Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 11 tháng 1, 2014

Thật là đơn giản!

Chim và người
Chim ó:
Nếu đặt một con chim ó vào trong một chiếc lồng, với kích thước khoảng 2m x 2,5m, nhưng hoàn không có nóc, tức là phần trên được mở toang; con chim này sẽ vẫn hoàn toàn là một... tù nhân trong lồng đó. Lý do: con chim ó luôn bắt đầu bay “chạy đà” khoảng 3 - 4m đầu tiên. Không có quãng đường để chạy, theo thói quen, chim ó không thể bay lên, và sẽ chấp nhận bị cầm tù suốt đời, trong một “nhà giam” nhỏ không có mái!


Con dơi:

Một con dơi thường bay ra ngoài kiếm ăn vào buổi tối. Nó là một sinh vật nhanh nhẹn, linh lợi và bay chính xác. Tuy nhiên, nó không thể cất cánh mà lại thả người rớt xuống rồi mới bay. Nếu nó được đặt trên sàn hoặc một mặt phẳng, thì nó chỉ có thể lê bước loanh quanh một cách vô vọng, và, tất nhiên vô dụng, không thể bay đi. Cho đến khi nó được rớt từ một độ cao nhỏ thôi là có thể tung mình bay vào không trung.


Con ong nghệ:

Con ong nghệ, nếu bị thả vào một cái ly lớn không đậy nắp, cũng sẽ ở trong ly đó cho đến chết. Nó không bao giờ nhìn thấy đường thoát ở phía trên, mà chỉ cố gắng tìm cách nào đó thoát ra qua các mặt ngang bên, hoặc qua... đáy ly.

Con người...

Trong rất nhiều trường hợp, con người cũng giống như con chim ó, con dơi và con ong nghệ ở trên. Vật lộn với tất cả các vấn đề rắc rối của mình, mà không bao giờ nhận ra rằng rất có thể có một giải pháp ở rất gần, trước mắt, vì từ lâu, con người đã thường tự giam mình trong những cái lồng của thói quen, sự cố chấp, sự ích kỷ, tham lam... và sự lệ thuộc vào người khác.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Làng Tây Tạng nghìn năm tuổi bị thiêu rụi

Tân Hoa Xã loan báo, một ngôi làng Tây Tạng cổ xưa hàng ngàn năm tại huyện Hương Các Lý Lạp (Shangri-La), tỉnh Vân Nam hôm nay 11/01/2014 đã làm mồi cho một trận hỏa hoạn khổng lồ đã thiêu hủy hàng trăm ngôi nhà.

Ngọn lửa bùng lên vào nửa đêm, đã nhanh chóng lan rộng khắp các con đường của làng Dukezong, một làng cổ với những ngôi nhà gỗ truyền thống Tây Tạng. Trên 1.000 lính cứu hỏa và người tình nguyện đã được huy động để chữa cháy, và đến trưa ngọn lửa mới được dập tắt.


Những hình ảnh được truyền thông Nhà nước đăng tải cho thấy biển lửa mà trong đó có những ngọn lửa bốc cao đến vài chục mét, đã nuốt chửng những căn nhà của toàn bộ một khu phố. Lưỡi lửa đỏ rực tung hoành trong đêm đen, trong lúc những người cứu hộ làm việc bên những đống gạch vụn ở bên ngoài vòng lửa.

Tân Hoa Xã cho biết không có ai bị thương, và dân cư khu làng cổ này đã được chính quyền sơ tán.

Trận hỏa hoạn kéo dài hơn 9 tiếng đồng hồ mà nguyên nhân chưa được biết rõ, đã thiêu hủy trên 100 tòa nhà – theo như thông tin sơ khởi được trang mạng Zhongguo Xinwen Wang (Trung Quốc Tân Hoa Văn) đưa lại. Thiệt hại về kinh tế có thể trên 100 triệu nhân dân tệ (12 triệu euro).

Được thành lập cách đây 1.300 năm, hiện có 700 hộ gia đình sinh sống trên một diện tích 16 km2, Dukezong nổi tiếng là một trong những địa phương Tây Tạng có di sản kiến trúc và những ngôi nhà cổ bằng gỗ được bảo quản tốt nhất.

Làng này thuộc huyện Gyalthang theo tiếng Tây Tạng, một thời gian dài được gọi là huyện Trung Điền (Zhongdian) nhưng đến năm 2001 chính quyền địa phương đặt tên lại là Shangri-La. Chính quyền hy vọng thu hút được lượng du khách ngày càng tăng nhờ cái tên của vùng Hy Mã Lạp Sơn huyền hoặc, được mô tả trong tác phẩm của nhà văn Anh James Hilton.

Có một sự trùng hợp là vào khuya thứ Năm 9/1, tu viện Tây Tạng Serthar nổi tiếng tại tỉnh Tứ Xuyên bên cạnh cũng đã bị một trận hỏa hoạn lớn thiêu rụi mười công trình kiến trúc.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Hot boy và hot girl


Viết tặng nàng Beo!
Dưới ánh đèn rực rỡ, sáng tối, thật giả của "sàn sân khấu" chính luận-xã hội, nàng được cư dân mạng xem như là một hot girl bởi sự quý hiếm của mình, và cũng không ngạc nhiên, nàng yêu thương gọi chàng là hot boy.
Cái hay của giới truyền thông là có thể phù phép cho những kẻ chẳng ra gì biến thành những nhân vật nổi tiếng và ngược lại. Hiện tại, nàng và chàng đang nhảy múa theo những con số thật ấn tượng trên thanh tìm kiếm của Google. Đạo lý làm người, "công trồng là công bỏ, công nhổ cỏ là công ăn", dù không sinh ra, nhưng đã phát hiện và dẫn đường chỉ lối đưa tài năng đến độ chín đỏ của cái nghiệp chướng "sinh nghề tử nghiệp". Không đánh giá đúng bản thân mình, "Quyết định" sẽ thay cho lời tự quyết.

Ngày xưa, Osin Huy Đức đưa ra thông điệp trên blog của mình là "Cái cây tìm sự cô đơn trên cao, ngọn cỏ tìm sự đông đảo dưới đất", đó là sự nhìn nhận hết sức tự nhiên, thuần túy, cơ bản. Trong trường hợp cụ thể cá biệt này, "cái cây" hay "ngọn cỏ" đều phải cô độc, cô đơn, cô quạnh. Đặc thù quái thai trong quản lý ban phát cho họ quá nhiều ân huệ và biết trước quá nhiều thông tin. Quy luật đúc kết, cái gì kiếm được dễ dàng quá thường sinh ra chủ quan, ngạo mạn. Thiên bẩm thừa trí khôn, dục tính dụ dỗ vật chất tình tiền, đời thường bôi tro thực dụng trét trấu công danh. Bất hạnh thay, sự tiến hóa chậm trong tâm hồn hoang dã sơ khai mà đôi khi phần con tranh chấp lấn át phần người để hai cá thể âm dương có thể tìm đến nhau, để có thể đồng điệu trường tồn. Không thể gọi là sử, thì gọi là tin đồn, giai thoại, dân gian, cổ tích, truyền thuyết, thần thoại .., thiếu gì cách dùng từ trong biển trời ngôn ngữ VN. Bia đá mòn nhưng bia miệng ngàn năm vẫn trơ trơ, người thường đã vậy, huống gì là hot boy, hot girl.

