Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 6 tháng 12, 2013

Tập làm giông

The Economist

Phan Trinh dịch
Giới thiệu của người dịch
Tập Cận Bình nhanh hơn nhiều, vượt khỏi dự đoán của báo chí thế giới. Vào ngày 15/11/2013, chỉ ba ngày sau khi Hội nghị Trung ương 3 Khóa 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc bế mạc, nghị quyết 22.000 chữ đã được phổ biến, kèm với diễn văn của Tập. Kiến nghị này do một ban gồm 60 chuyên gia soạn thảo và Tập là người cầm đầu.
Một loạt những cải cách, được The Economist gọi là chấn động, đã được nói tới: Kinh tế thị trường là chủ đạo, quyền sở hữu đất đai của nông dân, bãi bỏ trại lạo động cải tạo, nới lỏng chính sách một con,… đặc biệt là cho phép các tổ chức xã hội (phi chính phủ) hoạt động, và dự định cải cách tư pháp cho độc lập với hành pháp.
Trông người lại nghĩ đến ta:
Tập làm giông, Tập không, ta có.
Tập làm gió, Tập có, ta không!
Tập có gì? Chủ động, phát động, vận động, chấn động!
Ta có gì? Thụ động, bị động, phản động, bất động!
Dưới đây bản dịch hai bài về cải cách của Tập, đăng trên The Economist số ra ngày 23/11/2013. Bài thứ nhất có tựa “Let quite a few flowers bloom” (nhiều hoa đua nở), bài thứ hai “The Xi manifesto” (tuyên ngôn Tập Cận Bình). Tựa phía trên là của người dịch.
1.
Nhiều hoa đua nở
Hai đề xuất ẩn trong văn kiện Đảng có thể thay đổi chính quyền Trung Quốc.
Thế là các ông bà nghị đã nghị xong, và mọi sự đã rõ. Sau nhiều tháng đoán già đoán non và sau bản Thông báo cuối hội nghị phổ biến vào tuần trước [ngày 12/11], bản nghị quyết cuối cùng, dài 22.000 chữ của Hội nghị 3 Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã được công bố hôm 15/11. Trong lĩnh vực kinh tế, nghị quyết cho thấy Đảng còn muốn cải cách mạnh dạn hơn cả những gì bản Thông báo tóm tắt gợi ra. Lãnh tụ Đảng, ông Tập Cận Bình, muốn đẩy mạnh hơn những cải cách đã phải giậm chân tại chỗ suốt một thập niên qua. Như nguyên văn nghị quyết nói rõ: “Chúng ta hãy để cho lao động, tri thức, công nghệ, quản trị và tư bản phát huy hết tiềm lực của nó, hãy để cho mọi nguồn gốc của thịnh vượng được mặc sức nở rộ và hãy để cho mọi người được hưởng một cách công bằng thành quả của phát triển.” Quả là hay.
Dĩ nhiên, không có gì chắc chắn ông Tập có thể làm được tất cả những gì ông muốn, nhưng đã rõ là ông thắng trận này, tính cho đến nay. Về mặt kinh tế, ông cho thấy mình là hậu duệ của Đặng Tiểu Bình, nhà cải cách lớn của Trung Quốc, và hoàn toàn không phải là một gã Mao-ít hũ nút như một số người lo ngại trước đây.  Các thế lực bảo thủ tìm cách bịt miệng những tiếng nói cải cách đã bị khóa họng, ít nhất là cho đến lúc này.
Nhưng, điều thú vị của nghị quyết không chỉ nằm trong những cải cách kinh tế, vốn đã được đoán trước. Chấn động hơn là một số những cải cách trong lĩnh vực xã hội mà nghị quyết công bố, ví như việc nới lỏng chính sách mỗi gia đình chỉ có một con. Những cặp vợ chồng mà vợ hoặc chồng đã là con một sẽ được phép có hai con, và chính sách này sẽ còn được nới lỏng hơn nữa. Một bước tiến khác được ủng hộ mạnh mẽ đó là các trại lao động cải tạo – hiện giam giữ 190.000 người, gồm cả các tù nhân chính trị và nhà hoạt động tôn giáo – sẽ được bãi bỏ.
Nhưng có thể nói, những tiết lộ quan trọng nhất của nghị quyết lại nằm rất sâu và chôn rất kín trong văn kiện, chẳng được mấy ai đưa tin hay giựt tít. Riêng có hai động thái cho thấy Đảng rất nhạy bén với bức xúc của xã hội Trung Quốc hiện nay và với những đòi hỏi được tự do hơn, đồng thời đòi hỏi chế độ phải chịu trách nhiệm, phải được kiểm soát nhiều hơn.
Trong 30 năm qua, Trung Quốc đã chuyển hóa từ một xã hội toàn trị sang một xã hội mà trong đó người dân có thể đi làm ở chỗ mình muốn, kết hôn với người mình chọn, đi lại nơi mình thích (dĩ nhiên vẫn còn những vướng mắc hạn chế quyền đi lại của người từ nông thôn và những vùng có sắc dân thiểu số). Trong 10 năm qua, sự xâm nhập của internet đã đi từ tối thiểu đến gần như cực đại. Những cơ chế an sinh xã hội truyền thống bị phá vỡ mà chưa gì thay thế thỏa đáng. Người dân bình thường bỗng có thêm quyền định đoạt nhờ có tiền, nhờ tham gia công luận thông qua các trang blog cá nhân, và nhờ họ đã hóa vai trở thành người tiêu thụ và người chủ những tài sản mình có.
Xã hội “PHI” chính phủ
Xã hội đã trở nên quá phức tạp, vượt khỏi khả năng kiểm soát của các cơ cấu xã hội truyền thống. Vì vậy, nhà cầm quyền đã quyết định cho phép sự phát triển của điều họ gọi là “các tổ chức xã hội”. Trên thực tế, đây chính là những tổ chức phi chính phủ (NGO). Đảng vốn rất không ưa bất cứ điều gì “phi” chính phủ và từ lâu xem các tổ chức phi chính phủ như những con ngựa thành Troy, nơi ẩn chứa những tư tưởng chính trị phương Tây và sự phá hoại, nhưng nhà cầm quyền ngày càng hiểu rằng các tổ chức xã hội kia có thể giúp giải quyết một số những vấn nạn – như chăm lo cho người bệnh, người cao tuổi, người nghèo. Sự phát triển của xã hội dân sự không chỉ quan trọng vì chức năng thực tế của nó, mà còn vì đó là cầu nối đến tương lai, gắn kết những cải cách kinh tế hôm nay với bất cứ những cải cách chính trị tương lai nào có thể có.
Cũng quan trọng không kém là vấn đề cải cách tư pháp. Các ông thẩm phán tham nhũng trắng trợn tại Trung Quốc bị dân chúng rất oán ghét. Nghị quyết của Đảng nhắc tới ý tưởng “hệ thống quyền hành tư pháp được tách rời một cách phù hợp với khu vực hành pháp”, nghĩa là bộ máy tư pháp ở địa phương sẽ không do chính quyền địa phương trả tiền hay kiểm soát nữa. Mặc dù một số nhà quan sát không tin điều này sẽ xảy ra, nhưng nếu nó xảy ra thật thì rất có thể đó sẽ là khởi đầu của một hệ thống kiểm soát và đối trọng tạo cân bằng làm cho quan chức nhà nước phải chịu trách nhiệm nhiều hơn.
Nội chuyện hai động thái này được nhắc tới trong văn kiện đại hội mà thôi đã là rất khích lệ rồi; nhưng ngược lại, việc chúng được chôn kín đến gần như không thể nhận ra trước con mắt người trần không chuyên cũng cho thấy Đảng đang đi hai hàng và vừa đi vừa run trên con đường tiến đến tự do hóa. Nhưng Đảng phải dấn tới thôi. Kế hoạch cải cách kinh tế của Đảng sẽ mang lại không chỉ thịnh vượng, mà sẽ tạo thêm những áp lực buộc thay đổi chính trị nhiều hơn. Nếu Đảng không đáp ứng, ắt sẽ có bùng nổ. Nếu ông Tập lâm vào cảnh chùn chân run gối, ông nên nhớ lại lời khuyên hào sảng này trong văn kiện đại hội: “Dám gặm cả xương cứng, dám lội nước chảy xiết, dám bẻ gẫy gông cùm ý thức hệ với quyết tâm kiên định.”
2.
Tuyên Ngôn Tập Cận Bình
Chủ tịch Trung Quốc tiết lộ những kế hoạch cải cách chấn động nhất trong hai thập niên qua, vừa táo bạo bất thường, vừa thận trọng như thường.
Kể từ thời Mao Trạch Đông lên nắm quyền năm 1949, chưa có lãnh tụ Trung Quốc nào lại nhanh nhẩu công bố kế hoạch chi tiết cho hàng loạt những cải cách như thế. Ngay cả Đặng Tiểu Bình, sau khi nắm quyền năm 1978, cũng chậm rãi trong việc công bố kế hoạch của mình. Chủ tịch nước Tập Cận Bình, trong văn kiện dài 22.000 từ được phổ biến vào ngày 15/11 vừa qua, đã cam kết thực thi những cải cách triệt để. Cải cách bao gồm từ việc nới lỏng chính sách một con, bãi bỏ các trại lao động cải tạo, đến việc bãi bỏ kiểm soát lãi suất. Nhưng cũng phải nói rằng chưa từng có lãnh tụ nào gặp nhiều thử thách như ông.
Mặc dù đã vượt qua Nhật Bản vào năm 2010 để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc vẫn chưa thấu hiểu được nhu cầu nắm bắt thông tin của thế giới bên ngoài với các chính sách của họ. Đảng Cộng sản Trung Quốc loan báo đã thông qua Nghị quyết vào ngày 12/11 sau cuộc mật nghị với trên 370 thành viên Ủy ban Trung ương Đảng. Nhưng họ đã muốn, như thường lệ, giấu kín nội dung Nghị quyết trong một tuần để triển khai trước cho nội bộ đảng viên. Nhưng cuối cùng thì họ đã nhượng bộ, chỉ sau ba ngày; có lẽ vì bị áp lực do sự đồn đoán (trên cả báo chí nhà nước Trung Quốc) rằng Hội nghị đã không xứng tầm là một cột mốc lớn cho công cuộc cải cách. Đảng cũng làm một việc bất thường khác là phổ biến một diễn văn của ông Tập Cận Bình, trong đó ông cho biết ông đã đích thân chỉ đạo nhóm soạn Nghị quyết gồm 60 thành viên. Báo đài nhà nước nói ông là lãnh tụ Đảng đầu tiên kể từ năm 2000 giữ vai trò này. Rõ ràng, trên thực tế, báo đài nhà nước ám chỉ rằng Nghị quyết kia chính là tuyên ngôn của ông Tập Cận Bình.
So với văn phong nhợt nhạt phát ngán thường thấy trong các văn kiện Đảng, Nghị quyết này phải nói là chấn động. Nghị quyết để một đoạn dài nói thêm về điểm đầu tiên trong Thông báo rút gọn đưa ra vào ngày 12/11 rằng các lực lượng thị trường sẽ giữ vai trò “chủ đạo” trong việc định đoạt mô hình kinh tế (đây là một bứt phá về khái niệm mà trước đây cứ bị Đảng tránh né, mặc dù đã áp dụng chủ nghĩa tư bản từ lâu). Nghị quyết kêu gọi “tăng tốc” các bước thúc đẩy để thị trường có thể quyết định lãi suất. Có thể để tạo tiền đề cho việc này, Nghị quyết cũng nói một hệ thống bảo hiểm sẽ được thực hiện để bảo vệ người gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng: quan chức nhà nước lo ngại rằng các ngân hàng nhỏ sẽ gặp khó khăn nếu lãi suất tiền tiết kiệm được thả nổi. Việc kiểm soát lãi vay cũng đã được bãi bỏ vào tháng 7 vừa qua. Có dự báo rằng hệ thống bảo hiểm này sẽ hình thành trong những tháng sắp tới. Nghị quyết cũng kêu gọi Trung Quốc tạo điều kiện để biến đồng Nhân dân tệ trở thành chuyển đổi được, đây là một điểm hóc búa, được hứa hẹn nhưng không được thực hiện trong suốt hai thập niên qua.
Nghị quyết cũng lặp lại cam kết của Đảng là sẽ để cho thị trường quyết định giá cả các tài nguyên then chốt như nước, dầu hỏa, khí đốt, điện và giao thông vận tải. Nhưng lần này, Nghị quyết dùng từ ngữ mạnh miệng hơn. Nghị quyết viết “Thị trường phải được quyền quyết định giá cả của bất cứ thứ gì mà thị trường có thể định đoạt được, và chính quyền không được can thiệp không chính đáng.” Trong diễn văn của mình, ông Tập định nghĩa vai trò của chính quyền bằng ngôn ngữ nghe rất quen thuộc với lập trường trung lập ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Ông nói đến những điều như: duy trì ổn định kinh tế, cung cấp dịch vụ công ích, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bảo vệ quy trình hoạt động của thị trường và chỉ can thiệp khi thị trường thất bại.
Tuy nhiên, ngôn ngữ đậm tính thị trường của Ủy ban Trung ương lại chệch choạc khi bàn đến vấn đề gây tranh cãi sôi nổi nhất, đó là vai trò của các doanh nghiệp nhà nước. Tuy vậy, phe cải cách – vốn lo ngại bởi sự khẳng định quen thuộc trong Thông báo cuối hội nghị rằng các doanh nghiệp nhà nước sẽ là “thành phần chính” của nền kinh tế – cũng được Nghị quyết cho một số hy vọng. Nghị quyết cho biết đến năm 2020, các doanh nghiệp nhà nước sẽ phải giao cho chính quyền 30% lợi nhuận của họ bằng hình thức cổ phần (tăng lên từ 15% hay ít hơn hiện nay). Như nhiều nhà cải cách đã đòi hỏi từ lâu, một số tài sản của họ sẽ được giao lại cho quỹ an sinh xã hội của chính quyền trung ương. Và khu vực kinh tế tư nhân sẽ được cho nhiều cơ hội hơn để đầu tư vào các doanh nghiệp nhà nước và kinh doanh trong các lĩnh vực hiện do doanh nghiệp nhà nước thao túng, kể cả ngân hàng. Tuy nhiên, nghị quyết không đòi hỏi các doanh nghiệp nhà nước phải rút khỏi những lĩnh vực không then chốt như khách sạn và bất động sản. Nghị quyết cũng lặp lại từ ngữ của bản Thông báo tóm lược khi kêu gọi đẩy mạnh khả năng “kiểm soát và ảnh hưởng” của các doanh nghiệp nhà nước.
Cải cách nông thôn
Ở một lĩnh vực cải cách quan trọng khác – quyền sở hữu đất đai nông nghiệp và nhà ở nông thôn – Nghị quyết cho thấy những dấu hiệu rõ ràng hơn. Cuối thập niên 1990, thị trường bất động sản bắt đầu xuất hiện ở các đô thị Trung Quốc, nhưng không diễn ra ở nông thôn, nơi quyền sở hữu đất đai được quy định rất mơ hồ. Năm năm trước, Đảng yêu cầu thị trường bất động sản ở đô thị và nông thôn phải hòa chung thành một, nhưng chưa có tiến bộ đáng kể. Hiến pháp vẫn khẳng định đất đai nông nghiệp là “sở hữu toàn dân”, một khái niệm lưu cữu từ thời Mao, và luật pháp vẫn cấm việc bán đất đai cho người ngoài nông thôn và cấm cầm cố bất động sản nông thôn. Tuy nhiên, Nghị quyết với kế hoạch mới nói rằng nông dân cần được cho phép cầm cố nhà cửa. Một vài địa phương đã cho thử nghiệm việc này. Dù Nghị quyết tiếp tục kêu gọi thận trọng, nhưng những thử nghiệm theo hướng này sẽ còn lan rộng nhanh chóng (và luật lệ có lẽ cũng sẽ thay đổi) khi giờ đây Đảng đã bật đèn xanh.
Báo đài nhà nước đã ca tụng những bước vừa kể bằng ngôn ngữ dạt dào cảm xúc, cứ như là Trung Quốc vừa nhận được một phần mềm nâng cấp, kế hoạch cải cách đã được đặt tên là “cải cách phiên bản 2.0”. Một số bài báo gọi đó là những “cột mốc lịch sử” trên lộ trình đạt đến “giấc mơ Trung Hoa”, cụm từ được ông Tập dùng và trở thành phổ biến trên khắp các biển quảng cáo ngoài trời trong cả nước. Trong diễn văn của mình, ông Tập báo trước là hành trình sẽ không dễ dàng gì. Nhưng ông cũng trích lời Đặng Tiểu Bình nói năm 1992 rằng nếu không có cải cách sâu rộng thì đất nước sẽ đi vào “ngõ cụt”. Rõ ràng, ông Tập muốn so sánh mình với ông Đặng, và có vẻ ông đã thu tóm được quyền lực để tạo cho mình một thế lực tương tự như ông Đặng.
Giống như Đặng Tiểu Bình, và thực ra cũng giống như tất cả các lãnh tụ Trung Quốc kể từ thời Mao, ông Tập có vẻ vẫn kiên định duy trì quyền lực độc tôn của Đảng. Như dự đoán, kế hoạch của ông nói rất ít về cải cách chính trị. Nghị quyết nói về cải cách tư pháp nhưng không cho biết chi tiết, mà cũng nhắc đến nhu cầu cho phép nhiều không gian hơn cho các “tổ chức xã hội” – tên Đảng gọi các tổ chức phi chính phủ – trong khi vẫn kêu gọi tăng cường sự “quản lý” của chính quyền với những tổ chức này.
Nghị quyết cũng cho thấy một số nhượng bộ trong hai lĩnh vực về nhân quyền. Một là lời cam kết sẽ xóa bỏ các trại “lao động cải tạo” mà Liên Hiệp Quốc ước tính, vào năm 2009, có tới 190.000 người bị giam giữ không qua xét xử với các thời hạn lên đến bốn năm. Các trại cải tạo này thường được dùng để cách ly các nhà bất đồng chính trị và tôn giáo. Ngay báo đài nhà nước cũng từng đăng tải các lời kêu gọi xóa bỏ các trại này và một số quan chức trong nhiều tháng qua cũng từng cho thấy tín hiệu là sự thay đổi sẽ xảy ra. Tuy nhiên, Nghị quyết lại không nhắc đến việc cấm các hình thức giam giữ không viện dẫn pháp luật khác, vốn xảy ra thường xuyên.
Một thay đổi đáng kể khác là quyết định nới lỏng chính sách một con, cho phép các cặp vợ chồng được có hai con nếu vợ hoặc chồng là con một. Trong những năm qua, các cặp vợ chồng đều là con một đã được phép có hai con. Các gia đình nông thôn cũng thường có hai con nếu con đầu lòng là con gái. Tuy vậy, chính sách mới này có lẽ sẽ không mang lại một sự bùng nổ dân số. Nhiều cặp vợ chồng thị dân nói họ vẫn thích có một con hơn, vì chi phí nhà cửa, y tế và học hành ngày càng đắt đỏ. Nghị quyết cũng không đưa ra lời hứa chấm dứt việc chính quyền kiểm soát việc sinh đẻ, hoặc giảm bớt tiền phạt, đôi khi cao đến cắt cổ, đối với những ai vi phạm luật kế hoạch hóa gia đình.
Ông Tập Cận Bình sẽ phải đối đầu với những chống đối lớn. Nghị quyết kêu gọi thay đổi nhanh chóng chính sách hộ khẩu, vốn không cho nông dân lên thành phố sinh sống được hưởng các khoản an sinh xã hội ở đô thị, và nhiều trường hợp không được quyền mua xe hơi hay mua nhà. Chính quyền địa phương cũng sẽ chống đối khoản này, trừ khi họ nhận được nhiều hỗ trợ tài chính để chi cho trường học, bệnh viện cà các dịch vụ khác. Thị dân trung lưu cũng ngại ngùng không muốn chia sẻ tài nguyên cho giáo dục và chăm sóc y tế cho những người nhập cư. Các doanh nghiệp nhà nước, những công chức bướng bỉnh và những nhà kẻ giáo điều trong hàng ngũ Đảng cũng sẽ chống lại những cải cách thị trường có khả năng đe dọa quyền lợi của họ. Ông Chương Lập Phàm (Zhang Lifan) một nhà phân tích ở Bắc Kinh nói rằng những cải cách của ông Tập có thể dễ thành công hơn nếu đưa ra mười năm trước đây, trước khi những quyền lợi riêng tư được đổ bê tông và cố thủ.
Tuy vậy, quyền lực của ông Tập vẫn có thể giúp ông thực thi được các dự định của mình. Ông đã cho thấy ông đang xác lập quyền kiểm soát trực tiếp hệ thống an ninh trong nước, bằng cách lập ra một “ủy hội an ninh quốc gia” (người tiền nhiệm, ông Hồ Cẩm Đào lại nhường vai trò này cho đồng nghiệp). Ông Tập cũng cho hình thành một “nhóm lãnh đạo nhỏ” để lèo lái công cuộc cải cách, có lẽ cũng sẽ dưới quyền chỉ huy trực tiếp của ông. Nắm chặt hệ thống an ninh sẽ là điều có lợi cho ông: Nghị quyết, trong lời kêu gọi kiểm soát internet, cho thấy giới lãnh đạo lo ngại sâu sắc về những bất ổn xã hội và về quyền lực của hoạt động bất đồng trên mạng. Ông Tập Cận Bình có lẽ phải ghen với ông Đặng Tiểu Bình, vì ông Đặng đã tiến hành cải cách vào một thời đỡ rối ren hơn nhiều.
Bản tiếng Việt © 2013 Phan Trinh

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thì ra đã thế.. tự lâu!

