Tạp chí XƯA&NAY
Số 443, tháng 1 năm 2014
Nguyễn Hữu Hiếu
MIẾU GIA LONG GẮN LIỀN ĐỊA DANH “CÂY ĐA BẾN NGỰ Ở VÙNG SA ĐÉC HƠN 200 NĂM QUA. MIẾU ĐƯỢC XÂY TRÊN NỀN ĐỒN HỒI OA (NUỚC XOÁY-LONG HƯNG) XƯA CỦA NGUYỄN ÁNH TRONG CUỘC NỘI CHIẾN TÂY SƠN-NGUYỄN ÁNH TRÊN ĐẤT NAM BỘ. NGÀY NAY MIẾU TỌA LẠC BÊN BỜ RẠCH NUỚC XOÁY THUỘC ẤP HƯNG MỸ TÂY, XÃ LONG HƯNG A, HUYỆN LẤP VÒ, TỈNH ĐỒNG THÁP, BÊN CẠNH MỘT SỐ PHẾ TÍCH KHÁC.
1. Trong suốt 13 năm (1777- 1789) nằm gai nếm mật chiến đấu với quyết tâm phục thù, khôi phục quyền lực của dòng họ Nguyễn trên đất phương Nam; nhưng trước lực lượng không cân sức, quân Nguyễn Ánh bị đánh tan tác mỗi khi thiên tài quân sự của Nguyễn Huệ xuất hiện trực tiếp điều binh khiển tướng. Tàn binh Nguyễn Ánh phải bốn lần rời bỏ đất liền ẩn náu ở các đảo trong vịnh Xiêm La, hai lần lưu vong sang tận Vọng Các.
Rút kinh nghiệm xương máu qua các lần thất bại thảm hại, nên sau lần bại trận ở Rạch Gầm-Xoài Mút (1785), Nguyễn Ánh nghĩ đến phải có một căn cứ vững chắc ở nội địa. Nên mặc dù đang lưu vong ở Xiêm, nhưng Nguyễn Ánh vẫn cài người ở lại tìm thế đất, lòng người thích hợp, lo việc xây dựng căn cứ.
Vùng Nước Xoáy-Tân Long- Sa Đéc (sau là Long Hưng), có vị trí chiến lược trọng yếu, nên được chọn. Vùng này nằm giữa sông Tiền và sông Hậu, gần Sa Đéc, là điểm tựa tiến sang Ba Giồng, qua Bến Lức áp sát Sài Gòn, đồng thời là đầu cầu rút xuống Cà Mau, Kiên Giang ra Thổ Châu, Phú Quốc… vốn con đường tiến thoái quen thuộc của Nguyễn Ánh suốt hơn mươi năm qua. Với mạng lưới sông rạch chằng chịt, trong sông Tiền, sông Hậu là hai trục chính, được nối liền bởi sông Cường Thành (Hội An), đất đai lại trù phú; nếu tận dụng các lợi thế đó, có thể biến nơi đây thành một căn cứ vững chắc.
Ngoài ra, còn một yếu tố khác được Nguyễn Ánh đặc biệt lưu tâm, đó là con người. Cũng như cả Nam bộ, ngoài đặc điểm chịu khó, cần cù, thông minh, sáng tạo… trong lao động khai phá và sản suất, con người ở đây ứng xử rất có tình có nghĩa. Họ rất trọng nghĩa khí, sẵn sàng ủng hộ, hy sinh vì việc chung của xóm làng, vì nghĩa lớn của quốc gia dân tộc. Đồng thời cũng rất sòng phẳng, rạch ròi trong việc đền ơn đáp nghĩa. Thời bây giờ, họ không đánh giá Tây Sơn và Nguyễn Ánh như chúng ta ngày nay. Bên cạnh tư tưởng tôn phù chính thống, họ còn biết ơn các chúa Nguyễn, thế lực đã giúp họ có cuộc sống tốt hơn ở quê cũ, mà hiện thời Nguyễn Ánh là hậu duệ sau cùng. Những hành động cụ thể của họ, đã thể hiện thái độ ứng xử linh hoạt, minh bạch, tình lý đối với Tây Sơn và Nguyễn Ánh trong từng thời điểm. Nói cách khác là họ xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa nghĩa ân với chúa Nguyễn và quyền lợi dân tộc.
