GHI CHÉP Ở LÀNG
SUỐI HOA
Ở Kiến Thiết có ba điểm làng người H’Mông lập cư, tập trung tương đối đông. Qua cầu cạn Pắc Cụp,
phia trên bến Tram, chưa tới trung tâm xã, là lối rẽ vào Suối Triển. Một làng
người Mông nổi tiếng về nuôi nhiều gà xước và lợn sọc dưa.
Khỏi trung tâm xã một chút, theo
đường quốc lộ 2C lên Kim Bình có lối vào làng Suối Mu. Con đường cấp phối mới
mở sẽ đưa bạn đến một thung lũng rộng nằm bên trong thác nước nhỏ. Nơi ngày xưa
có đủng nước, vào dịp ngày trời nắng nóng thường bắt gặp hàng đàn lợn rừng tắm
ngụp, vùng vẫy vang động cả khu rừng. Những đêm trăng sáng thợ săn có lúc nhìn
thấy chúa sơn lâm ngồi chồm hổm trên mỏm đá rình mồi. Ban ngày cả vùng ríu rít
tiếng chim. Thỉnh thoảng vài chú nai tơ ngơ ngác, chạy vụt qua đường.
Nơi ngày nay bạt ngàn nương ngô của người Mông có sản lượng cao nhất nhì
tỉnh này ( Có người không tin vì chưa hiểu người Mông làm cách nào để có hiệu
quả như vậy? Nhưng đấy lại là câu chuyện khác, sẽ kể lần sau. Không muốn ôm đồm
trong bài viết này). Muốn tìm con trâu giống cực đẹp, để cày bừa hay tham gia
lễ hội chọi trâu hàng năm thì đến đây là chỗ thích hợp và dễ tìm hơn cả.
Còn một điểm nữa, tôi muốn kể với bạn, nếu bạn là người có thú thưởng
ngoạn sơn kỳ, thủy tú, thích nghe những câu chuyện đường rừng, thích tìm hiểu
về văn hóa sống của người Mông.. Mời bạn hãy cùng tôi vào Khuổi Rác. Cái tên nghe
thật không mấy ấn tượng, nhưng bạn sẽ nhớ rất lâu sau chuyến đi này bởi những
con người, sản vật bạn gặp nơi đây. Đó là một làng người Mông ở lưng chừng chân
núi có tên là Đỉnh Mười, một tọa độ được đánh dấu trên bản đồ khoáng sản từ
thời người Pháp còn đô hộ. Một đôi lần được nhắc đến trong “Những chuyện đường
rừng” của Lan Khai. Một nhà văn đáng kính về lòng yêu mến quê hương của ông,
người tỉnh này.
**
Thời ấy nơi đây còn là núi rừng hoang
vu, thưa dấu vết con người. Ít ai biết đến nơi hiểm trở này vì không có đường
đi lại.
Một bên núi đá
sừng sững, vách đá gần như dựng đứng không có lối lên. Một bên là dòng suối
sâu, lau lách rậm rịt, chỉ có chồn cáo mới biết cách ngang qua được con suối
này.
Người ta kể rằng cư dân đầu tiên ở đây
xưa kia là người Dao đỏ và một ít người Tày. Họ ở rải rác, thưa thớt lắm, dọc
theo hai bên bờ suối.
Một năm, đã
lâu lắm rồi, trời làm thiên tai, xảy ra trận đại dịch kinh hoàng. Người Dao bị
một căn bệnh kỳ lạ, không thuốc nào chữa khỏi, chết gần hết cả làng. Số còn lại
bỏ đi nơi khác.
Lâu ngày nhà
cửa mục nát, đồ đạc vụn gãy cuộn thành đám theo nước lũ cuốn thành từng bè rác
lớn trôi về.. Cái tên Khuổi Rác có từ độ ấy.
Một địa danh nghe đến, muốn nổi da gà
bởi bao câu chuyện ma thiêng, nước độc. Nơi bạt ngàn cây lá han, lá ngón, chỉ
có rắn rít, hùm beo ngự trị.. Người này nghe kể thêm vào một ít, người kia thêm
vào ít nữa.. Chuyện càng hoang đường, càng đáng sợ.
