Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 13 tháng 12, 2013

Nhà báo đến xem tòa:

Xung quanh phiên xét xử vụ án Dương Chí Dũng và đồng bọn: Sao tòa sợ báo chí đến thế…?Tác giả: T. Minh

KDNhiều ngành họ nói về báo chí thế này: Cái bọn báo chí, thằng nhà báo, con nhà báo… Hầu như chả ngành nào ưa báo chí.
Đơn giản, sợ bị moi ra những chuyện xấu, chuyện dở, những phát ngôn hớ hênh. Và cả sợ bị xin… quảng cáo.
 Mặc dù phóng viên các cơ quan báo chí đã liên hệ đăng ký tác nghiệp phiên xét xử vụ án Dương Chí Dũng cùng đồng bọn phạm tội “Tham ô tài sản”, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và đã được cấp thẻ làm việc. Thế nhưng khi đến tác nghiệp, các phóng viên mới “tá hỏa” về quy định của tòa rằng: “Chỉ được mang giấy trắng và bút vào và ngồi theo dõi qua tivi”.
Sáng ngày 12/12, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án “Tham ô tài sản”, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam. Đúng 8h15, phiên xét xử chính thức bắt đầu. Thế nhưng, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã có những động thái khiến các phóng viên của các cơ quan báo chí Hà Nội và Trung ương “té ngửa”. Và cũng lâu lắm rồi Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội mới có những biện pháp thắt chặt an ninh phiên tòa đến như vậy.
Khi các phóng viên mang thẻ tác nghiệp phiên xét xử để vào dự tòa thì nhân viên tòa án thông báo: “Toàn bộ phóng viên báo chí đến đưa tin phiên tòa phải xuất trình Thẻ Nhà báo và Thẻ tác nghiệp phiên xét xử do Tòa cấp để lực lương an ninh đối chiếu danh sách với tên đã đăng ký từ trước”.
Các phóng viên tác nghiệp tại phiên xét xử phải trình thẻ do Tòa án nhân dân Hà Nội cấp và Thẻ Nhà báo để đối chiếu.
Mặc dù, các phóng viên đã xuất trình thẻ dự phiên xét xử do Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội cấp nhưng để được vào tòa, phóng viên vẫn phải trình Thẻ Nhà báo để lực lượng an ninh kiểm tra. Tất cả các phóng viên đều phải đi qua một chiếc cửa an ninh để soi chiếu và sau đó là qua một khâu dò tìm kim loại, vũ khí… Không dừng lại ở đó, trước khi vào Tòa, các phóng viên phải để toàn bộ phương tiện tác nghiệp như: máy ảnh, máy tính, máy ghi âm, điện thoại và các vật dụng bên ngoài. Phóng viên chỉ được mang theo giấy trắng, bút để ghi chép.
Khi vào, các phóng viên phải đi qua cửa soi chiếu và dụng cụ tìm kiếm kim loại, vũ khí.
Khi các phóng viên vào tác nghiệp, lực lượng an ninh lại “dồn” tất cả vào một phòng riêng biệt và theo dõi qua màn hình tivi. Trong thời gian ngồi theo dõi phiên xét xử, có hàng chục người tự xưng là cán bộ của Tòa đi kiểm tra thẻ của từng người một và đối chiếu với danh sách đã đăng ký từ trước đó. Các phóng viên phải ngồi xen kẽ với cán bộ tòa án. Mọi động thái của phóng viên đều bị kiểm soát chặt chẽ.
Động thái của Tòa án nhân dân Hà Nội khiến các phóng viên bức xúc.
Ngay như các cơ quan báo hình, như: Truyền hình Việt Nam, Kênh phát thanh có hình Đài tiếng nói Việt Nam cũng bị ngăn cấm mang máy quay và các công cụ tác nghiệp. Trước hành động này, một đồng chí phóng viên Đài Truyền hình Việt Nam đã gọi điện cho đồng chí Nguyễn Thế Kỷ – Phó Ban tuyên giáo Trung ương để cầu cứu nhưng cũng vô ích.
Thiết nghĩ, là một phiên tòa xét xử công khai sao tòa án lại có những động thái “chặn đường làm việc” của báo chí đến như vậy. Chiếc máy tính là công cụ tác nghiệp cơ bản nhất cũng bị cấm không cho mang vào. Máy ghi âm để ghi lại những tình tiết quan trọng mà các bị cáo khai nhận, lời lẽ bảo vệ thân chủ của luật sư cũng bị để bên ngoài. Nếu như đã cấm mang các công cụ tác nghiệp của báo chí, sao Tòa Hà Nội phải bắt các phóng viên phải đăng ký để cấp thẻ trước hàng tuần và sao không thông báo ngay từ đầu, để khi đến tác nghiệp đỡ “tá hỏa” với những quy định “quái gở” này.
Mọi dụng cụ tác nghiệp đều phải gửi bên ngoài và chỉ được mang giấy trắng cùng bút vào.
Phải chăng, một phiên tòa xét xử công khai mà ngăn cản bảo chí một cách thái quá đến như vậy thì từ giờ trở đi Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội nên ra một cái quy định mới là “Tất cả các phiên xét xử đều xử bí mật”. Hay, Hội đồng xét xử có gì uẩn khúc, nên sợ các bị cáo khai những tình tiết quá quan trọng, liên quan đến lãnh đạo cấp cao hơn. Và việc ngăn cản này là một động thái chuẩn bị trước để báo chí không có bằng chứng sau những lời khai của các bị cáo?!
————

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Nhìn lại hiện tượng Trương Tửu