2. Trong Đại Nam thực lục tiền biên ghi, Nguyễn Ánh về đồn trú ở Hồi Oa (Nước Xoáy) vào tháng 10 năm Đinh Mùi (1787), tức là chỉ hai tháng sau khi về nước.
Tên gọi căn cứ là Hồi Oa/ Nước Xoáy, là gọi theo tên của đồn chính, đóng tại Hồi Oa/ Nước Xoáy. Trên thực tế, căn cứ này có qui mô bề thế của một hệ thống đồn, bảo, tháp canh, cản đá, hầm hào kể cả xưởng đúc rèn binh khí, xưởng đúc tiền… trên một khu vực rộng lớn trải dài từ sông Tiền đến sông Hậu, từ sông Hội An đến vùng hậu bối Sa Đéc. Với qui mô như thê thì hệ thông căn cứ này không thể xây dựng trong một sớm một chiều mà thành được. Chỉ riêng việc đắp cản đá trên các cửa sông rạch (đá hàn) thôi, cũng phải cho người đến tận núi Sam (Châu Đốc) lấy đá chở về, phải mất khá nhiều thời gian. Mặc dù không còn tư liệu liên quan; song, chúng ta có thể suy đoán rằng, lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của Đông Định vương Nguyễn Lữ do không đủ lực lượng và khả năng, Nguyễn Ánh cho người về qui tụ dân chúng địa phương tiến hành xây dựng.
Như vậy, việc xây dựng căn cứ Long Hưng không thể diễn ra âm thầm lén lút, vì phải tập trung khá đông dân phu và công việc kéo dài khá lâu, có khả năng hoàn tất trước khi Nguyễn Ánh về nước. Vì ngay khi Nguyễn Ánh về trú đóng, hệ thống đồn bảo ở đây đã phát huy tác dụng; bằng chứng là vào tháng 10 năm Đinh Mùi (1787) tức là ngay sau khi Nguyễn Ánh về Nước Xoáy, quân Tây Sơn kéo đến bao vây đánh phá, nhưng không hạ nổi đồn này, vì quân Nguyễn Ánh dùng súng đại bác bằng gỗ bắn bằng hột cau khô, đẩy lui được quân Tây Sơn(1). Điều đó khẳng định, căn cứ này được xây dựng trước khi Nguyễn Ánh về nước.
Căn cứ vào một số dấu vết còn sót lại, có thể chia khu căn cứ này thành hai bộ phận: khu trung tâm và bộ phận ngoại vi.
- Khu trung tâm: gồm đồn Nước Xoáy, bên bờ rạch Nước Xoáy, nền đồn được đắp cao, nước không ngập rộng khoảng sáu công tầm điền (khoảng gần 10.000m2), dĩ nhiên chung quanh có thành đất và hào sâu, mặc dù ngày nay không còn dấu tích gì. Để bảo vệ đồn chính trong tầm gần, hai bên có đồn tã, do Hoàng Văn Khánh và Tống Phước Ngoạn; đồn bên hữu do Nguyễn Văn Trương và Tô Văn Đoài trấn giữ. Hai đồn này, chung quanh có thành đất. Phía hướng ra sông Tiền, trên một chi lưu của rạch Nước Xoáy có xây dựng một hệ thống bờ cản bằng đất và một số tiền đồn cùng trạm canh. Nên về sau con rạch có tên là Bờ Rào. Ngoài ra, còn có một xưởng rèn, đúc binh khí ở thôn Tân Mỹ (dấu tích là con rạch mang tên rạch Xưởng) và một số đồn, trạm canh (ở Tân An Trung nay còn có địa danh là Thủ Củ).
