Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 9 tháng 2, 2014

Đỗ Chu khắt khe với nghề cầm bút

Có lần mềnh đến chơi nhân thể tặng sách. ĐC bảo: "Ờ để đấy. Sách của tụi TQ chúng mày anh đek thèm đọc. Nhưng của mày anh sẽ chiếu cố đọc.." Bữa ấy tại ông mời rượu nhiệt tình quá, mình không kiềm chế, phản đối kịch liệt. Ra cái điều bảo vệ anh em nhà. Giờ nghĩ lại áy náy quá. Ông nói đúng. Mấy người ấy có gì đáng đọc đâu? Trừ ra được một hai người. Chả biết nóng nảy nói với ông những gì. Bạn đi cùng rất không bằng lòng. Từ đó rất ngại nếu mình rủ đi đâu đó chơi. Định bụng có khi nào, tạ lỗi với ông đôi lời. Dù sao ông cũng là bực tiền bối. Hơn tuổi đã đành, còn hơn mềnh nhiều thứ khác. Dưng mà thôi. Biết thế là đủ rồi. Người như ĐC cần gì mấy lời thanh minh thanh nga của một tiểu tốt như mềnh. Đăng lại bài này để thay ý đó. Chắc ĐC không có thời giờ để đọc mấy cái nhăng nhít này. Nhưng biết đâu đấy, bức vách có tai. Có anh nào đó hay hóng hớt, bẩm lên thì sao?
 Cảm ơn tác giả Đỗ Thanh và nvp hcm nha!                   
nvtp hcm - 18.12.2013-00:30
 
Tranh chân dung nhà văn Đỗ Chu của họa sĩ Tuấn Dũng
NHÀ VĂN ĐỖ CHU
Người coi trọng đến mức khắt khe với nghề cầm bút
NVTPHCM- Vẫn biết truyện ngắn là thể loại làm nên nghệ hiệu Đỗ Chu, nhưng cũng không vì thế mà nó có thể khỏa lấp được mảng tùy bút và tiểu luận về chuyện nghề, chuyện đời của ông với hai tác phẩm vừa được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật, đợt IV, năm 2012 là “Một loài chim trên sóng” (truyện ngắn) và “Tản mạn trước đèn” (tiểu luận).
Chỉ cần đọc tên tập tùy bút “Thăm thẳm bóng người” của nhà văn Đỗ Chu đủ biết ông là người kỹ càng đến mức nào trong chuyện chữ nghĩa. Có người cho rằng trên văn đàn văn Việt, Đỗ Chu chỉ xếp sau cụ Nguyễn Tuân, một bậc thầy về cái khoản tùy bút, mà giới văn chương quen gọi là “văn sạch”. Hẳn là như vậy, con người bằng da bằng thịt hiển hiện trước mắt ta hàng ngày cũng đã quá thăm thẳm rồi, còn nói gì đến bóng người nữa. Chả thế mà người Tàu xưa có câu: Họa hổ họa bì nan họa cốt/ Tri nhân tri diện bất tri tâm. Theo các nhà khoa học nhân văn hiện đại thì đời sống tâm thần của con người luôn là một bí ẩn khôn cùng. Có lẽ nhà văn Đỗ Chu muốn đem đến cho chúng ta một sự khám phá bất ngờ đầy thú vị về cái miền thăm thẳm của bóng người chăng?
Nhà văn Đỗ Chu tên thật là Chu Bá Bình, sinh ngày 5/2/1944 tại xã Quảng Minh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Thuở thiếu thời, ông theo học trường Hàn Thuyên (Bắc Ninh), một ngôi trường khá nổi tiếng với nhiều học sinh đỗ đạt cao. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, đầu những năm 60, Đỗ Chu đã có bài Ao làng, Thung lũng cò và Mùa cá bột đăng trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Thời ấy, không ai nghĩ những truyện ngắn này được viết bởi một cậu học sinh phổ thông tỉnh lẻ mới mười tám tuổi vừa bị lưu ban lớp 10. Năm sau, 1963, ba truyện ngắn ấy giành giải Nhất cuộc thi của một tạp chí chuyên về văn chương vào hàng đầu bảng lúc bấy giờ. Nghe người ta kể lại thì nhà văn Nguyễn Khải đã tấm tắc: “Ngay từ những truyện đầu tiên nó (Đỗ Chu) đã không ngô ngọng như chúng mình!”. Còn theo đánh giá của nhiều người Đỗ Chu là một tài năng văn chương phát tiết sớm. Còn nhà văn Nguyễn Minh Châu lại nhận xét về ông thời trẻ: “Đỗ Chu như cây quế, thơm từ vỏ thơm vào”. Vâng, quế thơm đấy, nhưng có lẫn cả vị cay và mùi hắc. Ai chưa quen lần đầu gặp Đỗ Chu trong lúc ông “có chuyện” gì đấy có thể cảm thấy khó chịu, vì dường như mọi bức xúc ông đều buột hết cả ra miệng, không giữ lại bất cứ điều gì trong bụng.
Hầu như tất cả những người trong giới không mấy ai còn lạ tính của Đỗ Chu ngoài đời thường. Ông nói chuyện hóm hỉnh có vẻ “bất cần đời”, chỉ nói những gì ông biết tường tận, rồi kể một mạch, bất luận người đối diện có nghe hay không cũng mặc kệ. Ai có ý “chêm” vào hay tỏ vẻ không thích nghe, thiếu tập trung là ông “tăng volum” bằng những câu nói ít văn hơn, nhưng lại nhiều sự “thách đố”, khiến người nghe buộc phải trật tự, quay lại ngồi im lặng để ông tiếp tục diễn thuyết. Ông luôn biết cách biến chuyện tày đình thành những chuyện “nhỏ như con kiến”, còn những chuyện nhỏ như con kiến bỗng trở nên to bằng con voi. Chả thế mà một số người trong giới cũng bắt chước “lối kể chuyện Đỗ Chu” từ giọng điệu, cấu tứ, ngôn ngữ, cách diễn đạt, nhấn câu, nhả lời thuộc hạng “tròn vành rõ chữ” hệt như một loại “văn mẫu” dạy trong các trường phổ thông. Trong giới, nhiều người khi thấy Đỗ Chu đến liền nói nhỏ với mọi người xung quanh: Trật tự Đỗ Chu chuẩn bị tăng volum rồi đấy, mặc dù khi ấy ông chưa chắc đã dừng lại hay ngồi xuống chỗ mọi người đang chờ đợi. Có khi ông lại đi thẳng. Trước khá nhiều đàm tiếu lúc trà dư tửu hậu, có đúng và có cả đơm đặt, thêm mắm muối gia vị vào ngõ hầu tăng nặng “chất Đỗ Chu”, ông chỉ chốt lại một câu ngắn gọn: “Đỗ Chu là người thích làm việc và thích nói chuyện”.
Mà ngay cả cái cách quan niệm về nhà văn của Đỗ Chu cũng không mấy ai dám nói thật đến thế. Ông bảo, cái gọi là nhà văn ấy không ít người dễ ngộ nhận  rằng, cứ viết được một cuốn sách, đem in ra, rồi vài ba bài báo nhắc đến tên mình hay lên truyền hình, đài phát thanh nói ba câu sáu điều gì đấy về cuốn sách, thế là thành... Theo Đỗ Chu thì khi trang viết của mình là hết sức, là thật nhất đối, không né tránh những điều mà trước đấy do kiêng kỵ, nể vì mà mình còn gượng nhẹ chưa dám viết ra… Có nghĩa là người ta là nhà văn trong từng trang viết, thậm chí nhiều khi chỉ trên từng đoạn. Khi nào còn e ngại, phân vân, còn phải “chiếu cố” đến một điều gì, lúc đó anh ta không phải là một nhà văn theo đúng nghĩa... Có khi ở đoạn trước là nhà văn, đoạn sau lại chưa phải, lại không còn là nhà văn nữa... Chính tôi cũng đang phân vân, đang nghĩ về điều này. Nó lẫn lộn đến bảy tám “nhà văn” trong một nhà văn ấy chứ! Lúc nào nhà văn, lúc nào chưa, chỉ tự người viết mới biết thôi.
Khi có người đưa ra một câu hỏi được coi là khá “xoáy” rằng trong hơn 40 năm cầm bút, ông có bao nhiêu năm thực sự là nhà văn. Đỗ Chu “khai” rất thật và hồn nhiên: Có lẽ trong 40 năm đó thì chỉ có độ 4 tháng hay 4 năm là nhà văn thôi. Như vậy mới thấy ông là người coi trọng đến mức khắt khe với nghề cầm bút của mình. Không biết có phải vì thế mà ông càng viết, văn càng đằm, càng thấm. Và xem ra ông vẫn chưa bằng lòng với 4 tháng, 4 năm trên 40 năm cầm bút của mình khi ông tự nói về mình: Cũng thấy tiếc những năm tháng vừa rồi, giá viết căng hơn một chút thì chất lượng trang sách nó sẽ nhiều hơn, nhưng khốn nỗi lại cứ phải gượng nhẹ... Mà bản thân mình nó có một con người cụ thể, mình đã nghĩ thế, đã sống thế, thì lại chưa động tới, “hình như tôi vẫn giấu tôi
Mà cũng không biết tại làm sao, chứ nào có ai bảo cấm đâu, thỉnh thoảng người ta cũng có nhắc nhở, và có khi nhắc nhở cũng là cần thiết. Nhưng vì ai cũng nghĩ là cần thiết phải nhắc nhở nên văn chương nó không hồn hậu, nó không tự nhiên. Ông Thi trước kia hồn hậu thế, tuy không sành nhạc nhưng cũng làm ra được những bài hát hay; những bài thơ như Đất nước là rất hay, nhưng sau đó là cứ phải “tinh thần trách nhiệm”...  
*
Có lẽ cái ông cần giữ là sự nuột nà đến sang trọng trong mỗi trang văn. Hãy nghe ông viết về Tô Hoài thì sẽ rõ: “... Người ta hay nhắc đến những trang viết miền núi của Tô Hoài, tất nhiên là hay, nhưng thực ra phần chính yếu của ông là viết về Hà Nội trước và sau Cách mạng Tháng Tám. Giữa các cụ xuất chúng ông già này cứ lầm rầm đi, lầm rầm làm việc nhưng sẽ là người về sau cùng, trên vai là một gánh sách có ý nghĩa tập đại thành... Nhiều anh thích ầm ĩ quá, trong khi sự tự vượt mình chỉ có thể làm được trong im lặng sống và sáng tạo”.
Đọc hết Thăm thẳm bóng người tôi nhận ra đôi điều, ông là người chịu đọc. Dường như trong cái hữu hạn của thời gian một đời người, ngoài những sinh hoạt thường nhật và giao du, bù khú với bạn bè, thời giờ còn lại nhà văn Đỗ Chu chỉ dành cho cái sự đọc. Sự mê đọc của ông là chuyện không dễ mấy ai làm được, nhưng đọc rồi để thấm, để ngấm, rồi biến hóa thành cái của mình và để lại cho đời những trang viết thực sự sang trọng theo cách riêng như ông thì xem ra trong giời văn chương chỉ đếm đầu ngón tay. Với nhà văn Đỗ Chu, nguồn mạch văn chương dường như không lúc nào ngừng dạt dào tuôn chảy, đúng như ông đã tự bạch: “Có con sông Thương chảy vào đời tôi, lại có con sông Cầu chảy qua đời tôi, và có những trang sách hay nâng bước tôi đi theo năm tháng. Nhiều trang trong đó là của các nhà văn cùng thời với mình, tôi lấy làm vinh hạnh đã được đọc họ. Phần nữa là của một nhân loại tài trí đã dành dụm cả ngàn năm để hôm nay gửi tới chúng ta. Đó là những đôi cánh tinh thần đủ sức nâng bổng ta lên, đủ sức kéo ta đứng dậy” (bìa 3 Thăm thẳm bóng người).
Thường một bài tùy bút chỉ khoảng từ vài ba trang là người đọc cảm thấy món cháo xúc cảm trực quan của người viết bắt đầu lặp lại mình, nhàm và nhạt và nếu cứ tiếp tục xài nữa thì sẽ ngấy lên tận óc. Vậy mà sau khi đọc hết hơn ba trăm trang Thăm thẳm bóng người của Đỗ Chu, tôi lại muốn đọc nữa. Đó chính là sự khác biệt giữa ông và những người khác. Theo tôi, bản chất của sự khác biệt ấy tạm gọi nôm là “cái tạng” hay cái tài của Đỗ Chu. Đối với nhiều người, tùy bút chỉ là sự giải bày một khoảnh khắc tâm trạng chủ quan nào đấy của người cầm bút trong lúc hứng khởi bột phát. Mà đã là khoảnh khắc tâm trạng thì không thể kéo dài hàng trăm trang sách được. Nhưng với Đỗ Chu dường viết tùy bút là để gửi gắm, tri âm và cộng cảm với hàng trăm, hàng nghìn khoảnh khắc khác nhau giữa mình và những đồng nghiệp văn chương, những con người, cảnh đời, nói một cách chính xác và đầy đủ hơn là những số phận mà ông đã từng gặp. Ông không giấu giếm khi hạ bút về hai người bạn văn của mình là Đồng Đức Bốn và Lâm Huy Nhuận: “Cô đơn ơi là cô đơn, nhưng đấy là dấu hiệu xác đáng của một tài năng. Đã không có thân phận, không có buồn vui riêng tư gì nữa phỏng cái viết ra liệu ai đọc, cái hát lên liệu ai nghe”.
Có thể nói quan niệm sống và viết của Đỗ Chu thể hiện khá rõ trong những trang ông viết về việc nhà văn Chu Phác tự bỏ những đồng tiền túi và quĩ thời gian ít ỏi của mình khi đã nghỉ hưu để đi tìm đồng đội, trong lúc người ta cần phải nhao lên làm một việc gì đấy để tiến thân, kiếm tiền hoặc đua tranh trên con đường danh vọng thì vị tướng già lại bằng mọi cách để có thể lùi lại đi tìm quá khứ. Nặng nghĩa tri ân là một phẩm chất không thể thiếu đối với những người lính đã kinh qua và dạn dày trận mạc như thiếu tướng Chu Phác. Vậy thì còn chờ ai bảo hay ra lệnh mới làm. Đi tìm đồng đội là một nghĩa cử của hậu thế đối với tiền nhân, nhưng cũng là một quá trình tìm lại chính mình của những người còn sống sót sau chiến tranh.
Nhà văn Đỗ Chu viết: “Người phương Tây đang bàn đến cách sống chậm thời “A còng”, thiên hạ đều đang nhận chân sự tệ hại của cách sống tốc độ cao trong văn minh công nghiệp. Chỉ có anh là xem ra ngày một ung dung, anh biết tìm cái tĩnh trong cái động, biết tìm cái mấu chốt trong những ngổn ngang việc đời. Đời có bao giờ yên ắng, đời đã bao giờ đạt đến được chuẩn mực mà người đời hằng ao ước. Ao ước mười mà được vài ba là rất đáng mừng rồi. Đi tìm nghệ thuật sống đã là biết, đi tìm lẽ sống ở đời mới là biết hơn”. (tr 196)
Viết tùy bút thời nay xem ra Đỗ Chu đã thấm đẫm cái triết lý Tìm cái tĩnh trong cái động, tìm cái mấu chốt trong ngổn ngang việc đời rồi đó. Tùy bút cũng là một quãng lặng để người ta ngẫm về lẽ đời, lòng người. Chính vì thế mà trong cái xô bồ của cuộc sống thị trường hôm nay, tùy bút của ông vẫn được nhiều người trân trọng và đón đọc. Nghe có người bảo Đỗ Chu còn “dọa”: “Cuối năm nay tao cho ra 'Chén rượu gạn đáy vò' xong là chấm dứt thể loại tùy bút. Rượu đã gạn ở đáy vò thì còn gì nữa...”. Nhưng chưa biết cái sự nói ra miệng của ông chắc gì đã là đúng cả trăm phần trăm. Nghe đồn rằng ông có ý định chuyển sang thơ hay còn làm gì nữa, chắc là chỉ có hai người biết: một là ông Giời, hai là ông Đỗ Chu.
ĐỖ THANH