Vương Trí Nhàn

Hà Nội cuối 1973 - kỳ III 

29/11
Ở tất cả các xung đột xã hội, người ta luôn bắt gặp cả hai loại dấu hiệu. 
1/ Loại dấu hiệu cho thấy nó nằm trong những vấn đề chung của thế giới, 
2/ loại dấu hiệu cho thấy vấn đề này chỉ có ở Việt Nam, nó “Việt Nam không thể chịu được.”
 Thế giới là một toàn thể. Nhìn về đâu anh cũng thấy những chuyện như ở chính mình. Chính vì vậy mà sẽ không có lối thoát nào được mang từ đâu tới, chỉ có anh mới tìm ra giải quyết cũng tức là cách vượt mình.


 3/12
Khải:
--Bây giờ đúng là lúc mỗi kẻ phải tự lột mặt nạ. Các quân tử phải xuống trần, trở thành những tiểu nhân, như những người dân thường khác. Không thể điệu bộ mãi được.
Điều Nguyễn Khải nói liên quan tới chuyến đi B của các anh—B dài. Ông Xuân Thiều xin hoãn. Xuân Sách dự định từ chối. Tất cả là một mất một còn.
Và không phải chỉ những người văn nghệ từ chối. Các ngành khác cũng có.
Điều mà nhiều người cùng thấy, nhưng không dám nói ra. Cái xã hội này đang khủng hoảng lòng tin. Mọi người không biết ngày mai mình sẽ như thế nào. Cuộc sống là không có tiêu chuẩn, không có nguyên tắc gì cả. Những người quản lý xã hội chẳng biết làm việc cần làm. Công lý không ngự trị. Sức lao động làm ra không được đánh giá đúng mức. Nhiều người cảm thấy xã hội không lo cho ai cả, vậy thì hãy tự lo cho mình.
Từ đó sinh ra sự chạy đua. Bề ngoài thấy mọi người mệt mỏi  -- hết sức mệt mỏi khi làm công việc chung. Chỉ trong việc lo cho cái riêng họ mới guồng hết sức.
Một thứ kết dính kiểu “cơm nguội” lỏng lẻo vớ vẩn đang chi phối mối quan hệ giữa người với người.
Tất cả hiểu rằng người ta phải sống khác đi, nhưng sống khác thế nào thì chưa biết.
Cái chính là người dân hiện nay khổ quá, như là bị đầy đoạ. Đói ăn vụng túng làm càn. Sức chịu đựng của người ta là có giới hạn. Khi hiểu biết của người ta khá lên, mà mức sống lại thấp đi, thì mọi sự cân bằng bị phá vỡ... Căng thẳng, phá phách.

... Một lần, chúng tôi ngồi bàn về một chuyện khác. Về ông Xuân Vũ giờ vào Sài Gòn.
 Mai Ngữ kể, Bùi Đức Ái bảo rằng thằng Vũ còn để lại nhiều bản thảo lắm. Mà lâu nay, vào đó, nó đi có phải là ít. Căn bản chỉ là ở chỗ nó cho rằng, cuộc chiến tranh này sẽ chẳng đi đến đâu.
Nguyễn Khải bảo đúng, thằng ấy hăng đi đấy, không phải là kẻ sợ khổ. Mà viết bút ký rất bợm.
 Tôi hỏi một câu ngớ ngẩn:
-- Nhưng liệu ông ấy có trở thành một nhà văn lớn ?
-- Lớn lớn thế nào?-- Đang ngồi, Khải vụt đứng dậy-- Xã hội ta bây giờ cần gì đến nhà văn mà có nhà văn lớn được. Bây giờ chỉ cần đến người  tuyên truyền. Và anh hãy làm tốt cái việc đó, thì có cơm ăn.
Việc Xuân Vũ đi, tôi nghĩ, chứng tỏ người làm văn nghệ vẫn còn cựa quậy. Liệu có thể dùng cái công thức, người có thể bắt một nền văn nghệ đầu hàng, nhưng không thể giết chết nó?

10/12
Nói chuyện với Anh Ngọc:
-- Như ông Phú Bằng, về Sài Gòn trong phái đoàn bốn bên, tha hồ thích.
-- Tôi không thích vào Sài Gòn bây giờ. Bị kèm cặp, chả được ăn nói tự do. Cho tôi đi nước ngoài, tôi vẫn thích hơn.
-- Bao giờ tôi cũng thích được bước trên đất nước mình. Cảm hứng về đất nước ghê gớm hơn chứ.
-- Đi nước ngoài về, có tiền có đồ, tự nhiên có đất nước. Giờ tôi có cái xe mô tô xem, nay tôi lên Hà Bắc, mai tôi xuống Hải Hưng, tôi hiểu thêm bao nhiêu chuyện. Như lúc này đây tôi cái xe hỏng, lốp không có mà đi, thì ở Hà Nội  cũng chẳng hiểu Hà Nội thế nào.... Đấy, cái nọ liên quan đến cái kia như vậy.
...Trên đây là một đoạn đối thoại đặc trưng cho cách nói trơ tráo mà tôi mới học được. Sau này, tôi có hối hận. Anh Ngọc còn đơn giản quá, tôi nói với cậu ấy như thế làm chi. Tự lý giải là vì ở đây có vấn đề về mối liên quan giữa độc lập dân tộc và cái khía cạnh quan trọng bậc nhất của nhân sinh: hạnh phúc. Nếu có đất nước mà không có cuộc sống tử tế thì anh có chấp nhận không?
Nhưng mà hạnh phúc sao có được trong 20 năm tới? Đường lối trên đưa xuống vẫn như cũ. Đảng ta kiên quyết làm tròn nhiệm vụ giải phóng miền Nam...
Trước mắt tình hình chiến tranh có ngưng đi. Ngưng trong một vài năm. Chỉ có những vụ biến động nhỏ. Cả hai bên đều tích luỹ thêm sức lực. Để rồi lại đánh. Những bậc cha mẹ hãy tính lớp trẻ năm nay 5-6 tuổi, vẫn có khả năng phải đi lính.

Kissinger bảo bây giờ là vấn đề của người Việt Nam với nhau. Việt Nam đang biến thành nội chiến.
Ta bảo không phải thế. Quân nguỵ chỉ là kẻ thù trực tiếp. Kẻ  thù chính, là đế quốc Mỹ.
Khải:
--  Nói thế cho dễ xác định. Hai bên sẽ đánh nhau đến khi bên mất, bên còn, thế mới có lý. Và mình cũng đỡ hoảng lên về hôm nay. Về văn học chẳng hạn, cái cổ lỗ bảo thủ sẽ thắng, phe các ông Hồ Phương tiếp tục trùm lớp.

 Nguyễn Khải rất ham chuyện tức ham phân tích lý giải thử bằng miệng trước khi viết. Lại chính Nguyễn Khải muốn tung hê những thứ vừa nói:
 -- Cứ nói đi nói lại mọi chuyện chán thế này, không viết được đâu. Vì như một người viết văn, không phải lúc nào anh cũng nhắm đồng tiền. Anh còn muốn làm một cái gì hơn thế nữa chứ?
  Rồi tự nhiên lại bắt sang chuyện khác:
--  Đọc lại quyển Hoàng Lê nhất thống chí thấy phần Nguyễn Huệ ra Bắc chỉ có hai trang, một chiến công hiển hách mà có hai trang. Còn toàn chuyện đâu đâu. Có nhiều chương tác giả không có ý thức, nhưng bây giờ đọc thấy ghê. Thí dụ chương kiêu binh đến phá một cái phủ gì đấy. Lúc đầu quần chúng không thể có ý thức được. Họ vừa làm vừa sợ. Chỉ nhân đà không ai cản trở, rồi họ mới dám làm dấn lên thôi.

18/12
Một thứ dòng ngược chiều, nhưng là vì nó gắn với những mong mỏi của mình, cho nên vẫn thích. Trong mấy ngày qua, -- cái gọi là hai bên ta và nguỵ lại hoà hoãn với nhau thì phải. Lại thực hiện chuyến bay Sài Gòn- Lộc Ninh.
 Ngày 22/12 tới đây lại định tổ chức to: ở trong kia, sân bay Tân Sơn Nhất, sẽ mời nó đến. Nguyễn  Khải chuẩn bị đi.
Khải :
-- Có thể là thế. Hôm qua đánh nhau bắn nhau, hôm nay bình thì đối thoại... Hôm qua giết người, hôm nay xin lỗi bắt tay rối rít. Như Lỗ Tấn đã nói, chỉ có thường dân khổ; mỗi trận ném bom, bao giờ cũng rất nhiều người bị thương bị chết.
...
Biết là hão hiền, tôi vẫn ước ao giá kể có được một nền hoà bình, một sự hoà hợp thật sự. Cả hai bên kết hợp lại, tươi đẹp biết bao.

 Đọc đâu đó, R. Muzil nói về nền quân chủ Áo Hung. Đó là một cơ cấu cai trị không tên, một bóng ma thực sự. Một cái hình không cốt lõi, xuyên qua bởi những ảnh hưởng không chính đáng. Vì không tìm đâu ra những ảnh hưởng chính đáng.

21/12
Điều đáng ghê sợ là đôi khi cứ phải ngần ngại khi nhìn vào những người chung quanh mình. Không thể yêu được, tôi ngán ngẩm tự nhủ vậy. Toàn là những trò khiến tôi phát ớn. Những câu bông lơn tục tằn mà nhạt, sự kém linh hoạt, kém thông minh. Hơn thế nữa, là thói vô học, cái này biểu hiện ra trong bao nhiêu cách khác nhau. Trình độ làm người của chúng ta rất thấp, phải công nhận vậy.
Một nhà văn Mỹ sang Việt Nam nhận xét đến Việt Nam, cảm thấy dân rất tốt, nhưng cứ cảm thấy thiếu thiếu thế nào đó.
 Sau ông ta mới nghĩ ra, trong khi thế giới người ta sống theo ba chiều, thì ở Việt Nam, chỉ sống theo hai chiều.
Ng Khải:
-- Nói thế chứ, con người Việt Nam mình cũng phức tạp, cũng sống theo vài ba chiều chứ tưởng!

