mỏ, ỷ lại như phụ nữ Việt Nam.

Mặt thứ ba mà tôi muốn nói tới là khía cạnh tế nhị. Đó là "chuyện ấy".

Phụ nữ Việt còn nhiều quan niệm bảo thủ trong sex và không giỏi bằng phụ nữ nước ngoài. Mặt khác, họ cũng hay lười tập thể dục nên thường sức khỏe rất yếu và thiếu sự chủ động chốn phòng the.

Nhiều chị em Việt khen đàn ông Tây thoáng, không để ý chuyện trinh tiết. Tuy nhiên, người nước ngoài rất coi trọng sự chung thủy trong tình yêu. Đối với họ, sự đồng điệu về tinh thần rất quan trọng, người yêu phải là tri kỷ của họ.

Phụ nữ Việt không thế. Cái mà người Việt quan trọng lại là sự chung thủy về thể xác, còn tinh thần thì lại rất hay phản bội. Biểu hiện là họ thường xuyên đứng núi này trông núi nọ, so sánh người đàn ông của mình với người khác. Điều này tôi đánh giá là tệ hơn nhiều so với ngoại tình thể xác.

Yêu phụ nữ Việt cũng rất mệt mỏi. Một là yêu mà không được đụng đến, yêu chay, tình yêu chẳng khác gì tình bạn. Còn nếu lỡ đụng đến họ rồi thì họ lại bắt đàn ông phải chịu trách nhiệm, biến chuyện tình yêu trở nên nặng nề, trở thành gông cùm trói chân, rất nhàm chán.

Tôi thích cách yêu của phụ nữ Tây. Họ thoải mái, thậm chí có thể sống chung với người yêu. Thật ra họ không hề buông thả chút nào, mà là họ rất cẩn thận. Họ muốn xem xét mọi khía cạnh xem có phù hợp hay không rồi mới tiến đến hôn nhân, một việc đại sự cả đời, mới ký vào bản cam kết ràng buộc nhau về pháp luật.

Nói tóm lại, trong cảm nhận của tôi, phụ nữ Tây tốt hơn phụ nữ Việt rất nhiều. Bạn gái hiện tại của tôi cũng là người Mỹ. Ở bên cô ấy thoải mái, vui vẻ hơn nhiều so với bạn gái người Việt trước đây của tôi.

Tôi nghĩ trước khi đòi hỏi đàn ông Việt, chê bai đàn ông Việt để chạy theo đàn ông Tây, chị em Việt cũng nên nhìn lại bản thân mình. Thực ra, nồi nào thì úp vung ấy. Cũng chỉ có đàn ông Việt mới chịu được tính khí khó chịu của phụ nữ Việt. Chứ đàn ông Tây mà nhìn thấu bản chất của chị em Việt Nam, chắc họ cũng chạy mất dép!
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Hứa rồi ???

8-3-2014.... MÌNH HỨA SẼ TẶNG EM NÓ CĂN NHÀ....THẾ MÀ BÂY GIỜ MỚI CHUẨN BỊ ĐƯỢC MỖI........VIÊN GẠCH...!!!

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Đi Trường Sa bắt cá chuồn


(BBT) - Những con cá chuồn bay vèo vèo trên mặt nước như những con chim chao cánh đùa với sóng biển.Lúc cá chuồn “vượt nước” là chúng tôi vớt bỏ vào xô. 2 - 3 giờ bắt là có thể được 4 - 5 kg.
Cá chuồn không chỉ bắt để làm mồi câu các loại cá lớn khác mà đem nấu chua để cải thiện chất tươi khi đi dài ngày trên biển… Và xung quanh nồi lẩu cá chuồn, những câu chuyện đời, chuyện nghề của phóng viên, của các cán bộ chiến sĩ làm chúng tôi xích lại gần hơn để Trường Sa như chưa bao giờ xa…

Trong chuyến đi Trường Sa kéo dài hơn 1 tháng vừa qua, do gấp gáp nên tôi chẳng chuẩn bị gì nhiều. Đi tàu Hải quân HQ 571 dù tương đối tiện nghi nhưng do đi dài ngày nên rau xanh và cá tươi hầu như “vắng bóng”.
Trong cái “khó ló cái khôn”. Rất may là đoàn Bình Thuận có anh Nguyễn Hữu Quý - thành viên Ban chỉ đạo tuyên truyền và phát triển biển - đảo của tỉnh có mang theo lưỡi câu, cước và cần câu nên Phòng C11 ở tàu HQ 571 của đoàn Bình Thuận, Báo Tiền Phong và Đài Phát thanh - Truyền hình Khánh Hòa đã câu được ít cá để “ăn giặm”.

Do ở trên tàu cả tháng nên ban ngày ngoài chuyện viết lách, tán gẫu… thời gian còn lại vào buổi tối khá rảnh. Vì vậy, sau buổi cơm tối hầu hết cán bộ, chiến sĩ và phóng viên tập trung ở 2 bên mạn tàu hóng gió. Lúc này cũng là thời điểm vớt cá chuồn để làm mồi câu cá đêm.
Để vớt được cá chuồn cần phải thắp bóng đèn điện cao áp, có độ sáng cao và rộng sẽ “hút” cá chuồn đến càng lớn. Sau khi bật đèn chừng 10 phút, cá chuồn thấy ánh sáng sẽ kéo đến. Một chiếc vợt lưới hình tròn rộng chừng 40 cm, sâu khoảng 60 cm buộc chặt với cây tre dài khoảng 4,5 m. Đứng ở boong tàu khá đông người, ai cũng mong bắt được nhiều cá, nhưng… chỉ có 2 người cầm vợt sẵn sàng chờ những con cá chuồn bay vèo vèo trên mặt nước là… vớt.
Tuy nhiên vớt cá chuồn trên không khó hơn lúc cá chuồn vừa ngoi đầu lên mặt nước lấy tư thế để bay, lúc này vớt cá dễ hơn. Đèn sáng, cá kéo vào từng bầy, 2 cái vợt cứ vậy thi nhau bắt cá. Vui nhất là lúc thấy có con cá  to bơi từ xa vào dưới ánh đèn, mọi người xúm lại chỉ trỏ, chờ vớt nhưng bắt bị… trật. Đã vậy, những con cá vớt không được như say bóng đèn cứ lượn lờ trước mặt cả trăm người khiến không khí sôi động thêm khi nhiều người cay cú “bắt con cá hồi nãy kìa, nó cứ trêu ngươi mà vớt không được là…dở”.

Cá chuồn vớt được khá nhiều kích cỡ, con bằng 2 ngón tay thì làm mồi câu cá nhỏ, con cỡ 3 ngón tay trở lên thì dùng câu cá lớn. Vùng biển Trường Sa cá lớn rất nhiều, lại toàn loại cá có giá trị kinh tế cao như cá thu, cá mú, thu bè, cá hồng, cá sơn, cá ngừ… Những loại cá này rất “hảo” mồi cá chuồn nên cán bộ sĩ quan trên tàu hàng  đêm có khi câu được 20 con cá ngừ, mỗi  con nặng từ 5 - 20 kg và có con nặng 50 kg.
Với dân đi câu chuyên nghiệp trên tàu đánh bắt xa bờ, ở Trường Sa cá ngừ đại dương hay cá mú câu được mỗi con nặng từ 100 - 300 kg là chuyện… thường. Phòng tôi có anh Quý hay ra mạn tàu câu đêm, có đêm câu tới sáng mới thôi. Còn tôi là người đi theo cổ vũ tinh thần cho các “chiến sĩ câu” và mượn cớ để bắt cá chuồn là chính.

