Thuở nhỏ, chẳng hiểu vì lí do gì, bố tôi không muốn tôi đội mũ. Tôi là thằng con trai cả, thằng cháu đích tôn trong gia đình. Ông nội tôi chỉ có mình bố tôi là con trai, và lúc ấy, sau bà chị tôi, tôi là đứa con trai đầu tiên của gia đình, của dòng tộc. Ông nội qúy tôi như vàng. Bố tôi qúy con theo kiểu khác, Ông không muốn tôi trở thành một kẻ yếu đuối. Ông bảo :” Làm trai thì phải đầu đội trời, chân đạp đất, phải vượt qua mọi chông gai...” Có lẽ vì thế mà ông không muốn tôi đội mũ đi học. Ông nói để đầu trần cho nó dạn dày sương gió đi.
Thấy vậy, ông nội tôi sót lắm. Mẹ tôi thì không nói năng gì. Bà chiều tôi nhưng không bao giờ để lộ điều ấy với mọi người. Tôi hiểu điều ấy mỗi khi Bà dành cho tôi một sự ưu ái hơn người, Bà không để ai biết. Sau này, gia đình tôi đông dần lên, có thêm hai em gái rồi ba em trai nữa nhưng bà vẫn qúy thằng con trai cả. Qúy con nhưng không thiên vị vì mẹ tôi rất bình đẳng với tất cả con cái trong nhà. Tôi hiểu Bà qúy tôi vì thằng con trưởng đã không bao giờ để bố mẹ phải buồn lòng về chuyện học hành cũng như tư cách của nó. Bà muốn tôi trở thành tấm gương để dẫn dắt các em. Ông nội và mẹ lo tôi ốm mỗi khi trở nắng vào hè mà không đội mũ đến trường. Cuối cùng, ông nội đưa tôi ra phố , sắm cho cái mũ cát trắng và một đôi săng đan da cũng màu trắng. Ông còn mua cả một hộp phấn và cái bàn chải để khi mũ bị bụi bẩn thì lấy bàn chải ra phẩy bụi rồi dùng phấn trắng hòa nước quét mũ và quét cả quai dép rồi đem phơi nắng . Mũ dép lại trắng tinh như mới. Cái lối dùng phấn trắng để đánh giày dép đánh mũ này nó đã biến mất từ bao giờ tôi cũng không còn nhớ nữa. Chỉ nhớ rằng hồi ấy khi đội mũ, đi dép đến trường thì phải giữ gìn cẩn thận chiếc mũ và đôi dép ông nội mua cho. Lỡ ra có đứa nào tinh nghịch vẩy mực tím vào thì làm sao mà tẩy được. Âu cũng là cách để dạy dỗ con người trong từng cách đi đứng ăn mặc, tu thân từ khi còn nhỏ thời bấy giờ.
Nể ông nội, bố tôi cũng không dám ngăn cản và từ đấy tôi bắt đầu đội mũ.
Sau này, học lên rồi chiến tranh, đi sơ tán, trực chiến, lên rừng, xuống biển, ra nước ngòai... tôi đội đủ các loại mũ khác nhau. Từ mũ cứng, mũ mềm, mũ cối, mũ dô kề, mũ bê rê, mũ lông, mũ cát két, mũ rơm, mũ sắt để chống đạn bom... cho đến cái ngày đau khổ nhất trong đời: đội mũ rế chống gậy vông, chòang áo sô trắng để đưa mẹ tôi về cõi vĩnh hằng...
Tôi thích mũ gì thì đội mũ ấy. Lúc đội lúc không. Đội mũ hay không đội mũ là cái quyền của tôi. Tôi vẫn nhớ đinh ninh lời bố dặn “Làm trai thì phải đầu đội trời chân đạp đất, thẳng lưng mà bước ngẩng đầu mà đi”...Nên nhiều khi vẫn đầu trần phong sương để không bao giờ bị lệ thuộc bởi bất cứ cái gì.
Có một thời, nói là có một thời nhưng cái thời ấy nó dài lê thê gần hết cả cuộc đời đi học và cái đời đi làm của tôi. Ấy là cái thời mà người ta luộn chỉ chú trọng đến “cái tư tưởng”. Cái tư tưởng vô hình mà chẳng ai hiểu nổi nó là cái gì. Người ta chỉ trích nhau, thậm chí thù hận nhau cũng chỉ vì cái tư tưởng.