Mãi sau này số người Kinh miền xuôi lên khai hoang mới có con đường đi
men theo suối. Vẫn chỉ là con đường mòn nhỏ, có chỗ hiểm trở không mở được
đường, người ta phải lần theo lòng suối mà đi. Mùa lũ nước to thường bị gián
đoạn, làng Suối Hoa như một phần đất bị cô lập với bên ngoài có đợt kéo dài
hàng tuần lễ.
Đầu thập niên tám mươi, mới có
người H’Mông chạy giặc từ Đồng Văn về sau biến động biên giới phía bắc. Cuộc
định cư của họ ở đây là cả một câu chuyện dài đầy gian nan, cách trở.
Lúc đầu chuyển
đi, chuyển lại không biết bao nhiêu lần do nhiều quan ngại từ phía nhà quản lý.
Sợ ảnh hưởng đến sự toàn vẹn của rừng, sợ phức tạp di dân tự do, khó quản lý,
sợ đời sống người dân gặp khó khăn vì chưa có quy hoạch khu dân cư tổng thể,
lâu dài..vv
Nhưng rồi đất lành chim đậu. Làng
người H’Mông tồn tại từ đó đến giờ để có câu chuyện kể hôm nay.
**
Sùng Mẫn Cường là một trong số những chàng
trai người Mông khá đặc biệt. Cái vẻ hồn nhiên, xởi lởi hay chuyện rất khác với
bản tính trầm tĩnh ít nói của phần nhiều chàng trai người Mông ở lứa tuổi anh.
Anh là một
chàng trai H’Mông hiện đại, đi nhiều, biết nhiều chuyện, quen nhiều người, có
những ý tưởng độc đáo trong cách nghĩ cách làm. Lại sâu sắc những câu chuyện về
quá khứ của dân tộc mình.
Mùa xuân năm ngoái tôi gặp Sùng ở hội
chợ thương mại, anh nói với với tôi:
- Truyện anh
viết về người Mông chúng tôi còn chưa đúng mấy đâu. Muốn biết hôm nào lên chơi,
ngủ với nhau vài đêm, mình kể cho mà nghe..
Tôi hỏi chuyện
gì? Sùng bảo có mấy chuyện. Như chuyện về cây khèn, chuyện cái cửa vào nhà
người Mông, hay chuyện bánh dày chẳng hạn?
Quả thật lúc
đó tôi có hơi tự ái và cảm thấy lòng rất buồn. Mình đã rất công phu tìm hiểu,
chả lẽ mọi hiểu biết của mình về người H”Mông từ trước đến nay đều sai lầm? Đều
chưa chính xác? Và cần phải học hỏi lại từ đầu?
Ý
nghĩ ấy cứ tran trở áy náy mãi trong tôi. Định có ngày nào đó sẽ lên với Sùng
để hỏi lại cho rõ. Lẽ nào mình bằng lòng theo kiểu thầy bói xem voi?
Võ đoán, chủ
quan, hời hợt đối với bất cứ trường hợp nào cũng đều sai trái, tối kỵ. Huống gì
lại là công việc mình hết lòng hết sức để tâm tới?
Khuổi Rác từ ngày có người H’Mông về
đổi tên thành thôn Tiền Phong. Nhưng người dân ở đây thích gọi làng mình bằng
cái tên thật mới: “Làng Suối Hoa”.
Khi những vạt lá han, lá ngón dần biến
mất, cây đào có từ đã lâu trên đất này phục hồi, sinh sôi nảy nở thêm nhiều.
Cuối năm chuẩn bị sang xuân là cả cánh rừng hai bên lối đi đỏ thắm, lung linh
một màu hoa. Những cành đào đẫm sương buổi sáng, trong nắng lên đẹp đến nao
lòng. Khiến người ta liên tưởng câu chuyện ảo huyền, tưởng như không có thật
trên mặt đất, dưới gầm trời này. Có chút gì đó từa tựa như vào chốn bồng lai..