25/12
 Nhiều đoạn đường Hà Nội thoáng ra trong những ngày nắng hanh. Xe ô tô qua.  Lòng đường hết bụi bóng loáng lên thành vệt. Nhưng tận hai mép hè két bụi. Bụi kết thành tầng dày đặc. Và trên các cành cây cũng bụi, màu xanh của lá bạc đi trong bụi. Mỗi lần một xe ô tô đi qua, không khí vẩn lên, trời đất nhờ nhờ. Một cái gì đó kết tinh từ năm tháng, bây giờ đọng lại đây. Nghĩ thấy vô cùng kinh hãi, vì nó ngày mỗi sinh sôi.
 Những cặn bã sinh ra từ trong lòng xã hội cũng vậy .
Thử đưa mắt nhìn cả đoạn hè phố. Bọn trẻ con chơi cầu ở đó. Ở đó người ta phơi dưa, người ta giặt giũ, ăn cơm xong mang chậu bát đũa ra đó rửa. Lê Đường Phong có lần bảo Hà Nội bây giờ sân thì tiến ra đường còn vỉa hè chui sâu vào trong từng nhà.

Tôi đứng ở đầu đường Lý Nam Đế, chỗ vườn hoa hàng Đậu. Lòng đường từ phía Cửa Đông hiện lên những đoàn xe bò chở than. Trời, sao cái không khí trời đất này ghê sợ làm vậy, chuyến xe đen, người đánh xe bò đen, cho đến gió bốc lên, làm đen cả những mặt người. Tôi hoà nhập vào cái buổi chiều đổ quanh tôi, nó là một cái thực thế mù xám dâng lên dần dần rồi nhấn chìm mọi vật.
Những đêm tối, tôi nghe từ lòng đường tiếng móng bò điểm đều đều từng nhịp trên đường. Thanh vắng, trong cái lặng lẽ của một buổi sáng trời đất mới trở dậy, tôi nghe rõ từng tiếng một, cái thứ tiếng móng bò đó. Nó thanh, khô, gọn, mà lại thoáng như là ngân lên trên đường phố.
Đất nước của tôi chỉ có thế thôi, trung cổ một cách không thể lẫn với đâu được.
Những ngày nắng hanh, cái thành phố xác ướp giống như là được giữ nguyên. Mọi vật phơi ra cái vẻ đang úa tàn dần. Anh có thể cảm thấy một chút gì đó, như là vẻ đẹp của thành phố hôm qua. Nó từng là một vẻ đẹp thật, và bởi vì nó đang úa tàn, nên lòng càng thấy luyến tiếc.
Còn trong những ngày ẩm ướt, thì cái cảm thấy rõ nhất, là chính quá trình chết, chứ không phải xác chết. Không gian lầm lụi trong bùn đất bẩn thỉu và bởi vì mọi vật chỉ sắp chết nên cũng có nghĩa là nó đang sống. Nó đang trên đường đi tới sự chết, dù chẳng bao giờ đi tới.

Ngược với khái niệm về cá nhân là khái niệm về đám đông. Nhưng vì những cá nhân của chúng ta là hèn hạ loạn xị, cho nên những đám đông của chúng ta cũng tạp nhạp, phân tán, mà lại đơn điệu nữa.
Làm sao để chúng ta sống một mình nổi, chúng ta luôn luôn sống với những người chung quanh. Nhưng hình như đây là một quy trình biện chứng: Càng nhập vào chung quanh, càng có yêu cầu trở về nương náu trong cái tôi cũng đã trở nên vô tận của mình. Cũng như, càng nghĩ về mình, lại càng thấy cần phải trao đổi, bàn luận với những người khác, ghét người khác, yêu người khác, tóm lại là thấy tất cả những người khác đang cùng mình sống, mình không sao đứng riêng ra được.
Những thoáng buông tay vì thấy cuộc đời không công bằng. Những ghê rợn, vì thấy những chuyện vô nhân đạo, bất công. Và một nỗi buồn lâu bền, âm ỉ, nhưng ăn rục ăn mòn mình, nỗi buồn vì những nghiệp chướng không sao dứt ra được, nó là cái trình độ vớ vẩn của mình và những người chung quanh... Tôi chứng kiến ở tôi tất cả những nỗi niềm kinh khủng đó, nó là những vết thương trong tôi. Tôi có thể nói một cách nào đó, rằng chính biết những vết thương đó, mà tôi biết tôi còn sống chăng?

29/12
Một năm đi qua, năm 1973. Nghe tin một ông cốp ở Thành uỷ nói cố lo cho dân cái Tết này. Năm 1974 sẽ gay go lắm.
Nghĩa là năm 1973 này còn khá. Nhìn về phía trước, một lòng tin sụp đổ, những ảo tưởng đúng vào lúc va chạm với thực tế thì tan vỡ.
Phải nói lâu nay ta sống bằng những huyền thoại. Chúng ta sẽ xây dựng đất nước sau hoà bình. Các nước khác sẽ giúp đỡ... Ngày nay, cái bong bóng ấy bắt đầu tan vỡ.
Cũng không biết nên bắt đầu từ đâu nữa. Có thể là có những nước khác họ sẵn lòng giúp. Nhưng mình không có ai biết nhận -- không có ai biết làm. Lâu nay mình chỉ quen phá của.
Vả chăng chính mình cũng lại không rõ là chiến tranh hay hoà bình. Hình như ai cũng biết đằng sau sự ngắc ngứ đó, tức là chiến tranh đang được chuẩn bị, một cuộc chiến tranh ghê hơn cuộc chiến hôm qua.
Mà thế giới nó chỉ muốn nói hoà bình. Liên Xô, Trung quốc không muốn đánh nhau nữa.
Năm 1973, chỉ xây được mấy cái cầu (từ đầu chiến tranh đến nay hỏng bao nhiêu cầu không biết). Còn những Khâm Thiên, lấy đâu sức làm lại. Đất nước nhơm nhếch tàn lụi. Những sự biến được trình bày trên báo chí loanh quanh chỉ là  những cuộc viếng thăm chính trị của những vị khách nước ngoài. Chủ khách nói với nhau toàn những lời rỗng tuếch, như trò hề.

 Có một điều lớn hơn những sự bê bối cụ thể. Người ta mất lòng tin vào những cái lớn, cái rường cột của quốc gia. Huyền thoại về quân đội bách chiến bách thắng không còn nữa (ông Văn bị báo chí trong kia nó mang ra nó giễu như kiểu Đờ Lát trước kia vậy!).
Nếu được đẩy đến tận cùng, người ta buộc phải nghĩ lại về cái thể chế này, một thứ thể chế phong kiến hệt kiểu chế độ sa hoàng ngày trước. Ở cả chính quyền lẫn nhân dân, cả đám đông quần chúng, lẫn các sếp sòng bề trên, -- những gì tốt đẹp hồi đầu chiến tranh đều đã mất hết.
Chỉ ngày càng thấy có thêm nhiều chức sắc nhà nước. Rất nhiều đại tá đi trên đường phố.
       
  Một đại tá làm báo QĐND bảo tình hình này mà dân Hà Nội nó chưa nổi lên, thì cũng lạ. Rối ren, bế tắc. Ai cũng thấy chúng ta đang sống thiếu nguyên tắc. Những việc trước mắt người ta làm, chỉ vẫn là chữa cháy tạm thời. Quây chợ, bắt người. Trong những vụ dẹp loạn đó, bao giờ cũng chỉ bắt được những tôm tép. Những con cá lớn chuồn sạch. Bởi chính người đi bắt mới là những thứ cá lớn nhất.


Nguyễn Khải kể một đoạn đối thoại. Nguyễn Địch Dũng bảo ở chợ trời, mình làm phát xít quá.Thép Mới bảo nhưng mà, ông ơi, mọi việc mình đã trót phát xít hoá từ lâu rồi.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Lai căng?