Ngoài ra, do anh Quý có dụng cụ câu nên các phóng viên ở Báo Quân đội nhân dân, Phòng không Không quân, Nghệ An và một số sĩ quan trên tàu ra đảo công tác thường tới mượn “đồ nghề” để câu. Do vậy, khi câu được cá bự là cho lại phòng để… bồi bổ. Tuy nhiên, không phải đêm nào các “chiến sĩ câu” cũng câu được cá lớn. Đôi khi sóng to, gió lớn cả 3 đêm vẫn câu không được con nào. Vì vậy, vớt được cá chuồn để cải thiện chất tươi và…nhậu là phương án tối ưu nhất của nhóm nhà báo chúng tôi.
Cá chuồn vớt được vài kg đang “nhảy tưng tưng” đem bỏ vào nồi nước sôi, cho gia vị vào và thêm ít cải chua là thành…nồi lẩu “ngon nhứt thiên hạ”. Bởi độ tươi, ngọt và thịt dai của cá chuồn cộng thêm vị  của cải chua nên chỉ cần nấu sôi lên, mùi thơm tỏa ra là cả tàu HQ 571 đã nhốn nháo “Phòng C11 làm lẩu cá chuồn rồi đó”.

Nói không ngoa chứ từ lẩu cá chuồn mà hàng chục phóng viên từ Bắc tới Nam và một số cán bộ ở trên quần đảo Trường Sa tụ họp ở phòng tôi để giao lưu tình cảm. Người có rượu, bia, người có mì tôm…đem lại “xử” cùng lẩu cá chuồn. Những câu chuyện đời, chuyện nghề cứ thế làm chúng tôi xích lại gần hơn và Trường Sa như chưa bao giờ xa…

Theo Trần Thi (Bình Thuận Online)
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Vẫn còn may chán!

Điều tra LHQ về Triều Tiên: Cuộc sống khắc nghiệt ở Triều Tiên: Tẩy não, khủng bố tinh thần, tử hình công khai

Bị tẩy não từ khi mới sinh ra, sống trong tình trạng bị giám sát liên tục, bầu không khí lúc nào cũng ngập tràn lo sợ, và có thể bị “cho biến mất vĩnh viễn” tại các trại lao động bất cứ lúc nào… đó là những thông tin về cuộc sống khắc nghiệt tại Triều Tiên được nêu trong báo cáo của ủy ban điều tra LHQ.
Cuộc sống khắc nghiệt ở Triều Tiên: Tẩy não, khủng bố tinh thần, tử hình công khai
Một trong những câu chuyện gây kinh hoàng nhất mà Ủy ban điều tra về Triều Tiên ghi nhận được là kí ức về các trại tù chính trị “kwanliso”, gợi lên những chương đen tối nhất của lịch sử thế giới.
“Một trong những nhân chứng từ các trại giam này đã nói với chúng tôi rằng nhiệm vụ của anh ta là tập trung những thi thể người bị chết vì đói, đặt họ trong một chiếc cái bình lớn và sau đó hỏa thiêu” - AFP dân lời chủ tịch ủy ban điều tra, ông Michael Kirby.
Do bị Bình Nhưỡng cấm nhập cảnh nên báo cáo của ủy ban dựa trên các thông tin từ những buổi điều trần công khai của 320 người Triều Tiên lưu vong - bị Bình Nhưỡng gọi là “cặn bã của loài người”. 
Nhiều người còn lo sợ, chưa dám lên tiếng vì e ngại những sự trả thù của chính quyền đối với người thân, hoặc Triều Tiên đã từng có tiền lệ bắt cóc lại những người đào tẩu từ đất nước mà họ đã tưởng là thiên đường.
Chính quyền Bình Nhưỡng phủ nhận sự tồn tại của các khu trại tù chính trị, nhưng báo cáo của ủy ban điều tra bác bỏ lời chống chế này, dựa trên những lời khai của chính cựu tù nhân, cai ngục, hàng xóm cùng các hình ảnh vệ tinh.
Học sinh bị buộc chứng kiến tử hình công khai
Khoảng 80.000 đến 120.000 người được cho là đang bị giam giữ tại các khu trại tập trung ở Triều Tiên, trong đó gồm nhiều thế hệ gia đình bị bắt vì các cáo buộc tội phạm chính trị, theo luật lệ kết tội tập thể ở nước này. 
Báo cáo cũng cho biết hàng trăm ngàn người khác được cho là đã thiệt mạng trong các khu trại này từ hơn nửa thế kỉ qua, qua những biện pháp như cố tình bỏ đói, lao động khổ sai, tra tấn, hành quyết.
Tù nhân được xem là đối tượng để thực hành võ thuật, tù nhân nữ bị cưỡng ép phá thai nếu họ mang thai. Báo cáo cũng cho biết các tù chính trị bị thiệt mạng trong những cuộc thử nghiệm y học để kiểm tra tác động của vũ khí hóa học và sinh học.
Ủy ban cho biết không có khả năng xác minh tính đúng đắn những lời khai trên. Tuy nhiên họ khẳng định có bằng chứng rõ ràng về việc phụ nữ bị cưỡng chế tiêm hóa chất vào vùng kín để ép phá thai.
Theo báo cáo, đối với người dân sống ngoài các trại tù thì tử hình công khai và nỗi lo sợ bị bỏ tù là công cụ để “khủng bố” dân chúng. 
Cuộc sống thường nhật của họ liên tục bị “giám sát, đe dọa, sợ hãi, trừng phạt để ngăn cản bất kỳ biểu thị bất đồng nào”. Việc xử tử hình công khai được thực hiện bằng súng máy, toàn bộ các trường học đều được huy động chứng kiến cảnh man rợ này.
“Khi chỉ mới 9 tuổi, ông Kim Hyuk lần đầu tiên bị ép buộc chứng kiến buổi hành quyết công khai” - báo cáo viết.
Một nhân chứng khác, Choi Young-hwa, khi chỉ mới 16 tuổi đã buộc phải chứng kiến cảnh một quản lí xưởng bị bắn vì tình nghi “gián điệp” do hiệu quả kinh tế ảm đạm.
“Ông ấy nhớ lại rằng lúc đó đã vô cùng sợ hãi vì bất kì ai cũng có thể trở thành nạn nhân của những vụ hành quyết như vậy” - báo cáo viết.
Trường Giang (Theo AFP)/Một Thế Giới
Ảnh bìa: Một bức vẻ của cựu tù Triều Tiên về biện pháp tra tấn được áp dụng tại các trại giam tù chính trị - Ảnh: UN/BBC


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Truyện ngắm ít ỏi thời hiện tại:

NGỌN KHÓI CÒN BAY VỀ MƯỜNG THEN
(NCTG) “Và tôi cần phải nghĩ rằng, nếu một lần nữa chiến tranh xảy ra (chứ không phải duy ý chí mà mong rằng, chiến tranh sẽ không bao giờ còn xảy ra), thì với suy nghĩ và tầm nhìn như hiện nay, dân tộc tôi có thể thêm một lần nữa đánh bại kẻ thù, với tất cả những gì chúng tôi đã có và đang có hay không?”.

Tiến ra mặt trận - Ảnh: Mạnh Thường
 

Tôi không có một câu chuyện dài để kể. Một câu chuyện dài bao trùm nhiều không gian và thời gian, đem tới nhận biết đầy đủ và toàn bộ là điều tôi không bao giờ có thể hình dung. Tôi chỉ có những mảnh vỡ. Chúng tấn công tôi từ những góc khuất trong tâm trí, tựa như những truyện ma, và từ những góc khuất tối đen của thế giới bên ngoài tôi, một thế giới mà những khó hiểu, mù mịt, rối ren ngày càng nhiều thêm. Những khó hiểu, mù mịt, rối ren nhiều thêm theo số tuổi của tôi bởi càng lớn lên và già đi, nhận biết của tôi càng chông chênh, càng nhiều nghi hoặc, thậm chí tôi từ chối một số khái niệm. Thêm nữa, những gì đang đến từ thế giới bên ngoài ngày càng mâu thuẫn đối chọi nhau tới mức không thể lý giải được… Tôi không tấn công lại một truyện ma hay một điều tôi không biết. Tôi chênh vênh, ngờ vực, và bị cuốn vào chúng… 


(Người kể chuyện)    

Bảy giờ tối đêm 17-2-1979.

