Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 9 tháng 11, 2013

Trung Quốc & mèo các màu



Nhãn quan của ông Đặng vẫn định hướng cho tương lai Trung Quốc

Cuối tuần này, Trung Quốc khai mạc kỳ hội nghị trung ương Đảng quan trọng với tham vọng mở ra một hướng đi mới kể từ năm 1978, khi cố lãnh tụ Đặng Tiểu Bình tung ra chương trình Hiện đại hóa, làm biến đổi toàn diện Trung Quốc.

Đặng Tiểu Bình khi đó đã diễn giải chính sách cải cách Đổi mới và Mở cửa qua cách nói bình dân rằng “Bất kể hắc miêu, bạch miêu cứ bắt được chuột là tốt".

Sau hơn ba thập niên Khai phóng, Trung Quốc đã vượt qua một chặng đường dài và thực tế cuộc sống cũng khác hẳn với hình dung của ông Đặng mà đến lúc qua đời vẫn nhấn mạnh con đường xã hội chủ nghĩa.

Hai màu đen trắng

Trung Quốc chính thức vẫn tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội nhưng trên thực tế cả Đảng và dân đã và đang ồ ạt tư bản hóa.

Nhà nước đã xóa bỏ từ lâu các nông trường, công xã, giảm đi hàng vạn doanh nghiệp nhà nước và gần đây nhất, Lý Thủ tướng còn tung ra sáng kiến về Khu vực Đầu tư Tự do Thượng Hải trị giá trên 40 tỷ USD.

Người dân Trung Quốc cũng say mê với đầu tư và đầu cơ địa ốc, chứng khoán và các trào lưu hướng ngoại và con cháu các lãnh đạo cao nhất cũng du học hay ở lại sống tại các nước Phương Tây.

Các nhà quan sát gọi đây là mô hình tư bản đỏ hay tư bản nhà nước vốn đang có sức mạnh khiến các nền dân chủ tư sản Phương Tây phải lo sợ.

Thế giới hâm mộ hay lo ngại Trung Quốc là chuyện quốc tế, còn ở đây tôi muốn bàn đến con đường riêng của Trung Quốc.

Trong một xã hội như thế, nếu diễn giải tiêu chuẩn ‘tốt-xấu’ một cách hình ảnh theo ý của ông Đặng thì đàn mèo của ông nay mang màu lông gì?

"Mèo Trung Quốc nay không chỉ có hai màu đen và trắng"
Theo tôi, các tấm gương ‘điểm hình’ về con người ở Trung Quốc hiện nay gồm cả hai màu đen trắng.

Mèo trắng có các gương mặt kinh doanh giỏi, các văn nghệ sỹ đoạt thành tích cao, diễn viên, đạo diễn lừng danh toàn cầu, các nhà thể thao danh tiếng, đang góp phần nâng cao hình ảnh quốc gia, cho thấy một Trung Quốc vươn ra bên ngoài, đặc sắc, tinh tế, giàu truyền thống và tham vọng quốc tế.

Nhưng Trung Quốc cũng không thiếu mèo đen, chủ yếu nằm trong số trên 80 triệu đảng viên.

Báo chí ngày nào cũng tìm ra các con mèo đen, mà đa phần là quan chức ‘tham nhũng, trác táng, dâm ô’ từ mọi cấp, mọi vùng trong quốc gia 1,3 tỷ dân.

Vẫn theo cách hiểu của Đảng, một số con đã to lên khủng khiếp, thành 'hắc hổ' cần bị tiêu diệt như gia đình họ Bạc.

Còn lại là các con mèo đen khá bự, là quan chức tỉnh, thành phố đã bị bắt và xử.

Nhưng có những chú mèo đen bị xử chỉ vì ‘vô cảm’ như Dương Đạt Tài, cựu Giám đốc Sở An toàn Lao động tỉnh Thiểm Tây, cười khi thấy tai nạn xe chết người, hay vì ‘tiêu hoang’ như Mạc Lâm Tường ở Bắc Kinh, chi cho đám cưới con trai 260 nghìn USD.

Nhỏ hơn nữa, có khi mèo đen chỉ là vài anh dân phòng hay công an viên chặn đánh người ở cấp xã bị tố cáo và ra tòa.

Họ thực ra cũng là dân, được thuê vào, khoác áo chính quyền để làm những việc kiểm soát xã hội nhỏ nhất, theo một mô hình họ cũng không chọn ra.

Xét về mặt đạo đức, mọi hành vi bạo lực, lừa đảo, gian dối đều đáng lên án nhưng tôi không tin rằng hàng chục triệu Đảng viên ở Trung Quốc đều là mèo đen.

Cả bộ máy gồm cả các quan chức tham nhũng cũng chỉ hoạt động trong các chiều kích đến từ giải pháp thực dụng áp dụng từ thời Đặng Tiểu Bình.

Không còn cẩm nang?

Nhắc lại thời kỳ hơn ba thập niên trước, vào tháng 8/1977, ông Đặng đã toàn thắng trong cuộc đấu đá loại Hoa Quốc Phong, khép lại kỷ nguyên Mao.
Đặng Tiểu Bình mong muốn Trung Quốc ổn định sau nhiều biến loạn
Đến Hội nghị Trung ương III, khóa 11 của Đảng (12-1978), dù không nhận chức vụ chính thức cao nhất như Mao và Hoa, ông đã nắm toàn bộ quyền lực tại Trung Quốc.

Bị ám ảnh bởi các cuộc thanh trừng nội bộ liên tiếp mà ông là nạn nhân, Đặng Tiểu Bình muốn vừa ngăn Tả phái, vừa chống Hữu phái để ổn định.

Mối lo về ổn định cũng là một lý do Đặng Tiểu Bình cho đàn áp đẫm máu sinh viên biểu tình ở Thiên An Môn năm 1989 và cả bộ máy tốn kém được bồi đắp để giữ an ninh bằng mọi giá.

Cho tới lúc qua đời, ông quan niệm rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc phải tránh xa đường lối ‘Tả phái cứng nhắc’, thực ra là mô hình Mao, nhưng cũng không được phép ‘lạc lối’ về hướng tư bản chủ nghĩa, nhất là ‘tự do kiểu tư sản’.

Trang Bấm Nhân dân Nhật báo hiện còn viết, “Đặng Tiểu Bình đã chỉ ra rằng nếu Trung Quốc thành nước tư bản chủ nghĩa, cả xã hội sẽ trở nên không thể nào hiện đại hóa được.”

Theo ông Đặng, cải cách tự nó là quá trình liên tục nhằm vào mục tiêu chính trị và hiện đại không có nghĩa là chấp nhận các giá trị tự do dân chủ phương Tây.
Vẫn trang báo trên trong mục về Đặng Tiểu Bình ghi lại lời ông, “cải cách liên tục là tối quan trọng để khắc phục xu hướng và ảnh hưởng của tư duy cứng nhắc cũng như chống tự do hóa tư bản”.

Như thế, Đặng Tiểu Bình không đưa ra một lý luận hay tư tưởng gì trọn vẹn.
Ngày nay, khi mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội bị đẩy xa tới mức qua khỏi đường chân trời, công cuộc Khai phóng của Trung Quốc chỉ còn là một phương thức thúc đẩy bộ máy ‘nắm vững thực tế’ nhằm ‘hiện đại hóa’ đất nước.

Nhưng khi nào thì hoàn thành ‘hiện đại hóa’ và đạt tiêu chuẩn về con người theo màu sắc ý thức hệ, đỏ hay xanh, đen hay trắng lại không được nói rõ.
Tỷ phú TQ làm từ thiện: xã hội đã thay đổi và có rất nhiều màu sắc
Vì thế, không lạ khi Đảng và quân Giải phóng hiểu ‘hiện đại hóa’ là phình to bộ máy, kiểm soát truyền thông, bành trướng quân sự ra bên ngoài.

