Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 4 tháng 2, 2014

Truyện của đồng chế Cua Rận:

"QUÂN TỬ VU DỊCH" VÀ DÂN TỘC "KHIẾP"

 (Chuyện này mình đã đăng rồi... nhưng vừa có sự kiện các dân tộc ta giao lưu với dân Choang của Tàu trên VTV2 thì đăng lại cho vui)
          Trung đội mình có hai tay người dân tộc Tày Cao bằng tên là Hà Văn Tiết và Ma Văn Thắng. Các hắn rất ít chuyện trò với bọn mình nhưng được cái nết hiền lành chịu khó, anh em mang nặng thì sẵn sàng giúp đỡ, ốm đau thì cơm cháo tận tâm. Những khi chỉ mình hai hắn với nhau thì nói chuyện với nhau cả ngày không biết chán, líu lo như chim… nghe cũng vui vui.

 Đặc biệt Hà Văn Tiết còn biết tiếng Lào. Chả biết hắn học bao giờ. Hôm tiếp xúc với dân Lào ở binh trạm 32, chàng Tiết nhà ta còn hung hăng lên phiên dịch. Chả biết hắn dịch tiếng Việt ra tiếng Lào như thế nào, nhưng đến khi ông người Lào nói thì hắn dịch ra tiếng Việt như sau: “Ló bảo thế lày: Kính thưa thằng thủ tướng bộ đội‘*’ …” làm bọn mình cười vãi nước mắt nước mũi… Tiết không giận, cũng đứng nhe răng cười.

Còn Ma Văn Thắng thì cứ khăng khăng nói với mình: “Họ tao là họ Mai”. Mình bảo họ tao làm gì có thằng “ma” như mày. Một lần hắn hỏi mình: “Viết thư bằng bút bi đỏ có được không”. Mình bảo: “Được chứ sao không! Trông càng đẹp, tình cảm càng dạt dào…” Lạy giời! Vậy mà hắn viết thư cho vợ bằng mực đỏ thật. Hì hục gần buổi sáng thì viết xong thư cho vợ, đưa lên ngắm nghía rồi gọi mình đến: “Đẹp thật mày ạ! Trước tao không biết, cứ đi viết bằng mực xanh” Mình hoảng hồn vội bảo: “Tao nói đùa đấy”. Hắn đỏ mặt, xé ngay cái thư rồi hằm hằm bỏ đi.

Hôm sau hắn chửi mình: “Mày tưởng mày là người Kinh mà khôn à! Mày chê tao người dân tộc à! Tao nói cho mà biết nhá: Bác Hồ bảo Dân tộc anh hùng… chứ có bảo người Kinh chúng mày anh hùng đâu à!”

Mình xanh mặt, xin lỗi hắn rối rít. Nghe xong, hắn hì hì cười đắc ý lắm, còn móc thuốc rê cho hút.

Cả Tiết và Thắng đều rất thích văn nghệ. Mình được các hắn quý vì mình hát cũng tàm tạm và rất hay hát.

Những ngày giời mưa ở hậu cứ, hai tay Tiết và Thắng đứng ở hai đầu lán trung đội è è thổi kèn lá “giao duyên”. Buồn đến nẫu ruột mà không ai dám nói gì vì sợ các hắn giận.

Đánh nhau thì thôi, ở hậu cứ thì một tuần có một tối sinh hoạt văn nghệ Đại đội. Lính mấy chục người, quanh đi quẩn lại cũng mấy bài, hát đi hát lại. Chính trị viên Mạo, dân Bắc Ninh thì lần nào cũng chỉ có bài quan họ theo điệu “Gió đưa cây cải”. Sau thành quen, cánh mình cứ thấy Chính trị viên tham gia sinh hoạt thì đề nghị thủ trưởng hát bài “Gió đưa cây cải vào soong”.

 Còn tay Sửu người Nghệ An thì lần nào cũng khoe giọng bằng tiếng Tàu qua bài “Ra khơi nhờ tay lái vững”.

“Tá hải giang xing kháo tua sâu
Oản ù sâng tì quó thi thai dang
Uy li chứ xeng ủ mèo choàng
Càn cưa ming tâu chư mao trửa tung ti sư xẻng
Uy pu lì a lua ti quo thi hải giang
Cưa ming xỉn trung li pú khải cung sán tảng
Mao trửa tung ti sư xeng sừ púa lúa thi thai dang”.

Hắn hát nhiều đến nỗi… trong đại đội thằng nào còn sống đến hôm nay chắc cũng còn thuộc.

Lần nào mình cũng phải hát. Ít nhất là hai bài. Anh em thích lắm. Nhiều lúc mình cũng thấy râm ran, mũi phồng như cà chua…

Trong một lần, trái với thường lệ, anh em giới thiệu mình hát trước. Mình đứng lên cố tìm trong đầu xem còn bài nào mới thì hát chứ hát lại thì chán lắm. Nhớ mãi mới ra, mình hát điệu chèo “Quân tử vu dịch”, trước khi hát còn giới thiệu đây là đoạn Dương Lễ tiễn Châu Long trong vở chèo Lưu Bình Dương Lễ:

“Thiếp đâu dám quên tình đôi lứa
Tưởng những lúc mặn nồng hương lửa
Nhớ những lúc môi kề má tựa
Ngao ngán thay cảnh vợ xa chồng
Gió lạnh đêm đông, lẻ loi cô phòng
Ngày xanh mòn mỏi, vào ngóng ra trông
Trăm năm chút nghĩ đèo bòng
Xa nhau ai có thấu lòng cho ai”

Cả Đại đội lặng nghe, nhìn Thắng thấy hắn rơm rớm mắt…

Tất cả vỗ tay rầm rầm khi mình hát xong, rồi gào lên: “Hay lắm! Hay lắm… hát lại, hát lại đi…”

Mình đang định hát lại thì Chính trị viên xua tay: “Thôi! Bây giờ người khác hát…”

Sửu ta lại lên: “Tá hải giang xing kháo tua sâu, oản u sâng…”(giữa đại dương lướt sóng chắc tay chèo lái)

Chính trị viên vỗ tay, rồi còn bảo: “Vỗ tay! Vỗ tay đi các đồng chí, hát hay lắm…” Nhưng lính nghe đến thuộc rồi nên chỉ vỗ tay vài cái chiếu lệ.

Sinh hoạt văn nghệ xong thấy có lệnh triệu tập cán bộ Trung đội lên hội ý gấp. Mình đã mắc võng ngủ thì thấy Trung đội trưởng lay dậy. Đành mắt nhắm mắt mở ra theo anh ta ra ngoài.

Trung đội trưởng hỏi:

- Tối nay cậu hát cái bài ấy là có ý đồ gì?

Mình ngớ người:

- Bài hát chèo, văn công với đài Hà Nội vẫn hát. Ý đồ gì đâu!

Trung đội trưởng bảo:

- Cậu phải cẩn thận đấy nhá! Phải xác định lại lập trường tư tưởng!

Mình chả hiểu tại sao lại “phải xác định lại lập trường tư tưởng.” Nhưng không dám hỏi thêm.

Ngày hôm sau cứ canh cánh lo. Đợi trưa vắng người, khều thằng liên lạc đại đội ra hỏi. Thằng này bảo:

- Tối qua Chính trị viên triệu tập họp Ban Chỉ huy vì chuyện của mày đấy.

- Chuyện tao làm sao?