Xem rối, người ta thường thú vị những chi tiết gây hài và chú ý cái kết của kịch bản. Có một lời tâm sự chân tình từ một vị Tướng an ninh đáng kính, vừa mới qua đời Tết Dương lịch vừa qua: "Tướng Trần lên, ông cảm thấy yên tâm"

Hoàng hôn, tuổi già gặm nhấm, một tiếng chuông chiều vang xa, từng nhịp kinh đều đều vấn an "chúng sinh sân si thị phi" trong đêm khuya vắng... Sáng ra, nghiền ngẫm "chiếc lá cuối cùng" và đoán xem quá khứ, hiện tại, tương lai sự sống có màu gì?

MP

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Ngọn gió lành đầu năm.. ở Việt Nam


Giáo sư Tương Lai - TP Hồ Chí Minh

 Phải nói là tuần vừa qua mở đầu cho năm 2014 dồn dập rất nhiều sự kiện lớn. Cứ như một đợt sóng trào, mà những con sóng dội lên trên bề mặt thực ra do sự vận động ngầm của sức nước ở bên dưới. Những điều bộc lộ trên bề mặt cuộc sống, thì tôi cứ suy nghĩ, tôi cảm thấy rằng nó cũng thể hiện được một cách khá cô đọng những vấn đề ấp ủ trong lòng xã hội Việt Nam suốt thời gian vừa qua.

Những vấn đề bức xúc mà tôi chỉ muốn nói thông qua lăng kính của một người giàu suy tư về vận nước. Tôi cảm nhận được rằng mở đầu năm 2014, thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có một ý nghĩa động viên rất lớn, như một ngọn gió lành.

Vì sao tôi nói như thế ? Vì ở thông điệp này nói lên được những điều bức xúc nhất, khát vọng mạnh mẽ nhất mà xã hội ấp ủ bấy lâu nay, bây giờ người đứng đầu chính phủ nói ra. Đương nhiên là trong thông điệp, ông ta không thể nói hết tất cả các vấn đề được. Nhưng những vấn đề ông đã nói, thì trong suy nghĩ của tôi, đó là những vấn đề cốt lõi nhất.

Và một tuần trôi qua, phải nói rằng dư luận cũng có rất nhiều ý kiến tranh cãi khác nhau, chứ không phải như nhận định của tôi đâu. Nhưng cho dù có bất cứ tranh cãi gì đi chăng nữa, sau một tuần lễ suy ngẫm, tôi vẫn khẳng định điều đã nói. Vẫn khẳng định rằng thông điệp này có một ý nghĩa rất lớn.

Vì ở đây ông ấy đặt vấn đề là nguồn động lực tạo nên sự khởi sắc của sự nghiệp đổi mới, và từ đó đẩy tới những vấn đề về kinh tế, xã hội, thì đến bây giờ gần như đã cạn kiệt rồi. Ông ấy dùng từ « không còn đủ mạnh để thúc đẩy phát triển », tôi thì tôi nói mạnh hơn - nó cạn kiệt rồi.

Bây giờ phải tạo nên nguồn động lực mới. Cách đặt vấn đề của ông Thủ tướng, tôi cho đó là cách đặt vấn đề trúng, và đúng. Đây là lúc chúng ta cần có thêm động lực để lấy lại đà, mà nguồn động lực đó phải đến từ đổi mới thể chế và phát huy dân chủ. Ông nhắc lại dân chủ vừa là mục tiêu, vừa là động lực trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Dân chủ cũng là xu thế khách quan trong tiến trình phát triển của xã hội loài người.

- Bên cạnh đó, là vấn đề Nhà nước pháp quyền…

Điều cần chú ý hơn nữa, là ông nói rằng dân chủ gắn với Nhà nước pháp quyền. Ông cho rằng dân chủ và Nhà nước pháp quyền là cặp song sinh trong một thể chế chính trị hiện đại.

Đây là một tuyên bố rất dứt khoát và mạnh mẽ. Trước đó tôi chưa hề thấy. Trước đó, tôi chưa nghe !

Từ lâu người ta cũng đã nói nhiều, nhưng khi viết về Nhà nước pháp quyền, thì báo chí thế nào cũng thêm cái đuôi « Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ». Trong nhận thức của tôi, đã là Nhà nước pháp quyền thì phải mang ý nghĩa đích thực của nó. Không cần mang cái đuôi » xã hội chủ nghĩa » làm gì cả.

Nhưng trong một thời gian dài người ta không thể chịu nổi điều đó, có nghĩa là người ta không chịu đựng nổi Nhà nước pháp quyền. Cho nên ông Tổng bí thư nói thẳng : Chúng ta không chấp nhận tam quyền phân lập. Mang cái đuôi « Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa », có nghĩa là không có tam quyền phân lập. Mà đã không tam quyền phân lập thì vừa đá bóng vừa thổi còi, không có cơ chế kiểm soát quyền lực.

Một khi quyền lực không được kiểm soát, thì làm sao tránh khỏi chuyện làm bậy được. Vì xu hướng chung là quyền lực đẻ ra quyền lực. Người đang nắm được quyền lực luôn muốn mở ra vô hạn độ, và quyền lực thì gắn liền với tham nhũng. Quyền lực có xu hướng tham nhũng, và quyền lực tuyệt đối thì tham nhũng cũng tuyệt đối.

Cho nên cứ hô hào chống tham nhũng, xem đó là một món võ để động viên nhân dân - và các cụ, nhất là các cụ lão thành khi nghe nói điều này là đáp trúng ý của các cụ lắm. Nhưng căn nguyên của tham nhũng ở chỗ nào ? Chính là thể chế - thể chế chính trị độc quyền toàn trị.

Vì vậy bây giờ muốn tạo nên một nguồn động lực thì phải đổi mới thể chế và phát huy dân chủ ; gắn cái ý này với cái ý « dân chủ và Nhà nước pháp quyền là cặp song sinh của một thể chế chính trị hiện đại ». Tôi cho rằng đấy là ý tưởng lớn nhất, quan trọng nhất cho sự phát triển hiện nay. Chỉ cần nhấn vào một điểm nút ấy thì sẽ bật lên như là một nút khởi động, cả một bộ máy sẽ chuyển động theo.

Sở dĩ tôi cho là ngọn gió lành, chính là vì ông Thủ tướng nói được điểm này. Đây là điểm cơ bản nhất mà từ trước đến nay tôi chưa nghe nói.