Xã hội thì chạy theo các tiêu chuẩn ‘hiện đại’ do họ tự tìm ra, hoặc làm giàu tối đa, hoặc bắt chước lối sống Hàn, Nhật, tiêu dùng kiểu Pháp, Anh, Mỹ...và không ít chỉ quý Mèo vàng.

Các cô gái Trung Quốc thì muốn lấy chồng ngoại như một ghi nhận gần đây.

Ông Đặng quả là khó tính khi muốn dân Trung Quốc làm giàu thả phanh nhưng đảng viên phải sống đạo đức, khắc khổ, thậm chí hy sinh cho cộng đồng theo tinh thần từ thời Vạn lý Trường Chinh mà vẫn lãnh đạo tốt các doanh nghiệp tiền tỷ.

Tiêu chuẩn cho người của bộ máy ngày càng khác xa tiêu chuẩn của xã hội nhưng vẫn tiếp tục được thổi lên bằng cách phong trào hồi cổ, nhắc lại quá khứ 'trong sạch'.

Đôi khi, để chấn chỉnh hàng ngũ hoặc nhân danh chống tham nhũng để giải quyết tranh chấp nội bộ, lãnh đạo chọn từ đàn mèo có màu xam xám, quy thành màu đen để xét xử.

Nhưng vấn đề cơ bản sẽ vẫn còn đó và Hội nghị Trung ương III lần này chắc sẽ khó tìm ra giải pháp, trừ khi lãnh đạo Trung Quốc bỏ lại đằng sau vấn đề Đen - Trắng cho một xã hội đã phát triển rất đa dạng.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Các nước mải lo bão, Trung Quốc điều Hải tuần vào Trường Sa


Trong khi siêu bão Haiyan đã đổ bộ, gây thiệt hại lớn cho Philippines và đe dọa các nước trong khu vực thì Trung Quốc đã điều tàu Hải tuần 21 cùng tàu cứu hộ của hạm đội Nam Hải tới sát quần đảo Trường Sa với nhiệm vụ “tuần tra”.
Tàu Hải tuần 21 của Trung Quốc hiện diện trái phép trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam. Ảnh: China News
Theo Thời báo Hoàn Cầu đưa tin ngày 8/11, hai chiếc tàu của Trung Quốc đã tới khu vực cách quần đảo Trường Sa khoảng 7,6 hải lý về phía Đông Bắc từ hôm 21/10 vừa qua. Cục Hải sự Trung Quốc thông báo rằng: mục đích của việc làm này là “điều tra và canh giữ” tàu khách Nonan 2 của Philippines mắc kẹt tại đây cùng ngày.
 
Hiện tàu của Philippines đã được ứng cứu và trở về nước. Song, không có thông tin tàu Hải tuần của Trung Quốc đã trở về nước hay chưa.
 
Đây không phải là lần đầu tiên Hải tuần 21 hiện diện trên Biển Đông. Trước đó, theo truyền thông Trung Quốc, con tàu này thường xuyên thực hiện các “đợt tuần tra” tại Hoàng Sa liên tiếp từ đầu năm 2013 tới tháng 7. Đây được coi là “tàu hàng hải số 1” của Trung Quốc với chiều dài 93,2m. Tàu có thể hoạt động tới 7.400km mà không cần tiếp liệu và còn được thiết kế có bãi đáp trực thăng kích thước 21x11m.
 
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Sáu, 8 tháng 11, 2013

Thành phố viển vông


Có nhiều cách người ta đến với (Lưu Quang) Vũ, mà với nhiều người, LQV có lẽ chỉ là Vũ, như một mối tình không bao giờ nghĩ đến một cái đích, nhưng không bao giờ mất đi. Gọi là mối tình đầu, tình thứ hai hay thế nào cũng được. Quả đúng, bất cứ khi nào yêu được thì hãy cứ yêu đi, đừng băn khoăn gì cả, đừng nghĩ gì ngoài nó. Bởi thế, người đàn bà nào của Vũ cũng là tha thiết tận tim, bàng hoàng cơ thể. Người đàn bà nào cũng có thể tự thấy mình là người xứng đáng với tình yêu hơn hết, khi được Vũ yêu và khi yêu Vũ. Đừng ghen tuông, dù luôn khát khao tuyệt đối, và thường trực ghen tuông, vì tất thảy sẽ là “người đàn bà không có tên”, nhưng như khí trời để thở, như tình yêu để yêu, như thơ để sống… Chẳng có gì không là tận hiến và tận cùng đòi hỏi.

Vì lẽ nào mà Vũ đến với tôi? Không lẽ vẫn là từ người cha yêu thơ theo cách của một kẻ cô đơn tìm đến từ ngữ, có thể chỉ là việc tìm đến từ ngữ. (Cho nên với ông, thơ là Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử, Lưu Quang Vũ, Tú Xương mà cũng là cả Tố Hữu). Khi tôi 11 tuổi, vừa vào lớp 6, tôi đã thấy tình yêu trong câu chuyện này của bố (mà tôi không bao giờ biết hư thực): Vũ trở về nhà trong đêm sau một chuyến đi xa, đầu đội mũ cát, quần áo bạc bụi đường, mở cửa, và thấy người vợ (là ai?) đùa vui với một người khác, Vũ kéo mũ sụp xuống, lặng lẽ đi ra và không bao giờ quay lại nữa. Tiểu sử của Vũ chẳng bao giờ xác minh cho tôi chuyện này. Đó có thể chỉ là một nhầm lẫn, một mơ hồ của trí nhớ, của bố tôi, và rồi là của tôi. Vũ không phải là Lưu Quang Vũ, Vũ là một nhân vật.

Thế mà đến năm 2003, tôi 17 tuổi, tôi mới được tự mình đọc những bài thơ của Vũ, trong một cuốn sách (Cuốn “Lưu Quang Vũ thơ và đời”, nxb Văn hóa Thông tin 1997, bìa sách đơn giản với hình ảnh Vũ buồn bã, mơ mộng, sâu thẳm mà lại ngây thơ như một cậu bé ở giữa, màu trắng bao quanh) mà tôi mua được khi lang thang giữa trưa nắng gắt một mình, buồn bã, bé nhỏ và luôn hồi hộp, ở một thành phố mà tôi luôn nhớ về nó với câu thơ này: “Thành phố ngày anh mười bảy tuổi; Viển vông, cay đắng, u buồn”. Hồi đó, lớp chúng tôi đặt báo Văn nghệ, và tôi đọc câu thơ đó từ báo. Trong kí ức tôi thuở nhỏ, Hải Dương luôn là một thị xã hơn là thành phố, nơi tôi không bao giờ quên cảm giác lạ lẫm khi xe ô tô chạy qua cái chắn ngang cầu Phú Lương cũ, thường phải dừng lại khi có đoàn tàu chạy qua (mà sau này, chẳng bao giờ được đi ô tô phía cầu cũ đó, cây cầu và chuyến ô tô định mệnh nào đó đã là số phận của Vũ, của Xuân Quỳnh, bé Quỳnh Thơ để Vũ, như Hàn Mặc Tử, không bao giờ già cho nổi trong trí nhớ.). Nhưng Hải Dương hồi 17 tuổi của tôi đã là một thành phố, và không có câu thơ nào với tôi chính xác hơn thế : “Viển vông, cay đắng, u buồn”, dù kẻ nào cũng có thể mượn câu đó để cho là đúng với mình hơn hết. Đó là thành phố nơi tôi bắt đầu những tình bạn đặc biệt mà từ văn chương, chúng tôi kéo nhau lại với đời sống, hay từ đời sống được níu giữ lại nơi miệng vực của tâm trạng dễ tuyệt vọng và sẵn sàng đau đớn của tuổi trẻ mà chúng tôi tìm đến văn chương. Đó là thành phố của những hàng chè “trăm năm” (chè “năm trăm VNĐ/cốc), của những hàng bàng hoa trắng và quả mọng vàng ươm thơm phức trao tay nhau, của nhà ga cũ kĩ những tiếng rao, của những “chợ Con”, của ngõ nhỏ nơi tôi thấy mình như một gã trai “ vào mua bao thuốc/ngồi hút mà buồn tênh/em yêu hay không yêu/việc gì mà phải khổ?”, thành phố của con chim sẻ tóc xù, của bác thợ mộc, của cây táo ra hoa, của cái rạp hát không bao giờ mở cửa để “ngồi trong nhà hát đợi màn lên”, của những quán sách cũ lẻ loi, của hiệu sách sơ sài mà thèm khát…, thành phố của những mùa hoa ngâu rộm vàng ven hồ Bạch Đằng và thơm trong sổ thơ “Nắp đàn khóa sợi dây vẫn hát/Bao giờ ngâu nở hoa”... Thành phố nơi đầu tiên tôi biết tuyệt vọng mà không thôi khao khát lại. Thành phố mà một người bạn đã dành cho tôi những câu thơ này:

Em gầy như huệ trắng xanh
Ngọn lửa nhỏ giữa đôi bờ vực thẳm
Em kì diệu em âm thầm kiêu hãnh
Em cô đơn như biển lạ lùng ơi…

Khi đó, tôi gầy hơn bây giờ nhiều, có lẽ tôi cũng mãnh liệt hơn, cô đơn hơn, khao khát hơn, kiêu hãnh hơn, khi đó tôi chưa bị cái đời sống của nhiều quan hệ giao tiếp cười nói làm che lấp cái tôi, khi đó giữa những người bạn, bao giờ tôi cũng khiến họ vừa yêu thương vừa ngại ngùng không đến gần, khi đó tôi là đứa trẻ lạc loài, xa lạ giữa lớp học ồn ào, là một linh hồn, là một thứ hoa dại… Khi đó, tôi gần như tự thấy mình không có khả năng duy trì một đời sống bình thường giữa mọi người, lúc nào cũng bất ổn, ngổn ngang, thất thần. Sau này, có những lúc, tôi đã sợ sự hoạt bát vui vẻ mà tôi thêm vào gương mặt mình khi đã lân la làm thân với đời sống.

Ở thành phố đó, (chúng) tôi yêu Vũ. Chúng tôi chép tặng nhau những bài thơ của Vũ. Tôi đọc ngẩn ngơ hàng ngày những câu trong bài “Bầy ong trong đêm sâu” như dành cho tôi:

Tâm hồn anh dằn vặt cuộc đời anh
Thắp một ngọn đèn hồng như ánh lửa
Đêm sâu quá đêm nào biết ngủ
Chỉ con người đến ngủ giữa đêm thôi
Mà có ngủ đâu người ta đợi mặt trời
Đợi lâu quá nên để cơn mơ chờ đợi vậy…
… Con ong vàng bé nhỏ đến tìm em
Con ong trắng bơ vơ trong tổ nắng
Con ong đỏ là con ong thơ thẩn
Bay đi tìm hương nhụy mất từ lâu…

Nick yahoo đầu tiên của tôi là ongdo86 mà bạn bè thường đọc là Ông đồ.

Nhiều bài thơ khác của Vũ ám hơn, như những bài về chiến tranh. Nhưng những bài về tình yêu, hay chính là về tâm hồn thật là Vũ của tuổi 17 của tôi hơn. Kể từ đó, tình yêu với tôi thường cũng là dằn vặt, về bản thân mình và về tuyệt đối. Tôi yêu một quả chuông đập giữa hồi chuông vô tận của trời xanh, tôi yêu cách tôi hồi hộp, bồn chốn sống, lúc nào cũng thế.

Nhưng tôi không tin người yêu thơ Vũ có thể trả lời câu hỏi: Vì sao yêu thơ Vũ? Tôi đã nhiều lần bị hỏi câu này, có lần có lẽ đã làm mất toi mấy chục phút phỏng vấn của anh bạn ở đài truyền hình Hải Phòng, vì không sao ghi hình nổi và không sao nói năng suôn sẻ nổi (chỉ vì anh bạn nhất nhất bắt trả lời và bắt đọc thơ, hồi kịch của Vũ được diễn ở nhà hát Tuổi trẻ mấy năm gần đây). Nếu nói đến cách tạo dựng hình ảnh siêu thực, thì sự siêu thực của Vũ không thật quái lạ. Nếu nói cái mới về ngôn ngữ, cảm xúc…

Mọi thứ phân tích dường như là vô nghĩa.

Ở thơ Vũ, người ta có lẽ đã để xảy ra nơi tâm hồn mình sự nhập thân hay sự tự đồng nhất kì lạ, dù người đọc là nữ hay nam, là kẻ cô đơn hay có xung quanh bao niềm vui bè bạn, điều chỉ có khi người làm thơ như trút hết mình nơi đó. Hay Vũ đã “giết” người bằng những từ gây nguy hiểm mà cũng là những từ làm nên sức mạnh của tuổi trẻ, vì nó luôn tìm đến sự sâu thẳm, tận cùng, tuyệt đối, mà không bị màu mè, làm dáng, lão hóa hay sến rớt khi Vũ dùng: bàng hoàng, tận cùng, dằn vặt, bơ vơ, cô đơn… Thơ Vũ và Vũ trẻ, thực sự, ở sự khao khát cái tuyệt đối và sự thất vọng quá sâu đó, nhưng không bao giờ mòn mỏi. Mòn mỏi là trạng thái đáng sợ nhất của đời sống.

Rất nhiều năm sau tôi không đọc thơ LQV nữa, khi tôi lên đại học, Vũ vẫn là một kỉ niệm, một mối tình, mà Lưu Quang Vũ lại là một cái tên kí dưới các bài thơ mà, khi người ta nói đến nhiều thì tôi thấy xa xôi.

Nhưng cái thành phố viển vông cay đắng u buồn ấy, thì mãi mãi còn đeo bám tôi như số phận. Tôi đã hoài niệm nó ngay khi chưa rời xa nó. Cũng như tôi bây giờ vẫn thường bị tách khỏi đời sống hiện tại bằng căn bệnh hoài niệm mãn tính này.

Sao những ngày này, một tiếng nói của bạn cũng làm tôi nhớ đến mềm lại cả không gian Hà Nội bụi bặm này, khi lá bay vàng mặt phố như bầy cá nhỏ đùa bỡn, bằng lăng bỗng muốn nổi loạn và chẳng còn gì đáng kể ngoài tình bạn và tình yêu, (và thơ.)

Tôi chưa tin có người nào viết được về thơ Vũ mà không giết đi thơ Vũ, hay làm một việc thừa. Và thể nào cũng có kẻ ghen tuông với tình yêu tôi dành cho Vũ

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Geobukseon - "quái vật" của thủy quân Triều Tiên thời Trung cổ

Là những thuyền chiến bọc sắt đầu tiên trên thế giới, thuyền rùa Geobukseon được coi là một biểu tượng lịch sử của dân tộc Triều Tiên.