- Mày ngu, … Chính trị viên bảo xem lại tư tưởng của mày, rất có thể đã dao động tư tưởng, để kẻ địch lợi dụng. Hát như thằng phản động “ngao ngán thay cảnh vợ xa chồng” làm mất ý chí chiến sĩ.

Mình vã mồ hôi hột.

Tay liên lạc còn bồi tiếp: “Ông ấy bảo cái bài hát “Quân tử mắc dịch” là bài hát phản động. Chiến sĩ phải hát như thằng Sửu mới hoành tráng, mới khí thế chói lọi! Ông ấy giao cho Trung đội theo dõi mày đấy. Cẩn thận nhá!”

Lại được nhắc “Phải cẩn thận”. Ối giời ơi!

Tuần sau, trước khi sinh hoạt văn nghệ, Ma Văn Thắng bảo mình:

- Tối nay mày lại hát cái bài… cái bài gì mà có “i hi hi” ‘**’ ấy nhá. Tao nghe hay lắm! Tao thích lắm!

Mình bảo:

- Không dám hát nữa đâu. Vì sợ cấp trên lại bảo dao động tư tưởng.

Thắng chửi luôn:

- Tư tưởng cái con củ cặc! Sợ đếch gì. Cứ hát nhá…

Mình lắc đầu: “Khiếp rồi”.

Thắng ta bĩu môi:

- Mày á… mày đếch phải dân tộc Kinh, mày là thằng dân tộc “Khiếp”.

Ôi vậy mình bị gán là thuộc dân tộc “Khiếp”

Tối Chủ nhật vừa rồi thấy VTV có mấy tỉnh Việt Bắc tập trung hát hò. Lại thấy có cả đoàn ca múa dân tộc Choang bên Tàu sang nhảy nhót. Ối giời ơi!

Vậy là lại nhớ thằng Sửu hát tiếng Tàu bài “Ra khơi nhờ tay lái vững” của Tàu. Và rợn người nhớ câu hát:

“Ta hải giang xing kháo tua sâu…”

Rồi lại nhớ đến cái câu Ma Văn Thắng gán cho riêng mình: “Mày là thằng dân tộc “Khiếp”

 Ấy cứ lan man lằng nhằng thế. Mà sao bên Tàu nó có cả dân tộc “Choang”…
nhẩy??

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Khúc ruột ngàn trùng:

Việt kiều ở Vân Nam 

(2009, Tuổi trẻ)


Anh Nguyễn Ánh Sơn trong lần về Hà Nội dự hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất
- Ảnh: NGUYỄN HUY HOÀNG
---

Đồng bào mình ở Vân Nam


TT - Trong số gần 4 triệu người Việt sinh sống ở nước ngoài, có những cộng đồng người Việt rất nhỏ đang phải bươn chải để khẳng định chỗ đứng của mình.
Việt kiều ở Trung Quốc, theo cách hiểu của cộng đồng người Việt Nam ở Trung Quốc, là người phải có đủ hai điều kiện: mang quốc tịch Việt Nam và có hồ sơ trong danh sách của Hội Việt kiều ở Trung Quốc trước đây. Việt kiều ở Trung Quốc theo cách hiểu này hiện có hơn 1.100 người. Trong đó, kiều bào ở tỉnh Vân Nam đông nhất với hơn 440 người, tập trung chủ yếu ở thành phố thủ phủ Côn Minh với hơn 210 người. Số còn lại sống rải rác ở các thành phố Khai Viễn, Hà Khẩu, Cá Cựu, Mông Tự...
Hội Việt kiều tan hợp
Hội Việt kiều ở Trung Quốc được thành lập trước năm 1960, trên cơ sở các hội nhóm đồng hương người Việt Nam ở Trung Quốc từ những ngày đầu phiêu dạt sang đây. Sau năm 1979, Hội Việt kiều giải tán. Từ năm 1979-1991, chính quyền địa phương ở Trung Quốc thường đứng ra tổ chức cho bà con Việt kiều gặp gỡ nhau vào dịp lễ tết truyền thống.
Đến năm 1991, khi Việt Nam và Trung Quốc chính thức khôi phục quan hệ ngoại giao, cộng đồng Việt kiều ở Trung Quốc tổ chức thường xuyên hơn các buổi gặp gỡ, giúp nhau tìm lại người thân và tạo điều kiện để người thân ở Trung Quốc và Việt Nam gặp lại nhau.
Chính quyền Trung Quốc cũng tạo điều kiện cho thân nhân ở Việt Nam của bà con Việt kiều được cấp giấy thông hành qua biên giới, đi sâu vào nội địa như Côn Minh thăm tìm người thân.
Đa số người Việt ở Vân Nam hiện là thế hệ thứ 2, thứ 3, nghĩa là sinh ra và lớn lên ở địa phương này. Việt kiều ở Vân Nam hiện nay được hình thành từ hai nguồn chính. Một là con cháu của những công nhân và kỹ sư xây dựng tuyến đường sắt Việt Nam - Trung Quốc thời Pháp thuộc.
Đường tàu xây xong, chính quyền thực dân không cho bà con trở về Việt Nam. Hai là những người buôn bán qua biên giới. Ở Vân Nam vẫn còn những nhân chứng cho sự kiện này, họ nay đều đã cao tuổi. Bà con ở đây sống hòa đồng với người dân bản địa.
Tìm chỗ đứng
Theo anh Nguyễn Ánh Sơn - đại diện cộng đồng người Việt ở Vân Nam, cuộc sống của đa số bà con ở Vân Nam không được dư dả cho lắm vì phần lớn làm công nhân, chỉ một số ít đầu tư, kinh doanh. Lương công nhân ở đây trung bình 1.200 nhân dân tệ/tháng, khoảng 3,4 triệu đồng theo tỉ giá hiện tại. Bà con phải căn cơ mới đủ sống.
Anh Sơn, 34 tuổi, là “một trong không nhiều Việt kiều kinh doanh thành công tại Trung Quốc”, theo lời kể của anh. Bố mẹ anh là người Việt Nam, phụ trách công tác Việt kiều ở Hà Khẩu. Anh có một chị gái làm về thương mại, đã lập gia đình với một người Trung Quốc, hiện sống ở Hà Khẩu. Anh Sơn là doanh nhân, kinh doanh đá quý và xuất nhập khẩu.
“Phấn khởi nhất là cho đến năm 2009, bà con Việt kiều ở Trung Quốc đã được mua bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội” - anh Sơn bộc bạch. Anh tin đây là một trong những bước tiến giúp người Việt ổn định và hội nhập ở Trung Quốc.
Anh Sơn cũng chỉ ra những điều cản trở: một là Việt kiều khi đầu tư kinh doanh, kể cả mở cửa hàng buôn bán nhỏ, vẫn chưa được đứng tên mình trên giấy phép kinh doanh; hai là không được vay trực tiếp vốn của các ngân hàng thương mại nhà nước, ngay cả khi có đủ tài sản thế chấp. Ngoài ra, bà con Việt kiều không được đưa vào biên chế nhà nước. Đây là những cản trở cho việc hòa nhập xã hội và phát triển kinh tế của lớp thanh niên Việt kiều ở Trung Quốc.
NGUYỄN HUY HOÀNG


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thọ điên Thắng cờ:


Đỗ Xuân Thọ

Không giờ 11 phút, chuông điện thoại của tôi réo lên. Tôi dời vòng tay của Toan đứng dạy nghe điên thoại. Minh và Út đang chơi game ở phòng bên cũng dừng lại nghe ngóng:
- Anh Thọ à, em Long đây…Anh cho em vay một tỷ
- Sao, có chuyện gì ? Long.
- Em đánh cờ với thằng Lãng phó chủ tịch thành phố. . Mỗi ván một tỷ. Em thắng nó ván đầu nó đưa tiền mặt luôn. Nó gạ em đánh tiếp ván nữa. Ván này 2 tỷ. Nó bảo cho nó gỡ. Em thấy cờ thằng này dưới cờ em nên em đánh tiếp. Không ngờ ván sau nó đánh khác hẳn, rất cao và em thua nó…Bây giờ không trả tiền nó thì nó giết em mất…
- Em bảo nó ngày hôm sau sẽ trả, hiện anh chỉ có 100 triệu, mai anh cắm sổ đỏ chắc được 12 tỷ…
- Không ! Nó bắt em gọi cho anh ngay! Nó muốn đánh cờ với anh vì nó biết anh rất cao cờ và đặc biệt lại là tác giả của thuyết Tâm Vũ Trụ. Thằng này tốt nghiệp ở Ha-vớt Hoa Kỳ năm ngoái . Nó cực kỳ thông minh nhưng cực kỳ kiêu ngạo và đểu giả. Nó là em họ của TBT…Anh ra ngay nhé
Tôi đang suy nghĩ thì cả Hải Minh và Út bước vào.
- Chúng con nghe thấy hết rồi
- Sao các con nghe được
Hai đưa nhìn nhau
- Bố ạ, công nghệ thông tin ở Trái Đất này giống như một trò chơi trẻ con, bọn Mỹ có thể nghe lén được điện thoại của mẹ ghẻ tương lai của chúng con- Nữ thủ tướng Đức Méc –ken, người tình đơn phương của bố cơ mà, Hải Minh, thằng con trưởng của Thọ vừa từ Đức về nói với giọng mỉa mai.
- Bố phải cứu chú Long, Út hét lên với tôi đồng thời phi con dao găm đúng tâm vòng tròn vẽ trên bảng cách nó 20 bước chân. Vòng tròn tôi vẽ và giảng về Tâm Vũ Trụ cho 20 GS, TS ….
- Theo con, Hải Minh đập đập tay vào vai Út và thong thả nói. Bố nên ra cứu chú Long …
- Nhưng trình độ cờ của bố chỉ đánh ngang ngửa với phần mềm cờ tướng mạnh nhất Hành Tinh hiện nay. Đó là phần mềm Intella. Bố đánh với Inella tỷ số là 4-6 tức là bố thắng 4 và Intela thắng 6 !!! Bố nghi nó dùng Itella đánh với chú Long!!!
- Hà…Hà…Hà, Hải Minh cười và nói. Ở bên Đức con biết họ chế tạo ra một chiếc kính có một ô vuông nhỏ trên mắt kính và có thể nhận mọi thông tin từ nột trung tâm nào đó…Chú Long đã đạt giải nhất Cờ Tướng của tỉnh Thái Bình…Thằng Phó chủ tịch thành phố  không hề có tiếng tăm gì trong làng cờ tướng…. Chắc chắn có sự gian lận bố ạ… Con nghĩ nó có một bọn bọn dùng chương trình Intella đánh với chú Long rồi truyền sóng điện tử đến cho thằng Lãng đó…Tuy nhiên bố sợ gì thằng đó khi bố con ta có bộ lọc sóng ý thức (BLSYT) đang sở hữu chương trình cờ tướng mạnh nhất Thiên Hà, chương trình COVN do bố con ta lập
- Nhưng đánh như thế là không công bằng !!! Bố sẽ ra cứu chú Long nhưng con chỉ cần phá sóng của nó thôi !!!
- OK !!! Cả hai thằng con trai của tôi đều đồng thanh nói
- Nhưng nếu nó thua nó quỵt và nó dùng bọn đầu gấu đánh bố con mình thì sao? Tôi hỏi
- Thằng Út có đảm bảo cho bố và chú Long không ? Hải Minh vỗ vai thằng em và hỏi
- Thằng nào động vào Bố và chú Long thì nó đi chầu Diêm Vương, anh cứ yên tâm
Út nhấc điện thoại gọi cho mấy thằng bạn
…..
Chúng tôi đến Quốc Tử Giám lúc 2 giờ sáng…
- Xin chào ông, một gã đầu bóng mượt để ria mép lao ra bắt tay tôi khi tôi bước vào ngôi nhà mà Long cho địa chỉ . Tôi biết ông là Đỗ Xuân Thọ, tác giả thuyết Tâm Vũ Trụ. Đêm nay rất hân hạnh được đánh cờ với ông…Tôi mốn thắng và lấy ngôi nhà 10 tỷ VNĐ của ông
- Vâng, chào ông, ông có phải là L. , phó chủ tịch , người vừa thắng ván cờ 2 tỷ VNĐ với thằng em Long của tôi không ???
- Vâng, tại chú Long nhường tôi thôi hè hè
….
Gian nhà cực rộng. Trên sảnh đường là một bàn đá khắc một bàn cờ . Một bộ cờ bằng ngà voi . Hai ghế đá…Xung quanh bố chí như một hang động…Tóm lại Lãng muốn tạo một cảnh hai ông tiên đánh cờ với nhau trong hang núi…
Sảnh đường ngăn cách với khán giả bởi một bức tường kính… Mọi thiết bị điện tử như điện thoại, USB, v.v.. đều bị để hết bên ngoài…Khán giả ngồi cách chỗ đánh cờ 20 m… Diễn biến ván cờ được đưa ra bảng điện tử cực lớn
- Ông định đánh mấy ván ? L. hỏi
- Một ván
- Thế thì 10 tỷ VNĐ cho người thắng ông có đồng ý không?
- Tôi đồng ý , mong rằng được chuyển tiền mặt ngay tức thì, còn đây là quyển sổ đỏ ngôi nhà 5 tầng của tôi trị giá 12 tỷ VNĐ
- Ông chủ nhà Hà đâu, đây tôi đưa 10 tỷ VNĐ, ông Thọ đưa sổ đỏ ngôi nhà của ông ấy. Chúng tôi chỉ đánh một ván cờ . Ai thắng sẽ lấy cả số đó
- Vâng ạ, ông Hà chủ quán sai bọn giúp việc khiêng bao tải tiền và cái sổ đỏ của nhà tôi cất vào cái tủ sắt.
…..
Tôi và L. bước vào sảnh. Hải Minh chọn một chỗ cuối cùng của Hội Trường để điều kiển BLSYT. Út đứng khoanh tay lừng lững trước mặt đồng bọn của Lãng săm trổ đầy người…..
Một cô gái chân dài và có vòng 1 và 3 cực lớn bầy cờ cho chúng tôi….bốc thăm… L. được đi trước…. Đúng như Hải Minh dự đoán L thay kính trước khi vào đánh ….Cô gái bị đuổi ra ngoài chỉ còn hai ông “tiên” đánh cờ trong “hang núi”….Pháo 2 bình 5,… Pháo 2 bình 5… Hải Minh quyết định cho bố đánh trậnnghich pháo để rồi biến sang trận pháo quá cung là sở trường của bố
…..
Tôi đang nắm giữ thế thượng phong với L thì BLSYT của Hải Minh hết pin nên không phá sóng của L được …. đồng bọn của L đã nối lại đường truyền đến cái ô kính nhỏ xíu bên mắt trái của L. ….Hải Minh không có chỗ xạc pin, phải chạy ra nhà vệ sinh để xạc pin….L bắt được con mã của Thọ và dành lại thế cờ….
…..
Sau 54 nước ván cờ như sau (xem ảnh). Thọ quân đỏ được đi trước.
Thọ kém quân hơn đối thủ và chỉ một nước là thua
Nghiền ngẫm 5 phút Thọ đã đi như thế này
Xe đỏ 3 bình 4 chiếu tướng. Nếu tướng bên đen vào tướng thì xe đỏ 2 tiến 2 chiếu tướng hết cờ.
Tướng đen 6 tiến 1 ăn xe đỏ                                             