Miếu Gia Long được xây dựng trên nền đồn này. Nguyên đồn được xây dựng bằng đất, dĩ nhiên đến giờ không còn lại bao nhiêu dấu tích. Khoảng năm 1925-1926, hai ông Nguyễn Văn Dần và Nguyễn Văn Cứng(2) ghi chép đơn giản là đồn Hồi Oa (Nước Xoáy) thuộc làng Long Hưng, quận Lai Vung tỉnh Sa Đéc, dấu vết vẫn còn. Hiện còn dạng nền khi Nguyễn Ánh về trú đóng cùng với cây da, nơi khi buồn ông thường ngự đến câu cá, nên được gọi là “Cây da bến ngự”. Một tác giả khác(3) mô tả chi tiết hơn, đồn vuông vức độ sáu công đất, thuở ấy nền đất được đắp cao, đến nay vì quá lâu nên lỳ xuống, nhưng vẫn còn cao hơn đất tự nhiên đôi chút, không bị nước ngập, thành đắp bằng đất… Về hướng tây, cận cái xẻo nhỏ, xuồng ghe có thể vào được. Hướng đông và hướng bắc giáp ruộng tư điền. Hướng nam có cây da và rạch Nước Xoáy.
Đến nay chưa rõ miếu Gia Long được xây dựng lúc nào. Sách Sa Đéc Nhơn vật chí ghi vào đời vua Tự Đức năm thứ hai (1849) đại thần Doãn Uẩn lúc làm Tổng đốc An Hà, có dựng một tâm bia tại nền đồn làm dấu tích(4). Đất nền đồn này về sau thuộc quyền sở hữu của ông Trương Văn Quảng, ông này để đất cho cây cỏ mọc tự nhiên, không dám canh tác.
Vào những năm 1920, khi làm chủ quận Lai Vung, ông Nguyễn Đăng Khoa thường đến đây thăm viếng, chiêm bái và nhắc nhở dân địa phương hãy gìn giữ cỗ tích(5). Như vậy có khả năng, miếu được xây dựng vào cuối thế kỷ XIX hoặc đầu thế kỷ XX. Trong kháng chiến chống Pháp, năm 1946, nhân dân và du kích Long Hưng đã đào ngay gốc cây da bến ngự cho nó bật rễ ngã xuống rạch Nước Xoáy, làm chỗ tựa đắp cản, ngăn tàu giặc Pháp.
Qua thời gian miếu hư sập, không được tôn tạo. Vào năm 1958, khi vùng này thuộc tỉnh Vĩnh Long, tỉnh trưởng Khưu Văn Ba đi kinh lý trong vùng, được nhân dân địa phương tặng một bộ lư cổ bằng đá ong, cho là một di vật của Gia Long. Từ đó, miếu được trùng tu tái tạo, gọi là “Cao hoàng thái miếu”(6). Miếu được xây bằng gạch lợp fibrô-xi măng, trên nền cao 0,30m, kích thước: 5,35m x 3,30m.
Sau khi miếu xây dựng xong, địa phương có thuê ông Nguyễn Văn Hạt, làm từ, lo việc nhang khói, quét dọn. Lúc bấy giờ có ông Đặng Văn Côn, nhà ở trong ngọn rạch Chùa bứng được một cây da con trong bộng cây, đem đến trồng cạnh miếu, thay thế “cây da bến ngự” ngày xưa. Theo các vị cao niên, từ ngày trồng đến nay, sau gần 50 năm, cây da mới có dáng dấp hao hao cây da ngày xưa.
Sau khi ông Quảng qua đời, đất này thuộc quyền sở hữu của con ông là Trương Văn Gấm. Ông Gấm bán cho Hội thánh Cao Đài xã Long Hưng 1.000m2 làm cơ sở Phước Thiện. Sau năm 1975, cơ sở này trở thành Trạm Y tế-Hộ sinh xã.