 

Được sử dụng nhiều trong vương triều Joseon từ thế kỷ 16, thuyền rùa (tiếng Hàn gọi là Geobukseon) là một phát minh quân sự nổi tiếng của người Triều Tiên.
Tên gọi “thuyền rùa” bắt nguồn từ hình dáng đặc trưng của con thuyền, với dáng khum khum như thân rùa, nóc tàu bọc các tấm thép, lởm chởm trông sắc, như những mảnh mai rùa. Có thể coi đây là những thuyền chiến bọc sắt đầu tiên trên thế giới.
Thiết kế này giúp con thuyền vô hiệu hóa được một phần hỏa lực đối phương, đồng thời ngăn chặn hữu hiệu những cuộc xâm nhập lên thuyền.
Không những phòng thủ tốt, thuyền rùa còn mang hỏa lực rất mạnh. Nó có thể mang tới 30 khẩu đại bác với các kích cỡ khác nhau đặt dọc thân tàu.
Ngoài ra, thuyền rùa còn có 24 lỗ châu mai dọc thân và 2 lỗ châu mai trước và sau để các xạ thủ sử dụng súng hỏa mai.
Phần đầu rồng của con thuyền không chỉ có tác dụng uy hiếp tinh thần đối phương, mà còn là một ống phun khói làm che khuất tầm nhìn của quân địch. Có khi bộ phần này được lắp đại bác để tăng sức mạnh tấn công.
Thuyền rùa thường được dùng để đánh cận chiến. Chiến thuật của người Triều Tiên là đâm thẳng vào đội hình tàu địch để gây rối loạn, rồi tiếp tục nã đạn vào đối phương.
Theo sử sách Triều Tiên, cha đẻ của con tàu là đô đốc Yi Sun-sin (1545 - 1598), một trong những nhà quân sự lỗi lạc nhất của dân tộc Triều Tiên. Dù vậy, các phiên bản thuyền rùa đầu tiên đã được phát triển từ đầu những năm 1400. Vai trò của chúng trong thời gian này không mấy nổi bật do Triều Tiên duy trì được nền hòa bình trong một giai đoạn dài.
Thuyền rùa chỉ thực sự trở nên nổi tiếng khi được đô đốc Yi Sun-sin hoàn thiện và thống lĩnh trong cuộc chiến chống lại cuộc xâm lược của hải quân Nhật Bản do Toyotomi Hideyoshi chỉ huy từ năm 1592-1598. Trong cuộc chiến này, thuyền rùa đã lập nhiều nhiều chiến công, gây tổn thất nặng nề cho quân Nhật.
Ngày nay, thuyền rùa Geobukseon được coi là một biểu tượng lịch sử của dân tộc Triều Tiên. Có thể bắt gặp nhiều mô hình, tượng đài về con thuyền này ở các bảo tàng và địa điểm công cộng ở cả hai miền Triều Tiên.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Phong ba, phong nhã, phong biểu của Nguyễn Đình Thi


