Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 9 tháng 2, 2014

Năm mới, năm mung!

chào em năm mới

alt
 
chào em năm mới năm mung
mùa xuân ta, đã tuyệt không trở về

nơi này trái đất vàng hoe
chẳng ai còn muốn thốt thề chi đâu
chỉ con chim vút qua trời
nhả ra mấy tiếng mấy lời nín thinh....

chào em hoa thắm cành xanh
(ở mô chứ ở nơi anh chẳng còn)
từ khi sông suối đau buồn
chảy chưa hết những ngày đông xế tà

chào em để giật mình ta
cứ như năm mới đã là năm xưa.

30-1-2014


hoàng lộc

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Về một pho tượng:

Hoàng Thị Hồng Chiêm, .hy sinh 17-2-1979 để bảo vệ biên cương.


HOÀNG THỊ HỒNG CHIÊM

Người nữ anh hùng hy sinh sáng 17-2-1979 , trên tuyến biên giới phía Bắc những năm tháng ấy, cùng với Lê Đình Chinh, tên của Hoàng Thị Hồng Chiêm được ngợi ca như một biểu tượng của tuổi trẻ giữ nước, 


Sau khi chị hy sinh, tên của chị được đặt cho ngôi trường cấp 2 xã Bình Ngọc (Móng Cái-Quảng Ninh) là trường Trung học cơ sở Hoàng Thị Hồng Chiêm. Ở góc trường có bức tượng chị Chiêm bằng xi măng đặt trên bệ đá, tay trái cầm khẩu AK, tay phải cầm thủ pháo, mắt nhìn thẳng kiên nghị về phía trước, chân dẫm lên chiếc mũ quân Tàu...


Vậy rồi gần 4 năm trước, năm 2010, cũng không biết vì lý do gì, trường không còn mang tên Hoàng Thị Hồng Chiêm nữa, quay lại với tên cũ là trường THCS Bình Ngọc. 


Bức tượng của chị ở sân trường cũng được quét nhiều lớp nước vôi rất dày để làm mờ đi dòng chữ ghi tên chị trên thân bệ đá. Chúng tôi đến bên chân tượng ngước nhìn lên, có lẻ dường như chị Chiêm không hề quan tâm đến chuyện ngôi trường thay tên hay dòng chữ tên mình bị làm chìm mờ ẩn khuất. Dù bức tượng chỉ được đắp bằng xi măng thô mộc và vụng về song thật kỳ lạ, từ gương mặt chị, ánh mắt vẫn rực lên những thần thái tinh anh và bất khuất, như lời bài hát của nhạc sĩ Thế Song viết năm nào về chị : “ Bọn giặc thù tàn ác đến giày xéo quê hương/bao hờn căm rực cháy trong tim/Hoàng Thị Hồng Chiêm chiến đấu hiên ngang..Mang dòng máu Bà Trưng oai phong/Muốn đời còn ghi mãi chiến công/Đây người con gái trên đỉnh Pò Hèn..”


Facebook Le Duc Duc

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Lẻ tẻ thơ:

thế lực đen
 
tất cả mọi thứ đều có thể xảy ra
trong thế giới của sự tàng hình
làm biến mất con tàu vũ trụ
biến mất đời sống
ụp lại hai cái nồi không đáy
thành một hình trụ thống phong
em cứ rúc đầu vào đó hít thở khí trời
hoặc chổng ngược mình cạp đất
bằng thế trận của kẻ thức thời
có cái ăn
bốc hốt                 và rờ rẫm
 
 
 
long way
 
phim kéo màn ảnh dài ra
những người mặt dài. ngồi
ngáp dài
buổi khai tân ế. vắng
con đường quốc lộ
 
 
 
văn. và người
 
khi văn chương cạ đáy lìn
sẽ bung ra nhiều bợn cơm cháy
mặt đỏ táo tàu
và giấy bút làm thinh sọt rác
 
khi con người được hít thở khí trời
tự do không còn là của đáng tội
khi mánh mung chôm chỉa bít bưng lao tù
không bao lâu có kẻ đăng đàn chúa ngục
 