- Như vậy theo giáo sư thông điệp lần này đã đi vào căn nguyên của vấn đề. Nhưng cũng có những ý kiến ngờ vực, vì lâu nay Thủ tướng Việt Nam vẫn thường bị chỉ trích về tham nhũng, nên có thể chỉ là một tuyên bố mị dân ?

Cũng có người hỏi tôi, thì tôi trả lời thế này. Giữa mị dân và thân dân là một lằn ranh rất mỏng manh, và lằn ranh đó tùy thuộc vào tầm nhìn, cách nhìn để phát hiện ra lúc nào là mị dân, lúc nào là thân dân. Nếu chỉ căn cứ vào lời nói, và cảm tính thì rất dễ đi đến quy kết không có cơ sở. Phải dựa vào thực tế.

Ở đây, những vấn đề mà ông nêu lên, trước hết chúng ta phải xem đó có phải là những nguyện vọng bức xúc nhất của người dân hiện nay không. Nếu ông nêu đúng bức xúc của dân, thì trước hết người dân lấy đó làm gậy chống đi đường.

Để xem lời ông nói có đi đôi với việc ông làm hay không, thì người dân phải kiểm tra. Trong thông điệp ông đã nói rất rõ, mọi hạn chế quyền tự do của công dân phải được xem xét cẩn trọng, và chủ yếu nhằm bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội…Người dân có quyền làm những gì pháp luật không cấm, và sử dụng pháp luật để bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình. Và mọi quyết định quản lý của Nhà nước đều phải minh bạch.

Rồi đây người dân phải nắm lấy quyền này để mà đòi thực thi. Ví dụ quyền tự do lập hội, tự do báo chí, quyền được biểu tình…đã được ghi trong Hiến pháp nhưng thực tế lâu nay bị treo vì người ta không ban hành những luật cụ thể kèm theo.

Ông ấy nói rất rõ là phải mở rộng dân chủ trực tiếp và hoàn thiện cơ chế bầu cử Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp. Có nghĩa là bằng dân chủ trực tiếp, người dân phải thực thi quyền làm chủ của mình. Quyền này phải đấu tranh mà giành lấy, chứ đừng có tưởng cứ ngồi đấy mà xin được. Bất cứ chính quyền nào cũng đều muốn có lợi về phía mình.

Phải cố « hoàn thiện thể chế, tăng cường dân chủ », thì đây là điều người dân có thể bám vào đó để đấu tranh. « Hoàn thiện cơ chế phản biện xã hội », « tăng cường sự tham gia của người dân vào quá trình xây dựng chính sách và lựa chọn cán bộ. Đấy là những điều mà rồi đây người dân phải tự nâng cao trình độ và nhận thức của mình lên để tham gia vào.

Nhất là một ý hết sức quan trọng mà lần đầu tiên trong bản thông điệp này đặt vấn đề, là phải « kiến tạo phát triển ». Tức là Nhà nước tạo điều kiện để mọi người dân tham gia, và xã hội thực hiện những chức năng mà xã hội có thể làm tốt hơn Nhà nước. « Kiến tạo phát triển » theo tôi là một khái niệm mới, mở đường cho hoạt động của xã hội dân sự mà lâu nay người ta kiêng kỵ.

Đấy là những vấn đề khá cụ thể, và đi vào những vấn đề cụ thể đó thì mới thấy được đó là mị dân hay thân dân. Chứ còn chỉ căn cứ vào lời nói, thì hiện nay có tình trạng cảm nhận của mỗi người có khác nhau. Khi đã nói cảm nhận tức là nhìn nhận một cách cảm tính, yêu ghét, thích ông A hay ông B, ông X hay ông Y.

Dưới con mắt của tôi, tôi không quan tâm đây là ông A, B, C hay X,Y,Z. Không ! Tôi quan tâm tư tưởng của ông ấy, đề xuất của ông ấy, cái chính sách mà ông nêu lên, chủ trương ông đề ra, giải pháp ông kiến tạo có tiến bộ không, có thúc đẩy phát triển không.

Nhưng có một số người – đó là quyền của người ta thôi – theo cảm tính. Khi đã có định kiến rồi, n thì gười đó nói có hay mấy cũng có thể bảo, không, nó bịp đấy ! Chuyện đó dễ hiểu thôi. Rồi đây phải quay trở lại với một nguyên lý có tính chất sơ đẳng : thực tiễn sẽ là tiêu chuẩn. Thực tiễn sẽ là thước đo đúng sai của một chính sách, một giải pháp. Nếu nói ngôn từ văn vẻ : Thực tiễn là thước đo của chân lý !

Trong thông điệp ông Thủ tướng, tôi nghĩ có những điều người dân đang rất trông đợi. Ví dụ năm hết Tết đến, thì hãy bắt chước một nước đang có bước phát triển ngoạn mục : thay đổi luật bầu cử, thay đổi Hiến pháp để cho bà Aung San Suu Kyi là người trước đây đã bị quản thúc gần hai chục năm, bây giờ có thể tham gia ứng cử tổng thống. Rồi họ thả tù chính trị hàng loạt.

Dân đang chờ xem những người vì bất đồng chính kiến - người ta chỉ phát biểu ý tưởng thôi, một cách hòa bình, bất bạo động nhưng bị tống giam – thì bây giờ nên thả họ ra. Đương nhiên về vĩ mô, trong một thông điệp chỉ có thể nói những vấn đề cơ bản lớn. Nhưng một ví dụ cụ thể như tôi vừa nói, tuy rất nhỏ nhưng mang tính biểu tượng rất lớn. Thế thì căn cứ vào đó mà chúng ta đo, chứ không thể nói đúng sai theo lối cảm tính được.

Nếu đây là một chuyển biến thực sự về hướng dân chủ và Nhà nước pháp quyền thì rất đáng mừng. Theo giáo sư, nguyên nhân của sự thay đổi này từ đâu, và liệu có thể thực hiện được không dù có muốn cải cách ? 

Đây cũng là một câu hỏi rất cụ thể, đòi hỏi một đáp số rõ ràng. Trong vụ xử Dương Chí Dũng, ông ta đã khai ra những nhân vật cộm cán cấp rất to, thì bây giờ phải làm thế nào công khai và minh bạch như Thủ tướng đã nói. Cho nên tôi mới nói trong chỉ một tuần lễ đầu năm 2014 thôi, mà đã nổi lên rất nhiều đợt sóng mạnh.

Điểm thứ ba là vụ Hoàng Sa và Trường Sa. Vừa qua đã có kỷ niệm chiến tranh biên giới tây nam, như thế là một bước khẳng định trở lại đường lối, và vấn đề hòa giải hòa hợp dân tộc. Sắp tới đây kỷ niệm ngày mà Trung Quốc chiếm Hoàng Sa của Việt Nam Cộng Hòa. Hiện nay Nhà nước đã có chủ trương chuẩn bị kỷ niệm sự kiện đó, và Đài truyền hình Đồng Nai đã truyền đi bộ phim « Hải chiến Hoàng Sa » do Việt Nam Cộng Hòa quay trước 1975.