Thiếu úy Ma Văn Ló đứng bên cửa hầm chỉ huy tác chiến nhìn ra dãy núi cao trùng điệp phía trước. Trong khoảnh khắc, anh không nhận thấy dãy núi quen thuộc, nơi mà từ đó, khi trời còn chưa rạng sáng, xe tăng quân Trung Quốc tràn sang sau những loạt pháo kích dữ dội. Những vách núi xám đen một lần nữa choán trước mắt anh, nhưng anh không còn cảm giác về nó như một dãy núi. Khứu giác của người chiến binh gần như tê liệt, hai tai ù đặc. Vì thế, tôi sẽ không tả lại những gì đang diễn ra ở chiến trường, xung quanh hầm chỉ huy và triền núi đổ xuống, từ điểm cao 1081 cho tới những con đường mòn dưới thung lũng.

Tai anh gần như không còn nghe tiếng kèn thu quân của giặc cách nay chừng nửa giờ đồng hồ, nhưng bằng những giác quan còn lại, anh cảm nhận được những chuyển động âm thầm dưới thung lũng, như một con vật khổng lồ thu lại những giác hút của nó. Cánh tay ghì chặt cò súng của anh nới lỏng ra một chút. Anh xoay người bước vào phía trong hầm, nhìn những đồng đội bị thương xanh xao, nét mặt biến dạng vì đau, có người bất tỉnh dưới lớp băng trắng quấn quanh đầu. Hầm cứu thương đã chật, tổ quân y phải dựng lán cấp cứu tiền phương ngay phía sau hầm chỉ huy, sơ cứu, phẫu thuật, băng bó vết thương cho chiến sĩ trong khi điểm chốt phía trước đang nổ súng đánh trả quân xâm lược.

Đồng đội bị thương chủ yếu do mảnh pháo bắn dọn đường tấn công của quân Trung Quốc và những đợt chạm súng đầu tiên đánh chặn xe tăng Bát Nhất. Trong phạm vi chiến đấu của súng tiểu liên AK 47 và súng trường SKS, quân giặc tử vong và bị thương phần nhiều qua mỗi đợt tiến quân, chiến sĩ ta rất ít thương vong.

Ma Văn Ló chưa dám ngồi xuống, sợ mình sẽ quỵ ngã sau gần trọn một ngày đứng trong chiến hào, anh dựa lưng vào vách hầm, co duỗi đôi chân tê mỏi. Trong khoảnh khắc, nhận biết của anh chợt tắt lặng, anh rơi vào một vùng êm dịu tối đen, không trọng lượng. Thảng hoặc, một âm thanh ban ngày vụt qua, va vào vùng tiềm thức tối đen. Tiếng “Mế ơi” của những người lính cả hai bên trước khi văng tới cái chết. Tôi muốn để người chiến binh được nghỉ ngơi trong vòng một phút đồng hồ tự ngắt của dòng nhận thức, tựa như một giấc ngủ đứng.

Thiếu úy Ma Văn Ló đột ngột trở thành người chỉ huy cụm chốt Mười Ba, điểm cao 1081 trong trận kháng cự quân xâm lược từ mờ sáng hôm nay, khi người chỉ huy trưởng được tập hợp hội ý tác chiến đêm ngày 16-2, tại Sở chỉ huy tiền phương đóng tại điểm cao 1090, Bát Xát, không kịp trở về trước giờ nổ súng. Tôi sẽ không bao giờ biết được chỉ huy trưởng là người kỹ tính hay xuề xòa, có nghiêm khắc, sâu sát trong luyện quân hay quan liêu, ông lạnh lùng gang thép hay có đôi phần cảm tính. Đơn giản bởi vì anh chiến binh của câu chuyện này không hề kịp nghĩ tới bất cứ điều gì tương tự trong suốt cuộc chiến tranh.

Hai giờ chiều cùng ngày, máy thu phát tín hiệu vô tuyến ngưng nhận lệnh phối hợp tác chiến từ Sở chỉ huy tiền phương. Nghe tiếng súng tiểu liên vẫn vang rền từ phía điểm cao 1090 và 1086, Ma Văn Ló không cho rằng giặc đã chiếm được hai cụm chốt này. Từ hai giờ chiều trở đi, anh lắng tai nghe tiếng đạn pháo từ đội hình bố trí dọc theo các điểm cao biên giới, tiếng súng phản công của đồng đội từ các điểm chốt lân cận, lấy đó làm hiệu lệnh tác chiến.

Chín giờ tối, tổ nuôi quân từ tuyến sau gùi cơm nóng, bánh tro, cháo trắng lên trận địa. Anh nuôi tiểu đoàn cố giấu nước mắt chảy dài trên gương mặt khắc khổ vì nhiều thương binh còn không nuốt được nước cháo. Gùi được cơm tới trận địa, hai chiến sĩ nuôi quân bị thương nặng vì mìn do quân giặc cài lại trên đường. Bộ đội ăn cơm trong các hầm tránh pháo, dưới ánh sáng đèn măng sông chập chờn vì cơn gió lạnh buốt thổi từ phía núi. Anh nuôi đi từ hầm này qua hầm khác, luôn miệng giục: “Cơm canh tôi nấu đấy, bánh tro của đồng bào mang lên ủy lạo tối qua, các anh em ăn đi, ăn cho no còn đánh giặc, đừng sợ tôi thiếu gạo! Mai kia hòa bình, tôi bắt mấy thằng Trung Quốc về chăn lợn, tưới rau, cõng gạo… phục dịch anh em!”. Cậu binh nhất trẻ măng vừa lùa một lúc hai bát cơm ngẩng lên cười tươi rói rồi lại chìa tiếp cái bát sắt tráng men. Ma Văn Ló thầm đau xót, anh biết ngày mai, ngày kia, không chắc đồng đội của anh còn được ăn miếng cơm còn hơi ấm như khuya nay.

Một tràng tiểu liên dội lên khô khốc, đập vào đôi màng nhĩ đang lùng bùng của người chiến binh. Tiếp theo là tiếng bắn hai phát một đều đặn. Anh biết tổ tuần tra cụm chốt Mười Ba đang đụng độ với thám báo giặc. Những người lính đã trở về vị trí chiến đấu. Không lâu, Thủy và Phong dìu trên vai một người đồng đội, về tới.

- Báo cáo chỉ huy, thám báo giặc nhóm bốn tên, chúng tôi phải nổ súng tiêu diệt, không có tù binh!

Cơn chấn động còn đọng trên gương mặt tái nhợt của người tân binh quê thị xã Lào Cai, vừa rời khỏi ghế trường trung học. Ma Văn Ló mỉm cười:

- Điểm xạ cừ lắm!

Anh và Thủy, Phong đỡ thân hình còn ấm nóng của người đồng đội nằm xuống tấm bạt. Thủy lục ba lô cá nhân lấy ra bộ quân phục còn mới. Anh đổ nước trong bi đông đeo bên mình, thấm ướt chiếc khăn tay, nhẹ nhàng lau sạch gương mặt rớm máu của người chiến sĩ. Lồng vào cổ tay người lính tấm thẻ ghi quân hiệu, số hiệu, vòng ngay ngắn đôi tay trước bụng, Ma Văn Ló cuốn tấm bạt lại gọn gàng. Anh và đồng đội giơ tay chào từ biệt.

Giấc ngủ chặn ngang và gói trọn tâm thức người chiến binh khỏi những hiểm nguy, cái chết, súng đạn và cực nhọc nơi sa trường. Nó nhẹ nhàng như một tấm bọt biển, không có chút gì gợi lên mộng mị xa lạ, phẳng lặng như mặt hồ lúc ban mai. Nó nâng tàng thức anh lên cao, nhẹ nhõm như bầy hoẵng tơ mặc sức tung mình khắp núi rừng mênh mông, bay trên những thác bạc trắng xóa, từng dải rừng chon von đầu nguồn suối, mê mải lượn trên màu xanh sẫm của đại ngàn thâm u. Từ trên không trung, anh cảm nhận rõ cái chết và hiểm nguy lồ lộ trên từng mô đất, ngọn cỏ, có thể gọi tên, đánh dấu, chỉ lối cho chính anh và đồng đội tránh xa, nhờ một thứ giác quan kỳ lạ. Nó giống như ánh sáng vũ trụ xuyên suốt nhiều không gian và thời gian, mở ra những con đường chưa từng có đi vào những vùng xa thẳm của thế giới.