Tác giả: Tuấn Kiệt
Ngày 11-12, Hội Nhà văn Hà Nội đã tổ chức Hội thảo “Những thí nghiệm của ngòi bút tôi” nhân kỷ niệm 100 năm sinh nhà văn – Giáo sư Trương Tửu (1913 – 2013), người đặt nền móng đầu tiên cho ngành phê bình văn học nước nhà.
Nhà văn – Giáo sư Trương Tửu
Hiếm khi nào số người tham dự lại đông hơn dự kiến như tại hội thảo về nhà văn – Giáo sư Trương Tửu nhân 100 năm sinh của ông. Các giáo sư đầu ngành như Nguyễn Đình Chú, Trần Đình Sử, Phong Lê, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên… nói về ông với sự ngưỡng mộ và kính trọng. Trương Tửu được hậu thế nhớ tới với vai trò là nhà nghiên cứu có cá tính mạnh mẽ.
Ông luôn có ý thức nêu vấn đề mới, đặt lại vấn đề một cách độc lập, táo bạo, cho nên các tác phẩm của ông luôn có tính thách thức, đối thoại và tranh luận với người cùng thời để nêu kiến giải riêng của mình. Cách làm đó khiến cho đời sống văn hóa luôn sôi động và gương mặt ông luôn giữ được nét riêng. Ông không ngại nói những điều gọi là “chướng tai gai mắt thiên hạ”. 
Theo nhìn nhận của GS Trần Đình Sử, phê bình văn học cho dù được quan niệm là khoa học, nhưng xét đến cùng nó vẫn là văn học, nghĩa là đồng sáng tạo. Do đó dù có thiếu sót, thiên lệch, “đọc nhầm” như thế nào thì cách đọc của Trương Tửu vẫn tạo ra “dị bản” của ông. Dị bản đó vẫn tạo ra một sự đa dạng đủ làm cho ta tham khảo. Và không ít dữ kiện của ông rồi đây giúp ai đó có thể đọc Truyện Kiều theo một hướng khác hẳn.
Sẽ rất ngộ nhận nếu cho rằng chỉ có cách hiểu của Hoài Thanh hay của Phan Ngọc mới là duy nhất đúng. Vả lại, xét một cách khác, trường hợp “đọc nhầm” dung tục như Trương Tửu đâu phải là cá biệt trong phê bình văn học nói chung và phê bình văn học Việt Nam nói riêng. Việc vận dụng phương pháp duy vật biện chứng của nhiều nhà nghiên cứu văn học Việt Nam một thời đối với Thơ Mới, tiểu thuyết Tự lực Văn đoàn, đối với tác phẩm của Vũ Trọng Phụng và với nhiều tác phẩm văn học khác cũng dung tục không kém, gây tác hại còn lớn hơn cả Trương Tửu. 
Là học trò “ruột” của GS Trương Tửu, GS Nguyễn Đình Chú xúc động khi nhắc tới người thầy của mình với sự cảm phục bậc sư phụ đã để lại cho đời một mẫu mực về văn hóa tranh luận. Văn hóa tranh luận là phải như thế đấy. Phải làm cho ra nhẽ nhưng là trên cái nền tảng tôn trọng nhau.
Còn phần đúng sai trong văn chương, học thuật thì ai dám khẳng định tiếng nói của tôi là tiếng nói cuối cùng? “Mong rằng, hiện tượng phê bình theo kiểu mà mấy ai đó đã làm với nhà văn – GS Trương Tửu thời kỳ chống Nhân văn – Giai phẩm chỉ là hiện tượng thần kinh không bình thường trong nhất thời mà thôi…” – GS Chú nói.
GS Nguyễn Đình Chú cũng kể lại câu chuyện đến thăm thầy Trương Tửu sau hàng loạt “tai nạn” nghề nghiệp đến với ông. Bỏ nghề giáo, nghề văn, Trương Tửu lại chuyển sang nghề bốc thuốc nhưng khuôn mặt ông vẫn giữ được nụ cười rạng rỡ như ngày nào.
———-


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Năm, 12 tháng 12, 2013

Hình ảnh ấn tượng về Tây Nguyên 1957 trên tạp chí Life

Thiếu nữ ngực trần tuyệt đẹp, đua voi đua hoành tráng, sắc màu lễ hội... là loạt ảnh đặc sắc do phóng viên John Dominis của tạp chí Life chụp ở Buôn Ma Thuột năm 1957.

Hàng chục thớt voi từ khắp các buôn làng đổ về Buôn Ma Thuột tham gia Hội chợ Tết.
Bước chân của những chú voi khiến mặt đất rung chuyển, cát bụi tung mù mịt.
Trên lưng voi là những nài voi người bản địa cùng những diễn viên mặc trang phục binh lính thời nhà Nguyễn.
Những chú voi đua tập trung riêng một chỗ, chuẩn bị cho phần hào hứng nhất của lễ hội.
Đội voi đua rầm rập lao về đích trong tiếng hò reo của khán giả.
Phút nghỉ ngơi của voi.
Đồng bào dân tộc thiểu số kéo nhau đi xem lễ hội ở Buôn Ma Thuột.
Thiếu nữ Ê Đê trong trang phục truyền thống.
Sơn nữ Tây Nguyên ngực trần.
Sơn nữ Tây Nguyên ngực trần.
Một người đàn ông Xê Đăng.
Các vũ công bên đàn voi.
Lễ hội Tây Nguyên không thể thiếu cây nêu và những ché rượu cần…
Và tiếng cồng chiêng.
Mỗi sắc tộc ở Tây Nguyên lại có một kiểu phục sức đặc trưng.
Đội voi thồ ở Buôn Ma Thuột.
Tại một bến nước.
Một bà mẹ lấy nước uống vào những vỏ bầu nậm.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Những cảnh báo cay đắng