Nguyễn Văn Tuấn

Đọc báo Việt Nam có nhiều khi làm người đọc như tôi cảm thấy … nhức mắt. Nhức mắt vì những chữ nữa Tây nữa Ta chẳng vào đâu cả. Chẳng hạn như mới đây rộ lên những chữ như “hotgirl”, “hotboy”, “teen girl”, “teen Việt”, “showbiz”, v.v. Những chữ mà ngay cả tôi (đang định cư ở nước nói tiếng Anh) cũng cảm thấy khó hiểu. Kho tàng ngữ vựng tiếng Việt cũng có những từ với ý nghĩa tương đương, nhưng tại sao giới báo chí không dùng, mà phải nhờ đến tiếng Anh? Tôi thật không hiểu nổi, nên phải ghi lại vài dòng gọi là … nhật kí.
Teen (thật ra là “Teenager”) là chữ dùng để chỉ những em trong độ tuổi dậy thì đến tuổi 19. Tiếng Việt mình có chữ “thiếu niên” để chỉ những em trong độ tuổi dậy thì đến tuổi thiếu nữ hay thanh niên, tức là tương đương với teenager trong tiếng Anh. Còn hotgirl và hotboy thì thú thật tôi không rõ ở Việt Nam có ý nghĩa gì, nhưng trong tiếng Anh thì hotgirl dùng để chỉ những cô gái trong độ tuổi 14-27, xinh xắn, tự tin (có khi phách lối), và hấp dẫn (mà nam giới bắt buộc phải nhìn). Tôi nghĩ tiếng Việt có thể là “cô gái duyên dáng” hay “Gái có duyên”. Nói chung, tôi thấy tiếng Việt mình có những từ tương đương với danh từ tiếng Anh để diễn tả, và không có lí do gì mình phải dùng đến tiếng Anh.
Ấy thế mà những từ tiếng Anh đó lại xuất hiện khá thường xuyên trên báo Việt Nam! Nếu viết trên facebook hay blog thì tôi nghĩ việc dùng một chút tiếng Anh thì tôi còn có thể hiểu được, vì viết nhanh và mang tính cá nhân. Nhưng báo chí là một diễn đàn nghiêm chỉnh và mang tính giáo dục thì việc dùng tiếng Anh cùng đồng nghĩa với sự thiếu tôn trọng tiếng mẹ đẻ. Hi vọng rằng tôi không quá nặng lời.
Giới báo chí không phải là những người duy nhất truyền bá loại ngôn ngữ nửa nạc nửa mỡ, mà người dân, đặc biệt là giới trẻ, cũng thường hay dùng loại ngôn ngữ này. Có nhiều chuyện tiếng Việt “nửa nạc nửa mỡ” rất hài hước ở quê tôi. Quê tôi có nhiều người định cư ở nước ngoài, và trong số đó có người định cư theo diện kết hôn trong mấy năm gần đây. Làng tôi vẫn còn lưu truyền vài câu chuyện cười ra nước mắt. Cô nọ sau khi lấy chồng định cư ở Anh vài năm về thăm quê, cô vận cái váy ngắn và cái áo khoe những đường cong con gái ra chợ quê, nơi mà đa số bà con mặc áo bà ba. Cô ghé qua hàng bán rau và thấy trái me, cô đon đả hỏi: Dì hai ơi, trái này là trái gì vậy dì? Dì Hai biết quá cái cô này con ông Ba Th, mới đi nước ngoài có 2 năm thì làm sao quên tiếng Việt được, nên bực mình và buông một câu trả lời làm cô gái bỏ đi luôn: Ủa, con hổng biết trái này hả, ở quê mình gọi là cu Tây đó con. Dì Hai này thật đáo để! Câu chuyện này chắc chắn không phải xảy ra chỉ ở quê tôi mà có thể rất nhiều nơi khác. Nó là hiện tượng mà Thi sĩ Nguyễn Bính từng than:
Hôm qua em đi tỉnh về
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều
(Thật ra, trường hợp cô gái ở quê tôi thì đúng ra phải là “hương đồng gió nội” bay đi quá nhiều!)
Thật ra, trong nhiều tình huống cũng nên thông cảm cho những người dùng tiếng Anh. Có khi người ở nước nói tiếng Anh lâu và thành … thói quen. Thói quen này mang tính địa phương, và vì nó ngắn gọn, ai trong cộng đồng cũng hiểu. Chẳng hạn như nói đến “đi shopping” thì ai cũng hiểu là đi mua sắm ở các siêu thị (hay mall). Shopping không phải đơn giản là “đi chợ” theo ý nghĩa của tiếng Việt. Thành ra, dùng shopping là đơn giản nhất! Có khi cách nói ngắn Tây-Ta còn tuỳ thuộc vào văn hoá địa phương. Chẳng hạn như người Việt ở Úc, nói đến đi mua thức ăn “take away” nhưng bên Mĩ thì gọi là “Food to go”, thì ai cũng hiểu đó là đi mua thức ăn về nhà chứ không phải ăn ở quán. Thói quen đó lan truyền sang Việt Nam khi Việt kiều về thăm quê. Việt kiều về quê thỉnh thoảng quen cách nói nước ngoài nên dễ làm bà con dè bỉu rằng “mới đi có vài năm mà làm bộ làm tịch quên tiếng Việt”. Trong thực tế họ không có ý khoe khoang tiếng Anh đâu, mà chỉ vì thói quen mà thôi.
Cá nhân người viết bài này biết người dưới quê khó tính, nên không bao giờ hay hạn chế đến mức thấp nhất việc dùng chữ Anh trong cách nói hàng ngày ở VN. Dù tự dặn mình như thế nhưng thỉnh thoảng tôi cũng chêm tiếng Anh trong giao tiếp, vì quán tính (nhưng tôi lúc nào cũng giải thích chữ mình nói có nghĩa là gì để bà con hiểu). Còn trên mặt báo thì tôi gần như không sử dụng tiếng Anh, hay có sử dụng những khái niệm mới thì cũng mở ngoặc giải thích để bạn đọc hiểu. Tôi nghĩ mình làm được thì các phóng viên, trên danh nghĩa là bậc thầy về chữ nghĩa, phải làm được chứ. Nếu họ không làm được thì tôi nghĩ chắc là do … lai căng. Viết đến đây tôi chợt nhớ đến một ca khúc của Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, mà trong đó có câu:

Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu
Một trăm năm đô hộ giặc Tây
Hai mươi năm nội chiến từng ngày
Gia tài của Mẹ, một bọn lai căng
Gia tài của Mẹ, một lũ bội tình

