Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 10 tháng 1, 2014

LỢI ÍCH CỦA VIỆC LẤY VỢ SỚM



Vợ - phụ nữ là ai?

- Vừa sinh ra, họ đuợc xếp ngay vào "phái đẹp", chẳng cần chờ ban giám khảo các cuộc thi hoa hậu cân đo, săm soi gì hết, rõ sướng ! Họ khoái sắm đồ đẹp, thích đi mỹ viện, sửa đi, sửa lại, độn cái này vô, lấy cái kia ra cũng đuợc cho qua, bởi họ là phái đẹp. Còn đàn ông mà làm như vậy dư luận lại chộn rộn: rõ là đồ pêđê, bóng, lại cái …
- Thử hỏi ở phòng khám béo phì có bao nhiêu bà, bao nhiêu cô bụng to cỡ "thùng nước lèo", hông bự cỡ "võ sĩ sumô". Ấy vậy mà nếu đàn ông bụng to đi chữa mập thì bị các bà, các cô nhòm nhòm, ngó ngó rồi ghé vào tai nhau : "Bụng bia, uống cho lắm vào mới vậy!".
- Họ đựơc phép quyến rũ ta bằng các chiêu: ánh mắt, nụ cười, giọng nói .. khiến cánh đàn ông được gọi là phái mạnh bỗng yếu xìu: làm theo mong muốn của họ. Thế rồi dư luận cũng lên tiếng chê bai chúng ta mất đạo đức, làm bại hoại gia phong, tan nát gia đình. Họ lại còn rất khôn: Thích được người khác ôm, chứ nhất định không chịu bỏ tiền ra "ôm" ai.

Lợi ích của thanh niên khi lấy vợ sớm:

1/ Vợ dậy cho ta tính phục thiện (sẵn sàng nhận lỗi tuy mình không làm gì sai cả).
2/ Vợ dậy cho ta tính kiên nhẫn, chờ đợi không biết mệt (để vợ sửa soạn đi lễ hay đi mua sắm).
3/ Vợ cho ta sức khỏe (không hút thuốc lá, uống bia, đi chơi khuya với mấy thằng bạn cô hồn).
4/ Vợ dậy cho ta sự tế nhị (không bao giờ chê bai dù cơm khét, canh mặn).
5/ Vợ dậy cho ta sự lễ phép (đi thưa, về trình).
6/ Vợ dậy cho ta sự rộng lượng (kiếm được bao nhiêu tiền, tặng vợ hết)
7/ Vợ là huấn luyện viên thể dục tại gia của ta (làm vườn, cắt cỏ, đổ rác, giặt quần áo, lau dọn nhà cửa, mang vác túi, bị hàng khi theo nàng ra phố)
8/ Vợ dạy cho ta tính gọn gàng, trật tự (chỉ được bày biện của riêng trong một góc tủ vợ cho).
9/ Vợ dạy cho ta sự công chính (ra đường cứ thẳng một đàng mà đi, không nhìn ngang liếc dọc, nhất là ở chỗ có nhiều phụ nữ).
10/ Vợ giúp cho ta trở thành người cha gương mẫu (thay tã, tắm rửa, cho con bú, ru con ngủ..vv..)
11/ Vợ dạy cho ta biết giá trị của hai chữ Tự Do (nay không còn nữa).
12/ Vợ dạy cho ta biết phấn đấu với nghịch cảnh (muốn chết nhưng cứ sống chơi).
Lợi ích do vợ đem lại nhiều khôn xiết kể. Ai không tin, cứ thử rồi biết.
G.M sưu tầm


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Cuộc hành trình theo đường thẳng của con Cúm