Đấy là những động thái theo tôi có ý nghĩa cực kỳ lớn. Vì nếu làm sáng tỏ những điều này ra, thì như tôi đã trả lời, phải gắn kết vấn đề dân chủ với động lực lòng yêu nước chống kẻ thù xâm lược. Khi hai yếu tố này gắn kết lại với nhau, sẽ tạo nên nguồn động lực rất lớn, không gì có thể ngăn cản được.

Về Hoàng Sa, khi ông Thủ tướng tuyên bố lịch sử là lịch sử, sự thật là sự thật, phải đưa vấn đề chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa vào sách giáo khoa, tôi cho đó là một thái độ rất rành rọt, rõ ràng. Để xem rồi đây thực hiện như thế nào. Nếu làm được điều này, sẽ chứng tỏ chúng ta có một bước tiến rất mới trong thái độ đối với bọn xâm lược.

Không phải vì đấu tranh ngoại giao mà lại bẻ queo sự thật đi được, như lâu nay vẫn làm. Đó là một đường lối sai lầm, không thể chấp nhận được. Vì vậy nếu bây giờ gắn yêu nước với dân chủ thì rất hay.

Như vậy chỉ trong bảy ngày đầu tháng Giêng của năm mới, có ba sự kiện lớn như tôi vừa nói, và ba sự kiện này quy tụ lại những vấn đề khá cơ bản trong đời sống Việt Nam thời gian qua.

-Vừa rồi báo chí Việt Nam có những cái tựa đáng kinh ngạc, chẳng hạn « Địch đông ta ít, Việt Nam Cộng Hòa thay đổi kế hoạch tái chiếm Hoàng Sa » thì trên mạng người ta bình luận bây giờ Việt Nam Cộng Hòa cũng là « ta » rồi. Và như giáo sư vừa nói, gần đây đã nhắc đến chuyện Trung Quốc chiếm Hoàng Sa, kỷ niệm tử sĩ Hoàng Sa…Những chuyển biến này có liên quan gì đến việc gần đây Trung Quốc liên tục gây hấn với Việt Nam ở Biển Đông hay không ?

Rõ ràng với thời gian trôi qua, có những vấn đề của lịch sử sẽ được nhìn nhận trở lại một cách đúng đắn hơn. Phải nói rằng dân đi trước Nhà nước, đi trước Đảng nhiều lắm trong việc hòa hợp, hòa giải dân tộc.

Vấn đề này đã đặt ra từ lâu rồi, và người đầu tiên đặt vấn đề một cách trực diện là ông Thủ tướng Võ Văn Kiệt, khi ông nói trong những ngày kỷ niệm, có một triệu người vui thì cũng có một triệu người buồn. Ông nói, nếu không làm lành những vết thương đó, thì đừng có khoét sâu thêm nữa – nhưng chưa được thực hiện.

Về phía dân, cũng đã làm được nhiều – tôi không nói sâu vì không được biết nhiều. Nhưng riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 27/07/2011, chúng tôi có tổ chức một buổi kỷ niệm, trong đó nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu nói rõ về vấn đề chiến tranh và Hoàng Sa.

Còn tôi có nói cái ý : đã đến lúc phải có một thái độ đúng đắn tuyên dương những người đã ngã xuống trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, và dũng cảm hy sinh tại Hoàng Sa. Tôi có dẫn ra cái câu của Phật nói rằng, tất cả nước mắt đều có vị mặn, tất cả máu đều có màu đỏ. Máu Việt Nam không phân biệt ở bên này hay bên kia giới tuyến. Đã đến lúc phải có một chính sách hòa giải và hòa hợp dân tộc, mới có thể tạo nên động lực mới để xây dựng đất nước.

Như vậy cách đây ba năm, vấn đề đó được chính thức công khai trong buổi mít-tinh do chúng tôi tự tổ chức lấy với nhau tại Câu lạc bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình ở đường Nguyễn Thông, Thành phố Hồ Chí Minh. Bây giờ sau ba năm, Nhà nước mới đặt lại vấn đề Hoàng Sa. Nhà nước đi sau dân, và như vậy là đáp ứng một nguyện vọng đã chín muồi lắm rồi trong nhân dân.

Trước đây liên quan đến Hoàng Sa và Trường Sa, thì kiêng dè khi nói về thực thể Việt Nam Cộng Hòa. Dù muốn hay không, đó là một trong bốn bên ngồi vào bàn đàm phán Hiệp định Paris, làm sao mà vứt bỏ thực thể ấy được. Và nếu dùng thực thể đó mà đấu tranh thì mới nói rằng Hoàng Sa là của Việt Nam, bị Trung Quốc xâm lược.

Gần đây người ta mới bạch hóa vấn đề công hàm của Phạm Văn Đồng, báo chí đã có đưa lên. Khi công nhận hồi ấy nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa không có trách nhiệm pháp lý nào để nói về Hoàng Sa cả, vì theo Hiệp định Genève thì Hoàng Sa nằm ở bên kia vĩ tuyến 17, thuộc về Việt Nam Cộng Hòa. Do hồi ấy tránh nhắc lại điều đó, mà chúng ta gặp khó khăn trong việc lập luận, đấu tranh vạch mặt Trung Quốc xâm lược để giành lấy chủ quyền Hoàng Sa. Bây giờ vấn đề ấy rõ rồi thì phải nói lại.

Đài truyền hình Đồng Nai đã đưa tin – người ta chưa dám cho làm trên Đài Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng thôi thì cứ bắt đầu ở Đồng Nai cũng được, rồi từ đó tiến dần lên. Thế mà không phải mọi việc đã ổn đâu. Báo chí đưa lên rồi nhưng sau đó có chỉ thị phải gỡ xuống !

Nhiều thế lực đan xen vào nhau trong những vấn đề về đường lối chính sách, cũng như trong việc nhìn nhận thông điệp của Thủ tướng, có nhiều luồng ý kiến đánh giá rất khác nhau. Đó là một thực tế, và là một nỗi đau của dân tộc!

Một nỗi đau của đất nước, khi không tạo được đồng thuận giữa những người lãnh đạo. Chừng nào chưa gạt bỏ những mắc mứu cá nhân, gạt bỏ vấn đề ý thức hệ một cách khiên cưỡng và sai lầm để đặt lợi ích của dân tộc, Tổ quốc trên hết, thì chừng ấy chưa thể rảnh tay đối phó với kẻ thù được. Đấy là chưa nói lại còn có khi mượn kẻ thù tiếp tay để mà đấu lẫn nhau, để mà thanh toán lẫn nhau nhân danh ý thức hệ.