Xe đỏ 2 bình 4 chiếu tướng đen
Tướng đen 6 tiến 1 ăn xe đỏ
Tốt đỏ 4 tiến 1 chiếu tướng đen
Tướng đen 6 thoái 1
Tốt đỏ 4 tiến 1 chiếu tướng đen
Tướng đen 6 thoái 1
Tốt đỏ 4 tiến 1 chiếu tướng đen
Tướng đen 6 bình 5
Tốt đỏ tiến 1 chiếu tướng đen
HẾT CỜ !!!!
…….
Không như tôi hình dung là L. sẽ sám mặt lại và không chịu trả 10 tỷ, y bắt tay tôi và nói:
- Anh đúng là một cao thủ, 10 tỷ VNĐ là món quà em làm quen với anh
- Tôi trả anh 2 tỷ mà chú Long thua anh còn anh cho tôi xin 8 tỷ

Hải Minh và Út phải đi mua 2 bao tải rứa để đựng 8 tỷ VNĐ toàn đồng bạc mệnh giá 200.000 VNĐ
Trên chiếc Cam - ry, Long như một thằng rồ. Hăn gân cổ ngâm bài thơ:
"Lỡ nước hai xe đành bỏ phí
Gập thời một tốt cũng thành công"
Tôi quát lên:
Đ. mẹ thằng nào còn cờ bạc thì đéo phải bạn tao, con tao!
Ba thằng Long, Hải Minh và Út im thin thít nhưng chúng cười khúc khích với nhau
Hà Nội, tháng 11/2013

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Kho báu 6.000 tấn vàng bí ẩn, bí mật động trời của Thế kỷ 20

Hai Hoang Van 
Đầu thế kỷ XX, Nhật Bản từng là đế chế phát xít hùng mạnh ở châu Á. Tuy nhiên, sau khi thất bại trong Chiến tranh Thế giới thứ II, Nhật Bản lâm vào hoàn cảnh cực kì khó khăn.
Dẫu vậy, Nhật Bản chỉ mất 7 năm để phục hồi nguyên khí, vươn lên cường thịnh và lọt vào top các nước phát triển hàng đầu thế giới. Không thể phủ nhận đó là nhờ vào sự nỗ lực tự thân của một dân tộc đặc biệt nhưng đằng sau đó, ít người biết đến những bí ẩnđộng trời bị che dấu.

Tiết lộ trong tác phẩm “Những chiến binh vàng” (Gold Warriors)

Bí ẩn kho vàng "động trời" của Nhật Bản: Kim Bách Hợp 1
Đây là tác phẩm đã tiết lộ bí mật động trời của vương triều Đại Hòa (Nhật Bản) trong thế kỷ XX. Tác phẩm ra đời năm 2005 bởi 2 vợ chồng nhà văn Sterling Seagrave và Peggy Seagrave nung nấu sáng tác trong suốt 18 năm. Đây là quãng thời gian mà 2 nhà văn thu thập thông tin, tiếp xúc với hàng loạt tài liệu mật, phỏng vấn hơn 1.000 giờ với nhiều người, trong đó có những nhà chính khách và cả cựu tình báo CIA…
Để hoàn thành cuốn sách, Sterling và Peggy đã phải đối mặt với biết bao hiểm nguy, thậm chí nhiều lần bị truy sát và phải sống ẩn cư ở ngoại ô nước Pháp. Đến nay, sách được xuất bản, dịch ra nhiều thứ tiếng khác nhau và là đề tài cho nhiều nhà nghiên cứu trong việc xác minh tính đúng đắn của tư liệu trong sách.
Trong đó, một trong những bí ẩn lớn nhất mà cuốn sách đề cập đến chính là Kim Bách Hợp - kho báu mà thiên hoàng Nhật Bản đã gây dựng trong Thế chiến II.
Kế hoạch “Kim Bách Hợp” và 6.000 tấn vàng… 
Trong thời kì Chiến tranh Thế giới thứ II, Nhật Bản là một đế chế phát xít hùng mạnh nhất ở châu Á. Với tham vọng bá chủ của mình, Thiên hoàng Hirohito (Chiêu Hòa) cùng những người đứng đầu nước này đã đề ra một kế hoạch động trời với cái tên “Kim Bách Hợp”.

Nội dung kế hoạch chính là thu thập, chiếm giữ tất cả vàng bạc của 12 nước châu Á mà Nhật Bản chiếm đóng trong Thế chiến và vận chuyển về Nhật Bản. Kế hoạch này được đích thân Thiên hoàng và em trai của ông chỉ huy.

Bí ẩn kho vàng "động trời" của Nhật Bản: Kim Bách Hợp 2

Điểm đầu tiên của kế hoạch này chính là ở Trung Quốc, đất nước giàu có bậc nhất về tài nguyên châu Á. Tại thành Nam Kinh trù phú, phát xít Nhật với các đội chiến binh đặc biệt đã tổ chức cướp phá có hệ thống, lấy danh nghĩa tịch thu tài sản chính phủ Trung Quốc, cướp bóc rất nhiều vàng bạc châu báu đá quý của các thương nhân tại đây.

Nếu số liệu trong “Những chiến binh vàng” chính xác thì chỉ riêng ở Nam Kinh, phát xít Nhật đã thu được hơn 6.000 tấn vàng cùng hàng loạt tiền mặt và tác phẩm nghệ thuật giá trị. Số châu báu kể trên được quân Nhật tập trung lại, nấu chảy và đúc thành những khối vàng kích thước 1 tấc trước khi đưa về chính quốc.
Tuy nhiên trong thực tế, khi chiến tranh sắp kết thúc, vẫn còn một lượng vàng nhất định không kịp chuyển về Nhật, kết quả là được chôn ở nhiều quốc gia hoặc mãi mãi chìm dưới đáy biển trong các vụ đắm tàu có chủ ý.
Những vòi xúc tu của con bạch tuộc khổng lồ…
Kế hoạch “Kim Bách Hợp” tiếp tục vươn những vòi xúc tu của nó ra khắp các nước Đông Nam Á.

Tại Kuala Lumpur, quân Nhật chiếm được rất nhiều vàng thỏi loại 23,97K, mỗi thỏi nặng 6,25kg. Tại Campuchia, một lượng tượng phật bằng vàng và vàng thỏi lớn, mỗi thỏi có kích thước 15,5 x 5 x 3,7cm, độ vàng ròng là 92,3% bị quân Nhật chiếm.