VƯƠNG TRÍ NHÀN

Một vài năm gần đây, giải Nobel văn học bị nhiều người kêu rêu, không chấp nhận và thậm chí là phản đối. Năm 2004 là trường hợp Elfriede Jelinek (Áo), năm 2009 là trường hợp Herta Muller (Đức).
Ở thời điểm 2013, nhìn lại chúng ta thấy còn thêm cả những trường hợp khác.
Nhưng trong bài bày, tôi chỉ muốn dừng lại ở hai tên tuổi nói trên.
Sở dĩ cả Jelinek lẫn Herta Muller bị “đặt thành vấn đề” không phải do họ viết dở – xưa nay không thiếu tác giả được giải Nobel xong là rơi vào quên lãng – mà cái chính là bởi cả hai bà này có nhiều tư tưởng lạ.
Có lần Elfriede Jelinek tự nhận mình là người chuyên đi dọn những thứ rác rưởi trong cảm xúc: “Có ai chịu làm công việc bẩn thỉu đó đâu? Tôi thì lại xem như được số phận giao phó”. Có lẽ vì thế Vatican có lần đã gọi Jelinek là người đàn bà điên loạn, hư vô.
Một hướng suy nghĩ tương tự cũng thấy ở Herta Muller. Trong tác phẩm của bà, con người được miêu tả như là họ bị nhốt trong ác mộng. Họ là nhân chứng của một thế giới bị thống trị bởi hận thù. Bằng các nghi lễ và chuẩn mực giả dối, thếgiới này đối xử với họ tàn ác, vô cảm.
Muller quan niệm: “Tôi không có bổn phận gì hết đối với văn học. Những gì tôi viết là để hoàn thành sứ mệnh đối với bản thân tôi”. Thủ tướng Đức A. Merkel thì bảo tác phẩm của Herta Muller là “bằng chứng về nỗi sợ hãi nhưng cũng chứng tỏ [ở người viết có] một lòng dũng cảm phi thường”.
Một điều đặc biệt là thái độ của hai nhà văn này với xứ sở mà họ lớn lên. Họthường sống cô độc, ít người biết tiếng. Jelinek đã gây sốc cho chính đất nước quê hương, khi bà đay đi đay lại chuyện nước Áo trong Chiến tranh thế giới thứ2. Bà phát biểu vào năm 1980: “Áo là một quốc gia tội ác”.
Trường hợp Herta Muller hơi tế nhị một chút. Sinh ra ở Romania nhưng bà lại là người Đức và hiện sống ở Đức. Từ hoàn cảnh riêng, bà bảo “quê hương là thứ người ta không thể chịu đựngđược mà cũng lại là thứ không buông tha người ta bao giờ” .

Với người có cách nghĩ cổ điển – luôn coi quê hương là một thứ khái niệm thiêng liêng – những phát biểu này chỉ gây những phản cảm.
Nhưng sự phát triển của lịch sử là thế. Nhìn chung cả giải Nobel văn học mấy chục năm nay, tôi có cảm tưởng nay là lúc những giá trị kinh điển, những đầu óc kỳvĩ được cả nhân loại công nhận – cỡ như Sartre và Camus – không còn nữa.
Nhân loại đang quằn quại đi tìm những tư tưởng mới. Mỗi một tư tưởng mới mẻ này có phần độc đáo riêng của nó, nhưng nhìn chung, phần lớn giống nhau ở chỗ đềuđi vào hướng nghịch thường. 

Nó gây sốc, bởi nó muốn vượt qua những giới hạn mà xưa nay người ta phải dừng lại. Nếu các tư tưởng cổ điển là thuộc về thần thánh, thì những tư tưởng mới nhiều khi có bộ mặt của quỷ dữNó là cái người ta muốn từ bỏ mà không nổi.
Năm 2005, giải Nobel văn học được trao cho nhà văn người đảo quốc Trinidad là V.S.Naipaul. Trong lời phát biểu khi nhận giải, Naipaul chỉ cảm ơn nước Anh mà ông gọi là ngôi nhà của tôi, và Ấn Độ là đất nước của tổ tiên tôi.
Lý do là, theo ông, nếu không có nước Anh, ông sẽ không hiểu được những gì xảy ra tại Trinidad. Khi có người hỏi ông sao không cảm ơn tổ quốc mình, ông bảo họ phải cảm ơn ông mới đúng, vì nhờ có ông mà người ta biết rằng có một xứ sở tên là Trinidad. Toàn cách trả lời mà giá như gặp phải dân mình thì no đòn!
Chung quanh con người hiện nay, thế giới cũng đang đi tới những quan niệm mà thoạt nhìn dễ cho là kỳ quặc, phi nhân đạo.
Năm 1991, nhân dịp chiến tranh lạnh kết thúc, triết gia A. Gluksman (Pháp) đưa ra mấy điều tổng kết, trongđó cảnh báo:
1. Cái ác luôn ẩn chứa trong con người;
2. Cần phải luôn luôn hoài nghi về cái thiện, cần phải thừa nhận vĩnh viễn rằng thế giới là lộn xộn, có một nguy cơ hỗn loạn thường xuyên hiện diện.
“Không có gì không thuộc về con người lại xa lạvới chúng ta cả”, Gluksman khái quát.
Nên nói ngay là cũng công thức này, nhưng một giáo sư đại học đồng thời là nhà văn, Umberto Eco, phát biểu một cách khác.
Theo Eco, đang hình thành một hình thái mới của cái tôi,của con người nói chung.
Nó không còn chắc đặc và thống nhất nữa mà được cấu thành bởi tính cách vô chính phủ của các nguyên tử.
Trở lại với Nietzsche, Eco giả định rằng nay không phải là thời của các siêu nhân mà là thời của những con – người – bên – kia –con – người.
Tức nay là lúc con người tiến mãi về phía cái phi nhân.
Một lời cảnh báo cay đắng!
Như vậy là Gluksman, cũng như Jelinek, Muller của giải Nobel, không đơn độc.
Từ mấy mẩu chuyện trên, quay về với đời sống trí thức xứ mình, trong đầu óc tôi trở đi trở lại những câu hỏi.

Có phải mọi dự báo đều có quyền tồn tại, miễn nóđã được nghiền ngẫm một cách khoa học? 
Ai mà biết được sự vận động sẽ đưa nhân loại tới đâu?
Đến bao giờ chúng ta mới biết rằng tiêu chuẩn của chân lý không phải là sự chấp nhận của đám đông?
Mặt khác, đến bao giờ những đầu óc ưu tú của cộng đồng mới được làm công việc thể nghiệm, rồi dự báo những xu thế sẽ tới của xã hội Việt Nam, và mang chia sẻ với thế giới, nhờ họ kiểm tra hộ, mà cũng là giúp họ tự nhận thức?
Chúng ta đã có những đầu óc ưu tú loại đó chưa? Nếu chưa có, thì làm saođể đào tạo? Mà với tình hình này, có đào tạo được không?
< !--[if !supportLineBreakNewLine]-->
< !--[endif]-->

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Sự lắm chuyện của người đời:

Dùng điện thoại thôi miên thực ra là “mùi của quỷ”
Tự đưa hết tài sản cho người khác trong tình trạng vô thức thực ra không phải bị thôi miên mà là do chất “mùi của quỷ”.
Thời gian qua, có rất nhiều nạn nhân trình báo cơ quan công an rằng họ đã bị thôi miên đến mức ngoan ngoãn tự đưa hết tài sản cho người khác trong tình trạng vô thức. Gần đây nhất là nghi vấn 3 người phụ nữ dùng điện thoại “thôi miên” để chiếm đoạt tài sản tại sân bay Nghệ An.