Nhưng phải một tháng nữa người ta mới
có thể nhận thấy phong cảnh ấy. Còn bây giờ dịp cuối năm chỉ có thể thấy những
vạt ngô vàng rộm phía xa xa, lưng chừng núi. Chỉ thấy con đường đất đỏ phơi
mình bên dòng suối trong xanh, nước dịu dàng, yên bình chảy ra sông, ra bể..
Chỉ gặp bên đường từng tốp ngựa mướt mồ hôi, lưng thồ nặng khoai tàu, ngô quả
về làng. Một đôi cô gái má hồng, chúm chím miệng cười, té nước đùa vui sau buổi
kiếm củi, nhặt nấm hương, mộc nhĩ chuẩn bị cho ngày tết. Cô nào cũng có trong
túi mang theo chiếc gương tròn nho nhỏ. “Người Mông dù bận rộn đến đâu, trước
lúc về làng cũng mặt quang mày sạch”. Ấy là người già bảo thế. Tay áo đỏ, màu váy
tươi hồng, thổ cẩm tự tạo của các chị các cô in bóng xuống làn nước
trong. Suối dẫu vô tình cũng phải gợn lên chút sóng lăn tăn cảm động, như khe
khẽ hát bài ca âm thầm kín đáo của mình.
Tôi lên làng Suối Hoa vào dịp gần tết của
người Mông. Một khung cảnh khác hẳn ngày thường. Bãi cỏ rộng đầu làng nhộn nhịp
người.
Không phải tìm
lâu, tôi bắt gặp ngay Sùng Mẫn Cường đang có mặt tại đấy. Anh bảo công việc
chuẩn bị vui chơi cho dân làng là việc cần gấp rút. Thương hiệu “Rượu chuối
Suối Hoa” đành gác lại đến ra giêng mới tiếp tục làm.
Cả năm có một lần tết, việc gì quan
trọng đến đâu cũng gác lại đã. Ngày xuân đâu phải việc riêng của đất trời, của
hoa hoa lá cỏ cây? Mùa xuân còn mùa của cả con người. Những con người quanh năm
vất vả, leo núi, trèo nương, vật lộn với mưa nắng ba trăm sáu mươi lăm ngày.
Cũng cần thư giãn, nghỉ ngơi, lấy thêm sức lực, hào hứng cho một năm mới chứ!
Tuy vậy Sùng cũng tranh thủ cho tôi biết: Anh đã tạm xong phần đăng ký
chất lượng theo tiêu chuẩn nhà nước cho mặt hàng mới mẻ của mình.
Tỉnh, huyện đã phê duyệt, máy lọc rượu,
đóng chai, nhãn hiệu đã đặt một cơ sở tin cậy mãi trong thành phố Hồ Chí
Minh. Lô hàng thực nghiệm đầu tiên đã ra
lò. Gọi là “Rượu chuối Suối Hoa”, đóng chai nom hình thức khá đẹp, chả khác gì
Vốt Ka hay Uýt xKi nhập ngoại.
Mới chỉ khiêm tốn, đủ uống chơi và làm
quà biếu trong dịp tết, chưa có nhiều để bán ra thị trường. Sùng có vẻ tư lư
khi anh bảo :” Còn vài vướng mắc khâu công nghệ do quy mô sản xuất còn bé nên
giá thành chưa được như ý muốn. Khả năng tiêu thụ có lẽ chỉ nơi nhà hàng khách
sạn mới chấp nhận. Vì giá còn khá cao chưa tiêu thụ được ngay trong vùng”.
Thì vẫn. “Cái gì mà chả “Vạn sự khởi
đầu nan”? Khắc phục dần tất sẽ được như muốn”. Tôi mừng, nỗi lo ám ảnh lâu nay
về rượu của nhiều người đã có lối ra.
Văn hóa rượu, nói gì thì nói với mọi
dân tộc đều không bỏ được. Ngày tư ngày
tết, khi có bạn hiền, có chén rượu nâng lên hạ xuống làm vui câu chuyện, vẫn là
cái không thể thiếu. Mà rượu không theo tiêu chuẩn, lại làm từ “men Tàu”, bằng
hóa chất như gần đây thực đáng ngại. Thứ men không ủ từ cơm nấu chín, mà ủ sống
ngay bằng gạo, rất được rượu, nhưng hại chưa biết đâu mà kể. Uống thứ rượu ma
quỷ ấy có người như bị phát điên, phát cuồng bởi tác động thần kinh. Không ít
đám sớ hay xảy ra các vụ va chạm, thậm chí gây chết người vì thứ rượu này. Chưa
kể những tác hại lâu dài khó lường do độc tố từ chất men mờ ám ấy gây nên!