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tướng Quốc Thước:

 Bỏ Đảng khi khó khăn là có lỗi với Đảng 1

 - "Nếu ta bỏ Đảng trong những thời điểm khó khăn, để kẻ xấu càng có cơ hội lấn tới thì chúng ta có lỗi với Đảng" - Trung tướng Nguyễn Quốc Thước đáp lời về hiện tượng có những đảng viên xin ra khỏi Đảng.


Thiên Việt (thực hiện
Là một người lính trên chiến trường, ông sẵn sàng xả thân để bảo vệ Tổ quốc, nhân dân. Đến khi là một Đại biểu quốc hội, ông vẫn luôn phát huy tinh thần của người lính, bảo vệ đến cùng quyền lợi của người dân. 67 tuổi Đảng, ông vẫn luôn chứng tỏ mình là người cộng sản chân chính không hề nhụt chí đấu tranh. Nhân kỷ niệm 84 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Trung tướng Nguyễn Quốc Thước. 

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước.

Thưa trung tướng Nguyễn Quốc Thước, trước tiên, đầu năm mới Giáp Ngọ, xin thay mặt báo Nông thôn Ngày nay - Dân Việt xin được chúc ông và gia đình một năm mới tràn đầy sức khỏe, hạnh phúc, chúc cho mọi điều an lành sẽ tới với ông và gia đình. Là người gắn với binh nghiệp hơn nửa thế kỷ, ông có thể lại một số kỷ niệm khiến ông không thể quên đối với bản thân?

- Năm 1949 tôi nhập ngũ rồi được đi học ở trường sĩ quan Nguyễn Huệ (tiền thân của trường sĩ quan Lục quân bây giờ). Sau khi ra trường tôi được phân về Trung đoàn 101, Sư đoàn 325 và được điều động về chiến trường Bình Trị Thiên. Đây là trung đoàn nổi tiếng cà cũng là đơn vị nhà thơ Phùng Quán phục vụ lúc đó. Năm 1952 tôi được cấp trên rút ra Nghệ Tĩnh, rồi sang tham gia giải phóng hai nước anh em là Lào và Campuchia. 

Đời quân ngũ của tôi đã trải qua tất cả các chiến trường ở Việt Nam, Lào, Campuchia, kỷ niệm khó quên thì nhiều vô kể bởi tất cả đều gắn với những quãng thời gian gian khổ, khốc liệt nhất. Nhưng có lẽ, kỷ niệm tôi khiến tôi nhớ mãi tới tận bây giờ là vào thời điểm năm 1969, khi đó tôi làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 24. Tại chiến trường Tây Nguyên, Trung đoàn đã đánh tan cuộc hành quân của địch vào Chư Ba. Sau chiến thắng đó, Bác Hồ đã gửi điện khen: “Các chú đã phát huy được truyền thống kiên cường, hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần đánh bại chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh. Nhưng các chú không được tự kiêu tự mãn, phải tiếp tục đập tan các cuộc hành quân của Mỹ ngụy”. 

Một kỷ niệm khác vào cuối năm 1974, tôi được thay mặt Bộ tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên ra báo cáo về kế hoạch tiến công trong chiến dịch mùa xuân năm 1975. Khi đó tôi được làm việc trực tiếp với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, được Đại tướng quan tâm chỉ bảo từng phương án cụ thể cho trận đánh mở màn vào Tây Nguyên năm 1975 để dẫn tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Tôi không bao giờ quên được những giây phút ở cạnh bên Võ Đại tướng năm đó. Cũng chính trong chuyến đi ra Hà Nội năm 1974 đó, tôi đã vô tình được gặp lại người vợ thân yêu của mình sau 10 năm xa cách trên chuyến xe dọc đường.

Với ông, ngày 3.2 – ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam – có ý nghĩa như thế nào?
- Tôi sinh ngày 3.2.1926 và có một sự trùng hợp ngẫu nhiên là cũng vào Đảng cũng vào ngày đó (3.2.1947) tại huyện ủy Nghi Lộc - Nghệ An. Như vậy cuộc đời tôi có hai ngày sinh trùng nhau: Tuổi đời và tuổi Đảng. Cho nên ngày 3.2 có một ý nghĩa quan trọng đối với cuộc đời tôi. 

Khi còn chiến tranh, ngày 3.2 trong quân đội có ý nghĩa rất thiêng liêng. Sắp tới ngày đó, mỗi đơn vị đều quyết tâm chuẩn bị cho được một thành tích thiết thực nhằm chào mừng ngày thành lập Đảng. Và nó trở thành một phong trào được phát động sôi nổi trong toàn quân. Tôi còn nhớ ngày 3.2.1975, chúng tôi đã có một chiến công rất quan trọng để kỷ niệm ngày thành lập Đảng. Đó là chiến thắng chiến lược tại TP Buôn Mê Thuột, tiến tới giải phóng toàn bộ Tây Nguyên trong hai tuần.

Đó là thời của ông, khi việc đứng trong hàng ngũ của Đảng thực sự trở thành niềm tự hào của mỗi người. Nhưng hiện nay, có một thực tế là nhiều người không còn sự hào hứng khi được đứng trong hàng ngũ của Đảng, thậm chí có nhiều người còn xin ra khỏi Đảng. Ông lý giải thế nào về hiện tượng này?

- Đúng là bây giờ, có nhiều người cho rằng Đảng ta đã không còn được như trước và muốn xin ra khỏi Đảng. Theo tôi, suy nghĩ như vậy hoàn toàn không chính xác. Đảng không hề thay đổi bản chất, vẫn là Đảng của Bác Hồ, của nhân dân. Chỉ có một nhóm nhỏ, một bộ phận cán bộ, Đảng viên thoái hóa biến chất làm mất uy tín của Đảng như trong Nghị quyết Hội nghị T.Ư 4 Đảng ta đã thẳng thắn chỉ ra. Biết như vậy chúng ta phải đấu tranh mạnh mẽ, quyết liệt với những cán bộ, Đảng viên thoái hóa đó. Chứ nếu mọi người thấy hiện tượng như vậy mà nản, đều xin ra khỏi Đảng thì ai sẽ đấu tranh với kẻ xấu đó? Nếu ta bỏ Đảng trong những thời điểm khó khăn, để kẻ xấu càng có cơ hội lấn tới thì chúng ta có lỗi với Đảng. Cho nên theo quan điểm của tôi, những Đảng viên trung kiên phải trụ lại để đấu tranh với kẻ xấu, kẻ thoái hóa để bảo vệ Đảng. 