Chuyên gia thôi miên Nguyễn Mạnh Quân
PV có cuộc trao đổi với thạc sĩ thôi miên Nguyễn Mạnh Quân - Giám đốc Trung tâm UNESCO nghiên cứu và ứng dụng khoa học thôi miên VN, thành viên của Tổ chức thôi miên quốc tế... xung quanh vấn đề này.
Thưa ông, thời gian qua có nhiều nạn nhân trình báo cơ quan công an rằng đã bị thôi miên đến mức tự tay đưa tất cả tài sản cho người khác. Tại sao nhà thôi miên phải đi lừa để chiếm tài sản, thưa ông?

Thôi miên tuyệt đối không lừa được ai. Thôi miên thực chất là dẫn dụ người được thôi miên vào trạng thái thư giãn bằng các ám thị tích cực (lời nói tốt đẹp). Cơ chế của thôi miên bắt buộc phải có sự kết hợp và hợp tác chặt chẽ của nhà thôi miên với người được thôi miên. Không thể có chuyện đưa ai đó vào trạng thái thôi miên nếu người ta không hợp tác.

Ngay cả trong trạng thái thôi miên, con người tỉnh táo, thông minh hơn nhiều để lắng nghe, tiếp nhận ám thị của nhà thôi miên.

Tại sao nhà thôi miên phải đi lừa để chiếm tài sản? Nếu có thể thôi miên người khác, cứ ngồi nhà mà thôi miên người ta mang tiền đến, việc gì phải đi lừa? Nói vui là vậy, nhưng nếu có khả năng và kỹ thuật thôi miên thật, người ta có thể thu nhập cao thông qua nhiều dịch vụ. Như vậy vừa có nhiều tiền, vừa được trọng vọng.

Tất cả nạn nhân mất tài sản nói mình đã bị thôi miên đến mức tự tay đưa tất cả tài sản cho người khác trong tình trạng vô thức. Ông đã loại trừ khả năng bị thôi miên, vậy hiện tượng này giải thích thế nào?

Tôi bắt đầu câu chuyện câu chuyện từ nơi đầu tiên trên thế giới giải mã hiện tượng này - nước Đức. Năm 2003, ở Đức liên tiếp xảy ra sự việc một cô gái mất tích sau vài ngày tự quay về nhưng không nhớ gì. Cơ quan điều tra cũng tìm đến chúng tôi nhờ sự giúp đỡ. Chúng tôi đã chứng minh như trên và loại trừ  khả năng bị thôi miên.

Thậm chí, các kỹ thuật giỏi đến đâu cũng không thể lừa con người kiểu này, chúng tôi gợi ý, khả năng chất kích thích.

Sau đó cơ quan an ninh chuyển hướng điều tra, trong khoảng thời gian từ 4 tháng sau đã giải mã được hiện tượng này. Nó xuất phát từ một loại chất có tên gọi trong giới giang hồ châu Âu là “Geruch des Teufel”, dịch sang tiếng Việt nôm na là “mùi của quỷ”.

Có lần ông đã từng nhắc đến “mùi của quỷ” như một loại ma túy, chuyên nhằm phục vụ lạm dụng tình dục các cô gái?

Loại ma túy này không có mùi vị, tồn tại dưới dạng bột để pha vào nước hoặc dạng nước toả khí gần như cồn ête. Nếu như uống hoặc hít phải chất ma túy này, bộ não của người bị hại sẽ bị xoá hết mọi thông tin trước đó 10 phút cho đến khi chất này hết tác dụng. Bộ não của con người ngừng chủ động hoạt động, hoàn toàn nghe theo sự sai khiến của người khác.

Trong thời điểm này, sự kích thích tình dục cũng lên rất cao, vì thế ban đầu nó được giới giang hồ dùng để dụ các cô gái đẹp từ quán bar, vũ trường... đến phòng riêng để “quan hệ” tập thể. Nếu trạng thái thông thường, không có cô gái đồng ý cho nhiều người đàn ông cùng một lúc quan hệ với mình.

Dùng điện thoại thôi miên thực ra là “mùi của quỷ” - 2
Trạng thái ngửi phải chất “mùi của quỷ” không phải
 là thôi miên mà là hôn mê giả (Ảnh minh họa)

Vậy kịch bản tôi phạm nhờ nghe điện thoại rồi lấy hết tài sản giải thích thế nào thưa ông?

Khi người lạ nhờ mình nghe điện thoại, họ để sẵn một túi “mùi của quỷ” dạng nước (nhỏ như ngón tay út) phía mặt sau điện thoại. Nếu mình đồng ý nghe giúp, lập tức họ bóp vỡ túi nước, nước dính vào điện thoại và tỏa khí. Người ngửi được “mùi của quỷ” làm cho bộ não không chủ động mà làm theo sự tác động bên ngoài.

Trong trường hợp này, người bị hại không hề nhớ được mặt kẻ đã hại mình; điều gì đã từng xảy ra với mình; vì sao mất của...

Mỗi túi nước tỏa khí như vậy chỉ có thể tác dụng trong 10 phút, vừa đủ để lấy tài sản. Nếu kẻ lừa đảo muốn lợi dụng tình dục, chúng tiếp tục cho nạn nhân dùng thêm liều thứ hai“dạng bột pha nước”. Lúc này không cần phải lừa để người bị hại uống nước nữa, chúng sai khiến, và người bị hại làm theo.

Thưa ông, trạng thái ngửi phải chất “mùi của quỷ” chính là trạng thái thôi miên?