Phần nhận xét hiển thị trên trang

NGUYỄN KIẾN GIANG – Hạt giống đỏ Mác-xít


clip_image001Lê Phú Khải
Nguyễn Kiến Giang sinh ngày 22-1-1931 ở làng Quảng Xá, xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình trong một gia đình Nho học. Kiến Giang là tên con sông chảy qua làng ông. Kiến Giang học đến deuxième année tức năm thứ hai trung học đệ nhất cấp. 14 tuổi ông đã hoạt động trong hàng ngũ Việt Minh. 17 tuổi đã là huyện ủy viên rồi tỉnh ủy viên tỉnh Quảng Bình. Năm 1956 ra Hà Nội giữ chức Phó Giám đốc Nhà xuất bản Sự Thật. Tác phẩm Việt Nam năm đầu tiên sau Cách mạng Tháng Tám của ông được Trường Chinh đánh giá rất cao. Ông kể: Viết xong 400 trang sách tôi gửi cho ông Trường Chinh. Ông gọi lên nói: Rất tốt! Ông Trường Chinh chỉ sửa có một chữ và sách được in năm 1961.
clip_image003
Nguyễn Kiến Giang và tác giả.
Chính vì thế mà năm 1962 ông được cử đi học trường Đảng Cao cấp ở Liên Xô để làm “hạt giống đỏ” cho lý luận của Đảng trong tương lai. Tháng 9-1953 Khruschov lên Tổng Bí thư, phê phán tệ sùng bái cá nhân Stalin và chủ trương các nước khác nhau về thể chế chính trị có thể chung sống hòa bình, đặt vấn đề chống chủ nghĩa cá nhân, dân chủ hóa đời sống xã hội. Ở Trung Quốc, Mao Trạch Đông phê phán Liên Xô là xét lại, chủ trương phải tiêu diệt đế quốc sạch sành sanh.
Tháng 12-1963 ta họp Hội nghị Trung ương 9, Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Phạm Hùng xác định lập trường Trung Quốc, không chấp nhận báo cáo chính trị của Hoàng Minh Chính ủng hộ lập trường của Liên Xô. Những người Cộng sản Việt Nam chia rẽ về tư tưởng.
Kiến Giang kể với tôi: Sau khi trận Ấp Bắc ở miền Nam thắng lớn, Hoàng Tùng sang Liên Xô triệu tập chúng tôi lại, nói: Mỹ thua đến nơi rồi, Liên Xô có quan hệ gì với ta thì chỉ là để “dây máu ăn phần” mà thôi! Chỉ thị từ nhà sang là: cấm tham gia mọi hoạt động mà Liên Xô tổ chức. Tôi và nhiều anh em lại nhận định khác. Liên Xô và Mỹ hòa hoãn thì Mỹ sẽ đổ quân vào Việt Nam và chiến tranh sẽ mở rộng, không có chuyện Mỹ thua ngay như ông Hoàng Tùng nói. Thư tôi viết về cho gia đình còn đó, đúng như tôi nhận định.
Sau này tôi có đọc cuốn sách Điệp viên hoàn hảo nói về nhà tình báo chiến lược Phạm Xuân Ẩn, thấy ông ấy cũng nhận định tình hình lúc đó như Kiến Giang. Đầu năm 2007 tôi có đem cuốn sách này đến tặng ông Sáu Kiệt (sách còn mới, chưa gạch chân vào đó như cuốn Trang trại ở Pháp đã nói ở trên). Tôi nói với ông Sáu Kiệt: Cả hai nhận định giống nhau, nhưng P.X.A. thì được ca ngợi là sáng suốt; còn ở ngoài Bắc, sau đó Kiến Giang đi tù 9 năm! Ông Sáu Kiệt nói: Ở ngoài đó các ông ấy hay bắt nhau đi tù quá!
Kiến Giang còn kể cho tôi vào ngày 20/5/2004 tại Gò Vấp, nhà con gái ông ở đường Nguyễn Văn Nghi (vì tôi có ghi chép vào sổ tay cuộc nói chuyện này nên còn nhớ rõ ngày giờ, địa điểm): Vụ Liên Xô đưa tên lửa vào vùng biển Caribê của Cuba rồi rút ra làm cả thế giới hồi hộp, một ông trong phe Mao-ít là Nguyễn Chí Thanh đã phê phán: “Đưa vào là phiêu lưu, rút ra là đầu hàng”! Cụ Hồ phải gõ bút chì xuống bàn nói: “Chú nói gì mà quá đáng thế!” Năm 1964 Dương Bạch Mai không phục tùng nghị quyết 9, không thi hành nghị quyết 9 nên đã phải chết!
Chính vì thế mà năm 1964, Kiến Giang và một số cán bộ đang học ở Liên Xô bị Trung ương gọi về. Những người không tán đồng NQ 9 đang ở Liên Xô lúc đó như Minh Cần, Lê Vinh Quốc, Văn Doãn, Nguyễn Lân Tuất… đã ở lại xin tỵ nạn chính trị.
Kiến Giang kể: Tôi suy nghĩ mãi, ở hay về, cuối cùng tôi và Hồng Hà quyết định về. Hồng Hà và tôi được Lê Đức Thọ kêu lên gặp. Sau khi nghe Lê Đức Thọ phê phán, Hồng Hà rút khăn ra lau nước mắt. Thọ nói: Cậu đã thấy lỗi là tốt! Anh ta được ra về và sau đó thăng quan tiến chức đến Ủy viên Trung ương. Tôi ngồi chờ đến lượt mình, nghe rõ câu chuyện hai vị nói với nhau, tôi chỉ được quyết định số phận của mình có mấy giây. Tôi đã nói với Lê Đức Thọ: Khi ở Liên Xô, tôi tưởng mình nghe nhầm, nay nghe chính đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị nói thì tôi càng thấy tôi đúng! Thế là sau đó, tôi “đi thực tế” 3 năm từ 1964 đến 1967 ở Quảng Bình rồi Thái Bình, sau đó là đi tù 6 năm, 3 năm quản chế! Cái giá của một câu nói thật là thế!
Chuyện “nghe nhầm” của Kiến Giang là như sau. Tại lớp học ở trường Đảng Cao cấp ở Liên Xô có nhiều học viên là đảng viên các đảng Cộng sản các nước. Lúc đó có việc Tổng Bí thư ĐCS Irak qua đời, vợ ông ta lại đang học cùng lớp với Kiến Giang và Hồng Hà. Lớp học tổ chức truy điệu ông. Theo chỉ thị từ nhà thì các học viên Việt Nam không được tham gia bất cứ hoạt động nào do Liên Xô tổ chức, nhưng Kiến Giang và Hồng Hà cứ đến dự lễ truy điệu vì “nghĩa tử là nghĩa tận”; hơn nữa, nếu không đến thì người ta sẽ đánh giá Việt Nam thế nào? Vậy mà Lê Đức Thọ không tha vụ đó.
Lê Đức Thọ, Trưởng ban Tổ chức Trung ương và Trần Quốc Hoàn, Bộ trưởng Công an trực tiếp tổ chức cuộc bắt bớ đám xét lại chống Đảng năm 1967. Ngoài Hoàng Minh Chính và Kiến Giang là những nhân vật nổi cộm, còn nhiều nhân vật cao cấp khác bị bắt, trong đó có Vũ Đình Huỳnh – Vụ trưởng Vụ Lễ tân Bộ Ngoại giao, Đại tá Lê Trọng Nghĩa – Cục trưởng Cục 2 (Quân báo) Bộ Quốc phòng, Lê Minh Nghĩa – Chánh Văn phòng Bộ Quốc phòng, Nguyễn Đức Kiên – Cục trưởng Cục Tác chiến, Hoàng Thế Dũng – Tổng biên tập báo QĐND, Minh Tranh – Giám đốc NXB Sự Thật, Trần Minh Việt – Phó Bí thư kiêm Phó Chủ tịch UBND Hà Nội, v.v… Các vị Ung Văn Khiêm – Bộ trưởng Ngoại giao, Đặng Kim Giang – Thứ trưởng Bộ Nông trường, Lê Liêm – Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Nguyễn Văn Vịnh, Bùi Công Trừng… bị khai trừ Đảng.
Theo nhà nghiên cứu Sophie Quinn – Sudge viết trên tạp chí Journal of Cold War History tháng 11-2005 thì vụ án này có 300 người bị bắt, trong đó có 30 nhân vật cao cấp, tất cả bị giam giữ lâu và không xét xử gì cả, rồi thả dần.
Kiến Giang cho biết, Lê Đức Thọ sau này thuyết phục: Các cậu đi học xa không biết tình hình trong nước. Vì sao lại có Nghị quyết 9? Ta đề nghị đặt tên lửa tầm trung để đánh hạm đội 7, Liên Xô không cho thì đã có vũ khí của TQ. Chỉ có đồng chí Mao Trạch Đông mới có dũng khí cách mạng và đủ trình độ lý luận để chống chủ nghĩa xét lại.
Đến năm 1967 là kỷ niệm 50 năm cách mạng Tháng Mười thành công, bên ngoài ta tung hô LX, vì nếu không thì cũng không xong: 5/8/1964 Mỹ đã đánh phá miền Bắc bằng máy bay, bằng chiến tranh phá hoại; nếu nghe TQ, nghe Đặng Tiểu Bình đoạn tuyệt hẳn với LX thì lấy vũ khí (tên lửa) đâu ra mà đánh Mỹ? Vậy nên, bên ngoài thì Lê Duẩn tuyên bố, có hai tổ quốc: LX và VN, bên trong, năm 1967, bắt xét lại “để làm hài lòng TQ”! Vì thế Lê Đức Thọ đã có lần nói với Kiến Giang: “Các cậu ở tù cũng là tham gia chống Mỹ cứu nước!” Nhắc lại câu này của Lê Đức Thọ, Kiến Giang ở tuổi 74, đang đau yếu cũng không nén được tức giận, ông chửi thề: “Thật bỉ ổi, ấu trĩ!”
Kiến Giang nhớ rất kỹ, bắt đợt đầu là Hoàng Minh Chính ngày 27/7/1967, Sau ba tháng thì bắt đợt hai Vũ Đình Huỳnh, Minh Việt… vào ngày 18/10/1967…
Kiến Giang bị bắt đưa đi trại giam Bất Bạt của quân đội và bị chuyển trại ba lần, có lần giam ở trại Ba Sao. Ông kể về 5 năm bị giam trong xà lim: Có 4 mét vuông, như nhà mồ, rét lắm vì cửa sổ hướng về phía Tây, phải đứng suốt ngày, tưởng là phát điên. Tôi phải tự viết một cuốn tiểu thuyết trong đầu để khỏi phát điên, vì xin đi lao động nó không cho đi… Gia đình chỉ được lên thăm có hai lần, năm 1969 ở Bất Bạt, năm 1971 ở Ba Sao. Năm 1973 bắt đầu quản chế, 1975 quản chế ở xã Bối Khê Vũ Ẻn.
Ở trong tù, năm 1968 được tin đánh Mậu Thân, tôi biết trước là sẽ thua vì Mỹ chưa yếu như các ông ấy nghĩ. Còn nếu thắng thì số phận bọn xét lại chúng tôi sẽ vô cùng đen tối… Năm 1970 tôi đã viết thư cho Lê Đức Thọ về chuyện này…
Kiến Giang sở dĩ trở thành nhân vật nổi cộm trong vụ án “Xét lại chống Đảng” vì cùng với Hoàng Minh Chính ông là một nhà lý luận có kiến thức uyên bác, có tư duy sắc bén… Vì thế Lê Đức Thọ có phần nể nang, nhưng vì ông không khóc lóc van xin, không khuất phục như Hồng Hà, nên bầm dập. Ông kể: Khi Lê Duẩn lên Tổng Bí thư, ông Trường Chinh bảo tôi sang gặp anh Ba Duẩn để xin anh ấy các bài viết, các phát biểu… đem về in thành sách. Theo ý ông Trường Chinh thì lãnh tụ phải có tác phẩm. Tôi đã nghe lời sang gặp Lê Duẩn. Ông Duẩn rất cởi mở, đưa tôi một ôm tài liệu, bảo muốn làm gì thì làm… Tôi đọc kỹ thấy ông Duẩn không hiểu gì về Chủ nghĩa Mác cả, chỉ có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa… Khi trao đổi với Lê Đức Thọ khi ông vào thăm tôi ở trong tù, tôi có nói ý đó. Thọ bảo tôi viết lại thành tài liệu đưa Thọ. Thọ về rồi, tôi suy nghĩ kỹ. Thọ nham hiểm lắm, muốn lợi dụng tôi để lập hồ sơ về Lê Duẩn, khi cần thì sử dụng. Đó là cách Thọ thường làm. Thì ra Thọ đã có ý lật Lê Duẩn từ đó. Nghĩ thế nên tôi không mắc lừa, không viết gì phê phán Lê Duẩn là dân tộc chủ nghĩa cả (!)
Kiến Giang còn kể: Lần cuối cùng Lê Đức Thọ vào thăm tôi, ông ta nói: Các cậu hay đề cao trí thức, phó tiến sỹ đi học về thì tớ cho thêm 5 đồng vào lương, thế thôi! Tôi nhìn thẳng Thọ nói: Xưa Đảng vô học vì phải đi đánh giặc, nay Đảng có chính quyền mà Đảng lại sùng bái sự vô học thì không được! Lê Đức Thọ đứng lên ra về. Ít phút sau tay Giám thị trại giam vào hoảng hốt nói: Kỳ này thủ trưởng vào là để cho ông về, vậy là chết rồi! Ông làm thủ trưởng phật lòng… vậy là tiếp tục tù dài!…
Kiến Giang là một con người như thế, quyết liệt. Từ chỗ là một tín đồ ngoan đạo của Chủ nghĩ Mác-Lênin, sùng bái LX, đến chỗ dứt khoát từ bỏ Chủ nghĩa Cộng sản. Lần đầu tiên Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện đưa ông xuống Mỹ Tho chơi với tôi vào năm 1988, bác Viện đã giới thiệu: Đây là một nhà Xô viết học! Cậu có cần hỏi gì về LX, cứ hỏi cái đầu này… Lúc đó LX đang cải tổ. Năm 1987, tức 70 năm LX, Kiến Giang còn viết cuốn sách dày hơn 200 trang mang tựa đề Liên Xô 70 năm trên đường khai phá (NXB Phú Khánh). Đọc kỹ cuốn sách đó, tôi thấy ông còn tin tưởng, hy vọng là Đảng CSLX sẽ cải tổ thành công. Đùng một cái LX tan rã và thực tế ở LX và Đông Âu, và cả ở VN những năm sau này đã đẩy tư duy của Kiến Giang đi đến cùng. Ông đã viết tiểu luận Tôi từ bỏ CNCS như thế nào? Để công bố tư tưởng của mình. Ông trở thành một nhà lý luận đổi mới hàng đầu, có uy tín lớn với trí thức VN ở trong nước và trên thế giới. Trang web Talawas ngày 11/3/2013 đã giới thiệu học giả Nguyễn Kiến Giang cả một bài dài. Nhưng Kiến Giang không phải một học giả của những vấn đề đã được xếp trong tủ kính. Ông đứng giữa dòng sông đang chảy xiết của thời cuộc đất nước mà nghiên cứu, đề xuất, phán xét, bất chấp mọi hiểm nguy. Ngày 22/8/1996 ông lại lãnh án 15 tháng tù treo cùng với Lê Hồng Hà hai năm tù giam, Hà Sĩ Phu một năm tù giam của Toà án TP Hà Nội về tội… lợi dụng quyền tự do dân chủ để chống đối chế độ!