Nói Sùng Mẫn Cường là anh trai mèo
hiện đại chắc không có gì là quá lời. Anh đã tìm và thấy lối ra cho sản vật của
quê mình. Những vạt chuối bạt ngàn dọc theo thung lũng tôi vừa đi qua từ nay sẽ
không chịu cảnh bị ép giá. Không bán được cho thương lái chuối quả, sẽ có nơi
tiêu thụ chuối ổn định là “Xưởng rượu” của Sùng. Một thứ rượu an toàn cho người
tiêu dùng được cất từ men lá, theo kiểu truyền thống của người Dao trong vùng.
Xã hội hòa nhập, các dân tộc học hỏi cái hay của nhau, không kỳ thị, bảo thủ ý
riêng của mình, thật là điều đáng mừng
Một sáng kiến
đáng kể như vậy, Sùng vẫn khiêm tốn nói: “Nếu như chưa có điện lưới quốc gia kéo
vào tận đây, dù có muốn đến mấy, ý đồ của của mình cũng không thành được!”.
Sùng nói với tôi như vậy. Điều đó đương nhiên rồi.
Chợt nhớ đến một hai câu chuyện trước
đây của mình. Quả là có chuyện không ổn thật. Mô tả gì mà ..những làng người
Mông tăm tối, nhà cửa sơ sài, thấp bé lụp xụp? Đã là cái rất xưa rồi. Nếu không
đến tận nơi, bạn sẽ nghĩ đây là câu chuyện viết để tuyên truyền!Thực ra là
không phải vậy.
Dọc hai bên đường những ngôi nhà trong
câu chuyện cũ hiển nhiên giờ này đã không còn.
Thay vào đó là những ngôi nhà rộng rãi, khang trang, cột vuông, kẻ
truyền, thưng ván được bào nhẵn nhụi. Có nhà còn lát đá hoa, cửa hộp như ngoài
thành phố. Trước cửa nhà nào
cũng có chảo ăng ten kỹ thuật số. Ti vi mấy chục kênh đủ các đài trong nam
ngoài bắc. Người làng Hoa Đào bây giờ nhìn ra thế giới, không còn bị hạn chế tầm
nhìn, cách nghĩ như nhiều năm trước đây.
Ngoài ngựa ra, xe máy nhà nào cũng vài ba
“con”. Xe xấu dùng vận chuyển ngô đỗ, thóc gạo. Xe đẹp để đi chơi.
Thỉnh thoảng người ta vẫn bắt gặp giữa
phố phường đông đúc của thành Tuyên chàng trai H’Mông đèo người yêu của mình
váy áo sặc sỡ ngồi phía sau trên những chiếc xe tay ga bảy, tám chục triệu..
Tôi ngồi đợi Sùng Mẫn Cường bên bãi cỏ
vẩn vơ nghĩ bấy nhiêu chuyện. Chuyện gì cũng khá bất ngờ.
Chỉ có mấy năm, trở lại đất này, làng người
H’Mông ở đây như một làng khác, mình chưa được tới bao giờ. Mới thấm thía
“Quyền lực mềm” của công nghệ thông tin, chủ trương “Điện đường trường trại” có
sức khởi phát, mạnh mẽ như thế nào!
Nghèo nàn lạc
hậu là kết quả của dân trí thấp dẫn đến dân sinh khổ cực, văn hóa không phát
triển được. Có điện, có đường là mở ra cục
diện mới, chấm dứt nghèo đói của người vùng cao.
Không có những thứ đó, làm sao có
chàng trai Sùng Mẫn Cường sử dụng thành thạo intơnet, để rồi đem ứng dụng nó
vào công việc thường ngày? Dùng máy phát cỏ tăng năng xuất lao đông gấp hàng
chục lần, mới có thể tra ngô hàng tạ giống, thu hàng chục tấn ngô mỗi vụ. Rồi việc
bảo quản vật nuôi, cây trồng thế nào cho
hiệu quả nhất?