Những Đảng viên chân chính phải lên tiếng, phải đấu tranh vạch mặt những kẻ tham nhũng, cơ hội, lợi dụng uy tín của Đảng để đục khoét làm giàu cho bản thân. Chúng ta không tiêu diệt con người đó mà tiêu diệt bệnh tham nhũng trong con người họ. Nếu họ thực sự nhận ra sai lầm, mong muốn sửa chữa thì kéo họ về phía mình. Những năm Đảng mới được thành lập, chúng ta có rất ít Đảng viên nhưng vẫn giành được chiến thắng. Bây giờ tôi tin chúng ta vẫn còn rất nhiều Đảng viên trung kiên, Đảng viên chân chính. Nếu thấy điều xấu, điều sai mà nhắm mắt làm ngơ là có lỗi.

Tôi cho rằng Đảng đã, đang và vẫn sẽ là niềm tự hào, là ngọn cờ động viên thúc giục nhân dân cả nước đi tới một xã hội phồn vinh, công bằng, bình đẳng, bác ái như Bác Hồ từng mong muốn.

Có người cho rằng một số cán bộ chỉ chịu trách nhiệm trước Đảng mà quên mất họ còn phải chịu trách nhiệm trước nhân dân?

- Lợi ích cao nhất của Đảng chính là lợi ích của nhân dân. Đảng không có lợi ích nào khác là phục vụ cho lợi ích của nhân dân. Chịu trách nhiệm trước Đảng cũng là chịu trách nhiệm trước dân. Để xảy ra tham nhũng, Đảng viên hư hỏng thì Đảng phải chịu trách nhiệm trước Nhân dân. Cho nên mỗi Đảng viên chúng ta phải có ý thức luôn đấu tranh với thoái hóa, biến chất, đặc biệt là với quốc nạn tham nhũng. Đó là cách tốt nhất để bảo vệ Đảng ta. 

Xin cảm ơn Trung tướng về cuộc trò chuyện này và cũng xin chúc mừng sinh nhật lần từ 88 của ông!







































































































































































































































Phần nhận xét hiển thị trên trang

Quê Choa: Tưởng nhớ đồng chí Sầm Nghi Đống!

Quê Choa: Tưởng nhớ đồng chí Sầm Nghi Đống!: Nhà văn Nhật Tuấn Theo blog Nhật Tuấn   Sáng sớm mồng Năm Tết, gã Ký Quèn la hoảng: “Hôm nay bà con bóc lịch c... Phần nhận xét hiển thị trên trang

THĂM THẲM ĐƯỜNG VỀ ( Chương 12 )



12.
 
 