Chính cái hôm ông vừa lãnh án tù treo về, tôi gặp ông ở Hà Nội. Tôi hỏi: Cùng một tội, các vị kia bị tù giam, anh được cái án treo coi như… tha bổng! Ông cười hóm hỉnh: Có lẽ người ta thấy tôi tù nhiều quá rồi, có giam nữa cũng thế thôi!
Kể từ cái ngày bác sĩ Nguyễn Khắc Viện đưa ông đến chơi với tôi ở Mỹ Tho và ở lại chơi đến cả tuần lễ vào năm 1988, năm nào ra Hà Nội tôi cũng đến thăm ông ở phố Tuệ Tĩnh và sau này ở ngõ Lương Sử C gần Văn Miếu. Tôi đến để xin ý kiến ông về thời vận của đất nước! Có lần ở 91 Tuệ Tĩnh, ông chỉ vào một hòn gạch trên nền nhà và nói: Chính tại cái hòn gạch này, tôi đã đứng để công an còng tay vào năm 1967, lúc đó cả cái nhà tập thể của Nhà xuất bản Sự Thật này họ nhìn tôi như kẻ tội phạm đáng ghét. Vậy mà bây giờ, họ chửi bới chế độ om xòm, còn tôi vẫn lặng lẽ đọc và viết…
Ông đã viết 25 tác phẩm và dịch 45 cuốn sách. Ông phải dịch để kiếm sống sau bao năm tù đày. Đương nhiên sách dịch của ông phải ký các tên ba lăng nhăng để che mắt chính quyền. Hai cuốn sách in trong nước của ông là cuốnLiên Xô – 70 năm trên đường khai phá và cuốn Cách mạng 1789 (Pháp) và chúng ta… Sau khi cuốn Cách mạng 1789… ra đời, Đại sứ Pháp tại Hà Nội đã đến nhà Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện mời ông qua Pháp dự lễ kỷ niệm 200 Cách mạng Pháp (1789 – 1989) tại Paris. Bác sĩ Viện đã nói với nhân viên Sứ quán Pháp rằng người viết cuốn sách đó là Nguyễn Kiến Giang, ông chỉ cho mượn tên đề ngoài bìa sách mà thôi! Người Pháp lại tìm đến Kiến Giang. Ông phải nói với họ rằng ông không thể đi được… dù mọi chi phí đi lại, ăn ở ông không phải lo!
Những lần ra chơi với Kiến Giang như vậy, tôi đều tặng ông những cuốn sách tôi mới in, với lời đề tặng đại loại như:Kính tặng anh Kiến Giang, một trí tuệ lớn, một nhân cách lớn… Chúng tôi nhìn vào anh để sống và hy vọng cho tương lai đất nước… Ở dưới có đề rõ địa chỉ và họ tên người tặng sách. Kiến Giang bảo tôi: Cuốn sách của cậu tặng, moi (tôi) để trên bàn tiếp khách, một viên công an theo dõi moi, thường xuyên đến nhà “thăm hỏi”, đã giở ra coi. Anh ta coi đi coi lại lời đề tặng của cậu như để thuộc… để ghi vào hồ sơ của moi… Cũng vì tôi hay đến chơi Kiến Giang như thế nên đã có lần chạm trán với nhân viên an ninh và đã bị truy tìm lý lịch.
Sau Tết năm 2000, tôi lại đến thăm ông. Kiến Giang bảo tôi: Hôm mùng một Tết, tướng Phạm Chuyên (Giám đốc CA Hà Nội) có đến thăm chúc Tết và cho quà. Ông ấy hỏi tôi: Anh nhận định tình hình thế nào? Tôi trỏ lên cuốn lịch nói: Năm 2000 có ba con số 0. Phạm Chuyên đề nghị tôi nói về ba con số 0 ấy. Tôi nói: Thứ nhất là không còn đường lùi, thứ hai là không tiến lên được… Phạm Chuyên sốt ruột: Còn con số 0 thứ ba nữa? Tôi nói: Nhưng không phải là không có lối thoát. Phạm Chuyên vỗ tay: Hay quá, tôi mời anh đến gặp đồng chí Tổng Bí thư (lúc đó là Lê Khả Phiêu – LPK) để anh phân tích về từng con số 0 một cho TBT nghe! Tôi trả lời: Tôi không phải là thầy bói, tôi là nhà khoa học. Nếu cần thì các anh tổ chức hội thảo khoa học để tôi đến trình bày đàng hoàng.
Dĩ nhiên là không có hội thảo nào sau đó. Nhưng cũng có những cuộc hội thảo kín, người ta mời Kiến Giang đến tham luận và yêu cầu ông không phổ biến rộng rãi tham luận đó. Nộp lại tham luận và nhận nhuận bút rất cao. Ông nói với tôi: Mình được mời đi tham luận là sẵn sàng… vì có nhuận bút cao cũng đỡ!
Sau ngày Đổi mới, Kiến Giang được phục hồi sổ hưu. Ông đưa quyển sổ hưu cho tôi coi và chỉ tay vào chỗ có đóng dấu, nói: Cậu xem có lạ không? Sổ hưu của tôi dấu vuông. Dấu của Đảng. Không có Nhà nước pháp quyền nào trả lương hưu với dấu vuông của Đảng cả (!)
Kiến Giang là như thế, bao giờ ông cũng đi đến tận cùng mọi vấn đề, và trên hết, ông là một nhà xã hội học đúng với tên của nó. Độc lập quan sát xã hội. Tôi đã được đọc tập tiểu luận của ông trong một cuộc “hội thảo kín” như ông đã kể. Tập tiểu luận tham luận có chủ đề ‘‘bàn về chủ nghĩa anh hùng cách mạng và con người mới XHCN”. Trong tập tiểu luận đó, ông đã dẫn ra tất cả những lời có dính đến hai chữ “con người” mà ông Hồ Chí Minh đã nói tới trong tất cả những gì đã được in ra từ trước đến nay. Chỉ riêng việc thống kê đầy đủ như thế đã cho thấy tính nghiêm túc khoa học trong tham luận của Kiến Giang (trả nhuận bút cao là phải!). Qua những thống kê đó, tác giả đi đến kết luận: ông Hồ coi người cán bộ, đảng viên là lõi cốt của cách mạng. Nhưng ông bác bỏ hoàn toàn khái niệm “Con người mới”. Theo ông, trong con người có cái mới và cái cũ không thể tách biệt để có “con người mới” như đã ảo tưởng! Và, tác giả cũng bác bỏ hoàn toàn quan niệm “cán bộ là đầy tớ” của nhân dân. Theo ông, cán bộ cấp cao thì phải hưởng thụ cao và phải có cống hiến xứng đáng với hưởng thụ. Còn giữ khẩu hiệu “đầy tớ nhân dân” thì sẽ dẫn đến giả dối, đến hội nghị nói một đằng, về làm một nẻo. Còn giữ khẩu hiệu này sẽ làm mất uy tín của ông Hồ. Ông Hồ nêu khẩu hiệu này trong những điều kiện đặc biệt; nay thời gian, không gian đã khác, phải cất nó vào quá khứ để xây dựng một xã hội công dân thực sự, một nhà nước pháp quyền thực sự. Kiến Giang bảo tôi: Bản tham luận được vỗ tay nhiệt liệt, người vỗ tay toàn là “đầy tớ”!
Kiến Giang là một nhà xã hội học thực sự trong một đất nước không hề có khoa học xã hội, chỉ có những vị giáo sư “ăn theo, nói leo” minh họa lời ông lớn, minh họa các nghị quyết của Đảng cầm quyền để vinh thân phì gia. Hãy đọc đầu đề các tập tiểu luận (chủ yếu là tự viết, tự in lấy) của ông, đủ thấy không mấy ai đặt bút viết về các đề tài “nhạy cảm” này: Đi tìm cách tiếp cận bản tính gốc người Việt, Một cuộc chiến chống lại “phi lý tính”, Nên đặt vấn đề Nho giáo như thế nào?, Khủng hoảng và lối ra, Thử dò tìm cách tiếp cận mới đối với thế giới hiện đại, Một quan niệm về hiện đại hóa ở VN, Đời sống tâm linh và ý thức tôn giáo, Từ Duy Tân đến Đổi mới, Nhìn nhận thực trạng văn hoá VN hiện nay, Công bằng xã hội và kinh tế, Nhìn lại quá trình du nhập của chủ nghĩa Mác-Lênin vào VN, Bàn về sự lãnh đạo của Đảng, v.v…
Tôi có may mắn và hạnh phúc được đọc hầu hết các tiểu luận trên của ông để lấy thêm vốn liếng hành nghề báo của mình. Một tiểu luận của ông như thế có độ dày đủ để in một cuốn sách giá trị. Nhiều tác phẩm của ông đã được bà con Việt kiều quan tâm đến tình hình nước nhà in ra và gửi về nước… tặng lại tác giả. Có lần Kiến Giang đưa tôi coi một cuốn sách in rất đẹp ở nước ngoài do chính nhân viên an ninh theo dõi ông đem đến. Anh ta hỏi: Bác đã nhận được cuốn sách này của bác chưa? Kiến Giang bảo tôi: Mình nói với cậu công an là mình chưa nhận được và cảm ơn cậu ta. Hóa ra tác phẩm của mình được chăm sóc kỹ thế, được in mà tác giả không biết!
Có hai tiểu luận của Kiến Giang mà tôi đọc đến thuộc từng ý chính. Một là Khủng hoảng và lối ra. Trong đó Kiến Giang cho rằng cỗ xe VN mới chỉ lắp được có một bánh là kinh tế thị trường. Vì thế khi nổ máy, cỗ xe ấy chạy vòng tròn! Nó còn thiếu ba bánh nữa phải lắp đủ để cỗ xe bốn bánh VN có thể chạy ra con đường lớn của nhân loại. Ba cái bánh còn thiếu đó là: Xã hội công dân, Nhà nước pháp quyền và Chế độ bầu cử tự do dân chủ. Kiến Giang nói một cách hài hước với tôi: Các nhà lãnh đạo VN lái xe, một chân thì đạp ga, một chân lại vội vàng đạp thắng (phanh), vừa cài số tiến lại vội vàng cài số lùi… Vì thế cỗ xe cứ nhảy tưng tưng trên đường và không biết lúc nào thì lật!
Tiểu luận thứ hai của ông, ít được nhắc đến, vô cùng bất ngờ, có nhan đề Bàn về cái chết. Khi đưa tác phẩm này cho tôi, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện nói: Nó rất uyên bác, tôi đã đọc nhiều sách đông tây mà chưa thấy tác giả nào dám bàn đến chuyện con người từ xưa đến nay đã quan niệm về cái chết như thế nào. Đáng lẽ cuốn sách như thế này phải được in vì nó không đề cập gì đến chính trị, nhưng vì là của Kiến Giang viết nên không ai dám in! Tôi đã đọc rất kỹ tiểu luận này. Tác giả trích cả lời Khổng Tử. Khi học trò hỏi thầy Khổng: Người chết có biết gì không? Thầy trả lời: Nếu người chết mà biết thì những đứa con có hiếu sẽ chết theo bố mẹ. Nếu người chết mà không biết gì thì những đứa con bất hiếu sẽ không chôn cất bố mẹ. Nói người chết biết là bất trí, nói người chết không biết là bất nhân…
Lần Kiến Giang vô Sài Gòn mà tôi gặp gần đây nhất, cũng đã 4-5 năm. Khi đó ông đi đã phải có người dìu. Ông bảo tôi và mọi người: Cuối đời ông Viện có một vết nhơ. Thấy ông nói thế, tôi ngạc nhiên quá, vì ông với ông Viện là bạn chí thân. Ông còn mượn tên ông Viện để in sách. Thấy tôi có vẻ bức xúc ông từ tốn nói: Cuối đời mà vào nghĩa trang Mai Dịch để nằm thì không phải là vết nhơ còn gì nữa?
Tôi đã đem chuyện trên nói với một nhà báo nổi tiếng, cũng là người thân cận với bác sĩ Nguyễn Khắc Viện. Nghe xong ông nổi nóng: Kiến Giang là tên cơ hội, nói bậy, vào Mai Dịch là sự khẳng định công lao của con người ông với đất nước!
Tôi để cho ông nguôi giận rồi từ tốn nói: Kiến Giang nói đúng. Ở Pháp được đưa thi hài vào Viện Panthéon là các danh nhân, ở ta cứ ủy viên trung ương là vào Mai Dịch, nay mai anh Viện có vinh dự được nằm cạnh anh Vũ Văn Hiến, Tổng Giám đốc đài Truyền hình VN… là kẻ “đi không biết đường lại, đái không biết đường về”, chuyên nghề đi biếu xén và tham ô, con gái ông ta ăn cắp ở Thụy Điển bị bắt quả tang mà vẫn được làm MC của Đài THVN. Được nằm cạnh một con người như thế chắc ông Nguyễn Khắc Viện… mỉm cười nơi chín suối (!)
Nghe tôi nói xong, ông ngồi thừ ra và chặc lưỡi: Ừ nhỉ!
Con người mặt vuông chữ điền, cao to, đi lại, ăn nói khoan thai, yêu quí bạn bè ấy… bây giờ yếu nặng, đi phải có người dìu từng bước. Và hôm nay ông đã bỏ chúng ta mà đi! Bên tai tôi luôn văng vẳng lời ông: Bắt bọn “xét lại chống Đảng” là “cách mạng đã bắt đầu ăn thịt những đứa con của mình”… “Chúng ta không sợ lạc hậu, sợ nhất là lạc lõng giữa loài người…”
L.P.K.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Con cá cá mập nào sẽ nuốt chửng mảnh đất vàng Zone 9 ?