Không! Đó là trạng thái hôn mê giả. Nói điều này để phân biệt với hôn mê thật – làm con người bất tỉnh mê man. Như tôi đã nói trên, trạng thái thôi miên là lúc con người làm chủ bản thân cao nhất.

Vậy làm sao để phòng tránh khỏi sự lừa đảo này?

Mọi người không nên nghe điện thoại hộ, không đọc thư, địa chỉ giúp người lạ… Trong trường hợp đặc biệt bắt buộc phải nghe, để thư, điện thoại…xuống sau đó đợi khoảng 3 phút rồi tự mình nhấc lên nghe. Bởi chất “mùi của quỷ” chỉ tỏa khí trong 3 phút. Nhưng lưu ý tự mình cầm lên nghe, bởi họ cầm lên đưa lại cho mình thì sẽ có túi nước khác được bóp vỡ dính vào điện thoại.

Tôi khẳng định lại rằng, thôi miên không ai lừa được ai, 90% người nói rằng bị thôi miên lừa, chính họ mới là người lừa. Vì lý do nào đó, làm mất tiền của... nhưng không thể nói ra nên dàn dựng sự việc “khó giải thích” như thôi miên, không nhớ gì cho êm ấm gia đình...

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Các quan niệm về thôi miên:

Theo bách khoa toàn thư mở wikipedia:

Một cách tóm tắt, thôi miên có thể được miêu tả là một trạng thái thư giãn sâu và/hoặc tập trung cao độ, thường rất dễ chịu. Khi đó chúng ta như được tách khỏi những mối bận tâm hàng ngày, khỏi những suy nghĩ phân tích và lo âu. Trạng thái này có thể được xuất hiện tự nhiên hoặc được dẫn dắt. Khi đó, ý thức của chúng ta (thường logic, cảnh giác, có khả năng phê bình và chỉ trích cao) được giữ ở trạng thái tĩnh lặng. Và trong tình trạng đó, bạn (hay nhà thôi miên của bạn) có thể liên lạc trực tiếp với tiềm thức của bạn mà không bị ý thức kiểm duyệt.

Theo Thạc sỹ thôi miên Nguyễn Mạnh Quân:

Thôi miên không giống như cách người dân vẫn thường nghĩ là đưa người ta vào trạng thái vô thức để sai khiến. Từ “thôi miên” bắt nguồn từ chữ “Hypnos” dịch từ nghĩa tiếng Hy Lạp sang tiếng Việt là “ngủ”.

Tuy nhiên, trạng thái thôi miên không thật sự liên quan đến giấc ngủ. Thật ra thì thôi miên có thể giống như một trạng thái nằm ở giữa giấc ngủ và thức nhiều hơn. Trong khi cơ thể rơi vào trạng thái thôi miên, thì tinh thần được giải toả, cơ thể thư giãn, cảm giác thanh thản, bình tĩnh, không còn sợ hãi hay lo âu, buồn phiền.

Thông thường, trong cuộc sống hàng ngày, mỗi con người chúng ta đều đã từng rơi vào trạng thái gần giống “thôi miên”, ví dụ mỗi sáng khi ngủ dậy – trạng thái giữa ngủ và thức, khi chạy bộ, khi đọc một cuốn sách hay, lúc xem một đoạn phim hấp dẫn hoặc khi tập trung cao độ làm việc (nhất là việc bàn giấy, nghiên cứu, học tập…). Lúc đó, não bộ phát ra sóng Alpha (tần số từ 7 đến 13 Hz). Đây chính là trạng thái mà ta sẽ đạt được trong Thôi Miên.

Theo các tài liệu còn lưu lại, trong những năm đầu tiên của thế kỷ 20 có một nhân vật sở hữu những khả năng trí óc đầy bí ẩn. Ông là một nhà cảm xạ, một thầy đồng, và là một “phù thủy thôi miên” khả năng thôi miên phi thường của ông đã khiến Nguyên soái Liên Xô Joseph Stalin ngả mũ thán phục. Đón đọc bài "Phù thủy thôi miên" cướp ngân hàng bằng giấy trắng vào 19h ngày 10/12/2013.

Dương Tùng (thực hiện) 



Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tại hội nghị quan trọng: Lãnh đạo Trung Quốc phải thúc đẩy cho được những thay đổi rốt ráo, nhất là với nông thôn.