C
húng ta hãy kéo lùi lịch sử khoảng hai chục năm.. 
Khi ấy mọi người thường hay gọi gã bằng " Nó ". Nó thế nọ, nó thế kia v.v... Điều ấy cũng không quan trọng gì với một thằng bé 12 tuổi. Cách gọi như vậy không có gì là miệt thị, xem thường hay có ác ý với một cậu bé. Sở dĩ dùng chữ " khoảng " để tính thời gian bởi vì yếu tố lịch sử ở đây cũng không cần thiết lắm. Nó không cần đến sự chính xác. Không có số phận người nào hoàn toàn chính xác cả. Khi ta đứng ở góc độ này " Nó " thế này. Khi ta đứng ở góc độ khác " Nó " thế khác. Tất cả phụ thuộc vào chỗ đứng. Trong trường hợp này thuyết tương đối tỏ ra là một lý thuyết hấp dẫn, thuyết phục hơn cả.
Cái " khoảng " thời gian ấy nó còn là một cậu bé gầy guộc, tóc cháy nắng, vàng như lông bò. Vẫn đi chân đất như hầu hết cư dân của vùng này, coi giày dép là thứ lạ lùng, xa xỉ.
Nắng héo ngọn cây, mặt đường như bị nung nóng nó vẫn không mũ nón đội đầu. Móng chân nó dài, sắc như vuốt mèo đang bám chắc vào thân cây tre để mấu, trèo mỗi lúc một cao lên cây gạo đơn độc giữa cánh đồng. Cây gạo to, nhiều cành cụt, lớp vỏ xám mốc xù xì, nhưng những cành cao hoa đỏ rực. Cảm giác có một đám cháy lớn rừng rực trên vòm trời đang nung nóng tiết trời cuối xuân sang hạ.
Dước gốc cây là toà miếu cổ. Ngôi miếu thờ thành hoàng của làng. Vào những năm loạn cư ba làng tranh chấp đồng bãi bồi non. Ông Cả đã liều thân mình giành khu bãi hơn nghìn mẫu cho làng. Cảm cái ơn đức ấy, dân làng đã lập toà miếu này. Miếu tuy nhỏ nhưng được dựng lên trên gò đất cao. Đứng ở đây có thể nhìn bao quát cả cánh đồng. Thời trước bên cạnh miếu có ngôi nhà xây bằng gạch, phía sau còn hai gian nhà tre lá nơi để tuần phiên ăn nghỉ trông nom đồng bãi cho làng. Đêm đêm hễ có động là nghe tiếng tù và rúc lên văng vẳng. Dân làng tay dao, tay thước theo chỉ dẫn của đoàn, xã chặn các ngả đường săn bắt kẻ gian.
Sau này vào thời chiến, trên ngọn cây gạo đặt thêm cái chòi phòng không. Thoáng thấy bóng máy bay phản lực là tiếng kẻng vang rền. Dân quân du kích chạy ra hào trực chiến. Người già trẻ con vội vã xuống hầm.
Hàng trăm năm nơi đây là gò đất thiêng. Tai hoạ từ dưới đất, dưới sông tràn lên, từ trên trời rơi xuống đều được từ đây báo động khẩn cấp về lang.
Tuần tiết, ngày rằm mồng một làng xã đều có lễ vật phụng thờ. Là chốn linh thiêng không ai dám làm điều ô uế. Ngay cả lời nói người ta cũng phải dè chừng, e điều báng bổ sẽ mang lại hậu quả không hay.
Rất nhiều huyền thoại về ông Cả. Đời nọ truyền cho đời kia. Đời sau thiêng liêng, huyền bí hơn đời trước. Những bộ óc giàu trí tưởng tượng tô vẽ cho câu chuyện về ông Cả mỗi ngày mỗi ly kỳ. Mãi cho đến cải cách ruộng đất, phá lề lối cũ xây đời sống mới, những câu chuyện ấy mới bị lãng quên dần dần. Đình chùa còn không giữ được vẻ tôn nghiêm, nói gì đến ngôi miếu cổ? Người ta san ủi khu gò cao làm bờ vùng bở thủa. Ngôi miếu không còn dấu vết, như thể chưa hề có mặt nơi này.
Nhưng cây gạo cổ thụ người ta vẫn để. Là nơi trú nắng mưa giữa đồng không mông quạnh. Còn một lẽ nữa để duy trì cái chòi canh chót vót trên ngọn cây. Vào " khoảng " thời gian như trên đã nói chưa xảy ra chiến tranh phá hoại. Phải ít năm nữa bầu trời xứ này mới nghe thấy, nhìn thấy bóng máy bay phản lực gầm gào. Khi ấy trên chòi mới treo thêm cái kẻng và có người túc trực suốt ngày đêm.
Còn bây giờ, khi mía chưa có đường, ngô lúa chưa gần đến ngày thu, cái chòi canh chót vót trên cao này bỏ không.
Chỉ có những đứa trẻ chăn trâu bò táo tợn, mới dám trèo lên. Những đứa nhát không dám, vì từ trên cao nhìn xuống chóng mặt rất dễ nhào xuống gãy cổ.
Trừ những ngày mưa bão hay vào mùa rét, nó rất thích trèo lên chơi. Trên đó có cái chõng tre nằm rất mát, gió cứ như quạt hầu. Nó nói khoác với bọn ở bên dưới rằng từ trên chòi nhìn rõ cả chùa Một cột ở Hà Nội. Thực ra thì nó chỉ nhìn thấy núi Ba Vì xanh mờ ở phía tây, Tam Đảo xa tít phía đông. Từ đây về tới thủ đô ít nhất cũng phải ba mươi cây số.. làm sao mà nhìn thấy được? Mắt người làm sao có được tầm nhìn xa đến thế? Còn chùa Một cột sở dĩ nó dám nói là nhờ những bức tranh phong cảnh rẻ tiền người ta bán ngoài chợ vào những dịp cuối năm. Những bức tranh sơ sài, mầu sắc loè loẹt của các hoạ sĩ không chuyên ấn tượng sâu đến nỗi nó cảm giác như đã đến tận nơi, sờ tay vào rồi.
Trẻ con thì giàu óc tưởng tượng. Những đứa không trèo lên chòi cũng tin là nó nói thực. Thậm chí chúng còn hình dung ra chùa một cột cao to, lộng lẫy không kém gì nó.
Còn vì sao nó lại chỉ đứng hướng về phía Nam của chùa một cột? Rất đơn giản! Đó là hướng mà hễ đêm đến, nếu trời không trăng phía ấy bầu trời luôn có quầng sáng từ ánh đèn điện thành phố hắt lên. Phía ấy còn rất ít người thắp đèn dầu. Dù giàu dù nghèo người ta cũng có vài bóng đèn điện. Tuy ánh sáng cũng chỉ vàng vọt, nhưng vẫn còn hơn chán vạn đèn hoa kỳ thắp ở quê. Không có gì chán bằng đêm tối ở quê nó. Tối như bưng lấy mắt, làng xóm như bỏ đi đâu hết cả rồi...
Mọi khi trèo lên chòi ngó nghiêng một lúc là nó lăn ra ngủ. ở trên cao gió mát lại không muỗi rĩn quấy rầy. Nó lấy một đoạn thừng buộc ngang thắt lưng, cột chặt vào cái chõng. Nếu ngủ say có lỡ lăn ra ngoài thì sợi dây thừng sẽ giữ lại không bị rơi xuống đất. ở độ cao ba mươi mét thế này vô phúc rơi xuống có mà tan xương nát thịt. Tháng trước đã có vụ một người lớn ngủ ở đây bị rơi. Anh ta nằm cùng một người khác, chen nhau thế nào trong cơn mê ngủ rơi xuống. Cả thân hình giống như một bị thịt đỏ máu không còn nhận ra mặt mũi, hình dạng. Người nằm cùng lúc tỉnh dậy mới phát hiện ra vội vã trèo xuống soi đèn, anh ta sợ đến líu cả lưỡi. Mãi sau mới trấn tĩnh được, anh ta rúc một hồi tù và cho người trong làng chạy ra... Những câu chuyệnvề ông cả một dạo đã lắng xuống, nhân cái chết của người coi đồng lại rộ lên. Người ta kháo nhau ông Cả thiêng lắm. Ông bị bọn người đối địch làng Hiu đâm chết khi còn trẻ nên vong linh ông rất thiêng. Những kẻ ăn ở không ra gì thường bị ông quở phạt. Trong làng đang rỉ tai nhau người coi đồng vừa bị rơi xuống đất phạm vào một trọng tội. Anh ta có người anh trai đi công tác đặc biệt ( Đó là cách gọi những người đi B thời gian này. Mãi sau người ta mới nói lộ dần ra là đi B, đi C ). ở nhà chị dâu em chồng tí cháo, tỉ mẻ thế nào, bà chị dâu phềnh bụng. Chị ta xấu hổ bỏ nhà đi mấy tháng nay. Có tin chị ta lên Thanh Sơn Phú Thọ nương nấp. Lại có tin chị ta phẫn chí trầm mình ngoài sông Hồng. Hàng chài lưới thêm vẽ vừa vớt được xác một người đàn bà bụng mang dạ chửa. Người này mặt mũi bị cá rỉa không còn nhận ra là ai nữa. Thành ra chuyện sống chết của chị vẫn là câu chuyện bán tín bán nghi chưa được kết thúc. Qua miệng người này là câu chuyện này. Người khác là câu chuyện khác. Cứ mờ mờ mịt mịt không biết đâu mà chừng. Từ đó người ta rất ngại phải leo lên chòi. Trẻ con thì sợ không dám trèo nữa. Còn người lớn vì công việc bất đắc dĩ phải lên thì dù thức hay ngủ người ta đều buộc đoạn dây vào người như kiểu thắt dây bảo hiểm. Biết đâu lỡ phạm phải điều gì bị ông Cả ra tay? Sống ở trên đời không thể lường trước mọi việc, ai cũng một lần da tới thịt, bụng ai cũng còn có cứt tránh sao khỏi có lúc lầm, lỡ một việc nào đấy? Người ngay, kẻ gian, người tốt xấu đôi khi ranh giới cũng khó phân biệt. Nhiều khi bảo thế nào nên thế ấy. Nhưng đấng linh thiêng lại rất sòng phẳng, rạch ròi, không mơ hồ đơm đặt như miệng lưỡi thế gian.
Nó cũng sợ mất một dạo, không dám trèo lên chòi. Nhưng rồi tính tò mò tinh nghịch lại thôi thúc nó. Nó cảm thấy bứt rứt như bị đánh mất, đánh rơi thứ gì. Rủ bọn trẻ chăn trâu không đứa nào trèo, một mình nó cũng leo lên. Chỉ khác lúc trước là leo lên rồi buộc ngang sợi dây ngang bụng. Nó yên trí rằng có sợi dây ấy sẽ không gặp phải rủi ro. Tỷ như bị rơi xuống thật nó có khác gì con nhát bị treo lơ lửng. Nhưng điều ấy đã không xảy ra. Số phận nó sau này gặp nhiều tai ương bất hạnh. Để trở thành một tên thịt nát thì không bao giờ.
Có một mình trên chòi nó không thể trò chuyện với ai, chỉ có gió. Nó huýt sáo theo gió. Từ trên cao nó nhìn thấy toàn bộ quang cảnh của làng nó, khu trường học, trạm xá, nhà uỷ ban. Những con đường ẩn hiện dưới các luỹ tre. Các luỹ tre chỉ tồn tại vài chục năm nữa vì dân số trong làng đông dần lên, tre là thứ cây giá trị kinh tế không cao, không bằng cây ăn quả. Người ta sẽ phá bỏ những khóm tre đã từng đi vào dân ca, dân ngữ. Sẽ không còn dáng tre xoã tóc trưa hè làm bóng mát cho làng. Làm nơi cò đậu mỗi chiều về.
Sông Hồng mùa nước như tấm lụa đào khổng lồ trải dài vô tận. Từ đây không thể nhìn thấy sông bắt đầu từ đâu chảy tới đâu thì gặp biển. Chỉ thấy những con thuyền xa tít buồm trắng, buồm nâu thấp thoáng chân trời. Đầu óc non nớt của nó nghĩ tới những mảnh đất chưa từng đặt chân tới. Những con đường, dòng sông và những con người xa lạ. ở những nơi đó chắc hẳn cuộc sống không khó khăn tù túng như ở quê mình. Nó nghĩ ở những niềm quê ấy không còn ai nghe đài theo kiểu quê nó. Người ta đã có máy bán dẫn không cần đến cột ăng ten tua tủa lên trời của loại đài ga len, nhìn giống hộp đựng thuốc lào. Hoặc giống như hộp xi đánh giầy chỉ từng người nghe được. Nghe bằng cách dí sát vào lỗ tai, tạp âm lào xào phải lắng tai tập trung chú ý mới nghe thấy nói gì. Chỉ cần đụng mạnh tay là chiếc kim dò sóng trên cục vàng non lệch chỗ, không nghe được gì nữa. Dò vã mồ hôi mới gặp làn sóng điện ở một điểm khác trên cục kim loại xù xì giống cục thiếc không có góc, cạnh, không rõ hình gì.
Vậy mà những nhà kha khá một chút mới có được. Vài chục mét dây đồng, vài chục mét dây điện có vỏ bọc chăng từ trên trời xuống đất đâu có ít tiền? Lại phải là người tỉ mỉ khéo tay mới làm được hộp chỉnh sóng, ống nghe rất cầu kỳ. Thời ấy thuật ngữ: " Thông tin ", " Tin học " còn xa lạ trong vùng. Có một ống nghe đài như vậy với nhiều người vẫn đang là mơ ước... Mọi khi nó cứ nhìn đông, nhìn tây mà lan man như thế. Sau đó làm một giấc ngủ rồi dong bò về. Nhưng hôm nay nó không đầu óc đâu mà vẩn vơ những chuyện như vậy. Đang có một việc đột xuất chờ nó ở nhà. Nó chỉ lên lấy cuốn sách gài dưới mái chòi rồi xuống ngay.
Vừa mới sáng ra, hôm nay đã thấy ông Trạng Nguyên đến nhà. Vẫn đôi mắt toét nhèm, quần ống thấp ông cao, vẫn giọng lập bập quan trọng nói với mẹ nó:
- Hôm qua em để quên không đưa bác. Còn cái công văn. Bác cho người lên huyện lấy sách. Hợp tác xã ta được phân phối sản phẩm văn hoá. Nếu không lên người ta sẽ đưa vào kho, lúc muốn cũng chẳng được. Chả tội gì phí của trời!
Mẹ nó bảo:
- Nếu vậy chú cử thêm hai người nữa mang xe đạp đi mà lấy ngay đi.