Sau vụ hỏa hoạn thảm khốc làm chết sáu người tại Zone 9, đã có rất nhiều bài viết về khu văn hóa ẩm thực tự phát này của Thủ đô Hà Nội . Rồi “không quản được thì cấm” , ông chủ tịch thành phố đã chơi con bài cố hữu . Nhưng mấy hôm nay sau cái lệnh cấm kì cục này, các báo đưa tin Zone 9 vẫn hoạt động bình thường . Và đó là lí do tôi đến Zone9 tối nay để mục sở thị
Không biết ai là người đầu tiên đặt cái tên này cho Nhà máy Dược phẩm Trung ương II khi nó rút đi ra ngoại thành định vị tại địa chỉ mới ở Khu công nghiệp Quang Minh . Một cái tên rất Tây . Zone có nghĩa là vùng, là Khu, còn số 9 là số nhà của nhà máy trên phố một chiều Trần Thánh Tông . Nhưng nhà máy còn một cổng nữa ở số 38 phố Nguyễn Huy Tự . Theo nhà báo Xuân Bình thì người đầu tiên làm ăn ở đây và có thể nói là thành đạt là người có thương hiệu Barbetta- tên của chiếc xe máy ga do những lao động xuất khẩu Việt Nam mang từ đất nước Tiệp Khắc XHCN về những năm 80 thế kỉ trước