Vì vậy nguyện vọng của người dân lúc này là tạo nên đồng thuận để mọi người cùng chung sức xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

VÔ CẢM CÒN LÀ BỞI CHÚNG TA NỮA

Ơ thế có chuyện phụ nữ có thể hiếp dâm đàn ông được à, mà hiếp đến ba bốn chục lần một ngày, đến nỗi các anh tài xế tắc xi khỏe mạnh phải lê lết. Thế cái bọn bị hiếp ấy không biết kháng cự à (nếu đúng bị hiếp), không biết gọi điện thoại kêu cứu à, không biết bỏ chạy à, sau đấy không biết tố cáo à?

---------


 

          Mấy hôm nay chúng ta liên tiếp đọc những cái tin rất kinh hoàng trên báo chí. Trước tiên là tin “Kiều nữ hiếp dâm” ở Hải Dương. Tốc độ lan truyền của cái tin quái gở này nó lan đến chóng mặt. Người đọc bị truyền thông khống chế một thời gian thì mới dần tỉnh lại mà ngơ ngác: Ơ thế có chuyện phụ nữ có thể hiếp dâm đàn ông được à, mà hiếp đến ba bốn chục lần một ngày, đến nỗi các anh tài xế tắc xi khỏe mạnh phải lê lết. Thế cái bọn bị hiếp ấy không biết kháng cự à (nếu đúng bị hiếp), không biết gọi điện thoại kêu cứu à, không biết bỏ chạy à, sau đấy không biết tố cáo à? Rồi ngay tác giả bài báo cũng bảo: tôi cũng là nạn nhân. Chuyện hoang đường thế nhưng vì là báo nhà nước in nên phải tin. Báo chí còn chịu khó đi phỏng vấn mấy ông ở ban lãnh đạo tắc xi Mai Linh Hải Dương, rồi cả mấy ông cán bộ phường xóm nữa. Rồi nữa, chả biết căn cứ vào đâu mà tác giả gọi người phụ nữ này là “kiều nữ” để rồi cái tên “kiều nữ hiếp dâm” trở thành danh từ riêng. Bây giờ thì “kiều nữ” ấy đang làm một việc chị thấy cần làm, phải làm, là kiện tờ báo ấy.

          Sau “Kiều nữ” thì đến cái tin kinh hoàng hơn “con gái cùng cậu ruột cắt chân mẹ trong bệnh viện”. Báo chí đổ xô vào. Sau này có một số báo cải chính: cô gái ngồi cùng cậu nhưng không biết việc cậu làm, không tham gia cắt chân mẹ. Báo thì nói cô ngồi đấy nhưng ngủ gật, báo bảo cô dùng tay đút vào mồm mẹ để mẹ không cắn lưỡi. Vấn đề là, chắc chắn tất cả chỉ nghe hơi đồ chõ, bởi việc cần nhất là lý giải, với con dao gọt trái cây làm sao mà có thể cắt rời chân một người đang sống, dẫu là sống thực vật, mà lại giữa bệnh viện có hàng mấy chục bệnh nhân và người nhà chăm bệnh, có cả y bác sĩ trực. Tất nhiên là đã có chuyện ấy xảy ra, nhưng nếu đưa tin có trách nhiệm thì phải lý giải được những điều sơ đẳng ấy, chứ không cứ đưa tin theo kiểu hỏi dò, phỏng đoán rồi tán thêm kiểu rùng rợn ấy. Một bác sĩ nói với tôi: nếu cắt kiểu cắt… chân gà ấy, chưa nói xương, chỉ cần động mạch nó ào máu ra thì đã lênh láng cả giường rồi. Một đồ tể thì bảo: cắt cũng rời được với điều kiện phải cắt theo khớp, tất nhiên là phải thực sự có nghề và vẫn phải có sự trợ giúp của dao to…

          Cũng hôm nay có mấy tờ báo đã đính chính: cái tin ông Jang Song Theak bị cháu mình xử tử bằng cách lột trần truồng (cùng với 5 người thân cận khác) rồi cho vào chuồng chó đói cho chó ăn thịt và bắt toàn bộ ban lãnh đạo Triều Tiên chứng kiến suốt mấy tiếng đồng hồ là… tin vịt, một số báo chúng ta đã… nuôi vịt giời.

          Và còn nhiều những cái tin dạng như thế nữa.

          Theo tôi đấy chính là những tin bài rất vô trách nhiệm, rất vô cảm với xã hội. Tôi cũng là người chơi blog, có facebook nữa, tức là của cá nhân, chỉ mình mình chịu trách nhiệm, thế mà cũng chưa bao giờ đưa tin hay bình luận kiểu như thế, huống gì đây là một tờ báo, có người viết nhưng còn có cả ban biên tập, có nhiều bộ phận chịu trách nhiệm nữa, thế mà những tin bài như thế vẫn xuất hiện, chứng tỏ chúng ta đang vô cảm tập thể. Điều này rất nguy hại, bởi nó tạo nên một hiệu ứng truyền thông, lấy sự tàn nhẫn giật gân, lấy sự ghê rợn, đau thương của người khác làm mồi câu nhử bạn đọc…

          Sự vô cảm đang đầu độc xã hội, làm cho xã hội lỏng lẻo, rạn nứt, thậm chí có những nguy cơ lớn hơn. Chống lại sự vô cảm, làm ấm lên tình người trong từng con người cụ thể là trách nhiệm chung của mọi tầng lớp xã hội, của các cơ quan có trách nhiệm, của từng chính sách cụ thể (ví dụ hiện nay người làm chứng hay tố cáo tội ác bị làm phiền bởi cơ quan công quyền khiến họ nản), và, có vai trò rất lớn của báo chí. Báo chí phải thổi lên được trong tâm hồn từng người ngọn lửa ấm của tính nhân văn và hướng thiện…

          Nhiều khi chúng ta vô tình (hay cố ý) tiếp tay cho sự vô cảm mà không biết!!!
                                                                             
 

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Gái có chồng và gái chưa chồng