Tại Myanmar, cả ngàn tấn vàng bị cướp đoạt và được nấu chảy, đúc thành vàng thỏi 20K, hình tam giác, nặng 6,2kg. Tại quốc khố của Philippines lúc ấy có 51 tấn vàng, 32 tấn bạc thỏi, 140 tấn bạc giấy và 2,7 tỉ tiền công trái của Bộ Tài chính Hoa Kì cùng một lượng lớn đá quý. Trừ lượng tiền giấy ra, còn lại đều bị quân Nhật “tận thu”.

Bí ẩn kho vàng "động trời" của Nhật Bản: Kim Bách Hợp 3

Vàng được bí mật chuyển về Nhật Bản hầu hết bằng đường biển.

Phần lớn những của cải chiếm được từ Đông Á và Đông Nam Á trong kế hoạch “Kim bách hợp” được chuyển về Nhật Bản từ Triều Tiên. Nhưng từ năm 1943, tàu ngầm của Mĩ đã phong tỏa toàn bộ đường biển nên quân Nhật chỉ có thể vận chuyển số vàng bạc châu báu còn lại đến Philippines mà thôi.

Dưới sự giám sát của các thành viên hoàng gia Thiên hoàng, tướng Yamashita đã chỉ huy kế hoạch xây dựng “175 kho báu hoàng gia” tại Philippines. Đầu tháng 6/1945, tại một căn hầm lớn chứa đầy vàng có tên là “đường hầm số 8”, ở sâu dưới lòng đất, buổi đại tiệc từ giã 175 nhà thiết kế của 175 kho báu được bắt đầu. Đến nửa đêm, tướng quân Yamashita và các thành viên hoàng gia nhanh chóng rời khỏi căn hầm ra ngoài, đồng thời tại đường thông ra bên ngoài, hàng khối thuốc nổ đã chuẩn bị sẵn được điểm hỏa.

Tất cả các nhà thiết kế kho tàng và nhân viên tham gia xây dựng đều bị chôn vùi. Chỉ duy nhất có một người Philippines tên là Ben Valmores, vốn là nô bộc của Takeda Tsuneyoshi - thành viên hoàng gia giám sát việc xây dựng các kho tàng ở Philippines, đã được chủ nhân động lòng cho thoát ra ngoài từ đường hầm số 8 ngay khi phát nổ. Ben Valmores đã gần 80 tuổi, kể lại với Sterling và Peggy những gì mình trải qua trong thời gian 1943 - 1945.

Bí mật bị bại lộ…

Kế hoạch “Kim Bách Hợp” khi gần như đã hoàn thành được mục tiêu ban đầu đề ra của nó thì cũng là lúc bị bại lộ. Sau khi tướng quân Yamashita bị bắt và xử như một tội phạm chiến tranh, ngày 2/9/1945, tình báo Mĩ quyết định khai thác người lái xe của Yamashita trước đây.

Việc này được tiến hành bí mật và cuối cùng, sau khi thẩm vấn, tháng 10/1945, một số địa điểm nghi ngờ là nơi chứa kho báu đã thuộc về tay quân đội Mĩ. Sự việc đã được báo lên cho tướng J. McCloy và Tổng thống Truman. Một kế hoạch khai quật được bí mật tiến hành. Tháng 11/1945, McCloy, Lansdale bí mật bay đến Manila thị sát kho vàng mà Santa đã mở.

Bí ẩn kho vàng "động trời" của Nhật Bản: Kim Bách Hợp 4
Một hầm vàng được tìm thấy ở Philippines.

Chỉ tính riêng ở đây, số vàng đã có giá trị vài chục tỉ USD. Số vàng này sau đó đã được gửi cẩn thận tại 172 tài khoản thuộc 42 ngân hàng lớn trên thế giới.

Sự việc còn tiếp diễn khi năm 1975, Tổng thống Philippines là Marcos đã khai quật được một kho gồm toàn vàng thỏi có giá trị 8 tỷ USD. Macos cùng hai người Nhật Bản và đại diện Chính phủ Mĩ đã cùng nhau chia số tài sản khổng lồ này.

Đáng kinh ngạc hơn, theo tài liệu mà “Những chiến binh vàng” đưa ra, số lượng vàng mà Nhật Bản đã chiếm được đủ để mua cả thế giới này, cỡ khoảng hàng vạn tỉ USD, liệu bạn có tin nổi không?

Bí ẩn kho vàng "động trời" của Nhật Bản: Kim Bách Hợp 5

Đảo Penang - Malaysia từng là trạm trung chuyển trong kế hoạch "Kim Bách Hợp".

Đến trước khi “Những chiến binh vàng” được công bố, mọi thông tin trên đều chưa có một mối liên hệ cụ thể nào nhưng giờ đây có lẽ mọi chuyện đã rõ ràng hơn. Tuy nhiên, những kho báu trong kế hoạch “Kim Bách Hợp” đã hết hay chưa và đang nằm ở đâu có lẽ vẫn sẽ nằm trong bức màn bí mật nhiều năm nữa.
Bí ẩn về kho báu này xứng đáng là bí mật động trời lớn nhất trong lịch sử thế giới thế kỷ XX.

* Bài viết có sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn: The New York Daily, Wikipedia/Yamashita's Gold...

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Nhà thơ Việt Phương: Thơ làm chết người như bỡn