ĐẠO THÀNH

Nguênn Đình Thi sinh ngày 20/12/1924 tại Luang Prabang (Lào), mất 18/4/2003, hưởng thọ 78 tuổi. Gia đình ông gốc quê ở làng Vũ Thạch, hiện nay là phố Bà Triệu, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Từ đầu những năm 1940 ông tham gia Tổ Văn hóa Cứu quốc. Năm 1945 ông tham dự Hội nghị  Quốc dân Tân Trào, rồi được bầu làm Đại biểu Quốc hội của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khóa I. Sau Cách mạng tháng Tám, Nguyễn Đình Thi làm Tổng thư ký Hội Văn hóa cứu quốc. Đến thời điểm này, sự nghiệp sáng tác văn nghệ của ông chưa có gì đáng kể. Bởi thế, Nguyễn Đình Thi vẫn thuộc thế hệ nghệ sĩ trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp. Tuy nhiên, ông được đánh giá là người đa tài viết sách khảo luận triết học, viết văn, làm thơ, soạn nhạc, soạn kịch, viết lý luận phê bình văn học, làm quản lý Văn nghệ. Ông được Nhà nước phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học- Nghệ thuật, đợt I, năm 1996.
Phong ba
Cuộc đời hoạt động văn chương, nghệ thuật của Nguyễn Đình Thi đã để lại nhiều tác phẩm cho nền văn nghệ nước nhà. Thể loại nào ông góp mặt, ít nhất cũng để lại được một vài tác phẩm có tính chất kinh điển của văn nghệ cách mạng. Thơ có “Đất nước”, “Bài ca Hắc Hải”; Truyện gồm: “Xung kích”, “Vỡ bờ”; Tiểu luận phê bình có: “Công việc của người viết tiểu thuyết”. “Mấy vấn đề văn học”; Kịch gồm “Con nai đen”, “Rừng trúc”, “Nguyễn Trãi ở Đông Quan”; Nhạc có “Diệt phát xít”, “Người Hà Nội”…
Phải công bằng mà nói, đối với một người cầm bút mà để lại cho đời được một khối lượng tác phẩm tương đối đồ sộ như Nguyễn Đình Thi, hẳn văn đàn Việt không nhiều. Dẫu rằng tất cả các tác phẩm của ông đều chưa thể đạt đến độ mà đáng lẽ chúng hoàn toàn có thể. Nhưng, nhiều tác phẩm của ông ở các thể loại khác nhau đều có sức sống khá bền lâu trong lòng công chúng công nông binh mến mộ. Tuy nhiên, về lĩnh vực kịch, thì hầu các vở ông viết ra ở các thời điểm khác nhau đều bị cấm, như ba vở kịch nêu trên. Bởi một lẽ giản đơn, ông đã đặt ra vấn đề chủ nghĩa nhân văn, cái mà khi ấy đại bộ phận giới cầm bút và lãnh đạo văn nghệ, cũng như công chúng công nông binh chưa nghĩ tới hay không nghĩ ra được (!?)
Đa tài về văn chương- nghệ thuật là thế, nhưng từ năm 1955 trở đi, ông luôn vướng bận vào công việc quản lý văn học, nghệ thuật. Thậm chí ông còn là người ngồi chiếc ghế nóng Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam lâu nhất trong lịch sử, từ năm 1958 đến năm 1989. Từ năm 1995, ông là Chủ tịch UBTQ Liên hiệp các HVHNTVN cho đến lúc ra đi vĩnh viễn. Có lẽ vì thế mà có ý kiến cho rằng ông là người “tham quyền cố vị” chăng? Và không biết có phải vì thế mà Nguyễn Đình Thi có lần tự nhận mình là kẻ luôn “bị lỡ tàu” trong lĩnh vực sáng tác văn chương, nghệ thuật.
*
Trận thử lửa đầu tiên, căng thẳng nhất đối với nhà thơ Nguyễn Đình Thi là tại Hội hội nghị tranh luận văn nghệ Việt Bắc (từ 25-28/9/1949) trong đó có cuộc tranh luận về thơ Nguyễn Đình Thi. Chủ đề tranh luận là “thơ không vần”; đối tượng là thơ của Nguyễn Đình Thi thời đầu kháng chiến, mà cụ thể ở đây là một số bài thơ như: “Đêm mít tinh”, “Sáng mát trong…”, “Không nói”, “Đường núi”, “Khúc hát miền Tây”. Những người tham gia tranh luận, ngoài Nguyễn Đình Thi và một số rất ít người đứng về phía ông như Văn Cao, Nguyên Hồng, Nguyễn Huy Tưởng... Số còn lại tham gia tranh luận đều đứng về phía bên kia mà đại diện là Xuân Diệu và các văn nhân khác như: Tố Hữu, Xuân Thuỷ, Lưu Trọng Lư, Thanh Tịnh, Ngô Tất Tố, Thế Lữ, Phạm Văn Khoa, Nguyễn Xuân Khoát, Tâm Trung, Phan Thị Nga, Hữu Tâm, Xuân Trường… Trong cuộc tranh luận này, người ít cũng phát biểu một lần, người nhiều đến bốn lần. Vì không khí tranh luận quá sôi nổi và gay gắt, đến mức Xuân Diệu và Lưu Trọng Lư có lần đòi đuổi Nguyễn Đình Thi ra khỏi vương quốc thi ca.
Thế mới biết đây là một trận phong ba thực sự, khiến cho cả hai phía đều cần phải có những miếng đòn mang tính chất cân não mới mong hạ gục được đối thủ của mình về mặt văn chương, học thuật. Dù sao cũng phải thừa nhận đây là thời kỳ không khí dân chủ và cởi mở nhất trong sinh hoạt văn chương của nước nhà, mà sau này cho đến tận bây giờ, chúng ta ít gặp lại điều đó. Kể cũng lạ!
Trong lời kết luận của Chủ tịch đoàn, nhà thơ Tố Hữu nói: “Nhiều khi thấy bài thơ hay mà chưa chắc nó đã hay (…) Tôi không thể lấy cái “ta”  làm tiêu chuẩn. Người nghệ sĩ phải tự hỏi: quần chúng xem bài này thế nào? quần chúng có xúc cảm không?” (3)… Cái “ta” mà Tố Hữu nói ở đây chính là chỉ cái “tôi” trữ tình của tác giả. Điều này trái với “tính đại chúng” của văn nghệ thời bấy giờ, nên cái “tôi” ở vào thời điểm ấy không được chấp nhận, vì quần chúng công- nông- thời kỳ sau Cách mạng tháng Tám học hành còn ít, nạn mù chữ trở thành một thứ “giặc” gọi là “giặc dốt”, cùng với hai thứ “giặc” khác là “giặc đói” và “giặc ngoại xâm” mà Bác Hồ đã nhiều lần nhắc đến trong các bài nói chuyện và bài viết của Người thời kỳ dân tộc ta bắt tay vào cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược.
Sở dĩ thơ Nguyễn Đình Thi được đem ra mổ xẻ, vì mấy lẽ giản đơn: a) lúc ấy ông đang phụ trách Văn nghệ Cứu quốc; b) thơ ông đi ra ngoài quĩ đạo của thơ ca Việt truyền thống; c) thơ kiểu Nguyễn Đình Thi là “lệch chuẩn” so với Thơ mới (1932- 1941), nên hầu hết các nhà Thơ mới phản kháng quyết liệt.
Nói về thơ không vần, Xuân Diệu cho rằng: “về  chuyện vần hay không vần, tuy Xuân Diệu nói đây không phải vấn đề của thơ Nguyễn Đình Thi,nhưng những biện luận dài của Xuân Diệu cho thấy ông chủ trương thơ phải có vần, ông nhấn mạnh rất nhiều lợi ích của vần (a/ vần như chỗ nghỉ hơi; b/ giữ vần được xem như chỗ để “hồn thơ tựa vào câu thơ một cách vững chắc”; c/ vần giúp công chúng và tác giả nhớ thuộc; d/ vần gắn với thói quen của quần chúng, với tập quán tiếng Việt (4)
Còn: “Nguyễn Đình Thi gọi kiểu thơ mà mình đang theo đuổi là “thơ tự do” mà nét cốt yếu về hình thức là câu thơ dài hay ngắn, có vần hay không vần - đều “không quan hệ” (không quan trọng), không có chuẩn cố định. Đối với ấn tượng lạ lẫm trước “thơ không vần”, ông nói: “Có vần là một lợi khí rất đắc lực cho sự truyền cảm. Nhưng không phải hết vần là hết thơ…Những bài thơ cũ, cùng một nhịp đều đều, tôi không chịu được”. Đối với ấn tượng về ý thơ không “dính”, “đầu ngô mình sở”, ông nói: “Tôi không thích những bài thơ nói ra tâm tình. Nó phải nói ra cảm xúc: cảm xúc là tai nghe, mắt thấy, mũi ngửi, tay sờ, cảm thế nào nói thế ấy”. Ông không thích kiểu thơ kể lể tình cảm mà chủ trương “chỉ nói cái sống ra bằng những hình ảnh, thành cảm xúc”. “Thơ như thế không phải đầu ngô mình sở. Nó cũng có sợi dây nối liền những hình ảnh đó lại. Đó là một thứ dây lý luận rất khéo” (5) .
Có lẽ vì thế mà Thế Lữ hăng tiết lên lưu ý trước khi Chủ tịch đoàn kết luận Hội nghị về “sự “nguy hiểm” nói trên và giữ lại cho mình sự hoài nghi đối với các lập luận “nội dung mới phải đi với hình thức mới” của Nguyễn Đình Thi (6).
Rõ ràng cách phê phán của Xuân Diệu, Thế Lữ và những người cùng quan điểm với ông, nhất là các nhà Thơ mới và những người lãnh đạo văn nghệ lúc bấy giờ đối với thơ không vần của Nguyễn Đình Thi là muốn cứu vãn lại cái “thời oanh liệt nay con đâu” của những con mãnh thú giờ đang sống trong cũi “đại chúng hóa” ở vườn văn nghệ, mà nói thẳng ra là nôm na hóa nghệ thuật thi ca, đúng như hình tượng con hổ ở trong bài “Nhớ rừng” mà Thế Lữ đã viết.
Điều ấy càng chứng tỏ Nguyễn Đình Thi muốn tìm cho mình một hướng đi khác, nếu được, sẽ có lợi không chỉ cho riêng cá nhân ông, mà còn có lợi cho cả nền văn chương nước nhà. Chỉ tiếc là hướng đi của ông lộ hơi sớm, và chưa phải lúc, vì nó chủ yếu hướng đến nghệ thuật thi ca, chứ ít hướng đến đại bộ phận quần chúng ít học thời bấy giờ. Thứ nữa, ông còn muốn chứng tỏ rằng mình chẳng dính dáng gì đến Thơ mới cả. Vào thời điểm ấy, thơ không vần của Nguyễn Đình Thi là một sự cách tân táo báo, nên vấp phải sự phản ứng quyết liệt của những người “bảo hoàng hơn vua” cũng là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, về một khía cạnh khác, cũng nên thấy rằng với một “con ngựa hoang” như Nguyễn Đình Thi, sinh ra ở một nơi (đến nay vẫn chưa rõ), nhưng lại sống ở nhiều nơi, lại vừa đa tình, vừa đa tài, nên cũng cần phải có người “cầm cương” như vậy cho ngựa đỡ bất kham đi. Điều ấy thực ra là có lợi, vì nó càng làm cho ông cân chỉnh hơn, để rồi sau đó không lâu, 1958, không phải ai khác mà chính Nguyễn Đình Thi mới là người được chọn ngồi vào chiếc ghế nóng Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam kéo dài hơn 30 năm.
Phong nhã
Từ dáng đi, ánh mắt đến cái bắt tay, lời nói trong giao tiếp, Nguyễn Đình Thi đều toát nên dáng vẻ của một con người hào hoa, phong nhã, thậm chí có người còn bảo đấy là cốt cách của một nhà văn hóa lớn. Một nụ cười luôn thường trực trên môi, cặp mắt nheo lại mỗi khi gặp người khác, dù sau đấy mặc cho chuyện hay, dở thế nào có thể xảy ra, khiến ông trở nên người khá dễ gần. Theo nhân tướng học đây là con người có khả năng qui tụ được nhiều người khác quanh mình, làm cán bộ phong trào đoàn, hội thì rất tốt. Chẳng thế mà ông là nhà văn đầu tiên và trẻ nhất (22 tuổi) khi được bầu làm đại biểu Quốc hội Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khóa I, năm 1946.