KD/KD blog
http://img.yeah1.com/upload/news/1387289181_rachel-lynch1.jpg" border="0" width="638" />
Đọc báo mạng, gái chưa chồng sẽ xem ai sắp cưới, gái có chồng coi xem ai sắp ly dị.
1.    Gái chưa chồng nhìn con trai háo hức. Gái có chồng nhìn con trai rồi nhìn đi hướng khác.
2.    Gái chưa chồng yêu chim chóc. Gái có chồng yêu gia cầm.
3.    Gái chưa chồng thích xem phim tình yêu. Gái có chồng thích xem phim hình sự.
4.    Gặp cướp, gái chưa chồng khóc, còn gái có chồng hét: “Thích gì thì cướp đi”.
5.    Ban đêm, gặp trộm trong nhà, gái chưa chồng bảo: “Xin đừng giết em”, gái có chồng nói: “Xin đừng lấy nhiều quá”.
6.    Gặp tài tử điện ảnh, gái chưa chồng hỏi: “Đóng phim gì?”, gái có chồng hỏi: “Đóng phim thu nhập bao nhiêu?”.
7.    Khi mặc bikini ra biển, gái chưa chồng để ý có ai nhìn không, còn gái có chồng để ý ai nhìn với thái độ ra sao?
8.    Vào tiệm ăn, gái chưa chồng nhìn khách xung quanh, gái có chồng nhìn thực đơn và giá tiền.
9.    Gái chưa chồng hay cười những tràng dài. Gái có chồng hay cười ngắt quãng.
10.    Gái chưa chồng hay bôi nước hoa. Gái có chồng hay bôi kem chống nắng.
11.    Gái chưa chồng thích tắm. Gái có chồng thích massage.
12.    Khi ngồi trên xe hơi do đàn ông lái, gái chưa chồng để ý những cái ở bên ngoài cửa kính, còn gái có chồng để ý cái ở trong xe.
13.    Trên giường ngủ, gái chưa chồng để gấu bông, gái có chồng để dầu gió.
14.    Đọc tiểu thuyết lãng mạn, gái chưa chồng hay khóc vì thương chàng trai, gái có chồng hay khóc vì thương cô gái.
15.    Nằm ngủ, gái chưa chồng hay mơ thấy bà tiên, gái có chồng hay mơ thấy bà hàng xóm.
16.    Gái chưa chồng vừa tắm vừa hát. Gái có chồng vừa tắm vừa nhìn cục xà bông xem sắp hết chưa.
17.    Gái chưa chồng thích ngày Tình yêu 14/2. Gái có chồng thích ngày 8/3.
http://freely.vn/upload/files/collaborators-upload/trungkv/images/lay_chong.jpg" border="0" alt="gai chưa chồng" />
18.    Đi ngoài đường bị một vật rơi trúng đầu, gái chưa chồng coi đầu mình có sao không, gái có chồng coi vật đó là món gì.
19.    Khi gặp một vị Thần đèn, gái chưa chồng nói: “Cho ta trở thành công chúa”, gái có chồng nói: “Cho ta trở thành hoàng hậu”.
20.    Gặp một chàng trai định tự tử, gái chưa chồng hỏi: “Vì sao anh muốn chết?”, gái có chồng hỏi: “Vì sao anh muốn sống?”.
21.    Gặp một chàng trai say rượu, gái chưa chồng nói: “Anh đừng uống nữa”, gái có chồng nói: “Anh đừng về nhà nữa”.
22.    Khi về nhà gặp con mèo đang kêu, gái chưa chồng nói: “Mèo muốn gì?”, gái có chồng quát: “Mày im đi”.
23.    Đọc báo mạng, gái chưa chồng sẽ xem ai sắp cưới, gái có chồng coi xem ai sắp ly dị.
24.    Đi xem bóng đá, gái chưa chồng nhìn đùi cầu thủ, gái có chồng nhìn tỷ số.
25.    Gái chưa chồng rủ trai ăn cơm tối. Gái có chồng rủ trai ăn cơm trưa.
26.    Đọc tạp chí phụ nữ, gái chưa chồng thích các trang đầu, gái có chồng thích các trang cuối.
27.    Gái có chồng chưa chắc thích chồng mình. Gái chưa chồng chưa chắc thích chồng người ta.
28.    Nghe một bản nhạc buồn, gái chưa chồng khóc, gái có chồng nhăn nhó.
29.    Thấy đàn ông đánh nhau, gái chưa chồng xông vào can, gái có chồng đứng chờ xem ai thắng.
30.    Bị một con cá voi nuốt vào bụng, gái chưa chồng nghĩ “Mình chết rồi”, gái có chồng nghĩ “Mình chết nó cũng chết”.
31.    Soi gương, gái chưa chồng nói: “Đời đẹp quá”, còn gái có chồng thốt lên: “Mình đẹp quá”.

http://img.thesun.co.uk/aidemitlum/archive/01799/Lone_M_1799011a.jpg" border="0" />
32.    Thấy một sợi tóc bạc trên đầu, gái chưa chồng kêu lên: “Trời ôi, ta già rồi”, còn gái có chồng kêu lên: “Trời ơi, ta trẻ lâu quá”.
33.    Thấy một chàng trai béo, gái chưa chồng quay đi, gái có chồng nghĩ “ngày xưa anh ấy đã từng gầy”.

34.    Ăn một bữa cơm ngon, gái chưa chồng nghĩ ăn xong sẽ làm gì, gái có chồng lo lắng ăn xong ai rửa bát.
35.    Nghe tin bạn bè cưới, gái chưa chồng hỏi: “Cậu lấy ai?”, gái có chồng hỏi: “Cậu lấy lần thứ mấy?”.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Hải chiến Hoàng Sa - 40 năm nhìn lại - Kỳ 6: Không quân Việt Nam Cộng Hòa lên kế hoạch giành lại Hoàng Sa

(TNO) Trận hải chiến kết thúc vào trưa 19.1.1974. Hoàng Sa rơi vào tay Trung Quốc. Việt Nam Cộng Hòa lập tức lên kế hoạch sử dụng máy bay để tái chiếm quần đảo thuộc chủ quyền của mình.

Không quân Việt Nam Cộng Hòa lên kế hoạch giành lại Hoàng Sa 1
Đại tá Nguyễn Thành Trung đang kể về kế hoạch không kích giành lại Hoàng Sa vào năm 1974 - Ảnh: Tấn Tú
Đại tá Nguyễn Thành Trung, Anh hùng lực lượng Vũ trang nhân dân, là phi công được “Việt Cộng” cài vào Không quân Việt Nam Cộng Hòa thời chiến tranh. Lâu nay người ta thường biết đến ông qua các sự kiện như vụ ném bom Dinh Độc Lập, cuộc không kích phi trường Tân Sơn Nhất vào giai đoạn sắp kết thúc chiến tranh và công lao trong quá trình xây dựng lực lượng không quân cũng như hàng không dân dụng của Việt Nam thời bình. Nhưng bên cạnh những câu chuyện đã trở nên nổi tiếng nói trên, ông còn có một bí mật để kể.
Trong căn nhà yên tĩnh ở quận Gò Vấp, TP.HCM, phi công huyền thoại Nguyễn Thành Trung kể lại cho chúng tôi câu chuyện mà ông giấu kín suốt 40 năm qua, từ sau trận Hải chiến Hoàng Sa bi tráng.
 