Trong ánh đèn chao nghiêng ấm cúng của tiệm cà phê Panera Bread, khoé nhìn người thiếu phụ bỗng lộ vẻ chán chường và thất vọng. Ông chủ tôi hiểu ra, khoác tay vào không gian một cử chỉ vô nghĩa như phương cách để chấm dứt cuộc đàm thoại tẻ ngắt. Tôi tự nhủ, thế là xong một cuộc gặp gỡ. Họ đến đây, hẹn hò, xem mặt nhau lần đầu, tìm hiểu, sau khi mất cả tháng trời thư qua thư lại, điện thoại mỗi đêm, cộng thêm nỗi trăn trở, nghĩ và tưởng tượng về nhau. Tôi ngắm cái mũi thanh tú c ủa người thiếu phụ, rồi cặp môi bóng nhẫy son cam như nét cong của đường trăng còn non cốm. Ông chủ thôi đắm nhìn bờ ngực cao ẩn hiện sau làn lụa mỏng như từ chối một thôi thúc nhức buốt mới bén lửa con ngực đực. Tôi hình dung ra hai quả đồi nhấp nhô hai bên con hẻm sâu kia là những tế bào tươi rói, tanh tanh màu đỏ thắm mà không khỏi rùng mình cho một khát khao bùng cháy. Tôi bò ra khỏi đám lông nhầy nhụa trắng phau bệt cứt mũi của ông chủ và rướn người đứng thẳng vào vị trí tôi đã tính toán sẵn, chực chờ. Phút khai hoả đã đến. Chỉ một cái hắt xì, tôi bắn ngay vào chỗ muốn đến, theo đường thẳng tắp, đáp xuống vành môi gợi cảm mở chào kia.
Tôi theo bà chủ mới đi về nhà. Những bước bà thả trên lòng đường chơi vơi tựa như đang bơi trên những quả bóng khổng lồ. Cặp mắt vô hồn đó không bám vào bất cứ vật gì, khiến tôi có một ý tưởng ngu muội rằng bà có tuyệt vọng đến nỗi đi tự tử chăng? Tôi nhủ thầm “bà chủ mới, gượm đã, tôi chưa có cơ hội khám phá thân thể bà.”
Nghĩ là làm, tôi bước vào trong miệng người đàn bà qua một cái liếm môi. Đu đưa trên đường lưỡi, tôi thả mình bơi ngửa trên dòng sông nước bọt để tìm một nơi lý tưởng, thích hợp cho việc trú ngụ. Đây rồi, thật tuyệt vời. Cổ họng, cả một vùng đất phì nhiêu ấm nóng, đầy những chất nhờn dễ dàng cho tôi bám vào sinh sống. Hơi thở đàn bà dịu nhẹ qua một cái ngáp, đưa gió vào mơn man làn da tôi như những cái vuốt lưng ve vãn nhục cảm khiến tôi thấy dễ chịu. Chả bù cái mùi hôi nồng nặc lại hăng hăng thịt chua đang lên men còn dính trong kẽ răng ông chủ cũ mà mỗi lần nhớ lại, tôi chỉ muốn nôn mửa. Tôi tà tà dạo quanh quan sát mấy thằng con cái tế bào bà chủ đang nhởn nhơ đi lại. Theo kinh nghiệm sống có sẵn từ cuộc tấn công trên đất nhà ông chủ, tôi kiên nhẫn ngồi chờ. Tôi có hàng tá những kế hoạch xâm nhập trữ sẵn trong đầu. Cách tôi thường áp dụng nhất là cho lũ đệ tử đi kết nạp mấy thằng tế bào có cửa mở để đón thực phẩm về nuôi cơ thể. Tụi này dễ dụ thôi. Còn đối với mấy thằng tế bào có cửa đóng, tôi thả một thằng đệ tử trong người vào gõ cửa, bảo chúng nó rằng tôi sẽ mang mấy thứ thực phẩm cực tốt đến cho tụi nó xài, hay tôi có những hàng hoá trao đổi vô hại. Khi mấy thằng khờ mắc bẫy, tôi ào vào làm vỡ mạch máu chúng để cướp đường đi vào Tế Bào Chất. Có cách khác nữa: lừa lúc thằng nào vô ý, a đến, bám dính cánh cửa, bỏ xác ở lại, chích cái nhân của tôi vào trung tâm. Một khi phá thành mã đáo thành công, tôi tha hồ nắm chủ quyền kiểm soát, sinh con đẻ cháu hàng hàng, lớp lớp. Lũ đệ tử ra đời giống tôi y chang. Chúng tôi sẽ di chuyển khắp cơ thể bà chủ và làm chủ tạm thời miếng đất hình con người này nếu tụi nó không biết đoàn kết chống trả và đánh bại chúng tôi.
Hai ngày sau phút gặp gỡ người đàn ông không duyên không nợ, quen biết qua liên mạng, nàng bắt đầu nằm liệt giường. Không tiên đoán được mình sẽ bị cúm, nàng lái xe xuyên bang suốt 10 tiếng đồng hồ, đến dự một khoá tu học trên núi cao vào dịp cuối năm. Chiếc giường tầng rung lên từng chập, khi B ho. Mũi, cổ họng và phổi nàng đầy đặc những chất nhầy màu xanh quánh. Vì mỗi phòng được kê ba chiếc giường tầng, sáu người phụ nữ phải ngủ chung với nhau. Cái cảm giác im ắng của đêm lạnh không còn vỗ về êm ái quen thuộc. Giấc ngủ họ bắt đầu bị phá bĩnh bởi tiếng ngáy của người đàn bà giường bên, tiếng ho sa sả của nàng B và tiếng trở mình của những người còn lại không ngủ được mà quên mang theo thiết bị bịt tai.
Nàng chập chờn đi và về trong cơn ác mộng. Bóng trắng anh N đứng ở đầu giường, tay xua xua, phân trần. Hai người đàn bà nằm trên giường của anh N xoã mái tóc đen nhánh. Không có đâu, B ơi, đừng ghen, không phải vậy đâu. B tỉnh dậy, hoảng hốt, cổ khô, miệng đắng. Chồng nàng, anh N đã chết hai năm rồi, sao anh còn về trong giấc mơ hoài vậy? Anh đã qua đời trong một tai nạn thảm khốc. Hai người đàn bà tóc đen, một đụng hất tung anh xuống đường, một chạy cán lên anh còn ám ảnh và đánh thức nàng dậy trong những giấc mơ. Nàng chớp mắt ngủ lại sau khi nốc một liều sirup thuốc ho màu đỏ cherry. Anh mỏng mảnh, trắng lạnh, nụ cười nở gượng trên khuôn mặt bệch bạc, nhẹ nhàng mở cánh cửa bước vào trời đêm. Nàng đuổi theo, làn môi tê cứng, gọi những lời câm, xao xác. Anh ngước nhìn những quầng sáng ở chân trời, chân bước đều không ngoảnh lại. Mùi sage dại của núi rừng phả hương thơm lừng khiến nàng ngạt thở và chợt ngã. Tỉnh giấc.
Ban mai đã bừng sáng mở câu chào. Những người phụ nữ chung phòng cũng trở dậy đi làm vệ sinh và sửa soạn cho thời khoá biểu một ngày dài tu tập.
Tiếng hò hét đinh tai nhức óc của bọn đệ tử tế bào bà chủ làm nao núng tinh thần chúng tôi. Tụi nó phản công dữ dội, chúng tôi hao binh không kém gì chúng, coi như cuộc giao tranh bất phân thắng bại. Bà chủ lại nằm liệt giường khi các phụ nữ cùng phòng trở về vào buổi chiều.
Họ đến hỏi han và an ủi nàng. Nàng xin lỗi vì tiếng ho đã làm phiền mọi người. Họ trao đổi những câu chuyện đời nhau như một sợi giây hoà ái kết thân. Những giọt nước mắt lại nhỏ xuống. Tâm tư được trải ra tựa mặt hồ đợi gió về làm chao sóng. Một nửa còn độc thân. Mỗi người là một trang sách cháy lam nham, vết than đen còn hằn sâu mưng mủ. Người đàn bà da trắng mắt xanh lật phăng tấm áo khoe đôi ngực khi tâm sự về chứng ung thư ngực hành hạ mình. “Cặp vú này không còn là của tôi, một cái bị cắt vì ung thư, cái còn lại bị sửa cho đồng với cái kia.” Bà chua chát thêm: “Cả hai đầy những silicone.” Người đàn bà Phi ngậm ngùi chia sẻ: “Tôi có khác gì bà, bà bị cắt một, tôi bị những hai.” Bà da trắng đòi coi, bà Phi cũng mở áo. Bà Mỹ rú lên: “Họ sửa cho bà khéo quá, bà còn có cả 2 cái núm vú, cái bị cắt của tôi không có núm.”
Bóng chiều rơi nhanh xuống lũng thấp, rải khí lạnh làm lam tím cả khu đồi. Mặt trời au đỏ đang lặn phía bên kia con lộ, tạo hình một bức tranh vân vũ cam rực đến kỳ dị. Trăng non mảnh như liềm sắc từ từ leo lên, nhẹ nhàng như có người đứng trên mây thòng dây kéo. Nàng ngồi trên ghế dựa, phóng tầm mắt ra ngoài khung cửa. Trời bắt đầu vào đêm. Tiếng đại hồng chung cuối cùng một ngày, phá tan tĩnh lặng núi rừng, cũng làm giật mình lũ virus bệnh cúm.
Tôi và bọn đệ tử đại bại, thua không còn manh giáp. Chúng tôi kéo tàn quân về thủ nơi màng nhầy ở mũi, đợi thời. Không sao, ngày mai, khi nàng tỉnh dậy đi sinh hoạt với bè bạn, chúng tôi sẽ có cơ hội. Chỉ một cái hắt hơi thôi, chúng tôi làm lại từ đầu, lao vào cuộc chiến khác cho tới hết mùa cảm cúm.

