MÃ GIANG LÂN ĐẠI BIỂU XUẤT SẮC CỦA
THƠ CÓC CÁY AO CHUÔM
Nguyễn Hoàng Đức
Giải thưởng thơ 2013 của Hội Nhà Văn không xum xuê dồn dập như vụ được mùa giải năm trước, mà nó hiếm như một mụn trứng cá được nặn ra, đủ thấy một sự thật khác: giải thưởng không nằm trong giá trị các tác phẩm văn chương mà là do các ban giám khảo của hội quyết định rộng tay hay chùn tay. Năm nay rõ ràng là một năm chùn tay, dù có nhiều tác phẩm hay hơn “Những lớp sóng ngôn từ” chăng nữa cũng không thể hào hiệp phát đại trà theo lối “tháo khoán” định hướng được.
Nhân việc giáo sư, tiến sĩ Mã Giang Lân được giải nhất Hội Nhà Văn 2013 với tập thơ “những lớp sóng ngôn từ”, tôi thấy chúng ta có cơ hội được xem một vở kịch văn học với nhân vật phía trước và các nhà đạo diễn phía sau.
Trước hết về giá trị tập thơ, có hai điều chính yếu không thể cãi:
1- Theo Bách khoa kinh điển nhất: chỉ là Văn chương khi nào nó vượt qua ngôn ngữ thông tin cấp một.
Đầu đề luôn là một câu gói gọn nhất cho cả tác phẩm cũng như nội hàm của tác phẩm. Nó luôn là một câu đầu tư thời gian nhiều nhất, cũng thường hay bậc nhất. Vậy thơ của họ Mã thì sao? Thơ thì toàn kể lể liệt kê sự kiện lối thông tin cấp một. Ngay cái đầu đề như các bài “Mưa tuyết Sa Pa”, “Tùy hứng”, “Đi tầu” rồi “Ông chài”… hầu hết là ngắn cụt lủn, và đưa tin cấp một chưa đầy đủ. Người ta bảo, nghệ thuật là cái riêng biệt, “Đi tầu”, và “ông chài” là những danh từ riêng nhưng mang nghĩa chung, đâu có thể hiện một chút nào cái cảm xúc riêng rẽ của tác giả?! Đó có phải vì thơ vu vơ chẳng có gì phản ánh nên đầu đề mới chung chung chẳng có gì để nói?!
Ngôn ngữ phản ánh giá trị của trí tuệ. Trước kia trình độ dân Việt 99% là nông dân, ngôn ngữ của họ rất nghèo nàn, ngay cạnh thủ đô thôi người ta không đủ trình độ đặt tên địa danh 2 âm tiết, mà chỉ có một âm như “Sặt”, “Nhổn”, “Trôi”, “Phùng”…
Đến lượt GS, TS họ Mã, dạy đại học hẳn hoi đâu có thể ít chữ, vậy mà các bài thơ thường chỉ có vài âm tiết chưa đủ “bổ ngữ từ” để làm câu văn duyên dáng hay hùng mạnh. Có đủ thấy ông trình độ thế nào không?!
2- Mục đích biện minh cho phương tiện. Cái gì không có mục đích thì phương tiện chỉ là vô nghĩa. Một chiếc xe bò có ý nghĩa khi nó chở hàng. Một chiếc vé tầu có ý nghĩa khi nó đưa người ta đến xứ nào đó… hầu hết các bài thơ của họ Mã không có mục đích. Mục đích của thi ca ở đây là nó phải nâng con người lên, nhưng với thơ của họ Mã chúng ta chỉ được nghe một câu chuyện sơ sài cảm xúc, không nhân vật, không tình tiết, không cốt chuyện, và cũng không phải cây đàn lia để nâng cao tâm hồn thanh khiết cao sang…
Nhân đây tôi cũng xin đánh giá chung lại trình độ thơ chung của chúng ta. Việt Nam hiện nay có hơn 80% nông dân theo con số nghĩa đen, nhưng theo những gì rây rớt trong tâm hồn thì chúng ta vẫn còn hơn 99% nông dân. Lực lượng đông thứ hai, chắc chắn là các nhà thơ, vì rất nhiều phường, làng xã, các tổ hưu trí có câu lạc bộ thơ, điển hình mới đây khi câu lạc bộ thơ chui được thành lập trong vài tháng đã có dăm nghìn hội viên. Hàng ngày tôi đều xem truyền hình, thấy rõ ràng người Việt chủ yếu là hát nói dề dà, xem các bộ phim Việt thấy các diễn viên nói ê a rất chậm rãi, rồi gặp nhiều nhà thơ không nói được câu dài chỉ nói lới lơ cắt ngắn câu kiểu xuống dòng, tôi cho rằng đó là sức khỏe của thể lực và trí tuệ. Nhìn các diễn viên ăn mặc quần bò áo phông kiểu hiện đại lại ăn nói ê a, tôi thấy rõ dù anh chị có ăn mặc hiện đại thế nào thì trong tâm hồn vẫn là thứ tiểu nông tranh tre nứa lá. Thơ Việt Nam chủ yếu là bản nháp cho sinh hoạt cải lương, tuồng, chèo, đặc biệt là thơ lục bát, người ta soạn để hát. Vì thế thật hài hước khi chúng ta cứ bàn thứ văn thơ quần còn sắn móng lợn là hậu hiện đại nghe phì cười lắm!