Ý Nhi



Nhà thơ Việt Phương. Ảnh: Lê Anh Dũng

Tôi quen Xuân Quỳnh và  Phan Thị Thanh Nhàn vào khoảng 1969, 1970 khi tôi vừa ra trường và còn làm việc tại Viện Văn học. Lúc này, hai bạn đã là những nhà thơ trẻ có tiếng tăm và thường chơi thân với Bằng Việt, Vũ Quần Phương, cũng đang là những gương mặt nổi bật của làng thơ. Những năm tháng đó, dù đang chiến tranh, cuộc sống vất vả, cực nhọc, có rất nhiều người trẻ làm thơ và coi việc làm thơ là lẽ sống, là một điều thiêng liêng.
Các nhóm  thơ hình thành từ nhiều địa phương. Nhóm Hải Phòng có Thi Hoàng, Thanh Tùng, Đào Cảng, Nguyễn Tùng Linh, Tường Vân… Nhóm Vĩnh Phú có Nguyễn Đình Ảnh, Hoàng Hữu, Vũ Đình Minh… nhóm Hà Bắc có Nguyễn Thanh Kim, Anh Vũ, Vũ Từ Trang, Trần Anh Trang…Rồi Quảng Bình với Lê Thị Mây, Lâm Thị Mỹ Dạ, Ngô Minh, Hoàng Vũ Thuật…Nghệ An có Thạch Quỳ, Quang Huy…Thanh Hóa có Mai Ngọc Thanh, Văn Đắc, Vương Anh…
Rồi Anh Ngọc, Phạm Tiến Duật, Lưu Quang Vũ,Vương Trọng, Tô Hà, Mã Giang Lân,Nguyễn Đức Mậu, Bế Kiến Quốc, Phương Thúy, Thúy Bắc, Trần Thị Mỹ Hạnh, Hoàng Thị Minh Khanh, Nguyễn Thị Hồng Ngát…nhiều không sao kể xiết. Lúc này,  nhà thơ Trinh Đường phụ trách phần tuyển chọn thơ cho tuần báo Văn nghệ. Ông yêu thích cái mới, luôn khuyến khích các nhà thơ trẻ. Ai in được thơ trên tuần báo Văn Nghệ coi như đã chớm đặt chân vào làng Văn- cái làng hồi ấy còn tinh tươm, sang trọng.
Tôi vừa ra trường, chưa viết lách gì nhiều nên khá dè dặt trước các bạn làm thơ.  Chính Xuân Quỳnh và Thanh Nhàn đã  “lôi kéo” tôi vào nhập làng. Nhóm 04 người của họ thân thiết với nhà thơ Việt Phương.  Lần đầu tiên tôi gặp Việt Phương là lần đi cùng Bằng Việt, Xuân Quỳnh, Thanh Nhàn. Tôi không nhớ hôm ấy có Vũ Quần Phương hay không. Việt Phương vui vẻ đón chúng tôi trong một căn hộ đơn sơ tại khu tập thể Giảng Võ. Bà Tú Lan, vợ ông đang ngồi đọc sách, đứng dậy: “Chào các bạn. Mời các bạn ngồi”.
Thấy chúng tôi đứng lơ ngơ vì chưa đủ ghế, Việt Phương quay sang vợ, giọng rất nhẹ nhàng: “Lan có cần dùng chiếc ghế này nữa không. Nếu không, cho anh mượn để mời các bạn”. Ông nhấc ghế đến ngồi chơi với chúng tôi một lúc. Mặc dù chúng tôi nhỏ hơn Việt Phương khá nhiều, không một câu hỏi nào của ông thiếu chữ “ạ”: Quỳnh có viết bài nào mới không ạ? Bằng Việt sắp tới có đi đâu không ạ? Ý Nhi đang làm việc ở đâu ạ?…
Khi chúng tôi chào ra về, Việt Phương chạy vào phòng rồi trở ra, dúi vào tay tôi một tập giấy báo. Ra ngoài, chúng tôi mới dám mở ra xem. Hóa ra là mấy bài thơ mới của ông. Tôi hơi ngỡ ngàng trước căn phòng quá nghèo nàn của một ông quan làm việc tại Phủ Thủ tướng, ngỡ ngàng hơn với giọng nói nhỏ nhẹ, lịch thiệp của con người từng viết những câu thơ đầy suy tưởng trong Cửa mở, với cách ông đưa thơ như đưa… tài liệu mật vậy.
Từ đó, thỉnh thoảng ông ghé chỗ tôi làm việc, thỉnh thoảng ghé nhà tôi ở Nguyễn Công Trứ, thỉnh thoảng gặp gỡ cùng các bạn chỗ Thanh Nhàn. Câu chuyện giữa chúng tôi thường chỉ xoay quanh thơ phú. Đôi lần ông cao hứng đọc cho chúng tôi nghe những bài thơ mới với giọng đọc run run xúc động nhưng cách phát âm, nhấn ý, chuyển câu lại rành mạch, cứng cỏi. Dù đã dần quen với một Việt Phương lịch sự, nhẹ nhàng, vô cùng yêu thơ, trân trọng những người làm thơ, tôi vẫn bị lấn cấn trong lòng.
Mỗi lần trò chuyện với ông, tôi lại một lần tự hỏi: Ông là người như thế nào. Một người làm chính trị có thể là một nhà thơ được chăng. Và ngược lại, một người làm thơ làm sao có thể sống trong môi trường chính trị. Câu nói: “Tôi là một con vật chính trị” của ông có ý nghĩa như thế nào…Có lẽ vì những lấn cấn này mà tôi không thân với ông như các bạn khác.
Lần nọ, khi ông đến chơi nhà, tôi đánh bạo nói với ông: “Em vẫn luôn tự hỏi, trong bản chất, anh là một người lý trí nhưng lại biểu hiện bên ngoài như một người tình cảm hay ngược lại, anh vốn là một người sống tình cảm nhưng lại kìm giữ để luôn chừng mực, tỉnh táo”. Ông im lặng. Sau này, sau rất nhiều năm tháng quen biết ông, tôi mới hiểu vì sao ông không trả lời câu hỏi của tôi.
Ông không thanh minh, không giải thích những “nghi vấn” kiểu như vậy. Ông tin rằng rồi ra người sẽ hiểu. Mà nếu có ai không hiểu hoặc hiểu theo cách của họ thì cũng không sao. Với ông thì: “Gieo trăm gặt một thế cũng là/ Được bao nhiêu cũng là được cả”.
Tôi gặp và quen biết Việt Phương sau Cửa mở, sau những ồn ào bình giá, sau những phê phán quy kết. Việt Phương vẫn làm thơ. Trừ cái cách ông đưa thơ cho chúng tôi  “(có lẽ không muốn bà phải lo lắng, dẫu ông biết rằng từ đầu bà luôn đánh giá thơ ông là thơ hay và luôn ủng hộ, bảo vệ thơ ông)”, tôi không nghe thấy một lời than phiền, không nhận ra một nét mệt mỏi, chán nản nào nơi ông.
Tôi không nghĩ Việt Phương không bị tổn thương nhưng ông biết mình đúng, tin rằng mình đúng, rằng những gì mình viết ra là chân thật, là trong sáng. Đó là cái cách dung hòa giữa lý trí và tình cảm rất đặc biệt ở Việt Phương. Càng về sau tôi càng nhận ra điều này và tôi đã có thể tự trả lời cho câu hỏi của mình. Trạng thái tinh thần đó giúp ông thanh thỏa với mình, khoan hậu với người.
Lúc tập thơ ra đời, nhà thơ Hoàng Trung Thông đang là Vụ trưởng Vụ Văn nghệ, thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương. Là một nhà thơ, Hoàng Trung Thông vui vẻ đón nhận tập thơ. Ông hứa sẽ viết bài giới thiệu Cửa mở với bạn đọc. Thế nhưng, trong vai trò một Vụ trưởng, ông không những không viết bài khen mà còn phải ký tên vào như tác giả của một bài do người khác dự thảo. Hoàng Trung Thông nói với Việt Phương rằng mình đã cố sửa dự thảo ấy để sự phê phán nhẹ nhàng thôi. Hoàng Trung Thông rất buồn nhưng Việt Phương hiểu. Hai người vẫn là hai người bạn của nhau, không có điều gì cấn cá.
Có lần Việt Phương khoe với tôi ông có nhiều thơ tình yêu và sẽ gửi cho tôi đọc vài chục bài. Tôi chợt nhớ đến nhận xét của Xuân Quỳnh về thơ tình của Việt Phương, đại ý: Thơ tình của Việt Phương dành tặng cho những cô tôi đã yêu, những cô tôi đang yêu, những cô tôi sẽ yêu và những cô tôi chưa kịp yêu. Một tình yêu không có địa chỉ chăng. “Đâu cũng em mà em chả là ai” thật sao. Không. Tôi nghĩ, có địa chỉ đấy, có ‘là ai’ đấy nhưng ông chỉ đứng trước căn nhà đó thôi.