Ông Trạng Nguyên vội xua tay:
- Xe đạp chở hết thế nào được. Hôm ở xã trên người ta phải mang xe cải tiến mới chở hết đấy. Mà xếp có ngọn nữa cơ. Ông Huyện oái oăm thật. Đang lúc này cứ cho vài tạ urê có tốt hơn không. Cho sách người làng mấy ai biết đọc? Hoạ chăng có đám trẻ con. Nhưng chúng còn đi học, cứ ôm quyển truyện cả ngày thì học hành gì?
Mẹ nó bảo:
- Chú nói ở đây với tôi thì được. Nói chỗ khác là không nên. Người ta sẽ bảo quan điểm, lập trường của chú chưa vững vàng. Trên có chủ trương việc gì là đã có nghiên cứu, ta cũng không thể không tin tưởng. Có sách báo mở mang dân trí, kinh tế càng phát triển chứ.
Ông Trạng Nguyên gãi đầu:
- Là em cứ thực thà như thế. Không tin tưởng trên thì tin ai? Nhưng mà cho chừng ấy sách vào lúc này em thấy nó thế nào ấy. Huyện đã cho thì ta cứ nhận. Chỉ có điều mang về để đâu? Không khéo chuột gặm thì rách việc.
- Tạm thời cứ mang về văn phòng ban quản trị. Tủ đựng sách, nhà văn hoá ta làm sau.
- Vậy em lấy thêm ba xã viên nữa đi cùng bác nhé.
Mẹ nó gật đầu. Ông Trạng Nguyên thập thĩnh đi ra ngõ. Bộ quần áo gụ cũ chuyển màu giun đất chẳng có vẻ gì là ông Trạng. Người ta gọi thế chẳng qua là bông đùa nhân cái tên gọi là Nguyên của ông mà thôi. Tên là Nguyên mà đời ông toàn chuyện dở dang. Bố mẹ mất sớm, vợ bỏ nhà đi. Ông có chân trong ban quản trị là nhờ thành phần cơ bản. Là anh cố nông, cốt cán từ cải cách ruộng đất. Có thời làm công an xã, ít chữ làm một thời gian rồi nghỉ. Ông như cái giẻ lau tay. Cán bộ hợp tác xã, cán bộ xã hễ cần đến người làm việc gì là gọi ông. Mở kho lấy ngô giống, thóc giống - Gọi ông Trạng Nguyên.
Nhập kho thóc dự phòng, đỗ lạc dành cho xuất khẩu - Gọi ông Trạng Nguyên...
Đến cái phích ở văn phòng hết nước, lo chè hết cũng ông Trạng Nguyên!
Có chân trong ban quản trị, ông hầu như không phát biểu ý kiến bao giờ. Trừ khi người ta gặng hỏi ông mới ậm ừ nói không rõ câu. Âm ngữ mờ mờ đục đục, phải có người khác tóm tắt ý kiến của ông mọi người mới hiểu. Nhưng không cuộc họp quan trọng nào ông không có mặt. Bởi vì nếu ông vắng mặt ai là người lo trà, thuốc cho các vị? Và việc gì quan trọng ông cũng biết, chỉ sau Bí thư, Chủ nhiệm.
Ông cũng tự thấy mình quan trọng. Trong túi áo nâu to đút vừa quyển vở lúc nào ông cũng có quyển sổ bìa nhàu nát. Bìa sổ không biết dính các thứ nhựa gì, xam xám đen đen như nhựa khoai lang. Túi bên kia là nửa cái khăn mặt nhuộm nâu để đỡ xà phòng vì xà phòng rất hiếm và đắt. Cái khăn ấy được dùng để chấm vào đuôi mắt khi nhử xanh kéo ra quá nhiều. Cũng có khi dùng lau mồ hôi mỗi khi có việc phải vào bếp. Mà cái bếp ở trụ sở ban quản trị không mấy khi tắt lửa. Mùi sào nấu luôn từ đó toả ra khắp làng. Thời khó khăn, chẳng có của cải gì để người ta tham nhũng như vài chục năm sau đơn vị tính bằng cây vàng, nhưng tệ ăn uống thì thật là ăn tệ ăn hại.
Trên túi áo ngực ông còn có thêm cây bút Trường Sơn mỏ cái nắp lộ ra bên ngoài. Bút mầu đỏ, quản bị dập quấn bằng mấy vòng chỉ khâu. Mỗi khi cần sự viết phải tháo cổ bút ra, bóp mạnh vào cái săm đựng mực mới viết được vì nó luôn bị tắc. Cái lưỡi gà két đầy cặn mực tim tím trong ướt, ngoài khô không chịu xuống mực. Cả làng chỉ có lão Kính méo muồn là có cây bút Pắc Ke. Người ta đồn nhờ cây bút ấy lão Kính làm được cả thơ. Lão ca ngợi bờ vùng bờ thủa, ca ngợi phân xanh, ca ngợi công ơn Đảng Bác. Lão thường đọc cho mọi người nghe vào những đêm văn hoá của làng. Một số bài đăng trên các báo ngoài Hà Nội. Có bài còn được ngâm trên đài. Kính méo nói lão đã dùng tiền nhuận bút mua cây Pắc ke làm kỷ niệm. Lão chỉ dùng nó cho việc sáng tác văn học. Còn các việc khác cần viết lách lão dùng bút thường. Loại bút ngòi bằng sắt trông như đầu lá lúa, quản bút bằng gỗ như mẩu đuôi chuột. Khi viết phải chấm ngòi vào lọ mực. Viết chừng nửa dòng phải chấm tiếp. Vậy mới có câu đố: " Không phải bò uống nước ao sâu, đi cày ruộng cạn " vài mươi năm nữa sẽ khó ai hình dung ra nó có hình dạng như thế nào. Còn bây giờ, cây bút này có thể nói là vật dụng có tính phổ biến rộng rãi trong cả nước.
Câu chuyện sáng nay giữa mẹ nó và ông Trạng Nguyên đã làm nó chú ý. Đây có thể là sự kiện đặc biệt đầu tiên xảy ra ở vùng này. Xe đi chở gạo, chở lúa mì cứu tế là chuyện hàng năm vì hợp tác chẳng mấy vụ cân đối được lương thực, năm nào cũng thiếu, cũng đói. Xe đi nhận vải vóc, thuốc men của phe ta viện trợ cũng có vài lần. Đi nhận sách vở, giấy bút cho học sinh được phân phối mỗi năm hai đợt.
Nhưng xe đi nhận sách văn hoá, văn nghệ thì là lần đầu có thể nói hàng chục, hàng trăm, hàng ngàn năm nay mới có. Một vùng quê không xa thủ đô là mấy mà tờ báo quyển sách được coi là chuyện hiếm hoi. Tờ báo được người ta chuyền ta nhau đọc đến lúc không còn đọc được nữa. Tức là nó nhàu nát hoàn toàn, mềm như dưa, không rõ chữ. Còn sách càng được chú trọng chăm chút hơn. Bìa sách được bọc bằng vải dày quét nhựa cây hồng cứng bằng sơn ta. Sách lúc nào cũng sặc mùi băng phiến chống gián nhấm, chuột gặm. Chỉ đọc mươi phút người mũi bị xoang, phế quản yếu sẽ ho sặc sụa. Người có bộ máy hô hấp bình thường còn bị say. Không phải sách hay mà người ta say. Mà mùi sách rất khó tả. Băng phiến nhiễm vào lâu ngày, mùi mồ hôi của nhiều người, cả mùi ẩm mốc do không có nơi để thoáng gió. Sách thường để dưới chiếu, gối đầu giường. Đủ loại phân tử hoại mục của môi trường sinh hoạt tạo thành một hỗn hợp mùi vừa chua vừa hắc vừa nồng rất khó chịu.
Nhưng có một quấn sách là một điều may. Một thế giới khác, con người chỉ bằng ý thức của mình thôi có thể xâm nhập, giao du, hưởng lạc trong đó. Niềm say mê đọc sách của nó trở thành kỳ quái. Nó có thể đọc từ sáng đến chiều quên chuyện ăn uống, nếu không bị mẹ sai đi làm việc gì. Buổi tối nó đọc tới khuya, ngủ khi nào không hay. Có hôm suýt gây ra hoả hoạn. May mà nhà nó đã thay mái tranh bằng mái ngói. Nếu không hôm ngủ quên nó quờ tay đổ đèn, lửa cháy lên màn, nhà nó đã không còn. Một tàn lửa rơi trúng mặt khiến nó hoảng hốt tỉnh dậy, giật vội chiếc màn đang cháy nhem nhem.
Hôm nay nó sẽ dong bò về sớm. Nó sẽ đợi ở nhà. Thể nào khi sách về người ta sẽ vào báo cho mẹ nó biết. Những bông hoa gạo xoay tít rơi xuống như có ai chủ ý nghịch ngợm. Cũng không làm nó hứng thú theo dõi như mọi khi. Cả đám đánh trận giả đang chui rào rào vào nương mía của lũ bạn nó cũng không để tâm đến. Có đứa nào đó nheo nhéo gọi, nó cũng lờ luôn.
Nó phốc lên lưng bò, hai chân quặp chặt vào nách chỗ hai chân trước con bò, quất cho nó lồng lên. Con bò tỏ ý không bằng lòng, cứ quay cổ lại gặm vớt chút cỏ. Nó nhảy xuống quật túi bụi, con bò mới vùng vằng chịu ra đường. Nó vội chứ con bò đâu có tội. Đã là bò thì sách chẳng là gì. Cỏ mới là thứ quan trọng. Nó nghĩ như thế và thôi không đánh con bò hai bên bụng còn lõm sâu, có ý thông cảm. Ra đến đường to con bò mới chịu phóng nhanh. Nó thích thú cúi rạp xuống ra roi như người ta cưỡi ngựa. Lát sau nó đã về đến nhà. Bà nội nó đang ngồi đầu hè cạo tay khoai. Thứ khoai mọc dưới ruộng nước có những vòi dài bằng ngón tay nó mọc ngòng ngèo. Bà kém mắt nhưng những tay khoai bà cạo rất kỹ, không sót tý vỏ ngứa nào. Những ngón tay nhăn nhúm của bà rờ kiểm tra từng mẩu tay khoai. Chỗ nào sót bà lại cạo lại.
Bà không nhìn thấy những tai bà lại rất thính. Nghe tiếng chân bò là bà biết nó đã về. Bà hỏi:
- Còn sớm sao mày đã về hả cháu?
- Nó đáp:
- Cũng sắp trưa rồi bà ạ!
Bà cau mặt:
- Gà đẻ đã lên ổ đâu mà đã trưa. Mày chỉ được cái trí trá. Tưởng bà không nhìn thấy nói gì cũng được à?
Nó ứng biến:
- Hôm nay nó đẻ muộn bà ạ!
Bà đứng dậy rờ rẫn đi vào nhà. Nó buộc bò ngoài gốc bưởi rồi vào theo. Bà đưa cho nó cái gói bằng lá chuối tươi, bảo:
- Có miếng bánh đúc cô Thực cho, bà dành cho anh em chúng mày đây. Ăn đi rồi vào nhóm giúp bà tý lửa. Nấu cơm kẻo nắng lên lại nóng.
Vẫn chưa thấy thằng em về. Em nó học thường không thuộc bài, lâu lâu lại bị thầy giáo phạt. Thầy không đánh nhưng bắt đứng úp mặt vào tường, phải về sau cả lớp mười lăm phút. Nó đã cố nhắc em và chỉ bài cho nó. Nhưng em nó vào tai này ra tai kia, không nhập tâm được chữ nào. Chỉ được cái tròn như cối lỗ. Nhà ăn uống chẳng có gì mà hai má nó cứ phinh phính. Mông đít tròn như cái rá con. Được cái nó cứ hễ nằm xuống là ngủ, bên mép rãi chảy ròng ròng. Bà nội bảo mẹ nó với thằng em hợp tuổi. Mẹ với nó đều cùng mệnh thuỷ. Thuỷ với thuỷ không xung khắc như hoả với hoả, hoặc kim với kim. Nó chưa hiểu xung, hợp, thuỷ, hoà là gì. Nhưng thấy mẹ thương em nó lắm tuy bà không sinh ra nó. Mẹ bảo em nó dễ ngủ là thần kinh tốt. Nó vặn lại: Thần kinh tốt sao nó học kém thế. Mẹ nó bảo:
- Nó chưa đến tuổi - Nhưng thằng này về sau khá, nó không nghịch ngợm như mày. Học giỏi cũng tốt, nhưng có tài không có đức thì làm gì?
Nó ấm ức. Tài là gì, đức là gì nó chưa hiểu rõ. Còn nói như mẹ thì không ổn. Chẳng có ai như mẹ nó, quý con người hơn con mình. Mấy năm trước thằng em còn bé đi họp tối nào mẹ cũng cõng nó kềnh kềnh trên lưng. Những người cộng sự của bà khen nó má lún đồng tiền, mẹ cười hở hết cả lợi. Con trai má lún đồng tiền có gì hay? Người ta lại khen nó ngoan, nó hiền lành. Thực ra nó là thằng bé nhút nhát. Những đứa ngu ngốc thường nhút nhát. Nhưng người ta lại hay lầm là kẻ hiền lành. Chỉ được cái nó bảo sao thằng em không cãi lại, vì thế nó cũng không bực và không đánh em bao giờ.
Nó ăn nửa miếng bánh, còn một nửa dành cho thằng em. Bánh đúc là thứ bánh của người nghèo. Ngoài bột gạo hoà nước muối chả có nhân nhị gì. Có người không xay gạo ra bột mà ninh cả hạt rồi đánh cho mịn. Thêm ít nước vôi trong và tý hàn the cho dai bánh. Mãi về sau này nó mới biết hàn the chính là Pooc môn, thứ hoá chất độc hại. Còn bây giờ bánh đúc không có hàn the không ai mua vì nó vừa nhớt vừa bở, lại nồng nữa.
Sáng đi thả bò chưa ăn gì vào bụng. Bánh đúc lúc này ăn đến đâu tỉnh người ra đến đấy. Đúng là thứ bánh ăn lành bụng. Nó thấy đỡ cồn cào, nhưng lại rất thèm. Giả như có ăn hết cả chỗ dành cho thằng em thì cũng không đã. Nó đang tuổi ăn. Nó có thể ăn hết nửa mẹt bánh đúc mới gọi là nọ. Nhưng điều đó quả là khó. Mẹt bánh đúc nhà nó chỉ có vào dịp tết. Ngày dưng thế này lấy đâu ra giữa lúc củi thì như quế, gạo như châu thế này?
Nhưng thôi, không nghĩ chuyện ấy nữa! Làm người lúc nào cũng chỉ nghĩ đến chuyện ăn thì làm sao nên người? Bà nó đã bao nhiêu lần nói ra điều đó. Bà còn bảo: Người ta ăn để sống chứ không để ăn. Nó nghĩ bà nói thế không có gì sai. Nhưng bà lại chưa nói sống để làm gì? Những việc lớn nó không hiểu. Nhưng nhất định là phải làm một việc gì đấy.