Bây giờ thì anh đang hướng dẫn đám trẻ
trong làng trò chơi “Rồng ấp trứng”. Một trò chơi rất thú vị của người H’Mông
có từ lâu, nhưng chưa được chơi ở làng này. Sùng ghi chép tỉ mỉ từ hôm đi dự
tết Độc Lập trên Mộc Châu về, dạy cho lũ trẻ. Đây là trò chơi có từ năm đếm sáu
người tham gia. Một số hòn sỏi tượng trưng cho trứng rồng để ở giữa vòng tròn.
Một người sắm vai rồng chống hai tay quờ trên mặt đất cùng với hai chân làm
thành cái khung bảo vệ trứng. Người này phải là người nhanh nhẹn, khỏe mạnh,
tinh mắt, phán đoán được ý đồ đối phương. Năm người kia rình sơ hở lấy trứng
rồng. Nhưng nếu bị chạm vào tay vào người là bị thua cuộc. Sau thời gian nhất
định, trứng vẫn giữ được không mất quả nào, người đóng rồng sẽ thắng. Tuy nhiên
phải xoay chuyển liên tục mới có thể đối phó với “kẻ thù” xâm chiếm, bảo vệ
được trứng của mình.
Ngoài trò này ra, Sùng còn tham gia
chuẩn bị cho một số trò chơi khác như ném Pao, đẩy gậy, bắn nỏ cho mấy ngày tết
bắt đầu từ rằm tháng một này cho đến.. sang rằm tháng giêng.. Những trò này các
năm trước đã có rồi nên không cần hướng dẫn. Chỉ cần sửa sang lại bãi đất làm
sân chơi một chút là được.
***
Trong bữa trưa
hôm ấy, tôi hỏi Sùng bí quyết làm ăn thành công khá nhanh của anh? Sùng cười
thản nhiên:
- Thứ nhất chịu khó, bền bỉ. Thứ hai cái gì
chưa biết, chưa hiểu cứ hỏi “Gu gồ”, enter “một phát” là ra!
Thật là quá
bất ngờ đối với tôi về chuyện này. Nhà tôi có đám bưởi bị nấm dong, nguy cơ
thất quả vụ sau. Tôi lo. Mất công đi cả
ngày giời về trại giống cây trồng để hỏi cách trị bệnh này. Đáng ra chỉ mất mấy
phút tra trên mạng!
Cùng ngồi mâm với tôi còn mấy người
nữa. Cao tuổi hơn là bác Mùa A Tráng, nhà cách nhà Sùng Một quãng, Hầu A Chẩng,
Háng A Pao sấp sỉ với tôi, nhà xóm trên. Nhân câu chuyện về các họ người
H’Mông, Sùng nói:
- Các ông có
cái sai chết người về chuyện này, có biết không?
Tôi bảo không
biết. Sùng cho hay: “ Người Mông vóc dáng thấp, nhỏ do trước đây có cả quá
trình dài di cư, thiếu thốn về sinh hoạt. Nói suy dinh dưỡng do thời trước thì
được. Nhưng bảo do lấy vợ lấy chồng cùng huyết thống như cánh nhà báo mô tả là
sai hoàn toàn. Người mông không bao giờ có chuyện đó. Con trai con gái trước
khi kết bạn đều hỏi họ của nhau. Nếu không cùng họ mới lấy nhau được chứ? Dù ở
Thái Lan, ở Lào hay ở Mỹ ..Xa mấy cũng vậy thôi. Đã cùng một họ thì chỉ kết
bạn, không lấy nhau được đâu!”
Còn chuyện cây khèn, Sùng bảo tôi hỏi bác
Mùa A Tráng nói cho mà nghe. Bác Mùa đứng lên, lại chỗ gần chỗ kê giường nằm,
lấy ra cây khèn.