 TR.TH.Th

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Ở càfê Taza

Những cô gái ngồi ở càfê Taza làm anh nhớ em
Mùa Ðông lạnh xám cửa kính
Mà mắt họ lại ấm đen
Những cây Sồi nặng trĩu cô đơn ngoài công viên
Mà họ thì tung tăng như Sóc
Líu lo như chim Hoạ Mi

Anh muốn gõ vào bàn phím chiếc máy đánh chữ cổ không còn giấy carbon
Những lời tình cố để dành
Vì mấy ngón tay thèm đụng chạm
Anh muốn đun sôi ấm nước đồng đen
Người chủ quán dành để chưng quá khứ
Bằng tiếng cười thuỷ tinh vỡ của tuổi thanh xuân
Vì lòng muốn tan băng
Lục lọi những ngăn kéo của chiếc tủ kệ gỗ cũ kĩ
Còn sót lại gì
Ký tự hay sợi tóc một người
 
Em
Họ vẫn cứ mãi líu lo
Như cuộc đời mới bắt đầu
Mà sao mùa Ðông của chúng ta vẫn kéo dài
 TR.C
Arcadia, January 2014
 
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không còn "Buôn gió" nữa, mà thành "Buôn lậu" rùi:

NGƯỜI BUÔN GIÓ
yqhvn blog 10.1.14


Vừa qua trong khi dư luận dấy như cồn về vụ Dương Chí Dũng khai ra Phạm Quý Ngọ. Gió đã điểm mặt thấy vắng báo CA, QĐ và tờ của đại tá quản lý. Gió hiểu vì sao đại tá không ùa theo không khi hừng hực ấy, bởi vì đại tá ở phía muốn dập tắt cái luồng không khí hừng hực khí thế cách mạng báo chí ấy.
Và sau phát lệnh của trung tướng Tư, đại tá bắt đầu múa bút vào cuộc. Bài của đại tá vô lý hay phạm luật đến đâu thiên hạ đều đã phách hết. Nào là 5kg tiền va li khó mang, thiên hạ chỉ cho đại tá thấy ngoài sân bay người ta vác 7 kg nhẹ như lông hồng. Đại tá bảo Ngọ phong thứ trưởng có nghĩa chứng minh Ngọ không phạm tội, người ta hỏi thế ai không được phong là có tội chăng.? Vậy cái ông đại tá cục trưởng gì đó mà Chí Dũng khai ra chắc hẳn là phạm tội nên mới không được phong gì chứ.?
Đấy là chưa kể Phong đã lộ mình đầy sơ hở, Phong huênh hoang kể về 7 ngày trước Phong biết vụ án này thế nào, rồi trước nữa Phong biết thế nào.? Cái giọng văn đầy trịch thượng của Phong, Beo..và các trang mạng DLV vẫn tinh tướng như thánh phán xét về các vụ khác trước đây về những nhà dân chủ, giờ cũng vẫn thế. Cái này thiên hạ cũng đã nói hết cả rồi, Gió cũng không nói lại với Phong nữa.
Nhưng chuyện Phong nói về cái tình, cái nghĩa của Dương Tự Trọng thì ít người nói đến. Đang chuyện pháp luật Phong cho Petrotimes quay ra giở góc tình cảm. Thiên hạ nào cũng né, đúng là chuyện anh em ruột thịt, khó mà trách được. Hôm nay Gió viết thư tình, không phải tình cảm gì với Phong. Xưa nay Phong đứng đầu đám DLV bên kia, Gió ở bên này lề trái, tình nghĩa cái gì cơ chứ?.
Thư tình ở đây là nói về cái tình trong vụ Dương Tự Trọng. Petrotimes nói tình, Gió cũng hầu chuyện nghĩa tình .
Chuyện anh em ruột thịt, bao che cho nhau là chuyện bình thường. Thật sự ở xã hội phong kiến hay nền văn hóa gia đình đặc thù như dân tộc ta. Chuyện  ruột thịt cứu nhau là đáng nể. Nếu Trọng thẳng băng đem Dũng đi nộp để vẹn chữ công.Thì chẳng phải18 năm sau , đến 180 năm sau người ta sẽ vẫn còn trách Trọng tham công bỏ nghĩa. Gió viết mấy bài  về vụ này, nhưng chưa hề động bút nói gì đến hành động của Trọng cả. Trong tâm của Gió cũng đánh giá cao hành động sẵn sàng bỏ hết mọi thứ để cứu anh mình, cho dù là vi phạm pháp luật nặng nề của Trọng. Nụ cười thanh thản của Trọng trước tòa, chấp nhận ván bài chơi, có thắng có thua , đen thua sạch túi ,nở nụ cười chấp nhận, đúng là nghĩa khí của kẻ dám làm và dám chấp nhận hậu quả. ( có thể dư luận sẽ dấy lên chửi hai chúng ta nào là tình nghĩa gì mà đạp lên pháp luật, cứ kệ họ đã, chúng ta đang nói chữ tình ở đây thì cứ nói cho hết )
Giờ nói đến tiếp cái tình của Trọng, thì cũng phải nói đến ai là kẻ đưa Trọng đến hoàn cảnh trớ trêu này. Nếu Dũng, Trọng không biết tin Dũng bị bắt thì đâu có ngày Trọng phải hầu tòa lãnh án 18 năm. Một con người Dương Tự Trọng vẹn nghĩa tình như Petrotimes nói. Khi biết tin anh mình sẽ bị bắt, lẽ nào quay mặt làm ngơ hoặc đem anh mình đi nộp lấy công. Hoàn cảnh của Trọng và con người tình cảm như Trọng mà Petrotimes đã miêu tả ( nếu đúng ) thì Trọng không có cách nào khác là phải cứu anh mình, dù hậu quả vỡ lở có thế là mất hết cuộc đời. Nhưng Phong tin đi, có thể 18 năm sau người ta quên Dương Tự Trọng vì cứu anh mà phải lâm nạn cửa tòa . Nhưng nếu Trọng đem nộp anh của mình như thời cải cách ruộng đất thì chắc 180 năm sau thiên hạ còn nhớ đến Dương Tự Trọng , tuy nhiên hình ảnh sẽ chát đắng hơn nhiều chứ không phải như bây giờ.
Petrotimes nói đến tình của Trọng, Gió công nhận một cách thật lòng rất nể Trọng, Trọng khó mà làm khác được. Việc Trọng chơi với giang hồ Dũng Bắc Cạn, thiên hạ chê. Gió không chê, bởi Gió hiểu có cảnh sát hình sự nào mà không chơi với giang hồ đâu. Không chơi thì không lấy được tin, không làm được việc. Đấy, nói tình Gió cũng công nhận cái tình một cách rất thẳng thắn.
Nhưng nói thì cũng phải nói hết tình, phải trách kẻ nào báo tin khiến cho Dương Tự Trọng phải vào cảnh khó khăn ấy mới là nói hết tình. Nhưng Petrotimes nói lại không hết, thương Trọng mà thương nửa vời, nếu thương trót Petrotimes phải trách kẻ báo tin, Phong và Petrotimes phải góp phần truy ra kẻ báo tin thì mới phải tấm lòng với Dương Tự Trọng chứ. Đằng này Phong thương Trọng như thế là không hết tình với Trọng, mà Phong thương cảm thế để vẹn tình với kẻ báo tin cho Trọng mà thôi. Bởi thế Phong giở vụ Pmu18 ra để răn đe báo chí. Phong quay cuồng với các chứng cứ để khẳng định Dương Chí Dũng tố cáo oan sai  cho Phạm Quý Ngọ ( trời ơi ! Vì Dương Chí Dũng mà Trọng dấn thân cứ anh phải lao tù, giờ Phong bảo Dương Chí Dũng thế thì quả những lời Petrotimes thương cảm Trọng có phải là nước mắt cá sấu không ?). Phong khẳng định Dũng tố cáo oan sai, Dương Chí Dũng thêm tội. Dương Chí Dũng  đang mong góp phần thành khẩn chuộc tội tử hình chưa xong , nếu như Phong nói thì Dương Chí Dũng hết cơ sống. Ở tù 18 năm , anh trai mình  phải chết, không có cơ hội cứu vì lời cáo buộc của Phong, thử hỏi Trọng sẽ nghĩ thế nào về Nguyễn Như Phong.?
Sẽ hàm ơn Nguyễn Như Phong đã cho Petrotimes khóc thương cảm mình ư.? Hay Dương Tự Trọng sẽ nghiến răng nghĩ đến câu chữ mà Nguyễn Như Phong khoác tội thêm cho anh mình trong một vụ án mới định khởi tố.
Gió nói thế đã suy ngẫm  hết chữ Tình chưa ,Nguyễn Như Phong.?