Nhiều người cùng thời với ông trước đây bảo rằng, năm lên 17 tuổi, Nguyễn Đình Thi đã cao lớn, đẹp trai hơn người. Đã thế lại còn hát hát hay, học giỏi, nên chẳng những các cô gái Hà thành thời Tây chết mê chết mệt, mà ngay cả cánh nam sinh thời ấy cũng ghen tị với ông. Vậy nên, chưa đủ 18 tuổi, gia đình đã cưới vợ cho, khiến ông chẳng còn tâm sức nào để ý đến chuyện học hành gì nữa. Bố Nguyễn Đình Thi là thầy ký cho Sở Bưu điện Đông Dương của Pháp, có một thời gian làm việc ở Lào. Mẹ chạy chợ buôn bán, làm ăn phát đạt, có của ăn của để nên việc lấy con quan cũng là hợp lẽ. Người vợ cả của ông là Bùi Nữ Trâm Nguyệt Nga, cháu gái quan tuần phủ lúc bấy giờ.
Có lẽ Nguyễn Đình Thi có gien di truyền từ bố mẹ. Vì một lần thầy ký (bố ông) đi qua chợ, thấy một cô gái Việt kiều ở bên Lào, rất xinh đẹp ngồi bán bánh rán. Thả vài câu trêu đùa, vậy mà nên duyên vợ chồng. Thế mới tài chứ!  Sau này lần theo gia phả mới hay bà ngoại của nhà thơ là người Tàu, tên là Nìn Thị Hà, còn cụ cố ông là người Chà Và (Ấn Độ). Thân phụ Nguyễn Đình Thi sinh hạ được có 13 người con, nhưng có người khó nuôi, chết trẻ. Nguyễn Đình Thi được bố dạy từ nhỏ nên rất thông thạo tiếng Pháp.
Bà vợ cả Bùi Nữ Trâm Nguyệt Nga chết vì bị bệnh lao từ năm 1951, khi đã sinh với ông được ba đứa conVợ chết, ông đem con về gửi nhờ bà ngoại nuôi. Đến lượt ông bị bệnh lao và được Chính phủ cho đi Trung Quốc chữa. Trong thời gian chữa bệnh ở bên Tàu, Nguyễn  Đình Thi gặp Phạm Thị Trường. Bà gốc quê Hải Dương, trước đây bà là cán bộ địch vận, sau này học nghề y và là bác sĩ. Có thời kỳ bà Trường làm Giám đốc Bệnh viện hữu nghị Việt- Xô. Hai người trở thành vợ chồng của nhau. Đến năm 1955, về tiếp quản thủ đô, vợ chồng ông được phân một căn nhà khá rộng, đủ để cho hai vợ chồng và cả ba đứa con của bà cả cùng chung sống.
Bà Trường tham gia hoạt động xã hội từ khi còn rất trẻ, đi lại nhiều, ốm đau luôn, phải sang Liên Xô, Trung Quốc chữa trị mãi bệnh vẫn không thuyên giảm, nên chẳng có con. Bà chấp nhận ở vậy nuôi con chồng để ông còn có thì giờ đi “làm văn nghệ”.
Chết một nỗi cái dân thơ phú phần lớn là đa tình, nên chẳng rõ từ bao giờ, Nguyễn Đình Thi mê như điếu đổ cô diễn viên sân khấu khá nổi tiếng là bà Tuệ Minh. Sau một thời gian, ông đề nghị với bà Trường ly dị để lấy bà Tuệ Minh cho phải lẽ. Dùng dằng mãi rồi cuối cùng bà Trường cũng đồng ý ra tòa. Hôm ra tòa ông ngồi chờ vợ đến để nói lời biệt ly. Cũng may, không phải đợi quá lâu, chỉ 10 phút sau, bà Trường đến thật. Thế nhưng, một điều thật sự bất ngờ là bà đến tòa bằng… một cái cáng do hai cô y tá khiêng. Thi nhân thần hồn nát thần tính, còn tòa tuyên bố hoãn không xử nữa. Cực chẳng đã, bà Tuệ Minh chuồn đi Sài Gòn cho khuất mắt…
Nhiều người bảo rằng, Nguyễn Đình Thi là người nhẫn nhịn và cả nể, đặc biệt là đối với chị em. Ông sẵn sàng chiều chuộng và nhường nhịn họ đủ điều. Chả thế mà sau thời gian ấy ít lâu, người ta còn biết được ông có một mối tình với một nữ thi sĩ nổi tiếng. Tuy hai người có tính cách khác hẳn nhau, nữ thi sĩ nọ thì nồng nàn, mãnh liệt và sẵn sàng làm bất cứ điều gì vì tình yêu của mình, còn chàng thi nhân kia thì cứ thế mà chiều lòng mỹ nhân.
Đến cuối đời, chính Nguyễn Đình Thi tự thú nhận rằng mối tình lớn nhất của ông là với nhà thơ cộng sản Pháp, Madeleine Riffaud. Hai người gặp nhau năm 1952 ở Ba Lan, trong Đại hội Sinh viên- Thanh niên thế giới. Nữ sĩ này là người quá nổi tiếng. Bà đã từng sang Việt Nam và đi vào chiến trường sống cùng bộ đội giải phóng để viết cuốn “Ba tháng trong căn cứ rừng rậm”. Đến mức, nhiều người Việt Nam đã gọi bà bằng một cái tên rất trìu mến, “Chị Tám”. Nghe nói bà là em kết nghĩa của cố  Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Một trong số những vần thơ hay nhất của Nguyễn Đình Thi là bài “Nhớ”, viết tặng nữ sĩ Madeleine Riffaud, trong đó có những câu thơ lấp lánh, thật khó quên: “Ngôi sao nhớ ai mà sao lấp lánh/ Soi sáng đường chiến sĩ giữa đèo mây/ Ngọn lửa nhớ ai mà hồng đêm lạnh/ Sưởi ấm lòng chiến sĩ giữa ngàn cây/ Anh yêu em như yêu đất nước/ Vất vả đau thương tươi thắm vô ngần/ Anh nhớ em mỗi bước đường anh bước/ Mỗi tối anh nằm mỗi sang anh ăn”. Có người lại bảo, ông viết thế vì từ bé, khi còn học trường Bưởi, Nguyễn Đình Thi đã có thú nằm ngửa mặt lên ngắm sao trời. Và những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ ở rừng, mùa đông lạnh giá, chỉ có đốt lửa lên mới sưởi ấm được. Vậy là hai hình ảnh ấy cứ ùa vào thơ ông một cách khá tự nhiên.
Nhà thơ Nguyễn Đình Thi, không chỉ yêu nhiều mà còn hơi bị “tốn vợ” như dân gian thường nói. Nếu phiên tòa xử ly hôn không bị hoãn thì chắc chắn ông sẽ có ba vợ chính thức, còn vợ “không chính thức” thì chẳng biết đâu mà lần. Chả thế mà sinh thời có lần ông thắp hương lên bàn thờ bà vợ cả và khấn rằng: “Bà ghê lắm, không cho tôi thêm một đứa con nào cả” (2). Còn làng văn trước đây, một thời hay đùa nhau rằng ra đường cứ nhìn thấy ai lông mày rậm, mắt đen thì  đích thị đấy là con của bố Thi Tổng.
Phong biểu
Nguyễn Đình Thi ngồi vào chiếc ghế Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam vào đúng dịp vãn hồi vụ Nhân văn Giai phẩm (1956-1958). Điều này cho thấy cái giá ông phải trả tại Hội nghị văn nghệ Việt Bắc (1949) là không hề đắt. Có lẽ nhờ Hội nghị văn nghệ Việt Bắc mà Nguyễn Đình Thi trở thành một cái “phong biểu” cực kỳ tinh nhạy của làng văn nghệ nước nhà. Hình như ông đã đoán được mọi hướng gió nổi lên từ các chiếu văn chương, nghệ thuật, nên trận phong vũ dữ dội như Nhân văn Giai phẩm mà ông vẫn không hề thấy “hắt hơi sổ mũi” gì. Thế mới tài!
Với giới văn nghệ sĩ, Nguyễn Đình Thi là người có những ý nghĩ mới mẻ, táo bạo, khiến mọi người phải nể trọng. Còn với cấp trên, ông lại là người luôn biết nghe lời, thậm chí còn tỏ ra biết “sợ” nữa là khác. Kết hợp được hai phẩm chất ấy quả là người xứng đáng làm quản lý văn nghệ hơn ai hết.
Dẫu rằng, “sinh thời, ông luôn bị đố kị, dèm pha. Dân văn bảo ông viết kịch hay, dân kịch bảo ông viết nhạc hay, dân nhạc bảo ông làm thơ hay, dân thơ bảo ông viết lý luận phê bình hoặc triết học mới phục… Riêng tôi, mỗi lần trò chuyện với ông, tôi lại thấy ông hiện lên trước mắt mình như một nhà văn hóa…”(7)
Còn nhớ, vào thời kỳ 1979-1980, Nguyễn Đình Thi đương nhiệm chức Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam. Lúc này bắt đầu nổi lên một nhu cầu đổi mới nền văn chương “phải đạo”, vốn dĩ đã tồn tại quá lâu và có nhiều o bế, mà thực tiễn đời sống văn nghệ nước nhà không thể chấp nhận được nữa. Nguyễn Đình Thi, với tư cách là Tổng Thư ký HNVVN, đã ngầm dò được tín hiệu phát đi từ phe đổi mới, hòng chiếm lĩnh chiếc ghế nóng của ông. Nhưng không những không hề tỏ ra nóng nảy, mà trái lại ông rất điềm tĩnh, như không hề có phản ứng gì, vì ông đã có trong ta cái phong biểu trời phú để đo sự “nổi  đóa” của làng văn nghệ.
Một mặt, bên ngoài ông ủng hộ phe đổi mới đến mức một người như Nguyễn Khải mà vẫn tin đấy là thật, nên sau khi Nguyên Ngọc bị “trần” cho một trận về bản Đề dẫn và bài bài viết về văn chương phải đạo của Hoàng Ngọc Hiến đăng trên báo Văn nghệ, Nguyễn Khải khuyên Nguyên Ngọc: “mình cứ nhận đi là xongCòn các ông Nguyễn Đình Thi, Chế Lan Viên cũng nghệ sĩ lắm, họ sẽ đỡ cho ngay… (8)Thời kỳ này phe chống đối Nguyễn Đình Thi lúc đầu rất quyết liệt và sắc xảo. Có lúc tưởng chừng như “ông (Nguyễn Đình Thi- Đ.T) đã bị hất ra song vẫn quyết liệt tìm cách tái lập quyền lực cho bằng được. Giai đoạn ông kiên trì bám trụ giữ lấy vai trò của một người đứng đầu giới văn nghệ tới cái mức làm cho người ta cảm tưởng không ai thay thế được.(9)
Thế nhưng, nhờ có cái “phong biểu” mà trời cấp cho nên ông đã khiến gió thổi bay tung lên tận chín tầng trời cuốn theo những người thuộc phe đổi mới như: Nguyên Ngọc, Nguyễn Khải, Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Minh Châu và một số người khác nữa. Về mặt cá nhân, không biết trước và sau ông có ai tài như vậy không? Ông đã tìm cách nắm giữ cho được quyền lãnh đạo văn nghệ trong tay mình, một bằng một cách khôn khéo, ít đổ máu nhất, đến mức có những người trong phe đổi mới nghĩ rằng đây là ý nguyện của cấp trên, chứ không phải là của bố Thi và do bố Thi làm. Đấy là cái tài của Nguyễn Đình Thi không thể phủ nhận được.
Nhưng mặt khác, đấy cũng là cái thiệt cho nền văn nghệ nước nhà khi không thoát ra khỏi cái vỏ thủ cựu từng khuôn cứng văn nghệ hàng mấy thập niên, mà nó đã có mầm mống muốn thoát ra từ Hội nghị Văn nghệ  Việt Bắc 1949, khi ấy Nguyễn Đình Thi là người hăng hái nhất để mở đường cho một trào lưu văn nghệ mới ra đời hợp với nhu cầu thưởng thức của công chúng và xu hướng chung của thời đại. Thế nhưng 30 năm sau đấy, ông lại là một hòn đá tảng lớn ngăn giữa dòng đổi mới văn chương. Hóa ra sự đổi mới chỉ có thể diễn ra ở bình diện tác phẩm, chứ rất khó diễn ra ở bình diện quyền lực quản lý văn chương (!?)./.
Đạo Thành
------------------------------