Ông bảo: “ Chả biết mày tả cây khèn thế
nào? Bọn người H’Mông tao hay nghĩ bằng mắt”. Rồi ông dựng cây khèn lên, chỉ
từng bộ phận: “ Đầu của cây khèn này tượng trưng cho ngọn núi cao, lưng chừng ở
giữa bầu khèn là làng bản người Mông ở quây quần lấy nhau, còn bên dưới là các
ống khèn này tượng trưng cho các ruộng bực thang..” Ông ngừng lời một lúc, lim
dim đôi mắt. Một lúc sau mới tiếp:
- Còn một câu
chuyện nữa. Đó là ban nhạc của mấy cha con người H’Mông xa xưa.. Mỗi người dùng
một cây sáo trúc to, nhỏ khác nhau để thổi. Người bố sợ sau này mình chết, các
con không đoàn tụ, mỗi người một phách, mất lòng nhau không còn ăn ý, mới chế
ra cái bầu khèn này để anh em họ gắn bó,hòa hợp với nhau..”
Tôi giật mình.
Bấy lâu cứ tưởng mình am tường đôi chút về văn hóa, lối sống người
H’Mông hóa ra
không phải!
Người H’Mông
hiểu giản dị mà lại sâu sắc hơn mình biết rất nhiều!
Rượu chuối làng Suối Hoa càng uống càng
êm, càng cảm thấy ngon bởi hương thơm dịu của nó. Câu chuyện vì thế càng vui.
Mỗi người góp vào một câu chuyện của mình, thêm một ý. Nhưng văn hóa là thứ
ngấm dần dần như rượu, không thể hấp tấp hỏi ngay, ghi chép ngay lấy được.
Cứ để tự nhiên người ta sẽ bộc lộ với
mình.
Câu chuyện về
tập quán làm bánh dày theo tôi hiểu trước đây lại là một sự sai nữa. Mình cứ
hình dung người H’Mông sống gắn bó với rừng, nơi sơn cùng thủy tận thường yêu
quý, coi trọng mặt trăng, thực ra không phải vậy. Ngoài ý nghĩa tượng trưng
trời tròn đất vuông khi làm thứ bánh này như nhiều dân tộc khác, người H’Mông
còn có câu chuyện riêng của mình.
Chuyện rằng:
xưa thật là xưa, trong bản người H’Mông có đôi trai tài gái sắc. Hai người yêu
nhau thắm thiết. Những đêm trăng sáng chàng trai có tên là Pờlai thường mang
khèn ra bờ suối thổi, đợi người yêu. Họ quấn quýt bên nhau đến gần sáng mới
rời. Dọc đường cô gái không may bị thần hổ cướp đi. Chàng trai đau khổ, quyết
tâm đi tìm. Trước khi đi chàng làm ra thứ bánh này để ăn đường. Qua hết năm
sông, mười núi vô cùng gian khổ..Thần hổ cảm tấm lòng son sắt thủy chung của
chàng, bèn để cho cô gái trở về đúng vào mùa hoa đào chớm nở.
Từ
đó tết người H’Mông dù giàu dù nghèo, nhà nào cũng có thứ bánh này..
Rồi cái cửa
của nhà người H’Mông vì sao lại chỉ mở trở vào bên trong, không mở ra phía
ngoài như các dân tộc khác.. Tôi ngồi nghe và hết sức ngạc nhiên bởi nhiều ý
nghĩa mới mẻ đến giờ mình mới biết.
Ngủ lại vài đêm như Sùng Mẫn Cường nói
là không thể. Năm hết tết đến rồi, tôi còn nhiều việc phải làm. Tết Nguyên Đán
chừng nửa tháng nữa mới tới, nhưng công việc bề bộn cuối năm phải chuẩn bị ngay
từ bây giờ.
Những câu
chuyện khác đành để lại lần sau. Từ giã mọi người, tôi rời làng Suối Hoa khi
trăng đã mọc.
Con đường rừng
nhấp nhoáng ánh trăng. Đâu đó văng vẳng tiếng cười xen trong tiếng nhạc. Ánh
điện từ ngôi nhà nào đó hắt lên vòm cây, không giống như ánh điện nơi phố thị, đơn sơ gần gặn mình hơn.
Có một chút gì
đó mơ hồ mà thật bâng khuâng!
======
Phần nhận xét hiển thị trên trang