Khoảng năm 2000, tường và mái của miếu hư sập, nền gạch bị bong ra, loang lổ, một cửa ra vào và hai cửa sổ không còn cánh cửa. Bên trong có một bệ thờ, vài món đồ khí tự đơn giản rẻ tiền…ngã đổ lăn lóc, chứng tỏ cả một thời gian dài không có bàn tay chăm sóc của con người. Từ bờ rạch Nước Xoáy nhìn vào là tường rào đã bị sụp đổ với cổng vào. Phía sau cổng là cặp nghê đá, bên trái là cây da với cành lá, rễ phụ sum suê to lớn, lá khô rụng đầy trên mặt đất, kế đó là miếu Gia Long. Sau miếu là khu đất Phước Thiện và trong cùng là đám bạch đàn, được trồng trên nền đồn. Nay miếu được xây lại trên vị trí và kích thước cũ.
- Bộ phận ngoại vi:
+ Về phía tây:
Thuộc lưu vực của các sông rạch: Lấp Vò, Hội An (sông Cường Thành), Mỹ An, Mỹ Hưng, Thủ Ô, một phần sông Sa Đéc ăn thông với rạch Nước Xoáy, ở mỗi vàm rạch, vàm sông đều có đồn hoặc tháp canh, lớn nhất là đồn Hội An và đồn Cường Thành (Lấp Vò)… Để ngăn cản, làm trở ngại cho chiến thuyền Tây Sơn tấn công, di chuyển trong vùng căn cứ, Nguyễn Ánh cho binh lính lấy đá từ núi Sam (Châu Đôc) hàn bít một số cửa sông, vàm rạch. Trên một con rạch ăn thông với rạch Lấp Vò ở thôn An Hòa Đông, nơi có nhiều nông dân nhiệt tình ủng hộ, Nguyễn Ánh thiết lập một sở đúc tiền, nên về sau rạch này mang tên là Trường Tiền (nay thuộc ấp An Mỹ, xã Hòa An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) .
+ Về phía nam:
Thuộc lưu vực của rạch Lai Vung, Long Hậu và các chi lưu của chúng. Để bảo vệ đồn trung tâm, ở Nước Xoáy và bảo đảm cho đường rút lui khi cần, trong khu vực này, Nguyễn Ánh cho binh lính xây đắp hai cái bảo lớn:
Một là Bảo Tiền, nay còn phế tích nằm cách bờ rạch Cái Bàng khoảng 250m, ở ấp Long Định, xã Long Thắng. Bảo Tiền rộng khoảng gần một hecta, được đắp cao hơn mặt đất tự nhiên gần một mét, chung quanh có hào sâu; phía ngoài có tường thành bằng đất cao gần 4m, vuông vức mỗi cạnh 150m. Bốn góc thành có thiết trí bốn ụ súng đại bác. Từ rạch Cái Bàng dẫn vào bảo bằng một con kinh. Tại vàm kinh có một đồn canh, gọi là đồn Thổ Sơn. Cách đồn Thổ Sơn khoảng 100m có thành lập một trường bắn (nay thuộc đất của ông Văn Đăng Điệu). Hàng ngày binh lính ở Bảo Tiền ra đây luyện tập. (Đến nay, khi cày ruộng hoặc đào mương thỉnh thoảng nông dân phát hiện những viên đạn chì tròn cỡ viên đạn bắn “cu ly” của trẻ con).