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Phẫn nộ nữ sinh cầu "bọn nhà quê chết hết"


(Soha.vn) - Status của một cô gái trẻ về "người nhà quê" khiến cư dân mạng không khỏi bị sốc.
Gái xinh phát ngôn gây phẫn nộ.
Mới đây, đoạn status của một cô gái trẻ sau khi được đăng tải và chia sẻ trên trang facebook cá nhân đã khiến cộng đồng mạng vô cùng bức xúc. Chẳng là trong dòng chia sẻ của mình, cô gái này đã buông lời nói vô tâm và "độc ác" khi đề cập tới gió mùa đông bắc và người "nhà quê". Rất nhiều ý kiến tỏ ra ngán ngẩm và tiếc cho một cô gái có một khuôn mặt xinh xắn nhưng lại có hành động thiếu suy nghĩ và "độc ác". 

Theo thông tin chia sẻ trên mạng xã hội thì chủ nhân của dòng status trên là một nữ sinh hiện đang học tập và sinh sống tại Hà Nội.

Một thành viên trên mạng xã hội có nickname Madlife1007 đã giật mình khi đọc được những dòng chia sẻ này và tự hỏi phải chăng đây là biểu hiện xuống cấp đạo đức của một bộ phận giới trẻ, mà cô gái này chỉ là nằm trong số đó:

"Tôi không khỏi “giật mình” trước các biểu hiện xuống cấp về đạo đức của một cô gái có khuôn mặt khả ái, dễ thương khi tung một câu status trên Facebook cá nhân rất đỗi kinh hoàng: “Mai không khí lạnh à! Cầu cho bọn nhà quê chết hết đi cho nước Việt Nam đỡ nghèo”.

Giật mình hơn khi xem thông tin cá nhân cô gái này có tới hơn 2.100 người theo dõi. Trời ơi, một cô gái chẳng có gì để đáng học hỏi mà sao nhiều người theo dõi thế? Phải chăng cô gái này có chút nhan sắc nên nhiều người bị bùa mê thuốc lú nên mới để ý đến.

Tôi thấy nhan sắc cô gái dễ thương bao nhiêu thì đạo đức của cô này xấu xí bấy nhiêu. Xấu về cả tâm hồn lẫn nhân cách, xấu đến mức tôi phải gọi là ác quỷ. Vì những con người có tâm quỷ ác mới thốt lên được những câu “Cầu cho bọn nhà quê chết hết đi cho nước Việt Nam đỡ nghèo”. Những con người đó có đáng để hơn 2.100 người theo dõi không? Thật là hết thuốc chữa. Phải chăng đạo đức của lớp trẻ bây giờ quá suy thoái rồi?".

Đồng tình với ý kiến trên, bạn Hương My còn cho rằng các bạn trẻ thời nay đang lạm dụng và sử dụng sai mục đích của facebook, mạng xã hội: "Các bạn trẻ đang lợi dụng sự phát tán nhanh chóng trên mạng xã hội mà sử dụng chiêu trò để được nổi tiếng. Tôi không hiểu sao một cô gái xinh đẹp lại có thể thốt nên những lời nói kém nhận thức và vô tâm như vậy",

"Có phải con gái càng xinh càng giàu thì não càng phẳng không nhỉ? không có ý "vơ đũa cả nắm" nhưng gặp quá nhiều trường hợp thế này rồi. Đọc dòng chia sẻ xong mà ngán ngẩm chẳng biết phải nhận xét sao nữa. Đến sợ các bạn trẻ, ăn sung mặc sướng rồi tự cho mình cái quyền ăn nói lung tung", Quang Tuấn bức xúc bình luận.