Với phi công phe XHCN thời đó, bay biển là một vấn đề, nên tôi đánh giá phi công Trung Quốc năm 1974 không có gì, không thể bay ra biển, không dám chiến đấu trên biển, trong khi ở miền Nam, chúng tôi bay trong đất liền, bay ra biển giống nhau, bay ra Hoàng Sa, Trường Sa là bình thường

Sẵn sàng không kích
“Quay lại thời điểm năm 1974, Không quân Trung Quốc chỉ có MiG 21 do Liên Xô sản xuất, là loại máy bay phòng vệ, chứ không phải tấn công. Phòng vệ là đánh trên đất mình, ai vào thì mình đánh nên tầm bay rất ngắn. Phi công của mình (miền Bắc) ngày xưa cũng vậy, các anh không bay xa, bay lên đánh được hay không được khi hết thời gian là phải về, nếu bay quần nữa là không có dầu. MiG 21 rất hạn chế về dầu. Đó là tôi chưa nói đến phi công, phi công Trung Quốc lúc đó không thể bay biển được, phi công của mình ngoài Bắc cũng thế, mấy ảnh ít bay ra biển lắm. Bay ra biển là cả một vấn đề, môi trường bay biển khác hẳn môi trường bay đất liền. Giữa trời và biển rất lẫn lộn, phi công rất dễ thao tác nhầm. Như anh (Bùi Thanh) Liêm, phi công vũ trụ, bay ra biển đâm xuống biển. Anh (Hoàng Mai) Vượng cùng biên đội với tôi đánh sân bay Tân Sơn Nhất, đánh xong bay ra biển nhào xuống biển liền. Với phi công phe XHCN thời đó, bay biển là một vấn đề, nên tôi đánh giá phi công Trung Quốc năm 1974 không có gì, không thể bay ra biển, không dám chiến đấu trên biển, trong khi ở miền Nam, chúng tôi bay trong đất liền, bay ra biển giống nhau, bay ra Hoàng Sa, Trường Sa là bình thường”, Đại tá Nguyễn Thành Trung dẫn dắt chúng tôi trở lại quá khứ, trước khi kể về kế hoạch của Việt Nam Cộng Hòa sử dụng máy bay F-5 không kích tái chiếm Hoàng Sa.
Sau khi bị mất đảo, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu phản ứng như thế nào? Theo ông Nguyễn Thành Trung, Mỹ chỉ nói kiểu hàng hai, vì lúc đó Mỹ và Trung Quốc đã thông đồng rồi. “Còn ông Thiệu thì tức và quyết tâm làm một cái gì đấy để lấy tiếng vang. Lúc bấy giờ, theo tôi làm thế là hoàn toàn đúng. Mày cướp nước tao thì tao phải đánh mày một trận, còn giữ được hay không tính sau. Tao phải đánh mày một trận để cho mày bỏ tính hung hăng đi”, phi công Nguyễn Thành Trung diễn giải.
Không quân Việt Nam Cộng Hòa lên kế hoạch giành lại Hoàng Sa 2
Phi công Nguyễn Thành Trung giới thiệu về hệ thống vũ khí của chiến đấu cơ F-5 - Ảnh: Tấn Tú
Vào thời điểm xảy ra Hải chiến Hoàng Sa, ông Trung là phi công của Không đoàn 63 chiến thuật đóng ở Biên Hòa. Có 5 phi đoàn F-5 ở Biên Hòa, 1 phi đoàn F-5 ở Đà Nẵng. Tổng thống Thiệu liền ra lệnh điều 4 phi đoàn F-5 từ Biên Hòa ra Đà Nẵng, chỉ giữ lại 1 phi đoàn ở Biên Hòa. Theo biên chế thời đó, mỗi phi đoàn 24 chiếc; 5 phi đoàn có khoảng 120 chiếc và 150 phi công.
 
Cất cánh từ Đà Nẵng ra Hoàng Sa, tụi tôi thừa sức đánh với họ trong 20 phút, thừa dầu bay về Đà Nẵng. Cự ly từ Hải Nam ra Hoàng Sa xa hơn Đà Nẵng ra Hoàng Sa chút xíu, nhưng không quân Trung Quốc chỉ có MiG-21, ra tới Hoàng Sa thì không còn dầu để quay về. Thế nên, về không quân thì tụi tôi chiếm ưu thế, Trung Quốc không có gì
“Khi ra đến Đà Nẵng, chúng tôi nhận được lệnh chuẩn bị đánh để lấy lại Hoàng Sa và trước nhất muốn đánh là phải đánh cái hạm đội của Trung Quốc”, ông Trung nhớ lại. Trong kế hoạch tái chiếm Hoàng Sa bằng không quân, đại tá Nguyễn Văn Sỹ làm Không đoàn trưởng, cấp trên chỉ huy là chuẩn tướng Nguyễn Văn Tường, còn gọi là Tường “Mực”, da đen thui, là Phó sư trưởng Sư đoàn 3. Ở cấp phi đoàn, phi đoàn 536 có trung tá Đàm Thượng Vũ, phi đoàn 520 có trung tá Nguyễn Văn Dũng, phi đoàn 540 có trung tá Nguyễn Văn Thành, phi đoàn 542 có trung tá Nguyễn Ngọc Quang, phi đoàn 538 ở Đà Nẵng thì có trung tá Nguyễn Văn Giàu làm chỉ huy.
Theo phương án họp bàn ở Đà Nẵng, trước hết máy bay sẽ tấn công tàu Trung Quốc vì “họ đi ra Hoàng Sa của mình là bằng tàu thôi, mình mà diệt hạm đội này là họ cụt ngòi”. Máy bay sử dụng cho chiến dịch là loại F-5 và F-5E, loại có bình xăng phụ.
“Cất cánh từ Đà Nẵng ra Hoàng Sa, tụi tôi thừa sức đánh với họ trong 20 phút, thừa dầu bay về Đà Nẵng. Cự ly từ Hải Nam ra Hoàng Sa xa hơn Đà Nẵng ra Hoàng Sa chút xíu, nhưng không quân Trung Quốc chỉ có MiG-21, ra tới Hoàng Sa thì không còn dầu để quay về. Thế nên, về không quân thì tụi tôi chiếm ưu thế, Trung Quốc không có gì. MiG-21 không dám bén mảng ra Hoàng Sa, mà ra đến đấy tụi tôi đánh cũng rớt, hoặc không có dầu về. F-5 vừa mang bom, tên lửa, vừa có súng, hai bên 2 cây 20 li, mỗi bên cánh 2 quả bom và chùm 3 quả ở giữa, hai bên đầu cánh là 2 tên lửa đối không Sidewinder. Hỏa lực của F-5 hồi đấy là quá mạnh. Về tương quan lực lượng là chúng tôi chiếm ưu thế, nếu đánh Hoàng Sa thì tôi xem như một cuộc dạo chơi, không có gì phải lo cả”, đại tá Nguyễn Thành Trung kể.
Sau khi các phi đội từ Biên Hòa bay tới Đà Nẵng, máy bay do thám RF-5A được điều ra Hoàng Sa để chụp ảnh. Đây là loại máy bay có thời gian hoạt động trên không rất lâu. RF-5A chụp ảnh chi tiết hết địa hình các đảo, mặt biển trong bán kính 100 km, ghi lại hình ảnh các chiến hạm Trung Quốc. Hình ảnh thu được cho thấy Trung Quốc tập trung tàu quanh Hoàng Sa khá nhiều. “Chúng tôi cho phóng to hình ảnh ra và được chỉ huy đơn vị tập trung hết 120 phi công lại nghe thuyết trình. Chúng tôi đếm từng chiếc tàu một, thậm chí số hiệu tàu chúng tôi cũng đọc được. Không có tàu lớn, tàu trung bình thôi, tàu nhỏ thì nhiều”.
 