ó
ó   ó

Sách chất đống trên hiên nhà trụ sở ban quản trị. Từng buộc, từng buộc mười cuốn một bó bằng dây đay. Toàn một thứ giấy đen sạn. Riêng sách kinh điển bìa đỏ hoặc xanh giấy ruột trắng hơn một chút. Loại giấy này về sau úa màu rơm, có cuốn gáy sách dày năm phân, nhưng có cuốn chỉ vài chục trang. Thể loại đủ cả: Kỹ thuật nông nghiệp, khoa học đời sống, vệ sinh phụ nữ. Nhiều nhất là sách chính trị, văn kiện đại hội đảng. Sách văn nghệ chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ gồm vài mươi cuốn.
Ông cậu nó đang nhờ ông giáo Ngọ phân loại sách ra từng thứ. Ông giáo cắt những miếng giấy nhỏ vuông vắn dán vào bìa sách. Tuỳ theo từng loại ông viết mã số sách khác nhau, để riêng ra từng chồng để sau này dễ tìm.
Ông cậu nó không có chân trong ban quản trị nhưng lại là trưởng ban văn hoá xã hội nên việc này ông có trách nhiệm. Với số sách lớn như thế này ông chưa biết xử trí ra sao. Đang thời phân phối bình quân nên sách cũng chia đều cho các xã. Chưa ai nghĩ tới việc có bao nhiêu người đọc và người ta cần loại sách nào. Gay nhất là nơi để sách. Không thể chất đống trong kho hay xếp vào góc nhà trụ sở. Vậy để đâu? Thôi thì việc này hợp tác phải lo. Nếu nó là thứ hàng hoá khác như đường muối có thể chia đều cho xã viên, hoặc chia theo ngày công lao động. Loại tài sản này không thể làm như thế. Đem chia xã viên vẫn nhận, không chê. Liệu người ta có đọc không hay đem dùng việc khác? Chẳng hoá ra tiền của Nhà nước phí phạm?
Lâu nay người ta vẫn quen cách chỉ đạo từ trên xuống. Trên cho cái gì dưới cứ việc nhận. Không cần biết dưới cần cái gì. Cho cái gì thích hợp và hữu ích hơn.
Hai người toát mồ hôi đến quá trưa mà vẫn chưa xong việc phân loại. Rồi còn phải làm danh mục nữa chứ.
Ông cậu nó bảo với ông Trạng Nguyên:
- Để ở đây thì không được rồi. Vướng lắm, không có chỗ họp hành. Hay là ta cứ chuyển đến nhà bà bí thư, rồi tìm cách giải quyết sau. Sớm muộn hợp tác cũng xây hội trường, bấy giờ dành hẳn một gian làm phòng đọc sách.
Ông Trạng Nguyên chưa biết nói thế nào. Ông đi nắng về mặt mũi nhễ nhại mồ hôi, lưng áo ướt đẫm. Thấy nói vậy cũng bảo:
- Cũng không còn cách nào khác. Nhưng mấy cậu xã viên đi lấy sách về cả rồi, không có người chuyển.
Cậu nó bảo:
- Ta chuyển chứ ai? Ông ra kéo cái xe bò vào đây!
Gọi là xe bò chứ thực ra là xe ba gác, có hai càng bằng sắt kéo bằng tay. Người ta buộc thêm sợi dây đầu xe khoác vào vai. Người kéo phải gò lưng, hai tay nắm hai càng cổ khoác dây cũng không khác con bò là mấy.
Ba người xếp sách lên xe, phải hai chuyến đầy mới hết. Chưa có trường hợp nào sách lại trở thành gánh nặng thế này. Ngoại trừ ông giáo Ngọ là cứ mân mê từng cuốn sách ra chừng thích thú. Cậu nó và ông Trạng Nguyên không mấy hào hứng.
Cậu nó nói câu pha trò:
- Tài sản quý đây. Chỉ tiếc là không ăn được ông Trạng Nguyên nhỉ.
Ông Trạng Nguyên cười méo mó, không nói gì. Nói ông Trạng Nguyên dang dở mọi đường thì không đúng hẳn. Sau khi người vợ đầu xinh đẹp được ban đội xây dựng cho bỏ đi thời sửa sai ông ở vậy hai năm. Sau đó ông lấy một bà luống tuổi. Bà này gần như không có tóc, lông mày trụi lũi, nhẵn thín, răng hô còn thêm bệnh vảy nến. Ngồi đâu bà ta gãi đấy, kéo lại được cái đẻ mắn, đẻ dày. Hiện thời trai gái ông có cả thảy năm đứa. Đứa nào mắt cũng đờ đẫn, chỉ có miệng luôn mấp máy. Hai bên khoé miệng lúc nào cũng rớt rãi lòng thòng. Nghe ông cậu nó nói thế ông nghĩ ngay những miếng đường khuôn. Miếng đường cũng to dày vuông vức, xin xỉn như những cuốn sách này. Giá các con ông được hai miếng đường bằng cuốn sách mặt chúng sẽ sáng lên. Mắt chúng đờ đẫn chẳng qua là do thiếu ăn lâu ngày. Cơm rau muối còn chưa đủ no lấy đâu ra đủ chất dinh dưỡng. Có cách gì biến những cuốn sách này thành những miếng đường nhỉ? Nước miếng trong miệng ông tứa ra như sắp được ăn đường vậy.
Trong khi mấy người lớn đang khổ sở lúng túng với đống sách thì nó mừng hớn hở. Xe ba gác không kéo được lên dốc cổng đành phải đỗ ngoài đường. Làng nó vườn nhà nào cũng đắp cao hơn đường. Thói quen chống lũ ngập từ bao đời. Người ta đào những cái ao rất sâu đắp đất lên vườn. Sau này các ao mới được lấp đi để lấy đất làm nhà. Đấy là chuyện của mấy chục năm nữa. Còn bây giờ lối từ ngoài đường vào nhà là cái dốc cao. Xe chở sách phải xếp tạm xuống đất vì không thể kéo lên được. Ông Trạng Nguyên còn đang lúng túng chưa tìm được người để khuân sách vào nhà. Nó bảo thằng em lấy cái quang hai anh em hì hục khuân vào. Ông Nguyên rờ túi còn mấy cái kẹo bột đưa cả cho nó. Chắc là khi sáng ở Huyện ông định mua về cho con bé con nhà ông. Thấy anh em nó sốt sắng ông đưa cho nó như một cách trả công. Thằng em nó đang vùng vằng vì bị nó ép khiêng sách, thấy có kẹo nó vui ra mặt.
Ông cậu nó và ông giáo Ngọ rủ nhau vào nhà cậu nó. Ông mang theo hai cuốn truyện hình như là " Người mẹ " và " Thép đã tôi thế đấy ". Ông cậu đồng ý cho mượn, chỉ dặn ông giáo giữ cẩn thận, xem xong thì đem trả. Ông giáo cười:
- Ông không phải lo. Người biết quý sách bao giờ cũng giữ cẩn thận. Món ăn tinh thần với tôi còn hơn rượu thịt kia ông ạ!
Ông Trạng Nguyên có vẻ không tin. Ông giáo người làng này mà chẳng giống mấy người làng. Mái tóc gợn sóng của ông lúc nào cũng chải, rẽ ngôi cẩn thận. Quần áo trên người tuy không sang trọng nhưng là thẳng nếp, luôn sạch sẽ. Thường khi thấy ông giáo cầm tờ báo cuộn tròn trong tay. Mặc dù chẳng ai quan tâm đến ý kiến của mình, ông luôn hiến kế với chính quyền xã. Khi thì thiết kế kiểu nhà kho chống ẩm, lúc quy hoạch hệ thống tưới tiêu nước.v.v... Người ta không bác ông ra mặt nhưng những sáng kiến của ông chẳng ai để mắt tới. Năm trước nó còn là học trò của ông. Từ hồi lên cấp II nó mới ít gặp ông. Nó không bao giờ quên những giờ kể chuyện của ông. Có những chuỵên trong sách giáo khoa và cả những chuyện không có trong sách. Chuyện nào qua ông kể cũng sinh động như thể nhìn thấy, nghe thấy hiển hiện ra trước mắt. Ông có cách tạm dừng câu chuyện ở đoạn thắt nút khiến học trò phải lặng đi rồi nhao lên xin thầy kể tiếp. Người ta bảo ông giáo còn làm thơ. Thơ của ông buồn, không gửi đăng báo bao giờ. Nét vui vẻ bề ngoài của ông như để che đi phần trắc ẩn bên trong. Vô tình một lần nó được mấy ông cán bộ trong khi chờ họp nói chuyện ở nhà nó: " Lão ấy có vấn đề. Lý lịch không rõ ràng ". Nó hỏi mẹ, mẹ nó mắng không nên để ý đến chuyện của người lớn. Tò mò mãi nó cũng biết được rằng: Ông giáo trước khi đi bộ đội đánh Pháp đã từng là việt quốc, việt cách. Một đảng phản động gì đấy. Sau này ông được cử sang Trung Quốc học, khi về cũng không được tin dùng. Việt quốc, việt cách là gì? Nó chưa hiểu. Chỉ biết nó là cái gì xấu xa ghê tởm không ai muốn dính vào. Nó lấy làm lạ là một người như ông giáo sao lại là thành phần xấu được?
Thỉnh thoảng nó vẫn đến nhà ông giáo mượn truyện. Không biết sách vở hay niềm đam mê của ông giáo nhiễm vào nó mà số phận nó sau này gặp nhiều trắc trở? Điều này thì bây giờ nó chưa nhận ra. Nó chỉ thấy sung sướng khi tìm được cuốn sách hay. Nó có trí nhớ khá đặc biệt. Xem xong một cuốn sách nó còn có thể kể lại cho bọn bạn nghe không sót một chi tiết nào. Nó còn bịa thêm cả những tình tiết mà trong sách không có, hoặc nó quên một đoạn nào đấy mà bọn bạn cứ há hốc mồm ra nghe.
Lão Kính méo mồm cán bộ xã rất nghiêm, nhưng lại hay kể chuyện cười, chuyện tiếu lâm. Nó không ưa các loại chuỵên ấy. Có lẽ cả xã chỉ có nó và lão Kính là biết cách kể chuyện. Tuy rằng mỗi người kể một thể loại khác nhau.
Tự dưng có một đống sách mang đến nhà. Dù người ta bảo chỉ để tạm nó cũng xếp cẩn thận vào cái hòm bằng gỗ sung có bốn chân cao quá đầu gối. Cái hòm mà cuối năm nay bà nó uất ông con trai là chú nó bổ ra làm củi. Bây giờ hòm trống rỗng, chỉ để làm bàn thờ khi giỗ, Tết. Nó xếp đầy hòm sách. Còn bao nhiêu chồng lên mặt hòm. Vẫn không hết. Nó buộc mấy thanh tre treo lên như kiểu xích đu xếp sách lên. Xung quanh vách gian nhà ngoài những sách là sách. Chỉ ít ngày sau nhà nó giống như một thư viện. Nó thành thủ thư tự nguyện vì không ai cắt cử và cũng không lương bổng gì. Nó có bạn các xã xung quanh đến. Đều là các cô, các cậu bé mê sách như nó. Chưa bao giờ nó thấy cuộc đời nó vui, có ý nghĩa như lúc này. Một thằng bạn nó rất thân, sau này có số phận đặc biệt tên là Thái. Từ nhà nó lên nhà Thái phải đi qua một cách đồng, quãng giữa có ngôi đình thờ một vị tướng quân thời Hai Bà Trưng. Ngôi đình thời cải cách ruộng đất từng là nơi đấu tô địa chủ. Phía sau đình là bãi đất rộng là nơi hành quyết những địa chủ trong vùng. Vẫn còn dấu vết những huyệt mộ chôn những người bị xử bắn, tuy hài cốt của họ đã được chuyển đi nơi khác khi cải táng. Đêm đêm nơi này đom đóm lập loè bay. Tiếng ếch nhái côn trùng kêu cũng rất kỳ quái. Những đêm trăng tỏ về khuya người ta còn nhìn thấy bóng người đi thoăn thoắt trên mái đình, trên những ngọn cây gạo cổ thụ cao sừng sững. Cả tiếng nỉ non phía sau đình. ít khi có người ngang qua đây vào lúc tối trời.
Từ buổi chơi với Thái vài lần hai đứa đi qua đây. Ban đầu cũng thấy chờn chợn, sau rồi quen, không thấy sợ nữa. Ông bố Thái là địa chủ xuống thành phần. Nhà cửa của ông lúc đầu bị tịch thu sau được trả lại. Năm gian nhà ngói, nền lát đá hoa rộng rãi mát mẻ hơn nhà nó. Ông bố Thái ít nói nhưng quý người. Nó đến chơi có gì ngon ông đều mang cho nó ăn. Tuy xuống thành phần nhưng ông vẫn ở diện chưa được vào hợp tác. Cả nhà vẫn làm mấy sào đất riêng lẻ ở cuối cánh đồng. Ông có cái xe đạp thồ khung Pháp đen trũi, nan hoa xe to như đũa ăn cơm, vành sắt gò như vành xe cải tiến. Mùa chuối ông buôn chuối, màu cau ông buôn cau. Cứ dọc đường Sơn Tây Hà Nội ông đi suốt năm. Khi từ nhà đi xe chở nặng ông đi bộ tay đẩy xe, xích xe tháo ra buộc gọn vào bên càng xe. Khi về lắp xích vào ông đạp xe, hai bên hai sọt thồ. Cái nghề lam lũ ấy nhờ nó mà ông kiếm được tiền, sinh hoạt trong nhà khá hơn. Thực ra nó chơi với Thái lại không phải vì việc ấy. Nhà nó nghèo, ăn uống thiếu thật, nhưng nó không quan trọng miếng ăn lắm. Ngay cả khi người ta mời mọc nó cũng rất ngại, không bạ chỗ nào cũng ngồi vào ăn. Một bữa ăn đấy, mấy bữa ăn đâu? Nó chơi với Thái vì thằng này có lắm sách hay. Hôm đầu tiên đến nhà, nó rất ngạc nhiên. Giữa vùng quê hẻo lánh thế này lại có một gia đình nông dân có cả tủ sách? Nó hỏi, Thái nói:
- Ông già tớ mê sách từ hồi còn trẻ. Ông còn định viết lách gì đấy, nhưng do thời thế ông bỏ ý định đó. Nhưng thói quen đọc sách ông vẫn giữ đến giờ. Đi chợ Hà Nội ông thường tìm vào hàng sách cũ thấy cuốn nào hay mua về. Lâu ngày tích lại thành tủ sách này.
Nó xem qua một lượt. Đủ các loại sách mới cũ nhưng chủ yếu là sách văn học. Nhiều nhất là văn học cổ điển Trung Quốc: Thuỷ Hử, Tam Quốc Diễn Nghĩa, Tây Du Ký.v.v... Còn có cả Những người khốn khổ, Vỡ mộng, Thép đã tôi thế đây... Nếu phải mua một lúc số tiền không phải nhỏ. Nhưng ông bố Thái mua lần lần từng cuốn một. Rồi cũng thành bộ. Có bộ mười mấy tập như Đông Chu Liệt Quốc, Tam Quốc. Cuốn nào cũng được ông bố Thái bọc bìa cứng quét sơn ta ở gáy sách. Nó xem mà mê mẩn cả người. Nhà nó cũng có hàng đống sách. Nhưng đấy là thứ sách thập cẩm, ngẫu nhiên người ta mang tới. Còn ở đây là sách bỏ tiền túi ra mua có chọn lọc. Chỉ cần xem thể loại sách có thể biết được sở thích hay tính cách của chủ nhà.
Thái có thể đi chơi bất kỳ lúc nào trừ giờ đi học ở lớp. Nó lại khác. Ngày hai buổi. Một buổi đi học, một buổi chăm bò. Nó chỉ đi chơi vào lúc chiều gần tối. Đến chín giờ tối là nó phải về vì mẹ nó không cho đi chơi khuya.
Chiều hôm ấy nó buộc bò vào chuồng, ăn tạm bát ngô bung. Thứ ngô để nguyên cả hạt, hoà nước vôi đãi sạch vỏ cứ thể bồi bằng trấu quanh nồi. Ngô là thứ lương thực chính của người đồng bãi. Cả năm chỉ được ăn cơm trắng vào ngày giỗ hay dịp Tết. Nhà khá ngô trộn muối vừng hay chút mật nước. Nhà nghèo chan nước tương, có khi ngô trộn muối trắng. Bà nó bảo ăn ngô nhiều vị béo, đỏ da. Nó không tin lắm, nhưng thấy có lý khi bà nói: Do ăn ngô mà con trai con gái vùng này có hàm răng chắc, mặt vuông chữ điền. Nó thấy quả có thế. Người vùng khác mới ít tuổi nhiều người đã món rụng gần hết cả răng. Còn mặt vuông chữ điền thì nhìn là biết, không sai. Có lẽ ăn ngô hạt nhiều bộ hàm phát triển. Thầy giáo chả dạy bộ phận nào trên cơ thể người vận động nhiều thì phát triển. Một ý nghĩ ngồ ngộ nảy ra trong đầu nó: Vậy những người nói nhiều lưỡi cũng to ra sao? Hay cái ông làm nghề thổi bóng đèn ngoài chợ, miệng cũng rộng hơn người thường à? Hình như không phải hoàn toàn như thế. Ông thợ thổi bóng đèn chỉ môi thâm hơn người khác còn mồm miệng cũng giống mọi người.