Có thể, có vài lần Việt Phương đã đưa tay bấm chuông nhưng chủ nhà chưa kịp mở cửa thì ông đã rời xa. Có đôi khi ông đã vào nhà nhưng chỉ ngồi ở phòng khách, uống một ngụm trà rồi cáo từ. Việt Phương là con người có thể “nhận tất cả tình yêu của em không có anh trong ấy”, có thể ở nơi nào đó “Thì thầm nói chuyện cùng em/ Em cứ ngủ bình yên trong thành phố”, và có thể “ yêu em một tình yêu tự đủ”.
Chẳng làm gì nên tội mà Việt Phương đã áy náy: “Nhưng anh đã gây đủ cái phần gây đau khổ trên đời”.Việt Phương là như vậy. Một cách tự nhiên, từ trong bản chất. Ông không thể khiến bất cứ ai đau khổ, tổn thương. Gần đây tôi có đọc bài Phỏng vấn nhà chính trị, nhà thơ Trần Việt Phương của nhà báo Tạ Thị Ngọc Thảo ( Tạp chí Văn hóa Phật giáo). Nhà báo này nhận xét: Ông không tự nhận mình theo đạo Phật nhưng tất cả những gì toát ra từ ông, rất Phật. Một Trần Việt Phương bàng bạc Phật tính một cách tự nhiên. Quả là một nhận xét tinh tế, sâu sắc.  
Rất lâu sau Cửa mở (1970 ) Việt Phương mới in Cửa đã mở (2008). Và sau đó, hầu như năm nào ông cũng cho ra lò những tập thơ mới: Bơ vơ đông đảo (2009), Cỏ dọc đường trần (2009), Nhặt nắng trong sương (2011), Sống (2012), Lan (2013)và Nắng (2013). Chắc không ít người làm thơ cảm thấy ngợp trước một sức sáng tạo dồi dào, mạnh mẽ đến vậy.
Năm 2009, khi chuẩn bị xuất bản Bơ vơ đông đảo, Việt Phương gửi bản thảo cho tôi. Khi đọc, tôi có một ít nhận xét và đã được ông đưa vào làm Lời bạt cho tập thơ với tựa đề Thêm một lần đọc Việt Phương. Có thể đây là góc nhìn tốt nhất mà tôi chọn lựa để có thể phác họa chân dung Việt Phương chăng- cái góc của một người làm thơ nhìn một nhà thơ.
Việt Phương là một trong số ít nhà thơ Việt Nam đặt ra những câu hỏi về thơ trong thơ mình. Thơ, với Việt Phương là một cõi riêng, đẹp và thiêng liêng. Đã không ít lần Việt Phương đem thơ đặt bên tình yêu, bên người phụ nữ của mình. Những câu thơ: “Anh là một chuyện như đùa/ Em là trăng dọi vào thơ dịu dàng”, “Đôi mắt em thấp thoáng bài thơ” hay: “Anh tặng em bài thơ anh không viết…”, “Anh dâng em/ Bài thơ anh mà em là/ Tác giả” đã phần nào nói lên nhận xét này.
Thế nhưng, thơ là gì, thơ ở đâu, thơ có thể làm nên điều gì vẫn luôn là day dứt của Việt Phương. Nhiều lần ta bắt gặp trong thơ ông những câu hỏi:
                                          Có lẽ nào thơ vô tận
                                          Có ai tìm đường bằng thơ
                                      …Có lẽ nào thơ vạn năng
                                          mọi chuyện lấy thơ làm bằng
                                      …Thơ là gì có thật thơ là thơ
                                      …Có cái gì dường như là thơ
                                          Lượn chông chênh ở bên bờ vực thẳm
Và rồi, câu trả lời của Việt Phương nghe chừng cũng mơ hồ, cũng không thể lường định, không thể đến cùng, như chính thơ vậy:
                                           Ta chưa biết rằng ta chưa biết
                                           Không thơ là siêu thơ
Có lúc, ông tìm cách so sánh việc làm lý luận và làm thơ hầu để tim ra một điều gì xác thực:
                                            Làm lý luận như tìm gặp lời thề
                                            Ham mê vô độ
                                            Làm thơ như người nghèo đi chợ
                                            nhiều thèm thuồng ít mua.
Rồi chính con người coi việc làm lý luận là nghề, là ham mê vô độ ấy đã hơn một lần “Vứt nốt cảm giác và suy tưởng/ Tay trắng một mình với thơ”.
Quả thật, khó có thể hình dung một Việt Phương không có thơ. Cũng khó có thể hình dung nền thơ ca Việt Nam đương đại thiếu vắng Việt Phương.
Tập thơ Cửa mở của Việt Phương ra đời năm 1970 là một hiện tượng thơ, một sự kiện văn học và cũng là một hiện tượng đời sống, một sự kiện xã hội. Chọn dòng thơ suy tưởng để nói về những đề tài lớn như Tổ quốc, Nhân dân, Con người, Chiến tranh, Vũ trụ, Tình yêu…là sự lựa chọn có ý thức của Việt Phương. Những bài thơ thành công của Cửa mở đã mở thêm một cánh cửa cho thơ Việt bấy giờ.
Được nhìn từ một góc khác, một dạng sáng khác, cuộc sống trong Cửa mở nhiều sắc độ hơn, nhiều cung bậc hơn, sinh động hơn, gay gắt hơn và vì thế, thực hơn. Những câu hỏi, những định nghĩa, những lý giải trong nhiều bài thơ khiến Cửa mở có được một giọng riêng- điều vô cùng cần thiết cho mỗi người làm thơ.
Người đọc lập tức bị lôi cuốn bởi những câu thơ mới mẻ, tinh khôi:
                                            Ơ hôm nay ta bỗng nhìn thấy màu của tiếng
                                            trẻ nhỏ tiếng màu xanh xe điện tiếng màu vàng
                                            nhịp guốc đi đỏ màu mận chín
                                            còi ô tô đen nhánh màu than
                                 hoặc:
                                            Sự sống như một chàng trai vạm vỡ
                                            áo cộc  mùa hè chật quá bục trên vai
                                hoặc:
                                            Buổi sang tháng tư sống tươi như cá quẫy
                                Hay:
                                             Cây đầu hè quen đến mất màu xanh.  
Người đọc lập tức bị lôi cuốn bởi thể thơ tự do được mở rộng đến gần như không còn giới hạn của những bài thơ: Nỗi đau trái đất, Cuộc đời yêu như vợ của ta ơi, Ta nhìn trời đêm nay và ta đọc, Muôn vàn tình thân yêu trùm lên khắp quê hương.
Nhưng, điều khiến cho Cửa mở thực sự  chấn động tâm thức người đọc chính là sức nghĩ, cách nghĩ nhiều phần táo bạo, khác lạ của nhà thơ trong dòng xuôi chảy của thơ Việt- vốn thiên về tình cảm- của những năm bảy mươi thế kỷ trước. Việt Phương là một con sóng lạ, một nhịp đập không thường.