 
 
giữa mười hai
 
hoa gấm giữa bồ đoàn
chợt ngồi lên phật sống
em không cần mưu toan
bởi cuộc đời manh động
 
hãy ngân nga như chuông
cho chiều về tịch lặng
và đi quanh nỗi buồn
một ngày buồn. không nắng
 
một mùa mưa không dài
hong khô rồi chéo áo
níu lại gần tóc tai
chút dương trần. rất vội
 

 
 
 
 

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Flappy Bird: Người Việt đố kỵ, thế giới tung hô


Một người Việt thành công với game gây sốt toàn cầu.  Báo chí nước ngoài tung hô, vui mừng thì chính người Việt Nam lại tỏ ra nghi ngờ, “dìm hàng” Flappy Bird. Người Việt thật sự thông minh để bắt lỗi hay chỉ đơn thuần là sự đố kỵ nhỏ nhen?Flappy Bird: Người Việt đố kỵ, thế giới tung hô
Câu chuyện bắt đầu từ một bài báo nước ngoài. Sau đó, một số Việt Nam chỉ đưa lại, đồng thời khai thác “sự gian lận" trong việc tăng top của Flappy Birds. Trong khi các báo nước ngoài đưa những thông tin thú vị về game, những phản ứng độc đáo của người dùng thì người trong nước chăm chăm bắt lỗi, chê bai một trong những thành công sáng giá của game Việt. 
"Hãy để tôi được yên" là điều mà Hà Đông mong muốn lúc này​.
Từ nghi ngờ gian lận, chê bai cách chơi là điều khiến cho tôi thấy rằng, người Việt hình như đang đố kỵ với con số 1 tỷ đồng/ngày mà tác giả thu được. Thấy người khác giỏi hơn thì mình phải tìm cách “dìm hàng” để thấy rằng: Cái thằng đấy, nó chỉ ăn may thôi chứ thực ra game của nó chẳng ra gì! Chẳng ra gì mà cả thế giới chơi, chẳng ra gì mà cả thế giới phát cuồng. Chưa kể clip này, clip khác phát cuồng vì Flappy Birds thì người Việt chọn cách im lặng. Im lặng để cho nó xuống, chứ mình tung hô thì nó lại ngon hơn mình thì sao.
Flappy Bird thành công vì cái gì thì ai chơi cũng tự nhận ra. Nếu chỉ nhờ may mắn, chỉ nhờ gian lận, liệu nó có "lừa" được cả triệu người để đứng vững trên bảng xếp hạng suốt hơn 3 tuần? Còn chuyện ăn cắp bản quyền, chỉ từ một status để rồi cả một cộng đồng dè bỉu, chê bai tác giả? Nước ngoài họ quan trọng vấn đề bản quyền như thế mà còn chẳng thấy trang nào nói, Nintendo còn chưa có phát ngôn chính thức, ấy thế mà người mình cứ xồn xồn lên như thể phải đòi tiền ngay rồi.
Tự nhiên thấy, người Việt cứ chửi Hàn Quốc là lắm trò và vớ vẩn. Song cứ nhìn cái vớ vẩn Gangnam Style “hot” đến như thế nào trên thế giới, cứ nhìn cách người Hàn ủng hộ Gangnam Style mà thèm. Đến bao giờ, người Việt mới biết bỏ qua cái tính đố kỵ vặt vãnh để ủng hộ những con người thành công đích thực.
Bài viết của tác giả có nickname Bới Lông (Vitalk)./Một Thế Giới

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Ngày Xuân nhớ Nguyễn Khải

Lê Phú Khải


Ngày 15-3-2008 Nguyễn Khải qua đời.
Các báo quốc doanh nhất loạt đưa tin Đại tá nhà văn  quân đội Nguyễn Khải đã qua đời. Điện thoại bàn nhà tôi réo liên hồi.  Người ta muốn tôi viết bài về Nguyễn Khải. Sự nghiệp văn chương của ông  thì cái giải thưởng Hồ Chí Minh đã nói đầy đủ.
Người ta muốn có những  “kỷ niệm”, những câu chuyện về cuộc đời, về nghiệp văn của ông để… báo  bán chạy hơn. Tôi từ chối. Thấy tôi từ chối đến mấy lần, bà xã nhà tôi  bảo: “Thôi thì người ta nhờ, ông viết cho người ta. Ông cũng quen Nguyễn Khải mà”.