Chỉ hai bát ngô bung ăn với lá gừng kho tương nó thấy đã lưng lửng. Có thể ăn thêm bát nữa, sợ muộn nó cất luôn bát đũa. Nếu đói tối về ăn thêm. Ngô vừa đổ ra còn cả rổ không sợ thiếu. Dù cả nhà ăn bữa tối này cũng không hết được. Sáng mai còn đủ hấp lại ăn buổi sớm.
Nó vừa đi vừa chạy băng qua cánh đồng. Nếu có chiếc xe đạp khoảng cách này không là gì cả. Đi bộ mất hơn nửa tiếng, nó còn kịp về trước lúc trời tối hẳn. Thằng Thái vừa khoe có cuốn sách hay lắm. Hỏi tên sách nó không nói, thế mới bực chứ. Số sách người ta mang đến nhà nó đã đọc gần hết đầu sách hay. Sách văn học chỉ chiếm phần ít trong đám sách ấy. Phần còn lại chủ yếu là sách nguyên lý chủ nghĩa Mác - Lênin, bàn về chuyện này chuyện nọ của các nhà lãnh đạo trong và ngoài nước. Toàn sách lý luận với những thuật ngữ chính trị nó không hiểu. Ngoài ra một số sách kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, vệ sinh phòng bệnh là loại sách dành cho nhà chuyên môn chứ không phải là đứa trẻ như nó. Nó đang đọc dở bộ Tây Du Ký. Nếu không mượn được cuốn mới hay như thằng Thái nói, nó sẽ đọc tiếp tập Tây Du Ký tiếp theo. Thằng Thái cẩn thận. Nó chỉ cho mượn từng cuốn một. Xong cuốn này, trả nó mới cho mượn cuốn khác. Chắc nó sợ mất. Nó lại khác hẳn. Ai mượn nó cũng đưa. Nó nghĩ sách là tài sản chung không nên độc chiếm một mình. Nó chỉ ghi tên người mượn vào tờ giấy. Do sơ suất không biết bây giờ tờ giấy ấy nằm đâu. Nếu người mượn không tự giác trả, không biết ai mà đòi. Cẩn thận như Thái cũng có cái tốt. Nghe nói ở trên tỉnh và ngoài Hà Nội nơi cho mượn sách người ta còn bắt cược tiền.
Nó vừa đi vừa nghĩ miên man trong đầu, không chú ý đến cảnh vật xung quanh. Nếu bây giờ người ta chuyển số sách này đi và kiểm kê lại thì sẽ ra sao? Nó cảm thấy lo lo.
Nhà thằng Thái chiều nay có khách. Một ông khách ăn mặc không giống người trong vùng, nói tiếng lơ lớ. Nó hỏi nhỏ, Thái bảo ông này người Hoa ở chợ đầu đê. Làm nghề châm cứu. Năm 1978 sau này nó còn gặp ông một lần nữa trong chuyến tàu lên Lào Cai. Bây giờ ông đang châm cứu cho bố của Thái. Ông già mắc chứng tê thấp do bị khô khớp vì đi bộ nhiều. Ông người Hoa có một hộp kim bằng bạc. Trông giống kim tiêm nhưng dài hơn. ông dùng cồn châm lửa đốt kim để sát trùng, ngọn lửa xanh không có khói  mùi thơm nồng nồng. Dùng đoạn thước bằng sừng ông đo đạc cẩn thận lắm, những chiếc kim bạc cắm tua tủa trên lưng bố Thái mà ông già không thấy kêu đau. Mỗi khi mũi kim cắm vào người chỉ thấy ông già hơi nhăn miệng.
            Từ bé nó không thấy ai chữa bệnh kiểu như thế này ngoài những mũi kim ra thuốc men không thấy gì, chỉ có một lọ cồn nhỏ, dùng bông nhúng vào, xoa lên huyệt cắm kim. Mải mê xem, nó quên cả đường về. Thái an ủi nó:
            - ở đây ăn cơm với nhà tao, tối nay tao xuống nhà mày ngủ mai mới về.
Nó mừng quá hỏi lại:
- Chắc chắn nhá?
Thằng Thái khịt mũi:
- Quân tử không nói hai lời.
            Thái nói nó còn một vật lạ bất ngờ sẽ cho nó xem sau bữa cơm.
Nó nóng ruột muốn về nhà ngay, thấy nói thế đành ở lại. Vật lạ ấy là cái đài bán dẫn không cần cột ăn ten căng dây chót vót trên ngọn tre. Đó là hộp nhựa hình chữ nhật, bề mặt to bằng quyển vở. Đài chạy bằng pin khô không dùng pin nước tự chế như đài galen. Thái bảo đài này có hai bóng bán dẫn không dùng vàng non để dò làn sóng. Nhưng nói rất to cả nhà cùng nghe, chứ không phải áp vào tai mỗi một người được nghe. Nhà thằng này quả là nhiều sự lạ, nó chưa thấy bao giờ ở lại nghe tiếp chương trình tiếng thơ mới ra về, Thơ Tố Hữu, thơ Bùi Minh Quốc, thơ Sông Hồng. Nó lần đầu nghe Trần Thị Tuyết ngâm diễn trên đài. Khác hẳn ông Kính méo mồm ngâm ở sân hợp tác. Ngay cả cô Loan cuối làng được cả xã khen là tốt giọng, ngâm thơ hay cũng không thể bì.
            Thơ ngâm không rộn rã như ca nhạc thịnh hành, nó có cái gì xao xuyến lâng lâng rất lạ, nghe xong nó có cảm giác cảnh vật như đổi khác hẳn đi.
            Cuối cùng hai đứa cũng phải đi qua cánh đồng khu đình để về nhà nó, cũng may đêm nay trăng tỏ, có thể đọc sách dưới ánh trăng, cảnh vật rõ mồn một. Cả hai vẫn cảm thấy rờn rợn. Bỗng thằng Thái níu áo nó bảo dừng lại:
- Này mày nhìn lại xem, hình như ở cửa đình có dựng cái xe đạp?
- Ai ra đó giờ này mà để xe ở đây nhỉ?
Hai đứa ngơ ngác nhìn nhau, những  chuyện đồn thổi lâu nay lướt qua trong đầu, nó thấy lạnh sống lưng. Nhưng đầu óc tò mò lại xui nó nói ra miệng :
- Tao với mày thử lên xem sao?
Thái ngần ngại.
            - Nhỡ bọn trộm cướp đi hành nghề  ở đâu về qua đây thì sao? Có khi chúng lấy được vật gì nặng chưa kịp mang đi tạm giấu ở đây, gặp nó cho một nhát là xong đời. Tao không dại ?
            Nó khích bạn:
-    Mày đúng là gan con muỗi, nếu là bọn gian nó phải sợ người ngay chứ. Học “ Ba xây, Ba chống” rồi mà mày không biết à? Với lại mình bí mật theo dõi chứ đâu dể chúng biết, chần chừ một lúc thằng Thái cũng nghe theo nó, hai đứa nhặt mấy cục đá, hai tay cầm hai cục, còn đâu nhét vào túi áo túi quần. Cả hai rón rén bò dần lên gò đất cao. Chúng nấp sau bóng cây gạo đổ dài áp sát cửa đình. Ngoài chiếc xe đạp dựng ở trước đình ra không thấy gì nữa nó nhận ra cái xe đạp khung nam của lão Đởm nhờ ở cái ghi đông khác kiểu của lão. Nhưng lão đi đâu lên đây vào lúc này nhỉ? Nó hình dung ra nét mặt nghiêm nghị lúc nào cũng ra dáng  đạo mạo của lão. Con người từ lời nói đến dáng đi  đều có cái gì không thực, như để diễn ấy đến đây vì việc gì? Hay là có kẻ nào đó  lấy cắp chiếc xe của lão chưa kịp mang đi còn để  ở đấy? Chợt hai đứa nghe thấy tiếng rì rầm bên phía Tam quan, có tiếng phụ nữ cười khúc khích. Tuy còn nhỏ nhưng cả hai đều biết chuyện gì đang xẩy ra. Con người lão Đởm nom bề ngoài không ai nghĩ lão lại có tính chim chuột. Hoá ra tính cách bên trong với với vẻ bên ngoài của một số người nhiều khi cũng không thống nhất với nhau. Chỉ nhìn bề ngoài mà đánh giá người thì thật là sai lầm. Nó ra hiệu cho thằng Thái quay ra, chuyện này có gì hay ho đâu để mà tìm hiểu. Nhưng thằng Thái lại không nghĩ như nó, trong cái túi nó có cái đèn ba pin mọi hôm bố nó dùng để đi chợ sớm. Thường ông đi từ lúc ba  giờ sáng mới kịp ra Hà Nội bán hàng. Mấy hôm nay ông ở nhà chữa bệnh nên nó mang theo. Trời sáng trăng nên nó không cần đèn, lúc này nó lấy ra bấm lên soi vào Tam quan. Trước mắt hai đứa là đôi trai gái đang tồng ngồng. Nhìn rõ cả cái mông và cả khoảng lưng rộng của gã đàn ông. Thấy động cả hai  vùng dậy vơ vội quần áo bỏ chạy ra sau đình hai đứa được một trận cười vỡ bụng. Chúng quay trở ra, đi được một quãng thấy lão Đởm đạp xe đuổi theo. Lão bảo hai đứa đứng lại, cả hai vừa sợ vừa buồn cười, nhưng cố nén không ra ra tiếng. Lão Đởm bảo:
- Hai đưa biết đâu bỏ đó không được nói ra với ai. Truyện người lớn, chết người không phải đùa. Thằng Thái ra vẻ thành thật:
- Chúng cháu không nói, chú cứ yên tâm!
Lão Đởm thọc tay vào túi quần, lấy ra gói kẹo. Có thể là gói kẹo hai người mang theo để ăn, lão đưa cho nó. Nó định không cầm nhưng thằng Thái đón lấy. Lão Đởm dặn dò thêm mấy câu rồi quay lại, chắc là lão quay lại đón người đàn bà kia. Nó chợt nhớ ra rằng lâu nay lão Đởm đi họp thường hay đèo cô Lan kế toán đi cùng,  hai người trước mặt mọi người nói chuyện đứng đắn nên không ai ngờ. Cô Lan da trắng tóc dài, eo người như người thành phố, mắt cô đen láy, đuôi mắt sắc lẻm. Người như thế mà chồng đi vắng hàng năm nay. Chồng cô đi làm công tác đặc biệt , không ai biết là đi đâu. Có thể vào Nam hay sang Lào. Bộ đội như chồng cô không đến những nơi ấy thì còn đi đâu ?
Mãi sau này, khi thôi bồ bịch  với ông Đởm cô quay sang cặp với ông cậu nó, cũng có thể vì cô mà cậu nó về sau mất hết cả địa vị, tiền tài khi ông làm chủ nhiệm HTX Tín dụng. Nhưng đó là câu chuyện mười mấy năm nữa mới xẩy ra. So với cô Lan, vợ lão Đởm không khác gì con cóc xấu xí bên bông hoa hồng. Mụ lưng dài thườn thượt, chân tay một dóng. Đã thế lông mày chổi xể,  mắt trắng như mắt Trương Phi, mũi sư tử sần sùi trên cặp môi vừa cong vừa dày. Nếu không có cái vườn rộng chắc gì ngày xưa lão Đởm chịu làm rể? Bởi vì hình thức bề ngoài lão Đởm đâu có đến nỗi. Giá mà cô Lan là vợ lão có phải xứng đôi không? Tất cả mọi sự khập khiễng thường dễ sinh chuyện.
Lão Đởm đang làm trưởng ban Kiểm Soát, thành viên Ban quản trị dưới quyền mẹ nó. Nhưng lão lại có liên hệ ngành dọc với bên công an. Tuy chức tước không to, nhưng nhiều người e ngại, người ta còn nói lão có đường dây lên huyện lên tỉnh rất bí mật. Có những vụ việc lão báo cáo thẳng lên huyện không qua xã. Hệ thống chính quyền khi nào cũng vậy, nó luôn tồn tại cả hai hình thức, vừa công khai vừa bí mật. Trong lúc Thế giới có hai hệ thống, hai phe, trong nước chia cắt hai miền, cuộc đấu tranh ai thắng ai giữa hai con đường thì cơ cấu chính quyền như vậy là đương nhiên.
ở tuổi nó những điều đó chưa tỏ tường lắm. chỉ qua câu chuyện của các bác, các chú đến nhà trao đổi với mẹ nó hiểu lơ mơ như vậy.
Cố nhiên sự việc bắt gặp lão Đởm vừa rồi nó không muốn nói ra. Không phải nó yêu quý gì lão mà vì nó nghĩ là không nên. Biết đâu như vậy là nói xấu cán bộ? Là cái tội người ta sợ nhất vào lúc này. Không cẩn thận là bị quy kết vào phần tử có vấn đề. đang thời giám điệp, biệt kích ráo riết hoạt động, những biểu hiện như vậy không có lợi gì.
Nhưng Thái thì không như vậy. Hồi cải cách bố nó bị bắt trói giam ngoài đình. Bố nó chưa quên khi có người múc cho gáo nước lão Đởm bắt được, giằng lấy hắt đổ đi, những lúc vắng vẻ bố nó thường nhắc chuyện này cho cả nhà nghe.
Tuy đêm đó ngủ ở nhà nó, thằng Thái không nhắc gì đến chuyện lão Đởm, sớm hôm sau về nó kể cho bố nó nghe, không biết bố nó thù lão Đởm viết ra bài vè hay là ai đó.
Mấy ngày sau có một tờ giấy dán trước cửa trụ sở uỷ ban. Bài vè tục tĩu tố cáo lão Đởm dan díu với cô Lan.
Lão Đởm có nghi ngờ nó bép xép để lộ ra hay không thì nó không biết. Nhưng gặp lão nó chào, lão tím mặt không trả lời. Chữ viết rõ ràng là của người lớn nhưng trẻ con có nói ra thì người lớn mới biết được chứ !
Tưởng đâu câu chuyện kết thúc ở đó. Không ngờ lão Đởm  thâm thù. Hai tháng sau nhân dịp kiểm kê tài sản hợp tác xã lão đưa ý kiến kiểm tra số sách huyện đầu tư về . Theo lão nói sách cũng là thứ tài sản, còn quý hơn tài sản vật chất vì nó có giá trị tinh thần lâu dài, không như các loại tài sản khác chỉ có giá trị nhất thời.
Người ta kiểm kê lại thiếu mất mấy chục cuốn sách văn học là loại có giá tiền cao hơn các loại khác. lão Đởm bác bỏ lời trình bầy của mẹ nó, dù mẹ nó nói toàn là sự thật. trẻ con sơ xuất mang luỵ cho người lớn. Lão còn nói:
- Hôm tôi họp trên huyện có qua hàng sách cũ thấy có cả sách của ta vì bìa sách có dán kí hiệu rõ ràng. Nếu cháu chót dại đem bán sách của tập thể thì đồng chí phải dỗ nó đi chuộc về.
Mẹ nó biết nó không làm chuyện ấy nhưng bây giờ nói ra ai tin? Nó cho mượn có ghi danh sách nhưng lại làm mất tờ giấy ghi. Cuối cùng mẹ nó lại phải nhận nộp lại số tiền theo gía của số sách bị mất. Thế là cái xe đạp mẹ nó giành dụm mua để lấy đường đi đành phải bán. Bà còn chịu kiểm thảo trước chi bộ về chuyện thất thoát tài sản của tập thể .
            Đã mấy chục năm qua đi, những câu chuyện cũ gã nhớ lại như nó vừa xẩy ra. Hồi người ta gọi gã là Nó. Nó thế nọ, nó thế kia.. tai nạn sách vở chữ nghĩa xẩy ra với gã từ lúc mới tập tững vào đời.
Sau việc xẩy ra ở bãi vàng gã bị bắt giam ở Huyện. Những ngày trong lòng muôn lỗi buồn lo, những việc cũ lại có dịp nhớ về. Quá khứ quả thực là một gánh nặng, một áp lực mà trên bước đường đời không dễ cất đi cho nhẹ nhõm thơi thả cõi lòng.




Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thơ phát!


THƠ CON NHÁI!

(Thân tặng các nhà thơ bất đắc dĩ, bất đắc kỳ tử)

Em ơi đừng nhắc lòng anh buồn
Ngày mai  anh trở về đi buôn
Buôn bấc, buôn chì, buôn muối mặn
Văn cóc, văn gừng..
mình quên luôn!

Đã dại thôi đành
già vẫn dại
Tin cậy người ta chẳng thể khôn.
Thời ấy gọi vui rằng mở cửa
Trắng đen hai cửa khó khăn luồn

Không biết cúi đầu, không uốn gối
Chữ để mà chi – Nghĩa không còn?
Xưa trách tệ “thằng Tây, con đĩ”?
Giờ trách ai đây,
dép đã mòn!

Béo bở gì đâu ba mẩu vụn
Đổi bằng tim óc, đổi bằng yêu!
Muối đã chẳng thành
Quên xừ nó
Sắm gánh sắm gồng về non cao!

Thôi em đừng nhắc
nhìn thêm bực
Ta lại như xưa, có làm sao?
Đi bán đi buôn, lo cày cấy
Thân khổ mà chi, chuyện quên sầu!

Lâu lắm mới vần vè thơ thẩn..
Lết mấy đường quê

quên tình đau!
Phần nhận xét hiển thị trên trang

CHÔN RƯỢU ( Thơ của NGỐ )


Bình rượu còn nguyên
ba ngày tết
bạn bầu năm cũ ai người sang?
Mới biết ngàn năm, ngàn năm nữa
Phù thịnh _ Phù suy.. chuyện vẫn thường!

Thì vẫn người dưng
người dưng cả
Văn chương thi phú chẳng ngó ngàng
Chưa cũ mà nay thành chuyện cũ
Chỉ mới thêm nhiều kẻ khom lưng

Đã thấy, đã từng..
không thể khác
Mơ mộng mà chi chuyện hão huyền!
Bịt mắt khó ngăn dòng nước ác
Bưng tai không cản sấm bão rung!

Ngơ ngác giữa đời
ai khôn dại?
Tết này vơ vẩn một mình ta
Không trách, không hờn, không giận dỗi..
Ngàn năm xưa cũ ngàn năm mà!

Một mình rượu nhạt, vần thơ nhạt
Ta rót cho ai chén tơ vò?
Thôi đành chôn rượu ba tầng đất
Thắt kín miệng bình
mấy câu thơ!
                

Phần nhận xét hiển thị trên trang