Ma Văn Ló thức dậy lúc 2 giờ sáng. Người chiến sĩ trực đài quan sát quay vào trong hầm chợp mắt. Anh mở rộng thêm khẩu độ kính ngắm, hướng về phía trại quân Trung Quốc và vùng đất tiếp giáp biên giới phía xa. Những chuyển động âm thầm ập vào tâm trí anh gần như không phải qua quan sát bằng kính ngắm. Cử một đồng đội tiếp tục, Ma Văn Ló trở lại hầm chỉ huy. Anh ngồi bên máy thu phát tín hiệu vô tuyến, mà suốt 12 giờ đồng hồ chỉ nhả những tiếng “rè… rè” vô nghĩa. Tập trung hết khả năng phán đoán, anh dò tìm làn sóng ngắn, đồng thời vẽ lại trong óc mình từng chi tiết sơ đồ pháo binh cũng như toàn bộ hệ thống phòng thủ thị xã Lào Cai, trong đó, một số điểm cao gần biên giới đã im tiếng súng sau một ngày tử chiến với quân giặc. Cho tới khi, trong tiếng lạo xạo của dải âm tần len lỏi qua những vách đá mù sương, những giọng nói tiếng địa phương Vân Nam cất lên rõ mồn một:

Pang Tháo slam pác hốc, pang cải slam nhỉ, phấu slíp slam Đú , pạng Hác đang slí tắng đảy tức khẩu mà! (Trung đoàn 316 sư đoàn 32 quân đoàn 13A Giải phóng quân Nhân dân Trung Hoa chờ lệnh tiến công)!

Pang Tháo slam pác nhỉ, Pang cải slam slíp slí phấu slíp slam Đú, pạng Hác thả tức khẩu mà! (Trung đoàn 320 sư đoàn 34 quân đoàn 13A Giải phóng quân Nhân dân Trung Hoa chờ lệnh tiến công!)

Xa Văn Ló không còn cảm thấy cơn buốt lạnh đang tràn qua ngực. Anh cất tiếng rành rọt:

Pang Tháo slam pác nhỉ, Pang cải slam slíp slí phấu slíp slam Đú slấc Hác pắt đảy lẹnh: đếnh mừa fuông Đông Nam, coóc Nhỉ slíp nhỉ mẳt, slíp slí fút, sloong đắc Bắc, pác lình slam mẳt, slíp ết fút, nhỉ slíp pét dây Đông khay lỉnh oóc! (Trung đoàn 316 sư đoàn 32 quân đoàn 13 A Giải phóng quân Nhân dân Trung Hoa tiếp lệnh: hướng Đông Nam, tọa độ 22 độ 14 phút 02 giây Bắc, 103 độ 11 phút 28 giây Đông, tiến quân!)

Pang Tháo slam pác nhỉ, Pang cải slam slíp slí phấu slíp slam Đú slấc Hác pắt đảy lẹnh: đếnh mừa fuông Đông Đông Nam, coóc Nhỉ slíp nhỉ mẳt, slíp slí fút, sloong đắc Bắc, pác lình slam mẳt, slíp ết fút, nhỉ slíp pét dây Đông, phả khửn! (Trung đoàn 320 sư đoàn 34 quân đoàn 13 A Giải phóng quân Nhân dân Trung Hoa tiếp lệnh: hướng Đông- Đông Nam, tọa độ 22 độ 10 phút 45 giây Bắc, 103 độ 35 phút 11 giây Đông, tiến quân!)

Lọ dá! (Rõ!)

Sáu giờ sáng ngày 18-2- 1979, hai trung đoàn quân Trung Quốc về đúng vị trí tập kết trong tiếng gầm của trọng liên 12 ly 7 và pháo cối 76 ly. Từ trên cao, Ma Văn Ló cảm nhận rõ cái chết và hiểm nguy lồ lộ trên từng mô đất, ngọn cỏ, có thể gọi tên, đánh dấu, chỉ lối cho chính anh và đồng đội tránh xa, nhờ một thứ giác quan kỳ lạ. Nó giống như ánh sáng vũ trụ xuyên suốt nhiều không gian và thời gian, mở ra những con đường chưa từng có đi vào những vùng xa thẳm của thế giới…
* 

Mặt trận Lạng Sơn ngày 18-2-1979.

Quân Trung Quốc tăng cường thêm 1 sư đoàn và 40 chiến xa, cộng với hai quân đoàn bộ binh, xe tăng tiến quân từ ngày 17, tiếp tục bao vây đánh chiếm thị trấn Đồng Đăng, xua quân tiến sâu vào quốc lộ 1A, quốc lộ 1B, chuẩn bị tiến công thị xã Lạng Sơn, đồng thời cho các mũi xung kích tỏa rộng ra vùng lân cận theo các đường tỉnh lộ 746, 234, đốt phá bản làng, chém giết dân thường còn chưa kịp sơ tán và có dịp chạm súng nếm đòn hỏa lực của các tiểu đoàn địa phương quân tại Cao Lộc, Văn Lãng.

Kỹ sư trưởng công trình đấu dẫn đường dây cao thế 30 Kilovolt phân đoạn Cao Bằng Lạng Sơn đích thân đi kiểm tra lại những thao tác kỹ thuật cuối cùng trên suốt địa bàn dọc theo sông Kỳ Cùng, kể từ cầu Kỳ Lừa nằm gánh hai bờ Nam Bắc thị xã Lạng Sơn cho tới lúc con sông thắt lại, để sắp đổi dòng vắt mình qua biên giới Việt Trung. Toàn bộ đường dây đã được chuẩn bị để tải dòng điện 30 ngàn Volt xuống lòng sông. Khi ông hạ lệnh đóng cầu dao, con sông Kỳ Cùng sẽ trở thành chiến lũy kinh hoàng chưa từng có trong lịch sử chiến tranh. Để chặn bước quân giặc. Những người công nhân còn bám trụ công trường và chính ông, đang dần trở thành một đoàn quân. Đoàn quân sẽ chiến đấu với vũ khí là bất cứ thứ gì có trong tay, cho dù nó không thể trở thành thứ vũ khí tốt nhất, mặc dù ông và những người thợ này được sinh ra, được đào luyện cho một đời sống hoàn toàn khác.

Lác đác những bông hoa cúc quỳ vàng nở trong buổi chiều lạnh ngắt trên những sườn dốc miền biên giới. Nụ đào trên đỉnh Mẫu Sơn chưa kịp mở cánh trong sương tháng Hai trắng xóa đã bị đạn pháo phạt ngang. Tiếng súng nổ dồn dập từ phía Hữu Nghị quan và suốt nhiều cây số dọc đường quốc lộ từ thị trấn Đồng Đăng làm nát lòng tất cả những người còn ở lại với vùng biên cương, nay đã là sa trường.

Mế Pùa ngồi yên lặng bên ngọn lửa cháy phần phật, nước trong chiếc chảo gang đang sôi. Mế giụi bớt vài gộc củi cho ngọn lửa dịu đi. Nhanh tay, mế cầm chiếc xảo vớt những viên bột trắng nghi ngút khói để riêng cho ráo nước. Chiếc chảo khác được bắc lên bếp, đổ dầu rán.

Vàng Thị Sinh đẩy cánh cửa thấp bằng ván gỗ bước vào sân.

- Mế làm gì đó?

- Làm bánh.

Chị ngồi xuống bên mế, bỏ những viên bột trắng vào chảo dầu đang lăn tăn sôi.

- Giờ này mế còn làm bánh “áp chao” cho ai?

- Chị không chạy đi, ở đây viên đạn không có mắt. Chết rồi lấy ai nuôi con cho thằng  Chính?

- Còn mế sao không chạy?

- Ta già rồi, chết lúc nào cũng được.

- Con gửi hai thằng cu lớn theo bác Tú Hoa. Ngày mai con lên chốt.

- Làm người phải biết giữ cái mạng mình.

- Con bắn giặc trước, không cho nó bắn con. Mế đừng giấu, mế định mang bánh “áp chao” lên chốt, con đi với mế.

Mế Pùa giấu một tiếng thở dài, nhìn vệt sữa đọng khô trên ngực áo chàm của Sinh. Đứa con nhỏ mới vài tháng tuổi của Sinh vừa mất chiều hôm kia.