Tôi biết viết gì cho báo chí quốc doanh về Nguyễn Khải, nhà văn mà tôi đã từng nghe tiếng thở dài não nề của ông qua năm tháng?

Nguyễn Khải bảo tôi: “Nhà văn Việt Nam bị ba đứa nó khinh, thứ nhất là thằng  lãnh đạo nó khinh, thứ hai là độc giả nó khinh, thứ ba là đêm nằm vắt  tay lên trán… mình lại tự khinh mình!”.

“Mình lại tự khinh mình” thì đau quá!!! Vì thế, tôi không lấy gì làm lạ, không ngạc nhiên tý nào khi đọc bài bút ký chính trị Đi tìm cái tôi đã mất của ông sau ngày ông từ trần ít lâu. Một con người mang tâm trạng suốt đời  như thế mà vẫn phải sống, vẫn phải viết để tồn tại thì nhất định sẽ phải  để lại một cái gì trước khi ra đi, để “cáo lỗi” với hậu thế. Nguyễn  Khải chính là nỗi đau đớn trên hành tinh này của một người cầm bút và  nhất định ông phải đi tìm “cái tôi” đã mất ở thế giới bên kia. Theo tôi, bài bút ký chính trị đó là bản án nghiêm khắc nhất, sâu sắc nhất ... đối với giới cầm bút ở nước ta. Phương Tây đi trước phương Đông về thể chế văn minh, đã đặt tên cho  giới nhà văn là “personnel littéraire” trong đó danh từ “personnel”  (giới) không ngẫu nhiên mà trùng với tính từ “personnel” (mang tính cá  nhân). Cái “pẹc” (personnel) mà Chế Lan Viên hay dùng để ca ngợi cái cá  nhân, cái tôi… của nhà văn làm nên sự khác biệt, làm nên cái riêng,  phong cách của một cây bút, đã bị .. biến thành bầy đàn thì còn gì là văn chương chữ nghĩa. Vậy mà cả đời phải cầm bút trong một ..bầy đàn như thế, Nguyễn Khải đau là phải. Không đau mới lạ…
clip_image003
Nguồn: T.N. – Tuổi Trẻ
Nguyễn Khải khi còn ở đường Nguyễn Kiệm, tôi đến chơi, thấy nhà cao cửa rộng,  phòng khách sang trọng, tôi khen rối rít. Ông tâm sự, thằng con trai  đang làm ngành hàng không, lương mười mấy triệu một tháng, nó bỏ, ông  lo lắm. Nó nói hết giờ chỉ ngồi tán gẫu phí sức lực của nó, nên nó ra  kinh doanh và giàu có. Căn nhà to tát này là của nó.

Ở  cái nhà như cái lâu đài thế mà ông chỉ nói chuyện buồn. Buồn lắm. Ông  kể: “Thằng con tôi hay đi mua sách về đọc. Mẹ nó mắng: Sách của bố mày  đầy ra đấy, sao không đọc mà phải đi mua. Nó nói: Sách của bố viết không  đọc được! Mẹ nó mắng: Không viết thế thì lấy cứt mà ăn à (!)” Tôi nghe  đến đấy thấy… choáng quá! Tôi không ngờ Nguyễn Khải có thể nói ra điều  đó với tôi và ông bạn tôi là giáo viên Văn, dạy chính những bài văn của  ông trong sách giáo khoa. Cái thứ văn nếu “không viết thế thì lấy cứt mà  ăn…”! Chính anh bạn này đã đưa tôi đến chơi với Nguyễn Khải ở ngôi nhà  sang trọng này. Dằn vặt, đau khổ đến tận cùng nên nhà văn mới thốt ra  những lời như thế.