Bên cạnh những lời chỉ trích, "ném đá" dòng status trên thì cũng ý kiến cho rằng rất có thể cô gái này lại là nạn nhân của facebook giả: "Dạo này nhiều bạn trẻ thường bị những thành phần xấu lợi dụng hình ảnh để làm facebook giả rồi đăng ảnh nóng, những phát ngôn gây sốc để làm ảnh hưởng tới hình ảnh và danh dự của những người này. Mọi người hãy cẩn thận, rất có thể chủ nhân của dòng status "ác độc" kia không phải là cô gái trong ảnh", Minh Hiếu bình luận.

http://soha.vn/cu-dan-mang/phan-no-nu-sinh-cau-bon-nha-que-chet-het-20140108151151071.htm

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Đúng là "Trí Giả" không phải Trí Thật!:

Anh Phạm Quý Ngọ vô tội!
Trí GiảTôi gọi là anh Ngọ vì có một thời anh rất thân thiết với dân địa phương chúng tôi. Nghe dân tình bàn tán xôn xao về vụ án tổ chức cho tội phạm Dương Chí Dũng chạy trốn có liên quan đến thứ trưởng bộ công an, thượng tướng Phạm Quý Ngọ, tôi bỗng giật mình đánh thót, không thể nào tin rằng lại có chuyện ấy!
Làm gì có chuyện người phụ trách chuyên án mà lại báo cho tội phạm biết sẽ bị bắt, xui hắn trốn đi. Lời khai của ông Dương Chí Dũng tại tòa chẳng có gì làm cơ sở, bởi vì nguyên tắc của các nhà làm án là trọng chứng hơn cung. Vụ chạy án này chỉ có thể được làm sáng tỏ khi và chỉ khi Dương Chí Dũng ghi lại được số sê-ri tập tiền đô la mà ông ta đã đưa cho ông Ngọ và khi khám nhà ông Ngọ thấy còn ít nhất một đồng đô la có cái số sê-ri ấy. Thế thì khác nào mò kim đáy bể!


Cho đến nay, anh Ngọ vẫn là một trong những cán bộ công an khiến nhiều người ngỡ ngàng, không thể nào hiểu nổi. Anh là người rất bí ẩn. Không hẳn vì anh rất điềm đạm, khéo léo và sống khép kín mà bề dày thành tích của anh trong công tác cũng rất ít người biết. Anh tiến bộ lên từ người chiến sĩ công an bình thường. 

Về huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình làm đội trưởng cảnh sát phòng chống tội phạm, rồi lên huyện trưởng công an. Nhoáng một cái nhanh như tên lửa, anh nhảy lên sở, giữ chức giám đốc rồi lên trung ương, lên thiếu tướng, trung tướng, rồi thượng tướng chỉ trong khoảng hơn chục năm và bây giờ là đương kim thứ trưởng bộ CA. Có thể nói anh là người giỏi nhất trong ngành công an của tỉnh Thái Bình. V

ào những năm 1996-1997 ở Thái Bình có loạn. Nông dân Quỳnh Phụ ném đá nát bét trụ sở công an huyện, đánh đập nhiều chiến sĩ công an thành thương tật thì lúc đó anh Ngọ đã lên sở, lực lượng CA với xe vòi rồng, lựu đạn cay, chó nghiệp vụ… về trấn áp không rõ có phải do anh điều động không. Khi ấy, ông Phạm Thế Duyệt làm trưởng ban dân vận trung ương nhận định rằng không có thế lực thù địch nào bên ngoài nước xúi giục đứng ra tổ chức những cuộc khiếu kiện đông người này mà chỉ do chính quyền thu phí quá sức chịu đựng của người dân. Bằng ứng xử mềm dẻo trên cơ sở thượng tôn pháp luật, sửa đổi những thiếu sót từ cơ chế, chính sách, vụ rối loạn đã được dẹp yên, an ninh trật tự được giữ vững . Có lẽ đây cũng là công lao lớn mà anh Ngọ có phần.

Có thể nói anh Ngọ là người vô cùng may mắn, luôn gặp may mắn. Anh lên trung ương thì mắc bệnh hiểm (ung thư gan) liền được một chiến sĩ trong ngành hiến cho một lá gan và cuộc phẫu thuật ghép gan được thực hiện tại nước ngoài thành công tốt đẹp. Anh phục hồi sức khỏe rất nhanh và con đường hoạn lộ vẫn tiếp tục hanh thông. Đúng là ở hiền gặp lành, luôn có quý nhân phù trợ. Người chiến sĩ trẻ kia đã được anh nhận làm con nuôi vì mang ơn cứu mạng.

Còn bây giờ, một tai nạn nghề nghiệp xảy ra đối với anh, có lẽ cũng là sự xui xẻo đầu tiên trong đời. Tin rằng, đằng sau anh còn có Bộ chính trị TƯ đảng, lẽ nào để anh “chết” mà không cứu. Anh Ngọ lên nhanh như vậy, không có các sếp nhớn chống lưng mới là chuyện lạ!

Nhân đây, cũng cần nhắc nhở các tòa báo. Chớ có thấy Dương Chí Dũng khai thế mà đã vội nhảy cẫng lên, chĩa mũi nhọn vào anh Ngọ của tôi, nhá! 

Các quý vị có còn nhớ vụ PMU18 không?.Các vị cứ chủ quan, cứ tưởng thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến sẽ bị “nốc ao”. Ai dè chính các vị đã phải trả giá quá đắt. Tại báo Thanh niên, Nguyễn Công Khế, TBT bị bật xới, Nguyễn Quốc Phong phó TBT bị cách chức xuống làm nhân viên thường, còn nhà báo kiêm nhà thơ Nguyễn Việt Chiến thì phải đi tù 2 năm. Cái gương bằng liếp sờ sờ đó. Đừng làm con tốt để người ta thí mạng trong những vụ đấu đá tranh giành quyền lực, nghe chửa ?

Trí Giả
(Quê choa)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

YẾN LAN – CHA TÔI

(Người ẩn mình dưới tên gọi giai nhân)