Nếu có ai càm ràm với bạn rằng hội họp chẳng ích lợi gì, hãy khóa miệng họ lại bằng tám chữ chì nặng ký: “Hội nghị Trung ương 3, Khóa 11”. Thực vậy, hội nghị năm ngày này của Đảng Cộng sản diễn ra vào tháng 12, 1978 đã thay đổi hẳn Trung Quốc. Hai năm sau ngày Mao Trạch Đông chết, Hội nghị đã đưa Đặng Tiểu Bình, người bị trừ khử đến ba lần, vào vị trí cầm quyền, đưa nhân sinh lên tầm quan trọng hơn đấu tranh giai cấp, nới lỏng kiểm soát nhà nước, và mở cửa Trung Quốc cho nước ngoài buôn bán, đầu tư. Cuộc mạo hiểm tả khuynh đã mở ra những “công xã nhân dân” ở nông thôn, dẫn đến nạn chết đói khủng khiếp dưới thời Mao Trạch Đông, nhưng dưới thời Đặng Tiểu Bình công xã bắt đầu được tháo bỏ. Kết quả của những biện pháp vừa kể ảnh hưởng đến một số đông nhân loại. Thu nhập đầu người ở Trung Quốc lúc đó chỉ có 200$ một năm, nay con số này lên tới 6.000$. Đối với phần còn lại của thế giới, thành quả của Hội nghị kia có thể được tóm gọn vào mấy chữ “Trung Quốc trỗi dậy”.
Vào ngày 9 tháng 11, 2013, Tổng Bí thư Đảng kiêm Chủ tịch nước Tập Cận Bình triệu tập một mật nghị khác tại Bắc Kinh, lần này là Hội nghị Trung ương 3, Khóa 18 (những hội nghị trung ương diễn ra ít nhất mỗi năm một lần, trong khi Ủy ban Trung ương, gồm hơn 370 đảng viên lãnh đạo, được Đại hội Đảng bầu ra mỗi năm năm; Đại hội Đảng gần đây nhất diễn ra năm 2012). Cuộc họp lần này, tại một khách sạn do quân đội điều hành ở thủ đô, sẽ tiếp tục diễn ra trong vòng bí mật, như vẫn bí mật từ trước đến nay. Cũng giống như Hội nghị năm 1978, phải mất nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, trước khi người ngoài biết được đầy đủ nội dung của nó. Tuy vậy, ông Tập đã cho các lãnh tụ nước ngoài biết rằng Hội nghị lần này là Hội nghị quan trọng nhất của Trung Quốc kể từ năm 1978, báo hiệu những thay đổi chấn động có thể diễn ra. Đúng vậy, Hội nghị chắc chắn sẽ gây chấn động nếu ông Tập thực sự cấp tiến trong hai lãnh vực đang rất cần được cải tổ, đó là: vấn đề doanh nghiệp nhà nước, cùng hệ thống tài chính đi kèm; và vấn đề nông thôn, nơi nông dân vẫn chưa có quyền hạn rõ ràng với đất đai của họ.
Khi bạn muốn làm cách mạng
Công cuộc cải cách của Đặng Tiểu Bình – và những cải cách khác năm 1993 giúp đưa Trung Quốc vào WTO – là những cải cách mạnh mẽ, nhưng chúng cũng đã đến hồi hết hơi. Trung Quốc không còn là nước có lao động giá rẻ có thể khai thác bất tận nữa. Những doanh nghiệp nhà nước tuy lớn nhưng không hiệu quả đang bóp nghẹt cuộc cạnh tranh lành mạnh và hút cạn các nguồn tài chánh. Sai lầm lớn trong phân bổ vốn đã đẩy giới kinh doanh tư nhân và người dân bình thường chăm chỉ tiết kiệm vào thế kẹt.
Điều vừa kể cũng làm nghẽn mức phát triển kinh tế vốn khỏe khoắn của Trung Quốc. Đó là mối nguy không thể bỏ qua đối với một Đảng mà, kể từ năm 1978, tính chính danh còn hay mất hoàn toàn lệ thuộc vào việc Đảng có làm kinh tế phát triển hay không. Vì vậy, khi ông Tập nói về một “kế hoạch chủ đạo” cho công cuộc cải cách, và một cuộc “cách mạng sâu rộng” thì có vẻ ông đã nói một cách rất nghiêm túc. Ông cùng Thủ tướng Lý Khắc Cường đã tụ họp được một nhóm rất đáng kể những nhà cố vấn có khuynh hướng thân thiện với kinh tế thị trường. Thêm vào đó, sau khi đã đè bẹp được thế lực của Bạc Hy Lai, một đối thủ (tả khuynh) có tham vọng quyền lực lớn giờ đang ngồi bóc lịch trong tù, hiện nay có thể coi ông Tập Cận Bình là nhân vật có quyền lực lớn hơn bất cứ lãnh tụ tối cao nào, kể từ thời Đặng Tiểu Bình.
Về vấn đề các doanh nghiệp nhà nước, việc tư hữu hóa, tiếc thay, sẽ chưa diễn ra. Tuy vậy, ông Tập sẽ làm cho chúng có tính thương mại hơn và phải chịu trách nhiệm nhiều hơn. Giải pháp tốt nhất có thể là trao quyền sở hữu các doanh nghiệp nhà nước cho Quỹ An sinh Xã hội Quốc gia, được thành lập để đáp ứng nhu cầu của một xã hội đang già đi nhanh chóng. Quỹ này có thể bổ nhiệm tổng giám đốc để điều hành các doanh nghiệp nhà nước, nhằm bảo đảm quyền lợi cho những người hưởng lương hưu trong tương lai. Ông cũng có thể thúc đẩy cạnh tranh mạnh mẽ hơn bằng cách cắt các khoản vốn vay dễ dãi đang được ưu tiên dành cho doanh nghiệp nhà nước. Bên cạnh việc cắt bỏ đặc quyền của những đơn vị kinh tế này, ông Tập cũng nên có những bước cương quyết hơn nhằm thả lỏng lãi suất, tỉ giá hối đoái và dòng chảy vốn. Điều này cuối cùng sẽ dọn đường giúp đồng tiền Trung Quốc trở nên hoán đổi được – rất quan trọng để Trung Quốc trở thành một nền kinh tế trưởng thành.
Lĩnh vực lớn thứ hai trong cuộc cải cách sâu rộng – vấn đề nông thôn – lại còn quan trọng hơn nhiều về lâu về dài. Quan trọng, một phần vì gần nửa dân số 1 tỷ 400 triệu người dân Trung Quốc hiện sống ở nông thôn. Nhưng vấn đề trước mắt nằm ở chỗ nông thôn chưa được cải cách lại là hậu quả của cuộc khủng hoảng xoay vốn của chính quyền địa phương. Chính quyền trung ương đã buộc các chính quyền địa phương chịu thêm trách nhiệm về chi thu tại địa phương, nhất là sau khi gói kích thích tài chính khổng lồ được trên lệnh xuống năm 2008 để xoa dịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu [gói kích cầu 2008 trị giá 586 tỉ đô-la, nhưng chính quyền trung ương chỉ cấp 30% con số này, các chính quyền địa phương và doanh nghiệp phải nộp gần 30% khác, và hơn 30% còn lại đến từ các ngân hàng][v]. Nhưng chính quyền địa phương chỉ có những phương tiện lẻ để nâng số thu. Từ đó đẻ ra một loại thuế bất động sản để tạo nguồn thu ổn định.
Từ lâu lắm rồi, lãnh đạo tỉnh đã kiếm tiền cho địa phương mình – và cho túi riêng mình – bằng cách tịch thu đất đai của nông dân rồi bán lại cho các công ty phát triển dự án. Tác dụng tích cực của tình trạng này (chẳng hạn như số nông dân rời nông thôn đến thành phố kiếm sống tăng vọt) đã không bù lỗ được những tiêu cực nó gây ra. Công nhân gốc nông dân trong các đô thị bị đối xử như những công dân hạng hai, họ phải làm những công việc nguy hiểm bậc nhất mà lại không được hưởng các quyền hạn về nơi ăn ở tươm tất, được đi học hoặc được chăm sóc y tế. Nông dân ở lại với đất đai thì lại bị cường hào ác bá lãnh đạo địa phương hành hạ. Đền bù không tương xứng và không được sở hữu đất đai một cách rành mạch chính là lời oán thán lớn nhất của nông dân.
Tính sao cho khéo với các tỉnh
Ông Tập Cận Bình nên cho nông dân Trung Quốc những quyền tự do mà người cộng sản đã nêu cao như ngọn cờ để chiến đấu và làm cách mạng. Cải cách ruộng đất sau Hội nghị 1978 đã giải thoát nông dân khỏi những công xã nhưng không cho họ những quyền tự do khác. Nông dân vẫn không thể bán ruộng đất, trừ khi bán cho người trong làng, cũng không được bán nhà. Họ cũng không được thế chấp ruộng đất hay nhà cửa. Trong khi đó, người dân thành phố đã có thể đường đường chính chính trở thành chủ sở hữu căn nhà họ ở, nhờ kế hoạch tư hữu hóa nhà đô thị diễn ra rộng khắp vào cuối thập niên 1990.
Cho nông dân đầy đủ quyền hạn với đất đai và nhà cửa sẽ mang lại những tác dụng tích cực rất lớn. Người dân sẽ dọn lên thành phố nhiều hơn – nhất là khi các ràng buộc về hộ khẩu ở thành phố được hủy bỏ – góp phần chuyển đổi nền kinh tế nặng về đầu tư thành một nền kinh tế thiên về tiêu thụ. Người ở lại nông thôn cũng sẽ được hưởng những tự do tương đối, như dân thành phố đang được hưởng, đời sống hàng ngày của họ sẽ không bị các ông lớn địa phương quấy nhiễu nữa.
Đó là sẽ một cuộc cách mạng sâu rộng và được nhân dân ủng hộ, nhưng liệu ông Tập có thể đương đầu với phe chống đối hay không? Năm 1978, Đặng Tiểu Bình đã vượt qua được những tay bảo thủ chủ trương kinh tế chỉ huy bằng cách biến các tỉnh trở thành những ngôi sao trong phát triển kinh tế. Tản quyền cũng gây ra những vấn đề ở địa phương hiện nay, gồm cả mớ bòng bong tài chính. Vì vậy, ông Tập Cận Bình sẽ không được các tỉnh ủng hộ nếu ông không miễn trách, rốt ráo tha nợ cho các tỉnh. Tuy nhiên, làm được vậy chăng nữa, thành phần chống đối ông hiện vẫn rất mạnh, trong số có cả những ông trùm của các doanh nghiệp nhà nước và đám con cháu tham nhũng của rất nhiều những gia đình cộng sản quyền lực nhất nước. Nhưng làm gì thì làm, ông Tập Cận Bình phải triệt hạ bằng được những thành phần chống đối này, nếu ông và Hội nghị của ông không muốn bị lịch sử luận tội, thay vì được ghi công.
NguồnThe Economist, “Go on, bet the farm”, số ra ngày 2/11/2013
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Việt Nam để mất thời cơ