Dịp kỷ niệm 50 năm báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn, sau khi tổ chức ở Hà Nội, còn được tổ chức ở TP HCM, tại  dinh Thống Nhất. Là cộng tác viên của báo, tôi cũng được mời. Tôi gặp  Nguyễn Khải và nói với ông rằng, tôi có đọc trên báo Văn Nghệ một bài mô tả một ông nhà văn nổi tiếng chuyên đi về Thái Bình, viết về  Thái Bình… rồi đặt câu hỏi: Vậy mà sự kiện bạo loạn ở Thái Bình xảy ra  rung chuyển dư luận trong ngoài nước, không biết trước đó ông nhà văn  nổi tiếng kia đã nghe được cái gì, thấy được cái gì mà chẳng thấy ông  báo trước được gì… Tôi bảo Nguyễn Khải: “Rõ ràng là người ta chỉ trích  anh đấy!”. Nguyễn Khải nghe tôi nói chỉ cười rồi bỏ đi. Anh bạn biên tập viên báo Văn Nghệ trong ban tổ chức buổi lễ đứng ngay cạnh tôi,  khi Nguyễn Khải đi rồi, anh bảo tôi: “Bài đó chính Nguyễn Khải viết, ông  ấy đến toà soạn năn nỉ bọn tôi đăng. Ông ấy nói: Thôi thì mình chửi  mình trước đi, người ta thương, sau này không chửi nữa”.

Ít lâu sau Nguyễn Khải lại dọn về ngôi nhà bảy tầng lầu ở đường Tôn Đản  Quận 4. Nhà đó cũng của con trai ông mới xây. Đây là một trong những nhà tư nhân có cầu thang máy sớm nhất ở TP HCM. Ngôi nhà này là văn phòng  công ty của con ông. Anh ấy để bố ở trên tầng 7, có sân thượng rộng,  thoáng mát. Khi tôi đến, anh chàng bảo vệ công ty mặc đồng phục như cảnh sát, nhìn tôi từ đầu đến chân rồi hất hàm hỏi: “Kiếm ai?” Tôi nói:  “Kiếm ông Nguyễn Khải, bố của ông chủ anh”. Y hỏi: “Kiếm có việc gì?”  Tôi nói: “Anh báo với ông Nguyễn Khải là, tôi là Lê Phú Khải kiếm ông  Nguyễn Khải để… đòi nợ!”. Tay bảo vệ vội vào phòng thường trực gọi điện.

Khi lên đến lầu 7 rồi, tôi bảo Nguyễn Khải: “Tôi đến để đòi nợ bài ông hứa viết cho tạp chí Nghề Báo đây!”.  Nguyễn Khải chưa cho tôi về ngay, giữ ở lại ăn trưa và bảo tôi nằm  xuống sàn… nói chuyện như mọi lần. Đó là cách tiếp khách quen thuộc của  ông. Hai người (nếu là ba người cũng thế) nằm xuống sàn, đấu đầu vào  nhau thành một hàng thẳng… mà nói chuyện. Theo Nguyễn Khải thì nằm như  thế nói chuyện được lâu, đỡ mỏi lưng.
Hôm đó  Nguyễn Khải nói với tôi: “May quá ông ạ! Bữa trước ông Nguyên Ngọc đến  đây, nếu nó đưa ông ấy lên phòng khách ở lầu 3 thì tôi xấu hổ không biết chui vào đâu!”. Tôi hỏi: “Vì sao?” Nguyễn Khaỉ trả lời: “Vì ở lầu 3 tôi có treo cái bằng giải thưởng Hồ Chí Minh. Ông Nguyên Ngọc mà không được giải thuởng HCM mà tôi lại được thì xấu hổ quá!” Ngẫm nghĩ một lúc ông  nói: “Nguyên Ngọc quyết liệt lắm, tôi không thể có cái quyết liệt ấy.  Tôi hèn lắm!”

Nguyễn Khải là thế. Một nhà văn  tên tuổi như ông mà nhận mình hèn thì ông không hèn chút nào. Ít nhất  ông cũng là một con người chân thực, có liêm sỉ. Bút ký Đi tìm cái tôi đã mất của ông là một áng văn bất hủ. Một “hiện thực muốn có” bên cạnh một hiện  thực “không muốn có” là nền văn học hiện thực XHCN xuất hiện ở Việt Nam. Người ta hay nói đến một “chủ nghĩa hiện thực không bờ  bến”… phải chăng…

Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt  đã đến viếng ông. Khi người ta bảo không còn chỗ trong nghĩa trang thành phố để an táng ông, ông Kiệt đã nói: “Lấy xuất của tôi cho Nguyễn Khải”  (!).

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Bảy, 8 tháng 2, 2014

9 công dụng chữa bệnh tuyệt vời của lạc

 Theo VnMedia


Lạc không chỉ được được chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn mà ăn lạc còn có thể ngăn ngừa được một số bệnh nguy hiểm mà bạn có thể chưa biết.
  