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Chả có gì mới để Thư gián?






Duyên & Dâm



Sát thủ đầu mưng mủ


Tất cả vì tương lai con em chúng ta



Nước tăng lực phục vụ chóp bu trong phong trào phê & tự phê hế hế



Giàu hai con mắt, khó đôi bàn tay



Đến Lý Đức cũng chỉ có 6 múi thôi em.



 Hạc kình thiên tấn
 
 
Nghệ thuật vị nhân sinh
 
 
Bước quá độ từ bần nông lên tinh hoa
Bần nông tiêu sầu
 
Đúng òi, chị còn bán cả con nữa



Món khoái khẩu của các chị sồn sồn và hay ghen



Lợn mán & vũ điệu cân hơi



Sự khác biệt.



Há há há



Thì ra thằng Hiệp gà






Phần nhận xét hiển thị trên trang

Albert Camus : Sinh nhật lần thứ một trăm rất trầm lắng


Trọng Thành          
Mùng 7 tháng 11 năm 2013 là dịp kỷ niệm ngày sinh lần thứ 100 của nhà văn Albert Camus. Cho dù ông là một trong các nhà văn Pháp được đọc nhiều nhất và được dịch nhiều nhất, tại Pháp không hề có một nghi lễ chính thức nào được cử hành vào dịp này. Với người Pháp, tác giả của « Kẻ xa lạ » tiếp tục gợi nên những quan điểm đối kháng. Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Albert Camus, đài France 24 có bài viết mang tên « Alber Camus, một trăm năm ngày sinh rất trầm lắng ».