Đoàn năm người phụ nữ vận áo chàm, mang gùi bánh, cơm vắt và những bầu nước men theo con đường mòn mới phát, còn nguyên vệt cây ngã rạp và những thân cỏ bị đạp lên. Mế Pùa nắm con dao quắm trong tay, quay lại nhắc:

- Tránh xa bờ suối, đề phòng có mìn.



Tiếng xe tăng Trung Quốc gầm rú làm rung chuyển mặt đất từ cách xa hàng cây số.

C trưởng C23 quản giáo phân trại Bình Trung, Lạng Sơn ra lệnh:

- Đại đội phó Mai Thế Vĩnh, đưa tù binh vào núi Mẫu Ba sơ tán, ai chống lệnh, tử hình!

- Đại đội phó Trần Quang Miên, sơ tán lương thực, đạn dược, chuẩn bị phương án chiến đấu!

- Rõ!

Đại phó Mai Thế Vĩnh quay lại hầm chỉ huy, nét mặt không giấu được nỗi xúc động:

- Báo cáo C trưởng, tù binh giải phóng yêu cầu được cầm súng hỗ trợ chiến đấu!

C trưởng chưa kịp mở lời, chính trị viên tiểu đoàn, thiếu tá Lê Văn Thịnh đang có mặt hội ý vội cắt ngang:

- Nước sôi lửa bỏng, không thể tin họ. Họ sẽ mượn cả súng ta, súng địch để trả thù.

Không kịp đáp lời, C trưởng vụt đứng dậy: “Tôi đi gặp họ!”.

Nhìn gương mặt những người lính cũ quân đội miền Nam sạm đen vì bệnh tật, đói ăn, cực nhọc mà mới chỉ vài ngày hôm trước, họ còn là “kẻ thù” cần phải trừng phạt và “cải tạo”, giờ đây tràn ngập một nỗi buồn rầu, bi phẫn, C trưởng chợt nhận ra lòng mình đau xót. Những người lính cũ này là đồng bào của ông. Họ từng sẵn sàng lấy máu mình rửa hận non sông, như trong trận chiến mùa xuân năm 1974 giáng trả quân xâm lược lãnh hải ở Hoàng Sa. Ông không nghi ngờ gì lòng trung thành của họ với Tổ quốc. Quay lại nhìn đại đội phó Mai Thế Vĩnh, ánh mắt cố giấu một tia vui mặc dầu chưa hết kinh ngạc, bồn chồn, ông ra lệnh:

- Mang súng!

Những cánh tay chìa ra đỡ lấy súng dường như còn một thoáng run rẩy nhẹ, lan truyền của cơn buốt lạnh vừa dâng qua ngực khi chạm vào báng gỗ nhẵn lỳ của những khẩu AK 47. Đại đội phó Mai Thế Vĩnh đích thân chỉ cách lắp đạn, lên nòng, điểm hỏa cho những cựu binh. Họ được phân công thành những tổ ba người nhận hiệu lệnh chiến đấu.

….

Khi bốn người lính cũ, Vinh, Châu, Tuyến, Triều gùi quân nhu về tới trại Bình Trung, trại chỉ còn là những bức tường nham nhở, cháy đen thuốc súng, xác binh lính Trung Quốc nằm rải rác dọc chân đồi cho tới bờ suối Mẫu Hai. Họ vội vàng tước súng đạn, bó lại rồi rút lui, đề phòng quân giặc quay lại lượm xác tử sĩ.

Một người trong bọn chợt thốt lên:

- Tự do rồi!

Ba người kia cùng đứng lại, giây phút ấy mắt họ ứa lệ, họ hít thở thật sâu mùi vị núi rừng buổi chiều tà. Nghĩ tới vợ con, mẹ già ở nơi xa đang trông ngóng không biết chừng nào tới ngày về. Thì ngày ấy đang gần lắm. Nhưng cũng chính người thốt ra câu vừa rồi, Vinh, bừng tỉnh:

- Đánh giặc đã, anh em ơi! Giết được giặc rồi nhất định tôi trở về!

Một người trong bọn từ giã, tìm đường xuống núi, ba người còn lại mang súng đạn, gùi hàng đi tìm dân quân tự vệ. Họ nhập vào đoàn phụ nữ áo chàm mang cơm nước lên chốt Đồng Đăng, mà về sau này mới được biết, mế Pùa, người phụ nữ oai nghiêm ít lời chính là đội trưởng du kích xã Tam Thanh…
* 

… Thật khó mà hình dung, trong những thập kỷ cuối cùng của thế kỷ hai mươi, thế giới đang bước vào đời sống hiện đại, hậu công nghiệp với những thỏa mãn và phiền toái mới mẻ của nó, thì lại có thể xảy ra một cuộc chiến tranh chủ yếu dùng sức người để xâm chiếm lãnh thổ. Thậm chí mục đích lâu dài còn trong vòng bí hiểm của cuộc chiến ấy là cướp đoạt hoàn toàn lãnh thổ của một dân tộc khác. 

Thật khó mà hình dung, những người nông dân chất phác vùng Tứ Xuyên, Vân Nam, chỉ vài tháng trước còn hiền khô, nhát sợ bên ruộng tỏi, còn vui sướng với bữa cơm cá hấp ngon lành, lại có thể phút chốc trở thành những kẻ điên khùng say máu, thọc lưỡi lê vào ngực trẻ nhỏ, bụng phụ nữ có thai, hay giết người bằng búa rìu, gậy gộc. Tham vọng bành trướng và sự thổi phồng một thứ tự mãn dân tộc cuồng tín từ phía nhà cầm quyền là ngọn nguồn sâu xa của hành động cướp nước dã man. 

Và dân tộc bị xâm lăng ấy, mà trình độ dân trí cũng như khoa học chưa lấy gì làm tiến bộ, không còn cách nào khác để tự vệ, đã trả cái giá bằng sự hy sinh, lòng mưu trí và can đảm cũng như nỗi đau đớn vô tận mất mát những gì thân yêu nhất để bảo vệ mảnh đất cha ông trước kẻ thù xâm lược. 

Tôi hiểu rằng mỗi dân tộc, để tồn tại trước hiểm họa bị xâm lăng và xóa sổ, cần phải có những người anh hùng đích thực của mình. Không phải khái niệm “anh hùng” bị thổi phồng, lợi dụng và biến tướng… trở nên sáo rỗng. Khái niệm “anh hùng” giả dối ngụy biện cho những điều không trung thực, ví dụ như những lỗi lầm, mất mát, hy sinh cần phải được công khai trước toàn dân. 

Và tôi cần phải nghĩ rằng, nếu một lần nữa chiến tranh xảy ra (chứ không phải duy ý chí mà mong rằng, chiến tranh sẽ không bao giờ còn xảy ra), thì với suy nghĩ và tầm nhìn như hiện nay, dân tộc tôi có thể thêm một lần nữa đánh bại kẻ thù, với tất cả những gì chúng tôi đã có và đang có hay không?
(Trích sổ ghi chép tìm thấy trong tiệm giấy vụn) 

* 

Trong cuộc chiến kéo dài gần sáu ngày đêm cảm tử bảo vệ cụm cứ điểm Pháo Đài, Thâm Mô, 339 phía Tây Nam thị trấn Đồng Đăng, góp phần quan trọng cầm chân quân giặc tấn công vào thị xã Lạng Sơn, để thay đổi cục diện cuộc chiến, bên cạnh những chiến sĩ gan dạ của tiểu đoàn 4 và 6 trung đoàn Tây sơn, Sư đoàn Ba Sao Vàng anh hùng, còn có một lực lượng dân quân du kích tinh nhuệ chưa từng có. Góp mặt trong đội quân ấy có những người lính miền Nam đã coi Tổ quốc thiêng liêng là trên hết. Có những người mẹ, người chị không tiếc đời mình trả nợ non sông.

Nữ dân quân Vàng Thị Sinh gặp lại chồng mình, anh Hoàng Văn Chính trong trận chiến cảm tử tại pháo đài Đồng Đăng. Cả hai người đã hy sinh anh dũng. Các chiến sĩ Vinh, Tuyến, Triều gặp mặt và cùng chiến đấu với nhiều đồng ngũ của mình cũng tại pháo đài này, nơi các anh vĩnh viễn nằm xuống, không thực hiện được ước mơ trở về.