  
1. Giảm cân
Nhiều người vẫn thường nghĩ rằng, hàm lượng chất béo trong lạc được coi là quá cao vì thế những người muốn giảm cân, đặc biệt là béo phì cần loại trừ thực phẩm này. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia dinh dưỡng cho biết rằng, các sản phẩm từ lạc có thể giúp bạn kiểm soát trọng lượng và ngăn ngừa béo phì rất hiệu quả.
Các chuyên gia dinh dưỡng đã tìm thấy axit folic trong lạc, nó chứa rất nhiều axit không bão hòa đơn béo, làm giảm cholesterol trong máu cao. Ngoài axit folic, lạc cũng chứa nhiều cellulose hữu ích, một vai trò rõ ràng về chất thải đường ruột, không gây béo phì.

2. Tốt cho tim

Một số lượng lớn các nghiên cứu đã chỉ ra rằng lạc, bơ lạc và các sản phẩm từ lạc khác giúp bảo vệ tim, có tác dụng tốt trong phòng chống các bệnh tim mạch. Những người thường xuyên ăn lạc và các sản phẩm từ lạc, có thể hạ thấp tỉ lệ mắc bệnh tim mạch 35%. Đặc biệt là phụ nữ, phụ nữ mãn kinh thường xuyên ăn lạc có thể giảm tỉ lệ mắc bệnh mạch vành.

3. Làm hạ cholesterol

Không chỉ giúp tăng cường trí nhớ, niacin trong lạc còn giúp hạ thấp và kiểm soát nồng độ cholesterol trong máu. Mặt khác, nhờ chứa nhiều lượng đồng nên khi ăn lạc sẽ giúp tăng lượng cholesterol có lợi và giảm lượng cholesterol có hại.
  
                
  
  
4. Ngăn ngừa lão hóa
Lạc chứa polyphenol tự nhiên ngoài việc giảm kết tập tiểu cầu, bảo vệ tim còn có tác dụng chống lão hóa rất tốt.

5. Tốt cho xương

Trong hạt lạc cũng có chứa một lượng nhỏ canxi và vitamin D. Cả hai chất này hợp tác với nhau giúp tăng cường sức khỏe của xương, bao gồm cả tốt cho sức khỏe của răng.

6. Ngăn ngừa sỏi mật

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện thấy rằng, những người mà ăn ít nhất 58 gam lạc hoặc bơ lạc mỗi tuần có thể giảm nguy cơ mắc bệnh sỏi mật là 25%.

7. Tăng cường trí nhớ

Một số nghiên cứu cho thấy, ăn lạc có khả năng tăng cường được sức khỏe cho não. Lí do là trong củ lạc có chứa nhiều vitamin B6 hay còn gọi là niacin. Đây là chất giúp não hoạt động bình thường và tăng cường trí nhớ.

8. Tốt cho "chuyện ấy"

Theo một công trình nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc trường đại học Linkoeping, 
Thụy Điển, thường xuyên ăn lạc sẽ tốt cho "chuyện ấy" ở đàn ông. Trong lạc có chứa rất nhiều nitric oxide. Đây là thành phần kích thích guanylate cyclase phân hủy guanosine triphosphate chuyển thành cyclic guanosine monophosphate. Các chất này sẽ làm tăng khả năng cương cứng lâu hơn bình thường. Do vậy, đàn ông muốn tăng sức hoạt động tình dục thì nên tăng cường thực đơn lạc trong bữa ăn.

9. Ngăn ngừa ung thư

Chất teta-sitoserol ó trong một số loại dầu thực vật như đậu, lạc không những giúp chống lại bệnh tim mạch bằng cách can thiệp vào sự hấp thụ cholesterol, chúng còn chống lại bệnh ung thư bằng cách ngăn chặn sự phát triển của các tế bào.