Ở đâu cũng vậy, cái tư tưởng bao giờ cũng phải đặt lên hàng đầu. Hàng tuần, hàng tháng, hàng năm như một cái lệ, có hàng trăm cuộc họp. Hết họp nhóm đến họp tổ, họp lớp, họp Đội, họp Đòan, họp cơ quan, thanh niên , phụ nữ, công đòan, tự vệ.... Cuộc họp nào cũng cốt là để kiểm điểm tư tưởng. Câu đầu tiên bao giờ cũng là “ Đồng chí cơ bản là tốt...tuy vậy... nhưng mà... rồi sau đó là hàng chục các lọai khuyết điểm, nhược điểm được kể ra. Người được “chân tình góp ý” thì “mặc kệ nó, nó nói nó nghe”. Người ta gọi là bọn MACKENO chủ nghĩa. Nhiều người thì nổi khùng lên :” Đồng chí đừng có chụp mũ tôi như thế ” và rồi cứ thế, người nọ “chụp mũ “ người kia. Sống trong một không khí căng thẳng và chụp mũ lẫn nhau. Người ta chụp mũ một cách công khai trắng trợn hay bị chụp mũ bởi những cuộc họp ngầm mà mình không được quyền tham dự mà những người có quyền họp lại được cái quyền chụp mũ người khác . Tôi đâm ra sợ họp và thường là những kẻ hay trốn họp. Tôi tự nhủ: Thôi kệ người ta. Họ nói gì thì nói. Nói đúng thì nghe, nói không đúng thì coi như không nghe thấy hoặc không thèm để ý. Mình cứ làm việc cho tốt thì đố đứa nào làm gì được. Làm tốt chưa chắc đã yên vì thiên hạ đâu có để mình yên khi mà xung quanh vẫn còn những kẻ rình để chụp mũ cho nhau. Tôi cũng tự nhiên trở thành một tên MACKENO lúc nào không biết.
Thế rồi cái tuổi về hưu ập đến. Cầm cuốn sổ hưu, thở phào nhẹ nhõm. Thôi, từ nay hết chuyện họp hành! Chẳng còn ai có thể chụp mũ ta được nữa! Tôi muốn đội mũ gì thì đội, trừ cái mũ lính cứu hỏa hay mũ của thằng hề.
Ha! Ha! Ha! Bây giờ thì ta tự chụp mũ ta !
Mùa hè tôi đội mũ lưỡi trai đeo kính râm nom như một tay chơi có hạng. Trời lạnh tôi đội bê rê. Ôi cái bê rê như người vợ chung thủy suốt đời. Mùa đông đến, bê rê luôn sưởi ấm cái đầu lơ thơ mấy sợi tóc bạc, sưởi ấm cả bộ óc là cái tài sản lớn nhất của cả đời tôi... Tôi yêu qúy cái bê đen nhỏ nhắn xinh sắn mịn màng biết bao.
Đội mũ cũng phải tùy theo tính cách và khuôn mặt và nhất là cái đầu của mỗi người. Có anh mặt như mặt chuột kẹp mà đội cái mũ phớt vào và đeo cặp kính râm thì cứ như một tên ăn trộm hay gã mật thám. Có người lùn tịt đội mũ Panama rộng vành trông cứ như San Sô cưỡi lừa đi cùng Đông Ki Sốt. Còn tôi, cái bê rê trên đầu khiến tôi nom trẻ hơn cả chục tuổi. Người ta bảo”nồi tròn thì úp vung tròn, nồi méo thì úp vung méo” cái đầu hói của tôi thì chỉ có thể úp bê rê mà thôi.
Đùng một cái, tháng trước nhà nước ra cái lệnh :”Hễ ai đi xe máy ra đường đều phải chụp cái mũ bảo hiểm . Ai không chụp sẽ bị phạt hoặc giam xe !!!” Thế là hết đời các lòai mũ.
Thằng nồi cơm điện tự nhiên có quyền chễm chệ lên mọi cái đầu đi xe máy. Có thằng nồi thật , có thằng nồi rởm. Thật hay rởm không quan trọng. Cứ có “nồi” chụp lên đầu thì mới được đi.
Lũ mũ cói mũ cứng mũ cát, mũ có hoa có nơ.. chết lăn quay. Chỉ có người đi xe búyt, xe ô tô bốn bánh hay xe đạp mới dùng đến. Các nhà sản xuất, các cửa hàng bán mũ kêu oai oái. Riêng nàng Bê rê yêu qúy của tôi thì vẫn thản nhiên.
Dù có ai bắt chụp mũ sắt mũ nhựa lên đầu tôi cũng mặc. Trước khi chụp cái nồi cơm điện, tôi vẫn cẩn thận đặt Bê Rê ngay ngắn trên đầu. Ôi ! Nàng Bê Rê yêu qúy của ta
“Dù ai chụp nọ chụp kia
Bê Rê ta vẫn giữ nguyên trên đầu “