Nhà thơ Yến LanLÂM BÍCH THUỶ
Nhà thơ Yến Lan
Vào những năm 1930-45 thế kỷ 20, tại dải đất Bàn Thành, thị trấn An Nhơn thuộc Bình Định có bốn người bạn làm thơ, họp lại thành nhóm “Tứ hữu Bàn Thành”. Nhà nghiên cứu văn học thời bấy giờ tên Trần Kiên Mỹ, quê ở đất võ Tây Sơn, chơi thân với họ, ông yêu mến và nhận thấy thơ của bốn ông bạn tuy ngẫu nhiên nhưng sao tương ứng với các linh vật, thơ Hàn Mặc Tử thì như rồng (Long), thơ Yến lan lành như Lân, Quách Tấn như Qui, còn Chế Lan Viên như Phụng; vì vậy ông lấy tên các linh vật ấy đặt cho từng người và gọi nhóm với tên “Tứ Linh”. Từ đó, cái tên Tứ hữu Bàn Thành hay  Tứ Linh luôn song hành trong văn đàn là vậy đó.
   Từ khi ra đời, mỗi người mỗi vẻ, bằng những tài thơ của mình, họ đã hòa nhịp âm vang cùng với thơ Xuân Diệu, Phạm Hổ của Bình Định, góp phần không nhỏ cho sự phát triển nền văn học quê hương và Dân tộc Việt Nam .
  Ấy thế mà trong thực tế, nhắc đến Yến Lan, hầu như chẳng mấy ai biết đến, nhất là lớp trẻ. Nếu ai đó vô tình đọc thơ của ông, thấy hay hay họ cho rằng đó là của nữ thi sĩ !.
    Giả sử đem thơ các vị ấy so sánh một cách công bằng thì cũng khó phân biệt được thơ ai hay; giàu lòng nhân ái, sống có tình và thủy chung hơn; nhưng nếu đem so sánh bằng phương pháp điện quan có lẽ dễ nhận ra tấm chân thiện, trách nhiệm và tầm nhìn của người nghệ sĩ nào hơn ngay thôi…
     Người yêu thơ đinh ninh rằng tại thành cổ Đồ Bàn – Bình Định có một bến sông tên gọi là “Bến My Lăng”. Bến sông ấy, một đêm sáng trăng nọ, nàng Hằng Nga đã để ánh vàng mình rơi đầy trên mặt sách của ông lái đò đang đợi khách, khiến lòng ông buồn vời vợi đến độ mặc kệ cho gió lén vào râu ông để mơn.
   Những tên bài “Bến My Lăng” “Bình Định năm 1935” “Lại về tỉnh nhỏ” “Nhớ làng” là những bài thơ gốp phần làm giàu thêm ngôn ngữ cho nền văn học Việt Nam của Yến Lan trong Sách Giáo Khoa; khi biên sọan lại đã bị bỏ ra! Còn lớp trẻ, phần lớn chỉ thích ngồi chát hàng giờ trên vi tính hoăc xem ti vi với những quãng cáo “Làm cách nào để thành người sành điệu”… hơn là ngồi đọc sách, báo thì làm sao mà biết Yến Lan là ai! Thậm chí một chị học cùng lớp; ở trường Học sinh Miền Nam với tôi mà còn nhầm lẫn trong vẻ hiểu biết “Thơ má em hay thiệt!”.
   Lại nữa, vào cuối tháng 11 năm 2013, trên VTV3 trong chương trình Ai là triệu phú có câu hỏi về nhà thơ nổi tiếng trong Bàn Thành Tứ Hữu của Bình Định. Ngoài ba nhà thơ Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Quách Tấn còn ai trong  số các nhà thơ : Bích Khê, Xuân Diệu, Yến Lan của nhóm thơ nổi tiếng của Bình Định,… Thật mỉa mai thay, ngay cả sự trợ giúp của cả hội trường, không một ai có thể nghĩ tới Yến Lan !  Vậy đó các bạn ạ!…
    Trong lời tựa tập “Thơ Yến Lan” do NXB Văn Học in cách đây gần 30 năm, nhà thơ Chế Lan Viên đã viết: “Có nhiều lý do. Nhưng thơ là cái đẹp lặng im, đi lầm lũi trong im lặng, nếu không ai nhắc đến, chỉ ra, gọi tên tán dương thì nó bị vùi lấp đi. Đầu là trong im lặng mà sau là sự lãng quên”.
  Từ góc nhìn hạn hẹp của người con, thông qua những mẩu chuyện đời thường để bạn yêu thơ hiểu về Yến Lan – người mà theo sự đánh giá của các bạn vong niên, đồng niên của ông hay các nhà nghiên cứu – Đây là nhà thơ tài hoa rất sớm, đầy tâm huyết với quê hương và cái chữ nhưng lận đận về đời và cả về sự nghiệp thơ của mình nhất.
Từ trước đến nay theo tư liệu: Yến Lan tên thật là Lâm Thanh Lang, sinh ngày 2 tháng 3 năm 1916 trong một gia đình nghèo. Cả tuổi thơ ông phải nương tựa vào chùa Ông ở thị trấn An Nhơn-Bình Định.
Thực ra, tên ông là Lâm Xuân Lan ; sinh ngày 22 tháng 4 năm 1917.  Khi đi học, trục trặc giấy tờ, nên tên và ngày sinh của ông có sự nhầm lẫn; cha ông thấy không cần sữa, cứ để vậy cho xong
   Những ngày chập chững bước vào làng thơ, bằng những vần lục bát để tuyên truyền cho người dân trong thị trấn hiểu và tham gia Cách mạng, ông lấy bút danh Thọ Lâm. Trên Tiểu Thuyết Thứ Bảy, bút danh là Xuân Khai. Còn bút danh Yến Lan là sự ghép tên của hai giai nhân:
   Thầy giáo Lang và 12 học trò cùng quây quần bên nhau trong một gian nhà mái ngói âm, dương, đối diện với cây me cổ thụ. Trong lớp có 2 cô trông dễ thương, kháu khỉnh. Một cô tên Yến, một cô tên Lan, hai cô thân nhau như chị em ruột. Thầy Lang làm thơ hay và có tài kể chuyện, lại rất dí dỏm nên được các em học sinh yêu thích. Thầy thường đọc thơ trên báo và thơ mình cho lớp nghe. Nhìn thầy rất trí thức và đẹp trai nên cả hai cô đều thầm thương, trộm nhớ. Ngày nghĩ họ vẫn rũ nhau vào chùa, lấy cớ học thêm để được gặp thầy. Một hôm, thầy nghe lõm được lời của hai người: “Tao với mày chơi thân như thế này, sau này có lấy chồng chỉ lấy một người thật đẹp trai làm chồng chung để khỏi phải xa nhau”. Nghe được vậy thầy Lang tủm tỉm cười.  Ít lâu sau đó, cô Yến theo gia đình chuyển vào Nha Trang.  Chỉ còn  cô Lan ngày ngày vẫn tới lớp thầy Lang để học.
   Trong thị trấn bé nhỏ ấy, gia đình cô Lan thuộc loại khá giả. Nhiều nhà giàu ở huyện muốn hỏi cưới cô cho con trai nhà mình, nhưng cô đều từ chối. Bởi trong cô đã có hình bóng của chàng thi sĩ nghèo họ Lâm thôi. Cha cô Lan biết chuyện, tìm mọi cách can ngăn. Vì ông thấy chàng thi sĩ nghèo không môn đăng hộ đối với gia đình.
    Không lấy được chàng thi sĩ, cô Lan nhất quyết đi tu. Cô vào tu tại chùa Sư Nữ ở Phan Thiết. Cả nhà không biết đâu mà tìm. May sao bà chị con ông cậu đi lễ Phật, bắt gặp, tin cho gia đình biết. Chàng thi sĩ họ Lâm nghe được, cùng anh trai cô, khăn gói đi tìm, vì thế mới có bài Phan Thiết:
Màn chót hay là
                     Bài  THƠ PHAN THIẾT
Bài viết sau khi Lan bỏ nhà xin vào tu ở
chùa sư nữ Phan thiết. Lan lúc ấy đã 18 tuổi.
Nghe rằng đó: Cõi khói, mây, lửa, gió
Bờ biển khô, quì mệt gối trăng nghiêm
Nơi, kẻ đến hắt hiu xuân ngọn cỏ
Người ra đi, ngờ hoặc bóng trăng đêm
Nơi trận cát bao la chim lạc hướng
Lầu ông Hoàng lở lói đá vôi lăn
Giang tay chỉ lên trời xanh vạn trượng
Những vai buồm hàng hải lã băn khoăn
Bãi thông cõi phong phanh tà áo cũ
Cụm cừ sưa cuối uống vũng chiều bầm
Mỏi đến héo những hoa hồng chớm nụ
Tóc lại xàu bao đọt liễu đang tầm
Đường sạn úa, bụi lồng cơn gió đuổi
Mảng trời nghiêng bạc bợt cả màu xanh
Hồn bể lớn chơi vơi trên bọt muối
Mùi san hô bừng dậy nắng trưa hanh
                    