Ngoài ra, theo Đông y, lạc có tác dụng bổ tì vị, nhuận phế, tiêu đờm, điều hòa huyết khí, tiêu sưng, cầm máu, lợi tiểu, tăng tiết sữa, mát họng. Khi bị mất tiếng hay phù chân, thiếu sữa, táo bón, huyết áp cao, viêm thận…, bạn có thể dùng lạc để chữa.
Lưu ý: Lạc rất tốt cho sức khỏe, nhưng những người cơ thể nóng không nên lạm dụng. Những người già yếu, tiêu hóa kém nên ăn ít. Những người có bệnh về mật không nên ăn. Những người bị bệnh tắc nghẽn mạch máu, bị độc dính máu cao không được ăn lạc. Đặc biệt, lạc mốc có chứa nhiều chất gây ung thư, gây ngộ độc nên khi sử dụng phải loại bỏ các hạt mốc, hỏng.
  Theo VnMedia
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Đức điên mà không phải điên!

Dễ vay vốn doanh nghiệp phá sản /Nhiều bao cấp văn thơ phá bỉnh



Nguyễn Hoàng Đức

Đã sang năm mới nhưng dường như ngành văn thơ vẫn chưa hề làm công việc “tống cựu nghinh tân”. Mỗi cơ thể sống, mỗi ngày phải thanh toán cả triệu tế bào da để giúp cho làn da tươi tắn. Không dọn nền cũ thì chẳng ai có thể xây cất một ngôi nhà mới. Không dọn mặt đất thì cũng chẳng ai có thể đào xuống những vỉa quặng đã lộ thiên. Ở nước ta đã từng có chuyện, mỏ than kia chỉ bới đất lên để lấy than, thời gian đầu năng xuất rất cao, nhưng càng xuống sâu thì lớp đất bới vội vàng phía trên cản trở việc lấy than bên dưới, rút cục năng xuất ngày càng xuống thấp, chính vì sự cản trở của việc làm qua loa cẩu thả. Tống cựu nghinh tân không phải chuyện của một năm, mà là của mỗi ngày như phương ngôn của người xưa “Nhật tân, nhật nhật tân, hựu nhật tân”. Điều ấy vô cùng dễ hiểu và giản dị như mặt trời làm mới trái đất mỗi ngày với ban mai tinh khôi và hoàng hôn xán lạn.
Kinh tế là mối quan tâm sống còn của mọi người cũng như toàn xã hội, như phương ngôn của người Việt “đồng tiền liền khúc ruột”. Có nghĩa đồng tiền là nuôi sống ngay từ giữa dạ dầy, và nó còn có thể nâng cánh con người lên tiên như “có tiền mua tiên cũng được”, hơn thế còn có thể đảo điên cả luật pháp như “nén bạc đâm toạc tờ giấy”. Nhưng kinh tế của chúng ta đang lâm vào khủng hoảng rất nghiêm trọng. Sự nghiêm trọng ở đây, không chỉ là thiếu vốn, mà còn nghiêm trọng gấp bội khi nó không bao hàm bất kỳ thứ nguyên lý nào để níu giữ nó. Triết gia Hegel nói “Khi dựng nhà, người thợ đều phải dựng đứng cột vuông góc với mặt đất, có thế tòa nhà mới đứng vững”. Nhưng nền kinh tế của chúng ta liệu có dựng lên những nguyên tắc để đứng vững, hay nó chỉ là cách lướt sóng ăn ngay?! Bới đất lên moi vốn tự có, rồi thì trơ ra cả một đống rác ùn ùn xung quanh, giờ làm sao giải quyết đống rác tồn động đó mà không mất tiền để trả công?
Cụ thể mới đây các chuyên gia kinh tế nói: vì được ưu tiên vay vốn quá dễ dàng, nên các doanh nghiệp nhà nước làm ăn không hiệu quả, vu vơ, đầu tư ngoài ngành, xuất hiện các thứ “lỗ giả lãi thật”, vốn ảo, vốn chéo… chẳng khác gì một công trình bị ăn bớt thập diện tứ phía, làm sao ngôi nhà không bị lung lay? Và từ đó người ta thấy không thể nào sống sót nếu không tái cơ cấu, muốn làm ăn có lãi thì các doanh nghiệp phải tuân thủ qui chế thị trường, đầu tư, xây dựng. Phải cổ phần hóa, để thoát khỏi tình trạng “cha chung không ai khóc”…