   Hôm nay mẹ chết. Cũng có thể là hôm qua, tôi không biết nữa ». Những lời đầu tiên của cuốn tiểu thuyết « Kẻ xa lạ » đưa người đọc vào trong cái phi lý của một thế giới thờ ơ đến da diết. Ở tuổi 29, Albert Camus cùng với cuốn tiểu thuyết, đi vào cõi bất tử của điện Panthéon cao quý của nền văn học Pháp. Chúng ta biết Camus ra đời cách đây 100 năm. Và ông không phải là người xa lạ với ai hay gần như là thế. Nhận giải Nobel Văn chương vào lúc chỉ mới 44 tuổi, Camus rất có thể là một trong số các tác giả Pháp được đọc nhiều nhất và được dịch nhiều nhất.
Tuy nhiên, đã không có một cuộc tưởng niệm chính thức nào tại Pháp, không có cuộc vinh danh quốc gia nào vào ngày sinh nhật lần thứ 100 của tác giả cuốn « L’Homme révolté » (Người nổi dậy) hay « Mythe de Sisyphe » (Huyền thoại Sisyphe). Trong khi, khắp nơi trên thế giới - từ Ấn Độ, Jordani, Mêhicô, Achentina hay Chilê – tổ chức sinh nhật Camus 100 tuổi, thì nước Pháp lại hờn dỗi.
Algeri : Trung tâm của cuộc tranh luận
Trung tâm văn hóa George Pompidou và Thư viện Quốc gia đã từ chối tiếp nhận bất cứ hoạt động nào. Và cuộc trưng bày vinh danh « Albert Camus : con người nổi dậy » (Albert Camus : l’homme révolté), đáng là đã trở thành một sự kiện sáng ngời trong chương trình Marseilles-Provence Thủ đô văn hóa Châu Âu 2013, cuối cùng bị hủy bỏ, sau các tranh chấp chính trị-văn hóa trở đi trở lại trong thời gian ba năm chuẩn bị. Sau khi nhà sử học Benjamin Stora bị loại khỏi chương trình và nhà triết học Michel Onfray bỏ cuộc, Nobel Văn chương 1957 phải vui vẻ với một cuộc triểm lãm quy mô nhỏ hơn, mang tên « Albert Camus, công dân thế giới », do một nhóm các nhà khoa học, sử gia và triết gia nhận tổ chức.
Việc chương trình kể trên bị hủy bỏ là tiêu biểu cho « nỗi bất an » (le malaise) Camus. Thành phố Aix-en-Provence đã vấp phải một cuộc luận chiến dữ dội xung quanh vấn đề vị trí của nhà văn trong thời gian chiến tranh tại Algeri, mảnh đất nơi ông chào đời ngày 7/11/1913. Sinh thời Albert Camus luôn từ chối ý tưởng về một Algeri độc lập, bởi ông cho rằng kỷ nguyên của chủ nghĩa dân tộc đã lùi xa. Tuy nhiên, ông cũng lên án những bất công mà người Hồi giáo Algeri phải chịu đựng, cũng như các định kiến về người Pieds-Noir (tức người Pháp và người Châu Âu nói chung sống tại Algeri). Ông muốn chấm dứt chế độ thực dân tại Algeri, nhưng cho rằng Algeri vẫn cần thuộc về liên hiệp Pháp.
Trong một bài viết cho tờ Huffington Post, sử gia Benjamin Sotora, chuyên gia về chiến tranh Algeri, soi sáng lập trường gây tranh luận của Albert Camus, như sau : « Ông [Camus] không phải là một ‘‘nhà tranh đấu vì độc lập’’ của Algeri, bởi vì ông không chấp nhận cái tương lai có thể bị từ chối đối với những người thân thiết của ông (…). Alber Camus từ chối nền độc lập, cũng có nghĩa là từ chối sự chia cắt. Ông là người nỗ lực dựng lên những cây cầu (…) Nhưng với cuộc chiến tranh Algeri, lịch sử đã tăng tốc, mệnh lệnh chính trị khẩn thiết xung đột với nỗ lực của Camus muốn tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và sự hòa giải [giữa hai bờ Địa Trung Hải – ndr] ».
Người bị nhạo báng hết cỡ
Ngay từ khi còn sống, Albert Camus đã làm bùng lên nhiều tình cảm dữ dội. Cuộc đời ngắn ngủi của ông, chấm dứt năm 1960, trong một tai nạn xe hơi, mang theo những mối tình bốc lửa và những hận thù dai dẳng. Người đã muốn chống lại mọi hình thức bạo lực và bảo vệ việc chung sống hòa bình đã phải trả giá : nhiều người đương thời chê ông là « một cái đầu lịch thiệp nhỏ nhen ».
Trong số các đối thủ số một của ông có Sartes và tạp chí « Les Temps modernes ». Năm 1957, khi Camus đoạt Nobel, và trở thành người Pháp trẻ nhất được giải thưởng cao quý này, ông bị ghét bỏ và nhạo báng hơn bao giờ hết. (…)
Hiện nay, Camus vẫn tiếp tục làm xúc động và gây tranh luận, «chủ yếu về mối quan hệ của ông với Algeri », theo sử gia Benjamin Stora. Trả lời phỏng vấn Le Figaro (trong bài « 100 năm ngày sinh của Albert Camus chia rẽ hơn là liên hiệp »), Benjamin Stora nhận xét : « Một số người ở Algeri vẫn không thể nào tha thứ cho ông ấy vì quan điểm cho rằng Algeri nên ở lại trong một liên hiệp với nước Pháp. (…) Và người ta cũng trách cứ Albert Camus đã tỉnh táo trước mọi người, khi biết trước sự thất bại của các ý thức hệ tập thể cách mạng được sùng bái. Những người cảm thấy bị mồ côi trước sự suy tàn của các ý thức hệ này chắc chắn là ghét bỏ ông ».
Camus : con người không phe phái chính trị nào chiếm đoạt được
Thật khó mà lấy được Albert Camus về phe mình. Đã từng có nhiều người toan tính chiếm lấy con người tự do này. (Tổng thống) Nicolas Sarkozy đã từng thất bại trong ý định đưa thi hài của ông từ nghĩa trang Lourmarin, ở Provence, về Điện Panthéon ở Paris, năm 2010. Ý định này không được hậu duệ của nhà văn đồng ý, vì e ngại « một sự thâu tóm chính trị », theo Jean Camus - con trai của nhà văn. Việc đưa một danh nhân vào Panthéon đặt ra vấn đề đồng thuận. Mà điều này lại chưa bao giờ có được.
Ngày 8 tháng 11 (Bộ trưởng Văn hóa và Truyền thông) Aurélie Filipetti đến Lourmarin, nơi chôn cất nhà văn. Trả lời phỏng vấn AFP, người có hiểu biết tinh tế về văn hào đưa ra nhận định « tôi tin rằng điều mà Camus có thể mang lại cho thế hệ trẻ, đó là những gì có thể áp dụng cho riêng mỗi người, và đồng thời mang lại một động lực mang tính tập thể ». Tuy nhiên, chính sự thúc đẩy tập thể là điều đang thiếu vắng ở đây.


*** Nguyên văn đoạn trả lời của bà Aurélie Filipetti cho câu hỏi «Phải chăng Albert Camus đang trở nên thời sự hơn bao giờ hết ? » là :
« Hoàn toàn đúng như vậy. Việc khẳng định rằng phải đối mặt với hiện thực, thay đổi nó bằng những tác động từ từ, làm việc với những gì rất gần gũi và bắt rễ trong đời sống hàng ngày của mỗi người, tất thảy điều đó là thực tiễn và tích cực, và điều đó có thể mang lại cả một khát vọng đoàn kết. Camus cũng là nhà văn của sự đoàn kết, trước hết ông là một người vì con người. Tôi tin rằng điều mà Camus có thể mang lại cho thế hệ trẻ, đó là những gì có thể áp dụng cho riêng mỗi người, và đồng thời một động lực mang tính tập thể. Tuy nhiên, ở Camus, cá nhân không biến mất đằng sau tập thể ». Phỏng vấn của AFP mang tựa đề Trăm năm Camus : "Ý nghĩa duy nhất của một thế giới phi lý, cuối cùng chính là hành động", theo Aurélie Filippeti.

Phần nhận xét hiển thị trên trang