Khoảng 30 – 40 năm về trước, bảo còn sót lại một cái nền cao, rộng khoảng bốn hecsta trên mọc toàn là cây tràm. Từ xa nhìn như là một hòn núi nhỏ nổi lên giữa cánh đồng mênh mông, xa cách xóm làng. Trên cái nền đất đó có một ngôi miếu nhỏ bằng tre lá đơn sơ nhưng kiến trúc theo kiểu thượng hiên hạ lầu. Bên trong có một bàn thờ với bài vị ghi bốn chữ: “Bách quan cựu thần”, hai bên có bàn thờ Tả ban, Hữu ban… đồ khí tự bên trong đơn sơ với nội dung thờ cúng như một bàn thờ ông bà trong gia đình. Miếu này do chủ đất là Nguyễn Văn Tý tự dựng lên. Hiện nay miếu do con cháu ông Nguyễn Văn Tý quản lý.
Hai là Bảo Hậu, hiện nay thuộc ấp Định Phong, xã Định Hòa (trên đất của ông Lâm Văn Đẹt). Rạch Cái Bàng chảy đến Ngã Năm ăn thông với rạch Gỗ, rạch này đổ nước vào sông Hậu tại vàm Cả Sâu. Bảo Hậu nằm cách bờ rạch nầy chừng 80m, cách vàm Cả Sâu 7km. Qui mô Bảo Hậu nhỏ hơn Bảo Tiền. Nền bảo rộng khoảng non 1000m2, cũng được đắp cao hơn mặt đất tự nhiên gần một mét. Chung quanh có hào sâu, mỗi cạnh dài 60m, cách hào khoảng 20m là tường thành cao khoảng hai mét, trên có trồng sáo, tre. Từ rạch Gỗ có con kinh dẫn vào bảo (nay đã lấp cạn).
Trên nền đất đắp cao của bảo cũ có một ngôi miếu nhỏ ẩn trong tàn cây rậm. Hiện trạng miếu thờ ở Bảo Hậu tươm tất hơn miếu ở Bảo Tiền. Miếu cũng kiến trúc theo kiểu thượng lầu hạ hiên, lợp ngói, nền lót gạch bông. Bên trong có bệ thờ hai cấp. Cấp trên có chân đèn, lư hương, bình hoa, lổ bộ, trên tường có bài vị màu đỏ, viết bốn chữ “Bách quan cựu thần” bằng chữ Hán màu vàng, cấp dưới là nơi bày lễ vật cúng hàng năm. Phía trước phủ bằng một bức màn màu đỏ. Hai bên cột treo ảnh Huỳnh giáo chủ Phật giáo Hòa Hảo (Huỳnh Phú Sổ); cột phải treo ảnh toàn thân, cột trái treo ảnh bán thân.
3. Ngoài ra còn phải nói đến hai phế tích khác, đó là mộ Bỏ Hậu và con gái. Hai ngôi mộ này hiện tọa lạc ở ấp Hưng Mỹ Tây, xã Long Hưng A.
Nguyễn Văn Mậu, có tên tự là Hậu, người làng Tân Long (nay thuộc xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp). Ông là một phú hào trong làng, nhận chức Tri thâu, làm nhiệm vụ thu thuế, được dân làng tín nhiệm, nên được kiêm luôn chức Trùm cả.
Năm Đinh Mùi (1787), Nguyễn Ánh sau một thời gian lưu vong bên Xiêm, trở về đóng quân ở Hồi oa thủy tức Nước Xoáy. Trong thời gian đóng quân ở đây, Nguyễn Ánh được gia đình ông Mậu hết lòng phò trợ. Ông mở cả lẫm lúa của gia đình nuôi quân của Nguyễn Ánh ròng rã ba tháng trời. Ngoài việc cung cấp lương thực, ông Mậu còn tận tình chăm sóc và có ý định dâng cô con gái út cho Nguyễn Ánh là “tấn nhơn”.
Cảm nhận nghĩa cử hào hiệp, chí tình của Nguyễn Văn Mậu, Nguyễn Ánh gọi ông là “Ông Bỏ”, tức là cha nuôi. Từ đó, dân làng đều gọi ông là “Bỏ Hậu”
Năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi lấy niên hiệu là Gia Long. Năm 1809, Nguyễn Văn Hậu mất, nhớ công lao thuở trước, Gia Long phong cho ông tước Hầu và lệnh cho bộ Công đưa người và vật tư vào xây mộ cho ông.