Thiếu úy Ma Văn Ló được phong Anh hùng các lực lượng vũ trang nhân dân và thăng hàm Đại uý. Anh trở về bản cũ, khi cuộc chiến kéo dài tận mười năm sau tạm ngưng tiếng súng. Pá và mế anh đã bị quân Trung Quốc giết hại hồi năm 1979, người anh trai hy sinh trong trận chiến Vị Xuyên năm 1984. Ma Văn Ló giết gà, mổ lợn, mời thầy then về hát cúng ba ngày đêm cho linh hồn những người thân, đồng đội và những người lính Vân Nam chết trận được về Mường Trời. Ngọn khói trắng che chở cho linh hồn những người đã chết vẫn còn bay về tận Mường Then…

(*) Truyện ngắn tham khảo một số tư liệu về chiến tranh Biên giới 1979 trên mạng Internet, báo chí và tư liệu do đồng bào, chiến sĩ cung cấp. Tác giả xin gửi lời cảm tạ trân quý. 
Khánh Phương, từ Pennsylvania - Ngày 11/17-2-2014


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Mất cảm giác là chuyện phình phường thui mừ:

“NHẠY CẢM CHÍNH TRỊ”

(NCTG) Phải chăng, cái đích cuối cùng của báo chí tiếng Việt là đi từ “nhạy cảm” đến “vô cảm”, một quá trình triệt tiêu mọi cảm xúc một cách hoàn hảo để chữa căn bệnh thiếu /kém “nhạy cảm chính trị”?

Tuyệt nhiên tránh nói đến những vấn đề nổi cộm của xã hội, phải chăng báo chí Việt Nam đang tiến đến con đường 
“vô cảm hóa” mọi cảm xúc  

Vừa rồi về Việt Nam, bất ngờ được chị bạn (làm công tác văn hóa văn nghệ) nhắc nhở: “Em chẳng nhạy cảm chính trị gì cả!”.

Thực ra “nhạy cảm chính trị” là cái quái gì nhỉ? Ngơ ngác một lúc, nhớ ra, ngay từ buổi đầu viết báo, mình từng được/bị nhắc như thế. Không chỉ một lần.

Lần thứ nhất cách đây cũng gần hai chục năm. Sau đợt đi thực tế theo chương trình thực tập của Trường Viết văn Nguyễn Du, mình nộp bài cho tờ X. Một tuần căng thẳng hồi hôp chờ đợi trôi qua, mình được bà Tổng biên tập tiếp bằng nụ cười tươi rói và thương cảm: “Đúng là nhà thơ nhà văn các bạn lơ mơ thật. Chẳng nhạy cảm chính trị tí nào!”.

Bài báo viết về nỗi đau chết hụt trong “căn nhà tình nghĩa” của một bà mẹ anh hùng ở Ninh Hòa, vùng đất có nhiều mẹ anh hùng nhất nước. Không nhạy cảm chính trị là sao?

Căn nhà đó có bảy bát hương xếp hàng trên ban thờ lặng ngắt u buồn. Vệt nước lụt vẫn còn thẫm đen đánh dấu trên nửa già cánh cửa gỗ sắp mục. Bức tường nứt đút lọt ngón tay út. Gian bếp lạnh tanh chỏng chơ cái nồi nhỏ… Thỉnh thoảng mẹ mới đến nhà mình để thắp hương cho những người chết. Vì mẹ sợ. Ở căn nhà đó, mẹ sợ đủ thứ. Sợ trộm cắp, sợ lụt lội, sợ cái nhà ụp xuống đầu bất cứ lúc nào. Sợ hơn cả là nỗi cô đơn không hàng xóm láng giềng. Mới đấy, lũ lụt tràn qua bất ngờ trong đêm, mẹ suýt chết đuối. May có đứa cháu họ xa sực nhớ đến, chạy ra cõng mẹ về. Từ đó, mẹ về hẳn trong làng ở nhờ nhà người bà con.

Không hề ngần ngại, mẹ thổ lộ nỗi buồn, sự bất bình với chính quyền địa phương khi xây cho mẹ căn nhà không đảm bảo chất lượng vì đã “bị rút ruột một nửa” và nằm chơ vơ giữa cánh đồng hoang vắng. Từ xa, ngôi nhà nom giống mô hình “nhà cô đơn trên sa mạc”. Có lẽ, chức năng của căn nhà là làm nhân chứng cho “sự quan tâm của Đảng và nhà nước” thì đúng hơn là làm “nhà tình nghĩa”, mái ấm cho một bà mẹ anh hùng cô đơn.

Kết luận bài báo, mình nói về cảm giác buồn nôn khi chứng kiến ông quan chức Phòng Thương binh Xã hội, miệng cười hềnh hệch gào thét zô zô, tay thản nhiên thò vào khuấy đá trong vại bia đang sủi bọt ở quán ăn chiêu đãi các tân nhà báo. Chỉ mấy phút trước, trong buổi mít-tinh tưởng nhớ liệt sĩ, những ngón tay chuối mắn này còn vung lên hùng hồn phụ họa cho bài diễn văn “nghèn nghẹn xúc động”…

Tuy nhiên, bài viết nhiều thông tin thực tế và cảm xúc “lai láng” của một đứa thơ thẩn đã không được duyệt chỉ vì nó rất thiếu “nhạy cảm chính trị”.

Lần thứ hai khái niệm “nhạy cảm chính trị” do một sếp nữ giảng giải. Chẳng nhớ là mình đã phạm lỗi gì cụ thể (vì nhiều lỗi quá), chỉ nhớ hôm ấy, ở hành lang cơ quan, mình hút thuốc và sếp cũng… xin một điếu. Đấy là lần duy nhất mình thấy sếp hút thuốc (hình như sếp đang bức xúc gì đó). Sếp chân tình nói: “Này, chị bảo thật, người ta nói ăn cây nào rào cây ấy, nếu em định viết bài chê ngành văn hóa thì em chỉ có cách ra khỏi ngành, rồi muốn viết gì thì viết. Ngành văn hóa tham nhũng giỏi lắm được vài chục triệu, làm sao bằng ngành giao thông tham nhũng hàng chục tỉ hả em. Em cần phải nhạy cảm chính trịhơn chứ đừng có ngây thơ như thế…”.

Mình nghe sếp nói và… im lặng. Sếp nói quá chuẩn! Sau đó, mình đã thực hiện đúng lời khuyên của sếp, tình nguyện vĩnh biệt đời công chức, ra khỏi ngành và viết “Lê Vân yêu và sống”, một cuốn sách mình muốn viết. Cuốn sách bị cấm tái bản (theo lệnh miệng) sau một tháng phát hành. Đến giờ, lệnh cấm vẫn còn nguyên hiệu lực, mà chẳng ai cho mình biết lý do tại sao cấm để mình còn “rút kinh nghiệm”. Đoán mò, chắc tại mình kém “nhạy cảm chính trị” chăng?

Lần thứ ba mình được “thụ giáo” bởi một anh chàng dễ thương bên an ninh văn hóa. Khi đó, mình đang say sưa viết một loạt bài điều tra về ông hiệu trưởng một trường đại học tham nhũng, lạm quyền. Vì là chỗ quen biết, chàng đọc thấy bèn chân tình khuyên nhủ: “Em viết làm gì. Ông trưởng bảo đúng ông phó bảo sai. Đố em biết được ai đúng ai sai!!! Cơ chế là thế. Hôm nay đúng ngày mai sai ngày kia lại đúng. Chẳng có ai sai cả. Viết thế chứ viết nữa cũng chả giải quyết được gì!!! Em phải biết trên ông ấy là ai chứ! Em chả nhạy cảm chính trị tí nào”.

Quả thật, bốn số liền đăng bài tố cáo mà “ngài hiệu trưởng khả kính” không thèm ra lời. Thậm chí, không hiểu phù phép thế nào, ông ta lại được ca ngợi hết lời, cũng chính trên tờ báo đó. Thế mới đau chứ!