Người đọc hẳn đã bất ngờ với những đêm: “Ta mơ tưởng đến những vùng cách đây mấy ngàn năm ánh sáng/ những thế giới thiên hà không ngừng nở giãn tách xa nhau”của Việt Phương. Người đọc bấy giờ hẳn đã bàng hoàng bởi: “Tâm tư ta vùng vẫy giữa không gian và thời gian không đầu không cuối/ Ta phá tan định kiến sai lầm chiều dọc với chiều ngang…Ta bay đến những phản thế giới nơi mọi quá trình đều lộn ngược/ Thời gian đảo dòng, sau là quá khứ mà trước là tương lai…Ta bay đến những miền hạt cơ bản thưa như chân lạc đà giữa sa mạc vắng/ Không gian đen không có tiếng người để nói lên chất vũ trụ của màu đen…
Nhưng bất ngờ hơn cả, bàng hoàng hơn cả có lẽ là những câu thơ đặt lại chính những vấn đề trong tư tưởng, trong nhận thức, trong tình cảm của người Việt Nam những năm tháng đó chứ không phải của một nhân loại nào đó ở một hành tinh nào đó.
Những câu thơ như: “Ta cứ nghĩ đồng chí rồi thì không ai xấu nữa/ Trong hang ngũ ta chỉ có chỗ của yêu thương/ Đã chọn đường đi chẳng ai dừng ở giữa/ Mạc Tư Khoa còn hơn cả thiên đường”. Hay “Ta đã gặp những điều không hề chờ đợi gặp/ Nào phải đâu chỉ là rắn phục giữa vườn hoa/ Những kẻ tốt đến yếu mềm chỉ là đồ giẻ rách/ Rắn còn nằm cuộn khúc giữa lòng ta” có ý nghĩa như một sự đánh thức ý thức của người đương thời- những con người từng “Vô tình tô đẹp cuộc đời để mà tin”.
Những câu thơ như:”Cái sức mạnh diệu kỳ trong giọt lệ/ Sự chùn gân che bằng vẻ ra oai/ Lối chiêng trống để phô trương ầm ĩ/ Sự bình yên thủ thỉ biết đêm dài/ Kiểu vỗ ngực nói những trời những bể/ Cách khiêm nhường lặng lẽ gánh hai vai”. Hay “ Trút vỏ thần tượng đi càng lồng lộng con người” là một quan niệm sống, một quan niệm thẩm mỹ mà Cửa mở đem lại cho người đọc.
Việt Phương  đã đi trước một bước. Cái bước này đã đem lại cho nhà thơ tất cả những gì mà một người đi trước có thể nhận,  phải  nhận. Năm 1989,  Cửa mở tái bản.  Năm 2008,  tập  Cửa đã mở ra mắt bạn đọc. Đầu năm 2009, Việt Phương đã chuẩn bị xong cho tập thơ thứ 03: Bơ vơ đông đảo. Việt Phương từng viết:  “Mong sao viết được bài thơ một âm thanh hàm mọi chuyện”. Việt Phương chưa làm được bài thơ đó,  nhưng  ông đã có một gia tài thơ đáng trân trọng.
Vốn định hình từ rất sớm, qua mấy mươi năm, thơ Việt Phương vẫn giữ được giá trị của một vẻ đẹp từng được xác nhận. Khi Việt Phương viết: “ “Thơ làm chết người như bỡn/ Thơ làm sống người được chăng” có lẽ ông đã có câu trả lời, ít nhất, là cho chính mình. Nếu không, hẳn Việt Phương chẳng làm thơ đến tận hôm nay.
Con người “Miệt mài trong lý luận/Vẫn mơ màng câu hỏi tuổi mười lăm”; con người “Thấu mọi nhẽ thăng trầm thực ảo/ Thế mà khờ khạo như bóng mây”. Con người “Tóc đã bạc đầu ta vẫn như đứa bé lên ba”. Con người có lúc thú nhận: “Tâm hồn anh làm bằng khổ đau/ Trái tim anh làm bằng tình yêu”. Có lúc cầu ước: “Cho dầu nếu hồn anh sắp cạn/ Xin nâng niu chắt giọt cuối cùng/ Nghiêng hẳn đời anh đi mà gạn/ Một giọt người rất sáng rất trong”, chắc chắn đã nhận được sự cứu rỗi từ thơ, để cuối cùng, có thể nói với người phụ nữ yêu dấu của mình: “Còn chút dại khờ làm lộc mừng em”.
Nhưng Việt Phương là một người làm lý luận, một người có sự tỉnh táo, cần sự tỉnh táo. Nhân một lần nhắc đến hai câu thơ của P.Eluard: “Tất cả vấn đề là nói hết mà tôi thiếu ngôn từ /Và tôi thiếu thời gian và tôi thiếu lòng dũng cảm”, Việt Phương viết cho tôi:
“Thời ấy tôi thích 02 câu ấy và nghĩ thêm rằng sứ mệnh của thơ, khả năng của thơ không chỉ là nói hết mà còn là nói trước. Vài chục năm sau thì tôi biết là P. Eluard sai, còn tôi thì càng sai do tuổi trẻ tự huyễn hoặc mình bằng ảo tưởng. Thơ đẹp đẽ,  cao cả, huyền diệu, thánh thiện đến đâu cũng được nhưng thơ không nói hết và nói trước được. Có chăng thì thơ chỉ có thể nói hết và nói trước bằng cách của thơ,  không biết mà biết, không trước mà trước”. Quả là một sự  “tỉnh” cần thiết không chỉ cho người làm thơ.
Gần đây, trong các thư điện tử gửi cho bạn bè, Việt Phương thường nói đến Sự sống- Sự người. Ông giải thích khái niệm này một cách cặn kẽ trong bài Sống mà tôi chỉ xin trích vài ý chính: “Sự người( từng người, từng cộng đồng người, cả loài người) là một thành tố quan trọng của sự sống nhưng không duy nhất, không chủ yếu mà phải bình đẳng, tương ái tương thân với các thành tố khác phi người. Mỗi thành tố đều chủ động góp phần tạo nên sự sống… Một tội tổ tông của tư duy người ở phương Tây nặng hơn và tàn phá hơn phương Đông, là tư duy con người trung tâm, thậm chí con người tạo hóa…
Có một trực giác triết học chừng một vạn năm trước ở phương  Đông đã gặp khoa học vật lý đương đại ở phương Tây trong một nhận thức người về sự sống. Tất cả là Không có gì và Không có gì là Tất cả. Có thể sống nhận thức ấy như một quan điểm triết học, một hiểu biết khoa học, một tư thế đạo đức, một phương pháp tiếp cận, một cách ứng xử hàng ngày trong quan hệ của mình với bản thân mình, trong quan hệ của mình với con người và các thành tố phi người của sự sống”.
Có lẽ đây là những gì được đúc kết từ sự đọc không ngừng nghỉ của Việt Phương về triết hoc, về Phật giáo, về khoa học vũ trụ, về lịch sử…Mà cũng có thể đây chính là những điều được rút ra từ thực tiễn cuộc sống của một con người từng xả mình trong hai lĩnh vực rất khác nhau là Chính trị và Thơ ca ở một đất nước đầy biến động, từng sống hơn tám mươi năm trên cõi người “bơ vơ đông đảo” này.
Có lần Việt Phương kể với tôi, các bạn cũ của ông từng bảo: “Mày biết tất cả những gì không cần biết, mày không biết tất cả những gì cần biết để sống ở đời”.  Trong  lời nhận xét có nhiều phần xót thương này hàm chứa một sự thật. Nhưng với Việt Phương, cái “không cần biết” của người khác lại chính là điều ông muốn biết và cái cần biết để sống ở đời lại là điều ông không mấy bận lòng. Ông chẳng từng ao ước: “Mong  sao được là một người mê muội/ Lặn xuống sâu đắm đuối gặp chân trời” đó sao.        
Việt Phương vẫn đang đi tìm và chờ đợi, không ngừng đi tìm, không ngừng chờ đợi: “Sẽ có một thời mọi hòn đá được tôn trọng là đá/ mọi cọng rơm được tôn trọng là rơm/ mọi ngọn cỏ
được tôn trọng là cỏ/
mọi con người được tôn trọng là người.
Thật gần gũi. Thật  xa vời. Thật Việt Phương.
————-
Nguồn: Tiền Phong chủ nhật
Phần nhận xét hiển thị trên trang