Nhúng nến đỏ dựng cao hang tháp lệ
Vẫn rưng rưng nhểu đọng giọt tương tư
Kinh sách giở như buồm neo trước bệ
Chực đưa hồn trở lại bến non vu
Ôi Phan Thiết một trời ngâu vàng võ
Dòng sông sâu đâu dễ dứt Cầu Ô
Chiều nay đến lòng ta đầy bão gió
Muốn bùng lên xáo trộn cả trời mây
Tay trước ngực chấp nên hình
Chuông thỉnh Kinh liền nhịp dậy trông hồn
Đau thương ứa trên thân hình bát rạn
Bởi thấy lòng dồn vơi hết sầu thương
Nén nhang nguyện xông lên hương huyền ảo
Nhen ái tình ta là kẻ đầu tiên
Lá phượng trắng dựng trên nền Tam Bảo
Hướng lên trời Phan Thiết kết nhân duyên
Ôi Phan Thiết, sông Cầu, Lăng Cô, Đà Nẵng
Đến một lần chỉ để nhớ mãi không khuây
Đêm lạnh, tóc mai dầm hướng gió
Nặng tình xanh trăn trở giữa chăn đơn
Tôi thức uống bầu sao từng hớp nhỏ
Gạn vô lòng chất biếc mỗi tình thương ….
                                                      “Phan Thiết”   Tháng 4/1944
Sau 4 năm, cha cô Lan thấy hai người vẫn quyết tình nên đành chấp nhận cho họ lấy nhau. Trong giai đoạn gian nan nhất, cô Yến thường viết thư động viên, vun đắp chân tình cho hai người và không hề nhắc lại lời hứa năm xưa. Lần đi tản cư, cả gia đình cô Yến bị lật thuyền, chết. Nhớ lại câu chuyện tâm tình xưa của hai người, và để kỷ niệm tình bạn của họ, ông đổi bút danh Xuân Khai ra Yến Lan.
  Khi cái tên Yến Lan đã trở nên quen thuộc và gần gủi với khách thơ thời bấy giờ, Tòa Soạn Báo Phụ Nữ do ông Minh Vĩ làm chủ bút rất sôi động, phải liên tục giải thích những lá thư hâm mộ kèm theo sự tò mò: “Yến Lan là ai?, nam hay nữ?, đẹp hay xấu?…”
  Tôi Là con cả của nhà thơ, tôi học ở trường Học Sinh Miền Nam tại Hải Phòng, tuy ít được gần gia đình nhưng không hiểu sao thường được ông tin cậy, tâm sự những bức xúc của đời, của thơ. Tôi đọc, tìm hiểu qua sách báo mới cảm nhận về người cha của mình: “Cha quả là tài hoa mà sao đời lại phụ bạc với cụ thế? phải chăng vì mang bút danh Yến Lan, nó quá yểu điệu và nữ tính có lẽ vì thế mà suốt những tháng năm sống trên cõi trần và khi đã trả hết nợ trần gian ông vẫn không gặp may như bạn cùng thời!…
   Là nhà thơ, ngay còn trẻ, ông sáng tác nhiều, nhưng không nhà thơ nào bị mất những đứa con tinh thần nhiều như ông. Ông mất do chiến tranh lọan lạc, mất trong bạn bè (điều này ông chỉ nói cho tôi biết và dặn không được nói với ai vì sợ mất tình anh em )
Vào thập niên năm 60-70 của thế kỷ trước, khi hai chị em chúng tôi -  lớn lên trong sự tồn tại bút danh Yến Lan, đã chứng kiến những ngạc nhiên, sự tò mò của khách thơ đến là tức cười và cũng rất dễ thương. Người thì bảo: “Yến Lan là nam” và người thì đinh ninh “Yến Lan đích thị là nữ 100%.”
Một ngày nọ, có chàng trai để chứng minh mình đúng, đã đến tận nhà tôi kiểm tra. Anh chạy từ dưới lên tận gác 2, nhà 37 Hàng Quạt – Hà Nội. Thấy hai chị em gái đang ngồi ngay cửa ăn mía; anh nhìn tôi thăm dò: “Em ơi, phải đây là nhà của nữ sĩ Yến Lan?”. Con em đang hít hít khúc mía nghe chữ “nữ sĩ” nó rũ ra cười sặc sụa. Một tay bụm miệng, tay kia chỉ về phía người đang hì hục chửa cái chân ghế hỏng “Đấy! đấy là nữ sĩ Yến Lan của anh đấy”. Rồi,  tôi nghe rất rõ câu anh thốt lên với ba tôi: “Thôi chết rồi anh Yến Lan ơi! Em đã thua cuộc lớn lắm phải đãi mấy thằng bạn một chầu phở.” Anh nhìn ba tôi cười lém lĩnh rồi chạy xuống cầu thang-nơi các bạn anh, những người chiến thắng đang chờ kẻ thua trận để xử lý.
   Hồi ấy, phần lớn những người yêu thơ Yến Lan còn rất trẻ, chỉ hơn chị em tôi 2 -> 3 tuổi nhưng cứ gọi ba tôi bằng anh xưng em ngọt xớt. Họ nghĩ rằng với bút danh Yến Lan, nhà thơ không có con hoặc con còn bé tí tẹo, vì thế nhiều người ngỡ ngàng khi bất chợt gặp chúng tôi tại nhà, họ tỏ thái độ ngạc nhiên đến mức có lúc làm ba tôi tự ái: “Trời ! anh Yến Lan mà đã có hai cô gái như thế này ư!”.Và khi đã biết Yến Lan có 2 cô con gái lớn thì người yêu thơ Yến Lan càng tò mò muốn biết mặt mũi chúng ra sao. Chẳng thế mà anh chàng có tên nghe cũng rất thi sĩ -Trường Thi, không ngại quãng đường đã đi qua, đạp ngược lại để theo chân anh bạn tên cũng rất thi sĩ là Mai Ngữ ( từ Suối Hai về đến Phùng) lên lại Nông Trường Ba Vì-Hà Tây dài 52km – nơi tôi làm việc, chỉ để tận mắt xem con gái nhà thơ Yến Lan mặt mũi ra sao, tròn hay dài v.v…?
   Lại nữa, có người còn muốn làm bạn với chúng tôi cũng chỉ vì–Đó là con gái nhà thơ Yến Lan. Hiện, tôi còn giữ lá thư của chàng thanh niên chưa hề quen biết. Thư đề ngày 28/3/1966 trong đó có đọan:
  “Xưa nay tôi ít quen biết – bè bạn của tôi là tất cả mọi người. Tôi cũng chưa từng có ý kết bạn với ai như với Bích Thủy, lẽ đó làm tôi ngạc nhiên….Qua một số lời mô tả về bạn…tôi không hình dung được chút nào. Tôi chỉ biết rằng dòng máu của nhà thơ Yến Lan đang chảy trong người bạn – một nhà thơ mà tôi ưa trong các nhà thơ…
  Và anh nói toẹt không chút do dự: Tôi muốn chúng ta là bạn.”
   Nay, mặc dù tôi đã về hưu nhưng khi biết tôi là “ái nữ của Yến Lan” thì khách thơ hầu hết đã có tuổi, bằng sự ngưỡng mộ thật lòng, đọc cho tôi  nghe những câu thơ hoặc cả bài thơ của ba tôi mà họ thích hay nói những lời nghe thật thân mật :
- Vậy cô là con gái của “ông lái đò đã để gió lén mơn râu đấy ư !” rồi họ đọc thuộc lòng hoặc cả bài hoặc một đoạn thơ của ông với tôi
“Khế chua chị nấu lá mòng tơi
Em ướt được ăn đến trọn đời
Tang mẹ mãn rồi bà mối dục
Chị đi bát đũa cũng mồ côi”
  Đọc xong trong niềm xúc động, họ trầm mặc “Yến Lan chọn từ thật đắt, chẳng có ai mồ côi hơn ông khi mà cả bát đũa ông cũng mồ côi. Như vậy, nhà thơ mồ côi đến những ba lần : Mẹ, chị và bát đủa ” Có lúc, khách thơ cất giọng ngâm trong niềm cảm xúc tận cùng bài Xuân muộn
Vụng sắm cành đào không kịp tết
Ra giêng mới hé một vài bông
Xuân người lã tã bay đâu hết
Ngoãnh lại xuân ta mới chớm hồng
   Ai đã từng sống và biết Yến Lan chắc không quên mảnh đời cơ khổ mà thanh bạch của nhà thơ. Ông không chọn cho mình cách sống trong bon chen, nhưng cũng không nản lòng trước nghịch cảnh bạc bẻo của đời, trái lại ông sống chung thủy với bạn, nhân nghĩa với đời. Ông lẳng lặng làm việc, lẳng lặng vượt khó khăn, không than thở, tự mình hàn vết thương đau :
Ứa nhựa hàn vết đau
Tĩnh yên cành gió quật
Quả đu đủ góc ao
Lặng dâng đời quả ngọt
Lúc còn trẻ, ông quen tự lập. Khi trưởng thành, cuộc đời ông đã khắc khỏai, trăn trở với bao thăng trầm của xã hội trong chiến tranh, chia cắt. Bản thân ông phải vận động sao cho phù hợp với lẽ sống mới. Hơn ai hết với tâm hồn nhạy cảm của người nghệ sĩ đã quen tự lập, ông mạnh mẽ đón lấy ngọn gió thời đại. Cảm hứng mới đem lại diện mạo mới cho thơ Yến Lan, làm cho thơ ngày càng bay bỗng, khiến nhạc sĩ, nhà thơ tài hoa Văn Cao đã không ngần ngại viết nhận xét:
  “Từ một người bình dị Yến Lan đang trở thành một người muốn thúc đẩy một sức gì đang làm trì trệ cuộc sống của chúng ta. Tôi thấy ở anh một sự chuyển biến, một sự mở ra có sức lực..”
   Với tôi, là con, tôi càng nhận ra được từ những vần thơ lưu của cha mình,  dù hoàn cảnh nào cũng đều hướng về cuộc sống bình thường, giản dị và thiện chí. Con người với con người là một thực thể xã hội, với muôn vàng quan hệ chồng chéo:
Nhà không vườn, không gác, không sân
Tôi nợ đời rau trái tôi ăn
Nợ hàng xóm trưa hè bóng mát
Nợ em cài bên cửa một vầng trăng.
Trong cuộc sống, ông sống theo qui luật của nước “nước chảy vào chỗ trũng”, trước sau như một, thủy chung, sẻ chia cho bạn. Với bạn bè là tình cảm yêu thương, chan hòa nâng đỡ. Ví dụ : Thời trai trẻ, ông cùng bác Quách Tấn, chú Nguyễn Đình lo hòa giải cho tình cảm của gia đình và tình yêu của hai vợ chồng chú Chế Lan Viên và cô Giáo-người vợ đầu của chú. Chăm sóc an ủi chú Bích Khê, Hàn Mặc Tử trong cơn bạo bệnh ; những ký gạo giúp bác Quang Dũng trong thời kỳ tem phiếu, khó khăn vất vã. Và chắc chắn hình ảnh ông một mình đi sau linh cữu cụ Phan Khôi đến nơi an nghĩ cuối cùng trong một ngày cuối đông ở Hà Nội vào thời đấu tranh khốc liệt nhất của giới văn nghệ sĩ đối với “Nhân Văn Giai Phẩm” với “nghĩa tử là nghĩa tận.”
Với gia đình, ông sắt son và thủy chung:
Em có cháu gọi bà
Gọi em anh vẫn gọi
Năm mươi tuổi ai già
Chúng mình sao trẻ vậy…”
Trong những năm cuối đời, ba thường nói với hai chị em gái đầu lòng: Ba rất mừng vì hai con đã biết thương và hy sinh cho các em. Là phận gái  trong gia đình này các con đã phải chịu thiệt thòi nhiều. Nhưng các con có quyền tự hào về ba vì suốt đời ba đã phấn đấu là người làm thơ khiêm tốn và biết tự trọng. Thực ra, ba tôi không cảm nhận được niềm tự hào của chúng tôi về ông đấy thôi. Bởi vì hai đức tính này nghe thì rất bình thường, nhưng đã mấy ai làm được, nhất là vào những thời điểm mà chân giá trị đích thực của con người chưa được đặt đúng vị trí.

Phần nhận xét hiển thị trên trang