Nỗi đau này mãi gần chục năm sau mới… lên da non được. Tình cờ một hôm, cà phê vỉa hè, mình đọc được tin ngài hiệu trưởng phù thủy ấy sắp ra tòa. Vì tham nhũng hay gì gì đó, ở một phi vụ khác… Bỗng nhớ lời khuyên chân tình của chàng an ninh văn hóa về “căn bệnh” kém “nhạy cảm chính trị” của mình.

Và còn nhiều lần nữa, mỗi lần được nhắc nhở kém/ thiếu “nhạy cảm chính trị”, mình chỉ ừ hữ hoặc im lặng mà không có thuốc nào chữa được. Vái tứ phương, được các “lang vườn” bạn bè kê đơn bắt uống loại thuốc cây nhà lá vườn rất hiệu nghiệm có tên tiếng Tây là “Makeno” và tên tiếng Việt là “Vô cảm”.

Vô cảm. Ai đó đã dùng chữ này đầu tiên để miêu tả căn bệnh thờ ơ, chán nản, buông xuôi, trơ lì của toàn xã hội, từ dân đen tới cán bộ? Vô cảm trước sự đói nghèo, vô cảm trước áp bức bất công, vô cảm trước cường hào tham nhũng, vô cảm trước tội ác bạo hành, vô cảm khi an ninh quốc gia bị đe dọa, và đặc biệt vô cảm trước sự vô cảm. Cả một xã hội ù lì u mê không cảm xúc yêu ghét.

Giống y hệt lúc tắc đường, là khi gương mặt xã hội được phản ánh rõ nhất.

Đầu tiên cáu vì bỗng nhiên bị chặn đứng (như bị ngâm hồ sơ giấy tờ, bị sách nhiễu vòi vĩnh…). 15 phút đầu bực lắm. Bực ra mặt. Trán nhăn lại cau có, mắt láo liên nhìn quanh tìm lối thoát. 15 phút tiếp theo vẫn đứng im một chỗ, bắt đầu chửi đổng trong bụng. 15 phút nữa trôi đi trong cam chịu, nhẫn nhục. Ai cũng giống hệt mình. Cuối cùng, thêm 15 phút hay lâu hơn nữa cũng vậy. Chẳng còn trông đợi gì nữa… Sau một giờ đồng hồ, thậm chí hai giờ, chôn chân tại chỗ, nắng đổ lửa xuống hay mưa như xối trên đầu, khói xăng xe mù mịt ngộp thở, mọi cảm xúc bực bội, chán nản, lo lắng, đau khổ, oán than, nguyền rủa… lên tới đỉnh điểm rồi bất ngờ rơi về trạng thái trống rỗng.

Dù đã được nhích lên từng tí một thì cũng chẳng còn hơi sức đâu mà mỉm cười. Dù sẽ được giải thoát nhưng lại nhận thức ngay rằng ngày mai vẫn thế, ngày kia vẫn thế, tháng sau vẫn thế, năm sau vẫn thế… Chẳng cáu chẳng chửi thậm chí cũng chẳng mừng. Một lần, sau cú tắc đường gần hai tiếng (đoạn đường dọc sông Kim Ngưu về nhà ở Kim Giang), khi được giải thoát cũng là lúc mình tự nhiên ngã lăn quay vì kiệt sức. Và hoàn toàn tê liệt mọi giác quan. Hoàn toàn vô cảm.

Một thời gian dài, đọc đâu cũng thấy chữ “nhạy cảm”, muốn nói gì viết gì cũng được miễn đừng đụng đến “vùng nhạy cảm’, tức vùng cấm, sợ động chạm, sợ phạm húy… Chữ “nhạy cảm” được dùng nhiều quá, trở nên chai lỳ, báo chí chuyển qua phong trào dùng chữ “vô cảm”, báo hiệu căn bệnh các vùng nhạy cảm bị… vô cảm.

Phải chăng, cái đích cuối cùng của báo chí tiếng Việt là đi từ “nhạy cảm” đến “vô cảm”, một quá trình triệt tiêu mọi cảm xúc một cách hoàn hảo để chữa căn bệnh thiếu /kém “nhạy cảm chính trị”? 
Bùi Mai Hạnh, từ Warrnambool

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Nhấm cái bè:

“EM LÀ HOA HUỆ TRẮNG”, BÀI THƠ LƯU LẠC GẦN NỬA THẾ KỶ
[
(NCTG) “Em là hoa huệ trắng - Nở trong trái tim Anh - Em là ngàn tia nắng - Soi đời Anh ngọt lành...”, những câu thơ rất quen thuộc xưa nay vẫn được cho là của thi hào Đức Heinrich Heine (1787-1856), nhưng theo một phát hiện mới, lạ lùng thay, thực ra nó là của một tác giả Việt Nam, viết cách đây gần năm thập niên. Bài viết của Thymianka Thảo Nguyên từ Berlin, CHLB Đức.

Bài thơ của tác giả Vũ Lương trong sổ thơ một người bạn 

Sáng qua, không hiểu có điều gì xôn xao mà tôi mua cho mình một bó hoa huệ trắng. Huệ ở trời Tây là thứ hoa kiêu kỳ phù phiếm vì nó vừa thơm, vừa hiếm, lại mau tàn và cũng… không hề rẻ. Tôi ít mua huệ cho riêng mình vì mùi thơm của nó thường là nỗi ám ảnh rất sâu. Nhưng nó còn ám ảnh hơn nữa khi chiều nay, một cô bạn thân run run gọi điện, báo tin, bài thơ “Em là hoa huệ trắng” mà tôi và nàng cùng yêu thích bấy lâu nay hóa ra lại là của Vũ Lương, một người bạn, người anh vô cùng gần gũi và thân thiết với chúng tôi.

Thế là cả tối nay, mặc dù rất bận cho ngày lễ của những đôi nhân tình (14-2), tôi cũng dán mắt vào cái máy tính, hết chat cho người này lại gọi điện cho người kia như con thoi để nghe chuyện, hỏi han, ghi chép... Câu chuyện về bài thơ và hành trình 45 năm lưu lạc đầy thú vị và cảm động đến nỗi, tôi biết, cả mấy anh em đêm nay đều rất khó ngủ. Sài Gòn thì đã rạng sáng mà Berlin thì cũng đã quá nửa đêm lúc nào không hay.

Sau đây là một phần những chia sẻ của anh Vũ Lương:

Tiến sĩ Tô Văn Trường, một cây bút viết phản biện nổi tiếng, nguyên Viên trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi Nam Bộ, nguyên trợ lý của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là một người rất yêu thơ. Cách đây nửa năm, anh gửi cho tôi qua mail mấy bài thơ mà anh ấy yêu thích. Trong đó, có bài “Em là...”, và đề tên tác giả được đề là Heinrich Heine, thi hào người Đức. 

Vừa vui, vừa ngạc nhiên, tôi viết lại cho anh Trường, nói rằng, ông Heinrich Heine không viết bài này. Vì tác giả là... tôi, Vũ Lương.

Từ Sài Gòn, Vũ Lương đã thức trắng đêm để kể lại cho tôi câu chuyện về bài thơ và hành trình của nó. Tại sao, từ “Em là...” của Vũ Lương, một chàng sinh viên Việt Nam, lại biến thành bài “Em là hoa huệ trắng” của Heinrich Heine tận nước Đức xa xôi?

Tôi học Đai học Giao thông Vận tải, khóa 6. 

Năm 1965, sơ tán lên vùng Mai Sưu, huyện Lục Nam, Hà Bắc. Hồi ấy, chúng tôi phải vào rừng chặt tre, nứa, cắt cỏ gianh về dựng lán, làm lớp học, đào giếng... Giảng đường gần những khu rừng dẻ, có suối chảy quanh, nên trong thơ tôi viết, thường có hình ảnh đồi dẻ, dòng suối.... 

Bài thơ “Em là...” được viết năm 1967, vào cuối năm thứ hai, và viết cho chính mình, theo cảm xúc của một thanh niên mới lớn. Khi ấy, chưa có bạn gái, càng chưa biết yêu, chiến tranh mà. Hồi ấy tôi làm nhiều thơ lắm. Nhưng cũng không tặng ai, chỉ cho chính mình và bạn bè đọc thôi.