Hình ảnh hàng vạn doanh nghiệp phá sản cho chúng ta một bài học quá rõ ràng, đó là: khi hưởng quá nhiều ưu tiên về vốn, người ta đã ỉ lại, dễ dãi làm ăn, tạo ra những sản phẩm “nhanh nhiều tốt rẻ” để rồi rút cục: mọi thứ đều rơi về trọng lượng thật – tiền nào của ấy. Của rẻ thành của ôi, của thối, không bán được. Thành phá sản.
Nhà văn, nhà thơ  bao cấp của chúng ta cũng vậy. Tại sao các cây bút lại ào ào chen lấn vào cửa Hội Nhà văn? Đơn giản vì muốn được hưởng ưu tiên. Thôi thì được quyền leo vào rân rồng văn nghệ, có khác gì mấy con cua con ốc được bày bán trong sạp “chợ Đồng Xuân”, tiện thể được xét giải, khéo chạy chọt thập thò một chút dễ ẵm giải như bỡn. Còn nếu không vào Hội thì sao? Của mình là kim hoàn chắc gì có chỗ bày bán để người ta biết đến? Còn mơ đến giải thưởng ư? Khác nào gỗ quí tận thâm sơn cùng cốc kiếm cơ hội vào cung vua phủ chúa?!
Mới đây, khi trò chuyện với nhau, mấy nhà văn cán bộ thừa nhận: Hội nhà văn hàng nghìn người ư, liệu có được mấy cây bút biết viết văn? Có một bài viết rất nghiêm túc chỉ ra: số cây bút Việt nổi tiếng nhiều hơn tác phẩm. Vậy có nghĩa là gì? Những người nổi tiếng này, nhiều khi chỉ là một bài thơ hay không có, cuốn sách càng không, tiểu thuyết cũng không… vậy họ nổi tiếng bằng cái gì? Tất nhiên là bằng tất cả những gì thuộc tâm lý nghe hơi nồi chõ, bày đàn, truyền miệng. Bây giờ là thời xum xuê công nghệ truyền thông, thì số lượng tác giả không tác phẩm lớn nổi tiếng lại càng tăng vọt.
Xu thế tự túc, tự giác, cổ phần hóa để chịu trách nhiệm về số vốn của mình, cũng như trách nhiệm về lối đầu tư và phát triển của mình đang là xu thế tất yếu của thời đại. Điều này đã được minh thị quá rõ ràng ở Việt Nam khi hàng vạn doanh nghiệp được ưu tiên vốn đang ngắc ngoải trong cơn phá sản. Vậy mà trớ trêu thay hàng năm vẫn thấy cảnh cả trăm cây bút đang thập thò lách vào cửa Hội Nhà văn, rồi tưng bừng đánh trống ghi tên, điểm danh như học trò. Có một phương ngôn chọc cười rằng: “Trung quốc có Tào Ngu mà không ngu. Việt Nam có Đoàn Giỏi mà không giỏi”. Có người còn bình: trời ơi làm sao người giỏi mà lại có một đoàn kia chứ?
Tại sao có tình trạng này? Chỉ có mỗi một cách trả lời: vì người ta yếu ớt quá mới phải chạy chọt tìm kiếm sự ưu tiên về vốn. Và càng ưu tiên về vốn người ta càng chỉ có tác phẩm nhanh nhiều tốt rẻ bất tài mà thôi. Thiết nghĩ, nền văn chương muốn tiến bộ cũng nên nghĩ đến “cổ phần hóa” cũng như giải thể để cơ cấu lại, sao cho mỗi cây bút biết tự lực tự cường, đi trên chính đôi chân của mình, cũng như viết văn bằng chính cái đầu, quả tim và bàn tay của mình. Hãy nhớ dù hát to vẫn chỉ là tốp ca. Còn hát hay dù bé vẫn cứ là đơn ca. Giọng đơn ca hay mới khó, còn tốp ca thì gom đâu chẳng thành, từ nông trường, đến hợp tác xã, cứ gom người lại bắt nhịp là thành tốp ca thôi.
Nền văn học bao cấp quá lâu làm cho chúng ta chỉ thấy người ta khoe tài bằng cách: túi của tôi có nhiều tem phiếu, nhiều giải thưởng mậu dịch hơn anh. Còn khoe giọng đơn ca ư, xin lỗi chúng tôi chỉ quen hát tốp ca?!
NHĐ  06/02/2014

Phần nhận xét hiển thị trên trang