 Nhà báo Kavi Chongkittavorn 
Ảnh Hoàng Ngọc.  

 Việt Nam tự mình cải cách, mà không có đối thủ cạnh tranh. Chính vì vậy, Việt Nam không có sự so sánh, dễ hài lòng với kết quả bước đầu của cải cách, và để mất thời cơ. Trong cuộc trò chuyện tiếp theo với Tuần Việt Nam, nhà báo Kavi Chongkittavorn đã nói về chuyện VN bỏ mất thời cơ cải cách. Đồng thời, ông cũng phân tích sâu hơn về triển vọng cải cách ở một nước lân cận khác, là Myanmar - một đề tài mà Kavi đã từng có những bài báo thành công. 
- Chọn đúng thời điểm Ông nhìn nhận thế nào về bài báo ông viết cuối năm 2010 về kết quả Hội nghị ASEAN tại Việt Nam, "Vai trò lãnh đạo ASEAN của Việt Nam để lại nhiều bài học cho tất cả", đặc biệt là với Myanmar? 
- Việt Nam ngay từ 2004 đã giúp Myanmar gia nhập ASEM, và tiếp tục vào năm 2010, khi nước này chịu nhiều sức ép quốc tế về dân chủ và nhân quyền. Việt Nam đã xuất sắc trong vai trò này, khi hạ thấp những cuộc tranh luận về Myanmar trong ASEAN và ASEAN+ bằng cách nêu rõ câu chuyện về Biển Đông. Điều này giải thích tại sao trong Diễn đàn An ninh Khu vực (ARF) vào tháng 7.2010, vấn đề tranh chấp Biển Đông đã được quốc tế hóa. Tất nhiên Việt Nam, với tư cách chủ nhà, không dại gì tự tay làm việc này, mà khéo léo chuyển vai trò này cho Mỹ. Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton đã nêu tại ARF vấn đề tự do và an toàn hàng hải, gây ra tranh luận lớn, và Ngoại trưởng Trung Quốc là Dương Khiết Trì đã phải bỏ phòng họp ra ngoài. 
Việt Nam muốn giúp Myanmar thực hiện quá trình cải cách chỉ để bảo đảm cho ASEAN 2010, do Việt Nam làm chủ nhà, thành công, nhưng không ngờ Myanmar cải cách nhanh như vậy... Không ai đoán trước được, nói gì tới Việt Nam. Mọi chuyện chỉ hiển hiện với mọi người vào tháng 4.2012, khi diễn ra phiên bầu cử bổ sung ở Quốc hội Myanmar. Chứ còn trước đó, vào năm 2011, những thay đổi ngấm ngầm chỉ có Mỹ biết. Có thể nói những cải cách ở Myanmar là để đáp ứng những đòi hỏi chủ yếu từ Mỹ, và Myanmar đã làm mọi thứ để bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Mỹ. Và điều quan trọng là người Mỹ tin rằng Myanmar tiến hành cải cách là thực tâm chứ không phải đối phó. Và mọi chuyện ở Myanmar đã chuyển biến rất mạnh: Phóng thích tù chính trị, trả tự do và quyền ứng cử cho bà San Suu Kyi, dàn xếp sự mâu thuẫn với các bộ tộc thiểu số... Trong khi đó, Mỹ dần dần nới lỏng cấm vận, rồi gặp đại diện Myanmar ở New York... Sau đó, bất thình lình, tháng 11.2011, Ngoại trưởng Hilary Clinton tuyên bố sẽ thăm Myanmar. Gần một năm sau, đến lượt Tổng thống Barack Obama đã thăm Myanmar. Cải cách ở Myanmar diễn ra rất nhanh và không hề chùn bước, không giống ở những nước khác. Trên thế giới, người ta có thể chọn cải cách nhanh hay chậm, nhưng, theo tôi, Myanmar đã đúng khi chọn hướng giải quyết nhanh và kiên quyết. 
-Ông giải thích thế nào về việc Myanmar duy trì chế độ độc tài quân sự trong hơn 30 năm, rồi bỗng nhiên cải cách dân chủ trong vỏn vẹn có 2 năm? 
-Tôi nghĩ họ đã chọn đúng thời điểm. Họ đã nhìn ra khu vực, ra thế giới, với những thay đổi, và tự xác định là mình có thể tự thay đổi như thế nào để thế giới và khu vực chấp nhận họ. Họ nhích xa Trung Quốc ra, và xích lại gần Mỹ. Họ là nước đầu tiên trong khu vực dám nói không với đầu tư của Trung Quốc vào dự án thủy điện Mystone. 
- Ông đánh giá Tổng thống Thein Sein thế nào? 
-Tuy là nhà quân sự, ông ấy vẫn là người ôn hòa, và, quan trọng hơn, ông ấy biết cơ hội mở ra không phải là vô hạn. Nếu không sử dụng bây giờ, và sử dụng quyết liệt, cơ hội sẽ qua đi. Việt Nam cũng từng có cơ hội đó trong giai đoạn từ năm 1988 đến năm 1996, trước khi khủng hoảng tài chính khu vực nổ ra, và khu vực lại rơi vào trì trệ. Đó là lý do tại sao kinh tế Việt Nam có giai đoạn phát triển ngoại mục từ năm 1988 đến đầu những năm '90, trước khi cải cách bị khựng lại. Dân tị nạn Hồi giáo Rohingya - một thách thức của Myanmar trong năm Chủ tịch ASEAN. 