Chị Lan năm 20 tuổi dán ở đầu cuốn thơ 

Một lần, khi ấy là khoảng tháng 12-1969, trong đợt đi thực tập ở Hải Phòng tôi gặp chị Đào Thúy Lan, vừa là hàng xóm, vừa là chị gái của một người bạn. Chị Lan cũng đi thực tập chuẩn bị tốt nghiệp Đại học Thương Nghiệp. 

Tuổi trẻ thời ấy thiếu thốn đủ thứ, nhất là các món ăn tinh thần. Nhưng sinh viên hầu như ai cũng có một cuốn sổ chép đủ thứ từ thơ, đến danh ngôn và nhiều thứ linh tinh, riêng tư khác. Chị Lan cũng có một cuốn sổ như thế và chị đã nhờ tôi chép mấy bài thơ vào đó cho chị. Trong đó có bài “Em là...”. 

Bài thơ này, cũng như những bài khác, mới chỉ đăng trên bích báo của lớp Đại học Giao thông Vận tải hồi đó và cũng chỉ một lần, duy nhất, tôi viết vào sổ tay thơ của chị Đào Thúy Lan. Rồi sau đó, cuộc sống ồn ào với nhiều thay đổi đã kéo tôi đi. Tôi cũng ít khi còn nhớ tới bài thơ cùng số phận của nó suốt bao nhiêu năm trời. 

Nhưng từ cuốn sổ tay của chị, bài thơ đã được truyền tay nhau, có một đời sống không ngừng nghỉ, qua rất nhiều thế hệ sinh viên. 

Lá thư tôi viết cho tiến sĩ Tô Văn Trường cũng chỉ dừng lại ở đó nếu như ngày 11-2-2014, tôi không vào Google. Gõ dòng chữ: “Em là hoa huệ trắng, nở trong...” và thấy có rất nhiều kết quả. Thật ngỡ ngàng, bài thơ được chọn là một trong những bài thơ tình hay nhất, nổi tiếng nhất... 

Tất nhiên, tôi rất xúc động vì không thể ngờ tới sức lan tỏa của bài thơ. Gần nửa thế kỷ trôi qua, biết bao nhiêu người đã đoc và ghi chép, truyền tay nhau qua nhiều thế hệ. Đó là điều vượt quá sức tưởng tượng của người làm ra nó. 

Tôi nghĩ, có thể một phần do người đời đã gán tên Heine cho nó nên sức hấp dẫn được tăng lên. 

Điều sung sướng, là khi đọc vài cảm nghĩ của người đọc, họ còn nhầm tác giả là một nhà thơ Nga, do anh Thúy Toàn dich... Và cha của chàng trai ấy, khi còn trẻ, đã chép bài này trong sổ tay. Theo anh, nhờ bài thơ, mà cha đã “cua” được... má của chàng! 

Khi viết thư cho tiến sĩ Tô Văn Trường, tôi cũng phân tích vài chi tiết trong bài thơ. 

Nhất là, câu: “Em là bông lan đá/ Hương tỏa ngát núi rừng”. Khi ấy, mình có nhìn thấy bông lan đá bao giờ đâu. Đấy là tôi nhớ tới lời bài hát trong khi tham gia dàn hợp xướng của trường cấp ba Đoàn Kêt, năm học lớp 10, niên khóa 1964. Bài hát “Câu chuyện một đêm xuống núi” của nhạc sĩ Hồng Đăng, nói về chiến tranh chống Pháp ở khu vực Núi Voi, Hải Phòng. 

Lời bài hát: 

“Đứng trên đỉnh núi ta thề 
Không giết được giặc không về núi Voi 
Núi ơi nhớ chăng ngày xưa, lời thề một đêm xuống núi, nhìn quê hương mà lòng ngậm ngùi”. 

...và: 

“Nhìn bông lan đá đang mùa nở hoa 
Núi là Mẹ hiền yêu dấu, đã từng cùng ta chiến đấu, che chở cho ta mỗi lần giặc vây” 

Chi tiết “bông lan đá...” là như vậy.

Một bức tranh do anh Vũ Lương vẽ, trong cuốn sổ thơ 

Thêm một chi tiết nữa, là trong bài thơ gốc chép ở cuốn sổ, có xóa một dòng. Lúc đầu, ở khổ 4 tôi viết: 

“Em là cây tùng xanh 
Vươn cao trong bão táp 
Em là chim mùa xuân 
Sải rộng đôi cánh đẹp” 

Nhưng khi viết vào sổ, tôi chữa lại là: 

“Em là cây tùng xanh 
Vươn cao trong bão tố 
Em là chim mùa xuân 
Bay vờn trên biển cả” 

Nên ở khổ bốn, có 5 dòng. Dòng thứ 4 chính là dòng xóa. 

Ngoài ra, nguyên bản một câu là: 

“Em là đồi cây dẻ/Trăng vàng ôm mông mênh”. Còn bản lưu truyền bây giờ là: “Trăng sáng ôm mênh mông” 

May mà chị Lan còn giữ cuốn sổ dù đã qua nửa thế kỷ. Và vẫn gối đầu giường bởi nó lưu giữ những tháng năm tuổi trẻ của chị. Ngày hôm qua, 12-2-2014, sau một cuộc điện thoại, tôi đã gặp chị và cầm lại trên tay cuốn sổ ố vàng sau gần nửa thế kỷ. 

Nhìn màu giấy, nét chữ, cùng những hình vẽ và bài thơ do chính tay mình viết, tôi không sao ngăn được cảm xúc. Phải là một cơ duyên may mắn đến nhường nào, mới có thể gặp lại đứa con lưu lạc sau ngần ấy thời gian. Nhất là, đứa con ấy, đã được sống một đời sống hết sức kỳ lạ và sôi động trong lòng người yêu thơ.
* 

Thay lời kết:

Chị Đào Thúy Lan hiện giờ 75 tuổi, đã nghỉ hưu hơn chục năm. Sống ở khu dân cư Trường Đại học Quốc gia Thủ Đức.

Tác giả, nhà báo, nhà thơ Vũ Lương, hiện sống tại Sài Gòn. Anh sẽ có mặt ở Berlin trong vòng một tuần nữa cùng cuốn sổ vô giá của chị Lan. Và câu chuyện thú vị đầy lãng mạn về bài thơ hoa huệ của anh, sẽ còn nhiều bất ngờ nữa.

Chị Lan và cuốn sổ thơ của một thời... 

(Bài thơ chép từ nguyên bản gốc trong cuốn sổ của chị Lan)

EM LÀ...

Em là hoa huệ trắng 
Nở trong trái tim Anh 
Em là ngàn tia nắng 
Soi đời Anh ngọt lành 

Em là những ước mơ 
Mà anh hằng khát vọng 
Em là một hồn thơ 
Chứa chan đầy sức sống 

Em là từng đợt sóng 
Ôm ấp mạn tàu Anh 
Em là vì sao sáng 
Dọi màn đêm lung linh 

Em là cây tùng xanh 
Vươn cao trong bão tố 
Em là chim mùa xuân 
Bay vờn trên biển cả 

Em là bông lan đá 
Hương tỏa ngát núi rừng 
Em là đồi cây dẻ 
Trăng vàng ôm mông mênh 

Em là dòng suối trong 
Những buổi chiều Anh tắm 
Em là dáng hoàng hôn 
Lúc nhớ nhà Anh ngắm 

Trong mắt Em thăm thẳm 
Anh thấy cả đất trời 
Cách xa tình vẫn đẹp 
Có phải không Em ơi!

(Vũ Lương, Hải Phòng, 22-12-1969)

Ghi chú (của NCTG):

(*) Bài thơ có lẽ là duy nhất về Hoa huệ của Heinrich Heine:
 

Die Rose, die Lilie, die Taube, die Sonne, 
Die liebt' ich einst alle in Liebeswonne, 
Ich lieb' sie nicht mehr, ich liebe alleine 
Die Kleine, die Feine, die Reine, die Eine; 
Sie selber, aller Liebe Wonne, 
Ist Rose und Lilie und Taube und Sonne. 
Thymianka Thảo Nguyên


Phần nhận xét hiển thị trên trang