Các phi đoàn phải làm sạch, nhấn hết xuống biển và tôi đảm bảo là 100% sau một ngày tất cả 40 chiếc tàu đó không còn chiếc nào sống sót. Máy bay mà đánh tàu thì quá dễ, tàu nó chạy chậm, tốc độ khoảng 20 hải lý/giờ thì không có cách nào trốn được. Nói thiệt là xe tăng còn chạy không được huống gì tàu, xe tăng mà chạy là tụi tôi đánh lật ngửa hết
“Nhấn hết xuống biển”
Các phi công đếm được khoảng 40 chiếc tàu, xác định được vị trí và hướng di chuyển của số tàu đó. Sau khi nắm được tình hình thì đại tá Sỹ chia tấm bản đồ thành 4 miếng và mỗi miếng được giao cho một phi đoàn, trách nhiệm của mỗi phi đoàn là làm sạch mảnh bản đồ được chia.
“Ví như ô của tôi có 15 chiếc, ô của anh có 20 chiếc thì nhiệm vụ của anh và của tôi là trong một ngày phải cho những chiếc tàu đó chìm hết xuống biển, không có chiếc nào nổi được nữa”, ông Trung giải thích. “Các phi đoàn phải làm sạch, nhấn hết xuống biển và tôi đảm bảo là 100% sau một ngày tất cả 40 chiếc tàu đó không còn chiếc nào sống sót. Máy bay mà đánh tàu thì quá dễ, tàu nó chạy chậm, tốc độ khoảng 20 hải lý/giờ thì không có cách nào trốn được. Nói thiệt là xe tăng còn chạy không được huống gì tàu, xe tăng mà chạy là tụi tôi đánh lật ngửa hết, cho nên tàu trên biển mà đánh là trong tầm tay”.
Theo trí nhớ của ông Trung, các phi công lúc bấy giờ cho rằng nhiệm vụ khá dễ, chỉ trong vòng 12 giờ là tàu Trung Quốc sẽ chìm hết. “Mà việc đó là chắc chắn đến 100%, không có trận nào mà chắc chắn như thế”, người phi công kỳ cựu lặp lại.
Lúc bấy giờ, quyết tâm của Không quân Việt Nam Cộng Hòa, từ lãnh đạo đến chỉ huy, phi công là rất cao. “Khí thế dữ lắm, các anh có sống ở thời điểm đó mới biết người Việt Nam chúng ta yêu nước như thế nào”.
Lúc bấy giờ, ông Trung là một sĩ quan cấp úy. “Mấy ông cấp tá, mấy ông lãnh đạo, chỉ huy phát biểu trong cuộc họp rằng: Đánh với Việt Cộng là chỉ đánh chơi thôi, không có sướng. Đánh với Trung Cộng mới là đánh cho nên tôi nói thật với các ông, đánh trận này, tụi tôi đi đánh trước. Cấp đại tá, trung tá, thiếu tá đánh trước, đánh cho họ biết người Việt Nam là như thế nào, đánh một trận cho họ từ bỏ ý định, bớt hung hăng, sau khi chúng tôi chết hết rồi mới đến cấp úy các ông đi đánh”, ông kể lại và nói thêm: “Nói thế để biết người Việt Nam yêu nước như thế nào, vì đánh với Trung Quốc mới là đánh giặc xâm lăng, cho nên mấy ổng bảo chừng nào tụi tôi chết hết mới đến các anh”.
Không quân Việt Nam Cộng Hòa lên kế hoạch giành lại Hoàng Sa 3
Không quân Việt Nam Cộng Hòa lên kế hoạch giành lại Hoàng Sa 4
Chiến đấu cơ F-5 của Không quân Việt Nam Cộng Hòa - Ảnh: Tư liệu
 
“Mấy ông cấp tá, mấy ông lãnh đạo, chỉ huy phát biểu trong cuộc họp rằng: Đánh với Việt Cộng là chỉ đánh chơi thôi, không có sướng. Đánh với Trung Cộng mới là đánh cho nên tôi nói thật với các ông, đánh trận này, tụi tôi đi đánh trước. Cấp đại tá, trung tá, thiếu tá đánh trước, đánh cho họ biết người Việt Nam là như thế nào, đánh một trận cho họ từ bỏ ý định, bớt hung hăng, sau khi chúng tôi chết hết rồi mới đến cấp úy các ông đi đánh”.
Theo lời kể của đại tá Nguyễn Thành Trung, lúc bấy giờ tất cả phi công đều tình nguyện ký vào lá đơn “Thề được chết cho Hoàng Sa”. Tất cả phi công đều tuyên thệ sẵn sàng chết cho Hoàng Sa và ai cũng coi đó là cái chết rất vinh hạnh. “Trận đánh này chúng tôi chuẩn bị rất kỹ và phần thắng là chắc chắn 100%, vì tàu không thể chạy nổi. Mỗi tàu một quả bom là xong và khí thế ấy nó luôn hừng hực trong lòng mỗi người Việt Nam, hừng hực trong mỗi phi công”.
Kế hoạch không kích, theo lời ông Trung, là tuyệt mật, chỉ có những người tham gia mới biết. Chỉ huy cấp cao trong quân đội, nếu không có nhiệm vụ liên quan trực tiếp tới việc triển khai chiến dịch, đều không biết được.
Một kế hoạch phản công được chuẩn bị công phu với “khả năng chiến thắng là 100%”, nhưng rốt cuộc đã không thể diễn ra do Mỹ cảnh báo Tổng thống Thiệu không được hành động. Lúc bấy giờ, Mỹ đã làm lành với Trung Quốc và chấp nhận làm ngơ để Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa.
Đối với những người như đại tá Nguyễn Thành Trung, 40 năm đã trôi qua nhưng những kỷ niệm ngày ấy vẫn còn mới nguyên, và trong lòng mỗi một cựu phi công F-5 thuở nào luôn canh cánh một nỗi niềm, rằng đã không được chiến đấu và được chết trong cuộc chiến bảo vệ Hoàng Sa thân yêu.
“Nếu ngày đó chiến dịch diễn ra đúng kế hoạch thì bây giờ và các thế hệ con cháu đỡ biết bao nhiêu. Bây giờ Trung Quốc đã chiếm đóng bất hợp pháp ở Hoàng Sa rồi, cái di sản, cái gánh nặng để lại cho các thế hệ con cháu Việt Nam thật là quá nặng nề”, ông Trung nói.
Đỗ Hùng - Tấn Tú
Phần nhận xét hiển thị trên trang