Đó là một mảnh đất rộng tới 11.156 m2 ,mặt tiền trông ra vườn hoa Yerrsin phía phố Trần Thánh Tông, và vườn hoa nho nhỏ hình tam giác trên phố Nguyễn Huy Tự, tức là mảnh đất có vị trí rất đẹp. Phía sau liền với nhà tang lễ Bộ Quốc phòng , có thể vì lẽ đó nó dữ .
Trên khuôn viên này , nhà máy cho xây dựng năm đơn nguyên. Cổ nhất là ngôi nhà hai tầng xây theo kiểu Tây từ năm 1960 nhưng còn khá tốt. Nhà mới nhất 5 tầng xây theo kiểu ta mái bằng –là nơi hai lần xảy ra tai nạn . Một lần một cô gái chụp ảnh vô ý bị rơi xuống do tường đổ bị ngất ngày 21-1. Lần mới nhất xảy ra ngày 19-11 khi cháy quán bar Fuse đang sửa chữa làm sáu công nhân chết ngạt . Và đó chính là cái cớ để ông chủ tịch thành phố ra lệnh cấm khu Zone 9 hoạt động
Tại cơ sở xây cất “hổ lốn” này, những chủ đầu tư mà nhiều người là nghệ sĩ đã sáng tạo các hình thái kiến trúc mang hơi hướng cổ điển xen lẫn hiện đại . Bằng chứng là các bức tường vẫn để nguyên gạch mộc trông có vẻ hoang dã và cũng có thể họ nghĩ sẽ đến một ngày không xa sẽ phải ra đi nên đầu tư ít tiền bao nhiêu càng tốt nhưng phải thể hiện được ý tưởng thiết lập một không gian văn hóa đặc thù . Và họ đã thành công khi thu hút được rất đông giới trẻ cả Ta lẫn Tây đến đây hàng ngày
Đây là nơi các bạn trẻ giao lưu ăn uống nhẹ nhàng, chỉ có các quán bar, quán karaoke, quán café, nơi trưng bày các tác phẩm nghệ thuật, nơi các nhà thơ nổi tiếng như Hồng Thanh Quang, Nguyễn Thế Hoàng Linh trình bày trước các cử tọa những bài thơ mới sáng tác . Không có vũ trường ồn ào hay gây ra tai tiếng . Nơi có bãi đỗ xe, có quảng trường mang cái tên rất dân dã “ quảng trường thời đại đồng nát”. Chính những ý tưởng cổ kim đông tây kết hợp này đã làm nên Zone 9 với cái tên đầy tự hào “ Hợp tác xã nghệ sĩ-tổ hợp không gian văn hóa nghệ thuật”và nó thu hút ngay cả ông thị trưởng thành phố Berlin khi đến đây khai trương Lễ hội Bia Đức , mang văn hóa Đức hòa nhập với văn hóa thuần Việt
Một khi thành phố Hà Nội không xây dựng nổi một không gian văn hóa cho các nghệ sĩ thể hiện tài năng kinh doanh và sáng tạo thì các nghệ sĩ hoàn toàn có quyền tự hào tìm kiếm cho mình mảnh đất để thi triển tài năng của họ . Đáng lẽ thành phố phải khuyến khích họ, tạo điều kiện cho họ phát huy cái bản sắc văn hóa của đất Hà thành thanh lịch , nơi du khách ngoại quốc đến thủ đô mà không biết vui chơi thưởng thức nghệ thuật ở đâu . Tiếc thay vin vào cớ cháy nhà không quản lý được nên thành phố đã ra lệnh cấm các hoạt động ở Zone9 . Đó chỉ là một cái cớ ! . Chỉ một buổi khảo sát bên ngoài Zone9 vẫn đang hoạt động bình thường sau lệnh cấm tuy có ít khách hơn , qua trò chuyện với một số người quen biết và không quen biết, chúng ta có thể hiểu được đằng sau bản chất của lệnh cấm này là cái gì . Rất mong được bạn đọc tham bác .
Năm 2000, thành phố đã có quy hoạch di chuyển các nhà máy trong đó có nhà máy Dược phẩm 2 ra khỏi Trung tâm thủ đô, nhưng mãi đến tháng 10 -2012, nhà máy Dược phẩm mới chuyển đi . Tháng 5-2013 công ty Bình An được giao nhiệm vụ nghiên cứu , khảo sát tình hình để báo cáo thành phố xây dựng và phê duyệt quy hoạch đầu tư thành tổ hợp cao ốc văn phòng cho thuê và nhà ở . Nhưng ngay lập tức công ty Bình An đã “bán” cho công ty Tiến Bộ từ tháng 8-2013 đến tháng 2 -2014, tức là chỉ còn hơn hai tháng nữa . Công ty Tiến Bộ lập tức “bán lại ” cho công ty Thành Đạt và công ty này “bán tiếp “cho các hộ tư nhân cải tạo thành các kiot kinh doanh . Có thể họ biết sớm muộn đây sẽ là quy hoạch treo trong thời kì thị trường bất động sản đóng băng nên “điếc không sợ súng” cứ chơi cái đã
Nhưng rồi vụ cháy xảy ra , cơ quan điều tra đã cho khởi tố vụ án. Lỗi do các công nhân làm ăn tác trách, do chủ đầu tư lơ là . Nhưng còn có lỗi của các cơ quan quản lý từ cấp quận đến cấp thành phố đã rất lỏng lẻo trong khâu quản lý đất đai nhà xưởng suốt hàng chục năm qua. Họ không thể vô can ! Bây giờ “mất bò mới lo làm chuồng” thì đã quá muộn . Nói cách khác đó cũng chỉ là một ví dụ của cái gọi là sở hữu toàn dân về đất đai của Hiến pháp sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua mà hệ quả thì đã nhãn tiền
Cháy nhà, chết người, cấm kinh doanh buôn bán , bao người mất người mất của nhưng có nhiều con cá mập đang khấp khởi mừng thầm. Ai sẽ lọt được vào vòng đấu thầu đây, ai sẽ thắng thầu. Không ! Ai sẽ được chỉ định thầu . Trong cái thiết chế quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội này , “cái gì không mua được bằng tiền sẽ mua được bằng rất nhiều tiền” . Người ta nghĩ đến ông tài phiệt tỉ phú đô la Phạm Nhật Vượng. Người đã chiếm được hai mảnh đất vàng ở quận Nhất thành phố Hồ Chí Minh, chiếm được các mảnh đất vàng ở Hà Nội nơi trước đây là Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo, nhà máy cơ khí Trung quy mô, nhà máy Rượu Hà Nội và bây giờ có thể là Zone 9 . Có tiền người ta không chỉ mua được cái hữu hình như đất đai nhà cửa chức tước mà còn mua được cả cái vô hình là chủ trương chính sách . Nhưng các cụ đã dạy “quả quýt dầy có móng tay nhọn”. Người ta đã gợi ý giải tỏa Zone9 để mở rộng bãi để xe của Nhà Tang lễ Bộ Quốc phòng tức Nhà Tang lễ Quốc gia vì dạo này các cụ tiền bối rủ nhau ra đi nhiều quá . Đầu tư cái gì về kinh tế xã hội thì tranh cãi còn chán nhưng đầu tư cho quốc phòng an ninh và đền ơn đáp nghĩa thì bố thằng nào dám chống .
 Lương Kháu Lão

Phần nhận xét hiển thị trên trang