Một bài thơ có thể sửa soạn cho ca từ, hay ca khúc, nhưng nó không bao giờ là ca khúc vì ca khúc đòi hỏi nhạc lý và tiết tấu. Một bài thơ có thể nghiệp dư, nhưng để trở thành một ca khúc được biểu diễn trên sân khấu thì tính chuyên nghiệp bắt buộc phải xuất hiện. Nhưng ánh sáng lấp lánh của sân khấu vẫn là thứ vinh quang đáng khát thèm, vì thế có vài nhà thơ mang thơ lên sân khấu biểu diễn, có nhà thơ còn triển lãm thơ như tranh… họ muốn vậy vì muốn có vinh quang cấp tốc của đèn đuốc, phèng la.
Thơ Việt chủ yếu còn ở dạng lúa gạo thô “chân lội xuống bùn, tay cấy mạ non” chưa thành đại thụ được. Cụ thể, năm 2012, Thanh Thảo với trường ca “Chân đất” chẳng trăm phần trăm quê cáy là gì?! Chân đất người Việt gọi thẳng tưng là loại mạt hạng, trên răng dưới dái, không có nổi đôi dép mà đi. Người Việt bảo “Thế gian chuộng của chuộng công/ nào ai có chuộng người không bao giờ”. Ở thôn quê, kẻ không có tiền giúp đỡ, thì phải đến làm công thay thế, ở thành thị cũng vậy, còn kẻ nào đến người không thì làm sao được kính trọng? Thử hình dung một đạo quân đến nước khác giúp đỡ, lại đi người không, vũ khí không có, lương thực cũng không, thử hỏi sẽ trở thành gánh nặng thế nào cho nước đang lâm nguy? Toàn bộ trường ca của Thanh Thảo không có câu nào đáng nhớ (nếu ai có ý kiến khác xin nêu giùm), chỉ có một câu đáng nhớ nhất thì lại là thẩm xú “bác Năm Trì gãi háng”.
Ngay đó là Phạm Đương với “Giờ thứ 25” đạo văn nguyên đai nguyên kiện. Giải thưởng này là “vé kèm” theo đại ca, đúng là thứ đặc sản văn hóa ao chuôm chỉ Việt Nam mới có. Phạm Đương văng “đếch” vào thơ để làm gì? Để bước một nhát từ ruộng phèn lên phố. Người Việt có câu “ăn mày nhà quê không bằng ngồi lê thành thị”. Người quê văng tục rất tự nhiên, nhưng chủ yếu họ văng tục vào cơ quan sinh sản. Người trên phố văng tục bằng cách chửi thề. Phạm Đương văng “đếch” để được thị dân hóa, mà thị dân bằng văn bản thơ. Tất nhiên văng bậy cả vào thơ hẳn phải là dân phố đầu đường xó chợ. Nhưng dù sao vẫn là phố!
Tập thơ “Mầu tự do của đất”, của Trần Quang Quí rõ ràng là nhà thơ Việt chủ yếu còn “chơi bi” đất cát, hết chân đất lại đến mầu tự do của đất. Đất trong văn học biểu tượng cho ù lỳ, bất động, hay vốn tự có… chỉ có máu mới biểu tượng cho tự do, chứ đất thì chưa bao giờ? Người Việt có câu “bọn đầu đất” là biểu hiện cho sự kiệt cùng của đần độn. Sự kiệt cùng đó liệu có mầu tự do?
Nhóm “Tự lực văn đàn” có đề ra phương châm cho nghệ thuật: “Sự nghiệp cao trọng hơn vinh quang”. Sự nghiệp tức là người ta làm được gì, cống hiến gì đó cho đời. Còn vinh quang chỉ là hào quang bên ngoài, nhiều khi lại chỉ là hào quang giả với bằng cấp giả hay chạy giải. Thơ Việt Nam còn tiểu nông, tiểu chí, tiểu khí, tiểu phẩm, tiểu cảm lắm, muốn có tác phẩm lớn chúng ta phải có cách nghĩ khác hẳn, chứ không phải cách “vui chơi có giải” xì xụp đọc vài bài lèo tèo, đem bốn hòn gạch tứ tuyệt sang Thụy Điển để khoe lâu đài thơ thì buồn cười lắm. Ở quê người ta đánh cá bằng cách thả lưới, rồi gõ phèng la dồn đuổi, rút cục nhấc lưới nhặt được vài con cá tép to cỡ ngón tay. Đó là hình ảnh bữa tiệc vinh quang của văn thơ Việt. Muốn săn cá voi, chúng ta phải đóng tầu lớn vượt biển đi đến những vùng nước lạnh, săn được cá rồi thì tầu phải đủ công xuất và chỗ chứa để chở cá về. Liệu có mấy nhà thơ, nhà văn của chúng ta sắm tầu để săn cá voi?
Vinh quang văn thơ của chúng ta chủ yếu mới chỉ là mây tre đan xuất khẩu. Hàng triệu gói tăm tre đâu có thành tầu sân bay? Hàng tỉ viên gạch đâu có thành lâu đài? Vạn ức mây tre đan có bõ một nguyên tử phóng xạ? Nếu cứ quanh quẩn với tư duy làm duyên chân đất đánh giậm tép ao chuôm thì bao giờ chúng ta mới có tác phẩm xứng tầm thời đại?
Vinh quang của văn thơ là tiếng sột soạt của giấy đang lật dở hồi hộp âm thầm nóng chảy nôn nao xao xuyến tha thiết bất khả cưỡng như nhịp đập của con tim. Là nhà văn, nhà thơ thì nên khao khát thứ vinh quang đó, chớ nên ham hố vinh quang thả lưới mấy vần thơ vớt được cả phèng la, cả thẻ hội, cả giải, và cả ghế ăn trên ngồi trốc.
NHĐ 08/01/2014
Phần nhận xét hiển thị trên trang