Myanmar, thay đổi, dân chủ, Việt Nam
Ảnh Internet 
Việt Nam để mất thời cơ 
- Ông nghĩ tại sao Việt Nam lại bị khựng lại trong cải cách?
- Một trong những lý do là Việt Nam tự mình cải cách, mà không có đối thủ cạnh tranh. Chính vì vậy, Việt Nam không có sự so sánh, dễ hài lòng với kết quả bước đầu của cải cách, và để mất thời cơ. 
- Thế còn bà San Suu Kyi đã hành động như thế nào, trong sự tương ứng với ông Thein Sein? 
- Một trong những lý do là Việt Nam tự mình cải cách, mà không có đối thủ cạnh tranh. Chính vì vậy, Việt Nam không có sự so sánh, dễ hài lòng với kết quả bước đầu của cải cách, và để mất thời cơ. Bà San Suu Kyi ý thức rõ rằng Tổng thống Thein Sein là người trung thực, bởi vì bà có quan hệ khá tốt với Phu nhân Tổng thống Thein Sein. Đó là lý do ta thấy ngày nay đảng đối lập và đảng cầm quyền làm việc cùng nhau vì tương lai đất nước, chứ không chỉ trích lẫn nhau, như kiểu Thái Lan, Malaysia, hay Indonesia. Một lý do nữa mà San Suu Kyi có thể bắt tay với phái quân sự là vì cha bà ấy, Tướng Aung San, đã thành lập ra quân đội Myanmar. 
- Theo ông, quá trình cải cách ở Myanmar sẽ được tiếp tục như thế nào? --- Bây giờ, điều bà San Suu Kyi chờ đợi là Hiến pháp Myanmar được sửa đổi, để bà có thể tranh cử Tổng thống. Nhưng tôi nghĩ vấn đề này vẫn còn sớm, nếu so với những chuyện khác mà Myanmar phải ưu tiên là trước. Chẳng hạn, năm tới Myanmar sẽ là Chủ tịch ASEAN. 
- Ông đánh giá thế nào về những khó khăn khi Myanmar làm Chủ tịch ASEAN? 
-Tôi nghĩ có một số vấn đề mà Myanmar phải đương đầu. Thứ nhất là vấn đề người tị nạn Hồi giáo Rohingya, liệu Myanmar có dám đem ra bàn thảo tại diễn đàn ASEAN hay không. Myanmar đã từng không cho ASEAN thảo luận vấn đề này ở Căm-pu-chia và ở Brunei, khi coi đó là sự can thiệp vào công việc nội bộ của Myanmar. Nhưng khi là chủ nhà, Myanmar hoàn toàn có thể đưa vấn đề này ra bàn thảo. Và nếu Myamar đưa vấn đề này ra ASEAN, uy tín nước này sẽ tăng thêm. Bởi vì, Indonesia tăng uy tín của mình vào năm 2012 đã đưa ra vấn đề lực lượng gìn giữ hòa bình đối với Đông Timor, kể từ cuộc cải cách theo hướng dân chủ từ năm 1998. Thứ hai, liệu Myanmar có phải là nước yêu cầu Ủy ban Liên Chính phủ ASEAN về Nhân quyền kiểm điểm lại hoạt động sau 5 năm. Thứ ba là Myanmar có thể thúc đẩy việc kiểm điểm lại hoạt động liên quan đến xây dựng cộng đồng chính trị - an ninh ASEAN trong 5 năm qua, và những gì mà việc xây dựng cộng đồng này đạt được. 
- Xin cám ơn ông. 
Huỳnh Phan (thực hiện) 
Nguồn: vietnamnet.vn (vietinfo.eu)

Phần nhận xét hiển thị trên trang