Chếch về bên phải khoảng 10m là mộ con gái Bỏ Hậu (dân gian gọi là mộ bà Hoàng cô), cũng được xây bằng đá ong với qui mô nhỏ hơn, không có phần tiền mộ. Do mộ nằm sát mép gò, nên một phần bị lúng sụp. Theo dân gian, ông Nguyễn Văn Mậu có ngươi con gái út tên là Nguyễn Thị Ngọc Mai, có nhan sắc lại đoan trang thùy mị nết na, dù là con nhà giàu có, song cô sống hòa hợp với mọi người, nên được bà con dân làng mến chuộng. Nguyễn Ánh say mê sắc đẹp của cô, có ý muốn lấy cô làm thứ phi và được sự đồng ý của Bỏ Hậu. Nhưng cô từ chối với lý do Nguyễn Ánh đã là con nuôi của cha cô, thì cô với Nguyễn Ánh có quan hệ anh em, không thể kết hôn được. Trước lý lẻ vững chắc đó, Nguyễn Ánh đành rút lui. Song cô sợ sắc đẹp của mình xui dục Nguyễn Ánh làm điều càn rỡ, để lại tiếng xấu cho cả hai người; nên cô quyết định hủy hoại nhan sắc bằng cách un khói có để độc chất, làm cho mặt mày lở loét. Sau đó cô lâm bệnh và qua đời trong sự thương tiếc của gia đình, xóm làng và cả Nguyễn Ánh. Cảm kích tấm lòng tiết liệt của cô gái chốn quê mùa, sau khi lên ngôi, Nguyễn Ánh dựng mộ cho cô cùng lúc với mộ Bỏ Hậu.
Miếu Gia Long và một số phế tích liên quan ở vùng Sa Đéc và vài nơi khác ở Nam bộ là chứng tích của thời nội chiến giữa một bên là lực lượng phục thù giai cấp và một bên là lực lượng được xem là “cách mạng” mang màu sắc nông dân; mà kết quả cuối cùng tưởng chừng như nghịch lý: lực lượng phục thù giai cấp thắng thế. Nhưng nếu cẩn trọng xem xét, vào buổi đầu Tây Sơn được coi như là lực lượng tiến bộ, nhưng khi có được quyền lực, thế lực này dần dần thoái hóa biến chất và phân thành hai tập đoàn phong kiến cát cứ tranh chấp nhau không khác gì tập đoàn phong kiến Nguyễn Ánh. Nên họ đành phải ngã qụy trước thế lực Nguyễn Ánh, đang thay họ tiếp tục làm công việc thống nhất đất nước mà họ chưa hoàn thành.
Các phế tích trên cần được tôn tạo bảo vệ vì chúng có giá trị và ý nghĩa của một bài học lịch sử đặc biệt cho hậu thế.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Quốc sử quán (1960) Đại Nam thực lục chính biên tập II. Nxb. Viện Sử học, H.
2. Nguyễn Văn Dần – Nguyễn Văn Cứng (1916), Sa Đéc nhơn vật chí.
CHÚ THÍCH:
1. Quốc sử quán (1960) Đại Nam thực lục chính biên tập II, tr.70.
2. Nguyễn Văn Dần-Nguyễn Văn Cứng, Sa Đéc nhơn vật chí, S.1926, tr.23-24.
3. Huỳnh Minh: Sa Đéc xưa và nay, S. 1970, tr.117-118.
4. Huỳnh Minh, Sđd, tr.112
5. Nguyễn Văn Dần-Nguyễn Văn Cứng, Sđd, tr.21.
6. Huỳnh Minh, Sđd, tr.212.
Phần nhận xét hiển thị trên trang